Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Liên Hiệp Quốc báo động khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương với danh nghĩa « trường đào tạo nghề ». AFP/File |
Hôm 30/09/2020 Hoa Kỳ xác định Trung Quốc là điểm nóng toàn cầu về hàng hóa do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất. Đây là mối quan tâm ngày càng lớn về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố danh sách được cập nhật hai năm một lần, về các loại hàng hóa được cho là do trẻ em bị cưỡng bức lao động làm ra. Trong danh mục này có 17 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, từ găng tay cho đến các đồ vật trang trí mùa Giáng Sinh.
Tổng cộng danh sách năm nay có 155 mặt hàng từ 77 nước, trong có có hơn 20 mặt hàng mới được thêm vào như lá Khát của Ethiopia được dùng như chất kích thích, và cá do các đội tàu Đài Loan đánh bắt xa bờ khai thác.
Bộ trưởng Lao Động Eugene Scalia nói với báo chí : « Tất cả những lạm dụng được nêu ra trong báo cáo này đều đáng ngại, nhưng đặc biệt có một quốc gia nổi bật nhất. Trung Quốc vượt xa tất cả các nước khác về các sản phẩm do người bị cưỡng bức lao động làm ra ».
Tài khoản Twitter của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 01/10/2020 nhấn mạnh câu nói của ngoại trưởng Mike Pompeo : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc thực sự là một mối đe dọa ».
Trước đó hôm 14/09, Mỹ đã cấm nhập các mặt hàng bông vải, quần áo, sản phẩm từ tóc, linh kiện máy tính do một số « trung tâm huấn nghệ » đặt tại Tân Cương sản xuất.
Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương với danh nghĩa « trường đào tạo nghề ».
Robert McFarlane, Cố vấn An ninh quốc gia của TT Reagan, Stephen Hadley, Cố vấn An ninh quốc gia của TT George W. Bush (giữa), và Richard Allen, Cố vấn An ninh quốc gia của TT Reagan. |
Bà Albright đồng ý với nhận định của ông Hadley về Trung Quốc, nhưng bất đồng với ông về vai trò của chính quyền Tổng thống Trump, mà ông Hadley cho là đã có công nâng cao nhận thức trong giới tinh hoa của nước Mỹ cũng như trong dân chúng, về thách thức do Trung Quốc đặt ra.
“Tôi không đồng ý,” bà Albright nói. “Chính Trung Quốc đã làm điều đó.”
Ngoài điểm bất đồng đó, cả hai chính khách lão làng đều cổ võ cho những hướng tiếp cận tương tự để đối mặt với các thách thức to lớn về chính sách đối ngoại, dù là từ Trung Quốc, Nga hay các nước Trung Đông. Hai cựu quan chức Mỹ đều đồng ý rằng tân chính phủ do ông Biden lãnh đạo cần có một chiến lược toàn diện để bao gồm tất cả những vấn đề nổi cộm nhất trong quan hệ với mỗi nước đối tác.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hadley nói có một chiến lược hữu hiệu để đối phó với các nước đối nghịch. Chiến lược đó bao gồm xác định những lĩnh vực hợp tác, bảo vệ các giá trị Mỹ, và duy trì các đường dây liên lạc có thể được sử dụng để tránh chiến tranh xảy ra.
Ông Hadley nhận định hiện nay Hoa Kỳ ít liên lạc với Nga, nhưng điều quan trọng là phải có những cơ chế để quản lý những liên lạc giữa hai nước hầu tránh xảy ra xung đột. Điều đầu tiên phải làm là dàn xếp một cuộc đối thoại chiến lược về vũ khí hạt nhân.
Bà Albright cũng nhắc tới hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân NEW START với Nga, có thể đáo hạn trong năm tới. Bà nói để cho hiệp định này hết hạn sẽ là một sai lầm.
Cả ông Hadley và bà Albright đều đồng ý là cần phải củng cố các quan hệ với các đồng minh của Mỹ, vì đây là một bước quan trọng để đối phó với những thách thức do các nước thù nghịch đặt ra.
Thách thức từ Trung Quốc
Kinh tế và Thương mại
Các vấn đề kinh tế và thương mại nằm ở trọng tâm của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Hadley nói.
Hoa Kỳ chiếm tới 25% GDP của thế giới, nhưng muốn thương thuyết với Trung Quốc, Hoa Kỳ cần sự hậu thuẫn của các đồng minh vì cộng lại liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ chiếm tới 60% GDP thế giới, và ở vị thế mạnh mẽ hơn để thương thuyết với Trung Quốc.
Nhưng chính sách đối ngoại không chỉ giới hạn trong các tương tác với các nước khác, theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hadley, muốn cạnh tranh với Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự, chính phủ Mỹ cần đầu tư vào cấu trúc hạ tầng, công nghệ và giáo dục ở trong nước.
Một phần trong các đầu tư vào lĩnh vực giáo dục phải bao gồm một nỗ lực để giúp người Mỹ hiểu được chính sách đối ngoại sẽ ảnh hưởng tới họ như thế nào, ông Hadley nói. Theo ông, các vấn đề nội bộ và các vấn đề quốc tế đan xen với nhau hơn bao giờ hết.
Nhân quyền
Cựu Ngoại trưởng Albright nói Trung Quốc là nước đối nghịch với Mỹ và cần được đối xử như vậy. Bà nói cần nêu lên các hành động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc giam cầm ít nhất 1 triệu người Uighur trong các trại tập trung, ngoài ra Mỹ cần phải có hành động chống lại việc Bắc Kinh thẳng tay đàn áp và tìm cách tiêu diệt phong trào thân dân chủ ở Hong Kong.
Bà Albright nói:
“Tôi có mặt ở Hong Kong khi vùng lãnh thổ này được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Và có những thỏa thuận mà Trung Quốc bây giờ không thi hành.”
Biển Đông
Như VOA đã đưa tin, tờ South China Morning Post trích lời các chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ nói rằng một chính quyền Mỹ do ông Biden lãnh đạo cũng sẽ cứng rắn với Trung Quốc không kém gì chính quyền Tổng Thống Trump, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
Không những vậy, dưới quyền ông Biden, Washington còn có thể tập hợp các đồng minh khác để tăng cường hậu thuẫn cho các nước nhỏ hơn để kháng cự lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, như ngăn cấm các nước láng giềng yếu hơn khai thác các tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền, ngay cả trên thềm lục địa của họ, hay cấm các nước này đánh bắt cá và có hoạt động kinh tế khác trên Biển Đông.”
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, nói: “Xét quá trình của ông Biden là một nhà lập pháp lão thành, chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng cường hợp tác đa phương nhằm tăng sức ép để giải quyết các vấn đề trên toàn cầu.”
Các hoạt động ngoại giao
Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thực hiện cho thấy hơn 54% người Mỹ coi Trung Quốc là nước đặt ra thách thức lớn nhất cho Hoa Kỳ. Riêng về mặt ngoại giao, trong những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động để thu phục các nước từ Châu Á, sang Châu Phi, sang tới Châu âu, trong khi nước Mỹ có dấu hiệu thu mình lại, rút ra khỏi các hiệp định quốc tế như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận về biến đổi khí hậu ở Paris, vv… và từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã đề nghị cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao, đồng thời bỏ trống nhiều vị trí trong ngành ngoại giao, ngay cả tại những khu vực quan trọng về mặt chiến lược đối với nước Mỹ.
Năm 2017, Hoa Kỳ có tất cả 274 vị trí trong ngành ngoại giao, nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới.
Theo một bài báo trên Commonwealth Magazine của Đài Loan đăng ngày 1/12/2020, thì Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống do Hoa Kỳ để lại để tăng cường các hoạt động ngoại giao. Năm 2017, Trung Quốc có 271 vị trí ngoại giao, sau Hoa Kỳ.
Nhưng năm sau, 2018, Trung Quốc đã dùng ngân sách viện trợ khổng lồ của mình để thuyết phục các đồng minh của Đài Loan từ bỏ đảo quốc này để quay sang thiết lập bang giao với Trung Quốc. Kết quả là nội trong 3 tháng năm 2018, Trung Quốc đã giành được 3 đồng minh từ tay Đài Loan: Cộng hòa Dominica, Burkina Faso và El Salvador.
Ngoài ra, Trung Quốc mở thêm các tòa lãnh sự ở Davao- Philippines, thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, và thành phố Kazan ở Nga, và như thế, mạng lưới ngoại giao của Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ về mặt số lượng, để trở thành nước có mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới.
