Bà Nguyễn Phương Hằng trong video ngày 25 tháng Năm. (Hình: Trích xuất từ video đăng bởi Trường Đua Đại Nam) |
Việc có khoảng nửa triệu người theo dõi livestream mà bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam) thực hiện vào chiều 25/5/2021 đã trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của tuần này.
Bà Hằng là nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng Việt Nam. Gần đây, sau khi tấn công ông Võ Hoàng Yên – người từng được hệ thống truyền thông chính thống phong tặng danh hiệu… Thần y, bà tiếp tục tấn công giới nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng mà con số người hâm mộ tính bằng… triệu, ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc tổ chức quyên góp giúp đỡ người nghèo, nạn dân... Livestream mà bà Hằng thực hiện vào chiều 25/5/2021 là một trong những cuộc tấn công theo hướng này (1).
Không cần bàn về bà Hằng cũng như cách thức bà thực hiện các cuộc tấn công qua mạng xã hội, những nội dung bà đề cập về ông Yên, về giới nghệ sĩ và một số nghệ sĩ nổi tiếng thì sự kiện vừa đề cập vẫn là trường hợp đáng chú ý đối với… báo chí cách mạng…
***
Livestream do bà Hằng thực hiện diễn ra vào tối 25/5/2021 và kéo dài khoảng ba giờ - đây là thời điểm mà trước nay, hệ thống truyền hình trong hệ thống truyền thông chính thức vẫn xác định là… giờ vàng (giờ có nhiều khán giả theo dõi nhất thành ra luôn được dành để phát những chương trình quan trọng nhất, hấp dẫn nhất nhằm tạo ra tác động lớn nhất cũng như có thể dùng để thu về nhiều tiền nhất từ quảng cáo). Số lượng người theo dõi livestream của bà Hằng cho thấy giờ vàng không còn là… vàng nữa!
Đã có cũng như sẽ còn nhiều người phân tích, vì sao càng ngày công chúng càng quan tâm đến ý kiến, nhận định của một số cá nhân chỉ là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, kể cả những cá nhân bị xem là vô công rỗi nghề như… Khá ‘Bảnh’, Huấn ‘Hoa Hồng’,…? Vì sao sự quan tâm càng ngày càng vượt xa phạm vi theo dõi nhằm giải khuây và nhiều cá nhân trở thành một loại vua không… ngai, rất tự tin khi thốt ra những lệnh như… truyền tấn công ai đó, nhóm nào đó?
Khi mạng xã hội càng ngày càng nhiều… ngôi sao có thể tác động, chi phối cả nhận thức công chúng lẫn dư luận, vai trò của hệ thống truyền thông chính thức càng ngày càng tụt giảm và thực tế cho thấy đa số đã rơi vào tình trạng dở sống, dở chết…
Nhân sự kiện một livestream của bà Hằng có khoảng nửa triệu người theo dõi, Lê Ngọc Sơn đặt câu hỏi: Nhà báo – anh ở đâu trong sự nhiễu nhương của đám nghệ sĩ nhố nhăng? Sơn bảo rằng nhiều năm nay ông luôn tự hỏi: Vì sao hiện tượng các nghệ sĩ nhố nhăng lên báo dạy đời, chửi luôn khán giả lại được o bế và chiếm nhiều không gian trên truyền thông đến thế? Câu trả lời tạm thời của Sơn dành riêng cho những nhà báo viết về văn nghệ - giải trí là phần lớn do sự lười biếng của báo chí chúng ta!
