Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Con người
Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa

Người Việt nhỏ (3)

Dân hai nhăm triệu ai người lớn ? - Tản Đà

Đọc báo mạng

⬅️  📂  🏠

20/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Công an và… hình tượng!

Công an Nguyễn Văn Lâm đứng nghe điện thoại trong lúc vụ cướp xảy ra. Hình: Trích xuất từ báo Thanh Niên.

Cục Công tác đảng và Công tác chính trị vừa phối hợp với Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND) ra mắt chương trình “Giai điệu bình yên” trên An ninh TV. Theo dự kiến, “Giai điệu bình yên” sẽ phát sóng định kỳ hai lần/tháng. Đại diện Bộ Công an tuyên bố, “Giai điệu bình yên” không đơn thuần là chương trình biểu diễn nghệ thuật mà là một hoạt động văn hóa, chính trị nhằm xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nambản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” (1).

Tuy thời điểm chọn ra mắt“Giai điệu bình yên” rất… công an - kỷ niệm sinh nhật “Bác” nhưng nhìn chung là thiếu khôn ngoan bởi công chúng chưa nguôi giận sau khi xem một số video clip trên Internet, tận mắt mục kích một tài xế taxi, tuy đã bị đâm trọng thương, vẫn nỗ lực vô hiệu hóa tên cướp tấn công ông và dẫu nạn nhân vừa vật lộn với tên cướp, vừa xin hỗ trợ nhưng Đại úy Nguyễn Văn Lâm, Công an xã Cự Khuê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, vừa nói chuyện qua điện thoại, vừa đứng nhìn chứ không làm gì cả!

Tuy cuối cùng, để… an dân, một ngày sau khi xảy ra sự kiện vừa kể (16/5/2021), Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai… cảnh cáo Đại úy Lâm vì “thờ ơ, thiếu trách nhiệm” nhưng công chúng không… an. Trưởng Công an huyện Thanh Oai vừa lên tiếng phân trần cho Đại úy Lâm, theo đó, viên sĩ quan này không hỗ trợ khống chế cướp, cứu nạn nhân vì đang… gọi công an, báo tin có cướp! Theo Trưởng Công an huyện Thanh Oai, lẽ ra… Đại úy Lâm nên… vừa điện thoại, vừa bắt cướp (2).

Rất nhiều người Việt thất vọng khi Công an Việt Nam không đuổi Đại úy Lâm ra khỏi ngành. Mong muốn loại bỏ những sĩ quan như Đại úy Lâm khỏi lực lượng bảo vệ - thực thi pháp luật dẫu hợp lý, hợp tình nhưng lại không hợp với cả bản chất lẫn thực tế hoạt động của Công an Việt Nam. Đại úy Lâm chỉ là một trong vô số cán bộ, chiến sĩ công an không xem việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của dân chúng là trách nhiệm của họ.

Cách nay khoảng hai năm (4/2019), dư luận Việt Nam từng rúng động khi một cô gái bị bạn trai rượt đuổi, hành hung, sau đó dùng kéo đâm nhiều nhát vào cổ, ngực khiến cô chết tại chỗ. Ngày đó, dân chúng Việt Nam cũng bừng bừng phẫn nộ khi một số video clip cho thấy, Trung tá Nguyễn Chí Kiều (sĩ quan Đội Tuần tra - Kiểm soát giao thông nội tỉnh của Phòng CSGT Ninh Bình) vừa nói chuyện điện thoại, vừa quan sát từ đầu đến cuối vụ rượt đuổi, hành hung rồi giết người mà không làm gì cả.

Lúc ấy, cũng vì cần… an dân, Công an Việt Nam quyết định cảnh cáo, giáng cấp ông Kiều từ trung tá xuống đại úy, đồng thời hạ hai bậc lương, với lý do vi phạm một Thông tư do Bộ Công an Việt Nam ban hành năm 2010 (Thông tư 10/2010/TT-BCA X11): Trong chiến đấu hoặc trong tình thế khẩn cấp không nêu cao tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không tích cực chiến đấu bảo vệ chế độ, tài sản nhà nước; tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (3).

Nên biết, tuy Công an Việt Nam có Điều lệnh CAND (bao gồm Điều lệnh Nội vụ, Điều lệnh Đội ngũ, nghi lễ) nhưng số cá nhân trong chiến đấu hoặc trong tình thế khẩn cấp không nêu cao tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc hoặc không tích cực chiến đấu bảo vệ chế độ, tài sản nhà nước; tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn… đông như quân Nguyên. Đó cũng là lý do Bộ Công an phải ban hành thêm Thông tư 10/2010/TT-BCA X11 (4).

Nhìn một cách tổng quát, Thông tư 10/2010/TT-BCA X11 giống như… nước đổ đầu vịt, thành ra mới có những Trung tá Kiều, Đại úy Lâm… Đó cũng là lý do tuy lực lượng CAND tại Việt Nam hết sức hùng hậu nhưng xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, thậm chí được nhiều cá nhân nhờ giải quyết mâu thuẫn thay hệ thống tư pháp. Người lương thiện càng lúc càng hoang mang, bất an trở thành cảm giác chủ đạo vì không ai biết lúc nào thì chính mình hoặc thân nhân trở thành nạn nhân?

Trước đã thế và nay cũng vậy, nếu… “đối tượng” không đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, công an Việt Nam không bận tâm. Cứ dùng Google để search sẽ ra vô số vụ dân cần nhưng công an không đáp ứng và không ít vụ hậu quả hết sức thảm khốc (5). Nếu ngược lại thì gây bất bình vì hành xử phi nhân khi dọn dẹp lề đường, cưỡng chế thi hành án, giải tỏa nhà - thu hồi đất, tạo ra những vụ đột tử trong các trại tạm giam, hay những thảm án như vụ tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Với thực tế và hiệu quả hoạt động của CAND như vậy, chẳng lẽ chỉ cần các chương trình“Giai điệu bình yên” là đủ để thay đổi hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam trong mắt công chúng trở thành… “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Chưa kể những Trung tá Kiểu, Đại úy Lâm,… dựa vào đâu để phấn đấu trở thành… “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” khi thượng cấp không chung mâm với những tổ chức tội phạm (6) thì cũng phung phí hết chục tỉ này, tới chục tỉ khác cho ăn nhậu, quà cáp (7)?

Chú thích

(1) Khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND bằng âm nhạc

(2) Nội dung giải trình của đại úy đứng nhìn dân bắt cướp

(3) Một trung tá CSGT bị giáng cấp vì 'đứng nhìn' cô gái bị đâm giữa phố

(4) Bộ Công an ban hành Thông tư quy định xử lý vi phạm Điều lệnh CAND

(5) Nhân chứng kể lại giây phút anh trai truy sát cả nhà em trai

(6) 'Điểm danh' loạt tướng lĩnh, sỹ quan công an bị kỷ luật, xử lý

(7) Cảnh cáo Thiếu tướng công an Đặng Hoàng Đa vụ chi tiền tỷ tiếp khách

Vụ giết người yêu ở Ninh Bình: CSGT chỉ đứng nhìn?

Thứ tư, 03/04/2019 - giadinhvaphapluat

Việc người CSGT xuất hiện trong clip cô gái bị bạn trai đâm tử vong ở Ninh Bình đang được dư luận đặc biệt quan tâm và bàn về trách nhiệm của chiến sĩ CSGT trong vụ này.

