Mạc Văn Trang
17-4-2021
Từ khi Nguyễn Thúy Hạnh bị công an bắt ngày 7/4/2021, xã hội đã nhìn vào Thuý Hạnh với nhiều quan điểm và bày tỏ ý kiến khác nhau. Nay thử lấy Nguyễn Thúy Hạnh soi vào xã hội xem sao?
VÀI NÉT VỀ NGUYỄN THUÝ HẠNH
Nguyễn Thúy Hạnh sinh ngày 5/5/1963. Khi Thúy Hạnh 5 tuổi và chị gái 7 tuổi thì bố mất, mẹ mới 27 tuổi và đi bước nữa. Thúy Hạnh và chị sống với ông bà nội. Ông nội tuy đỗ Tú tài Tây, là cán bộ cách mạng, nhưng rất nghiêm khắc, rèn giũa các cháu từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ theo tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” kiểu Á Đông. Chị em Thuý Hạnh cảm thấy căng thẳng và cô đơn, lại càng thương nhớ Mẹ và buồn tủi vì mồ côi cha, vắng mẹ… (Thuý Hạnh viết, lúc lâm chung, ông rất ân hận, đã làm mất tuổi thơ của các cháu).
Bà nội là y sĩ quanh năm suốt tháng tận tâm cứu giúp những người bệnh tật. Chị em Thuý Hạnh đã thấm nhuần và thừa hưởng lòng thương người, cứu giúp người vô điều kiện từ bà nội.
Thuý Hạnh là cô bé yếu đuối, đa cảm, nên nỗi cô đơn thiếu cha vắng mẹ đã khiến cô rơi vào trầm cảm, không muốn giao tiếp với ai, sống thầm lặng với nội tâm khép kín với bao nỗi niềm tâm tư.
Thuý Hạnh luôn là “trò giỏi văn, cháu ngoan Bác Hồ”. Hết THPT muốn theo nghiệp của bà nội, Hạnh vào học Trung cấp ngành Y; nhưng tốt nghiệp rồi, thấy kinh tế thị trường sôi động, hấp dẫn, Hạnh lại học tiếp ĐH ngoại thương và ĐH Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thuý Hạnh làm cho công ty quốc doanh dịch vụ du lịch. Vào năm 2000, Thuý Hạnh chuyển qua làm Giám đốc đối ngoại cho công ty mía đường KCP thuộc tập đoàn KCP Ấn Độ, đến năm 2015 thì nghỉ hưu.
Thuý Hạnh có mặt trong phong trào xã hội dân sự từ năm 2008, khi tham gia hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông; biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội, biểu tình bảo vệ môi trường biển; biểu tình chống luật đặc khu; biểu tình đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Từ khi tham gia vào các phong trào xã hội dân sự, Thuý Hạnh thấy niềm vui khi hoà nhập vào xã hội, thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn…
Từ năm 2011 đến năm 2018, cùng với các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, Hạnh còn lo cứu giúp những người dân oan khó khăn, người hoạt động xã hội bị đánh đập, tù đày. Ban đầu Hạnh bỏ tiền túi ra giúp đỡ trực tiếp các nạn nhân. Sau này số lượng nạn nhân tăng lên nhiều, và Hạnh đã về hưu, không đủ tiền để giúp nên kêu gọi nhiều người đóng góp.
Năm 2014, Hạnh tham gia Quỹ cứu giúp dân oan, năm 2018, Hạnh lập ra quỹ 50K để giúp đỡ tất cả các gia đình tù nhân lương tâm gặp khó khăn khi lao động chính trong nhà bị bắt đi tù. 50K là 50.000 đồng, là số tiền tối thiểu có thể đóng vào hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Hạnh kêu gọi đóng 50 ngàn đồng, để có số đông người tham gia đóng góp, đồng thời với số tiền ít ỏi đó, người đóng góp không sợ nhà cầm quyền đàn áp, bắt bớ.
