Hôm qua tôi thấy có một bài nói về nước mắm/nước chấm, đã bị xoá, có lẽ vì vi phạm nội quy của nhóm. Nhân tiện chủ đề, tôi post lại bài này cũng liên quan nước mắm/nước chấm. Nếu có phù hợp hay không thì BQT coi giúp.
Hôm nay buổi chiều đi siêu thị, chợt nhìn thấy trên kệ hàng có chai nước mắm Liên Thành, mình quay sang hỏi bạn đi chợ cùng :
- Nhìn chai nước mắm này có gợi cho điều gì không?
- Thì là chai nước mắm chứ gợi điều gì nữa? - Bạn ấy nói.
Mình bảo:
- Nhưng ngoài là chai nước mắm ra, cái tên nhãn chẳng hạn.
- Thì là Liên Thành.
- …
Cầm chai nước mắm Liên Thành trên tay, người đầu tiên khiến không khỏi không nghĩ tới là cụ Phan Châu Trinh (1872 – 1926).
Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết phong trào Duy Tân được khởi động bởi Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Và chính từ phong trào Duy Tân này, một nhóm các chí sĩ yêu nước đã kiến lập Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thư Xã và Dục Thanh Học Hiệu, với suy nghĩ rất thực tế:
Tên Liên Thành với ngụ ý Trở Thành Hoa Sen, đồng thời cũng là tên cũ của tỉnh Bình Thuận. Société de Lien Thanh là một thương hiệu đã được đăng ký với nhà cầm quyền Pháp hồi đầu thế kỷ 20, từ cơ sở ban đầu ở Bình Thuận, cho tới sau này phát triển thành một doanh nghiệp lớn ở Chợ Lớn, Khánh Hội, Vĩnh Hội.
Cho tới năm 1922, nước mắm Liên Thành tham gia triển lãm ở Marseille, Pháp và tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, công ty Liên Thành dần mở rộng mạng lưới gồm các chi nhánh ở Phú Hài, Mũi Né, Hưng Long (Phan Thiết), Phan Rí, Hội An, với địa bàn phân phối nước mắm ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, phủ qua Campuchia và cả ở châu Âu.
Tài liệu vẫn còn ghi lại: Công ty Liên Thành đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành lưu trú ở Phan Thiết. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành được ông Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, hai trong sáu sáng lập viên của công ty Liên Thành, giúp đỡ từ Phan Thiết vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba, đồng thời bố trí cho Nguyễn Tất Thành ở lại trụ sở chi nhánh của công ty Liên Thành tại Chợ Lớn ở 1/2/3 Quai Testard (Nay là số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5). Và trước khi lên tàu rời khỏi Việt Nam, Liên Thành đã tặng cho Nguyễn Tất Thành 18 đồng Đông Dương làm lộ phí. Điều này xóa đi giai thoại anh Văn Ba chìa hai bàn tay trắng ra (ở tiểu thuyết Búp Sen Xanh, tác giả Sơn Tùng, xuất bản 1981) nói với bạn đồng hành về phương tiện để ra đi :
- Đây, tiền đây.
(Và tài liệu vẫn còn ghi lại lá thư của Nguyễn Sinh Sắc gửi cho Phan Châu Trinh nhờ trông nom, bảo ban dạy dỗ giùm cho đứa con trai Nguyễn Sinh Cung khi qua tới Pháp).
Mùa thu năm 1918, khi Nguyễn Văn Ba đặt chân lên đất Pháp và tới Paris, là lúc hai cha con Phan Châu Trinh đang sinh sống ở Paris bằng nghề chụp ảnh. Phan Châu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp từ năm 1911. Điều này cũng lý giải cho chi tiết trong sách giáo khoa hồi nhỏ được học rằng: "Bác tự kiếm sống mưu sinh ở số 9, ngõ Công-Poăng, Paris bằng nghề chụp ảnh"… là do đâu mà ra và ngôi nhà này là của ai thuê).
Cho tới sau tháng chín năm 1975, khi cuộc "đánh tư sản & cải tạo công thương nghiệp" diễn ra thì công ty Liên Thành bị buộc phải "hiến lại" cho nhà nước với hai điều kiện của Hội đồng quản trị là :
1. Giữ lại tên Liên Thành
2. Giữ lại bàn thờ 6 cụ tổ sáng lập.
Bỏ hai chai nước mắm vào giỏ xách. Về nhà tranh thủ nêm nước mắm Liên Thành mỗi khi có dịp, có món cần dùng tới. Nếm vị mắm đậm đà, nghĩ tới lịch sử 111 năm của một thương hiệu Việt cùng bao thăng trầm mất còn, không khỏi ngậm ngùi cho những bi ai, những man trá, và tan hoang của thời cuộc.
12.03.2017
#LiênThành
#NướcMắmLiênThành
#SociétéDeLienThanh
Trần Doãn Nho/Người Việt
KENNEDALE, Texas (NV) – Thư Quán Bản Thảo số 91 có chủ đề “Đầu Xuân Lộc Mới,” mượn mùa Xuân “để giới thiệu một lộc quý hiếm trong sinh hoạt văn học ngoài nước: Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan,” theo nhà văn Trần Hoài Thư, chủ nhiệm kiêm chủ bút của tạp chí này.
“Nho sinh” Nguyễn Thụy Đan – Daniel Nguyễn – bên những cuốn sách sưu tầm được từ những năm mới 17, 18 tuổi. (Hình: Daniel Nguyễn cung cấp) |
“Lộc quý hiếm” Nguyễn Thụy Đan là ai?
