Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Vận động Dân chủ
Thuận theo thời mà phát triển

Vận động dân chủ (3)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

2021-05-26 - RFA

An ninh Hà Nội bắt hụt nhà báo độc lập Lê Dũng Vova

Ông Lê Văn Dũng. FB Le Dung Vova

Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội hôm 25 tháng 5 năm 2021 đến nhà ông Lê Văn Dũng (hay còn gọi là Lê Dũng Vova) ở quận Hà Đông để thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, tuy nhiên thời điểm này ông Dũng không có mặt ở nhà.

Theo người thân của ông Dũng, ông bị cáo buộc tội danh "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Bà Bùi Thị Huệ, vợ ông Lê Văn Dũng trưa 26-5 thuật lại vụ việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau: 

"Tầm khoảng 1 giờ 30 chiều, hơn 20 an ninh vào đọc lệnh khám nhà, lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với anh Lê Văn Dũng theo Điều 117 (Bộ Luật Hình sự).

Mình không được xem phải đứng một khoảng cách xa, không được xem và cũng không được cầm. 

Lúc đấy anh Dũng không có ở nhà, hiện tại anh ấy vẫn tạm thời an toàn.

Có lệnh khám nhà và có khám nhà nhưng không thu giữ cái gì liên quan đến anh Dũng, mà chỉ thu giữ một cái laptop và hai cái điện thoại mà tôi đang sử dụng. 

Có lập biên bản nhưng do tôi không ký nên họ không đưa lại bất cứ thứ gì."

Ông Lê Văn Dũng là chủ kênh truyền thông CHTV, chuyên dùng tính năng phát trực tiếp của Facebook để loan tải những tin tức, đặc biệt là ông thường giúp đỡ những người dân oan cất lên tiếng nói trong các chương trình của mình. 

Trên tài khoản Facebook của mình vào tối ngày 25-5, ông Dũng cho hay từ tháng một đến giờ ông liên tiếp bị gửi giấy triệu tập để gặp, làm việc về đơn tố giác của Cục an ninh mạng vớ Cơ quan điều tra Hà nội. 

Cơ quan an ninh cho rằng ông đã làm ra các clip trên mạng có nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước và có dấu hiệu của tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước". 

Tuy nhiên đến ngày 10-4-2021, an ninh điều tra Hà Nội quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, do "đến thời hạn giải quyết nhưng cơ quan điều tra chưa nhận được kết quả" giám định các video clip có mặt ông Dũng từ Sở thông tin truyền thông Hà Nội và Viện khoa học hình sự - Bộ Công an. 

Ông Lê Văn Dũng khẳng định, 12 đoạn clip mà cơ quan điều tra dùng để tố giác ông thì có hết phân nửa là đã bị cắt ghép và chắp vá.

"Tôi thấy những việc mình đã làm có ích cho mọi người và Đất nước, cần mọi người cùng làm để xã hội tốt lên.  

Có thể hôm nay nhiều người chưa nhận ra nhưng tôi tin rồi sẽ có ngày tất cả sẽ nhận ra, việc mình làm là đúng với lương tâm và trách nhiệm của một Công dân. 

Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ thị, sự khác biệt về nhận  thức. 

Không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ ổn, chúng ta cần hướng tâm đến cộng đồng vì một ngày mai tốt đẹp hơn." - ông Dũng khẳng định trên Facebook cá nhân. 

Trong bài viết với tiêu đề "Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại bầu cử" của mạng báo Công an nhân dân đăng ngày 25 tháng 5 năm 2021, quy kết ông Lê Văn Dũng là điển hình của "số chống đối trong nước nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam.

Tin, bài liên quan

Chủ trang CHTV cho biết mình ‘nói đúng lương tâm’ sau khi bị bắt hụt

May 26, 2021 - nguoi-viet

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vài giờ sau khi có tin công an đến nhà đọc lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam, ông Lê Văn Dũng, tự Dũng Vova, 51 tuổi, chủ trang CHTV, đăng một bài “trần tình” trên trang cá nhân.

Ông Lê Văn Dũng, tự Dũng Vova, được biết đến là chủ trang CHTV phát sóng không qua kiểm duyệt của nhà nước. (Hình: Facebook Lê Dũng Vova)

“Tôi khẳng định là các livestream của tôi trên Facebook cá nhân hoàn toàn dựa trên các chuẩn mực đạo đức và hiến pháp, pháp luật, phần lớn là các clip về các vấn đề kỹ thuật và quản lý dự án, quản lý xây dựng. [Các video clip này] giúp anh em đồng nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ quy định và nghiệp vụ quản lý. Từ những kinh nghiệm tôi làm tư vấn xây dựng hơn chục năm, muốn viết lên Facebook chia sẻ nhưng mắt kém thì nói cho tiện,” ông Dũng viết.

Ngoài ra, ông Dũng cũng giải thích thêm rằng trang mạng của ông phản ảnh giúp dân về việc họ gửi đơn từ khiếu kiện đất đai nhưng chưa được giải quyết.

Ông Dũng viết thêm: “Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ thị sự khác biệt về nhận thức.”

Trước đó, blogger Đặng Bích Phượng loan báo trên trang cá nhân rằng vào chiều 25 Tháng Năm, công an đến nhà ông Lê Văn Dũng đọc lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam nhưng ông này không có nhà. Công an được cho là thu giữ laptop và điện thoại của bà Huệ Bùi, vợ ông Dũng.

Trong kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua, ông Dũng được ghi nhận là một trong những Facebooker ở Hà Nội bị các báo ở Việt Nam lên án. Trong số đó, báo Quân Đội Nhân Dân hồi đầu Tháng Tư quy chụp trang CHTV của ông Dũng “xuyên tạc tình hình đất nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ chính quyền.” “CHTV hoàn toàn không phải là một kênh truyền hình, mà chỉ là trang cá nhân do Lê Văn Dũng (Dũng Vova) cùng đồng bọn lập ra để trục lợi và chống phá đảng, nhà nước,” báo này viết.

Công An Hà Nội liên tiếp ập vào tư gia của ông Lê Văn Dũng trong lúc ông này vắng nhà. (Hình: Facebook Lê Dũng Vova)

Báo Quân Đội Nhân Dân cho rằng ông Dũng “không chấp hành và có biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước” khi ông này khước từ việc bị Cơ Quan An Ninh Điều Tra, Công An thành phố Hà Nội, triệu tập nhiều lần.

Liên quan vụ này, hồi đầu Tháng Giêng, ông Dũng đăng trên trang cá nhân hình chụp một loạt giấy triệu tập của Công An thành phố Hà Nội, đòi ông phải đến trụ sở “để làm việc liên quan đến tin báo tội phạm của Cục An Ninh Mạng và Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao, Bộ Công An.”

Trong thư ngỏ đề gửi “tứ trụ” CSVN đăng trên trang cá nhân, ông Dũng tự xưng “là một công dân mẫu mực, đóng thuế thu nhập, mua tặng đồng bào cả nước có đến gần chục ngàn cuốn Hiến Pháp 2013 để phổ biến hiến pháp, pháp luật.” (N.H.K) [qd]

Thông tin về ông Lê Dũng VoVa

26/05/2021 - baotiengdan

Cường Hoàng Công
26-5-2021

* Căn cứ:

– Bài viết hôm qua 25/05/2021 của ông Lê Dũng VoVa về việc ông đang đi làm xa để lo tiền chăm lo cho gia đình.

– Một số thông tin trên mạng internet về việc nhà riêng ông Lê Dũng bị một đám đông tự xưng công an kéo đến lục soát, thu giữ tài sản cá nhân của vợ ông Lê Dũng.

* Trên danh nghĩa:

– Bạn đồng niên với ông Lê Dũng, quen biết nhau từ năm 2011 khi xuống đường biểu tình phản đối Tàu cộng xua tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh trên biển Đông.

– Muốn xác minh lời đồn về việc nhân danh chính quyền sách nhiễu vợ/con ông Lê Dũng trong khi ông Lê Dũng vắng nhà là thật hay giả?

* Chiều nay, 17h ngày 26/05/2021 tôi có ghé qua tư gia của ông Lê Dũng trong khu Hà Trì-Hà Đông.

Vừa dừng xe ngó vào cổng sắt thì vợ ông và hai cháu bé con ông (một cháu trai 9 tuổi; một cháu gái 6 tuổi) thất thần/ ngơ ngác (có lẽ vì tưởng lại bị khủng bố như chiều qua”.

Tôi vội bỏ kính/ mũ/ khẩu trang để ba người phụ nữ và em nhỏ kia khỏi hoảng sợ. Vào nhà, trống hơ trống hoác, ba mẹ con còn chưa nổi lửa cơm chiều. Bên cốc nước lọc, bà Huệ vợ ông Lê Dũng kể trong thảng thốt.

– Chiều qua, đang tự nhiên mất điện, rồi ào ào họ (tự xưng công an Việt cộng) ập vào nhà riêng. Ào ào như sôi. Họ bật đèn từ điện thoại để lục tung mọi thứ trong nhà bà lên, kệ cho hai cháu bé và bản thân bà không khỏi bàng hoàng.