Sơn đã khái quát về sự lười biếng của cả những phóng viên viết về văn nghệ - giải trí lẫn Tòa soạn, trích: Một - khen bọn nghệ sĩ nhố nhăng lên mây. Cho thông tin gì, phang lên mặt báo thông tin đó. Không tự vấn, không suy tư phản biện lại. Khen được là cứ khen. Như một con bê, người ta đút cho gì thì nhai cái đó! Hai - Thích săm soi đời tư tào lao của đám nghệ sĩ đó, giàu như thế nào, ở nhà gì, đi xe gì, cặp với ai, chuyện gia đình, tình yêu, tình báo… hoặc là đăng chuyện cãi lộn, chửi nhau của bọn nghệ sĩ nhố nhăng này. Xin lỗi khi phải nói làm báo kiểu này rẻ tiền và không nền báo chí nào trên hành tinh này xem là làm báo có đẳng cấp cả. Hãn hữu lắm mới thấy vài bài toát lên chút tư tưởng, hay đọng lại những quan điểm nhân sinh đáng đọc, đáng nghĩ…
Nực cười hơn, vài bạn “phóng viên văn nghệ” bị nhiễm thói… nghệ sĩ. và sống với ảo ảnh mình cũng là nghệ sĩ. Nhiều bạn học đòi thói đa sầu đa cảm, bống bống bang bang, nuông chiều cảm xúc xem mình là bố đời, như là ta đây cứu cả thế nhân. Hùa theo đám nghệ sĩ để xem mình ở trên tất cả mà quên đi vai trò là công sứ của sự thật – một NHÀ BÁO. Nửa mùa đến thế là cùng! Tôi tiếp xúc đủ loại nhà báo Đông – Tây, không có kiểu nào nửa mùa như thế cả!
Xin nhớ cho, các bạn đang thực hiện thiên chức nhà báo mà nhà báo văn nghệ là ai? Là người thay mặt bạn đọc, là công sứ của sự thật, truyền tải nội dung để bán (trực tiếp hay gián tiếp) cho bạn đọc. Cao hơn nữa, hãy trở thành những người hiểu biết sâu về một lĩnh vực hẹp để cung cấp các góc nhìn và kiến thức về lĩnh vực đó cho bạn đọc hiểu. Thứ đó chính là giá trị gia tăng mà toà soạn của bạn có thể trao cho bạn đọc khi họ đọc tờ báo của bạn. Để được vậy, phải dụng công, sử dụng tư duy lý tính thay vì nhét cảm tính vào! Mà để có tư duy lý tính thì phải nâng cấp nền tảng tri thức - văn hoá (không cần bằng cấp), lý tưởng nghề nghiệp. Còn nếu thấy không muốn nâng cấp thì “lượn đi cho nước nó trong”, kiếm nghề khác cho làng báo đỡ mang tiếng.
Giờ đây mở tivi ra toàn là những chương trình giải trí nhảm nhí, nhăng cuội và tào lao. Trên mặt báo toàn chuyện khoe của, cãi lộn của bọn nghệ sĩ nửa mùa, văn hoá văn nghệ còi cọc làm sao! Cứ chiều chuộng nhu cầu thẩm mỹ dạng thấp này thì bạn đọc và con cháu chúng ta sẽ học hỏi được gì?... (2)
Sơn kết thúc khái quát của mình bằng một câu hỏi: “Bạn có biết vì sao streamer Nguyễn Phương Hằng đạt kỷ lục mà không nhà báo hay toà soạn nào có thể đạt được không? Tự động não chút nhé để thấy sự cáo chung của cách làm báo mỹ ký!”
Một nhà báo - ông Phạm Trung Tuyến, Giám đốc kênh Giao thông của VOV, nhận xét: Livestream của bà Hằng hút khán giả đơn giản vì nội dung tốt. Bà nói về con người, về lẽ sống, về những điều mà nhiều người đang quan tâm và chứng minh được bà không bị sức ép nào. Nội dung bà Hằng nói, có thể đúng, có thể sai, nhưng quan trọng là người nghe có lý do để tin bà Hằng nói thật nghĩ suy nghĩ của bà. Đó thực sự là sự rạch ròi mà hiện nay nhiều cơ quan truyền thông chuyên nghiệp chưa hoặc không làm được (3).