Trả lời cho câu hỏi này, Thư Quán Bản Thảo dành phần đầu tiên trong ba phần, “Viết Về Nguyễn Thụy Đan,” qua đó, các tác giả Tô Thẩm Huy, Nguyễn Văn Sâm, Thiên Đồng, Trần Đông Đức, Nguyễn Thị Mai Quyên và Hạt Cát lần lượt dựng nên chân dung sống động của cây bút này qua nhiều dáng nét khác nhau.
Về tiểu sử, theo nhà biên khảo Tô Thẩm Huy, Nguyễn Thụy Đan chào đời ở Sacramento, tiểu bang California, năm 1994. Năm 13 tuổi anh theo cha mẹ về thăm Việt Nam, đi khắp ba miền Bắc Trung Nam. Đến Hà Nội mua được một quyển tự điển chữ Nôm và bắt đầu tự học, làm quen với cổ ngữ từ đấy.
Năm 16 tuổi, anh theo chân dòng Đức Bà Truyền Giáo về Việt Nam dạy tiếng Anh ở Củ Chi, đồng thời nhân dịp ấy học thêm chữ quốc ngữ. Khi trở về Mỹ, anh bắt đầu tìm hiểu về niêm luật thi ca, tìm đọc những tác phẩm cổ điển Trung Hoa như Hán Thư, Đường Thi, Tống Từ, Tứ Thư, Đạo Đức Kinh, vân vân.
Xong trung học, anh theo học đại học Houston về Âm Nhạc và Văn Chương Anh. Trong thời gian này, anh tiếp tục đọc các tác phẩm cổ như đồng thời sáng tác nhiều bài “từ” bằng chữ Hán, tất cả về sau gộp chung lại thành “Chướng Vân Tập.”
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2016, anh dọn về California, nghiên cứu thêm về Thần Học Công Giáo và Chính Thống Giáo. Ngoài ra cũng nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng Tống Nho, và đặc biệt nghiên cứu về một danh nho Việt Nam dưới thời Tự Đức là Nguyễn Đức Đạt.
Năm 2018, anh được học bổng của Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm về Hà Nội khoảng ba tháng, nghiên cứu thêm tại Viện Hán Nôm. Năm 2019 trở về Mỹ, nhân dịp Đại Học Columbia ở New York bắt đầu thành lập ngành Việt Nam Học, anh được nhận vào học chương trình tiến sĩ khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Á, đặc biệt nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của tư tưởng Việt Nam thời trung đại và cận đại.
Đánh giá về khả năng, nhà văn Nguyễn Văn Sâm nhận xét: “Đó là một khuôn mặt lạ của học giới, của người Mỹ gốc Việt trên nước Mỹ. Rồi em sẽ giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn đọng trong văn chương Việt Nam và Trung Hoa. Chắc chắn như vậy.”
Một cây bút khác, Thiên Đồng, đi xa hơn, cho rằng: “Giữa thế giới non trẻ vô tư của thế hệ trẻ em được sinh ra và lớn lên trên đất Hoa Kỳ, đa số không còn nói được tiếng Việt thì bỗng xuất hiện đâu ra một cậu trẻ Nguyễn Thụy Đan với vốn liếng văn hóa Việt Nam thuộc tầng thông kim bác cổ như người xưa sống lại. Nguyễn Thụy Đan là hiện tượng kỳ lạ đến gần như chưa có tiền lệ trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.”
Không những nghiên cứu và sáng tác, Nguyễn Thụy Đan còn mở lớp dạy chữ Hán trên mạng. Một trong những người theo học, cô Nguyễn Thị Mai Quyên viết: “Học cổ văn vốn không đơn giản, lại học qua mạng, nên càng khó khăn hơn. (…) Đáng nói hơn, họ, có người trước khi đến với lớp học mới biết võ vẽ qua đôi chữ. Có kẻ thì ngoài niềm yêu thích, hoàn toàn chưa có một kiến thức nào về chữ Hán cổ hay Hán Ngữ hiện đại chưa chưa nói đến cổ văn. Vậy mà trải qua 11 tuần học, bài hôm ấy (tức tuần thứ mười hai) chúng tôi đã cùng nhau trích đọc những đoạn văn của Hàn Phi Tử, Trang Tử…”
Phần thứ hai, “Viết Về Tác Phẩm Đầu Tay: Chướng Vân Tập” với sự góp mặt của Nguyễn Văn Sâm, Dương Nguyên Khang và Tô Thẩm Huy. “Chướng Vân Tập” là một tập gồm có 30 bài “từ” (1) do Nguyễn Thụy Đan sáng tác. Đó là “ba mươi tiếng than tuy khác điệu nhưng cùng tâm trạng, tựa như người buồn có thể thở dài, vuốt trán, nhăn mặt, miệng mếu, bứt tóc…,” theo Nguyễn Văn Sâm.
Còn theo Dương Nguyên Khang thì: “Nó là tiếng kêu của một nỗi sầu không cầm lại được, là tiếng trống mở màn của những dòng thơ hữu thanh, nhưng cũng là tiếng chuông chấm dứt của những nỗi buồn vô thanh chất chứa trong khuôn lòng chật hẹp.”
Phần thứ ba, dài nhất, “Thơ Văn Của Nguyễn Thụy Đan,” giới thiệu nhiều bài viết và trích đoạn từ các tác phẩm biên khảo, tiểu luận, dịch thuật và các sáng tác văn, thơ của Nguyễn Thụy Đan. Các bài viết này có cả chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa.