Chỉ số ngoại giao toàn cầu (Global Diplomacy Index) năm 2019 do viện nghiên cứu Lowy Institute ở Úc công bố vào tháng 11/2019 cho thấy lần đầu tiên, Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới.
Mỹ cần vận động châu Âu tăng sức ép lên Trung Quốc, tạo ra trật tự mới
Theo giới phân tích, các quan hệ với Châu chắc chắn sẽ thân thiện hơn dưới quyền Tổng thống Biden. Chính phủ Biden phải tăng cường vận động sự ủng hộ của châu Âu để thực hiện các mục tiêu của Mỹ, kể cả tăng sức ép lên Trung Quốc trước tình trạng nước này ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trên thế giới.
Ông Anthony Gardner, một cố vấn của chiến dịch tranh cử của ông Biden tại châu Âu, nói rằng EU và Hoa Kỳ cần phải hợp tác chống lại chính sách thương mại "không công bằng" của Trung Quốc, gây tổn hại cho các doanh nghiệp từ Mỹ cho tới châu Âu.
Ông Gardner là cựu đại sứ Mỹ tại châu Âu từ 2014-2017, ông dẫn nguồn từ IMF, nói:
“Theo tôi, Trung Quốc rất sợ Liên hiệp châu Âu đứng về một phe với Hoa Kỳ liên quan tới các vấn đề thương mại với Trung Quốc, bởi vì EU là một khối kinh tế lớn, về mặt GDP- Tổng sản phẩm quốc nội, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.”
Tờ Financial Times đơn cử một dự thảo chính sách của EU nói rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu dự định kêu gọi Hoa Kỳ hãy nắm lấy “cơ hội nghìn năm một thuở” để bỏ qua những căng thẳng hiện tại hầu có thể thiết lập một liên minh toàn cầu có khả năng đối phó với “thách thức chiến lược” do Trung Quốc đặt ra.
GETTY IMAGES. Giới trẻ đánh dấu kỷ niệm 31 năm vụ trấn áp Quảng trường Thiên An Môn năm 2020 |
Các công tố viên Hoa Kỳ đã buộc tội một cựu giám đốc điều hành của Zoom vì đã làm gián đoạn các cuộc họp video đánh dấu kỷ niệm cuộc đàn áp biểu tình sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 nhân danh chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Zoom tại Trung Quốc, Xinjiang Jin, bị cáo buộc đã giúp chấm dứt ít nhất bốn cuộc họp video vào tháng Năm và tháng Sáu, do những người đang sống tại Mỹ tổ chức.
Lệnh bắt giữ Xinjiang Jin được ban hành.
Zoom cho biết họ đang hợp tác với giới chức. Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.
GETTY IMAGE |
Công ty Zoom có trụ sở tại California cho biết họ đã "chấm dứt hợp đồng" người này vì vi phạm các chính sách của công ty, và đã "cho các nhân viên khác nghỉ hành chính trong khi chờ kết thúc" cuộc điều tra nội bộ.
Các cuộc thảo luận công khai về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và việc đàn áp chúng là điều hoàn toàn bị cấm kỵ ở Trung Quốc.
Một tuyên bố từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Kim Hân Cương (Jin Xinjiang), còn được gọi là Julien Jin, đã bị buộc tội "âm mưu quấy rối liên quốc gia và âm mưu chuyển giao phương tiện nhận dạng bất hợp pháp".
Các công tố viên nói rằng từ tháng 1/2019, ông ta đã âm mưu "kiểm duyệt bài phát biểu chính trị và tôn giáo của các cá nhân ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới theo chỉ đạo và dưới sự kiểm soát của các quan chức" trong chính phủ Trung Quốc.
Trong số các hành động được thực hiện nhân danh chính phủ Trung Quốc, các công tố viên cáo buộc rằng người đàn ông 39 tuổi này và những người khác đã chấm dứt ít nhất bốn cuộc họp kỷ niệm 31 năm cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, một số cuộc họp có sự tham gia của những người bất đồng chính kiến đã tham gia vào các cuộc biểu tình năm 1989 và sống sót.
GETTY IMAGES. Trụ sở chính của Zoom ở California |
Họ cáo buộc rằng ông ta bịa đặt các vi phạm điều khoản dịch vụ của Zoom để biện minh cho hành động của mình với cấp trên.
"Jin sẵn sàng phạm tội và tìm cách đánh lừa những người khác trong công ty, để giúp chính quyền [Trung Quốc] kiểm duyệt và trừng phạt bài phát biểu chính trị quan trọng của người dùng Hoa Kỳ chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ", Luật sư Hoa Kỳ Seth DuCharme ở Brooklyn cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố, nhà chức trách Trung Quốc "lợi dụng thông tin do Jin cung cấp để trả đũa và đe dọa những người tham gia" hiện cư trú tại Trung Quốc hoặc thành viên gia đình của những người tham gia đang sống tại đây.
Tuyên bố không đề cập đến tên của Zoom, nhưng công ty Zoom xác nhận rằng nhân viên cũ của họ đã bị buộc tội.
"Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã biết rằng cựu nhân viên ở Trung Quốc bị buộc tội hôm nay đã vi phạm các chính sách của Zoom bằng cách cố gắng phá vỡ một số biện pháp kiểm soát truy cập nội bộ", thông cáo của Zoom cho biết.
"Chúng tôi cũng được biết rằng cựu nhân viên này đã có những hành động dẫn đến việc chấm dứt một số cuộc họp và tài khoản, đồng thời chia sẻ hoặc chỉ đạo việc chia sẻ một lượng hạn chế dữ liệu người dùng cá nhân với chính quyền Trung Quốc."
Ông Jin đang sống ở Trung Quốc và không bị Hoa Kỳ giam giữ. Ông phải đối mặt với án tù 10 năm.
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4/1989 và bắt đầu cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc cộng sản,kéo dài sáu tuần, với hàng triệu người tham gia.
Vào đêm ngày 3/6, xe tăng tiến vào và quân đội nổ súng, giết chết và làm bị thương nhiều người không có vũ khí trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.
Sau đó, giới chức Trung Quốc tuyên bố không có ai bị bắn chết trong quảng trường. Ước tính số người thiệt mạng trong cuộc đàn áp từ vài trăm đến vài nghìn.
Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra con số chính thức về số người chết.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D trong cuộc diễu binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2015. AP - Andy Wong |
Mỹ và Trung Quốc liệu có đang tiến gần đến kịch bản đọ sức về quân sự ? Lần đầu tiên, gần như cùng lúc, Bắc Kinh phô trương thanh thế của lực lượng hải quân dồn dập tập trận trên bốn mặt trận, Biển Đông, Hoàng Hải, Bột Hải và eo biển Đài Loan.
Theo giới phân tích đây là thông điệp rõ ràng thể hiện bất bình của Trung Quốc với Hoa Kỳ và nhất thái độ ngày càng thân thiện giữa Washington với chính quyền Đài Bắc.
Trong bài viết trên báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 25/08/2020, nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian, người thường xuyên cộng tác với các trung tâm nghiên cứu như CSIS hay CFR của Mỹ nhắc lại, tháng trước Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận vào lúc hải quân Hoa Kỳ cùng với Ấn Độ, Úc cũng có những hoạt động tương tự trong vùng Biển Philippines.
Đầu tháng 8/2020, đúng vào lúc bộ trưởng Y Tế Mỹ, Alex Azar đến Đài Bắc và được chính tổng thống Thái Anh Văn tiếp đón, cũng là lúc Trung Quốc huy động nhiều phương tiện quân sự cho một cuộc tập trận ngay tại eo biển Đài Loan.
Tình hình căng thêm một nấc khi quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Hải đồng thời mở một cuộc tập trận có thể kéo dài cho tới cuối tháng 9/2020 trong vịnh Bột Hải.
Còn đối với vùng biển được coi là nhậy cảm nhất hiện tại là Biển Đông, các hoạt động dồn dập được ghi nhật tại phía đông nam đảo Hải Nam và ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông ... Theo tác giả bài viết, tổng cộng có đến 6 cuộc diễn tập do Trung Quốc tiến hành tại các vùng biển có tranh chấp.
Nếu như giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng đây là các hoạt động "bình thường" không nhằm khiêu khích các nước láng giềng lân cận, thì ngược lại trong mắt các nhà phân tích quốc tế các động thái vừa nêu không hơn không kém nhằm phô trương trương sức mạnh của hải quân Trung Quốc cả về phương tiện lẫn nhân sự.