Lục lọi một lúc, vì bị cắt điện nên những nhân viên công lực tự nhận đó thấy quá nóng, họ gọi nhau để đóng điện cho nhà bà. Có điện họ bắt bà bật quạt, bật điều hoà để phục vụ họ.

Xong đoạn lục, đến đoạn bắt bà Huệ ký tá. Họ bắt bà ký biên bản thu giữ, bao gồm 01 bộ máy tính và 02 điện thoại smartphone của bà. Bà Huệ nói:

“Các người lục lọi tìm kiếm, thu giữ, tôi chẳng biết nhà tôi còn gì mất gì thì làm sao tôi ký vào biên bản thu giữ.”

Rồi họ lại bắt bà Huệ ký niêm phong máy tính. Bà Huệ lại nói:

“Máy tính các người tháo ra lắp lại lung tung cả, bây giờ bât tôi ký niêm phong tôi làm sao dám ký.”

* Bà Huệ kể lại: “Ông trưởng khu phải vào ký làm chứng mà tay run nhóc!” Và “Họ thu hết điện thoại nên trắng tay, việc bán buôn tần tảo nuôi con khi chồng vắng nhà giờ chả biết làm sao???”

Trước khi lũ đầu trâu mặt ngựa tự xưng chính quyền rút đi, bà Huệ nói: “Còn tủ sách toàn sách về hiến pháp, pháp luật của nhà nước Việt Nam kia sao các người không thu nốt đi.”

____

Ps: Lại nhớ ông cụ Kình làng Đồng Tâm.

Đầu trang

26/05/2021 - voatiengviet

Bác sĩ bất đồng chính kiến Hồ Hải rời Việt Nam đến Mỹ

Bác sĩ Hồ Hải trong một livestream hôm 19/5/2021 tại một thành phố ở Texas. Photo Facebook Ho Thien Co.

Ông Hồ Hải, bác sĩ bất đồng chính kiến, vừa rời Việt Nam đến Mỹ giữa lúc ông vẫn đang chịu hình phạt quản chế sau bốn năm tù giam vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông nói việc ông ra đi được cả hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ “đồng thuận”.

Ông thông báo trên trang blog cá nhân và Facebook rằng ông đến phi trường Dallas, Texas, hôm 10/5.

“Cả 2 chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đồng thuận chính thức để tôi được ra đi,” ông viết. “Về luật, tôi còn án quản chế của nước CHXHCNVN đến ngày 17 tháng 4 năm 2022, nhưng do nhu cầu vì một thế hệ trẻ tương lai và một nền nông nghiệp sạch cho Việt Nam, buộc lòng tôi phải đi Hoa Kỳ sớm”.

Bác sĩ Hồ Hải đến sân bay Dallas, Texas hôm 10/5/2021. Photo bshohai1.blogspot.com

VOA đã liên lạc Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về phát biểu của ông Hải, nhưng chưa được phản hồi.

Một người quen của bác sĩ Hồ Hải cho VOA biết bác sĩ Hồ Hải đã đến bang Texas và đang dành thời gian để thu xếp các công việc cần thiết, ổn định cuộc sống mới.

“Con đường phía trước còn lắm nhiêu khê cho một chương trình dài hạn tính bằng thế kỷ cho thế hệ trẻ Việt Nam và cho nông dân Việt,” bác sĩ Hồ Hải chia sẻ trên Facebook.

“Tôi hy vọng mình sẽ đóng góp chút ít tài hèn, trí nhỏ của mình cho công cuộc nâng dân trí, chấn hưng dân khí và lo hậu dân sinh của chí sỹ Phan Chu Trinh đã hằng mơ ước. Chỉ thế thôi,” ông nói thêm.

Bác sĩ Hồ Văn Hải, 57 tuổi, bị bắt vào tháng 11/2016, và bị tuyên án bốn năm tù giam và hai năm quản chế trong một phiên tòa vào tháng 2/2018, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Khi bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án, truyền thông Việt Nam trích cáo trạng cho biết ông “lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng đang và sắp diễn ra năm 2015, đăng nhiều bài viết có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước; kêu gọi người dân tham gia biểu tình chống Formosa, tham gia phong trào bất tuân dân sự, tẩy chay bầu cử HĐND các cấp...”

Ông Hồ Văn Hải từng làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh trước khi hành nghề bác sĩ tại các phòng khám đa khoa.

Trước lúc bị bắt, ông là chủ Facebook Hồ Hải và trang blog “BS Hồ Hải,” được nhiều người biết đến vì đăng tải những bài viết nêu ra mặt trái của chính quyền Việt Nam.

Hiện tại ông viết blog với tên Hồ Hải, Hồ Thiên Cơ, và tham gia trong nhóm tư vấn Sài Gòn Think Tanks với sứ mệnh giúp thanh niên Việt phát triển về giáo dục, khởi nghiệp.

Ông chia sẻ rằng ông đã quyết định chọn Hoa Kỳ là quê hương thứ hai, nhưng sẽ quay về cố hương. Bác sĩ nói trong một livestream phát hôm 19/5:

“Mình đi rồi mình sẽ về, về sớm thôi, để giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho nông dân Việt. Còn chuyện chính trị là chuyện to tát lắm, mình không đủ sức đâu! Đó là một quan hệ ràng buộc giữa những thế lực quốc tế và trong nước; những quyền lợi cá nhân và tập thể; nghiệp vĩ của dân tộc và cộng đồng thế giới...Nó đòi hỏi phải có một người lãnh đạo sáng suốt, có hướng đi đúng với dân tộc.”

“Gần bốn năm trong tù mình ngồi để suy nghĩ phải làm gì khi ra tù? Và hôm nay mình cố gắng làm như mình suy nghĩ, hành động tốt nhất để mang lại lợi ích cho người dân.”

Ông tâm sự trên trang Facebook cá nhân: “Tôi yêu Tổ quốc và Dân tộc Việt. Tôi sẽ về và đem đến những gì tốt đẹp đến với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình trước khi tôi trở về với cát bụi.”

Đầu trang

19/05/2021 - voatiengviet

USCIRF quan ngại việc chính quyền Phú Yên sách nhiễu tín hữu Tin lành Đấng Christ

Báo Phú Yên đăng bài lên án các tín hữu Tin lành Đấng Christ trên địa bình huyện Sông Hinh.

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vừa lên tiếng báo động về việc chính quyền ở Phú Yên sách nhiễu các tín hữu Tin lành Đấng Christ, một tôn giáo mà Việt Nam nói là “tà đạo” và “phản động”.

Ủy viên USCIRF James W. Carr viết trên Twitter hôm 14/5: “USCIRF rất quan ngại trước cuộc đàn áp của chính quyền tỉnh Phú Yên nhắm vào Hội thánh Tin lành Đấng Christ của người Thượng Tây Nguyên”.

USCIRF kêu gọi chính quyền địa phương cho phép hội thánh được thực hành đức tin của họ “mà không có sự can thiệp của chính quyền tại Việt Nam”.

Trước đó, vào tháng 1/2021, tổ chức International Christian Concern (ICC) có trụ sở ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, loan tin về việc chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên sách nhiễu, đấu tố 5 tín hữu Tin lành Đấng Christ.

Từ xã Ea Lâm, ông Y Coan Nie, tên thường gọi là Ama Toang, 50 tuổi, thầy truyền đạo cho khoảng 40 tín hữu tại địa phương, nói với VOA về việc chính quyền ngăn cấm đạo Tin lành Đấng Christ:

“Nhà cầm nghiêm cấm không cho nhóm họp, công an nói dứt khoát không cho đăng ký. Người ta bắt đi tù, bắt nhốt, tra tấn. Họ ngăn không cho nhóm, không cho đọc kinh, không cho cầu nguyện”.

“Cậu vợ tôi, Ma Tương, bị họ đánh đập, bị mời lên Uỷ ban Nhân dân xã miết”.

“Còn tôi, lúc trước về thăm quê bà chị ở Sông Ba thì có 4 công an huyện Sông Hinh đi xe ôtô dí tôi tới nhà bà chị luôn, họ thăm dò này kia... hỏi bên Đấng Christ có cho tôi tiền không?”, thầy truyền đạo cho biết thêm.

Từ Kon Tum, Mục sư A Đảo, Hội Thánh tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, người vừa được trả tự do vào tháng 9 năm ngoái sau 4 năm bị cầm tù, nói với VOA:

“Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên bị họ ngăn trở, không cho nhóm thờ phượng, họ ngăn trở niềm tin tôn giáo của người dân”.

VOA đã liên lạc công an và chính quyền huyện Sông Hinh, cùng Ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên để tìm hiểu về các cáo buộc trên nhưng các cơ quan này chưa phản hồi.

Vào cuối tháng 3, trong bài viết Cảnh giác với “Tin lành đấng Christ”, báo Phú Yên cho biết có một số đối tượng “nhẹ dạ cả tin, nhận thức còn hạn chế đã mắc mưu, nghe lời xúi giục của các đối tượng phản động Fulro lưu vong đi theo đạo ‘Tin lành Đấng Christ’”.

