Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Con người
Cảm tính, Vô cảm & Tha hóa

Con người: Sắc tộc (1)

Bài cũ

📂  🏠

12/05/2021 - bbc

Việt Nam: Cộng đồng Chăm Bà-ni bé nhỏ đứng trước ‘nguy cơ mất tôn giáo’?

Đinh Thương
Viết từ Sài Gòn

Nguồn hình ảnh, Kieu Maily.

Những ngày qua, cộng đồng Chăm Bà-ni bé nhỏ tại Việt Nam lo lắng về nguy cơ rơi vào tình trạng xáo trộn lớn, dẫn đến mất tôn giáo.

Nếu năm 2017 là vụ chuyển đổi công dân Chăm Bà-ni từ tôn giáo Bà-ni sang Đạo Hồi trong chứng minh nhân dân (CMND) thì năm 2021, tôn giáo Bà-ni được thay bằng "tôn giáo khác" dẫn đến những bức xúc lớn trong cộng đồng Bà-ni.

Vụ việc trên được nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa Chăm - Kiều Maily (sinh năm 1985) phản ánh mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook.

Theo đó, những ngày nay, cộng đồng Chăm ở hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đối diện với cuộc xáo động rất lớn, khi người dân đi làm căn cước công dân (CCCD) mới nhưng ở mục tôn giáo, chữ "Bà-ni" biến mất, nếu không chọn "Đạo Hồi" thì phải ghi "Tôn giáo: Khác". Với tín đồ Bà-ni, đây là việc hoàn toàn không thể chấp nhận, từ đó gây nên những bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. Nguyên do đến từ đâu hãy còn là một bí ẩn.

Tín ngưỡng người Chăm theo tôn giáo Bà-ni tại Việt Nam

Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng Bà-ni suốt gần 400 năm qua, rất ít giữ đức tin vào Allah mà thờ cúng ông bà tổ tiên và thần Yang là chính.

Trong đó, lễ hội Ramưwan và lễ hội Suk Yơng là đặc trưng chính của tôn giáo Bà-ni.

Nguồn hình ảnh, Kieu Maily

Theo thông lệ, cứ định kỳ 3 năm một lần vào năm nhuận, đồng bào Chăm theo đạo Bà-ni phấn khởi tổ chức lễ Suk Yơng. Họ nô nức hành hương đến các Sang Mưgik, cùng đọc kinh cầu nguyện, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Cũng như vậy, mỗi năm vào dịp Ramưwan, Hội đồng Sư cả Bà-ni đi hành hương các Sang Mưgik. Mỗi cuộc hành hương ý nghĩa này đều có chương trình cụ thể, người đứng đầu hội đồng ký và được các bà con trong Halau nồng nhiệt đón tiếp.

Tuy nhiên, Kiều Maily lên tiếng: "Ramưwan năm nay khác hẳn mấy năm trước. Thứ nhất, Hội đồng báo không đi nhưng lại cử đoàn gồm 4 hội viên không phải chức sắc trong hội đồng nhận quà từ 'Hội đoàn Champa Bà-ni quốc tế' đi. Thứ hai, ký giấy không phải Pô Gru Nguyễn Lài tôn kính - người đứng đầu Hội đồng, mà do thành viên trong Hội đồng không phải chức sắc là Đổng Dương Long, rồi chính ông dẫn đầu đoàn đi hành hương."

Từ đây dấy lên nghi vấn Hội đoàn Champa Bà-ni quốc tế ấy gồm những ai, ai bầu ra họ, ai công nhận họ, đằng sau món tiền đến là mục đích gì?

Nguồn hình ảnh, Kieu Maily

Đoàn 4 người vào Sang Mưgik Văn Lâm, Cả sư Nguyễn Lài đương kim Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bà-ni tỉnh Ninh Thuận không chấp nhận quà, và bảo "hãy đi chỗ khác".

Ngày 4/5/2021, đoàn 4 người này định đi Sang Mưgik "halau" An Nhơn. Các vị trong Ban phong tục cùng phụ nữ chờ đón tiếp xem xét họ nói thế nào để đặt câu hỏi. Nhưng, họ hẹn mà không đến. Bà con cho rằng họ "sợ" bị đuổi nên không dám. Từ đó dấy lên nghi ngại: "Hay do họ đang tính chuyện ám muội?"

Ngày 5/5/2021, đoàn 4 người này tiếp tục tính đi Sang Mưgik "halau" Phước Nhơn. Sự việc cũng diễn ra y hệt. Lúc đó Hội phụ nữ làng cùng các bô lão đang chờ "chuẩn bị đón tiếp đoàn rất chu đáo". Tiếc thay, đoàn 4 người lại lánh đi.