Về tiểu luận, xin giới thiệu một trích đoạn tiêu biểu trong bài “Mạn Đàm Về Quốc Học,” qua đó, Nguyễn Thụy Đan bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình về việc học: “Những năm gần đây, khi biết tôi sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, từ bé đến lớn lại sống xa cộng đồng kiều bào, không ít người lấy làm kinh ngạc mà thắc mắc về lai lịch và quá trình học vấn của tôi. Cả đời tôi chưa từng lên lớp học tiếng Việt hay Hán văn theo chương trình chính quy của trường ốc. Người khác nghe vậy lấy làm lạ, nhưng đối với tôi lại thấy hết sức bình thường và cũng không có bất kỳ lý do nào để mặc cảm hay tiếc nuối đã không có dịp học Hán Nôm theo cái gọi là ‘chính quy.’ Vì, theo tôi, cứ lấy Nho gia làm ví dụ, vốn trong Luận Ngữ 論語 đã có xu hướng phản chính quy, tự tìm con đường cho riêng mình. (…) Kẻ học Nho chân chính, chẳng trông mong gì nơi nhà nước, nơi hệ thống giáo dục, thậm chí cũng không trông chờ gì nơi người thầy. (…) Nói theo lời Nguyễn Đức Đạt (1824-1887), danh nho đời Tự Đức, mở đầu Nam Sơn tùng thoại, “Học vấn chi đạo, sư sư bất như sư thư” (Đạo học vấn, học hỏi từ thầy chẳng bằng học hỏi từ sách). Cho nên, đúng nghĩa sự học, chỉ có thể tự học – những người sư hữu là những người đồng hành cùng mình, giúp chỉ đường cho mình, giúp góp vui cho mình bớt cô độc trên đường đi, nhưng còn tiếp bước hay không, đi đúng đường hay không, sự ấy ở tại mình mà thôi.”
Một quan điểm nghe lạ tai, nhưng suy đi ngẫm lại, theo tôi, là hoàn toàn chính xác.
Bìa Thư Quán Bản Thảo 91. (Hình: Trần Doãn Nho) |
Về sáng tác, Nguyễn Thụy Đan sử dụng nhiều thể loại khác nhau: tản văn, tản mạn, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, hát nói… Thư Quán Bản Thảo cho biết, Nguyễn Thụy Đan sở trường về “Hát Nói,” một thể thơ thịnh hành ở nước ta vào thế kỷ XIX. Xin trích một bài tiêu biểu, “Vĩnh Phúc Đêm Mưa”:
“Đêm thu mưa gió đầy giời
Mộng tàn gối lạnh đâu người trong mơ
Đèn khuya khi tỏ lại mờ
Hắt hiu bao nỗi sầu xưa hận ràyThê phong khổ vũ (2)
Chốn buồng không mất ngủ lại đêm nay
Đốt tương tư thắp đĩa dầu đầy
Trải mưa gió niềm tây dường dập tắtNgã thị nhân gian trù trướng khách
Tri quân hà sự lệ tung hoành (3)Bạn giai nhân khó gặp đã đành
Biết nhau mới tiếc duyên lành dang dở
Quân tín phủ: Trường đoạn thiên nha tòng thử khứ
Nợ đa tình ôm giữ kín từ đâyGìn vàng giữ ngọc cho hay.”
Nguyễn Thụy Đan cũng làm thơ “Song Thất Lục Bát.” Bài sau đây có tựa đề là “Tọa Vong”:
“bờ tuyệt vọng tôi làm tượng đá
tháng năm trường đại hạ xuân thu
trên vai trải mấy dãi dầu
sau lưng ký ức một màu bạc phơ
tượng gục mình như xưa tôi đã
gục bên em trắng xõa chiều mưa
bàng hoàng từng trận gió đưa
lạnh tràn vang bóng thuở xưa làm người
miền quạnh vắng tuổi trời hóa thạch
tượng ngồi im quên sạch hôm qua
cỏ cây tươi héo quanh ta
tôi làm tượng đá ngự tòa phù sinh”
Nguyễn Thụy Đan cũng đã từng được đề cập trên nhật báo Người Việt cách đây bảy năm qua một bài phỏng vấn do phóng viên Thiên An thực hiện: “‘Lạc Lõng’ Cậu Nho Sinh Người Mỹ Gốc Việt.” (4) Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao em lại thích học chữ Hán-Nôm?,” Nguyễn Thụy Đan nói: “Không học Hán-Nôm, không thể hiểu sâu về đất nước và con người Việt Nam. Sống ở hải ngoại mà không muốn bị mất gốc, ắt phải hiểu biết văn hóa quê cha đất tổ.”
Được hỏi: “Em sử dụng chữ Hán-Nôm vào việc gì?,” Đan cho biết: “Em học chữ Hán cốt để đọc sách người xưa. Văn liệu nước ta từ đầu thế kỷ XX về trước phần lớn viết bằng văn Hán hoặc văn Nôm. Không biết Hán-Nôm, ắt phải dựa vào bản dịch hoặc bản phiên âm của người khác mà đọc. Song, sách vở vẫn có nhiều loại. Đọc sách thánh hiền để học đạo làm người. Đọc sách sử để biết thêm về văn hóa, lịch sử người Việt. Đọc văn thơ để tiêu sầu khiển muộn… Sau này em quen vài người ngoại quốc cũng quan tâm văn chương và lịch sử nước Việt nên em mới bắt đầu dịch văn liệu Hán-Nôm sang tiếng Anh. Có khi em viết thơ từ, gọi là cái thú tao nhã vậy.” [qd]
Chú thích:
(1) “Từ” là một thể thơ gắn chặt với âm nhạc, dựa vào nhạc mà đặt lời, lời lẽ hoa lệ.
