Ông Vương Đình Huệ, tân Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam. |
Trận bão dư luận chưa tan sau khi ông Nguyễn Anh Trí – một đại biểu Quốc hội – ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước) có… mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc (1)… đã tăng cường độ khi tờ Giao Thông ca ngợi ông Vương Đình Huệ, tân Chủ tịch Quốc hội (2)…
***
Ông Huệ - nguyên quán ở làng Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – được mô tả là nổi tiếng thông minh và học giỏi ngay từ nhỏ. Để tăng tính thuyết phục trong việc quảng bá ông Huệ như nhân vật có dáng vẻ thư sinh được thầy cô, bạn bè quý mến... tờ Giao Thông dẫn lời một cặp vợ chồng từng dạy ông Huệ thời ông học cấp ba, khen ông thông minh, có chí, có tố chất làm lãnh đạo từ nhỏ, trọng tình nghĩa... Đồng thời dẫn lời một bạn học… vô danh, nhấn mạnh: Tuy nhà nghèo nhưng ông Huệ học rất giỏi, không những có tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (1974) từng được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình…
Ngay sau khi tờ Giao Thông công bố bài báo vừa kể, nhiều người sống cùng thời với ông Huệ, thật sự từng nức tiếng là Học sinh Giỏi, đặc biệt là những người ở Nghệ An đã lên tiếng… nói lại cho rõ. Chẳng hạn ông Chu Hồng Quý – vốn là cựu học sinh trường Năng khiếu Nghệ Tĩnh: … lịch sử xã Nghi Xuân nói riêng và vùng ven biển Nghi Lộc, Cửa Lò từ xưa đến nay chưa có đứa nào vào Đội tuyển Học sinh Giỏi Quốc gia mà kêu Huệ học giỏi “nổi tiếng xứ Nghệ”... Năm 1974 thì thủ khoa Học sinh Giỏi miền Bắc cũng chưa được tặng xe đạp chứ đừng nói là học giỏi ở trường cấp huyện. Sao không nói quách đi là được phần thưởng iPhone cho nó máu?
Để chứng minh, ông Quý đưa lên facebook một công văn do Ty Giáo dục Nghệ An phát hành năm 1969, quyết định khen thưởng 15 học sinh đạt loại giỏi và khá trong kỳ thi tốt nghiệp niên khóa 1968 – 1969. Ngoài giấy khen, mỗi người chỉ được thưởng thêm một cây bút kim tinh và một lọ mực anh hùng - kèm lời bình của ông Quý: Thủ khoa Đội tuyển tỉnh thi quốc gia, đạt giải Học sinh Giỏi Toàn quốc mà phần thưởng chỉ có 14 cuốn sách, truyện viết về “bác Hồ”, trong khi Huệ học giỏi ở trường huyện mà lại được thưởng xe đạp – vả một gia tài mà gia đình khá giả khi đó mới tậu nổi… (3)!..
***
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam… tô son, trát phấn cho ông Vương Đình Huệ nhằm dựng lên huyền thoại về một nhân vật… thông minh, học giỏi, có chí vượt khó, có tư chất chỉ huy, lãnh đạo ngay từ thưở thiếu thời. Hồi 2011, sau khi ông Huệ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài Chính trong nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng, tờ Giáo Dục đã từng có một bài viết về… tuổi thơ dữ dội của ông Huệ và bị công chúng chỉ trích còn… dữ dội hơn.
Lúc ấy, tờ Giáo Dục dẫn lời của bà Võ Thị Cầm, thân mẫu của ông Huệ kể về con trai bà như thế này: Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc (4)...
Tuy nhiên ông Huệ không phải là viên chức đầu tiên trong nhóm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam được hệ thống truyền thông chính thức quảng bá rằng lúc thiếu thời, do nghèo khó, từng phải dùng… đom đóm thay đèn để dùi mài kinh sử, ông Trần Đại Quang – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an, cựu Chủ tịch Nhà nước đã quá cố – mới là người đi tiên phong trong việc kể với công chúng rằng… đom đóm đã tham gia trợ giúp… thu thập tri thức để… nên người (5)!
