Vượt qua Việt
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !
  ||   A   A   A   A  

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Trung cộng và thế giới (3)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn  Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

20/03/2021 - baotiengdan

Chúng ta có thể đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng sẽ phải theo một cách tiếp cận độc đáo

Telegraph
William Hague, cựu Ngoại trưởng Anh

Song Phan, chuyển ngữ
15-3-2021

William Hague, cựu Ngoại trưởng Anh. Nguồn: Wiki

Thảo luận cũ của ‘phe diều hâu’ và ‘phe bồ câu’ sẽ không giúp chúng ta vượt qua thách thức chưa từng có trong chính sách đối ngoại

Thứ Năm tuần này, tại Anchorage, Alaska sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ ngoại giao quan trọng nhất trên thế giới cho đến giờ, trong năm nay. Tony Blinken, tân Ngoại trưởng Mỹ và Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, sẽ ngồi thương thảo với Dương Khiết Trì và Vương Nghị, hai nhân vật chủ chốt, coi sóc chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Đó không phải là một cuộc họp ngắn. Một phần là do các nhà lãnh đạo Trung Quốc không được ngắn gọn – các cuộc họp của chính tôi với họ thường kéo dài bốn giờ chỉ bàn được một hoặc hai vấn đề. Nhưng đó cũng do họ sẽ thảo luận về một vấn đề rất khó: Phải làm gì khi đối thủ chính của mình trên trái đất là người mà ta không thể xoay xở nếu không có họ.

Tại Anh, ngày mai Chính phủ sẽ công bố tầm nhìn của Nước Anh Toàn cầu trong “Integrated Review” (Đánh giá Đầy đủ). Một số chủ đề chính của nó, như tạo ra lợi thế chiến lược trong khoa học và công nghệ, sẽ đòi hỏi phải tiếp tục đi trước Trung Quốc. Những chủ đề khác, như việc định hình một trật tự quốc tế mở và việc cải thiện khả năng chịu đựng của quốc gia đối với biến đổi khí hậu và đại dịch, sẽ có nghĩa là làm việc cùng với Trung Quốc.

Ở tất cả các thủ đô phương Tây, các chính phủ cùng lúc bị kéo về hai hướng ngược nhau bởi sự phát triển đáng chú ý và mang tính quyết định nhất trong đời sống của chúng ta: Một nước với 1,3 tỷ dân đã tự vươn lên từ nghèo đói, sắp trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng lại tái khẳng định quyết tâm trở thành một nhà nước toàn trị.

Chúng ta không thể phủ nhận ở phương Tây rằng, chúng ta bị mất phương hướng từ điều đó. Không quá khó để chấp nhận rằng, một trong những nền văn minh lâu đời nhất và tinh tế nhất trên thế giới đã giành lại vị thế đại cường chỉ trong bốn mươi năm, rất đáng chú ý như có thể thấy. Tuy nhiên, thực tế là trong vài năm gần đây, thành tựu đó đi kèm với việc coi rẻ mọi niềm tin của chúng ta vào nền dân chủ chính trị và việc sử dụng mọi hình thức công nghệ mới để thắt chặt sự kìm kẹp của một nhà nước tập trung, là điều mà chúng ta khó tính ra được. Việc Tập Cận Bình áp dụng quy tắc độc tôn ở mức độ lớn nhất kể từ thời Mao, trong khi lãnh đạo một nền kinh tế lớn gấp trăm lần theo nghĩa đen so với lúc nhà đại độc tài đó qua đời, đã gây ra lẫn lộn trong thế giới phương Tây.

Khắp xung quanh chúng ta đều thấy sự lẫn lộn đó. Ở Anh, trong 5 năm chúng ta đã đi từ thời Hoàng kim trong quan hệ với Trung Quốc đến thời siết chặt các khoản đầu tư của Trung Quốc và phản đối mạnh mẽ sự đàn áp ở Hồng Kông – mở cửa cho số lượng lớn công dân của nó. Mỹ đã chao đảo từ chỗ hoan nghênh Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thời Clinton, tới chỗ phủ nhận mọi kết quả của điều đó thời Trump.

EU đã ký một hiệp ước đầu tư mới với Trung Quốc mà không cần tham khảo ý kiến ​​của Joe Biden sắp nắm quyền. Các thành viên Đông Âu của EU gần đây đã tham gia hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc – cái gọi là 17 + 1 – mà không có các nước phương Tây. Australia đang trong một cuộc chiến gay gắt bằng lời và hạn chế thương mại với Trung Quốc, với sự ủng hộ nhỏ quý giá từ các đồng minh. Các công ty toàn cầu tiếp tục đổ vốn đầu tư vào Trung Quốc, trong khi quốc hội của chúng ta tranh luận về việc liệu cách đối xử nghiêm khắc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có dẫn đến tội diệt chủng hay không. Thế giới tự do đang xáo trộn.