Về mặt chiến lược, Bắc Kinh có ít nhất ba lý do để diễu võ dương oai : Thứ nhất là hù dọa Đài Bắc và thuyết phục Mỹ giữ khoảng cách với Đài Loan mà Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Thứ hai là mạnh mẽ tỏ thái độ bất bình trước sự hiện diện ngày lớn của quân đội Mỹ trong khu vực mà Bắc Kinh luôn coi là sân sau của mình. Lý do thứ ba khiến Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận tại các vùng biển có tranh chấp chủ quyền, nhằm gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như với Philippines.
Tuần trước Manila gửi công hàm phản đối Trung Quốc "vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines" qua việc uy hiếp ngư dân Philippines đang hoạt động tại bãi cạn Scarborough. Richard Javad Heydarian cho rằng, hành động Trung Quốc ngày càng quá đáng đến nỗi, đặt tổng thống Philippines, vốn có lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh trong thế khó xử. Nhiều thành viên trong chính quyền Manila công khai đưa ra quan điểm trái ngược lại với lập trường của tổng thống Rodrigo Duterte.
Vào lúc nguyên thủ Philippines chủ trương cấm hải quân nước này tham gia tập trận chung với Mỹ thì bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzana mạnh mẽ lên án Bắc Kinh ỷ mạnh bắt chẹt các nước làng giềng nhỏ.
Chỉ huy hải quân nước này chuẩn đô đốc Giovanni Carlo Bacordo cho rằng Bắc Kinh cố tình khiêu khích Philippines với dụng ý đẩy Manila vào thế chẳng đặng đừng phải "rút súng ra trước" mà trên thế cờ trong khu vực hiện nay, vẫn theo viên tướng này, "kẻ bắn trước là kẻ thua".
Hành động gây chú ý mới nhất của Donald Trump chống lại Trung Quốc nhằm mục đích ngăn cường quốc châu Á thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 400 tỉ USD. Thế nhưng, hiệu quả của nó đang bị nghi ngờ theo điệp khúc ngày càng tăng ở Mỹ và các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc.
Mỹ thêm vào danh sách đen SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) cùng hơn 60 công ty Trung Quốc cùng ngành được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, tước bỏ các đầu vào của Mỹ từ phần mềm đến hóa chất cần thiết để sản xuất sản phẩm. Điều khoản quan trọng của hành động chống lại SMIC là hạn chế bán thiết bị và các mặt hàng khác được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến, một lĩnh vực mà các nhà cung cấp của Mỹ chiếm ưu thế.
Song trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross hôm 22.12, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Michael McCaul đã cảnh báo rằng “hành động này là hoàn toàn không hiệu quả" và không thể làm tê liệt việc Trung Quốc thúc đẩy chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Bộ đôi này lặp lại những lo ngại của các nhà lãnh đạo trong ngành và quan chức chính phủ, cho rằng Nhà Trắng nên làm nhiều hơn nữa để cản trở SMIC, một trong số các công ty đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc về việc thay thế sự thống trị của Mỹ ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chất bán dẫn. Được cho là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, khả năng sản xuất chất bán dẫn rất quan trọng với mọi thứ, từ trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu đến ô tô tự động, smartphone và hệ thống vũ khí tiên tiến.
Trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, Tổng thống Trump đang chuyển sang một số công cụ tương tự được triển khai chống lại Huawei. Những biện pháp đó đã thành công trong việc kìm hãm sự phát triển của Huawei, nhưng không thể làm suy yếu vị trí dẫn đầu của công ty này trong mạng 5G hoặc tiêu diệt bộ phận smartphone khổng lồ của họ.
Giống như hãng đồng hương, SMIC đã dự đoán hành động của Mỹ nên dự trữ nhiều hóa chất và nguyên liệu thô khác để giữ cho dây chuyền tiếp tục hoạt động trong 18 tháng, những người thân cận với công ty cho biết.
SMIC đã dự tính tăng ngân sách chi tiêu hai lần trong năm nay lên 6,7 tỉ USD trước khi thu hồi với lý do không chắc chắn về biện pháp trừng phạt của Mỹ.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng các quy tắc theo danh sách thực thể với SMIC sẽ hoàn toàn không hiệu quả trong việc giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia đang gia tăng này. Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng việc Cục Công nghiệp và An ninh đưa SMIC vào danh sách thực thể được thực hiện chỉ để phô trương”, Marco Rubio và Michael McCaul viết.
SMIC bị đưa vào danh sách đen quốc phòng và thương mại của Mỹ |
Trung Quốc từ lâu đã lo lắng chiến dịch phối hợp của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn sự phát triển vượt bậc về công nghệ và sẽ làm sụp đổ ngành công nghiệp chip đang phát triển nhanh chóng của nước này. Mỹ đã nhắm mục tiêu vào bộ phận HiSilicon bí mật của Huawei, trong khi SMIC đang vật lộn với các quy tắc được đưa ra vào đầu năm nay nhằm cắt đứt nguồn cung cấp cho quân đội Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc được cho đang chuẩn bị hỗ trợ rộng rãi cho chất bán dẫn thế hệ thứ ba và dành cùng một loại ưu tiên cho nỗ lực xây dựng năng lực nguyên tử của mình.
Các quan chức Nhà Trắng không phản hồi về việc liệu các biện pháp của Mỹ có quá hạn hẹp hay không.
Nhiều lần phủ nhận cung cấp sản phẩm cho Quân đội Giải phóng Nhân dân, đại diện SMIC từ chối bình luận ngoài tuyên bố trong tuần này rằng lệnh trừng phạt tác động bất lợi lớn cho các kế hoạch của họ.
Trong nội bộ công ty SMIC, các kỹ sư đang đua nhau đánh giá sự cố và tìm ra các giải pháp để đảm bảo thiết bị mà họ cần, giống như Huawei làm 2 năm trước.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ ngăn cản SMIC tiếp cận loại công nghệ dùng để sản xuất chất bán dẫn ở mức độ tiên tiến, tức từ 10 nanomét trở xuống. Theo ông Wilbur Ross, Bộ Thương mại Mỹ sẽ không để công nghệ hiện đại của Mỹ tiếp tay xây dựng quân đội đối thủ.
Dù vậy, SMIC có thể tái sử dụng 80% thiết bị thế hệ cũ để tạo ra các chip tiên tiến hơn, nhưng chiến thuật đó sẽ không duy trì sản xuất lâu dài và phụ thuộc nhiều vào việc Tổng thống đắc cử Joe Biden quyết định áp dụng các quy tắc này đến đâu.
Xiang Ligang, Tổng giám đốc công ty Information Consumption Alliance có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “SMIC đã có các thiết bị và vật liệu quan trọng cần thiết để tiếp tục sản xuất. Trước đây, Trung Quốc không quá nhạy cảm về những nút thắt công nghệ mà họ mắc phải. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh hoàn toàn nhận thức được thiệt hại có thể xảy ra và quyết tâm giải quyết những vấn đề này”.
Được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, SMIC sản xuất chip cho các tên tuổi toàn cầu từ Qualcomm đến Broadcom, nhưng dựa vào thiết bị của Mỹ cho lộ trình công nghệ dài hạn của mình. Dù các kỹ sư của SMIC có thể duy trì nghiên cứu và sản lượng trong thời gian ngắn, các biện pháp trừng phạt mới nhất về cơ bản đã đóng băng khả năng của họ trong khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Nếu chính quyền Biden sử dụng biện pháp này ở mức tối đa, SMIC có thể bị chặn khỏi công nghệ 7 nanomét hoặc tiên tiến hơn trong khi các đối thủ như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan) thống trị thị trường.
Dù quy tắc đó có vẻ gây khó khăn nhưng lại bỏ sót điểm rằng phần lớn thiết bị cần thiết cho công nghệ 10 nanomét hoặc tốt hơn đã được sử dụng trong việc sản xuất kém tiên tiến hơn. Điều này đồng nghĩa SMIC có thể đã có thiết bị cần thiết để duy trì các nhà máy hoạt động trong một thời gian. Marco Rubio và Michael McCcho rằng SMIC có thể tái sử dụng gần 95% các công cụ thế hệ cũ có sẵn.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Michael McCaul cho rằng Nhà Trắng nên làm nhiều hơn nữa để cản trở SMIC, công ty đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Trung Quốcvề việc thay thế sự thống trị của Mỹ ở nhiều lĩnh vực |
Cuộc tranh luận nêu bật khó khăn với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong việc lựa chọn một ngành công nghiệp kỹ thuật và toàn cầu hóa như vậy để lập các mục tiêu địa chính trị. Điều đó xảy ra sau hàng loạt các cuộc tấn công nhằm vào một số tên tuổi nổi tiếng nhất Trung Quốc với các mức độ thành công khác nhau. Thẩm phán Mỹ chặn các lệnh cấm TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent vào phút chót, còn cổ phiếu công ty giám sát video khổng lồ Hàng Châu Hikvision Digital Technology đã tăng 37% năm nay dù cùng với Huawei bị đưa vào danh sách thực thể.
Đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho chất bán dẫn và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Hai nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất chip của Mỹ như Applied Materials và KLA cùng các cơ sở sản xuất ở châu Á có thể lập luận rằng máy móc được sản xuất ở đó không thuộc quyền tài phán của Mỹ, dù quan chức thương mại cho biết các công ty xuất khẩu bộ phận được sản xuất bên ngoài Mỹ cho SMIC sẽ vẫn phải đối mặt với các hạn chế tùy thuộc vào bao nhiêu công nghệ của họ xuất xứ từ Mỹ.
Tính hợp pháp của kẽ hở đó dường như vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là khi các quan chức Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh cắt đứt các khách hàng Trung Quốc.
Một mối quan tâm khác là sự phức tạp cơ bản của ngành, có nghĩa là các nhà ra quyết định của Mỹ phải dựa vào chính các công ty để giải thích sự phức tạp sản phẩm của họ. Đó là một phần lý do tại sao quá trình nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để xin giấy phép xuất khẩu kéo dài.
Bertrand Loy, Giám đốc điều hành của Entegris và đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bán dẫn thế giới (SEMI), nói rằng vẫn chưa ai biết rõ các lệnh trừng phạt mới nhất sẽ diễn ra như thế nào. “Những sản phẩm được nhắm mục tiêu chính xác là không hoàn toàn rõ ràng”, ông chia sẻ với Bloomberg.
Trong lúc nước Mỹ đang căng sức vật lộn với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và một kỳ bầu cử căng thẳng nhất trong lịch sử, thì bên kia đại dương, Trung Quốc liên tục tung ra những tin tức “phấn khởi” về thành tích của nước này trong việc khống chế virus và phục hồi kinh tế, coi đó là ưu điểm nổi bật của chế độ Bắc Kinh so với các nền dân chủ tự do ở Châu Âu và Châu Mỹ. Thực chất câu chuyện này như thế nào?
Một quán bar ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trực tiếp bầu cử Mỹ hôm 3 Tháng Mười Một, 2020. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images) |
Mỹ – mùa Đông u ám
Đến cuối tuần qua, số tử vong vì dịch COVID-19 ở Mỹ đã vượt quá 300,000 người và chưa có dấu hiệu giảm. Một mùa Đông ảm đạm đang đến cho dù Mỹ đã chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tuần này loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và sắp phê chuẩn loại vaccine thứ hai do công ty Moderna Inc. bào chế.
Theo những dự báo lạc quan nhất thì cũng phải đến giữa năm 2021 mới có khoảng gần một nửa dân số Mỹ được tiêm vaccine, bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng và khống chế đại dịch về căn bản. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn đình trệ toàn bộ nền kinh tế, hàng chục triệu người bị mất việc làm đến mức gói cứu trợ $2,400 tỷ ban hành hồi cuối Tháng Ba chỉ như muối bỏ biển, Quốc Hội Mỹ phải tính tới khoản cứu trợ khác, nhiều ngàn tỷ nữa, nhưng bàn mãi chưa xong. Chưa biết bao giờ kinh tế Mỹ mới khởi sắc trở lại, hàng quán đông vui xôm tụ như… năm ngoái.
Cuộc bầu cử năm 2020 cũng lộn xộn chưa từng thấy. Hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận liên danh Joe Biden-Kamala Harris đắc cử tổng thống với 306 phiếu đại cử tri, chỉ còn phải trải qua thủ tục phê duyệt cuối cùng tại Quốc Hội Mỹ vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021, trước khi lễ tuyên thệ nhậm chức được tổ chức vào ngày 20 Tháng Giêng. Nhưng ông Trump và một phần trong số 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, vẫn vùng vẫy trong vô vọng, kéo dài suốt từ đêm bầu cử tới nay. May mắn là cuối cùng nền dân chủ và ý chí của người dân đã thắng thế, công cuộc tái thiết lại nước Mỹ sau một năm 2020 buồn thảm sắp bắt đầu.
Trước hai hiện tượng vô tiền khoáng hậu là đại dịch và cuộc bầu cử gây chia rẽ sâu sắc, rất nhiều người tỏ ra thất vọng, bi quan về tình hình nước Mỹ, về thể chế dân chủ và đi tới kết luận nước Mỹ đang xuống dốc!
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc
Trong khi đó Trung Quốc đang hí hửng cho rằng thành công trong việc khống chế đại dịch chứng tỏ mô hình quản trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản là ưu việt hơn; cho phép Bắc Kinh huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội, phong tỏa gắt gao nhiều thành phố và đặt toàn dân vào một kỷ luật sắt mà không một chế độ dân chủ nào làm được, không người dân nào dám phản đối.
Không chỉ kiểm soát được sự lây lan của dịch, Trung Quốc còn sớm bào chế được vaccine và tiêm chủng cho hàng triệu người – dù độ an toàn và hiệu quả của vaccine vẫn bị giới khoa học hoài nghi – và phục hồi được nền kinh tế, thậm chí trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có được mức tăng trưởng trong năm nay.
Ông Vương Tường Tuệ (Wang Xiangsui), một đại tá quân đội Trung Quốc về hưu giảng dạy đại học ở Bắc Kinh, quả quyết trên mạng YouTube: “Trong cuộc chiến chống đại dịch, có những cường quốc thắng và những kẻ thua. Chúng ta là cường quốc chiến thắng, trong khi Mỹ vẫn bị sa lầy và tôi nghĩ, có thể trở thành một cường quốc thất bại.”
Những nhận định như của ông Vương đầy trên báo chí, truyền hình và mạng xã hội Trung Quốc, tất cả nhằm khẳng định sự lãnh đạo của Chủ Tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản là yếu tố quyết định những thành công gần đây của Trung Quốc. Tất nhiên họ không bao giờ thừa nhận rằng Trung Quốc là một chế độ độc tài, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của hàng tỷ người dân chỉ để duy trì quyền lực của một thiểu số.
Câu chuyện về ưu điểm của chế độ Trung Quốc trước hết hướng tới khán thính giả trong nước, những người sống sau bức tường lửa chỉ được tiếp cận những thông tin mà nhà cầm quyền gạn lọc và cho phép. Nó nhằm khơi dậy và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, vừa củng cố tính chính danh cầm quyền của đảng Cộng Sản, vừa phục vụ cho mưu đồ bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng chính trị-kinh tế của Bắc Kinh.
Tuyên truyền của Trung Quốc thành công đến nỗi nhiều người trong giới trẻ nước này đã chuyển từ thái độ sùng bái, bắt chước Mỹ một cách đôi khi mù quáng, sang chê bai và thù địch Mỹ, cũng mù quáng không kém. Báo The New York Times dẫn trường hợp một họa sĩ trẻ Trung Quốc, Phạm Văn Nam (Fan Wennan) đã vẽ một loạt tranh theo kiểu phim khoa học viễn tưởng mô tả một tương lai khi Trung Quốc là bá chủ thế giới, nước Mỹ biến thành một Liên Minh Nhân Dân Hoa Kỳ, cờ đỏ phấp phới trên đường phố Manhattan New York, hình tượng búa liềm với những ngôi sao vàng trên nền đỏ thay cho hình tượng 50 ngôi sao trắng trên nền xanh tượng trưng cho liên bang Mỹ! “Muốn hiểu sự thay đổi của lịch sử, và cảm nhận hồi quang của kỷ nguyên đế quốc chủ nghĩa, hãy đến Bắc Mỹ,” bức tranh được chú thích như vậy trên trang ArtStation và “bốc lửa trên mạng xã hội Trung Quốc mấy tháng gần đây, phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc,” tờ báo nhận xét.
Ông Lý, một doanh nhân Trung Quốc tuổi 40, tâm sự: “Thành tích của phương Tây hoàn toàn nằm ngoài sự trông đợi của tôi và hơn thế nữa, làm thay đổi tư tưởng của tôi – dữ kiện chứng tỏ rằng hệ thống của Mỹ thật sự không có gì ưu việt,” theo The New York Times.
Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư về quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhận xét: “Trước đây phần lớn dân chúng Trung Quốc rất thán phục nước Mỹ nhưng trong vài năm gần đây, càng ngày họ càng thấy rõ những lợi thế của hệ thống Trung Quốc. Họ có niềm tự tin lớn hơn.”
Độc tài ưu việt hơn dân chủ?
Bài học chống dịch còn được lãnh đạo Bắc Kinh tích cực truyền bá tới các quốc gia khác, khích lệ họ đi theo con đường độc tài toàn trị lấy Trung Quốc làm mẫu mực. Mới đây Trung Quốc đã tổ chức khóa học trực tuyến hai ngày cho lãnh đạo hàng chục quốc gia Châu Á-Châu Phi để “xuất cảng tư tưởng Tập Cận Bình,” quảng bá thành công của Trung Quốc, theo tường thuật của báo The Economist.
Đáng chú ý là niềm tin vào sức mạnh và ưu thế của mô hình Trung Quốc đã làm thay đổi cả nền ngoại giao của nước này, trở về với thời cổ xưa khi Trung Quốc là “vương quốc trung tâm” chi phối các lân bang là các “chư hầu” phải thường xuyên triều cống và phục tùng. Từ khi đại dịch bùng phát, người ta thấy các nhân viên ngoại giao Trung Quốc ngày càng hung hăng, sẵn sàng “đánh trả” các chính phủ phương Tây đôi khi bằng những ngôn từ xấc xược sặc mùi chợ búa.
Cốt lõi của tất cả những hiện tượng này là quan niệm của giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản Trung Quốc về “sự suy thoái” không thể tránh khỏi của Hoa Kỳ và đà đi lên không thể ngăn chặn của Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, những chính sách thù nghịch của Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump chỉ là phản ứng của một kẻ thất thế, tìm mọi cách để ngăn chặn đà tiến của một cường quốc đang lên mà thôi.
Mỗi lần ra khỏi bất ổn Mỹ lại mạnh mẽ hơn
Quả thật nước Mỹ đang trong cơn hoạn nạn. Ông Biden thừa kế một đất nước chia rẽ sâu sắc, một đại dịch đang hoành hành, nợ công cao ngất ngưởng, một nền dân chủ suýt bị thủ tiêu và một vị thế toàn cầu đã suy yếu. Những vấn đề từ thời trước khi ông Trump lên vẫn còn đó: công nghiệp chế tạo teo tóp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng và tầng lớp trung lưu bất mãn với giới chính trị gia tháp ngà, xa rời cuộc sống của đại đa số.
Nhưng hãy còn quá sớm để khẳng định chế độ dân chủ tự do của Mỹ đã thất bại, Mỹ đang xuống dốc và trở thành một nước “thế giới thứ ba” như ý kiến của các bình luận gia bi quan. “Trong vài thập niên tới nước Mỹ sẽ giống như một nước đang phát triển,” bình luận viên Noah Smith của Bloomberg nhận xét. Giáo Sư Michael Lind, Đại Học Texas ở Austin, cảnh báo Mỹ sẽ biến thành “một phiên bản nói tiếng Anh của một Cộng Hòa Châu Mỹ La Tinh có nền kinh tế dựa vào tài nguyên, bất động sản, du lịch và trốn thuế xuyên quốc gia!”
Có thật vậy không? Nhìn về lịch sử, trong thế kỷ 20 nước Mỹ đã không ít lần tưởng như rơi vào suy thoái: cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1930, sự kiện Liên Xô vượt lên khi phòng thành công Sputnik – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất, những bất ổn chính trị và xã hội suốt thập niên 1960-1970 cùng với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khủng hoảng tài chính 2008… Nhưng những cuộc khủng hoảng như vậy đã không làm nước Mỹ sụp đổ mà ngược lại, mỗi lần ra khỏi bất ổn nước Mỹ lại mạnh mẽ hơn.
Cuộc Đại Khủng Hoảng 1930 đã khai sinh chương trình New Deal định hình lại nền kinh tế Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt; vụ Sputnik thúc đẩy sự phát triển của khoa học hàng không không gian, đưa người lên Mặt Trăng năm 1965 và mở rộng chương trình thám hiểm các hành tinh xa xôi, thậm chí vượt ra ngoài quy mô Thái Dương Hệ; những bất ổn xã hội dẫn tới những cuộc cải cách luật pháp về nhân quyền, quyền bầu cử, củng cố nhà nước pháp quyền; thất bại ở Việt Nam làm hủy bỏ luật quân dịch, xây dựng quân đội hiện đại hơn.
Lần này cũng có thể như vậy. Bên cạnh những điểm yếu của Mỹ mà ai cũng thấy – và có tính toàn cầu – như tình trạng phân cực chính trị, chia rẽ trong xã hội, bất bình đẳng kinh tế, giảm công nghiệp chế tạo… nước Mỹ có những thế mạnh mà nhiều nước, nhất là Trung Quốc, không thể sánh được như dân số trẻ và đầy năng lực sáng tạo, tài nguyên phong phú, vị thế thống trị tài chính toàn cầu, các đường biên giới hòa bình và thân thiện cùng với những liên minh vững chắc khắp thế giới. Những lợi thế này hoàn toàn có thể giúp nước Mỹ lấy lại phong độ nếu tái lập được sự đoàn kết quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chính phủ đặt quyền lợi của đất nước lên trên lợi ích đảng phái.
Ưu thế của dân chủ
Nhưng lợi thế lớn nhất của Mỹ nằm ở chỗ một chính thể dân chủ đa đảng có năng lực nhận ra sai lầm và sửa chữa – điều mà các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Việt Nam… không thể nào có được. Người Mỹ đã kỳ vọng nhiều vào ông Donald Trump như là người có khả năng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” nhưng sau bốn năm cầm quyền, Tổng Thống Trump càng lúc càng cho thấy ông ngã theo hướng độc tài như Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Thống Nga Vladimir Putin mà ông thường khoe là bạn bè, đề cao lợi ích cá nhân và đảng phái lên trên quyền lợi của quốc gia thì người dân lại dùng lá phiếu để bầu người khác. Những chính sách không phù hợp với quyền lợi của nước Mỹ dù ông Trump cố gắng đến đâu cũng bị các định chế dân chủ của xã hội Mỹ ngăn chặn.
Dân chủ không chỉ là quyền của người dân được tự do chọn ra người đại diện cho mình để quản lý xã hội mà còn là một tập hợp những định chế (institution) và những quy ước kiểm soát và cân bằng quyền lực, giúp điều chỉnh hướng đi của xã hội sao cho tránh được những sai lầm và thất bại. Nhiều người cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua phơi bày nhiều vấn đề “xấu xa” của thể chế chính trị Mỹ, song có lẽ nên nhìn thấy ở đó sức mạnh của nền dân chủ đã trưởng thành, sức mạnh tự điều chỉnh, tự sửa chữa, vượt qua rất nhiều trở ngại để tồn tại và phát triển ngay trong những khoảnh khắc tưởng chừng rất nguy nan.
Các thể chế độc tài như Trung Quốc có lợi thế trong việc tập trung nguồn lực xã hội vào một số mục tiêu nào đó để đạt thành tích trước mắt song không có khả năng nhận sai lầm và sửa chữa. Mọi yếu kém khuyết điểm của chế độ đều được đổ cho ngoại bang, cho “thế lực thù địch.” Với tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ lên đến cực điểm như hiện nay ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hoàn toàn có thể đi vào vết xe đổ mà Mao Trạch Đông để lại.
Trung Quốc đang lên?
Trở lại với huyền thoại “Trung Quốc đang lên.” Dù căm ghét chính thể hiện thời của Trung Quốc, cũng phải thừa nhận người dân nước này đã lập được rất nhiều thành tích đáng nể trong lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ mấy chục năm gần đây, từ một nước điêu tàn thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông trở thành một nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Nhưng thành tích đó có phải do sự cai trị của đảng Cộng Sản hay không là một chuyện khác; có bền vững không, mô hình độc đảng độc tài về chính trị kết hợp với chủ nghĩa tư bản nhà nước trong quản lý kinh tế – mà Bắc Kinh rêu rao là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” – có ưu việt hơn chế độ dân chủ tự do hay không, Trung Quốc có “hất cẳng” được Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới hay không là chuyện khác nữa.
