WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden có quyết định đề cử một phụ nữ gốc Việt, bà Margaret Vo Schaus, làm giám đốc tài chánh của Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Mỹ (NASA), theo một thông cáo của NASA mới gần đây.
Bản thông cáo, được đưa ra hôm 22 Tháng Tư, cho biết chức vụ giám đốc tài chánh rất quan trọng cho sự thành công trong các nhiệm vụ lâu dài của cơ quan NASA.
Bà Margaret Vo Schaus. (Hình: DIVIDS) |
Theo bản thông cáo này, trong quá trình làm việc cho chính phủ Mỹ thời gian qua, bà Schaus đã “chứng tỏ các khả năng điều hành xuất sắc, với nỗ lực khuyến khích và hỗ trợ thành phần nhân sự đa dạng của cơ quan.”
Bản thông cáo cho biết tiếp: “Nếu được chuẩn thuận, bà Margaret Vo Schaus sẽ góp phần phát triển và điều hành ngân sách trị giá hơn $20 tỷ của NASA, đồng thời cũng bảo đảm rằng cơ quan này có sự chi tiêu đúng đắn và có trách nhiệm từng đô la tiền thuế của người dân Mỹ đầu tư vào NASA.”
Cơ quan NASA cho hay bà Margaret Vo Schaus là một công chức lâu năm, ở trong hàng lãnh đạo cao cấp (Senior Executive Service) của chính phủ. Trong thập niên qua, bà đã giữ nhiều chức vụ chỉ huy, trong cả lãnh vực tài chánh và điều hành hoạt động, tại Bộ Năng Lượng cũng như Bộ Quốc Phòng.
Bà Schaus hiện là giám đốc điều hành trong văn phòng thứ trưởng Quốc Phòng, đặc trách Nghiên Cứu và Kỹ Thuật, nơi bà trông coi ngân sách trị giá nhiều tỷ đô la. Bà cũng từng được trao tặng nhiều bằng khen thưởng về những đóng góp xuất sắc của bà trong công việc.
Theo NASA, bà Margaret Vo Schaus là người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ đầu tiên. Bà sinh ra ở Michigan, lớn lên ở vùng Nam California. Bà có các bằng cử nhân về khoa học, kỹ thuật và xã hội, cũng như về văn chương Anh từ đại học Stanford University, cùng là bằng cao học về quản trị khoa học và kỹ thuật, cũng từ đại học Stanford University. (V.Giang) [qd]
Đại tá Danielle Ngô, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Công binh 130, trong đợt huấn luyện hoạt động ở Hawaii, ngày 25 tháng 1, 2018. |
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Danielle Ngô, 3 tuổi, ngồi trong nhà ga cùng với mẹ và đứa em gái còn ẵm ngửa. Cả nhà đã đợi hàng giờ đồng hồ để lên chuyến bay ra khỏi Việt Nam.
Khi đó, họ nghe thấy tiếng ầm ầm.
Trần nhà bắt đầu bong tróc khi tòa nhà rung chuyển. Các mảnh vỡ rơi xuống khiến ai cũng khiếp sợ.
Quân đội Bắc Việt đã bắn đạn pháo vào sân bay vào ngày 29/4 năm 1975, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ.
Trước đó, mẹ của Danielle, bà Ngô Thái An, biết tin rằng quân cộng sản miền Bắc đang tiến sát thành phố. Một người bà con của bà vốn làm việc cho đại sứ quán Mỹ đã kiếm được vé cho họ sang Mỹ. Người mẹ trẻ biết mình cần phải dắt theo con đi ngay lập tức.
“Trong đầu tôi nghĩ đến là phải đưa bọn trẻ đến nơi an toàn,” bà Thái An nói.
Không lâu sau khi sân bay trúng đạn pháo, Danielle cùng em gái Lan Đình 1 tuổi và mẹ được hối hả đưa đến đường băng. Xa xa, bà Thái An nghe thêm nhiều tiếng đạn pháo rơi xuống phi trường khi họ xếp hàng lên máy bay quân sự. “Tôi không ngoái nhìn lại,” bà nói.
Thái An có thể họ nằm trong số những người tị nạn Việt Nam cuối cùng thoát khỏi sân bay, vốn là căn cứ quân sự cho máy bay của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Họ và những người khác đã leo lên một trong những chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ để rời khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Cả nhà bà bỏ lại sau lưng cuộc chiến khi máy bay bay qua Biển Đông.
Trại tị nạn
Danielle, hiện là sỹ quan điều hành của Tổng thanh tra Quân đội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C., còn nhớ rất ít về cái ngày khi cô và gia đình chạy khỏi quê hương cũng như cuộc chiến bao trùm đất nước. Cô chỉ biết những gì đã xảy ra qua lời kể của mẹ.
Chiếc máy bay quân sự cuối cùng cũng đã hạ cánh ở một trại tị nạn ở một lãnh thổ miền xa của Hoa Kỳ, đảo Wake, nằm cách Hawaii khoảng 2.300 dặm về phía tây. Họ đã chính thức là người tị nạn. Ở đó, Họ đã mất ba tháng để đợi một quốc gia chấp nhận họ. Cuối cùng, họ biết được nước Mỹ sẽ cưu mang họ, bà Thái An nói.
Chỉ với vài túi đồ đạc, họ lên máy bay đi đến các trại tị nạn ở Hawaii và sau đó là Arkansas.
Sau đó, họ đã ở vài tuần ở Dallas trước khi một người cậu đồng ý bảo lãnh. Trong suốt thời gian đó, người mẹ bảo cô ấy không được rời mắt khỏi em gái.
Cuối cùng, họ chuyển vào khu nhà do chính phủ bảo trợ ở Melrose, một vùng ngoại ô Boston với chủ yếu là người da trắng ngay phía bắc sông Mystic.
Vào lúc nhà bà Ngô di tản đến Mỹ, phần lớn người Mỹ vẫn có thái độ phản chiến và vẫn e ngại việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam.
Khi còn nhỏ, Danielle đã học cách chăm lo cho em gái và nghe theo lời dạy của mẹ. Qua sự kiên cường của mẹ, cô cho biết, cô đã học được phẩm chất để trở thành người lãnh đạo trong quân đội.
Ký ức xa xăm
Một bức tranh sơn dầu màu nâu và đỏ treo phía trên lò sưởi ở tư gia Đại tá Danielle Ngô ở Fairfax, bang Virginia. Bức tranh vẽ người mẹ trẻ Thái An đang ẵm bé Danielle trên tay sau khi sinh tại thành phố Vũng Tàu.
Đã hơn 46 năm kể từ khi cả nhà bà Ngô rời bỏ Sài Gòn. Ký ức cô còn có thể nhớ lại là ông ngoại của cô đặt một tờ bạc xanh vào túi áo sơ mi màu xanh của cô, và cái tên mà ông đặt cho cô, Như Nguyện, có nghĩa là ‘nguyện ước thành hiện thực’ trong tiếng Việt. Cô đã quên hết cách đọc, nói tiếng Việt.
Từ trái sang phải: Ngô Lan Đình, mẹ Ngô Thái An, Stefanie (em gái út) và Danielle mặc váy trắng khi cả nhà đến thăm Danielle ở Hawaii hồi năm 2018 |
Cô không biết nhiều về cha, chỉ biết ông từng là sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được huấn luyện với Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ. Quân đội miền Bắc đã bỏ tù ông sau khi gia đình ông di tản sang Mỹ. Cho đến nay, gia đình không biết tung tích của ông.
Ở Mỹ, họ sống trong khu nhà do nhà nước bảo trợ trong tám năm. Gia đình bà Ngô không có nhiều tiền để mua quần áo và đồ chơi mới cho con. Trong nhiều năm, Danielle đã chạy chiếc xe đạp nhỏ mà ghế ngồi không có bọc.
Khi Danielle lên lớp bảy, gia đình chuyển đến vùng ngoại ô Hingham giàu có phía nam Boston dọc theo Vịnh Massachusetts. Làm mẹ đơn thân, bà Thái An thường không thể ở nhà để chăm sóc con. Bà lấy chồng khi mới 17 tuổi và sinh ra Danielle khi 18 tuổi. Lúc đó bà Thái An mới trong độ tuổi 20, bà có nguyện vọng học đại học, xây dựng sự nghiệp và đời sống tốt đẹp hơn cho các con.
Trách nhiệm làm chị
Dù hai chị em chỉ cách nhau 15 tháng, nhưng trách nhiệm thường thuộc về người chị Danielle, vốn phải trông em Lan Đình. Cô dắt tay em đến trường hoặc đi học bơi và thể dục. Cô luôn đảm bảo rằng em cô có đồ ăn khi đói.
Ở trường trung học, Lan Đình lần đầu tiên chơi các môn thể thao có tổ chức, thi đấu bóng rổ và bóng đá trước khi quyết định tham gia lĩnh vực tổ chức dàn dựng các chương trình biểu diễn múa của nhà trường. Danielle tham gia dàn hợp xướng và các câu lạc bộ tiếng Pháp, thậm chí còn thành lập nhóm tình nguyện của riêng mình để phát bánh mì cho người vô gia cư ở Boston và chăm sóc người già.
