Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Chuyện cung đình (2)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn  Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

24/03/2021 - voatiengviet

Từ vụ Giám Đốc Sở 31 tuổi: Trung ương đã sắm ‘gương’ từ lâu!

“Gương” đã có từ lâu, soi vào là thấy bóng thôi! Hình minh họa.

Trân Văn

Dù phiếm chỉ song Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ haiỦy ban Kiểm tra thuộc Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (UBKT Trung ương) khóa mới vừa công bố hồi đầu tuần này (1) vẫn biến bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thành tâm của một trận bão dư luận nữa.

Tháng trước công chúng từng nổi xung thiên sau khi ái nữ của bà Lan – cô Trần Huyền Trang - đột nhiên được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đáng nói là lúc ấy, từ bà Lan cho đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Vĩnh Phúc đã dùng mọi cách để chống trả dư luận…

***

Sau Thông cáo báo chí vừa nêu, nhiều người thuộc nhiều giới tiếp tục lên tiếng về qui hoạch nhân sự, qui định - qui trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, trong đó có không ít người đang làm báo hoặc đã từng làm báo. Dường như vì không thể chia sẻ thêm thông tin, trình bày trọn vẹn suy nghĩ cả về sự kiện lẫn đề tài loại này trên hệ thống truyền thông chính thức, cho nên những nhà báo ấy chọn facebook…

Chẳng hạn theo Ngô Nguyệt Hữu – một nhà báo: Ái nữ của đương kim Bí thư, ngoài ba mươi làm quan hàm Giám đốc Sở cũng không trẻ. Nhưng nguồn năng lượng tiêu cực của nhân dân dành cho quan chức là chưa lúc nào vơi. Theo quan sát của tôi, lúc vơi nhất là lúc nhân dân cùng chính phủ chống dịch. Tôi có người bà con làm Trưởng ấp, nhà bà con tôi có cô con gái đầu bị khờ, ngũ tuần mà như trẻ lên mười. Một đợt, nhà nước có hỗ trợ những người chậm phát triển, người bà con của tôi kiên quyết không đưa tên cô con gái đầu vào. Bà con của tôi bảo: Làm vậy, thiên hạ dị nghị... Sau khi nghe được câu chuyện này, trong mắt tôi, người bà con này thật sự hiểu được lẽ thênh thang của đời sống, thật sự thấu thị lẽ làm người của dân tộc này.

Điều đáng buồn hơn, khi vụ việc ái nữ của đương kim Bí thư Vĩnh Phúc lùm xùm, quan nhân dưới trướng của nữ Bí thư lập tức đăng đàn bảo vệ, từ đúng quy trình cho đến công tác cán bộ chặt chẽ. UBKT Trung ương về Vĩnh Phúc, một phát bẻ gãy những luận điệu quy trình, quy định của địa phương. Kiến nghị xử lý những ai có vấn đề trong việc bổ nhiệm ái nữ của đương kim Bí thư. Cán bộ Vĩnh Phúc đang phục vụ nhân dân hay phục vụ cá nhân, có lẽ không cần phải lạm bàn nữa.

Chắc chắn, không có chuyện các quan nhân Vĩnh Phúc không am tường pháp luật để bổ nhiệm ái nữ của đương kim Bí thư sai quy trình. Chỉ là mở mắt đã thấy núi, thì làm sao còn kịp ngước mặt lên để nhìn trời. Cuối cùng để ngăn chặn tình trạng ấp con này, có lẽ Trung ương nên cắt chức vài ông làm ở Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (2).

Đào Tuấn – một nhà báo khác – vừa khái quát thực trạng, vừa nửa đùa, nửa thật: Năm 2013 - 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học vào ngay Thành đoàn Vĩnh Yên. Thi tuyển hả: ‘No’. Tháng 4/2014 giữ chức Phó bí thư Thành đoàn. Tháng 9/2015 đi học lớp Cao cấp Lý luận chính trị Học viện HCM. Tháng 7/2016 Chuyên viên tại Phòng Thẩm định Sở KHĐT. Tháng 4.2017, giữ chức Phó Phòng Thẩm định. Tháng 3/2019 đi học tiếng Anh ở Singapore trong 10 tháng. Tháng 7/2020 giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Xúc tiến đầu tư, Hỗ trợ doanh nghiệp Sở KHĐT và chưa đầy tám tháng sau, được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Tám năm làm việc thì đi học hai năm. Tám tháng hai lần bổ nhiệm. Nhắc lại cái “quy trình đúng”, “là bình thường” của BÀ MÀ AI CŨNG BIẾT LÀ CON BÀ NÀO ĐÓ vì vừa đọc kết luận của UBKT Trung ương yêu cầu Vĩnh Phúc thu hồi các quyết định về công tác cán bộ mà rồi thì chả biết thu hồi quyết định nào.

Ở ta đến lạ. Nay đúng quy trình. Mai sai hết. Rồi có khi ngày kia lại chả biết thế nào. Chẳng hạn vụ cờ Vua.

Có những kết luận đến lạ. Đọc xong muốn hỏi là gì, nói ai chỉ biết vạch đầu gối ra hỏi. Chỉ có một chuyện chả cần phải hỏi.

Nhớ hồi Lê Phước Hoài Bảo, còn gọi là Bảo “chym” – lên Giám đốc Sở KHĐT Quảng Nam có câu: Nếu 30 chưa làm Giám đốc Sở bạn phải hỏi bố mình là ai.

Đến Lê Trương Hải Hiếu toang vì xoạc chậm báo cáo thêm được câu nữa: Xoạc, chậm báo cáo cũng bị tội thì “mài” phải hiểu “mài” là con của bố “mài”.

Và giờ, đến bà Trần Huyền Trang thì tự chúng mình phải hiểu thôi: 31 tuổi vẫn chân pha trà, đi Honda Ware đỏ bỏ ngỏ ghế sau thì lỗi là… bố bạn đã chọn nhầm mẹ bạn (3).

***

Cần lưu ý, Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ hai của UBKT Trung ương khóa mới không đả động gì đến… bà Lan. Sai phạm về công tác cán bộ xảy ra ở Vĩnh Phúc trong thời gian vừa qua được xác định là… sai phạm của… cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và theo UBKT Trung ương… Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm và chủ động khắc phục các khuyết điểm, vi phạm.

Nếu đúng như thế thì yêu cầu của UBKT Trung ương đối với Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc (thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ) rõ ràng là yêu cầu theo kiểu… thừa giấy vẽ voi. Còn… kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan thì có khác gì những trường hợp đã biết – những Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh, Nguyễn Phước Hoài Bảo, nguyễn Nhân Chinh, Lê Trương Hải Hiếu,…).

Ai dám tin bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên BCH TƯ đảng kiêm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ bị kỷ luật? Thắc mắc Trung ương có dẹp được vụ này hay không (?) rõ ràng không cần câu trả lời cho dù UBKT Trung ương xác định sai phạm có tổ chức ấy là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của đảng, nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. “Gương” đã có từ lâu, soi vào là thấy bóng thôi!

Chú thích

(1) http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-hai-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-khoa-xiii

(2) https://www.facebook.com/ngonguyethuu/posts/5235916186482231

(3) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/3925664080789478

Đầu trang

Mar 4, 2021 - nguoi-viet

Con gái bí thư Vĩnh Phúc được đề bạt quá nhanh nhưng ‘đúng quy trình’

VĨNH PHÚC, Việt Nam (NV) – Truyền thông Việt Nam đang xôn xao quanh vụ bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi, con gái bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, vừa được bổ nhiệm ghế phó giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, bà Trang về công tác tại Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Vĩnh Phúc từ Tháng Bảy, 2016, ở vị trí chuyên viên, sau đó “leo” lên ghế phó phòng, trưởng phòng, trước khi được đề bạt làm phó giám đốc vào đầu năm nay.