Đã có những người sử dụng mạng xã hội gọi bà Hằng là “hiện tượng truyền thông” như ông Trần Quốc Quân. Ông Quân ví bà Hằng như “quả bom tấn” làm rung chuyển các “định chế” từ truyền thông, showbiz, đến pháp luật, y tế, giáo dục... len lỏi tới mọi gia đình, mọi ngóc ngách xã hội. Theo ông Quân, một trong những lý do giúp bà Hằng thành công là bà quyết liệt, thẳng thắn, bộc trực và nhất là không dối trá. COVID-19 làm thay đổi cả thế giới. Nguyễn Phương Hằng làm thay đổi một phần đất nước này, ít nhất là trong cách làm truyền thông, trong cách làm từ thiện, trong ảo tưởng quyền lực showbiz và ứng xử của xã hội đối với giới nghệ sỹ (4)...
***
Không phải tự nhiên mà công chúng đem livestream của bà Hằng hôm 25/5/2021 so với hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thông chính thức. Sau một thời gian dài chủ động làm ngơ những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, những vấn nạn chính trị, xã hội càng ngày càng trầm trọng để không bị chính quyền… “cạo đầu, bôi vôi”, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam tụt dần xuống đáy, phương thức duy nhất để có khán giả, giữ được độc giả, kiếm được tiền nuôi nhau là hướng vào đủ loại chuyện tầm phào.
Càng ngày càng nhiều cơ quan truyền thông chính thức chỉ còn vỏ, không có ruột và để vẫn còn được hoạt động, vẫn được xem như một yếu tố cấu thành… báo chí cách mạng, khai thác các khía cạnh liên quan đến đời tư ca sĩ, diễn viên, người mẫu, cầu thủ, đại gia,… chạy theo những sự kiện giật gân, rồi lồng ghép, sắp đặt biến các sản phẩm báo chí trở thành một dạng quảng cáo trá hình… đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức.
Tuy nhiên điều đó không cứu được các cơ quan truyền thông chính thức, cũng vì vậy, livestream do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện tối 25/5/2021 mới được thiên hạ xem là ví dụ để khuyến cáo các cơ quan truyền thông chính thức.
Ai, nơi nào đã xóa sạch thiện cảm, niềm tin của công chúng vào các nhà báo nói riêng và hệ thống truyền thông chính thức nói chung. Vì lẽ gì mà ở cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần trước, công chúng ở TP.HCM thẳng tay loại bỏ năm ứng cử viên đại diện cho lĩnh vực báo chí – xuất bản được Mặt trận Tổ quốc chọn, giới thiệu tranh cử vào Hội đồng nhân dân của thành phố này (5)? Ai? Nơi nào đã khiến ông Nguyễn Như Phong, một nhà báo kỳ cựu ở Cộng hòa XHCN Việt Nam tin rằng: Nhà báo phải như… con chó?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=w9Pq1QUbpOQ
(2) https://www.facebook.com/lengocson.expert/posts/10223343795240457
(3) https://ngaynay.vn/giai-ma-hien-tuong-phuong-hang-post107948.html
(4) https://www.facebook.com/van.conghung.9/posts/4011340295645897
(5) https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/posts/10216107060863984
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Theo một bản tin trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Độ, 62 tuổi, cựu phó chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa, vừa khởi kiện chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang, liên quan một khu đất của ông này bị thu hồi.
Khu đất rộng 5,656 mét vuông, được vợ chồng ông và vợ chồng một người bạn mua từ hồi Tháng Ba, 2000 và đã được Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Đồng xác nhận.
Ông Nguyễn Văn Độ, cựu phó chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa, bên thửa đất của vợ chồng ông đã bị thu hồi theo diện “vắng chủ” để giao làm dự án khu nhà ở Phước Đồng. (Hình: Duy Thanh/Tuổi Trẻ) |
Đến năm 2004, thửa đất của ông Độ bỗng nằm trong quy hoạch dự án khu biệt thự nhà vườn của công ty Quốc Hân.
