Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lịch sử
Trả lại Sự thậtCông lý cho Lịch sử

Nhìn lại lịch sử (1)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Mục lục Trang chính

04/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm!

Một nghĩa trang quân đội gần biên giới Việt - Lào, nơi có 11 ngàn ngôi mộ của lính Bắc Việt. Hình minh họa.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục ngậm tăm cho dù đồng chí, đồng bào tiếp tục hối thúc chính thức trả lại sự thật cho lịch sử đối với hai sự kiện: Xe tăng mang số hiệu 390 chứ không phải xe tăng mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ông Bùi Văn Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975…

***

Dịp 30 tháng 4 năm nay, công chúng chỉ cho nhau xem bộ phim tài liệu điều tra Chuyện thật trưa 30/4/1975 (1), dài 1 giờ 12 phút, do một nhóm văn nghệ sĩ của “ta” (Phạm Việt Tùng - Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú. Trần Đang Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Thu Hằng – cựu Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. Minh Đức – cựu Phóng viên VOV. Nguyễn Thị Thu Hà – Chuyên viên Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chu Thùy Trang – Phóng viên VTC) thực hiện.

Chuyện thật trưa 30/4/1975 chỉ là phần tiếp theo của một nỗ lực kéo dài khoảng 20 năm của nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, nhiều giới (cựu quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, nghiên cứu lịch sử, phóng viên, văn nghệ sĩ,…) để thúc “ta”cải sửa“lịch sử”. “Lịch sử” của ta ghi nhận: Xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc lập, Đại úy Phạm Xuân Thệ là người soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975.

“Ta” đã nhiều lần không gặp… may đối với các sự kiện, vấn đề lịch sử và hai sự kiện vừa kể nằm trong nhóm thiếu… may mắn ấy. Có rất nhiều hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng,… đồng lòng hỗ trợ, tham gia chứng minh một cách hùng hồn, rằng hai sự kiện “lịch sử” vừa kể sai hoàn toàn với sự thật. Thậm chí, do bất bình trước những sự kiện, vấn đề “lịch sử” của “ta”, một số phóng viên ngoại quốc từng hiện diện vào thời điểm xảy ra hai sự kiện lịch sử này còn sang Việt Nam hỗ trợ ta… cải sửa… “lịch sử”…

Tuy nhiên ông Bùi Quang Thận – người chỉ huy xe tăng mang số hiệu 843 – đã tiếm công của những người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 vẫn bình yên, về hưu với quân hàm… Đại tá, nhâm nhi vinh quang của một… Anh hùng các Lực lượng vũ trang. Còn bốn người lính kia thì chỉ được… báo giới ghi công (2), sau “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” được “ta” cho giải ngũ sớm để bốc vác, bán hàng rong, chạy xe lam, cắt tóc, làm ruộng,…

Đáng nói hơn cả là bất chấp hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng,… cho thấy ông Bùi Văn Tùng mới là tác giả Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa – đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975, “ta” vẫn tổ chức vô số hội nghị, hội thảo để… bàn rồi… để đó! Ông Thệ tiếp tục thăng tiến với hào quang mà ai cũng biết là giả (Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 1).

***

“Ta” hay nói về… sự thật, về lịch sử song hai sự kiện tiếp tục nổi đình, nổi đám mỗi 30 tháng 4 như vừa đề cập suốt hai thập niên chính là bằng chứng rõ ràng nhất về những cái gọi là… “sự thật” trong… “lịch sử” của… “ta”! Những “sự thật” đó và “lịch sử” đó chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số “sự thật” gây tranh cãi không ngừng trong “lịch sử” của… “ta” dẫu rất nhiều hình ảnh, tài liệu, chứng cứ, nhân chứng, kể cả những nhân chứng của “ta”, chứng minh, khẳng định là… sai sự thật!

“Sự thật”“lịch sử” của “ta” chỉ phục vụ cho những lợi ích cả hữu hình lẫn vô hình của một số cá nhân, một số nhóm. Ngay cả khi những “sự thật”“lịch sử” ấy khiến đồng đội, đồng chí của “ta” bất bình, áy náy cho là cần cải sửa để “ta” không phải xấu hổ với hậu thế thì “sự thật”“lịch sử” vẫn tiếp tục phụ thuộc vào ý chí của vài nhóm nhỏ. Đến cả những cá nhân tưởng như rất lớn như ông Võ Văn Kiệt cũng phải khuyên những đồng chí muốn cải sửa nên tìm nhân chứng ở… bên ngoài đội ngũ của “ta” (3).

Muốn biết thêm về bản chất của “ta” đối với “sự thật” và “lịch sử”, sau khi tham khảo những link bên dưới bài này nên tham khảo thêm Những kẻ xuyên tạc sự thật ngày 30/4/1975 sẽ chuốc lấy thất bại trước ánh sáng lịch sử do Chương trình Nhận diện sự thật của Chương trình Truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện. Tuy không ngừng chế tạo… “sự thật”“lịch sử” nhưng trước đã thế và nay… cũng vậy. “Ta” vẫn dõng dạc thế này mà không ngượng, không ngại…

Sự thật hiển nhiên là như thế nên những kẻ nhân danh dân chủ, mượn danh tiếng nói của giới trẻ dù núp dưới các chiêu trò khảo sát, phỏng vấn và tự cho mình cái quyền đưa ra khuyến nghị, thực chất chúng chỉ là những phần tử cơ hội, phản động, cấu kết với thế lực thù địch, phản động để tìm cách xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta, luận điệu sai trái đó cũng cho thấy rõ chúng là những kẻ vong ân, bội nghĩa, xúc phạm xương máu của cha ông nên chắc chắc chúng sẽ bị lên án và thất bại trước ánh sáng thông tin chính nghĩa của sự thật và lịch sử (4).

***

Rõ ràng với “ta”, sự thật là một loại xa xỉ phẩm. Có những loại xa xỉ phẩm mà người ta không thể sắm. Riêng “ta”, sự thật là loại xa xỉ phẩm mà “ta”… không muốn sắm. Đã sắm sự thật thì phải vứt bỏ… tuyên truyền, giáo dục, có lẽ “ta” không… đành!

Chú thích

(1) https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw&ab_channel=DươngTháiBình

(2) https://tienphong.vn/gop-tieng-noi-cho-mot-su-that-lich-su-post1250048.tpo

(3) https://danviet.vn/dao-dien-nsut-pham-viet-tung-co-nhung-su-that-30-4-1975-can-lam-sang-to-de-khong-phai-xau-ho-truoc-lich-su-2021043023171841.htm

(4) https://www.youtube.com/watch?v=qeazykpdJUs&ab_channel=TRUYỀNHÌNHQUÂNĐỘI%7CQuandoiTV

Đầu trang

29/04/2021 - baotiengdan

Quay về giáo dục Việt Nam Cộng Hòa ư?

Chu Mộng Long
29-4-2021

Hội thảo về Giáo dục Việt Nam cộng hoà. Ảnh: PGS. Nguyễn Công Lý

Tôi thuộc trường phái giáo dục theo quan điểm tiếp cận phát triển (Developmental Approach). Tôi phê phán giáo dục hiện nay không phải vì những người làm chương trình và sách giáo khoa khác quan điểm mà vì họ hiểu vấn đề không đến nơi đến chốn, chắp vá và làm sai, kể cả động cơ vụ lợi của con buôn. Và cũng không vì phê phán thực tại mà rút lui về quá khứ, đem một mô hình giáo dục nào đó trong quá khứ ra làm mẫu, dù đó là giáo dục Việt Nam cộng hoà.

Nói thật, tôi ghét sùng bái quá khứ, dù là sùng bái lãnh tụ hay sùng bái một mô hình giáo dục nào đó. Bánh xe lịch sử luôn vận động về phía trước. Sùng bái quá khứ là đi ngược lịch sử.

Tất nhiên, tôi cũng không bao giờ sổ toẹt lịch sử. Một lần đã lâu, khi dự giờ một giảng viên trẻ với bài giảng về lịch sử giáo dục, tôi ngạc nhiên khi thấy giảng viên trẻ rất hăng tố cáo giáo dục phong kiến. Đó là nền giáo dục tầm chương trích cú, học vẹt, mục tiêu chỉ đơn giản là học làm quan, tức biến con người thành công cụ cho chế độ phong kiến… Cuối cùng là để làm đòn bẩy ngợi ca giáo dục XHCN. Lúc góp ý, tôi nhận xét, rằng cô nói đúng theo giáo trình soạn sẵn, tức cũng học vẹt. Tôi chứng minh cho cô thấy cái sự hiểu và đánh giá giáo dục phong kiến như vậy là rất hời hợt. Tầm chương trích cú có. Học vẹt có. Học chỉ để làm quan cũng có.

Nhưng riêng thi cử thì không. Bằng chứng, các đề thi từ thi hương, thi hội đến thi đình đều là những đề rất mở. Thí sinh chỉ tầm chương trích cú trong kinh sách để giải quyết những vấn đề thực tại. Chẳng hạn, năm đó có biến cố về thiên tai, địch hoạ, thậm chí một vấn đề đời thường, đề thi yêu cầu vận dụng hiểu biết trong kinh sách để viết ra một giải pháp nào đó, hoặc hiến kế cho vua hoặc áp dụng cho đời sống. Vậy là thí sinh phải sáng tạo. Không có chuyện chép mẫu như hiện nay. Bây giờ nhiều người trưng các đề thi của Mỹ ra để kêu gọi học tập chứ theo tôi thì chỉ cần sưu tập lại các đề thi thời phong kiến cũng đủ thấy nhiều điều phải học!

Giáo dục Việt Nam cộng hoà ư? Tôi đọc một số sách gần đây nói về nền giáo dục ấy, chỉ toàn ngợi ca và xem như khuôn mẫu. Bắt đầu từ triết lý: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, từ đó luận đến chương trình và đa dạng sách giáo khoa, đặc biệt ngợi ca sự thoát ly hay độc lập với chính trị, kể cả ngợi ca luân lý, đạo đức của nó…

Tôi cũng không sổ toẹt giáo dục Việt Nam cộng hoà, thậm chí đồng ý với những gì nền giáo dục ấy có được bằng chính thành tựu của nó. Nhưng xem một số ý kiến đòi copy nguyên xi chương trình và sách giáo khoa Việt Nam cộng hoà thay cho đổi mới hiện nay là không ổn.

Triết lý giáo dục ư? Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng thì hay quá rồi. Nghe nói ông Trần Ngọc Thêm chủ trì một đề tài cấp nhà nước cho riêng vấn đề triết lý giáo dục thì tôi bật cười. Nếu đã thấy triết lý trên là đúng, hay, thì cần gì một đề tài cấp nhà nước cho tốn kém tiền tỷ? Theo tôi, điều quan trọng là thực hiện triết lý đó thế nào hay cũng chỉ là một trong các loại khẩu hiệu loè loẹt, nói một đằng làm một nẻo. Tôi chỉ học lớp mẫu giáo rồi lớp 1, lớp 2, lớp 3 dưới thời Việt Nam cộng hoà nên không dám khái quát đầy đủ.

Riêng về tính nhân bản thì tôi chỉ thấy giáo dục Việt Nam cộng hoà không vượt qua thời phong kiến. Vẫn Tiên học Lễ, hậu học Văn, tức vẫn dùng Lễ trị như giáo dục Nho giáo. Lễ là phép tắc của tôn ti, cùng với nó là kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn bị quỳ xơ mít, quỳ hang kiến lửa và bị thước gõ trên đầu. Học trò nhìn mà sợ hãi rồi răm rắp làm theo cây thước của ông thầy để được gọi là “ngoan”. Giáo dục như vậy không thể gọi là “Nhân bản”, đúng là có được tính Dân tộc (theo nghĩa kế thừa truyền thống Nho giáo), nhưng không thể Khai phóng khi chân lý đã mặc nhiên thuộc về thầy!