Dã sử từng có giai thoại Mạc Đĩnh Chi – Trạng nguyên thời nhà Trần, một danh nhân Việt Nam – hiếu học tới mức bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, thay đèn để đọc sách. Sở dĩ nhiều thế hệ truyền khẩu giai thoại này vì nhiều người xem đó là một tấm gương đẹp về vượt khó để học hành, song dùng đom đóm nhằm sơn phết những nhân vật đương đại thì lại là… bất trí và không lương thiện. Đó cũng là lý do hồi 2011, đã có rất nhiều người phân tích về thật – hư của việc dùng đom đóm thay đèn đọc sách… Chẳng hạn một bài phân tích trên Trạm Sách về giai thoại Mạc Đĩnh Chi – đom đóm sau khi nhận ra nguy cơ… sẽ thêm nhiều chính khách tự giới thiệu đã phát triển… sự học từ… đom đóm…
Đầu tiên, để mắt người có thể đọc được, tối thiểu cần độ sáng 450 lumens (lumen là đơn vị đo độ sáng). Thứ hai, độ sáng của 1 con đom đóm khoảng 0.0006 lumens (E.Newton Harvey và Kenneth P. Stevens thí nghiệm năm 1928). Với đèn sợi đốt như thế kỷ 19 mà Thomas Edison dùng thì mỗi W đem lại độ sáng 11.25 lumens. Như vậy để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 40W (450 lumens) sẽ cần là: (40 x 11.25)/0.0006 = 750,000 con đom đóm.
Những năm tăm tối của thế kỷ 13 (thời Mạc Đĩnh Chi - NV), cứ cho đom đóm bu đầy trong bụi, cụ vợt phát được trăm con và có thể kiếm được cả nghìn con đom đóm nhét vô vỏ trứng đà điểu (hoặc cụ nhặt được vỏ trứng khủng long) thì mọi người cũng có thể hình dung là nó cũng chưa bằng một cái đèn sợi đốt với công suất 1W (11.25/0.0006 = 18,750 con đom đóm). Lờ mờ hơn cả trăng đêm rằm.
Thứ ba, ai cũng thấy về mặt sinh học thì con đom đóm lập lòe. Chính xác là đom đóm sẽ tắt 4 giây và sáng nửa giây, không sáng liên tục. Do ánh sáng không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của đom đóm (tương tự đèn huỳnh quang). Do đó, cái đèn học của cụ sẽ có tần suất nhấp nháy rất lớn, dẫn đến mắt rất nhanh xuống cấp. Thứ tư, để xử lý vấn đề tần suất nhấp nháy rất lớn đó, ta cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau nháy để duy trì 450 lumens liên tục. 750,000 x 8 = 6,000,000 con đom đóm. Xin nhắc lại là 6 triệu con đom đóm. Nếu bắt đủ, không biết cụ sẽ để số đom đóm đó vào đâu?
Với một cây đèn học vừa nhấp nháy, lại có ánh sáng yếu thì việc cụ Mạc mắt không tinh rõ ràng có thủ phạm. Và không tinh ở mức độ nào thì chỉ riêng việc cụ bắt nhầm con chim vẽ treo trên tường (khi đi sứ sang Trung Quốc thời nhà Nguyên - theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) cũng có thể biết là cụ cận ở mức độ nào rồi. Thời của cụ tìm được cái đèn hay DIY (do it yourself) một cái đèn đủ sáng để đọc thì là việc khó lắm, nhưng cái “đèn đom đóm” DIY của cụ mà có thật, chắc khoa học hiện tại phải quỳ xuống luôn.
Sau khi người Pháp vào Việt Nam mang theo văn minh và khoa học kỹ thuật, Việt Nam bắt đầu có điện từ 1894. Năm 1954, Điện lực Cách mạng Việt Nam bắt đầu tiếp quản hệ thống điện mà Pháp xây dựng ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Vậy mà gần đây, người ta thêu dệt nhiều giai thoại về “cậu trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học” hay “tuổi thơ dữ dội” của ai đó “bắt đom đóm cho vào quả cà rỗng” như cái đèn đom đóm DIY của cụ Mạc. Làm như Việt Nam bây giờ mới có điện chứ mấy mươi năm trước chưa được soi sáng ấy nhỉ. Cuối cùng thì đây là thế kỷ của khoa học – kỹ thuật, bạn không thể rình rập “đi tắt đón đầu” với cái đầu “đèn đom đóm” còn tay là cái la bàn “ma de in Việt Nam” đâu (6).
***
Ông Trần Đại Quang từng im lặng khi chị ông kể rằng ông từng… bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học. Ông Vương Đình Huệ cũng im lặng khi mẹ ông kể về… tuổi thơ dữ dội, khiến ông phải cậy đến… những con đom đóm và quả cà rỗng phát triển sự học… Ông Nguyễn Phú Trọng thì thản nhiên ngồi thưởng thức những lời ông Nguyễn Anh Trí ca ngợi ông có… mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, khơi nguồn tự hào dân tộc. Im lặng tán thưởng hay phản bác những lời tụng ca trơ trẽn, sống sượng là quyền của mỗi người nhưng phản ứng kiểu nào sẽ quyết định bơm, thổi có khả năng trở thành… công nghệ hay không.