Dù bề ngoài có vẻ mạnh mẽ, Trung Quốc lại chứa đựng bên trong nhiều vấn đề khó giải quyết: dân số “già trước khi giàu,” những núi nợ khổng lồ, nền kinh tế dựa chủ yếu vào các tập đoàn quốc doanh cồng kềnh và kém hiệu quả trong khi khối doanh nghiệp tư nhân có sức cạnh tranh và sáng tạo thì không được ưu đãi, bất bình đẳng giàu nghèo đã đến mức báo động và có thể bộc phát thành bất ổn xã hội…
Ở bên ngoài, Trung Quốc là một cường quốc cô đơn, hầu như không có đồng minh thân thiết mà luôn bị các nước khác nghi ngờ và xa lánh; bên trong thì đàn áp những tiếng nói đối lập, bắt hàng triệu người giam vào trại cải tạo, tước đoạt tự do, đặt cả xã hội dưới mạng lưới giám sát chặt chẽ như trong tiểu thuyết của George Orwell! Một mô hình kinh tế-xã hội như vậy chắc chắn không bền vững nếu không sớm cải cách về chính trị, tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói, kiểm soát được quyền lực và góp phần vào công cuộc quản trị đất nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bề ngoài lúc nào cũng huênh hoang nhưng trong bụng luôn bất an, luôn cảm thấy quyền lực địa vị bị đe dọa. Chỉ để bỏ tù một số nhà đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông mà Bắc Kinh phải hao tâm tổn sức đề ra một đạo luật an ninh quốc gia phi dân chủ, trái với cam kết quốc tế của mình để rồi bị cả thế giới lên án là một ví dụ.
Với khối dân số và thị trường khổng lồ, Trung Quốc hoàn toàn có thể đi lên và có vị trí xứng đáng trên thế giới nhưng phải là một nước dân chủ tự do chứ không thể là một chế độ toàn trị đi theo một học thuyết cổ lỗ mà nhân loại đã vứt vào sọt rác.
***
Câu chuyện “Mỹ xuống, Tàu lên” chỉ là một huyền thoại không phản ánh đúng thực tế, dù nó có thể có thôi thúc người Mỹ suy nghĩ lại trong cách ứng xử với Trung Quốc và “lật sang trang sử mới” như lời ông Biden, chọn con đường cạnh tranh và đối đầu về ý thức hệ, về kinh tế và công nghệ, thay vì “nuôi ong tay áo” như các chính phủ Mỹ tiền nhiệm. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa dân chủ và độc tài xem ra còn rất gay go trong những năm tháng sắp đến. [qd]
Ảnh minh họa: Lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cùng với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma tại đền Tsuglagkhang ở Dharmsala, Ấn Độ, ngày 10/05/2017. AP - Ashwini Bhatia |
Tây Tạng là chủ đề mới gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ngày 22/12/2020 Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước việc Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nhìn nhận « quyền của người dân Tây Tạng » trong việc chọn người kế thừa lãnh đạo tin thần Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một ngày sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật về Tây Tạng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân mạnh mẽ phản đối dự luật vừa được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua hôm 21/12/2020 và xem đây là một sự « can thiệp thô bạo » của Mỹ vào công việc nội bộ của Bắc Kinh. Trung Quốc lên án Hoa Kỳ tìm cách gây bất ổn trong khu vực bằng cách can thiệp vào những hồ sơ nhậy cảm liên quan tới Đài Loan, Hồng Kông hay tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và giờ đây là trên quyền tự do tôn giáo tại Tây Tạng.
Tới nay Trung Quốc luôn coi lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng đang sống lưu vong tại Ấn Độ là một mối đe dọa, là mầm mống ly khai nguy hiểm.
Ngược lại người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay thì xem dự luật của Hạ Viện Mỹ là một cử chỉ « mang tính lịch sử » thể hiện sự ủng hộ của Washington với chính quyền Tây Tạng lưu vọng. Việc Mỹ công nhận các « quyền tự do của người dân Tây Tạng » là một « thắng lợi » đối với công cuộc đấu tranh của người dân xứ này theo lời ông Lobsang Sangay.
Văn bản nói trên kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ mở tòa lãnh sự tại thủ phủ Tây Tạng Lhassa, nhìn nhận quyền của người dân Tây Tạng được chọn vị lãnh đạo tinh thần, và nhất là bảo vệ môi trường tại vùng cao nguyên Tây Tạng. Quan trọng hơn cả là tài liệu này đề nghị chính quyền Bắc Kinh đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Bảng chỉ đường đến thị trường chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh chụp ngày 23/11/2020. © AP Photo/Seth Wenig |
Chiến tranh lạnh dường như đang quay lại, Trung Quốc thay thế Liên Xô, đối đầu với Hoa Kỳ - một hành tinh, hai hệ thống. Chiến lược của Tập Cận Bình nhằm tách rời với Mỹ : Trong một thế giới nay đã trở nên thù địch, Trung Quốc không còn có thể lợi dụng được việc chuyển giao công nghệ của phương Tây.
Les Echos hôm nay chạy tựa trang nhất « Vaccin : Tại sao chiến dịch tiêm chủng kéo dài », Le Figaro giải thích « Bọn buôn lậu ma túy lợi dụng dịch Covid như thế nào ». Libération tóm tắt « Phiên tòa xử các vụ khủng bố tháng Giêng 2015 : 54 ngày, bản án và những bóng ma ». Le Monde nhìn sang « Nigeria : Quân thánh chiến lại tấn công vào trường học ». La Croix dành tựa chính cho « Tunisia, một cuộc cách mạng chưa kết thúc ». Ở các trang trong, các báo đều có nhiều bài vở nhân kỷ niệm 10 năm cuộc cách mạng Hoa Lài.
Liên quan đến bầu cử Mỹ, Le Figaro nói về « Cuối mùa đơn độc cho ông Donald Trump ».Hôm thứ Ba 15/12, lãnh tụ Cộng Hòa ở Thượng Viện đã chấm dứt sáu tuần lễ im lặng, « chúc mừng chiến thắng » của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, sau khi đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu ngày 14/12.
Khi điện đàm với tất cả các nghị sĩ Cộng Hòa, Mitch McConnell kêu gọi những người còn do dự nhất nên chấp nhận thực tế, và cảnh báo những ai cố gắng tung ra trận chiến danh dự cuối cùng vào ngày 06/01 khi Quốc hội bỏ phiếu chính thức công nhận Joe Biden đắc cử. Ngay cả nghị sĩ nằm trong số trung thành nhất với tổng thống là Ron Johnson cũng hứa sẽ không chống đối.
Nhà Trắng trả đũa bằng Twitter vào nửa đêm, như thói quen của nhà tỉ phú. « Mitch, 75 triệu phiếu bầu, kỷ lục (vượt xa) của một tổng thống đương nhiệm. Quá sớm để bỏ cuộc. Đảng Cộng Hòa phải tập chiến đấu, người dân đang tức giận ! »
Thật ra Donald Trump từ bốn năm qua vẫn một mình một ngựa tại Nhà Trắng với cung cách riêng của ông. Nhưng từ ngày 03/11, một loạt quan chức đã bị sa thải : bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper hôm 09/11 do tuyên bố quân đội không can thiệp vào bầu cử, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng Chris Krebs hôm 17/11 vì dám nói rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là « bảo đảm nhất trong lịch sử ». Bộ trưởng Tư Pháp Bill Barr thì sẽ ra đi tuần tới, về mặt chính thức là từ chức, nhưng rất có thể do khẳng định không có gian lận và không báo với tổng thống cuộc điều tra thuế với Hunter Biden, con ông Joe Biden.
Nhà sử học Michael Beschloss cho rằng một khi bước lên chiếc trực thăng Marine One đi xa khỏi Nhà Trắng ngày 20/01, Donald Trump sẽ nhận ra được tâm trạng của Jimmy Carter (1981) hay George H. Bush (1993), những tổng thống không tái đắc cử. Nhưng Trump không phải là chính khách máu lạnh chuyên nghiệp như họ.
Ông vẫn hy vọng luôn duy trì được phong trào đã nảy sinh từ sau chiến thắng năm 2016, thậm chí huy động được nguồn lực cho cuộc chiến pháp lý, không chịu đứng trong bóng tối. Donald Trump không phải là một « loser », ông hé mở khả năng tái ứng cử năm 2024. Một nhà bình luận của Washington Post kêu gọi các báo lớn không nên kéo dài việc đưa tin thường trực về tổng thống Mỹ thứ 45, khiến ông Trump trở thành một « tổng thống lưu vong ảo », như một Napoléon trên đảo Elbe nhưng trên sân gôn.