Đành rằng giáo dục Việt Nam cộng hoà không như ngoài Bắc độc tôn một loại tri thức trong hệ tư tưởng Marx – Lenin mà đa dạng, tiếp cận nhiều nguồn tri thức của phương Tây, nhưng nói thoát ly hay “phi chính trị” hoàn toàn theo nghĩa không là công cụ phục vụ chính trị là không đúng. Nhớ hồi học lớp 2, lớp 3, tôi có học một số bài sặc mùi tuyên truyền chống cộng.

Chẳng hạn bài học có tranh minh hoạ 7 thằng Việt Cộng đeo cọng đu đủ không gãy, kể cả cộng sản ăn thịt người. Tiếc là sau 1975 ba tôi đã theo lệnh đốt hết những quyển sách ấy nên không thể trưng ra đây. Tôi không hề bịa, vì khi quân Việt Nam cộng hoà rút chạy, cộng sản tràn đến, tôi còn hãi hùng hỏi ba tôi “liệu họ có ăn thịt cả nhà mình không ba?” Đó là chưa nói nhiều bài học cho đến nay đã lỗi thời, cũ kỹ, không còn thích hợp với thời đại mà thế giới đã vượt qua hàng thế kỷ.

Nói về độ sạch, thì hiển nhiên giáo dục phong kiến sạch nhất, trừ những thời điểm suy đồi, có chuyện mua quan bán tước mới có loại “tiến sỹ giấy” như các cụ phê phán. Đó là nền giáo dục nghiêm minh đến mức các nhân tài như Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu vi phạm quy chế trường thi cũng bị xử nặng. Giáo dục Việt Nam cộng hoà cũng sạch, nhưng không phải không có tiêu cực. Chú tôi kể ra Huế coi thi tú tài, vì coi nghiêm mà bị các thí sinh chặn đánh hội đồng. Và chú kể, ớn nhất là các ông cảnh sát đi thi. Khi giám thị coi thi nghiêm là mấy ông này rút lựu đạn ra để lên bàn và cứ thế ung dung chép tài liệu hoặc copy.

Quan điểm của tôi, rất cần nghiên cứu giáo dục quá khứ nhưng không nên sổ toẹt, cũng không nên coi là mẫu mực. Tốt/xấu thời nào cũng có, điều quan tâm là vì sao hiện nay cái xấu lấn át cái tốt đến mức xã hội phải bức xúc, phẫn nộ? Giải quyết bức xúc, phẫn nộ hiên tại bằng những giải pháp mới, hiện đại chứ không thể quay đầu về quá khứ mà tôi gọi là não cối xay.

A. Einstein nói: ““Vấn đề của ngày hôm nay sẽ không giải quyết bằng những tư duy tương tự đã sản sinh ra các vấn đề từ thời điểm ban đầu”. Phải làm khác. Sáng tạo không bao giờ đồng nghĩa quay về khuôn mẫu cũ. Tôi chấp nhận một nền giáo dục trong cơ chế thị trường, nhưng phải xây dựng một hệ giá trị, hay cụ thể là đạo đức thị trường, chứ như cái thị trường chợ xổm hiện nay là không ổn. Tôi cũng chấp nhận sự tiếp thu giáo dục học hiện đại thế giới, lấy người học làm trung tâm, nhưng trước hết phải xây dựng một tiềm năng văn hoá xã hội đảm bảo tinh thần dân chủ đã.

Dân chủ từ trong gia đình, trong cơ cấu xã hội, trong tuyển dụng… Chính các điều kiện tối thiểu đó sẽ làm cho giáo dục tự nó vươn tới hiện đại và khai phóng. Không có điều kiện tối thiểu đó, mọi cải cách chỉ là giả, tốn kém và rối loạn thêm.

Đầu trang

04/22/2021 - rfavietnam

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thuyền Nhân & Thùng Nhân

Thứ Năm, 04/22/2021 - 07:05 — tuongnangtien

Rảnh nên tôi tạt ngang qua Manila vài bữa, dù chả hẹn hò hay quen biết với bất cứ ai ở hải đảo này. Cứ cách ngày tôi đổi khách sạn một lần, và mỗi lần lại chuyển qua một quận hạt khác (Makati, Malabon, Parañaque) thế mà nguyên tuần không gặp được một người đồng hương nào ráo.

Rời thủ đô của Philippines, điều tôi nhớ nhất là bữa ăn cuối cùng ở Oyster Plaza Hotel. Khách sạn bình dân, tuy cũng có cả bar rượu với restaurant nhưng lụp xụp trông đến tội. Thực khách vắng teo, thực đơn lèo tèo chỉ hơn chục món với giá khá bèo. Vốn tính hà tiện nên tôi chỉ đại vào món cá nướng chỉ vì … giá tiền thấp nhất.

Con cá nhỏ xíu xiu (rẻ là phải) được bọc kín trong giấy bạc, ướp đủ thứ gia vị lạ mắt nhưng trông không hấp dẫn gì cho lắm. Tôi không hảo cá, và cũng chả đói nên không đụng đũa. Cứ ngồi uống bia xuông cho đến khi thấy hơi xót ruột, tôi mới ngần ngại xêu nhẹ một chút cá bỏ vào mồm.

Má ơi, sao mà nó ngon dữ vậy nè. Tôi gọi thêm chén cơm trắng nữa. Lâu lắm rồi tôi mới có một bữa ăn chiều tử tế!

Ngoài ra, ấn tượng đậm nét hơn cả của tôi về Phi Luật Tân chỉ là sự nghèo nàn của xứ sở này. Nhà cửa, đường xá, cầu cống, và mọi phương tiện giao thông đều chật chội/ cũ kỹ/ tàn tạ ... ngó mà thương. Manila không thể nào so sánh với Bangkok, chỉ ngang cỡ Rangoon, và có lẽ hơi đỡ nhếch nhác hơn Phnom Penh với Vientiane chút xíu.

Dân Phi được tự trị từ 1935, hoàn toàn độc lập từ năm 1946. Hiến pháp và chính phủ của xứ sở này được tổ chức theo khuôn mẫu Hoa Kỳ. Tam quyền phân lập đàng hoàng. Người dân có tất tần tật mọi quyền tự do căn bản: cư trú, di chuyển, ngôn luận, tín ngưỡng, sở hữu tài sản đất đai ...

Có thể đổ lỗi cho chế độ độc tài/ toàn trị/ quân phiệt về sự khốn kgó ở Miên, ở Lào (hay ở Miến) nhưng giải thích sao về sự lam lũ ở Phi?

Nguyên cả tuần lễ mà tôi không biết làm chi cho hết ngày ở Manila thì Chu Vĩnh Hải cũng có mặt nơi đây. Ông đến tham dự một cuộc Hội Thảo Báo Chí, do Global Investigative Journalism Network tổ chức. Dân chuyên nghiệp có khác. Tuy bận rộn nhưng nhà báo của chúng ta vẫn thực hiện được một bài phóng sự (“Những Tao Ngộ Ở Manila ”) đặc sắc, về nhóm dân Việt tị nạn vẫn còn “kẹt” ở Phi. Xin ghi lại một trường hợp tiêu biểu:

Cách đây hàng chục năm, chuyến tàu vượt biên của ông Huỳnh Phong đã mất phương hướng, máy tàu bị hư hỏng, tàu bị trôi dạt vô định và hết sạch thức ăn nước uống. Nhiều người đã chết, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già.

Và dĩ nhiên họ trở thành những miếng mồi của lũ cá ở đại dương. Khi không thể chịu đựng đói khát được nữa, người thuyền trưởng đã phải đưa ra một quyết định đau đớn: để tồn tại, để đến được bến bờ, tất cả các thành viên còn sống sót trên tàu phải uống máu và ăn thịt người có nguy cơ chết cao nhất.

Và phương thức lựa chọn người chết là bốc số. Em trai của ông Huỳnh Phong là một trong số được chọn. Ông Phong đã phải uống máu và ăn thịt chính người em ruột mà ông yêu quí nhất. Và ông đã điên, đã quên đi gần như tất cả quá khứ.

Dễ có đến vài triệu thuyền nhân (*) như ông Phong chứ đâu phải ít. Không kể những kẻ đã vùi thây dưới lòng biển cả, người còn sống sót (đang tứ tán khắp bốn phương trời) tuy không điên loạn nhưng cũng chả muốn ai nhắc nhớ chi đến cái phần đời bi thảm của mình.

Với phần lớn dân Việt tị nạn vẫn còn sống sót từ thế kỷ qua thì quên vẫn thường dễ chịu hơn là nhớ, kể cả những kẻ đang cầm quyền ở đất nước này. Những dịch vụ “bán bãi thu vàng” của người vuợt biên, tuy có mang lại lợi nhuận không nhỏ nhưng lại không phải là kỳ tích kinh tế để họ có thể tự hào . Đó là lý do mà nhà nước hiện hành vận động mọi phương thức ngoại giao để yêu cầu các nước Á Châu “đục bỏ bỏ những bia tưởng niệm thuyền nhân.”

Chối bỏ quá khứ, tuy thế, không phải là phương cách tích cực để tiếp cận với hiện tại hay hướng đến tương lai. Vết thương của những thuyền nhân vào cuối thế kỷ hai mươi vẫn chưa kịp khép thì đầu thế kỷ này lại phát sinh ra những thuyền nhân mới. Tuy có tên gọi là nouveaux boat people nhưng họ không di tản bằng đường thủy.

“Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày. Khám xét những xe vận tải đầy ắp hàng đi từ nước này qua nước khác làm cho cảnh sát biên phòng phải điên đầu vì không phải là chuyện đơn giản lúc nào cũng làm đươc. Năm ngoái, hải quan Pháp đã khám phá được mười mấy xác chết người Á Châu vì ngột ở trong xe hàng, không biết có phải là Việt Nam không.” (Phương Vũ Võ Tam Anh, “Người Việt khốn khổ tại Paris” – 30 November 2009).

Đến nay thì đám “người Việt khốn khổ” này không chỉ có mặt ở Paris. Họ đã xuất hiện khắp Âu Châu, với một tên gọi khác (Người Rơm hoặc Truck People) và đã khiến cho công luận bàng hoàng, sau cuộc phát hiện của cảnh sát nước Anh về 39 xác người chết ngạt (trong một chiếc xe chở hàng đông lạnh) vào ngày 23 tháng 10 năm 2019.

Khi được phóng viên báo Nhân Dân (số ra ngày 31 tháng 8 năm 1987) hỏi về bi kịch thuyền nhân, Trung Tướng Nguyễn Đình Ước – Viện Trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam) – đã trả lời gọn lỏn:

“Đó là chuyện có thật … Đã có một bộ phận người Việt Nam bỏ đất nước ra đi. Không ít người đã thiệt mạng trên biển do bị chìm thuyền, bị bọn đưa người vượt biên trái phép lừa gạt giết chết. Đó đúng là một thảm cảnh nhưng là hệ quả do những chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài.”

