Getty Images. Cảnh sát VN đứng bên cạnh các sinh viên vẫy cờ Việt Nam và Triều Tiên khi đoàn xe chở đoàn Triều Tiên rời nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng vào ngày 27/2/2019. |
Một khách hàng quay video mô tả các lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0. VinFast liền tố cáo lên công an để mời người này "lên làm việc".
Sự việc gây xôn xao dư luận sau khi vào cuối tháng 4/2021, ông Trần Văn Hoàng đăng một video dài gần 30 phút liệt kê hàng loạt lỗi trên chiếc VinFast Lux A2.0 mà ông mới mua và đi được khoảng 8.000 km.
Video được đăng tải trên kênh YouTube GoGoTV với hơn 455.000 người đăng ký, kênh do ông Hoàng sở hữu, đã thu hút nhiều lượt xem, tạo ra tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ VinFast và những người còn lại.
Và tranh cãi đã nổi lên dữ dội sau khi VinFast thông báo họ đã báo cáo lên công an và công an đã "có lịch mời ông Hoàng lên làm việc".
Chiếc xe ông Trần Văn Hoàng đang sử dụng là VinFast Lux A2.0 phiên bản cao cấp, có màu sơn ngoại thất trắng và mang biển số 66A-139.45.
Trong video, ông Hoàng nhấn mạnh rằng những lỗi mà ông phản ánh chỉ liên quan đến chiếc xe cụ thể của ông; các xe khác của VinFast thế nào ông không có ý kiến.
Getty Images. Nhà máy Vinfast ở Hải Phòng |
Các lỗi mà ông Hoàng liệt kê khá cụ liên quan đến nhiều thứ như cần gạt mưa, cảm biến áp suất lốp xe, đèn báo rẽ, sạc không dây, kiểm soát hành trình, bình xăng v.v...
Trong video của mình, ông Hoàng trình bày rất chi tiết những điều mà ông cho là lỗi với hình ảnh cụ thể. Ông cũng nói đã đem xe tới hãng khắc phục tới 10 lần nhưng không hết lỗi. Video này hiện đã bị gỡ xuống.
Video trên kênh GoGo TV khiến dư luận nổi sóng.
Trên mạng xuất hiện nhiều người chỉ trích ông Hoàng, tố cáo ông "dìm hàng Việt Nam", "chơi dại", "có động cơ đen tối".
Trong khi đó, rất nhiều người khác cho rằng ông Hoàng, với tư cách là một khách hàng, có quyền lên tiếng khi sản phẩm mà ông mua bị lỗi, và VinFast nên cầu thị để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.
Đến ngày 2/5, VinFast đã phản hồi theo cách của họ.
Trên trang facebook chính thức, công ty xe hơi Việt Nam đã ra thông báo "VinFast không nhượng bộ trước hành vi gây hoang mang cho người dùng".
Getty Images. Chiếc Vinfast LUX A 2.0 được trưng bày trong ngày họp báo thứ hai của Paris Motor Show vào ngày 3 tháng 10 năm 2018 ở Paris, Pháp. |
Thông báo này khẳng định hành vi của ông Hoàng đã "gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của VinFast".
"Hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng (chủ kênh YouTube Gogo TV) đã gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu VinFast, đồng thời gây bất an cho những khách hàng khác của hãng," thông báo viết.
VinFast cũng cho hay: "Mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng chúng tôi đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc."
Công ty trực thuộc tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn nhấn mạnh: "VinFast khẳng định luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng. Nhưng chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng."
Thực tế, đã có một số vụ mà người chỉ trích Vingroup nói họ đã vì thế mà gặp phiền phức, thậm chí bị sách nhiễu bởi công an.
Hồi tháng 5/2018, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bị nhân viên Bộ Công an Việt Nam yêu cầu xóa các bài viết đăng trên Facebook cá nhân về tập đoàn Vingroup.
Ông Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó về vụ bắt giữ:
"Tôi có tranh luận lại và không đồng tình với họ về việc cho rằng những bài về Vingroup lại gây hại cho an ninh quốc gia. Thêm nữa, tôi đã lập luận rằng mọi thông tin chi tiết trong bài của tôi đều dẫn nguồn từ báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên họ không tranh luận, chỉ bắt buộc tôi phải xoá bài theo ý họ."
"Trong con mắt người phân tích, tôi sợ rằng có vẻ Vinfast đã đi nước cờ sai khi tố cáo ra công an người review không tốt về xe của mình," TS Quách Mạnh Hào, một chuyên gia về tài chính và ngân hàng từ Đại học Lincoln, Anh Quốc, viết trên Facebook cá nhân.
Theo ông Hào, ở Việt Nam thì đây là chuyện nhỏ vì người tiêu dùng bé nhỏ ít khi được bảo vệ. Nhưng phương Tây thì không nhỏ - toàn bộ hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên. Đó chính là lý do tại sao xã hội và nền kinh tế vận hành dựa trên niềm tin của người tiêu dùng.
"Vấn đề là Vinfast đang muốn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV) tại phương Tây nên vụ IPO chắc sẽ ảnh hưởng. Định giá 50 tỉ đô vốn đã quá cao cho ngành sản xuất xe hơi, thêm vấn đề ethical (đạo đức) này nữa thì chỉ cần một bài báo tiếng Anh tường thuật lại vụ việc đăng lên mấy diễn đàn kiểu như Reddit thôi thì chắc coi như xong. Nhưng có lẽ IPO không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để khuyếch trương trong nước," ông Hào đánh giá.
Reuters. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chính khách hàng đầu cùng doanh nhân Phạm Nhật Vượng hôm 14/6/2019 |
Từ Mỹ, nhà báo Thuc Pham cũng bình luận trên Facebook cá nhân về hành động của VinFast:
"Không tôn trọng khách hàng, không cầu thị, lắng nghe, nhận lỗi, sửa lỗi mà chỉ thích lấy thịt đè người chỉ tổ chuốc lấy sự bất bình và căm ghét, mình không nghĩ là có thể lớn mạnh được."
Một số khác còn liên hệ vụ việc với chuyện tập đoàn Tân Hiệp Phát và "vụ án con ruồi".
Trong sự việc bắt đầu vào tháng 12/2014, ông Võ Văn Minh đã trình báo việc phát hiện con ruồi trong chai nước Number 1 của Tân Hiệp Phát. Ông Minh sau đó đã yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa 1 tỉ đồng, nếu không sẽ kiện. Sau khi hai bên thương lượng không thành công, Tân Hiệp Phát đã nhờ đến công an xử lý. Kết quả là công an kết luận ông Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản, bị đề nghị truy tố. Tới tháng 8/2016, ông Minh bị tuyên án 7 năm tù.
Việc Tân Hiệp Phát tố cáo ngược ông Minh gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Và nhiều phân tích sau đó cho rằng dù ông Minh vào tù, nhưng Tân Hiệp Phát bị thiệt hại nặng về kinh tế do mất niềm tin của người tiêu dùng.
Trở lại vụ việc giữa VinFast và GoGo TV, nhiều người cũng cho rằng hành động của VinFast sẽ khiến nhiều người e dè hơn khi sử dụng sản phẩm của công ty này.
Bên cạnh các ý kiến cho rằng VinFast đã hình sự hóa một vụ việc mà lẽ ra họ có thể khéo léo hơn để lấy điểm, cũng có những ý kiến ủng hộ công ty này, với những ý kiến kiểu như "sản phẩm nào mà chẳng có lỗi", "VinFast cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ niềm tự hào của Việt Nam".
Ảnh minh họa: Đại tướng Lương Cường, một trong hai đại biểu Quân Đội trong Bộ Chính Trị, đảng Cộng Sản Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/02/2021 tại Hà Nội (Việt Nam). AP - Minh Hoang |
Trong kỳ Đại Hội 13 đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, Bộ Chính Trị có hai sĩ quan cấp tướng. Số lượng đại diện quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng lên. Trên tờ South China Morning Post, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, cho rằng ảnh hưởng ngày càng lớn của quân đội Việt Nam trong đời sống chính trị phản ảnh những lo ngại về an ninh Biển Đông.
Đầu tiên, tác giả nhắc lại câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông, đưa ra năm 1938 : « Mỗi người cộng sản phải nắm rõ chân lý, "quyền lực chính trị nảy sinh từ họng súng". Nguyên tắc của chúng ta là Đảng điều khiển nòng súng và họng súng không bao giờ được chỉ huy Đảng ».
Nguyên tắc này cũng được ĐCSVN áp dụng tương tự và Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngay cả khi Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, rút quân khỏi Cam Bốt năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991.
Vào thời điểm đó, Việt Nam bước vào giai đoạn hòa bình và phát triển. Kinh tế trở thành mối ưu tiên hàng đầu cho đất nước, do vậy quốc phòng ít được quan tâm hơn. Hệ quả là vai trò của QĐNDVN trong nền chính trị ngày càng suy giảm, được thể hiện rõ qua việc lực lượng này giảm đại diện trong Bộ Chính Trị.
Nhưng trong 10 năm gần đây, tình hình này có xu thế đảo chiều. Quân đội Việt Nam tăng đều số đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và trong kỳ đại hội lần thứ 13, quy định chỉ bầu một đại biểu quân đội vào Bộ Chính Trị đã bị phá vỡ, khi thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, bộ trưởng bộ Quốc Phòng và đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN đã trúng cử.
Ông Lê Hồng Hiệp đưa ra hai lý do chính giải thích cho sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội trong lĩnh vực chính trị. Thứ nhất, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có xu hướng nâng cao khả năng đàm phán của quân đội Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia là điều cốt lõi cho tính chính đáng của ĐCSVN. Điều này có nghĩa là tiếng nói của quân đội Việt Nam có nhiều trọng lượng hơn khi an ninh và chủ quyền đất nước bị đe dọa.
Đó là những gì từng xảy ra trong quá khứ, ảnh hưởng của quân đội tăng mạnh trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc và chống Khmer Đỏ. Thái độ xác quyết của Bắc Kinh tại Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đã làm cho mối lo ngại về an ninh của ĐCSVN thêm sâu sắc, và điều này đã cho phép QĐNDVN không chỉ có được nhiều đòn bẩy ở những cơ quan ra quyết định của Đảng mà còn có thêm nhiều nguồn ngân sách.
