Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Chuyện cung đình (1)

Bài mới hơn  Mục lục  Trang chính

14/02/2021 - bbc.com

Vali tiền đô 'đem tới Trung ương Đảng' và tham nhũng ở VN

Lê Mạnh Hùng
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin

Getty Images

Câu chuyện chiếc vali chứa đô la hối lộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng kể hôm 1/2/2021 khiến gợi nhớ tới lời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/11/2012:

"Trong sự nghiệp chính trị của mình, tôi không chạy, không xin..."

Vậy ta có thể hiểu là đã từng có chuyện chạy, xin chức vụ, thậm chí chạy để lên rất cao trong bộ máy.

Hình ảnh 3 triệu USD tiền nhận hối lộ, xếp đầy hai vali và ba lô cất giấu ngoài ban công năm 2015 của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, chưa mấy ai quên.

Đó mới chỉ là vài ví dụ.

Số lượng người bị bắt càng nhiều, chức vụ người tham nhũng ngày càng cao, số tiền ngày càng lớn.

Tham nhũng đến từ đâu?

Ông Nguyễn Phú Trọng nói "đây là bệnh của người có quyền".

Quá đúng! Chỉ có các quan chức trong bộ máy nhà nước mới có cơ hội tham nhũng. Chức vụ càng cao càng dễ tham nhũng lớn. "Ai cũng thích của, thích tiền" mà.

Không trực tiếp tham nhũng thì họ cũng có thể ủng hộ, bao che cho người thân tham nhũng và qua đó họ hưởng lợi.

Cựu TBT Lê Khả Phiêu cũng từng thừa nhận năm 2005, "chuyện đưa và nhận hối lộ ở cấp cao đã trở thành tự nhiên".

Quan chức cấp càng cao thì khả năng che chắn, tự bảo vệ mình khỏi bị phát giác, trừng phạt lại càng tốt.

"Tham nhũng ở nước nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, lớn hay nhỏ thôi," ông Trọng giãi bày.

Đứng vậy, nhưng ông Trọng không nói rõ mức độ tham nhũng của Việt Nam đang ở đâu, và vì sao chống tham nhũng ở Việt Nam khó thế.

Thống kê của Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) công bố đầu năm 2020: Việt Nam đứng vị trí 96/180 về tham nhũng.

"Sờ vào đâu cũng thấy tham nhũng," một đại biểu Quốc hội VN từng phải thốt lên.

Tác hại của tham nhũng

Getty Images - TBT Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng "là bệnh của người có quyền"

Theo Minh Bạch Quốc tế tham nhũng là vấn đề của toàn cầu. Thiệt hại do tham nhũng gây ra chiếm từ 1 đến 4% tổng sản lượng kinh tế thế giới mỗi năm, là trở ngại lớn nhất cho cuộc chiến chống lại nghèo đói.

Kinh khủng hơn, tham nhũng "cản trở sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia".

Cũng theo tổ chức kể trên, chính tham nhũng cũng là nguyên nhân thường xuyên dẫn tới vi phạm quyền con người ở nhiều nước.

Chứ sao nữa, các quan chức tham nhũng, các nhóm lợi ích dại gì không tận dụng sức mạnh nhà nước có sẵn trong tay để dập tắt báo chí, đàn áp những ai dám tố giác, các đối thủ chống lại mình.

Nhưng trên thế giới có nhiều ví dụ vụ tham nhũng bị trừng phạt không kiêng nể gì cả những người đứng đầu quốc gia.

Vụ xử cựu tổng thống Đức và 720 euro

Getty Images - Tổng thống Christian Wullf của Đức đã phải từ chức hồi 2012 và phải ra hầu tòa sau khi báo chí đăng tin ông chấp nhận việc ở khách sạn mà không cần trả khoản tiền 720 euro từ thời ông còn làm thống đốc bang

Đơn cử trường hợp tổng thống thứ 10 của Đức, Christian Wullf.

Năm 2011, báo Bild của Đức lần theo nghi vấn rằng ông Wullf từ thời còn làm thống đốc bang Niedersachsen đã lợi dụng chức vụ làm lợi cho mình.

Báo Bild những ngày đó đã bán rất chạy, dư luận Đức nổi sóng, Tổng thống Đức buộc phải từ chức năm 2012, bị ra tòa.

Một trong những cáo trạng nói ông Wullf và gia đình hưởng lợi 720 euro (990 USD) tiền khách sạn nhờ quan hệ thân hữu.

Tổng thống Christian Wullf gọi điện cho Tổng biên tập báo Bild muốn tác động, ngăn cản báo Bild phê phán ông.

Tổng biên tập báo Bild - Kai Diekmann lập tức cho công bố đoạn ghi băng âm lời ông Tổng thống.

So với tiền triệu đô khuân bằng vali ở Việt Nam thì vụ án xử cựu tổng thống Đức, nguyên phó chủ tịch đảng cầm quyền CDU quả là 'hạt cát'. Nhưng ông vẫn bị xử.

Tòa án độc lập của Đức chẳng có lý do gì e ngại ông Wullf, xét xử công bằng. Tổng biên tập báo Bild vẫn sống khỏe. Đồng minh thân cận cùng đảng CDU của ông Wullf, bà thủ tướng Merkel chẳng thể giúp gì được ông.

Ở Đức hay các quốc gia dân chủ, báo chí tự do, độc lập với chính quyền chính là một nhân tố chống tham nhũng hữu hiệu nhất.

Báo chí luôn khát tin, sẵn sàng lăn xả vào phát hiện tham nhũng để có tin hay, có nhiều người xem, người đọc, báo bán chạy.

Báo chí Việt Nam khác, sẽ lập tức im bặt nếu bị Bộ trưởng TT-TT, Thủ tướng hay thậm chí Tổng bí thư chỉ thị phải dừng, kẻo lỡ "đánh chuột vỡ bình", "ta đánh vào ta".

Truyền thông Việt Nam do chính quyền chi tiền nuôi, quản lý và chỉ thị cụ thể phải làm gì.

Chống tham nhũng sao được nếu việc phát hiện, trừng phạt tham những lại trao cho những người dễ tham nhũng nhất và chân rết của họ?

Dân Đức và châu Âu chắc sẽ cười ngất nếu nghe các quan chức chính phủ "kêu gọi toàn dân chống tham nhũng".

Ông Nguyễn Phú Trọng thú nhận vai trò của ông rằng "Cá nhân có vai trò quan trọng, nhưng cũng chỉ là cá nhân thôi". Thế thì còn đáng ngại hơn nữa. Ông đã già yếu, một ngày không xa, không thích hoặc không khỏe để đánh tham nhũng nữa ông sẽ dừng công việc. Vậy ai là sẽ người đáng tin cậy làm tiếp công việc của ông đây?

"Lỗi tại cơ chế"?

Không ít quan chức và doanh nhân ở Việt Nam từng chia sẻ thật lòng: xã hội quản lý có lỏng lẻo họ mới có cơ hội làm ăn. "Cứ chặt chẽ như bên Đức, phương Tây thì có mà ăn cám."

Ngày xưa cán bộ nhà nước gặp nhau thường hay hỏi "dạo này khỏe không?", bây giờ câu cửa miệng lại là "dạo này làm ăn thế nào?"

Những người có tâm huyết với đất nước thường rất hay thở dài, kết thúc bằng một câu quen thuộc "lỗi tại cơ chế ấy mà" khi các cuộc tranh luận của họ gần tới đích và họ bắt đầu cảm thấy sợ nói ra sự thật.

Con đường đúng đắn là áp dụng cơ chế phân chia quyền lực, kiểm soát quyền lực, thực hiện triệt để nhà nước pháp quyền… như cũng từng được nói ra rả trong nhiều văn kiện của Đảng và nhà nước, có chăng chỉ né không nói "tam quyền phân lập".

Để Việt Nam chống tham nhũng hiệu quả, báo chí phải được độc lập, tòa án, viện kiểm sát phải độc lập, các đảng phái đối lập tự động kiểm soát lẫn nhau.

Vậy thì tại sao không áp dụng?

Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo duy nhất, đảng đó thâu tóm quyền lực của tất cả các cơ quan nhà nước khác, đứng trên tất cả, kể cả luật pháp và đứng đầu đảng đó lại chính là những người thuộc về nhóm có khả năng tham nhũng cao nhất.

Thay đổi sẽ dẫn tới mất quyền lực độc tôn với bao ưu đãi, bổng lộc. Có ai muốn tự thay đổi để mất đi những lợi thế đang có?

