Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN ngày 09/09/2020. Ảnh chụp từ đài truyền hình Việt Nam VTV. AP |
Hơn 200 tầu vỏ sắt Trung Quốc “kết bè tránh gió bão” trong suốt một tháng (từ khoảng 07/03 đến khoảng giữa tháng 04/2021) ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hà Nội yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Manila lên án “sự hiện diện bầy đàn và hăm dọa” của lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc với khẳng định Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Philippines.
Washington liên tục tuyên bố ủng hộ Manila, khẳng định sẽ áp dụng hiệp ước phòng thủ chung trong trường hợp Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Từ ngày 04/04/2021, đội tầu sân bay Theodore Roosevelt CSG và đội tầu đổ bộ Makin Island ARG đã có mặt ở Biển Đông để “luyện tập năng lực chiến thuật và thể hiện các nỗ lực tận tụy không ngừng cho an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Theo trang USNI News ngày 08/04, vào thời điểm này, 44 tầu dân quân biển Trung Quốc vẫn neo đậu gần Đá Ba Đầu.
Cùng lúc với đội tầu Trung Quốc vẫn “trú gió bão” ở Đá Ba Đầu, ngoại trưởng Vương Nghị tiếp riêng lẻ bốn đồng nhiệm Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines ở tỉnh Phúc Kiến từ ngày 31/03 đến 02/04. Theo trang Global Times ngày 05/04, các cuộc họp này truyền đi “một thông điệp rõ ràng (của Bắc Kinh), đặc biệt là khi các thế lực nước ngoài, dưới sự chỉ hy của Hoa Kỳ, đang cố đào sâu hố ngăn cách giữa ASEAN với Trung Quốc bằng cách cổ vũ cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và liên minh Bộ Tứ - QUAD để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Ngoài Mỹ, nhiều cường quốc khác như Nhật Bản, Anh, Úc và Canada cũng phản đối đội tầu dân quân biển của Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu, cũng như những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhờ sự ủng hộ này, Việt Nam và Philippines nói riêng, hai nước nhận có chủ quyền ở Đá Ba Đầu, và những nước trong vùng nói chung có tranh chấp với Trung Quốc, có lẽ sẽ bớt “đơn lẻ” đối đầu với Bắc Kinh, theo nhận định của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS), khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/04/2021.
*****
RFI : Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần lượt tiếp bốn đồng nhiệm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines từ ngày 31/03 đến ngày 02/04 ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian). Các cuộc họp song phương đó diễn ra trong bối cảnh nào ? Tại sao lại là bốn nước này ?
Antoine Bondaz : Trước hết cần nhấn mạnh đến một điểm vô cùng quan trọng, đó là hoạt động năng nổ thực sự của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) là một đối tác không thể thiếu của Bắc Kinh.
Thứ nhất, năm 2020, ASEAN trở thành đối thương mại hàng đầu của Trung Quốc, với hơn 730 tỉ đô la trao đổi thương mại, vượt qua cả Liên Hiệp Châu Âu. Còn Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN. Thứ hai, năm 2021 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN. Vì thế, hai bên có mối quan hệ đối tác thương mại và chính trị rất quan trọng. Cuối cùng, về mặt ngoại giao, khi cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington không ngừng gia tăng, thì tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á cũng không ngừng tăng theo.
Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao Trung Quốc trở nên vô cùng năng động ở Đông Nam Á từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Vào tháng 11/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du Cam Bốt, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore. Sau đó, vào tháng 01/2021, ông Vương Nghị đến Miến Điện, Indonesia, Brunei và Philippines, có nghĩa là bao trùm hết các quốc gia thành viên ASEAN, trừ Việt Nam. Nhưng trước đó, ông Vương Nghị đã gặp đồng nhiệm Việt Nam vào tháng 08/2020.
Chúng ta có thể thấy Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng khắp Đông Nam Á, tương tác với toàn bộ các nước đối tác. Và việc ông Vương Nghị tiếp ngoại trưởng bốn nước ASEAN ở miền nam Trung Quốc vào đầu tháng 03/2021 cũng nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ASEAN trên phương diện kinh tế, chính trị và ngoại giao.
RFI : Như ông nói Việt Nam không nằm trong hai vòng công du Đông Nam Á của ông Vương Nghị vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tiếp theo là vòng làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, thì vẫn có cảm tưởng như Việt Nam bị “cô lập” ?
Antoine Bondaz : Tôi nghĩ có lẽ có nhiều giả thuyết. Có thể là phía ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng đã có cuộc gặp vào tháng 08/2020, cách đây chưa đầy 1 năm, như vậy Việt Nam được đặt ngang hàng với tất cả các nước ASEAN khác.
Tiếp theo, trên phương diện mang tính chính trị hơn và cần phải nhấn mạnh đây chỉ là một giả thuyết, có thể chính sách của Trung Quốc là “cô lập” Việt Nam đủ để Việt Nam có thể nhượng bộ, kể cả về mặt chính trị qua việc bớt công khai chỉ trích, ví dụ như chính sách của Bắc Kinh về Biển Đông. Chúng ta biết rõ là căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Phillipines rất lớn và không ngừng gia tăng, thêm vào đó là Hà Nội tỏ ra quyết liệt hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong những năm gần đây.
Việt Nam hiện cũng được phần nào đó hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch tễ khi ngày càng trở thành một đối tác khu vực không thể thiếu với các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc có thể là tránh để Việt Nam gia tăng hợp tác với các nước khác.
RFI : Cùng lúc với các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Vương Nghị và bốn đồng nhiệm Đông Nam Á, thì hơn 200 tầu cá Trung Quốc vẫn neo đậu ở Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa. Phải giải thích như nào về hành động hung hăng trên thực địa và đường lối ngoại giao của Bắc Kinh ?
Antoine Bondaz : Đường lối của Bắc Kinh khá nhất quán và không đổi trong những năm gần đây. Có nghĩa là Bắc Kinh có những yêu sách tối đa, bao trùm gần hết Biển Đông trong đường 9 đoạn, chứ không chỉ ở một số đảo nhỏ.
Thứ hai, ngay từ đầu Trung Quốc theo đuổi chiến lược thay đổi nguyên trạng trong khu vực bằng cách từng bước thông qua những chính sách mới nhằm thay đổi nguyên trạng, như bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.
Thứ ba là Bắc Kinh thường xuyên sử dụng những nhân tố mới, được gọi là lực lượng “dân quân biển” trực thuộc Quân Ủy Trung Ương, nhưng lại không phải là Hải Quân hay Hải Cảnh. Biện pháp này giúp Trung Quốc có được sự linh hoạt nhất định trong cách tiếp cận chính trị và trên hết là để quản lý được mức độ leo thang. Đây chính là mục đích của Trung Quốc. Sử dụng lực lượng dân quân biển, đó là buộc các nước khác hoặc không làm gì hết, hoặc phải bước vào leo thang căng thẳng. Qua đó, Trung Quốc có thể cân nhắc hoặc tìm cách để biến Việt Nam hoặc Philippines thành các bên điều lực lượng cảnh sát biển hay Hải Quân đến trước và như vậy phải chịu trách nhiệm về leo thang chính trị, thậm chí là leo thang quân sự.
Một lần nữa, đừng quên rằng mục tiêu của Trung Quốc là thay đổi nguyên trạng bằng cách thực hiện các chiến dịch có thể được mô tả là “chiến tranh hỗn hợp”. Có nghĩa là tiến hành các chiến dịch làm thay đổi nguyên trạng nhưng lại không bao giờ phạm đến ngưỡng có thể gây ra xung đột.