Bà Trần Huyền Trang (phải), 31 tuổi, con gái bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, vừa được bổ nhiệm ghế phó giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Vĩnh Phúc. (Hình: Thanh Niên)

Liên quan vụ này, tờ Tuổi Trẻ hôm 4 Tháng Ba đăng bài viết của ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, viết: “Mới đây lại có thêm trường hợp con một lãnh đạo địa phương được đề bạt quá nhanh nhưng ‘đúng quy trình’ làm nhiều người dị nghị. Điều này không thể không gây bức xúc và quan ngại rất lớn cho xã hội. Bởi vì không ai trong chúng ta mong muốn một trật tự xã hội bất công như trước Cách Mạng Tháng Tám được âm thầm tái lập.”

Tuy không nhắc tên mẹ con bà Lan trong bài nhưng ông Dũng nêu đề nghị “có Luật Hồi Tỵ cho thời mới.” Luật Hồi Tỵ thời vua Lê Thánh Tông được vị cựu giới chức Quốc Hội CSVN diễn giải là quy định rằng “những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ.”

“…Việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân có đúng quy trình đến mấy thì việc đó cũng không thể đúng. Đơn giản bởi vì việc đó sẽ dẫn tới tình trạng công tư lẫn lộn và tình trạng xung đột lợi ích trong việc thực thi công vụ. Nên chăng cần tổ chức kỳ thi tuyển quốc gia để con cháu của các lãnh đạo có thể tham gia dự tuyển,” theo tờ Tuổi Trẻ.

Cùng thời điểm, tờ Thanh Niên đăng liên tiếp các bài báo xoay quanh vụ bổ nhiệm bà Trang, nhấn mạnh chi tiết bà này “trong 8 tháng được bổ nhiệm hai chức.” Tờ báo cũng cho hay phóng viên của họ “đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Sở Nội Vụ, Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc… nhưng đều không được phản hồi.”

Việc tờ Thanh Niên cùng một số báo khác liên tiếp cập nhật diễn biến vụ “quan lộ” của con gái Bí Thư Lan, đồng thời ghi rõ tên bà này trong bài, khiến công luận suy đoán là đang có chiến dịch truyền thông do các đối thủ của người đứng đầu Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc phát động nhằm hạ bệ bà.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc. (Hình: Thanh Niên)

Tuy vậy, vẫn có một số tờ báo đăng tải ý kiến biện hộ cho vụ bổ nhiệm con gái bà Lan. Trong số này, báo Giao Thông dẫn bình luận của ông Vũ Quốc Hùng, cựu phó chủ nhiệm thường trực Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương: “…Ở đây quan trọng nhất, chúng ta phải xem những vị cán bộ trẻ họ có sử dụng tài năng, trí tuệ, đạo đức của mình, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân hay không? Đấy mới là vấn đề cần quan tâm hơn là chuyện vị cán bộ trẻ đó là con ai?”

Ông Hùng nói thêm rằng việc con của lãnh đạo “biết phấn đấu, rèn luyện để rồi sau này làm lãnh đạo phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân cũng là điều rất tốt, đáng hoan nghênh và đáng trân trọng.”

Đến nay, vụ ồn ào của mẹ con Bí Thư Lan được ghi nhận đang có chiều hướng tương tự vụ ông Nguyễn Nhân Chiến, bí thư Tỉnh Ủy Bắc Ninh, hồi trung tuần Tháng Bảy, 2020, sắp ghế bí thư Thành Ủy cho con trai Nguyễn Nhân Chinh không thành do bị công luận chỉ trích.

Trước đó là vụ ông Lê Phước Hoài Bảo được cha ruột là ông Lê Phước Thanh, cựu bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam, sắp sẵn ghế phó giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư hồi Tháng Tư, 2015. Sau khi công luận đàm tiếu, hồi năm 2018, ông Bảo “làm lại từ đầu” ở vị trí chuyên viên sở này. (N.H.K) [qd]

Đầu trang

02/03/2021 - baotiengdan.com

Cần chấm dứt tình trạng lãnh đạo đưa con vào vị trí lãnh đạo!

Nguyễn Ngọc Chu
2-3-2021

1. Ở nhiều nước, vì bầu cử tự do nên bất cứ ai cũng có thể trở thành thị trưởng, tổng thống – miễn là tài năng, được cử tri cả tỉnh, cả nước nước lựa chọn. Họ có muôn ngàn con đường để trở thành chính khách.

Nhưng ở Việt Nam, chỉ có vài con đường để đi đến đỉnh cao quyền lực. Trong số ít ỏi những con đường đó – là con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên.

Có lẽ trên thế giới hiện nay, con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên chỉ còn tồn tại ở 2 nước là Việt Nam và Trung Quốc. Thiết nghĩ, ở Cuba và Bắc Triều Tiên, con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên đã đóng cửa.

Thực tiễn cho thấy, những người tiến thân qua Đoàn thanh niên ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là con cái, cháu chắt họ hàng của lãnh đaọ. Nhóm thứ 2 là có người nâng đỡ. Không có ai chân đất mà tự mình leo được lên bậc thang quyền lực mà không có người nâng đỡ. Không muốn liệt kê các trường hợp người thực việc thực ra đây, vì chúng quá nhiều và quá nổi tiếng.

Đi qua con đường thanh niên lên lãnh đạo rất ít người có năng lực đạt yêu cầu. Không có người xuất sắc.

2. Mấy hôm nay, truyền thông rộn lên về trường hợp con gái 31 tuổi Trần Huyền Trang của đương kim nữ bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thuý Lan được thăng tiến vượt bậc.

Báo Tiền Phong

Bà Trần Huyền Trang bắt đầu sự nghiệp chính trị qua con đương thanh niên lúc 23 tuổi. Sau đó là thần tốc thăng tiến. Chỉ trong vòng 8 tháng, bà Trần Huyền Trang đã được bổ nhiệm 2 chức. Mới 31 tuổi nhưng đã là Phó giám đốc một sở rất quan trọng là Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Với đà này, thuận buồm xuôi gió thì chỉ 5-10 năm nữa là uỷ viên Trung ương đảng – đương nhiên giữ chức bộ trưởng hay bí thư tỉnh uỷ hay tương đương.

Bà Trần Huyền Trang, nếu không phải là con gái của đương kim Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thì không thể trở thành Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc ở tuổi 31.

Vài chục năm lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp lãnh đạo bố trí đưa con vào vị trí lãnh đạo. Đây là một xu hướng có hại cho đất nước.

3. Cần chấm dứt việc dùng con đường Đoàn thanh niên để quy hoạch cán bộ. Và hãy chấm dứt tình trạng lãnh đạo đưa con vào vị trí lãnh đạo.

Đầu trang

27/02/2021 - rfi.fr

Việt Nam: Ông Trọng trồng “cổ thụ”, dân chê chủ tịch Nước nói trước quên sau

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 01/02/2021. REUTERS - KHAM

Lãnh đạo Việt Nam lần đầu tiên trồng cây « gần như cổ thụ » vào dịp Năm Mới, dân mạng chỉ trích; Bắc Kinh ép giáo viên Hồng Kông dạy luật An ninh Quốc gia ngay từ lớp một ; Ân Xá Quốc Tế tước quy chế « tù nhân lương tâm » đối với lãnh đạo đối lập Nga. Tỉ phú Bill Gates ra sách mới về khí hậu: ngăn dịch Covid, « chuyện đơn giản », hãm đà Trái đất hâm nóng mới là điều nan giải. Tạp chí Thế giới Đó Đây xin giới thiệu.

