Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Bang giao Mỹ-Trung cộng (6)

Đọc báo mạng

Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

23/05/2021 - rfi

Mỹ muốn củng cố quan hệ với ASEAN để khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo sau cuộc gặp với Ngoại giao Trung Quốc tai Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 19/03/2021. AFP - FREDERIC J. BROWN

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN ngày 23/05/2021. Cuộc họp đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao dưới thời tổng thống Joe Biden với khối 10 nước Đông Nam Á được cho là để củng cố quan hệ song phương trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực.

Theo trang Foreign Brief, khác với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump ưu tiên quan hệ song phương với các đồng minh, ông Joe Biden muốn tập trung đến quan hệ đa phương, với một khối. Theo hướng này, chính quyền Mỹ được cho là sẽ có nhiều cam kết hơn với ASEAN nhằm khống chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở trong vùng, khiến một số nước phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế.

Washington cũng sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc gặp gỡ cấp cao hoặc các cuộc họp thượng đỉnh về kinh tế, quốc phòng với ASEAN, duy trì các cuộc tập trận với khối. Ngoài ra, quan hệ song phương với một số nước đồng minh trong khối, như Philippines, Thái Lan, cũng sẽ được Hoa Kỳ tiếp tục củng cố.

Tuy nhiên, một trở ngại, được trang Foreign Brief coi như trắc nghiệm thực sự đối với chính quyền Joe Biden, là Washington phải khôn khéo xoay sở với lập trường trung lập của ASEAN trước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc ASEAN kéo hai đối tác lớn cùng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Miến Điện là một ví dụ cho thấy Hiệp Hội muốn gây ảnh hưởng với cả hai cường quốc thế giới. Do đó, Washington khó thuyết phục được ASEAN đứng cùng bên trong những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đầu trang

17/05/2021 - rfi

Việt Nam vẫn là yếu tố quan trọng trong chính sách châu Á của Biden

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/11/2019. AP - Hau Dinh

Ngày 30/04/2021, ông Joe Biden đã đánh dấu 100 ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ bằng một bài phát biểu đọc trước Quốc Hội lưỡng viện vào hôm trước, 29/04. Phần lớn bài phát biểu này nói về những kế hoạch cải tổ và đầu tư mà ông muốn thực hiện để nâng cao tiềm lực của nước Mỹ, với tham vọng giành chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc.

Về chính sách đối ngoại, tổng thống Biden đã tỏ một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc ( cũng như đối với Nga), tuy không hoàn toàn khép lại cánh cửa đối thoại với cường quốc số hai thế giới. Thật ra thì chính sách về châu Á của chính quyền Biden hiện vẫn trong giai đoạn được cụ thể hóa, nhưng tổng thống Dân Chủ đã thể hiện sự khác biệt căn bản với người tiền nhiệm Donald Trump, đó là ông sẽ liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực để cùng nhau đối đầu với Bắc Kinh. Theo chiều hướng này, Việt Nam vẫn được xem là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong phần tạp chí hôm nay, mời quý vị nghe ý kiến của luật sư Nguyễn Hoàng Dũng tại Orange County, California, nguyên là ủy viên Ủy ban Cố vấn của Tổng thống George W. Bush về các vấn đề liên quan đến người Mỹ gốc Á và cư dân các đảo thuộc Thái Bình Dương, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại ngày 05/05/2021.

RFI: Thưa luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, kể từ khi ông Biden lên làm tổng thống Hoa Kỳ, chính sách châu Á của ông đã bắt đầu được định hình rõ ràng chưa, hay là trước mắt ông vẫn đi theo đường lối của người tiền nhiệm Donald Trump?

LS Nguyễn Hoàng Dũng: Khi ông Biden đã nhậm chức được 100 ngày thì chính sách về châu Á của ông đã hơi được định hình, nhưng vẫn chưa rõ ràng. Nó cũng có phần rõ và phần chưa rõ. Chiến lược của ông Biden khác với tổng thống Trump ở chổ là ông sẽ kết hợp nhiều với các đồng minh của Hoa Kỳ, cụ thể là ở châu Á thì liên kết với những nước lớn là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, kế tiếp là với khối ASEAN, mà trong đó có Việt Nam, để cùng đối phó với hai nước, mình không gọi là kẻ thù, mà là hai lực lượng thù địch và xấu đối với Mỹ, đó là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Chính sách của ông Biden khác ở chổ là kết hợp lại chặt chẽ với các đồng minh, chứ không tự đơn độc như ông Trump trong việc đối phó với Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên trong những năm ông còn tại chức.

Tuy nhiên, có những điều vẫn chưa rõ ràng, cụ thể là con đường đó sẽ đi như thế nào. Chỉ có gần đây, cách nay một vài tuần, chiến lược đối phó với Bắc Triều Tiên mới được cụ thể hóa một chút.

Nhưng tổng thống Biden vẫn áp dụng các chính sách mà tổng thống Trump đã đặt ra, chẳng hạn như đặt Trung Quốc vào tình huống khó khăn hơn, hoặc vẫn có những đòi hỏi đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng sẽ không khó khăn như ông Trump.

RFI: Riêng đối với Việt Nam, trước đây chính quyền tổng thống Trump đã thắt chặt thêm quan hệ với Hà Nội, để lôi kéo Việt Nam về phía Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, nhất là tại vùng Biển Đông. Theo ông, tổng thống Biden có sẽ tiếp tục chính sách này hay không?

LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chắc chắn là có. Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chính sách của nhiều đời tổng thống Mỹ. Từ sau khi ông Clinton bình thường hóa quan hệ với Hà Nội vào năm 1995, cho tới đời tổng thống George W. Bush, tổng thống Obama, tổng thống Trump, Việt Nam lúc nào cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của họ, nhất là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở châu Á -Thái Bình Dương.

Mối quan hệ này càng lúc càng chặt chẽ và càng tốt đẹp hơn, chứ không thể xấu đi được, nhất là tổng thống Biden và những người cộng tác với ông, từ bộ trưởng Ngoại Giao đến bộ trưởng Quốc Phòng, cho đến những chỉ huy các lực lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương đều có những phát biểu cho rằng Việt Nam là một yếu tố quan trọng, và nhiều khi họ so sánh vị trí của Việt Nam với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đối phó với Trung Quốc.

RFI: Nhưng trong lịch sử Hoa Kỳ, một chính phủ Dân Chủ thường có chính sách đặt nặng với đề nhân quyền hơn đối với các nước đối tác. Theo ông thì chính quyền Biden có sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền hơn so với thời Donald Trump, trong quan hệ với Việt Nam?

LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chắc chắn là tổng thống Biden, một người thuộc đảng Dân Chủ, sẽ đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam nhiều hơn là thời Donald Trump. Tuy nhiên, đặt vấn đề là một chuyện, đó là về lý thuyết, còn thực tế sẽ có những biện pháp chế tài gì hay không. Tổng thống Donald Trump xuất thân là một nhà kinh doanh, thành ra đôi khi ông không đặt vấn đề nhân quyền. Thật ra thì tổng thống Trump đã nhấn mạnh vấn đề tự do tôn giáo rất nhiều, bởi vì ông được hậu thuẫn của các nhà hoạt động tôn giáo, nên lúc nào cũng nêu vấn đề đó lên hàng đầu. Nhưng thường thì ông Trump đặt vấn đề thương mại nặng hơn các vấn đề khác, nhất là vấn đề nhân quyền.

Với tổng thống Biden thì chắc chắn là ngược lại, sẽ có những vấn đề nhân quyền được đặt ra, nhưng có lẽ quan trọng hơn vẫn là sự hợp tác với Việt Nam. Thành ra có thể vấn đề nhân quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa hai nước.

Đặt vấn đề là một chuyện, nhưng giải quyết vấn đề như thế nào thì sẽ cũng không có gì nặng nề, nghiêm trọng, bởi vì dù gì đi nữa Việt Nam vẫn là một yếu tố quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với Trung Quốc.

RFI: Riêng về quan hệ kinh tế, gần đây chính phủ của tổng thống Biden đã không còn xếp vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ". Như vậy, phải chăng là ông Biden sẽ có một chính sách thương mại và kinh tế mềm dẽo hơn chứ không quá cứng nhắc như tổng thống Trump, trước đây vẫn đòi các nước khác, trong đó có Việt Nam, phải giảm thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ?

LS Nguyễn Hoàng Dũng: Chúng tôi nghĩ là chính quyền Biden sẽ tiếp tục nêu ra vấn đề về thâm thủng mậu dịch. Tuy nhiên, dù mậu dịch có bị thâm thủng, không nhất thiết các nước đối tác là sai luật. Có thể có những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ, nhưng sẽ có những biện pháp để thay đổi vấn đề đó. Hai bên vẫn có thể thương thuyết để giảm sự thâm thủng mậu dịch, nhưng không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ kết tội và sẽ có những biện pháp chế tài đối với các nước gây thâm thủng.

Cụ thể là gần đây, bà bộ trưởng Tài Chính của Mỹ đã làm việc với bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam để có những biện pháp làm giảm sự thâm thủng đó. Nói tóm lại, tổng thống Biden sẽ tiếp tục đặt ra vấn đề thâm thủng mậu dịch của Mỹ, nhưng chắc sẽ không có biện pháp chế tài, nếu bên đối phương, mà trong trường hợp này là Việt Nam, có những động tác tích cực để giảm đi thâm thủng đó.

Đầu trang

08/05/2021 - RFI

CIA dự báo : Cạnh tranh Mỹ -Trung sẽ còn bao trùm hai thập kỷ tới

Sảnh chính vào trụ sở tổng hành dinh Cơ quan tình báo Mỹ CIA Langley, Virginia, Hoa Kỳ. AP - J. Scott Applewhite

Le Point số ra tuần này dành trang quốc tế cho những dự báo tương lai thế giới đến năm 2040 của CIA. Cơ quan tình báo Mỹ phác họa một bức tranh tối màu về một thế giới với trật tự quốc tế hỗn loạn và quyết tâm của Trung Quốc muốn thống trị thế giới.

Báo cáo về hiện trạng thế giới từ nay đến 2040 được tình báo Mỹ làm 4 năm một lần vào đầu nhiệm kỳ tổng thống để lãnh đạo nước Mỹ nắm bắt tình hình. Trong báo cáo ra năm 2021 lần này, Cục tình báo quốc gia Hoa Kỳ bao gồm CIA và các sở tình báo khác của Mỹ, mô tả một thế giới trong tương lai mất cân bằng, chia rẽ, tranh chấp nhau ở mọi cấp độ. Tài liệu của tình báo Mỹ vừa được xuất bản bằng tiếng Pháp có tiêu đề : Thế giới 2040 nhìn từ CIA, vẽ ra 5 kịch bản có thể cho tương lai thế giới.

Một trong những kịch bản đó cho rằng các nền dân chủ phương Tây sẽ « không hồi phục hoàn toàn vì trận đại dịch Covid-19, nền tảng các xã hội ngày càng rạn nứt và thế giới lún dần vào tình trạng vô chính phủ ». Trật tự quốc tế được mô tả như là « không có lãnh đạo, hỗn loạn, bất ổn ».

Theo Le Point, trong kịch bản này Trung Quốc lợi dụng những khó khăn của phương Tây để mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Thái độ hung hăng của nước này gia tăng ở châu Á « làm tăng nguy cơ xung đột quân sự với các cường quốc khác trong vùng, đặc biệt là vì nguồn tài nguyên thiết yếu, các tác giả của báo cáo ghi nhận. Trái lại các nước đang phát triển có dân số trẻ nhưng lại không có nhiều việc làm cảm thấy buộc phải đấu dịu trước các đòi hỏi của Trung Quốc với hy vọng có được đầu tư và viện trợ mà họ đang cần. »

Bùng nổ các thách thức quốc tế

Báo cáo phác họa một bức tranh thế giới u ám, bùng nổ nhiều thách thức quốc tế. Le Point trích dẫn một số thách thức cơ bản được tài liệu của tình báo Mỹ nhấn mạnh :

Về tác động của hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên. « Trong vòng hai thập kỷ tới, dân số tăng, đô thị hóa nhanh chóng và việc quản lý không tốt đất đai và nguồn tài nguyên sẽ làm kịch phát thêm các tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. »

Về phát triển công nghệ, từ nay đến 2040, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được áp dụng rộng rãi cải thiện hầu hết các khía cạnh đời sống. « Tuy nhiên nguy cơ đặt ra là trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng vào trong chiến tranh hay để phục vụ những ý đồ xấu như khủng bố hay để kiểm soát dân chúng vì mục đích chính trị ».

Trong vòng hai thập kỷ tới, « cường độ cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên thế giới sẽ đạt mức cao nhất từ sau chiến tranh lạnh (…) Trong môi trường thế giới cạnh tranh dữ dội, nguy cơ xung đột giữa các quốc gia cũng có thể tăng vì nhiều lý do. Quân đội của các cường quốc có thể sẽ cố tránh các xung đột cường độ cao, thậm chí là chiến tranh tổng lực. Nhưng nguy cơ bùng nổ xung đột sau những tính toán sai lầm hay không chấp nhận thỏa hiệp về các vấn đề căn bản sẽ có thể tăng (…) »

Báo cáo của CIA nhận định, « các cuộc xung đột vùng và giữa các quốc gia, áp lực dân số, môi trường bị hủy hoại và dân chủ tụt hậu sẽ làm dấy lên căng thẳng chính trị, kinh tế, xã hội ». Đó là những yếu tố thuận lợi để cho khủng bố trỗi dậy. Nguy hiểm nữa là « các tiến bộ công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và khả năng kết nối internet của các vật dụng, sẽ mang lại cho những kẻ khủng bố khả năng tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn bằng cách triển khai các phương pháp tấn công từ xa và cộng tác với nhau xuyên biên giới ».