Cơ hội tốt nhất để chỉnh đốn việc này bắt đầu trong tuần này. Khi Blinken và Sullivan từ Anchorage trở về, hai ông sẽ giúp hoàn thành việc thẩm định lại toàn diện chính sách đối với Trung Quốc trong chính quyền mới của Hoa Kỳ, và sẽ phải sớm giải thích với Quốc hội và thế giới về cách họ định ra cách tiếp cận của mình. Theo ‘Đánh giá đầy đủ’, Vương quốc Anh có cơ hội nêu ra một cách nhìn rõ ràng về chính sách của mình. Và vào thời điểm các nước dân chủ hàng đầu tập trung tại Cornwall cho hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6, điều quan trọng là một sự đồng thuận nào đó sẽ thay thế sự lẫn lộn.

Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ phải loại bỏ một số cách nghĩ quen thuộc của chúng ta về các nước khác vốn thường dính dáng đến việc định vị ở đâu đó trên thang bậc từ cứng đến mềm. Trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta có diều hâu và bồ câu, còn đối với Brexit, chúng ta có phe hoài nghi và phái thích châu Âu. Nhóm của Biden sẽ bị thách thức bởi nhóm những người Cộng Hoà Mỹ muốn “cứng rắn” với Trung Quốc trong khi cáo buộc phe Dân chủ là “mềm mỏng”. Đặc biệt kinh nghiệm đánh bại Liên Xô đã khiến chúng ta suy nghĩ theo hướng này. Thách thức bây giờ là thoát khỏi lối suy nghĩ đó. Chúng ta không nên là một Diều hâu hay một Bồ câu về vấn đề Trung Quốc, mà nên là người [có óc] thực tế về Trung Quốc.

Người Thực tế nói rằng, dù muốn hay không, Trung Quốc hiện là một đối thủ chiến lược hùng mạnh của phương Tây. Họ không dàn trận để chinh phục hay xâm lược chúng ta, nhưng cách nhìn về sự thịnh vượng và an ninh của chính họ là mối đe dọa rõ ràng đối với cách nhìn của chính chúng ta về các xã hội tự do, cởi mở, đa dạng, phát triển nhiều công nghệ mới thú vị theo cách mở rộng quyền tự do của con người. Mục tiêu công bố của Trung Quốc là độc lập với chúng ta và đi trước chúng ta, trong mọi thứ từ điện toán lượng tử đến trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế và thiết bị điện, đe dọa chúng ta với việc bị phụ thuộc một cách bất lực vào một thế lực nước ngoài duy nhất. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra, dù sao vẫn còn ít hơn để họ tiếp tục đạt được sau khi trộm cắp lớn tài sản trí tuệ của chúng ta.

Đồng thời, người Thực tế nói, chúng ta phải ngăn chặn ảnh hưởng của tiền tệ và sự hiện diện của Trung Quốc trên khắp thế giới trong việc làm xói mòn các thuộc tính cốt yếu của dân chủ qua việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chúng ta phải bảo đảm rằng các trường đại học, đảng phái chính trị, phát thanh truyền hình, mạng xã hội và tất cả những đổi mới mà thập niên 2020 sẽ mang lại, không khuất phục trước bất kỳ nhà nước hay ý tưởng nào. Và chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ cho những người bị bức hại vì khao khát tự do ngôn luận, ở Hồng Kông hay những nơi khác.

Ô, Diều hâu nói, thế thì đây giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? Chúng ta thương thảo với họ về kiểm soát vũ khí nhưng nếu không thì nó trở thành một quan hệ hoàn toàn đối đầu? Không, Người Thực tế phải giải thích. Kiểm soát vũ khí không phải là điều duy nhất mà vì nó chúng ta cần Trung Quốc. Liên Xô trước kia không sở hữu hàng ngàn tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ. Họ cũng không phải là yếu tố quan trọng để ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng của các đại dịch toàn cầu. Và họ cũng không phải là một phần không thể thiếu trong các hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học vốn hiện đang cấp bách không tránh được.

Người Thực tế biết rằng, sẽ có sự căng thẳng giữa việc không phụ thuộc vào Trung Quốc và việc tìm ra một phương cách mới để làm việc với họ. Kiểm soát căng thẳng đó sẽ là thách thức lớn trong chính sách đối ngoại. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu trong những tháng tới, từ London và Washington, đến Berlin và Canberra, các nhà lãnh đạo phương Tây cùng trở thành những người thực tế.