Việc ông tổng bí thư, chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trồng cây gần như « cổ thụ », nhân dịp Tết cổ truyền hoàn toàn không phải là một hành xử mới ở giới cầm quyền Việt Nam. Chuyện các quan chức cao cấp Việt Nam trồng cây to có sẵn đã trở thành chuyện khá bình thường từ nhiều năm nay. Hành động này đã bị phê phán, chỉ trích ngay trên nhiều phương tiện truyền thông của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, điều đáng nói đây là lần đầu tiên đích thân ông Nguyễn Phú Trọng tham gia vào hoạt động này, trong lúc cũng chính ông, cách đây ba năm (hồi 2018), đã là người nửa chỉ trích, nửa chế giễu điều đã gần như trở thành « tập quán » đối với nhiều lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam. Chính ông Trọng đã từng nói: « Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao… Gẩy gẩy mấy tí đất; chân thì đi giầy. Xong lại đưa cái khăn với chậu nước ... Nó phản cảm quá !... Cái đó là đã nói rồi, nhưng dưới địa phương nó không chịu chuyển… ».

Nhưng lần này báo chí chính thức đã lặng như tờ trước hành động « nói trước quên sau » của ngài tổng bí thư, chủ tịch Nước. Ngược lại, trên các phương tiện truyền thông ngoài Nhà nước, rộ lên nhiều chỉ trích. « Tết trồng cây … giả » hay « Khi ngài tổng bí thư… quên » là tựa của một số bài viết trên trang mạng truyền thông độc lập Việt Nam Thời Báo. Các bài viết nhắc lại truyền thống trồng cây con đầu Năm mới của cố lãnh đạo Hồ Chí Minh, để tố cáo tính chất hình thức, giả tạo của hành động trồng cây « gần như cổ thụ » của đương kim lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng. Trên Facebook, các dân mạng bình luận đầy chua chát : « Các vị lãnh đạo đã trồng cây kiểu này bao nhiêu năm nay các vị không thấy nhục sao ?» (Son Le), « Trò hề… Chứ ai đời bứng cây to về trồng lại rồi xum xoe, tưới nước » (Ho Duc Tham).

Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) tìm cách lý giải hành động bất thường của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, bị phản đối dữ dội, trong một bộ phận công luận Việt Nam:

« Nếu nhìn chung, thì đây là bệnh phô trương, quan liệu, nhưng với trường hợp ông Trọng, tôi thấy là ông ấy đã biết phê phán, thì không phải là ông ấy không biết là sai trái, nên tránh. Nhưng việc hôm vừa rồi, mới đây, ông ấy đến Hoàng Thành Thăng Long và ông ấy lại lặp lại chuyện trồng ‘‘cổ thụ’’ như thế, thì tôi lại cho rằng không phải do ông ấy đã quên cái clip ông ấy đã từng phê phán đâu. Nhưng mà là do tính ông ấy cả nể. Khi người ta mời ra trồng cây, thấy cây to ông ấy cũng cứ ra làm. Ngôn ngữ mà các ông ấy hay dùng với nhau, trong trường hợp này, người ta gọi là ‘‘hữu khuynh’’, nhưng mà tôi dùng cái từ để cho dân gian, gọi là ‘‘cả nể’’. Bởi bây giờ, nếu làm căng, sẽ mất lòng cơ sở ở chỗ Hoàng Thành Thăng Long, thế nên tặc lưỡi làm cho xong chuyện đi. Đấy là quan điểm cá nhân của tôi. Có thể người khác, họ nghĩ khác (…) ».

Nguyễn Phú Trọng tưởng nhớ « các tiên đế »

Một số nhà quan sát cũng đặt câu chuyện trồng cây « gần như cổ thụ » của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong một bối cảnh rộng hơn. Ông Trọng đến khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, không phải chỉ để trồng cây đầu Năm Mới, mà đây chủ yếu là dịp lãnh đạo Việt Nam « dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, hiền tài, các anh hùng, liệt sĩ có công với đất nước », theo mô tả của hệ thống truyền thông Nhà nước.

Cụm từ khiến nhiều người bị sốc là « các bậc tiên đế ». Theo nghĩa thông thường, « tiên đế » - một từ ngữ cổ - thường được những người trong hoàng tộc dùng để kính cẩn nói về các vị vua đã qua đời của cùng một triều đại với mình. Việc một lãnh đạo nhà nước cộng sản coi các vua thời xưa là « tiên đế » đáng được coi là « một sự kiện chính trị ».

Nhà báo Trân Văn, trên một trang mạng tại Hoa Kỳ, nhận định : việc « tất cả (hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam) cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế, trồng cây là… sự kiện chính trị quan trọng ». Theo nhà báo Trân Văn, « Chỉ có tự xem mình như… vua, tự tin vì được trọng kính như… vua, mới vừa lớn tiếng đề cao… đạo đức, buộc… nêu gương, tuyên bố tiến hành… tự chỉnh đốn, vừa chà đạp các qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chẳng hạn, tuy thường xuyên tham dự các sự kiện qui tụ nhiều người song ông không mang khẩu trang, dù hành vi này vi phạm các qui định phòng dịch hiện hành » (trong bài Việt Nam lại có… vua như thời… Trung cổ?).

« Cả nể » hay đứng trên pháp luật ?

Lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng « cả nể » cấp dưới, không thực thi đúng nguyên tắc « tập trung dân chủ » của chế độ chính trị Việt Nam (khi trên bảo, nhưng dưới quyết không nghe), hay ngược lại, chính ông đã tự coi mình là người có quyền lực tuyệt đối như một ông vua thời xưa, bất chấp Hiến pháp, pháp luật ?

Hiện tại khó có câu trả lời duy nhất. Thế nhưng, nhiều người cũng lưu ý, hành xử nói trên của Nguyễn Phú Trọng không thể tách rời khỏi việc ông Trọng vừa « tái đắc cử lần thứ hai » chức vụ tổng bí thư ĐCS Việt Nam, mà không cần dựa vào việc sửa đổi Điều lệ Đảng, vốn chỉ cho phép tái ứng cử tối đa một lần. Người vừa có quyền lên án thực trạng « trên bảo, dưới không nghe » cũng là người sẵn sàng hành xử bất chấp quy tắc nội bộ của chính đảng Cộng Sản, chưa nói đến câu chuyện Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Đâu là thực, đâu là hư trong câu chuyện này ?

Đầu trang

26 tháng 2 2021 - bbc.com

Quanh tin Việt Nam vinh danh 12 cán bộ an ninh 'vì vụ bắt cóc ở Đức'

Lê Mạnh Hùng
Gửi tới BBC từ Berlin

Getty Images. Phiên tòa ngày 24/4/2018 ở Berlin liên quan cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Vụ nhà chức trách Đức cho là an ninh Việt Nam ‘bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh’ từ Berlin mùa hè 2017 đang trở lại với dư luận, theo một tờ báo Đức. Từ hơn hai tuần qua, vụ việc CHLB Đức cho là Bộ Công an Việt Nam tổ chức “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh” vào tháng 7/2017 từ Berlin, đem về Việt Nam qua ngả CH Czech, Slovakia và Nga được hâm nóng trở lại.

Mới nhất, đại diện hãng tin Đức DPA hôm 25/02/2021 tại Hà Nội đã hỏi người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện này nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.

Tại Đức, theo tờ Taz.de (24/02/2021) thì vụ việc có tình tiết mới mà nay Đức biết được, như mô tả trong bài viết có tựa đề “Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Những kẻ bắt cóc được vinh danh” (Entführungsfall Trinh Xuan Thanh: Kidnapper von Hanoi geehrt).

Đó là hình ảnh 12 cán bộ công an được Nhà nước Việt Nam vinh danh, trao tặng các huân chương hạng nhất, nhì và ba vào ngày 07/07/2020 tại trụ sở Bộ Công an vì “có thành tích xuất sắc tham gia kế hoạch VT17” đăng trên mạng xã hội Facebook.

Ảnh chụp màn hình Facebook Hai Le, được cho là của ông Lê thanh Hải

‘Khoe thành tích trên mạng xã hội’

Người tiết lộ chi tiết này là ông Lê Thanh Hải, cựu cán bộ an ninh tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin đã khoe hình chụp chi tiết văn bằng Huân chương Chiến công hạng Ba của mình.