Đối với các nước trong vùng, rất khó có thể đơn phương đối đầu, dù là Việt Nam hay Philippines. Chiến lược được Manila áp dụng gần đây là “quốc tế hóa” tình hình, truyền đạt rộng rãi nhất có thể bằng cách xác định những gì đang xảy ra, tố cáo những gì Trung Quốc đang làm và mời Hoa Kỳ, cũng như những nước khác, lên tiếng về tình hình trong khu vực.
Chính điều này giải thích cho những phát biểu vô cùng khắc nghiệt từ phía đại sứ Trung Quốc ở Philippines cũng như từ ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ trích gay gắt Manila và cho rằng Philippines không có tính chính đáng để lên án hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh tìm cách áp đặt ý đồ của họ lên các nước trong vùng, nhất là Philippines, quốc gia có ít phương tiện để một mình đương đầu với Trung Quốc.
RFI : ASEAN luôn kêu gọi các bên không gây căng thẳng trong khu vực và sẽ không chọn bên. Nhưng trước sức ép ngày càng quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông, phải chăng sự hiện diện của Mỹ lại giúp giữ thế cân bằng ?
Antoine Bondaz : Điều rõ ràng hiện nay là thiếu sự cân bằng đáng kể trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam và giữa Trung Quốc với Philippines chừng nào Hà Nội và Manila còn chưa thể một mình đương đầu với Bắc Kinh. Do đó, một mặt, cần phải tăng cường khả năng phòng thủ riêng, như chúng ta thấy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, trong đó có lực lượng hải quân. Nhưng với nhịp độ hiện đại hóa đó, cũng không có khả năng chống lại được sức mạnh của quân đội Trung Quốc và cũng sẽ không thể đối mặt trong tương lai. Vì thế mục tiêu là dựa vào và cố gắng có được sự ủng hộ của quốc tế, như về mặt an ninh.
Chúng ta thấy là nhiều nước trong vùng, như Indonesia đang xích lại gần với Nhật Bản để hiện đại hóa quân đội, Việt Nam cũng làm tương tự với nhiều nước khác. Và nhất là về thực tế chính trị và ngoại giao, Việt Nam hay Philippines không tìm cách liên kết với Hoa Kỳ, thì hai nước này nên tìm cách có được sự ủng hộ của Washington và trong tương lai là của Liên Hiệp Châu Âu để bớt bị cô lập và có thể đối mặt với sức ép của Trung Quốc. Nhưng cần nhắc lại rằng chênh lệch giữa hai bên là rất lớn.
Yếu tố mới có thể có lợi cho những nước này chính là nỗ lực phối hợp chưa từng có được chính quyền Joe Biden triển khai, kể cả ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chúng ta thấy trong những tuần qua có cuộc họp thượng đỉnh của Bộ Tứ - QUAD (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ), tiếp theo là chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Đây mới chỉ là lần thứ ba, kể từ năm 1945, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ là tại châu Á, trước đó là ngoại trưởng David Dean Rusk vào năm 1961 và ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2009.
Chúng ta cũng thấy là các nước Bộ Tứ đã nhất trí sản xuất hơn 1 tỉ liều vac-xin ngừa Covid-19 từ nay đến cuối năm 2022 cho các nước Đông Nam Á, và rộng hơn là cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy Hoa Kỳ nỗ lực rất nhiều trong việc điều phối và việc này có thể có lợi cho Việt Nam, Phillipines dù rằng cả Hà Nội lẫn Manila sẽ không tham gia Bộ Tứ.
RFI : Như vậy là tình hình tại Biển Đông và Đông Nam Á sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới ?
Antoine Bondaz : Theo tôi, điều quan trọng là phải hiểu rằng Đông Nam Á là một khu vực ngày càng mang tính chiến lược. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục tăng, thì vùng Đông Nam Á vẫn có tầm quan trọng ngày càng lớn. Như đã nói ở trên, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, điều này ít người biết đến. Ngoài ra, Đông Nam Á còn nằm ở vị trí trung tâm trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nơi tập hợp các thách thức an ninh truyền thống hoặc phi truyền thống, trong khi nhiều quốc gia lại đang phát triển chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có nhiều nước châu Âu.
Khu vực Đông Nam Á cũng như các nước thành viên ASEAN nhận thấy tầm quan trọng của họ được các nước châu Âu tái khẳng định. Vì thế đây là một cơ hội chưa từng có đối với các nước như Indonesia, Việt Nam để xích lại gần với các quốc gia châu Âu. Đúng là Việt Nam hay Indonesia đã xích lại gần với một số nước trong vùng, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hoặc với Đài Loan mà mỗi đối tác này có ít nhất một chính sách dành cho Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm nhiều hơn và như vậy ASEAN, cũng như các nước thành viên, sẽ có vai trò còn quan trọng hơn trước đây. Từ đó, ASEAN không những có thể tranh thủ được sự cạnh tranh Mỹ-Trung mà còn được hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng lớn của các nước châu Âu đối với khu vực này. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng Indonesia và Việt Nam chẳng hạn, sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS).
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ. |
Hải quân Hoa Kỳ hôm 5/4 cho biết nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông từ ngày 4/4 để tiến hành các hoạt động thường lệ. Cùng lúc, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc cũng đang hoạt động gần Đài Loan.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy trưởng nhóm tàu của Hải quân Mỹ cho biết: “Thật tuyệt khi được trở lại Biển Đông để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tự do trên biển.”
“Trong quá trình triển khai nhóm tàu tác chiến, chúng tôi thể hiện cam kết của mình đối với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách hoạt động với những người bạn của chúng tôi từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Malaysia,” trang thông tin của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương dẫn lời Chuẩn đô đốc Verissimo nói.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục ra khơi cùng với tất cả những ai có tầm nhìn chung về an ninh và ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới,” Chuẩn đô đốc Verissimo cho biết thêm.
Trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiến hành các hoạt động bay, các cuộc tập trận tấn công trên biển, hoạt động chống tàu ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp...
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc. |
Trong diễn biến liên quan, hôm 3/4, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako ngoài khơi phía tây nam Nhật, vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật “dừng mọi động thái khiêu khích” đối với quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông, mà Tokyo gọi là Senkakus, theo trang SCMP.
Hải quân Trung Quốc thông báo trên mạng xã hội vào tối ngày 4/4 rằng tàu Liêu Ninh đang trên đường tiến hành “các cuộc tập trận theo lịch trình” gần Đài Loan, để “kiểm tra hiệu quả của việc huấn luyện binh sĩ và nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, an toàn và lợi ích phát triển của đất nước.”
Hải quân Trung Quốc cho biết các cuộc diễn tập hải quân tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức theo kế hoạch.
Trung Quốc dùng tàu cá do dân quân biển chỉ huy, với sự hộ tống của tàu hải cảnh, từng bước thực hiện tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông, theo GS.TS Nguyễn Hồng Quân.
Ngày 29/3, GS.TS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, trả lời phỏng vấn của VnExpress.
- Ông nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông trước những diễn biến căng thẳng, đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay?
- Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Vì vậy, tình hình Biển Đông căng thẳng từ nhiều năm nay, đặc biệt trong mấy năm gần đây luôn rất nóng.
Căng thẳng trên Biển Đông gồm 3 vòng, vòng đầu tiên là tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước ven bờ có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền; tranh chấp giữa các nước, các bên có tuyên bố hoặc yêu sách chủ quyền với nhau.
Trong đó, nguy cơ xung đột đầu tiên là tranh chấp các vùng biển đảo giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Đồng thời, ngư dân Trung Quốc với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh đã và đang chiếm đoạt nhiều vùng đánh cá, đe dọa cuộc sống của hàng triệu ngư dân các nước ven bờ Biển Đông. Trung Quốc cũng đe dọa, phá hoại, ngăn cản các nước đơn phương hoặc hợp tác với đối tác thăm dò năng lượng, dầu khí trên vùng biển hợp pháp ở Biển Đông. Bắc Kinh muốn các nước phải hợp tác, dùng công nghệ, kỹ thuật, vốn, nhân lực của nước này, nhằm thao túng việc khai thác năng lượng ở Biển Đông. Thậm chí, có lúc họ còn đe dọa dùng vũ lực nếu không dừng hợp tác quốc tế thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận là thuộc vùng biển của họ.