Thứ hai, vị thế chính trị của QĐNDVN ngày càng lớn là còn nhờ vào vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của quân đội trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, vận tải cho đến cả xây dựng.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc bầu hai đại diện quân đội vào Bộ Chính trị ĐCSVN chỉ là xảy một lần hay đây là một quy định mới, sẽ được lặp lại trong các kỳ Đại Hội Đảng tiếp theo ? Liệu quân đội Việt Nam có sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện đông đảo và liên tục trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tương lai hay không ?
Tuy nhiên, nếu tranh chấp Biển Đông gia tăng và các doanh nghiệp do quân đội điều hành vẫn có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì trong tổng thể, ảnh hưởng của quân đội đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn sẽ mạnh mẽ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của quân đội có thể cứng rắn hơn, nhưng Việt Nam không nhất thiết phải có cách tiếp cận mạo hiểm. Trải qua bao cuộc chiến tốn kém, xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh xung đột vũ trang vẫn chiếm ưu thế.
Tác giả kết luận, nếu như sự hiện diện của quân đội Việt Nam trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSVN ngày càng đông và có thể có một số tác động đến triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại, nhưng những tác động đó chỉ ở mức vừa phải và có giới hạn. Khi nào ĐCSVN tiếp tục chỉ huy, ảnh hưởng của QĐNDVN vẫn sẽ nằm trong ranh giới do Đảng vạch ra.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Getty Images |
Thuở nhân loại còn lý tưởng siêu hình
"Từ thuở Tiên đi, sầu cũng nhỏ
Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời."
Đó là hai câu thơ của Huy Cận trong Lời mở đầu của Bùi Văn Nam Sơn cho bản dịch "Hiện Tượng Học Tinh Thần" của G. W. F. Hegel (Văn Học-2006). Khi trích dẫn hai câu thơ này, chàng học giả họ Bùi muốn nói đến một không khí triết học đã trở nên trống vắng và không còn mang cao vọng lớn lao sau tác phẩm lừng danh này của Hegel.
"Tiên" ở đây không phải là nàng tiên, hay là tiên sinh, mà là một nhà tiên tri cho thời đại và nhân loại. Khi nhà tiên tri đã ra đi, con người trần gian không còn màng đến việc tày trời. Họ chỉ còn biết chuyện trên Trái Đất, cho một cuộc sống thuần kinh tế vật chất.
Nhìn lại lịch sử thế giới trong cả một trăm năm qua, từ "duy tâm luận" của Hegel, nhân loại lại hăm hở chạy theo "duy vật chủ nghĩa" của Marx để rồi hệ quả là con người càng lún sâu vào cõi vật thể. Không còn ai nhìn lên cao để "nhớ chuyện trên trời". Ngay cả nỗi sầu muôn năm, nay cũng còn rất nhỏ.
Khi con người đã bỏ lại đằng sau mình hai thời quán giáo điều của tôn giáo và ý thức hệ từ chủ thuyết chính trị thì hắn không còn gì siêu hình để tin vào, không còn lý tưởng vượt trần gian để sống và chết cho. Lịch sử nay đã không còn cứu cánh tính; cuộc đời cá nhân không còn cưu mang nội dung bản thể - hắn cũng mất luôn niềm xác tín vào ý nghĩa hiện hữu. Đây là thời điểm mà hắn bỏ rơi tôn giáo và chính trị để ra đi. Bi kịch là hắn không biết đi về đâu.
Khi thoát khỏi thần linh và ý hệ, ở giai đoạn đầu, con người cảm thấy bị chấn thương và bơ vơ. Nhưng nay thì nỗi cô đơn cũng đã không còn - khi ý thức lịch sử cũng đã biến mất. Tất cả nhân loại này, từ đông sang tây, từ giàu đến nghèo, nay đã trở nên những chiếc máy thuần kinh tế. Tiền bạc, vật chất là cứu cánh duy nhất, mối bận tâm tối hậu cho cuộc đời.
Hãy nhìn vào đội ngũ đồng chí cách mạng Cộng Sản Việt Nam ngày nay. Những con người cách mạng oai hùng và huy hoàng thế kỷ trước nay chỉ còn loay hoay với những ván bài tiền của. Họ đã bỏ quên trời đất ngoài kia để chỉ còn say sưa trong bóng tối với chính mình. Đó là những đứa con của Karl Marx bị lịch sử bỏ rơi, thậm chí đang tha hóa. Cả bao thế hệ đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh cho lý tưởng độc lập, công lý và nhân phẩm dân tộc và tổ quốc, nay không ít họ sẵn sàng bỏ nước ra đi vì không còn chấp nhận tình trạng tha hóa cùng cực của xã hội và tổ chức cộng sản Việt Nam hiện tại.
Căn nguyên từ đâu? Gần hai thế kỷ trước, khi Marx đọc cuốn "Hiện Tượng Tinh Thần" này của Hegel, chàng ta muốn chuyển ngược biện chứng Tinh thần thành ra quy luật kinh tế. Gốc rễ của con người, thước đo cho nhân loại, không phải đến từ trời cao hay thần linh, mà là con người chính hắn. Marx muốn mang nhân gian này ra khỏi "vương quốc thiết yếu," vốn chỉ biết bận tâm về nhu cầu vật chất, đến với "cõi tự do" nơi mà cá nhân và tập thể được dung thông trong hòa hợp giữa nhu cầu và khả năng.
Marx muốn giải phóng con người ra khỏi "vọng tưởng duy tâm" của Hegel, vốn là "thượng tầng cấu trúc" của thực tế vật chất, để đem nhân loại trở về với thực tại trần đời, để làm người thế gian thuần kinh tế. Nhân loại hãy thôi hoang phí năng lực vào ước vọng siêu hình để mà đem hết sức mình lo chuyện áo cơm bằng phương trình lịch sử.
Và như ai cũng đã biết rồi. Cơn mơ nào cũng phải được tỉnh thức. Chủ nghĩa Marx đã tàn lụi như là một lý tưởng lịch sử và chính trị. Nhưng Marx đã tiên tri đúng về thân phận con người thế gian này, nhất là đối với cán bộ viên chức còn đứng trong Đảng Cộng sản VN. Tất cả đảng viên nay chỉ là những con vật kinh tế (nghĩa triết học: 'man as an economic animal') - và tham vọng quyền lực cũng duy chỉ cho cứu cánh vật chất.
Không còn ai tin vào ngôn từ, khẩu hiệu của Đảng nữa. Năng lực hướng thượng cho đời sống Tinh thần đã biến mất – dù rằng nạn mê tín thần linh cho nhu cầu vật chất và quyền lực thì tràn ngập. Trời cao không còn. Lý tưởng đã chết. Cái điều nghịch ngẫu nằm ở chỗ rằng dù cho cán bộ Cộng sản Việt Nam hôm nay, trên bình diện lý thuyết chính trị, họ không còn tin Marx, nhưng trên bình diện kinh tế, họ đều là những đứa con ngoan của Marx (xem thêm các luận thuyết về 'kinh tế học Marxist và phần động vật trong con người).
Hãy đọc lại Hegel. Lịch sử là sự "khai mở Tinh thần vào thời gian", cũng như "Vũ trụ là sự khai mở Tinh thần vào không gian." Thế giới, theo Hegel, là một hiện tượng Tinh thần, mà trong đó, cá nhân tính chỉ là một hình thái tha hóa đang vươn mình tìm về lại chân lý vốn đang chờ đón ở cuối hành trình lịch sử. Cứu cánh tính của lịch sử và nhân loại là Tự do. "Lịch sử thế giới là một tiến trình trong ý thức Tự do," Hegel tuyên bố.
Trên cơ bản cá nhân, Tự do là sự giác ngộ về "bản lai diện mục". Trên cơ bản nhân loại, Tự do là sự dung thông của ý chí cá thể với thực tế lịch sử. Đây là một con đường đầy gian truân, "một xa lộ đầy bi kịch," mà Tinh thần tạo hóa, như là một nhà đạo diễn đầy thủ đoạn - the cunning of Reason - nhưng với thiện ý, đầy đoạ nhân gian như là những trừng phạt của cha mẹ dành cho con cháu trong nhà nhằm cho chúng mở mắt ra để trưởng thành và lớn lao lên mà biết đến đường về.
Đối với Hegel thì bản chất tha hóa từ năng thức Tinh thần tuyệt đối nơi ý thức con người là nguyên nhân cho địa ngục trần gian. Trong khi đó, Marx thì cho rằng sự tha hóa của con người là hệ quả từ bản chất cấu trúc kinh tế vật chất có sẵn của xã hội. Marx muốn xem thế gian và lịch sử là đối tượng để chinh phục và đổi mới. "Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới," Marx viết. Con người và lịch sử như là một tiền đề và phản đề, soi gương lẫn nhau để mà chuyển hóa và biến thái lẫn nhau.
Getty Images. "Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới," Marx viết |
Một nửa nhân loại của thế giới, trong suốt hầu hết thế kỷ 20, đã nghe lời Marx như thế, để mang ý chí thay đổi lịch sử nhằm chuyển hóa con người. Hạnh phúc con người chỉ có từ cơ bản kinh tế khi cấu trúc xã hội sẽ phải được tái kiến tạo nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu vật chất. Những con chiên Marxists không còn phải chỉ lo về chính mình. Mà trái lại. Hắn muốn hy sinh đời sống riêng tư bằng ý chí tự phủ định cho cứu cánh lịch sử.
Từ đó, lịch sử là chủ thể của ý chí mà cá nhân phải phục tòng. Con người từ giã tính tha hóa cá nhân bằng cách hòa mình vào ý chí tập thể trong cứu cánh tính tự do. Muốn được giải phóng, hắn phải trước hết tự trói chặt chính mình vào cơ năng tổ chức. Chỉ còn có con người lịch sử chứ không còn cá thể riêng tư. Và thảm họa phát xuất từ đó.
Và người Cộng Sản Việt cũng đã hiến mình vào trong mắt xích tập thể cho lý tưởng lịch sử duy ý chí đó. “Đảng ta” nay đã thay thế cho cái ta cá nhân Việt. Vì thế, bản chất mâu thuẫn chính trị hiện nay ở Việt Nam nằm ở nơi khi mà ý chí vươn lên của cái ta cá nhân Việt muốn thoát khỏi xiềng xích tập thế của “Đảng ta”.