Về quan hệ Mỹ-Trung,Le Monde nhận xét « Thế giới dường như quay lại với chiến tranh lạnh : Trung Quốc thay thế Liên Xô, đối mặt với Hoa Kỳ ».
Năm 2020 bắt đầu với tai họa, nhưng lại kết thúc thắng lợi cho Tập Cận Bình. Covid chỉ còn là kỷ niệm, kinh tế bắt đầu phục hồi, và lá cờ Trung Quốc phấp phới trên Mặt Trăng – dù tận 50 năm sau lá cờ sao của Mỹ. Chắc chắn rằng Bắc Kinh không thể không đắc chí trước sự bất hạnh của người khác. Hoa Kỳ vừa vượt qua ngưỡng 300.000 người chết vì con virus từ Vũ Hán, kinh tế suy thoái.
Joe Biden, người vừa đắc cử hãnh diện cho rằng nền dân chủ Mỹ vẫn vận hành qua việc hạ bệ người tiền nhiệm được bầu lên một cách hợp pháp, nhưng ông Donald Trump vẫn nhất quyết không công nhận. Một hoạt cảnh kỳ lạ, vào giai đoạn đầu của một thập niên cạnh tranh mãnh liệt giữa hai đại cường. Thế giới dường như quay lại với chiến tranh lạnh : một hành tinh, hai hệ thống. Trung Quốc đã thay cho Liên Xô để đối đầu với Hoa Kỳ, và trên lãnh vực sáng tạo công nghệ thay vì quân sự.
Dù đang trải qua giai đoạn khó khăn, Mỹ luôn có khả năng tự vực dậy, như đã từng nhiều lần chứng tỏ. Khi Covid đang giết người, thì một công ty Mỹ là Tesla làm được một cuộc cách mạng trong kỹ nghệ xe hơi với tiến bộ công nghệ mà các nhà sản xuất Trung Quốc luôn thèm muốn. Nhà kinh tế Thomas Philippon, giáo sư trường đại học New York khẳng định Hoa Kỳ sẽ ra khỏi đại dịch với ba nước bài thắng lợi « Amazon, Zoom, vac-xin ».
Đáng chú ý là cả ba công ty dược hàng đầu về vaccin chống Covid (Pfizer, BioNTech, Moderna) đều do các di dân thành lập hoặc lãnh đạo. Một cặp vợ chồng Thổ Nhĩ Kỳ đã sáng lập BioNTech ở Đức, một người Liban gốc Armenia lập ra và lãnh đạo Moderna ở Massachusetts, và tổng giám đốc Pfizer từ Hy Lạp di cư sang Mỹ năm 34 tuổi. Sự đa dạng này đã tạo nên sức mạnh của nước Mỹ, nhưng không phải là xu hướng của Trung Quốc.
Về phía Bắc Kinh đã rút ra bài học từ nhiệm kỳ ông Trump và đại dịch. Trong một thế giới nay đã trở nên thù địch, Trung Quốc không còn có thể lợi dụng được việc chuyển giao công nghệ vì phương Tây ngày càng cảnh giác hơn, mà chỉ có thể buộc phải tự lực cánh sinh.
Tập Cận Bình đã nhấn mạnh từ tháng Năm, và trong thông cáo của hội nghị trung ương Đảng tháng Mười, chữ « sáng tạo », « công nghệ » được nêu ra đến hơn 20 lần. Thái độ thu mình lại này trái ngược với bài diễn văn ấn tượng của ông Tập tại Davos tháng Giêng 2017 khi tổng thống Donald Trump vừa nhậm chức, cổ súy cho mở cửa, chống chính sách bảo hộ. Từ đó đến nay, gió đã đổi chiều.
Đối với nhà phân tích James Crabtree ở Singapore, chiến lược mới của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới, tách rời với Hoa Kỳ. Để củng cố quyền lực, ông Tập vừa đóng cửa về chính trị vừa khống chế lãnh vực tư nhân. Mã Vân (Jack Ma), ông chủ nổi tiếng của Alibaba đã phải trả giá đắt cho việc gọi các ngân hàng Trung Quốc là « nhà cầm đồ » trong một diễn đàn ở Thượng Hải, và dám nói ngược lại với phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan). Chỉ vài ngày sau, hôm 03/11 việc phát hành cổ phiếu của chi nhánh Ant Group – hàng đầu về công nghệ ở Trung Quốc – bị chận lại, mục tiêu huy động 37 tỉ đô la tan thành mây khói.
Các tập đoàn kỹ thuật số Mỹ cũng đã trở thành khổng lồ khó thể quản lý, nhưng Washington hành động bài bản hơn qua các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Facebook và Google. Còn Liên Hiệp Châu Âu tuy không có « Big Tech » nào nhưng đã đề ra quy chế để bảo vệ người sử dụng và sự cạnh tranh. Phải chăng với chính quyền Biden, một liên minh kỹ thuật số Âu-Mỹ có thể đối đầu với một Trung Quốc độc tài trên internet ? Rất là « thế kỷ 20 », nhưng hiệu quả, theo Le Monde.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại dữ dội với Úc hiện nay. Bắc Kinh liên tục trừng phạt nông sản và quặng mỏ của Úc, khiến Canberra phải kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tức tối trước việc thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở điều tra độc lập quốc tế về nguồn gốc con virus corona ở Vũ Hán, Bắc Kinh ra tay : cấm nhập thịt bò, áp thuế chống phá giá lên rượu vang, tăng 80,5% thuế hải quan đối với lúa mạch, những sản phẩm Úc mà Trung Quốc là khách hàng chính. Mới đây vào Chủ nhật 14/12, Hội đồng Khoáng sản Úc vô cùng lo ngại khi Trung Quốc, từng mua 8,7 tỉ euro than đá trong năm ngoái, tuyên bố ngưng giao dịch.
Chính phủ kiện lên WTO, còn nông dân tìm kiếm khách hàng mới, các nhà sản xuất than đá quay sang Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhìn chung kinh tế Úc đứng vững được trước hành động lấy thịt đè người của Bắc Kinh nhờ giá sắt tăng, mặt hàng này chiếm phân nửa doanh số xuất khẩu của Úc.
Nhìn sang Trung Đông, bài xã luận của Le Monde nói về « Sự chệch hướng đáng ngại của Iran ». Nước Cộng hòa Hồi giáo lâu nay vẫn biết kềm chế, đang trở thành một Nhà nước côn đồ, với sự đồng lõa, ít nhất là thụ động, của các láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Irak.
Tôn trọng nhân quyền chưa bao giờ là đặc tính của Iran. Nhưng việc bắt cóc đem về nước rồi xử tử bằng cách treo cổ nhà báo đối lập Rouhollah Zam hôm thứ Bảy 12/12, theo Le Monde, là một hành động ngu xuẩn đánh dấu một giai đoạn mới của sự leo thang đàn áp, và sự lấn lướt của phe cứng rắn.
Ông Rouhollah Zam, 41 tuổi, tị nạn tại Pháp từ năm 2012, đã đóng vai trò quan trọng khi đăng tải những hình ảnh biểu tình chống chế độ mùa đông 2017-2018, trên kênh Amadnews của ông có 1,4 triệu người theo dõi thông qua Telegram. Nhà báo còn tiết lộ nhiều vụ tham nhũng của các nhà lãnh đạo Iran, nhờ có các nguồn tin cấp cao.
Mặc cho cảnh báo của cơ quan an ninh Pháp đang bảo vệ, Zam vẫn sang Irak năm 2019, rơi vào bẫy của những kẻ xưng danh là đối lập muốn tài trợ cho dự án truyền hình của ông. Bị Vệ binh Cách mạng bắt, Zam phải « thú nhận » trên tivi các « tội vi phạm an ninh đất nước », « làm gián điệp cho Pháp », « sỉ nhục đạo Hồi ». Vụ hành quyết cho thấy chế độ Hồi giáo Iran không ngần ngại bắt cóc các nhà đối lập đang ở nước ngoài. Một nhà ly khai Iran khác là Habib Chaab, tị nạn ở Thụy Điển, thì lọt vào mỹ nhân kế và bị bắt cóc ở Istanbul.