“Thật tôi muốn noi theo chị khi chứng kiến chị làm những việc đó,” cô Lan Đình nói. “Tôi có thể nói rằng đó là lần đầu tiên chị ấy thực sự lãnh đạo và tổ chức gì đó.”
“Có lẽ hầu hết khả năng lãnh đạo mà chị ấy thực sự học được là ở trong quân đội, bởi vì trong gia đình châu Á, trẻ em không thực sự thể hiện khả năng lãnh đạo. Chúng rất vâng lời.”
Mẹ cô nhớ đã nhìn thấy đồng phục của những người lính Mỹ chào đón họ lên Đảo Wake. Tại mỗi trại tị nạn mà họ đi qua, họ đều thấy những người mặc đồ lính. Khi bé Lan Đình bị bệnh, các y tá Quân y đã điều trị cho Lan Đình tại bệnh viện quân y trên đảo và biết được cô dị ứng với sữa.
Danielle trân trọng cuộc sống của cô ở Mỹ, đến nỗi cô quyết định sẽ vào quân ngũ lúc 17 tuổi để trả món nợ mà cô cảm thấy mình mang ơn.
“Tôi muốn đền đáp một thứ gì đó cho nước Mỹ, đó là quê hương của tôi bây giờ,” Danielle nói. “Nước đã cứu tôi khỏi chiến tranh.”
Lúc đầu, mẹ cô chống đối. Bà không muốn mạo hiểm việc con gái lớn của bà đi tham chiến sau khi bà đã mất mát rất nhiều để trốn thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Bà muốn Danielle vào đại học.
Danielle quyết tâm nhập ngũ và hứa với mẹ rằng cô ấy sẽ sử dụng những ưu đãi về giáo dục để đi học lại sau thời gian tại ngũ và cuối cùng đã thuyết phục được mẹ cô đồng ý. Với hy vọng làm bác sĩ, cô đã nhập ngũ để làm kỹ thuật viên phòng phẫu thuật vào năm 1989.
Giờ đây, cô khoác trên người đồng phục của những người lính đã giúp giữ cho gia đình cô được an toàn.
Người ông đáng kính
Năm 1991, Danielle quyết định trở về quê hương một mình sau khi nhập ngũ. Máy bay của cô hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, cũng chính là sân bay nơi cô và gia đình tìm cách thoát ly để chạy trốn chiến tranh những năm trước.
Cô về nơi chôn nhau cắt rốn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và cuối cùng cô ngồi lại với ông ngoại trong xưởng nghệ thuật đầy bụi bặm của gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi ngày, ông ngoại cô đều đạp xe đến xưởng. Họ ngồi trong đó và nói chuyện với nhau bằng cách viết các câu hỏi và câu trả lời lên giấy. Ông ngoại của cô, ông Ngô Ngọc Tùng, đã tự học tiếng Anh, nhưng cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện theo cách đó.
Ở đó, cô đã tìm hiểu về cuộc sống của ông ngoại ở Việt Nam, làm sao ông tự tay xây lên ngôi nhà mà không cần đến các công cụ hỗ trợ. Ông kể cho cô nghe ông đã dạy các con cách vẽ và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như thế nào. Ông đã cho cô xem những tác phẩm tuyệt đẹp mà gia đình đã làm ra trong suốt nhiều năm.
Khoảng một năm sau chuyến thăm đó, ông ngoại cô qua đời.
Bà Thái An nhảy hết việc này sang việc khác, trước hết là lấy bằng cao đẳng khi làm việc chăm sóc người già. Cuối cùng, bà lấy được cả bằng cử nhân và thạc sĩ trước khi tìm được công việc thủ thư.
Mẹ cô đã yêu cầu các con chỉ nói tiếng Anh trong nhà để bà có thể tự học qua các con. “Đó là khoảng thời gian rất vất vả và rất cố gắng đối với mẹ,” Danielle nói.
Chứng kiến những gian khổ của mẹ đã để lại tác động đến chị em cô.
“Mẹ tôi,” Danielle nói, “là một phụ nữ phi thường.”
Theo bước mẹ
Danielle đã sống trọn thời gian trong quân ngũ, nhưng vẫn nhớ đến lời hứa với mẹ. Cô rời quân ngũ một thời gian ngắn sau hai năm để theo học tại Đại học Massachusetts ở Boston vào cuối năm 1991 với học bổng để học ngành tài chính. Cô làm việc tại văn phòng Cựu chiến binh tại trường, đồng thời giúp trông đứa em gái út Stefanie ở nhà.
Lan Đình, học theo tấm gương của người chị Danielle, đã theo học tại Học viện Quân sự West Point.
Năm 1994, Danielle tốt nghiệp đại học và được biên chế làm sĩ quan công binh.
Là một đại úy trẻ, cô đã chứng kiến cuộc chiến ngoài mặt trận khác hẳn với cuộc chiến mà cô đã bỏ chạy khi còn nhỏ. Cô đến Bosnia vào năm 1998 với tư cách là một sĩ quan điều hành đại đội. Sau đó, 18 tháng sau khi tòa tháp đôi sụp đổ tại New York, cô đã được điều đến Iraq để hỗ trợ Chiến dịch Tự do Iraq.
Là người phụ nữ đơn độc trong các đơn vị toàn là đàn ông có những thách thức, nhưng đã thúc đẩy cô ấy huấn luyện nhiều hơn. Khi leo lên cấp bậc sĩ quan, cô giữ được sự chuyên nghiệp ở mức độ nghiêm khắc nhưng vẫn khiêm tốn.
Con đường binh nghiệp của hai chị em giao thoa khi cả hai cùng nhận nhiệm vụ tại Fort Hood, Texas, vào năm 1998. Họ sống cùng nhau trong ba năm cho đến khi Lan Đình giải ngũ vào năm 2001. Trong bữa ăn tối của đơn vị, Lan Đình đã thấy chị mình đã có tác động như thế nào với binh lính dưới quyền. Danielle thậm chí còn mời những người lính đến nhà cô ăn tối trong Lễ Tạ ơn.
“Tôi chỉ biết họ quý mến chị ấy,” Lan Đình nói. “Khi họ đến đó cùng gia đình… Bạn có thể thấy họ hết sức tôn trọng chị ấy.”
Danielle lắng nghe mối quan tâm của binh lính. Lan Đình cho biết cô ấy coi trọng ý kiến của các hạ sĩ quan dưới quyền.
Danielle đã chọn trở thành nữ kỹ sư, một phần vì cô ấy cảm thấy công việc đó là thử thách khó khăn nhất đối với một nữ quân nhân.
Hồi năm 2001, trước vụ khủng bố ngày 11/9, cô trở thành đại đội trưởng nữ đầu tiên trong tiểu đoàn công binh trực tiếp được phân về một lữ đoàn chiến đấu là Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 4 Bộ binh. Năm 2003, lữ đoàn đã theo Sư đoàn 3 bộ binh tiến vào Iraq qua ngả Kuwait.
Chiến đấu gian khổ
Cô đã trải qua sáu tháng đầu tiên làm sĩ quan hậu cần của lữ đoàn để giúp trang bị cho một lữ đoàn chiến đấu để nó có thể di chuyển từ Kuwait đến Tikrit, Iraq. Chiều dài của đoàn xe kéo dài hơn 800 km. Đơn vị của cô thường phải ứng biến vì quân đội Mỹ chưa thiết lập bất kỳ cơ sở nào và phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt.
Họ làm vòi tắm dã chiến và đào hố để đốt lửa. Vào ban ngày, cô phải chịu cái nóng oi bức trong khi luôn cảnh giác trước hỏa lực của quân thù. “Gần như không thể ngủ được vào ban ngày,” Danielle nói. “Nó quá là nóng”.
Hai chị em Danielle Ngô và Ngô Lan Đình |
Các quan chức Mỹ sau đó đã ghi nhận đơn vị của cô, Sư đoàn 4 Bộ binh, là một trong đơn vị đã giúp bắt được Saddam Hussein. Danielle tiếp tục được triển khai đến Afghanistan để giúp cho kế hoạch gia tăng quân số, chỉ huy một tiểu đoàn công binh tại Fort Carson, Colorado, và làm trợ lý quân sự cho Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO.
Cuối cùng, cô trở thành tư lệnh Lữ đoàn Công binh 130 tại Fort Shafter, Hawaii. Tại đây, cô đã hỗ trợ chiến đấu và xây dựng trên khắp Thái Bình Dương, triển khai binh lính đến 17 quốc gia. Chẳng hạn, đơn vị của cô đã giúp điều phối thỏa thuận dịch vụ dân sự giữa Mỹ và chính phủ Palau để đưa các đội thợ và lao động của Quân đội đến các dự án xây dựng quan trọng ở đảo quốc Thái Bình Dương xa xôi này.
Ngày nay, cô được xem là phụ nữ gốc Việt tại ngũ cấp cao nhất trong Quân đội Mỹ và cao thứ hai chỉ sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt. Cô có ba người con mà cô đã dạy dỗ bằng những giá trị học được từ mẹ và ông ngoại quá cố.
“Là một hình mẫu cho những người khác. Cô ấy tự hào nhất về vai trò của mình làm vợ, làm mẹ, con gái và người bạn đối với người xung quanh,” Trung tướng Leslie Smith, Tổng thanh tra của Quân đội viết. “Điều đó thể hiện trong hành động của cô ấy mỗi ngày.”
