Hoàng Nguyên Vũ
22-6-2019
Asanzo và những “đồng chí hàng Tàu mang danh hàng Việt chưa bị lộ”: Xã hội cái gì cũng giả, mỗi lừa nhau là có thật!
Tôi không ngạc nhiên về việc Asanzo, một thương hiệu điện tử đang làm mưa làm gió thị trường thời gian qua dưới mác “hàng Việt Nam chất lượng cao” với “công nghệ Nhật Bản” mà thực tế là hàng Trung Quốc trôi nổi đưa về Việt Nam lắp ráp.
Cuối cùng thì “lý lịch” của “Công nghệ uy tín Nhật Bản” như quảng cáo được trả về đúng xuất phát điểm ban đầu: tất cả linh kiện của Asanzo được “nhập” theo các container từ 4 công ty thuộc Chiết Giang, 10 công ty ở Quảng Đông, 2 công ty ở Quảng Châu và 6 công ty ở Hồng Kông.
Từ cái mớ linh kiện trôi nổi từ 22 công ty Trung Quốc ấy, đã đưa về Vĩnh Lộc lắp lắp ráp ráp cho thành các sản phẩm điện tử điện lạnh ấy, đã lừa đảo hàng triệu người Việt Nam bao năm qua. Bây giờ, khi sự việc bị phanh phui, có lẽ, người mất mát nhiều nhất là người tiêu dùng, chứ không ai khác.
Nhưng cái khốn nạn ở chỗ, sự lừa đảo không chỉ là người tiêu dùng mà ngay trong nội bộ của cái gọi là “nhà máy lắp ráp” ấy, đã đẩy những công nhân ngây thơ vào gánh thay những thương vụ gian dối và lừa lọc đồng bào.
Giấy đăng ký kinh doanh với giám đốc công ty là H.T.S.Q. Thực tế thì, tháng 6/2018, vợ chồng chị Q từ quê lên Vĩnh Lộc làm công nhân cho nhà máy Asanzo tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc với công việc khui thùng và chạy xe chở hàng.
“Khi mới vô làm, công ty nói CMND photo của tôi bị mờ nên kêu tôi phải đưa bản chính để làm thẻ ATM trả lương. Mấy ngày sau, một người tên Kiều gọi tôi lên văn phòng nói rằng trước đây mượn CMND của tôi để nhập hàng nhưng bị hải quan giữ lại. Họ nhờ tôi ra hải quan ký tên lấy hàng về rồi phụ cấp tiền cho tôi. Do tôi không mở công ty, không làm giám đốc, không nhập hàng gì nên không đồng ý. Hôm sau vợ chồng tôi sợ qúa, nghỉ việc về quê luôn”, chị Q. trả lời trên báo Tuổi trẻ hôm nay.
Vậy đây không còn là việc lừa đảo đơn thuần mà cố tình dùng những người vô tội để “đi tù thay”, rất may là vợ chồng cô công nhân chân chất này đã từ chối. Đây là một sự táng tận lương tâm và lừa đảo một cách bài bản, trắng trợn cả hệ thống luật pháp chứ không đơn thuần chỉ là lừa đảo người tiêu dùng!
Và “những đồng chí chưa bị lộ”
Không chỉ Asanzo với “đỉnh cao công nghệ Nhật”, mà còn rất nhiều những thương hiệu không biết từ đâu ra, chỉ biết là “sản phẩm cao cấp từ Đức”, từ Mỹ…, là những thứ gắn bó với bạn hàng ngày như bồn tắm, quạt máy, máy lọc nước và rất nhiều thứ khác nữa, thậm chí như tấm khăn giấy ướt, cũng Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Tây tất.
Đau đớn thay, có những thứ như sữa bột cao cấp với từng bao tải chở qua cửa khẩu Lao Bảo về thành những ống sữa bột nhập Mỹ nhập Châu Âu vào bụng hàng triệu trẻ em kia kìa. Rồi “chống loãng xương” cho hàng triệu người già nữa kia kìa. Cũng Quảng Châu Quảng Đông chứ đâu ra!
Tầm 7 năm trước bạn vẫn chưa quên một thương hiệu thời trang cao cấp bị QLTT bắt tại một khách sạn lớn ở TPHCM vì hàng hoá “không rõ nguồn gốc”. Lúc đó, người ta xác định, số hàng hiệu đó là “lậu” chứ không phải là giả.
Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau lại kinh khủng hơn. Một ông trùm của ngành hàng Hiệu Việt Nam lúc đó, chuyên nhập hàng Tàu về lấy mác các thương hiệu thời trang cao cấp bán tại Việt Nam, vốn là đối thủ không đội trời chung của ông chủ có lô hàng bị bắt ở khách sạn kia. Trong cuộc thương chiến một mất một còn, ông trùm này biết trước mình sẽ bị ông kia “chơi” nên ra tay trước.
Ông kia bị bắt lô hàng và gần như sạt nghiệp, ông trùm kia thì vẫn sống phây phây với mớ hàng hiệu Quảng Đông từ đó đến nay ở vai vế một đại gia lớn, vợ con và con dâu thì được báo chí tung hê đến mức thậm chí con trai “rich kid uống một ly trà sữa cũng được báo chí săn như soái ca. Để rồi xem, nhân quả có thực sự nhắm mắt bỏ qua cho những kẻ như vậy không!
Câu chuyện hàng Tàu gắn mác thương hiệu Việt, các “ông chủ bà chủ” trở thành doanh nhân thành đạt, nữ hoàng doanh nhân, hoa hậu doanh nhân cũng nhan nhản mỗi ngày. Chẳng nói đâu xa xôi, hầu hết các bà chủ kem trộn, ông chủ mỹ phẩm giàu lên một cách kếch xù, thuê các diễn viên ca sĩ live stream mỗi ngày để bán hàng lừa gạt cộng đồng: không là những kẻ dùng mỹ phẩm Tàu để lừa người Việt một cách…có danh phận, thì còn ai vào đó?
Cái khốn nạn là chúng dùng mấy thứ hoá chất chết tiệt, đóng đóng gói gói rồi phân phối đủ các loại hệ thống mỗi ngày, kiếm tiền một cách bất nhân như vậy, lại được các hiệp hội tung hô là “doanh nhân trẻ”, “doanh nhân thành đạt”, “truyền cảm hứng cộng đồng” rồi hết nam hoàng này, nữ hoàng nọ. Một lô một lốc lừa đảo và bất nhân từ việc buôn bán kiểu quỷ ma rồi tung hô kiểu khốn kiếp, trong đó hệ thống truyền thông và không ít KOL và người nổi tiếng đóng góp rất tích cực.
Hôm nay, bà chủ “hàng Việt Nam chất lượng cao” Vũ Kim Hạnh đã xin lỗi người tiêu dùng và rút lại danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” của Asanzo. Vậy bà Hạnh có biết, còn bao nhiêu sản phẩm khác đang mang “danh hiệu” này không, bà Hạnh? Còn bao nhiêu thương hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao” đến từ Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông…như Asanzo thưa bà?
Và các hiệp hội khác, công nhận những mỹ phẩm của các “doanh nhân trẻ”, “người giàu mới”, “hoa hậu kem trộn” đâu rồi? Hãy nói gì đi chứ với cái mớ sản phẩm Trung Quốc độc hại đang bôi lên da lên mặt người Việt mỗi ngày kia? Đâu cả rồi?
Đúng là xã hội cái gì cũng giả, mỗi việc lừa đảo là thật!
Asanzo lừa đảo. Ảnh: TT/ Vietstock |
Lưu Trọng Văn
7-5-2021
Phối cảnh trụ sở Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Coninco.com.vn |
Cổng thông tin Đấu thầu điện tử của bộ Kế hoạch và Đầu tư có đăng cuộc đấu thầu cho các cán bộ của Thành uỷ Hà Nội đi chơi và nghỉ dưỡng.
Gói thầu gồm hai khoản. Khoản thứ nhất trị giá 750.660.000 đồng cho chuyến gọi là “nghỉ dưỡng” của 33 quan chức thuộc Thành uỷ HN dọc các thành phố Tây Nguyên: Kontum, Pleyku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Đà Lạt trong thời gian một tuần.
Khoản thứ hai tổng chi phí 4.947.200.000 cho 749 quan chức, công chức ăn chơi tắm biển Đồ Sơn, Hải Phòng trung bình 5 ngày 4 đêm.
Ảnh chụp màn hình trang web Bộ KH&ĐT |
Cộng với số tiền chi dự phòng 569.784.000 mà nhiều khả năng sẽ được chi phát sinh thì hơn 6 tỷ 2 tiền thuế mồ hôi nước mắt của Dân Hà Nội sẽ được chi cho các cuộc ăn nghỉ, tham quan, tắm biển của hơn 782 quan chức, công chức thuộc thành uỷ HN.
