HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Bị công luận chỉ trích dữ dội, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo CSVN thành phố Hải Phòng đã kỷ luật cho “sám hối ba tháng” đối với sư trụ trì chùa Hưng Khánh, người đã xua đuổi, dùng nắm nhang đang cháy đập vào tay Phật tử.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, Hòa Thượng Thích Quảng Tùng, trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo CSVN thành phố Hải Phòng, cho biết Thường Trực Giáo Hội Phật Giáo thành phố đã cùng các ban, ngành liên quan và Ủy Ban Nhân Dân quận Hải An và chính quyền sở tại đã làm việc và quyết định xử lý đối với Đại Đức Thích Bản Phúc, trụ trì chùa Hưng Khánh (hay còn gọi là chùa Trung Hành) ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, vì đã cầm nhang xua đuổi Phật tử chụp hình tại chùa.
Đại Đức Thích Bản Phúc (đứng) thừa nhận có “đuổi” mẹ con chị Đỗ Thị Thu Yến vì chụp hình trong khuôn viên chùa Hưng Khánh. (Hình: Tiến Thắng/Tuổi Trẻ) |
Theo đó bắt đầu từ ngày 17 Tháng Ba, Đại Đức Thích Bản Phúc “sẽ tạm thời rời chùa Hưng Khánh về chỗ thầy nghiệp sư của vị này tại chùa Đồng Giới (huyện An Dương) để tu tập, sám hối trong thời gian ba tháng. Nếu Đại Đức Thích Bản Phúc không có mặt hoặc không chấp hành cũng sẽ lập biên bản và thống nhất đuổi ra khỏi tăng đoàn.
“Nếu hết thời gian này mà Đại Đức Thích Bản Phúc không tu tập, sám hối nghiêm túc, không thay đổi tâm tính thì Ban Trị Sự sẽ xem xét hình thức kỷ luật cao hơn, thậm chí có thể tẩn xuất,” Thượng Tọa Thích Tục Khang, phó Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo CSVN thành phố Hải Phòng, cho biết thêm.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc, Đại Đức Thích Bản Phúc xác nhận có sự việc “đuổi” mẹ con chị Đỗ Thị Thu Yến (41 tuổi, ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) ra khỏi khuôn viên chùa Hưng Khánh vì chụp hình trong khuôn viên nhà chùa, nhưng vẫn cho rằng việc mình làm là không sai bởi nhà chùa có quy định. Ông cũng nói chỉ “vô ý” vẩy nhang đang cháy vào tay chị Yến chứ không chủ ý.
Tuy nhiên ông Bùi Đức Tiệp, chủ tịch phường Đằng Lâm, cho biết qua làm việc với chị Yến và sư Phúc thì “hai bên có sự trình bày sự việc khác nhau.”
Ông Tiệp cho rằng sự việc xảy ra vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi Đại Đức Thích Bản Phúc trông coi quản lý chùa Hưng Khánh đã để xảy ra vô số sự việc gây bất bình công luận khắp nơi. Chính quyền cũng nhận được hàng ngàn ý kiến của người dân bày tỏ sự tức giận và muốn đều chuyển sư Phúc đi nơi khác.
Ngoài ra, chính quyền có đầy đủ bằng chứng chứng minh việc sư Phúc đã tự ý sửa chữa chùa, vốn là một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, khi không có sự chấp thuận của giới hữu trách.
Kể lại với báo VietNamNet, chị Đỗ Thị Thu Yến cho biết mình và con gái vẫn chưa hết sợ hãi sau ba ngày bị sư trụ trì chùa Hưng Khánh xua đuổi, cầm nhang đánh.
Theo chị Yến, khoảng 10 giờ sáng 13 Tháng Ba, chị đưa con gái 14 tháng tuổi ra chùa Hưng Khánh lễ Phật. Khi tới cổng chùa, thấy phong cảnh đẹp và yên tĩnh chị dừng lại chụp hình cho con gái. Ngay lập tức, sư trụ trì Đại Đức Thích Bản Phúc đã chạy ra nhổ nắm nhang đang cháy ở lư hương gần đó, xua đuổi mẹ con chị.
“Sư đã dùng cả nắm nhang đó đập vào tay tôi khiến tôi đau rát. Hai mẹ con chạy khỏi chùa. Con gái tôi sợ hãi rúm ró, về đến nhà mà vẫn chưa hết hoảng loạn,” chị Yến nói.
Hình ảnh Đại Đức Thích Bản Phúc vung nắm nhang xua đuổi và vết thương trên tay chị Đỗ Thị Thu Yến. (Hình: Pháp Luật TP.HCM) |
Trước đó hồi Tháng Tư, 2019, Đại Đức Thích Bản Phúc từng bị một nữ Phật tử đăng lên mạng xã hội kể về việc mình bị vị sư trụ trì chùa Trung Hành “có lời nói khiếm nhã” khi chị đang chụp hình lưu niệm tại khuôn viên nhà chùa.
Cụ thể, khi chị này và bạn đang chụp hình thì Đại Đức Thích Bản Phúc chạy ra chửi bới: “Chúng mày cút ngay ra khỏi chùa, không tao thả chó ra cắn nát mặt chúng mày bây giờ…” Sau khi đăng tải, nhiều người tỏ ra bất bình và cho hay mình cũng là nạn nhân, từng bị vị sư trụ trì này có lời nói phản cảm khi vào chùa lễ Phật.
Để xoa dịu công luận, Giáo Hội Phật Giáo CSVN thành phố Hải Phòng khi đó cũng đã kỷ luật Đại Đức Thích Bản Phúc bằng hình thức “sám hối.” (Tr.N) [qd]
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Getty Images. Phật tử Việt Nam đi lễ Chùa trong thời dịch Covid-19 |
Cúng dường tam bảo được hiểu là việc cung cấp nguồn tiền bạc, vật dụng, thực phẩm... để nuôi dưỡng các bậc tôn kính như chư tăng, hoặc tôn tạo, tu sửa, trang bị vật chất cho cơ sở tôn giáo Phật giáo.
Theo đó, cúng dường giúp duy trì, truyền giữ những đạo lý tốt đẹp làm người mà tam bảo gồm ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng đã truyền dạy lại cho chúng sinh.
Về đạo lý xã hội, bằng việc cúng dường tam bảo, người cúng dường vốn thu hoạch được những lợi ích qua việc được truyền dạy đạo lý tốt đẹp làm người, nên thực hiện nghĩa vụ lương tâm "Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để đền đáp lại.