Mỗi tháng, Hạnh quyết toán Quỹ 50K từ 2 đến 3 lần. Số dư nếu có của đợt quyết toán trước, nhập vào đợt quyết toán sau. Danh sách người gởi cùng số tiền đóng góp, và danh sách người nhận cùng số tiền nhận, được đưa lên công khai sau mỗi đợt quyết toán, ai cũng có thể vào kiểm tra được.
Do cách làm công khai minh bạch như vậy, quỹ 50K đã tạo ra uy tín lớn, được mọi người tin cậy, nên ngày càng lan rộng trong cộng đồng trong và ngoài nước …
SOI THUÝ HẠNH VÀO XÃ HỘI THẤY GÌ?
1. Nếu Thuý Hạnh sống AN PHẬN, kệ sự đời, cô có thể rất “ung dung tự tại”, ở một căn hộ sang trọng, còn mấy căn cho thuê; lương hưu 8 triệu đồng một tháng và tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm, tha hồ ăn chơi sành điệu, du lịch trong nước, ngoài nước khắp nơi, làm đẹp, đưa hình lên facebook và tự ngắm mình, mãn nguyện với hàng ngàn like và “còm”: “cô em sinh tươi quá”, “tuyệt vời chị ơi”, “người trẻ mãi không già”… Nhưng Thuý Hạnh thuộc kiểu người không thể nào sống, ngày lại ngày như thế được!
2. Nếu Thuý Hạnh muốn thành một QUÝ BÀ DOANH NHÂN cũng không khó. Cô có hơn 15 năm làm Giám đốc đối ngoại cho một Công ty lớn liên doanh nước ngoài; từng lăn lộn cứu nguy cho Công ty để có uy tín và hưởng lương cao. Đồng thời cô cũng đầu tư kinh doanh hiệu quả để có thể gọi là một doanh nhân thành đạt. Cô có thể lên tivi Talk show về kinh nghiệm kinh doanh của một doanh nhân, một CEO; có thể giao tiếp với giới doanh nhân trong các sự kiện đình đám; có thể đến những khách sạn 5 sao, vũ trường sang trọng và khối “phi công trẻ” bám theo… Nhưng cái “tạng” của Thuý Hạnh không thích hợp với mẫu người đó. Chính lúc có nhiều nhà, đất, nhiều tiền nhất là lúc Thuý Hạnh giật mình, sợ hãi, có thể “đánh mất mình chăng”? Vì cô luôn coi trọng, tìm kiếm những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất! Và cô đã buông bỏ dần để trở lại với chính mình, tìm lại bản tính của mình…
3. Nếu Thuý Hạnh muốn thành THI SĨ? Tôi biết Hạnh có làm thơ nhưng không đăng lên FB. Chồng cô, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết, Hạnh làm rất nhiều thơ trên điện thoại, khá nhiều bài hay, bảo cô in ra thành tập Thơ cho các con và bạn bè đọc, nhưng Hạnh không chịu.
Năm 16 tuổi, ngay bài thi vào lớp Mười THPT, bài văn viết về Mẹ của cô được điểm 10 tuyệt đối và cô được bồi dưỡng thành học sinh “chuyên văn”… Với tâm hồn văn chương phong phú, lãng mạn, trái tim đa cảm và thích sống cô đơn với nội tâm của mình, tôi tin Thuý Hạnh có nhiều bài thơ, câu thơ hay. Nếu Thuý Hạnh xuất bản thơ, gửi thơ dự thi và với vóc dáng dễ thương, quan hệ khéo léo lại sẵn tiền tài trợ cho Hội, Thơ cô có thể được giải, được thả lên trời xanh trong “Ngày Thơ Việt Nam”… Và khối nhà thơ uy tín, đa tình sẵn sàng viết bài ngợi ca thơ Thuý Hạnh. Thuý Hạnh lại sinh ra và lớn lên từ “cái nôi của Tự lực Văn đoàn” ở Cẩm Giàng càng thêm cơ sở hấp dẫn để cô có cơ hội trở thành một Nữ Thi sĩ đình đám trên “Thi trường”. Cô sẽ là khách VIP khi về thăm trường cũ, với bài nói chuyện về văn thơ đầy quyến rũ trước những cặp mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh… Chắc chắn thơ của TH không phải là “Tôi học lớp 10 C Cẩm Giàng”…
4. Nếu Thuý Hạnh CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, muốn làm “chính khách” cũng không khó. Cô sống với ông bà nội, một gia đình cách mạng, lý lịch có giá; cô lại lại là một doanh nhân sẵn sàng bỏ ra chục tỷ “quan hệ” để được vào danh sách bầu ĐBQH chính thức; với dáng vẻ dễ thương, trẻ trung, năng động, trình độ Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ (tiếng Anh), lại tên vần “H” xếp quãng giữa danh sách, có thể trúng cử trên 90% số phiếu ấy chứ!