Getty Images. Lễ diễu hành ở Huế hồi 2005, kỷ niệm 30 năm sự kiện 30/4/1975 |
Nay nhìn đâu con người Việt Nam cũng chỉ còn thấy những sự xuống cấp, tan rã của thần linh, của tiên tri, của giáo điều, chủ nghĩa, của tổ chức, của Đảng ta. Mọi thứ đều rất rẻ, dễ mua, dễ bỏ.
Theo tôi, dân tộc Việt nay chỉ còn đi theo tinh thần thời đại duy vật chất, hết mơ nói chuyện trên trời.
Những ngày mùa đông cuối năm 2020, ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở đất nước Việt Nam, tất cả là một trường nhân gian tất bật lo lắng thuần kinh tế và thân xác. Trong hơi men tàn của cơn say lý tưởng từ thế kỷ trước, có cái gì đó trong tâm tư nhiều người Việt đang thấy rằng đây là một hoạt cảnh nhàm chán loay hoay của một khối nhân loại không còn lý tưởng, không còn chân lý và sự thật, không còn ý chí lịch sử.
Khi Hegel bị lãng quên, Marx rớt vào sọt rác thì lúc mà người Cộng Sản Việt nay đã kiệt sức lý tưởng và ý chí cao thượng.
Các hiện tượng quậy phá, làm dáng của một số trí thức, văn nghệ sĩ, của người giàu có tại Việt Nam hiện nay xét ra là tấn bi hài kịch của nỗ lực muốn thoát ra khỏi xiềng xích 'tính Đảng'. Các cố gắng du nhập tư tưởng tiến bộ, hiện đại từ bên ngoài vào Việt Nam, công việc chỉnh sửa giáo dục, sách giáo khoa, phát triển mạng XH... luôn có nguy cơ hoặc bị đè bẹp, hoặc bị biến dạng, hội nhập vào dòng tha hóa.
Ngay cả thi ca, âm nhạc và văn chương Việt hiện nay đa phần trở nên trống rỗng nhàm chán khi đã hết chất men tinh thần thời kháng chiến.
Không còn ai xứng đáng là kẻ tiên tri cho thời đại. Những đứa con rơi thuần duy vật của Marx ở Việt Nam nay đã mất hồn lịch sử. Mối sầu kim cổ lớn lao của nhân loại đi đâu mất rồi! Hãy đọc tiếp hai câu thơ Huy Cận:
Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước
Đâu biết trời kia rộng mấy khơi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn 'Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.
Các bài cùng tác giả đã đăng:
Phạm Thanh Nghiên
28-4-2021
“Mày có biết cái này là cái gì không?”
Sáng ngày 30-4-1975, gia đình ông Huỳnh Kim Sơn cả thảy 11 người đang ở trong nhà thì nghe tiếng ồn ào ngoài đường Phạm Thế Hiển. Ông Sơn là một thiếu úy cảnh sát, làm việc tại Quận 8 thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia VNCH. Mặc dù ông đã dặn các con, các cháu không đứa nào được ra khỏi nhà, nhưng cậu bé Tú, khi ấy mới bảy tuổi, con trai thứ ba của ông vẫn rình lúc ông không để ý, rón rén mở cổng vọt ra ngoài. Từ nhà ông Sơn ra đường Phạm Thế Hiển đâu khoảng dăm trăm mét.
Cậu bé Tú thấy họ, những người mặc áo xanh, đội nón cối, đông lắm. Lớp thì đi bộ, lớp ngồi trên xe lam. Ai cũng vác theo súng. Có người còn mang cả cành cây cắm trên balo nữa. Cậu bé chưa từng chứng kiến cảnh tượng như thế tại Sài Gòn. Họ reo hò, la hét và ca hát vang cả phố phường, đại loại như: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù”, “Sài Gòn đây rồi”, “Đập tan bè lũ ngụy quân ngụy quyền”… Đó cũng là lần đầu tiên Tú nghe đến cái tên Hồ Chí Minh phát ra từ giọng nói rất khác của lũ người xa lạ kia.
Tú không phải đứa trẻ duy nhất hiếu kỳ đứng xem. Mấy đứa trẻ cùng xóm chen chúc trong đám đông, mắt ngơ ngác, láo liên nhìn ngó. Có mấy cái bàn ai đó đã kê sẵn trên vỉa hè, đặt những thùng bìa các-tông. Trong các thùng bìa ấy là những lá cờ xanh đỏ, không giống như lá cờ vàng ba sọc đỏ quen thuộc treo ở trụ sở cảnh sát, nơi ba của Tú làm việc, hay ở trường học mà cậu vẫn nghiêm trang giơ tay chào mỗi thứ hai đầu tuần.
Những nhóm người mặc áo xanh, đội nón cối hoặc đeo khăn rằn, vai mang súng bắt đầu đi phát cờ cho mọi người. Họ phát cả cho bọn con nít. Tú cũng được một cái. Cậu bé Tú mang lá cờ xanh đỏ ấy về, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Mới bước vào nhà, chưa kịp khoe với ai thì ông Sơn đã giật phắt lá cờ trên tay thằng con, ném nó xuống đất rồi lấy chân giẫm lên. Vợ ông tái mặt, vội chạy ra cổng xem có ai đi ngang qua không. Tú ngơ ngác, tim đập thình thịch tưởng là sẽ bị ăn đòn can tội trốn đi chơi.
– Mày có biết cái này là cái gì không mà tha về đây?
Ông Sơn rít lên, cố nén cơn tức giận. Giẫm giẫm mấy cái cho bõ ghét rồi nhặt lên, vo viên lá cờ giấy trong tay trước khi mang xuống bếp, châm lửa đốt. Mới bảy tuổi, Tú chưa đủ khôn để biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng cậu bé đã lờ mờ cảm nhận về những điều bất thường đang đến với gia đình mình. Thảo nào mấy bữa nay ba không tới nhiệm sở, các anh chị em Tú cũng không đi học.
Sau ngày 30-4-1975, giống như các quân nhân cán chính chế độ VNCH, ba và ông ngoại của Tú đều phải đi “học tập cải tạo”, nghĩa là đi tù. Cả ba và ông ngoại của cậu đều là sĩ quan cảnh sát với cấp bậc thiếu úy, do đó bị chính quyền mới liệt vào thành phần “ác ôn”. Ông ngoại Phạm Văn Vinh từng là “Trưởng ban Tình Hình Ban Chỉ huy Cảnh sát quận 4”, một chức vụ thuộc bên tình báo.
Cậu bé Tú còn nhớ, hàng ngày ông ngoại đi làm đều có xe của nhiệm sở đến đưa đón. Ông ngoại Phạm Văn Vinh bị lưu đày ba năm ở nhà tù Hàm Tân. Trong Giấy Ra Trại mà nhà tù cộng sản cấp cho ông có ghi rõ: “Họ tên: Phạm Văn Vinh, sinh năm 1922. Trú quán tại: số 3 Cư Xá, Bến Vân Đồn – quận 4. Số quân, cấp bậc, chức vụ trong bộ máy chính quyền, quân sự và các tổ chức chính trị phản động của chế độ cũ: thiếu úy, Trưởng ban tình hình B.C.H.C.S quận 4”.
Giấy ra tù của ông ngoại Phạm Văn Vinh. Ảnh tư liệu của tác giả |
Cơn thảng thốt của ngày 30-4
Ông Huỳnh Kim Sơn may mắn hơn nên chỉ đi tù vài tháng rồi được tha, do từng cứu mạng một viên cán bộ cộng sản Bắc Việt. Đó là một cuộc cứu mạng “bất đắc dĩ” xảy ra vào năm 1972. Một viên Việt cộng bị cảnh sát truy đuổi, trong lúc cấp bách đã chạy vào nhà ông trốn. Lúc cảnh sát ập vào, họ hỏi bà Kim Anh – vợ ông Sơn – xem có người lạ nào chạy vô không. Bà Kim Anh, khi ấy đang mang bầu người con thứ tư, dù sợ hãi nhưng vẫn cố trấn tĩnh, trả lời gọn lỏn một câu “không!”. Vừa lúc ông Sơn ở nhiệm sở về tới nhà, trên người vẫn mặc sắc phục.
Vì nể đồng nghiệp nên nhóm cảnh sát chỉ khám xét qua loa rồi bỏ đi. Bà Kim Anh vội ra đóng cổng, rồi trở lại vào trong nhà, lắp bắp nói với chồng “ổng… ổng… trong hồ nước”. Ông Sơn chết lặng người. Ông chạy ra sau nhà, thấy người đàn ông kia đang lóp ngóp từ trong bể nước ngoi lên. Bị vợ đặt vào “sự đã rồi”, ông không còn lựa chọn nào khác là phải thuận theo. Nếu kêu cảnh sát tới, vợ ông sẽ mang tội che giấu Việt cộng, mà thả đi cũng không cam lòng. Bà Kim Anh van lơn: “Em sắp sinh con, thôi thì mình làm phước cứu một mạng người. Để đức để phúc cho con sau này”.
Trước khi đi, viên cán bộ Việt cộng quỳ xuống, vái lạy hai vị ân nhân cứu mạng. Rồi ông ta đưa cho ông Sơn mảnh giấy, có ghi chép ký hiệu gì đó, dặn rằng nếu sau này có bề gì, tìm ông ta sẽ trả ơn. Đúng như lời đã hứa trước đó ba năm, viên cán bộ cộng sản trả ơn cho ông thật. Ông Sơn thoát cảnh tù đày, nhưng không thoát được cơn đau mất nước, không thoát được cảnh sống bị bủa vây với vô vàn tủi hờn, căm hận. Và chính đứa con còn trong bụng mẹ ngày nào, cái cớ để vợ ông lấy đó mà tha cho viên cán bộ nọ, 42 năm sau đã chết thảm trong tay nhà cầm quyền cộng sản. Trí chết sau khi vừa kết thúc 14 năm dài bị cầm tù. Cái “phúc” mà ông bà Sơn tạo dựng cho con, không lớn bằng cái “họa” của “bên thắng cuộc” giáng xuống gia đình họ.
Những gì tôi vừa kể là một phần câu chuyện diễn ra trong và sau ngày 30-4-1975 của gia đình chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú, do chính anh kể lại. Tất nhiên, ngày ấy anh Tú còn nhỏ nên có chuyện anh nhớ được, có chuyện phải hỏi lại ba anh. Chuyện nhà chồng tôi, không chỉ có thế. Nếu viết đủ, theo trình tự thời gian, nó sẽ là một cuốn sách dày, đẫm nước mắt.