Nước Đức cũng sẽ gặp vấn đề y chang Việt Nam nếu chỉ có mỗi một đảng CDU của bà Angela Merkel độc quyền lãnh đạo. Báo Bild sẽ chẳng dám ho he và ông Christian Wullf đã được bà Merkel giải cứu chỉ trong vòng một nốt nhạc.

Xóa bỏ cơ chế một đảng lãnh đạo, thay bằng hệ thống chính trị với nhiều đảng phái, điều mà Đức hay nhiều nước phát triển, đứng đầu danh sách các quốc gia ít tham nhũng nhất đã áp dụng thành công.

Nhưng nghe có vẻ khó cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quá.

Bộ máy tuyên truyền của Việt Nam chắc sẽ vẫn lập luận rằng: cương quyết duy trì chế độ một đảng lãnh đạo để "duy trì ổn định" đất nước.

Có thật vậy không một khi tham nhũng là điều tất yếu và không thể khắc phục trong cơ chế một đảng đó, nó sẽ còn dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp hơn.

Ông Trọng từng nói: "Tham nhũng là giặc nội xâm, đe dọa sự tồn vong của chế độ."

Thiết nghĩ không chỉ có đe dọa sự tồn vong của chế độ đâu mà đe dọa cả sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc. Tham nhũng hoàn toàn có thể dẫn tới bán nước, bán đất, bán chủ quyền cho ngoại bang.

Đứng trước món lợi khủng, những kẻ lấy tham nhũng làm lẽ sống sẽ rất liều mạng, chẳng từ điều gì đâu.

Các nước văn minh, đã phát triển cao họ vẫn luôn sẵn sàng cải thiện cách quản lý đất nước của họ cho phù hợp với xu thế thời đại để càng phát triển hơn.

Mở cửa làm ăn với thế giới, Việt Nam không thể mãi khư khư mô hình quản lý đất nước như hiện nay, nó sẽ luôn mâu thuẫn với những cam kết quốc tế.

Lảng tránh thay đổi sẽ chỉ kéo dài sự trì trệ, tham nhũng trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước và thậm chí dẫn tới đổ vỡ.

Giải pháp chống tham nhũng hiệu quả có đấy, Việt Nam chỉ cần phải lựa chọn để áp dụng mà thôi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo độc lập Lê Mạnh Hùng từ Berlin, Đức.

Đầu trang

06/02/2021 - baotiengdan.com

Thái tử đảng, trung ương đảng, tiền tươi thóc thật, Quốc hội múa minh họa

Jackhammer Nguyễn
6-1-2021

Trận chiến quyền lực ở Việt Nam đã ngã ngũ. Nguồn tin từ Tiếng Dân của tác giả Lê Văn Đoành, đưa ra một danh sách những nhân vật hàng đầu sẽ giữ các vị trí quan trọng trong trung ương đảng và chính phủ sắp tới. Đúng ra thì còn cuộc bầu cử quốc hội vào đầu hè nữa, nhưng như mọi người đã biết, cuộc bầu cử ấy chỉ là thủ tục, góp vui mà thôi, chứ không có ảnh hưởng gì tới quyền lực thật sự của các nhân vật đã được chọn.

Được biết, danh sách phân công các nhân vật lãnh đạo hàng đầu, được công bố trong cuộc họp diễn ra sáng nay, ngày 6/2/2021, tại Văn phòng Trung ương đảng, gồm một số nhân vật trong Bộ Chính trị mới được bầu trong đại hội đảng 13 tham gia. Lạ một điều là, cuộc họp này không có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng lại có mặt ông Trần Quốc Vượng, dù ông Vượng chẳng còn giữ chức vụ gì sau Đại hội 13.

Ông Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ. Nguồn: Báo ND

Trong danh sách mà nguồn tin của Tiếng Dân có được, còn vài vị trí chưa được quyết định, nhưng không quan trọng lắm, và nếu như danh sách này là chính xác (cho tới nay nguồn tin này khá chính xác) thì chúng ta thấy điều gì?

Danh sách phân công, bố trí chức vụ

Hãy bỏ qua các vị trí tứ trụ và nhân vật Phạm Minh Chính mà chúng ta đã bàn nhiều, có hai điểm đáng chú ý trong việc tranh chấp quyền lực lần này, đó là vai trò của trung ương đảng và vị trí các thái tử đảng tại Việt Nam.

Trung ương đảng và thái tử đảng, tiền tươi thóc thật

Như chúng ta đã biết, Bộ Chính trị gồm 18 nhân vật đã được hình thành từ những cuộc họp căng thẳng tại Hội nghị Trung ương (TW) trước khi Đại hội 13 diễn ra. Các Hội nghị Trung ương này mới là quan trọng, Đại hội đảng 13 vừa qua chỉ là nghi thức.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất hiện nay phải nhân nhượng, loại bỏ Trần Quốc Vượng, chứng tỏ vai trò của TW vẫn mạnh như trong kỳ đại hội lần thứ 12 (cũng có ý kiến cho rằng ông Vượng là “mồi nhử”, bước đệm cho ông Trọng, nhưng ý này có vẻ không đứng vững). Ảnh hưởng của họ lên các ủy viên mới của Bộ Chính trị khá quan trọng, nên 18 nhân vật này vẫn phải đưa ông Vũ Đức Đam, dù không phải ủy viên bộ chính trị vào hàng thứ 16 trong danh sách mới.

Các ủy viên TW cũng đã loại nhân vật Lương Cường, tướng chính trị, khỏi ghế bộ trưởng bộ quốc phòng, để đưa một viên tướng có kinh nghiệm quân sự là Phan Văn Giang thế chỗ.

Các ủy viên TW cũng đã loại bỏ một thái tử đảng khác là Đào Ngọc Dung (cháu vợ của ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội) ra khỏi Bộ Chính trị. Tuy vậy, các ủy viên TW vẫn phải để cho các thái tử đảng khác chẳng có tài cán và nhiều bê bối như Trần Tuấn Anh, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, vào Bộ Chính trị, giữ ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương; hay như Nguyễn Thanh Nghị, con trai “đồng chí X”, giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Như vậy lớp thái tử đảng ở Việt Nam không mạnh như các thái tử đảng Trung Quốc. Lê Khánh Hải, cháu nội cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chỉ được cái chức nhàn nhàn ở văn phòng chủ tịch nước, điếu đóm cho ông Nguyễn Xuân Phúc.

Việc mạnh lên của TW, cơ quan bao trùm toàn bộ lãnh thổ và các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, so với Bộ Chính trị, trong chừng mực nào đó, là một dấu hiệu dân chủ hơn trong đảng, thể hiện quy trình quyền lực từ dưới lên. Tuy nhiên sự mạnh lên này có vẻ bị khựng lại trong cuộc tranh chấp quyền lực kỳ này.

Việc khựng lại này một phần do ảnh hưởng của phe thuần đảng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mạnh lên trong năm năm chống tham nhũng vừa qua. GS Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc, cho rằng, sự mạnh lên này là do khuynh hướng duy trì ý thức hệ cộng sản thắng thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều đó chẳng qua là sự ganh tị của phe thuần đảng, lợi dụng công cuộc đốt lò nổi tiếng của ông Trọng để đi lên. Nơi dễ dàng xảy ra tham nhũng, rất dễ hiểu là những vị trí trong chính phủ, trong các cơ quan nhà nước có nhiều bổng lộc, và những vị trí này cũng được các nhân vật thuần đảng ngắm nhìn với ánh mắt thèm khát.

Quốc hội múa minh họa

Danh sách 49 vị trí bị lộ ra sau buổi họp đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 13 cũng thể hiện sự lộn xộn trong khái niệm đảng, chính phủ, quốc hội của những người cộng sản. Đứng đầu danh sách là viên tổng bí thư, sau đó chen ngang các vị trí của chính phủ, của quốc hội, của các cơ quan mặt trận,…

Việc ông Bùi Thanh Sơn sẽ giữ vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, mà không phải là ủy viên Bộ Chính trị, cho thấy là quyền lực của bộ này chưa bao giờ được những người cộng sản coi trọng. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cả hai nhân vật bộ trưởng là Nguyễn Thị Bình và Xuân Thủy đều theo sau trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ. Thời kỳ mạnh của bộ này có thể trong giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch (bố ông Phạm Bình Minh) làm bộ trưởng, nhưng không kéo dài bao lâu, đã bị ép rời bỏ chức vụ.

