Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Hai tàu chiến Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) luyện tập phối hợp đội hình, tại Biển Đông, ngày 06/07/2020. Ảnh do Hải Quân Mỹ cung cấp © U.S. Navy via AP |
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông tập trận rầm rộ ngày 09/02/2021, một khu trục hạm Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường áp sát quần đảo Hoàng Sa ngày 05/02 trong một chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, sau khi vượt qua eo biển Đài Loan từ bắc xuống nam để vào Biển Đông.
Điểm đáng chú ý là các hoạt động của Mỹ trong vùng biển mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên 90% diện tích, chỉ diễn ra ít lâu sau ngày ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ.
Đối với giới quan sát, rõ ràng là chính quyền Biden đã muốn khẳng định trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông vào lúc mà Trung Quốc lợi dụng thời điểm chuyển giao quyền hành tại Washington để tăng cường những hoạt động lấn lướt trong khu vực.
Nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times ngày 10/02 đã tóm lược tình hình như sau: “Tập Cận Bình muốn thử phản ứng của chính quyền Biden. Câu trả lời là hai tàu sân bay Mỹ”. Trước đó, tờ báo Nhật Bản Japan Times ngày 06/02 cũng ghi nhận là tân tổng thống Mỹ như đã gởi đến Bắc Kinh một thông điệp theo đó Trung Quốc đừng nên mong đợi Hoa Kỳ nới lỏng bất kỳ hoạt động quân sự nào ở vùng Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.
Ý muốn gởi thông điệp được thấy rõ trong cách thông tin về các hoạt động. Cho đến gần đây, tin tức về những hoạt động của Hải Quân Mỹ tại khu vực Biển Đông thường được đưa ra một cách ngắn gọn, nhiều khi vài ngày sau khi xẩy ra sự kiện.
Lần này thì hoàn toàn khác: Thông tin về chuyến tuần tra Hoàng Sa của khu trục hạm USS McCain hôm 05/02, hay cuộc diễn tập trên Biển Đông hôm 09/02 của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã được phía Mỹ đưa ra gần như là tức thời, với rất nhiều chi tiết, và kèm theo rất nhiều hình ảnh.
Một ví dụ: Bản thông báo do bộ chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đưa ra hôm 09/02 về cuộc tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz có kèm theo 15 bức ảnh, và nhắc lại rằng lần sau cùng mà Hải Quân Mỹ cho hai hàng không mẫu hạm vào cùng diễn tập trên Biển Đông là vào tháng 7 năm 2020.
Riêng về chuyến tuần tra Hoàng Sa của tàu khu trục USS John McCain hôm 05/02 để khẳng định quyền tự do hàng hải, Hải Quân Mỹ đã nói rõ hai mục tiêu: phủ nhận các yêu sách quá đáng của cả Trung Quốc, Đài Loan lẫn Việt Nam, và đặc biệt là “thách thức yêu sách của Trung Quốc về các đường cơ sở thẳng” bao quanh Hoàng Sa nhằm mở rộng phần lãnh hải mà nước này tự nhận là của mình.
Theo các chuyên gia phân tích, các động thái trên đây cho thấy là chính quyền của tổng thống Biden đang tìm cách duy trì một số chiến lược mà chính quyền tiền nhiệm của ông Trump đã áp dụng.
Dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể số lượng tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo ghi nhận của báo Japan Times, trong hai năm qua, đã có ít nhất 19 chuyến tuần tra được tiến hành, trong khi trong năm 2018 chỉ có sáu lần, và vỏn vẹn bốn lần vào năm 2017.
Đối với nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times, việc phô trương hoạt động tập trận rầm rộ của hai hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông rõ ràng là tín hiệu gởi đến Trung Quốc và ông Tập Cận Bình, cho biết rằng tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh.
Còn hãng tin Mỹ Bloomberg thì đánh giá cuộc tập trận của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên là dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden đang đưa ra lập trường cứng rắn để phản đối các yêu sách lãnh thổ vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các láng giềng trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei. Trung Quốc đã chiếm đóng và quân sự hóa một số hòn đảo trong vùng biển này bất chấp sự phản đối của các bên tranh chấp khác và Hoa Kỳ.
Mỹ và Nhật Bản lo ngại các tiền đồn do Trung Quốc nắm giữ, một số có sân bay quân sự và vũ khí tiên tiến, có thể được sử dụng để hạn chế di chuyển tự do trong một khu vực bao gồm các tuyến đường biển quan trọng.
Theo giới quan sát, động thái phô trương uy lực của Quân Đội Mỹ trong vùng Biển Đông là một thông điệp vừa cứng rắn gởi đến Trung Quốc và vừa trấn an gởi đến các đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và ngoài khu vực.
Trả lời báo Japan Times, nhà nghiên cứu Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng các hành động của Hoa Kỳ dường như đã được thiết kế để gửi tín hiệu đến cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ.
Theo chuyên gia Singapore, các hành động cụ thể của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây đã “hậu thuẫn cho những tuyên bố công khai trước đó của chính quyền Biden về việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh sử dụng biện pháp cưỡng bức ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.”
Các hành động của Mỹ cũng nhằm trấn an các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ đang lo lắng về cam kết của Washington đối với khu vực. Lý do là vì ông Biden và nhóm cộng sự của ông đã cho biết sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh về một số vấn đề nhất định, một sự thay đổi so với cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump.
Đối với chuyên gia Koh, các hoạt động quân sự của Mỹ “cũng nên được nhìn nhận dưới góc độ của những bình luận trước đó được đưa ra ở Washington, theo đó Mỹ sẽ không đánh đổi các vấn đề gây tranh cãi với Trung Quốc, chẳng hạn như Biển Đông, để có được hợp tác của Bắc Kinh về biến đổi khí hậu, mặc dù chính quyền Biden bày tỏ sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có lợi ích chung.”
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán, lo ngại về một cuộc xung đột quân sự không mong muốn ở Biển Đông đã gia tăng. Chiến hạm của Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở Biển Đông và đã có một số vụ va chạm đã được chính thức ghi nhận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, ngày 05/02/2021. REUTERS - KEVIN LAMARQUE |
Cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ dưới hình thức một « cuộc cạnh tranh quyết liệt », nhưng sẽ tránh để xảy ra « xung đột ». Đây là lời cảnh báo của tổng thống Mỹ Joe Biden, trong cuộc trả lời phỏng vấn cho đài CBS ngày 07/02/2021.
Trong một số đoạn phỏng vấn được đài CBS tiết lộ hôm qua và được AFP dẫn lại, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vẫn chưa nói chuyện với người đồng cấp. Ông còn đưa ra một số đánh giá về chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như sau : « Ông ấy rất cứng rắn. Tôi nói điều này không phải như là một lời chỉ trích mà là một thực tế, đó là ông ấy không có lấy một chút gì là dân chủ ở chính bản thân ông ấy ».
Xem Trung Quốc như là đối thủ chiến lược số một của Mỹ và là thách thức hàng đầu trên trường quốc tế, nhưng tân tổng thống Mỹ tỏ ra khá mơ hồ về chủ đề này trong bài diễn văn đầu tiên về chính sách đối ngoại của Mỹ, hôm thứ Năm 04/02.
Tổng thống Joe Biden cam kết « đối phó với đà tiến của chủ nghĩa chuyên chế, đặc biệt là những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc », nhưng không nói rõ là bằng cách nào. Nguyên thủ Mỹ còn hứa hẹn « chống lại những hành động lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, những hành động hung hăng » và bảo vệ nhân quyền, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục làm việc cùng Bắc Kinh khi « điều đó nằm trong lợi ích của nước Mỹ ».
Khi được hỏi, tổng thống Mỹ chỉ khẳng định rằng ông muốn « tập trung nhiều vào các luật lệ quốc tế ». Ông nhấn mạnh rằng « tôi sẽ không xử lý những hồ sơ đó như cách ông Trump làm. Chúng ta không nên có một cuộc xung đột. Nhưng sẽ có một cuộc cạnh tranh rất quyết liệt », khi lưu ý rằng ông biết khá rõ Tập Cận Bình. Với tư cách là phó tổng thống Mỹ thời Barack Obama (2009-2017), ông Joe Biden đã có « 24-25 giờ đối thoại riêng với Tập Cận Bình ».
EPA |
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/2 khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, trong diễn văn đọc khi lần đầu đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi nhậm chức.
"Chúng ta sẽ giải quyết trực tiếp những mối đe dọa nhằm vào các giá trị an ninh, thịnh vượng và dân chủ đến từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc."
"Chúng ta sẽ đối phó những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành vi hung hăng của họ để đẩy lùi các cuộc tấn công của họ nhằm vào nhân quyền, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu."
"Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ."
Ông Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz CSG đã rút khỏi Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ở Trung Đông và được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trên hải trình qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở về cảng nhà, tàu USS Nimitz đã qua eo biển Malacca, ngay cửa ngõ phía tây nam của Biển Đông.
Quyết định nói trên cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giảm căng thẳng với Iran, nhưng sẽ cứng rắn như chính phủ tiền nhiệm với Trung Quốc.
Biden đã lựa chọn hai vị trí ngoại giao hàng đầu - Antony Blinken làm ngoại trưởng và Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Mới ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ra tuyên bố Trung - Mỹ có lợi ích chung và không gian hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, và hợp tác Trung - Mỹ có thể làm được rất nhiều việc lớn có lợi cho hai nước và thế giới.
Ông Biden tuyên bố: "Lãnh đạo Mỹ cần đáp ứng thời điểm mới này, với tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và quyết tâm của Nga trong việc gây tổn hại nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta cần đáp ứng thời điểm mới này, với các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng từ đại dịch, khủng hoảng khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân"
"Nước Mỹ đã trở lại và ngành ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng lại các liên minh của mình, can dự với thế giới một lần nữa, không phải để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là của ngày hôm nay và ngày mai."
"Khi chúng ta củng cố các liên minh của mình, chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh cũng như khả năng phá vỡ mọi mối đe dọa trước khi chúng đến được bờ biển của chúng ta", ông Biden tuyên bố.
Ông Biden nói: "Hai tuần qua, tôi đã hội đàm với những nhà lãnh đạo bạn bè thân cận nhất - Canada, Mexico, Anh, Đức, Pháp, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - để bắt đầu tái xây dựng lề lối hợp tác và phục hồi sức mạnh của các liên minh dân chủ vốn bị xói mòn 4 năm qua."
EPA - Antony Blinken |
Tổng thống Biden cáo buộc ngầm ông Donald Trump là "nhẹ tay" với Nga và dọa sẽ cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi muốn nói rõ với Tổng thống Vladimir Putin, theo một cách rất khác với người tiền nhiệm của tôi, rằng chuỗi ngày Mỹ bỏ qua những hành động của Nga, như can thiệp bầu cử, tấn công mạng..., đã kết thúc."
Ông Biden chỉ trích Nga vì việc bắt giữ nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny và đòi Moscow thả người này "ngay lập tức, vô điều kiện".
Washington và Moscow đầu tuần này ký thỏa thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START thêm 5 năm.
Ông nhấn mạnh vai trò của liên minh quốc tế: "Đầu tư vào đối ngoại không phải là điều chúng ta làm cho mình, mà bởi đó là điều đúng đắn cần làm cho thế giới. Chúng ta làm điều đó để được sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng ta làm điều đó vì nó nằm trong lợi ích cá nhân của riêng chúng ta."