Chú thích
(2) https://www.baogiaothong.vn/cau-tro-ngheo-hoc-gioi-vuong-dinh-hue-trong-ky-uc-thay-co-d501365.html
(3) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=3748993098549885&id=100003176966049
(4) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tuoi-tho-du-doi-cua-bo-truong-vuong-dinh-hue-post15290.gd
(5) https://www.phunuonline.com.vn/vinh-biet-cau-tro-ngheo-bat-dom-dom-lam-den-hoc-a71784.html
(6) https://tramsach.com/den-dom-dom-mac-dinh-chi-khi-khoa-hoc-bo-tay-voi-tri-tuong-tuong/
Hình minh hoạ. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (giữa) và các Bộ trưởng Tài chính các nước Indonesia và Thái Lan tại cuộc họp ở Thượng đỉnh APEC, Honolulu, Hawaii hôm 10/11/2011. AFP |
Ở đây tôi không nói thơ chung chung mà là nói thơ tình, cũng không nói thơ đi vào đời sống chung chung mà chỉ nói đi vào đời sống quan chức.
Tưởng như hai câu thơ “Tháng ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào hồn anh” của Đoàn Thị Lam Luyến chẳng liên quan gì đến việc tăng giá điện. Ấy thế mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vận dụng ngay được để bao biện cho việc tăng giá điện. Thế mới tài.
Cũng là bao che cho việc tăng giá điện nhưng Vương Đình Huệ dùng cách khác với Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành.
Trần Tuấn Anh đòi xử lý những cá nhân phê phán việc giá điện mà anh ta cho là xuyên tạc, còn Dương Quang Thành thì nói cả nước chỉ có 19 người phản đối tăng giá điện trên báo chí và trên mạng thôi, cho nên số này không đáng kể.
Hai ông này, ông thì tỏ giọng quyền chức hống hách, ông thì cho rằng dân chẳng biết gì nên phát ngôn rất ẩu, tạo nên làn sóng phẫn nộ của công luận.
Cư dân mạng còn tìm ra trang facebook của Dương Quang Thành, thậm chí tìm ra cả trang của thân mẫu và 2 con trai anh ta rồi vào bày tỏ sự phẫn nộ, để anh ta đếm comment xem có phải cả nước, số phản đối tăng giá điện chỉ có 19 người không. Phát ngôn của Thành tuy không hách dịch như Tuấn Anh nhưng bị chỉ trích rất nặng nề, có lẽ còn vì người ta cho rằng Thành tăng giá điện là để... nuôi hai đứa con đang học ở tư bản Hoa Kỳ.
Vương Dình Huệ thì nhẹ nhàng hơn, không mang tính thách thức đối đầu. Có thể dù đi theo cộng sản, làm đến phó thủ tướng nhưng cách nói của Huệ vẫn còn chất của “con nhà nghèo học giỏi” như báo chí đã ca ngợi. Tuy nhiên, chuyện ví von bằng thơ cũng gây nên nhiều giễu cợt của dân chúng.Không chê việc Huệ đọc thơ trước quốc hội. Văn nghệ, ví von tí chút trong cuộc họp cũng vui. Nhưng cách lý giải của Huệ để bao biện cho việc tăng giá điện là không những không thuyết phục mà còn lảng tránh.
Hình minh hoạ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. AFP |
Vấn đề đặt ra gay gắt lúc này là đợt tăng giá điện vừa qua đúng sai thế nào thì Vương Đình Huệ lại lảng sang chuyện tăng giá vào lúc nào. Tăng giá và tăng vào lúc nào là hai khái niệm khác nhau. Người tiêu dùng không đồng ý với việc tăng giá, chứ không phải là việc tăng vào ngày 20/3.
Dù tăng vào lúc nào thì người tiêu dùng vẫn cứ phải chịu theo giá EVN độc quyền áp đặt. Còn chuyện chọn thời điểm thích hợp để tăng chẳng qua là để người tiêu dùng bớt cảm giác bị móc túi mà thôi.
Xin nhắc lại, nó chỉ là cảm giác. Đây là mẹo vặt lông vịt, làm thế nào bị vặt lông mà vịt không kêu, đến khi trần trụi cũng không biết. Việc này chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng từng bày cách: “thu thuế như vặt một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt... làm sao để nó kêu ít nhất, đừng để nó kêu toáng lên”
Theo hướng đó, Vương Đình Huệ lý giải, đổ tại thời tiết năm nay trái mùa, ai biết đâu tháng 4 lại nóng thế và khẳng định tăng vào 20/3 là đúng, có nóng là tại ông trời mà thôi. Ai biết được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5 cho nên cái này Chính phủ không dự báo được.