Cuộc “giải phóng” của người cộng sản miền Bắc không chỉ khiến gia đình anh Tú lâm vào cảnh khốn cùng, nó còn khởi đầu cho những rạn nứt, ly tán và nhiều biến cố đau thương sau này. Số phận của gia đình chồng tôi, của ba má, của từng anh chị em bên chồng là những câu chuyện buồn trải dài trong suốt cuộc đời mỗi người. Đó là câu chuyện của một gia đình trong hàng vạn gia đình miền Nam khác đã bị một thứ “nhân mệnh” giáng xuống khi cơn thảng thốt của cái ngày 30-4 còn chưa kịp cất lời.
Ly tán trong cái gọi là nền “hòa bình” mới
Bi kịch của gia đình chồng tôi, của cả dân tộc này suốt 46 năm qua vẫn chưa chấm dứt. Gốc gác VNCH (người cộng sản gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”) như một dấu gạch chéo trên gương mặt , ký hiệu để nhận biết về một hạng người phải bị loại trừ, phải bị vùi dập, phải bị khinh ghét dưới cái gọi là “chế độ XHCN”. Sau năm 1975, ba má chồng tôi phải bán dần bán mòn tài sản, của cải để lấy tiền nuôi các con. Đầu tiên bán nữ trang, rồi bán xe, sau đó bán nhà. Dần dà không còn thứ gì có thể bán ra tiền.
Sau gần 20 năm làm lụng cực nhọc, cố gắng đến kiệt lực vẫn không ngóc đầu lên nổi, gia đình chồng tôi lần lượt vượt biên sang Campuchia, rồi Thái Lan.
Duy nhất có một người chị ở lại Sài Gòn. Sau này, trong thời gian sống bên Thái Lan, chồng tôi cùng anh trai là Tuấn và em trai là Trí đều tham gia một tổ chức chống cộng. Năm 1999, trong lần nhận nhiệm vụ về nước, chồng tôi và Trí bị bắt, mỗi người bị kết án 14 năm tù. Trong thời gian ở tù, Trí bị nhiễm bệnh AIDS – hậu quả của những lần bị cùm chân có dính máu, thịt của người tù mang bệnh bị cùm trước. Ra tù được sáu tháng, Trí chết. Một cái chết đầy đau đớn, oan khuất và tức tưởi. Sau khi chồng tôi và Trí bị bắt, anh Tuấn mất tích.
Một số người hoạt động cùng anh nói rằng anh bị cộng sản giết. Vài năm sau khi anh Tuấn chết, vợ anh cũng qua đời để lại đứa con mồ côi cho cô Trang, em chồng tôi nuôi dưỡng. Má chồng tôi bị bệnh tiểu đường, do không đủ tiền thuốc thang nên bà qua đời tại Thái Lan năm 2010, khi anh Tú và Trí thụ án được 11 năm. Lúc còn sống, má chồng tôi bị cưa hai chân do bị hoại tử. Sau thời gian sống ở Thái Lan, ba chồng tôi lưu lạc sang Malaysia, thỉnh thoảng qua Thái Lan thăm má. Em chồng tôi lập gia đình, sinh được ba đứa con nhưng khi đứa út còn nhỏ, chồng cô ấy bạo bệnh rồi qua đời.
Sau khi lấy anh Tú, tôi những muốn đón ba chồng tôi về ở hẳn Việt Nam để thuận tiện cho việc phụng dưỡng. Ở trọ cũng được, khi nào có đủ tiền thì xây nhà. Ba tôi chấp thuận. Ông đặt vé về Sài Gòn vào ngày 9-2-2017, nhưng buổi chiều hôm trước, mồng 8-2, ông đột ngột qua đời tại Malaysia. Vuốt mắt cho ông cũng là một người lưu vong khác. Tháng 4-2016, khi chúng tôi chuẩn bị làm đám cưới, người em trai út của anh Tú đã hẹn sẽ về tham dự vì nhiều năm rồi cậu ấy chưa trở lại Việt Nam. Nhưng rồi lại là một giấc mơ không thành khác. Trước đám cưới chừng một tháng, chúng tôi nhận được tin Quốc bị tai biến. Suốt mấy năm nay, Quốc phải ngồi xe lăn, không thể đi làm kiếm tiền nuôi con. Mọi gánh nặng đổ dồn lên cô Trang, em gái chồng tôi.
Anh Tú kể, từ năm 1981 cho đến mãi về sau, gia đình anh chưa bao giờ có một ngày sum họp kể cả vào những sự kiện trọng đại nhất của đời người như cưới hỏi, tang chế. Cả ba và má đều chết trên xứ lạ quê người mà con cháu không thể đến tiễn đưa, vĩnh biệt. Anh Tú lấy tôi, lại cũng là một người tù, một kẻ “phản động” theo cách kết tội của nhà cầm quyền. Thỉnh thoảng tôi nói đùa “vợ chồng mình tiền án nhiều hơn tiền mặt”.
Và “nếu xét theo bên ngoại, bé Tôm là cộng sản con. Xét theo bên nội, nó mang gốc gác “ngụy quân ngụy quyền”. Tôm có ba mẹ, có chú đều là tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản. Tức là nhà tôi vừa có tù anh, tù em, tù vợ, tù chồng, vừa có tù em, tù chị, đủ cả. Nếu nhắc thêm sự kiện nhà tôi ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập, thì bé Tôm cũng là một “dân oan nhí”. Vợ chồng tôi vừa là cựu tù chính trị, kiêm luôn danh hiệu bất đắc dĩ “dân oan”. Số phận cứ buộc chúng tôi vào cảnh ngộ éo le, bi đát.
***
Khi viết những dòng này, vào dịp tháng Tư năm 2021, chồng tôi vẫn là một người vô tổ quốc, vẫn phải sống lưu vong trên chính quê hương ruột thịt mình. Từ khi ra tù vào tháng 12-2013, anh Tú vẫn không có nổi một mảnh giấy tờ tùy thân. Gia đình tôi vẫn tiếp tục sống, cuộc sống của những phận người Việt với điệp trùng khốn khó, hiểm nguy vây bủa.
46 năm là một khoảng dài trong đời người, vậy mà nỗi đau cứ như vừa mới hôm qua. Làm sao quên được khi thế lực tà ác thay vì sám hối, lại reo rắc tư tưởng thù hận, vùi dập nạn nhân tới tận cùng của mọi nỗi đau. Nạn nhân nào có phải vài chục con người, đấy là triệu triệu con người. Biết bao giờ đất nước này mới thay da đổi thịt, người người mới biết ăn năn?
Cưu mang nỗi đau quá khứ không phải để thù hận, mà để nuôi dưỡng ước vọng tương lai. Tương lai cho gia đình bé nhỏ của tôi. Tương lai cho người Việt.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. RFA Edited |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam vào tối ngày 30/4 đã phát đi thông cáo cho biết Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại không kịp chạy từ ngày 1/5.
Trong khi trước đó hai ngày, Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam đã thông báo Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, được đơn vị tư vấn Pháp (ACT) cấp giấy chứng nhận an toàn, đã hoàn thiện nghiệm thu và đang bàn giao để đưa vào khai thác thương mại từ ngày 1/5/2021.
Biểu tượng trễ hẹn
Đây là lần thứ 10, đường sắt Cát Linh - Hà Đông trễ hẹn vận hành thương mại. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Sau nhiều lần điều chỉnh, chậm tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động thương mại.
Đường sắt Cát Linh Hà Đông, một biểu tượng của sự lừa lọc, gian dối, phá hoại từ bên chủ thầu, sự tham lam, ngu dốt, đểu cáng của bên chủ dự án, sự bất chấp đạo lý của cấp trên của chủ dự án. Toàn dân Việt Nam và trước hết là dân Hà Nội gánh chịu những thiệt hại to lớn do dự án này mang lại. |
---|
Giáo sư Nguyễn Đình Cống |
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 30/4 từ Hà Nội, nhận định:
“Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chứa đựng nhiều gian dối, lừa lọc, tham nhũng, đúng như lời Đại sứ Trung quốc nói với ông Vương Đình Huệ, rằng nó tiêu biểu cho tình hữu nghị Trung Việt, một quan hệ đầy rẫy gian dối, lừa lọc của Trung cộng và sự khuất phục, lệ thuộc của Việt cộng.
Dự án này làm thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế quốc dân Việt Nam, nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho chủ thầu Trung Quốc, đem đến nhiều béo bở cho một số quan chức của Việt Nam nhờ sự đút lót của chủ thầu.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu câu hỏi, vì sao đã nhiều lần hoãn đi hoãn lại, mới tuyên bố sẽ khai trương vào ngày 1 tháng 5 năm 2021, nhưng đến phút chót lại xin hoãn nữa?
“Vì sao vậy? Nghe nói là vì còn chưa hoàn thiện thủ tục nghiệm thu. Người dân Việt nghe tin này không khỏi nghi ngờ rằng còn có gì đó trong việc ăn chia chưa dàn xếp xong chứ không phải do khâu kỹ thuật.
Điều đáng lo ngại lớn về Đường sắt Cát Linh Hà Đông không phải ở chỗ đưa vào sử dụng lúc nào mà là liệu sẽ có bao nhiêu hành khách mỗi ngày. Tôi dự đoán là sẽ có rất ít và như vậy thì càng khai thác càng lỗ. Đó là dự đoán trong 5 năm sắp tới, còn về sau chưa biết như thế nào.
ÔI…! Đường sắt Cát Linh Hà Đông, một biểu tượng của sự lừa lọc, gian dối, phá hoại từ bên chủ thầu, sự tham lam, ngu dốt, đểu cáng của bên chủ dự án, sự bất chấp đạo lý của cấp trên của chủ dự án. Toàn dân Việt Nam và trước hết là dân Hà Nội gánh chịu những thiệt hại to lớn do dự án này mang lại.”
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. AFP. |
Thông tin mâu thuẫn
Khi báo cáo tiến độ Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hôm 30/4, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Tư vấn độc lập ACT - Pháp cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Theo Bộ này, đây là một chứng chỉ quan trọng để Hội đồng Kiểm tra nhà nước đánh giá công tác an toàn dự án và là cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu công trình.
Tuy nhiên khi giải thích lý do Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại không kịp chạy từ ngày 1/5, Bộ GTVT lại cho rằng: “Các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành. Tuy nhiên, các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng Kiểm tra nhà nước dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn.”