Ai trong gia đình cô cũng xuất sắc. Sau khi Lan Đình tốt nghiệp trường West Point và phục vụ bảy năm tại ngũ, cô đã có 18 năm làm việc tại Ngân hàng Bank of America và nghỉ hưu với tư cách là phó chủ tịch. Hiện cô đang dạy tiếng Anh ở Thái Lan với tư cách là giám đốc trung tâm Point Avenue, ở Bangkok, một công ty do các cựu sinh viên West Point thành lập.
Cậu của Danielle, ông Ngô Vĩnh Long, người đã bảo lãnh cả gia đình để họ có thể đến sống ở Massachusetts, là sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học Đại học Harvard trực tiếp. Ông đã tự học tiếng Anh trước khi đến Mỹ bằng cách học thuộc lòng các tiểu thuyết Anh.
Danielle hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người Mỹ gốc Á khác gia nhập quân ngũ bằng tấm gương của cô. Cô cho biết các gia đình châu Á ưu tiên giáo dục, vốn có lẽ là một phần lý do tại sao họ ít có đại diện trong quân đội Hoa Kỳ.
“Con đường của nhiều người châu Á là vào đại học, học hành, làm nên điều gì đó thành đạt hơn cha mẹ,” Danielle nói. “Điều đó khá mạnh mẽ trong văn hóa châu Á. Và trên hết, nếu nhìn xung quanh trong quân ngũ, bạn sẽ không thấy nhiều người giống mình.”
“Chúng ta nên có nhiều tướng lĩnh người Mỹ gốc Phi hơn trong quân đội, để những người Mỹ gốc Phi khác có người để ngưỡng vọng và phấn đấu theo. Nhưng họ đang bỏ qua các cộng đồng gốc Á và gốc Tây Ban Nha. Bằng cách nào đó, chúng ta ‘phải thuyết phục cộng đồng gốc Á rằng đáng để gia nhập quân đội,” cô nói.
‘Rất hãnh diện’
Từ Maine, nơi ông đang dạy đại học, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nói ông ‘rất hãnh diện’ về hai người cháu gái của mình.
“Hai chị em chúng nó không có sự giúp đỡ gì hết ngoài sự giúp đỡ của gia đình là tôi mà lúc đó tôi cũng rất khó khăn về tài chính,” ông Long nói và cho biết cả ba mẹ con bà An ‘đã phấn đấu không để không chỉ đi học lấy bằng mà còn có thể làm những việc giúp ích cho an ninh nước Mỹ’.
“Cả ba mẹ con rất gian khổ. Khi mẹ đi làm thì phải gửi con nhà trẻ rất tốn tiền hay phải gửi hàng xóm,” ông kể.
Khi hỏi về động lực để cô Danielle và cô Lan Đình vào quân ngũ, ông Long nói: “Hai cháu muốn làm cái gì khác với mọi người. Thay vì đi làm có tiền, tụi nó vào quân đội để đóng góp cho an ninh nước Mỹ.”
“Đi lính không phải là để làm giàu mà là để cảm thấy mình có trách nhiệm với đất nước,” ông Long giải thích.
“Hai cháu đã tranh đấu như vậy thì tôi cũng hãnh diện cho người Việt Nam chứ không phải hãnh diện riêng cho gia đình tôi,” Giáo sư Long nói với VOA.
“Trong gia đình tôi mọi người đều tranh đấu, cố gắng hết sức,” ông cho biết thêm.
(Theo Army.mil)
Đinh Yên Thảo
Disney vừa công chiếu bộ phim hoạt hình "Raya and the Last Dragon" với sự xuất hiện một công chúa gốc Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử phim Disney: nữ tài tử Kelly Marie Trần, có tên Việt là Loan Trần, thủ diễn vai chính, là người lồng giọng cho công chúa Raya. Không những vậy, nhà biên kịch phim cũng là một người gốc Việt là Quí Nguyễn, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan cho thế hệ trẻ gốc Việt tiến vào Hollywood trong tương lai.
Khi bộ phim Disney "Raya and the Last Dragon" ra mắt, Kelly Marie Trần xuất hiện trước công chúng và trên các hệ thống truyền thông có vẻ đầy tự tin, quả quyết và tin vào một thế hệ tài tử gốc Á hơn ba năm trước, điều cô đã hầu như bị đánh mất sau khi xuất hiện trong một bộ phim rềnh rang và kinh điển của điện ảnh Hoa Kỳ là Star Wars.
Sinh ra trong một gia đình tị nạn gốc Việt tại California, Kelly Trần là một trong vô số con cái những người di dân tại Hoa Kỳ đã đạt đến giấc mơ mà ngay cả những người Mỹ chính gốc cũng khó đạt đến khi trở thành người phụ nữ Châu Á đầu tiên thủ diễn một trong những vai chính của bộ phim The Last Jedi trong loạt phim Star Wars nổi tiếng hồi 2015.
Có cha mẹ là những người tị nạn đến Mỹ vào thập niên 80s, Kelly sinh ra tại San Diego, California vào năm 1989. Như nhiều người tị nạn khác, cha mẹ cô đã làm những công việc tay chân vất vả để nuôi chị em cô ăn học, tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
Tốt nghiệp ngành truyền thông tại đại học UCLA, Kelly bắt đầu bước vào lãnh vực phim ảnh với những vai nhỏ trong các video và truyền hình. Năm 2015, ở tuổi 26, Kelly may mắn được chọn vào bộ phim đầu tiên và nổi tiếng Star Wars mà cô chưa từng xem trước kia. Cạnh tranh cùng hàng trăm ứng viên khác, Kelly đã được đạo diễn Rian Johnson chọn sau quá trình tuyển chọn và thử vai kéo dài trong năm tháng trời để trở thành một phụ nữ gốc Á đầu tiên lọt vào vai diễn chính trong loạt phim này, bên cạnh sự xuất hiện ngắn ngủi của tài tử Ngô Thanh Vân trong phim.
Nhập vai thợ máy Rose Tico của lực lượng kháng chiến quân trong phim The Last Jedi, Kelly được giới phê bình cùng người hâm mộ khen ngợi và có những phản hồi tích cực cho vai diễn đầu tiên và quan trọng của cô. Nhưng đồng thời, cô lại bị tấn công trên mạng xã hội với các lời lẽ kỳ thị, gièm pha khi cho rằng vai diễn không thích hợp với người Á Đông cho đến các nhận xét không mấy thiện cảm về ngoại hình, vóc dáng của Kelly.
Trong khi đạo diễn cùng các tài tử đồng diễn cho đến người hâm mộ binh vực cho Kelly thì cô đã không chịu nổi áp lực tâm lý trước sự tấn công, buộc cô phải đóng luôn tài khoản Instagram, twitter và các trang mạng xã hội của mình. Viết trên tờ New York Times, Kelly thú nhận rằng, "Không phải vì những lời nói của họ mà vì tôi đã bắt đầu tin là vậy. Những điều họ nói chỉ tái xác nhận những gì đã dạy tôi khi lớn lên là một phu nữ và người da màu: tôi thuộc về bên lề và chỉ có giá trị như một nhân vật phụ trong đời sống và những câu chuyện của họ".
Nhưng trong bài báo của mình, Kelly cũng đã tiếp tục rằng cô mong muốn được sống trong một xã hội mà những đứa trẻ lớn lên không ước mình là người da trắng, là phụ nữ mắt xanh tóc vàng để được chấp nhận. Mà họ được chấp nhận bất kể màu da, sắc dáng, tôn giáo, sắc tộc nào trong tư cách chỉ là con người với nhau. Và cô sẽ không bỏ cuộc với những gì thuộc về chính con người cô.
Kelly đã không bỏ cuộc và cô đã quay lại thành công, tự tin hơn trong vai diễn công chúa Raya trong bộ phim Disney nói trên. "Raya and the Last Dragon" kể về vùng đất Kumandra mà con người và rồng từng chung sống thanh bình, những con rồng chiến đấu để bảo vệ họ trước sự xuất hiện của những quái vật ác độc Druun. Năm trăm năm sau, những con quái vật này lại xuất hiện và nàng công chúa Raya, người chịu trách nhiệm cứu Kumandra là đi tìm con rồng cuối cùng để chống lại Druun. Nhưng thử thách cho Raya không chỉ tìm được rồng mà là những chia rẽ, nghi kỵ giữa những bộ lạc, giữa con người với nhau. Điều Raya đi tìm là niềm tin và sự hàn gắn, hợp đoàn giữa con người để chống lại quái vật, sự dữ.
Bộ phim đã quy tụ đông đảo nam nữ tài tử gốc Châu Á thủ diễn, tức lồng giọng cho các nhân vật trong phim. Việc lồng giọng không đơn giản như chỉ đọc theo kịch bản phim mà đòi hỏi các tài tử phải bộc tả vai trò, chân dung nhân vật, cũng như thể hiện ý định và thông điệp của đạo diễn lẫn những nhà làm phim. Kelly Trần cho biết cô đã tìm đọc lại lịch sử cùng hoàn cảnh gia đình mình khi làm phim. Kelly thú nhận cô đã mất ngủ, đã cảm thấy trách nhiệm đè nặng khi nhập vai chính cho bộ phim này.