Huệ khẳng định tăng vào thời điểm đó là đúng, vậy thì mức giá điện tăng có đúng không? Phát biểu trước quốc hội không thấy anh ta khẳng định điều này.
Có một ý mà Huệ nói rất khó hiểu, “nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi”. Có nghĩa là, tăng vào tháng 3 nên mức tăng mới chỉ có thế, còn nếu tăng sau đó, ví dụ tháng 6 thì mức tăng còn gấp đôi. Trong khi, nhu cầu tháng 6 vẫn cứ là nhu cầu của tháng 6. Chẳng tăng giá vào tháng 3 thì nhu cầu ở mọi thời điểm sau nó vẫn thế. Vậy Huệ có đảm bảo được đã tăng tháng 3 rồi thì giá điện không tăng nữa không?
Cần rạch ròi các khái niệm, giá điện, tiền điện phải trả và nhu cầu dùng điện. Lý giải không rõ ràng của Vương Đình Huệ, lảng sang thời điểm tăng giá nhằm bảo vệ cho quan chức, chứ không đứng về người tiêu dùng, mặc dù anh ta xuất thân từ con nhà nghèo.
Vương Đình Huệ còn bênh vực cho giá điện bậc thang, cho rằng biểu giá lũy tiến giúp người nghèo có lợi. Đây là sự nhập nhằng vì EVN chẳng cho người nghèo một đồng nào hết, nếu có cảm giác ấy thì là móc túi nggười dùng điện ở các mức thang cao bỏ sang mà thôi.
Nhưng thôi, những gì Vương Đình Huệ giải thích xung quanh giá điện còn nhiều điều phải nói lại. Trở lại chuyện Huệ đọc thơ để bênh vực cho EVN, tức là đưa thơ vào đời sống quan chức, người viết bài cũng xin có mấy câu vè:
Tháng ba đột ngột mưa rào
Để Vương Đình Huệ đi vào đi ra
Điện tăng dân chúng kêu la
Trong phòng lạnh, Huệ đi ra đi vào:
- “Năm nay thời tiết thế nào
Biết đâu hoa sữa nở vào tháng năm”
Cho nên cái sự điện tăng
Chẳng qua là tại cái thằng không mưa.
Lê Văn Đoành
6-8-2020
Gia phả tộc Vương Đình chép rằng, đời vua Trần Duệ Tôn sinh vua Trần Dực Tông (1337-1377) không có sữa. Vua đưa bà Phan Vị Ngọc Châu về làm vợ thứ, nuôi Trần Dực Tông.
Nhưng bà không có con, sau xin về quê sinh sống. Triều đình và nhà vua xem xét thấy bà có công nuôi con vua khôn lớn nên phong cho bà là Vương Mẫu, tức mẹ Vua, cấp chiếu chỉ, cho bà có quyền khai dân, lập ấp, lập đồn điền sinh sống ở những nơi bà đến. Bà đã chọn Nghệ An khai khẩn, con cháu dòng họ Vương từ đó mà thành.
Hương án, nơi đặt gia phả Vương Đình. Nguồn: Gia phả họ Vương |
Từ cậu bé cào nghêu…
Vương Đình Huệ sinh ngày 11/7/1957 tại làng Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, trong một gia đình có 8 người con, 5 trai 3 gái, Huệ thứ 4. Vương Đình Huệ có anh trai Vương Đình Ngọc, là liệt sĩ tại chiến trường miền Nam.
Bố là Vương Đình Sâm, trước làm công an xã, sau làm bưu tá đưa thư, rồi đổ bệnh mất. Mẹ là bà Võ Thị Cầm, công nhân bốc xếp và nội trợ. Chồng mất sớm, một mình bà Cầm bươn chải nuôi đàn con. Vì thế, tuổi thơ của Huệ lớn lên trong đói nghèo. Qua báo Tiền Phong, bà Cầm kể về Huệ như sau:
“Có khi cả năm trời được mỗi một chiếc áo mỏng manh, có hôm đi học về gặp mưa, Vương Đình Huệ phải cởi ra giặt xong đưa vào bếp lửa hong cho khô rồi mặc tiếp. Nhiều hôm đi học về, chưa kịp ăn miếng gì cậu bé đã lao ra biển cào nghêu giúp mẹ bán kiếm tiền nuôi sống gia đình“.