Đảng Cộng sản Trung Quốc 100 tuổi

Trong một bài xã luận mang tiêu đề : « Trung Quốc, 100 năm của chủ nghĩa Cộng sản », Le Point chú ý đến sự kiện chế độ Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo của tác giả Nicolas Baverez đưa ra quan điểm cho rằng Trung Quốc giờ đây đối với thế giới không chỉ là thách thức về hệ tư tưởng mà còn về kinh tế, công nghệ. Các nền dân chủ phải liên minh với nhau để ngăn chặn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập tại Thượng Hải, ngày 23/07/1921, đến năm 1949 giành được chính quyền với việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đến giờ, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, đảng Cộng sản Trung Quốc với vị thế độc tôn ở trong nước đang nhắm tới đích 2049 Trung Quốc trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới.

Tác giả bài xã luận quan sát thấy, « kỷ niệm 100 năm ra đời của đảng Cộng sản Trung Quốc là dịp để phong thánh cho Tập Cận Bình như là người kế tục của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình ». Dịp kỷ niệm một quá khứ được huyền thoại hóa này sẽ gắn với những hào quang hiện tại cùng sự tán dương tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Bài xã luận nhấn mạnh, Trung Quốc giờ đây là « thách thức toàn diện đối với Hoa Kỳ. Khác với Liên Xô, thách thức không chỉ là ý thức hệ mà còn là kinh tế, công nghệ. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ nhưng đồng thời cũng lại là đối tác công nghiệp, thương mại và tài chính. Là một nhà nước toàn trị, nhưng Trung Quốc cũng là tác nhân lớn của quá trình toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập và kết nối với tất cả các châu lục. »

Tuy nhiên dưới bóng hào quang được tuyên truyền người khổng lồ Cộng sản Trung Quốc còn bộc có không ít những điểm yếu.

Quyết tâm trở thành cường quốc kinh tế công nghệ của Trung Quốc đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại của mô hình kinh tế xã hội và chính trị. Việc tái khẳng định tư tưởng Cộng sản mâu thuẫn với việc bùng nổ bất bình đẳng cũng như với tệ tham nhũng của các quan chức đảng. Rồi chính sách đối ngoại hung hăng càng làm xuất hiện liên minh các nước quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.

Cuối cùng tác giả kết luận : Với các nền dân chủ, kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc phải là dịp để soạn thảo một chiến lược ngăn chặn Trung Quốc, xoay quanh ba ý chính sau :

Thứ nhất : « Trái với những ảo tưởng mà Phương Tây vẫn bám giữ lâu nay, Trung Quốc không phải là một chế độ độc đoán mà là một nhà nước toàn trị theo đuổi mục đích loại trừ tự do ở trong nước cũng như ngoài biên giới của mình. »

Thứ 2 : « Các phương tiện sức mạnh mà Trung Quốc tích lũy được chỉ có thể bị kiềm chế bởi một liên minh các nền dân chủ, không giới hạn trong Phương Tây. »

Thứ 3 : « Trước các mối đe dọa Trung Quốc, các nền dân chủ, như đã từng làm trong thời chiến tranh lạnh để chống lại Liên Xô, phải áp dụng binh pháp Tôn Tử, tức không cần dùng đến chiến tranh mà vẫn khiến kẻ địch phải quy hàng mới là chiến thắng vang dội nhất. »

Đầu trang

23/04/2021 - vov

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc hiện nay không như thời Chiến tranh Lạnh

VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt về công nghệ, quân sự, và ý thức hệ. Nhưng hai bên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhau về kinh tế. Đối đấu Mỹ-Trung do vậy không thể như thời Chiến tranh Lạnh trước đây.

Lạm dụng thuật ngữ cũ?

Thời Chiến tranh Lạnh, thương mại giữa các đối thủ là ở mức tối thiểu. Năm 1989, năm khá nhất thì thương mại 2 chiều giữa Mỹ và Liên Xô cũng chỉ lên mức tổng là 5 tỷ USD, thấp hơn mức 1% tổng thương mại của Mỹ. Năm đó Mỹ chỉ nhập 700 triệu USD hàng hóa từ Liên Xô.

Ba mươi năm sau, các con số thương mại giữa Mỹ với các đối thủ của mình ở cấp độ rất khủng khiếp. Chẳng hạn, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2019 lên tới tổng cộng là 558 tỷ USD, cao hơn 10% tổng thương mại của Mỹ với thế giới. Trong khi đó, những đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra như “cơm bữa”, khiến người ta có xu hướng sử dụng phổ biến thuật ngữ Chiến tranh Lạnh.

Đồ họa minh họa về cuộc cạnh tranh (chứ không phải chiến tranh) giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguồn: Twitter.

Nhưng việc sử dụng lại thuật ngữ năm xưa này có thể gây hiểu lầm. Đúng là Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt với nhau. Nhưng nếu gọi đây là Chiến tranh Lạnh thì vẫn không chính xác.

Bởi lẽ thương mại giữa Mỹ và Liên Xô chỉ mang tính nửa vời và chiến thuật. Các công ty Mỹ xây dựng nhà máy ở Nga vào thập niên 1920 và 1930 nhưng sau Thế chiến II, đầu tư của Mỹ vào Nga là hiếm, chuyển giao công nghệ thì càng hiếm hơn. Vì khi bạn đang trong cuộc đua vũ khí hạt nhân với một nước khác thì bạn sẽ có xu hướng tránh làm bất cứ điều gì giúp tăng cường nền tảng công nghiệp của nước đó. Thời Chiến tranh Lạnh, có những lúc khoảng 60-80% xuất khẩu của Mỹ sang Liên Xô là sản phẩm nông nghiệp.

Phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và không chạy đua vũ trang hạt nhân

Mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính ganh đua, nhưng đây không phải là cuộc đua vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, hai bên lại làm rất nhiều để củng cố nền kinh tế của nhau.

Hãy xét lĩnh vực đầu tư. Tính đến quý 2 của năm 2020, Mỹ đã đầu tư 258 tỷ USD vào các nhà máy và dự án ở Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng đầu tư 154 tỷ USD vào các dự án tương tự ở Mỹ.

Như vậy, hai nước đang phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, theo một cách thức không giống như Mỹ và Liên Xô trước đây. Họ là đối thủ nghiêm túc của nhau nhưng lại đồng thời thu lợi từ sự phụ thuộc vào nhau. Bản chất của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay khác hẳn với cuộc đối đầu Mỹ-Liên Xô trước đây.