Vụ việc cô gái bị bạn trai đâm chết ở Ninh Bình đang gây rúng động dư luận. Dư luận bàn tán không chỉ là hành vi dã man của nam thanh niên đâm bạn gái mà còn là việc những người xung quanh quay phim, chụp ảnh và đặc biệt là vị CSGT có mặt tại hiện trường được cho là trên tay có cầm công cụ hỗ trợ nhưng không tiếp cận, khống chế hung thủ mà đứng nhìn và gọi điện thoại.

Nam CSGT xuất hiện trong clip vụ nữ nhân viên ngân hàng bị đâm chết. Ảnh cắt từ clip.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp này người CSGT chưa làm tròn chức trách của mình. Theo đó, đáng lẽ thời điểm ấy cảnh sát có thể dùng biện pháp mạnh để trấn áp nhằm cứu giúp cô gái.

Liên quan đến việc này, sáng 3/4, Trung tá Trần Anh Tuấn, Đội trưởng đội tuần tra, kiểm soát giao thông nội tỉnh - Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, người CSGT xuất hiện trong clip tên là K., hiện đang công tác tại đơn vị. Đồng thời, Trung tá Tuấn cũng cho biết, đã ngừng giao chốt và được giao trực ở cơ quan cho chiến sĩ CSGT này để yêu cầu anh viết báo cáo tường trình liên quan đến vụ việc. 

Trong bản tường trình, vị CGST này cho biết, khi đang làm việc tại cầu Non Nước (phường Đông Thành) thì anh nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông nên đã tới hiện trường để phối hợp xử lý và chứng kiến vụ việc này.

Người CSGT trình bày, khi đó, anh đã cố gắng tiếp cận đối tượng 2 lần để khuyên ngăn. Song, thanh niên trên rất  liều lĩnh và hung hãn và đe dọa sẽ tự tử. Nhiều người dân thấy vậy cũng không thể can thiệp, vì thế anh buộc phải lùi ra ngoài gọi điện cho lực lượng 113 tới hiện trường để hỗ trợ xử lý.

Hiện vụ việc vẫn đang chờ kết quả điều tra của công an tỉnh Ninh Bình.

Như đã thông tin, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 1/4, trên đường Tôn Đức Thắng, phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đã xảy ra 1 vụ án mạng nghiêm trọng, khi nam thanh niên cầm kéo đâm chết người yêu sau mâu thuẫn tình ái. Thấy nạn nhân gục tại chỗ, nam thanh niên ngồi đè lên người và dùng kéo tự đâm vào cổ, bụng mình tự tử.

Nạn nhân tử vong được xác định là chị Trần Thị Thu H. (25 tuổi, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), làm việc tại một ngân hàng ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Đối tượng gây án là Phạm Văn Nghị (31 tuổi, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn).

Đoạn clip quay lại sự việc được lan truyền trên mạng xã hội. Trong clip có xuất hiện một người mặc sắc phục CSGT đứng gần đó, gọi điện thoại.

Những ngày qua, nhiều người tranh luận trên mạng xã hội về cách xử lý của nam cảnh sát trước vụ án. Đa phần ý kiến đều cho rằng thái độ cũng như nghiệp vụ xử lý của nam CSGT chưa tốt.

An Mai (Theo Zing/Trí Thức Trẻ)

Theo Sức khỏe & Pháp luật

Video

🔝

18/05/2021 - baotiengdan

Vỡ bọc mủ

Nguyễn Thông
18-5-2021

Nói thêm về vụ đại úy công an Lâm rồi không nói nữa, bởi quá chán.

– Một thằng tư cách như thế, hèn nhát như thế, cách xử sự phản ứng như thế mà cũng lên đại úy được, vậy thì công tác cán bộ của ngành công an và của thể chế này có vấn đề. Đám tá tướng phần đông có nhẽ cũng thế thôi.

– Nạn nhân vật lộn với cướp, tình thế nghìn cân treo sợi tóc, sống chết trong tích tắc, nhưng cả kẻ có trách nhiệm công vụ (công an, để giữ gìn an ninh trật tự, vì sự bình yên của nhân dân) lẫn dân chúng có mặt ngay tại hiện trường hoặc xung quanh chứng kiến, đều hết sức thờ ơ, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, dửng dưng xem đó là chuyện của người khác. Thời tốt đẹp đỉnh cao “đất nước chưa có bao giờ được như thế này”, kiểu người Lục Vân Tiên giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha nay gần như đã tuyệt rồi, chết hẳn rồi. Cứ nghĩ mà coi, không cần tay công an vô cảm, chỉ cần vài người cầm hòn đá, bẻ cành cây xông vào đập cướp cũng đủ giúp được anh tài xế. May mà anh ấy chưa bị tên cướp đâm chết.

Những người dân làm điều tốt không thiếu, như anh Nguyễn Ngọc Mạnh nhanh trí đỡ cứu được cháu bé rơi từ trên cao, anh sinh viên Nguyễn Văn Nhã hy sinh quên mình cứu sống 3 cô gái đuối nước; công an tốt cũng có, như anh thiếu tá ở Đồ Sơn…, tuy nhiên dù cả nghìn cả vạn người làm việc nghĩa nhưng chỉ một vụ xấu xí như vụ dửng dưng nói trên cũng đủ xóa gần sạch tiếng tốt đã có. Trong hậu quả này, có phần đóng góp quan trọng của ngành giáo dục và ngành tuyên giáo. Chính 2 ngành này đã có “công” lớn giết chết Lục Vân Tiên.

– Ông trung tướng giám đốc công an Hà Nội xét cho cùng cũng chỉ là dạng vô cảm, máy móc, làm việc đúng quy trình. Đáng nhẽ phải đập bàn ra lệnh đuổi ngay cái đứa làm ô uế ngành, chôn vùi hình ảnh công an, thì lại chỉ “đề nghị trưởng công an huyện Thanh Oai xử lý kỷ luật cảnh cáo”. Những quan phú lít như vậy, có lẽ cũng nên buộc ra khỏi ngành, bởi ngồi đó chỉ hỏng thêm, thành tai ách cho dân.

– Tay đại úy công an “gián tiếp ủng hộ kẻ cướp” kia phải bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (hậu quả nghiêm trọng nhất là cả một ngành bị hoen ố) chứ không phải chỉ đuổi ra khỏi ngành (như dân đề nghị) hoặc kỷ luật cảnh cáo (như trung tướng đề nghị) là đủ.

– Còn báo chí, với nhiệm vụ định hướng xã hội, hãy bỏ cái thói hóng hớt, ngồi trong phòng lạnh nói chung chung, tô vẽ vớ vẩn. Coi cả cái video clip, từ đầu đến cuối chỉ thấy anh tài xế vật lộn với tên cướp, một lúc khá lâu sau mới có người dân hiếm hoi lại giúp một cách “chậm chạp, nhẹ nhàng”, còn công an thì đứng dửng dưng, thế mà lại tả lực lượng công an có mặt kịp thời phối hợp cùng người dân bắt gọn tên cướp. Đến chết với các ông bà báo chí. Bỏ ngay cái thói văn mẫu ấy đi cho dân nhờ.