Ông viết hôm 08/07/2020: “Mặc dù đã về hưu nhưng vẫn được Bộ quan tâm trao tặng Huân chương chiến công hạng ba do Chủ tịch nước ký.“

Tuy các bức ảnh đã bị nhanh chóng xóa đi không lâu sau đó, nhưng các thông tin trên trang Facebook của ông (nick Hai Le) được các cơ quan của Đức biết được gần đây.

Các thông tin này đã được đăng chi tiết trên đài Truyền hình Nhà nước RTV của Slovakia (23/02) và nhật báo Taz của Đức một hôm sau đó.

Getty Images. Trịnh Xuân Thanh ra tòa ở Hà Nội ngày 22/1/2018

Nhưng từ trước đó, theo báo Dennikn.sk ngày 10/02/2021, Công tố quốc gia Slovakia, qua lời phát ngôn viên Soňa Juríčková đã cho biết họ mở lại cuộc điều tra về vụ “bắt cóc người Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh, dùng phương tiện nhà nước”.

Đây là phần nói về nghi vấn Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak của chính phủ tiền nhiệm tại Slovakia cho quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam “thuê chuyên cơ” bay từ Bratislava về Moscow, mà các báo Đức nói là để “chở thêm người bị bắt cóc”, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam đã xin tỵ nạn ở Đức.

Còn theo tờ Taz.de, ông Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan liên lạc của Tổng Cục tình báo Bộ Công an trong vai trò nhà ngoại giao tại Berlin, được trao tặng Huân chương chiến công hạng nhất chính là người đã bị phía Đức trục xuất vào mùa hè 2017, chỉ ít ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh diễn ra.

Tờ báo Đức có dòng nhận xét: “Các nhân viên tình báo Việt Nam đôi khi cũng muốn đề cao cái tôi của họ“, về việc một người khoe ảnh về chuyên án VT17 trên mạng xã hội. Còn việc các quan chức cao cấp ngành an ninh Việt Nam để lại số liệu cá nhân trong chuyên án VT17 cũng xảy ra khá đơn giản.

Trong một buổi xét xử của Tòa án cấp cao ở Berlin năm 2018 mà tôi có dự về một đồng phạm tham gia hỗ trợ vụ bắt cóc, nhân viên điều tra Đức đã trình bày sai sót về nghiệp vụ tình báo của Trung tướng Đường Minh Hưng, người sang Berlin “chỉ đạo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”. Theo lời của nhân viên đó, ông Hưng đã sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để đăng ký phòng khách sạn tại Berlin.

“Điệp vụ hoàn thành, về tới Việt Nam phát hiện khách sạn trừ nhầm tiền, ông Hưng đã gửi email đòi lại. Do trở ngại về ngôn ngữ, ông Hưng đã cho khách sạn số điện thoại một cấp dưới của ông vẫn còn ở Berlin để liên lạc giải quyết. Số điện thoại đó là của ông Lê Thanh Hải”.

Getty Images. Sứ quán Việt Nam ở Berlin, Đức

Chính sơ hở đó đã giúp cho an ninh Đức nhanh chóng lần ra các đầu mối của nhóm đi bắt cóc, dẫn tới các cán bộ Đại Sứ quán VN tại Berlin, một số nhân vật trong cộng đồng Việt ở CH Czech. Ngoài ra, việc Thượng tá sĩ quan an ninh Lê Thanh Hải (đã nghỉ hưu) khoe chiến công trên Facebook đã giúp nhà chức trách các nước châu Âu biết luôn cả 12 đồng đội của ông được chủ tịch nước Việt Nam tặng huân chương vì “tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin”.

Báo Taz.de viết ông Lê Thanh Hải đã được Tòa án Đức năm 2018 mời ra làm nhân chứng nhưng ông từ chối, lấy lý do có quy chế miễn trừ ngoại giao. Phiên tòa cũng nêu tên ông Nguyễn Đức Thoa.

Bức ảnh trong buổi lễ ghi rõ “Kế hoạch VT17“ đã cụ thể hóa thêm nhiều điều cho các nhà điều tra Đức và Slovakia. Trong cộng đồng Việt Nam tại Đức hiện có câu hỏi phải chăng vì cái tôi quá lớn đã khiến hai sĩ quan an ninh Việt Nam Đường Minh Hưng và Lê Thanh Hải để lộ đội hình tham gia vụ bắt cóc trên đất Đức, gây thiệt hại cho uy tín của ngành công an Việt Nam?

Tòa án cấp cao Berlin năm 2018 từng xác định rõ, đứng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là cơ quan cấp Bộ của Việt Nam, tức là Bộ công an.

Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng cũng chỉ vì chạy theo thành tích cá nhân mà Bộ công an đã không tính đến những thiệt hại nặng nề trên bình diện quốc tế đối với cả đất nước Việt Nam, khi tổ chức thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức?

“Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam“, và ưu tiên miễn thị thực nhập cảnh cho các nhà ngọai giao Việt Nam bị tạm ngưng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và chưa thấy có lời tuyên bố nào về việc phục hồi.

Hàng trăm dự án Đức giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam cũng bị treo bấy lâu nay đâu đã thấy nói tới việc kích hoạt trở lại, theo một nguồn thạo tin tại Đức cho chúng tôi biết.

Cùng lúc là việc Đức và EU mất niềm tin vào lời hứa cải cách theo hướng pháp quyền của chính phủ Việt Nam, và quan hệ hai bên chưa cải thiện 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ bắt cóc ở Berlin, nay lại được hâm nóng trở lại. Slovakia thay đổi chính phủ vào năm 2020, bổ nhiệm Trưởng Công tố mới, ông Maros Zilinka.

Cuộc điều tra mới này được ông chỉ đạo mở lại, theo đài báo Slovakia.

Việt Nam chính thức nói gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên DPA tại Hà Nội hôm 25/02/2021 về tin từ truyền thông châu Âu nói có vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong chuyên án VT17” năm 2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thu Hằng trả lời:

“Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án."

Getty Images. Bà Lê Thị Thu Hằng tại một cuộc họp báo năm 2017, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ Trịnh Xuân Thanh

Đây cũng là câu trả lời chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam tháng 8/2018, theo báo Người Lao Động.

Tuy thế, bản tin của báo Thanh Niên và Dân Trí về nội dung câu hỏi và trả lời hôm 25/02 đã không còn truy cập được trên hai trang này vào ngày 26/02.

Cũng trong ngày 25/02, các báo Việt Nam cho hay từ ngày 8/03 tới, hai tù nhân đang thi hành án, ông Trịnh Xuân Thanh, và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng sẽ phải ra trước một phiên tòa nữa.

Đó là phiên xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Dự án Ethanol Phú Thọ, dự kiến kéo dài 10 ngày.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà báo tự do sống tại Berlin, Đức.

Xem thêm

Đầu trang

26/02/2021 - bbc.com

Đại hội 13: Đảng nâng số nhân sự cao cấp gốc miền Nam bằng Nghệ Tĩnh

Website đảng CSVN. Thượng tướng quân đội VN Nguyễn Trọng Nghĩa (trái) được Bộ Chính trị ĐCSVN cử giữ chức vụ mới, thay thế ông Võ Văn Thưởng (phải) làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng

Hai trong ba điều chỉnh nhân sự cấp cao đầu tiên sau Đại hội 13 của ĐCSVN là các quan chức đến từ miền Nam.

Đây là chuyện tình cờ hay là một động thái mang tính chất 'xoa dịu' dư luận?

Đó là chuyện ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, sẽ làm Trưởng Ban Kinh tế TW đảng, là người đến từ miền Nam Trung Bộ của Việt Nam.

Hai vị trí còn lại là người quê Nam Bộ: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (gốc Tiền Giang) lên làm tân Trưởng Ban tuyên giáo TW.

