Huy Đức
23-5-2021
Trong buổi giao ban báo chí ngày 17-1-2006, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương công bố Kết luận của Viện Lịch sử Quân sự:
“Tại đài phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ chiến sĩ trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, văn bản đang soạn thảo thì trung tá Bùi Văn Tùng xuất hiện, từ đó bộ phận cán bộ chiến sỹ trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng”.
Kết luận này dựa trên lời khai của Phạm Xuân Thệ và những người lính trung đoàn 66, nhấn mạnh chi tiết, trung tá Bùi Văn Tùng đến đài phát thanh sau. Năm 2014, Rory Kennedy công chiếu bộ phim “The Last Days in VN”, trong phim có đoạn ghi lại hình ảnh Tổng thống Dương Văn Minh được dẫn đi trong dinh Độc Lập để sang đài phát thanh, một bên là đại úy Phạm Xuân Thệ, một bên là trung tá Bùi Văn Tùng.
Như vậy, ông Bùi Văn Tùng cùng có mặt ở đài phát thanh với ông Thệ chứ không phải đến sau ông Thệ.
Cũng theo kết luận của Viện Lịch sử Quân sự, khi trung tá Bùi Văn Tùng xuất hiện thì việc soạn thảo tuyên bố đầu hàng nằm “dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng” ngay. Ông Thệ nói dối yếu tố thời gian là bởi với cấp bậc của ông Tùng, nếu có mặt cùng lúc thì ông Thệ “tuổi gì” mà đi soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống.
Viện Lịch sử Quân sự nên cập nhật đoạn phim tư liệu này để thay đổi kết luận hồi 2006. Việc có những kết luận chưa đúng khi không đủ tư liệu lại gặp phải nhân chứng khai gian là điều thường xảy ra. Vấn đề là khi đã có đủ thông tin thì nên bổ sung, điều chỉnh. Không thể tìm kiếm sự thật khi tư liệu được cung cấp bởi một người nói dối.
PS: Nhân chứng có thẩm quyền và khách quan nhất trong sự kiện này là nhà báo Đức Borries Gallasch thì ngay sau đó đã tường thuật chi tiết trên tạp chí Tấm Gương, ông Thệ làm gì, ông Tùng làm gì đều rõ như ban ngày cả.
Đỗ Thành Nhân
19-5-2021
Bài viết này nói về sự “VĨ ĐẠI”, theo tự điển mở online thì “vĩ đại” là tính từ: có tầm cỡ và giá trị lớn lao, đáng khâm phục.
1. Từ Bác Hồ vĩ đại
Hôm nay ngày 19 tháng 5, sinh nhật của Bác Hồ “vĩ đại”(1). Sự “vĩ đại” của Người được hình thành từ những việc “vĩ đại”. Một trong những việc “vĩ đại” của Người là viết nên tác phẩm “NHẬT KÝ TRONG TÙ” – cũng là một tác phẩm “vĩ đại”: từ bối cảnh ra đời tác phẩm và nội dung tác phẩm.
Các bạn trẻ nên đọc bài viết: NHẬT KÝ TRONG TÙ: TIẾNG THƠ CỦA MỘT CON NGƯỜI VĨ ĐẠI TRONG HOÀN CẢNH TÙ ĐÀY
Ảnh bìa Nhật Ký Trong Tù. Nguồn: ĐCSVN |
Xin trích một số đoạn: “Tiếng thơ được ngân rung từ trái tim một con người vĩ đại trong một hoàn cảnh rất đen tối. Hoàn cảnh đó là hoàn cảnh tù đày, giam hãm, xiềmg xích, tra xét. Con người mất tự do, còn là sự lo âu về sống chết, mất còn. Thế mà Bác vẫn ung dung làm thơ, làm được nhiều và làm được thơ hay. Không phải viết bằng tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) mà viết bằng chữ Hán (tiếng Trung Quốc), bắng các thể thơ mang màu sắc cổ điển Trung Quốc, sau này được nhiều nhà văn hoá Việt Nam và nước ngoài đánh giá rất cao. Coi nhiều bài thơ của Bác có thể sánh ngang với thơ Đường, thơ Tống, thật là vinh dự lớn lao.”