Nhiều người nói về việc Mỹ tách rời Trung Quốc nhưng có những giới hạn trong mức độ tách rời đó. Điều này ngay cả nhóm chính giới Mỹ theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc cũng nhận thức một cách rõ ràng. Chẳng hạn, Matt Pottinger - cố vấn chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Trung Quốc, nói: “Không ai ở Washington lại thực sự đe dọa tách biệt hoàn toàn hai nền kinh tế này với nhau... Tách rời ở mức độ hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, là điều đang diễn ra và nên như vậy”.

Sự phụ thuộc kinh tế vào nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục ngay cả khi hai nước cạnh tranh nhau về kinh tế. Sách giáo khoa về Chiến tranh Lạnh sẽ gặp phải một tình huống mâu thuẫn ở đây. Tình hình mới đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược và chiến thuật mới.

Các công ty công nghệ cao của Mỹ sẽ phải tiến hành việc sản xuất ở trong nước nhiều hơn. Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng sẽ phải cân đối giữa các nhu cầu trái chiều của các khách hàng chịu sự thúc đẩy của động cơ chính trị khác nhau ở Trung Quốc và phương Tây.

Đấu đá nhau nhưng vẫn khó tách rời hoàn toàn khỏi nhau

Công ty may mặc Thụy Điển H&M đã có được bài học đắt giá khi các người tiêu dùng Trung Quốc, chịu sự ảnh hưởng của truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã tẩy chay các sản phẩm của hãng này. Các mặt hàng của H&M vì thế đã biến mất khỏi các cuộc tìm kiếm trực tuyến. Vị trí các cửa hàng của H&M cũng biến mất khỏi các ứng dụng bản đồ.

H&M đã “đắc tội” gì? Họ đã hứa hẹn không sử dụng bông nhập từ tỉnh Tân Cương của Trung Quốc vì họ “quan ngại sâu sắc” trước các cáo buộc về lao động cưỡng bức tại đó.

Một tuần sau khi cuộc tẩy chay bắt đầu, H&M bắt đầu tuyên bố rằng họ sẽ nỗ lực khôi phục niềm tin của khách hàng Trung Quốc. Nhưng vấn đề là nếu họ quá nghiêng về làm hài lòng người Trung Quốc thì họ lại có nguy cơ bị các khách hàng phương Tây tẩy chay. Còn giới chức Trung Quốc tuy hay khơi gợi ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa, nhưng cũng không muốn tách rời hoàn toàn với phương Tây. Họ biết, các công ty của họ khi ấy sẽ trở thành mục tiêu tẩy chay của những người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.

Không những vậy, giới chức Trung Quốc còn biết một số công ty nước ngoài là đối tác quan trọng ở Trung Quốc. Một bài viết trên tờ Bloomberg chỉ ra rằng các sản phẩm của hãng Nike vẫn được bày bán trên internet dù cho chính Nike cũng nói rằng họ tránh mua bông Tân Cương.

Bài báo Bloomberg giải thích: “Có lẽ là vì Nike chiếm tới hơn 1/5 thị trường quần áo giày dép thể thao của Trung Quốc và tương ứng với đó là vô số việc làm và doanh thu”.

Những người Mỹ bi quan cho rằng hành vi của Trung Quốc ngày càng tệ đi và việc hai bên trừng phạt qua lại lẫn nhau là tất yếu, buộc các công ty phương Tây phải lựa chọn giữa việc làm ăn với Mỹ hoặc Trung Quốc.

Nhưng các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, chưa dán nhãn, thì có thể tránh được điều tệ hại nhất từ các phản đòn trừng phạt của Trung Quốc. Dẫu vậy, giới nông nghiệp Mỹ vẫn nên chủ động phát triển các thị trường khác. Còn trong kịch bản tốt thì nông nghiệp Mỹ vẫn có thể tận hưởng một thị trường Trung Quốc rộng lớn và sinh lời.

Căng thẳng Mỹ-Trung khó có thể giống như Chiến tranh Lạnh trong lịch sử nhưng cũng không có gì lấy làm vui cho hai nước này, với các thiệt hại cho cả đôi bên./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: DTNPF

Đầu trang

May 7, 2021 - nguoi-viet

Trung Quốc xây trại điện gió khổng lồ gần phi trường quân sự tại Texas

SAN ANTONIO, Texas (NV) – Chính phủ Trump không chặn công ty Trung Quốc xây nhà máy điện gió khổng lồ gần phi trường quân sự tại Texas dù có cảnh báo của giới chức địa phương.

Công ty GH America, chi nhánh của tập đoàn Chinese Guanghui Energy Company Trung Quốc xây dựng một trại điện gió khổng lồ gần với phi trường quân sự Texas, theo trang tin quốc phòng American Military News.

(Hình minh hoạ: Laughlin AFB Facebook)

Trại điện gió này mang tên Blue Hills Wind có diện tích 140,000 mẫu, nằm cách phi trường Laughlin Air Force Base, San Antonio, chỉ 70 dặm, làm dấy lên mối lo ngại Trung Quốc theo dõi được các hoạt động huấn luyện của Không Quân Hoa Kỳ.

Hồi Tháng Bảy, 2020, ba giới chức tiểu bang gồm hai thượng nghị sĩ liên bang, Ted Cruz và John Cornyn và Dân Biểu Will Hurd đồng gửi thư cảnh báo về mối quan tâm trên đến giới chức chính quyền Trump là các ông Steven Mnuchin, bộ trưởng tài chính, ông Mike Pompeo, bộ trưởng ngoại giao, và bà Barbara Barrett, bộ trưởng Không Quân Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp các lời cảnh báo này, Ủy Ban Giám Sát Ngoại Quốc Đầu Tư (CFIUS) vẫn chuẩn thuận việc xây dựng của trại điện gió Blue Hills Wind.

Chủ tịch công ty Chinese Guanghui Energy Company là một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc từng tham gia đàn áp tại khu vực Tân Cương, tên Sun Guangxin, một trong những người giàu nhất Hoa Lục.

Ngoài chuyện trại điện gió khổng lồ này có thể là một nơi theo dõi hoạt động quân sự, một mối quan tâm quan trọng khác nữa là khi điện từ trại Blue Hills Wind hòa vào mạng lưới điện khu vực sẽ là một mối đe dọa với nguồn điện cung cấp cho phi trường Laughlin.

“Tại sao lại cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng tại địa điểm trọng yếu như thế gần một căn cứ quân sự quan trọng? Thử hỏi một cựu tướng lãnh của Mỹ có được phép xây dựng một đồ án lớn trong một vị thế quan trọng tương tự ở Trung Quốc hay không?” Dân Biểu Will Hurd nêu nghi vấn trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy. (MPL)

Đầu trang

03/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Trung Quốc, Trung Quốc và… Trung Quốc!