Bộ phim đã được Adele Lim, một nhà biên kịch gốc Malaysia từng tham gia viết phim Crazy Rich Asians rất thành công viết chung với nhà viết kịch bản phim gốc Việt là Quí Nguyễn. Sinh năm 1976 tại Arkansas, Quí Nguyễn là một nhà biên kịch đã có nhiều kịch bản trên sân khấu kịch nghệ, truyền hình và trong điện ảnh, hiện viết kịch bản phim cho Disney. Trong một cuộc phỏng vấn, Quí Nguyễn bảo rằng anh không muốn đưa những câu sáo ngữ vào trong phim bởi sự hàn gắn với đối thủ là điều khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng.
Các nhà biên kịch cho biết rằng, là những nhà viết phim và dàn tài tử gốc Á, những tiểu tiết trong văn hóa, ứng xử Á Đông đã được lồng vào trong phim. Nó không dễ nhận biết cho các sắc dân khác nhưng khá quen thuộc với người Á Đông, nhằm tạo sự thông hiểu và cầu nối giữa những nền văn hóa.
Bộ phim ra đời trùng hợp vào thời điểm mà nước Mỹ dường như cũng đang đối diện với vấn đề này. Hoặc đó cũng có thể là thông điệp mà Disney muốn gởi qua bộ phim: nước Mỹ hay thế giới nói chung cần sự tin cậy và đoàn kết với nhau để chống lại đại dịch đang sát hại hàng triệu người trên khắp địa cầu.
Bộ phim cũng tái khẳng định và cổ vũ cho vai trò nữ giới trong xã hội tân thời khi sự lãnh đạo của phụ nữ được ghi nhận đang gia tăng tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, khi làn sóng tấn công vào người gốc Á đang tăng cao, bộ phim cũng cổ vũ cho sự thông hiểu và chấp nhận những khác biệt, nhìn nhận người khác bằng chính con người họ thay vì bất cứ điều gì khác.
Con đường để Kelly Marie Trần trở thành một "công chúa" Disney không phải là con đường bằng phẳng. Nó tựa như những câu chuyện khác nhau của thế hệ gốc Á tiếp nối mà một số người chỉ nhìn thấy những thành công bề ngoài nhưng không trải qua hay thấu cảm những thử thách nội tại, sự tranh đấu để đi tìm bản thể trong hành trình của các thế hệ sau mình phải đối diện thế nào.
Nhưng bất kể những sự loại trừ hay chối bỏ vẫn hiện diện đó đây, một lớp tài tử gốc Á hay Việt Nam nói riêng đang từng bước tự tin đi vào Hollywood. Tựa như những thế hệ trẻ gốc Á hay gốc Việt nói riêng vẫn tiến bước, gióng lên tiếng nói tự tin và mạnh mẽ của mình.
Hiếu Gray/Người Việt (thực hiện)
Đoan Trang/Người Việt (chuyển ngữ)
Đầu bếp Tu David Phu. (Hình: Facebook Tu David Phu) |
LOS ANGELES, California (NV) – Đầu bếp Tu David Phu trong gian bếp của mình, mang vóc dáng của một võ sĩ đạo hơn là một nghệ nhân chuyên về ẩm thực. Hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhưng nói lên con người của anh, một đầu bếp người Mỹ gốc Việt.
Sự khác biệt này được thể hiện trong các món ăn của đầu bếp Tu David Phu, do ảnh hưởng từ thời niên thiếu lớn lên trong cộng đồng người Việt ở Oakland, California, và qua thời gian được đào tạo chính thức tại các nhà hàng hạng sang như Acquerello, Chez Panisse.
Đầu bếp Tu David Phu vừa hoàn thành “Season 15” của chương trình truyền hình thực tế “Top Chef” đang rất ăn khách trên đài truyền hình Bravo. Anh cũng hoàn thành một bộ phim tài liệu ngắn “Bloodline,” nói về việc thân phụ mẫu anh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thời kỳ trưởng thành cho đến khi anh trở thành môt đầu bếp nổi tiếng.
Đầu bếp là công việc gắn bó suốt cuộc đời anh để mang hương vị Việt đi khắp thế giới.
Tu David Phu là đầu bếp từng đoạt nhiều giải thưởng về ẩm thực, chia sẻ công việc và các dự án sắp tới của anh, trong cuộc phỏng vấn do phóng viên Hiếu Gray của nhật báo Người Việt thực hiện sau đây.
Hiếu Gray: Vì sao anh muốn làm đầu bếp?
Đầu bếp Tu David Phu: Tôi là người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên ở Oakland. Cha mẹ tôi là người tị nạn. Chúng tôi bắt đầu gần như không có gì cả. Trong không gian ẩm thực, nếu câu chuyện mà các đồng nghiệp của tôi kể với đầy ắp những thực phẩm dinh dưỡng, những món ăn thịnh soạn, thì với tôi, hoàn toàn ngược lại.
Ký ức về món ăn thời thơ ấu của tôi là… canh xương gà. Lúc còn nhỏ, xương gà là thứ mà ở các quầy thịt trong chợ người ta đem cho chứ không bán. Không ai lấy thì người ta cũng vứt đi thôi. Vậy mà, nếu hôm nào may mắn, tôi được mẹ nấu cho món canh xương gà. Xui xẻo thì bữa ăn của chúng tôi chỉ có cơm trắng, hoặc mì gói mà thôi.
Hồi nhỏ, tôi làm gì có được những loại thực phẩm đậm chất dinh dưỡng, đa dạng để có thể chọn lựa như bây giờ. Điều ấy khiến tôi bị ám ảnh, mất hết cảm xúc về thực phẩm. Thức ăn phải bắt nguồn từ mọi thứ, mà yếu tố tình cảm đóng vai trò quan trọng, giúp mình ăn ngon miệng, nhưng với môi trường sống của tôi lúc ấy, điều đó trái ngược. Như một lẽ tự nhiên, tôi… lăn vào bếp như một cách… di tản.
Hiếu Gray: Kinh nghiệm khi là “Top Chef” của Bravo, như thế nào?
Đầu bếp Tu David Phu: Được trong danh sách “Top Chef” thật là tuyệt vời. Đó là một kinh nghiệm quý giá mà qua đó tôi nhận biết thêm về những hạn chế và ranh giới của mình. Với kinh nghiệm ấy, tôi sẽ có thể làm lại trong tích tắc. Ngoài kinh nghiệm, tôi còn có được cơ hội đóng góp câu chuyện về nguồn gốc và gia đình mình trên một sân chơi mang tầm cỡ quốc tế như “Top Chef.” Tôi rất trân trọng điều đó.
Hiếu Gray: Anh có thể bật mí một chút về những dự án sắp tới không?
Đầu bếp Tu David Phu: Tôi đang thực hiện nội dung kỹ thuật số với một số thương hiệu trên các mạng truyền thông xã hội (như IG, TikTok, YouTube). Tôi cũng vừa bắt đầu kênh YouTube “Nấu ăn với Chef Tu.” Hiện thời tôi đang quay một loạt “clip” để bắt đầu đăng lên vào mùa Xuân. Trang web thương mại điện tử của tôi www.tumamispices.com thành công đáng kinh ngạc suốt thời gian qua.
Hiện giờ tôi đang tiếp tục tìm cơ hội để thực hiện, hoặc dẫn chương trình truyền hình theo chủ đề, tường thuật những câu chuyện về ẩm thực mà tôi chưa từng kể cho ai.
Hiếu Gray: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công việc của anh như thế nào?
Đầu bếp Tu David Phu: Giống như các đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, năm 2020 đối với tôi cực kỳ khó khăn. Nhưng vì trong năm 2019, tôi có nhiều buổi diễn thuyết và nấu ăn riêng cho khách hàng, nên cũng dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm cho năm 2020.
Hồi Tháng Giêng, 2020, chúng tôi được tài trợ đầy đủ để quay hai chương trình truyền hình “First Kitchen” và “Try This.” Đến Tháng Hai tôi đính hôn. Tháng Ba thì đại dịch COVID-19 tấn công Hoa Kỳ. Mọi hoạt động bị ngừng trệ. Chúng tôi mất hết tiền tài trợ cho các chương trình truyền hình. Tất cả các hợp đồng biểu diễn sự kiện và các chương trình có tôi xuất hiện, đều bị hủy bỏ. Suốt năm 2020, chồng sắp cưới của tôi và tôi tiêu sạch bách tiền tiết kiệm, lấy luôn tiền làm đám cưới cho tiêu dùng, để có thể…sống sót.
Cũng nhờ trong thời gian đại dịch, tôi có thời gian để học các kỹ năng mới như chụp ảnh thức ăn và thương mại điện tử. Kết quả là sự ra đời của www.tumamispices.com, và các mối quan hệ đối tác với những thương hiệu trên các kênh ẩm thực mà tôi giữ vai trò cố vấn như Mark Levinson, Right Rice, Trex [Wagyu]…
Hiếu Gray: Là một đầu bếp gốc Việt, anh có thể chia sẻ chút kinh nghiệm, đặc biệt với tư cách là một nhân tố của cộng đồng người Việt di cư?