“Đọc Nhật ký trong tù chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy trái tim của Người toả ánh sáng ra chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm. Hoàn cảnh trong tù là hoàn cảnh đặc biệt không bình thường. Người bị giam hãm, đoạ đầy, trói buộc, xiềng xích, bị nghi ngờ, bêu diễu, cấm đoán, mất hết cả tự do.”
2. Đến những anh hùng vĩ đại
Từ sự “vĩ đại” về cách ghi thời gian từ những năm 1932-1933 (2) trên trang bìa của “Nhật ký trong tù” “vĩ đại” của Bác Hồ “vĩ đại”; sự nghiệp cách mạng “vĩ đại” của Việt Nam tiếp tục sản sinh ra những con người “vĩ đại”, những sự kiện “vĩ đại”. Mà khi còn là “thế hệ trẻ”, chúng tôi luôn học tập và cố gắng noi theo. Chúng tôi được các thầy cô phụ trách đoàn, đội kể về những sự hy sinh “vĩ đại”, đặc biệt là khi đối diện với cái chết. Một số dẫn chứng:
– Thiếu niên Lê Văn Tám là một anh hùng, “vĩ đại” ở chỗ tự châm lửa làm ngọn đuốc sống để đốt cháy kho xăng Nhà Bè.
Ảnh minh họa nhân vật Lê Văn Tám. Nguồn: Ohay.tv |
– Anh hùng Võ Thị Sáu, vừa qua tuổi trăng tròn, “vĩ đại” ở chỗ ung dung tự tại đối diện với cái chết, “trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, chị Sáu vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn”.
Ảnh minh họa: Võ Thị Sáu. Nguồn: Internet |
– Lớn tuổi hơn nữa là thanh niên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh “vĩ đại” ở chỗ đã vượt qua bản năng đời thường của con người khi đối diện cái chết, không nhớ đến người vợ mới cưới, không nhớ đến cha mẹ sinh thành. Trước khi bị bắn “Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!” với câu “Hồ Chí Minh muôn năm!”
Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường. Nguồn: Internet |
v.v…
Tìm hiểu về sự “vĩ đại” của những người Cộng sản là vô cùng. Từ sự “vĩ đại” này được tuyên truyền, học tập, làm theo, sinh ra sự “vĩ đại” tiếp theo. Sắp xếp theo trình tự thời gian thì tác phẩm “NHẬT KÝ TRONG TÙ” có thể nói là sự “vĩ đại” đầu tiên của Bác Hồ “vĩ đại” và sự nghiệp cách mạng “vĩ đại”.
_____
Ghi chú:
(1) Chú ý ngày 19 tháng 5 cũng là ngày sinh nhật của Pol Pot (https://vi.wikipedia.org/wiki/Pol_Pot), cũng được người dân Campuchia gọi là lãnh tụ vĩ đại khi người này cầm quyền. Bài viết này không liên quan gì đến tên diệt chủng Pol Pot.
(2) Thời gian ghi trên trang bìa “29/8/1932 – 10/9/1933” lại thêm sự một sự “vĩ đại” nữa: nhờ vậy mà “tránh rắc rối với chính quyền Tưởng Giới Thạch” https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt_k%C3%BD_trong_t%C3%B9
Bettmann/Getty Images. Các lãnh đạo cấp cao của chính quyền ở miền Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh, ông Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam và Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng |
Đã có một lối nhìn 'rập khuôn' trong cách 'làm sử học' ở Việt Nam mà để khắc phục sẽ cần đến những nhà sử học 'đàng hoàng' với những thái độ, cách làm khác biệt và đổi mới, một nhà sử học từ Mỹ nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm.