Đô Đốc Philip Davidson trong lần hội kiến thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga, 22 tháng 10, 2020, tại Tokyo.

Bộ trưởng Quốc phòng và một số vị tướng hàng đầu của quân đội Mỹ tiếp tục cảnh báo cả về sự hung hăng lẫn tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm trong việc điều chỉnh quan điểm về chiến lược quốc phòng của Mỹ.

***

Quân đội Mỹ vừa tổ chức chia tay Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (INDOPACOM). Theo báo giới Mỹ, trước khi cởi quân phục để về hưu sau 39 năm phục vụ quân đội, trong diễn văn từ biệt đồng đội, Đô đốc Davidson tiếp tục táng thêm đòn cuối cùng vào dã tâm của Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo chính phủ và quân đội Mỹ phải lưu ý đến họa Trung Quốc…

Xin đừng sơ xuất! Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách thay thế ý tưởng về cởi mở và tự do vốn là nền tảng của trật tự thế giới thành một loại… trật tự mới kiểu Trung Quốc. Theo đó, sức mạnh của Trung Quốc quan trọng hơn luật pháp quốc tế! Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng nhiều cách: Cưỡng ép, mua chuộc, hợp tác để chi phối các tổ chức, doanh nghiệp, dân chúng.

Thay thế Đô đốc Davidson là Đô đốc John Aquilino nguyên là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Cách nay khoảng hai tuần, vị tướng kế nhiệm Đô đốc Davidson để chỉ huy INDOPACOM từng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng: Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn sự mường tượng của nhiều người

Đô đốc Aquilino – tân Tư lệnh INDOPACOM, người được dự đoán là có quan niệm cần cứng rắn với Trung Quốc, không thua người tiền nhiệm – từng đề nghị Quốc hội Mỹ, gia tăng mức độ đầu tư cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (The Pacific Deterrence Initiative – PDS) để kiềm chế tốt hơn nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trung Quốc (1).

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với 36 quốc gia đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là trọng tâm chiến lược vì có các hải lộ nhộn nhịp nhất, bao gồm 9/10 hải cảng lớn nhất thế giới và là động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu, do vậy sẽ tạo ra nhiều tác động nhất đến tương lai của Mỹ.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là nơi có 2/3 quốc gia nằm trong nhóm mười quốc gia có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và năm quốc gia trong khu vực này có trang bị vũ khí hạt nhân. Năm nay, Mỹ đầu tư 2,2 tỉ Mỹ kim cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và người ta tin mức đầu tư sẽ lớn hơn vào năm tới.

***

Tham dự lễ tiễn Đô đốc Philip Davidson về hưu có ông Lloyd Austin từng là Đại tướng của quân đội Mỹ. Bốn tháng qua, từ khi được Tổng thống Biden đề cử và Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Austin chỉ phát biểu về những vấn đề thời sự liên quan đến quân đội Mỹ như rút khỏi Afghanistan, ngăn chặn khuynh hướng cực đoan trong quân đội, tổ chức đánh giá lại chiến lược quốc phòng.

Lần đầu tiên, ở lễ tiễn Đô đốc Austin về hưu, tổ chức tại Pearl Harbor - Hawaii (nơi đặt INDOPACOM, trung tâm chỉ huy toàn bộ hoạt động của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương), ông Austin đề cập đến việc phải có “cách nhìn mới” (new vision) về quốc phòng Mỹ khi quốc gia đối mặt với các đe dọa từ Internet, không gian và những cuộc chiến qui mô lớn hơn.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã đến lúc quân đội Mỹ nên cung cấp các đòn bẩy để giới ngoại giao Mỹ sử dụng nhằm ngăn ngừa xung đột: Quân đội sẽ không đứng ngoài mà sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại để hoạt động ngoại giao có thể tận dụng toàn bộ sức mạnh của xứ sở chúng ta.

Người ta tin rằng, Trung Quốc là lý do để ông Austin chọn Pearl Harbor – Hawaii làm nơi giới thiệu “cách nhìn mới”. Dù Austin không đề cập đến Trung Quốc nhưng phát biểu đầu tiên của Austin ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách quốc phòng Mỹ rõ ràng là một thông điệp về Trung Quốc và cho Trung Quốc.

Austin lưu ý: Quân đội Mỹ không thể bằng lòng với ý kiến cho rằng đó là đội quân có năng lực nhất và mạnh nhất vì đây là thời điểm những kẻ thù tiềm ẩn đang cố gắng làm suy giảm các lợi thế của chúng ta. Những cuộc chiến sắp tới sẽ rất khác so với những cuộc chiến gần đây. Đó là lý do tất cả chúng ta cần hướng tới ‘cách nhìn mới’ trong việc bảo vệ đất nước của chúng ta.

Trước phát biểu của Austin, một số viên chức quốc phòng và chuyên gia quốc phòng đã từng bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc gia tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, gia tăng nỗ lực chế tạo nhiều loại vũ khí tinh vi trong khi hai thập niên vừa qua, Mỹ chỉ chú ý và tập trung sức lực chống lại các nhóm cực đoan như al-Qaida ở Afghanistan và gần đây là nhóm IS (Nhà nước Hồi giáo) ở Iraq và Syria.

“Cách nhìn mới” về quốc phòng theo phác họa của Austin là khai thác tối đa lợi thế của các công nghệ mới để xử lý dữ liệu ngay vào thời điểm thu thập và chia sẻ dữ liệu ngay lập tức. “Cách nhìn mới” về quốc phòng sẽ là duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn phải thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thức lợi ích mà họ nhắm tới. Để được như vậy, Austin cho rằng, ngoài việc sử dụng các nguồn lực hiện có, phát triển những khả năng mới, quân đội Mỹ còn phải sử dụng tất cả theo phương thức mới trên diện rộng thông qua sự hợp tác với các đồng minh và đối tác song hành với các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/news/pacific/davidson-handing-indopacom-s-reins-to-aquilino-takes-one-last-jab-at-china-1.671850

(2) https://www.militarytimes.com/news/pentagon-congress/2021/05/02/defense-secretary-austin-calls-for-new-vision-for-american-defense/

Đầu trang

17/04/2021 - RFI

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật cam kết cùng sát cánh đối phó với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) họp báo với thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, 16/04/2021. REUTERS - TOM BRENNER

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên thăm Washington từ khi ông Biden nhậm chức, hôm 16/04/2021, đã cam kết « cùng nhau đối phó với các thách thức » từ Trung Quốc.

Tổng thống Biden tuyên bố : « Chúng tôi kiên quyết cùng chung sức đối phó với các thách thức do Trung Quốc đặt ra như vấn đề Biển Hoa Đông, Biển Đông, Bắc Triều Tiên ». Ông nhắc lại rằng các chế độ dân chủ sẽ chiến thắng độc tài. Về phần mình, thủ tướng Nhật Bản nêu ra một liên minh dựa trên « tự do, dân chủ và nhân quyền ». Ông Suga khẳng định hai nước đồng minh phản đối « mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực trên Biển Đông và Biển Hoa Đông ».