Thảm kịch của đám truck people hiện nay cũng thế, cũng đến “từ bên ngoài.” Vụ này nhà nước Việt Nam cũng tuyệt đối vô can, và hoàn toàn không có dính líu gì ráo trọi. Báo Thanh Niên, số ra ngày 13 tháng 3 năm 2021, hớn hở cho hay:

Một người Việt bị cáo buộc là “người tổ chức” chính trong vụ vận chuyển lậu người vào Anh khiến 39 nạn nhân Việt thiệt mạng hồi năm 2019. Theo tờ Standard ngày 13.3 dẫn thông tin tại phiên điều trần dẫn độ tại Tòa sơ thẩm Westminster (Anh), người Việt này tên Ngo Sy Tai, được cho là 18 tuổi, sẽ phải đối mặt 20 năm tù nếu bị kết tội vận chuyển lậu người vào Anh.

Ngo Sy Tai đã chạy trốn đến thủ đô Berlin (Đức) và sau đó đến thành phố Birmingham (Anh) sau khi nhà chức trách phát hiện thi thể 39 nạn nhân Việt trong container tại Anh hồi tháng 10.2019. Các nạn nhân đã trả tới 13.000 bảng (417 triệu đồng) mỗi người cho chuyến đến Anh bằng “đường VIP”.

Tuy cũng thuộc “dạng” thế lực thù địch bên ngoài nhưng thủ phạm lần này, may quá, có tên họ rõ ràng: Ngô Sỹ Tài (18 tuổi) chính phạm trong những vụ chuyển lậu người vào anh vào nước Anh, vào năm 2019, khi mới vừa … 16!

Thiệt là tài không đợi tuổi!

Tin tức (thổ tả) như thế mà cả làng báo Ta, lẫn báo Tây, đều vồ vập phổ biến tùm lu mà chả thấy ai “thắc mắc hay khiếu nại” gì ráo trọi:

- Judge orders Vietnamese teenager to be extradited over Essex migrant deaths

- Vietnamese teenager, 18, accused of being key 'organiser' in people smuggling ring

Ai cũng hân hoan vì đã tìm ra một con dê để mang ra tế, dù chỉ là một chú dê con.

Chả hiểu hoàn cảnh của cậu bé mười mấy tuổi đầu này ra sao mà thay vì sống với mẹ cha, và cùng bè bạn ngồi dưới mái trường, lại lạc sang đến trời Âu; rồi trở thành một tay buôn người xuyên quốc gia, với tầm vóc quốc tế, dữ dằn đến thế?

Em đúng là một thiên tài, một sản phẩm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, đến từ một đất nước chuyên sản xuất ... thiên tai. Em đã “ứng” vào lời tiên đoán, cách đây không lâu, của Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi có niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.”

Tưởng Năng Tiến

(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

Đầu trang

26/04/2021 - voatiengviet

46 năm sau, ‘ta’ vẫn chưa thể tử tế bằng… ‘ngụy’!

Những người đang bị giam giữ tại Việt Nam; kể cả bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Photo Tập hợp từ Facebook.

Bà Thiều Thị Tân, một trong những cựu tù nhân nổi tiếng thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và là một trong những tấm gương của… chủ nghĩa anh hùng cách mạng (1) thành ra chẳng xa lạ gì với dân chúng Việt Nam, vừa liên lạc với ông Mạc Văn Trang (từng làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ GDĐT Việt Nam khoảng 30 năm) đề nghị ông ghi lại và giới thiệu về giai đoạn bà bị giam ở Bệnh viện Tâm trí mà thiên hạ quen gọi là Nhà thương điên Biên Hòa năm 1972…

Bà Tân và chị gái (Thiều Thị Tạo) nổi tiếng cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam từ thuở còn là thiếu nữ. Gia đình tuy nghèo nhưng học giỏi nên hai chị em bà học trường Tây từ bé đến lớn. Cả hai tự tìm - theo Việt Cộng, trở thành thành viên Biệt động Sài Gòn. Lúc đó, bà Tạo mới 16 tuổi đã được cử làm Đội trưởng Đội Binh vận, bà Tân chỉ 13 tuổi đã được cử làm Đội phó (2). Hai năm sau (1968), họ bị bắt vì mang chất nổ vào phá hoại Tổng nha Cảnh sát Quốc gia (giống như trụ sở Bộ Công an hiện nay)…

Cả hai bị Tòa án Quân sự Mặt trận của VNCH kết án và bị đưa ra giam giữ tại Trung tâm Cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo). Việc giam giữ hai thiếu nữ đã khiến chính quyền VNCH bị báo chí cả trong lẫn ngoài chỉ trích trích kịch liệt… Chính quyền VNCH thừa nhận sự khắc nghiệt của môi trường lao tù khiến bà Tân, bà Tạo suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần nên năm 1972, chuyển họ từ Trung tâm Cải huấn Côn Sơn về Trung tâm Cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa – nay là Đồng Nai)…

Chuyện chưa ngừng ở đó, áp lực từ dư luận khiến chính quyền VNCH phải mở cửa nhà tù cho các phái đoàn quốc tế đến kiểm tra các trung tâm cải huấn. Khuyến cáo của nhiều giới ở trong nước, của các chính phủ, tổ chức quốc tế khiến Bộ ngoại giao VNCH yêu cầu Bộ Nội vụ VNCH phải xem xét lại một số trường hợp, trong đó có trường hợp của bà Tân. Nha Cải huấn thuộc Bộ Nội vụ VNCH phải chuyển bà Tân đến Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa…

Bà Tân đã cho ông Trang xem toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc chuyển bà vào Bệnh viên Tâm trí Biên Hòa và đưa bà ra khỏi đó. Có rất nhiều công văn, công điện trao qua, đổi lại giữa Bệnh viện Tâm trí – Trung tâm Cải huấn Biên Hòa - Chỉ huy trưởng CSQG tỉnh Biên Hòa – Nha Cải huấn,… Những công văn, công điện ấy cho thấy, nhân viên y tế các cấp của Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa không run sợ, không mệt mỏi trong việc sử dụng tư cách thầy thuốc để bảo vệ bà Tân - bệnh nhân của họ.

Theo ông Trang, sở dĩ bà Tân liên lạc với ông, mời ông đến để kể chuyện cho ông nghe, trao hồ sơ cho ông đọc để ông viết Chuyện người tù Việt Cộng trong Bệnh viện Tâm thần VNCH (3) vì bà đọc được Thư gửi các thầy thuốc có lương tri mà ông công bố hồi cuối tháng rồi. Từ những thông tin liên quan đến cách thức đối xử với một số tù nhân chính trị của “ta” như: Lê Anh Hùng, Phạm Thành, Trịnh Bá Phương,… bị cưỡng bức điều trị tâm thần, ông Trang hy vọng các thầy thuốc nhớ và thượng tôn y đức (4).

Đó không phải là hy vọng của riêng ông Trang. Bà Tân cũng vậy. Bà hy vọng như vậy nên mới liên lạc với ông Trang, kể chuyện cho ông nghe, đưa hồ sơ cho ông đọc để ông có thể dùng trường hợp của chính bà như một ví dụ trong nỗ lực thúc giục các bác sĩ, các nhân viên y tế ráng nhớ, ráng ý thức dù ở dưới bất kỳ chế độ nào thì họ hãy cố giữ đúng lời thề Hippocrate, cứu chữa bệnh nhân đúng với lương tri của người thầy thuốc… Ông Trang chỉ kể chuyện, không bình luận dù có biết bao điều lớn lao đáng suy ngẫm

***

Cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của “ta” đang hối hả chuẩn bị để cuối tuần này long trọng kỷ niệm 46 năm ngày “đánh cho Mỹ cút, ‘ngụy’ nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. Sắp tròn nửa thế kỷ… toàn thắng nên dư dữ kiện thực tế để chính “ta” có thể so sánh – nhận định những khác biệt giữa “ta” với “ngụy”.

“Ngụy” tự điều chỉnh để hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền được xem là văn minh như phần còn lại của nhân loại, không phớt lờ chỉ trích, khuyến cáo của dân chúng, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, mở cửa – mời khảo sát hệ thống trại giam, thay đổi biện pháp tư pháp, không lên án những chỉ trích, khuyến cáo là… thù địch – xuyên tạc sự thật (5), hay gián tiếp chê bai những chỉ trích khuyến cáo là… ngu ngốc vì… dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam (6)...

“Ngụy” để tất cả các giới, kể cả trẻ con xem, nghe, tiếp nhận mọi thứ bất lợi cho mình, có lợi cho đối phương nên bà Tân, bà Tạo sớm… giác ngộ cách mạng khi còn là thiếu niên. “Ngụy” cho những dân biểu (như bà Kiều Mộng Thu – giống Đại biểu Quốc hội của “ta”), những luật sư (như Luật sư Tòa Thượng thẩm Nguyễn Long) sự tự tin vào quyền hạn, chức trách, hiệu quả công việc để đòi hệ thống công quyền phải cung cấp thông tin, thay đổi cách hành xử với cả những cá nhân nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Sự tự tin vào quyền hạn, chức trách nghề nghiệp, vị thế mà “ngụy” tạo ra nơi công dân của VNCH cũng là lý do các nhân viên y tế từ trên xuống dưới ở Bệnh viện Tâm trí đồng loạt kháng cự hệ thống cải huấn để bảo vệ bà Tân một cách nhiệt thành. Luật pháp và cách quản trị, điều hành quốc gia của “ngụy” khiến Bộ Nội vụ, CSQG phải xem xét - phúc đáp cẩn thận mọi yêu cầu, tiết lộ cả những thông tin mật để thỏa mãn đòi hỏi của thường dân do họ có quyền của giới khoác blouse trắng.

Bệnh viện Tâm trí hay Dưỡng trí viện của “ngụy” khác rất xa với bệnh viện tâm thần của “ta”. Thời “ngụy”, nhiều đồng chí của “ta” như bà Huỳnh Thị Ngọc - người mà năm 1972 ném lựu đạn vào đêm lửa trại của thanh niên (Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Hội Hồng thập tự), học sinh trung học Quy Nhơn tại sân vận động Quy Nhơn khiến một nữ giáo sư, 10 học sinh mất mạng, hơn 100 học sinh khác bị thương (7) – giả điên để hệ thống tư pháp VNCH phải gửi vào Bệnh viện Tâm trí điều trị rồi trốn thoát (8)…

Thời “ngụy”, Bệnh viện Tâm trí hay Dưỡng trí viện là nơi mà dân chúng, các tổ chức chính trị cả trong lẫn ngoài VNCH, các chính phủ, đòi “ngụy” phải an trí nhiều phạm nhân nguy hiểm cho an ninh quốc gia tại đó vì lý do nhân đạo. Thời “ta”, dân chúng, các tổ chức chính trị cả trong lẫn ngoài VNCH, các chính phủ không ngừng bày tỏ sự lo ngại, lên án “ta” vô nhân đạo, vi phạm nhân quyền khi biến bệnh viện tâm thần thành nơi đày ải, vô hiệu hóa những cá nhân bất đồng chính kiến.

Bà Ngọc – người theo lệnh của “ta”, vì muốn giết một tỉnh trưởng của “ngụy” mà liệng lựu đạn vào nơi có cả ngàn giáo sư, học sinh, rồi giả điên để né tránh trách nhiệm không chỉ được “ta” khen là… mưu trí dũng cảm mà còn được “ta” phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hồ sơ liên quan đến bệnh án của bà Ngọc vẫn đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Quận 3, TP.HCM)! Có thể đến đó để tận mục sở thị và kiểm chứng về sự khác biệt giữa “ta”“ngụy”.