Ông Joe Biden tuyên bố nội chiến kéo dài ở Yemen sẽ được ông quan tâm để chấm dứt xung đột.
Ông nói sẽ chấm dứt mọi sự hỗ trợ của Washington đối với các hoạt động quân sự tại Yenemn, gồm các vụ mua bán vũ khí.
"Cuộc chiến này phải được kết thúc, do đó để khẳng định các cam kết của chúng tôi, nước Mỹ sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ cho các hoạt động tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm việc bán vũ khí cho các bên liên quan", ông Biden nói.
Theo ông Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đánh giá toàn diện về việc bố trí các lực lượng Mỹ trên toàn cầu.
Trong khi quá trình rà soát đang diễn ra, Mỹ sẽ ngưng việc điều chuyển 12.000 lính Mỹ ở Đức đi nơi khác như quyết định trước đây của chính quyền Trump.
Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ phòng thủ cho Ả Rập Saudi trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tới từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục các chiến dịch nhằm chống lại tổ chức al-Qaida tại bán đảo Ả Rập.
Tổng thống Mỹ tiết lộ sẽ tăng số lượng người tị nạn được Mỹ chấp nhận sau khi số người này xuống thấp kỷ lục thời ông Trump cầm quyền.
Trong năm tài khóa đầu tiên của chính quyền mới, tính từ ngày 1/10, Mỹ sẽ nâng số lượng người tị nạn được phép vào nước này lên 125.000 người, tăng gấp nhiều lần so với mức hạn ngạch 15.000 người của chính quyền tiền nhiệm.
05/02/2021 - rfi.fr
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu về chính sách đối ngoại khi đến thăm bộ Ngoại Giao ở Washington, ngày 04/02/2021. REUTERS - TOM BRENNER |
Đưa nước Mỹ trở lại trung tâm bàn cờ ngoại giao quốc tế là trọng tâm chính sách đối ngoại của tổng thống Biden trong bài phát biểu tại bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 04/02/2021. Nguyên thủ Mỹ tỏ thái độ cứng rắn với Nga và Trung Quốc.
Trước hết, về Trung Quốc, tân tổng thống Mỹ tuyên bố Washington sẽ « đối đầu với mọi hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động hung hăng của Bắc Kinh và đẩy lùi mọi sự tấn công của Trung Quốc nhắm vào các quyền của con người, quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động trên toàn cầu ». Đồng thời, tổng thống Biden nhấn mạnh điều đó không cấm cản Washington hợp tác với Trung Quốc khi cần thiết « vì quyền lợi của nước Mỹ ».
Về quan hệ trong bốn năm sắp tới với Nga, ông Biden đặc biệt có thái độ gay gắt. Thông tín viên đài RFI từ Washington, Anne Corpet, tường thuật :
« Nước Mỹ đang quay trở lại, ngoại giao Mỹ quay trở lại. Joe Biden mở đầu như vậy và trình bày những ý định của ông : xây dựng lại các liên minh của Hoa Kỳ, có lập trường cứng rắn với những quốc gia vi phạm nhân quyền với một thông điệp trực tiếp nhắm tới nước Nga. Tổng thống Biden nhấn mạnh : « Rất khác với người tiền nhiệm, tôi đã nói rõ với tổng thống Vladimir Putin là thời kỳ mà nước Mỹ chấp nhận những hành động hung hăng của Nga, các vụ can thiệp vào bầu cử của Hoa Kỳ, các đợt tấn công trên mạng, đầu độc công dân Nga… đã qua ».
Tổng thống Biden cũng cam kết nỗ lực hết sức để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen và thông báo Mỹ ngừng yểm trợ Ả Rập Xê Út can thiệp vào Yemen. Joe Biden nói : « Cuộc chiến này phải chấm dứt. Để nhấn mạnh đến quyết tâm của Hoa Kỳ, chúng tôi ngưng hỗ trợ các chiến dịch tấn công trong cuộc chiến tại Yemen, kể cả việc bán vũ khí ».
Để chứng minh thiện chí của một nước Mỹ rộng mở, tổng thống Biden thông báo sang năm Hoa Kỳ sẽ đón nhận 125.000 người tị nạn. Con số cao ngoạn mục. Donald Trump đã giới hạn ở mức 15.000 người được hưởng quyền tị nạn tại Hoa Kỳ cho năm nay ».
(Ảnh minh họa) - Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. Ảnh US Navy. © USS Barry (DDG 52) - Seaman Molly Crawford |
Sẽ không thể có chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan. Tân chính quyền Mỹ của Joe Biden đã muốn ghi dấu ấn riêng và thể hiện rõ quan điểm : kiên quyết ủng hộ Đài Bắc ; nói không với chủ nghĩa đơn phương gây bất ổn của Donald Trump.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nguyên : Đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình, phải làm thế nào để vận mệnh chung của Đài Loan và Mỹ gắn kết lâu dài ? Chính quyền Đài Bắc có cần tiếc nuối Donald Trump hay không ? Sự thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo Mỹ, với phe Dân Chủ của Joe Biden, liệu có thể dự báo Mỹ sẽ bớt chống Trung Quốc ?
Trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 27/01/2020, nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, đồng sáng lập tạp chí Monde Chinois Nouvelle Asie [Thế giới Trung Hoa-châu Á mới], cố gắng giải đáp những thắc mắc này trong bài viết « Vững chắc như bàn thạch : Tương lai nào cho quan hệ Đài Loan và Mỹ thời Biden ? ».
Quả thực mức độ ủng hộ dành cho Đài Loan mà chính quyền Trump thể hiện trong 4 năm qua vô cùng cao. Washington đã bán cho Đài Bắc nhiều loại vũ khí tinh vi như tên lửa Harpoon, xe tăng Abrams và chiến đấu cơ F-16. Các phương tiện pháp lý cũng được tăng cường : Đạo luật Du lịch Đài Loan, Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Đạo luật Đài Bắc, Đạo luật Không phân biệt đối xử với Đài Loan, Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan, Đạo luật Phòng thủ Đài Loan.
Các quan chức Hoa Kỳ đã thực hiện hoặc dự kiến nhiều chuyến công du đến Đài Bắc : chuyến thăm của thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, Keith Krach, hồi tháng 09/2020 ; chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Alex Azar vào tháng 10/2020. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, dự kiến thăm Đài Loan hồi tháng 01/2021 nhưng chuyến đi sau đó bị hủy sau khi xẩy ra vụ tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ Donald Trump. Đỉnh điểm là vào ngày 10/01, Washington thông báo hủy hỏ mọi biện pháp hạn chế quan chức Mỹ trong các cuộc tiếp xúc với đồng sự Đài Loan.
Mức độ ủng hộ đã cao đến mức mọi dấu hiệu giảm nhẹ hay lui bước đều bị cả Trung Quốc và Đài Loan coi đó là thái độ bỏ mặc, thậm chí là hèn nhát. Chính vì thế, ngày từ đầu, tân chính quyền Biden đã chọn cách tạo ấn tượng.
Lời mời đại diện Đài Loan đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Biden
Biểu hiện mang tính tượng trưng đầu tiên cho sự ủng hộ của tân chính quyền Mỹ đối với Đài Bắc chính là lời mời đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Joe Biden. Đây là lần đầu tiên đại sứ trên thực tế của Đài Loan được mời đến lễ nhậm chức tổng thống Mỹ kể từ năm 1979. Emily Horne, tân phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng đã « thông ngôn » cho những ai có thể chưa hiểu thông điệp nói trên : « Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch ».
Biểu hiện thứ hai cho thấy Washington sẽ ủng hộ Đài Bắc lâu dài qua những phát biểu của Antony Blinken trong phiên điều trần tại Thượng Viện vào ngày 20/01 để được xác nhận làm tân ngoại trưởng Mỹ. Chính quyền Biden thừa nhận và nói rõ sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Trump về Trung Quốc và Đài Loan. Tân ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ.
Antony Blinken cũng thể hiện mối quan tâm duy trì và củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, trước tiên là sự hiện diện của Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế : Đối với các tổ chức không cần quy chế quốc gia thành viên thì « Đài Loan cần trở thành thành viên ». Còn đối với các tổ chức quốc tế còn lại thì sẽ « có các cách khác » để Đài Loan tham gia, và trong mọi trường hợp, « Đài Loan cần có vai trò lớn hơn trên thế giới ».
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ủng hộ quyết định của người tiền nhiệm Mike Pompeo giảm nhẹ các hạn chế về quan hệ chính thức với Đài Bắc. Ông Blinken muốn tân chính quyền Mỹ hành động phù hợp với mục đích của Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan. Cuối cùng, tân ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ Đài Loan : ông không chỉ tiếp bà Thái Anh Văn tại bộ Ngoại Giao khi bà là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan mà ông còn nói chuyện với bà nhiều lần sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống hồi năm 2016.
Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông
Chủ nhật 24/01, một ngày sau khi 15 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam Đài Loan (ADIZ), hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, được hai khu trục hạm và một tàu tuần dương hộ tống, đã tiến vào Biển Đông để thúc đẩy « các quyền tự do trên biển », cùng lúc một trinh sát cơ tàng hình U2 của Mỹ bay trên vùng biển này.
Trong một thông cáo bằng văn bản viết cụ thể về vụ xâm nhập này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định quan điểm chính thức của Hoa Kỳ và tân chính quyền : « Chúng tôi liên tục kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế chống lại Đài Loan, thay vào đó hãy tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đại diện Đài Loan được bầu lên một cách dân chủ. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các quốc gia bạn hữu và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - và điều đó bao gồm cả việc đưa mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan dân chủ trở nên sâu sắc hơn. […] Cam kết của chúng tôi đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch và góp phần vào việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực. »
Tuy nhiên, mối quan hệ của nước Mỹ thời Joe Biden với Đài Loan của Thái Anh Văn không thể « sao y bản chính » mối quan hệ Mỹ - Đài Loan mà chính quyền Donald Trump khởi dựng.
Không còn một đồng minh gây khó xử
Trước tiên, trong quan hệ sắp tới sẽ không còn một nhân tố quan trọng : Donald Trump. Cho đến hết nhiệm kỳ, Donald Trump vẫn là một đồng minh gây khó xử. Trong khi các cộng sự của ông Trump quyết tâm gạt Trung Quốc ra bên lề cộng đồng quốc tế qua việc lên án, buộc Bắc Kinh phải “phòng thủ” trong các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, thì mối quan hệ cá nhân mà Trump từng muốn thiết lập với tổng thống Nga Putin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, thậm chí ban đầu là với cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm lu mờ các thông điệp của Washington.
Vụ chiếm điện Capitol do những người ủng hộ ông Trump tiến hành hôm 06/01 cũng đã làm át đi những lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ các nhà hoạt động Hồng Kông bị trấn áp, dựa theo luật An ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở thành phố này. Về ý thức hệ, vụ chiếm Điện Capitol như một món hời trên trời rớt xuống cho Tập Cận Bình, cũng như các nhà tư tưởng của Trung Quốc và các nước khác, tạo cho họ cơ hội bình luận về « sự phá sản » của nền dân chủ Mỹ.