Chuyện Vương Đình Huệ con nhà nghèo học giỏi, thì bạn học lẫn dân làng cũng xác nhận. Nhưng việc đèn không có dầu, Huệ “bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng làm đèn” để học, thì rõ ràng là bọn bồi bút bịa ra, rồi gán cho lời kể của cụ bà tuổi ngoài 90 như mẹ Vương Đình Huệ.
… đến giấc mơ quyền lực
Trong hành trình leo lên những nấc thang quyền lực, có hai cái bóng luôn theo Vương Đình Huệ. Đó là Nguyễn Sinh Hùng và Trần Bắc Hà. Nguyễn Sinh Hùng đại diện cho quyền năng đủ rộng và Trần Bắc Hà là hiện thân của kho tiền khổng lồ, xài không bao giờ cạn.
Nếu không gặp Nguyễn Sinh Hùng, thì Vương Đình Huệ cũng chỉ mãi là anh đảng uỷ viên, Phó hiệu trưởng Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội. Vốn đàn anh, cựu sinh viên trường Tài chính, lại là đồng hương xứ Nghệ Tĩnh, nên Nguyễn Sinh Hùng đã nhận đỡ đầu và dìu dắt Vương Đình Huệ.
Tháng 4/2001, Nguyễn Sinh Hùng tái trúng cử BCH Trung ương khoá IX và sau đó lên nắm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cùng năm, ông kéo Vương Đình Huệ sang làm Phó Tổng kiểm toán nhà nước. Và cũng chính Nguyễn Sinh Hùng quy hoạch, giới thiệu Vương Đình Huệ vào Ban Chấp hành Trung ương.
Tháng 4/2006, Nguyễn Sinh Hùng đạt một lúc mấy việc. Bản thân vào Bộ chính trị, đưa được Vương Đình Huệ vào BCH Trung ương khoá X. Khi Sinh Hùng được phê chuẩn ghế Phó Thủ tướng thường trực, ông đặt đặt Huệ ngồi lên ghế Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Vương Đình Huệ tháp tùng Nguyễn Sinh Hùng và phu nhân Lê Thị Mai Hương trong một chuyến công du. Nguồn: Chân dung quyền lực |
Tháng 1/2011, Nguyễn Sinh Hùng tái trúng cử Bộ Chính trị khoá XI, lọt vào “tứ trụ”. Thay ông Nguyễn Phú Trọng ở vị trí Chủ tịch Quốc hội, đối với Nguyễn Sinh Hùng đã là tột đỉnh vinh hoa. Tất nhiên ông sắp đặt cho Huệ ngồi vào chiếc ghế hái ra tiền mà mình đã leo lên cách đây đúng mười năm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
Chân ướt chân ráo về Bộ Tài chính chưa được bao lâu, Vương Đình Huệ đã bắt đầu “xưng hùng”. Tại buổi hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” do Bộ Tài chính chủ trì hôm 20/9/2011, đã biến thành cuộc “cãi lộn” gay gắt giữa Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, trước sự chứng kiến của các chuyên gia đầu ngành và báo chí.
Ông Tú cho rằng Bộ Tài chính bắt ép các doanh nghiệp xăng dầu, truy thuế và điều hành giá xăng càng lúc càng rối, khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Ông Tú nói như mắng: “Chúng ta đang điều hành giá xăng theo kiểu ‘sống chết mặc bay’, dùng tay chân thay cho cái đầu. Vì vậy mà lãnh đạo cấp cao chửi, báo chí chửi, làm đúng cũng bị chửi và dân thì coi như tội đồ“.
Đấu khẩu giữa Vương Đình Huệ và Nguyễn Cẩm Tú. Nguồn: PVC |
Vương Đình Huệ bình thản, cho rằng doanh nghiệp nào không kinh doanh được thì nghỉ. Rằng mọi quyết định, Vương Đình Huệ đều căn cứ vào đúng quy định của luật, diễn biến thực tế của thị trường, không vì động cơ chính trị.
Ai cũng biết rằng, thời điểm này kinh doanh xăng dầu luôn là sân sau và “hầu bao” của Ba Dũng lẫn Nguyễn Sinh Hùng. Em ruột Nguyễn Sinh Hùng là Nguyễn Sinh Khang được Ba Dũng bố trí ghế Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Tháng 2/2012, Vương Đình Huệ “chạm” với Bộ Công thương lần nữa. Huệ bị cho là xử ép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), khi yêu cầu EVN cắt giảm chi tiêu, phải tiết kiệm cho được 1800 tỷ đồng.