Ảnh trên mạng |
Điều đáng nói là các cuộc vui nghỉ này diễn ra đúng mùa dịch covid đang vào hồi vô cùng căng thẳng, cả nước và HN cùng hệ thống của mình phải gồng lưng và tiết kiệm từng xu để tồn tại trước khủng hoảng kinh tế và quyết liệt chống dịch.
Hãy dẹp những cuộc vui chơi, nghỉ dưỡng bằng tiền thuế của Dân này đi thưa các quan ngài thành uỷ HN, nếu các vị còn chút phẩm chất vì Dân, thương Dân như TBT Nguyễn Phú Trọng cùng TT Phạm Minh Chính đang ngày đêm kêu gọi sự dấn thân mẫn cán của các vị.
***
Cập nhật lúc 11h: Một người có trách nhiệm của Hà Nội vừa điện thoại cho gã về sự việc đoàn cán bộ thuộc Thành uỷ HN quản lý đi tham quan nghỉ dưỡng vào mùa dịch.
Gã hoan nghênh thái độ chia sẻ kịp thời thông tin do quần chúng phát giác và phản biện của những người có trách nhiệm ở HN về sự việc này.
Ban Tổ chức thành uỷ HN đã kịp thời điều chỉnh thông tin trên trang Đấu thầu của Bộ KHĐT về thành phần cán bộ đi tham quan nghỉ dưỡng không phải cán bộ công chức hiện hữu của thành uỷ HN mà thông tin ban đầu không cụ thể rõ thành phần. Thay vào đó là các cán bộ lãnh đạo thành uỷ đã về hưu và lão thành CM.
Ảnh chụp màn hình: Thông tin chữ bôi đỏ mới được điều chỉnh lại, nói rõ thành phần đi tham quan, nghỉ dưỡng. |
HN cũng thông báo các cuộc tham quan nghỉ dưỡng này có thể hoãn lại nếu dịch covid chưa kiểm soát được.
Gã xin hoan nghênh thông tin kịp thời để Dư luận hiểu chính xác hơn sự việc Dư luận quan tâm.
Nếu thông tin từ Quyết định của Ban Tổ chức Thành uỷ HN trên trang đấu thầu điện tử rõ ràng và chính xác ngay từ đầu thì sẽ không có phản ứng của Dư luận ở thời điểm cả HN và cả nước đang chống dịch như vậy.
Đó cũng là bài học cần thiết cho các cơ quan công quyền về thông tin các hoạt động của mình trong thời điểm hiện nay.
Một vụ cưỡng chế đất ở Nam Định. |
Các nhà lãnh của Việt Nam vừa hứa hẹn rằng sẽ trình Quốc hội khóa XV để “nhanh chóng” sửa Luật Đất đai 2013, một bộ luật gây nhiều tranh cãi ở đất nước cộng sản xem đất đai là sở hữu toàn dân.
Sáng ngày 6/5, khi vận động bầu cử ở thành phố Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hứa với cử tri rằng “sửa luật đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ." Ông nói thêm: "Dự kiến, luật này sẽ trình ra Quốc hội khóa XV, trong cuối năm nay hay đầu năm sau.”
Ông Phạm Bình Minh nói như vậy sau khi các cử tri đề nghị những người ứng cử, nếu trúng cử phải trình Quốc hội sửa Luật đất đai 2013, vì trong thực tế, luật này vướng mắc rất nhiều, làm ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, đến đời sống người dân.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ hôm 1/5 có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bàn về các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Thủ tướng Chính yêu cầu bộ này “khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi,” theo trang Lao Động.
Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA về thực trạng quản lý đất đai ở Việt Nam:
“Trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ khiếu kiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai và rất nhiều quan chức Việt Nam đi tù cũng vì đất đai.
“Trong Luật Đất đai hiện hành của Việt Nam, đất đai theo định nghĩa thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý là một khái niệm hết sức mơ hồ, dẫn đến việc rất nhiều người lợi dụng chức quyền để thu tóm đất đai và phân phối một cách vô tội vạ, dẫn đến việc rất nhiều người dân mất đất.
“Từ lâu người dân đã đề nghị sửa Luật Đất đai, chủ yếu phải xác lập được quyền sở hữu như thế nào để tránh việc lợi dụng chức quyền, tránh việc tước đoạt quyền làm chủ của người dân, điển hình như vấn đề ở Thủ Thiêm mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.”
Ông Điều Bảy, một nông dân ở Đắk Nông, cho VOA biết ông đã ra Hà Nội nhiều lần để khiếu kiện đất đai ròng rã hơn 10 năm qua và chưa được giải quyết.
“Việc tranh chấp đất đai ở Xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông xảy ra sau khi chính quyền giao đất rừng cho các doanh nghiệp tư nhân từ tháng 4 năm 2011, vụ cưỡng chế do UBND tỉnh ra quyết định. Trong 10 năm qua chúng tôi ra Hà Nội kiện 7 lần, kiện ở Văn phòng TW2 ở Sài Gòn 4 lần, còn trong huyện và tỉnh thì đi rất nhiều lần, nhưng không có cơ quan có trách nhiệm nào trả lời, người dân chúng tôi rất bức xúc.”
Xem thêm: Nhận định về vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu nhận định về các lời hứa của các ứng cử viên Quốc hội:
“Cứ mỗi lần đến một cuộc bầu cử nào đó, rất nhiều ứng cử viên hứa, nhưng ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện thì muốn sửa luật gì, ban hành quy định gì thì phải thông qua Bộ Chính trị. Vì vậy lời hứa muốn sửa đổi Luật Đất đai Việt Nam thì rất khó,” nhất là sửa đổi chế độ sở hữu đất đai.
Báo Lao Động gần đây có loạt bài viết phản ảnh rằng Luật Đất đai 2013, sau gần 10 năm có hiệu lực, “đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện.”
Tờ báo viết: “Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cản bước phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn, những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy sinh.”
Nguyễn Tiến Tường
6-5-2021
Ông Vương Văn Tịnh làm giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Trước đây, một bác sĩ và một điều dưỡng viên nhận hối lộ làm hồ sơ bệnh án giả cho tội phạm hình sự nên bị khởi tố, lãnh đạo bệnh viện không thấy bị xử lý gì.
Đến nay xảy ra việc động trời, bệnh nhân lập cả phòng chơi ma tuý bên trong bệnh viện, ông Tịnh chỉ bị khiển trách, tiếp tục điều hành, trái khoáy vậy mà coi được!
Ông Tịnh làm lãnh đạo bệnh viện, bệnh viện kín cổng cao tường, con bệnh tâm thần có bệnh án đánh xe hơi ra vào bệnh viện đi bay lắc muôn nơi rồi về bay trong bệnh viện, ông không hay biết. Con bệnh thiết lập phòng bay trong bệnh viện rồi giao dịch mai thuý, ông cũng không biết. Rồi đến khi điều dưỡng viên chơi ma tuý cùng bệnh nhân ông cũng không biết.
Không lẽ ông Tịnh không chắp tay sau đít rời phòng lạnh đi thăm thú bệnh viện lấy một vòng? Bệnh viện dù có rộng lớn đến mấy, không ngóc ngách nào mà một lãnh đạo tâm huyết không đi tới, chắc chắn vậy.
Trừ khi chính ông giám đốc cũng coi bệnh viện của mình như cái “chợ người”, thì ông mới bàng quan trước một hiện thực trớ trêu như vậy. Về tâm đức, ông không xứng đáng ở đó nữa.
Điều dưỡng viên bị khởi tố tội không tố giác tội phạm, dù chưa đặt vấn đề ông Tịnh có tội hay không thì ông đã thiếu trách nhiệm thấy rõ. Chúng ta có văn hoá quy trách nhiệm cho người đứng đầu, nói cho hay đến khi người đứng đầu một bệnh viện cỏn con cũng không làm gì được.
Việc bắt tận tay day tận trán như vậy mà vẫn cứng nhắc quy trình quy triếc rườm rà, khác nào triệt phá thanh lâu nhưng vẫn để tú bà điều khiển tiếp.
Lại nhớ trước đây, Bộ Y tế bắt ông viết bản kiểm điểm, ông Tịnh xin nhận kỷ luật khiển trách, bộ dứt khoát không chấp nhận. Hơn một tháng sau thì lại khiển trách và cho tiếp tục điều hành.
Bộ trưởng Long nên coi lại dùm. Mất bao nhiêu thời gian người dân trông chờ xem sự hứng khởi sau thời bộ trưởng Tiến, bây giờ bộ xử lý một pha “ẻo lả” như vậy, dân nhìn thấy không phát điên mới lạ!
05/05/2021 - tuoitre
TTO - Sau hơn 1 tháng bị tạm đình chỉ công tác, giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I Vương Văn Tịnh sẽ quay lại điều hành bệnh viện này và đề nghị nhận mức kỷ luật khiển trách.