Vì vậy, căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước tuyên bố chủ quyền và có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Vòng thứ hai là mâu thuẫn giữa Trung Quốc với khối ASEAN. Năm 2014, Trung Quốc đề xướng thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm tập trung thảo luận các điểm tương đồng, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn né tránh thảo luận về các bất đồng, khiến ASEAN lo ngại nước này muốn lợi dụng COC để tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đưa ra cách tiếp cận khác, các tranh chấp sẽ do các quốc gia liên quan giải quyết trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên thực tế lịch sử, luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Còn ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua triển khai DOC và các tham vấn về COC. Cách tiếp cận này loại bỏ tư cách của tòa trọng tài hay sự hòa giải của bên thứ ba trong việc giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng lấn trên biển, làm tăng xu hướng chia rẽ trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Vì vậy, trong khối ASEAN đang có những cách ứng xử khác nhau về vấn đề biển Đông. Trong đó, Việt Nam, Philippines đã đưa ra những lập trường cứng rắn để đấu tranh chống lại các động thái "gặm nhấm" của Trung Quốc nhằm tạo ra sự kiểm soát thực tế. Một số nước có cách tiếp cận khác.
Vòng thứ ba là mâu thuẫn nảy sinh từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các nước khác ngoài khu vực có lợi ích kinh tế, hàng hải, hàng không, thương mại, quân sự... ở Biển Đông.
- Với 3 vòng căng thẳng nêu trên, yếu tố đóng vai trò chủ yếu gây nên nguy cơ xung đột ở Biển Đông là gì, thưa ông?
- Đó là tham vọng bá quyền phi pháp của Trung Quốc, muốn độc quyền quản lý, tiến tới độc chiếm Biển Đông để hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc. Trung Quốc muốn lấy Biển Đông làm nơi xuất phát các hạm đội tàu ra Thái Bình Dương, ra các đại dương. Đây còn là một trong những điểm để Trung Quốc triển khai chiến lược trong sáng kiến "Vành đai - Con đường".
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước lớn không muốn vùng biển quốc tế nào bị hạn chế đi lại. Mỹ coi Biển Đông là một trong những điểm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, lôi kéo thêm một số nước lớn tham gia. Thời gian gần đây, các nước lớn không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông không chỉ với tàu chiến, máy bay chiến đấu mà còn có cả tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược.
Vậy nên, mức độ căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông thời gian qua nặng nề, khẩn trương hơn so với trước đây.
Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng. Ảnh: Gia Chính |
- Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện các tàu cá do dân quân chỉ huy. Vai trò của lực lượng này ra sao trong việc thực hiện tham vọng phi pháp của họ?
- Để từng bước hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc tổ chức các đội tàu cá, hầu hết do dân quân biển điều hành. Lực lượng tàu cá này được trang bị vỏ thép, công suất lớn, có khả năng hoạt động xa bờ.
Dân quân biển Trung Quốc do một công ty quản lý, gọi là chi đội; các chi đội được biên chế thành đại đội; các tổ sản xuất được biên chế thành trung đội; mỗi tàu là một tiểu đội dân quân biển. Lực lượng này được tổ chức, trang bị, huấn luyện chu đáo, đãi ngộ hậu hĩnh, để đối phó với các tình huống bất thường trong thời bình và thời chiến, bao gồm sử dụng vũ khí hạng nhẹ và triển khai thường xuyên đến các khu vực trên Biển Đông.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải Nam; hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012; hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014; đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016; quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019; hộ tống, bảo vệ tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng 7/2019...
Dân quân biển Trung Quốc ngày càng được tăng cường trên Biển Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên, lâu dài, kiểm soát xung đột, lâu dần biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, vùng tranh chấp thành vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà không gây ra xung đột với nước nào. Đó chính là mục đích sâu xa việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển.
- Trung Quốc luôn tìm cách che giấu hoạt động thực sự của tàu dân quân biển. Mục đích của chiến thuật che giấu này là gì, thưa ông?
- Các con tàu này thường có lượng giãn nước trên 500 tấn, nghĩa là được lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), nhưng chỉ có chưa đến 5% số tàu này thực sự phát tín hiệu AIS, nhằm che giấu số lượng và hành động. Vì thế, Trung Quốc luôn giải thích những vụ cố ý đâm chìm tàu nước khác trên Biển Đông là các "tai nạn hàng hải thông thường".
Trung Quốc cũng cho tàu dân quân biển đâm va, quấy rối tàu nước ngoài hoạt động trong "đường 9 đoạn" phi pháp, để củng cố sự hiện diện của họ ở khu vực này.
Điều đáng lo ngại là lực lượng thực thi luật pháp của các nước trên biển thường rất khó xác định đâu là tàu cá Trung Quốc bình thường, đâu là tàu cá "bất thường" do dân quân biển chỉ huy. Vì thế, các nước thường kiềm chế, tránh leo thang xung đột, để không bị Trung Quốc cáo buộc "vi phạm nhân quyền" với ngư dân. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng lợi dụng sự mơ hồ này để thực hiện mưu đồ.
Các chuyên gia nước ngoài từng cảnh báo, xung đột trên Biển Đông nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển Trung Quốc, bởi lực lượng này không có cơ chế liên lạc và xuống thang căng thẳng như hải quân. Dân quân biển cũng không thuộc phạm vi áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà hải quân các nước đã ký kết hồi tháng 4/2014.
Đây là chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc, nhằm mục tiêu chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ lực trực tiếp với quy mô lớn. Chiến thuật này có đặc điểm là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng và tiệm tiến.
- Từ 7/3, khoảng 200 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển đã neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi. Ông nhận định như thế nào về diễn biến này?
- Khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh tháng 1/2021, có hiệu lực từ đầu tháng 2, chúng tôi đã nhận định, rất có khả năng nước này sẽ dùng lực lượng hải cảnh để hỗ trợ dân quân biển đi xâm chiếm trái phép ngư trường các nước khác. Bây giờ, nhận định đó đã được chứng minh qua việc Trung Quốc huy động 200 tàu cá đến đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nói cách khác, sự việc nêu trên là phép thử của Trung Quốc khi áp dụng luật Hải cảnh trên Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong "đường 9 đoạn" phi pháp. Các tàu Trung Quốc chỉ bật đèn sáng suốt đêm mà không đánh bắt thể hiện rõ ý đồ thách thức.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ động cơ sâu xa hơn của Bắc Kinh, là sẽ dùng các tàu cá để chiếm giữ vùng biển quanh đảo đá Sinh Tồn Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam, để tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiến hành bồi đắp, san lấp đảo, tạo dựng đảo đá nhân tạo. Chiến thuật này Trung Quốc từng áp dụng với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với toan tính này, Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một căn cứ lưỡng dụng dân sự - quân sự để tạo thành điểm tiền tiêu, từ đó hình thành mạng lưới liên hoàn, ngăn cản sự hiện diện của các nước ở Biển Đông. Đây là một bước tiến để Trung Quốc thực hiện mưu đồ phi pháp độc chiếm Biển Đông.
Đội hình tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi đá gần đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam. Ảnh: Maxar |
- Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng này có thể "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí để ngăn chặn và loại bỏ các mối nguy hiểm khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia". Những quy định mang tính khiêu khích này sẽ ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông ra sao?