Chính trường đồn đoán, Vương Đình Huệ đã lơ “thầy” Nguyễn Sinh Hùng, cùng với Nguyễn Bá Thanh đầu quân phe hai ông Trọng-Sang. Vì xem ra “cửa” hai ông Trọng-Sang tiền đồ có vẻ xán lạn hơn. Trong khi, với nhiệm kỳ hai trong vai trò thủ tướng, nhóm lợi ích của phe Ba Dũng “ăn không chừa bất cứ thứ gì” đang bị số đông trong đảng công kích dữ dội và dư luận xã hội cũng phẫn nộ không kém.
Khi đặt “cửa”, Nguyễn Bá Thanh có cơ hội bảo đảm thay Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và Vương Đình Huệ được hứa hẹn vào đến “tứ trụ”.
Nguyễn Bá Thanh (trái), trưởng Ban Nội chính trung ương và ông Vương Đình Huệ – trưởng Ban Kinh tế trung ương. Ảnh trên mạng |
Giọt nước bắt đầu tràn ly. Tại hai hội nghị Trung ương 5 và 6 khoá XI, phe ông Trọng-Sang yêu cầu tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, nhằm khống chế sự lộng quyền của phe Ba Dũng.
Đúng lúc Nguyễn Tấn Dũng muốn “nhổ cái gai”, bèn đẩy Vương Đình Huệ sang Ban Kinh tế trung ương, với Quyết định số 656-QĐNS/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2012. Như vậy, chỉ hơn một năm với vai trò Bộ trưởng Tài chính, Vương Đình Huệ đã phải khăn gói dời gót. Người được điền vào thay Huệ nắm Bộ Tài chính là quan chức có khuôn mặt bặm trợn, đệ tử của Trần Đại Quang, Tổng kiểm toán nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Tháng 5/2013, tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, đang là các trưởng ban Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị. Nhưng BCH Trung ương đã không bầu cho Thanh và Huệ, ngược lại, lá phiếu họ dành cho Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân.
Dư luận bàn tán sôi nổi, những đồn đoán không phải không có căn cứ, khi cho rằng vì bị Vương Đình Huệ “phản phé” nên Nguyễn Sinh Hùng đã liên thủ với phe Nguyễn Tấn Dũng, ngăn không cho Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ đủ phiếu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Sau thất bại ê chề tại Hội nghị Trung ương 7, một năm sau Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh nặng và qua đời tháng 2/2015. Phần mình, Trưởng ban kinh tế Vương Đình Huệ nhận thức rõ, để có đa số phiếu ở BCH Trung ương, điều quan trọng nhất là tiền. Người mà Huệ thấy dễ chơi nhất, tiền nhiều nhất, không ai khác là… Trần Bắc Hà.
(Còn nữa)
07/08/2020 - baotiengdan
Lê Văn Đoành
7-8-2020
Tiếp theo kỳ 1
Phe nhóm chính trị
Trần Bắc Hà vốn là cựu sinh viên ĐH Tài chính. Khi Vương Đình Huệ chỉ là anh giảng viên, thì Trần Bắc Hà đã là Phó Tổng giám đốc BIDV, một ngân hàng quốc doanh đầy quyền lực. Lúc Nguyễn Sinh Hùng kéo Huệ về Kiểm toán Nhà nước, Bắc Hà đã là Tổng giám đốc BIDV và là đệ tử ruột của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vì vậy, nói về thế lực, Bắc Hà trội hơn Đình Huệ nhiều phần, cho dù Huệ là Uỷ viên Trung ương khoá X. Nhưng cả hai chơi với nhau từ khi Huệ được bổ nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đầu năm 2011, sau khi Vương Đình Huệ tái trúng cử Ủy viên Trung ương khoá XI, Trần Bắc Hà là người tư vấn cho Huệ ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá 13, đơn vị Bình Định. Tại đây, Bắc Hà tác động để Huệ được xếp vào Tổ bầu cử số 1, gồm các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TP Qui Nhơn. Và số phiếu thắng cử cũng rất đẹp, xấp xỉ 70%, không nhiều nhưng đủ để áp đảo.
Vậy là lần đầu tiên trong đời, cậu bé cào nghêu năm nào, giờ đây vừa “khoác chiếc áo” Bộ trưởng, vừa đĩnh đạc ngẩng cao đầu sải bước vào Hội trường Ba Đình.
Những lần tiếp xúc cử tri, Vương Đình Huệ luôn yêu cầu thuộc hạ chuẩn bị quà tặng, không phải ghi Ủy viên Trung ương hay Trưởng ban kinh tế gì lên đó, chỉ cần ghi “Giáo sư – Tiến sĩ tặng” là được. Hoá ra, Huệ muốn thiên hạ biết mình khác với đám đại quan xôi thịt, học hành không ra gì, nhưng không thiếu bất kỳ bằng cấp nào.