Đầu trang

17/03/2021 - baotiengdan

Anh trở lại châu Á, Trung Quốc khó chịu

Joaquin Nguyễn Hòa
17-3-2021

Đế quốc trở lại

Ngày 16/3/2021, chính phủ Anh công bố bản phúc trình về chính sách ngoại giao và an ninh mới của nước này, trong đó nói rõ hai vấn đề: Thứ nhất, nước Anh tìm kiếm vị trí mới trên trường quốc tế sau một thời gian dài chỉ đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và châu Âu. Thứ hai, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa, mặc dù nước Anh vẫn chủ trương hợp tác với Bắc Kinh trên những lĩnh vực có thể hợp tác được.

Phúc trình nêu rõ, nước Anh chuyển trọng tâm ngoại giao và quân sự về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bản phúc trình này ra đời cùng ngày với chuyến thăm Nhật Bản của hai viên chức cao cấp nhất của Mỹ, ngoại trưởng Anthony Blinken và bộ trưởng quốc phòng, tướng Lloyd Austin.

Tại Tokyo, hai quan chức Mỹ và hai đồng nhiệm Nhật của họ ra tuyên bố chung, nêu rõ Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt quá đáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả.

Hai ông Blinken và Austin sẽ tiếp tục thăm đồng minh Hàn Quốc và Ấn Độ, quốc gia nằm trong nhóm được gọi là bộ tứ (Quad) Mỹ, Úc, Ấn, Nhật, một liên minh được cho là để đối trọng, hoặc ngăn chận sức mạnh ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh trong khu vực.

Trước khi bản phúc trình của chính phủ Anh về chính sách ngoại giao và an ninh được đưa ra một ngày, báo Guardian có bài phân tích rất chi tiết về hướng đi được gọi là hậu Brexit này của nước Anh.

Bài phân tích trình bày toàn diện những ý kiến chống đối và đồng tình với chính sách mới của nước Anh.

Nhóm chống đối chỉ trích rằng, nước Anh đang mơ về dĩ vãng đế quốc, không thực tế khi muốn tái lập lại đế quốc Anh thịnh vượng toàn cầu như ngày xưa. Trong nhóm này cũng có người nói, chống lại Trung Quốc trong tình hình hiện nay là một điều không thực tế.

Nhóm ủng hộ thì cho rằng, với sự rút lui khỏi khối cộng đồng chung châu Âu, với sự sụt giảm của giao thương kinh tế giữa đảo quốc Anh và lục địa châu Âu, thì việc tìm kiếm hướng đi mới về phía Đông là thỏa đáng. Thậm chí có ý kiến đề nghị nước Anh tham gia khối kinh tế CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đối trọng với Trung Quốc. Tiền thân của khối này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xuất dưới thời ông Obama cầm quyền, nhằm bao vây Trung Quốc (nhưng ông Trump rút ra ngay sau khi lên cầm quyền).

Đó là những tranh cãi về chính sách ít nhiều mang tính trừu tượng, điều đập vào mắt cả thế giới là chiếc hàng không mẫu hạm mới của Luân Đôn có tên là HMS Queen Elizabeth, sẽ thực hiện chuyến hải hành đầu tiên vào vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong vài tháng tới đây.

Chưa có tiết lộ về hành trình của Queen Elizabeth, cảng nào, quốc gia nào có thể mời nó cập bến hay không.

***

Tuy rằng việc công bố chiến lược mới của nước Anh có vẻ bất ngờ đối với người dân Anh (hơn 50% không cho là điều hay), nhưng rõ ràng là chiến lược mới này có liên quan đến chính sách mới về an ninh và ngoại giao của chính quyền Biden, đó là liên kết đồng minh.

Chỉ trong một thời gian ngắn dưới chính quyền mới của Mỹ, các đồng minh Tây Âu đã thực hiện những động tác có tính biểu tượng về liên kết quân sự như tàu chiến các nước Pháp, Đức, Hà Lan lần lượt vạch ra hành trình biển Đông, và bây giờ đến lượt nước Anh. Nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Washington sẽ là thủ tướng Nhật Bản, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Blinken, người được cho là có kinh nghiệm châu Âu nhiều hơn, lại là Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bắc Kinh khó chịu

Bắc Kinh rất khó chịu trong chuyện Anh trở lại châu Á, dù ông Boris Johnson đã rào trước đón sau rằng, ông chỉ chống khi Trung Quốc quá đáng, thậm chí ông còn nói rằng ông là một người thân Trung Quốc. Thú vị nhất là phản ứng của Trung Quốc qua những bài bình luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngay sau khi bản phúc trình của Anh được đưa ra, Hoàn Cầu đã phản ứng ngay lập tức với hai bài trên trang chính. Bài thứ nhất nói rằng chuyện nước Anh nghiêng về Ấn Độ Thái Bình Dương để chống Trung Quốc là một quyết định ấu trĩ.