Trả lời RFA hôm 30/4 từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nói:
“Tôi không ngạc nhiên lắm, vì cái Bộ của ông Thể (Bộ GTVT) là cái Bộ thất hứa từ lâu rồi. Và nó cũng không lạ vì nó là biều tượng ‘tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa’. Ở Việt Nam có vô vàn những ‘công trình’ mà Trung Quốc đã giúp hay lừa Việt Nam vào như Dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh này. Những dự án mà trước kia gọi là giúp đỡ hay viện trợ như Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc, như là công trình cầu Thăng Long dở dang... họ đang làm dở thì bỏ mặc rút đi... cuối cùng Việt Nam phải khẩn khoản nhờ Liên Xô làm tiếp thì mới có cầu Thăng Long như bây giờ. Đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh không phải là viện trợ, mà đây là một khoản vay thương mại rất đắt đỏ của Trung Quốc để làm và nó kéo dài như thế. Anh Lê Đăng Doanh đã nhiều lần nói ‘người Trung Quốc là bậc thầy về đút lót’...”
Vì thế theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, có thể trong phi vụ Đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh này có nhiều rắc rối đằng sau của nó, và người ta phải rất là cẩn trọng để che chắn đủ các thứ. Và như thế cái chuyện nó kéo lê ra như vậy thì không có gì khó hiểu cả.
Có thể trong phi vụ Đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh này có nhiều rắc rối đằng sau của nó, và người ta phải rất là cẩn trọng để che chắn đủ các thứ. Và như thế cái chuyện nó kéo lê ra như vậy thì không có gì khó hiểu cả. |
---|
Tiến sĩ Nguyễn Quang A |
Trước đó, khi Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trễ hẹn vận hành thương mại vào cuối tháng 3, Bộ GTVT đã nêu lý do ‘vướng thủ tục giấy tờ’. Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt thuộc Bộ này, những giấy tờ đã tồn tại hơn 10 năm với nhiều vấn đề phải giải quyết nên không thể một sớm, một chiều là xong.
Trả lời RFA khi đó, một chuyên gia Quản lý Xây dựng tên Quang, từng học tại Nhật Bản, cho rằng: “Tóm lại, tư vấn Pháp ACT chưa OK thì ‘chưa đủ điều kiện’ để Hà Nội nhận bàn giao chứ chẳng phải thủ tục giấy tờ gì!”
Còn ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, người rất quan tâm đến dự án này, hôm 30/4 đưa ra nhận định với RFA về dự án Cát Linh – Hà Đông dưới một góc nhìn khác:
“Tôi cho rằng đây là đi cân kê... cân gà... rất là khó nuốt. Tức là nó thất hứa mãi đến mức nó trở thành bình thường, cũng giống như là cộng sản tuyên truyền dối trá mãi, độc tài mãi rồi dân cũng cảm thấy là bình thường. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo tôi cũng vậy thôi, hết ông Bộ trưởng này đến ông khác, hết lần hứa này đến lần khác, đấy là bài học về cộng tác với các doanh nghiệp Trung Quốc mà thật sự đó là chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo tôi nó sẽ chưa xong đến bao giờ ý chí chính trị của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh cho nó chạy. Trung Quốc thường đưa ra bẫy nợ, để khống chế các nhà cầm quyền khi đầu tư, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các dự án khác thì các nhà thầu Trung Quốc đều để lãi hậu quả nặng nề về môi trường, đắc đỏ, chậm tiến độ, khống chế phải theo con đường Trung Quốc. Nếu không theo thì họ còn gây ra khó khăn để cho nhà cầm quyền mất uy tín với dân.”
Nhưng theo ông Trần Bang, ở Việt Nam nhà cầm quyền đã mất uy tín với người dân từ lâu, nên người dân đã quen với việc mất uy tín đó rồi.
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. 8 năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. |
Sau thời gian dài không thông tin gì, mới đây báo chí nhà nước Việt Nam cho biết vào đầu tháng 5/2021, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xét xử nhóm bị cho là chủ mưu đưa chín người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và trốn lại Hàn Quốc.
Vì sao đến lúc này mới đưa ra xét xử?
Vào trung tuần tháng chín năm 2019, tức gần 10 tháng sau khi phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết chín trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.
Tin cho biết, phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc chín thành viên trong đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới vỡ lỡ.
Cho đến ngày 25/9/2019, người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đưa ra lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc “không thuộc thành phần đoàn ngoại giao” và chỉ “đi nhờ máy bay”.
Còn truyền thông nhà nước Việt Nam khi đó không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người “đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân” và tại sao những người này có được “đặc quyền” đó.
Tại sao không phanh phui tất cả, rất đơn giản mà, lên máy bay làm sao thoát không khai báo, thế mà từ đó đến nay cũng không công bố ra. Là vì họ muốn bao che uy tín của họ. |
---|
Ông Nguyễn Khắc Mai |
Vào ngày 30/3/2021 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân với tỷ lệ 89,38%. Cho đến ngày 31/3/2021, Tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Vì sao lúc này Việt Nam mới xử vụ “đi nhờ” chuyên cơ của bà Ngân rồi bỏ trốn ở Hàn Quốc? Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 28/4, nhận định:
“Tại sao không phanh phui tất cả, rất đơn giản mà, lên máy bay làm sao thoát không khai báo, thế mà từ đó đến nay cũng không công bố ra. Là vì họ muốn bao che uy tín của họ, nếu mà soi cô Ngân ra, soi Văn phòng Quốc hội ra thì Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ có khác gì, cho nên họ ỉm đi lúc nào hay lúc ấy. Nhưng không ỉm được vì phía Hàn Quốc họ xì ra, bây giờ cái gì không bịt được mà xì ra thì buộc phải làm. Nhưng bây giờ có làm đến nơi đến chốn không? Bây giờ phải quy trách nhiệm cho cô Ngân, Văn phòng Quốc hội, công an, hàng không... Chính hàng không lờ đi, không dám cung cấp danh sách, tức là anh cũng đồng lõa với hành động xấu xa trong quản trị đất nước.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, đây là một ví dụ nhỏ cho thấy những người lãnh đạo quản trị quốc gia như thế nào? Những người này không cần đạo lý cũng không cần luật pháp... Ông nói tiếp:
“Thế thì sắp tới định đưa ra xử thì có thật sự xử nghiêm không? Hay là xử qua loa là mấy nhân viên ở cấp dưới. Đúng ra vấn đề này thì những người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm. Ở nước ngoài, các quan chức dù có bê bối nhỏ thì họ cũng từ chức vì thấy không xứng đáng. Vì vậy bà Ngân dù đã về vườn thì cũng nên đứng ra xin lỗi, chịu trách nhiệm thì mới đúng là người có văn hóa.”
Chưa công bố thông tin đầy đủ?
Theo cáo trạng được báo chí trong nước đăng tải hôm 24/4/2021, tám người bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài. Các bị cáo bao gồm: bà Lê Thị Liễu (giám đốc Công ty GVA), hai ông Trịnh Bang Dũng và Ngô Xuấn Hiếu (cùng trú tại Nghệ An), bà Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo - Bộ KH&ĐT), bà Lê Thị Xuân (cựu đại diện Công ty Tư vấn du học quốc tế IEC) và bà Nguyễn Thị Lương (trú tại Nghệ An).
Cáo trạng nêu rõ, vào tháng 8 năn 2018, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7 tháng 12 năm 2018. Nhưng sau khi kết thúc lịch trình công tác, chín người trong đoàn đã trốn ở lại Hàn Quốc. Trong số này, cơ quan tố tụng xác định 6 người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức trốn đi. Những người trốn đi theo chuyên cơ của đoàn được hướng dẫn ăn mặc lịch sự và học thuộc thông tin về công ty mà họ đứng tên giám đốc.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết, bộ này đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có chín người nhập cư bất hợp pháp, hai trong số họ đã trở về nước, bảy người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cáo trạng mà báo chí nhà nước đăng tải hôm 24/4/2021 chỉ nêu tên bốn trong số sáu người mà nhóm của Lê Thị Liễu đã tổ chức trốn đi Hàn Quốc là Trần Văn Dũng, Ngô Huy Hào, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang. Cáo trạng cho biết bốn người đã về Việt Nam, còn hai người đang trốn ở lại không được nêu danh tính.
Ngoài ra dư luận còn thắc mắc, ngoài sáu người do nhóm của Liễu tổ chức đi theo máy bay bà Ngân, thì ba người còn lại trong nhóm chín người bỏ trốn là ai? Vì sao lên được chuyên cơ của bà Ngân và vì sao không công khai danh tính?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng thống Hàn Quốc Môn Jae-in bắt tay ở Seoul hôm 6/12/2018. VNS. |
Những người liên quan chịu trách nhiệm thế nào?
Cũng theo cáo trạng, hành vi của các bị can đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.
Cáo trạng xác định những người bỏ trốn thực chất là những người muốn tìm việc ở Hàn Quốc và họ phải trả 11.500 đô la Mỹ một người cho chuyến đi.
Để tìm hiểu về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 28/4 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông cho biết:
“Tội đưa người trốn đi nước ngoài thì trong Bộ Luật hình sự cũng có quy định rất là nhiều, Việt Nam cũng đã xử những tội này rất nhiều. Ví dụ như trước đây theo quy định có điều 275 của Bộ Luật hình sự thì đối với tội này có thể phạt thấp nhất từ sáu tháng đến hai năm. Tùy tính chất và mức độ có thể bị phạt hơn nữa.”
Riêng với việc tổ chức cho nhiều người trốn ra nước ngoài theo chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia, thì Luật sư Hậu cho rằng có thể bị xem xét vấn đề làm mất uy tín và thể diện quốc gia:
“Có thể xem xét... trong vụ này thì Hội đồng xét xử sẽ đưa ra xét xử những người tổ chức, hay những người thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vụ việc, thì Tòa sẽ có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những người có liên quan. Đây là vụ án sẽ đưa ra xét xử nên thẩm quyền của Tòa án Nhân dân, căn cứ vào hồ sơ vụ án về việc tổ chức, cưỡng ép người khác ra nước ngoài, thì theo luật mới thì sẽ xử từ hai năm đến bảy năm nếu phạm tội nhiều lần, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ năm đến 12 năm, còn đặt biệt nghiêm trọng có thể bị phạt từ 12 đến 20 năm tù. Riêng những người có liên quan có thể bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, nếu nặng hơn thì xử lý về mặt hình sự.”