Du lịch tâm linh VN: có không ý thức vì môi trường?
Đại đức Thái Minh ‘bị cách chức’, bà Yến bị phạt
Việt Nam: chùa chiền và tiền bạc
Người Việt có thực sự tin vào nhân quả?
Với ý nghĩa đó, về pháp lý, việc cúng dường tam bảo là một hành vi ưng thuận kết ước Khế Ước Tặng Cho Tài Sản, là một loại khế ước đơn phương. Vì lẽ, khế ước chỉ phát sinh nghĩa vụ ở một bên mà thôi. Trong đó, bên cho là người cúng dường và bên nhận là đại diện cơ sở tôn giáo.
Nghĩa vụ chỉ phát sinh đơn phương ở bên cho (tức bên cúng dường) là phải giao tài sản cho bên còn lại. Hành vi giao nhận tài sản có thể trực tiếp trao tay, ghi vào sổ công đức hoặc phát hành chứng chỉ, chứng nhận công đức hay đặt tài sản cho vào thùng công đức (tức thùng phước sương).
Là một khế ước đơn phương, nên bên nhận tài sản không có bất kỳ nghĩa vụ gì phải thi hành để đối ứng cho đối tác cả.
Tiến xa hơn một bước đến 'khế ước song phương'
FB Mạnh Đặng. Một áp phích quảng cáo cho ứng dụng cúng dường |
Đến đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến xa hơn một bước so với các vị truyền đạo hoặc tiền nhiệm, tiền bối của mình từ non 10 thế kỷ trước khi đưa ra phát kiến cúng dường tam bảo online qua mạng internet, nhờ vào ứng dụng công nghệ banking Momo.
Không đặt vấn đề đạo lý tín ngưỡng về phát kiến đầy tính lý tài và thực dụng ấy nhưng việc áp dụng phát kiến sẽ phát sinh vấn đề pháp lý làm thay đổi hoàn toàn bản chất lành mạnh, tốt đẹp của việc cúng dường Tam bảo.
Thậy vậy, để khuyến khích cho phát kiến cúng dường tam bảo qua mạng bằng ứng dụng Momo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt bảng thông tin tại cơ sở tôn giáo với những hứa hẹn về quyền lợi mà người cúng dường tam bảo sẽ được hưởng khi cúng dường. Cụ thể là:
- "Cúng dường tam bảo, TẤT BÌNH AN"; và :
- "Quét mã cúng dường, ĐẦU NĂM MAY MẮN"
Theo đó, phần chữ in lớn là các quyền lợi mà Giáo hội Phật giáo hứa hẹn cho những người cúng dường tam bảo.
Như thế, từ bản chất của một khế ước đơn phương. Giáo hội Phật giáo đã thừa nhận việc cúng dường tam bảo qua ứng dụng Momo đã trở thành một khế ước song phương.
Trong đó, bên cúng dường không tặng cho tài sản một cách vô tư (không yêu cầu lợi ích) mà có yêu cầu lợi ích rất cụ thể, gồm : "BÌNH AN" và "ĐẦU NĂM MAY MẮN".
Lợi ích bên này là nghĩa vụ bên kia. Thế nên, cơ sở tôn giáo nhận tài sản cúng dường đã bị ràng buộc nghĩa vụ đối ứng mà mình đã hứa hẹn với đối tác, là cung cấp sự "BÌNH AN" và "MAY MẮN".
Getty Images. Một người đàn ông đi lễ ở một ngôi chùa tại Sài Gòn |
Có thể nhận thấy ngay, "BÌNH AN" và "MAY MẮN" đều là những nghĩa vụ được hứa hẹn một cách hoang đường. Nếu đạt được cũng chỉ là sự ngẫu nhiên đầy tính may rủi và hầu như, Giáo hội Phật Giáo khó mà có thể chứng minh được về công đóng góp của mình trong kết quả ấy!
Nói khác, Giáo hội Phật giáo đã hứa hẹn một cách chắc chắn về nghĩa vụ hoàn toàn nằm ngoài khả năng đáp ứng của họ.
Hậu quả pháp lý và điều tệ hại nhất có thể là gì?
Theo chúng tôi, ở đây có hậu quả pháp lý như sau: Khế ước hứa hẹn nghĩa vụ nằm ngoài khả năng đáp ứng là khế ước vô hiệu. Vì lẽ, theo nguyên tắc, không ai có thể cam kết một quyền lợi mà mình không sở hữu. Người cúng dường hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu cơ sở tôn giáo hoàn trả khoản cúng dường vì khế ước vô hiệu.
Nhưng điều tệ nhất là qua việc Giáo hội Phật giáo hứa hẹn cho người cúng dường được "BÌNH AN" và "MAY MẮN" đã làm mất đi ý nghĩa lành mạnh, tốt đẹp của việc cúng dường tam bảo. Theo đó, thay vì cúng dường là cách để chúng sinh giúp duy trì tam bảo, duy trì, xiển dương giáo lý nhà Phật vào cuộc sống, thì bây giờ, lại biến tướng thành cuộc mua bán, đổi chác tiền bạc để mua "BÌNH AN" và "MAY MẮN".
Nếu biết, thời gian qua, nhiều ngôi chùa lớn ngật ngưỡng được lập không phục vụ mục đích tu hành mà thuần túy chỉ là cơ sở kinh doanh mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng.
Họ thu lợi nhuận như một cơ sở kinh doanh, nhưng mặt khác, với tư cách cơ sở tôn giáo, họ lại lẩn tránh được các khoản thuế, trong đó, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều đáng nói, các cơ sở kinh doanh tôn giáo này đều là thành viên của Giáo hội Phật Giáo.
Getty Images. Phật tử đi lễ tại một ngôi chùa ở Hà Nội |
Lúc này, Giáo hội Phật giáo, thay vì hướng thiện, dẫn duyên, xiển dương giáo lý tốt đẹp của Phật pháp vào cuộc sống, giúp giữ gìn đạo đức xã hội và làm gương, lại đang hành xử thực dụng giữa lúc xã hội khó khăn vì kinh tế do Covid.
Thế nên, cho dù chùa chiền được xây dựng nhiều hơn, to hơn, nguy nga hơn, nhưng nhìn vào đấy, liệu công chúng có nhận ra Phật tính?