Về ngữ nghĩa, “ngụy” là giả trá, xảo quyệt nhưng nếu không tử tế hoặc ít nhất là nỗ lực hướng đến sự tử tế thì “ngụy” không thể như đã thấy và trước những gì đang diễn ra trên thực tế dưới sự quản trị - điều hành của “ta”, bà Tân chẳng còn cách nào khác, đành phải dùng chính trường hợp của bà để khuyên đội ngũ nhân viên y tế của “ta”đối xử với những cá nhân bị “ta” cáo buộc là… chống phá đúng với lương tri thầy thuốc. Bao nhiêu người tin đội ngũ nhân viên y tế dám hành xử tử tế như lời khuyên của bà Tân?

Thậm chí bao nhiêu người dám đoan chắc một người như bà Tân có thể bình an vô sự sau khi vì muốn thấy sự tử tế mà mở miệng khuyên can. “Ta” có nên giữ mãi sự hãnh diện vì luôn luôn đi ngược hướng với “ngụy”, kể cả tử tế với những khác biệt, kễ cả đối lập, đối kháng như… “ngụy”. Thêm bao nhiêu năm nữa ta mới tử tế như… “ngụy”?

Chú thích

(1) https://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/nu-biet-dong-tuoi-13-va-qua-dam-thep-chan-dong-the-gioi-a32147.html

(2) https://www.phunuonline.com.vn/nu-tu-nhan-nho-tuoi-nhat-chuong-cop-a34000.html

(3) https://baotiengdan.com/2021/04/24/chuyen-nguoi-tu-viet-cong-trong-benh-vien-tam-than-vnch/

(4) https://baotiengdan.com/2021/03/29/thu-gui-cac-thay-thuoc-co-luong-tri/

(5) http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bao-cao-nhan-quyen-2019-cua-hoa-ky-lai-xuyen-tac-su-that-ve-tinh-hinh-viet-nam/15218.html

(6) http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/14845/Phan-ung-cua-Viet-Nam-ve-Bao-cao-Nhan-quyen-2020-cua.aspx

(7) https://tuongtri.com/2014/09/22/tham-sat-tai-san-van-dong-qui-nhon/

(8) https://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/anh-hung-llvtnd-huynh-thi-ngoc-nhung-thang-ngay-gia-dien-che-mat-giac-trong-bv-tam-tri-bien-hoa-513219.html

Thư gửi các thầy thuốc có lương tri

30 THÁNG BA, 2021 - vanviet

Thưa các Bác sĩ, các nhân viên y tế trực tiếp đem nghề nghiệp phục vụ nhân dân.

Chúng tôi biết rằng, ngoài một số người lợi dụng nghề Y để làm những việc bất chính nhằm trục lợi, số còn lại, các thầy thuốc tuân theo lời thề Hypocrates và những quy định về Y đức của Việt Nam, đều hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chúng tôi viết Thư này gửi đến Quý vị vì nỗi lo lắng, tình trạng Công an đã chuyển một số Tù nhân lương tâm, vốn là những người bình thường trước khi bị bắt, vào Bệnh viện Tâm thần. Gần đây là trường hợp các ông Lê Anh Hùng, Phạm Thành, Trịnh Bá Phương, cụ thể như sau:

1 – Tin cho biết ông Lê Anh Hùng khi từ chối uống thuốc, đã bị nhân viên y tế tại Bệnh Viện Tâm thần trung ương đánh đập dã man, trói chân tay vào giường và cưỡng bức tiêm thuốc tâm thần. (1)

2 – Trường hợp nhà văn Phạm Thành, vợ ông bà Nguyễn Thị Nghiêm, nói với đài VOA: “Ngày 24/11/2020, họ chuyển anh ấy từ trại số 1 Hỏa Lò thuộc Công an thành phố Hà Nội đến Viện pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường Tín. Ngày 25/11, Điều tra viên báo với tôi rằng như vậy. Trong lòng tôi rất hỗn loạn. Tôi không biết làm thế nào cả”.

“Tôi sống với anh ấy bao nhiêu năm thì tinh thần, sức khỏe của anh ấy bình thường, không có vấn đề gì về tâm thần cả. Bây giờ chuyển xuống Viện thì tôi không rõ họ thẩm định sức khỏe hay làm gì khác.”… (2)

3 – Trường hợp ông Trịnh Bá Phương, vợ ông, bà Thu nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

"Là anh Nguyễn Thế Bắc (công an), chỉ thông báo bằng mồm rằng đã trích xuất chồng em đi tới Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương 1 vào hôm 1 tháng 3 năm 2021”.

"Ngày 3 tháng 9 năm 2020 thì họ triệu tập em đến, họ hỏi em là: “Tình hình anh Phương ở nhà tâm lý có sao không và gia đình có ai bị tâm thần hay không?”

Em cũng trả lời họ là: “Ở nhà thì anh Phương khỏe mạnh, yêu thương vợ con và gia đình em cũng chả có ai bị tâm thần.”

“Họ cũng nói rằng trong quá trình điều tra thì anh Phương không trả lời và cũng không nhìn họ, anh lấy giữ quyền im lặng!”

“Tháng 12 năm 2020, anh Phương cũng nhờ một người gọi điện ra cho em và người đó bảo rằng anh Phương sẽ giữ quyền im lặng cho đến khi gặp được luật sư và cũng nhắc nhở gia đình không phải nói gì hết bởi vì mình có quyền im lặng". (3)

Trước thực tế như trên, dư luận xã hội rất lo lắng cho những tù nhân lương tâm có thể bị cưỡng bức uống thuốc, tiêm thuốc tâm thần như trường hợp ông Lê Anh Hùng.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ còn biết hy vọng vào những thầy thuốc có lương tri, thượng tôn Y đức sẽ cứu được các tù nhân lương tâm khỏi oan nghiệt này.

Chúng tôi tin rằng các thầy thuốc có lương tri vẫn luôn nhớ lời thề Hypocrates: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ… Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”… (4)

Hay như “12 điều Y đức là Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11 nǎm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế”. Trong đó Điều 2 ghi rõ: “Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh”…(5)

Thưa Quý vị, “Cứu một người phúc đẳng hà sa".

Chúng tôi hy vọng và cầu mong các thầy thuốc có lương tri hãy không tiếp tay cho tội ác, mà bằng Y đức và chuyên môn của mình, hãy cứu lấy các Tù nhân lương tâm thoát khỏi “thảm kịch tâm thần". Đó sẽ là Quả phúc của Quý vị do hành nghề lương thiện mà có được.

Xin gửi đến các thầy thuốc có lương tri Niềm tin và Hy vọng.

Sài Gòn, ngày 28/3/2021

TM CLB Lê Hiếu Đằng

Mạc Văn Trang

Chú thích:

1. https://www.rfa.org/…/blogger-activist-le-anh-hung

2.(https://www.voatiengviet.com/…/nha-van…/5687185.html)

3.(https://www.rfa.org/…/activist-trinh-ba-phuong…).

4.https://vi.wikipedia.org/…/L%E1%BB%9Di_th%E1%BB%81

5.https://thuvienphapluat.vn/…/Quyet…/40182/noi-dung.aspx

Đầu trang

24/04/2021 - baotiengdan

Chuyện người tù Việt Cộng trong Bệnh viện Tâm thần VNCH

Mạc Văn Trang
24-4-2021

Đó là chuyện của nữ biệt động Sài Gòn nổi tiếng THIỀU THỊ TÂN.

Sau khi đọc “Thư gửi các thầy thuốc có lương tri” của tôi, nói về sự nghiệt ngã của các tù nhân lương tâm vừa qua và hiện nay bị đưa vào bệnh viện tâm thần, chị đã gọi điện cho tôi, muốn gặp để ghi lại giúp câu chuyện của chính bản thân chị đã từng vào “NHÀ THƯƠNG ĐIÊN BIÊN HÒA” (BV Tâm Trí) của Việt Nam Cộng hòa ra sao.

Chuyện chị Thiều Thị Tân và chị gái là Thiều Thị Tạo trở thành biệt động Sài Gòn như thế nào, bị bắt, bị tù ra sao, các “báo chí cách mạng” đã viết nhiều rồi. Tuy nhiên ở đây cũng cần nhắc lại một chút bối cảnh của câu chuyện liên quan đến Thiều Thị Tân.

Thiều Thị Tân sinh ngày 31/1/1953 và chị gái Thiều Thị Tạo lớn hơn 3 tuổi. Cha mất sớm, mẹ mua gánh bán bưng, nhưng một sự khác thường là từ Mẫu giáo và Tiểu học các chị chỉ học tiếng Pháp ở Trường Tây như tiếng mẹ đẻ và đến Trung học thì vào trường Lycée Marie Curie tại Sài gòn, nhưng trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục bên Pháp.

Chịu ảnh hưởng tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái và được dạy dỗ tinh thần thượng tôn dân tộc, 11 tuổi đã được học Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nên khi 12 – 13 tuổi, Tân đã muốn phải làm gì để ngăn chặn người Mỹ đem máy bay ném bom miền Bắc và tàn phá làng mạc Miền Nam.

Nhiều đêm Tân khóc về thảm trạng đó của đất nước mình. Bạn bè “tây con, đầm con” của Tân quan tâm hỏi han vì sao Tân khóc sưng mắt, Tân đem 2 tấm bản đồ Việt Nam và Pháp ra cho bạn bè bu lại coi và giải bày tâm sự u uất không dám nói cùng ai: “Tao khổ lắm. Nè, tụi bay thấy hông? Nước Pháp của tụi bay bự như cái bánh, còn nước Việt Nam tao mỏng dánh như cái lá lúa, ngang đây là Vĩ tuyến 17 chia cắt hình chữ S nước tao ra làm 2, máy bay Mỹ cứ ném bom từ cái đường ngang này trở lên thì phân nửa nước tao sẽ rơi xuống biển. Mai mốt tao lớn lên, nước tao sẽ chỉ còn lại phân nửa hình chữ S mà thôi“! Và Tân “khóc hụ hụ dưới tàng cây cổ thụ giữa sân trường” … Các bạn nhỏ của Tân mới 11-12 tuổi, ôm Tân an ủi, chia sẻ nỗi đau buồn.

Báo chí Sài Gòn ít đưa hình ảnh tốt về người chiến binh “Việt Cộng”, nhưng học sinh trường này lại thường xuyên được xem các báo Le Monde, báo Time, báo Life, báo ảnh nước ngoài và bắt gặp những hình ảnh các anh chị du kích Miền Nam với mũ “tai bèo” và chiếc khăn rằn duyên dáng; anh lính phòng không Miền Bắc với pháo cáo xạ, tên lửa cùng những cành lá ngụy trang rung rinh trên đầu… càng ngắm nhìn càng hấp dẫn, sống động tuyệt vời …

Thế là hai chị em Tân chủ động đi tìm Việt Cộng xin được “bắn máy bay Mỹ”! “Nhưng mấy chú bảo, nhiệm vụ của các con là làm công tác binh vận trong hàng ngũ đối phương. Chiến trường của các con là nội đô Sài Gòn. Sau đó được mấy chú giảng giải về lý luận và phân tích ‘Tương quan TA và Địch’ vô cùng hấp dẫn, thuyết phục… Rồi huấn luyện kỹ năng hoạt động”… “Các chú bảo đưa một người từ nông thôn vào nội thành vô cùng gian nan, còn các con thì ngon lành quá rồi, vốn quý của nội đô đó”!…

Thiều Thị Tân nhờ học giỏi, nhà nghèo được học bổng toàn phần, lại năng động nên được nhiều bạn học cùng trường Tây là con các tướng lĩnh, các viên chức cao cấp chơi thân; Tân thường được ông bà, cha mẹ của các bạn nhỏ cho phép về nhà chơi, thậm chí còn được vào cả trong Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu một cách dễ dàng khi có yến tiệc.