Bài thứ hai nói rằng, Mỹ và Nhật đưa ra những cáo buộc về sự lấn lướt của Bắc Kinh là những cáo buộc không có cơ sở.

Nội dung cả hai bài này đều trích dẫn ý kiến của giới học giả của chính quyền Trung Quốc, không khác so với những tuyên bố chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đặc biệt, trong bài viết về chính sách mới của Anh, các nhận định tập trung xoáy vào cách đặt vấn đề là, nước Anh hiện nay đã yếu lắm rồi, chuyện tìm kiếm vinh quang cũ chỉ là công dã tràng thôi, đừng có nghe Mỹ mà theo đóm ăn tàn.

Hoàn Cầu Thời báo cũng có đề cập đến hàng không mẫu hạm Queen Elisabeth của Anh, sẽ đi đến vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong ý muốn tham gia củng cố khối Bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn Úc, và bình luận rằng khối này khác nhau lắm, chưa chắc đã đồng lòng chống Bắc Kinh.

Bắc Kinh quên mất một điều là, họ vẫn còn trầy trật để đóng hàng không mẫu hạm. Hiện họ có hai chiếc, chiếc đầu mua lại của Ukraine, chiếc thứ hai tự đóng. Khả năng chiến đấu thật sự của hai hàng không mẫu hạm này không được Trung Quốc phô trương một cách tự tin trong các lần tập trận của họ.

Hoàn Cầu thời báo cũng “quên” không đề cập đến cuộc họp mới nhất của bộ tứ, trong đó có một cam kết của hai quốc gia giàu có là Mỹ và Nhật, thúc đẩy vaccine Covid-19 với số lượng 1 tỷ liều cho vùng Đông Nam Á, để chống lại chiến dịch ngoại giao vaccine của Bắc Kinh trong vùng này.

Kết quả của chính sách “hướng Đông” của Anh vẫn còn sớm để đoán, nhưng ông chủ cũ của Hồng Kông có lẽ cũng làm cho Trung Nam Hải cảm thấy bất an, dẫn đến thái độ khó chịu ra mặt của Hoàn Cầu Thời báo như vậy.

Đầu trang

09/03/2021 - voatiengviet

Người Việt tại Nhật biểu tình chống Luật Hải cảnh của Trung Quốc

Người Việt tại Nhật biểu tình phản đối Luật Hải cảnh Trung Quốc trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo ngày 7-3-2021. Photo Antichicom via Hoang Dung

Một nhóm người Việt tại Nhật đã xuống đường biểu tình phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc vào cuối tuần. Với biểu ngữ “Phản đối Trung Cộng dùng luật hải cảnh ăn cướp biển đảo Việt Nam,” nhóm người Việt góp tiếng nói giúp cộng đồng và thế giới hiểu rõ sự hung hăng và bá quyền của Bắc Kinh.

Cuộc biểu tình ngày 7/3/2021 tại Tokyo, Nhật. Photo Antichicom via Hoang Dung.

Bà Hoàng Dung, một người Việt sinh sống tại Tokyo, chia sẻ với VOA về cuộc biểu tình trưa ngày 7/3, tại công viên Kogai trước Đại sứ quán Trung Quốc và sau đó là tại khu Shibuya, trung tâm thương mại và nhà ga ở Tokyo.

“Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép họ sử dụng vũ khí hạng nặng, nhẹ khác nhau để bắn vào tàu các nước. Tôi muốn lên tiếng để phản đối. Đây là việc làm quá phi pháp.”

“Chúng tôi biểu tình để cho người Nhật và thế giới nhận biết.”

“Chúng tôi không thể hèn nhát ngồi đó để cho Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình.”

Vào ngày 22/1, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, công khai cho phép cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung Quốc. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/2.

Một đoạn video được phát trên trang Facebook của Antichicom, Phong trào Phản đối Trung Cộng tại Nhật, cho thấy nhóm hàng chục người biểu tình hô vang các khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Nhật, Anh, Việt trước đại sứ quán Trung Quốc: “Dừng ngay Luật Hải cảnh Trung Cộng!” Đả đảo Trung Cộng bá quyền ở Biển Đông.”

Ông Lê Đạt, một thành viên của Antichicom, viết trên Facebook hôm 9/3 về cuộc biểu tình ngày 7/3: “Đó là một ngày tôi có thể làm một việc mà tôi cảm thấy nó có ý nghĩa, khi mình đã góp phần lên tiếng được cho thế giới biết được về tình hình biển đảo của quê hương đang bị xâm chiếm bởi Tàu Cộng như thế nào.”