Nhưng điều buồn cười nhất từ thông tin của tác giả Lê Văn Đoành, chính là kỳ họp trước, “ăn cơm trước kẻng” của Quốc hội… chưa được bầu! Cơ cấu lãnh đạo của quốc hội mới, bà Kim Ngân từ chức, ông Vương Đình Huệ sang làm chủ tịch, sẽ được quyết định vào đầu tháng 4/2021, trong khi “toàn dân đi bầu” quốc hội vào cuối tháng 5/2021.

Rõ khổ, đảng CSVN dựng lên quốc hội để trang trí và bày ra chuyện “người ngoài đảng” vào quốc hội để thể hiện “tinh thần dân chủ”, nhưng rõ ràng là họ cũng cảm thấy rách việc quá, bèn cho họp trước để dựng cái phông màn quốc hội để xong cho rồi.

Mà ngay cả luật của chính đảng đề ra, bằng bút mực đàng hoàng, về chuyện tuổi tác và nhiệm kỳ, mà họ còn xé bỏ được mà, huống chi cái phông nền quốc hội chỉ dùng để múa minh họa, để đâu, lúc nào mà chẳng được!

Đầu trang

01/02/2021 - voatiengviet.com

Giới quan sát: Đảng Cộng sản VN có khủng hoảng về tìm lãnh đạo kế cận

Tổng Bí thư Đảng CS VN Nguyễn Phú Trọng tại họp báo hôm 1/2/2021.

Việt Nam bước sang một giai đoạn mới - về lý thuyết - khi đại hội 13 của Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất bầu bán xong nhóm các lãnh đạo hàng đầu của đảng và bế mạc hôm 1/2.

Tuy nhiên, với việc nhà lãnh đạo cao nhất trên thực tế của đảng vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, giới quan sát đưa ra nhận định là Đảng CS Việt Nam đang có khủng hoảng trong công tác sắp xếp lãnh đạo kế cận.

Như tin đã đưa, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 hôm 31/1 bầu ông Nguyễn Phú Trọng được tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Trọng ở vị trí đầy quyền lực này.

Báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin rằng ông Trọng, 77 tuổi, là một trong mười trường hợp đặc biệt trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, cụ thể là quá giới hạn về độ tuổi tham gia Ban Chấp hành được quy định trong điều lệ của đảng.

“Bây giờ tôi cũng không được khỏe lắm, tuổi cũng cao rồi, tôi cũng xin nghỉ nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên tôi phải chấp hành, nên tôi sẽ cố gắng hết sức”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại một cuộc họp báo hôm 1/2, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Ở một nghĩa nào đó, có thể coi là có khủng hoảng ở mức độ nhất định trong việc tìm kiếm những nhân vật lãnh đạo phù hợp để thay thế những nhân vật đã quá giới hạn độ tuổi hoặc quá giới hạn nhiệm kỳ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Từ Singapore, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak đưa ra nhận xét với VOA về sự kiện này:

“Ở một nghĩa nào đó, có thể coi là có khủng hoảng ở mức độ nhất định trong việc tìm kiếm những nhân vật lãnh đạo phù hợp để thay thế những nhân vật đã quá giới hạn độ tuổi hoặc quá giới hạn nhiệm kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ có thể được coi là một giải pháp tình thế để ngăn khủng hoảng có thể xảy ra”.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp ghi nhận rằng giải pháp này trước mắt đạt được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo cấp cao của đảng, thể hiện qua thực tế là Ban Chấp hành Trung ương khóa mới hầu như nhất trí hoàn toàn với việc ông Nguyễn Phú Trọng ở lại chức tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ.

Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak lưu ý đến thực trạng đại hội đảng lần này chấp nhận nhiều trường hợp đặc biệt, nổi bật là ông Trọng, và như thế là một số quy tắc nội bộ của đảng về nhân sự bị phá vỡ.

“Nếu điều này không được khắc phục, các quy tắc, điều lệ không được phục hồi trở lại, có thể tạo ra tiền lệ rất xấu, tạo ra những bất ổn khó đoán định trong vấn đề nhân sự trong tương lai”, tiến sĩ Hiệp nói.

Giáo sư Mạc Văn Trang, người thường lên tiếng phản biện xã hội, chia sẻ ý kiến với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh:

“Ông Trọng là người cao tuổi, đã bị tai biến, sức khỏe đã giảm sút, thậm chí đi phải có người dắt, thế mà ông lại tiếp tục nữa. Điều đó chứng tỏ có khủng hoảng lãnh đạo trong giới chóp bu của đảng cộng sản. Ông Trọng vi phạm chính điều lệ của đảng. Bây giờ ông làm nhiệm kỳ thứ ba, như thế tạo ra dư luận không hay. Lẽ ra phải có những người trẻ lên thay thế. Điều này chứng tỏ là đang có sự bế tắc, thiếu tin tưởng vào tầng lớp kế cận”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử vị trí Tổng Bí thư Trung ương Đảng khóa 13; 31/1/2021Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử vị trí Tổng Bí thư Trung ương Đảng khóa 13; 31/1/2021

Nhà báo tự do Song Chi, một cựu đạo diễn phim rời bỏ Việt Nam đi tị nạn chính trị năm 2009 và hiện sống ở Anh, bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng: “Cả nước [Việt Nam] lại được dẫn đường bởi một ông già 77 tuổi, hai lần bị đột quỵ, đầu óc xơ cứng, chỉ lặp đi lặp lại về chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Xã hội, luôn luôn đặt sự tồn vong của đảng, của chế độ lên trên hết”.

Trong con mắt của nữ nhà báo, ông Nguyễn Phú Trọng là “hình ảnh của một người cộng sản từ những năm 40, 50 của thế kỷ 20, là một con người thủ cựu, chỉ có mớ lý thuyết Mác-Lê cũ rích, chứ không phải là một nhà lãnh đạo của thời đại hôm nay, không có tư duy sắc bén, tầm nhìn xa để lãnh đạo đất nước”.

Bà Song Chi hình dung viễn cảnh không mấy tích cực cho Việt Nam với lời bình luận rằng: “Khi nhìn như thế thì thấy tương lai, vận mệnh của đất nước ít nhất trong 5 năm cầm quyền tới của ông cũng chả có gì thay đổi, vẫn loạng choạng đi theo con đường zic zac, vẫn tiếp tục vá chỗ này bịt chỗ kia”.

Trong Bộ Chính trị, trong Trung ương, cũng có rất nhiều người có thể có tư tưởng đổi mới, không chấp nhận cơ chế, thể chế như hiện nay ... Sau này, trong quá trình chuyển đổi, những nhân tố mới sẽ xuất hiện, và người đó sẽ làm nên chuyện, làm thay đổi thể chế...
Giáo sư Mạc Văn Trang

Khác với bà Song Chi, tiến sĩ Mạc Văn Trang đặt hy vọng vào những nhân vật có đầu óc cải cách đang ẩn mình chờ thời ở trong đảng. Ông nói:

“Trong Bộ Chính trị, trong Trung ương, cũng có rất nhiều người yêu nước, có năng lực, họ có thể có tư tưởng đổi mới, không chấp nhận cơ chế, thể chế như hiện nay, nên họ không được tin tưởng. Sau này, trong quá trình chuyển đổi, những nhân tố mới sẽ xuất hiện, và người đó sẽ làm nên chuyện, làm thay đổi thể chế và tạo sự phát triển mới cho đất nước”.

Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ngay cả khi Đảng Cộng sản Việt Nam bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ, họ đã bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm ông rồi, nhưng các phe nhóm nhiều thế lực trong đảng chưa đạt được đồng thuận về người tiếp theo này. Ông Hiệp nói:

“Chủ yếu đây là mâu thuẫn giữa các nhóm, hoặc các nhân vật cụ thể liên quan đến quan hệ quyền lực giữa các nhân vật này. Ví dụ, những nhân vật có quyền lực lớn hơn không muốn từ bỏ vị trí của họ. Trong khi đó, các nhân vật có triển vọng bước lên vị trí mới lại bị hạn chế về mức độ ảnh hưởng, về sự hậu thuẫn trong trung ương đảng. Cho nên, có những mặc cả, có những đàm phán để đạt sự dàn xếp càng nhiều người ủng hộ, càng nhiều người chấp nhận càng tốt”.

Trong phân tích của riêng mình, tiến sĩ Hiệp dự báo rằng có khả năng cao là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể chuyển giao quyền lực sau vài ba năm chứ không làm hết nhiệm kỳ, do ông có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, nếu các phe phái không đạt được đồng thuận về người thay thế ông Trọng, sự bế tắc vẫn kéo dài, dẫn tới ông Trọng phải ở lại lâu hơn so với dự kiến ban đầu của đảng, theo tiến sĩ Hiệp.