Trang này cho biết từ cuối 2019 cho đến nay, ông Ma Tương, 51 tuổi, và một số người khác trong huyện Sông Hinh đã gặp gỡ trao đổi, bàn bạc, thực hiện theo sự chỉ đạo của các thành viên cốt cán “Tin lành đấng Christ” trong và ngoài nước và “lén lút hoạt động, tập hợp lực lượng, bầu ban chấp sự, tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam…”.

Thầy truyền đạo Ama Toang cho VOA biết đã nhiều lần làm đơn xin cơ quan chức năng cho đăng ký hoạt động nhưng đều bị từ chối:

“Người ta không chấp nhận. Làm đơn người ta cũng không nhận. Họ cứ hăm dọa miết, cứ canh chúng tôi 24/24”.

“Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ lên tiếng để chúng tôi có tự do tín ngưỡng. Chính quyền Phú Yên nghiêm cấm, nhưng chúng tôi muốn quốc tế giúp đỡ để chúng tôi có tự do tôn giáo, Tin lành Đấng Christ là nhu cầu tôn giáo của người bản địa chúng tôi”.

Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an cho biết “Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam”, hay còn gọi là ECCV, “là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo được các đối tượng FULRO lưu vong tại Mỹ câu kết, mắc nối với một số đối tượng trong nước lén lút dựng lên”.

Thầy truyền đạo Ama Toang và Mục sư A Đảo bác bỏ các buộc trên của chính quyền Việt Nam, nói rằng Tin lành đấng Christ đơn thuần là một tôn giáo được đông đảo người dân tộc ở Tây Nguyên thờ phượng.

Phản ứng trước Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ năm 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 13/5 cho biết “Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”.

Đầu trang

13/05/2021 - voatiengviet

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo tự do tôn giáo Việt Nam 2020

Thánh thất Cao Đài Phú Lâm tọa lạc ở khóm 5, thị trấn Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hôm 12/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo 2020 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, trong đó ghi nhận một số nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu như dọa nạt, quấy rối, gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo, can thiệp vào công việc nội bộ hay hạn chế đi lại.

Việt Nam hôm 13/5 lên tiếng rằng báo cáo này “đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác”.

Trong báo cáo này, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu sự khác biệt giữa Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 với Chi Phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố viết: “Một số nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không yêu cầu được công nhận hoặc không được chính thức công nhận cho biết họ bị các hình thức quấy rối khác nhau của chính quyền - bao gồm cả tấn công thể chất, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và thu giữ tài sản”.

“Các nhà hoạt động tôn giáo buộc tội chính quyền thao túng các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cài cắm người gây ra xung đột để từ đó trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký”, báo cáo viết. Báo cáo nêu sự kiện các thành viên của Hệ phái Cao Đài được công nhận (Cao Đài 1997) đã phá rối nghi thức của tín đồ Cao Đài chưa đăng ký (Cao Đài 1926) tại một tư gia ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, diễn ra ngày 11 và 13/9/2020.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc đến việc chính quyền cưỡng chế Thánh thất Hiếu Xương ở Tuy Hoà, Phú Yên.

Liên quan đến việc chính quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo, bản báo cáo viết: “Nhiều tổ chức xã hội dân sự bày tỏ lo ngại về khả năng chính phủ can thiệp vào các quyết định của Nhà thờ Công giáo liên quan đến việc phân công hoặc bổ nhiệm lại các linh mục, những người đặc biệt thẳng thắn về nhiều vấn đề nhân quyền”.

“Trong số các trường hợp gây tranh cãi trong năm là việc chuyển Linh mục Nguyễn Đình Thục và Linh mục Đặng Hữu Nam ở Giáo phận Vinh, sau thông báo vào tháng 6 rằng Linh mục Đặng [Hữu Nam] sẽ bị hạn chế công việc mục vụ trong giáo phận”, báo cáo nêu.

Về việc cấm xuất cảnh, báo cáo cho biết một số nhà chức sắc tôn giáo phải đối mặt với các hạn chế đi lại ra bên ngoài, và các nhà lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo cũng gặp phải những hạn chế đi lại từ phía chính quyền.

Báo cáo dẫn nguồn tin từ Dòng Chúa Cứu Thế cho biết nhà chức trách vẫn giữ hộ chiếu bị tịch thu vào năm 2018 của ít nhất hai linh mục của dòng. Vào tháng 5/2020, nhà chức trách đã từ chối yêu cầu gia hạn hộ chiếu của Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Toản, với lý do ông có hành vi “hoạt động chống lại Nhà nước”.

Báo cáo nêu: “Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền bày tỏ lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài vì sợ bị chặn lại biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước”.

Phần đầu báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo Việt Nam 2020.

Từ Lâm Đồng, ông Hứa Phi, Trưởng Khối Nhơn Sanh Đạo Cao đài Chơn Truyền, đồng thời là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến của ông về tình hình tự do tôn giáo năm 2020:

“Ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tạo điều kiện cho những nhóm tôn giáo do nhà cầm quyền dựng lên, còn những nhóm tôn giáo chân truyền thì không có tự do”.

Hôm 11/5, ông Michael Orona, nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu tại sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 nêu quan ngại về những hạn chế tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông nói:

“Chúng tôi vẫn lo ngại về những hạn chế phổ biến về tự do tôn giáo và sự phân biệt đối xử, cũng như sự sách nhiễu. Một số thành viên của các nhóm tôn giáo cụ thể đã phải chịu đựng những hạn chế này, đặc biệt là những người là thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký ở những vùng sâu vùng xa như Tây Nguyên”.

“Một số nhóm tôn giáo nhất định đã bị từ chối trong nỗ lực đăng ký sau khi chạy trốn khỏi sự đàn áp tôn giáo từ những nơi khác trong nước”, ông Orona cho biết thêm.

Sau khi cáo báo tự do tôn giáo quốc tế 2020 được công bố, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội viết trên Facebook hôm 13/5: “Chính quyền Biden cam kết mạnh mẽ với việc thúc đẩy và bảo vệ sự tôn trọng phổ quát đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng cho tất cả mọi người. Đây là một ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại”.

Ngày 13/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ năm 2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Bà Hằng cho biết Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

“Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi”, bà Hằng cho biết thêm.

Trong diễn biến liên quan, sáng ngày 13/5 tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp mặt đoàn đại biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho biết rằng Đảng và Nhà nước “tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện tốt tu hành chân chính, đóng góp cho đất nước”, theo báo Tuổi Trẻ.

Những phát biểu tích cực của giới chức Việt Nam về tình hình tôn giáo trong nước phác họa một bức tranh trái ngược với những đánh giá của một số nhà hoạt động tôn giáo. Từ Houston, Texas, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại, phát biểu hôm 11/5 tại Ngày Nhân quyền Việt Nam.

“Cộng sản đã cho phát triển các cơ sở chùa to, Phật lớn nhằm khoe trương cái gọi là ‘tự do tôn giáo’, nhưng thực chất hoàn toàn không có tự do tôn giáo vì làm theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tất cả mọi sinh hoạt dưới mọi hình thức đều do Đảng lãnh đạo”.

Đầu trang

12/05/2021 - voatiengviet

Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến, 11 tháng Năm

Dân biểu Úc Chris Hayes phát biểu trong video gửi đến sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27, tổ chức trực tuyến tối ngày 11/5/2021.

Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến vào tối ngày 11/5 với sự tham gia của đông đảo các nhà làm luật, đại diện các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các nghị sĩ từ Canada, Úc và các hội đoàn quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam.

Từ Virginia, Mỹ, ông Phan Thông Hưng, đại diện ban tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam, cho VOA biết về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này:

“Sự kiện này nói lên sự công nhận của Quốc hội Mỹ về Ngày Nhân quyền Việt Nam, phản ánh sự cam kết của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với công cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam”.

“Qua đó thể hiện ý chí và quyết tâm của người Việt hải ngoại đấu tranh và yểm trợ các quyền căn bản của người dân trong nước”.

Giáo sư Phan Thông Hưng hiện là Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ John Cornyn phát biểu trong một video:

“Là một nhà vận động lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam, tôi đã tiếp tục đấu tranh để chấm dứt những vi phạm nhân quyền bi thảm mà đáng tiếc vẫn còn xảy ra ở đó. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền tốt hơn. Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tôi tự hào giới thiệu Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và tôi mong muốn tiếp tục đấu tranh để chấm dứt sự tàn bạo này trong Quốc hội khóa tới”.

Ông Piero Tozzi, Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện Hoa Kỳ phát biểu:

“Hôm nay là một dịp rất long trọng và là ngày chúng tôi đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam. Và trước đó chỉ vào tuần trước, Dân biểu Chris Smith cùng các dân biểu Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Young Kim, Michelle Steele và Lou Correa đã giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam H.R. 3001”.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng của dự luật này là nó khuyến khích chính phủ của chúng ta thực hiện toàn bộ cách tiếp cận của chính phủ khi làm việc với chính phủ Việt Nam. Chỉ nói về thương mại, chỉ nói về quân sự hay chỉ để nói về hỗ trợ nhân đạo thôi thì chưa đủ, mà nhân quyền phải được đan cài vào tất cả các cuộc thảo luận của chúng ta mà không thể bị bỏ qua một bên”.