Chính quyền Trump đôi khi hành động quá đơn phương, không tham khảo ý kiến Đài Bắc đầy đủ về một số quyết định có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong khu vực, trong khi việc tăng cường quan hệ phải mang tính tương hỗ, tuần tự từng bước và đa phương : Washington phải thuyết phục các đối tác tăng cường quan hệ với Đài Bắc để củng cố vị thế của chính nước Mỹ.
Trò chơi mơ hồ của Quốc Dân Đảng
« Trở ngại » cuối cùng được dỡ bỏ không phải là từ Washington hay Bắc Kinh mà là ở chính Đài Bắc, trong nội bộ đảng đối lập, Quốc Dân Đảng. Chiến lược của Quốc Dân Đảng hiện giờ vẫn rất mơ hồ. Liên tục chỉ trích là Đài Loan bị cô lập về ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Thái Anh Văn, nhưng Quốc Dân Đảng không chịu công nhận Đài Loan đã được quốc tế biết đến nhiều hơn nhờ tổng thống Thái Anh Văn và việc xử lý dịch Covid-19.
Đầu tháng 10/2020, Quốc Dân Đảng đề xuất lên Quốc Hội do Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số hai dự thảo nghị quyết : Thứ nhất là chính phủ nên nỗ lực thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ dựa vào Đạo luật Quan hệ Đài Loan giúp Đài Bắc phòng thủ trước mối đe dọa từ Trung Quốc bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế hoặc an ninh, nếu Bắc Kinh rõ ràng gây nguy hiểm cho an ninh và các định chế xã hội - kinh tế của Đài Loan ; thứ hai là các nỗ lực ngoại giao của chính phủ với Hoa Kỳ cần có mục tiêu là hướng tới việc nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Washington.
Hai dự thảo nghị quyết nói trên khiến nhiều người ngạc nhiên và có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Quốc Dân Đảng muốn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ qua đó chứng tỏ là họ thay đổi ? Phải chăng Quốc Dân Đảng tìm cách đặt đảng Dân Tiến vào tình thế khó khăn là phải đối mặt với một giải pháp triệt để rồi sau này chỉ trích DPP mạnh hơn và trách cứ đảng Dân Tiến lẩn tránh trách nhiệm nếu giải pháp này bị phủ quyết (giải pháp này đã được chấp thuận) ? Hay Quốc Dân Đảng muốn Bắc Kinh gây áp lực với Đài Bắc nếu dự thảo nghị quyết được thông qua để rồi sau đó lại cho rằng Đài Loan không thể được bảo vệ và không thể dựa vào Hoa Kỳ để phòng thủ ?
Nên hiểu thế nào về chuyện trong hai ngày 21-22/01, Quốc Dân Đảng đề xuất phong tỏa một phần chi phí hoạt động của đại diện Đài Loan tại Mỹ (Hsiao Bi-khim) và tại CH Séc (Ke Liang-ruey) ? Chuyện này diễn ra một ngày sau khi Hsiao Bi-khim chính thức được mời dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Biden và nhiều tháng sau chuyến thăm Đài Bắc của phái đoàn chính thức của CH Séc do Miloš Vystrčil, chủ tịch Thượng Viện, dẫn đầu. Đây rõ ràng là hai thành công ngoại giao lớn nhất của Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Thái Anh Văn cho tới nay. Phải chăng đảng Cộng Sản Trung Quốc cài người vào lũng đoạn Quốc Dân Đảng ? Đây là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng ? Quốc Dân Đảng tạo sự mơ hồ về chiến lược để tránh bị cuốn vào cuộc xung đột gần như không thể tránh khỏi giữa Bắc Kinh và Washington ? …
Sự phụ thuộc kép
Trong khu vực ASEAN, mong muốn duy trì « cân bằng chiến lược » trên thực tế thường có nghĩa là khuất phục chính trị trước trật tự khu vực theo ý Bắc Kinh, kèm theo đó là sự lệ thuộc kinh tế vào trật tự tài chính toàn cầu do Mỹ và Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế ấn định. Tuy nhiên, sự phân chia không còn đơn giản như vậy nữa. « Con đường tơ lụa mới » muốn tăng cường khía cạnh thương mại (cho vay, đầu tư) và quân sự (căn cứ, tập trận chung) trong tiến trình chư hầu hóa chính trị trong khu vực của Bắc Kinh. Trong khi đó, chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương » có ý định gắn ý thức hệ (thế giới tự do chống lại các chế độ độc tài) với sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ.
Đối với Đài Bắc, tình hình hơi khác một chút : Đài Loan « lệ thuộc » Bắc Kinh về thương mại (40% xuất khẩu) nhưng lại « lệ thuộc » quân sự vào Washington. Quốc Dân Đảng, muốn tăng vế thứ nhất, giảm vế thứ hai, nên duy trì câu chuyện về bản sắc Trung Hoa của Đài Loan. Còn đảng Dân Tiến cầm quyền, để củng cố vế thứ hai, phải giảm vế thứ nhất và dựa vào việc củng cố bản sắc Đài Loan. (Theo một khảo sát hồi năm 2020, 67% dân Đài Loan coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,4% nhận mình người Hoa)
Đảng Dân Chủ của tổng thống Mỹ Biden và đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn có thời hạn đến năm 2023 để gắn kết vận mệnh chính trị chung của Đài Loan và Mỹ, đối chọi lại với quyết định luận về địa lý và văn hóa. Và điều này chắc chắn sẽ phải dựa vào chủ nghĩa đa phương cả về quân sự (thông qua bộ tứ QUAD) và kinh tế (thông qua việc mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Ảnh minh họa: Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngày 14/01/2021. © USS Theodore Roosevelt (CVN 71) - Petty Officer 2nd Class Casey |
Nhiệm kỳ Donald Trump kết thúc nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương có lẽ sẽ không hạ nhiệt. Theo giới quan sát được CNN trích dẫn, ba điểm nóng có thể giúp Mỹ và các đồng minh trong khu vực kềm hãm bớt đà hung hăng của Trung Quốc.
Chính quyền mới tại Mỹ chỉ vừa mới yên vị, Bắc Kinh đã đưa ra một chuỗi hành động mang tính thách thức : Điều hơn một chục chiến đấu cơ quần thảo trên không phận gần đảo tự trị Đài Loan, rồi thông qua luật cho phép hải cảnh nã súng hay kiểm soát các tầu nước ngoài. Hoa Kỳ lập tức đáp trả khi gởi một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến Biển Đông.
Phải chăng đó là một sự khởi đầu cho mối quan hệ không mấy êm thắm ? Có một điều chắc chắn, theo giới quan sát, những hành động trên của Bắc Kinh là nhằm thăm dò ý định và phản ứng của Mỹ.
Mục tiêu của Trung Quốc là vạch ra một « lằn ranh đỏ » với chính quyền Biden, theo như phân tích của ông Carl Schuster, cựu giám đốc Trung Tâm Tình Báo Chung, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.
Mặt khác, giới quan sát cũng nhận thấy rằng tần suất sách nhiễu của Bắc Kinh hay những hành động dọa dẫm các nước láng giềng về quyền thăm dò khai thác năng lượng tỷ lệ nghịch với số chiến dịch quân sự Mỹ trong trong khu vực.
Đây chính là một trong những khó khăn lớn nhất cho chính sách Mỹ trong những năm gần đây. Làm thế nào chứng minh được rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực không chỉ nhất thời và các lực lượng của Mỹ có thể phản ứng nhanh để hỗ trợ các đồng minh ?
Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh này, Hoa Kỳ có thể dựa vào ba điểm nóng để vạch ra một chiến lược đối với Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ nhất, tại Biển Đông. Hoa Kỳ không công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích khu vực. Số cuộc tuần tra tự do lưu thông hàng hải (FONOPS), vốn dĩ đã tăng mức kỷ lục (10 chiến dịch trong năm 2020) rất có thể sẽ còn được tăng cường thêm, cho dù Bắc Kinh liên tục đưa ra nhiều xác quyết chủ quyền như gởi chiến đấu cơ đáp xuống các đường băng trên các đảo nhân tạo, hay như tăng tần suất tập trận…
Chính sách này của Mỹ cũng đã từng được Joe Biden đề cập đến trong kỳ vận động tranh cử, khi nhắc lại rằng « quân đội Mỹ không quan tâm đến các vùng nhận dạng phòng không » do Trung Quốc thành lập.
Điểm nóng thứ hai là hồ sơ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung Quốc năm 1979, theo truyền thống, Washington không bao giờ bày tỏ công khai ủng hộ Đài Bắc mỗi khi Bắc Kinh có hành động đe dọa đảo tự trị.
Nhưng chính quyền Donald Trump đã có những cam kết mạnh mẽ bảo vệ Đài Loan khi thông qua hợp đồng bán thiết bị quân sự tinh vi, bán chiến đấu F-16, tên lửa tân tiến và xe tăng chiến đấu cũng như là gởi phái đoàn cao cấp đến thăm Đài Bắc. Những tuyên bố gần đây của tân chính quyền Biden dường như cho thấy Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trong chính sách này.
Điểm nóng thứ ba mà Hoa Kỳ có thể tính đến để kềm hãm Trung Quốc là Nhật Bản, vốn dĩ có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Liên minh Mỹ - Nhật trong khu vực là một mối hợp tác quan trọng nhất.
Thành phố Yokosuka, gần Tokyo là nơi trú đóng hạm đội 7 Hải quân Mỹ, lực lượng chuyên tiến hành các chiến dịch tuần tra vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn căn cứ không quân Kadena, trên đảo Okinawa là bãi đáp cho các loại chiến đấu cơ như F-15, và máy bay chống tầu ngầm P-8A.
Trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật, Hoa Kỳ luôn lên tiếng ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền Nhật Bản. Sự hậu thuẫn này đã được tân tổng thống Mỹ một lần nữa tái khẳng định trong cuộc điện đàm đầu tiên với thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm thứ Tư vừa qua.
Ngoài những điểm nóng trên, giới quan sát còn cho rằng Hoa Kỳ có thể trông cậy vào một số đồng minh, đối tác khác như Philippines, Việt Nam, Indonesia…
Tuy nhiên, ông Carl Schuster cảnh báo : « Các nhà lãnh đạo trong khu vực rất hài lòng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, vì điều đó cho phép kiểm soát hành vi của Trung Quốc. Nhưng họ không muốn làm bất kỳ điều gì để phải chọn phe giữa hai siêu cường này. »
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan. |
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, ngày 29/1 tuyên bố Mỹ phải chuẩn bị bắt Trung Quốc trả giá đắt vì những hành động chống lại người Hồi Giáo Uighur tại Tân Cương, đàn áp tại Hong Kong và đe dọa Đài Loan.
Phát biểu tại một sự kiện ở Viện Hòa bình Hoa Kỳ, ông Sullivan nhấn mạnh Washington cần lên tiếng rõ ràng và nhất quán về những vấn đề này.
Ông kêu gọi nước Mỹ cần phải “chuẩn bị hành động, cũng như buộc Trung Quốc phải trả giá, về những điều Trung Quốc đang làm tại Tân Cương, Hong Kong, về những hung hăng và đe dọa đối với Đài Loan.”
Ông Sullivan không nêu rõ chi tiết những bước mà Washington có thể thi hành.
Ông khẳng định vấn đề Trung Quốc đứng đầu trong các vấn đề được bàn thảo giữa Mỹ và đồng minh tại Châu Âu.