(2) Gió buốt mưa sầu (Nguyễn Thụy Đan)
(3) Ta là khách buồn bã trong cõi nhân gian/Cớ sao quen biết người lại khiến nước mắt chảy ròng rã (Nguyễn Thụy Đan)
(4) Người Việt, 15 Tháng Tám, 2014: www.nguoi-viet.com/little-saigon/Lac-long-cau-nho-sinh-nguoi-My-goc-Viet-1433/
Trung Thu Hà Nội 1932 (tạo sắc từ ảnh của Bảo tàng Quai Branly) |
Trịnh Bách
Từ bao thế kỷ nay Việt Nam vẫn luôn là nước độc nhất trên thế giới lấy ngày rằm tháng Tám Âm lịch mỗi năm làm Tết Nhi đồng. Các nước Đồng Văn sử dụng Âm lịch khác là Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ xem dịp rằm tháng Tám là lễ hội đoàn viên hoặc lễ hội lúa mới. Và Việt Nam cũng là nơi duy nhất có phong tục làm lồng đèn hình các con thú cho trẻ em trong dịp Tết Nhi đồng, tức là Tết Trung thu.
Tương truyền vào thời Đường bên Trung Hoa (Phan Kế Bính cho là vào thời Tống) có con cá chép thành tinh. Mỗi năm đến tối rằm tháng Tám con tinh cá vào kinh đô Tràng An bắt người dân để ăn thịt. Triều Đình nhà Đường nghĩ ra một kế là dậy cho dân Tràng An làm đèn lồng hình con cá chép bằng khung tre phết giấy hay vải lụa, để đêm Trung Thu thắp lên đem ra treo trước nhà hay để đi rước trong kinh thành. Con tinh cá thấy thế tưởng đồng loại đã làm việc ở những chỗ ấy rồi nên bỏ đi. Tục lệ này dần lan ra mọi nơi trong nước và thành lệ mỗi năm. Nước ta lúc bấy giờ hãy còn bị nội thuộc nhà Đường, cho nên có lẽ người mình đã tiếp thu phong tục làm đèn lồng hình con cá này từ giai đoạn đó.
Khi người Mông Cổ chiếm được nước Trung Hoa từ nhà Tống năm 1279, lúc đầu họ đã bãi bỏ nhiều lề lối cũ của người bản địa. Và có thể tục lệ làm đèn con cá chép của người Hoa cũng bị phế bỏ lúc đó. Trong khi đó Việt Nam vì đã ngăn cản được các cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, cho nên chúng ta vẫn giữ được nền tự chủ và các phong tục cũ. Trong đó có việc làm đèn lồng Trung Thu.
Đèn con cá chép cổ truyền (Henri Oger 1908) |
Rồi lần hồi người Việt đã phát triển thêm các loại đèn lồng hình thú hay hoa quả khác cho trẻ em, dựa trên cổ tích Trung Thu. Ví dụ như đèn con thỏ ngọc, hay đèn con thiềm thừ hý nguyệt. Theo di thảo của vua Lê Thánh Tôn thì thiềm thừ, tức con cóc 3 chân, là thủy tổ của các loài cóc, ếch. Và thiềm thừ đã sống trên cung Trăng từ nhiều vạn năm. Sau này người mình còn tạo ra các loại đèn con bướm, con gà, con tôm, con cua, quả đào, quả lựu, v.v., cho thêm phong phú.
Từ nhiều thế kỷ, trẻ em Việt Nam đã vui Tết Trung Thu của mình với những thứ đồ chơi độc đáo như con giống làm bằng bột và đèn lồng hình dạng các con thú. Đấy là những phong tục đẹp đẽ và độc đáo của riêng người Việt. Nhiều bảo tàng bên Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung Thu và những con giống bột rất đẹp, tinh xảo; được làm cho Tết Nhi đồng của Hà Nội từ những thập niên đầu thế kỷ 20.
Cho đến cuối thế kỷ 19 thì thú chơi lồng đèn Trung Thu ở miền Bắc Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đã thành rõ nếp lắm rồi. Theo các ảnh chụp cũng như tranh vẽ đèn Trung Thu ở Bắc Việt của các nhiếp ảnh gia và các nhà ngiên cứu người Pháp, thì từ những năm cuối thế kỷ 19 đèn Trung Thu cho trẻ em ở Hà Nội đã rất xúc tích, đa dạng. Mẫu mã đèn Trung Thu ở Sài Gòn dù ở thời điểm cực thịnh về sau này, nghĩa là cho đến giữa thập niên 1970, vẫn không thể so sánh với các đèn Trung Thu ngoài Bắc mấy thập kỷ trước đó được.
Đèn Trung Thu Sài Gòn 1966 (ảnh Douglas Ross) |
Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung Thu cho trẻ em. Nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng Báo Đáp làm đèn Trung Thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác. Có thể nói là nếu Bát Tràng nổi tiếng với đồ gốm và Vạn Phúc nổi tiếng với vải lụa, thì Báo Đáp được biết đến là làng đèn Trung Thu.