Đầu trang

Jan 31, 2021 - nguoi-viet.com

Con trai Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ‘ở lại trung ương’ dù ‘bị kỷ luật’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong danh sách 200 tân ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN khóa 13 đăng trên báo đảng, giới quan sát chú ý đến tên Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nghị, 45 tuổi, thứ trưởng Bộ Xây Dựng CSVN tham gia tranh ghế tại Đại Hội 13, trong khi em trai ruột, ông Nguyễn Minh Triết, phó chủ tịch thường trực Trung Ương Hội Sinh Viên Việt Nam, không được cho dự sự kiện này.

Ông Nguyễn Thanh Nghị (giữa), bỏ phiếu bầu Ban Chấp Hành Trung Ương tại Đại Hội 13. (Hình: Zing)

Blogger Lê Nguyễn Hương Trà tiết lộ trên trang cá nhân rằng ông Nghị đạt số phiếu 87.8% trong lúc Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng được cho là 89%. Với việc lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13, con trai cựu Thủ Tướng Dũng được cho là đủ điều kiện lên chức bộ trưởng Xây Dựng CSVN.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Nghị là tiến sĩ Khoa Học Kỹ Thuật Xây Dựng. Trước khi được luân chuyển về làm phó bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang hồi Tháng Ba, 2014, ông Nghị cũng đã từng giữ chức thứ trưởng Bộ Xây Dựng khi mới 35 tuổi, phó hiệu trưởng trường Đại Học Kiến Trúc ở Sài Gòn.

Việc “điều động” ông Nghị trở về “vị trí cũ” theo dư luận không mấy bất ngờ, bởi trước đó hôm 25 Tháng Tám, Thanh Tra tỉnh Kiên Giang có phúc trình việc tổ chức thực hiện “Kết luận thanh tra số 602” của Thanh Tra Chính Phủ CSVN về các sai phạm đất đai ở tỉnh này. Theo đó, trong sáu cựu phó chủ tịch tỉnh bị “kiểm điểm” có ông Nguyễn Thanh Nghị.

Liên quan vụ này, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết hồi Tháng Năm, 2020, Thanh Tra Chính Phủ công bố “Kết luận thanh tra số 602” về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng CSVN, đến tham dự Đại Hội 13 với tư cách cựu lãnh đạo chính phủ. (Hình: Zing)

Theo đó từ Tháng Giêng, 2016, đến Tháng Sáu, 2017, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách hơn 17,000 thửa đất nông nghiệp ở huyện Phú Quốc ra diện tích nhỏ (dưới 500 mét vuông). Việc này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp ở huyện “diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.”

Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng CSVN, đã đến tham dự Đại Hội 13 trong ngày khai mạc với tư cách cựu lãnh đạo chính phủ.

Gần như chỉ có báo Zing đăng ảnh ông Dũng lúc đang bước vào Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia. Không thấy các báo nhà nước dẫn ý kiến của ông này về sự kiện quan trọng của đảng CSVN. (N.H.K) [kn]

Đầu trang

Thứ hai, 1/2/2021 - zingnews.vn

Tổng bí thư: 'Có người xách valy tiền đến Ủy ban Kiểm tra biếu xén'

Dẫn câu chuyện có người xách valy tiền đôla đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm, Tổng bí thư nhận định đấu tranh chống tham nhũng rất khó khăn, phức tạp.

Sáng 1/2, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo quốc tế để thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trả lời câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ nhiều lúc ông “sợ ngượng” vì mình nói nhiều quá.

“Nhiều lần tôi có nói vui ở các cuộc họp rằng tôi còn nói nữa và ai nói ghét tôi tôi cũng nói, nói với tinh thần hết sức tâm huyết. Nhưng anh em cũng nói vui rằng không ghét đâu, bác càng nói càng yêu”, Tổng bí thư chia sẻ.

Theo ông, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn, không chỉ nước ta mà nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, chỉ nhiều hay ít, rộng hay hẹp.

Cuộc phát động đấu tranh chống tham nhũng bắt đầu từ năm 2013 - khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trực thuộc Đảng. Từ đó đến nay, rất nhiều vụ với nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị đã được mang ra xét xử. Thậm chí, thu hồi tài sản hàng triệu đôla, mức mà Tổng bí thư cho rằng “không thể tưởng tượng được”.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không kể người đó là ai, không có vùng cấm.

“Trước đây có lúc thấy tôi yếu, có người lo chùng xuống, rồi có người hỏi sắp đến Đại hội có làm không? Tôi nói mai Đại hội mà hôm nay đến ngày xét xử thì vẫn đưa ra tòa xét xử”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Thực tế, ông cho biết gần Đại hội vừa qua vẫn xử nhiều vụ, cả ủy viên Bộ Chính trị, cả lãnh đạo thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Sát Đại hội có mấy ngày còn khởi tố, cho thấy chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ.

Song, Tổng bí thư nhấn mạnh, làm việc này không phải vì trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn vì nhân văn, nhân đạo. Như Bác Hồ nói, phải cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây; xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm.

Nhắc lại câu chuyện từng nói ở Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng hồi tháng 12/2020, Tổng bí thư cho biết vừa rồi có người hối lộ, xách valy tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm. Ông yêu cầu cán bộ Ủy ban Kiểm tra mở ra xem là cái gì.

"Mở valy ra thì thấy đó là tiền đô la. Tôi yêu cầu khóa lại, lập biên bản, yêu cầu ký vào”, Tổng bí thư kể.

“Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn đến như thế, nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính sẽ không làm được, dễ mắc lắm, vì ai chả thích của, thích tiền”, Tổng bí thư khẳng định.

Ông nhấn mạnh lại danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Chết cũng không mang tiền theo được.

“Hôm nay các đồng chí hỏi lại tham nhũng, tôi xin khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, vừa qua mới chỉ là hạn chế, ngăn ngừa bước đầu, còn gian nan lắm”, Tổng bí thư kết lại.

Đầu trang

1 tháng 2 2021 - BBC News Tiếng Việt

Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13

Tina Hà Giang
1 tháng 2 2021, 14:44 +07

Giải thích việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư thêm 5 năm nữa, Giáo sư Carl Thayer nói sở dĩ các quy tắc của đảng CSVN về tuổi tác và nhiệm kỳ bị phá vỡ là vì cơ cấu và phe phái.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, ông Thayer có vẻ không lạc quan lắm về tình hình Biển Đông và nhân quyền cho Việt Nam trong thời gian tới.

GS Carl Thayer: Có hai yếu tố chính giải thích tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đã được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba, sự kiện chưa từng thấy trong vị trí Tổng Bí thư Đảng CSVN - cơ cấu và phe phái.

Yếu tố cơ cấu có thể được so sánh với chứng xơ cứng động mạch, nơi mà con đường lựa chọn lãnh đạo ngày càng bị hạn chế. Giải pháp là thay đổi cách quản lý cứng nhắc của đảng với quá trình chuyển đổi thế hệ hoặc để con người thay đổi lối sống khi về già.

19 thành viên được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016. Đến năm 2020, con số này giảm 5 người, do chết, sức khỏe kém, các hình thức kỷ luật hoặc bị khai trừ khỏi đảng. Hai trong số năm người này được nhắm là lãnh đạo tương lai, Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh (cần được miễn quy định tuổi).

Trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị còn lại, bảy ủy viên dự kiến nghỉ hưu vì họ đã hơn 65 tuổi và, hoặc đã hoàn tất hai nhiệm kỳ.

Nói cách khác, nếu không được miễn quy định tuổi thì chỉ có bảy ủy viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn được vào "tứ trụ" - đó là các chức vị tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.

Yếu tố thứ hai, "phe phái", có lẽ tốt nhất được định nghĩa là các phe cánh cạnh tranh với nhau của đảng. Một phe gồm các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp lâu dài trong bộ máy đảng. Phe còn lại gồm các quan chức cấp cao của đảng có sự nghiệp trong chính phủ hoặc bộ máy hành chính nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Trọng được miễn quy định chưa từng có về cả tuổi tác lẫn nhiệm kỳ vì người kế nhiệm và người được đề cử của ông, Trần Quốc Vượng, không thể thu hút được sự ủng hộ đông đảo trong Ủy ban Trung ương. Ông Trọng không thành công trong việc tìm người thay thế. Khi "phe chính phủ" đề bạt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, họ đã vấp phải sự chống đối của phe đảng.