Thay vì niệm Nam mô, thật chẳng khác gì có những người còn đang niệm cả Mô mô (Momo). Vào lúc này, tôi tin rằng chính họ đang là rào cản giữa công chúng đến với Phật pháp.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.
Trần Thất
25-2-2021
I- Ôi chùa!
TS Trần Thất, cựu Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp. Nguồn: VTC |
Cuộc đời tôi luôn gắn với Nhà Chùa. Ngay từ khi mới sinh, cha, mẹ tôi đã bán tôi (cũng như các anh, chị, em tôi) cho Nhà Chùa. Đó là chùa Am – Diên Quang Tự, do bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, vốn là Hoàng hậu của Vua Trần Duệ Tông mở đất dựng chùa từ năm 1428-1433 ở xã Phụng Công – tổng Đồng Công nay là xã Hòa lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Việc bán này cũng mang tính hình thức, tức là cha, mẹ tôi vẫn nuôi dạy chúng tôi như bình thường. Tuy nhiên, tất cả các anh, chị, em chúng tôi vì đã được làm con nhà Chùa nên chúng tôi phải gọi cha, mẹ mình là “chú” (tức em của bố), “mự” (tức vợ của chú).
Ngày tôi còn là đứa bé chăn trâu thường xuyên thả trâu trước bãi tha ma trước của Chùa. Đó là một bãi tha ma rộng cỡ hơn chục mẫu. Hồi ấy hễ ai chết cũng đem chôn ở bãi tha ma đó. Vì vậy bất kể ai qua bãi tha ma dù là ban ngày cũng đều sợ ma bắt. Riêng tôi thì kể cả trưa tròn bóng hoặc tối sậm mặt người vẫn vô tư một mình thả trâu ở đó, thậm chí còn nằm lăn ra bãi cỏ ngủ ngon lành.
Hồi 1975-1976, sau khi “phục viên” từ Quân đội về quê ôn thi đại học, tôi thường lấy nhà Chùa này làm nơi ngồi học cho yên tĩnh. Kết quả Năm 1976 tôi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội với tỷ lệ cạnh tranh 1/35 thí sinh.
Năm 1981-1987 tôi công tác ở Hà Nội, nhà ở gần Làng Nhân chính. Ở đó có một ngôi chùa nhỏ, ít người thăm viếng nên rất yên tĩnh. Năm 1987, tôi được chọn đi thi nghiên cứu sinh. Đó là một cuộc “công cua” rất “khốc liệt” mà tôi đã có dịp kể trên Facebook. Nhà nghèo, con nhỏ nhưng tôi quyết tâm thi bằng đỗ để được sang Liên Xô.
Tôi đã chọn ngôi chùa nói trên để làm “căn cứ địa”. Có những hôm tôi ngồi học từ sáng đến chiều tối mà chỉ uống nước vối do Sư thầy trụ trì ở đó cung cấp cho. Kết quả tôi cũng “chiến thắng” trong kỳ thi này. Mà sự chiến thắng của tôi cũng có đôi chút kỳ lạ.
Tôi từng tâm sự rằng trong các kỳ thi tôi không lo kiến thức mà chỉ lo chữ viết của mình quá xấu. Phần lớn các thầy chấm bài của tôi đều chỉ đọc qua đoạn nào đọc được, còn thì lướt qua rồi cho điểm cỡ trung bình, tức 5-6 điểm.Ấy vậy mà lần ấy bài làm Triết học của tôi được 9/10 điểm. Các bài khác cũng được từ 7 trở lên. Tôi thầm nghĩ chắc các thầy giáo chấm bài đã được “ai đó” giúp đọc được chữ viết của tôi chăng?
Khi còn công tác ở Bộ Tư pháp, cứ mỗi lần đi địa phương tôi đều quan tâm tìm hiểu xem ở địa phương ấy có chùa nào? Nếu gần nơi nghỉ là tôi sẽ đến thắp hương. Một lần tôi đến một tỉnh miền Trung công tác, qua trò chuyện thì được một cô cán bộ của Sở Tư pháp cũng là người rất có tâm với nhà chùa và dẫn tôi thăm một ngôi chùa ở gần đó.
Đó là một ngôi Chùa rất cổ và rất giản dị. Điều đặc biệt là ở Nhà Chùa này không hề thấy một “Thùng công đức” nào như phần lớn các chùa khác thường có. Để gặp được Sư Thầy tôi và cô gái kia cũng phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ đứng chờ gữa sân trời nắng chang chang trong lúc Sư Thầy “nghỉ trưa”. Tôi biết chắc rằng không phải Sư Thầy nghỉ trưa đâu mà là muốn thử lòng chúng tôi đấy thôi. Nhưng tôi lại rất thú vị về sự chờ đợi đó.
Gần hai tiếng đồng hồ tiếp kiến Sư Thầy tôi rất tâm đắc. Tôi ngỏ lời mời Sư Thầy một chuyến viếng thăm các chùa lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh… Sư Thầy bảo đã đi hết rồi. Hỏi dò Sư Thầy về nhận xét các chùa ở phía Bắc. Sư bảo ngoại trừ một vài chùa vẫn giữ được nét nguyên bản, còn thì bị “biến dạng” cả rồi! Sơn đỏ, vàng nhiều quá! Hỏi về các sư trụ trì nơi các chùa đó thì Thầy tìm cách “đánh trống lãng”. Tôi biết mình vừa phạm vào một điều cấm kỵ của Nhà Phật.
Tôi là một anh công chức bình thường, sống bằng đồng lương nên không thể có nhiều tiền để “cúng dường” cho nhà chùa như hiện nay người ta vẫn làm. Mỗi khi vào chùa tôi cũng bỏ ít tiền lẻ vào thùng công đức. Cũng có khi dư dả thì tôi bỏ ra một đôi triệu vì nghĩ rằng mình là “con nhà Phật”.
Nhưng tôi rất không thích cái lối nhà chùa cấp “Chứng nhận công đức” cho những người “cúng dường”. Nghĩ rằng Đức Phật, Người nhìn thấy cả sáu cõi, thấu hết tâm can của từng người chứ đâu phải như cơ quan nhà nước cứ phải ghi rõ vào Danh sách ai? Cúng cái gì? Bao nhiêu? để “chấm công” cho họ.