"Hành vi mờ ám sợ sệt kiểu này, tôi xin hỏi, 4 người này có xứng đáng đại diện Hội đồng đi hành hương không?" - Kiều Maily thẳng thắn nhấn mạnh.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara cũng đã lên tiếng: "Nếu Champa có hai đóng góp lớn vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam: Kiến trúc - điêu khắc và Hải sử - văn hóa biển, thì điều độc đáo nhất Champa góp vào cho loài người chính là tư tưởng Pô Rômê: Hóa giải - hòa giải hai ý hệ không đội trời chung: Bà-la-môn và Islam. Nhưng rồi công lao to tát kia của Ngài đổ sông đổ biển. Năm 1960, Islam quay trở lại Pangdurangga, chương trình xung đột tiếp tục."

"Làng Phước Nhơn đầu thập niên 1970 "mẻ đầu sứt trán", mãi "cách mạng" về mới tạm yên. Tạm yên cho tới cuối thập niên 1980, đất nước mở cửa "tự do tôn giáo", Văn Lâm xảy ra án mạng giữa bà con ruột rà cùng Islam nhưng khác phái. Cộng đồng Cham có hòa bình chăng là giữa Cham Bà-la-môn 'Ahiêr' và Cham Bà-ni 'Awal', chứ Hồi giáo với Bà-la-môn, Islam với Bà-ni thì không ai nhường ai. Đó là sự thật lịch sử và hiện tiền."

Và hôm nay, cộng đồng Chăm bé nhỏ một lần nữa rơi vào nguy cơ xáo động lớn.

Nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa Chăm Kiều Maily chia sẻ: "Về bà con Chăm Bà-ni mình nhìn chung yếu đuối, chỉ biết nói sau lưng, không ai dám hành động, nên để cho người ngoài tác oai tác quái, muốn làm gì thì làm. Chuyện đi làm CCCD, ai cũng biết không có ghi tôn giáo Bà-ni là ta mất tất cả, vậy mà không ai la lên báo động.

Qua sự việc này, chị mong người dân Bà-ni phải thật cứng rắn, đứng lên giành lại tên tôn giáo Bà-ni. Bởi đó là tài sản thiêng liêng của ông bà tổ tiên. Tôn giáo Bà-ni phải có trong danh mục tôn giáo cả nước. Đó là lẽ công bằng. Có như thế, người dân Bà-ni mới đi làm CCCD, còn không thì cứ xài CMND cũ.

Đòi hỏi sự công bằng

Đức tin không chỉ nằm trong trái tim, mà còn cần được cộng đồng công nhận và đối xử một cách công bằng. Một người theo đạo Phật, trên CCCD được công nhận "Tôn giáo: Phật giáo" thì với tôn giáo Bà-ni cũng như vậy.

Với nhà hoạt động văn hóa Chăm - Kiều Maily, một tôn giáo có 3 phần: hồn, trí và xác. Phần hồn là đức tin thuộc tâm linh, phần trí thuộc tinh thần như kinh sách nhằm phụ trợ cho phần hồn, và phần xác tức hình thức gồm tên gọi, y phục, nghi lễ cúng tế… để thể hiện đức tin ấy. Một tôn giáo không thể thiếu 3 phần này.

Như vậy, việc xóa sổ Chăm Bà-ni khỏi danh mục tôn giáo tại Việt Nam sẽ gây nên đau đớn và bất bình trong cộng đồng Chăm Bà-ni.

Một trí thức trẻ là anh Xuân Bào cũng lên tiếng trên Facebook: "Mỗi tín đồ có niềm tin tuyệt đối với tôn giáo của mình. Với Phật giáo, chúng sinh tin tuyệt đối vào Đức Phật. Với Thiên Chúa giáo, con chiên ngoan đạo phó thác cả kiếp người cho chúa Giê-su như đấng cứu thế. Và người Chăm Bà-ni không ngoại lệ, mùa màng nương rẫy, gió thuận mưa hoà, học hành sức khỏe, bà con Chăm có niềm tin tuyệt đối vào ông bà tổ tiên, Pô Yang, các vị vua chúa hoá thần, bậc thánh Chăm phò trợ."

"Danh có chính thì ngôn mới thuận. Tên "tôn giáo Bà-ni" có trở lại với người Chăm Bà-ni, thì lòng người Chăm Bà-ni mới an tâm làm ăn, sinh hoạt." - Kiều Maily chia sẻ.

🔝