Video

🔝

11/05/2021 - baotiengdan

Không khí xã hội Việt đương thời

Thái Hạo
11-5-2021

Tôi bắt đầu ngạc nhiên cách đây chưa lâu, khi mới khoảng vài năm nay chú tâm quan sát kỹ thế giới internet và môi trường xã hội Việt Nam. Có rất ít những cuộc tranh luận nghiêm tục cả trong các vấn đề chính trị xã hội lẫn khoa học và nghệ thuật.

Chủ yếu là chạy theo sự kiện với những lời bình tán đầy cảm tính và tất nhiên thường không có mấy phẩm chất khoa học cũng như cơ sở vững chắc về lý lẽ. Ví dụ rất gần cho dễ nhớ, ngay một vụ “mẹ tôi chửi kẻ trộm” eo sèo suốt cả tuần nhưng lạ, không có mấy nhà khoa học lên tiếng. Những người có chuyên môn đang ở đâu? Vấn đề nằm ở năng lực hay vì một lý do gì khác mà cả vạn nhà giáo ngữ văn và nhà phê bình văn học không mấy ai chắp bút?

Ở Việt Nam, “tinh thần khoa học” là một cái gì rất xa xỉ. Người ta ngại đụng chạm, sợ mất lòng. Trong ban giám khảo của cuộc thi thơ ấy có những “cây bút lớn của văn học đương đại”, và tất nhiên là các vị giáo sư tiến sĩ có tên tuổi trong văn giới đều ít nhiều quen biết họ. Và thế là người ta né, họ chọn im lặng để tránh mất lòng nhau.

Môi trường khoa học ở ta vẫn là một kiểu quan hệ gia đình, bằng hữu; người ta sống với nhau bằng “cái tình” hơn là một thái độ khách quan. Tôi từng chứng kiến những vụ “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” trong các buổi bảo vệ luận văn. Chỉ vì ông thầy phản biện có thù với ông thầy hướng dẫn thì học trò lãnh đủ; bằng không thì ngược lại, nếu các ông ấy là “chỗ bạn thân” thì mọi việc sẽ nhẹ như lông hồng.

Trong “giới phản biện”, hay những người “bất đồng chính kiến”, “anh em dân chủ” cũng diễn ra một tình trạng vừa bi vừa hài. Riết rồi người ta không còn mấy sợ nhà cầm quyền nữa nhưng lại đâm ra sợ nhau. Người ta tự kiểm duyệt không những với quyền lực mà còn luôn phải dè chừng với “anh em”.

Trong các bài viết của mình, nếu thể hiện một tinh thần cầu thị và xây dựng mà không chê bai chửi bới chính quyền thì lập tức bị “anh em dân chủ” nghi ngờ. Nếu không thể hiện sự căm ghét Trung Quốc mà chỉ cần thể hiện một sự thiện cảm với Nho giáo thôi thì lập tức có thể bị chụp lên đầu cái mũ “Hán nô”. Thành ra, người ta luôn phải đương đầu với cả hai lực lượng: chính quyền và “anh em”. Dần, họ không dám viết cái mình thấy và cái mình nghĩ; họ bị cuốn đi đến thành thói quen; không còn mấy ai đủ bản lĩnh để nói tiếng nói của mình nữa.

Từ tất cả những cái kỳ quặc trên, trong xã hội hình thành hai trường phái: Phái im và phái chửi. Các nhà khoa học “hàn lâm, tháp ngà” thì im, đóng cửa ngồi nhà để hý hoáy viết một cái gì cho 300 trăm năm lẻ nữa; còn “anh em dân chủ” thì chửi văng mạng, và luôn sẵn sang đập chết nhau nếu đứa bên cạnh nói khác mình.

Thành ra, xã hội Việt Nam ồn ào nhưng tuồng như im lặng; im lặng nhưng lại như thể rất sôi nổi. Nói rất nhiều nhưng chủ yếu là những tiếng ồn; im lặng nhưng không mấy suy tư…

Tôi còn nhớ, lúc bộ GD công bố chương trình mới (2018) rồi sau đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn và quy định, tôi đã công khai ủng hộ. Những gì tôi đang cố gắng và khao khát làm đã tìm thấy những chiếc phao nhỏ có tính pháp lý về việc tự chủ chương trình, về giảm tải, về linh hoạt trong kiểm tra đánh giá, về đa dạng các phương thức giảng dạy…

Tất cả những cái này là rất đúng đắn, những ai đang muốn đổi mới giáo dục từ cơ sở thì chúng thật sự là một chỗ dựa. Tuy nhiên, khi tôi, để bảo vệ quan điểm và phương pháp giáo dục của mình, viện dẫn tới chúng thì đã có không ít các “nhà dân chủ” nhảy vào với lời lẽ kiểu “bắt quả tang” một tên “tay trong”. Khi tôi nói về Nho giáo với tinh thần gạn đục khơi trong hay những thứ hay ho mà người TQ đang có và giữ được thì lập tức người ta xô vào nói “đích thị Hán nô”.

Đầu óc đầy định kiến và thù hận mà muốn xây dựng một xã hội “tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng…” thì tôi không biết chúng ta sẽ lấy vật liệu gì để xây. Chẳng lẽ lại xây nhà bằng những viên xỉ than?

Tôi đã nhiều lần nói thẳng với bạn bè mình rằng, tôi biết miền Nam Việt Nam trước 1975 đã làm được nhiều thứ mà miền Bắc không làm được (cho đến tận bây giờ), miền Nam có nhiều điều đáng để học hỏi và tôn trọng; tuy nhiên, từ khi tôi chính thức viết bài trên cõi mạng tới giờ, mặc dù luôn luôn phê phán chính quyền đương thời nhưng tôi chưa từng viết một câu nào ngợi khen miền Nam VN như một biểu tượng hay mẫu mực cần vươn tới. Đơn giản vì đó không phải là hình mẫu mà tôi sùng bái. Không phải vì “anh em” yêu mến miền Nam mà tôi sẽ vì thế mà “viết cho vừa lòng nhau”.

Khi nào chúng ta thôi kiểm soát và xét nét nhau thì khi ấy ta mới đủ tư cách nói về bình đẳng hay dân chủ hay tự do. Không thể vì tôi nghĩ khác anh, anh liền quy kết tôi, miệt thì tôi, chụp mũ tôi v.v.. để xưng rằng mình là “nhà dân chủ” được. Thái độ ấy với thái độ của những người cộng sản thì có khác chi nhau?

Im lặng, vô hùa hay vị nể mà không đứng trên tinh thần khách quan và thái độ tôn trọng sự thật cũng như tôn trọng nhau thì việc nói về dân chủ cũng chẳng khác gì hơn một trò cười.

P/S: Giữa những tiếng ồn hay những miệng huyệt im lìm, may mắn vì vẫn còn những điều và những người đáng quý để chúng ta có niềm tin và những hi vọng cho một ngày mai đổi khác.

🔝

04/05/2021 - baotiengdan

Thối lắm Vinfast à!

Đoàn Bảo Châu
4-5-2021

Mấy ngày trước, khi một giáo viên đấm đá, chửi đ. mẹ, đ. cha học sinh chỉ vì tội không mặc đồng phục theo quy định, thì hiệu trưởng rồi đến cả giám đốc sở giáo dục đã chỉ đạo trung tâm giáo dục thường xuyên phải mách công an để xử lý những người “bóp méo” sự thật.

Cái sự thật quá phản cảm, thể hiện sự mất dạy, vô giáo dục của một giáo viên thì ai có thể làm nó méo mó hơn được nữa?