“Sổ ghi công đức”, “Giấy chứng nhận công đức” khác nào gia chủ sau khi xong việc thì xé từng chiếc phong bao ra, hai ba người cùng kiểm đếm xem ai “đi” bao nhiêu tiền, để rồi ghi nhớ cái tình của họ đối với mình. Đó là thứ “văn hoá con buôn” của người Việt Nam hiện nay.
Trong khoảng hai chục năm trở lại, Tết nào vợ chồng tôi cũng về quê (ngoại trừ Tết năm nay không về được vì đại dịch COVID). Tết nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết là tôi lên Chùa – nơi tôi được nhận làm con của Phật. Nhưng khoảng dăm bảy Tết trở lại đây tôi như người bị mất nhà. Ngôi chùa mà tôi coi như nhà của tôi đã được (bị) người ta tôn tạo, làm mới đến mức tôi không nghĩ đó là chùa.
Có lần tôi phàn nàn với bác Huyến (Đoàn Tử Huyến) rằng trông nó giống như trụ sở của một cơ quan nhà nước thuộc hạng “máu mặt“ ấy. Bác Huyến bảo: Từ ngày chúng nó xây mới lại chùa, tao có lên đó bao giờ đâu!
Còn nhớ một Tết nào đó cách nay khoảng dăm năm, khi vợ chồng tôi lên thắp hương chùa thì bị một đám người đứng ở sân chùa cản lại, bảo rằng: Huyện ủy đang thắp hương trong chùa. Tôi hỏi: Huyện ủy là cái gì? Là ai? mà dám độc chiếm chùa, ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng của người dân được Hiến pháp ghi nhận?
Thấy tôi nói cứng nên bọn người ấy phải nhường. Nhưng cũng từ đó tôi tự nhiên mất cảm tình với nhà chùa. Cũng từ đó tôi không còn hứng thú đi chùa, dù bất cứ chùa nào, ở đâu? Không đi chùa nhưng trong tâm tôi luôn luôn kính Phật.
Có câu: PHẬT TẠI TÂM nên tôi không lo bị Phật trách phạt mình không đi chùa. Câu niệm Phật “Nam mô Adi Đà Phật! Nam mô Quán Thế âm Bồ Tát” luôn thường trực trong tôi mỗi ngày. Các cụ nói: “Có thờ có thiêng” là không sai. Tuy nhiên những kẻ tà ác, tham lam… thì đừng niệm Phật làm gì cho uổng công.
Thời gian gần đây (từ khi nghỉ hưu) tôi giành nhiều thời gian tìm hiểu về “Huyền học” thì lại càng tin tưởng hơn về thế giới tâm linh và nhận ra cái sự “thô thiển” của những thứ lý luận của loài người mà mình đã bỏ công một đời đi theo nó. Tôi cảm thấy kinh tởm cái cách mà chúng ta / tôi từng dùng cái khái niệm “GIÁC NGỘ” trong Kinh Phật vào đời sống thường ngày như: “giác ngộ cách mạng”, “giác ngộ giai cấp” v.v… Đúng là sự ngạo mạn, ngông cuồng của những kẻ ngu dốt.
_____
Một số hình ảnh chùa Am – Diên Quang tự:
Sáng 26/2/2021, những cán bộ công chức có mặt và đến làm việc tại Ủy Ban Nhân Dân Quận Bắc Từ Liêm, đã rất ngạc nhiên và khó chịu khi Văn Phòng UBND Quận đang tiến hành cúng rằm tại Công sở.
Trụ sở UBND Quận Bắc Từ Liêm vừa mới được khánh thành hôm 19/1/2021 nhằm kịp để cơ quan Quận có thể “ăn tết nhà mới”. Công trình này được xây dựng trong thời gian hơn 1 năm, với diện tích khu đất 20.029 m2. Trong đó, diện tích xây dựng là 5.536 m2, với 1 tầng trệt, 4 tầng nổi, 1 tầng mái có tổng diện tích sàn khoảng 24.149 m2 với tổng mức đầu tư là hơn 370 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.
Trụ sở quận Bắc Từ Liêm được ca ngợi là một trong các trụ sở đẹp, đồng bộ, hiện đại, công năng sử dụng tốt, với gần 120 phòng làm việc cho hơn 40 đơn vị, gần 700 người lao động.
Việc cúng rằm của UBND Quận Bắc Từ Liêm được tiến hành tại phòng 406-N, một căn phòng rất lớn tại tầng 4 của trụ sở này. Đây là một căn phòng rộng rãi chỉ được sử dụng cho mục đích thờ cúng, ở đó đặt ban thờ với đầy đủ hoa quả, bưởi cam và hương khói cũng như trang trí như ban thờ một dòng họ, một gia đình và phía trên đặt bức tượng bán thân Hồ Chí Minh.
Trước hàng trăm người lao động, và là công sở nhà nước của hơn 40 đơn vị, việc UBND Quận tiến hành cúng rằm tháng giêng đã gây nhiều thắc mắc và ngạc nhiên, bất bình cho những người công tác cũng như những người có liên hệ tại đây. Nhiều câu hỏi được đặt ra sau những hành động này từ cơ quan công quyền của một Quận ngay ở Thủ đô.
Trái quy định và luật pháp
Trước hết, đó là việc UBND Quận Bắc Từ Liêm đã đi ngược với “Quy chế Văn hóa công sở” kèm theo Quyết định số 129 /2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Ở đó quy định rõ ràng: “Nghiêm cấm các hoạt động như: lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng hay đun nấu trong phòng làm việc” mà đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực.
Tại văn bản này, tại Chương 3, mục 1 về việc bài trí trong công sở các cơ quan công quyền, chỉ có quốc kỳ, quốc huy. Ở đó không hề quy định việc bài trí tượng hoặc hình của Hồ Chí Minh. Càng không có một không gian riêng để làm ban thờ hoặc miếu thờ Hồ Chí Minh như ở UBND Quận Bắc Từ Liêm đang làm tại đây.
Tại văn bản số: 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành ngày 02/10/2012, quy định chỉ đặt chân dung Hồ Chí Minh dưới quốc kỳ trong một số trường hợp nhất định quy định cụ thể, hoàn toàn không có việc đưa chân dung hoặc tượng Hồ Chí Minh để trá hình làm một phòng thờ cúng mang tính mê tín dị đoan ngay tại công sở.