Đèn cá chép theo phong cách Báo Đáp (ảnh tư liệu) |
Các biến động chính trị, lịch sử đã làm nghệ thuật làm lồng đèn Trung Thu cổ truyền quý báu của người mình gần như biến mất từ lâu ở miền Bắc. Nhưng thật may là rất nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào Sài Gòn hồi giữa thập niên 1950 đã tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình, hiện ở quận Tân Phú, và tiếp tục nghề làm đèn cố hữu của họ. Tất cả đèn Trung Thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Nhưng các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa cũng đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay.
Từ năm 2007 tôi đã bắt đầu mầy mò ở khu Phú Bình, là chỗ tôi vẫn được đưa đến mua đèn Trung Thu loại cao cấp từ hơn nửa thế kỷ trước khi còn bé, để cố gắng tìm nghệ nhân tâm huyết cho việc phục hồi lại nghệ thuật quý báu này. Thật ra mục đích đầu tiên của tôi chỉ là làm lại cái đèn con thỏ mà Trung Thu mỗi năm hồi đó tôi nhất định phải có, do cùng một nghệ nhân làm. Tôi quý cái đèn con thỏ đó đến nỗi đã vẽ nằm lòng lại từng chi tiết của nó, nhất là cách dán lông thỏ đặc biệt của người nghệ nhân già. Và con thỏ đó sẽ là mấu chốt để phục hồi lại các đèn Trung Thu đẳng cấp của Báo Đáp-Phú Bình cũ.
Đèn con thỏ Sài Gòn trước 1975 được tái tạo (ảnh tư liệu) |
Nhưng chuyện không đơn giản. Ví dụ như cách đây khoảng tám năm, có lần tôi cố gắng chỉ cho một người làm lồng đèn cách dán lông thỏ giả vào những cái đèn tương đối còn chấp nhận được, nhưng là những lồng đèn có vẻ đẹp nhất trong phố lúc đó, của anh ta. Như một gợi ý cho anh ta về cách trang trí đèn lồng Trung Thu hồi xưa. Nhưng vì anh thợ không hứng thú lắm, cho nên không thành công. Hiện nay, những lồng đèn bán ở chợ lồng đèn Trung Thu quận 5 vẫn dán lông giả đủ màu sắc mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào. Và người ta cũng không hiểu mục đích dán lông như vậy để làm gì.
Lông thỏ để làm đèn Trung Thu được đặt hàng từ mùa hạ để lấy lông ngắn, không quá xù. Riêng lông bụng dài đẹp phải đặt mua ở Đà Lạt vào mùa Đông. Hồi đó chỉ có thỏ ta lông ngắn cho nên phải khó như vậy. Rồi người ta phải biết chỗ nào trên đèn dán lông lưng thỏ, chỗ nào dán lông bụng. Ngày nay vì ý thức đạo đức cho nên phải dùng lông thỏ giả. Nhưng dùng lông giả thì cũng phải biết cách tỉa lông sao cho giống lông lưng, lông bụng thỏ thật.
Mãi đến 2017 tôi mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở Phú Bình. Gia đình Cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung Thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp. Từ khi dọn vào Sài Gòn họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là em Nguyễn Trọng Bình, con trai cụ Văn. Bình rất khéo tay, kiên nhẫn, sáng dạ. Và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề. Em nhẫn nại chữa các lỗi kỹ thuật hay nhận những yêu cầu khó khăn mà không bao giờ than van, mệt mỏi…
Cụ Nguyễn Trọng Văn và Nguyễn Trọng Bình (ảnh tư liệu) |
Bình có những kỹ thuật và mẹo để uốn khung tre thành những hình dạng phức tạp một cách thật giản dị và tự nhiên đến buồn cười. Có lẽ đây là những gì còn sót lại từ quê tổ cũ. Chỉ một, hai ngày sau khi gặp gỡ, cái đèn con thỏ thân thương hồi bé của tôi đã hiện ra trước mặt như chưa hề vắng bóng. Cụ Văn cứ ôm cái đèn mà thì thầm: “Đây mới là đèn con thỏ…”. Thật cảm động. Các phác họa khung lồng đèn tôi đưa ra khó đến đâu Bình cũng giải quyết dễ dàng, nhuần nhuyễn như đã sẵn quen thuộc.
Nhưng thế chưa là tất cả trong việc hồi phục lại cái nghệ thuật cổ truyền quý giá đã mất này.
Sau khi đã phục hồi lại được một số đèn Trung Thu cao cấp của Sài Gòn cũ, chúng tôi vẫn bí tị không hiểu người Báo Đáp ngày xưa dán đèn bằng vật liệu gì. Theo hình ảnh và hiện vật còn lại ở các bảo tàng bên Pháp, một số rõ ràng được dán bằng giấy bóng kính. Có những cái đèn dán bằng lụa mỏng. Nhưng phần nhiều được dán giấy nhưng không phải là giấy bóng kính, vì cách vẽ theo lối bôi nước nhiều lần (tương tự như thủy mặc) trên các đèn này thì các loại giấy thường đều không chịu nổi.