Là học sinh chuyên văn, những bài phát biểu của cô, chả cần nhờ thư ký viết, chắc cũng khác xa tầm nhiều chính khách cắm cổ đọc ngập ngà ngập ngọng một bài thư ký viết sẵn; chắc cô không phát biểu những câu ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ; và khéo quan hệ, cô có thể là Trưởng ban đối ngoại của Quốc hội hơn khối người, vì cô từng làm Giám đốc phụ trách PR cho một công ty lớn, với vốn tiếng Anh giao tiếp tốt; cô từng được ông nội rèn giũa phẩm hạnh của người phụ nữ Á đông nên từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói chắc là chuẩn mực; cô mà dẫn Tổng thống Mỹ thăm ao cá Bác Hồ, sẽ vừa đi vừa giải thích cho tổng thống hiểu, vừa hướng dẫn tổng thống cho cá ăn sao cho thư thái, cảm nhận sự bình an, vui thú, chứ không đổ ụp cả xô thức ăn và nguẩy nguẩy đi như giận dỗi! Còn cô muốn có 200 chứ 500 bộ áo dài cũng sẵn có…
Nhưng Thuý Hạnh không thể nào là kẻ “cơ hội chính trị”. Năm 2016 cô tự ra ứng cử QH là vì thực sự thấy trách nhiệm công dân, muốn là một đại diện thực sự của dân, cất tiếng nói của lòng dân. Tất nhiên những người Như Thuý Hạnh mà ứng cử vào Quốc hội thì vừa bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vừa bị chính quyền thù ghét (!).
5. Nếu Thuý Hạnh muốn BỎ NƯỚC RA ĐI cũng thật dễ dàng. Con trai lớn của cô có bằng Thạc sĩ bên Pháp; con thứ hai có bằng Đại học bên Mỹ và đã có việc làm với lương cao, có thẻ xanh… Khi đủ điều kiện họ sẽ đàng hoàng bảo lãnh cho cô sang với con. Còn muốn “đi tắt đón đầu” như mấy đương kim ĐBQH bằng cách mua quốc tịch thì Thuý Hạnh cũng đủ tiền. Nhưng Thuý Hạnh có bao giờ muốn rời bỏ đất nước mà cô yêu cháy bỏng và cũng vì quá yêu nước mà phải dấn thân đấu tranh cho những điều tốt đẹp. Cô chỉ tha thiết làm một công dân YÊU NƯỚC, THƯƠNG NÒI chứ không thể khác, dù biết rằng khổ ải, hiểm nguy luôn rình rập.