AFP lưu ý, việc chọn lựa khách mời đầu tiên là nhà lãnh đạo Nhật Bản, tiếp đó vào tháng Năm sẽ đến lượt tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho thấy Joe Biden dành ưu tiên cho các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, chủ yếu tại châu Á, đấu trường sắp tới với đối thủ chiến lược số một của Washington.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến tình trạng căng thẳng đang tăng lên đối với Đài Loan, tố cáo các hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, và bàn về chiến lược đối phó với Bắc Triều Tiên. Trong thông cáo chung, đôi bên nhấn mạnh « tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », cổ vũ cho một giải pháp ôn hòa.

Cho dù phát biểu một cách chừng mực, đây là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật đưa ra tuyên bố chung với tổng thống Mỹ về Đài Loan, kể từ khi hai đồng minh công nhận Bắc Kinh thay chỗ Đài Bắc trong thập niên 70. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm nay 17/04 cho biết « vô cùng bất mãn » trước lời bình luận « đụng chạm đến lợi ích căn bản của Trung Quốc », chỉ trích « nỗ lực chia rẽ tại Châu Á-Thái Bình Dương » thông qua khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Một viên chức cao cấp của chính quyền Biden nhận xét, việc rút quân khỏi Afghanistan như tổng thống tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng nhằm giúp Hoa Kỳ có thể tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Biden còn tiếp tục chính sách gây áp lực lên Hoa Vi (Huawei) của ông Trump. Mỹ sẽ dành 2,5 tỉ đô la và Nhật 2 tỉ để đầu tư phát triển « các mạng lưới 5G khả tín ». Vấn đề giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2030 cũng được nhắc đến trong thông cáo chung. Tuy nhiên, Nhật không tham gia cùng Mỹ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Theo ông Michael Green, cựu cố vấn châu Á của tổng thống George W. Bush, Tokyo tránh trực tiếp đối đầu với đối tác thương mại quan trọng, nhưng cũng theo các đường hướng của Mỹ, dù thận trọng hơn.

Mỹ ủng hộ Nhật Bản duy trì Thế vận hội

Tổng thống Joe Biden ủng hộ quyết tâm của thủ tướng Yoshihide Suga trong việc tổ chức Thế vận hội và Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật) ở Tokyo, biểu tượng của sự đoàn kết thế giới. Ông Suga cho biết Nhật lắng nghe và học hỏi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia, nỗ lực tối đa để tổ chức một Thế vận hội an toàn.

Còn chưa đầy 100 ngày trước kỳ Thế vận hội Tokyo (23/07-08/08), đã bị hoãn lại một năm do đại dịch, Nhật Bản đang phải đối mặt với đợt dịch virus corona thứ tư. Hôm thứ Năm 15/04, trong hai ngày liên tiếp có trên 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khiến chính quyền phải tái lập các biện pháp hạn chế ở nhiều nơi, kể cả thủ đô Tokyo.

Đầu trang

12/04/2021 - RFI

Trung Quốc – Hoa Kỳ : Cuộc chia ly sẽ đi đến đâu ?

Ảnh tư liệu : Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ (Liu He – bên phải) mời bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin (G) và bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, vào phòng họp tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư, Bắc Kinh, ngày 01/05/2019. REUTERS - POOL

Ngày 08/04/2021, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm 7 thực thể Trung Quốc chuyên về siêu máy tính. Quyết định này càng gây nghi ngờ về « huyền thoại » Mỹ- Trung phụ thuộc lẫn nhau. Quá trình « chia ly » « tách cặp » được Donald Trump khởi xướng và được Bắc Kinh thúc đẩy nhanh hơn nữa, liệu có báo hiệu một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới hay không ?

Trang mạng đài France Culture dẫn phân tích của cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, chủ tịch Asia Society Policy Institute và Mark Leonard, chuyên gia người Anh về châu Á giải thích vì sao « đối đầu lại là điều không thể tránh khỏi ? ».

Bắc Kinh : Ngày tàn của phương Tây đã điểm !

Thứ nhất, giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin cho rằng thời cơ đã đến. Kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt nước Mỹ trước năm 2030. Do vậy, phương Đông tiến lên, Phương Tây suy tàn, là điều tất yếu và lợi thế sẽ nghiêng về Trung Quốc, theo như tuyên bố của một thành viên trong Ban thường vụ Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 là một minh chứng điển hình, cho thấy rõ một khác biệt rất lớn trong năng lực ngăn chận dịch bệnh giữa Đông và Tây.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng đã tạo nên một bước ngoặt chính trị quan trọng cho Trung Quốc, và đây cũng là nguồn cội của mọi sự căng thẳng. Khi xem xét kỹ Kế hoạch Made in China 2025 cũng như những quyết định do Tập Cận Bình thông báo gần đây trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm, người ta chợt nhận ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước giờ đây chỉ còn là một huyền thoại.

Mục tiêu đề ra là Trung Quốc phải tự lực tự cường trong mọi lĩnh vực và chủ động « tách rời » khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau, từ năng lượng cho đến các ngành công nghệ mũi nhọn. Trung Quốc phải vượt qua Mỹ trong mọi lĩnh vực tân tiến nhất, bắt đầu từ trí thông minh nhân tạo. Từ đây đến năm 2025, 70% sản phẩm Trung Quốc phải được lắp ráp bằng chính các linh kiện sản xuất ở trong nước.

Hơn nữa, Bắc Kinh muốn tăng trưởng kinh tế giảm lệ thuộc vào thị trường bên ngoài, và phải sử dụng thị trường nội địa như là một « thỏi nam châm » để hút các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, cái thời mà phương Tây đến lập nhà xưởng ở Trung Quốc nhưng vẫn giữ các bộ phận nghiên cứu và các dịch vụ chiến lược ở trong nước đã qua. Từ nay, các công ty phương Tây, nếu muốn làm ăn với Trung Quốc thì nên đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.

Con đường tơ lụa và "lưu thông kép"

Để thực hiện các mục tiêu đó, giới lãnh đạo Trung Quốc nói đến « lưu thông kép » (hoặc « tuần hoàn kép »). Điều này có nghĩa là, một mặt, Bắc Kinh chú trọng đến các liên kết với bên ngoài, đặc biệt là dự án Những Con đường Tơ lụa mới, nhưng đồng thời, hệ thống kinh tế trong nước cũng sẽ được hưởng các biện pháp khuyến khích và bảo hộ đặc biệt của Nhà nước Trung Quốc.

Như vậy, thông qua mạng lưới « Một vành đai, Một con đường » và các khoản đầu tư khổng lồ của mình, Bắc Kinh đang tạo ra một chuỗi khách hàng và những nước « chịu ơn » để rồi từ đó buộc các nước này đi đến việc chấp nhận các chuẩn mực do Trung Quốc đề ra.