Vương Đình Huệ tặng quà cho đồng bào Bình Định. Ảnh trên mạng |
Vì trong nhà nước cộng sản luôn có ba loại quan chức ở thượng tầng:
– Nhóm “miền Bắc có lý luận” giáo điều, ôm khư khư học thuyết Mác – Lê và định hướng XHCN.
– Nhóm con ông cháu cha được quy hoạch nguồn, chủ yếu mua bằng cấp, học vị từ các nước XHCN Đông Âu cũ.
– Nhóm xuất thân là học sinh miền Nam, học 4 năm 10 lớp rồi tuyển thẳng đại học, hoặc từ trong rừng về học bổ túc văn hoá để biết đọc viết, rồi “chuyên tu, tại chức” cho có tấm bằng Luật để lấy tiếp Cao cấp chính trị. Một số nữa thì học liên danh, liên kết từ các trường đại học “ma”.
Đó cũng là lý do, Dương Trung Quốc đã phát biểu “nịnh” Vương Đình Huệ với báo chí năm 2016: “Lâu lắm rồi chúng ta mới có được một Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế am hiểu thực tiễn”
Chính trường Việt Nam kỳ lạ, thời thế không tạo anh hùng, mà thể chế cộng sản sẽ tạo nên những anh hùng. Cứ chọn “minh chủ” mà theo, “minh chủ” thắng, ta thành đạt, “minh chủ bại” ta xộ khám.
Ngay từ tháng 11/2010, trước thềm đại hội XI của đảng, đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, thuộc phe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đã “đánh phủ đầu” Nguyễn Tấn Dũng ngay trong phiên họp Quốc hội qua “đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin thua lỗ hơn 100.000 tỷ, tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra“. Và “bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan“. Vì vậy, cho dù Ba Dũng ở lại Trung ương khoá XI, giữ được ghế Thủ tướng nhiệm kỳ hai, nhưng Huệ thấy rõ, đế chế Nguyễn Tấn Dũng sắp tàn.
Vương Đình Huệ làm Trưởng ban kinh tế, quay lưng với Nguyễn Sinh Hùng, theo phò Nguyễn Phú Trọng. Trần Bắc Hà, chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV tuy là trùm tài phiệt, nhưng xác định “Trung thần bất sự nhị quân”. Bắc Hà không thể thờ hai vua, đi với Ba Dũng xem như đã cưỡi lưng cọp rồi, không xuống được.
Việc giúp Huệ vào Quốc hội thì được, còn phản Ba Dũng để đưa Huệ vào Bộ Chính trị thời điểm tháng 5/2013, thì Trần Bắc Hà lắc đầu.
Vì cả tin ông Trọng, được đích thân Tổng bí thư đảm bảo, nên Huệ đã sốc khi bị rớt Bộ chính trị tại Hội nghị Trung ương 7. Tìm đến Trần Bắc Hà, ông Trưởng ban kinh tế Trung ương được an ủi phần nào, dần lấy lại niềm tin, chờ cơ hội khác.
Tháng 5/2015, Trịnh Văn Quyết làm lễ khởi công Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn. BIDV của Trần Bắc Hà tài trợ 70% vốn cho dự án, tức 3.500 tỷ đồng. Tất nhiên, Vương Đình Huệ phải có mặt, bởi Tập đoàn FLC là “sân sau” của các tướng lĩnh quân đội và cổ phần của con trai ông Lê Khả Phiêu.
Từ trái qua: Trần Bắc Hà, Vương Đình Huệ, Trịnh Văn Quyết trong lễ khởi công của FLC. Nguồn: VTC |
Giữa năm 2015, cuộc chạy đua vào đại hội XII, sẽ khai mạc vào tháng 1/2016 đã vào giai đoạn quyết định. Các phe tung ra tất cả các “bí kíp” để đè bẹp đối thủ. Phe Nguyễn Tấn Dũng bị phe hai ông Trọng – Sang tấn công liên hoàn. Dưới sự trợ giúp của Tô Huy Rứa, người của phe ông Trọng – Sang đã “lót ổ” hầu hết các tỉnh thành, dưới chiêu bài bổ nhiệm, chỉ định và luân chuyển cán bộ.
Vương Đình Huệ được Trần Bắc Hà cho biết, Nguyễn Tấn Dũng đã không còn chiếm thế thượng phong ở Bộ Chính trị, đồng nghĩa với không còn đa số phiếu, theo quy chế của QĐ244, sẽ phải dừng cuộc chơi, rút lui khỏi chính trường.