Tôi tưởng cái cách ứng xử hơi tí là dùng quyền lực để bịt miệng công luận chỉ xảy ra ở những cơ quan như hiệu trưởng và Sở giáo dục kia, giờ lại đến một doanh nghiệp lớn như Vinfast thì quả là kì quái.

Về logic, một người đã mua xe Vinfast, là người ấy đã đặt lòng tin vào một doanh nghiệp, như vậy vạn bất đắc dĩ người ta mới phải lên tiếng nói lên những nhận xét, suy nghĩ và sự phàn nàn của mình về sản phẩm đã mua.

Việc ấy là vô cùng bình thường. Vậy chẳng lẽ người ta mua hẳn một chiếc xe tiền tỉ chỉ để bôi nhọ, nói xấu một sản phẩm? Vậy thế lực nào, đối thủ cạnh tranh nào thuê người ta làm việc ấy? Có ai muốn bạn bè hay xã hội chỉ trỏ mình đi một chiếc xe tồi không?

Hãy bỏ cái trò hơi một tí là dùng đến công an để doạ dẫm người tiêu dùng đi. Ứng xử tử tế, lịch sự, chu đáo cũng là một cách quảng cáo tốt cho sản phẩm của mình, thương hiệu của mình.

Đằng này, chưa gì đã dùng đến quyền lực để bịt miệng người tiêu dùng. Từ giờ thì có lẽ tất cả những người dùng xe Vinfast mà yếu bóng vía thì sẽ chọn cách câm lặng không dám ho he gì về vấn đề mà họ gặp phải.

Cái tư tưởng độc tài, cả vú lấp miệng em, dùng quyền lực thô thiển để xử lý vấn đề chẳng lẽ đã ăn sâu vào não bộ của tất cả các thành phần ngoài người dân thấp cổ bé họng rồi sao?

Muốn thành một thương hiệu có uy tín thì hẵng học cách ứng xử có văn hoá, tôn trọng người tiêu dùng, lắng nghe ý kiến của họ, cầu thị thật sự. Một thương hiệu khi mới xuất hiện có thể có lỗi những với ứng xử đúng thì sẽ mở ra cả một khoảng trời để hoàn thiện sản phẩm của mình. Người tiêu dùng khi chứng kiến điều ấy, niềm tin của họ vào thương hiệu ấy sẽ tăng lên.

Là một thương hiệu lớn mà không biết xử lý khủng hoảng truyền thông, lại dùng xăng đổ vào đám cháy. Vin đừng đi fast quá, hãy đi theo con đường tử tế.

Cách ứng xử này thối lắm Vinfast ạ!

🔝

03/05/2021 - baotiengdan

Bức bách sinh bạo lực

Chu Mộng Long
3-5-2021

Tháng 2 năm Tân Sửu, tại Ba Đình, Hà Nội, một nam học sinh lớp 10 tát thẳng tay vào mặt cô giáo ngay trên bục giảng. Trừ những tiếng nói tỉnh táo, khách quan, đa số, đặc biệt là quý thầy cô giáo, trong đó có cả chuyên gia giáo dục học, lên giọng hùm beo đòi tống tù thằng bé.

Mọi quy kết đều hướng vào giáo dục gia đình, rằng bố mẹ mất dạy làm cho con em mình cũng mất dạy! Vậy là búa rìu đã có thể giết chết một thằng bé tuổi vị thành niên, trong khi thằng bé mắc bệnh trầm cảm. Một nền giáo dục như vậy được cho là nhân đạo, nhân văn?

Tháng 3 năm Tân Sửu, tại Quốc Oai, Hà Nội, cả tập thể học sinh lớp 5 đồng loạt tấn công cô giáo bằng súng nước, bằng đạn giấy, cũng ngay trên bục giảng. Dư luận chia làm hai phe. Phe đứng về phía cô giáo, cho rằng chắc chắn có sự chống lưng của Ban Giám hiệu và Hội Cha mẹ học sinh để trù dập cô giáo, vì lý do cô giáo đã kiện tụng chuyện thu phí tuỳ tiện. Phe chống cô giáo, hiển nhiên là Ban Giám hiệu và các bậc cha mẹ, cho rằng cô giáo phá hoại, kiện tụng gây mất ổn định nhà trường. Đặc biệt chuyên gia giáo dục học Vũ Thị Hương quy hết trách nhiệm về phía cô giáo, yếu kém, không biết dạy, không ổn định được lớp! Quy trách nhiệm hết cho nạn nhân cũng là giáo dục nhân đạo, nhân văn?

Tháng 4 năm Tân Sửu, tại TP Hưng Yên, trong một cuộc họp hội đồng, một cô giáo chất vấn Ban Giám hiệu về một số vấn đề thu chi và chuyên môn, Ban Giám hiệu không thèm trả lời mà ném thẳng quyển sổ vào mặt người chất vấn. Cách trả lời như vậy cũng có thể xem là giáo dục nhân đạo, nhân văn? Tiếc là vụ này chưa thấy dư luận ồn ào và đứng về phe nào.

Ngày 29 tháng 4 năm Tân Sửu, tại Lục Ngạn, Bắc Giang, trong một cuộc sinh hoạt cuối tuần, một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 gọi học sinh lên bục, vừa địt mẹ địt bố học sinh vừa đấm đá thụi bịch vào mặt, vào đầu, vào bụng từng đứa mà thầy cho là hư hỏng. Ngày 30 tháng 4, Hiệu trưởng và Giám đốc Sở đình chỉ thầy giáo 15 ngày chỉ vì thầy có hành vi “thiếu chuẩn mực”.

Cùng ngày Giám đốc Sở còn báo cáo công an xử lý hai tài khoản xuyên tạc, bóp méo sự vụ làm mất uy tín ngành giáo dục. Cả hệ thống tự lột truồng giữa chợ rồi tự khen tròn vo, méo là do bị bóp. Đến nước này thì dư luận không thể đứng về ngành giáo dục được nữa, vì bạo lực có thể giáng lên đầu bất cứ ai.

Hai trường hợp vừa xảy ra xuất phát từ bàn tay nhà quản lý và thầy giáo. Trường hợp này thì còn đổ lỗi giáo dục gia đình nữa hay không. Học sinh lớp 10 tát cô giáo thì gọi là “mất dạy”, nhà quản lý tấn công cô giáo và thầy giáo đánh học sinh như đại ca xã hội đen đánh đàn em, thì “có dạy” thế nào, ai dạy?

Tôi, một thầy giáo trong ngành giáo dục, không thể đứng về phía ngành giáo dục để bào chữa cho hành vi bao lực học đường. Tôi cực lực lên án những kẻ nhân danh nhân đạo, nhân văn bào chữa cho những hành vi côn đồ là “thiếu chuẩn mực”, kể cả lên án sự lạm dụng chuyên chính trấn áp dư luận bằng chiêu bài quy kết, chụp mũ những ai lên tiếng phản đối bạo lực. Càng trấn áp càng sinh ra bí bách cho cả xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.

Bí bách sinh ra bạo lực là đương nhiên. Những nhà quản lý không có cái đầu và cái miệng đối thoại một cách cởi mở, ôn hoà hay sao?

