Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, vào ngày 12/1/2021. |
Trong danh sách Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư khóa XIII, công bố hôm 31/1/2021, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình được một ghế vào Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là ông chánh án đã chủ tọa phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải hồi tháng Năm năm ngoái, vụ án mà gia đình phải kêu oan ròng rã 12 năm.
Tại phiên giám đốc thẩm, ông Nguyễn Hòa Bình bác bỏ đề nghị lật lại hồ sơ Hồ Duy Hải, nói rằng không có tình tiết oan sai trong quá trình điều tra xét xử vụ án này, bất chấp nhiều tình tiết sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra đã bị các luật sư chỉ ra.
Đến ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Toà Án trong nhiệm kỳ Quốc Hội khoá XIV, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình còn khẳng định “Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự”, rằng ‘Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội’.
Khi đó một luật sư ở TPHCM, ông Phạm Công Út, cho rằng nói không có án oan là nói theo kiểu chủ quan của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao :
“Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan này”
“Như vậy nói không có án oan là không đúng, tại vì việc minh oan cho ông Võ, bà Thưởng là cách đây 2 năm. Cách đây 2 năm thì nó rơi trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Hòa Bình. Do đó đây là câu nói mang tính báo cáo mà không trung thực”.
Bà Nguyễn Thị Loan kêu oan cho con là tử tù Hồ Duy Hải |
Việc ông Nguyễn Hòa Bình lọt vào Bộ Chính Trị sau Đại hội Đảng XIII khiến nhiều người quan tâm cảm thấy bất bình. Đối với tiến sĩ Mạc Văn Trang, người thường có những bài viết về các vấn đề chính trị và xã hội ở Việt Nam, vụ xử Hồ Duy Hải bị dư luận chỉ trích, thậm chí Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và cả chủ nhiệm Ban Pháp Luật Quốc Hội cũng phải lên tiếng, nhưng người thụ lý cao nhất thì phủ nhận và nay lọt vào Bộ Chính Trị thì quả là khó hiểu:
“Tôi thấy kinh ngạc và thực sự không hiểu nỗi, bởi vì điều này thể hiện cái gì đó trái với lòng dân, trái với cơ quan lập pháp là Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội, trái với Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Ông chánh án Nguyễn Hòa Bình từng đóng vai công an, sau đó sang Viện Kiểm Sát rồi cuối cùng sang Tòa Án, vụ án Hồ Duy Hải trong tay ông rất nhiều bí ẩn không hiểu được”
“Nhưng mà ý Đảng thì chịu, đó là sự sắp xếp của Ban Tổ Chức Trung Ương và quan hệ bên trong mình không thể nào hiểu được. Người ta có công khai đâu, dân không biết dân không bàn thì làm sao hiểu được những bí ẩn đó”.
Trao đổi qua điện thư với RFA, nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên phó Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Đảng bộ Cộng Sản Hồ Chí Minh, hiện là thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, nhận định vì ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm trụ lại chức vụ cao nhất bất chấp Điều lệ Đảng, thành thử phải chọn ông Nguyễn Hòa Bình là một thuộc cấp tham quyền cố vị như ông ta mà thôi. Đây là điểm tối cho ngành tư pháp Việt Nam những ngày tới:
“Xuất phát từ việc ông Nguyễn Phú Trọng bất chấp Điều lệ Đảng, tức luật của Đảng, để giành quyền làm Tổng Bí Thư thêm một nhiệm kỳ, thì việc mà tôi và rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên là ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, người có quyền chỉ đạo việc cầm cân nẩy mực trong hai vụ án Đồng Tâm, Hồ Duy Hải với quá nhiều tai tiếng về tố tụng, điều tra, xét xử . . lại được trúng cử vào Bộ Chính Trị và sẽ đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương”
“Điều ngạc nhiên được giải đáp bởi “Luật của Đảng đã bị chính người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng vi phạm, vậy thì “Luật của dân, do dân, vì dân” là luật chỉ để cai trị dân, để tùy tiện xét xử dân theo quyền và lợi ích của nhà cầm quyền. Cho nên sắp tới đây bản án bất minh bất chính về Hồ Duy Hải và dân làng Đồng Tâm chắc sẽ là y án và sẽ được thực thi, còn ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Hòa Bình vẫn nghiễm nhiên ngồi trên danh vọng và bất chấp luật lệ”.
29 người dân Đồng Tâm bị xét xử ở toà án ở Hà Nội hôm 14/9/2020. AFP |
Vụ án Đồng Tâm được nói đến liên quan đến tranh chấp đất đai và chính quyền Hà Nội dẫn đến vụ tấn công của công an vào Đồng Tâm vào đầu năm ngoái khiến 4 người thiệt mạng. 29 người dân làng bị toà án kết án tù treo đến chung thân và tử hình với cáo buộc giết người và chống người thi hành công vụ. Vụ án bị quốc tế lên án vì có nhiều khuất tất.