Một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc khi trả lời phóng viên Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về câu hỏi, liệu những người bỏ trốn đã đến Hàn Quốc với mục đích từ đầu như vậy hay không, nói rằng ‘có vẻ là như vậy’, và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.
Việt Nam rút được bài học gì?
Đây không phải là lần đầu xảy ra việc công dân Việt Nam, hay quan chức đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại. Trước đây đã từng xảy ra chuyện các quan chức người Việt đi công tác ở châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam; hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ đi theo đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thì đây là trường hợp đầu tiên.
Tôi nghĩ vấn đề đi kèm chuyên cơ nguyên thủ quốc gia như thế cũng có quy định nhưng trong phạm vi hẹp thôi, chứ cũng không phổ biến rộng rãi. |
---|
Ông Lê Văn Cuông |
Ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, khi trả lời RFA trước đây cho biết thực tế về việc tổ chức công du của Quốc hội:
“Có quy định gì đâu, các đoàn Quốc hội muốn đi thì phải có kế hoạch, đi đâu thì phải được nơi đấy mời hoặc mình đặt vấn đề nơi ấy có mời không? Tham quan việc gì, nội dung gì, phải phụ thuộc vào đoàn đấy và nơi tiếp đón thỏa thuận với nhau. Đoàn đi thì chủ yếu từng công việc thì có từng cái nhóm, tại vì Quốc hội có nhiều vấn đề, học tập kinh nghiệm cũng có, trao đổi kinh nghiệm nhiều việc cũng có, hoặc quan hệ quốc tế giữa các Quốc hội hoặc Nghị viện với nhau. Có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp khác nhau và nhiều nội dung khác nhau.”
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng, phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì Đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn Đại biểu Quốc hội thì vị nào chuyên về việc đó thì đi.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA hôm 28/4, cho biết:
“Tôi nghĩ vấn đề đi kèm chuyên cơ nguyên thủ quốc gia như thế cũng có quy định nhưng trong phạm vi hẹp thôi, chứ cũng không phổ biến rộng rãi. Quy định là làm sao để đảm bảo cho chuyến bay đạt mục đích đề ra. Nhưng cũng có thể là từ trước đến nay chưa hề xảy ra vi phạm tương tự như thế cho nên là các cơ quan chức năng chủ quan, lỏng lẻo trong kiểm soát người đi trên chuyên cơ, nên các đối tượng mới cài cắm người không đủ tiêu chuẩn vào. Đây là sự việc mà các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm để các chuyến bay tiếp theo không xảy ra trường hợp tương tự. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, qua việc này cho thấy một bộ phận chính quyền ở cấp trung ương rất vô thiên vô pháp. Họ hành xử rất kém văn hóa khi đưa những người ở đâu đấy để đi ké chuyên cơ của quốc gia. Cách làm này ông Nguyễn Khắc Mai gọi là mọi rợ, mà theo ông trách nhiệm nằm ở chỗ Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội, Cục Hàng không... tức là những cơ quan đầu não của quốc gia. Họ vì vụ lợi mà hành xử bất chấp danh dự quốc gia, đó là điều đáng phải suy nghĩ.
TTO - Chỉ riêng Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã có 6 học sinh lớp 6 đọc viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không. Hiện có 2 em bỏ học vì mặc cảm và không theo kịp bài.
Lớp 5 giáo viên không trả bài lấy 1 lần?
Học lớp 6 được một học kỳ, em N.V.K. nhất quyết nghỉ học dù phụ huynh nhiều lần khuyên lơn, thậm chí rầy la. Khi chúng tôi ghé nhà K., chỉ có mình em ở nhà, cha mẹ đều đi làm.
K. sang nhà hàng xóm chơi, trong khi các em nhỏ tuổi hơn đang học bài thì K. đang chơi điện thoại. Hỏi K. vì sao bỏ học, em rơm rớm: "Vì em không biết chữ, em mặc cảm với bạn bè".
K. kể lớp 1 và lớp 2 em vẫn biết mặt chữ, ráp vần được, nhưng sang lớp 3 thì bị tuột lại so với các bạn. Đỉnh điểm đến lớp 5 thầy cô chưa một lần gọi em lên trả bài.
"Con cũng không biết vì sao con được lên lớp", K. nói.
Chỉ một đoạn văn trong sách 2 dòng 30 chữ thì có 8 chữ K. hoàn toàn không đọc được, một vài chữ phải dừng lại đánh vần…
Cách đó không xa, em N.T.C.N. học cùng lớp K. cũng đã bỏ học từ sau Tết Nguyên đán. N. đã 14 tuổi nhưng người rất nhỏ và gầy, nghỉ học N. phải chăm em út chưa tròn tuổi. Hỏi ở cấp 1 thầy cô đã dạy em như thế nào thì N. nói "dạy A, Ă, Â, B, C".
Bà Nguyễn Thị Gơ, mẹ N., sinh cả thảy 5 đứa con, gia đình không đất canh tác, chỉ làm thuê làm mướn sống qua ngày. "Tui không cho nó nghỉ, mà nó cứ khăng khăng ở nhà. Nhưng nó cũng tối dạ, học trước quên sau. Em gái nó học lớp 4 đôi khi kèm cho nó", bà Gơ cho biết.
Lật xem một quyển vở N. để trên sàn nhà, ngay ở trang thời khóa biểu, em viết nguệch ngoạc và sai khá nhiều. Như chữ "nhạc" em ghi thành "nạc", "lịch sử" thì ghi thành "lịnh sử", "thời khóa biểu" ghi thành "thời phà hiểu"…
N. đọc chữ cũng khó khăn, chữ đọc được, chữ đọc sai, chữ hoàn toàn không biết, nhất là những từ ghép có nhiều âm tiết… Hỏi N. có muốn đi học lại không, N. lắc đầu: "Con ở nhà chăm em".
Ngoài K. và N. đã nghỉ học, còn 4 học sinh khác đọc viết cũng sai rất nhiều và không thể đọc liền câu, mà phải đánh vần từng chữ. Riêng chính tả các em viết sai nhiều.
"Có thể không chỉ 6 em"
Thầy La Thành Dũng, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Mỹ, ban đầu cho rằng các em chỉ là học lực yếu, chứ chưa đến mức đọc chữ không chạy. Thậm chí, thầy đưa ra danh sách các em học giỏi để "đánh tráo" với những em đọc viết không chạy.
Tuy nhiên "giấu đầu lòi đuôi", nhóm học sinh đọc viết chưa rành có 4 nữ 2 nam nhưng danh sách thầy đưa ra lại 3 nam 3 nữ và các em này cũng nói thật mình là học sinh giỏi, chứ không phải học sinh yếu kém.
Sau đó, thầy Dũng mới thừa nhận còn một số em đọc viết còn chậm, trước mắt phát hiện 6 em. Thầy cũng cho hay ngay khi được giáo viên báo cáo, trường đã cử giáo viên kèm cặp các em tại trường và đến nhà động viên gia đình đốc thúc việc học hành của các em nhiều hơn.
Thầy Đào Hoàng Phương, một giáo viên chủ nhiệm lớp 6, cho biết lớp thầy có 3 em đọc viết không chạy, trong đó 2 em bỏ học. Thầy đã trực tiếp đến nhà nắm hoàn cảnh các em, và vận động gia đình cho con em đi học lại nhưng không thành công.
"Các em phần lớn gia đình neo đơn, cha mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà, thiếu sự quan tâm của gia đình. Và cũng không hiểu sao các em này lên được lớp 6", thầy Phương nói.
Ông Lý Bảo Việt, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình, xác nhận tình hình học sinh đọc viết không chạy là có, thậm chí có thể không dừng lại ở 6 em ở Trường Tân Mỹ.
"Năm ngoái phòng đã có dự báo do việc nghỉ dịch COVID-19 khá dài, thời gian rèn luyện của các em không nhiều. Riêng việc đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học, phòng có kiểm tra, tuy nhiên chỉ là quy trình, chứ chất lượng chưa thể kiểm tra", ông Việt cho biết.
"Sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các trường"
Trả lời vấn đề có hay không việc chạy theo thành tích "đá đít" các em lên lớp dù không đạt, ông Lý Bảo Việt nói: "Cách đây 1 năm, phòng đã không ủng hộ việc cắt thi đua, không xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... đối với giáo viên có học sinh ở lại lớp và không đặt nặng chỉ tiêu lên lớp 100% cho các trường như một giải pháp ngăn chặn việc chạy theo thành tích".
Ông Việt cho biết ngay trong học kỳ II này, phòng sẽ cho kiểm tra, rà soát hết các trường tiểu học, THCS trong huyện để nắm thực chất và chấn chỉnh kịp thời, không để kéo dài. "Phòng lo nhất nếu không chấn chỉnh liền, không khéo các em lên cấp THCS sẽ bỏ học, rồi tương lai các em sẽ đi về đâu. Các em là người thiệt nhất. Chất lượng giáo dục là lâu dài, chứ không phải hết năm học là xong", ông nói.
NGỌC TÀI
Bìa cuốn sách có bài viết bị tố vi phạm bản quyền. plo.vn |
Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã thu hồi sách “Báo chí và Truyền thông: Những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại”.
Nguyên nhân được nói do bài viết ‘Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo – dưới góc nhìn đạo đức truyền thông’ trong sách bị tố vi phạm bản quyền khi dịch bài từ tác giả Jim Macnamara nhưng lại không xin phép và không đề tên tác giả Jim Macnamara.
Chính Giáo sư Jim Macnamara đã gửi thư đến hai trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Văn Lang cho biết bài viết của Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.HCM đã sao chép hơn 85% nội dung bài báo của ông đăng trên Tạp chí quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.
Hai tác giả của bài viết vừa nêu là Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân cùng đại diện Ban biên tập sau đó đã xin lỗi tác giả Jim Macnamara.
Nhận xét về vụ việc vừa nêu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc trường Đại học Sư phạm TP.HCM nói với RFA tối 29/4 như sau:
“Việc nhà xuất bản thu hồi sách khi có một bài đạo văn là một việc làm rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên xét trên toàn cục thì còn phải cố gắng nhiều vì nhiều lý do.