🔝

May 2, 2021 - nguoi-viet

Thầy ở Bắc Giang ‘đánh trò như kẻ thù,’ trường đòi điều tra người tung clip

BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội đang dấy lên sự phẫn nộ liên quan một video clip lan truyền cho thấy ông Khúc Xuân Hòa, 24 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3, Trung Tâm Giáo Dục Nghề Nghiệp-Giáo Dục Thường Xuyên Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, liên tiếp đấm đá một số học sinh nam trong lớp, hôm 2 Tháng Năm.

Đây là dạng lớp học bổ túc, dành cho học sinh vừa học nghề vừa học chương trình phổ thông.

Clip do học sinh trong lớp quay cho thấy cú đá của thầy Khúc Xuân Hòa. (Hình chụp qua màn hình)

Nhìn vào góc quay, người xem có thể hiểu clip này được một học sinh trong lớp của thầy Hòa quay được.

Người ta thấy trong clip, ông Hòa đấm đá học trò “tàn bạo,” nhưng báo mạng Zing chỉ ghi nhận hành vi của ông này “thiếu chuẩn mực.”

Sau khi video clip bị rò rỉ, tờ Tuổi Trẻ cho biết, trong bản tường trình về sự việc, thầy Hòa “bày tỏ hối hận.”

“Thực ra, bản thân tôi cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà. Trong lúc không kiềm chế được mới xảy ra sự việc,” thầy Hòa viết.

Ông Hòa bị nhà trường đình chỉ công việc, trong lúc phụ huynh của các học trò bị đánh được ghi nhận là “bày tỏ thông cảm cho thầy Hòa và cũng cam kết không kiện cáo.”

Tuy vậy, cũng theo báo Tuổi Trẻ, liên quan vụ này, ông Nguyễn Minh Vỹ, giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Nghề Nghiệp-Giáo Dục Thường Xuyên Lục Ngạn, “đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc.”

“Một số đối tượng [người] xấu lợi dụng video để làm phức tạp tình hình giai đoạn này. Nhà trường có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra,” ông Vỹ được dẫn lời cho biết.

Thầy Khúc Xuân Hòa (bìa phải) “dạy dỗ” các học trò. (Hình chụp qua màn hình)

Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, bình luận trên trang cá nhân như sau: “Tôi đã tặc lưỡi không viết, bởi vì giáo viên trẻ, sản phẩm của nền giáo dục này thì sai lầm không phải chuyện lạ. Nhưng khi ông Nguyễn Minh Vỹ có văn bản gửi Ủy Ban Nhân Dân huyện Lục Ngạn để báo cáo và đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc thì tôi thấy cần phải lên tiếng.”

Theo ông Châu, ông giám đốc này “là một dạng vô học, nhận thức kém.”

“Giáo viên mắc sai lầm chết người, thay vì có thái độ cầu thị, sửa sai để làm dịu dư luận thì lại có kiểu ứng xử chụp mũ cho những người lên tiếng là đối tượng xấu, lại dựa vào quyền lực để bịt miệng công luận. Một người đứng đầu mà như vậy thì cái trung tâm này thực chất là cái gì, có thể giáo dục được ai? Tôi thấy chính tay giám đốc này cần được giáo dục lại,” theo Facebook Chau Doan. (N.H.K.) [đ.d.]

Thông tin mới vụ thầy 'tung cước' với trò trên lớp

Thứ Hai, 03/05/2021 - vtc

Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn có báo cáo gửi công an, lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn vụ thầy đánh trò.

Ngày 3/5, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan về vụ việc ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn. Theo đó, Ban Giám đốc Trung tâm đã tạm dừng việc giảng dạy với thầy Khúc Xuân Hòa trong 15 ngày kể từ 3/5 để làm rõ sự việc.

Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo Trung tâm có báo cáo gửi cơ quan công an và lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn để các cơ quan trên vào cuộc; sớm có biện pháp xử lý, ngăn chặn việc phát tán thông tin không đúng sự thật về vụ việc trên.

Vụ thầy giáo ở Bắc Giang đánh học sinh gây xôn xao dư luận.

Trước đó, ông Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn cho biết, đơn vị cũng đã có văn bản báo cáo UBND huyện và cơ quan công an đề nghị làm rõ điều tra, sáng tỏ sự việc.

Ngay trong sáng 30/4, Trung tâm đã họp, đồng thời, trực tiếp Phó Giám đốc Trung tâm và Bí thư đoàn nhà trường đến nhà học sinh nhận trách nhiệm, chia sẻ với phụ huynh. Trung tâm cũng đã họp toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường, yêu cầu không phát tán, chia sẻ thông tin.

Chiều 29/4, trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên Khúc Xuân Hòa đã có những hành vi và lời nói không đúng chuẩn mực nhà giáo như tát, đá... một số học sinh. Hành động này được ghi lại trong một clip và chia sẻ trên mạng xã hội.

"Bản thân tôi cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà, trong lúc không kiềm chế được mới xảy ra sự việc", người giáo viên này tường trình.

Thầy Giáo CÔN ĐỒ Đá Thẳng Ngực, Đánh Học Sinh Tới Tấp Như "Đầu Đường, Xó Chợ"

Link

🔝

24/04/2021 - baotiengdan

Vì sao các ông bà dạy đại học chôm chỉa khắp nơi mà không bị phát hiện?

Nguyễn Đình Bổn
24-4-2021

Sách của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM bị thu hồi vì đạo văn. Ảnh: VTC

Hiện nay vấn đề chôm các bài báo, sách đã in, công trình nghiên cứu từ nước ngoài… của các… tiên sư giáo sĩ dạy đại học tại VN không hiếm. Nhưng tại sao ít bị phát hiện cho đến khi tới tai tác giả thực của nó và họ lên tiếng thì mới… sửa sai?

Đó là do cách đào tạo đại học và sau đại học tại VN.

Tại các nước tiên tiến, kể từ ngưỡng cửa đại học, sinh viên được xem như người đã trưởng thành và đã được trang bị kiến thức nền tảng, họ được dạy, bắt buộc phải thực hành việc nghiên cứu một cách bài bản, có phản biện. Càng lên cao (làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ) càng phải nghiên cứu chuyên sâu, độc lập, phải viết bài đăng báo về chuyên môn của mình như một tín chỉ tối cần thiết. Vì vậy học vị trong các trường đại học tại các nước như Mỹ, Pháp, Úc… đều thực tài. Phần lớn họ đều là tác giả các bài báo khoa học, xuất bản sách và các công trình nghiên cứu.

Trong khi đó bậc đại học tại VN, sinh viên vẫn phải… học thuộc lòng các giáo trình, trả bài y như học sinh, nghe đến độc lập nghiên cứu thì hãi hùng. Còn các giảng viên học vị đầy mình, ông bà nào cũng tiến sĩ, nhưng nếu hỏi họ đã nghiên cứu gì, viết cái gì thì… đố ai biết được.

Chính vì vậy họ cứ ăn cắp thoải mái các tri thức của thiên hạ, xào nấu sơ qua rồi bắt sinh viên học thuộc, và vênh mặt lên nhận là của mình!

Và rồi sinh viên ra trường, muốn học sau đại học lại đi vào con đường cũ.

Nguyên nhân sâu xa khiến việc đào tạo đại học và sau đại học tại VN khó thay đổi là do chính trị. Thể chế này không cho phép phản biện một cách tự do. Tôi ví dụ nếu giảng viên hướng dẫn sinh viên lên google thôi, để nghiên cứu đề tài triết học, kinh tế Mác – LêNin một cách khai phóng, thì khi bị sinh viên phản biện, chất vấn họ… chịu gì nổi!