Bàn về tiếp cận lịch sử và phản ánh lịch sử hiện đại Việt Nam làm sao cho khách quan, vượt qua các thách thức lâu nay mà giới nghiên cứu sử học trong nước đang gặp phải, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Hoa Kỳ nói với một cuộc hội luận chuyên đề của BBC hôm 06/5/2021:
"Người viết lịch sử phải đàng hoàng, còn nếu không trong trường hợp Việt Nam, nếu không cố ý thì cũng đều là rập khuôn, tất nhiên họ chỉ viết theo chuyện kể, mà nhiều khi chuyện kể của một bên, hay của hai bên đi nữa, cũng chưa đủ.
"Phải đưa những cái khác vào đó thì mới thấy một sự kiện nào đó lúc đó xảy ra có ảnh hưởng như thế nào.
"Tôi đã có được mời làm việc với một số nghiên cứu ở Việt Nam kể cả về kinh tế lẫn về lịch sử, chẳng hạn tôi được ngồi cùng để bàn với các vị tướng và những người viết cuốn sách về kháng chiến ở Nam Bộ.
"Tôi thấy rằng lối nhìn rất rập khuôn từ trên xuống dưới, mà nếu như vậy chúng ta không thể thấy lịch sử được, để viết lại làm sao cho nó gần đúng sự thật hơn."
Getty Images. Bà Phan Thị Kim Phúc đứng trước bức ảnh biểu tượng Chiến tranh Việt Nam, trong đó bà, khi đó là bé gái đang khóc và bỏ chạy trong một vụ tấn công bằng bom napalm gần Trảng Bàng năm 1972 |
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đưa ra bình luận với BBC:
"Theo tôi, việc phản ánh lịch sử Việt Nam khách quan là điều lý tưởng của những người làm nghề viết lịch sử, nhưng không phải vào thời đại nào, thời điểm nào, vào thể chế chính trị nào, nhà viết sử cũng có thể viết lịch sử một cách khách quan.
"Có nhiều lý do khiến cho khát vọng, ước mơ tái dựng, khắc họa lại câu chuyện đã từng một lần xảy ra trong quá khứ một cách khách quan chưa thể đạt được.
"Lý do thứ nhất là tự bản thân các nhà nghiên cứu lịch sử dù có cố đứng ra ngoài sự kiện để mô tả, thì họ cũng không tránh khỏi sự thiếu khách quan, bởi vì nhà nghiên cứu lịch sử thể nào cũng đứng trong một nhóm xã hội hoặc một nhóm chính trị nào đó.
"Và do đó, khi họ phản ánh lại câu chuyện của quá khứ, họ sẽ bị hệ giá trị, quan điểm của tầng lớp nhóm của họ thuộc về, phản ánh, gây tác động; Thứ hai trong quá trình sưu tập tài liệu, đây là một khó khăn họ phải trải qua mà trong điều kiện ở Việt Nam thì không phải nhà sử học nào cũng có thể vượt qua được - những khó khăn về việc tìm kiếm tài liệu.
"Chúng ta biết rằng có những sự kiện xảy ra đã lâu, nhiều tài liệu lưu trữ ba chục năm đã được bạch hóa, nhưng có phải tài liệu nào cũng được bạch hóa đâu, ngay những tài liệu ở cuộc kháng chiến chống Pháp hàng nhiều chục năm qua rồi, nhưng vẫn chưa được bạch hóa hoàn toàn.
Getty Images. Bà Đặng Thị Thiệp, vợ của chủ nhân ngôi nhà cũ, nơi có một boong-ke thời chiến tranh Việt Nam được xây dựng dưới lòng đất bên chiếc xe hơi cổ của Pháp tại quán cà phê Đỗ Phủ, Sài Gòn, địa điểm được sử dụng trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, nay là di tích lịch sử |
"Rồi tài liệu liên quan đến các cơ quan lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, của quân đội, rồi của chính phủ, không phải tài liệu nào cũng có thể tiếp cận, đó là một trong những khó khăn không phải nhà sử học nào cũng khắc phục được.