"Thỏa hiệp lớn" cuối cùng có thể được giải thích như sau: Đảng CSVN xem chức vị chủ tịch nước ngang với chức vị thủ tướng. Chỉ có ông Phúc mới có đủ kinh nghiệm và uy tín để đảm nhận vị trí này. Điều này có nghĩa là ông Phúc phải từ bỏ nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai với quyền miễn quy định tuổi tác. Hai cánh của phe đảng và phe chính phủ cân bằng nhau bằng cách bổ nhiệm chéo các ứng cử viên của họ. Ông Vương Đình Huệ, từ phe chính phủ, sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội và ông Phạm Minh Chính, từ phe đảng, sẽ trở thành thủ tướng vào tháng 5, sau cuộc bầu cử toàn quốc cho các đại biểu Quốc hội.

BBC: GS nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của người trẻ Việt Nam như thế nào về quá trình bầu cử ở đất nước họ? Và nó có giúp giải thích việc họ có vẻ quan tâm đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ hơn?

GS Carl Thayer: Câu hỏi này chính xác là chủ đề được các diễn giả giải đáp tại Hội thảo trực tuyến do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức. Hai diễn giả gồm tôi và ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại New Zealand.

Đảng viên Đảng CSVN chiếm 5,1 triệu hoặc khoảng 5% tổng dân số. Như vậy, 95% dân Việt Nam không tham gia trực tiếp vào việc lựa chọn các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, họ có quyền biểu quyết trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm bầu chủ tịch nước, tổng thống và thủ tướng.

Đảng quy định độ tuổi được giới thiệu ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. 70% phân bổ được dành cho người từ 50 đến 60 tuổi. 10% được dành cho những người 61 trở lên. Vì vậy, chỉ còn lại 20% cho người dưới 50 tuổi. Đảng đặt ra giới hạn 12% với phụ nữ, do đó tước quyền tham gia bầu cử của phần lớn dân số.

Phải phục vụ đủ một nhiệm kỳ 5 năm trong Ủy ban Trung ương trước khi một đảng viên được xét đưa vào Bộ Chính trị. Và họ phải phục vụ thêm một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị để được chọn vào một trong "bốn trụ cột".

Có vẻ rõ ràng, như các văn kiện của Đại hội Đảng 13 đã nêu rõ, tuổi thọ của Việt Nam hiện đang tăng lên. Chắc chắn đã đến lúc cần xét lại luật lệ quy định các yêu cầu về độ tuổi và giới hạn về nhiệm kỳ của đảng để thu hút sự tham gia của các thành viên trẻ hơn trong xã hội. Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand, sinh năm 1980.

Giới trẻ Việt Nam mê theo dõi các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vì Donald Trump là người có cá tính thu hút, trái ngược với tập thể lãnh đạo "màu xám" của Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam bị thu hút bởi những tuyên bố hùng hồn chống Trung Quốc của ông Trump.

BBC: Ông nghĩ việc ông Trọng tiếp tục giữ chức tổng bí thư sẽ ảnh hưởng Việt Nam như thế nào trong 5 năm tới, về Biển Đông, mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, cũng như cách đối xử với người bất đồng chính kiến?

GS Carl Thayer: Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có hoàn thành thêm năm năm tại vị hay không là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Ngoài vấn đề sức khỏe, có khả năng là có một hiểu ngầm không chính thức rằng nếu đạt được sự đồng thuận về người kế nhiệm, ông Trọng sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ thô sơ được đặt ra năm 1996 khi ông Đỗ Mười được bầu lại làm lãnh đạo đảng chỉ để từ chức vào năm sau cho ông Lê Khả Phiêu lên nắm quyền.

Dưới thời cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã lùi bước ba lần khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã ngừng dự án thăm dò dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại cùng khu vực cũng như tại Lô phong lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng với Tập đoàn Noble về dịch vụ của một tàu khảo sát. Tiền lệ này khiến Việt Nam rất khó tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này.

"Thỏa hiệp lớn" đã thiết lập ảnh hưởng của cánh đảng. Họ tìm cách bảo tồn chế độ độc đảng và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ hạn chế các lĩnh vực sẵn sàng hợp tác với chính quyền Biden nếu chính quyền này nhắc lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không có lợi cho những người bất đồng chính kiến trực tuyến cũng như các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác.

Đầu trang

29/01/2021 - baotiengdan.com

Chính trị Việt Nam, phe nào là phe nào?

Jackhammer Nguyễn
29-1-2021

Có nhiều cách nhìn về các phe phái chính trị bên trong Việt Nam. Cho đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ đo ván vào năm 2016, người ta hay cho rằng có hai phái, phái cải cách và phái bảo thủ. Phái cải cách là ông Dũng thủ tướng, phái bảo thủ là ông Nguyễn Phú Trọng.

Cách nhìn nhị phân bảo thủ cải cách này có lẽ bắt đầu từ năm 1986 khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quyết định công nhận kinh tế thị trường.

Cách nhìn thứ hai dựa trên vùng miền của Việt Nam, phe Nam bộ, phe Bắc kỳ, phe miền Trung,… Cách đánh giá này dựa trên sự cân bằng tương đối về nhân sự trong bộ máy ĐCSVN, mặc dù con số đảng viên người gốc Bắc cao hơn khá nhiều.

Cách nhìn thứ ba cho rằng, có nhiều phe phái ở Việt Nam, và những phe này được gọi là những phe trục lợi. Đây là một cách nhìn có phân tích kỹ và toàn diện nhất. Người đưa ra mô hình này lần đầu tiên có lẽ là ông Vũ Hồng Lâm, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Hawaii, vào năm 2019.

Mô hình phe phái thứ tư là sự cạnh tranh giữa phe “đảng” và “chính phủ”. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa tương đối của nó, phe nào cũng là đảng, nhưng những người được ghép vào phe thuần đảng là những người từ khi biết kiếm cơm cho tới lúc lìa đời, không biết gì khác ngoài việc đi họp chi bộ.

Ta cũng có thể nói phe thuần đảng này là những người không (chưa) dính phần vô các công ty, bộ ngành, trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, họ có thể là những tay chuyên làm bí thư đảng từ thấp leo lên cao như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng… hay là họ làm công đoàn, công an, bộ đội.

Cả bốn mô hình nêu trên đều có những điểm đúng ở một lúc nào đó, một nơi nào đó. Những tên gọi, khái niệm phe phái đôi khi sẽ trùng vào nhau hay tách ra ở một giai đoạn nào đó.

Ví dụ như, ta có thể nói, vào thập niên 1990, quả là có những người muốn đẩy mạnh cải cách, có thể gọi là phe cải cách, nhưng hiện nay những người cải cách này có thể được gọi là nhóm chính phủ thì chính xác hơn. Hay như sự phân biệt vùng miền bị xóa nhòa trong các phe trục lợi thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông này người Nam bộ, nhưng đàn em của ông ta rất đông dân gốc Bắc và ngược lại người đồng hương Nam bộ với ông là ông Trương Tấn Sang, lại chính là người đặt ra cái hỗn danh “đồng chí X” để ám chỉ ông Dũng.

Và các mô hình này có thể chồng lên nhau. Ông Vũ Hồng Lâm cho rằng, các nhóm trục lợi này không cố định, mà có thể chạy từ chỗ này qua chỗ kia, thay thầy đổi nhóm, dựa theo các quyền lợi khác nhau, quyền lợi về kinh tế hay chính trị, có lúc chính trị nặng hơn, có lúc kinh tế nặng hơn.

Theo tôi thì lúc này đây, giữa lúc đại hội 13 của ĐCSVN đang họp thì cách nhìn mô hình “đảng” đối với “chính phủ” tương đối chính xác hơn. Tôi có trình bày chuyện này trong bài viết ngày 11-1-2021: “Đại hội 13, lại loay hoay ai Đảng, ai Nhà nước”.

Ông David Brown, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ, là người theo dõi rất sát tình hình Việt Nam, cũng chia sẻ cách nhìn này của tôi trong loạt bài gần đây của ông trên BBC Việt ngữ, hay trên trang Asia Sentinel.

Tôi có các lý do sau đây để nói như vậy. Thứ nhất là mô hình vùng – miền đã tạm thời được gác qua một bên, khi địa phương nào cũng đã có người đại diện ở Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị.

Thứ hai là mô hình phe cải cách đối với phe bảo thủ coi như không còn quan trọng nữa sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, là người được cho là cầm đầu phe bảo thủ. Chuyến đi đó rất quan trọng, làm cho ông Trọng và những người ngại ngùng phương Tây thấy rằng, phương Tây không tìm cách lật đổ họ, mà ngược lại dùng họ làm một đồng minh không hiệp ước để chống Bắc Kinh.