“Công tác binh vận” thì chưa sao, nhưng đến khi thực hiện nhiệm vụ đem chất nổ đánh vào Nha Cảnh sát Quốc gia thì bị phản vận, bị bắt cả hai chị em vào ngày 5/11/1968, lúc thiều Thị Tân mới 15 tuổi.

Thiều Thị Tân vừa kể chuyện vừa lật từng trang của bộ hồ sơ dày mấy chục trang, rất chi tiết, cụ thể và khá ly kỳ…

Theo báo cáo KHẨN của “Nha cải huấn gửi ông Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ ngày 21/12/1972 về việc bà dân biểu Kiều Mộng Thu yêu cầu cho biết nơi giam giữ, số đính bài và sức khỏe của 5 can phạm đặc biệt”, trong đó có Thiều Thị Tân thì được biết: “Thiều Thị Tân tự là Danielle có đính bài 17083/HC bị bắt 5/11/1968, TAQS … xử ngày 27/6/1969 phạt một năm tù treo về tội ‘bình vận phân khu 2 cộng sản’, bị an trí và gia hạn an trí tất cả 4 lần cộng 36 tháng, đáo hạn an trí 20/6/72. Y can thuộc thành phần ngoan cố hiện bị giam giữ tại Trung tâm cải huấn Côn Sơn, tình trạng sức khỏe kém”…

Còn quá trẻ, bị đầy ra Côn Đảo, chế độ nhà tù khắc nghiệt, với quá nhiều áp lực, khiến Thiều Thị Tân suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần nên được đưa về Trung tâm cải huấn Tân Hiệp, Biên Hòa. (TTCH)

– Ngày 29/2/72 bác sĩ Brown của sứ quán Hoa Kỳ đến thăm tình hình hai phạm nhân mà báo chí nói đến nhiều là Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo. Hai chị em nói tiếng Pháp, tiếng Anh tốt, nên đã lên án sự khắc nghiệt của nhà tù và kể về bệnh tình cho bác sĩ Brown biết. Sau đó báo chí quốc tế cũng lên tiếng, khiến Bộ Ngoại giao yêu cầu Bộ Nội vụ cho biết cụ thể về về hai trường hợp nữ tù nhân nhỏ tuổi này…

Trước tình hình đó Nha cải huấn đã chỉ thị TTCH đưa Thiều Thị Tân vào BV Tâm Trí Biên Hoà.

– Ngày 5/4/72, TTCH chuyển Thiều Thị Tân đến BV Tâm Trí Biên Hòa.

Số nhập Viện trên Giấy Thâu nhận và trên “Chứng Chỉ 24 giờ” là 240972 và được đưa về Trung tâm Dưỡng Trí Biên Hòa (tức Trại 13, thuộc BV Tâm Trí) có biên bản thu nhận bệnh phạm Thiều Thị Tân.

– Ngày 6/4/72 Trại 13 ghi “CHỨNG CHỈ 24 GIỜ” như sau: Trung tâm cải huấn Tân Hiệp gởi bệnh nhân Thiều Thị Tân vô: La lớn, múa may chân tay, cười vô cớ, kích thích nhiều. Hiện: Nói, cử chỉ bất bình thường, la lớn, cơ thể rất yếu, xanh xao, không đi được, 2 chân yếu (run run)”… Và mỗi ngày đều có ghi “Chứng chỉ 24 giờ”.

– Ngày 2/5/72 (và ngày 19/6/72) Luật sư Nguyễn Long, Tòa Thượng Thẩm gửi văn thư yêu cầu BV cho biết chi tiết tình trạng bệnh của Thiều Thị Tân để có thể đề nghị cho tại ngoại hầu tra.

Bệnh Viện đã phúc đáp LS Nguyễn Long “Không thể cho biết các chi tiết bịnh trạng của BN Thiều Thị Tân nếu không có tờ triêu dụng của Ống Dự Thẩm”…

Chị Tân kể: “Những ngày ở Trại 13 BS điều trị và tất cả các nhân viên y tế đều hết lòng, tận tình chăm sóc người bệnh. Họ không cho các nhân viên an ninh đến gần, vì làm bệnh nhân bị kích động, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Trong khi đó người nhà được vào thăm hỏi, chăm sóc. Tân sung sướng nhất là Mẹ được vào Trại chăm nom và có đêm ngủ cùng với Tân. Chưa đầy hai tháng mà sức khoẻ Tân hồi phục; Tân được đọc báo chí, rất thoải mái tinh thần”…

Giờ đây kể lại những câu chuyện về sự quan tâm chăm sóc của Bác sĩ, các nhân viên y tế ở Trại 13, Tân vẫn còn xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt…

– Ngày 1/6/72 TTCH gửi Công điện do Quản Đốc Bùi Thanh Tâm ký và nhân viên an ninh Nguyễn Hữu Hoàng cầm tay đến BV Tâm Trí: “Trân trọng yêu cầu quý Viện cho biết tình trạng sức khỏe của Bệnh phạm Thiều Thị Tân … Nếu hết bệnh cho chúng tôi lãnh về”...

Nhưng BS điều trị và BS Bệnh viện trưởng đi vắng, ba nhân viên an ninh của TTCH đã đến Trại 13 nói với nhân viên phụ trách Trại cho lãnh Tân về. Sau nhiều trao đổi căng thẳng, nhân viên phụ trách Trại đã ký biên bản giao Tân cho bên an ninh.

– Được tin này bác sĩ điều trị và bác sĩ Bệnh viện trưởng BV Tâm Trí rất bất bình, yêu cầu Trưởng Trại phải phúc trình rõ sự việc.

– Ngày 1/6/72, Giám Thị Trưởng Trại 13, Bà Nguyễn Thị Xuân làm phúc trình gửi cấp trên về chi tiết 3 nhân viên TTCH đến lãnh bệnh nhân trái phép như thế nào. Nhưng mấy nhân viên an ninh khám xét thấy Tân có giữ 100.000 đồng, và đọc rất nhiều báo chí, họ cho rằng Tân chỉ giả vờ, chứ đã hết bệnh…

– Ngày 1/6/72 BV Tâm Trí Biên Hòa gửi ngay công văn cho Quản Đốc TTCH V/v bệnh nhân Thiều Thị Tân, nội dung:

“KÍnh Ông Quản Đốc, Phúc đáp công điện ngày 1.6.72 số 205/ TTCH/TH, chúng tôi xin báo quý Trung Tâm biết BN Thiều Thị Tân chưa khỏi bệnh, nhưng ngày 1.6.72 nhân viên của Trung Tâm đã lãnh BN ra mà không có ý kiến của chúng tôi. Về phương diện y khoa chúng tôi thỉnh cầu quý Trung Tâm cho bệnh nhân được tiếp tục điều trị thêm cho lành bệnh / Trân trọng kính chào Ông Quản Đốc”.

Để tránh rắc rối, bên an ninh đã quyết định đưa Thiều Thị Tân ra nhà tù Côn Sơn ngay ngày 2/6/72. Chị đâu có biết những chuyện rắc rối giữa bên y tế và an ninh với bao nhiêu “công điện”, “phúc trình” “Tờ trình” “Mật”… qua lại giữa các cơ quan hữu trách.

– Ngày 3/6/72 Trưởng Ban bệnh nhân Nguyễn Văn Dữ, BV Tâm Trí Biên Hòa làm “Tờ Trình” cho cấp trên v/v đã “nhiều lần giải thích” cho nhân viên TTCH v/v lãnh bệnh nhân ra, nhưng họ cố ý làm trái.

Ngày 3/6/72 TTCH gửi báo cáo lên Nha Cải huấn tường trình việc lãnh Thiều Thị Tân về là có được sự đồng ý của nhân viên quản lý Trại 13 đã ký vào biên bản…

– Ngày 9.6.72, Bệnh Viện Tâm Trí Biên Hòa lại có tiếp công văn thứ 2 cùng nội dung nhưng lời lẽ bắt đầu có phần gay gắt hơn: “Kính gởi Ông Quản Đốc Trung Tâm Cải Huấn Tân Hiệp / trích yếu A: V/v Bệnh nhân Thiều Thị Tân / Nội dung: “KÍnh Ông Quản Đốc, Phúc đáp công điện ngày 1.6.72 số 205/ TTCH/TH, chúng tôi xin báo Ông Quản Đốc hay: BN Thiều Thị Tân chưa khỏi bệnh.

Cùng ngày nói trên, nhân viên cầm công điện của Trung Tâm đã rước bệnh nhân TÂN ra mà không đợi sự đồng ý của Y sĩ điều trị và sự chấp thuận của Bệnh Viện theo thủ tục xuất viện thường lệ.

Trên phương diện y khoa, chúng tôi thỉnh cầu Trung Tâm cho Bệnh nhân TÂN được tiếp tục điều trị cho đến khi lành bệnh.

Trân trọng kính chào Ông Quản Đốc.”

– Do phản ứng của BV, ngày 16/6/72, Nhân viên Nguyễn Hữu Hoàng của TTCH đã phải làm “Tờ Trình” gửi cấp trên về sự việc đi lãnh Thiều Thị Tân như thế nào.

– Ngày 13/6/72, Giám Đốc Nha Cải Huấn gửi công văn đến chỉ huy Trưởng CSQG Biên Hòa Trích yếu: “v/v nữ can phạm Thiều Thị Tân điều trị tại BV Tâm Trí Biên Hòa, đồng kính gửi Ô Giám Đốc BV Tâm Trí Biên Hòa để kính tường“…

Ngày 17.6.72, TTCH phải làm công văn 3 trang (đóng dấu MẬT) gửi cấp trên là Nha Cải Huấn và đồng kính gửi BS Giám Đốc BV Tâm Trí Biên Hòa “để kính tường”.

Ngày 18.6.72, Chỉ Huy Trưởng Cảnh sát Quốc Gia Tỉnh Biên Hòa phải gửi công văn 2 trang (đóng dấu MẬT) đến Trung Tá Giám Đốc Nha Cải Huấn về trường hợp bệnh nhân Thiều Thị Tân, đồng kính gửi Ông Giám Đốc BV Tâm Trí Biên Hòa “để kính tường”…

Mặc cho những công điện, công văn của nhiều cơ quan hữu quan gửi đi cho nhau và gửi cho BV “để kính tường“ nhưng các Y Bác Sĩ đã không chấp nhận vì bệnh nhân của mình không được đưa trở về để điều trị tiếp theo yêu cầu của Bệnh viện.

Và ngày 27.9.72, Bệnh Viện trưởng BV Tâm Trí đã thảo một Phúc trình MẬT, chỉ trình riêng cho Ông Tổng Trưởng Y Tế”. Bản Phúc trình viết:

“Về phương diện tâm trí, Tân nói chuyện vẫn cứng cỏi, thỉnh thoảng lên cơn kích thích khi nhân viên an ninh của Trung tâm xâm nhập trại 13 bất hợp pháp để theo dõi (sự việc này bệnh viện cần phản đối vì như thế trái với tinh thần trị bệnh).

Tân nói rành mạch, tỏ vẻ thông minh, biết gây cảm tình với các nhân viên Trại. Tân thích ở Trại 13 hơn là về Trung tâm cải huấn, mặc dù trại này chật chội và không được ra ngoài (trại An Trí).

Các y sĩ điều trị và nhân viên đều có thiện cảm với Tân có lẽ do hiện tượng đồng hóa (identification); ai cũng ngạc nhiên thấy Tân bị nhốt từ 15 đến 19 tuổi mà vẫn bất khuất, cứng cỏi mặc dầu tâm trí bắt đầu bất thường. Các kết luận chung của y sĩ điều trị bệnh viện Tâm Trí khi đem Tân ra trình hội đồng, là Tân cần được săn sóc thêm về thể chất cũng như về tinh thần.