Lý do vì đạo văn ở Việt Nam là câu chuyện liên quan đến cả một văn hóa. Ngày xưa trong khuôn khổ nền văn học trung đại, việc đưa được ý tưởng của người đi trước, mà càng nổi tiếng càng hay vào văn chương của mình được coi là giỏi giang, uyên bác.”
Nói rõ hơn, PGS-TS. Hoàng Dũng dẫn chứng câu thơ cụ Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều được nhiều khen tụng là ‘Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’, nhưng thực chất lại dẫn câu ‘Đào hoa y cựu tiếu đông phong’ của Thôi Hộ.
Tôi có ngồi ở hội đồng chấm luận văn tiến sĩ của Viện Khoa học – Giáo dục và Viện Tâm lý học, trước khi bảo vệ, bên phòng quản lý khoa học đều có báo cáo đã kiểm tra phần trích dẫn, phần nội dung luận án đã trích dẫn bao nhiêu phần trăm và có địa chỉ, nguồn trích dẫn hẳn hoi. Như vậy có thể loại được chuyện đạo văn. - PGS-TS. Mạc Văn Trang
Tuy nhiên, PGS-TS. Hoàng Dũng khẳng định rằng do khác nhau về văn hóa xưa và nay nên không thể nói cụ Nguyễn Du đạo văn. Dù vậy, ngày nay, việc sử dụng, trích dẫn những nội dung của tác giả khác trong bài viết của mình đều được yêu cầu phải có sự đồng ý và phải ghi rõ nguồn.
Truyền thông nhà nước Việt Nam trong ngày 28/4 dẫn lời đại diện lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang cho biết, trường đã yêu cầu hai tác giả làm báo cáo, đồng thời cũng đang chờ để làm tờ trình, sau đó lãnh đạo trường sẽ họp bàn để thống nhất phương án xử lí.
Tuy nhiên, theo lời người đại diện, vấn đề xảy ra liên quan đến Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn do bà Hoàng Xuân Phương khi viết sách vẫn đang là Trưởng bộ môn Truyền thông ứng dụng, Khoa Báo chí và Truyền thông, chứ không phải là giảng viên tại Trường Văn Lang.
Theo PGS-TS. Hoàng Dũng, việc giảng viên, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Việt Nam đạo văn không phải chuyện mới đây mà trước đó đã từng có những vụ đạo văn từ chính các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước gây xôn xao dư luận nhưng vẫn không được nhà chức trách quan tâm. Ông nêu những điển hình:
“Ông Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn đạo văn hơn 30 lần mà vẫn về hưu, hạ cánh an toàn, không ai nói gì, ông là Viện trưởng Viện ngôn ngữ học, to hơn rất nhiều hai tác giả đạo văn (vụ thu hồi sách). Ông này nằm trong Hội đồng chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học.
Dẫn chứng thứ hai là vụ ông nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mà bây giờ là đương kim Phó Ban Tuyên giáo của Đảng đạo văn. Điều này đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse (Pháp) chứng minh không thể nào rõ ràng hơn và vài báo nước ngoài BBC chẳng hạn đều đăng công khai.
(Ông Nhạ) đạo văn nhiều lần, trong đó có một lần đồng tác giả là ông Lê Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. Hai tác giả này đã đạo văn được ông Nguyễn Tiến Dũng chứng minh rất rõ. Đến nay hai vị này cũng không suy suyển một cái lông chân."
Ông Bùi Văn Cường -Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk. Courtesy of state media |
Mới đây nhất, ông Bùi Văn Cường- Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk, người bị giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý tố nhái luận án tiến sĩ, được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV hôm 7/4.
Nhiều ý kiến cho rằng chính vì những lãnh đạo cấp cao bị tố đạo văn nhưng không bị kỷ luật, thậm chí còn được thăng chức cao hơn đã khiến cho tình trạng đạo văn ngày càng tăng chóng mặt.
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục cho biết việc quản lý, kiểm soát xem có đạo văn hay không hiện nay dựa vào phần mềm. Ông nói:
“Tôi có ngồi ở hội đồng chấm luận văn tiến sĩ của Viện Khoa học – Giáo dục và Viện Tâm lý học, trước khi bảo vệ, bên phòng quản lý khoa học đều có báo cáo đã kiểm tra phần trích dẫn, phần nội dung luận án đã trích dẫn bao nhiêu phần trăm và có địa chỉ, nguồn trích dẫn hẳn hoi. Như vậy có thể loại được chuyện đạo văn.
Hiện nay cái quản lý không biết về mặt quốc gia thì các cơ quan bảo vệ quyền sánh chế thế nào nhưng từng đơn vị một người ta có phần mềm kiểm tra.”
Tại các cấp thấp hơn, PGS-TS. Hoàng Dũng dẫn công trình nghiên cứu của một nhóm tác giả công bố khảo sát các luận văn tốt nghiệp của sinh viên ở một số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số trường có trang bị phần mềm xét đạo văn thì tỉ lệ đạo văn chừng hơn 60%, trong khi đó trường không trang bị phần mềm thì tỉ lệ đạo văn hơn 90%.
Trao đổi qua Facebook Messenger, một cô giáo cấp hai không muốn nêu tên bày tỏ cảm nghĩ:
“Chị nghĩ chính cách giáo dục của hệ thống đã tạo cho người ta biết đạo văn từ nhỏ thông qua việc thầy cô viết trên bảng bắt học sinh học thuộc lòng. Lớn hơn, giáo viên dạy văn khuyến khích học sinh tham khảo sách văn mẫu nhưng hầu hết học sinh học thuộc lòng rồi viết vào bài kiểm tra nhưng vẫn được điểm cao. Một thói quen đã được hình thành từ nhỏ như vậy rất khó để chữa sau này nếu không có các đường hướng đúng đắn.”
Chuyện đạo văn là lỗi của từng cá nhân một nhưng việc không xử lý đạo văn, để chuyện đạo văn ngày càng phát triển thì đó là lỗi của thể chế, khó lòng đổ cho cá nhân được. - PGS-TS. Hoàng Dũng
Do đó, PGS-TS. Hoàng Dũng khẳng định:
“Chuyện đạo văn là lỗi của từng cá nhân một nhưng việc không xử lý đạo văn, để chuyện đạo văn ngày càng phát triển thì đó là lỗi của thể chế, khó lòng đổ cho cá nhân được.
Ngày nào Việt Nam không ý thức được đạo văn phá hoại đạo đức, phá hoại nền tảng khoa học thì ngày ấy chuyện xử lý như chuyện Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.HCM thu hồi sách chỉ là chuyện cỏn con, bắt cá bé chứ không dám đụng đến cá lớn, vấn đề chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.”
Đây không phải lần đầu Tiến sĩ Hoàng Xuân Phương bị tố sử dụng tài liệu không xin phép và không ghi nguồn. Trước đó, cuốn sách ‘PR từ chưa biết tới chuyên gia’ của bà Phương cũng từng bị tố đạo văn từ sách nước ngoài của Giáo sư Larry Litwin.
Tình trạng đạo văn ở mọi cấp, từ học sinh, sinh viên tới lãnh đạo, những người có học vị cao như Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ được đánh giá là vấn đề đang gây nhức nhối tại Việt Nam hiện nay nhưng mãi vẫn chưa tìm được lối thoát.
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Nhiều người ở ngoại quốc về Việt Nam đang bị cách ly tập trung COVID-19 tại một khách sạn ở thành phố Nha Trang, đã “khiếp vía” vì liên tục phát giác dòi trong thức ăn hằng ngày mà khách sạn mang ra cho ăn.
Chiều 30 Tháng Tư, phản ánh với báo Zing, ông Đỗ Văn Huy (quê tỉnh Thái Nguyên) cho biết ông cùng đoàn hơn 100 người đi chuyến bay QH 9413 từ Nhật về Cam Ranh hôm 22 Tháng Tư, được đưa về khách sạn Ventana Nha Trang ở phường Tân Lập, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y Tế CSVN.
Món thịt vịt kho trưa 30 Tháng Tư có dòi bị ông Đỗ Văn Huy quay video làm bằng chứng. (Hình: Zing) |
Theo ông Huy, cách đây bốn hôm có người phản ánh thức ăn có dòi. Khi đó chủ khách sạn yêu cầu “làm việc qua điện thoại” chứ không cho gặp trực tiếp.
Thế nhưng sáng 30 Tháng Tư, khách sạn phục vụ món miến gà, nhưng khi mọi người ăn vào thì phát hiện có dòi. Khi sự việc chưa được giải quyết, thì đến buổi trưa cùng ngày, khách sạn lại mang lên món vịt kho gừng cũng có dòi ẩn mình trong thịt.
“Sáng họ thừa nhận thức ăn có dòi, rồi yêu cầu nhà bếp chấn chỉnh. Mình cứ tưởng vậy là xong, khách sạn sẽ nghiêm túc sửa đổi, nhưng trưa nay khi chuẩn bị ăn mình nghe mấy phòng kia nói thức ăn có dòi nên kiểm tra thì phát hiện dòi trong miếng thịt vịt. Nhiều người đã bỏ bữa không ăn vì quá bất bình sợ hãi,” ông Huy nói.
Theo ông Huy, không chỉ riêng phòng ông, các phòng 401, 402, 606 và 1501 đều thấy thức ăn có dòi. “Tất cả đã được chúng tôi quay phim, chụp hình lại làm bằng chứng phản ánh đến khách sạn. Tuy nhiên, quản lý khách sạn lại đổ thừa là do chúng tôi gắp dòi bỏ vào, trong khi dòi đâu trong phòng để gắp,” ông Huy bất bình kể.
Chị My (31 tuổi, quê Thanh Hóa), ở phòng 401 khách sạn Ventana, xác nhận cho biết sáng và trưa 30 Tháng Tư, đều phát giác thức ăn có dòi.
“Đây không phải lần đầu thức ăn có dòi mà trước đó đã vài lần rồi. Chúng tôi bỏ rất nhiều tiền để được về nước, được quảng cáo khách sạn ‘xịn’ nhưng giờ bị cho ăn thực phẩm không bảo đảm an toàn,” chị My tức giận nói.
Cũng theo chị My, thức ăn mà khách sạn cung cấp cho khách không thể nuốt được. “Ngày nào cũng chỉ một miếng trứng ốp la và cá thu chiên khô cứng. Rau thì chỉ xà lách và cà chua. Hôm nào cải thiện, họ đổi sang tàu hũ nhưng món đó không ăn nổi vì chua lè,” chị My cho biết.