Về việc ăn cắp các công trình nước ngoài của các thầy bà, nếu nhà nước này sòng phẳng nên đưa họ ra tòa và bỏ tù. Tại điều 138 Bộ luật hình sự VN tội trộm cắp tài sản được quy định chỉ cần ăn cắp từ hai triệu là đã bị xử lý hình sự. Nếu hành vi ăn cắp này có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Theo tôi việc ăn cắp các công trình nghiên cứu từ nước ngoài, ví dụ của hai ông bà Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân đều thỏa mãn các điều kiện cáo buộc trên, thậm chí phải xử nặng hơn vì họ làm nhục mặt người Việt!

***

Trà Đóa: Kiểu khoa học do “đảng lãnh đạo” thì không cần phải nghiên cứu

Việc chôm công trình, tài liệu nghiên cứu khoa học nước ngoài của các “nhà khoa học” quốc nội là việc phổ biến. Không những phổ biến mà… đương nhiên. Đương nhiên là vì, trong hầu hết lĩnh vực, nếu không chôm, sẽ không có cái gì đáng gọi là khoa học trong môi trường học thuật VN.

Lý do đơn giản thôi. Vì thiên hạ họ nghiên cứu hết rồi, cái họ thải ra từ lâu ở ta vẫn còn chưa biết, huống gì cái đương hiện hành.

Khi mọi lối đi đều đông đúc, thì những kẻ xếp hàng cuối chỉ có ngửi… gió thôi, chứ nghiên cứu cái gì nữa.

Có lẽ, cách có tự trọng nhất trong trường hợp chúng ta, là hãy học cách ứng dụng đàng hoàng, nghĩa là bỏ tiền ra mua công trình chính danh và ứng dụng. Một cách nữa tốn tiền nhiều và phải có chiến lược, là mở học viện, trường lớp thật nghiêm túc rồi mời những người xuất sắc đến giảng dạy. Đây là cách Trung Quốc đã làm, và họ làm rất nghiêm cẩn. Nhờ vậy bây giờ họ đã trở nên xuất sắc.

Đó là nối về khoa học đúng nghĩa. Còn kiểu khoa học do “đảng lãnh đạo” thì không cần phải nghiên cứu nghiên cò gì cho mất công. Vấn đề nhỏ thì có đảng ủy các cấp cơ sở lo, vấn đề lớn (như nước trên sao hỏa chẳng hạn) thì Bộ chính trị sẽ họp rồi biểu quyết. Chấm hết, phẻ re.

🔝

2021-04-06 - RFA

Khởi tố chín người trong vụ chôn sống nam sinh

11 người bị triệu tập, bắt giữ trong vụ việc. Truyền hinh Nghệ An

Chín người bị bắt tạm giam và bị khởi tố vì có liên quan trong vụ “chôn sống” một thanh niên ở một bãi cát ven sông Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Vinh, Nghệ An cho biết như vừa nêu vào ngày 5/4.

Tin cho biết, chín người vừa nêu bị bắt để điều tra làm rõ hành vi “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Trong đó, Nguyễn Trọng Dương, 32 tuổi, được xác định là người cầm đầu vụ việc, bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Hà Nội.

Một video được đăng tải lên mạng xã hội ngày 27/3 cho thấy một nhóm thanh niên đã đánh đập và đào hố chôn sống một thanh niên khác tên Nguyễn Quang V., 17 tuổi, dù thanh niên này khóc lóc, van xin. Đến khi V. bất động thì bị tạt nước ngọt rồi được đào lên cho về nhà.

Theo thông tin điều tra, trước đó, V. đã thuê hai xe máy của nhóm Nguyễn Trọng Dương nhưng không trả nên Nguyễn Trọng Dương đã chỉ đạo nhóm đàn em tìm, bắt V. để đe dọa phải trả lại 2 xe máy.

Nhóm đàn em của Dương tìm thấy V. hôm 24/3 và thực hiện theo chỉ thị của Dương và dùng điện thoại quay video, đăng tải lên mạng xã hội ba ngày sau đó.

Sau khi video được phát tán, Cơ quan điều tra Công an thành phố Vinh trong cùng ngày đã triệu tập, bắt giữ 13 đối tượng liên quan tới vụ việc để điều tra.

Trong vụ việc có năm đối tượng còn nhỏ tuổi nên Công an thành phố Vinh đang tiếp tục làm rõ để xử lý về hành vi khác.

Tin, bài liên quan

🔝

04/04/2021 - baotiengdan

Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?

Dương Quốc Chính
4-4-2021

Mấy hôm nay người ta share rất nhiều bài viết của ông Lê Kiên Thành, một thái tử đảng chính hiệu, con trai cố TBT Lê Duẩn. Bài viết thể hiện tâm tư sâu sắc của ông với hiện tình đất nước nhưng với các câu hỏi để ngỏ hoặc ngầm ý đánh lạc hướng người đọc.

Có lẽ đa số độc giả sẽ cho rằng sự tàn bạo kia là lỗi của chính CHÚNG TA, tức là người dân. Và trách nhiệm để giải thoát chính là dựa vào thức tỉnh của CHÚNG TA. Vậy đổ lỗi cho “chúng ta” chính là cào bằng trách nhiệm, với các nước CS thì mọi thứ đã có đảng và nhà nước lo. Chính phủ vú em muốn ôm hết quyền lợi thì trách nhiệm cũng phải chịu tất, sao lại vu cho bọn CHÚNG TA chưa thức tỉnh!?

Nếu ông Thành đang là người của hệ thống, từng là UVTƯ chẳng hạn, mà nói đó là lỗi của chúng ta, thì còn tạm chấp nhận. Nhưng như mình biết, ông Thành chưa từng tham gia hệ thống này. Nên khái niệm chúng ta đó chính là toàn dân.

Bài viết của ông Thành cũng cho độc giả hiểu rằng VN ta còn giỏi hơn BTT và Hàn quốc khi đã có thể thống nhất đất nước. Điều đó hàm ý ca ngợi chính bố ông là TBT Lê Duẩn! Nhưng cái giá của thống nhất không hề nhỏ không chỉ có vấn đề kinh tế chậm phát triển hơn Hàn Quốc 30 năm mà còn vô số hệ luỵ về xã hội, đạo đức mà ông đang chỉ ra.

Ông cho rằng VN hiện tại có quá nhiều vấn đề về đạo đức xã hội xuống cấp, tham nhũng tràn lan, CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ, kể cả khi so với thời đế quốc thực dân người Việt vẫn không tàn ác như giờ. Nhận định đó có đúng không?

Nhận định này qua mặt được nhiều người, thậm chí cả anh em dân chủ, vì nó vừa đúng vừa sai! Xin thưa, khi chúng ta nội chiến (mà ta gọi là chống đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc) thì chúng ta có tàn bạo với đồng bào không? Hỏi tức là trả lời. Quá tàn bạo nhưng với vỏ bọc ý thức hệ và được coi là hợp lý và hợp pháp. Sự tàn bạo đó diễn ra hàng ngày trong hơn 20 năm (nếu tính cả thời gian tù cải tạo thì hơn 30 năm) và đó là một phần của cái giá phải trả cho sự thống nhất. Sự tàn bạo đó để lại hệ luỵ đến giờ khi dân tộc chưa thể hoà hợp được khi những nhân chứng của hai bên vẫn còn sống.