Trước đây, báo chí đã lên tiếng phản đối rầm rộ về những văn phòng công sở đã bày biện cúng lễ hương khói như văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, Bộ này nại ra rằng đó là việc thờ cúng Hồ Chí Minh tại cơ quan và điều này đã không được dư luận cũng như các cơ quan chính phủ chấp nhận, rồi sau đó, Thủ tướng chính phủ đã phải ra văn bản “Quy chế Văn hóa công sở” nói trên.
Thờ cúng Hồ Chí Minh là đi ngược lại và phỉ báng chính Hồ Chí Minh
Ai cũng biết, Hồ Chí Minh là người cộng sản, đã được cấp thẻ đảng số 000.001, nghĩa là đảng xác định đó là người cộng sản đầu tiên của ĐCSVN.
Đảng CSVN lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm cơ sở, làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự tồn tại. Ở đó không có ý thức về tâm linh, tôn giáo, thần thánh hoặc bất cứ những gì liên quan đến việc thờ cúng, hương khói.
Theo Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì “Tôn giáo là một hiện tượng tinh thần của xã hội và vì vậy, nó là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng khác với những hình thái ý thức xã hội khác, sự phản ánh của tôn giáo đối với hiện thực là sự phản ánh đặc thù, đó là sự phản ánh “lộn ngược”, “hoang đường” thế giới khách quan. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, “tôn giáo là những sự rút hết toàn bộ nội dung của con người và giới tự nhiên, là việc chuyển nội dung đó sang cho bóng ma”.
Chính vì thế, Chủ nghĩa Mác – Lenin chống lại bất cứ một người cộng sản nào tin vào việc ma quỷ, thần thánh… dẫn đến việc thờ cúng hoặc những vấn đề thuộc tâm linh con người. Chủ nghĩa Mác – Lenin thực hiện một cuộc cách mạng lâu dài, để tẩy trừ các tôn giáo, tâm linh, thần thánh ra khỏi thế giới cộng sản.
Vì thế, là người cộng sản, lại là người Cộng sản đầu tiên, Hồ Chí Minh không và chưa bao giờ đi theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào. Việc Hồ Chí Minh đã có thời vào nhà chùa ở Thái Lan, mang tên Thầu Chín, mang áo cà sa là thời kỳ 1928 khi ông hoạt động cách mạng trong bí mật. Ông ta đã giả dạng nhà sư, lợi dụng Phật giáo tại Thái Lan để che chắn các hoạt động bí mật của mình mà hoàn toàn không phải là một người đi theo Phật Giáo.
Trong đời sống hàng ngày khi còn sống, Hồ Chí Minh không bao giờ có chuyện thờ cúng, kể cả ông bà, cha mẹ tổ tiên, thần hay Phật. Trong hai chuyến khi quay về quê hương sau gần nửa thế kỷ xa nhà, ông ta vẫn không hề thắp hương hoặc có hành động nào trước Tổ tiên, ông bà, cha mẹ hoặc hoặc họ hàng anh chị em ruột đã khuất.
Không chỉ ông Nguyễn Sinh Khơm (Khiêm) là anh trai chết năm 1950 và bà Nguyễn Thị Thanh là chị ruột chết năm 1954 Hồ Chí Minh đã không về thăm viếng khi ốm đau, chôn cất khi từ trần mà ngay cả khi về quê cũng không một lần thăm viếng phần mộ hoặc chí ít là một nén hương tưởng nhớ.
Thậm chí, ngay cả mộ mẹ ông ta là bà Hoàng Thị Loan từ 1942 đã đưa về chôn tại Nam Đàn, chỉ cách 5km từ làng Kim Liên. Nhưng, Hồ Chí Minh đã không hề nhắc đến hoặc đến viếng thăm.
Trong nhà riêng, phòng ở và ngay cả ngôi nhà tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, không hề có ban thờ tổ tiên, ông bà hoặc bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào…
Thế rồi, ngay cả khi chết, Hồ Chí Minh đã không đi theo ông bà, tổ tiên hoặc lên cõi niết bàn, thiên đàng hoặc địa ngục mà chỉ “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lenin”.
Nhắc lại những điều này để chứng minh một điều chắc chắn: Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa “Tam vô”, đó là Vô gia đình, vô Tổ Quốc và vô tôn giáo.
Do vậy, việc đưa một người cộng sản suốt đời đã đi theo chủ nghĩa vô thần vào để thờ cúng là đi ngược lại tư tưởng cũng như đi ngược lại ý nguyện của chính Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là sự nhạo báng và sỉ nhục đối với Hồ Chí Minh, một người đã “suốt đời sống, chiến đấu, làm việc cho lý tưởng Cộng sản vô thần”.
Cũng không thể vịn vào lý do rằng Hồ Chí Minh là "lãnh tụ vĩ đại, là anh hùng dân tộc, là cha già dân tộc", là nọ là kia theo những lời tuyên truyền của đảng để thờ cúng như một thành hoàng làng, một nhân vật vua chúa trong chế độ phong kiến xa xưa hay ít nhất là một thứ ma quỷ có thể làm người ta sợ hãi. Bởi đơn giản chính Hồ Chí Minh năm 1958 đã nói rằng ông ta “không phải là vua”.
Việc đưa Hồ Chí Minh, một người hoàn toàn vô thần, không phải là vua, là thần thánh hay ma quỷ lên ban thờ và buộc mọi người khác trong hệ thống công quyền phải làm một việc mà nhiều khi trái với ý muốn của họ là điều không thể chấp nhận được, là đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh mà đảng đang ra sức kêu gọi học tập làm theo.
Việc làm đó cũng hoàn toàn trái với luật pháp và hiến pháp quy định. Bởi trong cơ quan công quyền như UBND Huyện Bắc Từ Liêm có hơn 700 cán bộ, công nhân viên chức và những người liên quan đến công tác, làm việc. Tất cả họ không phải ai cũng theo tín ngưỡng thờ cúng, càng không phải ai cũng thừa nhận việc thờ Hồ Chí Minh là đúng đắn. Đặc biệt là với các đang viên đảng CSVN thì đó cũng là sự ngang nhiên sỉ nhục họ, sỉ nhục cái lý tưởng mà họ đã thề nguyền theo đuổi và phấn đấu khi vào đảng.