VẬY MÀ:
– Có những người thấy hình Thúy Hạnh ngày 8/7/2012, giương lá cờ đỏ sao vàng đi biểu tình chống Trung cộng xâm lăng, là quy ngay cho cô là “tay sai cộng sản”, “đã là cộng sản không thể tử tế”, “đấu tranh giả hiệu kiếm vé đi Mỹ” (?)… Những người này không hiểu rằng, Liên Xô sụp đổ, các nước cộng sản Đông Âu chuyển đổi chế độ đều chủ yếu do những người vốn là cộng sản làm thay đổi lịch sử. Những người này sao hiểu được bà Angela Merkel từng là cán bộ Đoàn TN Tự do CHDC Đức, lại có thể làm Thủ tướng CHLB Đức hơn 15 năm với uy tín lớn lao? Hơn nữa chính Thuý Hạnh viết rằng, năm 2008 cô vẫn là “bò đỏ”, rồi mới tự giác ngộ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Những đầu óc định kiến, hận thù, không hiểu được những điều này, cứ u mê như vậy thì hy vọng gì cho hoà hợp dân tộc, dân chủ, nhân quyền?!
– Có những kẻ chuyên suy bụng ta ra bụng người, nói Thuý Hạnh “vô nghề nghiệp”, lợi dụng quỹ 50k để sống an nhàn và mua mấy căn hộ cao cấp… Loại cặn bã xã hội chuyên nghề bôi nhọ, vu khống những người tử tế một cách bỉ ổi, chẳng nói làm gì, nhưng đây là “nhà báo” ký tên QUANG MINH, báo Nhân Dân mới càng khốn nạn chứ.
– Một chính quyền tự xưng là “của dân, do dân, vì dân”, có bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Chương 2 Hiến pháp (2013) tiến bộ, nhưng lại chuyên dùng mưu hèn, kế bẩn, đầy đoạ những người như Thuý Hạnh vào ngục tù, thì chỉ chứng tỏ bản chất thấp kém của chính quyền đó trước bàn dân thiên hạ và trước lịch sử.
Các thế lực đen tối không thể nào bôi nhọ, khuất phục được Nguyễn Thuý Hạnh vì cô yêu nước, thương dân với tâm hồn trong sáng, với trái tim bao dung, tràn đầy yêu thương và ứng xử cẩn trọng. Có người thân nào, có bạn bè, đồng chí nào, có ân nhân nào của Thuý Hạnh nói những điều không tốt về cô không?
Hiếu Bá Linh, biên dịch
14-4-2021
Bà Nguyễn Thúy Hạnh |
Việt Nam bắt giam Nguyễn Thúy Hạnh một cách tùy tiện
Đài quan sát Bảo vệ các nhà bảo vệ Nhân Quyền (The Observatory for the Protection of Human Rights Defenders), một đối tác của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT), kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của các bạn trong tình huống sau đây ở Việt Nam.
Mô tả tình huống:
Đài Quan Sát đã được thông báo về vụ bắt và giam giữ tùy tiện bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập “quỹ 50K”, một quỹ được thành lập để hỗ trợ gia đình các tù nhân bị giam giữ oan ức trên khắp Việt Nam. Là một nhà vận động nhân quyền nổi tiếng, bà quản lý một tài khoản Facebook nổi tiếng, nơi bà thường xuyên thảo luận về các vấn đề nhân quyền.
Ngày 7 tháng 4 năm 2021, Nguyễn Thúy Hạnh bị Công an bắt và khởi tố theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nếu bị kết tội, bà ấy có thể phải đối mặt với án tù từ 5 năm đến 20 năm. Hiện bà đang bị giam tại Trại tạm giam số 2, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nguyễn Thúy Hạnh đã nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu vì các hoạt động của bà với tư cách là một nhà bảo vệ nhân quyền. Bà đã bị quấy rối và đe dọa nhiều lần, sau khi bà tìm cách tranh cử vào Quốc hội năm 2016 với tư cách là một ứng cử viên độc lập ở Hà Nội. Hơn nữa, nhà của bà thường xuyên bị giám sát và các nhân viên cảnh sát thường ngăn cản bà rời khỏi căn hộ của mình.