- Như tôi đã phân tích, Luật Hải cảnh thực chất là một bước củng cố và tăng cường chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng luật này trên các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền phi pháp, nên gây lo ngại cho nhiều nước và sẽ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Hải cảnh Trung Quốc từng hộ tống ngư dân tràn xuống ngư trường của Việt Nam, Philippines và các nước khác, tham gia cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí của các nước. Vì vậy, Luật này sẽ dẫn đến xu hướng gay gắt hơn trong việc cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven Biển Đông.
Luật Hải cảnh còn làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, đi ngược lại luật pháp quốc tế, khi cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí. Điều 22, Luật Hải cảnh "cho phép nổ súng vào các tàu nước ngoài tại các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền" là trái với quy định trong Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Áp dụng Luật Hải cảnh không chỉ gia tăng căng thẳng với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn khiến quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật... xấu hơn.
Không loại trừ khả năng sau khi ban hành Luật Hải cảnh, Trung Quốc sẽ tuyên bố phần lớn Biển Đông là "vùng nội thủy" và "vùng trời" của nước này. Vì vậy, những mưu đồ trên còn cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài cho thấy Bắc Kinh thiếu thiện chí đàm phán COC.
- Trước những diễn biến mới ở Biển Đông, Việt Nam cần có sách lược ra sao để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo?
- Các cơ quan chức năng của chúng ta đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ, nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng, trước mắt Việt Nam cần tiếp tục các biện pháp khẳng định chủ quyền biển đảo bằng bằng chính trị, ngoại giao và trên thực địa.
Về ngoại giao, Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong khối ASEAN để đàm phán COC hiệu quả, thực chất, đúng luật pháp quốc tế. COC phải có tính pháp lý ràng buộc, trong đó nêu rõ các nước không xây dựng đảo nhân tạo; không quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, đề nghị quân đội hai nước cam kết không nổ súng trước.
Đồng thời, chúng ta cần tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phân tích rõ ý đồ trong "chiến thuật vùng xám", làm rõ những nguy cơ của Luật Hải cảnh. Lực lượng hải quân nên mở rộng tham gia diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới đối tác ở khu vực.
Việt Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế. Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị. Đơn cử, để đối phó với "chiến thuật vùng xám" và các tàu hải cảnh Trung Quốc thì chúng ta cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Đồng thời, các lực lượng phải luôn chuẩn bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông. Trong khi đó, cũng phải luôn chú ý bảo vệ chủ quyền biển đảo mạn Tây Nam.
Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.
Đồng thời, để ngư dân hoạt động xa bờ, dài ngày trên biển thì cần có sự đầu tư đóng các tàu vỏ thép lớn, trang bị hiện đại, kết nối vệ tinh; tăng cường đưa dân đến sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng ta cũng cần tổ chức thường xuyên các chương trình du lịch đến Trường Sa và các tuyến đảo trọng yếu.
Về lâu dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh.
Viết Tuân
Chủ nhật, 28/3/2021, 19:13 (GMT+7) - vnexpress
Tình hình biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo Thượng tướng Phan Văn Giang.
Chiều 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội XIII, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Quốc phòng, đã truyền đạt chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".
Theo ông, trong những năm tới, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới, tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.
Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
"Riêng về tình hình biển Đông vẫn có những diễn biến căng thẳng, phức tạp, đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo", ông nói.
Chủ trương của Việt Nam là "phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn" để phù hợp với các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
"Tất nhiên trong quá trình thực hiện, có những việc chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế", Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng nói.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Quốc phòng, giới thiệu về những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam chiều 28/3. Ảnh: Hoàng Phong |
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Đại hội XIII xác định phương hướng, mục tiêu "xây dựng Quân đội nhân dân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại"; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; bước đầu đạt được kết quả quan trọng, đảm bảo sự cân đối và tương đối đồng bộ giữa quân, binh chủng, giữa cơ quan đơn vị, giữa lực lượng thường trực và dự bị động viên.
Sau 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, quân đội có 11 quân khu, sau đó đã giải thể, sáp nhập, giờ chỉ còn 7 quân khu. Quân khu Thủ đô cũng chuyển thành Bộ tư lệnh thủ đô để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.
Từ 2016 tới nay, Quân đội giảm, điều chỉnh 800 tổ chức biên chế. Đơn cử như trong lĩnh vực đào tạo, Quân đội quyết định giải thể các trường nghề; tăng cường quân số cho các nơi trọng yếu, biên giới...
Để xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng từng bước phát triển, đáp ứng một phần vũ khí cho lực lượng vũ trang, tiến tới "tự lực, tự cường trang bị cho quân đội và đáp ứng một phần cho kinh tế - xã hội".
Thượng tướng Phan Văn Giang cũng nêu rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
Đại hội XIII của Đảng xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên", là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.
"Kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là "phương thức hữu hiệu" để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói.
Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Lần đầu tiên gần một triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của nghị quyết Đại hội XIII.
Hoàng Thùy
Ảnh minh họa : Chiến hạm Tonnerre của Pháp neo đậu ở hải cảng Beyrouth, Liban. Ảnh chụp 1/09//2020. © AFP |
Chỉ vài ngày sau khi Bộ Quân Lực Pháp xác nhận đã cho tàu ngầm đi qua Biển Đông, hôm 18/02/2021 vừa qua, hai chiến hạm Pháp đã ra khơi trực chỉ châu Á trong một chiến dịch kéo dài 5 tháng, sẽ đi ngang Biển Đông, ghé thăm nhiều cảng Đông Nam Á và đặc biệt là tham gia một cuộc tập trận chung với hai đồng minh Mỹ và Nhật ở vùng biển Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, khi cho Hải Quân đến hoạt động trong vùng Biển Đông, Pháp đã bất chấp phản ứng không hài lòng từ phía Trung Quốc, nước tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng biển này.
Theo Bộ Quân Lực Pháp, tham gia chiến dịch mang tên Jeanne d’Arc 2021 là hai chiến hạm của Hải Quân Pháp gồm tàu đổ bộ chở trực thăng Tonnerre và khinh hạm tàng hình Surcouf thuộc nhóm Sẵn Sàng Đổ Bộ (ARG). Trong đợt triển khai kéo dài cho đến tháng 7, chiến hạm Pháp sẽ hai lần đi ngang Biển Đông, đồng thời có kế hoạch ghé cảng nhiều nước, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam trên đường đi, và Singapore, Malaysia trên đường về.
Jeanne d’Arc là một chiến dịch tập huấn thường niên nhằm cung cấp cho các học viên sĩ quan kỹ năng tác chiến “trên biển” trước khi gia nhập đơn vị của họ. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng là dịp Hải Quân Pháp rèn luyện năng lực hoạt động tại các vùng biển có giá trị chiến lược, trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác.
Năm nay, theo trang mạng thông tin về hải quân Naval News, các chiến hạm Pháp sẽ có nhiều hoạt động tương tác với Hải Quân các nước trong hành trình, mà đỉnh cao sẽ là cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới đây.
Khi được hỏi về mục đích của nhiệm vụ này, hạm trưởng tàu chỉ huy Tonnerre, Arnaud Tranchant, không ngần ngại nói rõ mục tiêu góp phần “tăng cường quan hệ đối tác của Pháp với Bộ Tứ Quad bao gồm bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn”.
Phản ứng bất bình của giới chuyên gia Trung Quốc
Sự kiện Pháp càng lúc càng cho thấy ý định dấn thân sâu hơn vào Biển Đông, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh cùng quan tâm đến khu vực, đã khiến Trung Quốc bất bình. Trang mạng thông tin Pháp Asialyst ngày 22/02 vừa qua đã không ngần ngại cho là chiến dịch của hai chiến hạm Pháp Tonnerre và Surcouf là “một thách thức trực tiếp mới gởi đến Trung Quốc”. Asialyst đồng thời ghi nhận một số phản ứng đầu tiên từ phía Bắc Kinh.