Ngày 27/9/2015 quê nhà Hoài Ân đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 2594/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về việc đặt tên 8 tuyến đường. Trong đó có một tuyến sẽ mang tên liệt sĩ Trần Đình Châu, bố ruột Trần Bắc Hà. Để Bắc Hà vui, Vương Đình Huệ tình nguyện gia nhập đoàn về quê Bắc Hà dự lễ, cùng với cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cựu phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
***
Tháng 1/2016, với sự bơm tiền vận động của Bắc Hà, Vương Đình Huệ tái trúng cử Trung ương và lọt vào Bộ Chính trị khoá XII. Lúc này, Vương Đình Huệ đã hiện thân một con người khác. Sợ liên luỵ với Trần Bắc Hà, Vương Đình Huệ ngã sang các tỷ phú gốc Nghệ Tĩnh như Lê Thanh Thản (Mường Thanh), Phạm Nhật Vượng (Vin Group) và gốc Thanh Hoá như Lê Viết Lam (Sun Group), Trịnh Văn Quyết (FLC)…
Đây cũng là những tỷ phú tham mưu cho Vương Đình Huệ quên miền đất võ Bình Định, để về ứng cử đại biểu quốc hội khoá 14 tại Hà Tĩnh. Và cũng nhóm này, đưa phu nhân ông Huệ là Nguyễn Vân Chi thắng cử tại Nghệ An, cùng đức lang quân sóng đôi bước vào nghị trường.
Từ trái sang: Lê Thanh Thản, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Trọng Tạo và Vương Đình Huệ ở Nghệ An. Nguồn: Dân Sinh |
Ươm mộng… đế vương
Bản chất “qua cầu rút ván” này Huệ đã có từ lâu. Ngay tại trường ĐH Tài chính, nơi Huệ từng học tập, giảng dạy, làm quản lý, người ta cũng ta thán về Huệ. Họ cho rằng, Vương Đình Huệ thông minh, nhưng cơ hội, thiếu đạo đức. Cũng là cựu sinh viên của trường, nhưng Vũ Văn Ninh, Trần Bắc Hà, Đinh La Thăng… sống có trước có sau với thầy cô, bạn bè. Họ ân tình và hào sảng hơn so với Huệ, một kẻ vô ơn, chỉ biết tranh giành ảnh hưởng để leo cao, chui sâu.
Nếu như ông Nguyễn Phú Trọng luôn giữ hình ảnh lãnh đạo cấp cao như một cụ ông bình dị, đơn giản, thì ngược lại, Vương Đình Huệ cầu kỳ hơn nhiều. Cậu bé ngày xưa đã quên nỗi bần hàn cơ cực. Huệ tự hào khi được xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội nhất Việt Nam đương đại, do có học hàm giáo sư.
Trước thềm đại hội XIII của Đảng, Vương Đình Huệ được cho là nắm chắc ghế Thủ tướng. Nhưng cái ghế mà Huệ nhắm đến là ngôi vương, một Tổng bí thư của nhà nước cộng sản độc tài toàn trị.
Hơn 4 năm ngồi ghế Phó thủ tướng, Vương Đình Huệ được phân công nhiệm vụ gần như quản lý trọn nền kinh tế quốc gia. Nhưng ông ta cảm thấy như thế vẫn chưa đủ. Thế hệ dám nghĩ, dám làm, tiềm năng như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải… đã ngã ngựa, càng thôi thúc hậu duệ “học đèn đom đóm” của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nung nấu muốn làm vua.
Tổng-chủ Nguyễn Phú Trọng chân quê. Ảnh trên mạng |
Và… đức vua Vương Đình Huệ. Ảnh: LĐTĐ |
Vương Đình Huệ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, tổ chức hồi tháng 5/2020 ở Hà Tĩnh. Nguồn: Báo Hà Tĩnh |
Vương Đình Huệ đang ở thế “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”:
– Sự ủng hộ tuyệt đối của ông Nguyễn Phú Trọng.
– Sự giúp sức của các Uỷ viên Trung ương phe Nghệ Tĩnh, dưới sự tham mưu dẫn dắt của cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.
– Liên minh Phạm Minh Chính – Vương Đình Huệ.
– Hàng triệu đảng viên cộng sản ủng hộ những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản…
Việt Nam, một đất nước bị “lỗi hệ thống”, với một mô hình “không giống ai”, người dân không có quyền tự do lựa chọn người thật sự tài giỏi ra lãnh đạo mình. Phe thắng cuộc thích thì cứ cho vào “lò đốt” tất cả những gì gai mắt, thì việc Vương Đình Huệ nhắm đến ngôi vua, cũng không có gì bất ngờ.