Tháng 6 năm 2018, bà đã bị tạm giữ một thời gian ngắn mà không bị buộc tội khi tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, chống lại Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu kinh tế. Sau khi được thả, bà cho biết mình đã bị cảnh sát đánh đập dã man trong quá trình thẩm vấn, dẫn đến vết thương trên mặt. Công an cũng nhiều lần thẩm vấn bà Nguyễn Thúy Hạnh về việc bà có liên quan đến Quỹ 50K.
Tháng 1 năm 2020, khi cảnh sát đột kích vào làng Đồng Tâm, Hà Nội, nhằm chấm dứt một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài, dẫn đến một cuộc đụng độ chết người với người dân, bà đã gây quỹ để hỗ trợ gia đình của một trưởng thôn, là người bị cảnh sát giết chết. Để trả đũa, tài khoản ngân hàng của bà sau đó đã bị đóng băng, các nhân viên ngân hàng nói rằng công an đã buộc họ phải làm như vậy.
Đài Quan Sát bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ tùy tiện và sách nhiễu tư pháp đối với Nguyễn Thúy Hạnh, vì dường như nó chỉ nhằm trừng phạt bà vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp của bà. Đài Quan Sát kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện các cáo buộc đối với Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu, kể cả về tư pháp, đối với bà.
Yêu cầu các hành động:
Xin hãy viết thư cho các cơ quan chức năng Việt Nam, kêu gọi họ:
i. Bảo đảm trong mọi trường hợp sự toàn vẹn về thể chất và sức khỏe tâm lý của Nguyễn Thúy Hạnh và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác ở Việt Nam;
ii. Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh vì việc giam giữ bà là tùy tiện và chỉ nhằm trừng phạt bà bởi các hoạt động nhân quyền của bà;
iii. Chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu – kể cả về tư pháp – đối với Nguyễn Thúy Hạnh và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác ở Việt Nam, đồng thời bảo đảm trong mọi trường hợp họ có thể thực hiện các hoạt động hợp pháp và thực hiện các quyền của mình mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào và không sợ bị trả thù.
Địa chỉ:
Đồng thời, hãy viết thư cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước của bạn.
———
– Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (International Federation for Human Rights – viết tắt FIDH) là một liên hiệp tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền. FIDH được thành lập vào năm 1922 và là một trong những tổ chức nhân quyền quốc tế thành lập lâu đời nhất trên toàn thế giới, hiện nay đã có 178 tổ chức thành viên, tại hơn 100 quốc gia, trụ sở chính đặt ở Paris, Pháp.
– Đài quan sát Bảo vệ Nhân quyền (Đài Quan sát) được thành lập vào năm 1997 bởi FIDH và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT). Mục tiêu của chương trình này là, ngăn chặn hoặc khắc phục các tình huống đàn áp đối với những người bảo vệ nhân quyền. FIDH và OMCT đều là thành viên của ProtectDefenders.eu, Cơ chế Bảo vệ Nhân quyền của Liên minh Châu Âu do xã hội dân sự quốc tế thực hiện.
– Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) giữ vai trò điều phối và hỗ trợ các thành viên và liên hệ với các tổ chức liên chính phủ, tổ chức này cũng liên lạc thường xuyên với Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).
Để liên hệ với Đài Quan Sát, hãy gọi đường dây khẩn cấp:
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh tại một buổi biểu tình phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ ngoại giao Cộng hoà Czech vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho bà. |
Cộng hoà Czech vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ gần đây của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh và kêu gọi trả tự do “ngay lập tức” cho người phụ nữ đã lập quỹ hỗ trợ các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Bà Hạnh, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội, bị chính quyền khởi tố bắt tạm giam hôm 7/4 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, với mức án có thể tới 20 năm tù.
“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh và những cáo buộc chống lại bà,” BNG Cộng hoà Czech nói trong một tuyên bố và được Đại sứ quán nước này ở Hà Nội đăng tải lại trên trang Facebook chính thức hôm 12/4.