Ông nhấn mạnh cần phải nhất trí đáp ứng chung với Châu Âu về các vi phạm thương mại và công nghệ của Trung Quốc.
Chính quyền ông Biden, nhậm chức tuần trước, đã có những chỉ dấu cho thấy sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc mà cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi, nhưng muốn Bắc Kinh hợp tác về các ưu tiên chính sách như biến đổi khí hậu.
Tân Ngoại trưởng Antony Blinken ủng hộ tuyên bố của người tiền nhiệm Mike Pompeo rằng Trung Quốc phạm tội diệt chủng tại Tân Cương. Động thái này tăng thêm áp lực về chế tài hơn nữa từ Mỹ vốn đã được cựu chính quyền Trump ban hành đáp lại việc Bắc Kinh đàn áp dân chủ tại Hong Kong.
Chính quyền Biden đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan giữa những hành động quân sự gia tăng của Trung Quốc gần Đài Loan, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Bắc “vững như thạch.”
30/01/2021 - rfi.fr
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2021. Chính quyền của ông sẽ vẫn có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. REUTERS - KEVIN LAMARQUE |
Hoa Kỳ phải sữa chữa nền dân chủ để chống Trung Quốc tốt hơn và bắt Trung Quốc trả giá cho các hành vi hiếu chiến. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua 29/01/2021 phác họa chiến lược của tân chính quyền Mỹ để đối phó với đối thủ Trung Quốc.
Theo AFP, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, Jake Sullivan, đã khẳng định sự cứng rắn của tân chính quyền Mỹ, thậm chí còn nhấn mạnh sẽ « tiếp nối » đường lối của chính quyền Doanld Trump trên một số khía cạnh.
Trong cuộc nói chuyện với người tiền nhiệm Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Trump, do Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức, ông Jake Sullivan cho rằng « Trung Quốc đang cố gắng chứng minh rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ », dựa trên « những sự vận hành rối loạn và sự chia rẽ ở Hoa Kỳ ». Do đó, cột trụ đầu tiên trong bốn cột trụ của chính sách Mỹ phải là « sửa chữa những nền tảng cơ bản của nền dân chủ » của nước Mỹ, ngay chính trong « hệ thống dân chủ », cũng như trong "những bất bình đẳng sắc tộc » và « kinh tế ».
Bước thứ hai là phải nhìn nhận ra rằng sẽ hiệu quả hơn nếu hợp tác hành động với các đồng minh dân chủ của Washington. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden lưu ý rằng Hoa Kỳ cùng với các đồng minh ở châu Âu và châu Á đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới. Chính điều này mang lại cho họ sức mạnh cần thiết để đạt được các kết quả và bảo vệ một số nguyên tắc trước sự tấn công từ Trung Quốc. Điểm thứ ba là hướng đến giành chiến thắng trong cuộc chạy đua « công nghệ tương lai ». Và cuối cùng là sẵn sàng bắt Trung Quốc phải gánh hậu quả từ những hành động ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan.
Lầu Năm Góc đáp lại thông cáo của Trung Quốc về Đài Loan
Liên quan đến Đài Loan, phát ngôn viên John Kirby của bộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua tuyên bố không có lý gì để các những căng thẳng liên quan đến Đài Loan lại dẫn đến xung đột. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm, tuyên bố Đài Loan « độc lập đồng nghĩa với chiến tranh » và Bắc Kinh sẽ đáp trả đích đáng mọi hành động « can thiệp của nước ngoài ».
Đài NHK của Nhật Bản cho biết phát ngôn viên Lầu Năm Góc Kirby còn nhấn mạnh quan điểm của Washington là duy trì quan hệ với Đài Loan và Mỹ có nghĩa vụ yểm trợ sự phòng vệ của Đài Loan và bảo đảm những nghĩa vụ đó được tôn trọng.
Xét lại các biện pháp an ninh quốc gia thời TT Trump
Về các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, hôm qua cho biết chính quyền Biden sẽ xét lại tất cả các biện pháp mà cựu tổng thống Donald Trump đã đưa ra, bao gồm cả thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết hồi tháng 01/2020. Chad Bown, một thành viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trong tháng Giêng đã đưa ra một phân tích cho thấy lượng hàng hóa Trung Quốc mua của Mỹ vào năm 2020 đã giảm 42% so với cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong thỏa thuận thương mại.
Bà Katherine Tai được Tổng thống Joe Biden cử làm đại diện thương mại Mỹ. |
Nếu lãnh đạo Trung Quốc muốn biết cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với tranh chấp thương mại tiếp diễn giữa hai nước Mỹ-Trung sẽ như thế nào thì việc bổ nhiệm bà Katherine Tai làm đại diện thương mại Mỹ sẽ mang đến cho Bắc Kinh câu trả lời khá rõ ràng.
Là một luật sư, bà Tai là trưởng cố vấn thương mại cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ kể từ năm 2017. Trước khi gia nhập Ủy ban vào năm 2014, bà từng làm việc vài năm tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong đó có 3 năm làm cố vấn trưởng cho đội ngũ Thực thi Chính sách Thương mại đối với Trung Quốc với nhiệm vụ xử lý các tranh chấp với Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thông thạo tiếng Quan thoại, bà Tai hiểu rõ về Trung Quốc. Sau khi lấy bằng cử nhân từ đại học Yale, bà từng dạy tiếng Anh tại trường đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.
Kể từ khi được đề cử cho chức vụ mới, bà Tai chưa lên tiếng phát biểu gì vì còn đợi được Thượng viện chuẩn nhận. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Hội đồng Ngoại thương Quốc gia trước đây trong tháng này, bà Tai nhấn mạnh bà xem quan hệ thương mại Mỹ-Trung là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong một thế giới mà “có cảm giác như là một nơi phức tạp hơn và mong manh hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây trong cuộc đời của tôi.”
“Đất nước và nhân dân chúng ta đang đối dầu với những thách thức quan trọng trong việc điều hướng và giữ vững các giá trị và vị thế của chúng ta trên thế giới,” bà nói. “Trên đấu trường quốc tế, chúng ta đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một Trung Quốc đang lớn mạnh và nhiều tham vọng—một Trung Quốc mà nền kinh tế được chỉ đạo bởi các nhà lập kế hoạch trung ương không bị áp lực bởi chính trị đa nguyên, bầu cử dân chủ hay dư luận quần chúng.”
Sâu sắc, chiến lược và quả quyết
Ông Jason E. Kearns, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, một uỷ ban độc lập về chính trị, mô tả bà Tai là một ‘nhà tư tưởng chiến lược” luôn vươn tới những quyết định khó khăn mà không cần biết trước cách giải quyết.
Ông Kearns là người đi trước bà Tai trong vai trò tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, nơi mà ông đã tuyển dụng bà và làm việc với bà trong nhiều năm. Ông nhận xét về bà trong tư cách cá nhân chứ không phải trong tư cách đương kim chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.
“Bà ấy là một người biết lắng nghe và sâu sắc,” ông nói. “Đó là cách bà tiếp cận mọi vấn đề bà xử lý. Bà nỗ lực xây dựng đồng thuận lâu dài, và tôi nghĩ bà rất thành công trong việc này.”
Bà Tai, vẫn theo lời ông Kearns, phối hợp óc khôi hài với sự tự tin sẽ giúp bà rất nhiều trong các cuộc thương lượng thương mại quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Bà Tai công nhận “Trung Quốc đề ra một số thách thức nghiêm trọng cho chúng ta,” và cách bà tiếp cận Bắc Kinh sẽ vừa sâu sắc vừa quả quyết.
Đó là điều mà nhiều công ty Mỹ tìm cách cạnh tranh tại Trung Quốc cũng hy vọng - và kỳ vọng - từ bà Tai.
Không ‘dễ ăn’
“Bất cứ ai cho là bà Katherine Tai sẽ là một đối thủ hạ dễ như chơi hay sẽ dễ dàng cho Trung Quốc sẽ bị bất ngờ,” ông Doug Barry, phát ngôn viên cho Hội đồng Doanh thương Mỹ-Trung hoạt động tại Washington, Bắc Kinh và Thượng Hải, nói.
Vẫn theo lời ông, bà Tai biết rất rõ những khó khăn trong quá khứ Mỹ từng gặp để buộc Trung Quốc tôn trọng những cam kế của họ trong những thỏa thuận thương mại trước đây.
Liên hệ của bà Tai với Trung Quốc rất sâu rộng. Cha mẹ bà sinh ra tại Hoa lục, trưởng thành tại Đài Loan và di cư đến Mỹ. Bà Tai ra đời tại Connecticut vào năm 1974 nhưng trưởng thành chính yếu tại Washington, nơi thân phụ của bà làm việc trong tư cách là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Walter Reed và mẹ bà làm việc tại Viện Y tế Quốc gia.
Sau khi theo học Trường Luật Harvard, bà Tai làm luật sư thương mại, công tác tại các hãng luật uy tín ở Washington trước khi làm việc cho chính phủ.
Chỉ dấu về chính sách
Bà Tai có lẽ đã đưa ra một số chỉ dấu trong bài phát biểu tại Hội đồng Ngoại thương Quốc gia khi nói rằng mục tiêu của chính quyền Biden là ‘thực thi một chính sách thương mại đặt trọng tâm vào người lao động.’
Bà nói, thực tế điều đó có nghĩa là “Chính sách thương mại Mỹ phải mang lại lợi ích cho người dân, các cộng đồng, và người lao động Mỹ. Và điều đó khởi sự bằng việc công nhận người dân không chỉ là người tiêu dùng, họ cũng là người lao động và người làm việc kiếm thu nhập.”
“Người Mỹ không chỉ hưởng lợi từ giá hạ và những sự lựa chọn tốt hơn ngoài thị trường, trong cửa tiệm,” bà tiếp lời. “Người Mỹ cũng hưởng lợi từ việc có công ăn việc làm tốt, mức lương tốt.”
Tân ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đọc diễn văn tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm Thứ Tư, 27/1/2021 ở thủ đô Washington. (Carlos Barria/Pool via AP) |
Chính quyền Biden hôm thứ Tư 27/1 tái xét một loạt chính sách đối ngoại thời Trump sau khi tân Ngoại trưởng Antony Blinken nắm quyền lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Blinken cho biết chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét toàn diện mối quan hệ với Nga và duyệt lại các chi tiết của thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban đã ký gần một năm về trước. Ông cho biết chính phủ Mỹ đã yêu cầu ông Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của Tổng thống Trump chuyên trách Afghanistan, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, tiếp tục nhiệm vụ quan trọng của ông.
Nói chuyện với các nhà báo, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng trở lại với các cam kết đã ghi trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, mà cựu Tổng thống Trump đã rút khỏi, nhưng với điều kiện Iran phải tuân thủ đầy đủ hiệp định.
Phát biểu trước ngoại giao đoàn, mà trong bốn năm qua thường xuyên bị đả kích hoặc làm ngơ, ông Blinken cam kết sẽ xây dựng lại hàng ngũ các quan chức ngoại giao và sẽ tận dụng kiến thức chuyên môn của họ giữa lúc chính quyền Biden cố gắng khôi phục lại vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới.
Ông nói thế giới đang theo dõi Mỹ và các chính sách mới sau chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đã khiến nhiều đồng minh xa lánh Mỹ.