Cựu Trưởng ban Võ Văn Thưởng, quê Vĩnh Long, trước đó được giao giữ chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho ông Trần Quốc Vượng, người không có tên trong Ban chấp hành Trung ương khóa 13.

Khuynh hướng 'tình cờ' từ Đại hội 8?

Getty Images. Bà Trương Thị Mai (giữa) đã từng là một phương án nhân sự cho Tứ Trụ của ĐCSVN tại Đại hội 13, theo nhà quan sát chính trị

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nha nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói với BBC:

"Trước hết, tôi muốn nói trong nhân sự cấp cao Trung ương khóa 13 chưa thấy có ai ở trong cơ cấu Tứ trụ này là người miền Nam, kể cả những thông tin, đồn đoán cũng không có thành phần ở Nam Bộ.

"Trước đó có đồn đoán về thành phần miền Nam và phụ nữ ở trong Tứ trụ, nhưng người ta cho rằng nhân vật nữ đó, mà là Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã xin rút. Tức là có tin nói bà Trương Thị Mai đã rút để nhường ghế Chủ tịch Quốc hội tới đây cho ông Vương Đình Huệ.

"Về uy tín, nhiều ý kiến nói, để làm vị trí đó tại Quốc hội Việt Nam, thì uy tín của bà Mai là cao hơn ông Huệ, tôi muốn nói thêm là bà Trương Thị Mai quê ở Quảng Bình, nhưng trên thực hành chính trị, bà được xếp là ở trong miền Nam, vì gia đình của bà vào miền Nam đã lâu rồi và bà ấy lớn lên ở miền Nam.

"Bà học ở miền Nam, trưởng thành ở miền Nam và bà được coi là hoạt động ở miền Nam, ứng cử Ban chấp hành Trung ương đảng và Bộ Chính trị theo địa bàn hoạt động là ở Nam Bộ.

"Vừa rồi tin nói bà đã rút như trên để nhường vị trí trong Tứ trụ đó cho ông Huệ, nên mới có chuyện trong Tứ trụ không có phụ nữ và không có miền Nam, Nam Bộ.

"Tôi cũng xin nhấn mạnh là trong quy định nội bộ ĐCSVN, thì chưa bao giờ có quy định là phải có sự phân chia Trung, Nam, Bắc hay là Bắc - Nam, hay là gì cả. Tất cả quá trình dài, thí dụ từ Đại hội 8 đến giờ, đã có một hiện tượng số đông cán bộ từ miền Nam làm Thủ tướng.

"Có thể kể đến như là ông Phạm Hùng, sau đó đến ông Võ Văn Kiệt, rồi đến ông Phan Văn Khải, quê và tiếp theo là ông Nguyễn Tấn Dũng, có một giai đoạn khi giữa chừng đang làm việc thì ông Phạm Hùng qua đời đột ngột, và ông Đỗ Mười được cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương Thủ tướng Chính phủ, nhưng chỉ làm trong ba năm (6/1988-8/1991), sau đó ông được bầu lên làm Tổng Bí thư và chức vụ lãnh đạo Chính phủ đó sau được kế nhiệm, giao lại cho ông Võ Văn Kiệt.

"Vì lúc ông Phạm Hùng, quê Vĩnh Long, qua đời thì ông Võ Văn Kiệt, cũng quê Vĩnh Long, đã là quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và gần như ngẫu nhiên là người miền Nam làm Thủ tướng.

"Miền Trung, khi đó có ông Võ Chí Công, quê Quảng Nam, làm Chủ tịch nước, nhưng có hai khóa miền Trung không có ai ở trong Tứ Trụ cả, nhưng hồi đó không thấy ai lấy gì làm lạ cả."

Không nên quá nặng nề về 'vùng miền'

Getty Images. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân dự khán một phiên họp tổng thể của Thượng viện Liên bang Nga tại Moscow, trong chuyến thăm Nga của bà tháng 12/2019

Trở lại bối cảnh hiện nay, sau Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Hoàng Hợp nói:

"Còn bây giờ miền Nam không có ai nằm trong Tứ Trụ khóa 13 này, có lẽ cũng không nên lấy gì làm quá nặng nề, tôi nghĩ là không nên, tuy cái nặng nề có thể nằm ở chỗ khác.

"Tuy nhiên, hoạt động của ĐCSVN có một mục tiêu nhằm đảm bảo sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ đảng, trong đó có yếu tố tính đến gọi là nhân tố địa phương, vùng miền và uy tín.

"Đồng thời, tôi muốn nhấn mạnh là có một luận điểm rất quan trọng cho Đại hội 13 vừa qua, mà Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 12 đã thống nhất rất là cao với lại Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 12, đó là không được làm nhẹ tiêu chuẩn.

"Hay nói đúng hơn, người ta nói một câu chính xác rằng không vì cơ cấu mà làm nhẹ, coi nhẹ tiêu chuẩn, chất lượng.

"Thế thì nếu nói rằng hai trong ba vị trí mới nhất hậu Đại hội 13 vừa được cơ cấu đến từ nhân sự miền Nam, Nam Bộ là để 'xoa dịu', như có ý kiến chúng tôi nghe được, thì cũng là một ý hay, nhưng còn chưa rõ lắm.

"Nếu ông Võ Văn Thưởng là xứng đáng để vào chức vụ Thường trực Ban Bí thư, thì người ta bổ nhiệm ông ấy thôi, nhưng rõ ràng là cũng đã có thông tin, đồn đoán từ trước nói rằng nếu ông không làm vị trí Thường trực đó, thì ông sẽ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng.

"Chức vụ Trưởng ban Tổ chức TƯ đó vô cùng quan trọng, vì đó là một chức vụ rất thật ở trong đảng. Nhưng bây giờ bổ nhiệm ông làm chức Thường trực BBT cũng rất quan trọng, thì chức lãnh đạo Ban Tổ chức mà nếu ông Phạm Minh Chính đang đảm nhiệm tới đây có thể chuyển đi, thì có thể sẽ có người khác.

"Do đó, khó mà nói là sẽ cụ thể như thế nào, nhưng với miền Nam, tỷ lệ, số lượng có tới 4 người ở trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư thì cũng khá cao, và theo tôi là ít nhất cao bằng nhóm lãnh đạo cấp cao gốc từ hai địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh cộng lại trong các cấu trúc này - với ba người ở Bộ Chính trị và một người trong Ban Bí thư."

Thường trực Ban Bí thư 'đầy trọng trách' nhưng liệu có 'đột phá' gì?

Getty Images. Ông Võ Văn Thưởng (trái) và Ban Tuyên giáo TƯ mà ông làm Trưởng ban vừa hỗ trợ tốt việc tổ chức Đại hội 13 của ĐCSVN, đồng thời tham gia chống Covid-19, theo nhà quan sát chính trị từ Hà Nội

Nhân dịp này, nhà phân tích chính trị từ Hà Nội bình luận thêm về trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, người vừa được cử giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư của ĐCSVN:

"Theo tôi, ông Thưởng ấy là một người có thực chất học hành cẩn thận, ông ấy là Thạc sỹ về Triết học, từng làm công tác đoàn từ rất sớm, mà đoàn là một cơ cấu hậu bị của đảng.

"Cho nên ngay từ đầu khi ông làm công tác đoàn, người ta đã có dự kiến đưa ông lên, bổ nhiệm vào các chức vụ cao và rất cao sau này trong đảng.

"Tôi thấy rằng ông Thưởng là một người còn trẻ, làm việc rất có trách nhiệm và là một người có quan hệ rộng rãi với các cơ quan đảng ở các địa phương, với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với các địa phương đặc biệt như TP Hồ Chí Minh và nơi mà trước đây ông ấy được luân chuyển là tỉnh Quảng Ngãi.