Bà Hạnh từng ứng cử đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập năm 2016. Ngoài việc sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bà Hạnh còn dùng tài khoản ngân hàng của mình để nhận tiền phúng điếu đám tang Cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần làng Đồng Tâm bị sát hại trong cuộc đột kích của công an Hà Nội hồi đầu năm 2020, của người dân khắp nơi gửi về.
“Đó là một người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ các gia đình của những người bị giam giữ một cách bất công,” BNG Czech nói trong tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi thả bà Nguyễn Thuý Hạnh ngay lập tức và vô điều kiện.”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cám ơn Sứ quán Séc đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho vợ ông qua trang Facebook cá nhân. Ông Chênh, người từng có nhiều bài viết mang tính chỉ trích trên trang blog cá nhân và mạng xã hội, cho biết bà Hạnh được đưa về nhà hôm 9/4 để gặp chồng và đưa lại một số vật dụng cá nhân trước khi bị đưa trở lại trại giam.
Theo truyền thông trong nước, bà Hạnh bị công an Hà Nội bắt tạm giam vì “hành vi chống phá Nhà nước.” Về việc phong toả tài khoản do bà Hạnh đứng tên quyên góp được hơn 500 triệu tiền “phúng viếng cụ Kình”, Bộ Công an nói rằng đây là một trong những biện pháp “chống khủng bố” mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Công an Hà Nội bắt giữ bà Hạnh ngay trong tuần nhậm chức của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người từng có hàng thập niên làm trong ngành công an.
Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức nhân quyền quốc tế đầu tiên lên án việc bắt giữ bà Hạnh. Tổ chức có trụ sở ở London, Anh, cho rằng việc bắt bà Hạnh có “động cơ chính trị” và là hành động “vi phạm nhân quyền trắng trợn” của chính quyền Hà Nội. Theo phó giám đốc phụ trách các chiến dịch vận động của tổ chức này, Ming Yu Hah, bà Hạnh là “một nhà hoạt động truyền cảm hứng, người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ bất công ở Việt Nam.”
Theo ông Chênh cho biết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân, bà Hạnh đã đứng ra kêu gọi quyên góp tiền thuê luật sư cho những người trong hội Anh em Dân chủ bị đưa ra toà xử án và từ đó lập quỹ 50K để hỗ trợ “các gia đình tù nhân lương tâm đang gặp khó khăn.”
Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/4 ngay sau khi bà Hạnh bị bắt, nói rằng bà Hạnh là một trong những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền năng động nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Theo tổ chức này, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “đã thực hiện nhiều biện pháp để đe doạ bà (Hạnh) buộc bà phải dừng hoạt động của Quỹ 50K, bao gồm triệu tập lên đồn công an để tra khảo, canh giữ không cho bà đi ra ngoài trong nhiều sự kiện, và bôi xấu bà trên truyền thông (do nhà nước kiểm soát). Đỉnh điểm của sự đàn áp là việc bắt giữ bà vào sáng (ngày 7/4).”
Tổ chức này kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 8/4/2021 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh. |
Chuyện một nhà hoạt động có ảnh hưởng như bà Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt ở Việt Nam không có gì lạ. Nó cũng giống như người ta từng bắt bà Phạm Đoan Trang và nhiều người trước đó. Nhưng lý do gì khiến bà Hạnh bị bắt trong tháng Tư?
Câu hỏi hoàn toàn xác đáng này dĩ nhiên không được truyền thông Việt Nam đặt ra vì nỗi sợ cố hữu. Nhưng kể cả nếu nó có được nêu, câu trả lời của chính quyền hiển nhiên không đáng tin. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể phán đoán dựa vào những gì thực tế đã xảy ra.
Bà Hạnh bị bắt vì cáo buộc “làm, tàng trữ, hoặc tuyên truyền” thông tin chống nhà nước, điều là quyền của người dân tại các nước có nhiều đảng sẵn sàng chống lại đảng đương quyền. Bản thân điều 117 của Bộ Luật hình sự này đã nhiều lần bị lên án và bị coi là võ đoán.