Bài viết của ông Thành còn cho độc giả thấy rằng thời xưa (là thời ông Duẩn nắm quyền) thì chế độ ta không có tham nhũng và hết sức nhân văn, không có những tệ nạn, vô đạo như bây giờ! Vậy thực tế thế nào?

Chúng ta cần hiểu rằng thời ông Duẩn nắm quyền đúng là VNDCCH ít tham nhũng hơn bây giờ, cũng ít tệ nạn xã hội hơn bây giờ và cũng ít hơn chính quyền miền Nam lúc đó. Lý do rất đơn giản, không phải chính quyền đó ưu việt mà do nó là cỗ máy chiến tranh, tất cả vì tiền tuyến, chính quyền kiểm soát chặt chẽ kinh tế xã hội nên người dân không có cơ hội để tư hữu, không có động cơ để cày tiền, nên ít có cướp giật, giết người vì tiền. Thử hỏi, thời đó người ta lấy đâu ra nhiều tiền mà cướp, mà giết nhau? Đó là nền kinh tế tem phiếu mà! Tem phiếu cướp được cũng đâu sử dụng được? Tài sản cướp được cũng đâu bán cho ai được? Ai có tiền mua mua đồ ăn cướp? Bạn có tiền mua con gà về thịt mà hàng xóm đã biết để báo cáo lãnh đạo rồi!

Còn về tham nhũng, quan lại thời đó ít có cửa mà tham nhũng, đó là do nền kinh tế kế hoạch nó vận hành như cỗ máy vô hồn do Uỷ ban Kế hoạch nhà nước chế tạo. Tham nhũng thời đó chỉ là tham nhũng vặt, kiểu như lợi dụng chức quyền để có vài đặc quyền đặc lợi cho cá nhân và gia đình chứ chính ông Duẩn cũng không có nhiều tài sản hơn nhiều so với các cán bộ cấp dưới. Tài sản đáng giá của ông Duẩn, ông Giáp để lại có lẽ chỉ là căn nhà ở Hoàng Diệu, quyền lợi còn lại chủ yếu là mối quan hệ chứ không phải tài sản hữu hình như anh em quan lại bây giờ.

Như vậy, chính quyền thời đó ít tham nhũng không phải do nó ưu việt mà thể chế tạo nên cơ chế đó, không nhằm mục đích chống tham nhũng mà chỉ là hệ quả của nền kinh tế CS, do Marx và Lenin nghĩ ra. Nó không cho phép cán bộ có quyền tự chủ trong quản lý kinh tế, do đó nó cắt luôn quyền ban phát quyền lợi và đồng thời cắt luôn cơ hội tham nhũng kinh tế.

Vậy tại sao chế độ hiện tại cũng là CS mà lại có nhiều tham nhũng và đạo đức xã hội xuống cấp?

Ông Thành cố tình không lý giải và đổ lỗi cho bọn “chúng ta”! Chúng ta nên hiểu là chế độ CS hiện tại không hoàn toàn giống chế độ CS nguyên bản thời ông Duẩn. Chế độ hiện tại mình vẫn gọi là CS 2.0, vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là sự lai tạp giữa con lừa và con ngựa, đẻ ra con la!

Nền kinh tế hỗn hợp kiểu này sẽ có đủ tật xấu của chế độ TBCN và CSCN. Tật xấu (cũng chính là sự ưu việt với góc nhìn khác) của chế độ tư bản là kích thích lòng tham của cá nhân. Quyền lợi cá nhân chính là động lực phát triển cho chế độ TB nhưng hệ luỵ của nó là khiến cho con người sẵn sàng bất chấp tất cả để kiếm được nhiều tiền, thoả mãn tham vọng cá nhân. Nhưng chế độ TB kìm hãm động cơ đê hèn của con người bằng pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh và những thiết chế xã hội như đạo đức, tôn giáo.

Còn dưới chế độ CS 2.0 thì pháp luật không thể nghiêm minh và công bằng, do nó không phải là khế ước xã hội do đa số dân soạn ra mà do đảng soạn ra. Còn đạo đức xã hội bị lu mờ bởi tham vọng cá nhân và sự vô đạo. Tôn giáo hiện nay có vai trò khá thấp và chỉ kiểm soát được một nhóm nhỏ người dân. Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất lại trở nên suy đồi hơn bao giờ hết. Thậm chí chính nhiều chức sắc tôn giáo còn gây nên nhiều vấn đề như chùa Ba Vàng, hay cư sĩ Phật giáo có chức vụ trong Giáo hội PG còn phải đi tù.

Khi hội tụ đủ các tật xấu của cả hai thể chế thì đạo đức xã hội cũng xuống cấp là đương nhiên. Anh em giết nhau vì đất đai (như vụ ở Hoài Đức, Hà Nội) là do người ta không tin là pháp luật có thể bảo vệ lẽ phải. Hiện tại hầu như các vụ án đều có thể chạy, trừ án dính tới an ninh quốc gia. Vì thế, người ta phải “thế thiên hành đạo” phải tự tay giết người thay cho phán xử của toà. Đó là lý do tại sao người dân lại xuống tay giết kẻ trộm chó. Chúng ta cần biết một sự thật nữa là hầu như những vụ kẻ trộm chó bị giết đều không tìm được thủ phạm. Tức là người ta đã ngầm đồng tình cho việc thế thiên hành đạo! Vậy cái vô pháp vô thiên đó là tại bọn CHÚNG TA hay tại ai!? Hỏi tức là trả lời!

Một thực tế éo le hơn nhiều là kẻ trộm chó chỉ ăn trộm chục con chó với tổng giá trị cỡ vài triệu nhưng bị người dân thiêu sống nhưng chưa có một quan tham ăn trộm vài ngàn tỷ nào bị người dân thay trời hành đạo, thậm chí được nhân dân thương xót như đồng chí Đinh La Thăng! Vậy pháp luật đang do ai và vì ai?!

Để có thể chế với những hệ luỵ mà ông Thành chỉ ra, liệu ông Lê Duẩn có vô can?

Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0? Ông Duẩn có công thống nhất đất nước tức là “có công” CS hoá cả nước và là tiền đề để có những gì hiện tại.

Anh em bò đỏ vẫn chửi bọn phản động là đi ỉa táo bón cũng đổ cho CS. Ví thế cũng không sai đâu. Vì mọi thứ đã có đảng và chính phủ lo thì trách nhiệm cũng phải do đảng và chính phủ chứ? Vậy nếu muốn giải quyết các vấn đề xã hội mà ông Thành kể ra (không hề sai) thì trách nhiệm lớn nhất là ở đảng, còn trách nhiệm của bọn “chúng ta” chỉ là thứ yếu. Còn nếu đảng muốn “bọn chúng ta” cùng chịu trách nhiệm thì đảng phải chia sẻ quyền lực cho chúng ta. Không thể mất mùa thì bởi chúng ta, được mùa thì bởi thiên tài đảng ta.