"Vừa rồi, ông ấy vào công việc Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đó là một công việc không những mang tính chất lãnh đạo tập thể, mà nó còn cần các việc mà ở đó, những người đứng đầu phải thể hiện được vai trò đứng đầu, thì tôi thấy ông Thưởng trong vai trò này giữ được một cách khá trôi chảy và bình thường, tuy chưa thấy có gì thực sự là đột phá cả, bởi vì thời gian vừa rồi chẳng có gì có thể nói là dấu ấn, hay đột phá cả.

"Vừa qua, trong nhiệm kỳ của ông Võ Văn Thưởng, Ban Tuyên giáo đã giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành TƯ ĐCSVN khóa 12, bắt đầu kể từ tháng 10/2018, cho đến vừa rồi diễn ra Đại hội đảng 13, thì ông Thưởng và Ban này đã làm công việc hỗ trợ đó rất là tốt và bản thân Ban Tuyên giáo TƯ cũng có đóng góp một phần nào đó trong việc hơn một năm vừa qua chống Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

"Tôi tin rằng để ông Thưởng làm thường trực Ban Bí thư thì rất phù hợp vì thứ nhất là ông ấy còn trẻ, mới có 51 tuổi mà là Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa liên tiếp, ngoài ra cũng là Ủy viên Trung ương đảng được 3-4 khóa và với một năng lực của một con người luôn luôn bình tĩnh, tự tại và rất thận trọng, thì cá nhân tôi tin rằng ông Thưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương giao cho ông ấy.

"Tôi muốn nói thêm cho rõ là đây là công việc mà BCHTƯ khóa 12 giao cho ông Thưởng làm ở khóa 13 và nó được thể hiện thông qua Đại hội khóa 13 vừa nhóm họp xong này.

Getty Images. Năm quan chức cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam vừa được bầu ở Đại hội 13

"Có người hỏi rằng tới đây ông Thưởng liệu có đóng góp gì hay không trong cương vị mới, tôi xin nói rằng nhiệm vụ Thường trực Ban Bí thư, nếu mà xét về mặt khối lượng công việc, tuy thế rất là nặng nề.

"Nếu nghiên cứu kỹ Điều lệ đảng CSVN, thì thực ra trong Điều lệ đảng không có chức Thường trực Ban Bí thư, mà chỉ có chức Thường trực Bộ Chính trị hay Thường vụ Bộ Chính trị gì đó thôi.

"Còn từ năm 2011 đến giờ không hề có sửa Điều lệ, kể cả không có sửa điều mà tới nay vẫn có hiệu lực rằng Tổng Bí thư không nắm giữ chức vụ TBT quá hai nhiệm kỳ liên tục, thì Điều lệ đảng không có chức vụ Thường trực Ban Bí thư.

"Bây giờ, chưa thấy có văn bản nào chức này là chức kia, nhưng qua 10 năm vừa qua, khi ông Lê Hồng Anh làm Thường trực Ban Bí thư, thì trong thực tế, người ta thấy rằng hai chức vụ Thường trực Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư là trùng nhau, chỉ có trên văn bản chưa có.

"Tuy nhiên, trên thực tế đó là một trọng trách nặng nề, là cầu nối lãnh đạo của ĐCSVN đối với nhà nước Việt Nam, đấy là một định nghĩa rõ ràng, mà đây là cầu nối hai chiều.

Getty Images. Một nữ cảnh sát giơ tay chào khi làm nhiệm vụ tại Đại hội 13 mới bế mạc

"Tất cả những gì nhà nước làm, đều phải có báo cáo và có được ý kiến đồng ý của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, tức là của Ban chấp hành Trung ương, thì mới được làm, từ việc nhỏ cho đến việc lớn nhất đều phải thông qua đó.

"Như thế, chiều từ nhà nước, chính phủ, Quốc hội, hệ thống tư pháp mà báo cáo sang phái đảng để nhận được sự đồng ý hay đồng thuận, thì báo cáo qua thường trực Ban Bí thư và ngược lại những truyền đạt về mặt chính sách, thủ tục, nhân sự về các mặt khác, nhất là nhân sự trong đó, từ phía đảng qua nhà nước, cũng đều qua vị trí này.

"Và vị trí này có vai trò không chỉ là cầu nối mà còn đứng ra tổ chức tất cả công việc ấy, cho nên công việc của người Thường trực Ban Bí thư là rất quan trọng, nhưng tôi tin rằng để ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ này như mới đây quyết định là phù hợp với những lý do mà tôi đã nói ở trên," ông Hoàng Hợp bình luận.

Xem thêm:

Đầu trang

20/02/2021 - baotiengdan.com

Đại hội 13 đảng CSVN và trọng tội kỳ thị Nam-Bắc

LS Đào Tăng Dực
19-2-2021

Đại Hội 13 đảng CSVN dự trù diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021 nhưng đã diễn ra và bế mạc sớm một ngày.

Nguyễn Phú Trọng ở tuổi xế chiều và sức khỏe tồi tệ, từng nổi tiếng với câu tuyên bố lú lẫn: “Tổng Bí Thư phải là người Miền Bắc, phải là người có lý luận.”

Thật ra trình độ lý luận của Ông Nguyễn Phú Trọng là một vấn đề rất có thể tranh cãi. Tuy nhiên bản chất kỳ thị Nam-Bắc của câu tuyến bố trắng trợn nêu trên có tính khẳng định tuyệt đối.

Tâm tư của TBT Nguyễn Phú Trọng đã phản ảnh một tâm trạng vô cùng nguy hiểm và mang tính hủy diệt cho dân tộc. Đó là tâm trạng kỳ thị Nam Bắc, tiềm tàng không phải riêng trong cá thể của TBT Nguyễn Phú Trọng mà trong toàn đảng CSVN.

Khi chúng ta duyệt xét lịch sử thế giới, chúng ta sẽ nhận xét ngay rằng, những tập thể hoặc cá nhân lãnh đạo biết vượt lên trên những kỳ thị thấp hèn, phe chiến thắng bao dung cho phe chiến bại, thì dân tộc của họ sẽ vươn lên.

Những tập thể hoặc cá nhân lãnh đạo chìm đắm trong những kỳ thị và hận thù thấp hèn, thì dân tộc họ sẽ trôi lăn trong nghèo khổ và chết chóc.

Chính vì TT Abraham Lincoln và đảng Cộng Hòa biết vượt lên trên hận thù thấp hèn, sau cuộc nội chiến Nam Bắc mà dân tộc Hoa Kỳ nghiễm nhiên là cường quốc số một trên thế giới nhiều thế kỷ. Cũng vì bản chất kỳ thị, hận thù thấp hèn của cá nhân và tập thể lãnh đạo mà Liên Bang Xô Viết sau cuộc cách mạng cướp chính quyền của Lênin tháng 10 năm 1917 đã đắm chìm trong máu, nước mắt và sự chậm tiến. Số phận thê thảm tương tự cũng đã đến với dân tộc Việt Nam sau năm 1975 vì những hận thù thấp hèn của đảng CSVN.

Trong Đại Hội 13, bản chất kỳ thị Nam Bắc này thể hiện rõ ràng qua thành phần lãnh đạo trong Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTU), Bộ Chính Trị (BCT) và Tứ Trụ triều đình mới của đảng CSVN.

Tứ trụ bao gồm các chức vụ Tổng Bí Thư Đảng, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng và Chủ Tịch Quốc Hội.

Khi chúng ta phân tách rõ thành phần nhân sự trong các cơ cấu quyền lực trọng yếu này, tính kỳ thị Nam Bắc không thể chối cãi.

Theo trang mạng Thanh Niên thì: Trong BCH TU (gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết), số ủy viên đến từ Hà Nội là 18 người, từ Nghệ An 13, từ Nam Định 13, Hà Tĩnh 10, Hải Dương 7, Ninh Bình 7, Thái Bình, Vĩnh Phúc 6, Cà Mau, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế 5 cho mỗi đơn vị.

Một con số quá chênh lệch thiên về Miền Bắc trong BCHTU vốn là cơ quan quyền lực cao nhất đảng.