Các nhà hoạt động như bà Hạnh đương nhiên không thể xuất hiện trên truyền thông Việt Nam trừ khi họ bị bắt và ngay lập tức bị gọi tên trống không, tăng tuổi từ 58 thành 68 và với tít thiên vị chính quyền như báo Lao động đăng “Một phụ nữ chống phá Nhà nước bị bắt tạm giam”.
Lần lại những bài viết của nhà hoạt động trên Facebook, bài mới nhất có thể khiến chính quyền có thêm cớ để bắt bà là bản tin cập nhật tình hình tù nhân lương tâm Việt Nam đăng hôm 31/3.
Đường dẫn tới bản tin lưu trên Google dẫn một số thông tin có trên truyền thông Việt Nam nhưng cũng có những thông tin mà truyền thông chính thống không bao giờ đăng.
Chẳng hạn tin về nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam sang Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 để thực hiện điều được gọi là “giám định sức khoẻ tâm thần” hôm 1/3/2021 có những đoạn:
“Gia đình không được thông báo cho đến khi chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Phương đi tiếp tế hôm 19/3; tuy nhiên chị đã không được biết chồng được chuyển đi đâu.
“Mãi đến bốn ngày sau cơ quan an ninh Hà Nội mới xác định Trịnh Bá Phương đã được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vì anh bất hợp tác, không nhìn cũng như không chịu trả lời những câu hỏi của điều tra viên.
“Chị Thu cho biết anh Phương đã giữ quyền im lặng kể từ khi bị bắt vào cuối tháng Sáu năm 2020 và sẽ tiếp tục giữ quyền im lặng cho đến khi được gặp luật sư.
“Nhà hoạt động Lê Anh Hùng và Nhà văn Phạm Thành là hai trường hợp khác bị đưa vào viện tâm thần, một biện pháp được giới hoạt động cho là nhằm khủng bố tinh thần để trả thù những người hoạt động nhân quyền.”
Hồi cuối tháng Ba, bà Hạnh cũng đưa tin về chuyện nhà hoạt động Lê Trọng Hùng bị bắt vì tự ứng cử Quốc hội, điều bà Hạnh cũng làm hồi năm 2016. Bà kêu gọi mọi người trợ giúp tài chính cho gia đình ông Hùng, người có vợ mù và hai con nhỏ.
Quỹ 50K mà bà Hạnh lập ra hồi năm 2018 để ủng hộ các tù nhân lương tâm và gia đình họ là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Mặc dù tuyên bố đóng quỹ hồi cuối năm 2020, bà Hạnh vẫn tiếp tục giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết sau khi bà Hạnh bị bắt tạm giam: “Bắt đầu những cuộc làm việc bằng giấy triệu tập từ cuối 2020 và kết thúc bằng một lệnh bắt đầu tháng 4/2021. Đó là một hành trình dài, đủ để chị Hạnh biết mình có lẽ sẽ bị bắt. Nếu chị thực sự chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến quỹ 50k, chuyện hôm qua [7/4] đã không xảy ra. Nhưng vì những hoàn cảnh của gia đình các tù nhân lương tâm, chị không thể dừng lại.”
Quỹ 50K của bà Hạnh cũng đã được trao Giải thưởng mang tên tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng của tổ chức Việt Tân trong năm 2019.
Ngoài Quỹ 50K, bà Hạnh cũng quyên góp được trên nửa tỷ đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết tại gia khi công an ập vào nhà ông lúc tờ mờ sáng hồi tháng 1/2020 trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm. Toàn bộ số tiền này đã không bao giờ tới được gia đình ông Kình do bị chính quyền Việt Nam phong toả tài khoản của bà Hạnh ở ngân hàng Vietcombank.
Bà Hạnh cũng bị bắt trong bối cảnh Việt Nam có thủ tướng mới, bộ trưởng ngoại giao mới và Quốc hội mới sẽ được bầu ra vào ngày 23/5/2021.