Chưa hết, những người ở khách sạn Ventana Nha Trang phản ánh còn bị người của khách sạn “chặt chém,” khi nhờ mua đồ hoặc lấy giúp đồ của người nhà gửi vào cho người thân.
“Bạn cùng phòng mang bầu 31 tuần, không thể ăn được thức ăn của khách sạn nấu nên nhờ mua 10 lốc sữa. Khi nhân viên mang lên, thì chỉ có năm lốc và đòi 500,000 đồng ($21.58) tiền công đi mua. Còn mua hàng online xong, khi shiper mang thức ăn đến thì họ tính một lần từ 50,000 đến 100,000 đồng ($2.15 tới $4.30) tiền nhận giúp,” chị My cho biết thêm.
Nói với báo Zing qua điện thoại, bà Phạm Thị Thanh, quản lý khách sạn Ventana Nha Trang, biện hộ: “Đúng là họ có phản ánh như vậy, nhưng tôi không tin vì thức ăn khách sạn đã được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi nấu cho khách.”
Dòi bò trong rau xào được những người khách đang cách ly tại khách sạn Ventana quay lại. (Hình: Zing) |
Bà Thanh liên tục phân trần việc khách nói thức ăn có dòi là không chính xác. “Họ để thức ăn thiu trong phòng đến khi có dòi rồi bỏ vào thức ăn để ép tôi đồng ý các yêu sách. Trưa nay chúng tôi đã mời công an vào cuộc để làm rõ vấn đề này. Chính các anh công an cũng thừa nhận thức ăn ngon, hợp vệ sinh,” bà Thanh diễn giải.
Cũng theo bà Thanh, khách sạn Ventana đón hơn 170 người trong chuyến bay ngày 22 Tháng Tư, trong đó chủ yếu là bà bầu và trẻ con. Về chi phí, bà Thanh cho biết mỗi khách được cung cấp suất ăn 200,000 đồng ($8.60)/ngày, còn tiền ở là 1.1 triệu đồng ($47.48)/người/ngày.
“Tôi biết các bà bầu, trẻ con ăn uống khó nhưng không thể làm khác được, vì đó là quy định không cho mang thức ăn ngoài vào. Riêng việc nhân viên nhận hàng từ bên ngoài vào rồi lấy tiền phí tôi sẽ cho kiểm tra,” bà Thanh nói thêm. (Tr.N) [qd]
BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Lợi dụng chính sách hợp thức hóa đất rừng cho người dân thiểu số có mảnh đất trồng trọt để mưu sinh, giới chức xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, đã lập bản đồ gian lận để cướp đất cho mình và gia đình mang đi bán…
Thực hiện quyết định số 672 năm 2006 của thủ tướng CSVN về việc “Phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất” (gọi tắt dự án 672), năm 2010, Ủy Ban Nhân Dân huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, đã cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Lâm Nghiệp (sổ đỏ lâm nghiệp) cho các gia đình có công khai hoang đất rừng để trồng trọt mưu sinh tại huyện.
Nhiều người dân ở xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, thắc mắc về việc cấp đất rừng theo dự án 672. (Hình: Dũ Tuấn/Dân Việt) |
Thế nhưng việc cấp “sổ đỏ lâm nghiệp” đã có tình trạng “nhiều vấn đề khuất tất.” Thế là gần 20 gia đình người Chăm ở xã Canh Hòa đã gửi đơn đến Ủy Ban Nhân Dân và Công An huyện Vân Canh, đề nghị làm rõ việc cấp sổ đỏ đối với các trường hợp là cán bộ, người nhà cán bộ xã được cho là “không đúng với thực tế.”
Theo phản ánh của người dân với báo Dân Việt, một số người là cán bộ, người thân cán bộ… “không hề khai hoang đất mà vẫn được xét duyệt.” Theo đó “sổ đỏ lâm nghiệp” của hàng chục hécta đất rừng được “cắt xén” từ dân cấp “không phù hợp cho cán bộ xã Canh Hòa,” và sau đó được người nhà của cán bộ mang đi bán, không hề canh tác như cam kết. Từ đây, dẫn đến việc xảy ra tranh chấp đất đai giữa người từ nơi khác tới mua đất với cư dân địa phương, khiến mọi chuyện “vỡ lở,” người dân hoài nghi.
Trước đó hồi năm 2019, sau khi bị người dân tố cáo, để giảm áp lực công luận, ông Đoàn Văn Môn, cựu chủ tịch xã Canh Hòa, đã “làm đơn trả lại sổ đỏ lâm nghiệp,” với diện tích hơn 10 hécta đất rừng được cấp ăn theo dự án, với lý do “không phù hợp” diện tích, vị trí mà ông Môn đã kê khai.
Không riêng xã Canh Hòa, ông Trần Văn Bài, chủ tịch xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, cũng thừa nhận cho biết xã đã có nhiều tờ trình gửi Ủy Ban và Phòng Tài Nguyên huyện đề nghị xem xét hủy bỏ 89 “sổ đỏ lâm nghiệp” đã cấp cho người dân. Bởi, đa số diện tích đất trong sổ đỏ không đúng thực tế so với diện tích đất hiện trạng của các gia đình đang sử dụng, nên họ phản đối, không nhận giấy chủ quyền.
Ông Bài biện minh: “Do giai đoạn đo đạc để cấp ‘sổ đỏ lâm nghiệp’ cho người dân được thực hiện từ năm 2008, và dự án của trung ương nên việc đo đạc sơ sài, hạn chế…”
Song, trên thực tế đất của người dân khai hoang đã bị giới chức xã ăn gian “cắt xén” đem cấp cho gia đình mình hoặc người thân.
Bản đồ địa chính lâm nghiệp xã Canh Hòa, bị xẻ nhỏ không đúng với đất người dân kê khai. (Hình: Dũ Tuấn/Dân Việt) |
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Bình Định cho rằng: “Gia đình cán bộ sống vùng nông thôn nên họ cũng có quyền được nhà nước giao đất, nếu họ đúng đối tượng. Tuy nhiên, không riêng gì huyện Vân Canh, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, Sở Tài Nguyên đã nhiều lần yêu cầu tất cả các địa phương trong tỉnh, cán bộ không được lợi dụng, nếu phát hiện trường hợp làm không đúng quy định, sẽ xử lý nghiêm, không bao che.”
Tuy nhiên ông Lê Bá Thành, bí thư huyện Vân Canh, cho biết : “Vụ việc vẫn còn lằng nhằng, nếu cần thiết sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, ai sai sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.”
Trả lời về vấn đề này với báo Dân Việt, ông Nguyễn Phi Long, chủ tịch tỉnh Bình Định, cho biết: “Chuyện này lịch sử để lại nên giải quyết từng bước. Tôi giao cho chủ tịch huyện Vân Canh kiểm tra, sớm trả lời về kiến nghị của người dân.” (Tr.N) [qd]
Bị can Diệp Văn Thạnh lúc bị bắt. Ảnh_ Công an Trà Vinh-NLĐO |
Chỉ vì trục lợi cá nhân mà Cựu Chủ tịch và Cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh cùng với nhiều cán bộ công tác tại Phòng Tài nguyên& Môi trường TP. Trà Vinh đã cấu kết với “cò đất” cùng nhau thực hiện hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát”…
Mạng báo Người Lao Động Online vào ngày 27/4/2021 cho biết, Viện Kiểm sát tỉnh Trà Vinh vừa hoàn tất cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát”, truy tố các bị can: Diệp Văn Thạnh- Nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh; Trần Trường Sơn-Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh cùng nhiều bị can là những án bộ của Phòng Tài nguyên& Môi trường TP.Trà Vinh gồm: Lê Hữu Lễ-Nguyên trưởng phòng; Nguyễn Văn Chiến- Nguyên trưởng phòng; Lý Kiến Trung-Nguyên phó trưởng phòng; Trần Thanh Sơn& Nguyễn Trọng Nghĩa-Nguyên chuyên viên; Trần Mười, Trần Thanh Vũ, Huỳnh Công Chức& Lê Hoàng Anh-“cò đất”; Trầm Ngọc Long- Nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Ngọc Long; Trang Thị Xây& Lâm Pho La-Nguyên công chức địa chính phường 7, TP Trà Vinh và thêm 3 bị can khác.
Từ trái qua_ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Thanh Sơn, Lý Kiên Trung – Ảnh_ Công an Trà Vinh-NLĐO |
Cáo trạng của vụ án cho biết, do biết Trung làm việc tại Phòng Tài nguyên& Môi trường từ trước, đây là đơn vị thẩm định hồ sơ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên Long đã cấu kết với Trung cùng với những “cò đất” tìm các đối tượng là những gia đình chính sách (như: mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng) làm thủ tục ghép nối hồ sơ, nhượng khống nhằm mục đích hợp thức hóa chuyển mục đích sử dụng đất bằng chế độ chính sách để không phải đóng tiền sử dụng đất cho nhà nước.
Trong thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2017, các bị can Long, Trung, Vũ, Mười, Xây, La và Nghĩa đã hợp thức hóa chuyển đổi mục đích sử dụng các thửa đất số 90; 92& 93 (tại khóm 1, phường 8, TP Trà Vinh) và thửa đất 541 (khóm 2, phường 6, TP Trà Vinh).
‘Cò đất’ Trần Mười lúc bị bắt. Ản_ Công an Trà Vinh-NLĐO |
Đáng nói hơn là vào năm 2015, các bị can biết hộ gia đình bà B là hộ gia đình có bằng Tổ quốc ghi công và giấy chứng nhận danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, sẽ được hưởng chủ trương chính sách của Nhà nước là được miễn giảm tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở. Các bị can đã dụ dỗ gia đình bà B nhận thửa đất chuyển nhượng của hộ gia đình Xây và con của Xây là bà Phú Thị Hồng Loan với diện tích đất trồng cây lâu năm khoảng 150,2 m2 (tọa lạc tại khóm 3, phường 6, TP Trà Vinh), trục lợi được số tiền miễn giảm chuyển mục đích sử dụng đất khống khoảng 2,4 tỉ đồng.
Tất cả số tiền mà các bị can trục lợi từ những hành vi phạm pháp đã chia chác nhau để sử dụng cá nhân. Hành vi của các bị can là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát”, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng./.
THIÊN HÀ