Chiều nay 5-5, Hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn - chủ tịch hội đồng - chủ trì đã có phiên họp xem xét trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Vương Văn Tịnh, giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc bệnh viện để bệnh nhân sửa phòng bệnh thành phòng 'bay lắc', mang ma túy, két sắt, đèn nháy, đèn laze, bàn DJ... vào bệnh viện.
Vụ việc bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ bệnh nhân và 1 nhân viên bệnh viện hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Ông Tịnh đã bị tạm đình chỉ công tác từ ngày 1-4 để kiểm điểm vi phạm, và hợp tác với cơ quan chức năng điều tra vụ việc. Cách đây gần 20 ngày, Hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế đã họp và nghe bản kiểm điểm lần 1 của ông Tịnh.
Tại đây, ông Vương Văn Tịnh đã đề xuất nhận mức kỷ luật khiển trách. Do chưa rõ nội dung vi phạm, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, nguyên nhân của các vi phạm này, lãnh đạo Bộ Y tế đã ký tiếp một quyết định đình chỉ công tác ông Vương Văn Tịnh thêm 15 ngày, tính từ ngày 16-4.
Tại phiên họp chiều 5-5, ông Tịnh vẫn chưa làm rõ được các vi phạm và tiếp tục tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Hội đồng kỷ luật chưa chấp thuận và yêu cầu ông Tịnh làm rõ những vấn đề trên.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết để có cơ sở xử lý kỷ luật không chỉ ông Tịnh và những cán bộ có liên quan, Bộ Y tế giao Thanh tra Bộ Y tế thành lập tổ công tác, thành phần có Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế... xác minh mức độ, hành vi vi phạm. Sau khi xác định rõ căn cứ, Hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế sẽ có quyết định xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế giải thích do quy định của Luật viên chức, thời gian tạm đình chỉ chức vụ tối đa là 30 ngày, nhưng qua 30 ngày vẫn đang trong quá trình làm rõ vi phạm, Bộ Y tế đã có văn bản giao ông Tịnh quay lại tiếp tục điều hành Bệnh viện Tâm thần trung ương I. Trong thời gian này, ông Tịnh phải phối hợp với tổ công tác để làm rõ vụ việc và mức độ vi phạm, đồng thời tổ chức hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện theo quy định hiện hành.
Bệnh viện Tâm thần trung ương I là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, thời gian vừa qua đã để xảy ra vụ việc cực kỳ hi hữu: bệnh nhân thuộc diện điều trị bắt buộc tại bệnh viện đã sửa phòng bệnh, mang ma túy và nhiều thiết bị phục vụ 'bay lắc' vào bệnh viện.
Các chuyên gia cho rằng có 10 vấn đề cần làm rõ liên quan đến giám đốc và các cán bộ của bệnh viện, trong đó có việc có hay không nhận lợi ích vật chất để bệnh nhân mua bán ma túy, 'bay lắc' trong bệnh viện, bệnh nhân sửa phòng bệnh, hay để bệnh nhân diện điều trị bắt buộc ra ngoài tự do... Tuy nhiên, hiện 10 vấn đề này chưa được làm rõ.
L.ANH
04/04/2021 - tuoitre
TTO - Dù lý do gì đi nữa, với cái phòng bệnh được cải tạo thành 'động lắc', là nơi cất giữ và phân phối ma túy, Bệnh viện Tâm thần trung ương I đã thật sự trở thành một cái chợ. Ngoài ma túy, còn có sạp bán thứ gì trong cái chợ này?
Câu chuyện một bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần trung ương I tạo lập cơ sở buôn bán ma túy, với phòng cách âm và các trang thiết bị phục vụ cho việc sử dụng ma túy ngay tại phòng bệnh của bệnh viện đã gây sự ngạc nhiên rất lớn cho ngành y, trong đó có tôi, một bác sĩ có trên 30 năm hành nghề y.
Một bác sĩ có thể không nắm hết được các bệnh nhân nội trú bệnh viện sinh hoạt ra sao, ăn uống, dùng thuốc... như thế nào. Nhưng ban giám đốc bệnh viện, bác sĩ điều trị mà không biết cái phòng bệnh của bệnh nhân được cải tạo thành “động lắc” thì thật là lạ.
Là bác sĩ, chúng tôi ngày nào cũng phải vào ra phòng bệnh thăm khám bệnh nhân và hiểu bệnh nhân của mình, ai cũng có thể hiểu hết những thay đổi của phòng bệnh, của bệnh nhân.
Không lẽ ban giám đốc bệnh viện và không ngoại trừ một số bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần trung ương I thông đồng với bệnh nhân này để buôn bán ma túy? Cũng có thể. Nhưng tôi nghĩ đến một khả năng khác, dễ tin hơn. Đó là tại bệnh viện này, có một loại "bệnh nhân VIP".
Họ muốn làm gì thì làm. Các bác sĩ, điều dưỡng chỉ là những người phục vụ của họ, phục vụ theo mệnh lệnh của ai đó bên trên họ, có quyền quyết định "sinh mạng chính trị" của họ. Đó là những "bệnh nhân" mà họ không được phép phàn nàn, thắc mắc, thậm chí kể cả tỏ thái độ, hoặc vì lý do nào đó phải làm ngơ.
Hoặc cũng có thể lý giải câu chuyện này theo một hướng khác. "Bệnh nhân" này nằm viện không phải vì bệnh. Anh ta chỉ vào đây nằm vì một lý do gì khác. Lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên bệnh viện biết điều đó, và họ không quan tâm đến anh ta như một người bệnh, mà chỉ như một người thuê nhà, thuê phòng bệnh.
Nếu điều này đúng sự thật thì công năng của bệnh viện không chỉ là khám chữa bệnh, mà là cho thuê sạp. Tức là bệnh viện đã trở thành một cái chợ. Tôi nghiêng về khả năng này hơn.
Mà dù lý do là gì đi nữa, thì với cái phòng bệnh được cải tạo thành "động lắc", và là nơi cất giữ và phân phối ma túy như vậy, Bệnh viện Tâm thần trung ương I đã thật sự trở thành một cái chợ. Không phải chợ bán cá thịt rau quả thông thường, mà là cái chợ buôn bán ma túy.
Cũng không thể biết được, ngoài ma túy này ra, còn có sạp bán thứ gì khác trong cái chợ này không? Biết đâu trong cái chợ này còn có những sạp bán các thứ như bệnh án, giấy chứng nhận gì đó... như những lời đồn đại.
Hẳn nhiên là những người liên quan vụ việc chưa từng có này sẽ bị nghiêm trị. Song tôi và biết bao bác sĩ, nhân viên y tế khác thật buồn khi đọc những dòng tin tức như vậy những ngày qua, khi mà một phòng bệnh - nơi chúng tôi hành nghề, nơi chúng tôi trải qua bao nhiêu lần theo bệnh nhân sinh tử, nơi chữa lành các vết thương và cũng là nơi gieo mầm bao nhiêu sự sống - đã bị biến thành một cái chợ.
Chúng tôi thấy rất đau!
03/04/2021 - tuoitre
TTO - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - về vụ án bệnh nhân mở 'phòng bay lắc', mua bán ma túy trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I.
Phòng bệnh của Quý có giường bệnh nhưng được ngăn ra làm phòng "bay lắc" - Ảnh: ANH ĐỊNH |
Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 4 người khác về các tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Riêng Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần trung ương I, bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm.
Người "tâm thần" làm tổng đại lý ma túy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Quang Hiền - phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội - cho biết đơn vị đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ trách nhiệm của bệnh viện và mối liên quan giữa cán bộ điều trị với nhóm này.
"Thông tin cán bộ của bệnh viện tiếp tay cho Quý, được Quý trả mỗi tháng hàng chục triệu đồng, hiện chúng tôi vẫn đang điều tra xác minh, nếu có sẽ xử lý theo quy định", thượng tá Hiền nói.
Ông Hiền đánh giá băng nhóm tội phạm ma túy trong vụ án này rất chuyên nghiệp, có tính chất nguy hiểm, thủ đoạn vô cùng tinh vi, tập hợp các đối tượng cộm cán, nhiều tiền án, tiền sự.
Nhóm này cấu kết vô cùng chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đường dây này là tổng đại lý cung cấp ma túy số lượng rất lớn cho các đại lý ma túy cấp I trên khắp địa bàn thành phố.
Thời điểm khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Xuân Quý tại tầng 2 khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Tâm thần trung ương I, công an thu giữ được số lượng lớn ma túy và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Toàn bộ số ma túy này được Quý đựng trong túi trà, cà phê và cất giấu trên trần nhà của phòng bệnh.
Bên cạnh đó, băng nhóm tội phạm ma túy này hoạt động dưới sự hỗ trợ, giúp sức của các nhân viên trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I. "Chưa bao giờ chúng tôi phát hiện các đối tượng tinh vi đến mức lợi dụng vỏ bọc là bệnh nhân tâm thần để mua bán ma túy công khai ngay trong bệnh viện như vụ án này", thượng tá Hiền nhận định.