Ông Michael Orona, đại diện Bộ Ngoại Hoa Kỳ phát biểu.

Ông Michael Orona, nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người từng phụ trách các vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội từ năm 2009-2013, phát biểu:

“Chúng tôi biết rằng chỉ riêng trong năm 2021 có khoảng một chục vụ bắt giữ các cá nhân vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tôi rất buồn vì tôi không có thời gian nêu tên mọi tù nhân bị giam giữ vì thực hiện quyền con người của họ”.

“Nhưng tôi lo ngại sâu sắc trường hợp của ông Trần Đức Thạch và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ, bị án tù chỉ vì với cáo buộc mơ hồ là ‘Lật đổ chính quyền nhân dân’ do tham gia vào tổ chức này”.

“Tôi thật đau buồn khi nghĩ rằng một người đàn ông 70 tuổi đã bị kết án 12 năm tù vì ủng hộ khát vọng một cách ôn hòa để mang lại tự do và dân chủ hơn cho Việt Nam”.

Ông Orona cũng nhắc đến trường hợp của Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng, nhà tranh đấu và nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giam chỉ vì bày tỏ quyền tự do biểu đạt.

Bà Anurima Bhargava, Chủ tịch Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.

Bà nói:

“Chúng tôi vẫn lo ngại về cuộc đàn áp của chính quyền đối với người H’mong và truy nã các tín hữu Tin lành ở miền Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam. Chính quyền địa phương bắt giam các thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương này, đánh đập, giam giữ, bỏ tù, tra tấn và buộc họ phải từ bỏ đức tin...”


Xem thêm: Phúc trình USCIRF 2021: Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống

Từ Australia, Dân biểu Chris Hayes phát biểu:

“Đáng buồn thay, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, trên thực tế, việc đàn áp các quyền và tự do cơ bản của con người ngày càng gia tăng”.

“Những ai đủ dũng cảm để lên tiếng chống lại sự bất công đang hiện hữu thì bị xử theo những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia và trên hết là những người đã bị kết án tù đang phải đối mặt với những điều kiện rất tồi tệ trong việc giam giữ và ngược đãi của chính quyền”.

“Chính phủ Việt Nam cho thấy họ không muốn tuân thủ pháp quyền, nhưng nhanh chóng bắt bỏ tù và đày ải những người chỉ đơn thuần vận động cho những quyền cơ bản nhất của con người mà tất cả chúng ta đều coi là đương nhiên như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền thực hành một tôn giáo do mình lựa chọn, và quan trọng là quyền bình đẳng trước pháp luật.”

Dân biểu Úc nêu quan ngại về trường hợp công dân của nước này, ông Châu Văn Khảm, hiện đang thụ án 12 năm tù tại Việt Nam với cáo buộc “khủng bố”.

Từ California, Mỹ, ông Trí Tạ, Thị trưởng Thành phố Wesminster, nói:

“Họ vẫn tiếp tục bắt bớ và cầm tù bất cứ cá nhân nào lên tiếng đòi hỏi tự do và nhân quyền. Gần đây nhất bà Cấn Thị Thêu và con trai bị kết án mỗi người 8 năm tù vì cả hai đã biểu tình chống lại việc cưỡng chiếm đất đai của dân oan”.

“Họ là một trong những vô số các nhà tranh đấu nhân quyền hiện nay vẫn đang tiếp tục lên tiếng về hiện trạng nhân quyền và dân chủ đang bị vi phạm một cách trầm trọng tại Việt Nam”.

“Ngày Nhân quyền Việt Nam không chỉ là ngày chúng ta lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền, nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục vận động chính quyền Hoa Kỳ để tạo thêm áp lực lên Việt Nam trong việc trả tự do cho các nhà tranh đấu nhân quyền”.

Ngày 11/5 đánh dấu ngày bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế vào năm 1990 ra công bố Tuyên ngôn của Phong trào đấu tranh bất bạo động cho Nhân quyền tại Việt Nam. Từ năm 1994, ngày này được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về sự kiện Ngày nhân quyền Việt Nam lần thứ 27, tuy nhiên VOA chưa nhận được phản hồi.

Bộ Ngoại Việt Nam từng phát biểu rằng quyền con người luôn được tôn trọng ở Việt Nam. Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc về thiếu tự do dân chủ hay đàn áp nhân quyền, hoặc sách nhiễu giới bất đồng chính kiến, nói rằng chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật.

Đầu trang

07/05/2021 - BBC

NXB Tự do lên tiếng vụ cộng tác viên bị khởi tố vì phát hành sách 'chống phá'

Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt

NXB TỰ DO. Một số ấn phẩm của NXB Tự do

Nhà xuất bản Tự do - một tổ chức dân sự không được Việt Nam công nhận - lên tiếng vụ việc ông Nguyễn Bảo Tiên bị công an Việt Nam khám nhà, bắt giữ và khởi tố hôm 5/5 do phát hành các ấn phẩm mà chính quyền nói mang tính 'chống phá'.

Trong email gửi BBC News Tiếng Việt hôm 6/5, đại diện NXB Tự do khẳng định ông Bảo Tiên là cộng tác viên của mình, rằng ông vô tội và ông chỉ đang "thực thi các quyền được công nhận trong các Công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã ký kết".

Báo Công an Nhân dân năm 2020 gọi Nhà xuất bản Tự do là "một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động "chui", chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước".

Nguồn hình ảnh: Công an Phú Yên. Công an công bố lệnh bắt tạm giam bị can với Nguyễn Bảo Tiên

Đại diện NXB Tự do cũng nêu nghi vấn việc ông Bảo Tiên có thể đã bị bắt và giam giữ trái phép 18 tháng nay chứ không phải tới ngày 5/5 mới bị bắt như truyền thông chính thống của Việt Nam đưa tin.

Email của NXB Tự do có đoạn:

"Vào khoảng tháng 7, tháng 8/2019, an ninh TP.HCM siết chặt các địa điểm dịch vụ chuyển phát bưu phẩm nhằm ngăn chặn các con đường chuyển sách của NXB Tự Do đến bạn đọc. Trước khó khăn này, NXB đã ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Lời kêu gọi của chúng tôi đã được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có anh Nguyễn Bảo Tiên ở Phú Yên.

"Anh Tiên liên lạc với chúng tôi và từ đó anh trở thành một cộng tác viên nhiệt tình của NXB Tự Do. Tuy nhiên, từ sau ngày 02/10/2019 thì chúng tôi bị mất liên lạc hoàn toàn với anh, nick Facebook và Whatsapp của anh bị khóa.

"Sau đó, khoảng tháng 11, 12/2019, chúng tôi liên tục nhận được thông báo từ độc giả - những người bị an ninh câu lưu thẩm vấn - báo về việc an ninh đang điều tra "một đường dây làm sách ở Phú Yên".

"Từ những thông tin này, chúng tôi biết anh Tiên đã bị bắt và Cơ quan An ninh đang tìm cách đổ hoàn toàn trách nhiệm cho anh về các hoạt động của NXB Tự Do.

"Cho đến tận ngày hôm qua, 05/05/2021 báo chí Việt Nam mới đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ và khởi tố đối với anh Nguyễn Bảo Tiên, nghĩa là sau 18 tháng kể từ khi anh Tiên mất tích."

NXB Tự do cho rằng họ 'có cơ sở' để hoài nghi ông Bảo Tiên đã bị bắt, giam giữ và 'quản thúc trái pháp luật' suốt 18 tháng qua.

NXB TỰ DO. Các ấn phẩm của NXB Tự do chủ yếu về chính trị, xã hội và luật pháp.

"Chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam và Cơ quan An ninh tỉnh Phú Yên trả tự do cho anh Tiên ngay lập tức và vô điều kiện," đại diện NXB Tự do viết trong email trả lời BBC ngày 6/5.

'Hao tổn nhân lực và nguồn lực'

Đây không phải lần đầu tiên NXB Tự do - được thành lập tháng 2/2019 với tuyên bố là "một tổ chức phi lợi nhuận…không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam" - bị đàn áp.

Tháng 11/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đề nghị Việt Nam 'dừng trấn áp' Nhà Xuất Bản Tự do. Bản thông cáo cho hay hàng loạt người đã bị quấy rối, đe dọa, và ít nhất một người cho hay bị tra tấn và bị đối xử tệ bạc khi bị cảnh sát giam giữ.

Thông cáo nói "cuộc đáp áp này làm trầm trọng thêm bầu không khí sợ hãi phổ biến ở Việt Nam, nơi chính quyền hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, và nơi người dân đối mặt với việc bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì nói lên ý kiến của mình".

Vụ bắt giữ đình đám nhất xảy ra vào tháng 6/2020, khi công an Việt Nam cho bắt nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, tác giả, đồng sáng lập viên và cựu thành viên của NXB Tự do.

Trao đổi với BBC, đại diện NXB Tự do thừa nhận họ đang 'bị đàn áp và truy bức liên tục' nên đang bị 'hao tổn về nhân lực và các nguồn lực khác'. Tuy nhiên, NXB Tự do vẫn cố gắng duy trì việc xuất bản và phát hành sách dưới dạng ebook, miễn phí cho độc giả.