Ông Lê Đạt viết tiếp: “Với tâm thế đó tôi đến với cuộc biểu tình, sự chuẩn bị rất chỉnh chu từ người chào đón, âm thanh, hệ thống điều hợp... Tôi cảm thấy sự gần gũi từ mọi người, không phải vì chúng tôi là những người con xa xứ mà vì trong tâm các bạn và tôi đều có một tư tưởng giống nhau: Làm sao để đất nước chúng ta được toàn vẹn lãnh thổ.”


Mỹ lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc, duy trì lập trường thời chính quyền Trump

Cũng liên quan đến Luật Hải cảnh Trung Quốc, hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội của Trung Quốc, rằng đạo luật mới này “không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào,” và rằng đạo luật này là “phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến hôm 4/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhật đã chia sẻ những lo ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của Washington và Tokyo đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đầu trang

08/03/2021 - rfi

Đế quốc Trung Quốc tấn công vào Luật Biển quốc tế

Ảnh tư liệu : Lính thủy Trung Quốc trên chiến hạm tên lửa dẫn đường type 054A Vu Hồ (Wuhu) ghé cảng Manila, Philippines, ngày 17/01/2019. AP - Bullit Marquez

Việc quân sự hóa Biển Đông với Tập Cận Bình là « tự vệ hợp pháp », EEZ đối với Bắc Kinh không còn là « vùng đặc quyền kinh tế » mà là « khu vực an ninh », và như vậy tự do hàng hải được Mỹ xúc tiến chỉ dành cho tàu dân sự. Vì sao Trung Quốc có thể ngang ngược như vậy ? Theo chuyên gia Collin Koh, thế giới ngày nay đã phải trả giá đắt vì đã không hành động gì khi Bắc Kinh bắt đầu giở trò xây đảo nhân tạo.

Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Vatican đến Irak chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa « Đức giáo hoàng Phanxicô thăm Irak, chuyến tông du lịch sử và mang tính chính trị ». Le Figaro nhấn mạnh lời tuyên bố của Đức giáo hoàng với người Công giáo Irak là họ « không đơn độc ». La Croix đăng ảnh ngài thả một con chim bồ câu, với dòng tựa « Người của hòa bình ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến quá trình phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ, còn Libération nói về vụ 10 người đấu tranh cho quyền trợ tử bị điều tra vì buôn bán thuốc cấm.

Về châu Á, Le Monde đặc biệt dành bốn trang báo khổ lớn trong mục « Địa chính trị » để nói về « Trung Quốc, một đế quốc tấn công vào Luật Biển ». Bắc Kinh vin vào cái gọi là « quyền lịch sử » để yêu sách chủ quyền Biển Đông.

Trung Quốc dùng vũ lực buộc các nước khác từ bỏ quyền hợp pháp được Công ước bảo vệ

Một khu trục hạm của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Hai, nhân danh tự do hàng hải. Hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đến Biển Đông vài ngày sau đó. Tiếp theo là mười oanh tạc cơ Trung Quốc lao vào nhiệm vụ giả định tấn công các chiến hạm, rồi ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải tập trận đủ kiểu trong tháng Ba…Hai cường quốc cùng giương móng vuốt, như để đánh dấu việc ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

Hoa Kỳ không ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ), được thông qua tại Montego Bay (Jamaica) năm 1982, nhưng nay Washington là người bảo vệ quyết liệt nhất. Trung Quốc phê chuẩn Công ước, nhưng mỗi ngày lại vi phạm thô bạo hơn, khẳng định vùng biển bên trong đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) mà họ tự ý vẽ ra năm 1947 là sở hữu của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philipppines, Malaysia, Indonesia, Brunei.

Để khẳng định sức mạnh đang lên, đế quốc của Tập Cận Bình đã trở thành một nhà nước xét lại về Luật Biển quốc tế. Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định thái độ của Bắc Kinh « đại diện cho các mưu toan vi phạm trầm trọng gần đây nhất ». Trung Quốc « tìm cách lợi dụng sức mạnh quân sự đang gia tăng để buộc các quốc gia ven Biển Đông phải từ bỏ các quyền hợp pháp của họ được Công ước Liên Hiệp Quốc bảo vệ, là khai thác nguồn lợi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình ».