Theo luật pháp Việt Nam, do đây là dự án thương mại, chủ đầu tư phải thỏa thuận thu hồi đất với người đang sử dụng đất, nhưng nhiều năm liền công ty này không liên hệ gia đình ông Độ để thỏa thuận việc bồi thường.
Sau đó, ông Độ mới biết từ Tháng Năm, 2019, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang đã ra quyết định thu hồi các thửa đất của ông theo diện “vắng chủ” để làm dự án nêu trên, tờ Tuổi Trẻ cho biết thêm.
Báo này dẫn lời ông Độ rằng liên quan vụ khiếu nại đòi đất, cả chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang “không giải quyết theo đúng trình tự quy định.”
Tờ Tuổi Trẻ cũng dẫn phản hồi của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang rằng hồ sơ nguồn gốc khu đất của ông Độ “phức tạp, có sự chồng lấn ranh giới nên đến thời điểm trả lời đơn vẫn chưa xong xác minh.”
Liên quan vụ việc, Facebooker Phạm Minh Vũ đưa cáo buộc trên trang cá nhân rằng khi còn ngồi ghế phó chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa, ông Độ “đã bác hàng ngàn đơn khiếu kiện của dân oan tỉnh này bởi những dự án thu hồi giá rẻ mạt” và “tham mưu cho ủy ban tỉnh quyết định cướp đất sao cho rẻ mà bán giá cắt cổ để có nhiều tiền.”
Không rõ liệu ông Độ có ra Hà Nội gia nhập đội dân oan cả nước khiếu kiện đất đai hay không.
Theo một bản tin trên trang thông tin điện tử Thanh Tra tỉnh Khánh Hòa hồi năm 2017, ông Độ từng chủ trì một hội nghị về Luật tiếp công dân.
Bản tin cho hay, hầu hết đơn tố cáo, khiếu nại của người dân tại tỉnh Khánh Hòa “liên quan đến đất đai, bồi thường giải tỏa, hỗ trợ tái định cư,lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, về tài sản, nhà đất…”
Một phần thửa đất của ông Nguyễn Văn Độ đã bị nhà chức trách thu hồi cho một dự án địa ốc. (Hình: Duy Thanh/Tuổi Trẻ) |
Tại sự kiện này, ông Độ cho biết “đã hạn chế” việc người dân Khánh Hòa tụ tập, khiếu nại lên các cơ quan trung ương ở Hà Nội, cũng như giữ cho tình hình an ninh chính trị-trật tự xã hội ở tỉnh Khánh Hòa “cơ bản ổn định.” (N.H.K) [kn]
Nguyễn Ngọc Chu
28-5-2021
Không bàn về thơ. Chỉ đề cập đến cách xuất hiện thơ.
Khi Luật sư Lê Văn Hòa tuyên bố từ bỏ nghề luật sư vì đã mất hết niềm tin vào nền Tư pháp, vợ anh là chị Phương Phạm đã giãi bày tâm sự bằng một bài thơ 5 chữ. Không chủ ý sáng tác thơ. Chỉ giãi bày tâm sự. Thế mà có một bài thơ hay. Rất hay.
Bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ không chỉ hay, mà đẹp. Thơ đẹp không kém phần quan trọng cùng với thơ hay.
Có người chủ ý viết thơ. Nhất là thơ tuyên truyền. Kể cả những tên tuổi nổi tiếng. Thơ được in. Thậm chí được dạy. Nhưng chưa hay. Càng chưa đẹp.
Bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ của chị Phương Phạm vừa hay vừa đẹp.
***
CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Chồng đã nhìn thấy trước
Một kết thúc buồn đau,
Khi mọi người bảo nhau
Chồng không còn tin nữa
Em cũng không tin nữa,
Nhiều người cũng giống mình
Khi tất cả lặng thinh
Thì chuyện gì sẽ đến,
Này nhé, em nghĩ thế
Nếu một ngày không làm
Của những người tốt bụng:
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Ôi thế thì gay đấy
Chỉ còn lại gian tham
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Một đất nước suy tàn!