Hôm 27/1, tân Ngoại trưởng Blinken đã trao đổi với ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Israel, Úc, Philippines và Thái Lan, cũng như với tổng thư ký NATO, sau các cuộc điện đàm với các vị đồng cấp Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc vào chiều tối 26/1.
Từ phòng báo chí của Bộ Ngoại giao, ông Blinken cam kết sẽ tôn trọng và tạo điều kiện cho báo chí tiếp xúc với ông, đồng thời hứa mở lại các cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao, bắt đầu vào tuần tới.
Về các vấn đề chính sách, ông Blinken cho biết ông đặc biệt lo ngại về loan báo của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo 10 ngày trước khi hết nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, xếp loại nhóm Houthi được Iran hậu thuẫn là "tổ chức khủng bố nước ngoài".
Nhiều người lo ngại việc xếp loại như vậy đi kèm với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Hoa Kỳ, sẽ làm trầm trọng hơn nữa điều đã được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo đã tồi tệ nhất thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ đã hành động để tạm ngưng một số biện pháp trừng phạt liên quan đến chỉ định đó, nhưng các nhóm viện trợ nói nạn đói có thể xảy ra trên diện rộng nếu các lệnh trừng phạt đó không được hoàn toàn dỡ bỏ.
Tổng thống Biden đã thề sẽ đảo ngược cách tiếp cận của ông Trump, vốn đã khiến nhiều đồng minh truyền thống xa lánh Mỹ, vì họ cho rằng đây là một hướng tiếp cận đơn phương, cứng rắn, không tạo điều kiện để đàm phán.
“Thế giới đang chăm chú theo dõi chúng ta ngay trong lúc này”, ông Blinken nói. “Họ muốn biết liệu chúng ta có thể hàn gắn những chia rẽ trong nội bộ hay không. Họ muốn xem liệu chúng ta có lãnh đạo bằng sức mạnh của vai trò làm gương của Mỹ hay không, và liệu chúng ta có đặt nặng quan hệ ngoại giao với các đồng minh và đối tác hầu đáp ứng trước những thách thức lớn của thời đại hay không - như đại dịch, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, các mối đe dọa đối với dân chủ, cuộc đấu tranh cho công lý chủng tộc và những nguy cơ do các đối thủ và kẻ thù của chúng ta đặt ra đối với an ninh và sự ổn định toàn cầu hay không”.
Ông Blinken, 58 tuổi, một cộng sự thân tín lâu năm của ông Biden, được Thượng viện chuẩn thuận vào vai ngoại trưởng thứ 71 của Hoa Kỳ hôm thứ Ba 26/1 sau một cuộc biểu quyết với 78 phiếu thuận, 22 phiếu chống. Bộ trưởng Ngoại giao là vị trí cao cấp nhất trong Nội các, đứng thứ tư trong danh sách những nhân vật dự phòng để đảm nhiệm chức Tổng thống, sau phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền.
Tàu chiến Mỹ USS John S. McCain đi qua eo biển Đài Loan, 30/12/2020. |
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuyển hướng sang châu Á, nhưng đừng trông đợi rằng ông sẽ nói ra một cách rõ ràng, theo một bài phân tích đăng hôm 28/1 trên trang Politico.
Bài báo của Politico cho biết rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan mới đây tiến hành tái cơ cấu đội ngũ nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), tập trung vào hai tổng cục Trung Đông và châu Á, cụ thể là giảm bớt người chuyên trách về Trung Đông và tăng cường người ở bộ phận điều phối chính sách của Mỹ đối với châu Á, một khu vực rộng lớn trên thế giới trải dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.
Động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền mới của Mỹ sẽ ưu tiên châu Á trong các sáng kiến chính sách đối ngoại của họ, Politico nhận định. Điều này cũng phản ánh sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua và mối quan tâm ngày càng tăng của các quan chức và nhà lập pháp thuộc cả hai đảng lớn ở Mỹ về cách thức các nhà lãnh đạo chuyên chế ở Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh cơ bắp mới của họ.
Một phóng sự truyền hình của CNN dẫn lời ông Rory Medcalf, Hiệu trưởng trường Cao đẳng An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia, khẳng định rằng châu Á đang là tâm điểm của một cuộc cạnh tranh quyền lực.
“Châu Á đang là đấu trường để tranh giành ưu thế cả về kinh tế lẫn chính trị có ảnh hưởng đến toàn cầu. Trung Quốc đang tìm cách có sức mạnh chi phối, thậm chí họ muốn có quyền lực như một đế quốc, và nhiều nước trong khu vực không muốn thấy có sự thống trị như vậy”, ông Rory Medcalf nói.
Vẫn theo phóng sự của CNN, nhà khoa học chính trị và tác giả sách Richard Heydarian ở Philippines chỉ ra rằng với sức mạnh ngày càng tăng, Trung Quốc đang lợi dụng điều đó để hăm dọa các nước láng giềng.
“Trung Quốc đối đầu với hầu hết các nước láng giềng, chỉ trừ Nga, điều đó nói lên rất nhiều về việc Trung Quốc đang thực hiện một chính sách đối ngoại không phù hợp trong quan hệ với các nước khác”, ông Heydarian nói.
Bản thân Trung Quốc đang dính líu đến một loạt những điểm nóng trong khu vực, CNN tường thuật.
Đó là Đài Loan, vùng Hymalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tất cả những nơi này đều có tiềm năng bùng nổ thành xung đột.
Theo cấu trúc mới của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), phạm vi của ông Kurt Campbell, điều phối viên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang mở rộng thêm, trong khi bộ phận dưới quyền của điều phối viên về Trung Đông Brett McGurk sẽ thu hẹp lại, một số quan chức hiện tại và cựu quan chức cho Politico biết.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định châu Á là trọng tâm đối với Mỹ. |
Những thay đổi này về cơ bản làm đảo ngược cấu trúc của NSC dưới thời Tổng thống Obama, khi đó, Tổng cục Trung Đông có quy mô lớn hơn nhiều so với hiện tại, còn bộ phận châu Á có số nhân viên ít hơn và cấp bậc của họ cũng thấp hơn.
Tổng thống Biden và đội ngũ của ông giờ đây tin rằng những thách thức an ninh lớn nhất sẽ xuất hiện từ cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, các quan chức an ninh quốc gia hiện nay và trước đây nói với Politico, và do đó, bộ máy của ông Biden đang điều chuyển nguồn lực của họ sao cho phù hợp.
Bộ máy của ông Biden muốn tránh chuyện lại có một vũng lầy nữa ở Trung Đông. Họ củng cố các liên minh cốt lõi ở châu Á và châu Âu mà họ cho rằng đã bị bỏ rơi hoặc bị hắt hủi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, các quan chức hiện tại và trước đây nói với Politico.
Karim Sadjadpour, chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: “Việc điều chuyển các nguồn lực phục vụ chính sách từ Trung Đông sang châu Á phản ánh tốt hơn về hiện thực kinh tế Mỹ”.
Trong bài viết của Politico, ông Sadjadpour ghi nhận rằng: “Chính sách châu Á có liên quan trực tiếp đến các nông dân, các tập đoàn và các công ty công nghệ Mỹ, trong khi Trung Đông thì không, đặc biệt là xét đến tình hình về tài nguyên năng lượng nội địa của Mỹ”.
Vẫn ông Sadjadpour nói thêm: “Sau hai thập kỷ đau đớn ở Iraq và Afghanistan, giờ đây lưỡng đảng ở Mỹ cũng còn rất ít sự ủng hộ đối với chuyện cần làm nhiều hơn nữa ở Trung Đông”.
Các ưu tiên mới được thể hiện rõ ràng từ những hoạt động ban đầu của đội ngũ của ông Biden để tiếp xúc với các đồng minh châu Âu và châu Á quan trọng, đó là việc họ gọi điện chào hỏi với các nước bao gồm Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mexico.
Ở thời điểm hiện tại, các công việc về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc thẩm quyền của ông Campbell, và ông có 3 cục trưởng thường trực - Laura Rosenberger là cục trưởng thường trực chuyên trách Trung Quốc, Sumona Guha là cục trưởng thường trực chuyên trách Nam Á và Andrea Kendall-Taylor là cục trưởng thường trực chuyên trách Nga và Trung Á. Trong NSC dưới thời ông Obama, bộ phận về Trung Quốc không có “cục trưởng thường trực”, còn bộ phận về châu Á không có tổng cục trưởng đứng đầu, một cựu quan chức so sánh.
Cựu quan chức này, người phục vụ cho chính quyền Obama, nói: “Về cơ bản, đây là sự tiếp nối với chính sách xoay trục sang châu Á nhưng có lẽ người ta không nói công khai nhiều”.
Năm 2011, tổng thống Mỹ khi đó, ông Obama, công bố rằng ông đã chỉ thị cho đội ngũ an ninh quốc gia của mình “đặt sự hiện diện và sứ mệnh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương thành ưu tiên hàng đầu”, đó cũng là lúc ông báo hiệu rằng Hoa Kỳ cần phải tái cân bằng, giảm bớt trọng tâm của Mỹ đặt vào châu Âu và Trung Đông, sau những năm tháng xem nhẹ và không đối đầu với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Sự thay đổi này thường được gọi là “xoay trục sang châu Á” sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton khi đó rằng Hoa Kỳ đứng ở “thời điểm bản lề” khi các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan kết thúc.
Ông Kurt Campbell khi còn là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ (ảnh năm 2013) |
Ông Campbell, hiện là tổng cục trưởng chuyên trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từng là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy cho chiến lược kể trên, khi đó, ông giữ chức Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Obama. Tuy nhiên, mức độ thành công của chiến lược đó không được rõ ràng và nó đã bị các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu nhìn nhận một cách hoài nghi.
Vì vậy, vị cựu quan chức thời Obama mà Politico không nêu tên cho rằng việc chính quyền Biden tái cơ cấu một cách âm thầm, không phô trương hay ra tuyên bố rầm rộ, dường như là việc làm có chủ ý.
Sự chuyển đổi rõ rệt này không chỉ giới hạn ở NSC. Politico chỉ ra rằng các chuyên gia về châu Á cũng đang được đưa vào nhiều nơi trong chính quyền mới, bao gồm cả tại Bộ Quốc phòng Mỹ, ở đó, cựu phụ tá của ông Biden là Ely Ratner được bổ nhiệm làm cố vấn chính về Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin; còn Kelly Magsamen, từng là phó trợ lý chính của Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách về an ninh châu Á và Thái Bình Dương cho đến năm 2017, đã được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của ông Austin.
Ông Austin, một cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (Centcom), nhận thức rõ ràng rằng chính quyền Biden muốn chuyển trọng tâm của Lầu Năm Góc về phương đông. “Trên bình diện toàn cầu, tôi hiểu rằng châu Á phải là trọng tâm trong nỗ lực của chúng ta”, ông Austin nói trong phiên điều trần để được chuẩn thuận làm bộ trưởng. "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong tương lai bởi vì Trung Quốc đang đi lên", vẫn ông Austin nói.