Cũng theo trang mạng Thanh Niên, trong số các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII thì đa số cũng đến từ miền Bắc và miền Trung.

Trong tứ trụ thì TBT Nguyễn Phú Trọng (sinh quán Hà Nội), Thủ Tướng Phạm Minh Chính (sinh quán Thanh Hóa) và Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ (sinh quán Nghệ An) đều đến từ miền Bắc. Riêng Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc (sinh quán Quảng Nam) từ miền Trung.

Kết quả là người miền Nam bị kỳ thị nặng nề và loại khỏi trung tâm quyền lực trong đảng và nhà nước.

Tại sao lại có hiện tương lạ lùng này trong Đại Hội 13?

Lý do tuy phức tạp nhưng có thể tóm lược như sau:

1. Trước hết, đảng CSVN cũng như các đảng CS trong truyền thống Đệ Tam Quốc Tế chưa bao giờ danh chánh ngôn thuận nắm quyền qua một cuộc phổ thông đầu phiếu dân chủ thực sự công khai và công bằng. Các đảng CS đều cướp chính quyền bằng bạo lực và dối trá. Sau đó duy trì quyền lực cũng bằng bạo lực và dối trá. Chính vì thế, khi xé Hiệp Định Paris và cướp được Miền Nam năm 1975, họ xem nhân dân miền Nam và sự phồn thịnh nơi đây là những chiến lợi phẩm mà kẻ cướp có quyền tịch thu và hưởng dụng.

2. Nguyên nhân thứ nhì là đảng CSVN đặt nền tảng trên một ý thức hệ ngoại lai, từ đầu óc bệnh hoạn của những tư tưởng gia Tây phương như Karl Marx và Engels, được nhồi nắn bỡi Lê Nin, hoàn toàn nằm ngoài văn hóa và tình tự dân tộc Việt. Họ chưa hề xem nhân dân Miền Nam là thân thuộc của họ.

Trong tâm thức của người CSVN họ là kẻ chiến thắng. Miền Bắc là công cụ đem lại cho họ chiến thắng, tức phe ta. Miền Nam là kẻ địch và kẻ chiến bại, phải bị cai trị qua sức lao động và thuế khóa. Chính vì thế ngoài sự kiện người miền Nam bị loại ra khỏi cấu trúc quyền lực, thì chính sách thuế khóa của CSVN luôn có mục tiêu chuyển nhượng tài sản nhân dân miền Nam qua miền Bắc. Tính mất cân bằng trong chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở thiên lệch cho miền Bắc nhưng sử dụng tiền thuế của miền Nam là một ví dụ điển hình.

Với não trạng duy ý chí của họ, CSVN hoàn toàn không hiểu rằng, trong tâm thức của đại khối dân tộc Việt không hề tồn tại ý niệm kỳ thị Nam-Bắc.

Bản chất kỳ thị Nam – Bắc này của đảng CSVN không những gây chia rẽ trong lòng dân tộc, mà còn làm đình trệ sự phát triển kinh tế quốc gia qua tính yếu kém trong quản trị kinh tế và tham nhũng tràn lan, trong một thế giới toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt.

Chia rẽ đại khối dân tôc là một trọng tội mà Nguyễn Phú Trọng và bè lũ sẽ phải trả giá thật đắt khi lịch sử sang trang, trước một tòa án công khai và công bằng, trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của dân tộc.

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo, nhóm Nam bộ đòi được thêm vị trí cao cấp trong Đảng

Jackhammer Nguyễn
20-2-2021

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Nguồn: VN Hội nhập

Một điều chỉnh nhân sự cấp cao vừa được đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thực hiện, chỉ vài tuần lễ sau đại hội 13. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, 59 tuổi, không phải là ủy viên Bộ Chính trị, mà chỉ là ủy viên trung ương đảng, được chỉ định làm Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng CSVN.

Đây là một chức vụ quan trọng nên thường người đứng đầu phải nằm trong bộ phận quyền lực nhất là Bộ Chính trị. Như thế, khả năng ông Nghĩa sẽ được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị là rất lớn.

Khi kết thúc đại hội 13, giới quan sát cho rằng đảng CSVN không đạt được thỏa thuận 19 người trong Bộ Chính trị như khóa trước, mà dừng lại ở con số 18, một con số chẳn, sẽ bất lợi khi phải bỏ phiếu những vấn đề gây tranh cãi, bất phân thắng bại.

Điều thú vị là, trong suốt thời gian trước và trong đại hội 13, dư luận chú ý rất nhiều đến chuyện ông Trọng đi hay ở, chuyện bốn nhân vật nào nằm trong tứ trụ, nay hóa ra nhân vật được bàn cãi khá lâu để sắp xếp, lại là nhân vật số 19.

Việc bổ sung tướng Nghĩa vào Bộ Chính trị, giải quyết được chuyện chẳn lẻ, và cũng giải quyết được cơ cấu vùng miền của chính trị Việt Nam, vì tướng Nghĩa gốc Nam bộ. Trong 18 người của Bộ Chính trị hiện nay, chỉ có ba người gốc Nam bộ, là ông Nguyễn Văn Nên quê Tây Ninh, đứng đầu thành Hồ, ông Trần Thanh Mẫn quê Hậu Giang, đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, và ông Võ Văn Thưởng, người được tướng Nghĩa thay thế, quê Vĩnh Long.

Nếu tính từ Huế trở vào (đồng nhất với không gian văn hóa chính trị có nhiều ảnh hưởng từ thời Việt Nam Cộng hòa), tức là hơn phân nửa diện tích quốc gia, cũng chỉ có 6 người, thêm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Hòa Bình, và Trần Tuấn Anh (thật ra ông Tuấn Anh sinh ở Hà Nội, nhưng cha ông là ông Trần Đức Lương, dân Quảng Ngãi).

Trước đó, vào ngày 6/2/2021, ông Võ Văn Thưởng được bổ nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư, tức là đứng đầu bộ phận trông coi công việc hàng ngày của Đảng, được xem như nhân vật quyền lực số 5, sau tứ trụ. Điều này được ông Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát từ Singapore, người có vẻ có nhiều nguồn tin nội bộ bên trong, đưa ra trước đại hội 13.

Ông Hiệp cho rằng vì số người gốc Nam bộ trong Bộ Chính trị ít hơn vốn dĩ phải có, nên sẽ được bù đắp bằng vị trí số 5 đó. Việc thêm một nhân vật Nam bộ là ông Nghĩa vào cơ cấu Bộ Chính trị, phải chăng là để giải tỏa sự bất bình của nhóm Nam bộ tiếp tục sau đại hội 13?

Việc tìm cho ra người thay ông Thưởng, có lẽ cũng không dễ dàng, vì đến hơn 2 tuần lễ sau đó người ta mới quyết định chọn tướng Nghĩa. Có thể tướng Nghĩa là một nhân vật có được các đặc điểm mà các phe, các khuynh hướng đều hài lòng. Ông là dân miền Nam, là người của quân đội, đồng thời ông lại là tướng chính trị, đi lên bằng con đường chính trị viên, chính ủy, mặc dù ông cũng là người từng kinh qua trận mạc (1979), gia đình ông cũng là gia đình “cách mạng gộc” vùng Gò Công.

Chuyển biến mới này đưa đến một điều khá lý thú là liên tục trong hai khóa, dân Nam bộ được biết là ít có mặt trong các vị trí giáo điều, lại nắm giữ chức trưởng ban tuyên truyền ý thức hệ của Đảng.

Vị trí này, với những tên gọi khác nhau từ khi đảng CSVN được thành lập, thường do các nhân vật phía Bắc đèo Hải Vân phụ trách, trong đó có những người tượng trưng cho tầng lớp bảo thủ của Đảng như Trường Chinh, Tố Hữu, Đào Duy Tùng, Hoàng Tùng,… Rất ít nhân vật miền Nam nắm vị trí này như Bùi Thanh Khiết (1982-1984) và Trần Trọng Tân (1986-1991).