Đối với ông Phó Côn Thành (Fu Kuncheng), một chuyên gia tại Viện Biển Đông thuộc trường Đại Học Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, các hoạt động của chiến hạm Pháp tại một khu vực biển có tranh chấp là một điều “đáng báo động”, buộc Trung Quốc phải suy nghĩ về cách đáp trả thỏa đáng.
Đối với chuyên gia Trung Quốc này thì Pháp đang chịu sức ép của Mỹ: “Rõ ràng là Hoa Kỳ đang hy vọng cùng với các đồng minh trong NATO phô trương lực lượng ở Biển Đông bằng các hoạt động gọi là ‘tự do hàng hải’. Khi các nước này chủ trương tự do hàng hải, Trung Quốc nên cử tàu chiến bám sát theo. Và nếu các tàu đó đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta phải phản đối theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Tống Trung Bình (Song Zhongping), một cựu sĩ quan huấn luyện của Quân Đội Trung Quốc, hiện là nhà nghiên cứu và bình luận quân sự, đã nói rõ hơn với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post: “Hiển nhiên là Pháp có ý định chứng tỏ sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới áp lực của Hoa Kỳ, để phối hợp với các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ”.
Mối quan tâm của Pháp
Đối với giới quan sát, quả thực là Pháp trong những ngày đầu năm 2021 đã đột nhiên cho thấy mối quan tâm đến tình hình Biển Đông. Ngay trước khi khởi động chiến dịch Jeanne d’Arc 2021 với một vế quan trọng tại các vùng biển Châu Á, Pháp đã cho một tàu ngầm tấn công của mình qua hoạt động ở Biển Đông, điều đã được chính bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly xác nhận ngày 08/02 vừa qua.
Trên Twitter, bà Parly giải thích là việc đi qua vùng biển quốc tế mà gần như toàn bộ diện tích bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, là "bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai xa và lâu dài của Hải Quân Pháp trong mối quan hệ với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ hoặc Nhật Bản". Bộ Quân Lực Pháp thì nhắc lại sự quan tâm của Pháp đối với quyền tự do hàng hải.
Chuyên gia Pháp Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hôm 11/02, đã cho rằng chiến dịch tuần tra Marianne, mà chiếc tàu ngầm Émeraude cùng với một tàu hỗ trợ thực hiện kể từ tháng 9 năm 2020, là nhằm chứng tỏ rằng Pháp luôn luôn hiện diên trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương về mặt quân sự.
Theo ông Brisset: “Đó là một lời hứa cũ từ ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, khi ông vẫn còn là Bộ trưởng Quốc phòng [cho đến năm 2017]”. Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng ở các vùng biển châu Á - căng thẳng Trung-Mỹ ở Biển Đông, những cuộc cãi vã giữa Bắc Kinh và Canberra - Pháp muốn nhắc lại rằng họ có những lợi ích riêng mà họ muốn theo bảo vệ.
Antoine Bondaz, chuyên gia tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược nhắc lại: “Trên quan điểm pháp lý, việc Hải Quân Pháp qua lại (vùng Biển Đông) trong khuôn khổ các hoạt động toàn cầu của Pháp là một điều hoàn toàn hợp pháp.”
Pháp khẳng định vai trò trong khu vực
Vấn đề đặt ra là trên bình diện địa chính trị, Biển Đông là chủ đề của các yêu sách lãnh thổ chồng lấn giữa Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Philippines và Việt Nam, chưa kể căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn chiến hạm nước ngoài hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Pháp can dự vào Biển Đông.
Pháp đã thấy rõ điều này vào năm 2019 sau khi gửi một tàu hộ tống hạm đến đó. Trung Quốc sau đó đã chính thức tỏ bực tức trước hành động bị cho là “xâm phạm lãnh hải” đó. Mặc dù vậy, Paris đã quyết định quay trở lại. Và lần này là với tàu ngầm tấn công hạt nhân, trong khi chờ đợi hai chiếc Tonnerre và Surcouf.
Jean-Dominique Merchet, nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc phòng trên trang L’Opinion, cho biết: “Tàu ngầm là một tín hiệu mạnh hơn một tàu hộ tống. Còn ông Jean-Vincent Brisset thì nhận định : “Trong bối cảnh toàn cầu về quan hệ ngoại giao, đây là cách để Pháp cho thấy họ không sợ đọ sức với Trung Quốc. Do đó, Pháp đang cố gắng tự khẳng định mình là người bảo đảm quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế.
Về phần mình, chuyên gia về châu Á Antoine Bondaz phân tích: “Đó là một cách để nói với các đối tác Úc, Ấn Độ và Nhật Bản rằng Pháp không chỉ đưa ra những bài phát biểu mỹ miều. Paris sẽ chỉ có uy tín trong khu vực khi cho thấy rằng họ sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc của mình”.
Tư liệu: Tàu của hải quân Mỹ, Chile, Peru, Pháp và Canada tham gia một cuộc diễn tập trên Biển Thái Bình, ngày 24/6/2018. (U.S. Navy/Intelligence Specialist 1st Class Steven Robles/Handout via REUTERS) |
Hoa Kỳ và các đồng minh có lập trường cứng rắn hơn và đang điều tàu chiến vào các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Đã và đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tân chính quyền của Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Trong hoạt động mới nhất để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển này, Ngũ Giác Đài đã điều tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Russell tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý quanh một số thực thể thuộc Trường Sa, quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Chỉ vài tuần trước, một tàu chiến khác của Mỹ, USS John McCain, tàu khu trục lớp Arleigh, cũng thực hiện một sứ mạng tương tự quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
Trước đó chính quyền của Tổng thống Biden cũng thực hiện sứ mạng đầu tiên trong năm nay có sự góp mặt của hai hàng không mẫu hạm Mỹ là USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt.
Nhóm tàu sân bay tác chiến Theodore Roosevelt diễn tập với nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz trên Biển Đông ngày 9/2/2021 (US Navy)
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay vừa kể đã phối hợp hoạt động trên Biển Đông hôm 9/2, nhằm chứng minh khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy kiểm soát của Hải quân Mỹ trong một môi trường có nhiều thử thách.
Hãng tin Bloomberg đánh giá cuộc tập trận có phối hợp của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn của tân chính phủ Mỹ dưới quyền ông Biden.
Khẳng định tự do hàng hải, quyền qua lại vô hại
Những hoạt động được tăng cường của hải quân Mỹ trên Biển Đông đi kèm với vị thế cứng rắn hơn của Washington về mặt ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Mỹ nặng nề đả kích Bắc Kinh về việc thông qua Luật Hải cảnh - cho phép lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân Trung Quốc sử dụng “mọi phương tiện cần thiết”, kể cả nổ súng vào tàu nước ngoài nào mà Bắc Kinh cho là đã “xâm nhập các vùng biển của Trung Quốc”.
Washington nói động thái này gây “quan ngại sâu sắc” và thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh dùng bạo lực để “củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc” trong khu vực.
Đồng thời, Ngũ Giác Đài cảnh cáo Trung Quốc chớ “đơn phương áp đặt bất kỳ quy định nào đòi tàu bè các nước phải ‘xin phép hoặc thông báo trước’, trước khi đi ngang qua các vùng biển đang trong vòng tranh chấp”. Washington nhắc nhở rằng luật pháp quốc tế cho phép tàu bè, kể cả các tàu chiến, thực thi quyền “qua lại vô hại” trong các vùng biển quốc tế.
Lời nhắc nhở này còn nhắm vào một số nước khác – như Việt Nam và Đài Loan.