Nhốt Tân thêm quả là phí phạm công của quốc gia lại mang tội là không chiêu hồi nổi cô gái 15 tuổi trong suốt bốn năm liền”…

Chị Tân bảo, viết những điều trên đây, rất có thể nguy hiểm cho BS, nhưng họ không hề ngần ngại, luôn nghĩ đến số phận của bệnh nhân là trên hết.

***

Thiều Thị Tân còn kể, năm 1968 trong cuộc tấn công vào Sài Gòn có 3 cán bộ Việt cộng bị bắn trọng thương, xe nhà binh chở đến BV Chợ Quán. Các bác sĩ khám nghiệm và thông báo: một phụ nữ và một người đàn ông đã chết, còn một phụ nữ vẫn còn sống. Viên sĩ quan rút súng lục ra định bắn người nữ Việt Cộng còn sống cho chết luôn, nhưng bác sĩ đã quát lên: Không! Đây là bệnh viện! Quân đội không có quyền gì ở đây, các ông đi ra! Đây là việc của bác sĩ!

Vậy mà mấy người lính chấp hành. Người phụ nữ sống sót đó là chị Phùng Ngọc Anh, nay còn sống; người phụ nữ đã chết là Lê Thị Riêng, nay được đặt tên cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh…

Thiều Thị Tân bảo, từ năm 1972 đến nay, 49 năm đã qua rồi, xem hồ sơ bệnh phạm, nhớ đến các y bác sỹ, nhân viên y tế của BV Tâm Trí Biên Hoà và Trại 13, vẫn xúc động nghẹn ngào. Chị bảo, kể những câu chuyện này chỉ cốt nói với các bác sĩ, các nhân viên y tế rằng, dù ở dưới chế độ nào thì các thầy thuốc hãy giữ đúng lời thề Hippocrate để cứu chữa bệnh nhân đúng với lương tri của người thầy thuốc.

Với tôi còn thấy: Từ một câu chuyện nhỏ mà gợi ra biết bao điều lớn lao đáng suy ngẫm.

_____

Chú thích ảnh:

Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo (năm 2017)

Thiều Thị Tân và tác giả

Một số hình ảnh từ “Hồ sơ bệnh phạm” của Thiều Thị Tân.

Đầu trang

29/03/2006 - vietbao

Nhà Khoa Học Thiều Thị Tạo: Đảng Phải Thực Thi Dân Chủ

Bản tin sau đây do phóng viên của Đảng Dân Chủ Nhân Dân gửi từ Việt Nam, ghi lại góp ý của nữ khoa học gia Thiều Thị Tạo, toàn văn như sau.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
--- oOo ---

Tp HCM, bắt đầu viết từ ngày 03 tháng 02 năm 2006 viết đi, sửa lại đến sau ngày 08/03/2006 mới gởi vì Đảng CSVN rất hoan nghinh ý kiến xây dựng.

Đóng góp xây dựng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10

Người đóng góp: Thiều Thị Tạo, SN 1950, đến năm 1968 vào Đảng NDCMMNVN , nay là Đảng CSVN, đúng tuổi về hưu, nhưng vẫn làm chuyên môn nuôi trồng cân bằng sinh thái và di truyền học.

Địa chỉ liên lạc: Nhà số 44, đường 11, Khu phố 4, P. An Phú, Q. 2, TpHCM – ĐT: 7.444.220

Nội dung đóng góp:

Thực hiện dân chủ XHCN gấp bội dân chủ khác đang tồn tại, tôi xin có đôi lời thật thà, dù rằng có mích lòng trước mà tâm trong sáng xây dựng thì nhất định sẽ được lòng sau.

Một sai lầm kỳ cục nhất của BCH TWĐ là hạ thấp Đảng viên, cấm Đảng viên 19 điều “ruồi bu”, cần phải hủy bỏ ngay trong Đại hội 10, đồng thời khắc phục hậu quả của 19 điều mà Đảng Cầm Quyền dùng để bảo kê cho đám “quan-Đảng-viên-Cầm-quyền”, phải bỏ ngay chế độ: “nếu là Đảng viên phạm Luật, phải chờ Đảng xử lý kỷ luật rồi coi theo Đảng mà Luật xử lý. Làm như vô Đảng là vô Dân Tây, Luật pháp coi như “nơ-pa”. Đảng viên “ngon” như nghị sĩ. Nhân bàn về khái niệm “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy” [Điều lệ Đảng], tôi đề nghị: theo chế độ XHCN VN, không có “tam quyền phân lập” mà Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp độc lập nhưng thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, thì mọi công dân đều bình đẳng trước Luật pháp, bất kể công dân đó là Đảng viên, là Nghị sĩ, là Quan chức, là Học giả, là “Học thật”, là Tu sĩ, là Du côn, là giàu, là nghèo, là sang, là hèn, v.v... Không có phân biệt đối xử thì mới hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được.

Đáng lẽ, vào Đảng phải nghiền ngẫm Điều lệ Đảng, học thuộc 4 nhiệm vụ, sao mà cô đọng thế mà học hoài cũng phải giở sách ra kiểm tra cái đầu của mình. Tôi đề nghị kết cấu của Báo cáo chính trị trình Đại hội 10, mục 14: “đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.” Phải đưa lên đầu, không thể để cuối. Tư tưởng chỉ đạo của mục này, phải ghi ra định nghĩa gọn mà đủ của Hồ Chủ tịch: “Mỗi đảng viên và cán bộ [giờ gọi là công chức] phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đảng viên CSVN KHÔNG được hưởng đặc quyền đặc lợi gì cả, mà trách nhiệm thì nặng nề, nhận chức trách trong độ tuổi như công chức. Sinh hoạt Đảng có nội dung, có chương trình, có biên bản, có nghị quyết, có tự phê bình và phê bình về việc thực hiện của “mỗi người vừa lãnh đạo, vừa làm đầy tớ trung thành của nhân dân” như thế nào tùy theo chức năng nhiệm vụ cụ thể từ cơ sở đến trung ương. Ai không đủ khả năng [trí tuệ và sức khỏe] dự họp Đảng thì xin nghỉ. Họp Đảng phải là một sinh hoạt hoàn toàn tự nguyện, y như hôn phối phải được điều chỉnh bởi “4 đồng”: đồng tâm, đồng chí, đồng lực, đồng tài – Khi xuất hiện so le mà không điều chỉnh được thì tốt nhất là tự nguyện ly dị. Đảng viên trước hết phải là công dân gương mẫu.

Trong tổ chức Đảng, thực hiện phổ thông đầu phiếu, đảng viên ứng cử tự do: tiêu chuẩn ứng cử viên phải có chương trình hành động, khai báo tài sản, công khai quá trình bầu cử bằng vi tính, đối với những chức vụ quan trọng như Tổng Bí thư, tranh cử với ít nhất hai người trong Đảng, tất cả cấp uỷ, muốn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng thì chỉ giữ trách nhiệm tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp, ngược lại nếu vi phạm Hiến pháp, Luật pháp, Điều lệ Đảng thì bị bãi nhiệm và xử lý đích đáng, dù đang giữ trọng trách cỡ nào. Có như thế, mới chứng minh nền dân chủ XHCN của ĐCSVN đổi mới là ưu việt.

Theo Cương lĩnh, không hạn chế người xin vào Đảng, trong 4 nhiệm vụ, nên ghi rõ nhiệm vụ quan hệ quốc tế trong hội nhập toàn cầu, hoan nghinh mọi thành phần, kể cả người nước ngoài miễn chịu thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và Luật pháp VN, ... đều được xét để kết nạp vào Đảng.

Khuôn khổ Hiến pháp và Luật lệ là con đường, Nhà Cầm Quyền là con ngựa, Đảng CSVN muốn lãnh đạo được bền vững, phải biết cầm cương, muốn phát huy nội lực, giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện được Nhà nước pháp quyền, tại sao không xây dựng được Chính phủ điện tử"

Trong thời đại hiện tại, sự hội nhập kinh tế quốc tế là con đường khôn ngoan, trên cơ sở đổi mới, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư phải kiêm Chủ tịch nước, đồng thời là người đứng đầu chống tham nhũng, có đủ quyền và phải có đủ trình độ, có tài và có đức, lãnh đạo trong nước và có đủ tư cách nguyên thủ quốc gia trong quan hệ quốc tế, được cả nhân dân bầu, được cả đảng viên bầu, thì mới phát huy dân chủ XHCN, nhất định tìm ra được người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm.

Góp ý một việc cụ thể của TBT Nông Đức Mạnh từ Hànội vào Quận 5, TpHCM, thăm chợ An Đông, năm ngoái, 2005: Vua đi tiền hô hậu ủng, chỉ tiếp xúc nhà giàu, chủ sạp cùng quan chức và đại diện đối tác nước ngoài [như Đài loan] còn nhiều tiểu thương 2, 3 đời có công giúp Cách mạng, thì bị cướp chỗ bán, nhiều gia đình gồm nhiều thế hệ coi như bị úp nồi cơm; quá bức xúc, hàng chục bạn hàng thay phiên nhau ra Hànội đội đơn khiếu nại tới Đảng và Chính phủ, những nguyên đơn đau khổ cả mấy năm trời ấy thì không được đến gần Vua, vô phương tiếp xúc Tổng Bí thư quá xa cách quần chúng nhân dịp Vua vi hành vào chợ An Đông.

Để góp ý cho Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi đă có “Đơn Tố cáo Chính quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải không còn bảo vệ nhân dân lao động nữa” ngày 12/01/2001 chỉ 11 ngày sau, ngày 23/02/2001, lệnh Thủ tướng giao Chánh Thanh tra Q.2 xác minh Đơn Tố cáo của tôi có cơ sở không hay vì quyền lợi cá nhân mà xúc phạm chế độ. Xưa nay, người ta gọi Chính quyền Ngô Đình Diệm, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ai kêu Chính quyền Phan văn Khải bao giờ, Thanh tra vả lả: “Ổng giận lắm, chị viết mấy chữ xin lỗi Ông đi thôi”. Tôi trả lời Thanh tra: “Nếu tôi nói sai Luật, tôi chịu ở tù. Còn nếu Thủ tướng không giải trình được năng lực quản lý Nhà nước yên Dân thì xin Thủ tướng từ chức” [Xin xem Biên bản 6 trang A4 viết tay kèm theo – Còn Đơn Tố cáo của tôi 4 trang A4 đánh vi tính cùng Thư xin lỗi Ngài Phan Văn Khải của chồng tôi 10 trang A4 đánh vi tính, sẽ cung cấp theo yêu cầu].

Theo Báo cáo chính trị, mục “đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” có ghi: “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”. Thông tin được cung cấp nhanh, nhạy, lý thú, ... tìm ở đâu" - Trong sinh hoạt Đảng ở nơi làm việc" nơi cư trú của Đảng viên" - Trên phương tiện truyền thông của Ta" – Xin lỗi! - Ở BBC [thời chống Mỹ] và thời đổi mới, hội nhập toàn cầu là đài Á Châu tự do đặt ở Washington “nhưng không phải là tiếng nói chính thức của Hoa Kỳ”!" Sao mà nghiệp vụ của đối phương “siêu sao” thế" - Họ lấy gậy CS mà đập VC, đau và thấm giống như tù chính trị, đặc biệt, đơn vị Binh vận, bị tra tấn kiểu Mỹ: Đánh tội ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản, đánh cho đau phải khai mà không cho chết, để về đời, đuổi ruồi không bay, Mỹ không xài, VC hết tin. Mặt khác, họ tung tin danh sách sĩ quan nội tuyến được Mỹ mua từ cán bộ VC cao cấp. Chuẩn bị Đại Hội 10, nghe đài Á châu tự do ca ngợi ông Võ Văn Kiệt [Sáu Dân], nguyên Thủ tướng, nguyên thủ lĩnh Binh vận. Tôi nghe mà nổi gai ốc.