Đầu bếp Tu David Phu: Đối với tôi, cộng đồng người di cư phức tạp hơn nhiều so với cộng đồng người Do Thái, và cũng khá mới ở Hoa Kỳ. Trong các cuộc đối thoại, tôi nói không nên dùng những từ như “chính xác.” Các từ ngữ như “chính xác” gây mâu thuẫn, vì nó tạo ra những câu chuyện xoay quanh về nguồn gốc. Lịch sử thế giới phức tạp hơn nhiều. Và tất cả những thứ tồn tại trong thế giới phức tạp của chúng ta đều luôn xuất phát từ nhiều nguồn gốc. Ví dụ, một người tuyên bố rằng “Phở” “chính xác” là chỉ có phở bò. Thế còn phở gà thì sao?
Nếu xem xét các tỉnh, thành phố, và vùng miền khác nhau ở Việt Nam, tôi thấy công thức nấu phở cho thấy sự tiếp cận ở mỗi nơi. Do đó, theo quan điểm của tôi, các thuật ngữ như “chính xác” là mâu thuẫn, vì nó tạo ra một câu chuyện kỳ lạ về nguồn gốc. Con người, văn hóa và truyền thống của người di cư thay đổi theo thời gian, theo vị trí địa lý. Với thế giới ẩm thực, mình không thể mô tả lịch sử của nó, nếu không có những câu chuyện về người di cư.
Đầu bếp Tu David Phu sẽ dạy một lớp học nấu ăn trực tuyến như một phần hoạt động của Hiệp Hội Nhà Báo Người Mỹ Gốc Á – Los Angeles, Chapter’s Kitchen Conversation Series, vào lúc 6 giờ chiều (giờ California) ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, qua Zoom.
Để biết thêm thông tin, xin vào trang web https://aajalakitchenconversation.eventbrite.com. [đ.d.]
Bé gái 3 tuổi bám vào lan can tầng 12 trước khi rơi xuống mái tôn, nơi anh Nguyễn Ngọc Mạnh leo lên để chờ đỡ cháu bé. |
“Không, em không muốn làm người hùng”, câu trả lời dứt khoát của anh Nguyễn Ngọc Mạnh vừa khiến nhiều người thêm khâm phục sự tử tế của người đàn ông đã chiếm hết “spotlight” của truyền thông Việt Nam trong những ngày qua, vừa cho thấy nền truyền thông bị chính trị định hướng đã phá hỏng một câu chuyện đẹp của đời thường ra sao.
“Lên chín tầng mây”
Sau một đêm, Nguyễn Ngọc Mạnh, người ban đầu được báo chí ca ngợi là “anh hùng” vì cho là đã kịp thời leo lên mái tôn để đỡ một bé gái 3 tuổi rơi từ toà nhà 12 tầng xuống và cứu mạng bé gái này, cho biết cuộc sống anh và gia đình hoàn toàn đảo lộn.
Câu chuyện “người hùng” phủ đầy trang nhất trên tất cả các trang báo, từ chính thống cho đến các trang mạng xã hội. Ngoài Thủ tướng chính phủ trao bằng khen, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng có thư khen Mạnh vì đã “phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Đông Anh văn hiến, anh hùng”.
Đoàn Thanh niên ngoài việc trao huy hiệu “Thanh niên dũng cảm” cũng không quên khoác lên người Mạnh chiếc áo đoàn viên thanh niên để hôm sau xem báo, nhiều người tự hỏi liệu anh Mạnh đã được kết nạp vào tổ chức này từ khi nào.
Anh Dũng Đinh, một cư dân Sài Gòn, nhận xét với VOA: “Khoác cho anh Mạnh cái áo đoàn viên thanh niên tôi thấy nó lố quá. Nói chung đó là một câu chuyện đời thường. Mọi người yêu mến Mạnh thì trong lòng người ta tự sẽ cảm phục. Đưa một bài báo thì ok, nhưng cái này là làm hơi lố. Làm cho cuộc sống của anh Mạnh thêm khó khăn, khó xử sau này. Làm lố quá!”
Ngoài giới show biz tranh thủ đưa câu chuyện lên các trang fanpage để gây chú ý, hàng loạt các tài khoản mạng xã hội giả mạo và ăn theo cái tên “Nguyễn Ngọc Mạnh” khác cũng xuất hiện để “câu view”. Trong khi, người thực hiện hành động nghĩa cử liên tục xua tay trước ống kính và từ chối nhận danh hiệu “anh hùng”.
“Mọi người gọi tôi là anh hùng thực sự tôi không muốn. Tự dưng đang ở dưới đất, mọi người đưa tôi lên chín tầng mây, cao quá tôi không đi được. Nếu không có tôi thì cũng sẽ có những anh hùng khác”, anh Mạnh trả lời phỏng vấn của VTV.
“Anh hùng” - tấm áo quá khổ cho người tử tế
Bản thân người được phong “anh hùng” hôm sau tiếp tục kêu lên với báo chí rằng anh “không nghĩ nó rùm beng lên cả anh em thành phố, rồi công an, nhà báo… nhiều như thế”.
“Không, em không muốn làm người hùng. Em chỉ làm phúc thôi. Nhưng con em, nói không may, nhỡ con em có vấn đề gì đấy thì cũng sẽ có người giúp đỡ…”, Mạnh, không dưới một lần, nói với báo chí về việc làm của mình.
Một ngày sau khi anh Mạnh được đưa lên “chín tầng mây”, một đoạn video khác xuất hiện quay lại được cảnh anh leo lên mái tôn với ý định đỡ cháu bé lúc đó vẫn còn đang treo lơ lửng trên cao. Tuy nhiên, góc máy quay này cho thấy anh Mạnh không hoàn toàn đỡ được cháu bé mà chỉ chạm được vào một phần cơ thể bé. Cháu bé sống sót sau khi rơi xuống mái tôn và bật tung lên một lần nữa. Nhiều người cho rằng chính độ đàn hồi của tấm tôn nhựa và cũng có thể bàn tay anh Mạnh góp một phần, hay một điều kỳ diệu nào đó, đã giúp em bé thoát chết.
Đoạn video lập tức làm đảo lộn dư luận Việt Nam một lần nữa. Hàng loạt các tranh cãi kèm theo phân tích, đo đạc, tính toán của các chuyên gia vô danh xuất hiện trong nỗ lực tìm ra “đâu là sự thật”. Vị ngọt tình người trong câu chuyện “người hùng” lúc này bỗng biến mất, thay vào đó là vị chua và đắng khi một số người đang từ trạng thái ngưỡng mộ chuyển sang hạ bệ không thương tiếc “người hùng” vì cho rằng anh đã không đỡ được cháu bé mà “nói quá”, trong khi anh Mạnh ngay từ đầu đã nói rằng điều đáng tiếc là anh “không kịp đỡ bé”.
“Đúng ra, một người xả thân cứu người là bản chất của họ. Nhưng xã hội bơm lên quá thì chỉ tội cho anh Mạnh thôi. Anh sẽ bị áp lực. Mai mốt có chuyện gì lại hạ bệ người ta”, anh Dũng Đinh nói với VOA.
“Chuyện chụp trúng hay không thì Mạnh đâu phải là cầu thủ ăn tiền đi thi đấu đâu mà trúng hay không trúng. Chuyện đó không đáng quan tâm. Tại sao mình không quan tâm đến cái gốc là bản lĩnh của một người đơn giản thấy chuyện là làm. Bao nhiêu người ở đó mà sao có một mình Mạnh làm?”, anh Dũng nói thêm.
“Ai cho tao lương thiện?”
Một trí thức ở Việt Nam nói với VOA rằng câu chuyện của Mạnh và cháu bé đã bị thể chế Cộng sản làm cho “méo mó”.
Trong khi đó, kỹ sư - nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng vấn đề xuất phát từ hệ thống truyền thông và tuyên giáo ở Việt Nam.
“Chính hệ thống truyền thông và tuyên giáo của Việt Nam, mà tôi nghĩ do chủ trương tìm kiếm những câu chuyện anh hùng như thế này để đẩy lên. Thành ra những sự kiện rất bình thường đã bị chính trị hoá”, ông Nguyễn Lân Thắng nhận định với VOA.
Theo nhà hoạt động này, chủ trương khuyếch đại “gương anh hùng” này không những không thể xoa dịu những bất bình, bức xúc hay mất lòng tin của người dân đối với thể chế, mà còn “khoét sâu” thêm những suy nghĩ và tình cảm tiêu cực của họ đối với công việc của các tổ chức nhà nước và hệ thống chính trị.
“Mặt xấu ở đây là khi người dân nhìn vào sự kiện đó thì sẽ cảm thấy e sợ vì có thể mình cứu giúp người này, làm việc thiện kia nhưng chưa chắc được truyền thông và người khác đánh giá và tôn trọng. Nhưng có một điểm tích cực là mỗi sự kiện qua đi, khi mọi việc đã rõ trắng đen, thì mỗi người dân sẽ có bài học cho mình và không dễ dàng bị hệ thống truyền thông của nhà nước dẫn dắt sự kiện đó theo hướng họ muốn”, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói.
Theo ông, đây là một yếu tố rất quan trọng để một xã hội công dân tại Việt Nam phát triển và trưởng thành, để đến một lúc nó có thể nhìn nhận đúng mức việc làm tử tế của từng cá nhân, chứ không dồn họ đến mức phải thốt lên “Ai cho tao lương thiện?” như Chí Phèo năm xưa của Nam Cao.