Cụ Văn bị bán thân bất toại do tai biến mạch não, cho nên vẫn phải ngồi xe lăn từ nhiều năm nay. Và cụ dường như không để ý mấy đến những gì diễn ra chung quanh. Nhưng từ khi chúng tôi làm lại những lồng đèn cũ thì cụ có vẻ năng động hơn, và nói chuyện với tôi rất nhiều. Một hôm khi Bình và tôi đang bàn về loại vật liệu dán đèn khó hiểu đó, thì cụ Văn bật ra như thét: “Giấy Nhiễu! giấy nhiễu mới chịu được nước chứ”. Rồi cụ bảo Bình ra hỏi ‘A Dí’ xem bà ấy còn giấy nhiễu không. A Dí (tức ‘bà dì’ trong tiếng Quảng Đông) là một bà già người Hoa chuyên buôn bán giấy các loại ở chợ Kim Biên từ đã rất lâu, và là bạn thân của gia đình.
Đèn con cua sống làm bằng giấy nhiễu (ảnh tư liệu) |
Và A Dí cũng giật mình khi chúng tôi tìm giấy nhiễu, vì mấy chục năm nay không ai hỏi đến loại giấy này. Lúc đó gần Tết Nguyên Đán cho nên bà ấy hẹn sau Tết sẽ cố tìm nhập về cho chúng tôi một ít để thử.
Thì ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung Thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Đến những năm 1940 trở đi họ cũng đã bắt đầu dán đèn bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ đổi theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính, thường là mầu đỏ. Theo phong cách của người Hoa Chợ Lớn, đèn Trung Thu cao cấp nhiều khi còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài kim kính. Chỉ tiếc là loại giấy bóng kính của Nhật mấy chục năm trước với độ dầy 20-24µ nay không còn nữa. Hiện người ta phải dùng giấy loại 18µ dễ loang mầu của Trung Quốc.
Cụ Văn cũng cho biết rằng các đèn Trung Thu có cái khung treo bên trên hình tròn bằng tre ngày xưa được gọi là đèn Tàu. Đèn Ta hoặc được treo trực tiếp lên cán tre, hoặc được gắn vào khúc cành tre ở bên dưới đèn.
Và cuối cùng chúng tôi cũng tìm tòi ra được các chất liệu và phương pháp để tạo khung, bồi giấy cho các loại đèn con thú cổ truyền Việt Nam. Hóa ra không phải chỉ cần có đúng chất giấy, chất liệu vẽ, và tạo được khung đèn là đủ đâu. Cao điểm là các lồng đèn con cua sống và con cá hóa long của người Báo Đáp ngày xưa, mà chúng tôi đã mầy mò từ khi gặp gỡ 3 năm trước đến nay, đã được xuất hiện trở lại nhân dịp Trung Thu 2020. Đến được bước này rồi thì các đèn Báo Đáp cổ truyền khác như đèn con cua luộc, con bướm, quả đào, quả lựu, v.v., sẽ chỉ tuần tự mà ra lò khi có thời giờ thôi…
Con cá hóa long cổ truyền (ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, nhiều mẫu mã mới không có trong hệ thống đèn Trung Thu cổ cũng được tạo ra theo phong cách truyền thống để cho bộ sưu tập phong phú thêm. Ví dụ như đèn con lợn làm phỏng theo các loại tranh dân gian như Đông Hồ hay Kim Hoàng. Hay đèn con cá Koi Nhật Bản…
Đèn con lợn Đông Hồ và Đèn con cá Koi (ảnh tư liệu) |
Hiện nay các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Văn mà làm lại đèn Trung Thu truyền thống, dù lúc đầu họ vẫn chỉ làm được những mẫu đơn giản về hình dạng. Nhưng số lượng khách đặt hàng đèn Trung Thu truyền thống từ khắp nơi trong nước, từ Hà Nội đến Huế hay Cần Thơ… đã tăng lên gấp bội so với những năm trước. Và nhiều trường học bắt đầu cho học sinh làm quen với thú vui rước đèn Trung Thu cổ truyền. Đèn Trung Thu Truyền thống Việt Nam đang tái xuất hiện một cách rất tích cực.
Điều quan trọng nhất là người thanh niên Phú Bình/ Báo Đáp này hiện đã nắm giữ lại được tất cả các bí quyết của nghệ thuật làm đèn Trung Thu cổ truyền của đất nước, mà trong bao năm tưởng như đã mất.
Cô Dinh làm tốt cho em gái (ảnh tư liệu 2006) |
Trịnh Bách (từ Hà Nội)
Cô Lê Thị Dinh sinh năm 1920. Cô là cháu ngoại Kiên Quận công Ưng Quyến. Kiên Quận công là em trai của các vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi (tức là chú ruột của vua Khải Định).
Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, người Pháp muốn đưa Kiên Quận công lên ngôi. Nhưng ông trốn theo vua Hàm Nghi. Hai năm sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, ông mới trở về, với đủ thứ bệnh tật sau bao gian truân ẩn lánh trong rừng núi lam chướng.
Theo Cô Dinh thì công việc của những người như Cô trong nội cung gọi là hầu cận. Các bà hầu cận nội cung này là những người được phép đụng chạm trực tiếp đến thân thể của các thái hậu, quý phi. Như để tắm rửa, mặc áo quần, chải đầu vấn khăn, làm tốt (trang điểm),v.v. Họ phải là những người có vai vế cao như công chúa, quận chúa, thân cận trong hoàng tộc. Họ khác với các nữ quan hay thị nữ làm các tạp vụ, tạp dịch trong nội cung là người ngoài, thường phải giữ khoảng cách.