Ông Võ Văn Thưởng học khoa triết, trường đại học Tổng hợp TP HCM. Ông từng có 1 số bài viết tương đối đi ra ngoài kiểu cách tuyên truyền của Đảng như bàn về chủ nghĩa dân túy, hay là ông từng tuyên bố sẵn sàng tranh luận với người khác quan điểm với Đảng.

Không thấy ông tranh luận với ai cả, nhưng nói ra được như vậy cũng đã là khá hơn các vị tiền nhiệm rồi.

Dĩ nhiên, các chính sách chính trị, văn hóa của ĐCSVN được đảng quyết định chứ không phải cá nhân nào, và các nhân vật thuần đảng, phần đông xuất phát từ khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn nắm thế đa số trong đầu não của Đảng.

Theo một số nhà báo trong nước thì vị trưởng ban tuyên giao tới đây, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, là một người khá cởi mở. Dù sao cả hai ông Thưởng và Nghĩa đều học hành và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, chắc chắn các ông có tiếp xúc được với một không khí chính trị xã hội khác rất nhiều với không khí chính thống đỏ rực phía trên vĩ tuyến 17.

Đầu trang

19/02/2021 - baotiengdan.com

Việt Nam lại có… vua như thời… Trung cổ?

Blog VOA
Trân Văn
19-2-2021

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các “tiên đế” tại Hoàng thành, Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang hối hả sửa chi tiết ông Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế (1) thành dâng hưởng tưởng niệm các… bậc tiền nhân (2).

Về ngữ nghĩa, chỉ có Thiên tử của một triều đại mới gọi ông, cha của mình, vốn cũng từng làm… đế như mình là… tiên đế! Chuyện nhiều cơ quan truyền thông nhà nước loan báo ông Trọng dâng hương tưởng niệm… tiên đế không phải là lỗi kiến thức. Đó là vấn đề về nhận thức nên không có cá nhân nào trong hệ thống truyền thông chính thức dám tự tiện sửa hai từ… tiên đế khi loan tin về sự kiện ông Trọng dâng hương tưởng niệm, trồng cây lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu!

Việc hệ thống truyền thông sau đó sửa… tiên đế thành… các bậc tiền nhân chỉ là chuyện… chẳng đặng đừng sau khi dân chúng đồng loạt… chỉ trích và điều đó làm méo mó cả hình ảnh của… Hoàng thượng, lẫn… triều đình.

Trong một xã hội thật sự dân chủ, chắc chắn sẽ không có chuyện hệ thống truyền thông đưa tin giống nhau, sau đó được lệnh cùng sửa mà không xin lỗi, không giải thích vì sao lại thế! Hiện tượng này chỉ có thể xảy ra ở những quốc gia theo thể chế quân chủ.

Cần phải nói thêm, vào thời điểm này vẫn còn một số quốc gia có vua. Tuy nhiên vị trí, vai trò, hoạt động của những vị vua ở các xứ ấy phải theo Hiến pháp, pháp luật (quân chủ lập hiến). Chỉ có thời Trung cổ, vua mới đứng trên tất cả và trở thành cá nhân toàn quyền định đoạt đúng – sai, phải – trái (quân chủ chuyên chế). Về lý thuyết, Việt Nam đã từ bỏ chế độ quân chủ cách nay 76 năm sau khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị hồi 1945 nhưng trên thực tế, Việt Nam đang có vua và bản chất thể chế là một kiểu… quân chủ chuyên chế!

Đó là lý do không có bất kỳ đảng viên nào của đảng CSVN hay công dân nào của Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền tư nghị về phát biểu hay hành vi của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Phú Trọng. Đó cũng là lý do cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không dám can gián, điều chỉnh mà vừa phải răm rắp tuân theo, vừa phải tán dương tất cả các chỉ đạo, hành động của “đồng chí” Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước!

***

Cách nay ba năm, vào dịp Tết Mậu Tuất (2018), khi toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục thực hiện truyền thống… Tết trồng cây, ông Trọng từng phát biểu đại loại thế này:

… Chúng tôi nêu ý định năm nay là một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì phá rừng nhiều quá nhưng phải làm sao cho thiết thực! Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao. Cầm ra mút cán… người ta trông là biết ông này không trồng cây. Gảy gảy tí đất, chân thì đi giầy, xong lại đưa cái khăn với chậu nước… phản cảm quá! Rồi cây thì to đùng xây sẵn mấy vòng xung quanh rồi! Điều đó đã nói rồi nhưng dưới địa phương ‘nó’ không chịu chuyển. ‘Nó’ cứ chuẩn bị sẵn! Thậm chí cái cán xẻng – tôi nói nhiều lần lắm rồi – mà ‘nó’ cứ quấn xanh xanh, đỏ đỏ… rồi trồng cây phải đi găng tay này, xong rồi có người đưa cho cái khăn lau tay… Tôi bảo ‘không’, tớ nông dân quen rồi phủi cái là sạch rồi (3)

Năm nay – Tết Tân Sửu (2021) – đích thân ông Trọng thản nhiên làm đúng những gì ông đã lớn tiếng phê phán: Cũng… đi giày, cũng… cầm xẻng gảy gảy tí đất để trồng một… cái cây to đùng. Không có bất kỳ ai trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam dám gọi đó là… phản cảm và… không thiết thực. Tất cả cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế, trồng cây là… sự kiện chính trị quan trọng.

Ông Trọng trồng cây ngày Tết. Ảnh: VOV

Xét theo logic về nhận thức, nếu không tự xem mình là bề trên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, ông Trọng sẽ không phô bày sự trịch thượng, gọi những hệ thống này ở các địa phương là… “nó”. Càng không dễ dãi chỉ trích “nó” đã làm đúng những gì chính ông cũng làm!

Chỉ có tự xem mình như… vua, tự tin vì được trọng kính như… vua mới vừa lớn tiếng đề cao… đạo đức, buộc… nêu gương, tuyên bố tiến hành… tự chỉnh đốn, vừa chà đạp các qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chẳng hạn, tuy thường xuyên tham dự các sự kiên qui tụ nhiều người song ông không mang khẩu trang dù hành vi này vi phạm các qui định phòng dịch hiện hành.

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức mặc định ông Trọng là… vua nên không ai dám nhắc, nói gì đến việc lập hay yêu cầu lập biên bản vi phạm hành chính, phạt ông bao nhiêu trong mức phạt từ một đến ba triệu đồng (4)!

***

Tiếng là một quốc gia theo thể chế cộng hòa nhưng việc rẽ theo hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra cho Việt Nam những ông vua như ông Trọng. Xã hội Việt Nam có khác gì xã hội trong “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” mà Andersen từng kể với thiếu nhi (5).

Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam tuyên bố thủ tiêu nhiều thứ, bao gồm cả… phong kiến nhưng khi công khai xác định, tự diễn biến, tự chuyển hóa – vốn là qui luật có tính nền tảng của tiến hóa, tiến bộ và văn minh thì làm sao Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, cũng như những công dân đúng nghĩa của một nền cộng hòa? Còn tin, còn chấp nhận kiểu tuyên truyền, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại là… thù địch và phản động, đồng nghĩa với đồng tình chấp nhận thân phận… thần dân! Chấp nhận đặt hiện tại và tương lai vào tay những… ông vua thời… Trung cổ.

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trong-cay-tai-hoang-thanh-thang-long-713412.html

(2) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-trong-cay-tai-Hoang-thanh-Thang-Long/423335.vgp

(3) https://www.youtube.com/watch?v=6bfs2JY8L1o&ab_channel=NguyenMinh

(4) https://tuoitre.vn/do-hoa-vi-pham-phong-chong-dich-covid-19-bi-phat-the-nao-20210217155739501.htm

(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_quần_áo_mới_của_hoàng_đế

Đầu trang