Ông Nguyễn Hòa Bình bị dư luận chỉ trích về vụ án Hồ Duy Hải, nhưng đó là dư luận của các tổ chức xã hội dân sự bị đảng Cộng sản xem là thế lực thù địch, là nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một cựu Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Vì thế họ không nghe đâu! Tuy ông Bình bị chất vấn ở Quốc Hội nhưng ông đã chống chế và Quốc Hội cũng tạm cho qua. Hơn nữa việc làm của ông Bình đã được ông Trọng khuyến khích. Cơ bản việc ông Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính Trị được ông Nguyễn Phú Trọng chọn vì cùng phe nhóm”
“Cộng sản, và đặc biệt là ông Trọng, huênh hoang rằng cần chọn người có đức có tài, nhưng thực chất họ chủ yếu chọn người cùng phe cánh và chia chác quyền lực giữa các nhóm lợi ích. Đường lối, cách thức chọn cán bộ của họ có nhiều điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học nên rất khó chọn được người có thực tài, trung thực và liêm khiết. Ông Trọng rất muốn dựa vào công an và tòa án để đàn áp, để triệt hạ những người bất đồng chính kiến có phẩm chất cao thượng, vì thế cần dùng những kẻ dám chà đạp công lý, pháp luật, dám bất chấp dư luận của dân”.
Vì đã dẫm đạp lên Điều lệ Đảng như ông Nguyễn Phú Trọng, thì chọn cán bộ bị dư luận chỉ trích vào Bộ Chính Trị cũng là việc chẳng kiêng dè, nhưng nó báo hiệu sự mạt vận đang tới gần, là phần kết luận của Giáo sư Nguyễn Đình Cống.
Việc làm của ông Bình đã được ông Trọng khuyến khích. Cơ bản việc ông Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính Trị được ông Nguyễn Phú Trọng chọn vì cùng phe nhóm |
---|
GS. Nguyễn Đình Cống |
Thường theo dõi tình hình thế sự trong nước, phóng viên Lê Trung Khoa từ Berlin, Đức, nói rằng Hà Nội thường tự nhận mình là Nhà Nước Pháp Quyền với đầy đủ hành pháp, lập pháp, tư pháp, thế nhưng chọn một ông chánh án tắc trách và quyết đoán vào Bộ Chính Trị khóa mới là thông điệp cứng rắn cho bất cứ ai dám chống lại án lệnh hay phán quyết của tòa do chính phủ chỉ đạo:
“Người như vậy không đủ khả năng đạo đức cũng như nhận thức về mặt Nhà Nước pháp quyền. Người dân không thể có cách nào kêu oan hay được xét xử một cách công minh, bởi vì đảng trực tiếp chỉ đạo những vụ án trọng điểm để loại bỏ đối lập, loại bỏ bất đồng hay bất lợi cho đảng”
“Có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam cần những con người như ông ta, tiếp tục sử dụng sự vô pháp, tiếp tục đàn áp, loại bỏ bất đồng, bất lợi hoặc những thứ mà đảng không muốn có trong thời gian tới”.
Đảng chọn ai là tiêu chí riêng của họ, dân có chọn đâu mà được quyền thắc mắc, là lý giải của blogger, tiến sĩ bỏ đảng Đinh Đức Long. Chọn một người không phải cứ theo cộng sản nói đủ tiêu chuẩn là đủ mà còn những yếu tố khác:
“Tôi xin nhắc lại một câu nói của ông Hồ Chí Minh. Năm 1946 chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, trong ấy có cả vua Bảo Đại. Nhiều quan lại, nhiều bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim cũng tham gia vào chính phủ của ông Hồ Chí Minh. Khi đó các cán bộ nhân dân theo chủ thuyết cộng sản thắc mắc tại sao những người như thế mà được giữ những chức vụ cao trong chính phủ. Ông Hồ Chí Minh đã nói câu này “Phân có dơ không, dùng phân mà bón ruộng thì các chú có dùng không”
“Trở lại vấn đề ông Nguyễn Hòa Bình cũng thế thôi, có thể ông ấy làm mất lòng dân, làm mất lòng một số người trong Viện Kiểm Sát Nhân Dân chẳng hạn, nhưng ông lại có lợi cho một phe nhóm nào đó, lợi cho mục đích nào đó thì người ta vẫn đưa vào”.
Từ điểm này, tiến sĩ Đinh Đức Long nêu tiếp thí dụ về việc lưu giữ hai viên chức trong nhiệm kỳ khóa XII là ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng:
“Ai chẳng biết ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng là quân của ông (nguyên Thủ tướng) Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng mà rồi từng bước người ta loại ra hết. Trở lại chính phủ liên hiệp của ông Hồ Chí Minh, khi lên nắm quyền chủ tịch nước, chủ tịch đảng, thậm chí bộ trưởng ngoại giao nữa thì ông loại dần và và đưa người của ông vào”.
Ông Đinh La Thăng và Vũ Huy Hoàng là những cựu quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá trước nhưng đã bị kỷ luật và bị tuyên án tù sau đó vì những sai phạm trong quản lý.
Đó là chính trị của một đất nước cộng sản như Việt Nam tới giờ phút này, blogger Đinh Đức Long giải thích tiếp, vì thế hãy xem chuyện cho ông Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính Trị có thể ít nhiều phản ảnh cái tiêu chí, cái kế hoạch dùng người không bao giờ rõ ràng, không bao giờ minh bạch của Hà Nội trước nay.