Lưu Trọng Văn
3-3-2021
Cô Amanda Nguyễn. Ảnh: FB nhân vật |
Mới đây các thông tin từ Mỹ đã phản ánh một cô gái Việt ở Mỹ được đề cử giải Nobel Hoà Bình. Gã xin được “tiếp sóng” bài viết của một bạn bên Mỹ về cô gái này và hy vọng cô sẽ là tấm gương cho các bạn trẻ VN noi theo để Đất nước phải thuộc về Thế hệ mới – Thế hệ Trẻ.
“Amanda Nguyễn, 28 tuổi, là một hiện tượng của cộng đồng người Việt. Cô là một nhân vật trẻ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình; nhận giải Heinz Award trị giá 250.000 USD; được chọn vào danh sách 100 nhân vậ̣t ảnh hưởng tương lai toàn cầu; có mặt trong danh sách 30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi; 100 nhân vật đối ngoại xuất chúng; được trao giải Nelson Mandela; giải Lãnh đạo Thế Giới; giải Phụ Nữ Trẻ, và nhiều giải thưởng vinh dự toàn quốc.
Cô là người gốc Việt duy nhất soạn thảo và thúc đẩy bộ luật đặc biệt Quyền lợi của Nạn Nhân Bị Cưỡng Hiếp (Sexual Assault Survivors’ Rights Act). Bộ luật này nhận được chấp thuận toàn diện từ liên bang, trong đó có 437 dân biểu, 100 thượng nghị sĩ, và sau cùng là Tổng thống. Sau đó, cô vận động từng tiểu bang, qua 32 tiểu bang, để được chính quyền từng tiểu bang chấp thuận. Bộ luật này có ảnh hưởng hỗ trợ hơn 85 triệu người.
Không ngừng ở đó, cô là nhà sáng lập và cũng là tổng giám đốc của Rise Now, một tổ chức khởi nghiệp cho những cơ quan – tổ chức quan tâm về vấn đề xã hội. Tổ chức này giúp những ai muốn đẩy vấn đề xã hội mà họ quan tâm qua những ngõ ngách phức tạp để trở thành luật. Rise Now được sự hỗ trợ tài chính của các nhân vật có khả năng tài chính nhất hành tinh, trong đó có ông Mark Zuckerberg và ông Bill Gates.
Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới quan tâm về nhân quyền đã mời Amanda Nguyễn làm cố vấn và diễn giả về những vấn đề nhân quyền cho phụ nữ. Những nhân vật sáng giá nhất, từ các chính trị gia thượng thặng, tỉ phú, thủ tướng, hoàng gia, đến những người nổi tiếng trên màn ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, đều muốn có sự liên hệ với cô. Cô đã được mời phỏng vấn trên các talk show nổi tiếng và là khách danh dự tham dự những sự kiện lớn như chương trình Oscar và Emmy.
***
Amanda sinh tháng Mười năm 1991, con của chị Tăng Ngọc Lan và anh Nguyễn Minh Tú. Từ nhỏ, Amanda đã thể hiện một tố chất thông minh, luôn cố gắng, và có một trái tim khác người. Mẹ của cô kể lại, khi có thai cô, mẹ cô đã thổi vào bào thai những ước vọng lớn lao cống hiến cho xã hội. Để hiểu về cô hơn, phải biết về mẹ của cô, người đã bỏ toàn vẹn cuộc đời hỗ trợ cho con gái mình, giúp hình thành nên con người của cô. Amanda lớn lên trong yêu thương và quen việc xả thân cho xã hội.
Sẽ là không ngoa nếu nói chị Ngọc Lan là một phụ nữ phi thường. Chị có nét đẹp dịu dàng nhưng có lòng từ tâm mãnh liệt. Chị quên mình lo cho người thân và xã hội, dù cực khổ cỡ nào. Có những câu chuyện chị trải qua, tưởng như chị là hình ảnh thu nhỏ của mẹ Teresa. Chị sinh ra ở một làng nhỏ thuộc Bạc Liêu. Bình thường, con gái quê thời đó lấy chồng sớm và lo công việc đồng áng, nhà cửa. Riêng chị, xong tú tài, chị xin cha mẹ lên Sài Gòn để học luật.
Khi học ở Đại Học Vạn Hạnh, ngoài công việc kiếm tiền học và thậm chí còn dành dụm gửi về nhà, chị tham gia hoạt động xã hội khi có thời gian, nhất là chăm sóc trẻ mồ côi và đi vòng Sài Gòn đưa các em bụi đời về. Sau này, nhiều em nhỏ được đưa ra khỏi Việt Nam năm 1975 trong chương trình Operation Baby Lift nổi tiếng. Chị kể cho tôi những câu chuyện cảm động về các em mồ côi tìm lại chị cảm ơn sau này. Mỗi câu chuyện là một bài học đẹp cho đời.
Khi mới sinh ra, Amanda không khóc, dường như cháu thể hiện sự can đảm nhìn cuộc đời bằng con mắt tò mò. Sau này, cô cho thấy lòng can đảm và ý chí trong suốt hành trình đời mình. Thời tiểu học, cô đã tỏ ra thiên năng về tiếp xúc với công chúng. Từ lớp một, cô đã mạnh dạn phát biểu trước đám đông và đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo trong học đường. Cô tham gia rất nhiều các công tác thiện nguyện.
Theo lời cô, cô tình nguyện để có thêm kinh nghiệm đời, giúp đỡ và hiểu hơn con người cần gì, để sau này cô nâng tầm giúp đỡ nhiều hơn, từ những việc trong nhà, rồi bệnh viện, văn phòng chính trị, đến môi trường học đường. Cô từng gây quỹ cho hội Ung Thư Việt Mỹ của Bác sĩ Bích Liên. Sau này, cô sử dụng rất hiệu quả trải nghiệm xã hội khi còn là học sinh của mình.
Khi vào trung học, Amanda nắm nhiều chức vụ trong tổ chức Lãnh Đạo Thương mại Tương Lai. Cô được bầu làm chủ tịch Hội lãnh đạo thương mãi tương lai toàn California (FBLA) nhiệm kỳ 2008-2009. FBLA là tổ chức toàn cầu lớn nhất và ảnh hưởng nhất cho học sinh giỏi theo ngành thương mãi. Sự kiện được bầu chọn làm chủ tịch FBLA của bang lớn nhất nước Mỹ khi mới 16 tuổi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, kiến thức, và trưởng thành của Amanda như thế nào.
Amanda tốt nghiệp thủ khoa trung học tại trường Centennial, Corona, California năm 2009. Hầu hết trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, UCLA, Berkeley, UPenn… đều mong đợi cô vào. Cuối cùng, cô chọn Harvard – với hai môn, chính trị học và vật lý thiên văn. Đây là trường cô hằng mơ ước. Trong phòng cô, có một tấm bảng đen nhỏ. Cô đã ghi lên bảng lời nhắc nhở rằng mình phải làm cho được để vào Harvard. Mỗi sáng thức dậy, cô đều nhìn bảng đó để tự nhắc nhở.
Trong thời gian học Harvard, Amanda tỏ ra xuất sắc và đa năng trong học hành, sáng tạo, và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng. Cô tạo tên tuổi mình trong lịch sử Harvard, khi kiến tạo ra một lớp học về nô lệ thời nay, một sự kiện chưa từng có. Bài văn của cô được chọn đăng trong quyển 50 bài văn thi vào đại học của Harvard.
Năm 19 tuổi, cô chọn đi Bangladesh, một đất nước nghèo khổ mà ngay cả phòng vệ sinh cũng không có. Amanda phải ra đồng, giúp đỡ những phụ nữ không có tiếng nói. Tại đó, cô đã tranh đấu trong hiểm nguy, vượt qua được lệ tục và ngôn ngữ địa phương để đưa ra toà án một người đã giết một cô gái Bangladesh sau khi nạn nhân bị cưỡng hiếp.
Amanda cũng là người đồng sáng lập Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi, trong thời gian cô tình nguyện làm công tác xã hội ở đó. Cô thực tập khoa học tại NASA với nhiệm vụ theo dõi những vật thể lạ gần Trái đất. Cô còn dùng mạng xã hội để lôi kéo sự ủng hộ của tuổi trẻ cho NASA. Cô được chọn là cộng tác viên tại Harvard-Smithsonian khoa học không gian và sau đó trở thành trưởng nhóm sinh viên thực tập trong Tòa Bạch Ốc. Đặc biệt, cô được chọn thực tập ở Morgan Stanley, một công ty tài chính nổi tiếng, dù cô không học về tài chính.
Cô có một tình yêu vô biên và biết ơn đối với cha mẹ. Để không quên nguồn gốc Việt Nam, cô tự trau dồi tiếng Việt. Mẹ cô còn nhớ rõ hôm đó là ngày 6-9-2011. Cha mẹ được cô mời thăm Tòa Bạch Ốc, nơi cô được nhận làm sinh viên thực tập. Khi ra đón ba mẹ, bỗng nhiên cô nói cha mẹ chờ một chút. Thế rồi cô chạy vào trong, và lát sau, trao cho cha mẹ bức thư viết bằng tiếng Việt. Lá thư bày tỏ lòng cảm ơn cha mẹ.