Ngũ Giác Đài tuyên bố:
“Bằng cách qua lại vô hại mà không thông báo hay xin phép bất kỳ nước nào có yêu sách chủ quyền trong khu vực, Hoa Kỳ thách thức những hạn chế bất hợp pháp mà các nước đó đã đơn phương áp đặt trong các vùng biển quốc tế.”
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc bằng cách lên tiếng bày tỏ “quan tâm về các động thái gần đây của Trung Quốc, cho phép sử dụng vũ lực để lấn át các nước láng giềng”.
“Chúng tôi nhắc nhở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) rằng các lực lượng hàng hải có trách nhiệm hành động một cách chuyên nghiệp và tự chế khi thực thi quyền hạn của mình”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói tiếp:
“Chúng tôi còn quan tâm về chuyện Trung Quốc có thể viện luật hải cảnh mới để khẳng định các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông”.
‘Lập trường của chính phủ Biden cứng rắn hơn trông đợi’
Chỉ trong tháng đầu tiên từ khi lên nhậm chức, chính phủ của Tổng thống Biden đã thực hiện ít nhất 3 hoạt động hải quân quy mô trong các vùng biển gần Trung Quốc. Asia Times cho rằng đây là “một cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong thập niên qua”.
Trong bài diễn văn về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông, Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất’ của Mỹ, ông nói Trung Quốc đã trực tiếp tấn công vào trật tự thế giới và các cấu trúc của nền trật tự do Hoa Kỳ xây dựng sau Đệ nhị Thế Chiến, và ông cam kết sẽ trực diện đối đầu những thách thức do Bắc Kinh đặt ra cho sự thịnh vượng, nền an ninh và các giá trị Mỹ.
Tòa Bạch Ốc khẳng định Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và Washington sẽ làm việc với các đối tác về một chiến lược cho sự cạnh tranh với Bắc Kinh.
“Các lực lượng của Mỹ sẽ điều tàu bè và máy bay tới hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi và của các đồng minh và đối tác của chúng tôi,” người phát ngôn Tòa Bạch Ốc John Kirby lặp lại lập trường từ trước tới nay của Hoa Kỳ.
Ông lưu ý rằng trong số 7 nước đã ký hiệp định quân sự với Mỹ, thì có 5 nước nằm trong vùng Thái Bình Dương, và “chúng tôi đặt rất nặng các nghĩa vụ đó.”
Các nước vừa kể gồm có Hàn quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc và New Zealand.
Phản ứng trước chính sách cứng rắn hơn của Washington, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ “vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và cố ý phá vỡ bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông”.
Sát cánh với đồng minh kiềm hãm Trung Quốc
Tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm, nhưng với 1 điểm khác biệt, chính quyền Biden tích cực mời gọi các đồng minh cùng tăng áp lực lên Trung Quốc.
Đang có dấu hiệu là một số đồng minh chủ yếu của Hoa Kỳ đang dấn thân vào nỗ lực quốc tế để kiềm hãm tham vọng của Trung Quốc.
Hai chiến hạm của Pháp, tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm nhỏ Surcouf đã rời cảng Toulon hôm 18/2 và đang trên đường tới Biển Đông, theo Sputniknews.
Bản tin cho biết sau một chuyến hải hành băng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, hai chiến hạm sẽ tham gia các cuộc diễn tập quân sự với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Biển Đông vào tháng Năm sắp tới.
Sứ mệnh Jeanne d’Arc 2021 nhắm 3 mục tiêu: thứ nhất, huấn luyện 147 thủy thủ của hải quân Pháp; mục tiêu thứ hai là hợp tác khu vực và mục tiêu thứ 3, quan trọng hơn cả, là triển khai các hoạt động tới các vùng có tầm quan trọng chiến lược để bảo vệ các lợi ích của nước Pháp.
Mục đích của sứ mệnh này, theo lời Đô đốc Pierre Vandier, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, là để bảo vệ “quyền tự do hàng hải” và chống lại “hành vi xâm hại” của Trung Quốc.
Chính sách bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu gây lo ngại cho các nước Châu Âu từ năm 2020, khi mà Trung Quốc vận dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự để tìm cách lập ra một trật tự mới.
Hồi đầu tháng Hai, tàu ngầm tác chiến dùng năng lượng hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng được triển khai tới tuần tra các vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Sputniknews dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly:
“Đây là một bằng chứng đáng tự hào về khả năng của Hải quân Pháp triển khai xa bờ và trong thời gian dài để hợp tác với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly
Pháp không phải là nước châu Âu duy nhất đưa tàu chiến tới Biển Đông.
Anh và Đức dự kiến sẽ thực hiện các cuộc diễn tập lớn trong các vùng biển lân cận Trung Quốc trong những tháng tới.
Ngoài ra, một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada đã thực hiện “hoạt động đòi quyền tiếp cận” qua eo biển Đài Loan trên đường tới dự các cuộc tập trận chung với các đối tác từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.
Úc và các nước Tây Âu khác cũng điều tàu đi ngang qua các vùng biển tranh chấp, để thể hiện lập trường ủng hộ Hoa Kỳ trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu đối với thương mại quốc tế, trước khi Bắc Kinh thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Trung tá Tín Trần (phải) và Chỉ huy tàu USS John S. McCain (DDG 56) Ryan T. Easterday tại buổi lễ trao quyền điều hành con tàu hôm 19/2/2021. |
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S.McCain thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, một con tàu đang hoạt động với hành trình dày đặc cho sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông và vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vừa có chỉ huy mới là người Mỹ gốc Việt, Trung tá Tín Trần.
Trung tá Trần Trung Tín. Photo Vietnamese American Uniformed Services Association. |
Tại một lễ trên chính con tàu này khi neo ở căn cứ Yokosuka, Nhật, hôm 19/2, Trung tá Tín Trần, còn được biết với tên tiếng Việt là Trần Trung Tín, phát biểu: “Sự hiện diện trước quý vị hôm nay với tư cách là chỉ huy thứ 19 của tàu USS John S. McCain là bằng chứng cho những cơ hội vô biên mà đất nước Hoa Kỳ mang lại cho công dân của mình, dù là người bản xứ hay người nhập cư.”
“Tôi là nhân chứng cho tiềm năng vô hạn mà ngành Hải quân của chúng ta mang lại cho những chiến sĩ trẻ nam cũng như nữ, những người con cống hiến theo tiếng gọi của tổ quốc,” trang tin của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ dẫn lời tân chỉ huy gốc Việt nói.
Cùng ngày, Đô đốc Michael Gilday, Tham mưu Trưởng Hải quân Hoa Kỳ, viết trên Twitter chúc mừng Trung tá Tín Trần.
Ông David Larter, một phóng viên của trang Defense News thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhận định trên Twitter về việc tàu có chỉ huy mới là người gốc Việt: “Có được một người Mỹ gốc Á ở vị trí cao như vậy là một thông điệp tuyệt vời cho khu vực.”
Vào cuối tuần qua, Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt (VAUSA) gửi lời chúc mừng đến Trung tá Tín Trần, một thành viên của Hội, với lời chúc: “Tàu Big Bad John [tên gọi thân mật của các chiến sĩ đối với tàu USS John S. McCain] có được người quản lý chăm sóc tốt.”
Trong email gửi cho VOA, ông Vũ Q. Hiển, một thành viên của VAUSA, cho biết rằng Trung tá Hải quân Trần Trung Tín là con trai của một gia đình tị nạn từ Việt Nam.
Theo thông tin từ ông Hiển, Trung tá Trần Trung Tín gia nhập hải quân vào năm 1998, ông theo học khóa huấn luyện Recruit Training Command tại Great Lakes, Illinois và trở thành một thủy thủ phục vụ trên soái hạm USS Blue Ridge (LCC 19) thuộc Đệ thất hạm đội tại Yokosuka, Nhật Bản. Đến năm 2000, ông được tuyển chọn thụ huấn chương trình sĩ quan hải quân trù bị tại Đại học Jacksonville, Florida.