Bệnh viện phải giải trình 10 vấn đề
Ngày 2-4, ông Nguyễn Huy Quang cho hay cơ quan công an đã làm việc với bệnh viện từ ngày 20-3, sau đó công an đã tạm giữ Nguyễn Anh Vũ, nhân viên của bệnh viện, nhưng đến 31-3 khi báo chí đưa tin, khi Bộ Y tế yêu cầu, ngày 1-4 bệnh viện mới báo cáo sự việc.
Theo ông Quang, có 10 vấn đề Bệnh viện Tâm thần trung ương I phải giải trình rõ. Trong đó, bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý thuộc đối tượng điều trị bắt buộc tại bệnh viện. Theo quy định, bệnh nhân phải được điều trị tại một khu vực riêng, có người giám sát, theo dõi nhưng bệnh nhân lại được đưa vào khoa điều trị tự nguyện điều trị từ tháng 11-2018.
Tháng 9-2019, bệnh nhân chuyển sang khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, theo quy định chuyên môn, chuyển sang khoa này là khi tình hình diễn biến bệnh đã ổn định và cải thiện.
Theo báo cáo của bệnh viện, từ tháng 2-2021 bệnh nhân tự cải tạo phòng bệnh thành phòng "bay lắc", nhưng chuyên án của công an lập từ tháng 1-2021, tức là trước khi có phòng "bay lắc" này thì Quý đã có những dấu hiệu biến nơi điều trị thành nơi mua bán, tàng trữ ma túy.
Ông Quang cũng chia sẻ đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện có báo cáo mới về vụ việc, thay cho báo cáo không làm rõ trách nhiệm những người có liên quan gửi Bộ Y tế hôm 1-4.
"Chúng tôi cũng yêu cầu bệnh viện làm rõ việc để người bệnh tự do cải tạo, ngăn đôi phòng bệnh thành phòng "bay lắc", mang loa đài, amply, đèn, két sắt, ma túy... vào bệnh viện. Điều này đã vi phạm quy chế quản lý tài sản công, vi phạm chế độ quản lý người bệnh.
Chúng tôi cũng yêu cầu bệnh viện làm rõ việc để người đến thăm, gặp bệnh nhân Quý liên tục, tổ chức "bay lắc", hoạt động mại dâm, gây ồn ào, hút chích, sử dụng ma túy mà chẳng lẽ cả bệnh viện, khoa, phòng, bảo vệ đều không biết?
Vụ việc đã đặt ra câu hỏi có hay không hành vi nhận tiền hối lộ của đối tượng Quý để bao che, bảo kê cho việc "bay lắc" xảy ra ngay tại bệnh viện này?" - ông Quang nói.
Phòng bệnh Nguyễn Xuân Quý ở để điều trị được chia làm 3 phòng, ngăn bằng các tấm nhựa. Phòng ngoài có giường bệnh và vật dụng cá nhân như các buồng bệnh bình thường. 2 phòng bên trong Quý thiết kế thành phòng "bay lắc" thu nhỏ.
Băng nhóm này rất tinh vi trong ngụy trang, đã đóng nhiều vai với vỏ bọc khác nhau (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, lái taxi, xe ôm...). Những người là khách tới "bay lắc" cũng đóng vai người đến thăm bệnh nhân khiến công tác trinh sát của công an gặp rất nhiều khó khăn.
DANH TRỌNG - THÂN HOÀNG - LAN ANH
Quang cảnh một phiên tòa dân sự ở Lạng Sơn. Ảnh: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. |
Nhiều người nói Vinfast đã “kiện” khách hàng ra công an rồi từ đó sẽ ra tòa giải quyết, không có gì gọi là rùng rợn hay không văn minh ở đây cả.
Đó là cách họ đáp trả cho quan điểm của những người cho rằng nhẽ ra Vinfast nên kiện khách hàng ra tòa thay vì “méc công an”.
Theo cách giải thích của những người ủng hộ Vinfast, có thể hiểu theo hai hướng.
Một là, kiện ra công an là cơ sở đầu tiên để ra tòa giải quyết. Như vậy, công an là sẽ đầu mối đầu tiên để hai bên gặp nhau tại tòa và xử lý tranh chấp của mình.
Hai là, có thể họ đang nghĩ rằng cơ quan công an sẽ giải quyết vụ việc riêng rẽ, và bản thân cơ quan tòa án cũng sẽ giải quyết vụ việc trong phạm vi quyền năng của mình.
Cả hai cách hiểu này đều có vấn đề.
Vậy “kiện ra công an” và “kiện ra tòa” thì khác gì nhau?
Thực ra luật không có khái niệm “kiện ra công an”. Đó là lối nói dân dã. Đã kiện thì chỉ có kiện ra tòa dân sự hoặc tòa hành chính. Kiện là việc nhờ tòa phân xử một vụ việc dân sự hoặc hành chính. Công an không phải cơ quan phân xử để mà tới đó kiện được.
Khi đã đụng tới công an thì nghĩa là bạn muốn đẩy vụ việc theo một hướng khác: hướng vụ án hình sự.
Như vậy, ở đây ta có ba con đường để giải quyết một xung đột theo pháp luật: dân sự, hành chính, và hình sự.
Ta tạm gác con đường khởi kiện hành chính sang một bên vì vụ Vinfast – Trần Văn Hoàng không liên quan tới cơ quan nhà nước hay quyết định hành chính nào để mà phải tính đến con đường khởi kiện hành chính. Ta xem xét con đường dân sự và con đường hình sự.
Nhiều người nói rằng Vinfast nên học các hãng xe ở các nước văn minh là xin lỗi khách hàng, chăm sóc khách hàng chu đáo, nếu có tranh chấp gì quá đáng lắm thì hãy khởi kiện dân sự.
Khởi kiện dân sự thì phải đâm đơn kiện trực tiếp ra các tòa án dân sự, nơi chuyên xét xử những tranh chấp liên quan đến hợp đồng, hôn nhân, lao động, sở hữu trí tuệ, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, v.v. Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự là hai văn bản bạn cần đọc.
Vụ Vinfast – Trần Văn Hoàng rơi vào trường hợp tranh chấp về hợp đồng mua xe, bảo dưỡng xe ô-tô và tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do gây tổn hại uy tín.
Bản chất của tranh chấp dân sự là nó liên quan đến lợi ích tư, chứ không phải lợi ích công cộng như an ninh quốc gia hay tính mạng, tài sản của công dân.
Quá trình giải quyết một tranh chấp dân sự cũng có thể qua con đường hai bên tự thỏa thuận, trọng tài, hay các trung gian hòa giải khác, không nhất thiết phải ra tòa.
Khi tòa dân sự đã thụ lý rồi thì hai bên vẫn có thể rút đơn, tự thỏa thuận với nhau, hoặc hòa giải tại tòa. Đó gọi là nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Nó dựa trên cơ sở là đây là chuyện riêng giữa các đương sự, tòa chỉ can thiệp khi được đương sự yêu cầu.
Khi giải quyết vụ việc tại tòa, về cơ bản nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, chứ tòa hay các cơ quan nhà nước không có nghĩa vụ điều tra, chứng minh giúp cho ai, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 97 và 106 của BLTTDS.
Phán quyết dân sự cũng chỉ ảnh hưởng tới các yếu tố nhân thân (uy tín, danh dự, hình ảnh…) và tài sản (trong trường hợp phải bồi thường, hoàn trả tài sản…). Việc thi hành án dân sự là bổn phận của các bên liên quan và cơ quan thi hành án dân sự, chứ không liên quan tới… trại giam hay công an.
Và ngay cả khi tòa dân sự đã tuyên án, hai bên vẫn có thể thỏa thuận về việc có thi hành án hay không, nếu có thì thi hành một phần hay toàn bộ bản án, và thi hành án như thế nào. Xin tham khảo thêm Luật Thi hành án Dân sự.
Trong suốt quá trình tố tụng dân sự đó, có thể thấy lực lượng công an không có bất kỳ vai trò nào để mà “kiện ra công an rồi ra tòa giải quyết” cả.
Như đã nói, pháp luật không có khái niệm “kiện ra công an”. Đã đụng đến công an thì chỉ có thông qua thủ tục tố giác, báo tin tội phạm. Lý do đơn giản là công an không phải người bảo vệ cho lợi ích tư của các cá nhân, doanh nghiệp, nói đơn giản là không phải người gác cổng cho nhà riêng của bạn. Họ bảo vệ lợi ích công cộng, tức là lợi ích của một cộng đồng xã hội. (Xem thêm Bộ luật Hình sự và Luật Công an Nhân dân).
Ví dụ:
Đó là lý do người ta phải làm hai việc: cách ly bạn với xã hội ngay lập tức nếu cần thiết và trừng phạt bạn. Bộ luật Tố tụng Hình sự nói riêng và các luật trong lĩnh vực hình sự nói chung sẽ được áp dụng trong quá trình này.