Việc tổng thống Hassan Rohani không có phản ứng gì trước các hành động quá đáng trên, cho thấy phe ôn hòa đang yếu thế, hoặc đồng tình. Phe quân sự có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 6/2021, mà ông Rohani không thể tranh cử vì đã làm hết hai nhiệm kỳ. Vụ hành quyết nhà báo Zam còn là đòn dằn mặt cho Pháp. Trong khi đó ông Joe Biden lại cho biết muốn quay lại với hiệp định nguyên tử Iran ký năm 2015 mà không đòi điều kiện tiên quyết nào.
Cũng tại Trung Đông, trong bài « Mùa Xuân Ả Rập, ảo ảnh đánh mất », Le Figaro nhận định chỉ một tia lửa từ vụ tự thiêu của người bán hàng rong Sidi Bouzid đã làm dấy lên vụ hỏa hoạn khổng lồ trong thế giới Ả Rập, từ Tunisia cho đến Bahrein, đi qua Libya, Ai Cập, Syria và Yemen. Mười năm sau, ngọn lửa vẫn còn âm ỉ, nhưng có những tâm điểm mới thỉnh thoảng bừng lên ở Algérie hay Liban.
Ngọn lửa của khát vọng dân chủ và nhu cầu được sống đường hoàng vẫn tồn tại, nhưng những yêu sách về chính trị, kinh tế, xã hội không được đáp ứng. Tại tất cả các nước Mùa Xuân Ả Rập, nếu có bầu cử thì cũng chẳng lập ra được một chế độ dân chủ nào. Ngược lại, những cuộc nổi dậy đã dẫn đến nội chiến, sự thống trị của Hồi giáo, giới quân sự nắm quyền, hoặc đôi khi cả ba. Ngay cả tại Tunisia, nơi có vẻ ổn thỏa nhất, vẫn đang phải đối phó với quyền lực Hồi giáo.
Hầu như khắp các nước Ả Rập nhiều người biểu tình đã thiệt mạng, thêm nhiều tù nhân lương tâm. Thất nghiệp, nghèo đói, tham nhũng, thanh niên ồ ạt tìm cách ra nước ngoài. Thập niên này là một bài học thực tế cho phương Tây, vốn tin rằng có thể xuất khẩu mô hình dân chủ ; can thiệp vào Libya mà không rút được bài học của Mỹ ở Afghanistan và Irak. Khi con quái vật Daech lập ra « Nhà Nước Hồi Giáo » ở Syria, phương Tây đành phải thỏa hiệp với các nhà lãnh đạo độc tài để « trảm » được nó.
Một bức màn đen lại chụp lên thế giới Ả Rập, nhưng phương Tây không còn muốn xen vào nữa. Các dân tộc Trung Đông sẽ phải tự quyết định vận mệnh của mình.
Justin Harper
Phóng viên Kinh doanh, BBC News
11 tháng 1 2021, 13:47 +07
GETTY IMAGES |
Trung Quốc đang chống lại một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng các quy tắc mới nhằm bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi các luật nước ngoài "phi lý".
Những thay đổi được công bố vào cuối tuần qua cho phép tòa án Trung Quốc trừng phạt các công ty tuân thủ theo những hạn chế như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nhắm vào các công ty Trung Quốc mà ông cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Các biện pháp bao gồm trừng phạt các công ty cung cấp linh kiện cho các công ty nằm trong danh sách đen.
Hôm thứ Hai, ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) được cho là sẽ chứng kiến cổ phiếu của họ bị hủy niêm yết dựa trên những cáo buộc có quan hệ với quân đội nước họ.
NYSE sẽ loại bỏ China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong, dựa trên lệnh hành pháp được ông Trump ký vào tháng 11.
Vụ hủy niêm yết diễn ra sau một loạt các hành động chống lại các công ty Trung Quốc trong những tháng gần đây gồm TikTok, Huawei và nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Tuần trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh cấm việc giao dịch với 8 ứng dụng của Trung Quốc, gồm cả nền tảng thanh toán phổ biến Alipay, cũng như WeChat Pay.
Tổng thống Mỹ tuyên bố các công ty công nghệ này chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc - những cáo buộc mà các công ty đã phủ nhận.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về "chống lại việc áp dụng luật nước ngoài một cách phi lý".
Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng:
"Các pháp nhân bị tổn thương do áp dụng luật pháp nước ngoài có thể đưa ra các thủ tục pháp lý trước tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại". "Chính phủ cũng có thể thực hiện các biện pháp đối phó khác."
Các biện pháp có hiệu lực ngay lập tức này không đề cập trực tiếp đến Mỹ, cho dù Trung Quốc từ lâu đã than phiền về các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại của Mỹ.
Nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng vẫn chưa rõ luật mới sẽ được thực thi như thế nào.
"Một điểm vẫn cần được làm rõ là liệu lệnh này nhằm mục đích là nhắm đến các trừng phạt cụ thể đối với Trung Quốc hay các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước thứ ba, chẳng hạn như Iran hoặc Nga mà tác động bất lợi lên các công ty Trung Quốc", Nicholas Turner, một luật sư tại Steptoe & Johnson ở Hong Kong, nói với BBC.
"Các công ty có lợi ích kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc có thể cần phải hoạt động thận trọng."
Ông Turner tin rằng Trung Quốc cũng đang tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt trong tương lai mà ông Trump có thể đưa ra trước khi ông rời Nhà Trắng vào cuối tháng này.
"Tôi đang mong đợi nhiều hành động hơn sẽ được thực thi trước ngày 20 [tháng 1] dựa trên các tuyên bố của bộ ngoại giao Mỹ, dù rằng vẫn còn phải xem liệu họ có thể thúc đẩy bất kỳ hành động mới nào kịp lúc hay không," ông nói thêm.
Reuters - Ông William Evanina, trưởng ngành phản gián của văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ. |
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ giữa chiến dịch truy quét của Mỹ liên quan tới cáo buộc đánh cắp công nghệ, các giới chức an ninh hàng đầu của Mỹ cho biết ngày 2/12 và cho biết thêm rằng các hoạt vụ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào chính quyền sắp tới của ông Biden.
Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này là “lố bịch.”
Ông John Demers, trưởng Ban An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, nói trước một cuộc thảo luận do Viện nghiên cứu Aspen tổ chức rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời khỏi Mỹ trong khi Bộ Tư pháp mở nhiều vụ án hình sự chống lại các hoạt vụ Trung Quốc do thám về công nghiệp và công nghệ.
Một viên chức Bộ Tư pháp cho hay những người này thuộc một nhóm khác với nhóm được Bộ Ngoại giao đề cập đến vào tháng 9, khi Bộ nói đã rút visa của hơn 1.000 người Trung Quốc theo một biện pháp của Tổng thống không cho phép nhập cảnh các sinh viên và nghiên cứu gia bị xem là nguy cơ an ninh cho nước Mỹ.
Nguồn tin này cho hay nhóm nghiên cứu gia mà ông Demer đề cập đến, những người mà nhà cầm quyền Mỹ tin là có liên hệ đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã rời khỏi Hoa Kỳ sau khi FBI tiến hành các cuộc phỏng vấn tại hơn 20 thành phố và Bộ Ngoại giao đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston vào tháng 7.
“Chỉ có người Trung Quốc là có nguồn lực và khả năng và ý chí” đi vào các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài mà các cơ quan Mỹ chứng kiến trong những năm gần đây, ông Demers nói.
Ông William Evanina, trưởng ngành phản gián của văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ nói tại cùng sự kiện rằng những hoạt vụ Trung Quốc đã nhắm vào nhân sự của chính quyền Joe Biden sắp tới, cũng như những người thân cận với đội ngũ của ông Biden.
Toán chuyển tiếp của ông Biden từ chối bình luận nhung hồi mùa hè, ban vận động tranh cử của ông Biden nói họ dự trù sẽ có tấn công mạng và đã chuẩn bị đối phó.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố những cáo buộc của Mỹ là “lố bịch” và nói thêm rằng “Trong con mắt của một số người Mỹ, chỉ có thù hận, chia rẽ và đối đầu.”
Ông Evanina nói các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ bị các cơ quan Mỹ theo dõi “đều đến đây theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc.”
Trung Quốc nói chiến dịch truy quét visa của Mỹ trước đây trong năm là đàn áp chính trị “một cách lộ liễu” và kỳ thị chủng tộc, vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Quan hệ Mỹ-Trung suy sụp tồi tệ nhất trong nhiều thập niên trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump với những tranh chấp kéo dài về các vấn đề từ thương mại và công nghệ đến Hong Kong và virus corona.