Nếu như cho đến nay, phương Tây đã phát triển cả một hệ thống các cơ quan và tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho quan hệ kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa như WTO, IMF, Ngân hàng Thế giới, v.v.., thì Trung Quốc giờ đây cũng đang cố gắng phát triển các hệ thống tiêu chuẩn của riêng họ, và trong những năm gần đây, họ đã đưa người vào nắm quyền lãnh đạo các tổ chức quốc tế chiến lược, chẳng hạn như Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Cuối cùng, trong vấn đề Đài Loan. Con đường sáp nhập hòa bình xem như chấm dứt. Chiến lược của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc là nhằm can ngăn Hoa Kỳ đến ứng cứu vào lúc Bắc Kinh quyết định tấn công Đài Bắc. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd cảnh báo đây là một nước cờ nguy hiểm. Mỹ sẽ bị « mất uy tín » nghiêm trọng với các đồng minh nếu tổng thống Joe Biden làm cho Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ không có khả năng bảo vệ một nền dân chủ đồng minh tại vùng chiến lược !

Đầu trang

10-04-2021 - NLD

Ông Biden đề xuất ngân sách quốc phòng "khủng" vì Trung Quốc

(NLĐO) – Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 9-4 đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 753 tỉ USD trong tài khóa 2022, tăng 1,6% so với năm nay và bao gồm 715 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang.

Bản tóm tắt đề xuất ngân sách được Nhà Trắng công bố cho biết ngân sách của Bộ Quốc phòng ưu tiên cho sự cần thiết chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc được xem là thách thức hàng đầu của Bộ Quốc phòng.

Ngân sách cũng đề xuất các khoản đầu tư có trách nhiệm và khả thi vào hạm đội Hải quân Mỹ, hỗ trợ các chương trình hiện đại hóa hạt nhân trong khi đảm bảo rằng những nỗ lực này là bền vững cũng như đảm bảo các lực lượng Mỹ được đào tạo và trang bị tốt nhất trên thế giới. Bản tóm tắt cũng cho biết ngân sách sẽ hỗ trợ nỗ lực lập kế hoạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các cơ sở của Bộ Quốc phòng và đầu tư vào nghiên cứu phát triển năng lượng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 753 tỉ USD trong tài khóa 2022. Ảnh: AP

Theo tờ The Hill, ngân sách quốc phòng 753 tỉ USD là mức tăng khiêm tốn so với 740 tỉ USD trong năm nay, cũng như ngân sách của Lầu Năm Góc 715 tỉ USD so với 704 tỉ USD của năm nay.

Mức tăng gần như phản ánh tỉ lệ lạm phát tại Mỹ có thể không đủ để xoa dịu các thành viên đảng Cộng hòa, những người đã thúc giục ông Biden tăng ngân sách từ 3 đến 5% so với lạm phát. Đó là mức tăng thường niên mà các quan chức trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho là cần thiết cho một chiến lược định hướng lại quân đội theo hướng cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio Mike Turner cho rằng cần tăng ngân sách quốc phòng để đảm bảo an toàn cho Mỹ và các đồng minh và đề xuất ngân sách "hạn chế" của ông Biden đồng nghĩ với việc cắt giảm các chương trình quan trọng.

Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Dân chủ Ro Khanna của bang California, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho rằng đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng cho Lầu Năm Góc của ông Biden là đáng thất vọng và không nên đổ tiền vào các dự án gây lãng phí.

Đề xuất ngân sách nói trên là động thái mới nhất của chính quyền ông Biden trong nỗ lực biến cạnh tranh với Trung Quốc thành lời kêu gọi tập hợp đầu tư liên bang và cải cách luật pháp sâu rộng hơn.

Ông Biden cũng cho hay Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 ngàn tỉ USD được đưa ra hồi tuần trước.

Đầu trang

07/04/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Mỹ: Lục quân điều chỉnh để thích ứng với xung đột ở Thái Bình Dương

Một chiếc F/A-18E Super Hornet đáp xuống mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76), trong khi USS Nimitz (CVN 68) vận hành song song tại Biển Đông. Hình minh họa, 6 tháng Bảy, 2020. (Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer/U.S. Navy via AP)

Một số sĩ quan cao cấp nhất của Lục quân Mỹ vừa khẳng định: Những thay đổi gần đây cả về cấu trúc, chiến thuật lẫn trang bị đều nhằm giúp lục quân có thể thích ứng với những đặc điểm của khu vực Thái Bình Dương chứ không phải để thay thế vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ tại khu vực này (*).

Từ khi Trung Quốc trở nên hung hăng và trở thành ẩn họa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Thủy quân lục chiến Mỹ đã có những thay đổi đáng kể về cấu trúc lực lượng, chiến thuật và trang bị. Các đơn vị của Thủy quân lục chiến Mỹ đã được sắp xếp lại theo hướng gọn hơn, linh hoạt hơn so với cấu trúc của binh chủng này trong các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan. Thủy quân lục chiến Mỹ đang giải thể các đơn vị tăng, giảm cả số lượng đại bác lẫn các khẩu đội pháo binh cơ động, thành lập những trung đoàn chuyên tác chiến cận duyên, trang bị thêm hỏa tiễn địa – hải chuyên tiêu diệt chiến hạm được đặt trên các loại thiết giáp đa năng...

Chẳng riêng Thủy quân lục chiến – binh chủng thuộc quân chủng Hải quân Mỹ, Lục quân Mỹ cũng đang tái cấu trúc theo hướng tương tự. Giờ, ưu tiên hàng đầu cho hỏa lực của Lục quân Mỹ là thành lập các đơn vị pháo binh chuyên sử dụng hỏa tiễn tầm trung, tầm xa có thể điều hướng, những khẩu đội có thể sử dụng các loại pháo siêu thanh.

Tại cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức vào tuần trước, tướng James McConville - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, bảo rằng: Tái cấu trúc lục quân, chuyển hướng từ việc không ngừng gia tăng khả năng triển khai nhanh trên toàn cầu, sang nâng cao khả năng thực hiện ngay các chiến dịch cụ thể ở Thái Bình Dương có thể khiến một số người nghĩ rằng, dường như lục quân Mỹ đang có khuynh hướng trở thành bản sao của Thủy quân lục chiến Mỹ nhưng nhận định đó chưa thấu đáo. Những thay đổi đã cũng như đang diễn ra, dẫu có một số điểm tương đồng với những thay đổi của Thủy quân lục chiến đều do đặc điểm của khu vực và đối thủ

Theo tướng McConville: Nếu xung đột với Trung Quốc bùng phát tại các đảo ở biển Đông (South China Sea), biển Hoa Đông (East China Sea – vùng biển tiếp giáp cả với Đài Loan, Nhật lẫn Nam và Bắc Triều Tiên), không chỉ Thủy quân lục chiến mà lục quân cũng sẽ có vai trò hết sức quan trọng, tự điều chỉnh để ứng phó ngay lập tức là tất nhiên.

