Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
vuot-256

Lời dẫn

Về việc không dùng từ “Trung quốc”

Trung Hoa ngày nay có tên gọiCộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tiếng Hán-Việt: Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa Quốc, người Hoa gọi tắt là Trung quốc. Các nước trên thế giới gọi là China/Chine ... (dựa theo phát âm, xuất phát từ nhà Tần (Qin) ?). Người Việt dùng từ Trung Hoa từ lâu; tới thời "Bác Hồ, Bác Mao", ông Hồ muốn nịnh bợ Trung cộng nên theo dân Tàu gọi là Trung quốc; cùng thời, ở miền Nam, người ta gọi là Trung cộng, Hoa lục, ... và dùng từ Trung Hoa để chỉ nước Trung Hoa truyền thống.

Từ Trung quốc có hàm ý chính trị rất lớn: trong từ Trung Hoa, từ Trung là từ phụ, từ Hoa là từ chính; do đó, mặc dù cũng có ý nghĩa cái rốn của thế giới (tinh hoa trung tâm), nhưng nhẹ hơn nhiều so với từ Trung quốc với Trung, là từ chính, còn quốc là từ phụ, có nghĩa là nước trung tâm, đích thực là cái rốn của thế giới ! (Trung Quốc là trung tâm thế giới).

Người Hoa muốn gọi tên nước của họ như thế nào là chuyện và quyền của họ. Về phần người Việt, dùng từ Trung quốc có nghĩa là dân tộc ta công nhận Trung cộng là nước chúa tể, trung tâm thế giới ! Chúng tôi quan niệm rằng trong quan hệ ngoại giao, nước Việt cần phải cư xử bình đẳng đối với mọi quốc gia (lớn hay nhỏ) trên thế giới. Ngày nay, chính sách bá quyền của cộng sản Bắc Kinh khiến cho quan hệ Việt-Hoa trở thành quan hệ đối đầu, do đó chúng tôi dùng từ Trung cộng để chỉ nước Trung Hoa cộng sản, còn từ Trung Hoa để chỉ nước Trung Hoa truyền thống.

Ngày nay, nhiều người muốn thoát Trung, nhưng một khi từ Trung quốc đã ăn sâu trong tiềm thức thì ... rất khó ! Điều đáng buồn là chính Bác Hồ nhà ta đã đầu têu như thế, thì có mấy ai dám nói khác ?!

Nhân đây, chúng tôi muốn lưu ý các bạn trẻ khi đề cập tới bang giao Việt-Hoa: không dùng từ Trung-Việt (hay Hoa-Việt), phải dùng từ Việt-Hoa, vì đây là ngữ pháp ngoại giao, chủ (Việt) phải đi trước khách (Hoa), không thể đảo ngược ngôi chủ-khách. Chúng tôi đã thấy một vài văn kiện của du học sinh viết sai như vậy, có lẽ các bạn muốn giữ lịch sự trong phép cư xử cá nhân (khách trước chủ). Không rõ chế độ này giáo dục con em thế nào mà đề cho ngay cả sinh viên cũng không biết dùng ngữ pháp ngoại giao !

Về tiếng nói, Trung Hoa là một nước đa ngôn ngữ, tiếng phổ biến nhất là tiếng quan thoại. Chúng tôi tiếp tục dùng từ tiếng Hoa, đã có từ lâu, là từ chung cho các ngôn ngữ của nước này.

Về bang giao Việt-Hoa

Về mặt sắc tộc, ở nước ta, cộng đồng người Hoa chung sống bình thường với dân tộc ta, không có vấn đề gì nghiêm trọng. Hơn nữa, người Minh Hương có công khai phá đất hoang ở miền nam.

Về mặt quốc gia, nước Việt là nước nhỏ nên thường xuyên bị chèn ép, bắt nạt; thậm chí có khi dân tộc ta phải đổ máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình. Trước đây, thời phong kiến, các nước sống cô lập từng khu vực, nước Việt phải chịu lép, sống dưới cái bóng Trung Hoa. Ngày nay, thế giới rộng mở, đây là cơ hội để nước Việt thoát khỏi cái bóng ấy; khẳng định quyền sống, quyền được đối xử bình đẳng của mình (Quyền Dân tộc hay Quyền Quốc gia đối với các quốc gia khác).

Ngày nay, hai dân tộc Việt và Hoa có cùng kẻ thù chung là chế độ cộng sản. Cuộc đấu tranh vì dân chủ của hai dân tộc có tác động hỗ tương (với ba yếu tố quan trọng: cùng một chế độ, chung nền văn hóa và địa chính trị). Trường hợp nước Việt có dân chủ trước sẽ là đòn bẩy cho cuộc đấu tranh vì dân chủ của người Hoa (sự kiện bức tường Bá Linh sụp đổ dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô chứng minh điều này). Trường hợp ngược lại còn tốt hơn: "đảng anh" xập tiệm thì "đảng em" khó sống !

Bruxelles, ngày 25-11-2020
Vượt qua Việt