Anh, Pháp, Đức : Trung Quốc không thể đặt quốc tế trước việc đã rồi

Tại Pháp ông Pascal Ausseur, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Đại Tây Dương nhận xét, UNLOS đang trong tình trạng nguy hiểm. « Đại dương xưa nay vẫn là tài sản chung, theo nguyên tắc của Grotius hồi thế kỷ 17, trước khi trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của thực dân châu Âu. Công ước UNLOS là thỏa thuận đạt được giữa các nhà nước để sử dụng vùng biển một cách hợp lý. Nhưng hiện nay các cường quốc lục địa – Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga – đòi hỏi nhiều hơn nữa ».

Bắc Kinh nhân danh « quyền lịch sử » - không dựa trên cơ sở luật pháp nào - để đòi chủ quyền hai triệu kilomet vuông biển. Trung Quốc bắt đầu xây dựng ở Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) sau khi cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, và ra sức đào đắp các rạn san hô tranh chấp ở Trường Sa, thiết lập các căn cứ quân sự để đặt trước « việc đã rồi ». Từ đó đến nay, Trung Quốc gây hấn liên tục với những tàu nào đến gần, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 khẳng định « đường lưỡi bò » là bất hợp pháp.

Christophe Prazuck, giám đốc Viện Đại dương mới được thành lập của liên minh đại học Sorbonne, cựu tham mưu trưởng Hải quân Pháp giải thích : « Các tuyên bố của Bắc Kinh là nhập nhằng. Họ chưa bao giờ nói về tư cách vùng biển bên trong đường 9 đoạn, về EEZ hay lãnh hải Trung Quốc, vì như vậy sẽ làm các nước trong khu vực liên minh lại. Họ chỉ đơn giản ngồi chờ cơ hội đến để chộp lấy ».

Tháng 8/2020, lần đầu tiên Anh, Pháp, Đức đã gởi công hàm chung tố cáo việc Bắc Kinh không tôn trọng UNCLOS ở Biển Đông. Theo ba cường quốc châu Âu, Trung Quốc không thể dựa vào các công trình nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa để thay đổi Luật Biển.

Thế giới trả giá đắt vì để yên cho Bắc Kinh tung hoành ở Biển Đông

Riêng Pháp chỉ có thể nằm trong số những người bảo vệ UNCLOS nhiệt thành nhất, vì là đế quốc biển thứ nhì thế giới, với EEZ rộng đến 10,2 triệu kilomet vuông, chỉ đứng sau Hoa Kỳ (12,2 triệu kilomet vuông). Paris cũng lợi dụng được các quyền về thềm lục địa, với thêm 730.000 kilomet vuông đã được công nhận và 500.000 kilomet vuông khác đang được Liên Hiệp Quốc xem xét.

China Daily hôm 22/02 tức giận viết « Quân đội Pháp không có chỗ tại Biển Đông ». Báo chí nhà nước Hoa lục thi nhau đả kích nữ bộ trưởng Quân Lực Florence Parly vì đã loan báo sự hiện diện của một tàu ngầm tấn công của Hải quân Pháp trong khu vực. Hồi tháng 4/2019, chiến hạm Pháp Vendémiaire khi vào vùng biển quốc tế ở eo biển Đài Loan đã bị Bắc Kinh phản đối vì đi vào « lãnh hải Trung Quốc ». Việc quân sự hóa bị Washington tố cáo, với Tập Cận Bình là « tự vệ hợp pháp », EEZ đối với Bắc Kinh không còn là « vùng đặc quyền kinh tế » mà là « khu vực an ninh », và như vậy tự do hàng hải được Mỹ xúc tiến chỉ dành cho tàu dân sự.

Vì sao Trung Quốc có thể ngang ngược như vậy ? Theo chuyên gia Koh, thế giới ngày nay đã phải trả giá đắt vì đã không hành động gì, Obama ngồi yên khi Bắc Kinh bắt đầu giở trò xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bên cạnh đó còn là cứu vãn đa dạng sinh học : trước sự tham lam của Trung Quốc, việc bảo tồn các nguồn lợi từ biển cả đang mang giá trị địa chính trị ngày càng lớn.

« Cải cách » bầu cử : Cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài dân chủ Hồng Kông

Liên quan đến Hồng Kông, Les Echos nhấn mạnh « Bắc Kinh quyết định khóa miệng mọi tiếng nói đối lập », qua việc sửa đổi toàn bộ hệ thống bầu cử ở đặc khu.

Tờ báo nhắc lại hồi tháng 6/1984, khi các nhà đàm phán chuẩn bị đưa ra bản tuyên bố Anh-Trung về việc trao trả Hồng Kông, Đặng Tiểu Bình từng khẳng định : « Chúng tôi không đòi hỏi phải chấp nhận chế độ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, chỉ cần yêu nước và yêu Hồng Kông ». Ba mươi bảy năm sau, Tập Cận Bình đưa ra một định nghĩa khác hẳn khi tuyên bố « chỉ có những người yêu nước mới được lãnh đạo Hồng Kông », mà yêu nước theo ông Tập là yêu đảng.