"Và như các vị khách mời tại cuộc hội luận này cũng đã nói, ở bất kỳ xã hội nào, cuộc chiến nào, phái chiến thắng, chính quyền, chính phủ của phái chiến thắng đều sẽ gây ảnh hưởng đến cách viết lịch sử của nhà sử học. Vì thế các nhà sử học Việt Nam có muốn viết khách quan thì cũng rất khó, theo tôi."
Từ London, Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử là tác giả của bộ biên khảo "Nhìn lại sử Việt" nêu quan điểm với BBC:
"Nếu người Việt Nam mà không viết lịch sử Việt Nam một cách khách quan, thì người ngoại quốc họ sẽ viết.
Bettmann. Hai trẻ em Việt Nam ngồi trong lan can ở Huế hôm 14 tháng 4 năm 1968, mười tuần sau cuộc tập kích Tết Mậu Thân do miền Bắc chỉ đạo tiến hành |
"Cho đến bây giờ đã có khá nhiều sách về lịch sử Việt Nam do các tác giả, các sử gia ngoại quốc viết. Có thể là họ viết với một điều kiện mà họ nghĩ là khách quan, nhưng đây là viết sử Việt Nam từ góc nhìn của người nước ngoài...
"Còn nếu chúng ta không viết, thì thế giới, ngay cả người Việt Nam sẽ lấy quan điểm của họ để nhìn vào lịch sử Việt Nam, chuyện đó là chuyện dĩ nhiên.
"Còn về những khó khăn, như ông Lê Văn Sinh đã nói, có tất cả và rất nhiều những khó khăn... nhưng nghiên cứu lịch sử Việt Nam có may mắn là có rất nhiều nguồn, chúng ta có thể nhìn vào văn khố của Pháp, của Mỹ, của Anh, của Nhật, hay là của tất cả các nước có liên hệ, chẳng hạn như là Trung Quốc.
"Những văn khố đó bổ túc một phần cho sự thiếu sót của các tài liệu Việt Nam mà ông Lê Văn Sinh vừa nói. Tức là những tài liệu mà đáng lẽ phải được bạch hóa nhưng người ta vẫn còn giữ hay chỉ bạch hóa một phần những gì có lợi cho người ta.
"Thế nhưng tôi nghĩ rằng trong thời gian càng về sau những tài liệu đó sẽ càng ngày càng xuất hiện ra nhiều và tôi hy vọng rằng không chỉ hiện nay, nhưng trong vòng 10 hay 20 năm nữa, chúng ta sẽ có một cái nhìn có thể khách quan nhiều hơn nữa về lịch sử Việt Nam hiện đại."
Chia sẻ thêm góc nhìn của mình từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
"Tôi đồng ý với ý kiến của hai ông Lê Mạnh Hùng và Lê Văn Sinh, tôi chỉ đặt vấn như thế này: nhiều tài liệu lịch sử lẽ dĩ nhiên như ông Lê Mạnh Hùng vừa nói là Việt Nam không bạch hóa, thì có thể dùng một số tài liệu của nước ngoài.
Getty Images. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain gặp gỡ ông Mai Văn Ơn, một cựu quân nhân Bắc Việt, tại Hà Nội hôm 13 /11/1996, ông Ơn là người đã vớt ông McCain khỏi một hồ nước tại Hà Nội, sau khi phi cơ phản lực do ông lái bị bắn rơi vào năm 1967, trong Chiến tranh Việt Nam |
"Nhưng tài liệu ở nước ngoài rất là khiếm diện, nhất là về vấn đề của người Việt Nam, cho nên ở Việt Nam người làm sử trong trường hợp nếu tài liệu chưa được bạch hóa, thì chúng ta cũng nên dùng tài liệu của nước ngoài để qua đó đi phỏng vấn những người còn sống qua bao nhiêu năm của chiến tranh Việt Nam, để hỏi họ không phải như là một phóng viên, mà hỏi họ có chứng cứ đàng hoàng.