"Hy vọng một ngày không xa, những cuốn sách in của NXB Tự Do lại được tiếp tục chuyển đến tay bạn đọc," đại diện NXB Tự do nói với BBC.

Chính quyền VN và các NXB 'lề trái' có thể tìm tiếng nói chung?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 7/5, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh nói quan điểm của ông và nhiều luật sư khác là phản đối Điều 117 Bộ Luật Hình sự - điều luật mà chính quyền Việt Nam viện dẫn để bắt ông Bảo Tiên.

"Tôi đã từng phát biểu công khai nhiều lần rằng điều 117 là điều không nên có trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam, bởi nó đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó quy định người dân được quyền tự do ngôn luận. Như vậy, quan điểm của chúng tôi là những người bị bắt và xét xử theo điều này là bị oan."

"Nhưng phải hiểu rằng ở đây có sự xung đột trong cách hiểu về luật pháp. Hiến pháp thì quy định vậy nhưng trên thực tế, chính quyền đang cho là các sách đó đi ngược lại chính sách của mình, do đó họ tìm cách cản trở hoạt động và thậm chí xử lý hình sự những người liên quan."

"Luật pháp Việt Nam chưa hoàn hảo. Mỗi lần tham gia quan hệ quốc tế thì luật pháp Việt Nam lại có sự thay đổi, tiệm cận hơn với quốc tế. Nhưng hành xử theo luật tại Việt Nam vẫn có một khoảng cách lớn với quốc tế. Giải pháp là Việt Nam cần căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế mà làm theo, để có tiếng nói chung với luật pháp quốc tế. Việt Nam không thể nào sáng tạo luật riêng được," luật sư Mạnh nói.

Tuy nhiên, luật sư Mạnh cho rằng việc NXB nghi vấn ông Bảo Tiên bị câu lưu 18 tháng chỉ là 'phỏng đoán'. Để kết luận, NXB Tự do cần phải có các dữ liệu, chứng cứ chính xác, rõ ràng.

Nhận định về các ấn phẩm do NXB Tự do phát hành và hiện đang bị cấm, luật sư Mạnh nói ông thấy trên thực tế chúng 'rất chất lượng', 'hướng thiện', 'chủ trương khai dân trí'.

"Chính quyền nên khuyên khích những NXB 'ngoài lề' như NXB Giấy vụn, NXB Tự do, chứ không nên cấm."

"Giải pháp là tạo điều kiện để các NXB này hợp pháp hóa. Chính quyền có thể mời đại diện NXB tới để hướng dẫn đăng ký cho hợp pháp. Đây là một cách làm hết sức thiện chí từ chính quyền. Tôi nghĩ rằng các NXB sẽ sẽ hoan nghênh ngay," luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC.

Đầu trang

06/05/2021 - voatiengviet

Ông Nguyễn Bảo Tiên bị bắt vì ‘phát tán’ các ấn phẩm của NXB Tự Do

Công an Phú Yên đọc lệnh tạm giam ông Nguyễn Bảo Tiên, nhưng hình ảnh không ghi chú chụp vào ngày nào. Photo Công an Phú Yên.

Công an tỉnh Phú Yên vừa loan tin đã bắt giam ông Nguyễn Bảo Tiên, làm nghề tài xế, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” vì đã “phát tán” các ấn phẩm bị chính quyền cấm của Nhà xuất bản Tự do. Một tuyên bố được cho là của Nhà xuất bản Tự Do cho biết có thể ông Tiên đã bị giam suốt 18 tháng qua.

Báo Công an Nhân Dân hôm 5/5 cho hay cơ quan công an vừa khám nhà, bắt tạm giam ông Nguyễn Bảo Tiên liên quan đến việc phát hành sách của Nhà xuất bản Tự Do.

Tuy nhiên, trang thông tin của Công an tỉnh Phú Yên đã loan báo việc bắt ông Tiên từ hôm 20/4, và vào chiều ngày 29/4, đích thân ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yến, đã khen thưởng “nóng” cho Công an tỉnh về “thành xuất xuất sắc” trong quá trình điều tra vụ án này.

Ông Bảo Tiên bị khởi tố và cáo buộc phạm tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 117 BLHS .

Theo trang này, ông Tiên được cho là đã “chủ động” nhận phát tán sách như “Cẩm nang nuôi tù”, “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực” là những sách mà chính quyền cho là “không được phép lưu hành, có nội dung chống chính quyền Việt Nam.”

Trang CAND cho biết từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019, ông Tiên nhiều lần nhận tổng cộng 68 bưu phẩm (có chứa các cuốn sách trên) và đã phát tán tới người nhận 24 bưu phẩm. Trang này cho biết “mới đây,” trong lúc đang “phát tán” 21 bưu phẩm tại Bưu cục Kerry Express tỉnh Phú Yên thì bị lực lượng Công an phát hiện, thu giữ.

Truyền thông Việt Nam và Công an Phú Yên không nêu chi tiết thời gian nào ông bị phát hiện đang “phát tán” các ấn phẩm này và ông bị bắt vào thời gian nào.

Ông Nguyễn Bảo Tiên sinh năm 1986, sống tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Trong một tuyên bố ngày 6/5 mà VOA nhận được, Nhà xuất bản Tự Do cho biết việc ông Nguyễn Bảo Tiên, một cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự Do, bị bắt “có quá nhiều nghi vấn.”

“Chúng tôi có cơ sở để hoài nghi anh Tiên đã bị bắt và giam giữ từ tháng 10/2019 đến nay, như vậy, anh Tiên có thể đã bị giam giữ hoặc bị quản thúc trái pháp luật suốt 18 tháng qua,” Nhà Xuất bản Tự Do cho biết.

Nhà xuất bản Tự Do cho rằng việc làm của ông Nguyễn Bảo Tiên là hoàn toàn chính đáng, ông chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản và quyền đọc sách một cách ôn hòa.

Nhà xuất bản này nhận định rằng ông Tiên “vô tội”. Nhà xuất bản “cực lực lên án tội ác này của nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh Nguyễn Bảo Tiên và các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và vô điều kiện.”

Nhà Xuất Bản Tự Do, được thành lập tháng 2/2019, là một tổ chức phi lợi nhuận “với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.” Vì sự an toàn của họ, hầu hết các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do không công khai danh tính.

“Kể từ khi thành lập và hoạt động đến nay, các thành viên và cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự Do liên tục bị bắt bớ, câu lưu và sách nhiễu. Điển hình là vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, một tác giả, đồng sáng lập viên và cựu thành viên của NXB Tự Do,” Nhà Xuất bản Tự Do cho biết trong tuyên bố.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, lực lượng an ninh Việt Nam đã thẩm vấn ít nhất 100 người trên khắp đất nước, và khám xét nhà của ít nhất một chục người, tịch thu sách về dân chủ và chính sách công do Nhà xuất bản Tự Do in và phát hành.

Vào tháng 6/2020, Nhà xuất bản Tự Do được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) đã trao giải thưởng Prix Voltaire. Khi ấy, nhà báo Phạm Đoan Trang, phát ngôn viên của Nhà xuất bản Tự Do, cho VOA biết:

“Trong bối cảnh ở Việt Nam khi mà tình hình đàn áp nhân quyền - trong đó có quyền tự do xuất bản- gia tăng, giải thưởng này đối với chúng tôi là một điều vinh hạnh. Tất nhiên là chúng tôi bị sức ép từ chính quyền, nhưng chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Trong một tuyên bố khi trao giải, IPA nói: “Các nhân viên của Nhà xuất bản Tự Do đã tự đặt mình vào rủi ro lớn để giúp người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Đầu trang

03/05/2021 - voatiengviet

Đấu tranh: vì dân chủ, hay vì sống còn?

Người Miến Điện ở Đài Loan biểu tình chống đảo chính quân sự. Hình minh họa.

Tháng Tư này, tôi được đọc hai bài liên quan đến tương lai Việt Nam, thấy lý thú nên muốn chia sẻ vài ý kiến.

Bài đầu tiên, viết cách đây vài hôm, là từ tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc tổ chức BPSOS, tựa đề “Làm sao để tạo phong trào dân chủ?”. Ts Thắng khẳng định là công thức đã có sẵn, vấn đề là bắt tay thực hiện.

Công thức đó là: Theo nghiên cứu, cần 3.5% tổng dân số người dân nhập cuộc, tức 3.5 triệu người dân đối với trường hợp Việt Nam. Muốn được 3.5 triệu thì cần có 7 nghìn cộng đồng nhỏ, mỗi cộng đồng 500 nhân khẩu. Muốn huy động 100 người thì cần có đội ngũ 35 nghìn người có khả năng và kinh nghiệm. Để đào tạo có được con số 35 nghìn người lãnh đạo cơ sở như vậy thì cần đào tạo 1 nghìn người ở cấp 1, mỗi người ấy lại đào tạo thêm 5 người ở cấp hai (thì 1 nghìn ban đầu giờ thành 6 nghìn), rồi tiếp tục như thế với cấp 3, thì sẽ được 36 nghìn. Nếu mỗi cấp mất 2 năm đào tạo, thì tổng cộng mất 6 năm để đào tạo ra 36 nghìn lãnh đạo cơ sở. Ts Thắng cho rằng để huy động được con số như thế thì phải nhắm đến hậu dân sinh, tức phải thực dụng và nhắm đến nhu cầu thực tiễn của cộng đồng đó. Sau đó phải nối kết các cộng đồng phong trào lại với nhau, dựa trên nguyên tắc nối kết và hợp tác. Ts Thắng cũng nhận định rằng chế độ tất nhiên vẫn muốn duy trì vị thế độc tôn, nên sẽ có các phương thức khác nhau để đối phó. Nhưng nếu người Việt biết “đoàn kết” vì cùng chung mục đích, thì sẽ chung vai xây dựng được phong trào dân chủ.