Việc nhìn ra sự cạnh tranh giữa “đảng” và “chính phủ” hiện nay thật ra trùng với mô hình các nhóm trục lợi mà ông Vũ Hồng Lâm nêu ra. Việc tranh chấp các ghế tứ trụ trong các hội nghị trung ương vừa qua cho thấy, phe “đảng” đã nhân nhượng trong việc loại bỏ Trần Quốc Vượng, đổi lại, phe “đảng” giành lấy miếng bánh thủ tướng ngon lành cho ông Phạm Minh Chính.

Bên cạnh đó, ý kiến về “tự diễn biến” mà ông David Brown đưa ra, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng xem ông Nguyễn Tấn Dũng là “tự diễn biến”, và hiện nay ông cũng nghi ngờ ông Nguyễn Xuân Phúc như thế.

Thật ra, khái niệm “tự diễn biến” này là sự nối dài của mô hình bảo thủ và cải cách lúc trước. Nó là một ước mong vô vọng của cái gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ của ông Nguyễn Phú Trọng đầu đảng. Cứ cho là ông công an Phạm Minh Chính không tự diễn biến, bởi vì ông ta chưa điều hành kinh tế quốc gia, nhưng khi đã điều hành nó, với những nguyên tắc thị trường phải tuân theo, thì ông Chính làm sao mà làm cho được, nếu ông ta không tự diễn biến?

Theo những nguồn tin khả tín, cho đến nay thì hầu như chắc chắn bốn vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ sẽ nắm tứ trụ. Tin này cũng đã được “cánh tay nối dài” của Đảng bên Singapore là ông Vũ Minh Khương gián tiếp xác nhận.

Dư luận khá ồn ào về ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng theo tôi điểm quan trọng trong cơ cấu tứ trụ lần này chính là Phạm Minh Chính, bởi ông Trọng còn được bao nhiêu vốn liếng về thời gian nữa đâu?

Ông Chính làm yên lòng các nhóm có liên quan đến bộ đội, công an, phe thuần đảng của ông Trọng. Ông ta cũng có cái lý đưa ra để giành cái ghế thủ tướng, là ông cũng từng điều hành một chương trình cải cách ở tỉnh Quảng Ninh.

Ông Chính là người trẻ nhất trong tứ trụ, liệu ông ta có đào tạo được một lớp thuần đảng “phi diễn biến” trong 5 năm tới hay không? Liệu ông có sơn đỏ được thế hệ đảng viên trung niên trở xuống, chẳng có mấy ý thức hệ? Mà liệu chính ông có đỏ hay không?

Đầu trang

28 tháng 1 2021 - bbc.com

David Brown: Đại hội 13 cho thấy 'quy tắc đảng dễ dàng bị phá vỡ khi thuận tiện'

Tina Hà Giang
BBC News Tiếng Việt

OTHER

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại nắm quyền, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại VN, cho rằng đó không phải là lựa chọn đầu tiên của Tổng Bí Thư đảng CSVN.

Ông lập luận:

''Nếu có một cá nhân mà Tổng bí thư có thể tin tưởng giao trọng trách và có khả năng đắc cử, tôi tin ông Trọng đã nghỉ hưu. Nói cho cùng, sức khỏe của ông không được tốt lắm và bà Trọng (tôi nghe nói) đã thúc giục chồng về hưu.''

Nhưng những người ông Trọng chọn làm người kế vị đã không đáp ứng được, ông Brown nói thêm.

Trong bài Vietnam's General Secretary Trong Maneuvers to Stay on Top trên tờ Asia Sentinel hôm 27/1, ông David Brown nói rõ hơn về những biến chuyển đã đưa ông Trọng đến việc tiếp tục nắm quyền.

''Trong lúc Đại hội đảng 13 đang diễn ra, ông Trọng tìm cách vô hiệu hóa những người kế nhiệm.'' Ông Brown mở đầu bài viết.

''Tất cả các chỉ dấu cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng tin chắc rằng, những gì tốt cho đảng Cộng sản là tốt cho Việt Nam. Điều đó giải thích tại sao, thay vì sắp nghỉ hưu một cách phong nhã, người đàn ông giờ 77 tuổi, loạng choạng nhưng vẫn mưu chước, đã tìm kế để tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng bí thư của đảng.''

Tác giả David Brown nhận định rằng ông Nguyễn Phú Trọng thật ra đã chọn một vài người kế nhiệm, nhưng trong cả hai trường hợp, dự tính của ông đã không thành:

''Người mà ông Trọng thích nhất là Đinh Thế Huynh, một chuyên gia tuyên truyền, người đã sát cánh cùng ông trong phần lớn sự nghiệp. Tuy nhiên, ông Huynh đã được Bộ chính trị cho phép vắng mặt từ đầu năm 2018; để tiếp tục phục hồi sức khỏe sau một cơn bệnh dài.''

''Người kế tiếp là Trần Quốc Vượng, phó của ông Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, nỗ lực làm trong sạch đảng và đất nước. Ông Vượng dường như đã tạo nhiều thù hơn bạn trong vai trò đó. Được biết khi Ủy ban Trung ương đảng tổ chức một cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 10, tỷ lệ tín nhiệm của ông Vượng thấp một cách kinh ngạc.''

Một phương án được cho là các dự kiến đề cử nhân sự trong Tứ trụ tại Đại hội 13

Mặt khác, vẫn theo ông David Brown, ông Nguyễn Xuân Phúc, người mong sẽ được thay thế ông Trọng nắm giữ chức vụ cao nhất của đảng, và là người được cho là có sự ủng hộ rộng rãi từ phe chính phủ trong đảng, đặc biệt là giới chức từ các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhất là giới kinh doanh đánh giá cao sự chỉ đạo có tầm nhìn xa, và kiên định của ông. Nhưng tiếc thay ông Trọng băn khoăn là ông Phúc sẽ thể có khuynh hướng ''tự chuyển hóa'', và vì thế không tin tưởng đủ rằng ông Phúc sẽ là người tiếp tục chương trình nghị sự của mình.

Ông David Brown giải thích với BBC News Tiếng Việt qua điện thư:

''Ông Trọng tin rằng nếu nền tảng tư tưởng của Đảng bị để cho yếu đi, và kỷ luật lỏng lẻo, thì đảng sẽ mất đi tính chính danh trong mắt người dân. Tôi nhớ rất nhiều câu chuyện trên báo chí Việt Nam kể về quan tâm này vào năm 2010. Trong mắt ông Trọng, Thủ tướng Dũng là một người 'tự chuyển hóa'' kinh khủng. Rõ ràng ông Trọng cũng nghi ngờ sự vững vàng về tư tưởng của ông Phúc, mặc dù nhiều người khen ngợi khả năng làm Thủ tướng của ông ấy.''

BBC: Theo ông, sao lại có đánh giá là không ai khác tốt cho đảng ngoài ông Trọng? Và tại sao những người trong đảng tin rằng những gì tốt cho đảng là tốt cho đất nước?

David Brown: Tôi phải đính chính điều này: Một tập hợp của Đảng, tức là ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta, là những người nghĩ rằng việc ông còn nắm quyền là tốt nhất cho Đảng và do đó, tốt nhất cho Việt Nam. Có lẽ tôi đã không viết rõ về điều đó. Rõ ràng là rất nhiều đảng viên cao cấp của Đảng, nhóm có thể được gọi là 'phe chính phủ' và thực tế có thể đông hơn 'phe đảng', muốn thấy Thủ tướng Phúc trở thành Tổng Bí thư.

BBC: Những nguồn tin của ông ở VN phản ứng như thế nào với tin đã được rò rỉ về tứ trụ sắp tới, đặc biệt là khi đảng phá vỡ một số quy tắc do chính mình đặt ra để cho ông Trọng và cả ông Phúc tiếp tục nắm quyền?

David Brown: Đại dịch đã tạo ra nhiều bất tiện. Tôi đã dự định ở Việt Nam vài tuần vào mùa đông này, nhưng năm nay đó là điều không thể. Tôi thường xuyên trao đổi qua e-mail với những người bạn cũ ở Hà Nội và TP HCM, và tôi chú ý đến các bài đăng của những người hướng dẫn quan điểm chính ở Việt Nam, cũng như bài viết trên các tờ nhật báo. Tuy nhiên, những nhận định tôi đưa ra là của riêng tôi.