Tướng Paul LaCamera – Tư lệnh lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, giải thích cặn kẽ hơn: Tất nhiên, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ là lực lượng tiên phong và Lục quân Mỹ sẽ theo sát phía sau để Thủy quân lục chiến Mỹ có thể dễ dàng tiến về phía trước. Đó là tình huống mà Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương buộc phải dự liệu để chuẩn bị khả năng đáp ứng. Trên thực tế, Lục quân Mỹ đã cũng như đang và sẽ còn sát cánh với Thủy quân lục chiến Mỹ trong tập luyện. Thủy quân lục chiến Mỹ và Lục quân Mỹ đã cùng rèn luyện khả năng phối hợp trong một chiến dịch qua các cuộc tập trận có tên Balikatan và Cobra Gold.

Tướng LaCamera nhấn mạnh: Huấn luyện chung giữa Thủy quân lục chiến và Lục quân song song với việc vận hành cấu trúc mới theo chiến thuật mới, sử dụng các trang bị mới sẽ còn tiếp tục vì đặc điểm khu vực và đặc điểm đối thủ là yếu tố sẽ khiến cuộc chiến khác với Thế chiến thứ hai. Điều đó không đơn thuần là tranh đua trong thể hiện sức mạnh quân sự mà là rèn luyện – nâng cao khả năng ứng phó nếu xảy ra xung đột thật sự ở bất kỳ thời điểm nào.

Chú thích

(*) https://www.armytimes.com/news/your-army/2021/03/30/soldiers-arent-fighting-marines-for-a-job-in-the-indo-pacific-chief-says/

Đầu trang

20/03/2021 - voatiengviet

Thực tập đánh chiếm đảo - thông điệp gửi Trung Quốc

USS John S. McCain thực thi tự do hải hành tại Trường Sa, tháng 12, 2020. Hình minh họa.

Ngày mai (20 tháng 3), Castaway - cuộc tập trân do Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ tổ chức - sẽ kết thúc. Castaway được các chuyên gia an ninh – quốc phòng chú ý một cách đặc biệt vì mục tiêu của nó: Nâng cao khả năng tấn công – chiếm giữ các hòn đảo ở khu vực Tây Thái Bình Dương, vốn đã và đang rất nóng cả vì yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền, lẫn nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền tại một số vùng biển trong khu vực này.

Castaway bắt đầu vào 8 tháng 3 và kéo dài khoảng hai tuần ở khu vực thuộc Okinawa (Nhật). Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy nửa năm, Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ tổ chức thực tập đánh chiếm đảo. Cuộc tập trận đầu tiên thuộc loại này có tên là Noble Fury được thực hiện hồi tháng 10 năm ngoái với mục tiêu tương tự nhưng so với Noble Fury thì Castaway toàn diện hơn: Có sự phối hợp giữa các đơn vị tinh nhuệ nhất của Thủy quân lục chiến, Lục quân và Không quân Mỹ.

Nếu Noble Fury chỉ có sự phối hợp giữa Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ để thực tập đánh chiếm những hòn đảo có phi trường thì Castaway có sự phối hợp rộng hơn và sát với thực tế chiến trường ở khu vực Tây Thái Bình Dương hơn. Nỗ lực chính của Castaway vẫn là các đơn vị thám sát (Reconnaissance Marine - FORECON) - lực lượng tinh nhuệ nhất của Thủy quân lục chiến nhưng nay, song hành với FORECON còn có thêm các đơn vị biệt kích (Green Beret - SOG) - lực lượng tinh nhuệ nhất của Lục quân Mỹ và các Không đoàn chiến thuật (Special Tactics Squadron – AFSOC) - lực lượng tinh nhuệ nhất của Không quân Mỹ.

Hải quân sẽ sử dụng hệ thống hỏa tiễn cơ động tầm xa để phong tỏa mặt biển và cùng với Không quân pháo kích, không kích, dọn dẹp hệ thống phòng thủ của đối phương. Dưới sự hỗ trợ của hỏa yểm và không yểm, các đơn vị của FORECON và SOG sẽ sử dụng các phương tiện quân sự mới nhất, đổ bộ cả từ hướng biển lẫn trên không, thực hiện các cuộc đột kích, mở đường cho sư đoàn viễn chinh của Thủy quân lục chiến tràn lên chiếm và kiểm soát đảo.

Năm 2018, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ đã soạn – giới thiệu một cẩm nang về chiến thuật cho lực lượng viễn chinh của binh chủng này trong giai đoạn sắp tới với đối thủ mới. Theo đó, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ sử dụng các đơn vị nhỏ, dễ phân tán rộng, hành tiến nhanh, đột kích chính xác, sớm vô hiệu hóa đối phương mà không cần tấn công tổng lực để hủy diệt. Noble FuryCastaway được xem là những bài tập ứng dụng cẩm nang về chiến thuật mới.

Tuy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ không nhắc gì đến Trung Quốc nhưng nhiều chuyên gia về an ninh – quốc phòng tin rằng, Noble FuryCastaway là những cuộc tập trận nhắm tới Trung Quốc như đối thủ tiềm ẩn. Ông Toshiyuki Shikata – chuyên gia an ninh từng là cựu Trung tướng của Lực lượng Phòng vệ Nhật – nhấn mạnh: Trong xung đột liên quan tới các đảo, Thủy quân lục chiến Mỹ là đối thủ đáng gờm. Rõ ràng Castaway nhắm vào sự hung hãn của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Mỹ đã phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Mỹ đã cam kết sẽ hỗ trợ Nhật bảo vệ đảo Senkaku. Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ vừa lưu ý với Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ về khả năng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong sáu năm tới. Cả Ngoại trưởng lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa đến thăm Nhật và Nam Hàn để tái khẳng định sự ủng hộ hai quốc gia này trước những hiểm họa từ Trung Quốc và Bắc Hàn…

Theo ông Shikata: Ngoài việc dùng lời, Mỹ còn dùng những cuộc tập trận như Castaway để chứng minh họ có khả năng triển khai lực lượng kèm các phương tiện, vũ khí đáng tin cậy một cách kịp thời và thích đáng. Song song với các nỗ lực và giải pháp về ngoại giao, những cuộc tập trận như Castaway góp phần đáng kể vào việc răn đe Trung Quốc. Tuy không đề cập đến Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu, những cuộc tập trận như Castaway nhằm gửi thêm thông điệp cho Trung Quốc.

Chú thích

(*) https://www.stripes.com/news/pacific/us-troops-practice-island-warfare-concepts-designed-to-control-western-pacific-sea-lanes-1.666227

Đầu trang