Bản chất của vụ án hình sự là xem xét trừng phạt một công dân (và cả pháp nhân) bằng vũ lực của nhà nước. Tính chất cưỡng chế ở đây là hoàn toàn rõ ràng chứ không còn mang màu sắc tự do thỏa thuận như trong vụ việc dân sự nữa.
Khi tố giác ra công an thì họ tiếp nhận thông tin, sau đó tiến hành xác minh, điều tra sơ bộ. Sau đó, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm thì họ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can, triệu tập các bên liên quan, v.v. Quá trình này sẽ kết thúc với việc ban hành bản kết luận điều tra, gửi sang Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị truy tố bị can ra tòa án hình sự.
Viện kiểm sát đi theo cơ quan đi ra trong suốt quá trình nói trên. Nếu họ quyết định truy tố thì bị can phải ra tòa hình sự và khi đó trở thành bị cáo.
Phán quyết của một phiên tòa hình sự là tuyên bố bạn có tội hay không có tội, nếu có tội thì phải chịu hình phạt như thế nào (tử hình, phạt tù, phạt tiền, trục xuất). Nếu bạn gây thiệt hại cho người khác khi phạm tội thì còn phải bồi thường thiệt hại – đây là khía cạnh dân sự của một vụ án hình sự. Xin đọc thêm Luật Thi hành án Hình sự.
Như vậy, lá đơn tố giác tội phạm của Vinfast, trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến án tù cho khách hàng Trần Văn Hoàng. Khi bạn đã tố giác rồi thì cơ bản là không thể rút đơn, và nếu có rút thì cũng không có nghĩa là công an dừng xác minh, điều tra, không có nghĩa là người bị tố giác sẽ không bị xét xử. Lý do rất đơn giản: công an có nghĩa vụ phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa những hành vi gây tổn hại đến lợi ích chung của xã hội. Vụ án hình sự là việc giữa nhà nước với công dân, chứ không còn là việc riêng giữa người tố giác và người bị tố giác nữa. Vì thế, bạn rút đơn tố giác hay không cơ bản không làm thay đổi cách công an xử lý vụ việc, trừ một số trường hợp đặc biệt (Điều 155 – BLTTHS).
Vụ việc Vinfast – Trần Văn Hoàng lại không rơi vào trường hợp đặc biệt nào như trên, do đó, Vinfast có rút đơn thì về mặt pháp lý, công an vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trần Văn Hoàng.
***
Như vậy, với vụ việc này, câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là nó là vụ dân sự hay vụ hình sự?
Việc một khách hàng phát ngôn về chất lượng của sản phẩm mà mình mua, về bản chất, là một vấn đề dân sự. Không có lợi ích công cộng nào bị tổn hại vì phát ngôn này. Chỉ có lợi ích tư nhân, cụ thể là của Vinfast, bị tổn hại.
Chuyện phát ngôn của khách hàng đúng hay sai thì hậu xét, yếu tố đó không làm ảnh hưởng tới bản chất dân sự của vụ việc.
Tranh chấp giữa Vinfast và khách hàng Trần Văn Hoàng, do đó, chỉ nên được giải quyết qua con đường dân sự: thỏa thuận, trọng tài hay tòa án dân sự. Việc tố giác Trần Văn Hoàng ra công an được gọi là hành vi hình sự hóa một vụ việc dân sự. Rất tiếc, luật Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều khoản hình sự hóa các quan hệ dân sự, tạo điều kiện cho các công ty như Vinfast mượn tay công an để trừng phạt khách hàng của mình.
Nếu một hãng xe ô-tô có thể yêu cầu công an bảo vệ lợi ích riêng của mình thì chủ một cửa hàng bánh đúc có thể yêu cầu tương tự khi có khách chê bánh dở không?
Hỏi tức là trả lời.
Người tiêu dùng Trần Văn Hoàng là công dân Việt Nam. Theo luật Việt Nam, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Đào tám kiếp cũng chẳng ra cái luật nào cấm người tiêu dùng thắc mắc về sản phẩm cả, thế thì dựa vào cái quyền gì VinFast bắt họ gỡ bỏ clip?
Hình minh hoạ. Xe ô tô của VinFast tại nhà máy ở Hải Phòng hôm 14/6/2019. Reuters |
Quần thần của Đại đế lú lẫn rồi.
Có hai lý do:
Lý do thứ nhất: Việt Nam còn có một đạo luật có cái tên rõ ràng dễ hiểu là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ luật này được Quốc hội Việt Nam khóa 12, kỳ họp thứ 8 thông qua vào ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.
Trong đó, khái niệm đáng lưu ý đầu tiên là “hàng hóa có khuyết tật”. Bộ luật quy định:
“Hàng hóa có khuyết tật” là “hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: a) Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật.
Rất rõ ràng dễ hiểu phải không thưa bác Vượng?
Vậy thì, theo các định nghĩa của luật pháp Việt Nam, chiếc xe VinFast mà anh Hoàng chủ kênh GogoTV đã mua có chứa các khuyết tật sau đây:
1. Cảm biến áp suất bánh xe báo sai.
2. Cần gạt nước hoạt động tùy tiện không kiểm soát.
3. Cần gạt xi nhan không ăn.
4. Sạc không dây không ổn định.
5. Cửa xe có tiếng động lạ.
6. Xe có tiếng động lạ khi đạp thắng.
7. Có voucher nghỉ dưỡng được tặng khi mua xe nhưng không dùng được.
8. Xe mua 4 tháng, đi 8.000 km, lỗi lặt vặt liên tục, đi bảo hành rất nhiều lần nhưng nhân viên bảo hành làm khó, bảo hành xong về vẫn nguyên lỗi.
Đến đây tôi xin đặt ngược lại vấn đề một chút.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói gì?
Có khi nào anh Trần Văn Hoàng chủ ý chơi xấu VinFast nên cố ý can thiệp vào chiếc xe chuẩn, ngụy tạo ra những lỗi vốn không có thật để khoa trương và qua đó hạ uy tín của VinFast hay không?
Đây cũng là luận điểm của phía VinFast, thể hiện trong nội dung post trên fanpage của họ như dưới đây:
Cứ cho rằng nghi ngờ này là có cơ sở. Vậy thì căn cứ theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã dẫn phía trên, bên doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu người mua xe chứng minh lỗi khuyết tật của sản phẩm dưới sự chứng kiến của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, báo chí và truyền thông xã hội, cơ quan Trọng tài và các bên thứ ba khác có chuyên môn về kỹ thuật xe hơi. Đảm bảo với sự tinh tường của các bên chứng kiến này, mọi lỗi ngụy tạo (nếu có) sẽ được bóc ra bằng sạch. Ai đúng ai sai rõ ràng. Khi đó, nếu thực sự nhà xe bị hại để hạ uy tín, cả luật pháp và xã hội đều sẽ đứng về phía họ, chủ xe bóc phốt sml và thị trường của doanh nghiệp tại Mỹ cũng sẽ tươi sáng hơn.
Bộ luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rất rõ 4 lựa chọn để người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng khi có bất hòa về chất lượng sản phẩm. Đó là thương lượng, hòa giải, trọng tài (nhờ cơ quan trọng tài thương mại giải quyết) và cuối cùng mới tới tòa án. Ba phương án đầu đều đề cao sự thỏa thuận và cố gắng thu hẹp nhất có thể mức độ cồng kềnh của sự việc.
Thực tế cho thấy trong tuyệt đại đa số trường hợp, doanh nghiệp đều chọn ba phương án đầu. Đó là vì lợi ích của nó quá rõ ràng: càng giải quyết nhanh chóng, riêng tư, nội bộ, càng ít người biết thì uy tín của doanh nghiệp càng được bảo toàn hoặc ít bị ảnh hưởng xấu nhất.
Thế nhưng VinFast đã không chọn những phương án hòa bình như trên mà chọn biện pháp khiến cả thế giới sửng sốt: bắt khách hàng gỡ bỏ clip (tức là rút lại những trải nghiệm xấu của mình về sản phẩm), cho biết đã gởi đơn tố cáo đến công an và “công an sẽ mời khách hàng đến làm việc".
Lý do thứ hai: Nhưng có công an nào đi làm việc thuê cho VinFast như thế?
Đọc nội dung phản hồi của VinFast về vụ việc GogoTV, chắc người học luật nào ở Việt Nam cũng phải cười lăn cười lộn, xỉu up xỉu down. Nói trắng ra, đây là nội dung dọa ma trẻ con không hơn không kém.
Lớn hết rồi, đem luật ra mà chơi nhé các anh!