Một trong những động thái đầu tiên của ông Austin trong công việc mới là bổ nhiệm ba cố vấn đặc biệt về các vấn đề chính là Trung Quốc, đại dịch Covid-19 và khí hậu. Có thể thấy Trung Đông đã vắng bóng trong nghị trình của ông.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên gia châu Á-Thái Bình Dương Mira Rapp-Hooper được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao về Trung Quốc ở Vụ Hoạch định chính sách; còn tại Liên Hiệp quốc, Jeffrey Prescott, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn cấp cao về châu Á cho Phó Tổng thống Biden trước đây, được đề cử làm phó đại sứ.
Việc Mỹ giờ đây nhấn mạnh rất nhiều vào châu Á là những gì tiếp nối chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 mà trong đó Trung Quốc là vấn đề nổi bật, khi đó, cả hai ứng cử viên là ông Trump và ông Biden đều cố chứng tỏ mình cứng rắn hơn người kia trong việc xử lý quan hệ với Bắc Kinh.
Hai ông Biden-Tập sẽ đối đầu hay đấu dịu? |
Mặc dù niềm tin của các đồng minh châu Á vào Mỹ đã phần nào khôi phục dưới chính quyền Joe Biden nhưng Mỹ vẫn phải làm rất nhiều để lấy lại vai trò lãnh đạo trong bối cảnh cán cân quyền lực ngày càng nghiêng về Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ nhận định tại một hội thảo mới đây.
Với chủ đề ‘Dự báo Châu Á 2021’, hội thảo diễn ra trực tuyến hôm 26/1 này là sự kiện thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ, để các chuyên gia đưa ra cái nhìn dự báo về tình hình an ninh và chiến lược ở Châu Á trong cả năm.
Hội thảo năm nay diễn ra trong lúc nước Mỹ vừa có chính quyền mới. Tân chính quyền Joe Biden được kỳ vọng sẽ đoạn tuyệt với chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của cựu Tổng thống Donald Trump vốn được cho là dẫn đến vai trò ngày càng suy yếu của Mỹ trong khu vực.
Mỹ xuống Trung lên?
So với bốn năm trước thì năm nay tình hình địa chính trị khu vực châu Á đã thay đổi nhiều, các chuyên gia của CSIS nhận định.
Về phía Trung Quốc, nước này đang trong giai đoạn bản lề của những sự kiện quan trọng như kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm nay và Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm sau mà rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ làm Tổng bí thư tiếp một nhiệm kỳ thứ ba, ông Jude Blanchette, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Quốc của CSIS cho biết.
“Năm nay thực sự là năm khởi động để ông Tập Cận Bình hướng tới tái cử tại đại hội năm tới,” ông Blanchette nói. “Ông ấy sẽ có chặng đường 18-20 tháng để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ.”
Theo lời ông Blanchette thì một trong những ưu tiên của ông Tập là ‘đảm bảo hình ảnh của ông không bị hoen ố’. Do đó, ông Tập ‘sẽ cực kỳ nhạy cảm đối với các sự kiện bên ngoài, nhất là sẽ hết sức nhạy cảm trước việc chính quyền ông Biden sẽ đương đầu và đối phó với Bắc Kinh như thế nào’.
Về phía Mỹ, học giả này cho rằng vai trò lãnh đạo khu vực của Washington ‘không còn được mặc nhiên thừa nhận nữa (not inherently given anymore)’ mà nước này phải nỗ lực để giành lại thế lãnh đạo (has to be re-earned).
“Bước đầu tiên của chúng ta là tăng cường sự hiện diện. Bước thứ hai là giành lại thế lãnh đạo,” ông nói và cho rằng Mỹ nên đối mặt với thực tế là cán cân quyền lực ‘đã thay đổi’ với sự trỗi dậy của các nước khác.
Năm vừa qua với thành tích chống dịch Covid-19 tệ hại của Mỹ và mới đây là vụ bạo loạn tấn công vào Điện Capitol khi Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử Tổng thống càng củng cố sự tin tưởng ở Bắc Kinh rằng Mỹ ‘đang thoái trào’, cũng theo nhận định của chuyên gia này.
“Năm vừa qua là bằng chứng để Trung Quốc cho rằng hệ thống chính trị của họ ưu việt hơn của Mỹ không chỉ về mặt biểu tượng mà còn về thực chất, và họ đang trải qua hai thập niên phất lên trong khi nước Mỹ đang trong quá trình suy thoái chậm rãi kéo dài khỏi vị thế bá chủ còn Trung Quốc đang tiến vào trung tâm thế giới,” ông phân tích.
Do đó, ông Blanchette cho rằng thế giới sẽ chứng kiến ‘một kiểu hành vi nhất quán mới của Trung Quốc’ và sức mạnh của Bắc Kinh ‘sẽ khiến họ phạm những sai lầm ngớ ngẩn’, chẳng hạn như việc trừng phạt 20 quan chức mãn nhiệm của chính quyền Donald Trump ‘không giúp ích được gì cho Trung Quốc mà chỉ chọc giận chính quyền Joe Biden’.
‘Cần đồng minh’
Trong bối cảnh này, nước Mỹ cần phải ‘tái xem xét lại vai trò của mình trên thế giới và thực hiện việc ủy nhiệm’. “Đây là chỗ mà các đồng minh và đối tác trở nên hết sức quan trọng đối với Mỹ bởi vì nước Mỹ không còn khả năng có sự hiện diện an ninh đón đầu như trước nữa,” ông giải thích.
Ông Michael J. Green, phó chủ tịch cao cấp chương trình nghiên cứu Châu Á của CSIS, cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải phối hợp với các đồng minh, nhất là trong những vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và xây dựng dân chủ.
Ông chỉ ra là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, Washington sẽ gặp thế khó nếu muốn thúc đẩy dân chủ ở những nước như Thái Lan và Philippines, vốn là những nước đồng minh có hiệp ước với Mỹ nhưng những năm qua có bước thụt lùi về dân chủ và đang đi về phía quỹ đạo của Bắc Kinh.
Do đó, ông cho rằng trên vấn đề này, Mỹ cần sự chung tay của các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc, một nền dân chủ được các nước đông nam Á kính trọng và Indonesia, nền dân chủ lớn nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn dưới thời ông Donald Trump đã trở nên ‘sóng gió’ với việc Washington đòi Seoul chia sẻ gánh nặng tài chính và tranh chấp thương mại giữa hai nước, ông Victor D. Cha, cố vấn cao cấp và là chủ tịch chương trình nghiên cứu bán đảo Triều Tiên của CSIS, cho biết.
Do đó, ông cho rằng với việc chính quyền Biden lên nắm quyền, nước Mỹ ‘có cơ hội củng cố lại quan hệ đồng minh nhất là với Nhật và Hàn’. Theo lời ông, Mỹ cần bỏ qua việc chia sẻ gánh nặng và thay vào đó ‘tập trung vào những thách thức lớn hơn mà họ đối mặt như kiểm soát và chỉ huy, và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp’.
Bà Sue Mi Terry, chuyên gia cao cấp của chương trình nghiên cứu bán đảo Triều Tiên, nhận định rằng các nước đồng minh Châu Á của Mỹ ‘có cảm giác được trấn an’ với việc chính quyền Biden bổ nhiệm những nhân vật như Anthony Blinken, Jake Sullivan và Kurt Campbell vào nội các an ninh-đối ngoại.
“Mặc dù chính quyền Biden có khởi đầu tốt, nhưng tôi cho rằng phải mất hơn vài tháng thì lòng tin vào sự lãnh đạo của Mỹ mới phục hồi,” bà nói và cho rằng nếu ông Biden nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh trước các nước khác, uy tín của Mỹ sẽ sớm phục hồi.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ quan ngại về tàn dư của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ. “Sau bốn năm (dưới thời ông Trump), tôi nghĩ sẽ khó mà loại bỏ quan ngại về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, và chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ,” bà nói. Bà chỉ ra mối đe dọa sẽ xuất hiện những chính trị gia dân túy, mị dân ở Mỹ sẽ vẫn hiển hiện
Biển Đông sẽ ra sao?
Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của CSIS, chỉ ra Đài Loan và Biển Đông sẽ là hai điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung.
Bà cho rằng trên cả hai vấn đề này, cả chính quyền ông Joe Biden và của ông Tập Cận Bình ‘đều sẽ tỏ ra cương quyết’. Đối với ông Tập, đây là những vấn đề quan trọng đối với ông khi ông bắt đầu chiến dịch tái ứng cử nhiệm kỳ ba.
Bà nhắc tới nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến vào Biển Đông và chiến đấu cơ Mỹ đã có mặt ở khu vực trong những ngày qua và cho rằng việc triển khai này sẽ là ‘hoạt động thường xuyên của Mỹ’. Cùng với việc Trung Quốc có bố trí quân sự gần eo biển Đài Loan và trên Biên Đông, có ‘nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc’, bà Glaser nói.
Theo dự đoán của bà thì trước mắt ông Tập Cận Bình sẽ không dùng vũ lực để thống nhất với Đài Loan mà ‘sẽ áp đặt hậu quả lên chính quyền của bà Thái Anh Văn’ để răn đe bà Thái đừng có các động thái đòi độc lập cho Đài Loan.
Về việc mới đây Trung Quốc đã cho phép lực lượng hải cảnh của họ quyền nổ súng ở các vùng biển có tranh chấp, bà Glaser đánh giá ‘điều luật này đã được thực hiện ở nhiều nước nhưng vấn đề là Bắc Kinh sẽ thực hiện nó như thế nào?’
Nếu nhìn vào cách hành xử lâu nay của Bắc Kinh trên Biển Đông, bà dự đoán trong thời gian tới họ ‘sẽ tăng cường các hành động cưỡng ép bằng các tàu hải cảnh’ và ‘sẽ đưa ra thêm nhiều tàu hải cảnh lớn hơn và có năng lực hơn’. “Do đó, khả năng của họ trong việc kiểm soát hoạt động của các nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với đường chín đoạn của Trung Quốc sẽ tăng,” bà nhận định.
Do đó, bà khuyến cáo chính quyền của ông Biden không chỉ dừng ở việc thực hiện các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FRONOP) trên Biển Đông như dưới chính quyền Trump mà còn phải mở rộng ‘lên án các hoạt động cưỡng ép của Bắc Kinh’ đối với các nước khác về khai thác dầu, khí và nguồn lợi thủy sản.
“Nếu chính quyền Biden không làm điều này, tôi nghĩ rằng lòng tin của một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines, sẽ suy giảm,” bà nói. “Họ tin rằng chỉ đảm bảo tự do hàng hải không thôi sẽ không đủ bảo vệ lợi ích của họ.”
Dưới chính quyền ông Trump, Bắc Kinh đã tăng cường dọa dẫm và bắt nạt các nước quanh Biển Đông về các hành động thăm dò, khai thác dầu khí, điển hình như vụ đối đầu kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh Bãi Tư chính hồi năm 2019.
Tăng cường hiện diện
Chuyên gia này cũng khuyến nghị chính quyền ông Biden nên có hành động để đuổi kịp Bắc Kinh về ngoại giao trong khu vực. Bản thân ông Trump đã bỏ qua một số hội nghị thượng đỉnh khu vực như thượng đỉnh ASEAN, thượng đỉnh Đông Á, thượng đỉnh APEC để Bắc Kinh chiếm thế thượng phong.