"Việc này tiếng Mỹ gọi là 'oral history', tức làm sao để cho họ có thể kể lại cho chúng ta biết một cách rõ ràng về các sự kiện khác nhau. Như tôi nói lúc đầu, tôi có dịp làm việc với Ban nghiên cứu Lịch sử về kháng chiến miền Tây Nam Bộ mười năm, nhưng mà mười năm đó cũng rất khó khăn vì họ chỉ nói rập khuôn thôi, trả lời họ cũng trả lời rập khuôn.
"Cho nên phải có một thời gian rất lâu để nói chuyện với họ, để bàn cãi với họ, chứ không phải chỉ để phỏng vấn như một người phóng viên; thì vấn đề này người nước ngoài không thể làm được, giỏi cách mấy cũng không thể làm được bởi vì không có thời gian, do đó những việc này phải là người ở trong nước làm."
Nguyễn Văn Nghệ
5-5-2021
Khi còn ngồi ở ghế trường đại học, chúng tôi được các thầy cô (nhất là các thầy cô dạy lịch sử đảng ta, Nhà nước ta) dạy: Chỉ có sử học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mới có cái nhìn khách quan, trung thực mà thôi. Sử học phong kiến, tư bản chỉ phục vụ lợi ích cho giai cấp cầm quyền của họ, cho nên không khách quan.
Nói đến sử học là nói đến khách quan, trung thực. Vậy sử học dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay có khách quan và trung thực không?
Dịp ngày 30/4/2021 vừa qua, công chúng được xem bộ phim tài liệu điều tra “Chuyện trưa 30/4/1975” với thời lượng 1 giờ 12 phút do một nhóm văn nghệ sĩ của “ta” (Phạm Việt Tùng – Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú; Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Thu Hằng – Cựu Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô; Minh Đức- Cựu Phóng viên VOV; Nguyễn Thu Hà – Chuyên viên Bảo tàng HCM; Chu Thùy Trang- Phóng viên VTC) thực hiện [1].
Sau khi bộ phim tài liệu được công chiếu, Trân Văn có bài viết “Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm!” đăng trên trang Tiếng Dân có đoạn viết: “Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục ngậm tăm cho dù đồng chí, đồng bào tiếp tục hối thúc chính thức trả lại sự thật cho lịch sử đối với hai sự kiện: xe tăng mang số hiệu 390 chứ không phải xe tăng mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; Ông Bùi Văn Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh- Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa- đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975” [2].
Ông Nguyễn Đình Cống đã nêu quan điểm của ông về vấn đề tranh cãi này: “Không biết vì kém trí tuệ hay vì một âm mưu nào khác mà người ta để cho cuộc tranh cãi kéo dài, nếu việc đó vào tay tôi chỉ cần khoảng một giờ, tôi giải quyết xong, êm thấm trả sự thật về cho lịch sử” [3].
Lý do tại sao gần nửa thế kỷ trôi qua với những chứng cứ lịch sử rõ ràng, mà đảng ta, Nhà nước ta chưa “trả sự thật về cho lịch sử”?
Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định về lịch sử của ta: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” và “Các nhà sử học chúng ta thường coi là mác xít, nhưng bệnh thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua”. [4]
Ông Dương Trung Quốc nhận xét về Sử học ở Việt Nam: “Cái thách đố là tính hấp dẫn của nó. Tính hấp dẫn theo tôi là phải gắn với hai thuộc tính quan trọng của lịch sử đó là tính trung thực và sự công bằng. Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai nhưng nó đã xơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ”. [5]
Nhà văn Nguyên Ngọc có cái nhìn: “Học chính trị là quá cần thiết chứ và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải làm ‘thống soái’ để cho tất cả những cái khác phải châu đầu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.
“Nói trắng ra, hiện nay người ta chán ghét học văn, học sử là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu, mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác”. [6]
Không được chính trị hóa sử học. PGS.TS. Phạm Quốc Sử nhận định: “Lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật”.
PGS.TS. Phạm Quốc Sử gọi sử học Việt Nam hiện nay là “sử học quốc doanh”, “sử học nhà nước”: “Sử học vinh quang thật nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay sử học nước ta đã không tránh được một thứ ‘sử học nhà nước’, ‘sử học quốc doanh’ (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị”.