Nào chúng ta phân tích sương sương:
Nhà xe kết luận clip “có nội dung không đúng sự thật”: Theo luật, muốn kết luật nội dung không đúng sự thật thì phải chứng minh, theo quy trình như trên kia người viết đã nói rõ. Đằng này, chưa ai đi kiểm tra, đối chứng nhưng nhà xe đã kết luận như thật. Vậy biên bản giám định, kiểm nghiệm chứng minh clip đó không đúng sự thật ở đâu, vui lòng trình cho người tiêu dùng được biết. Nếu không trình được, tức là không có.
Nhà xe kết luận “Hành vi của ông Hoàng gây hoang mang cho người dùng gây thiệt hại cho uy tín và vật chất của thương hiệu VinFast, đồng thời gây hoang mang cho các khách hàng khác của hãng”.
Hình chụp màn hình: Anh Trần Văn Hoàng bên cạnh chiếc xe VinFast của mình |
Ái chà, nhà xe ơi, câu này hở hang lắm nghe! Muốn tố cáo một người trước pháp luật không dễ đâu. Phải thu thập đủ bằng chứng bao gồm hành vi cố ý gây thiệt hại và hậu quả đã xảy ra (ở đây là việc review xe của GogoTV và hậu quả được cho rằng là hạ uy tín, gây thiệt hại cho VinFast, gây hoang mang cho khách hàng). Tiếp đó phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu là việc phạm pháp thì mới xài từ “tố cáo”được đó nha VinFast ơi, còn ở đây đang là thắc mắc của khách hàng cơ mà? Dùng từ sai rồi nhé.
Và hơn hết, ở đây khách hàng review xe của họ cơ mà? Giả sử họ có đập xe, đốt xe đi nữa thì VinFast cũng chưa được có cái quyền nhảy vào đâu. Xe đã là của người ta, người ta đã bỏ tiền tỷ ra mua, người ta có toàn quyền đối xử với nó nhé VinFast. Các anh quyền gì cấm người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm tiêu dùng của họ với sản phẩm? Chẳng có cái quyền nào sất, nói nhanh cho vuông.
Còn nếu bảo tại sao người tiêu dùng không chọn nửa đêm thanh vắng quay sang thì thầm với vợ rồi tha hồ mà càm ràm cái xe, mà lại quay clip đem lên cho cả thế giới xem, thì câu trả lời đây: Ai cấm?
Người tiêu dùng Trần Văn Hoàng là công dân Việt Nam. Theo luật Việt Nam, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Đào tám kiếp cũng chẳng ra cái luật nào cấm người tiêu dùng thắc mắc về sản phẩm cả, thế thì dựa vào cái quyền gì VinFast bắt họ gỡ bỏ clip?
Nội dung trên fanpage là trò mập mờ câu chữ mang nặng tính hăm dọa: “Chúng tôi đã tố cáo ra cơ quan công an. Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng ra làm việc”.
Người đọc xin đọc kỹ giùm và hiểu cho đúng. “Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo” không có nghĩa “Công an xác nhận nội dung đơn tố cáo là đúng” đâu nhé (tức VinFast đúng, ông Hoàng sai). Ai đúng ai sai, xin quay lại quy trình pháp luật như đã nói trên.
Còn “công an có lịch mời ông Hoàng ra làm việc”. Có lịch thì sao? Công an là cơ quan bảo vệ pháp luật của đất nước. Công dân đến làm việc với công an để thực hiện quyền được bảo vệ trước pháp luật là hoàn toàn bình thường và văn minh. Làm việc với công an để xem xem anh tố cáo có đúng không, người bị tố cáo có vi phạm luật hình sự không, nếu có thì đã đủ khởi tố chưa hay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.. v.v … đó là quy trình thông thường. Nhưng cái ngầm ý trong câu chữ của VinFast thì cứ như ông Hoàng sắp bị bắt đến nơi rồi ấy. Dọa dẫm quá đi mất!
Người kinh doanh có một câu nằm lòng “Hòa khí sinh tài”. Xin tặng các anh, miễn phí.
Nhân đây cũng tốt bụng xin mách nước với VinFast: các anh chọn luật sai lè ra. Kiện cáo với khách hàng trước tiên phải dùng luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ, cùng lắm là Luật Dân sự, sao lại sân si mang Luật hình sự ra đây?
Nếu tôi là đại diện cơ quan công an được nhắc đến trong văn bản của VinFast, tôi sẽ nghiêm túc chấn chỉnh bộ phận truyền thông của họ một bài. Công an không phải đi làm thuê cho nhà anh, đừng chơi trò ú òa từ ngữ ở đây để hạ thấp uy tín chúng tôi, gây thiệt hại về uy tín cho chúng tôi và khiến người dân hoang mang, rõ chửa?
Cuối cùng, kết luận
Clip của GogoTV về bản chất chẳng hề khác vô số các clip review sản phẩm đang được thực hiện mỗi ngày về mọi sản phẩm đang lưu hành trên quả đất này: nào cá kho có dòi, nào bánh ngọt có gián, nào hàng quảng cáo và hàng mua về khác nhau, nào “đập hộp”, “trên tay” các sản phẩm điện tử nổi tiếng (Đập hộp và Trên tay là tên hai chuyên mục review sản phẩm điện tử rất nổi tiếng ở Việt Nam, của trang Tinhte.com)… Nhưng, trong khi các thương hiệu bị khách hàng phát hiện lỗi đều nhanh chóng kiểm tra, sau đó nhận lỗi (nếu có) và bồi thường cho khách hàng thì chỉ riêng VinFast chơi trò riêng một góc trời. Trình độ hiểu biết pháp luật của bộ phận truyền thông VinFast quá kém, còn bản lĩnh hành xử thì quá tồi. Thua cả một bà bán cá kho ở chợ Hà Nội.
Xin mượn comment của một người dùng mạng xã hội facebook Việt Nam, tặng VinFast câu slogan mới sau đây:
“Mua xe- tặng lịch” (để khách hàng ngồi tù, bóc chơi).
Nhân đây xin kính gửi bác Vượng. Cháu nghe nhân viên cũ của bác nói “giờ bác sống không vì tiền nữa, nếu bác biết sản phẩm mình có vấn đề thì bác đào cả tổng VinFast lên giết hết”, cháu rất kính phục. Mong bác xem lại vụ việc này, và thân tâm an lạc xử lý mọi việc cho đúng luật, có lý, có tình. Tiên trách kỷ hậu trách nhân bác nhỉ? Người Việt Nam mà, ai cũng có tự hào dân tộc, nếu sản phẩm của bác tốt ngang ngửa sản phẩm ngoại cùng phân khúc thì ai mà chẳng ủng hộ, cháu nói thế có phải không bác?
Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
Getty Images |
Một du học sinh người Việt tại Úc mới đây đã giẫm đạp lên lá cờ vàng ba sọc đỏ và liên tục có những phát ngôn bị nhiều người cho là thách thức và thù hận.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 5/5, ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do ở tiểu bang New South Wales nói ông đã làm việc với hiệu trưởng của ngôi trường, cảnh sát và Bộ Di trú Úc về sự việc trên.
"Nhà trường đã liên hệ với chúng tôi và thông báo đã đình chỉ ngay lập tức học sinh này vì đã có hành động không thể chấp nhận được ở Úc. Đây là hành động mạ lị, đạp lên lá cờ và chửi rủa bằng lời lẽ thô tục là điều gây tổn thương cho cộng đồng chúng tôi".
Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đánh giá với BBC: "Đây là hệ quả của vấn đề giáo dục, nhất là việc học lịch sử còn một chiều, phiến diện và sự ảnh hưởng bởi tuyên truyền của các cơ quan đoàn hội."
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 4/5: "Đây là vụ việc đáng tiếc thể hiện sự giáo dục không đầy đủ và thiếu ý thức của một người trẻ Việt Nam, thế hệ sinh ra nhiều năm sau cuộc chiến."
Trong dịp 30/4 vừa qua, một video được chia sẻ trên mạng cho thấy một nam sinh đang du học tại Úc thực hiện hành động được coi là "nhục mạ cờ vàng".
Thoạt tiên, người này leo lên cột đèn giật lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ của chính thể VNCH trước kia và hiện nay là biểu tượng của nhiều cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Sau đó, người này vừa giẫm đạp lá cờ vừa đưa ra những lời thách thức.
"*** cầm cờ lên mà giải phóng đất nhà bố mày à?" người này nói (BBC News Tiếng Việt đã lược bỏ những từ tục tĩu).
Người này còn nói rằng mình lên tiếng "đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam".
Trong khi du học sinh trẻ tuổi vừa vò và giẫm đạp lá cờ, một số người đi cùng đã reo hò cổ vũ. Có người kêu đốt lá cờ.
Đoạn video ngắn ngay lập tức gây sóng gió dư luận. Trong khi các trang Facebook được coi là của lực lượng dư luận viên Việt Nam lên tiếng cổ xúy cho hành động của nam sinh kia, thì cộng đồng người Việt ở Úc và nhiều nơi khác lại phẫn nộ.
Nhiều người không liên quan đến chính thể VNCH cũng như cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của nam sinh này.