Les Echos cho rằng « cải cách » thể thức bầu cử là những cây đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài dân chủ Hồng Kông. Nhà Trung Quốc học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận xét như vậy là « tất cả những gì còn lại của phong trào đối lập sẽ bị diệt trừ ». Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh bình luận : « Những người biểu tình Hồng Kông đã làm hỏng mất đợt kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và nay Bắc Kinh muốn bảo đảm cho dịp 100 năm thành lập đảng Cộng Sản vào tháng Bảy ».

Xem thêm

Tuổi trẻ Miến Điện, những người đến muộn với bàn tiệc dân chủ

Tại Đông Nam Á, Le Figaro phân tích « Phương Tây trước thử thách về cuộc khủng hoảng ở Rangoon ».

Trong không khí huyên náo và bụi bặm ở Rangoon, dưới lằn đạn của lực lượng an ninh, người biểu tình Miến Điện giơ cao những biểu ngữ bằng tiếng Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế « Hãy cứu chúng tôi ! ». Họ chống đỡ bằng những chiếc khiên tạm bợ như can nhựa, để bảo vệ giấc mơ dân chủ. Những chiếc nón bảo hộ lao động của họ chẳng là gì cả trước một tập đoàn quân sự đã kiểm soát đất nước với bàn tay sắt gần nửa thế kỷ, và đã sát hại trên 50 thường dân kể từ vụ đảo chính ngày 01/02.

Nhưng người biểu tình vẫn bám vào hy vọng được phương Tây ủng hộ. Một người trẻ kêu gọi : « Chúng tôi không bạo động, và đang chờ đợi cộng đồng quốc tế hành động ». Từ Rangoon đến Mandalay, nhiều người mong mỏi một sự « can thiệp quân sự » của Liên Hiệp Quốc, thậm chí Hoa Kỳ để tái lập dân chủ.

Các nhà ngoại giao tại chỗ lắng nghe những lời kêu gọi này với sự bối rối thấy rõ, không dám nói ra rằng cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Washington đều không sẵn sàng can dự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định « Chúng tôi ở bên các bạn », nhưng các tweet không có sức nặng trước vũ lực. Cảnh cáo, trừng phạt những con người cụ thể, đó là những gì mà nước Mỹ và châu Âu có thể làm được trong năm 2021 để ủng hộ nền dân chủ mong manh ở châu Á.

Tuổi trẻ Miến Điện có nguy cơ thiệt mạng dưới lằn đạn, hoặc đến lúc nào đó sẽ bị kiệt lực. Cứ như là họ đến quá trễ với bàn tiệc dân chủ trong thế kỷ 21, bị những khách mời phương Tây đã no đủ làm ngơ vì đang chìm đắm trong những vấn đề nội tại, không còn sức bật để bảo vệ các giá trị tại khu vực là lá phổi kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng Miến Điện bộc lộ xu hướng thế giới năm 2021 : một hành tinh không lãnh đạo, bị các chế độ dân chủ phương Tây bỏ rơi trước những vấn nạn nội bộ, hoặc đang xuống dốc.

Khủng hoảng Miến Điện, thử thách cho các nền dân chủ phương Tây

Đối mặt với phương Tây là các cường quốc độc tài, dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc và Nga, nên họ không thể đóng vai nhà hòa giải hoặc đáp ứng khát vọng tự do của một thế hệ mới ở Đông Nam Á. Bị tê liệt vì đại dịch Covid và chủ nghĩa dân túy, công luận Pháp, châu Âu và Mỹ không còn tâm trí nào trước hình ảnh những thân xác ngã xuống mặt đường Rangoon. Cái chết của một thiếu nữ 19 tuổi đòi hỏi những giá trị Montesquieu trong không khí nóng ẩm Miến Điện chỉ là ngọn lửa rơm trong dòng tin thời sự, giữa những loan báo của chính phủ về phong tỏa.

Trung Quốc và Nga vốn bị ám ảnh bởi sự ổn định, không mong muốn có vụ đảo chính, nhưng cũng không phản đối để tránh dấy lên xu hướng dân chủ trong nước. Tập Cận Bình thẳng tay đè bẹp Hồng Kông, Vladimir Putin bỏ tù Alexei Navalny. Còn các láng giềng ASEAN thì bối rối không dám đả kích tập đoàn quân sự vừa chấm dứt một thập niên dân chủ hóa. Một người biểu tình trẻ sáng suốt nhận ra: « Trên thực tế, chúng tôi chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi ». Phong trào bất tuân dân sự có được sự hỗ trợ của công nghệ mới và lòng dân, nhưng không tìm ra được chiến lược và một nhà lãnh đạo.