Đoạn cuối ghi: “Không ngày nào mà con không cảm ơn Chúa đã ban phước cho con. Không có người nào hạnh phúc bằng mỗi khi con làm ba mẹ hãnh diện. Con yêu ba mẹ rất nhiều. Amanda”.
GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – Cô Aurélia Nguyễn, người Pháp gốc Việt, lọt vào danh sách “Time 100 Next,” là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế giới năm 2021, theo bình chọn của tạp chí nổi tiếng toàn cầu hôm 17 Tháng Hai.
Cô Aurélia hiện là giám đốc điều hành chương trình COVAX Facility, với ngân khoản trị giá $6 tỷ do 98 quốc gia giàu có cung cấp để giúp 92 quốc gia nghèo ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Cô Aurélia Nguyễn hiện đang điều hành một ngân quỹ $6 tỷ giúp các nước nghèo chống COVID-19. (Hình: gavi.org) |
Trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 31 Tháng Giêng, cô Aurélia cho biết: “Chương trình COVAX Facility hiện đang được thực hiện tốt, và mục tiêu chính là tiếp cận các nhà cung cấp thuốc. Chúng tôi cần trước mắt 2 tỉ liều thuốc chích ngừa cho năm 2021. Tuy nhiên, công việc này không dễ dàng chút nào. Tôi tin chắc như vậy.”
Cô cũng cho biết các quốc gia giàu có cần phải cam kết thật sự giúp các nước nghèo.
“Hiện nay, chúng tôi gặp khó khăn trong việc mua thuốc vì không có đủ. Cho nên, tôi nghĩ, các quốc gia phải duy trì cam kết và có trách nhiệm trong chương trình giúp đỡ này,” cô Aurélia nói thêm.
COVAX Facility thuộc chương trình COVAX, một “cơ chế” toàn cầu đầu tiên hợp tác với các chính phủ và các công ty dược, bảo đảm cung cấp thuốc chích ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo.
Chương trình cung cấp thuốc này được sự tài trợ của các tổ chức Coalition for Epidemic Preparedness Innovations (CEPI), Gavi, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Ngân Hàng Thế Giới (WB), và các tổ chức xã hội dân sự, theo gavi.org.
Gavi là một tổ chức y tế thế giới đặc trách gia tăng chích ngừa tại các quốc gia nghèo.
Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại hồi Tháng Mười, 2020, cô Aurelia Nguyễn từng có hơn 10 năm giữ chức giám đốc điều hành cho các chương trình chích ngừa của Gavi.
Cô cũng từng làm việc tại GlaxoSmithKline (GSK), một công ty dược phẩm lớn hàng đầu ở Anh.
Theo LinkedIn, cô Aurélia Nguyễn tốt nghiệp trung học Lycee International St Germain-en-Laye ở ngoại ô Paris, Pháp, và tốt nghiệp cử nhân Hóa Học và Quản Trị tại đại học Imperial College London, Anh. Cô cũng là một kế toán viên được chứng nhận và có bằng thạc sĩ Chính Sách Y Tế và Tài Chính tại đại học London School of Economics and Political Science. (T. Nhiên) [đ.d.]
Lê Hồng Lâm
Viết cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
2 tháng 3 2021
OTHER. Đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy Nguyễn Ngọc Mạnh đã trèo lên phần mái tôn, tìm vị trí đón đỡ cháu bé |
Hai hôm nay, người chiếm hết “spotlight” (vị trí nổi bật) trên báo chí lẫn mạng xã hội không phải là “scandal” của một ngôi sao hạng A nào đó, cũng chẳng phải là một sự kiện gây chấn động xã hội, mà chỉ là câu chuyện của một người đàn ông trẻ tuổi, vốn vô danh trước đó bỗng chốc trở thành người hùng của cộng đồng mạng.
Với hành động dũng cảm giải cứu một em bé rơi từ tầng 12 và bảo toàn mạng sống cho cháu bé, Nguyễn Ngọc Mạnh đã trở thành người hùng… tình cờ trong mắt công chúng.
Một hình ảnh gợi nhớ đến siêu anh hùng Spider-man với sức mạnh siêu nhiên, tưởng như chỉ có trong thế giới của truyện tranh Marvel comics và những bộ phim điện ảnh siêu anh hùng mang về tiền tấn cho Hollywood.
Xã hội luôn khát khao người hùng, xưa nay vẫn vậy, những người sẵn sàng xả thân hoặc bảo vệ cho một lý tưởng cao đẹp nào đó của loài người mà họ hướng tới - nhưng đang dần mất đi, để cứu rỗi cho một cuộc sống đang trở nên thực dụng và nhiều toan tính.
Và nếu đó là hình ảnh của một người hùng tình cờ (accidental hero), thì những giá trị đó càng được nhân lên gấp bội. Siêu anh hùng Spider-man (Người Nhện) khi trở thành người hùng có nói, "quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao".
INTERNET. Nguyễn Ngọc Mạnh có hành động dũng cảm cứu người bị nạn |
"Người hùng tình cờ" Nguyễn Ngọc Mạnh thì hình như không có quyền lực gì cả. Anh chỉ là một người lái taxi bình thường, tuy nhiên hành động bột phát nhưng đầy tính trách nhiệm (công dân) của anh trong một phút nguy nan lại trở thành biểu tượng cho lòng trắc ẩn và tình yêu thương con người.
Trên mạng, lâu lâu lại có những câu chuyện, những hình ảnh nói về sự vô tâm và vô tình của con người.
Một vụ tai nạn thương tâm hay cướp giật diễn ra ngay trên đường phố đông đúc, nhưng những người khác vẫn thờ ơ đi qua, vì sợ liên lụy.
Một đứa bé gặp tai nạn trong một con phố chợ (clip ghi lại ở một địa danh đâu đó tại Trung Quốc từng gây chấn động trên mạng Weibo vài năm trước) nhưng đám đông người lớn vẫn vô tình bước tới như không có chuyện gì xảy ra...
Vì vậy mà câu chuyện của Nguyễn Ngọc Mạnh và một vài "người hùng tình cờ" khác - những người bấp chấp nguy nan cho bản thân để giải cứu người gặp nạn đã tạo ra một niềm cảm hứng lớn cho báo chí và cộng đồng mạng, vốn luôn khao khát người hùng giữa đời thường.
Tuy nhiên, sự khai thác và tôn vinh quá đà, hoặc thậm chí biến một hành động đẹp, chí công vô tư của Mạnh thành một sự tri ân kiểu... tặng thưởng bằng hiện vật (như kiểu các ngôi sao nhà ta thích quy sự tri ân... bằng tiền mặt, đòi xin số tài khoản để chuyển khoản tặng thưởng chẳng hạn) vô hình chung lại trở thành phản cảm và làm mất đi giá trị đẹp đẽ mà Mạnh đã cống hiến.
Không những thế, đôi khi chúng còn tạo thành con dao hai lưỡi, biến "người hùng tình cờ" của chúng ta trở thành đối tượng bị cộng đồng mạng lôi ra mổ xẻ, phân tích và thậm chí... phán xét.
Rồi thì lật lại clip để minh chứng rằng, Mạnh không hoàn toàn cứu được cháu bé, mà do một sự kỳ diệu của số phận mà thôi. Bản thân Mạnh cũng thừa nhận việc đó.
Xem clip được ghi lại và đưa lên báo chí hôm nay, tôi cũng công nhận là cháu bé quá may mắn và chắc phải có một bàn tay của cõi trên nâng đỡ.
Nhưng cho dù vậy, hành động bột phát nhưng đầy tính trắc ẩn của Mạnh, cách anh vượt qua tường rào, leo lên mái tôn và tính toán vị trí, điểm rơi để ôm cháu bé, rồi sau đó khi cháu rơi xuống bật nẩy lên, Mạnh lao đến ôm chầm lấy bé và đưa xuống bên dưới... hoàn toàn là những hành động đẹp đẽ của một người hùng.
Cho dù anh có thực sự cứu được cháu bé hay không, thì những hành động ấy cũng đã khẳng định phẩm chất cao đẹp của người đàn ông trẻ tuổi này.
Facebook. Trên Facebook hiện đã có những trang fanpage được lập ra để tỏ thái độ yêu mến đối với Nguyễn Ngọc Mạnh |
Xem phỏng vấn của Mạnh với đài truyền hình, tôi cũng thực sự cảm tình với chàng trai này. Anh trả lời giản dị, tránh mọi sự tô vẽ của truyền thông hay công chúng.
Anh nói rằng, người hùng là một điều gì đó cao siêu lắm, còn anh chỉ là một người đàn ông bình thường mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể hành động tương tự trong tình huống đó mà thôi. Và anh muốn tiếp tục sống cuộc đời bình thường của mình. Lại càng không muốn nhận tiền hay quà của người hâm mộ. Đơn giản, việc anh cứu cháu bé không phải vì mục đích được ca ngợi hoặc nhận lại những món quà vật chất, như trả lời của anh trên báo Tuổi trẻ.
Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Mạnh hai ngày hôm nay, khiến tôi nhớ đến một bộ phim rất hấp dẫn của Hollywood mà tôi xem cách đây cũng phải hai thập niên trước, Accidental Hero (Người hùng tình cờ).