Là một sĩ quan tác chiến, ông từng tham gia phục vụ triển khai lực lượng cùng các tàu sân bay USS Dextrous (MCM 13), USS Champion (MCM 4), USS Cape St. George (CG 71) và USS McCampbell (DDG 85).
Từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2020, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành, Phó chỉ huy tàu USS John S. McCain (DDG 56).
Được biết, ông Trần Trung Tín là sĩ quan gốc Việt thứ hai làm Hạm trưởng tàu khu trục hải quân Hoa Kỳ, trước ông có trung tá Lê Bá Hùng, hạm trưởng tàu khu trục USS Lassen (DDG-82), nay là đại tá phó phòng hành quân Bộ Tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Hải quân Hoa Kỳ.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG 56) thuộc lớp Arleigh Burke, đi vào hoạt động từ năm 1994 và được đặt tên theo cha của cố Thượng nghị sĩ John McCain III là ông John S. McCain, Jr. và ông nội của Thượng nghị sĩ là ông John S. McCain Senior.
Cả hai vị đều là những sĩ quan hải quân giàu thành tích, đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau ở khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Hai người trở thành cặp cha - con đầu tiên trong lịch sử hải quân được phong hàm đô đốc. Các thủy thủ gọi con tàu là “Big Bad John” để thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của những người mà con tàu được mang tên.
Kể từ khi đi vào hoạt động, tàu USS John S. McCain đã đóng vai trò tích cực trong khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương. Tàu USS John S. McCain và tàu ngầm USS Frank Cable (AS 40) trở thành tàu hải quân Hoa Kỳ đầu tiên thăm cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 10/2016.
Tháng 6/2017, tàu quay trở lại thăm cảng Cam Ranh và được Thượng Nghị sĩ John McCain III đến thăm.
Tàu USS John S. McCain, thuộc hải đội tàu khu trục (DESRON) 15, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, với nhiệm vụ thực hiện tuần tra để hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương.
Gần nhất, vào đầu tháng 2/2021, tàu USS John S. McCain đã thực hiện tuần tra ở Eo biển Đài Loan và thách thức sự lấn át của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
PARIS, Pháp (NV) – Chính phủ Pháp đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông, với việc chuẩn bị có hai chuyến hải hành qua vùng biển có nhiều tranh chấp này.
Theo bản tin của tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Sáu, 19 Tháng Hai, Hải Quân Pháp cho biết dương vận hạm tấn công Tonnere và hộ tống hạm Surcouf đã rời cảng Toulon hôm Thứ Năm và sẽ đến Thái Bình Dương trong chuyến công tác kéo dài ba tháng.
Hai chiến hạm Pháp Tonnerre và Surcouf rời cảng Toulon. (Hình: Hải Quân Pháp) |
Trang web Naval News nói chiến hạm của Pháp sẽ hai lần đi qua Biển Đông và tham dự cuộc tập trận với Hải Quân Mỹ, Nhật trong Tháng Năm. Theo dự trù, hải đội này sẽ ghé vào cảng Cam Ranh của Việt Nam trên đường đi.
Đại Tá Arnaud Tranchant, hạm trưởng chiếc Tonnerre, nói với Naval News rằng Hải Quân Pháp sẽ gia tăng hợp tác với các quốc gia trong khối “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.
Khi được hỏi là có định qua eo biển Đài Loan hay không, Đại Tá Tranchant nói ông chưa thể cho biết rõ ràng.
Chiến hạm Tonnerre của Hải Quân Pháp. (Hình: Wikipedia) |
Pháp cũng từng đưa chiến hạm tới Biển Đông năm 2015 và 2017, nhưng các phân tích gia quân sự nói rằng cuộc tập trận tới đây là chỉ dấu cho thấy Pháp đang gia tăng sự hiện diện của họ ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Một tàu ngầm nguyên tử Pháp, chiếc Émeraude, và tàu tiếp tế Seine đã qua vùng Biển Đông hồi tuần qua, khiến Trung Quốc lên tiếng chỉ trích.
Hộ tống hạm Surcouf của Hải Quân Pháp. (Hình: Wikipedia) |
Các chuyên gia nói rằng Pháp sẽ có hành động bày tỏ sự phản đối của mình về việc Trung Quốc ngang nhiên tự cho có chủ quyền hầu như khắp vùng Biển Đông, qua việc gia tăng các chuyến tuần tiễu và duy trì sự “hiện diện bình thường” trong khu vực này.
Chiếc dương vận hạm tấn công Tonnerre có trọng tải tối đa là 21,000 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng 200 người. Chiến hạm này có thể chở theo 35 trực thăng và 70 xe cơ giới các loại. (V.Giang) [qd]
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz tập trận ở Biển Đông vào ngày 9/2/2021. |
Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ vừa tiến hành tập trận chung ở Biển Đông hôm 9/2, vài ngày sau khi một tàu chiến của Mỹ đi gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát trong vùng biển tranh chấp, khiến Trung Quốc chỉ trích Mỹ “gây bất ổn” trong khu vực, theo Reuters.
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz “tiến hành nhiều cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”, Hải quân Mỹ cho biết về hoạt động hàng không mẫu hạm kép đầu tiên trên tuyến đường thủy bận rộn kể từ tháng 7/2020.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói các hoạt động thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ ở Biển Đông là để “phô trương vũ lực”, không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, và hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Trung Quốc nói.
Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc lên án việc tàu khu trục USS John S. McCain di chuyển ở gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát. Hoa Kỳ gọi đây là hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải, một hoạt động được hải quân Mỹ thực hiện thường xuyên trên Biển Đông nhưng đây là chuyến đầu tiên của hải quân Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Tháng trước, quân đội Mỹ nói các chuyến bay quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông là hành vi gây mất ổn định và gây hấn, nhưng không gây ra mối đe dọa nào đối với một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công của Hải quân Mỹ trong khu vực.
Hoa Kỳ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực và cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông, đe dọa các nước láng giềng như Malaysia, Philippines và Việt Nam, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trong khu vực biển giàu tài nguyên.
“Chúng tôi cam kết đảm bảo việc sử dụng hợp pháp vùng biển mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”, Reuters dẫn lời Chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy Nhóm hàng không mẫu hạm tấn công Nimitz, nói trong một tuyên bố.
Trung Quốc rất tức giận đối với các chuyến hải hành liên tục của Hoa Kỳ gần các đảo mà họ chiếm giữ và kiểm soát ở Biển Đông, nói rằng họ có chủ quyền không thể bác bỏ và cáo buộc Hoa Kỳ cố tình gây căng thẳng.
Trung Quốc cũng nổi cơn thịnh nộ khi các tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, trong đó có một tàu vào tuần trước đã thực hiện hoạt động này lần đầu tiên dưới thời chính quyền Biden.
Phát biểu tại Đài Bắc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói các tàu và máy bay của Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải khiến cho họ yên tâm.
Bà nói: “Điều này thể hiện thái độ rõ ràng của Hoa Kỳ đối với những thách thức về hiện trạng an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
10/02/2021 - rfi.fr
Tàu USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 06/07/2020 do Hải Quân Mỹ cung cấp. AP - Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton |
Lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tập trận tại Biển Đông. Ngay lập tức Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Hôm qua, 09/02/2021, Hải Quân Mỹ thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt Carrier Strike Group và Nimitz Carrier Strike Group đã tiến hành nhiều bài tập nhằm « tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như năng lực chỉ huy và kiểm soát ». Theo Bộ Tư Lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, hai nhóm tác chiến tàu sân bay tiến hành cuộc diễn tập tại một khu vực có mật độ giao thông hàng hải cao, để chứng tỏ khả năng hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ trong những điều kiện khó khăn trên thực địa.