“Chính quyền Biden nên bắt đầu với việc cho thấy việc tham gia các hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan luôn quan trọng. Chính quyền Trump đã không làm tốt việc này ngay cả khi hội nghị được tổ chức trực tuyến,” bà nói và cho biết bà nghe nhiều nước trong khu vực không chỉ muốn Mỹ đến tham dự hội nghị mà còn ‘lắng nghe họ để hiểu ưu tiên của họ là gì’.
Về phần mình, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS, đề xuất chính quyền Biden nên lôi kéo các đồng minh Châu Âu cùng gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao lên Bắc Kinh trước các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông cho rằng đây là ‘một phần rất quan trọng’ trong nỗ lực của Mỹ.
Một vấn đề quan trọng nữa mà Mỹ phải làm, cũng theo lời ông Poling, là ‘sửa chữa mối quan hệ quân sự với Philippines’. Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi năm ngoái đã đơn phương hủy bỏ hiệp định cho lực lượng Mỹ đến đồn trú. Việc này đã vô hiệu hóa Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký kết trong khuôn khổ chiến lược xoay trục của cựu Tổng thống Barack Obama.
Theo phân tích của ông thì Philippines là nơi duy nhất trên Biển Đông Mỹ có thể đặt một lực lượng luân phiên để răn đe và chống lại các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc. “Tên lửa hành trình của Mỹ không thể nào bắn tới Trường Sa từ đảo Okinawa hay Guam. Cho nên Mỹ phải tìm cách có sự hiện diện ở Philippines,” ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, Mỹ nên cân nhắc sớm bổ nhiệm đại sứ ở ASEAN, cũng theo ông Poling. “Khu vực đông nam Á đã chán ngán với việc suốt bốn năm qua nghe các quan chức Mỹ nói rằng chiến lược Châu Á đối với họ quan trọng nhưng lại chẳng buồn bổ nhiệm đại sứ đến khu vực,” ông nói.
Và khi Mỹ trở lại khu vực, Mỹ không nên chỉ đem đến những thông điệp tiêu cực về Trung Quốc mà còn phải có chương trình nghị sự tích cực như ngoại giao vaccine, phục hồi kinh tế, trao đổi thương mại, cũng theo lời ông Poling.
Tân Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) đồng tình với phần lớn chính sách của người tiền nhiệm. |
Trong cuộc họp báo hôm 25/1, tân Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng trong vài năm qua Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn ở trong nước và lấn lướt hơn ở nước ngoài, và Bắc Kinh hiện đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của Mỹ một cách rõ rệt, đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận mới, một bản tin của Reuters cho biết.
Bà Jen Psaki, phát ngôn viên của tân Tổng thống Biden, nói thêm: “Chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề này với sự kiên nhẫn chiến lược”, vẫn theo Reuters, và bà khẳng định rằng Nhà Trắng sẽ làm việc chặt chẽ với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong quốc hội Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác quốc tế, về vấn đề này trong những tuần tới.
Trước khi có những phát biểu sơ lược của bà Psaki về chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, trong buổi điều trần hôm 19/1 để được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận chức ngoại trưởng, ông Antony Blinken khiến các đảng viên Cộng hòa ngạc nhiên khi ông đồng tình với phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump, đặc biệt là về Trung Quốc, The Hill tường thuật.
Tương tự như vậy, trong các phiên điều trần của họ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cũng nêu lên những nét cơ bản về chính sách thể hiện sự tiếp nối đáng kể giữa chính quyền ông Trump với chính quyền ông Biden về các vấn đề an ninh quốc gia, vẫn The Hill cho biết.
Cả ông Austin lẫn bà Haines đều hứa sẽ chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc, xem nước này như là một “đối thủ” ngày càng mạnh.
Ông Austin nói: “Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Hoa Kỳ. Vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là trọng tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ”.
Bà Haines phát biểu: “Trung Quốc là một thách thức đối với an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta trong nhiều vấn đề và tôi ủng hộ một lập trường xông xáo hơn, quyết liệt hơn so với thời chính quyền Obama-Biden".
Bà Bi-khim Hsiao, Đại diện của Đài Loan ở Mỹ, dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phó tổng thống Mỹ hôm 20/1/2021 |
Không quay lại thời Clinton-Bush-Obama
Ông Joseph Bosco, giám đốc chuyên trách Trung Quốc, phục vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến 2006, bình luận trên The Hill rằng cách tiếp cận hiện nay của ông Blinken dường như rất giống quan điểm quyết liệt của đội ngũ làm chính sách về Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, và như vậy, quan điểm của ông Blinken có sự khác biệt với chiến lược của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Điều phối viên về chính sách Trung Quốc Kurt Campbell.
Hai ông Sullivan và Campbell chủ trương rằng Mỹ có lối sống riêng song cũng tôn trọng lối sống của các nước khác. Cả hai ông đều không cần Thượng viện chuẩn thuận.
Vẫn ông Joseph Bosco, hiện là nhà nghiên cứu không thường trú của Viện Nghiên cứu Corean-American và là thành viên ban cố vấn của Viện Đài Loan toàn cầu, nhận xét trên The Hill rằng tân Ngoại trưởng Blinken cũng đồng tình với việc cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo xác định chương trình đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là “tội ác diệt chủng”.
Điều này nhất quán với tuyên bố rõ ràng từ ban vận động bầu cử của ông Biden về vấn đề này: “Sự áp bức không tả xiết mà người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác phải gánh chịu dưới bàn tay chuyên chế của chính phủ Trung Quốc là tội ác chủng và ông Joe Biden chống lại với mức độ mạnh mẽ nhất".
Về vấn đề Đài Loan, trong phiên điều trần, ông Blinken được hỏi chính quyền mới sẽ xử lý ra sao việc Trung Quốc hành xử hung hăng đối với hòn đảo theo chế độ dân chủ. Đáp lại, ông Blinken cam kết sẽ tiếp tục giúp Đài Loan có khả năng tự vệ và tăng cường việc Đài Loan tham gia vào hoạt động quốc tế. Ông Blinken nói rằng ông muốn hoàn thành quá trình mà ông Pompeo đã khởi xướng về việc nới lỏng các hạn chế đối với các giao tiếp chính thức của chính phủ Mỹ với Đài Loan.
Viết trên The Hill, nhà nghiên cứu Joseph Bosco nêu ra quan sát rằng khi còn là tổng thống đắc cử và giờ đây đã chính thức là tổng thống, ông Biden không làm theo cách của ông Trump là nhận điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nhưng ông Biden tạo ra tiền lệ của riêng mình bằng cách mời đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, Bi-khim Hsiao, dự lễ nhậm chức của ông - điều này có thể dễ đoán rằng cũng khiến Bắc Kinh khó chịu.
Vài ngày sau, Trung Quốc điều phi đội máy bay ném bom lớn nhất trong nhiều năm gần đây bay qua không phận Đài Loan, còn chính quyền mới của Hoa Kỳ điều động tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng các tàu hải quân khác vào Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Joseph Bosco lưu ý rằng trong 4 năm trước, tuy chính quyền Trump gia tăng việc điều tàu hải quân đi qua eo biển Đài Loan, song không có hoạt động của tàu sân bay, các chính quyền khác của Mỹ trước đó cũng vậy, chỉ ngoại trừ một lần tàu sân bay phải "chuyển hướng vì thời tiết" vào năm 1995 và một cuộc khác rõ ràng là để thách thức vào năm 2007.
Song song với hoạt động của tàu sân bay Theodore Roosevelt, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một tuyên bố thúc giục Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và tuyên bố "Cam kết của Mỹ với Đài Loan hết sức vững chắc".
Nhà nghiên cứu Joseph Bosco viết trên The Hill rằng nhìn chung, những tín hiệu ban đầu từ chính quyền Biden cho thấy ít có khả năng xảy ra chuyện chính sách về Trung Quốc sẽ quay trở lại giống như thời của các chính quyền Clinton-Bush-Obama.
Thay vào đó, theo ông Joseph Bosco, cách tiếp cận hợp lý, hướng tới tương lai của đội ngũ thời ông Trump nhiều khả năng sẽ được giữ lại và củng cố, ít nhất là trong ngắn hạn.
Còn để biết chắc về triển vọng dài hạn, ta phải đợi đến khi nào Trung Quốc, hoặc Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, và chính quyền Biden nhận thấy họ phải xử lý một vấn đề to lớn, nhà nghiên cứu Joseph Bosco viết.
Trong chính sách về Trung Quốc, chính quyền của ông Biden chắc chắn sẽ phải làm việc về vấn đề Biển Đông.
Trên trang web của The Dilomat, ông Derek Grossman, nhà phân tích cấp cao về quốc phòng tại Tổ chức RAND phi lợi nhuận, phi đảng phái, đưa ra một số gợi ý về những gì chính quyền Biden nên làm liên quan đến Biển Đông và Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, ảnh chụp hôm 4/6/2020 |
Mỹ nên làm gì với Việt Nam về Biển Đông?
Ông Derek Grossman, cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Southern California, cho biết Việt Nam khá hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 13/7/2020 về việc Hoa Kỳ sẽ không tôn trọng các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh xuất phát từ các thực thể trong vòng tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough, bãi cạn Luconia và Natuna Besar.
Vì vậy, một quyết định của chính quyền Biden nhắc lại lập trường chính sách này sẽ được Hà Nội đánh giá rất cao, nhà phân tích Derek Grossman viết trên The Diplomat.
Nhưng Việt Nam chắc chắn còn muốn thấy nhiều hơn thế, vẫn theo ông Derek Grossman. Nếu đội ngũ của ông Biden đưa ra một tuyên bố tương tự từ chối công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển liên quan đến quần đảo Hoàng Sa (và thậm chí tốt hơn nữa là không công nhận chính quần đảo đó), thì Hà Nội có thể sẽ vui mừng khôn xiết.
Thứ hai, ông Derek Grossman nhận định rằng Việt Nam âm thầm tán thành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vì chiến lược này có đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và cho thấy ý định của Washington trong việc duy trì sự hiện diện trong khu vực trong nhiều năm tới.
Do đó, nếu chính quyền Biden giữ nguyên chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (là điều nên làm), điều này có thể báo hiệu cho Hà Nội rằng Washington nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hành động chiếm đóng ở Biển Đông và Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu có những vi phạm mới, ông Derek Grossman nêu ý kiến trên The Diplomat.
Thứ ba, ông Derek Grossman cho rằng việc Mỹ tham gia các hội nghị khu vực quan trọng, như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng định Đông Á, coi như đã tham gia một nửa “trận chiến” ở Đông Nam Á. Nếu chính quyền Biden muốn cải thiện hình ảnh của mình ở Việt Nam và ở khu vực, việc cử các quan chức cấp cao của Mỹ tham dự các sự kiện này - mà tốt nhất là đích thân tổng thống đến dự - sẽ rất quan trọng. Khi tham gia các hội nghị, chính quyền Mỹ sẽ được lợi với việc nhắc lại tuyên bố của ông Pompeo về Biển Đông, và nếu có thể được, cũng nên tiến xa hơn với một tuyên bố về Hoàng Sa.
Thứ tư, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu Derek Grossman đánh giá trên The Diplomat rằng có những cơ hội rõ rệt để Hoa Kỳ siết chặt hợp tác an ninh với Việt Nam. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam tăng khả năng giám sát, theo dõi mặt biển để giúp Việt Nam nắm chắc hơn về những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hình thức hợp tác an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hoặc tìm kiếm và cứu nạn, giúp hai bên tiến tới thực hiện diễn tập song phương, mặc dù không liên quan đến tác chiến sát thương, song vẫn có thể giúp mang lại các kỹ năng quan trọng cho lực lượng vũ trang Việt Nam.