Ts Thắng xác nhận rằng trong những năm qua, 300 người được BPSOS đào tạo dài hạn và gần 1600 người được đào tạo ngắn hạn.

Ts Thắng kết luận: “Đấy là công thức tạo phong trào quần chúng không cần lãnh tụ mà dựa trên đội ngũ lãnh đạo cơ sở giỏi, có bản lĩnh, có kinh nghiệm và đi sát với quần chúng…”

Một người bạn của tôi, rất quan tâm đến tình hình Việt Nam và phong trào dân chủ, nhận định rằng công thức này rất thực tiễn và có thể áp dụng mọi nơi.

Sách lược tuy khả thi, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề có lẽ phức tạp hơn thế.

Câu hỏi cần đặt ra là bao nhiêu người Việt hiểu sâu về dân chủ? Bao nhiêu người thật sự muốn dân chủ? Bao nhiêu người sẵn sàng cam kết và dấn thân để có dân chủ? Muốn, và dấn thân, không nhất thiết là một. Khoan bàn tới việc có bao nhiêu người có tinh thần và văn hóa dân chủ sẵn trong họ.

Bài thứ hai, viết vào đầu tháng Tư, tựa đề “Giới trẻ châu Á đang dấn bước vào lịch sử, giới trẻ Việt Nam thì không?” của Jackhammer Nguyễn trên Tiếng Dân được nhiều người đọc và chia sẻ. Từ nhận định trong bài của giáo sư Nicholas Farrelly “Giới trẻ Á châu nổi dậy”, điển hình là từ Hồng Kông, Thái Lan, Miến Điện, Jackhammer Nguyễn phân tích tình hình Việt Nam, nhất là từ các biến cố 2007 cho đến 2016. Jackhammer cho rằng, phần lớn người dân tham gia các cuộc biểu tình xuống đường đều để chống Trung Quốc, kể cả sự kiện chống công ty Formosa và Luật Đặc Khu vào năm 2016. Các cuộc biểu tình về môi trường, luật an ninh mạng, hay dân oan đòi đất đai, tuy có, nhưng không nhiều và không đông đảo bằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Điều này cho thấy động lực đấu tranh của người dân Việt rất khác với tinh thần chống độc tài cổ võ dân chủ như tại Miến Điện, Thái Lan, Hồng Kông (tuy HK có yếu tố TQ).

Jackhammer đặt câu hỏi “Phải chăng Việt Nam vẫn là quốc gia của các ‘bô lão’, từ Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ 13, cho đến các cụ già của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13? Giới trẻ Việt Nam từ chối tham gia vào lịch sử?”

Đây là một nhận định đáng suy ngẫm, và câu hỏi đáng được tìm hiểu và trả lời.

Về hiện tượng này, có lẽ có hai cách nhìn.

Một, phải chăng động lực đằng sau phần lớn các cuộc biểu tình từ năm 2006 đến 2016 chủ yếu là tinh thần chống ngoại xâm, đặc biệt là Trung Quốc, hơn là đòi quyền hay đấu tranh cho dân chủ?

Hai, phong trào đấu tranh cần phải “mượn gió bẻ măng”, vì thật sự ra họ cũng muốn chống lại sự nhu nhược và thất sách của nhà cầm quyền, và đấu tranh để mở rộng không gian xã hội dân sự, nhưng vì nếu công khai chống chế độ thì có nguy cơ bị dập tắt ngay?

Dù gì đi nữa, khi mục tiêu đấu tranh, và lòng mong muốn, cho dân chủ không đủ rõ ràng và mãnh liệt, kết quả tất nhiên sẽ khá khiêm nhường.

Quan sát giới hoạt động tại Việt Nam trong vài năm qua, đặc biệt các phản ứng qua cuộc bầu cử Mỹ cuối năm vừa rồi, tôi nhận thấy rằng yếu tố “dân chủ” hiện hữu nhưng còn mù mờ lắm. Rõ ràng họ muốn có tự do hơn, như tự do ngôn luận, lập hội, công/nghiệp đoàn v.v… Sinh viên Trung Quốc đấu tranh tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp năm 1989 không phải vì họ muốn dân chủ, vì lúc đó họ chưa hiểu dân chủ là gì. Nhưng họ muốn có sự thay đổi để dễ thở hơn, không bị không khí ngột ngạt của chế độ độc tài toàn trị lấn chiếm mọi không gian công và tư của họ. Nhưng cần hiểu rằng, ngay cả khi có các quyền này thì không có nghĩa là đã có dân chủ. Hiện tại, dường như đa số người dân Việt Nam cũng chỉ mong muốn ăn nên làm ra, muốn có công ăn việc làm tốt v.v… Hiểu sâu về dân chủ, và mong muốn để có dân chủ, chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Còn đại đa số dường như không quan tâm bao nhiêu đến xã hội thế nào, các giá trị công bằng, bình đẳng, công lý có nghĩa gì. Họ chỉ muốn mình hơn người khác, bất chấp biện pháp ra sao. Họ không muốn bị thua thiệt quá. Họ thấy bất công đầy dẫy trong xã hội, nhưng ở đâu cũng thế. Có quyền lực có tiền bạc là giải quyết được hầu như mọi vấn đề, dù tạm thời. Những suy nghĩ thực tế và suy tính thực dụng của đại đa số người Việt là cản trở rất lớn để gỡ bỏ độc tài, tiến đến dân chủ.

Điển hình nhất cho tâm lý của người Việt về dân chủ hay không, là qua cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2020. Đa số người Việt ủng hộ ông Trump trong kỳ bầu cử vừa qua, ngay cả những người ở hải ngoại, cho thấy họ bất cần dân chủ, miễn sao ông Trump thắng bằng mọi giá (bất cấp phiếu phổ thông, phiếu cử tri đoàn, phán quyết của tòa án hay kiểm phiếu cử tri đoàn tại quốc hội). Đối với họ, chỉ có Trump mới có thể đối đầu hoặc đánh bại Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp đang muốn nuốt sống Việt Nam. Chống Trung Quốc vẫn là yếu tố quyết định để phần lớn người Việt ủng hộ, hay không, một lãnh đạo hay một chính sách nào đó. Đây là tư duy chính trị thực tiễn nhất, realpolitik, bất cần đạo đức hay triết lý gì cả, miễn sao tiếp tục nắm được quyền lực trong tay. Tóm lại, phần lớn vẫn là tư duy chiến đấu để sống còn của dân tộc Việt Nam trước hiểm họa phương Bắc, không phải để xây dựng những nguyên tắc, giá trị nền tảng cho nhân quyền và dân chủ.

Nếu phần lớn xã hội là thế, thì làm sao có thể xây dựng phong trào dân chủ, dù phương thức Ts Thắng của BPSOS đưa ra có vẻ thực tế và khả thi (tuy rằng khi áp dụng thì tất nhiên sẽ có vô số vấn đề và khó khăn thực tiễn, nhưng đó là điều hiển nhiên)?

Trong bài trước, tôi nói về cần bao lâu để thay đổi chính mình? Tu thân, 10 năm thôi. Khỏi cần mỗi năm thay đổi 5 thói quen tật xấu, mà chỉ cần 1 thói quen, thì 10 năm 10 thói quen. Chọn những thói quen nào bất lợi cho độc tài, có lợi cho dân chủ, để tu thân thì càng tốt. Chấp nhận khác biệt trong tinh thần đa nguyên, thay vì chỉ có nhất hay nhị nguyên, là bước căn bản. Tư duy phản biện/Critical thinking, để phân biệt được đâu là tin giả tin thật để không phát tán nó, cũng là bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho dân chủ. Tóm lại, nếu muốn thì có vô số việc cần thiết và khả thi mà mỗi cá nhân có thể góp phần, chỉ là mức độ cam kết và quyết tâm thôi.

Đầu trang

May 3, 2021 - nguoi-viet

Đắk Lắk: Xé một số lá cờ đỏ sao vàng CSVN bị khởi tố

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Một người đàn ông ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đã bị nhà cầm quyền địa phương khởi tố vì xé một số cờ CSVN hồi năm ngoái.

Nhiều báo tại Việt Nam hôm Thứ Hai, 3 Tháng Năm, nói ông Trương Dương Hùng, 30 tuổi, cư dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin đã bị khởi tố về hành vi “Xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 351, Bộ Luật Hình Sự CSVN. Bản án có thể đến ba năm tù.