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Ở nhà nghỉ trồng hoa
Nếu có người đến hỏi
Người tốt nên ở nhà!
Em sẽ bảo họ thế
Người tốt nên ở nhà!
***
Đọc bài thơ, đọc đến đâu câu chữ theo nhau lặng lẽ biến đi, để hiện dần lên trước mắt, mỗi lúc một rõ hơn, trọn vẹn những tầng lớp lao động đại diện cho đất nước.
Đọc bài thơ, đọc đến đâu câu chữ theo nhau lặng lẽ biến đi, để hiện dần lên trước mắt, mỗi lúc một rõ hơn, trọn vẹn hình ảnh của một người phụ nữ Việt – một người vợ với thật nhiều đức tính quý giá. Mà trong đó nổi trội là lòng yêu đất nước.
Đó là hai dòng sáng lấp lánh xuyên suốt bài thơ CHỒNG BỎ NGHỀ LUẬT SƯ của Phương Phạm.
Trước tiên hãy nói về sự chịu đựng. Chịu đựng sự bỏ việc của chồng. Đó là sự bỏ việc làm cho chồng bị tổn thương về tinh thần, gia đình tổn thất về vật chất. Nhưng người vợ đã chịu đựng để đón nhận “Một kết thúc buồn đau” của chồng với một tư thế bình tĩnh, vì đã nhìn thấy trước:
“Hôm nay chồng bỏ nghề/
Luật sư của nhà nước,/
Chồng đã nhìn thấy trước/
Một kết thúc buồn đau,”
Một sự mở đầu quá tự nhiên và quá đẹp. Đẹp vì tự nhiện. Tự nhiên vì giã bày tâm sự. Không làm thơ mà nên thơ.
Nhưng tại sao lại phải chịu đựng và chịu đựng được? Là vì đồng cảm và tin tưởng chồng:
“Chồng không còn tin nữa/ Em cũng không tin nữa”.
Chắc chắn sự đồng cảm và tin tưởng này đến với người vợ không phải chỉ bây giờ, khi người chồng bỏ việc, mà đến từ lâu. Có nghĩa là chị Phương Phạm đã đi cùng với LS Lê Văn Hoà qua nhiều sóng gió mà trong đó LS Lê Văn Hoà phải đối mặt với những thế lực xấu. Vợ chồng luật sư đã phải trải qua nhiều ngày tháng chống chọi với điều đen tối thì mới đúc kết được sự tin tưởng tuyệt đối hai là một như thế. Tin tưởng tuyệt đối mà không mù quáng. Vì nó chắt lọc từ đồng cam cộng khổ của nghĩa vợ chồng. Đến mức tâm đầu ý hợp.
Nhưng không chỉ có 2 vợ chồng LS Lê Văn Hoà không tin, mà “Nhiều người cũng giống mình”. Một người vợ bình dị – không lý luận cao siêu, không từ ngữ hào nhoáng, không khẩu hiệu lên gân – vì thương chồng là người tốt mà phải bỏ việc, nên thấy được thực trạng:
“Chồng không còn tin nữa/
Em cũng không tin nữa,/
Nhiều người cũng giống mình”.
Đó là nỗi lo của chị Phương Phạm. Lo vì trong xã hội nhiều người “không tin nữa”, “cũng giống mình”. Bởi vì lo nên rất có trách nhiệm. Vì có trách nhiệm nên tìm cách giãi bày điều phải trái. Giãi bày một cách nhẹ nhàng, một cách thủ thỉ:
“Khi tất cả lặng thinh/
Thì chuyện gì sẽ đến,/
Này nhé, em nghĩ thế”.