Getty Images. Cờ vàng ba sọc đỏ từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955 và của Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến 1975. |
Không lâu sau khi video được phát tán, người ta nhanh chóng dò ra lai lịch của nhân vật chính: là một học sinh tại một trường trung học ở thành phố Sydney.
Trao đổi với BBC, ông Paul Huy Nguyễn cũng nói thêm, bên cạnh làm việc với nhà trường và cảnh sát, phía ông cũng gửi thông báo đến dân biểu tiểu bang và liên bang trên toàn nước Úc để bày tỏ mong muốn lấy lại danh dự cho cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và mọi nơi nói chung.
Bà Hoa Nguyễn, một người Việt tại Úc viết trên Facebook về vụ việc: "Cháu bé giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào thế vô cùng nhạy cảm...Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định."
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, từ Mỹ, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói:
"Đầu tiên, phải đặt hành động của người này trong bối cảnh thời điểm 30/4, mà ở nước ngoài, đây không phải là dịp để ăn mừng. Tôi nghĩ đây là hành động nông nổi của một người mới ra nước ngoài và không chấp nhận được ngày 30/4 mà treo cờ vàng. Đây cũng là kết quả của việc tham gia vào những hội nhóm, các phong trào gọi là 'chống phản động' trên mạng. Tôi nghe rất kỹ những lời người này nói, rất giống lập luận, lý lẽ của dư luận viên sử dụng, tuyên truyền, xem người Việt hải ngoại là lưu vong và cờ vàng là lũ ba que."
PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh đánh giá: "Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề. Thứ nhất, học sinh này được giáo dục một ý thức hệ hết sức căm thù phía bên kia. Thứ hai, cậu ta thiếu hiểu biết đơn giản nhất của một người khi ra nước ngoài."
"Có những thứ trong nước bất di bất dịch nhưng nước ngoài thì khác hẳn: bạn không có quyền động vào tài sản của người khác, mà còn quay phim, tung lên mạng. Đó là một hành động rất ngông nghênh, không màng đến pháp luật hay luân thường đạo lý. Có thể bạn ở nhà coi trời bằng vung nên vẫn như vậy khi ra nước ngoài," bà Ánh nói.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh |
Bà Ánh cho rằng đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là của một nhóm vì trong video, có những người khác tham gia, cổ vũ, quay phim.
"Điều này đáng sợ vì người trẻ là tương lai đất nước. Nhìn rộng ra, nếu đất nước rơi vào tay những người trẻ không cần biết về luật pháp, luân thường đạo lý, thế giới quan xung quanh thì thật đáng lo ngại," PGS Ánh nói.
Bà Ánh nói thêm, trên báo chí, chính quyền Việt Nam đã có những phát ngôn nhằm xoa dịu, hướng đến hòa giải, hòa hợp nhưng về mặt giáo dục thì đúng là không có sự thay đổi nào. "Chúng ta có thể thấy các lãnh đạo ở những sự kiện nước ngoài có đầy những lời xoa dịu, nhưng thực tế chưa có phát ngôn chính thức nào. Vì vậy, chúng ta không thể hy vọng chương trình giáo dục có thể thay đổi."
Bản thân bà cũng trăn trở về điều này và nhắc lại việc sách giáo khoa cho bài tập toán học để trẻ em tính xem, một dũng sĩ giết được bao nhiêu "tên Mỹ, ác ôn".
"Nếu trong thời chiến, dạy trẻ em tính việc giết người, tuy không hay nhưng có thể chấp nhận được. Nhưng trong thời bình, dạy trẻ em coi mạng người như một con số như thế thì quá kinh khủng. Dù mạng xã hội lên tiếng khá nhiều nhưng cũng không có sự thay đổi. Chính giáo dục sai lầm đấy sinh ra những thanh niên đấy," bà Ánh nói.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Ánh, nền giáo dục thiếu tư duy phản biện, chỉ tư duy một chiều thì sẽ tạo ra những người máy móc, không sáng tạo. "Điều này gây tác hại cho chính bản thân họ và quốc gia, không thể nào giúp đất nước đi xa trên con đường xây dựng kinh tế hay văn minh".
"Vấn đề quan trọng hơn là bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đề ra, có trụ cột sống chung với mọi người. Nếu chúng ta có tư duy là ta thắng - người thua thì không thể nào chung sống với người khác, sẽ rơi vào cảnh thù ghét những người trái quan điểm với mình. Dạy cho lớp trẻ một tư duy thù địch, tư duy thắng thua thì không ổn. Tư duy thế giới hiện nay là win-win (cùng thắng) chứ không phải win-lose (thắng thua)," bà phân tích.
Cũng theo PGS Nguyễn Hoàng Ánh, nếu không dạy cho người trẻ tư duy mở thì sẽ mất cơ hội hợp tác, việc làm và làm cho cá nhân, doanh nghiệp, đất nước thụt lùi đi, nhất là khi các thành tựu gần đây của Việt Nam đa phần dựa vào việc hợp tác quốc tế.
PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh, ngoài giáo dục trên trường lớp thì còn gia đình và giáo dục phi chính thức như môi trường, bạn bè, truyền thông: "Giáo dục phi chính thức có thể giúp tẩy độc khá nhiều. Nhưng trong trường hợp của thanh niên này, giáo dục phi chính thức ấy không những không tẩy độc, mà còn đầu độc thêm."
Bà Như Quỳnh lưu ý rằng các phong trào trên mạng của dư luận viên đã góp phần làm nảy sinh những đầu óc cực đoan.
"Một lớp trẻ sinh sau năm 2000 có thể thấy, ngoài việc thiếu kiến thức về mặt lịch sử thì còn bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi 'đấu tranh chống luận điệu sai trái' trên các diễn đàn thanh niên. Ví dụ như mỗi đoàn viên phải là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, những điều này tuyên truyền một cách không giấu giếm. Điều này cho thấy mặc nhiên trong suy nghĩ của các bạn rằng, người Việt ở hải ngoại là phản động, lưu vong, như luận điệu trên trang Đơn vị tác chiến điện tử."
Chụp màn hình. Trang Facebook Đơn vị tác chiến điện tử bình luận về vụ việc theo hướng bênh vực bạn du học sinh |
Bà Quỳnh cũng cho rằng, xét ở khía cạnh nào đó, bạn thanh niên này nói giọng Bắc và đối với định kiến của nhiều người trong cộng đồng hải ngoại, đây là đám con ông cháu cha du học. Và hành vi này như đổ dầu vào lửa ngay dịp 30/4, khoét sâu thêm sự phân cực.
Về một luồng thông tin trên mạng nói rằng sứ quán sẽ trợ giúp bạn sinh viên này, PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét rằng điều này là đương nhiên khi công dân vướng vào vòng lao lý.
"Tuy nhiên, tôi muốn nhắn nhủ với phụ huynh rằng khi cho con ra nước ngoài, cần dạy con mình tôn trọng luật pháp và thông lệ của quốc gia đó," bà Ánh nói.
Bà Ánh dẫn lại trường hợp thanh niên người Mỹ Michael Fay bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994 ở Singapore. Fay bị tuyên phạt sáu roi. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã can thiệp ngoại giao để Fay không bị đánh nhưng chính quyền Singapore vẫn nhất quyết thi hành bản án.
"Với người Mỹ, hình phạt roi công cộng như vậy rất kinh khủng. Nhưng ngay cả tổng thống Mỹ, người có quyền thế bật nhất thế giới còn không cứu được hình phạt cho công dân mình thì một nước như Việt Nam muốn đòi hỏi điều đó sẽ rất khó, nhất là khi công dân mình đã sai rõ ràng," PGS Ánh nói.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng đồng ý kiến: "Một gia đình trước khi cho con sang nước ngoài du học và hy vọng chúng được hội nhập quốc tế thì nên hướng dẫn con tuân thủ luật pháp nước sở tại."
Bà nói: "Có thể đối với nhiều người ở miền Bắc, biến cố 30/4/1975 là chiến thắng, là bên chính nghĩa nên con cái họ cũng mang theo tư tưởng như vậy, cộng thêm sự kích động của những trang hội nhóm chống phản động thì tôi nghĩ, ban đầu người này này tin rằng mình làm đúng. Nhưng tới khi có thông báo bị đình chỉ học và có thể đối mặt với án hình sự thì có lẽ người đó đã học được bài học thích đáng".
Người Mỹ gốc Việt nghĩ gì về cờ VNCH và bạo loạn Điện Capitol?
Hình minh hoạ. Quốc kỳ Việt Nam. AFP |
Một người do xé quốc kỳ Việt Nam bị cơ quan chức năng khởi tố. Trưởng Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Daklak cho truyền thông Nhà nước biết như vừa nêu vào sáng ngày 3/5.
Người bị khởi tố được nêu danh là ông Trương Dương Hùng, 30 tuổi, ngụ tại thôn 15, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. Ông này bị khởi tố về hành vi gọi là ‘xúc phạm quốc kỳ’ Việt Nam theo điều 351 Bộ Luật Hình sự.