Ông Trương Dương Hùng. (Hình: Nhân Dân)

Tờ Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN kể rằng: “Vào rạng sáng 14 Tháng Mười Một, 2020, một số người dân trú tại thôn 15, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin phát hiện có nhiều lá cờ CSVN treo bên đường bị rách, rơi xuống mặt đường nên đã trình báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An huyện Cư Kuin đã có mặt khám nghiệm hiện trường, thực hiện các biện pháp điều tra theo quy định.”

Sau đó “đến khoảng 13 giờ cùng ngày, cơ quan công an huyện Cư Kuin đã làm rõ đối tượng thực hiện hành vi xúc phạm quốc kỳ là Trương Dương Hùng nên đã tiến hành triệu tập lên điều tra, làm rõ.” Báo kể trên nói ông Hùng nhìn nhận tối 13 Tháng Mười Một, 2020, sau khi đi nhậu và chơi game, khi đang trên đường về nhà, ông Hùng “phát hiện hai bên cổng nhà người dân có treo nhiều quốc kỳ nên đã có hành vi dùng tay giật, xé rách ba lá cờ CSVN.”

Chuyện đã xảy ra từ gần năm tháng trước, không thấy báo chí tuyên truyền của chế độ Hà Nội nói gì, đến nay mới thấy được đưa tin khởi tố vụ việc, chỉ ba ngày sau khi chế độc độc tài đảng trị tại Hà Nội tổ chức mừng 46 năm ngày nhuộm đỏ được cả nước Việt Nam.

Vụ khởi tố ông Dương Trương Hùng không phải là lần đầu tiên có người tại Việt Nam bị kết án tù vì đã xé hoặc hủy hoại cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của chế độ độc tài chuyên chế. Tuy chế độ Hà Nội tự xưng là “của dân, do dân và vì dân” nhưng quyền tự do phát biểu, tự do thông tin, tự do lập hội, biểu tình, tự do nghiệp đoàn đều bị nhà cầm quyền tước đoạt trắng trợn.

Mấy năm gần đây đều có những người bị bắt, kết án tù vì xé hoặc xịt sơn bẩn lên cờ đỏ sao vàng CSVN.

Đầu năm ngoái, báo CATP nói nhà cầm quyền thành phố Mỹ Tho đã bắt ông Huỳnh Hữu Sĩ, 57 tuổi, vào ngày 11 Tháng Giêng, 2020, vì đã “bẻ gãy cột cờ bằng sắt được cắm dọc theo tuyến đường Ấp Bắc và xé rách ba lá cờ CSVN ở các cột cờ bên cạnh.” Đồng thời ông ta “còn đập vỡ nhiều chậu hoa kiểng của các hộ dân ở đường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 4, phường 7, và ở tượng đài công viên Tết Mậu Thân thuộc địa bàn phường 4, thành phố Mỹ Tho.”

Không thấy báo chí ở Việt Nam cho hay ông này sau đó bị tù tội gì không. Nhưng trên mạng Internet, người ta thấy có tài liệu đăng tải bản án của tòa án huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, xử ngày 17 Tháng Chín, năm 2019, kết án một thanh niên tên Trần Trọng Đ., sinh năm 1985, cáo buộc “xé rách” cờ CSVN ngày 15 Tháng Năm, 2019, với bản án sáu tháng tù.

Bản án kể lại cáo trạng là Trần Trọng Đ. “thường đọc những thông tin xuyên tạc đảng, nhà nước trên mạng xã hội nên Đ. cảm thấy bất mãn với cuộc sống hiện tại. Khoảng 18 giờ ngày 15 Tháng Năm, 2019, sau khi Đ. uống bia đã có hành vi cố ý xúc phạm quốc kỳ, bằng việc cố ý xé rách và tháo bỏ hai lá cờ tổ quốc loại cờ đỏ sao vàng đang treo trước nhà của chị Đỗ Thị Kim L. và trước nhà của chị Đỗ Thị H. ở ấp 3, xã L., huyện C., rồi cuộn lại ném bỏ xuống đám dừa nước bên cạnh lề đường.”

Blogger Huỳnh Thục Vy và lá cờ CSVN bị xịt sơn hồi năm 2017. (Hình: FB Huỳnh Thục Vy)

Trước đó, dư luận trong ngoài nước đã chú ý nhiều đến vụ nhà cầm quyền CSVN tại tỉnh Đắk Lắk ngày 30 Tháng Mười Một, 2018, đã kết án blogger nổi tiếng trong ngoài nước Huỳnh Thục Vy, hai năm chín tháng tù với cáo buộc “Xúc phạm quốc kỳ” CSVN. Vì bà đang nuôi con nhỏ 20 tháng, bà được cho hoãn thi hành án cho đến khi con đủ ba tuổi nhưng bị cấm rời khởi nơi cư trú. Khi bị kết án, bà cũng đang mang thai.

Bà Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, bị nhà cầm quyền thị trấn Buôn Hồ bắt ngày 9 Tháng Tám, 2018, vì “xịt sơn” lên cờ CSVN rồi đăng tấm hình lên trang Facebook cá nhân. Bà nổi tiếng trong ngoài nước là một nhân vật bất đồng chính kiến sống tại Việt Nam với các bài viết phân tích thời sự xã hội ngược với chủ trương của đảng CSVN độc tài.

Bà đã bị bắt, hành hung, đe dọa, khủng bố nhiều lần nhưng vẫn can đảm bày tỏ chính kiến bất chấp áp lực và đe dọa của nhà cầm quyền. Bà đã cho xuất bản quyển “Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền” nhằm “góp phần làm rõ tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.” Bà là một trong những cái gai trong mắt đảng và chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam. (TN)

Đầu trang

1 tháng 5 2021 - BBC

Ngày 01/05: Luật Lao động VN chấp nhận các tổ chức đại diện công nhân tới đâu?

T. K. Trần.

Dimas Ardian/Getty Imagesy. Công nhân Việt Nam - hình minh họa

Ngày 20 tháng 11/2019 Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Bộ luật mới cải thiện cơ sở pháp lý cho quan hệ lao động, điều kiện làm việc và đáng chú ý hơn cả là cho phép thành lập hoặc tham gia một tổ chức đại diện người lao động khác Công đoàn Việt Nam, vốn là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 178 của Bộ luật Lao động quy định tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể với chủ xí nghiệp, quyền đối thoại tại nơi làm việc, được tham khảo ý kiến về nhiều vấn đề liên quan tới lợi ích người lao động và nhất là được tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.

Trên lý thuyết, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động theo luật Lao động là đủ để kích hoạt hoạt động của tổ chức khi cần thiết. Việc thành lập, tham gia tổ chức đại diện người lao động là khả thi, sau khi hội đủ một số điều kiện.

Song liệu sự hiện diện của một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn của nhà nước có là đảm bảo cho quyền lợi của người lao động?

"Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"

Điều 68 của Bộ luật Lao động quy định điều kiện mà các tổ chức đại diện cần phải có để có thể thay mặt cho người lao động thương lượng tập thể với chủ doanh nghiệp:

Thứ nhất, phải có số lượng thành viên với một tỷ lệ tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp; Thứ hai, nếu có nhiều tổ chức thì tổ chức nào có nhiều thành viên nhất mới được thương lượng tập thể; Thứ ba, nếu các tổ chức không có đủ số thành viên như điều kiện 1 đòi hỏi thì có thể kết hợp với nhau để đáp ứng đủ điều kiện cần thiết.

Về tỷ lệ số thành viên cần thiết (điều kiện 1) thì cho tới nay, nhà nước bỏ lửng, chưa nói tới. Song cũng có tiếng nói trong giới khoa bảng nhà nước „kiến nghị" tỷ lệ phải là 50% của toàn thể người lao động trong xí nghiệp (xem nguồn). Đòi hỏi tỷ lệ 50% là gián tiếp loại bỏ những tổ chức độc lập nhỏ. Chỉ còn Công đoàn nhà nước có thể đáp ứng được.

Ở các nước Phương Tây, tỷ lệ đòi hỏi này rất thấp. Ví dụ như ở Hungary, một quốc gia đã từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, là 10% (nguồn EU). Nếu tổ chức nào được tín nhiệm của 10% người lao động là đã có thể yêu cầu thương lượng tập thể.

Tỷ lệ tương đối thấp này cho phép các tổ chức nhỏ, cũng có cơ hội hoạt động. Còn để một thỏa thuận lao động tập thể có hiệu lực cũng cần có trên 50% tổng số người lao động đồng ý, ở Hungary cũng như ở Việt Nam.

Về điều kiện thứ 2: Nếu không tổ chức nào đáp ứng được điều kiện 1 thì chỉ có tổ chức có số thành viên nhiều nhất mới được yêu cầu thương lượng tập thể.

Điều kiện này cũng rõ ràng là tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn của nhà nước. Vào thời điểm hiện tại, số thành viên của Công đoàn nhà nước Việt Nam lên tới hơn 10 triệu người.

Cổng thông tin điện tử. Công ty giày Huê Phong - báo VN hồi 2020 nói công ty này phải sa thải nhân công vì dịch Covid tác động xấu đến kinh doanh

Các tổ chức khác của người lao động vẫn đang bị cấm đoán, con số thành viên chính thức là số không. Tất nhiên là chỉ có Công đoàn Việt Nam được thương lượng với chủ nhân, kết quả như thế nào thì ta cũng có thể hình dung được. Các tổ chức đại diện khác, ít ra là trong giai đoạn đầu, chỉ được đóng vai trò trang trí.