Đối với các bà hầu cận đương nhiệm trong nội cung thì dù có là công chúa, quận chúa, người ta cũng gọi là Cô (viết hoa, nói gọn đi từ ‘lệnh Cô’). Gọi bằng Cô đây cũng để phân biệt với cấp bậc của các bà vợ vua trong tam cung, lục viện. Các bà phi, tần, mỹ nhân trong nội cung này cao thấp có các bậc là Bà (lệnh Bà), Dì (lệnh Di) và Chị (lệnh Tỷ). Các nữ quan trong nội cung như các bà thống sự, tùng sự, thì gọi là các Má (như Má Thống, Má Tùng).
Nhưng ở ngoài thật người ta không gọi các bà nội cung là lệnh Bà, lệnh Di, lệnh Tỷ mà gọi là đức Bà, đức Dì, đức Chị. Riêng các vua Nguyễn gọi mẹ mình là Ả (đức Ả). Lần vua Bảo Đại gặp vua Thành Thái khi vua Thành Thái trở về từ Phi Châu năm 1954 (cả hai lúc đó đều không còn là hoàng đế), vua Bảo Đại gọi vua Thành Thái là đức Bác và xưng mình là cháu hay có lúc là tiểu tử… Không biết vua Thành Thái lúc đó gọi vua Bảo Đại là gì. Nhưng trong một bức thư do cựu Hoàng Thành Thái đang bị lưu đày viết cho vua Bảo Đại khi còn tại vị, cựu Hoàng gọi nhà vua là Kim Thượng. Dù sao đấy cũng chỉ là cách xưng hô trong thư từ, văn bản.
Cũng nên lan man sơ lược thêm một chút về các cách xưng tụng trong nội cung, triều đình. Những ‘Trẫm’, ‘khanh’, bệ hạ, điện hạ, v.v., chỉ dùng trong giấy tờ, khi làm lễ, hay trên sân khấu. Thường các quan tâu với nhà vua là ‘tâu Hoàng thượng’. Các thị vệ gần gũi và các người trong nội cung thì ‘tâu Hoàng đế’. Vua Bảo Đại xưng với mọi người là ta, nhưng với người thân là ‘quả’. Khi nói chuyện trực tiếp, Vua và các hoàng thái hậu gọi các đại quan là ‘thầy’, với chức vị của họ. Ví dụ như họ gọi thượng thư bộ Lại là ‘Thầy Lại’. Hay thượng thư bộ Hộ là ‘Thầy Hộ’.
Với các hoàng thái hậu đã được sách phong, tức là được ở ngôi vị bệ hạ, thì người ta phải tâu. Và gần như trong mọi trường hợp khi trao đổi với Thái hậu thì người ta nói ‘tâu Ngài’. Khi nói chuyện về Hoàng hậu Nam Phương, người ta gọi bà là ‘ngài Hoàng’. Hoàng hậu không ở ngôi vạn tuế, mà chỉ là đại thiên tuế (mão có 7 phụng), giống như hoàng thái tử (mão có 7 rồng), cho nên người ta không tâu lên hoàng hậu, mà chỉ ‘bẩm’. Người ta sẽ hoặc là ‘bẩm Hoàng hậu’, hay ‘bẩm Ngài’. Không bao giờ có việc xưng tụng hoàng hậu, quý phi là nương nương hay lệnh bà, ít nhất là ở thời cuối Nguyễn triều.
Hoàng Hậu Nam Phương tự xưng mình là ‘tôi’. Trong bài viết về một buổi phỏng vấn Hoàng hậu Nam Phương đăng trong báo Tràng An ở Huế ngày 1-6-1937, Hoàng hậu nói cảm thấy “lỡ ngỡ” nhất là khi thấy người ta gọi mình là ‘đức Bà’. Và trong câu chuyện, Hoàng hậu gọi Hoàng tử sơ sinh Bảo Long là “nó”hay “thằng nhỏ”…
Có người làm việc hầu cận toàn phần như Cô Dinh, Cô Sen (em gái Cô Dinh). Có người làm việc bán phần thỉnh thoảng vào hầu cận các thái hậu một lần khoảng một, hai tuần, như Mệ Bông (tức bà Ngoại công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà, con gái Mỹ Lương Công chúa); hay Mệ Sen (bà Hoàng nữ Lương Linh, con vua Thành Thái)...
Cô Dinh lúc đầu vào hầu cận bà Thánh Cung Hoàng thái hậu (mẹ đích vua khải Định), rồi sau làm Hầu cận Tổng Quản cho bà Đoan Huy Thái hậu (tức bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại). Mọi chuyện từ thư từ, tiếp khách, cho đến trang điểm, chọn lựa quần áo, v.v., của đức Từ đều do Cô xếp đặt. Ví dụ như các thư của đức Từ Cung gởi cho vua Bảo Đại đều do Cô chấp bút. Hay hồi tổng tuyển cử năm 1967, hai phu nhân của các ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ có thay phiên vào gặp đức Từ. Mọi chuyện đều do Cô Dinh sắp xếp. Cô kể cả hai đều gọi đức Từ là Ngài. Bà Kỳ xưng con và bà Thiệu xưng cháu. “Đức Từ tiếp hai bà rất thân mật, dù ngài thường không thích người ngoài xưng con cháu với mình”, Cô kể…
Giây phút đức Từ Cung trút hơi thở cuối cùng hồi đầu tháng 10 năm 1980, chỉ có mình Cô Dinh ở cạnh. Và Cô có triệu hai người bà con là các chị Hiền, Diệu đến giúp việc tẩn liệm. Sau đó Cô dọn về phủ thờ Kiên Thái Vương để ở đó phụ với người em gái trông nom phủ.