PGS.TS. Phạm Quốc Sử cho rằng, sử học và dạy học lịch sử ở Việt Nam đã bị tiêm chủng “vắc xin”: “Có người bảo ngành sử học các ông hoàn toàn chạy theo chính trị. Chủ yếu ca ngợi và lặp đi lặp lại nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ sách vở nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm ‘vắc xin’ anh có chống lại được không?” và “Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều ‘vắc xin’ khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí” [7].
Nhà giáo Hà Văn Thịnh trả lời bà Mạc Việt Hồng: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp, Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được” [8].
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khẳng định, việc dạy và học lịch sử hiện nay bị bóp méo: “Người ta đã biến một bộ môn khoa học trở thành một bộ môn chính trị để tuyên truyền, để minh họa cho đường lối chính sách của nhà nước chứ không phải cho một ngành khoa học. Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng khoa học. Chính vì vậy nên thầy không muốn dạy mà trò thì không muốn học” [9].
Nhiều nhà giáo dạy môn lịch sử khi về hưu đã nói: Chúng tôi dạy theo sách! (Sách ghi sao dạy y như vậy, không cần biết đúng sai).
Trên đây là những phát ngôn nhận định về thực trạng nền sử học Việt Nam hiện nay của những người được giáo dục đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, chứ không phải của những người được các “thế lực thù địch” nuôi dưỡng và đào tạo!
Bài viết “Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm” đăng trên Facebook Tiếng Dân, có bình luận của độc giả Duy Hung Tran: “Không tôn trọng lịch sử từ những việc bình thường đến những sự kiện trọng đại thì hậu quả là lòng tin bị mất. Từ sự kiện Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé rồi sự kiện xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 30-4-1975 và viết bài cho Dương Văn Minh đầu hàng đọc trên đài Sài Gòn… đã gieo vào lòng người sự khó tin khác. Gorbachev nói đúng”.
Bình luận của độc giả Nguyễn Khuông trên Facebook Tiếng Dân, dưới bài viết “Nếu vào tay tôi” của ông Nguyễn Đình Cống: “Sự thật thì chỉ có một, nói dối, giả dối thì vô cùng. Kể cũng lạ, sự thật sờ sờ như thế mà hàng chục năm nay cùng hàng lố, hàng lốc cơ quan thanh tra nhà nước, quân đội… mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng?! Không lẽ Phạm Xuân Thệ mang hàm Trung tướng cùng danh hiệu AHLLVT nên không dám làm ‘mất thể diện’???”
Kinh Thánh viết: “Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ, sẽ gian dối trong việc lớn”.
Ông bà ta nói: “Một sự thất tín vạn sự không tin”.
Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa
______
Chú thích:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw
[2] https://baotiengdan.com/2021/05/04/su-that-la-xa-xi-pham-ma-ta-khong-muon-sam/
[3] https://baotiengdan.com/2021/05/05/neu-vao-tay-toi/
[4] GS Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học (đăng trên Tạp chí Tổ quốc vào tháng giêng năm 1988. Được in lại trong tác phẩm: Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007)
[5] Bài viết: Học sinh Việt Nam quá kém môn sử. Vì đâu? Của Mặc Lâm: www.rfa.org/vietnamese/in_depth/75/percent-history-test-scores-below-2-tenths-why-08032011132201.html
[6] Bài viết: Điểm sử thấp có phải là thảm họa của T/g Hà Hiển đăng BBC Tiếng Việt ngày 8/8/2011: www.bbc.com/vietnamese/forum/2011/08/110808_history_students_comment.shtml
[7] xuandienhannom.blogspots.com/2015/11/mot-tieng-noi-trung-thuc-chinh-xac-manh.html
[8] www.danchimviet.info/archives/8990/nha-su-hoc-ha-van-thinh-noi-ve-hcm/2010/05
[9] https://luongtamconggiao.worpress.com/2011/08/25/ho-chi-minh-khoc-vi-mon-su-hien-nay/