Cuộc khủng hoảng lòng tin và sự lợi dụng Hồ Chí Minh cho mục đích cá nhân
Báo chí đã nêu hiện tượng này rất nhiều trước đây. Trên tờ báo Thanh Niên, số ra ngày 05/11/2006 có bài viết về chuyện hương khói ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã viết rằng: “nghề "làm quan" ngày nay có nhiều rủi ro: đi thờ, đi cúng các nơi, ngay cả dùng xe công, báo chí, dư luận cũng dị nghị, thế thì làm một nơi thờ cúng ngay tại Bộ cũng rất tiện”. Như vậy, việc bày đặt cầu cúng ngay tại cơ quan làm việc, công sở chỉ nhằm mục đích phục vụ sự u mê và mê tín, dị đoan của một số quan chức nhà nước trước việc mua quan, bán chức ngày càng căng thẳng khó khăn, cũng như việc đấu đá phe nhóm trong nội bộ đảng, nhà nước đã làm cho chính những cán bộ chạy chọt, mua bán được chức quyền không hề yên tâm.
Và trong cơn khủng hoảng, hoang mang về niềm tin, họ đã phải cậy nhờ đến thần thánh, tâm linh và ma quỷ.
Đó là sự thể hiện việc mất lòng tin vào cuộc sống hiện nay, cũng như mất niềm tin, định hướng sống mà không biết bấu víu vào đây nên các cán bộ, đảng viên đã phải đi tìm một niềm tin ở thế giới khác với thế giới mà họ đang sống, đang luôn giơ tay xin thề sẽ phấn đấu suốt đời cho lý tưởng đó.
Dư luận xã hội đã mổ xẻ, phân tích rất nhiều về hiện tượng người cộng sản vô thần đã là đặc trưng cho loại hình “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong cả hệ thống đảng Cộng sản từ cao đến thấp. Ở đó, một mặt họ tôn thờ chủ thuyết vô thần cộng sản, họ thề nguyền tin tưởng, hy sinh và phấn đấu cho lý tưởng vô thần ấy. Mặt khác họ lại bí mật hoặc công khai lao theo những trò mê tín, dị đoan như từ bói toán, xin quẻ, cúng sao giải hạn, cầu đồng hoặc xin ấn Đền Trần, vay trả Bà Chúa Kho, cầu cúng chỗ nọ chỗ kia từ gốc đa cho đến mép ruộng, từ nơi riêng tư đến nơi công công cộng. Hàng năm, chỉ riêng việc chính phủ và các tỉnh phải nhắc đi nhắc lại việc cấm cán bộ mang xe công đi chùa, đi lễ đền nọ phủ kia đã chứng minh điều đó.
Mặt khác, ai cũng thấy một điều này, đó là mọi đảng viên khi vào đảng đều giơ tay thế rất cao hứng rằng: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị…”. Còn Cương lĩnh chính trị của đảng thì ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng” và nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lenin là vô thần, duy vật. Thế nhưng, ngay cả những nhân vật cao cấp nhất của đảng như Trần Đại Quang, khi chết đã lôi hàng trăm sư quốc doanh cầu siêu niệm chú nhằm được “siêu thoát” mà không chịu đi theo “Cụ Các Mác, cụ Lenin” như Hồ Chí Minh. Hoặc Nguyễn Bá Thanh, trước khi chết là một người Cộng sản bất chấp tội ác với người dân, nhưng khi chết mới lòi ra một pháp danh và cầu cúng linh đình hẳn hoi, công khai.
Thế rồi từ bí mật, những người cộng sản đã thi nhau lập đền thờ từ văn phòng công sở cho đến Phủ chủ tịch, văn phòng Trung ương Đảng.
Tất cả những điều đó được bao biện rằng đó là “ý nguyện của mọi người trong cơ quan”, đoàn thể… điều này cũng na ná như cái mà Bộ chính trị nói rằng: “Thể theo nguyện vọng của tất cả quần chúng nhân dân”, nên đảng đã quyết tâm đi ngược lại lời dặn trong di chúc của Hồ Chí Minh để không hòa táng hay chôn xác ông ta. Mặc dù nhân dân chẳng bao giờ được hỏi một nửa câu và ông ta vẫn muốn thiêu hoặc chôn xác mình để theo tín ngưỡng dân gian thì “sẽ được siêu thoát” nhưng đảng không đồng ý.
Tạm kết
Việc nhiều cơ quan công quyền, nhiều trụ sở của nhà nước bị biến thành nơi thờ tự, nơi cầu cúng, nơi thỏa mãn nhu cầu mê tín dị đoan của một số cá nhân có chức có quyền tại các cơ quan nhà nước là một hiện tượng không chỉ bây giờ mà cả hàng chục năm trước đã diễn ra.
Thế rồi sau đó có nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện cái gọi là Văn hóa Công sở… chỉ là việc nước đổ lá môn.
Nhiều cơ quan, từ lén lút đến công khai vẫn cứ tiến hành những việc biến nơi công sở thành nơi thờ cúng, thực hiện mê tín dị đoan và thể hiện sự coi thường chính các cơ quan cấp trên. Oái oăm thay, đây chính là những cơ quan công quyền và họ đều là những đảng viên có chức, có quyền mới có thể ngang nhiên tự tung tự tác làm những việc mà những thường dân có muốn cũng chẳng cách nào làm được.
Ngoài việc biến những không gian công sở được đầu tư bằng tiền dân với cả hàng tỷ đồng đầu tư thành nơi hoạt động mê tín dị đoan trái pháp luật và đi ngược lại tư tưởng, chủ trương của đảng, phỉ báng Hồ Chí Minh. Hành động đó còn là sự coi thường tính mạng người dân ở những nơi, những chỗ mà những học sinh bé bỏng phải phơi mình giữa giá rét để ngồi học bài với chiếc áo mong manh bốn bề trống hoác. Đó là sự xa hoa, lãng phí những đồng tiền máu xương, mồ hôi nước mắt của người dân đã đóng những đồng thuế để xây nên những ngôi nhà khang trang cho họ tùy nghi sử dụng.
Và trên hết, nó nói lên những điều không thể chối cãi sau đây:
Ngày 26/2/2021
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Người Việt Nam chờ được mua vàng để cầu may mắn và thịnh vượng trong ngày Thần Tài 21/2/2021, nhằm mùng 10 Tết âm lịch. Ảnh chụp ở Hà Nội. |
Mua vàng ngày vía Thần tài
Theo quan niệm dân gian, ngày 10 tháng giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài. Thần Tài là vị thần chuyên quản tài - phúc - phú - quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho mọi người. Người ta tin rằng mua vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm. Từ đó, người dân thường đổ xô đi mua vàng, dẫn đến tình trạng giá vàng bị đẩy lên cao, rồi lại hạ đột ngột vào cuối ngày.