Hơn nữa, vẫn theo ông Derek Grossman, Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam, công bố hồi tháng 11/2019, rõ ràng để ngỏ cánh cửa cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh với Hoa Kỳ (mặc dù tài liệu này không nêu đích danh Hoa Kỳ), nếu như Trung Quốc tiếp tục gia tăng sự lấn lướt của họ ở Biển Đông. Do đó, chính quyền Biden có thể được hưởng lợi từ một nước Việt Nam tích cực tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong tương lai.
Cuối cùng, ông Derek Grossman nêu ra gợi ý rằng chính quyền Biden có thể nên cân nhắc nối lại các bàn thảo với Việt Nam về việc nâng cấp “quan hệ đối tác toàn diện” Hoa Kỳ-Việt Nam thành “đối tác chiến lược”. Làm như vậy sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam có hậu thuẫn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và có thể mở ra hợp tác an ninh sâu rộng hơn giữa hai nước Mỹ, Việt.
Chiến đấu cơ J15 của Trung Quốc thao dợt tập tác chiến cùng với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, ngày 24/04/2018. AFP |
Bắc Kinh loan báo mở một cuộc tập trận tại Biển Đông (Nam Hải theo cách gọi của Trung Quốc) trong tuần này. Hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh một hải đội tác chiến Mỹ tiến vào khu vực.
Theo Reuters, thông báo của chính quyền Trung Quốc kèm theo lệnh cấm tàu thuyền đi lại trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở phía tây bán đảo Lôi Châu (Leizhou) từ ngày 27 đến 30 tháng 01/2021. Trung Quốc không cho biết chi tiết khi nào tập trận diễn ra và với cường độ nào.
Quyết định diễu võ dương oai của quân đội Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, phía đông Việt Nam, công bố đúng vào lúc này có phải là ngẫu nhiên hay không ?
Reuters lưu ý bối cảnh : Thứ nhất, một ngày sau khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ, Hoa Kỳ đưa một hải đội tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu, vào vùng Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích, để bảo đảm quyền tự do lưu thông quốc tế.
Hôm thứ Hai, 25/01/2021, Bắc Kinh lên án Mỹ thường xuyên đưa tàu sân bay vào Biển Đông, phô trương cơ bắp, đe dọa ổn định và hòa bình.
Bối cảnh thứ hai là tại Hà Nội, diễn ra Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam, một sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia láng giềng.
Song song với thông báo tập trận trên biển, Trung Quốc còn diễn tập phóng tên lửa mới đạn đạo tầm trung DF-26 ở phía đông và phía tây Hoa lục.
Liên đoàn khoa học gia Mỹ (FAS), trụ sở ở Washington và tạp chí quốc phòng Kanwa Defense ở Canada cho biết các dàn tên lửa ở Sơn Đông và Tân Cương với DF-26 có khả năng phóng tới Ấn Độ và căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Đài Loan hôm nay 26/01/2021, tổ chức tập trận theo « kịch bản không chiến », sau hai đợt máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận,
Hãng tin Al Jazeera của Qatar cho biết cuộc tập trận xuất phát từ căn cứ không quân ở cực nam hải đảo, huy động nhiều chiến đấu cơ và hỏa tiễn phòng không.
Jan 26, 2021 - nguoi-viet.com
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc loan báo tập trận hải quân ở vùng biển bán đảo Lôi Châu đối diện miền Bắc Việt Nam trong lúc CSVN bầu lãnh đạo khóa mới.
Hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Ba, 26 Tháng Giêng, cho hay Cục Hải Sự Trung Quốc đưa ra thông báo cấm tàu bè quốc tế qua lại tại một số vùng biển thuộc bán đảo Lôi Châu trong vịnh Bắc Bộ từ ngày 27 đến ngày 30 Tháng Giêng, 2021. Hiện chưa thấy bản thông báo đưa thêm chi tiết để biết đích xác khi nào cuộc tập trận sẽ bắt đầu và tầm vóc quy mô ra sao.
Khu trục hạm Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa hồi cuối Tháng Sáu, 2020. (Hình: ChinaMil) |
Bắc Kinh loan báo tập trận quân sự sau khi có tin nhóm tàu tác chiến đặc nhiệm của Mỹ do mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu vào Biển Đông tập trận từ ngày 23 Tháng Giêng vừa qua. Hình ảnh của nhóm mẫu hạm Roosevelt được phổ biến trên nhiều trang Twitter của các bộ phận Hải Quân Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
“Mỹ thường xuyên đưa máy bay và chiến hạm tới Biển Đông để phô trương cơ bắp,” ông Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói với báo giới trong cuộc họp báo ngày Thứ Hai ở Bắc Kinh khi được hỏi về nhóm chiến hạm Mỹ vào Biển Đông. “Điều này không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.”
Bắc Kinh khó chịu mỗi khi thấy chiến hạm, máy bay Mỹ tập trận tại Biển Đông dù chính họ cũng mở hàng chục cuộc tập trận quy mô trong năm qua. Mới những ngày cuối Tháng Mười Hai, 2020, sang đầu Tháng Giêng, 2021, Bắc Kinh cho tập trận tại bốn khu vực phía Nam đảo Hải Nam, gồm cả sự tham dự của chiếc mẫu hạm Sơn Đông mới đóng xong.
Bắc Kinh cũng đã từng tổ chức tập trận tại bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông hồi năm ngoái ít ra hai lần vào Tháng Bảy và Tháng Mười Một. Lần này sắp diễn ra lại trùng với cuộc họp đại hội đảng CSVN chuẩn bị xếp đặt “tứ trụ” đứng đầu chế độ trong năm năm sắp tới. Sự trùng hợp của hai sự việc không thể không dẫn đến những liên tưởng về chủ đích của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc không ghé Hà Nội dù những tháng gần đây đi du thuyết khắp chín nước ASEAN khác dụ dỗ họ đừng theo Mỹ chống Bắc Kinh. Điều này gián tiếp xác nhận mối quan hệ “đồng chí anh em” giữa hai nước Cộng Sản “núi liền núi, sông liền sông” có “16 chữ vàng” và “4 tốt” làm kim chỉ nam, không mấy tốt đẹp.
Ngày 11 Tháng Bảy, 2020, trang Facebook của tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội đăng lại bài viết của ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, trên trang Facebook của ông này, đe nẹt Hà Nội “đừng làm con cờ cho Mỹ chèn ép Trung Quốc.”
Hoàn Cầu Thời Báo, phó bản của nhật báo Nhân Dân, cơ quan thông tin tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã được Bắc Kinh dùng để đả kích Hà Nội rất nhiều lần mỗi khi mối quan hệ “đồng chí anh em” cơm không lành canh không ngọt. Mấy năm trước, Hoàn Cầu Thời Báo từng dọa CSVN là “hãy nhỏng tai lên mà nghe tiếng súng đại bác.”
Khu trục hạm Trung Quốc bắn hỏa tiễn chống tàu mặt nước ở Hoàng Sa. (Hình: AP) |
Hôm Thứ Hai 25 Tháng Giêng, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài diễn văn tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, trong đó người ta thấy ông ta vừa phân bua, vừa muốn ám chỉ Mỹ: “Kẻ mạnh không được hiếp đáp kẻ yếu” và “Các quyết định (ám chỉ thỏa hiệp, hiệp định quốc tế) không thể được làm ra một cách giản dị là từ việc khoe bắp thịt hay giơ nắm tay to.” (TN) [qd]
26/01/2021 - voatiengviet.com
Chiến đấu cơ J-15 tiến hành tập trận từ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 1 năm 2017. |
Hôm 26/1, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Vịnh Bắc Bộ trong Biển Đông vào tuần này, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh nổi giận vì một nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ tiến vào vùng biển tranh chấp, theo Reuters.
Thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đưa ra cấm mọi tàu bè xâm nhập vào một phần vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ ở phía tây bán đảo Lôi Châu, khu vực tây nam Trung Quốc, kể từ ngày 27/1 – 30/1, nhưng không cho biết chi tiết về thời gian hay quy mô của cuộc diễn tập.
Trước đó, một nhóm tàu Hoa Kỳ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy để thúc đẩy “quyền tự do hàng hải”, quân đội Hoa Kỳ cho biết, vài ngày sau khi ông Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống.
Biển Đông đã trở thành một mặt trận trong mối quan hệ song phương ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington. Quân đội Mỹ đã tăng cường đều đặn các hoạt động ở khu vực trong những năm gần đây, khi Trung Quốc khẳng định các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình tại những khu vực có tranh chấp với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.
Thông báo về cuộc tập trận diễn ra ngay ở Vịnh Bắc Bộ, phía đông Việt Nam, được đưa ra khi quốc gia Đông Nam Á khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản quan trọng tại Hà Nội.
Hôm 25/1, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích về việc Hoa Kỳ thường xuyên đưa máy bay và tàu thuyền vào Biển Đông nhằm “diễu võ giương oai”, và cho rằng những hành động như vậy không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2021. REUTERS - KEVIN LAMARQUE |
Chính quyền Trung Quốc là mối đe dọa, nhưng cần có sự « kiên nhẫn chiến lược », đó là thông điệp chủ đạo của tân chính quyền Mỹ. Trong phát biểu hôm qua, 25/01/2021, phát ngôn viên của Nhà Trắng nhấn mạnh tân chính phủ sẽ tham vấn các đồng minh để có chiến lược « hiệu quả hơn ».
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trước hết, người phát ngôn của phủ tổng thống, bà Jen Psaki, khẳng định Trung Quốc là một thách thức toàn diện đối với nước Mỹ : « Điều mà chúng ta thấy trong những năm vừa qua, đó là chính quyền Trung Quốc ngày càng trở nên độc tài trên chính đất nước của họ, trở nên quyết đoán hơn ở bên ngoài. Kể từ giờ, Bắc Kinh thách thức nền an ninh, sự thịnh vượng, các giá trị của chúng ta đến mức mà chúng ta cần phải có một tiếp cận mới ». Để có được một tiếp cận mới, tân chính quyền Biden đề xuất « một sự kiên nhẫn chiến lược nhất định », và cho biết sẽ tham vấn Quốc Hội và các đồng minh trong những tuần tới để có chính sách phù hợp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tân chính quyền Mỹ có kế hoạch duy trì các giới hạn được áp đặt hiện nay đối với tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi hay không, phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh chính quyền Biden sẽ có một « chính sách tự vệ hiệu quả hơn », để buộc Trung Quốc « phải trả giá về những hành động bất chính, bất hợp pháp, để bảo đảm là các công nghệ của Mỹ không góp phần làm tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ».
Hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận phát biểu trên để ngỏ khả năng là tân chính quyền Joe Biden có thể điều chỉnh lại đường lối quá cứng rắn dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Tiếp theo một loạt chính sách đoạn tuyệt với chính quyền tiền nhiệm, trong loạt 17 sắc lệnh được đưa ra ngay trong ngày đầu nhậm chức, tân chính quyền Biden tỏ rõ dấu hiệu muốn đưa ra một chiến lược mới với Bắc Kinh, rất khác với chính quyền Donald Trump.