Ở các nước Phương Tây cũng có quốc gia đã đặt điều kiện tương tự là quyền thương lượng dành cho tổ chức có đông thành viên nhất, ví dụ như ở CH Czech, sau giai đoạn chuyển đổi khỏi thể chế XHCN.

Thế nhưng điều này đã gây tranh cãi. Cuối cùng vào tháng 3 năm 2008, Tòa Hiến pháp CH Czech đã ra phán quyết là điều kiện này bất hợp lệ, vi phạm Hiến pháp.

Theo tôi, Việt Nam cũng cần phải thẩm định lại vấn đề điều kiện thứ 2. Lý do là điều kiện này mâu thuẫn với điều 178 không ấn định hạn chế quyền thương lượng tập thể của các tổ chức đại diện.

Ta hãy xem thêm một số vấn đề khác trong Bộ luật Lao động mới này.

Điều 170 quy định người lao động có quyền gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (khoản 2). Họ cũng được tham gia hoạt động của Công đoàn nhà nước (khoản 1). Không có khoản nào cấm sự tham gia chồng chéo cả hai hình thái tổ chức này.

Điều này mở ra khả năng là cán bộ Công đoàn nhà nước, mà thường là đảng viên cộng sản, cũng gia nhập tổ chức của người lao động để khuynh đảo, ảnh hưởng tới tổ chức mà trên nguyên tắc là độc lập này.

Bộ Luật lao động 2019 có mục đích gì?

Chẳng nhẽ nhà nước Việt Nam lại tự ngáng chân mình khi cho phép thành lập tổ chức đại diện ngoài vòng kiểm soát của họ?

Không phải vậy. Chúng ta hãy xem lại nhận định của chính phủ Việt Nam viết trên trang mạng chính thức của Quốc hội:

"...những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động… là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động…; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế…"

Thế là rõ. Có thể diễn giải rộng thêm là Bộ luật Lao động chủ yếu là để thúc đẩy hoạt động tăng cường sức mạnh của Công đoàn nhà nước.

Các tổ chức đại diện độc lập được phép thành lập do sức ép của các cam kết quốc tế sẽ chỉ được hoạt động trong khuôn khổ cho phép.

Con đường mới được mở ra cho các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp có quá nhiều chướng ngại vật, khó lòng vượt qua.

Phù phép để cam kết trong các hiệp định quốc tế trở thành vô hiệu sẽ không lừa dối được thế giới, sẽ làm lòng tin của thế giới vào Việt Nam bị triệt tiêu.

Điều này rõ ràng là hại bất cập lợi cho tiền đồ đất nước.

Bộ luật Lao động cần phải được điều chỉnh thêm nữa, nếu nhà nước Việt Nam thực tâm muốn các tổ chức độc lập tham gia vào việc bảo vệ người lao động và muốn thi hành nghiêm túc các cam kết quốc tế.

Bài thể hiện quan điểm của tác giả T.K. Trần, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn châu Âu và Việt Nam, hiện sống tại Stuttgart, Đức.

Đầu trang

22/04/2021 - voatiengviet

Một blogger ở Cần Thơ bị phạt 2 năm tù vì ‘chống phá Đảng, Nhà nước’

Blogger Lê Thị Bình tại phiên tòa ngày 22/4/2021 ở Cần Thơ. Photo NLD

Hôm 22/4, một tòa án ở Cần Thơ tuyên phạt Facebooker Lê Thị Bình 2 năm tù giam vì “chống phá Đảng, Nhà nước” với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”

Trang Pháp luật Online dẫn bản cáo trạng cho biết bà Lê Thị Bình, 45 tuổi, từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để phát trực tiếp, đăng bài và chia sẻ 24 bài có nội dung “tuyên truyền tư tưởng, quan điểm xấu, phản động nhằm chống đối, chống phá, nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước.”

Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc bà Bình “xúc phạm nghiêm trọng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, thực hiện kêu gọi đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ chế độ chính trị…” theo trang VietnamNet.

Phiên tòa xét xử bà Lê Thị Bình ngày 22/4/2021 với ghế trống ở bàn dành cho luật sư bào chữa. Photo Lao Dong.

Luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 22/4 cho VOA biết ông không tham gia bào chữa cho bà Lê Thị Bình trong phiên tòa này, tuy rằng khi bà Bình bị khởi tố ông đã đăng ký bào chữa và được cấp thông cáo người bào chữa.

Luật sư Mạnh cho biết ông không rõ lý do, nhưng nói rằng: “Cơ quan Cảnh sát Điều tra thông báo cho biết là bà ấy “từ chối luật sư để nhờ một luật sư khác!””

Qua những hình ảnh phiên tòa do truyền thông Việt Nam đăng tải cho thấy không có mặt luật sư nào ngồi ở vị người bào chữa cho bị cáo Bình.

Trước đó, vào tháng 3/2019, ông Lê Minh Thể, anh của bà Bình, cũng bị phạt 2 năm tù giam với cùng tội danh.

Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, bà Bình từng tham gia tích cực trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng. “Bà tham gia viết và chia sẻ nhiều bài viết về các vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam trên Facebook. Do vậy, bà luôn bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hạch sách trong nhiều năm gần đây,” tổ chức này cho biết thêm.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà hoạt động và Facebooker, kết án 10 người khác với mức án từ 4 đến 15 năm tù giam.

Đầu trang

22/04/2021 - voatiengviet

Phúc trình USCIRF 2021: Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống

Trang bìa phúc trình 2021 của USCIRF. Photo USCIRF

Hôm 21/4, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) ra phúc trình năm 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, cho biết chính quyền vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước. USCIRF cũng tái đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Mở đầu báo cáo, USCIRF viết: “Trong năm 2020, các điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng giống như năm 2019.” USCIRF nhận định rằng chính phủ Việt Nam vừa thực thi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nhưng cũng vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, đặc biệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập và kể cả đối với các nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận.

Phúc trình của USCIRF 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, ngày 21/4/2021.

Liên quan đến nhóm tín hữu Tin lành ở Tây Nguyên, USCIRF cho biết uớc tính có khoảng 10.000 người Hmong và người Montagnard vẫn không có quốc tịch vì chính quyền địa phương đã từ chối cấp sổ hộ khẩu và chứng minh thư cho họ - mà nguyên chính là để trả đũa việc họ không đồng ý từ bỏ đức tin của mình.

Vào tháng 2/2020 chính quyền đã can thiệp việc thu xếp tang lễ của cố Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ; vào tháng 8/2020 các tay côn đồ được nhà nước chỉ đạo đã tấn công các tu sĩ ở Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế, đòi cơ sở tôn giáo này trả đất cho xã, theo phúc trình của USCIRF.

Báo cáo cũng nêu trường hợp tù nhân tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực yêu cầu được chăm sóc y tế và tù nhân tôn giáo Lê Đình Lượng liên tục bị khước từ việc đọc sách kinh thánh trong trại giam.

Liên quan đến Hội Cờ Đỏ, USCIRF nhận định: “Năm 2020, Hội Cờ đỏ được nhà nước hậu thuẫn cùng với các tổ chức nhà nước làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tuyến trên mạng, đã gia tăng việc phân biệt đối xử và không khoan dung chống lại các nhóm tôn giáo độc lập, các linh mục Công giáo, các nhóm Tin lành người Thượng, và các tín đồ Cao Đài độc lập.”

Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn.
Báo cáo 2021 của USCIRF

“Hội Cờ Đỏ đã hoạt động từ năm 2017 và đã tham gia vào các vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng Công giáo. Mặc dù được cho là đã giải thể vào năm 2018, nhưng hội này đã chuyển sang hoạt động trên mạng ngày càng mạnh hơn,” USCIRF cho biết thêm.

USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), cùng với các quốc gia khác là Nga, Ấn Độ, Syria. Hiện tại đã có 10 nước nằm trong danh sách CPC, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Triều Tiên.

Từ Kon Tum, mục sư Tin lành Đấng Christ A Đảo, nói với VOA rằng ông đồng tình với phúc trình của USCIRF. Ông cho biết thêm rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ do ông làm quản nhiệm liên tục bị chính quyền sách nhiễu:

“Họ vẫn gây khó khăn do Hội thánh Tin lành Đấng Christ, họ chưa công nhận, chưa cho phép chúng tôi thờ phượng Chúa một cách yên ổn.”

“Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên bị họ ngăn trở, không cho nhóm thờ phượng, họ ngăn trở niềm tin tôn giáo của người dân.”

USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam chỉnh sửa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và tạo điều kiện tốt hơn cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận; đề nghị ngưng sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhóm tôn giáo người Hmong theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên.

Ngoài ra, USCIRF còn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cử các đoàn phụ trách nhân quyền và tự do tôn giáo đến Việt Nam, thăm gặp các tù nhân lương tâm và tôn giáo, điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển, và kêu gọi Việt Nam phóng thích họ.

Đầu trang