Thống kê từ tạp chí Tài chính Việt Nam đã ghi nhận mức kỷ lục vào hôm 17 tháng hai, tức mùng sáu Tết Tân Sửu, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân giá vàng tăng sớm như vậy được nói là do tâm lý e ngại chen lấn đông đúc trong bối cảnh dịch COVID- 19, nên người dân đã bắt đầu đi mua vàng sớm hơn thường lệ.
Vì sao người dân sẵn sàng bỏ tiền ra mua vàng giá cao hơn bình thường như vậy? Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định:
“Tôi nghĩ cái câu chuyện Thần Tài nó mới được dựng lên cách đây khoảng một chục năm thôi, chứ không có thần nào mà phù hộ cho mình nếu mình mua vàng vào ngày của ổng. Hình như mấy ông kinh doanh vàng dựng lên câu chuyện mua vàng ngày Thần Tài để bán vàng. Rõ ràng giá vàng lên cao vào ngày Thần Tài và sau đó nó xuống lại.
Người mua chỉ nghĩ đến phúc lợi ông Thần Tài mang lại chứ không nghĩ đến cái thua thiệt về vấn đề tài chính. Người Việt Nam mê tín dị đoan lắm. Ngày lễ tết, nhiều người mua những loại tiền giấy mệnh giá thấp rồi thả vào những chỗ miếu, đền linh thiêng. Họ tin rằng họ thả tiền như vậy thì Trời Phật sẽ phù hộ cho họ.”
Tính trong dịp vía Thần Tài từ khoảng mùng tám Tết đến nay, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 850.000 đồng/lượng. Như vậy, chỉ sau một ngày, người mua vàng may mắn ngày vía Thần Tài đã phải chịu lỗ khoảng 850.000 - 900.000 đồng/lượng nếu cần tiền phải bán vàng.
Theo lãnh đạo các công ty kinh doanh vàng, khách hàng có tâm lý mua vàng để đón lộc cho cả năm nên không để ý đến giá.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương cho rằng, nhiều người Việt Nam tin vào những giải thích mơ hồ, không có cơ sở. Nhưng vì cuộc sống thực tại không ổn định về tài chính nên họ đành cầu may, kiểu ‘có kiêng có lành’. Họ thấy người ta chen nhau đi mua vàng thì họ cũng mua, và cứ thế lan truyền theo hiệu ứng đám đông từ lúc nào họ cũng không biết. Bà nói:
“Tôi nghĩ đây một phần là tâm lý đám đông thích kiếm tiền theo hình thức mạo hiểm. Đây là một hình thức bỏ tiền ra cầu may nên lỗ, lãi họ không quan tâm.
Trong một xã hội mà cuộc sống bấp bênh, người ta lo lắng nên họ chấp nhận đầu tư rủi ro. Đó là một khía cạnh. Một khía cạnh nữa là họ ham làm giàu nhanh chóng. Thêm vào đó là những người muốn có một số vốn kinh doanh thì họ theo những gì đám đông đang làm. Ai làm sao thì họ làm vậy.”
Tôi nghĩ cái câu chuyện Thần Tài nó mới được dựng lên cách đây khoảng một chục năm thôi, chứ không có thần nào mà phù hộ cho mình nếu mình mua vàng vào ngày của ổng. Hình như mấy ông kinh doanh vàng dựng lên câu chuyện mua vàng ngày Thần Tài để bán vàng. Rõ ràng giá vàng lên cao vào ngày Thần Tài và sau đó nó xuống lại. |
---|
TS Nguyễn Trí Hiếu |
Truyền thông trong nước dẫn lại con số của một vài cửa hàng kinh doanh vàng trong ngày Thần Tài như sau:
Tại công ty cổ phần Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ), sức mua dịp ngày Thần Tài tăng khoảng 20% do khách đã bắt đầu mua từ mùng 7 Tết; 2.500 bộ 3 miếng vàng Xuân Phú Quý tung ra thị trường dịp ngày Thần Tài đã bán gần hết trước ngày mùng 10. Tại công ty TNHH Một thành viên vàng bạc Đá quí ngân hàng Sacombank (SBJ), lượng khách đặt sản phẩm vàng qua các kênh online với doanh số cao, tính đến hết buổi sáng, doanh thu trong dịp ngày Thần Tài đã tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Tại các trung tâm của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hàng trăm nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường.
Anh Minh từ Sài Gòn cho biết, anh không tin vào những may mắn từ các vị thần vì nó không có cơ sở khoa học. Do đó anh không mua một phân vàng nào vào ngày Thần Tài cả. Anh nói:
“Vụ mua vàng đầu năm thì nói thật là mấy chục năm trước người dân còn nghèo nên những lễ nghĩa cũng bị chìm lắng. Sau này cuộc sống thay đổi, làm ăn khấm khá hơn, có tiền hơn thì người Việt Nam có tâm lý ‘phú quý sinh lễ nghĩa’. Do đó những người tin vào tâm linh, nhưng lại rơi vào tâm trạng khác là ồ ạt đi mua vàng trong một ngày thì rõ ràng vàng phải tăng giá thôi.
Có nghĩa là họ chấp nhận giá mắc rất nhiều lần để mong đạt ước nguyện, hoài bão là sẽ khấm khá hơn. Mặc dù nó rất mơ hồ nhưng nó lại phản ảnh cái tâm lý của họ là mong ước một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn. Đó cũng là mong ước chính đáng, không trách họ được.”
Phong trào đào tiền ảo Pi
Đồng Bitcoin. Reuters |
Thời gian gần đây, phong trào đào tiền ảo Pi rộ lên ở Việt Nam. Không khó để thấy người Việt Nam quan tâm đến đồng Pi đang lớn mạnh như thế nào. Trên mạng xã hội Facebook có nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích kêu gọi mọi người tham gia Pi Network cũng như chia sẻ kiến thức và cách đào loại tiền này trên điện thoại.
Ngoài phạm vi hội nhóm, nhiều tài khoản Facebook cũng giới thiệu Pi Network đến với bạn bè, người thân kèm theo mã mời (Invitation Code) của mình. Họ có chung niềm hy vọng làm giàu bằng hình thức khai thác tiền mã hóa.