Dù đều đề cập đến hai "người hùng tình cờ", hình ảnh của Mạnh và nhân vật Bernie LaPlante (Dustin Hoffman đóng tuyệt hay) trong bộ phim này hoàn toàn khác nhau về xuất xứ và động cơ.
Trong Accidental Hero, Dustin Hoffman đóng vai một gã... móc túi (vì gia đình nghèo hèn, vì muốn con có điều kiện học hành...), trở thành người hùng tình cờ giải cứu vài nạn nhân may mắn sống sót của một tai nạn máy bay.
Nhưng cùng với hành động nghĩa hiệp đó, anh ta cũng tranh thủ... hôi của và bỏ lại một chiếc giày của mình tại hiện trường. Để rồi sau đó, một trong những người được anh ta cứu giúp, vốn là một nữ phóng viên truyền hình nổi tiếng (Geena Davis), phối hợp với đài truyền hình của cô biến câu chuyện người hùng tình cờ ẩn danh đó trở thành câu chuyện truyền cảm hứng để... hút rating.
Tặng thưởng 1 triệu đô la được trao tặng cho “accidental hero”, nhưng người hùng tình cờ của chúng ta thì đang ở tù vì... móc túi mất rồi, trong khi một tay cựu binh Việt Nam sống vất vưởng (Andy Garcia đóng), nhờ chiếc giày còn sót lại của Bernie, bỗng chốc trở thành người hùng ẩn danh vừa được một triệu đô vừa được cả xã hội tôn sùng và thần tượng...
Để bán được vé, tất nhiên các tay biên kịch sừng sỏ của Hollywood không đơn thuần kể một câu chuyện người tốt việc tốt mà thêm mắm dặm muối để biến thành một câu chuyện nhiều kịch tính, lắt léo và “twist” điên đảo để khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhưng cuối cùng, cái thông điệp cốt lõi về "người hùng tình cờ", về cái tinh thần hướng thượng, về lòng trắc ẩn, thậm chí sự vĩ đại được bộc phát trong phút nguy nan mới là những giá trị cuối cùng mà họ hướng tới.
Lâu lâu mới có một câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng như thế.
Lòng tốt cần được biết ơn, rõ rồi.
Nhưng các vị mạnh thường quân và các ngôi sao lắm tiền nhiều của ạ, xin hãy tôn vinh và tri ân Mạnh thật đẹp, thật cao thượng chứ đừng nhất nhất quy lòng tốt ra thóc như thế (nhưng các vị hoàn toàn có thể dùng hiện kim đó cho những mục đích cao đẹp khác mà xã hội đang cần).
Dù ai cũng cần thóc (bánh mì) để ăn. Nhưng chúng ta cũng cần cả hoa hồng nữa, cho một ngày mới mặt trời đang tỏa rạng, phải không?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ca sĩ Thủy Tiên dành toàn bộ hơn $7.5 triệu tiền quyên góp được, và hơn một trăm ngàn đô tiền túi để cứu trợ cho người dân bảy tỉnh bị lũ lụt ở miền Trung. Hành động của cô nhận được nhiều lời khen ngợi, cảm phục vì sự minh bạch.
Vừa kết thúc hành trình từ thiện tại miền Trung để trở về Sài Gòn, tối 23 Tháng Mười Một, Facebook ca sĩ Thủy Tiên đã đăng bài viết dài thống kê chi tiết số tiền người dân thông qua cô để gửi tới đồng bào miền Trung, thông qua bảng sao kê ngân hàng và số tiền thực tế mà cô đã gửi tới người dân, kèm biên bản xác nhận có mộc đỏ của chính quyền các cấp ở các tỉnh, thành.
Ca sĩ Thuỷ Tiên kiệt sức sau chuyến cứu trợ miền Trung thứ 2 hồi đầu Tháng Mười Một vừa qua. (Hình: Nguyên An/VNExpress) |
Theo báo Tuổi Trẻ, số tiền đã được gửi tới tài khoản của cô để hỗ trợ miền Trung từ ngày 13 Tháng Mười đến ngày đóng tài khoản là 2 Tháng Mười Một, đạt hơn 177 tỷ đồng ($7.59 triệu).
Song, số tiền cô đã “giải ngân” có dấu xác nhận của các địa phương là hơn 178 tỷ đồng ($7.64 triệu) dùng giúp cho hơn 61,000 gia đình ở bảy tỉnh miền Trung, xây dựng ba cây cầu dân sinh, 175 căn nhà mới, 10 nhà cộng đồng tránh bão lũ, 10 xuồng máy cứu hộ, chưa kể vài tỷ đồng ngày đầu đi cứu trợ chưa móc nối với cán bộ địa phương nên không có xác nhận.
Theo Thủy Tiên, ngoài số tiền người dân gửi tới tài khoản của mình thì vợ chồng cô còn góp thêm 3.7 tỷ đồng ($158,862) và tự bỏ tiền ăn, ở đi lại trong những chuyến đi từ thiện trong hơn 40 ngày với số tiền là 250 triệu đồng ($10,713).
Trong bài đăng của mình, ca sĩ Thủy Tiên giải thích cặn kẽ vì sao số tiền người dân gửi tới cô để hỗ trợ miền Trung lại thấp hơn số tiền thực cô đã rút ra để đi từ thiện là 200 triệu đồng ($8,585), và vì sao cô bỏ tiền túi ra thêm hàng tỷ đồng vào quỹ này cứu trợ miền Trung, cùng những nghi vấn khác.
Theo Thủy Tiên giải thích là do trước khi mình đứng ra kêu gọi hỗ trợ miền Trung, thì tài khoản này của cô (dành riêng cho việc làm từ thiện) đã có sẵn 200 triệu đồng ($8,585). Khi đi cứu trợ miền Trung thì cô rút toàn bộ số tiền trong tài khoản, vì vậy tiền rút ra bao gồm cả số tiền kể trên.
Về việc “Thư cảm ơn” và “Biên bản xác nhận” của chính quyền địa phương kiểm tra trực tiếp tại điểm phát tổng chi cho người dân là hơn 178.5 tỷ đồng ($7.64 triệu), cao hơn số rút ra từ ngân hàng, Thủy Tiên giải thích là bởi đợt 1 cô đi gấp, không kết hợp cùng chính quyền địa phương, không ai xác nhận số tiền chi ra, vợ chồng cô sợ uy tín sẽ bị ảnh hưởng nếu không minh bạch được, nên quyết định tự bỏ tiền túi cho chuyến đi từ thiện đầu tiên là gần 2.7 tỷ đồng ($115,911).
Ngoài ra, do có một số ý kiến phản ứng chuyện Thủy Tiên “cảm tính” khi cho một số nạn nhân bão lũ có hoàn cảnh quá nghèo khó nhiều tiền hơn người khác, nên cô quyết định bỏ thêm hơn 1 tỷ đồng ($42,930) nữa vào quỹ cứu trợ miền Trung, để tránh dùng số tiền chung làm người đóng góp có thể không hài lòng.
Cô cũng giãi bày tâm tư, những ngày qua nhiều người chưa rõ sự việc đã viết bài khắp nơi với những thông tin không đúng về sự minh bạch của cô gây hoang mang cho rất nhiều người đã chuyển tiền vào quỹ.
“Đi được đến đây là cả một quá trình dài khó khăn, vì cả công việc của Tiên giờ cũng đang bị ảnh hưởng nhiều từ thông tin sai này, chẳng mong khen tặng gì cả vì Tiên thấy mình còn nhiều thiếu sót và chưa xứng đáng với lời khen của mọi người… Chỉ duy nhất xin mọi người một cái share (chia sẻ) để thông tin minh bạch này được rõ ràng hơn,” Thủy Tiên viết.
Không mong nhận được khen tặng, nhưng bài đăng của cô đã nhận rất nhiều những lời khen tặng như: “Cảm phục em;” “Quá nể phục Tiên;” “Ngưỡng mộ hai vợ chồng Thủy Tiên-Công Vinh;” “Tiên quả thực có sức chịu áp lực quá giỏi;” “Cảm ơn cô Tiên đời thường có thật…”
Xác nhận của ngân hàng số tiền Thủy Tiên đã rút ra để đi cứu trợ miền Trung. (Hình: Facebook nhân vật) |
Nhiều bình luận cũng tranh thủ phản bác “đá xéo” antifan (người tẩy chay) của Thủy Tiên. Trước đó, vì sự đe dọa của antifan mà một số hợp đồng quảng cáo đang và sắp ký của Thủy Tiên đã bị hủy.
Sự vất vả, mệt mỏi vì dầm mưa nhiều ngày cùng những ý kiến tiêu cực xung quanh hành trình cứu trợ của mình khiến Thủy Tiên nhiều lúc kiệt sức. Hôm 8 Tháng Mười Một, Công Vinh, chồng Thủy Tiên cho biết Thủy Tiên giảm 6 kg và suy nhược cơ thể nặng, không thể ăn uống vì quá mệt mỏi.
“Nếu lần sau vợ còn đòi làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ cản. Là một người chồng, tôi xót xa và không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy vợ mình như vậy,” Công Vinh từng chia sẻ với truyền thông. (Tr.N) [kn]
Xem thêm: Quảng Bình: Tranh cãi việc thôn thu lại tiền sau khi Thủy Tiên phát