Hạm đội 7 Hoa Kỳ, với hơn 50 chiến hạm và tàu ngầm, có địa bàn hoạt động chủ yếu tại vùng biển Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có quan hệ đối tác với 35 quốc gia ven biển. Theo chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt, cuộc diễn tập cho phép tái khẳng định cam kết của nước Mỹ, « bảo đảm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do ». Đây là đầu tiên hai nhóm tác chiến tàu sân bay nói trên diễn tập ở Biển Đông, kể từ tháng 7/2020.
Cuộc diễn tập diễn ra chỉ ít ngày sau chuyến tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » của khu trục hạm USS John S. McCain gần quần đảo Hoàng Sa, hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Về cuộc diễn tập này, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin), bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm qua khẳng định việc Hoa Kỳ thường xuyên đưa tàu chiến và phi cơ quân sự đến Biển Đông chỉ nhằm « phô trương sức mạnh », điều này không dẫn đến hòa bình và ổn định tại khu vực, và nhấn mạnh là « Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để cương quyết bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia, phối hợp với các quốc gia trong khu vực, nhằm bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định tại Biển Đông ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippines điện đàm
Tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh châu Á, và đặc biệt là với các quốc gia ven bờ Biển Đông là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Hôm nay, 10/02, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Philippines Delfin Lorenzana. Lầu Năm Góc ra thông cáo cho biết hai bên đã « thảo luận hàng loạt vấn đề ưu tiên trong quan hệ hợp tác quốc phòng ». Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết của Washington trong Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines (MDT), bảo vệ Philippines trước mọi cuộc tấn công, gồm khu vực Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng hai nước cùng khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các bất đồng trên biển theo luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc (còn gọi là « đường lưỡi bò »), bao gần trọn Biển Đông. Chính quyền Mỹ lần đầu tiên chính thức bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc vào tháng 7/2020, ít tháng trước khi tổng thống Donald Trump rời chức vụ.
Chính quyền Philippines lo ngại Trung Quốc gây hấn tại các vùng « tranh chấp » ở Biển Đông, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ra luật Hải Cảnh, cho phép tuần duyên Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài. Trong một cuộc họp báo hôm qua, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Philippines, tướng Cirilito Sobejana, cho biết sẽ tăng cường triển khai tàu chiến ở « biển Tây Philippines » (tức Biển Đông) để sẵn sàng bảo vệ ngư dân trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công.
Tàu ngầm hạt nhâm SNA Emeraude lầ một trong 2 tàu của Pháp tham gia tuần tra ở Biển Đông. Ảnh tư liệu. Franck Seurot MARINE NATIONALE/AFP/File |
Trong một động thái hiếm hoi, Hải Quân Pháp vừa phái một tàu ngầm tấn công hạt nhân cùng một tàu hỗ trợ hậu cần đến tuần tra tại vùng Biển Đông. Thông tin được tiết lộ vào lúc Hải Quân Mỹ cũng tăng cường việc cử chiến hạm – cụ thể là hai nhóm tác chiến tàu sân bay - vào hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh tự nhận là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là phải chăng Paris và Washington đã quyết định phối hợp hành động để hạn chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông.
Việc Pháp cử chiến hạm qua tuần tra tại Biển Đông đã được tiến hành “gần đây”, những mãi đến hôm qua, 08/02/2021 mới được bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly tiết lộ.
Trong một tin nhắn Twitter, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Pháp cho biết là tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp cùng chiến hạm hỗ trợ BSAM Seine đã di chuyển qua Biển Đông trong thời gian gần đây. Kèm theo môt bức ảnh chụp hai chiến hạm Pháp, bà Parly xác nhận đây là một chiến dịch tuần tra “bất thường”, nhưng lại là một “bằng chứng nổi bật về khả năng triển khai lực lượng xa bờ và trong một thời gian dài của Hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”.
Mục tiêu của chiến dịch này là gì? Theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, một trong những mong muốn của Paris là “để khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào mà chúng ta đến"
Theo giới quan sát, tuyên bố của bà Parly rất giống với thông điệp mà Hoa Kỳ thường nêu lên để khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đặc biệt là tại Biển Đông. Đó là đi đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Thời điểm diễn ra chiến dịch của Pháp tại Biển Đông rất đáng chú ý, vì được tiến hành ngay sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã không che giấu ý định phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để hạn chế các hành vi coi thường luật lệ quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc.
Phải chăng chiến dịch của Pháp được tiến hành trong sự phối hợp với Mỹ, vì vào cùng một thời điểm, Hải Quân Mỹ cũng gia tăng các hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là chiến dịch bảo vệ quyền "tự do hàng hải" đầu tiên dưới thời tổng thống Biden vào tuần trước của chiếc khu khu hạm USS John McCain áp sát quần đảo Hoàng Sa, hay thông tin vừa được Hải Quân Mỹ loan báo hôm nay, 09/02, theo đó hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng với nhóm tác chiến tháp tùng đã có mặt ở Biển Đông để cùng tập trận.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt, cũng xác nhận là Hải Quân Mỹ sẵn sàng “đáp ứng thách thức duy trì hòa bình và tiếp tục cho các đối tác và đồng minh trong khu vực thấy rằng Mỹ quyết tâm thúc đẩy một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.
Cho đến lúc này, chưa có thông tin chính thức nào về giả thuyết Pháp và Mỹ cùng phối hợp hành động trên Biển Đông, nhưng theo trang mạng báo Nhật Bản Japan Times vào hôm nay, thì vào cuối năm ngoái, truyền thông Nhật đã tiết lộ thông tin theo đó Pháp, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển lần đầu tiên vào tháng 5, với thông điệp nhằm chống lại Trung Quốc và tăng cường hợp tác đa phương.
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
09/02/2021 - voatiengviet.com
Một tàu ngầm hạt nhân của Pháp. |
Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp là một trong số hai tàu hải quân gần đây tiến hành tuần tra qua Biển Đông trong một động thái mà theo AFP có thể khiến Bắc Kinh tức giận, hãng thông tấn Pháp dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết hôm 8/2.
Trên trang Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết thêm rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude đã được tháp tùng bởi tàu hỗ trợ BSAM Seine.
“Cuộc tuần tra bất thường này vừa mới hoàn thành một hành trình trên Biển Đông. Một bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài của hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược của chúng tôi như Australia, Mỹ và Nhật Bản”, bà Parly viết kèm theo hình ảnh hai con tàu trên biển.
Tàu chiến Mỹ thỉnh thoảng cũng thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải” di chuyển qua hoặc gần những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nhằm nhấn mạnh việc Washington bác bỏ những yêu sách đó.
Tuần trước, tàu USS John S. McCain đã di chuyển gần các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và đi qua eo biển Đài Loan, khiến cho Trung Quốc đưa ra cảnh báo.
Là thành viên NATO, Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương xung quanh các lãnh thổ hải ngoại của mình và nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
“Tại sao lại thực hiện một sứ mệnh như vậy? Là để làm giàu thêm kiến thức của chúng tôi về khu vực này và để khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể ở vùng biển nào chúng tôi đi qua”, bà Parly viết.
Cuộc tuần tra của Pháp diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các đồng minh châu Á của Washington sau 4 năm hỗn loạn của chính quyền Donald Trump.
Vào tháng 4 năm 2019, đã xảy ra một sự cố hải quân ở eo biển Đài Loan khi tàu Trung Quốc yêu cầu tàu khu trục Pháp Vendemiaire rời khỏi tuyến đường thủy ngăn cách đại lục Trung Quốc và Đài Loan, một khu vực nhạy cảm khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.