Hầu hết những người viết về chính trị đảng, đặc biệt là cho các ấn phẩm nước ngoài, nhấn mạnh các quy tắc được cho là chi phối việc lựa chọn các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Tuy nhiên, kết luận của tôi, qua theo dõi các sự kiện dẫn đến Đại hội 12 cũng như Đại hội 13, là các quy tắc đó có thể dễ dàng bị phá vỡ bất cứ khi nào thuận tiện. Trong cả hai trường hợp, chính sự kiểm soát của Tổng bí thư Trọng với quá trình xây dựng luật lệ đã cho phép ông ta đảm bảo được kết quả mà ông mong muốn.

BBC: Ông có thể bình luận về mức độ quan tâm của dư luận Việt Nam với kết quả Đại hội của đảng so với kết quả bầu cử Hoa Kỳ, như lần bầu cử vừa rồi chẳng hạn?

David Brown: Rất khó để so sánh sự quan tâm của quần chúng Việt Nam với hai sự kiện. Chúng khác nhau như táo và cam, nói theo cách nói của người Mỹ. Tuy nhiên giữa cuộc bầu cử Hoa Kỳ và quá trình lựa chọn của Đảng Việt Nam có một điểm chung, là quần chúng Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả của cả hai cuộc bầu cử.

BBC: Ông so sánh bốn người trong Tứ trụ sắp tới với Tứ trụ hiện giờ của VN như thế nào, nhất là về việc không có ai đến từ miền Nam, và không có phụ nữ?

David Brown: Đối với phụ nữ và người miền Nam trong Tứ trụ, tôi đoán rằng không ai được đánh giá là đủ tin cậy để nắm giữ các công việc chủ chốt, tổng bí thư và thủ tướng. Bằng cách lần lượt đưa ông Vương Đình Huệ ra làm Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, 'phe cánh Đảng' có thể lập luận rằng Tứ trụ cân bằng, mặc dù tất nhiên là không cân bằng vì quyền lực thực sự nằm ở các vị trí tổng bí thư và thủ tướng.

BBC: Ông nghĩ Việt Nam trong 5 năm tới sẽ ra sao với việc ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ chức vụ Tổng Bí thư?

David Brown: Nếu đảng CSVN không thể thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của một quốc gia với những nghĩa vụ toàn cầu và cấu trúc kinh tế và xã hội ngày càng phức tạp, thì đảng ngày càng có thể được coi là lực cản đối với tăng trưởng. Đảng đã phải đối mặt với một thách thức tương tự vào năm 1986, và (tôi có dám nói những lời này không?) nó đã tự chuyển hóa.

---

Ông David Brown phục vụ tại Phòng Chính Trị của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tại Việt Nam từ năm 1965, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang, và rời Việt Nam cuối năm 1969.

Đầu trang

Jan 15, 2021 - nguoi-viet.com

‘Chạy chức’ phó vụ trưởng, một bà ở Hà Nội bị lừa hơn triệu đô

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Sách và Học Liệu Giáo Dục đã cùng đồng phạm là cán bộ Bộ Công An CSVN đã lừa đảo “chạy chức” cho một nữ đại gia được làm “vụ phó” Vụ Quan Hệ Quốc Tế để chiếm đoạt hơn triệu đô.

Ngày 14 Tháng Giêng, Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Lê Văn Hồng (45 tuổi), cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Sách và Học Liệu Giáo Dục thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cùng đồng phạm Cù Đăng Thành (32 tuổi), cựu cán bộ Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Khoa Học Trường Đại Học Phòng Cháy Chữa Cháy thuộc Bộ Công An, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Nạn “chạy chức” thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. (Hình minh họa: LOOK/Tuổi Trẻ Cười)

Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng cho biết bà Phan Thị Phương H. (53 tuổi, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giám đốc trung tâm một trường đại học, nói với ông Hồng việc bà “bị áp lực” muốn chuyển lên công tác tại cơ quan trung ương.

Ông Hồng liền giới thiệu bà Phương H. với Cù Đăng Thành để nhờ xin việc. Sau đó cả hai bị can thống nhất dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với bà H. làm “phó vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế thuộc Văn Phòng Chính Phủ CSVN” với chi phí là $800,000.

Tháng Bảy, 2016, các bị can đến gặp bà H. tại nhà riêng, Cù Đăng Thành nhận mình là bạn học của ông Vũ Chí H., phó vụ trưởng thuộc Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính, nên có thể nhờ ông này xin việc cho bà H. Các bị can yêu cầu bà H. phải chuyển trước 10 tỷ đồng ($432,391) và mua một xe hơi Camry làm làm “quà biếu” tặng ông Vũ Chí H.

Sau đó, từ ngày 8 Tháng Tám, 2016, đến ngày 12 Tháng Hai, 2018, bà H. đã 14 lần chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của bị can Thành với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng ($1.12 triệu) cùng một xe hơi Toyota Camry trị giá hơn 1.6 tỷ đồng ($69,172) để xin việc. Cù Đăng Thành sau đó nhờ một người khác đứng tên và sử dụng riêng.

Tiếp đó, Cù Đăng Thành nhờ người quen đưa bà H. đến nhà một lãnh đạo cấp cao của CSVN để đặt vấn đề “xin việc” nhưng vị này từ chối. Từ đó về sau, hai bị can đã không tiếp tục việc xin “chạy chức” cho bà H.

Theo báo Tiền Phong, tổng cộng bà H. đã đưa hơn 27.7 tỷ đồng ($1.19 triệu) cho hai bị can Thành và Hồng để xin việc và người này đã chiếm đoạt, hiện mới trả lại hơn 3 tỷ đồng ($129,711). Trong lúc giải quyết vụ án, công an đã trả lại cho bà H. chiếc xe hơi Camry.

Trường Đại Học Phòng Cháy Chữa Cháy thuộc Bộ Công An, nơi Cù Đăng Thành công tác. (Hình: Trường Đại Học Phòng Cháy Chữa Cháy)

Ngoài số tiền trên, bà H. còn “bán chịu” cho Cù Đăng Thành một căn chung cư tại Hà Nội, nhưng bị Thành sang tên cho người khác, không trả tiền cho bà H.

Chưa hết, bà H. còn khai hồi năm 2015, bà đã nhờ ông Hồng giới thiệu cho một cục trưởng thuộc Bộ Xây Dựng để xin việc. Vị cục trưởng này yêu cầu bà H. đưa $150,000 rồi cả hai cùng đến nhà một lãnh đạo cấp cao. Sau đó, bà H. vẫn không xin được việc và không lấy lại được số tiền này.

Theo Cơ Quan Điều Tra, do chỉ có lời khai của bà H. và “không có chứng cứ khác thể hiện vị cục trưởng cầm số tiền trên” nên công an không có căn cứ xử lý việc này.

Cáo trạng xác định dù không có khả năng xin việc làm vào các cơ quan trung ương, nhưng vì cần tiền tiêu xài, hai bị cáo Thành và Hồng đã bàn bạc lên kế hoạch “chạy việc” để lừa đảo. (Tr.N) [qd]

Đầu trang

29.1.15 - Internet

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và vụ chạy án rúng động trong nội bộ cấp cao ngành Kiểm sát

Cách đây 1 tuần, chúng tôi nhận được những tài liệu hết sức đắt giá về một vụ chạy án chấn động trong nội bộ cấp cao ngành kiểm sát, liên quan trực tiếp đến Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Qua quá trình thẩm tra, chúng tôi xác nhận đây là thông tin xác thực, xin tổng hợp và tóm tắt với độc giả.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình là người nắm quyền sinh sát mà lại rất gian manh, không chỉ kiếm tiền qua con trai Nguyễn Tuấn Anh mà còn thông qua Viện phó Nguyễn Hải Phong và Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao Lại Viết Quang, chỉ đạo Quang mượn tay vợ chồng “Liên – Tỷ” (tức bà Trần Thị Bích Liên và ông Vương A Tỷ, địa chỉ 118/10 đường 1-5, phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là chủ của công ty TNHH V.A.T) để làm 2 dự án tại Lâm Đồng với tổng giá trị lên đến 750 tỷ đồng. Tháng 8/2013, vì có hành vi gian dối, lừa đảo, bà Liên bị ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn lệnh tạm giam để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Trước nguy cơ bị lộ nguồn vốn bí mật, ông Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo Viện phó Nguyễn Hải Phong và Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Lại Viết Quang trực tiếp dàn xếp với cấp dưới là ông Vũ Văn Diến.