Cách dẫn chuyện thật tài tình. Chỉ vỏn vẹn 5 chữ “Này nhé, em nghĩ thế” mà hiện rõ chân dung của người vợ thông minh, lễ độ. Thông minh vì cách khuyên. Lễ độ vì lời lẽ.
Và cứ thế mà thủ thỉ sự đánh mất, để lặng lẽ hiện ra sự sáng suốt:
“Nếu một ngày không làm
Của những người tốt bụng:
Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Ôi thế thì gay đấy
Chỉ còn lại gian tham”.
Chao ôi, đọc mà cảm phục sự sáng suốt. Đọc mà khâm phục sự dấn thân. Người vợ Phương Phạm nhìn thấy chồng LS Lê Văn Hoà là người tốt mà phải bỏ nghề luật sư vì mất lòng tin, nên mới thủ thỉ rằng, nếu tất cả những người tốt trong xã hội mà bỏ nghề thì “gay đấy”, thì “Chỉ còn lại gian tham”. Không sáng suốt đã không thấy xã hội “Chỉ còn lại gian tham”.
Cho nên tất cả những người tốt không thể bỏ cuộc. Tất cả “Bác sĩ và luật sư/ Lái xe và đầu bếp/ Thợ may và bà vợ/ Bộ đội và công an/ Nông dân và nhà máy…” phải dấn thân. Nếu không thì “Chỉ còn lại gian tham”. Chỉ mấy dòng thủ thỉ mà có sức thuyết phục hơn cả trăm câu khẩu hiệu giáo điều.
Nhưng đó chưa phải là hoạ lớn nhất khi những người tốt khuất phục. Hoạ lớn nhất khi tất cả những người tốt đầu hàng là “Một đất nước suy tàn”:
“Bác sĩ và luật sư
Lái xe và đầu bếp
Thợ may và bà vợ
Bộ đội và công an
Nông dân và nhà máy…
Một đất nước suy tàn!”
Điệp khúc. Đọc đến đâu hình ảnh những tầng lớp nhân dân đại diện cho đất nước hiện lên đến đấy. Không yêu nước đã không thấy được “Một đất nước suy tàn”. Không yêu nước sâu thẳm không thể có được những câu thơ này. Những câu thơ thôi thúc “Bác sĩ và luật sư/ Lái xe và đầu bếp/ Thợ may và bà vợ/ Bộ đội và công an/ Nông dân và nhà máy…” không được lùi bước trước kẻ xấu. Nếu không thì “đất nước suy tàn”!
Chị thật tài tình trong khắc hoạ đất nước. Đất nước là ai? Là “Bác sĩ và luật sư, Lái xe và đầu bếp, Thợ may và bà vợ, Bộ đội và công an, Nông dân và nhà máy…” Chỉ nêu 10 danh xưng mà thâu tóm được giai cấp, tầng lớp, gói gọn cả giới tính, bao quát được cả đất nước. Cách chọn điển hình đến bái phục!
Có người cố làm ra vẻ thật thà trong thơ mà người đọc vẫn nhận ra, không phải là con nai mà là con sói. Chị Phương Phạm không tuyên truyền. Chị thật thà tâm sự:
Hôm nay chồng bỏ nghề
Luật sư của nhà nước,
Ở nhà nghỉ trồng hoa
Nếu có người đến hỏi
Người tốt nên ở nhà!
Không nghĩ đến phải làm thơ thế nào, không nghĩ đến phải mở đầu thế nào, không nghĩ đến phải kết thúc thế nào, chỉ giãi bày mà toàn bộ bài thơ là dòng chảy tự nhiên của tâm tình, và bài thơ được kết thúc với hai câu thấm đẫm nước mắt, thật súc tích, thật đúng chỗ, thật đúng lúc:
Em sẽ bảo họ thế
Người tốt nên ở nhà!
Có điều gì mâu thuẫn. Có điều gì uất ức. Có cái gì cay trong mắt. Có cái gì chát đắng trong miệng. Có cái gì nghẹn nơi cổ họng.