Vụ việc được nói diễn ra vào sáng ngày 14 tháng 11 năm ngoái khi cơ quan chức năng phát hiện có nhiều lá cờ đỏ- sao vàng treo bên đường tại địa phương bị xé rách và vứt nằm trên mặt đường.
Công an cho biết ông Trương Dương Hùng khai có dùng tay giật, xét rách ba lá cờ đỏ- sao vàng vào tối ngày 13/11/2020 sau khi đi nhậu và chơi game về.
Một trường hợp khác bị án tù với lý do xúc phạm quốc kỳ Việt Nam ở trong nước được nhiều người biết là vụ việc của nhà hoạt động Huỳnh Thục Vỵ. Bà sinh năm 1985 và là con của một cựu tù chính trị, ông Huỳnh Ngọc Tuấn.
Bà Huỳnh Thục Vy bị tòa án thị xã Buôn Hồ, tỉnh Dak Lak vào ngày 30/11/2018 tuyên hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’. Bản thân bà Huỳnh Thục Vy thừa nhận có xịt sơn lên lá cờ đỏ- sao vàng.
Trước khi bị xử án, vào ngày 8/10/2018 bà có trao đổi qua ứng dụng Messenger với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Đối với nhiều. người thì việc đụng chạm đến cờ đỏ là việc chi khá nhạy cảm và là việc hơi thiếu sáng suốt, dại dột, nhưng đối với tôi thì cờ đỏ, ‘cờ máu’ là biểu tượng của sự đàn áp, độc tài, độc đoán, phi dân chủ, phản dân quyền của chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam.
Nó là biểu trưng cho việc đảng cộng sản VN ngồi trên đầu 90 triệu người dân.
Tôi xịt sơn lên lá cờ để biểu đạt quan điểm rằng, tôi chống lại lá cờ của các ông, chúng tôi chống lại mọi biểu tượng, mọi ý nghĩa của biểu tượng đó, và tôi chống lại việc các ông là những người cộng sản đã cai trị trên đầu trên cổ của người dân một cách độc đoán”
Lúc bị tuyên án vào năm 2018, bà Huỳnh Thục Vy đang nuôi con nhỏ trên 20 tháng tuổi và đang mang thai nên được hoãn thi hành án cho đến khi con tròn ba tuổi.
Không biết tự bao giờ mỗi khi một khách hàng có biểu hiện tố cáo hay nhẹ hơn, phanh phui, một sản phẩm bị lỗi thì hình như chính người tố cáo sẽ nhận lấy sự trừng phạt từ công ty bị tố cáo qua công an hay tòa án, còn công ty, doanh nghiệp bị tố cáo sẽ lu loa trên truyền thông báo chí rằng họ bị bôi bẩn, tống tiền hay nhẹ lắm cũng là vu khống những lỗi mà họ không có.
Người ta sẽ khó mà quên vụ án con ruồi Tân Hiệp Phát khi có người tố cáo công ty này đã đóng chai chứa chất bẩn là con ruồi còn nằm trong chai thì sau đó người tố cáo là anh Võ Văn Minh bị công an gài bắt với lý do tống tiền 500 triệu bất kể sự thật là công ty Tân Hiệp Phát hẹn gặp và bồi thường cho anh.
Dư luận phẫn nộ sau khi anh Minh bị bắt. Người ta kết án Tân Hiệp Phát đã toa rập với công an để bịt miệng anh Minh, cho dù anh Minh có thực sự tống tiền thì biện pháp gài bẫy của công ty lẫn công an là trái với pháp luật.
Anh Minh là khách hàng vì vậy có quyền đòi hỏi Tân Hiệp Phát bồi thường cho anh. Tiếc là anh đã sai lầm trong cách lên tiếng bảo vệ quyền của mình mặc dù mức án 7 năm oan nghiêt đã làm người dân phẫn nộ và kết quả là Tân Hiệp Phát mất liền 2.000 tỷ thu nhập ngay sau đó.
Tân Hiệp Phát thứ hai xuất hiện mấy ngày nay, người dân vừa tò mò, vừa thích thú lẫn giận dữ khi lần này là một đại công ty tầm cỡ có biểu hiện giống như Tân Hiệp Phát. Không phải giống ở hành vi hòa giải, gài hàng mà giống ở việc mang công an ra hù dọa người tố cáo sản phẩm của mình.
Vụ tranh chấp lần này xảy ra giữa một bên là công ty VinFast của đại tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nơi bán chiếc xe VinFast Lux A 2.0 cho ông Trần Văn Hoàng chủ một kênh Youtube có tên GoGo TV với hơn 450 ngàn người theo dõi.
Ông Hoàng cho lên Youtube của mình về chiếc xe mà ông đã mua của VinFast với 10 lỗi lớn nhỏ. Ông đã từng đem xe tới hãng Vinfast sửa chữa bảo hành nhiều lần nhưng không thành công trong khi xe của ông chỉ chạy được 8000 km.
Đáp lại, hôm 2/5, trang Facebook chính thức của VinFast đăng bài nói rằng ông Hoàng đã loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng xe VinFast Lux A2.0, gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng.
Bài viết cũng thừa nhận mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng VinFast đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.
Cuối thông báo, VinFast nói "luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng", tuy nhiên "chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng" và cho rằng "đây là cách để VinFast thể hiện sự tôn trọng và mong muốn bảo vệ quyền lợi tối thượng của những khách hàng chân chính".
Qua những chi tiết vừa nêu không khó để nhận ra rằng VinFast đang gắp lửa bỏ tay người và nói cho tận cùng thì nó đang dùng quyền lực tài chính để uy hiếp công dân Việt Nam chứ không riêng gì khách hàng của nó. Sở dĩ nó uy hiếp mọi công dân Việt vì tầm cỡ đại công ty của Phạm Nhật Vượng lớn gấp hàng trăm lần Tân Hiệp Phát và sức mạnh của nó làm áp lực lên cơ quan điều tra không nói cũng đủ biết là mạnh tới mức nào.
Tập đoàn của Vượng làm chủ từ nhà cửa, sân golf, chung cư, đất đai, resort nghĩ dưỡng, cho tới siêu thị, bệnh viện, trường học, xe hơi…hầu như lãnh vực quan trọng nào thuộc sinh hoạt đời sống của người dân thì Vượng đều vươn vòi của nó tới. Cung cách lên tiếng khi bị khiếu nại của VinFast không khác nào tờ trình của công an trước một vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến… người dân Việt khi sử dụng dịch vụ của Vượng có nghĩa là đang chạm tay tới lửa không biết phỏng lúc nào.
Mặc dù lớn mạnh và vòi bạch tuộc phủ khắp nơi nhưng Vượng khó một tay che hết mạng xã hội nơi có hơn 65 triệu người dân trong nước và hàng trăm ngàn chuyên gia người Việt khắp thế giới đang âm thầm theo dõi. Trần Văn Hoàng cùng với hơn 450 ngàn người phía sau chắc chắn cũng đang sẵn sàng lên tiếng nếu có một vụ con ruồi thứ hai.
Trần Văn Hoàng không đòi bồi thường mà chỉ yêu cầu VinFast sửa chữa nhanh chóng sản phẩm hư cho anh ta vì vậy VinFast kiện anh Hoàng dựa vào yếu tố loan tải thông tin không đúng sự thật về chất lượng gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của hãng sẽ khó thuyết phục ở tòa án nếu được mở ra.
Chiếc xe còn đó, lỗi hư hỏng vẫn nguyên vẹn và VinFast khó có thể nói rằng lỗi đó do anh Hoàng tự làm ra rồi vu khống cho VinFast.
Bởi tin vào đồng tiền của mình có thể làm cho luật pháp cong theo, ông Vượng và bộ sậu xử lý thông tin nghĩ rằng sự hăm dọa sẽ khiến cho những người như ông Hoàng chột dạ và rút lui nhưng Vinfast quên rằng người dân hôm nay đã khác với những năm trước khi mà Tân Hiệp Phát còn làm trời làm đất. Ông Vượng đánh giá người tiêu dùng quá thấp, cái ông mang ra trao cho họ là pháp luật một chiều, chiều của sức mạnh, sẽ không làm cho họ khiếp hãi. Có chăng sự khiếp hãi ấy sẽ biến thành tẩy chay, chống đối và phỉ nhổ.
Reuters mới đây loan tin VinFast có thể sẽ có mặt ở Mỹ vào năm 2022 và sẽ lên sàn IPO. Người Việt ở Mỹ chắc rất hớn hở chờ đợi nó xuất hiện, không phải hớn hở đón chào nó bằng tự hào Việt Nam mà hớn hở ném trứng, cà chua thối vào nó cho dân bản xứ biết khuôn mặt thật của một tập đoàn tư bản đỏ.