Cô Sen, người em gái Cô Dinh, tên thật là Lê Thị Bích Cẩn. Cô Sen cũng là hầu cận của các thái hậu, từ thời bà Thánh Cung, mẹ đích của vua Khải Định. Trong đợt biến cố 1947, Phủ thờ Kiên Thái Vương, với các ban thờ Kiên Thái Vương và các hoàng đế con cháu của ngài là Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Khải Định (bài vị của vua Bảo Đại trong phủ mới được lập năm 2003), bị thiêu hủy. Đến năm 1951 khi phủ thờ được xây dựng lại, Thái hậu Đoan Huy cử Cô Sen về trông coi. Cô Sen mất tại phủ này năm 2008. Cô chưa bao giờ lập gia đình.
Tôi được biết các Cô, mà thân mật tôi gọi là các dì, từ những năm đầu của thập niên 1970, khi tôi sống ở Huế trước khi xuất ngoại. Có lần tôi được bà Tân Điềm, tức bà Tam giai Diễm Tần, vợ thứ của vua Khải Định, cho theo vào biệt thự Phan Đình Phùng của đức Từ Cung. Có khi tôi cùng cậu em họ mang gạo đỏ của Sư bà Diệu Không gởi lên tiến Ngài. Sư Bà rất nhiệt huyết với thuyết dưỡng sinh của Oshawa. Những lần như thế chúng tôi gọi là “lên Ngài”. Các Cô hay mang bánh trái của Ngài ban, trao cho chúng tôi. Cậu em họ lí lắc đã khiến các Cô phải đánh bài xếp (xếp bài cho đúng mà tới, phát âm theo lối Huế thành bài xệp) với chúng tôi, dù các Cô không thích món này lắm. Nhưng chính vì câu chuyện bài xếp này mà hơn hai chục năm sau chúng tôi nhận được lại nhau.
Điều tôi thấy ấn tượng nhất cho đến tận bây giờ là những khuôn mặt đầy phấn nụ của các Cô. Mốc mốc trắng như cách các bà phủ, huyện ngoài Bắc đánh phấn bột ngày xưa. Cũng với những đóa môi tươi son. Sao mà xưa cổ thế, như từ thời nào, thuở nào còn vương về.
Các Cô luôn chỉ dùng phấn nụ do họ tự làm. Sau này tôi có tặng hai dì ít mỹ phẩm của Ester Lauder, Channel, nhưng các dì không dùng. Rồi dì Dinh chỉ cho tôi cách làm phấn nụ và sáp môi trong cung. Và một hôm hai dì cháu lên truyền hình dậy cách làm phấn nụ. Các dì còn dậy làm nhiều thứ. Từ cách vấn khăn vành dây, cách xếp rau thơm, salad, dưa leo, trái vả, đu đủ thành tháp nhiều tầng trong cung; cho đến thế nào là cỗ kiều, thế nào là cỗ chạp trong nội cung. Và bao nhiêu thứ nữa...
Hồi đó tôi hay ở lâu trong Huế để làm các việc phục tạo, có khi cả 2 tháng. Có lần các dì nói "Bách mấy bữa ni mần việc nhiều ngó ốm rồi đó. Để hai dì nấu ăn tẩm bổ cho nghe". Và đồ ăn bánh trái các dì nấu thì ngon hết cách nói. Nhớ nhất là món bún dấm nuốc của dì Sen và các thứ bánh khảo, phục linh, quai vạc, v.v. của dì Dinh. Các dì vẫn còn giữ lại được các khuôn bánh, và các giấy gói bánh có tráng kim thật đẹp trong cung ngày xưa.
Ngày vui bao giờ cũng qua mau. Sau một lần bị ngã năm 2017, sự đi lại, hoạt động của Cô Dinh dần khó đi. Sau hơn một năm liệt giường, Cô Dinh tạ thế lúc 13 giờ 45 phút ngày 21 tháng 02 năm 2021 tại phủ thờ Kiên Thái Vương. Cô thọ 101 tuổi. Tang lễ được cử hành sáng ngày Chủ Nhật 28 tháng Hai tới đây. Giờ thì tất cả mọi sự liên quan đến Nguyễn triều lúc còn vua đều coi như không còn...
Từ phải sang: Công chúa Phương Minh, Đức Từ Cung, Bà Tam giai Diễm Tần (vợ thứ của vua Khải Định), Cô Sen, Cô Dinh, Phu nhân Thượng thư Nguyễn Hy (con gái lớn của bà Mỹ Lương Công chúa), một ông thị vệ cũ. Ảnh tư liệu chụp năm 1956. |
Kiên Quận Công. Trái: Trước khi bôn tẩu theo vua Hàm Nghi. Phải: Tơi tả trở về sau 2 năm theo vua Hàm Nghi lẩn tránh trong rừng núi. |
Cô Dinh chụp ở cung Diên Thọ 1948 (ảnh tư liệu) |
Cô Dinh làm tốt cho em gái (ảnh tư liệu 2006) |
Thuở xa vắng khi còn phấn nụ (ảnh tư liệu 2006) |
Dạy làm phấn nụ (ảnh tư liệu 2013). Tác giả bài viết bên trái hình. |
Tác giả và Cô Dinh. Ảnh chụp cuối cùng khi Cô Dinh còn gắng tự ngồi dậy được (ảnh tư liệu mùa Thu 2019) |