Song song đó cũng có nhiều bài viết trên báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội cảnh báo những được và mất khi tham gia đào những đồng tiền này.
Với ưu thế dễ khai thác bằng smartphone mà không cần kết nối mạng, tiền mã hóa Pi đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng đào tiền điện tử trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Anh Minh cho rằng, chuyện đào tiền ảo ít nhiều mang tâm lý đám đông, bởi đi đâu cũng nghe người ta nói với nhau về việc đào tiền miễn phí, chỉ có được chứ chẳng mất gì. Bản thân anh thận trọng hơn. Theo anh, không biết rõ về nó thì tốt nhất là không chơi. Anh nói thêm:
“Quan điểm của tôi là không theo tâm lý đám đông. Thứ hai nữa, tiền ảo là những gì rất mơ hồ mà mình không nhìn thấy cụ thể nên mình không dính vào.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói về những đồng tiền kỹ thuật số:
“Không những tiền Bitcoin, nhiều người vẫn chạy theo đồng tiền kỹ thuật số, cryptocurrencies, mà trong chứng khoán cũng vậy. Cái hiện tượng chạy theo người khác, thấy người ta mua mình cũng vào hùa mua, như mua vàng ngày Thần Tài cũng thế. Họ theo đám đông. Cái tâm lý mua theo đám đông, tâm lý gọi là ‘bầy đàn’ nó còn rất nặng nề ở Việt Nam.
Cho đến giờ này thì những đồng tiền cryptocurrencies nó ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ nó không ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ nhiều, vì hiện tại Việt Nam vẫn cấm dùng những đồng tiền kỹ thuật số để mua bán. Tức không được dùng như phương tiện thanh toán (means of payment). Thế nhưng không ai cấm việc mua những đồng tiền đó từ người này người kia, hoặc chuyển nhượng, trao đổi.”
Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản chất ý kiến đó như thế nào.
Tin, bài liên quan
Thái Hạo
21-2-2021
Người Việt có tục thờ thần tài, theo thời gian “phong trào” này ngày một nở rộ và sinh ra lắm biến thể, góp phần làm thành một bức tranh tín ngưỡng đậm màu mê tín.
Thần Tài là ai?
Phạm Lãi là danh sĩ thời Xuân thu Chiến quốc. Là người thông tuệ, học thức và có vai trò quan trong giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Sau khi Việt Vương trở thành bá chủ thời hậu Xuân Thu, Phạm Lãi thoái lui đi đến nước Tề khai hoang buôn bán. Nhờ sự thông minh, trí tuệ hơn người ông trở thành đại phú. Ông là người trọng nghĩa khinh tài, tiền của làm ra mang đi bố thí, ông được người đời tôn làm Thiên tài Tinh quân (Nam lộ Tài thần), và thờ ông với tên gọi Thần Tài như ta vẫn dùng đến ngày nay (có thể tra cứu từ nhiều tư liệu phong phú trên internet).
Như vậy, Thần Tài có nguồn gốc Trung Hoa. Và thờ Thần Tài là việc chuyên chở tinh thần BIẾT ƠN một người rộng lượng đã luôn sẵn sàng xả bỏ tài sản để cứu giúp người khác mà không hề so đo toan tính; đồng thời là một cách nhắc nhở chính mình về việc HÀNH THIỆN giúp người. Thờ Thần Tài, ban đầu mang một ý nghĩa giáo dục tích cực như thế; nhưng theo thời gian, người ta đã quên mất cái “dụng ý” ban đầu ấy, và chuyển sang mưu cầu. Thờ cúng lúc này đã dựng Thần Tài lên thành một ông thần có năng lức ban phát tiền vàng của cải, và sự cầu xin chính là tâm thế duy nhất của ngày 10.1 (âm lịch) ngày nay.
Từ một giá trị ban đầu, lòng tham đã biến một nghi lễ giàu tính nhân văn thành một hành vi mê tín dị đoan; từ một cách tự giáo dục đã trở nên một sự sa đọa điển hình của tinh thần.
Nếu trong trời đất này có một ông thần nào như thế thì ông ta đích thị là kẻ chẳng ra gì. Đó sẽ là điển hình của một ông quan thích ăn hối lộ và đầy thói thiên vị. Một kẻ mà ai cúi lạy và mang quà tới cùng những lời đường mật thì sẽ được ban tiền vàng, ai không nhớ tới thì bị lãng quên hay bị trừng phạt thì đạo lý ở đâu? Quy luật của thiên nhiên hóa ra là thứ tầm phào?
Của cải và sự giàu có, ban đầu phải đến từ lao động và trí tuệ của con người, không thể khác được. Đó là một thứ nhân – quả, là đạo của tự nhiên. Nó nhắc ta tự lực, tự tin, tự chủ.
Theo Phật giáo, bố thí (sự chia sẻ vô tư) có 3 loại: tài thí (cho đi tiền của), pháp thí (cho đi sự hiểu biết) và vô úy thí (cho đi sự an ổn). Bố thí của cải thì được giàu sang, bố thí sự hiểu biết thì được trí tuệ, bố thí sự an ổn thì được hạnh phúc, luật nhân quả là như thế. Tóm lại, dù nhìn ở góc độ thế gian hay Phật pháp thì sự giàu có vẫn là kết quả của chính hành động nơi bản thân mỗi người. Mục đích cao nhất của nó là làm làm lợi mình- lợi người để cùng tạo lập một cộng đồng nhân ái và hạnh phúc.
Thờ Thần Tài đã đi vào tình trạng u mê. Nó là biểu hiện của tệ sùng bái vật chất, thờ “thần tài” đang chính là thờ “Tiền”. Tiền trở thành giáo chủ của “tôn giáo Thần tài”, người ta chỉ còn một niềm tin ấy, tin vào tiền bạc. Từ thờ Thần Tài, đến dùng mọi thủ đoạn để có được tiền chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh, đôi khi vô hình. Như thế, “thờ Thần tài” không những không có được tiền mà còn là nguồn cơn sâu xa của nhiều khổ đau trong đời sống và xã hội.
Chỉ có tôn thờ trí tuệ, lòng từ ái và tinh thần dũng cảm mới mang lại hạnh phúc thật sự cho con người. Trong bối cảnh xã hội VN chuyên chế này, chỉ có thờ CÔNG LÝ và sẵn sàng tranh đấu cho công lý mới là kẻ có lý trí tỉnh táo.