***

Lưu Trọng Văn: Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh

Đêm qua Sài Gòn đột nhiên ào mưa. Cơn mưa làm dở dang bao giấc mộng dữ và lành. Ác và thiện luôn bình đẳng chia ngôi nhau vô thức trong giấc chiêm bao. Nhưng, khi tuồn lọt ra đời thì, giời, cái ác hùng dũng ào ào đông đảo dàn quân đi trước, còn cái thiện lác đác, lơ đễnh tụt sau. Giời. Chỉ con đường này duy nhất đến Tương lai.

Sớm lướt facebook bạn bè, gã dừng lại ở facebook của Lê Kiên Thành – con trai ông trùm cộng sản Lê Duẩn với tít bài: “Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh“.

Lê Kiên Thành cầu mong chúng ta ấy thức tỉnh cái gì? Thức tỉnh trước cái ác. Tại sao một con ruột của đảng, của chế độ lại phải da diết cầu mong mọi người thức tỉnh trước cái ác?

Chả qua vì cái ác đã chễm chệ ngất ngưởng ngôi cao đòi vung vương quyền định đoạt Tương lai của Dân tộc. Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh.

***

Lê Kiên Thành: Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh

“Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu.

Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi; đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó… Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất: một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì.

Có thể con người VN hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đang bị biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này.

Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người VN phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác, bóc lột từ ngoại bang.

Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?

Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy? Có lẽ đó không phải văn hóa.

Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng nhìn vào xã hội mình, đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần rất đông đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?

Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi, khi mà một cậu thanh niên còn đang đi học có thể giết chết cả một gia đình để cướp của, hay một chàng trai trẻ mặt mũi sáng ngời có thể giết cả gia đình bạn gái để trả thù.

Mà sự tàn ác không chỉ xuất hiện ở đó. Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết.

Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.

Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?

Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người… Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!

Việc những người Việt sẵn sàng trói và đánh đến chết một kẻ trộm chó không đúng với bản chất của dân tộc này. Việc 5 người công an cùng đánh một nghi can của vụ án đến chết cũng không đúng với những gì tôi biết về dân tộc này. Tôi không tin một người có thể cứa cổ đứa trẻ 8 tháng tuổi có thể chết vì dân tộc mình. Những người không biết động lòng, không biết xót xa trước sự đau khổ của người khác thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.

Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.

Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.

Khi người dân yêu ta, họ sẽ yêu đến tận cùng. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!”.

***

QH đang họp. Nếu lời cầu mong của một trí thức con nhà nòi cộng sản, từng tự ứng cử ĐBQH nhưng không được chọn, được phát cho các đại biểu đã được chọn, gã hy vọng sẽ có thế rúng động lương tri các vị để các vị tại QH cùng lên án cái ác, ngăn chặn cái ác.

🔝

Apr 2, 2021 - nguoi-viet

Đắk Lắk: 41 người đóng giả cô dâu, chú rể… lừa tiền doanh nghiệp

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Lợi dụng việc các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới cho ứng tiền tổ chức đám cưới, đám tiệc…, hàng chục người ở huyện Cư M’gar đã giả làm cô dâu, chú rể, người thân… đến đặt tiệc, ứng tiền rồi bỏ trốn.

Chiều 1 Tháng Tư, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt 41 bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” với tổng cộng hơn 120 năm tù.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. (Hình: Huỳnh Thủy/Tiền Phong)

Theo đó, bị cáo H’Bluên Kriêng (36 tuổi, trú xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) với vai trò chủ mưu đã bị tuyên mức án cao nhất là 15 năm tù. 29 bị cáo bị tuyên án từ 1 năm đến 8 năm tù; 10 bị cáo bị tuyên một năm tù, nhưng cho hưởng án treo và một bị cáo bị tuyên 9 tháng 17 ngày tù, bằng với thời gian tạm giam nên được trả tự do ngay tại phiên tòa.

Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng cho hay những người này đóng giả là người có nhu cầu đặt tiệc đám cưới, sinh nhật, mừng thọ…, đến liên hệ với các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới.

Họ chia nhau đóng giả cô dâu, người làm chú rể, chủ nhà, người thân… để lừa các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới bằng cách giả ký hợp đồng đặt tiệc, xin ứng, mượn trước tiền để chuẩn bị làm đám tiệc. Sau khi lấy được tiền cho mượn, cả nhóm chia nhau tiêu xài.

Bằng những chiêu thức trên, từ Tháng Chín 2018 đến Tháng Ba, 2019, bà H’BLuên Kriêng cùng 40 người đã thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1.6 tỷ đồng ($69,563) của 13 nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới ở tỉnh Đắk Lắk.

Nói với báo Tiền Phong, đại diện chủ cơ sở dịch vụ tiệc cưới Ngọc Thanh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), một trong những nơi bị lừa nhiều nhất tới 18 vụ, với tổng số tiền lên tới hơn 270 triệu đồng ($11,738), cho hay dân nghèo ở nông thôn tỉnh Đắk Lắk thường không có tiền để lo đám tiệc. Do đó sau khi ký hợp đồng đặt tiệc, các chủ cơ sở hay cho chủ nhà ứng trước từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để lo một số việc.

Tiệc xong, gia chủ sẽ lấy tiền mừng để thanh toán lại tiền đặt tiệc và cả tiền cho mượn trước. Tuy nhiên, nhóm bị cáo trên đã lợi dụng việc này để “giăng bẫy” các chủ doanh nghiệp.

Ôm con nhỏ mới sinh đến tòa án, bị cáo H’Ngon Niê (xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) khóc cho hay hai vợ chồng làm nông, nhà lại ít đất rẫy nên luôn chịu cảnh túng thiếu, phải vay nợ để có cái ăn.

Năm 2019, chị H’Ngon quen biết và kể gia cảnh mình với bà H’Môi Ayun người cùng xã (cũng là bị cáo trong vụ án). Sau đó, bà H’Môi “mách nước” tham gia vào nhóm lừa đảo chuyên đi vay mượn tiền của các cơ sở tiệc cưới.

Vốn không biết chữ, chị H’Ngon tin lời và làm theo, đóng giả chủ nhà cần tiền lo tiệc sinh nhật cho con, làm đám cưới cho em… để lừa nhiều chủ cơ sở với số tiền hơn 50 triệu đồng ($2,173). Khi đối mặt với vòng lao lý, chị lo sợ con nhỏ thiếu vắng mẹ nếu phải vào tù.

Các bị can chuyên lừa đảo các cơ sở tổ chức tiệc cưới thời điểm bị bắt giữ. (Hình: Nguyễn Sỹ/Dân Trí)

Tương tự, cũng vì nợ nần và liên tục bị chủ nợ đòi tiền, chị H’Bơi Ayun (trú xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) đi theo bà H’Môi Ayun để lừa tiền các cơ sở. Do không được học hành, nhận thức hạn chế chỉ nghĩ “mượn tiền, khi nào có trả lại” nên tham gia.

Tổng số tiền mà bị cáo H’Bơi “mượn” của các chủ cơ sở là 57 triệu đồng ($2,478), nhưng bị cáo chia lại cho đồng bọn, bản thân chỉ nhận 11 triệu đồng ($478). Tại tòa, H’Bơi liên tục xin các chủ doanh nghiệp bị nhóm mình lừa cho khất nợ để đi làm thuê kiếm tiền trả lại.

Liên quan vụ án này, bà H’Mri Byă (trú xã Ea Mdroh, huyện CưM’gar) sau khi bị khởi tố đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã nhưng chưa bắt được. (Tr.N)

🔝