Nói về Chủ tịch nước Trần Đức Lương, họ chỉ đưa tin: “Công nhân làm cho nước ngoài, lương thấp, biểu tình đòi tăng lương, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đứng ra xin lỗi chủ đầu tư ngoại quốc” Khỏi cần bàn luận ! Khỏi cần nhắc đảng viên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiệm vụ thứ 3: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân ...” Đài Á châu tự do bức xúc quyền lợi của dân VN hơn Nhà Cầm quyền TpHCM khi đài lên tiếng phản đối chỉ thị cấm nuôi gia cầm ở TpHCM đến 2007, chờ lịnh mới.

Nhân tệ trạng hiện nay mà người Dân vô cùng ngán ngẩm, Nhà Cầm quyền quan liêu hơn quan phụ mẫu, gia đình trị hơn Nhu - Diệm Trần Lệ Xuân, tôi xin nhắc lại trình bày trực tiếp của tôi với Bộ Chính trị Khóa 8, chuẩn bị Đại hội 9, thông qua Đ/c Trương Vĩnh Trọng, lúc ấy là Trưởng Ban Bảo vệ TW Đảng rằng bà Trương Mỹ Hoa và Võ Thị Thắng có nhiều vấn đề phức tạp chính trị, đánh đập bạn tù ở chung. Kết quả 2 bà Hoa và Thắng vẫn vào BCH TWĐảng, cả nhiệm kỳ khóa 9, vị trí đệ nhất phu nhân, không thấy tài đức biểu hiện mà bà Thắng, thủ lĩnh ngành du lịch chỉ giỏi vay nợ nước ngoài, hiệu quả nghiệp vụ thua cả những nước lân cận mới phát triển theo tư bản, hay Cuba, nước XHCN không có điều kiện hội nhập do bị Đế Quốc Mỹ cấm vận đến nay trên 50 năm vậy mà hàng năm du lịch Cuba thu vào nhiều hơn VN cả chục lần.

Thủ lĩnh Du lịch cả nước là Võ Thị Thắng cùng Giám đốc Sở Du lịch TpHCM tên trong tù là Lon Gáo, tên ra tù là Nguyễn Thị Lập Quốc, nhờ giỏi đánh bạn tù đổ máu nên được bà Trương Mỹ Hoa [trong tù tên Tâm thẹo] cùng Võ Thị Thắng kết nạp vào Đảng của mấy bà trong tù, đâu có nghiệp vụ, tài năng gì."! Bà Lon Gáo luôn khoe: “Ai cũng khen tôi đẹp và hát hay” Bà Thắng chỉ được khen vế đầu, còn vế sau bà Thắng còn bù luôn. Biết bao nhiêu ý kiến yêu cầu thay Thủ lĩnh Du lịch quốc gia và cấp Sở TpHCM.

Bà Trương Mỹ Hoa, người từng kết nghĩa với Phạm Huy Phước đã bị xử tử hình. Bà Mỹ Hoa đã nâng đỡ Phước vào Quận uỷ Quận Tân Bình, nếu hệ thống chuyên chính vô sản và nhân dân yêu nước không phát hiện những đảng viên sâu dân, mọt nước thì Phước giờ này có thể vào BCH Trung ương Đảng.! Phước chết rồi, chưa hẳn đã xóa nhòa được trong dư luận những mối quan hệ mờ ám giữa tên tử tù với Bà phó chủ tịch nước từ cái thời bà còn là Bí thư Quận Ủy Quận Tân Bình . Em ruột bà Mỹ Hoa, tên Trương Minh Nhựt, nguyên Phó Ban VHTT Thành uỷ, rớt Thành uỷ viên, không lên Trưởng ban được, phải rút về Quận Tư làm Bí thư. Sau một thời gian làm Bí Thư tại Quận 4, Trương Minh Nhựt viết trên báo Đảng tự ca ngợi Quận 4, nhờ tài lãnh đạo của mình mà Quận 4 trước kia từng mang tiếng “xã hội đen” giờ đã thay da đổi thịt. Trời bất dung gian, vụ án “xã hội đen”lớn nhứt nước đã bùng nổ, ổ “xã hội đen” lớn nhất nước đã bị bể, căn cứ địa “xã hội đen” của Trùm Năm Cam đặt tại chính Quận Tư !! Còn Trương Minh Nhựt, theo con đường “lộ quan” [i.e.“hoạn lộ”] đã được tính toán sẵn, vẫn đường hoàng được bổ sung vào Thành Uỷ!

Mới đây, đầu năm 2006, Nhà thơ Trương Chánh Tâm (cũng chính là BT Trương Minh Nhựt) lợi dụng chức quyền lớn nhất ở Quận 4 để sử dụng Bảo tàng HCM tổ chức chương trình tự tôn vinh mình. Hình thức và qui mô tổ chức buổi tự tôn vinh tại nơi chốn dành cho Bảo Tàng Hồ Chí Minh trang trọng rình rang khiến khán giả Đài Truyền Hình giựt mình cảm tưởng Nhà Thơ Trương Chánh Tâm = Trương Minh Nhựt = Ba Vũ tầm cỡ không kém bậc vĩ nhân công thần lập quốc !

Nhân dân Tp HCM vẫn chưa quên hình ảnh Ông Lê Thanh Hải, Chủ Tịch UBNDTpHCM, với tất cả quyền hạn có trong tay, nhưng đã chứng tỏ sự bất tài, vô dụng trong nhiệm vụ của mình khi để gần cả trăm công dân chết trong cơn hoả hoạn của Tòa Nhà ITC ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhứt nước, mà không hề có những biện pháp hữu hiệu nào. Ở nước văn minh, với một thất bại lớn lao về xử lý tình huống liên quan đến sinh mạng gần đến hàng trăm người, thì một người thị trưởng tự trọng tự khắc phải biết từ chức .

Trong nội dung có tính thời sự liên quan đến nền kinh tế và lòng dân ở TpHCM: vấn đề “Phòng chống Virus H5N1”, Ông Lê Thanh Hải ký Chỉ thị 31/2005/ CT-UBND. Văn Bản này không phù hợp với tinh thần của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cũng như của Cục Chăn Nuôi. Trong khi Bộ Nông Nghiệp chủ trương KHÔNG tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm, thì CT Lê Thanh Hải quy định hẳn hòi hạn chót để người dân và các cơ sở phải tiêu hủy và xuất bán cho bằng hết gia cầm. Người dân điêu đứng khóc ròng. Trong khi đối diện với Virus, Cục Chăn Nuôi vẫn khẳng định “Ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh việc chăn nuôi tập trung, công nghiệp, người ta còn đẩy mạnh việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự nhiên như ở Việt Nam” (lời của Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi Hoàng Kim Giao), thì CT Lê Thanh Hải cũng trong văn bản 31/2005 vừa thiếu bản lĩnh, và hoảng loạn trước tình hình, vừa thất đức, thiếu lương tâm với người lao động chân chính, đã cấm tiệt việc chăn nuôi trở lại. Cả một nền sản xuất nhỏ, đặc trưng mang tính văn hóa làng xóm, có nguy cơ bị xóa sổ vì một con virus khi bỏ vào nước chưa sôi thì đã chết , một con virus chỉ có thể du nhập bằng con đường của loài chim di trú bay trên trời. Chỉ Thị này ở điều 2.4 còn giao cho các Chủ tịch UBND quận, huyện phải “chịu trách nhiệm nếu còn tồn tại các trường hợp chăn nuôi trên địa bàn mình quản lý.” Sự “quyết liệt” đó của CT Lê Thanh Hải khiến mối quan hệ giữa Chính quyền Phường Xã và nhân dân lao động căng thẳng, mất thông cảm một cách vô ích.

Nếu người dân Thái Lan “phớt tỉnh Ăng- Lê” và bình tĩnh khi Thủ Tướng Thái Lan ăn và chiên thịt gà phục vụ cho thực khách nhà hàng, thì người dân lao động Việt Nam ở TpHCM vừa rầu vì Chính quyền TP này cấm ăn, cấm bán món ăn có gia cầm, [phải gạch bỏ các món ăn gia cầm trên thực đơn] thì khi trên báo đưa hình ảnh Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Việt Nam ăn thịt gà “để khẳng định thịt gà đã qua nấu chín sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe”, người dân vô cùng an tâm và tin tưởng. Đó chính là kiến thức, là sự an nhiên tự tại cần thiết của Cán Bộ trước những tình huống quan trọng cần tư duy và xử trí thông minh qua các chủ trương chính sách đúng đắn hợp lòng dân. Không cần lệnh lạc gì, thấy hình ảnh Thủ tướng Thái Lan, rồi Bộ trưởng Nông Nghiệp ta ăn gà ngon lành thì bà con tự động nấu gà mà ăn, mà bán. Chủ tịch Lê Thanh Hải một mình “múa gậy bắt gà” làm sao dân đồng tình" Vã chăng, gà mạnh thả vườn ăn cỏ, ăn sâu dễ gì bắt"

Thay vì phải đứng vững vàng trên kiến thức cơ bản tối thiểu, thì ở TpHCM, chính quyền chọn lựa tư tưởng Tào Tháo “thà giết lầm hơn tha lầm”. Hãy nghe Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mô tả kiểu “không tha lầm” quyết liệt ấy: “Họ trùm kín mình bằng những bộ đồ đi mưa. Họ rải vôi trên những hố chôn lớn. Họ tọng những con vịt còn sống, còn giãy giụa, còn gào thét vào bao tải, buộc miệng và quăng xuống đó. Những người nuôi vịt tụm lại một chỗ, cúi mặt vào lưng nhau. Thằng Điền mếu máo: “Mấy ông ơi, vịt tui sân sẩn, có bệnh tật gì đâu...”. Xuyên qua lớp đất bầy nhầy, tôi nghe vịt của tôi vẫn còn thoi thóp, chúng đau đớn vì những cái cổ gãy, rối quặt quẹo, chúng hỏi nhau vì sao tụi-người-ta lại ác [...] Sự báo ứng dường như ở rất gần.”

Chủ Tịch UBNDTpHCM Lê Thanh Hải, Ủy viên TWĐ là em rể của Phó Chủ Tịch nước Trương Mỹ Hoa, người có quyền ký Huân Chương Lao động hạng 3 về thành tích làm Phó Chủ tịch UBND Q.2 mới đô thị hóa từ 1997 tới 2002, cho em ruột là Trương Thị Hiền, vợ Chủ tịch Lê Thanh Hải. Ông Hải vun vén cho dòng họ bên vợ, bên chồng khá chu đáo: từ đất Cần Giờ sang rẻ, mở rộng con đường độc đạo 2 làn xe lên 6 làn xe, tức thì, giá đất tăng tốc độ chóng mặt, chưa kể nhiều nguồn thu từ các dự án như Phú Mỹ Hưng, v.v... các công trình như cầu Văn Thánh, v.v. ... ở các nơi khác.