Dự án “Chợ Trung tâm Bảo Lộc” đang chuẩn bị khánh thành và dự án “Khách sạn và Văn phòng cho thuê” với tổng trị giá 750 tỷ chuẩn bị khởi công của dàn lãnh đạo Viện KSND Tối cao

Tháng 11/2013, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát đi chỉ thị miệng yêu cầu đình chỉ vụ án vợ chồng “Liên – Tỷ” nhưng ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng Vũ Văn Diến vẫn phớt lờ, tiếp tục phê chuẩn lần 2, gia hạn thêm 4 tháng tạm giam để mở rộng điều tra theo đề xuất của ông Lê Tự Mật, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đức Trọng.

Bà Trần Thị Bích Liên, GĐ công ty V.A.T

Vì bị khinh thường, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã vô cùng tức giận, lập tức chỉ đạo Viện phó Nguyễn Hải Phong ra tay “bằng biện pháp mạnh” với Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng Vũ Văn Diến. Tháng 3/2014, kế hoạch đã hoàn chỉnh và đích thân Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao Lại Viết Quang trực tiếp chỉ đạo. Ông Vũ Văn Diến và đàn em Lê Tự Mật dễ dàng sa vào cạm bẫy chết người khi mọi chứng cứ về việc nhận tiền chạy án, ăn chơi trác táng đã bị tay chân của ông Lại Viết Quang ghi âm, ghi hình đầy đủ. Ngày 6/6/2014, Lại Viết Quang đã gửi đến nhà riêng Lê Tự Mật lá thư nặc danh in bằng tờ giấy A4 kèm theo đĩa USB chứa các đoạn ghi âm, ghi hình trên. 

Lá thư được ông Lại Viết Quang, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao gửi đến nhà riêng ông Lê Tự Mật, nội dung ghi rõ về nguồn vốn của dự án chợ Bảo Lộc “của anh em bọn anh” và đe dọa: “Nếu anh sử dụng chứng cứ này để minh oan cho bà Liên và thu hồi vốn thì quá dễ và nhanh chóng. Nhưng cuộc đời chú, sự nghiệp, công danh… sẽ ra sao

Thế là rõ, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã xác nhận vốn đổ vào dự án của vợ chồng “Liên-Tỷ” là “của anh em bọn anh” và muốn được xử lý êm thấm, không ồn ào vụ này. Hãy xem những nội dung mà ông Lại Viết Quang nhấn mạnh là “một số file đặc trưng để chú biết trách nhiệm của mình phải làm gì… để cả nhà cùng được vui”:

Các nội dung ghi âm:

          Nghe ghi âm:


  • 16:24 ngày 25/3/2014: Ông Lê Tự Mật báo cho “L” bên cơ quan điều tra “lộn số liệu” trong bản kết luận, Mật sẽ làm việc để bên cơ quan điều tra đính chính lại; “L” hẹn đưa “ấy” cho “nó” để “nó” nộp cái khoản kia; Mật đồng ý và cho rằng nếu không thì bên kia sẽ “chọt” mấy ổng có ý kiến sẽ rất mất công.
          Nghe ghi âm:

  • 09:36 ngày 26/3/2014: Ông Lê Tự Mật thông báo: “” đã nộp tiền, “L” bảo nó mang phiếu qua cho Mật; Mật cho “L” biết đã làm “lệnh” sẵn; “L” nhắc lại: trong số 200 triệu có xấp 5 chục lẻ sắp lộn, không khéo em lộn đấy”.
          Nghe ghi âm:

Các nội dung ghi hình:

  • 06:44 ngày 26/3/2014: “L” đưa 200 triệu cho ông Lê Tự Mật và bảo: “đưa cho anh Diến” (ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng) để “bác Diến bác vui vẻ tí”. Lê Tự Mật bảo “dạ, như vậy cho khỏi mất uy tín, còn anh em mình tính sau”; Tiếp đó ông Mật cho biết: “Rất sợ lằng nhằng vì bên công an nó rất mạnh, còn Tòa với Viện không mạnh bằng, công an có chân trong thường vụ, nếu nó dùi thì lắm chuyện lắm, sợ vậy nên mới hối anh làm cho sớm rồi tính sau”.
Ông Lê Tự Mật nhận gói tiền 200 triệu đồng chạy án để chuyển cho ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng Viện KSND Tỉnh Lâm Đồng (ảnh cắt từ clip)

Ông Lê Tự Mật hứa: “em làm luôn, nếu được chiều em cho nó ra”; “L” nói: “Em cố cho nó ra trong ngày hôm nay đi, mai em hãy làm việc với mấy thằng công an chứ không thì rắc rối, phức tạp”; Mật nói: “Nếu hôm nay ông Diến ổng có ở cơ quan thì em làm luôn”; Tiếp theo Mật dặn dò: “nếu cho ra mà “anh” có “đón nó” thì đón ở ngoài đường lộ, tự động nó đi bộ ra, đừng vô trong kẻo lộ”.

  • 13:27 cùng ngày 26/3/2014: Quay cảnh bắt đầu buổi ăn nhậu của dàn lãnh đạo Viện KSND tỉnh Lâm Đồng tại một quán bia ôm.
Dàn lãnh đạo Viện KSND tỉnh Lâm Đồng

Dễ dàng nhận diện khuôn mặt các lãnh đạo Viện KSND Tỉnh Lâm Đồng còn mặc nguyên đồng phục ngành Kiểm sát trong một quán bia ôm (ảnh cắt từ clip)

Trước sự đe dọa cáo chung của sinh mạng chính trị, ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng Vũ Văn Diến và đàn em Lê Tự Mật xem như đã bị chiếu bí, phải thực hiện mọi mệnh lệnh của Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Đây chính là nguyên nhân của quyết định số 02/KSĐT ngày 14/8/2014 nhằm đình chỉ vụ án hình sự bà Trần Thị Bích Liên dẫn đến việc trả lại các dự án mà tổng trị giá lên tới 750 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn bí mật của ông Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, Viện phó Nguyễn Hải Phong và Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao Lại Viết Quang.

Với cú ra tay thần sầu của ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vợ chồng bà Trần Thị Bích Liên đã hoàn toàn trắng án sau biên bản giải quyết thi hành án ngày 15/1/2015 (trang 1)

Với cú ra tay thần sầu của ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vợ chồng bà Trần Thị Bích Liên đã hoàn toàn trắng án sau biên bản giải quyết thi hành án ngày 15/1/2015 (trang 2)

Với cú ra tay thần sầu của ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, vợ chồng bà Trần Thị Bích Liên đã hoàn toàn trắng án sau biên bản giải quyết thi hành án ngày 15/1/2015 (trang 3)

Thế là từ một vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản được chuyển thành dân sự và cuối cùng trắng án, vợ chồng bà Trần Thị Bích Liên tiếp tục thực hiện dự án Chợ Trung tâm Bảo Lộc và chuẩn bị bắt tay vào dự án Khách sạn và Văn phòng cho thuê có tổng giá trị lên đến 750 tỷ tại cùng địa điểm trung tâm thành phố Bảo Lộc. Một lần nữa, bao nhiêu vốn liếng của người dân vô tội đã bị băng đảng của ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cướp trắng.

Vẫn chưa hả hê, hệ thống “truyền thông chính thống” gồm các tờ báo Bảo vệ Pháp luật của Viện KSND Tối cao, Công lý của TAND Tối cao và Người bảo vệ Quyền lợi của Hội luật gia TPHCM (nơi nhận rất nhiều tiền để bào chữa cho bà Liên) liên tục tung chưởng, bẻ cong sự thật, đổi trắng thay đen nhằm bênh vực bà Liên, ông Tỷ với những lời lẽ vô cùng đanh thép.

Ông Lại Viết Quang, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao, người đích thân giăng bẫy chiếu bí ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng

Như vậy trong vụ chạy án thần không biết, quỷ không hay này, để bảo vệ bí mật nguồn vốn 750 tỷ, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đã dùng bàn tay nhớp nhúa chỉ đạo Viện phó Nguyễn Hải Phong và Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao Lại Viết Quang ra tay “chiếu bí” ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng VKSND Tỉnh Lâm Đồng. 

Ai cũng biết, việc chạy án trong ngành Công an, Tòa án và Kiểm sát là chuyện hết sức bình thường từ cấp địa phương lên tới trung ương. Nhưng việc ông Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo Viện phó tối cao Nguyễn Hải Phong và Phó thủ trưởng cơ quan điều tra VKS Lại Viết Quang gài bẫy cấp dưới để khống chế, thu lợi bất chính là điều vô cùng hèn hạ và đã đi đến tận cùng của giới hạn. 

Một lần nữa, được nhìn thấy chân dung của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, độc giả có thể tự đánh giá là ông Nguyễn Hòa Bình đã NHÚNG CHÀM HAY CHƯA ???

Nguồn: Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Nhân Dân

Đầu trang