Năm ngoái 2005, nhân ngày thành lập Đảng 3 tháng 2, trong Chương trình “Thiêng liêng Côn Đảo” Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tố cáo sai sự thật Chuồng cọp, vô hình trung thừa nhận thắng lợi của địch, phủ nhận phong trào đấu tranh của tập thể. Trước hàng triệu triệu khán giả trong nước (và cả khán giả hải ngoại trên VTV4 ) Bà Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói láo: “Ở Chuồng Cọp một năm mới tắm một lần” Những người cựu tù Côn Đảo biết việc đều bức xúc. Trong lúc nhà tù muốn biến Anh Chị Em thành những con thú: không tắm rửa, ăn bã, uống cặn ...thì Anh Chị Em quyết giành cho được quyền sống của một con người bằng những cuộc đấu tranh, từ tự phát đến có tổ chức. Trong nhà tù, mỗi một điều không khuất phục là một chiến thắng nho nhỏ. Tất cả quyền dân sinh, dân chủ đều phải đánh đổi bằng xương máu và tinh thần dám đấu tranh. Nếu ta có chết đi thì những Anh Chị Em đến sau sẽ hưởng. Những người trong cuộc như Bà Trương Mỹ Hoa, nhứt là với tư cách Phó Chủ Tịch nước, không được quyền phủ nhận hoặc quên đi xương máu ấy. Trương Mỹ Hoa thoát ra từ nhà tù nào mà một năm mới tắm một lần" Kính mong Đại Hội Đảng lần thứ 10 tỏ ro quan điểm có nên tiếp tục duy trì nạn “gia đình trị” độc đáo này nữa hay không "

Tôi xin tạm ngưng bài đóng góp của mình bằng 4 câu thơ hay nhất đối với tôi trong “30 năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu:

“Con chim biết nhớ đàn, nhớ tổ - Ta nhớ Người lao khổ nuôi Ta – Ơn người như Mẹ, như Cha – Lòng Dân thương Đảng như là thương Con”

Gởi kèm theo Bản góp ý 4 trang này còn có:

1./ Bài báo Công an Nhân dân về 2 nữ sinh Sàigòn với Bác Hồ: 2 trang

2./ Báo cáo thỉnh thị biện pháp phòng chống Cúm Chim, chớ không phải Cúm Gà: 2 trang

3./ Trực tiếp với GĐ Sở Y tế và GĐ Sở NN&PTNT về Chống dịch bịnh + bảo vệ Môi trường, giữ Rừng : 2 trang

4./ Biên bản làm việc giữa Thanh tra với bà Thiều Thị Tạo về việc Phan Quỳnh Như, kinh doanh địa ốc, chiếm dụng tài sản 48 ngàn lượng vàng của nhiều khổ chủ từ 1992, đến cuối 2000, vợ chồng Phan Quỳnh Như + Lê Khắc Tuấn dùng vũ lực xâm phạm tài sản công dân, còn đe dọa tính mạng, bà Tạo kêu cứu đến Thủ tướng Phan Văn Khải từ năm 2000 đến nay 2006, chính quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn không bảo vệ nhân dân lao động, tại sao cứ để bọn Như + Tuấn lộng hành xem thường Luật pháp: 6 trang

5./ Ý kiến của con nợ Thiều Thị Tạo với NHCTCN5, xếp gần 4 tỷ dư nợ sau 10 năm, đã trả hơn 2 tỷ lãi, có thế chấp tài sản tư nhân hơn bốn ngàn mét vuông nhà đất, mục đích vay nợ Nhà nước để thực hiện công trình nuôi thủy sản cân bằng sinh thái, được công nhận trong và ngoài nước, đến nay vẫn kiên trì sản xuất, thử hỏi 3 tỷ 930 triệu dư nợ là nợ xấu hay nợ tốt": 3 trang + 1 trang bài báo Lao động 30/09/2003: “Ai bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân"”

(“Người lao động hãy cất lên tiếng nói – Ban Biên tập luôn lắng nghe anh chị em”. Đảng Dân Chủ Nhân Dân - vanphonglienlac_dangdcnd@yahoo.com - http://www.freewebs.com/dangdanchunhandan/)

Đầu trang

xuanld

Vovinam VVĐ với một cựu nữ tù Thiều Thị Tân

Từ một nữ tù chính trị nổi tiếng của chuồng cọp Côn Đảo năm xưa, khi về già bà lại cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của môn phái Vovinam -Việt võ đạo.

Nữ võ sinh Vovinam trong chuồng cọp

Thiều Thị Tân sinh ra trong một gia đình khá giả ở quận 5, Sài Gòn. Say mê võ thuật từ nhỏ, năm 11 tuổi bà bắt đầu tập Judo và ngồi thiền mỗi ngày với Thượng tọa Thích Tâm Giác. Rồi một lần đến võ đường Vovinam (Việt võ đạo) tại quận 10, chứng kiến những đòn thế đẹp mắt, lại đọc được 10 điều tâm niệm của môn võ này, bà lập tức xin học ngay. Bà được các võ sư CM Lê Sáng, Trần Huy Phong trực tiếp truyền dạy.

Năm 13 tuổi, Thiều Thị Tân giác ngộ cách mạng. Sau đó bà làm việc tại Ban Binh vận Trung Ương Cục miền nam. Năm 1968 bà là đội phó Đội Võ trang tuyên truyền F105, nhận nhiệm vụ vận chuyển chất nổ, kíp nổ từ Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuẩn bị tấn công các vị trí trọng điểm của địch mà tổ chức đã vạch ra.

Chuẩn bị cho trận đánh, Tân cùng chị Thiều Thị Tạo móc nối và thuyết phục một nữ cảnh sát, để mang vũ khí vào Tổng nha cảnh sát. Thế nhưng do tham căn nhà ở mặt tiền quận 5 của gia đình chị Tân – theo như treo giải của Chính quyền Sài Gòn lúc đó nếu tố giác Việt Cộng thì sẽ được thưởng chính căn nhà của người Việt Cộng đang sinh sống – nữ cảnh sát này đã tố cáo Tân và người chị.

Cả 2 bị bắt, địch lục soát khắp nhà và phát hiện một số chất nổ và phương tiện tuyên truyền. Tân ra tòa và bị xử 1 năm án treo. Lẽ ra Tân đã về để tiếp tục theo học nhưng vào đêm 22/6/1968, một cuộc đấu tranh dữ dội do cô và các nữ tù tổ chức trong nhà giam đã dẫn tới một cái án khác: Tù nhân nguy hiểm. Năm 1969 cô bị đày ra Côn Đảo cùng người chị của mình lúc mới tròn 16 tuổi, nữ tù trẻ nhất lúc bấy giờ.

Với tinh thần thép của một võ sĩ được tập luyện, trui rèn từ nhỏ, Tân đã cố gắng vượt qua những đòn tra tấn tàn bạo của bọn cai ngục. Năm 1970, một đoàn thanh tra quốc tế đến thăm Côn Đảo để điều tra về cái gọi là chuồng cọp trong hệ thống nhà tù miền nam Việt Nam.

Từ trong phòng giam, Tân sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp để tố cáo, vạch trần sự phi nhân của chuồng cọp Côn Đảo. Những thông tin này sau đó được báo chí Mỹ tung ra dẫn tới việc chuồng cọp bị phá bỏ để phi tang.

Năm 1971, một số nữ tù trong đó có Tân và Tạo được chuyển về nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Ở nhà tù này có một cai ngục rất tàn ác, thường xuyên đánh đập dã man tù nhân. Các nữ tù bàn kế tiêu diệt hắn. Một ngày Tân và các bạn được ra ngoài phơi nắng, khi đi ngang tên cai ngục, bằng một đòn Vovinam, Tân đã hạ gục tên cai ngục, các bạn tù cũng ùa vào giúp sức. Sau đó Tân đã phải chịu những ngày biệt giam tăm tối.

Năm 1972, Tân bị đưa trở lại Côn Đảo, lần này ở phòng giam bên ngoài. Cô cùng các bạn tù như Mười Mai, Trần Thị Bé trao đổi kinh nghiệm võ thuật. Rồi cùng Phan Thị Đời (đặc công) dạy võ cho các nữ tù khác tại phòng 7, trại 2 nhà tù Côn Đảo sau khi bọn cai tù nhượng bộ một thời gian.

Năm 1974, Tân được trao trả tự do theo tinh thần hiệp định Paris. Ra tù cô phải mất rất nhiều năm vất vả điều trị những chứng bệnh do di chứng của những cuộc tra tấn tàn bạo trong tù.

Mối duyên kỳ lạ của “bà Năm Vovinam”

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Bà Tân trở lại giảng đường. Ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM, bà chỉ cân vỏn vẹn 28 kg! Sợ không đủ cân thì không được phát bằng tốt nghiệp, bà đã lén bỏ quả cân 3kg trong túi áo để khi khám sức khỏe đạt tiêu chuẩn nhận bằng.

Hai bà Tạo và Tân nhìn lại vết tích tại chuồng cọp năm xưa

Năm 1983, Bà Tân được giới thiệu về dạy môn Triết ở trường Trung học Y tế TP.HCM. Được 3 năm do sức khỏe không đảm bảo Tân xin nghỉ dạy và về tiếp tục tập tại võ đường ở quận 10.

Năm 1992, bà Tân mở quán bán thức ăn trong khuôn viên Viện trao đổi văn hóa với Pháp tại quận 1. Một ngày nọ khi bà đang soạn lại những tấm ảnh cũ có một ông khách tây chỉ vào một tấm ảnh và nói: “Bà có thể giúp tôi tìm cô gái trong tấm hình này được không?”

Người con gái trong ảnh chính là Thiều Thị Tân hồi còn trẻ. Hỏi ra mới biết, hình ảnh nữ tù nhân gan dạ ngày xưa từng xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài đã làm rung động chàng thanh niên người Pháp tên Marcel Beynaud – người tham gia đấu tranh trong phong trào công nhân đường sắt ở Pháp phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Định mệnh sui khiến thế nào mà trong một lần sang Việt Nam du lịch, ông đã gặp lại người mà ông đã ngưỡng mộ từ lâu. Vậy là họ đã cưới nhau trong một chữ “duyên” kỳ lạ trong cuộc đời!

Hiện nay 2 vợ chồng bà Tân mở một cửa hàng nhỏ bán thức ăn Pháp tại Campuchia. Bà đi về thường xuyên Việt Nam – Campuchia vì ngoài việc còn phải phụ giúp ông, bà còn phải lo cho các võ sinh nhỏ tuổi ở quận 12.

Có tới thăm CLB Vovinam do bà khởi xướng mới thấy hết tình cảm mà bà dành cho Vovinam Việt võ đạo và những đứa trẻ vùng ven. Cứ chốc chốc chúng tôi lại nghe thấy các võ sinh nhí nhõng nhẽo: “Bà Năm ơi con đói bụng”, “Bà Năm ơi con khát nước”. Cái tên “Bà Năm Vovinam” từ lâu đã trở thành hết đỗi thân thương với những đứa trẻ trong vùng.

“Tuổi thơ tôi là chiến tranh và tù đày. Hồi xưa tôi học võ chỉ để góp công đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình. Giờ đây tôi muốn dùng ý chí và tinh thần võ Việt để khơi gợi những ước mơ, khát vọng của lớp trẻ, để chúng có thể làm được những điều mà thế hệ tôi chưa làm được....”, Bà Tân tâm sự.

Trong khuôn viên CLB Vovinam ở vùng ven chiều cuối năm, chúng tôi thấy trong mắt bà Thiều Thị Tân sáng lên niềm tin tưởng!

(Theo TN)

Đầu trang