Cuộc khủng hoảng Miến Điện là thử nghiệm cho cộng đồng quốc tế đang chia rẽ hơn bao giờ hết, vào lúc xung đột Mỹ-Trung đang lên cao, với chiến trường chính là Châu Á-Thái Bình Dương, với ASEAN ở trung tâm. Theo Le Figaro, các chế độ dân chủ cần chứng tỏ quyết tâm và tính sáng tạo để áp đặt đối thoại chính trị ở Miến Điện. Một sự thất bại sẽ khiến đất nước 54 triệu dân rơi vào cô lập, không còn hy vọng phát triển, quân đội Miến Điện phải đối đầu với Trung Quốc hung hăng đang tìm kiếm lối ra Ấn Độ Dương.

Những cây sồi 200 tuổi cho tháp chuông Nhà thờ Đức Bà

Tại khu rừng Bercé ở vùng Sarthe, tám cây sồi 200 tuổi đầu tiên đã được chọn để dựng lại tháp nhọn hình mũi tên của Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) ở Paris bị thiêu hủy trong vụ hỏa hoạn lịch sử. La Croix cho biết hôm thứ Sáu 05/03, bộ trưởng Văn Hóa Roselyne Bachelot, bộ trưởng Nông Nghiệp Julien Denormandie, tướng Jean-Louis Georgelin, người phụ trách cơ quan tái thiết Notre Dame cùng với các kiến trúc sư đã đến tận nơi chứng kiến sự kiện này. Trước đó một thiết bị không người lái và mô hình 3D đã được sử dụng để tuyển lựa những cây cổ thụ đúng chuẩn.

Rừng Bercé nằm trong số những khu rừng đẹp nhất nước Pháp, đã có 14 thế hệ « tiều phu » thay nhau chăm sóc. Để dựng lại tháp nhọn và các khung sườn, cần phải đốn hạ 1.000 cây sồi trên cả nước từ nay đến cuối tháng Ba, rồi sấy khô 12 đến 18 tháng để sẵn sàng vào cuối 2022. Những cây sồi cổ thụ này được lấy từ các khu rừng do Nhà nước sở hữu lẫn tư nhân. Bertrand Servois, chủ một khu rừng ở vùng Cher lấy làm vinh hạnh được tặng cho Notre Dame năm cây sồi « do ông sơ của tôi trồng từ năm 1880 mà chẳng biết để làm gì ».

Đầu trang

28/02/2021 - baotiengdan

Liên minh Trà sữa (Milk Tea Alliance)

Trịnh Hữu Long
28-2-2021

Giới hoạt động ở một số nước châu Á có một phong trào gọi là Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa), chủ yếu là ở Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Myanmar, Philippines. Phong trào bén rễ từ phong trào chống Trung Quốc năm 2020 ở một số nước nhằm ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Hôm nay, 28/2, cũng là dịp tưởng niệm vụ thảm sát 228 ở Đài Loan năm 1947, khi Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt đầu chiến dịch đàn áp phong trào chống đối ở Đài Loan, với con số ước tính 20-30 nghìn người bản địa bị giết hại, xóa sổ một phần lớn giới trí thức Đài Loan vốn được sinh ra và lớn lên trong sự bảo hộ của Nhật Bản.

Sự kiện này có ảnh hưởng bao trùm lên lịch sử Đài Loan suốt từ đó cho tới nay, được cho là dấu mốc ra đời của chủ nghĩa dân tộc Đài Loan (Taiwanese nationalism) nhằm tách ra khỏi căn tính Trung Quốc mà Quốc Dân Đảng cố gắng áp đặt vào hòn đảo này. Lịch sử đấu tranh dân chủ và dân chủ hóa Đài Loan gắn chặt với lịch sử hình thành chủ nghĩa dân tộc Đài Loan, luôn tìm cách định hình một căn tính khác hẳn và tốt hơn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa.

Ngày nay, dân chủ được cho là phần cốt yếu trong căn tính Đài Loan, giúp phân biệt Đài Loan với Trung Hoa độc tài.

Myanmar cũng đang cố thoát ra khỏi chủ nghĩa dân tộc dựa trên nòi giống (ethnic nationalism) để xây dựng chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism). Việc trước đây người Miến kỳ thị người Rohingya, im lặng hoặc ủng hộ quân đội tàn sát sắc dân này, là chỉ dấu rất rõ về ethnic nationalism của Myanmar.

Nay khi quân đội đảo chính, cướp nền dân chủ khỏi tay người Miến thì nhiều người nhận ra rằng họ đã sai lầm. Giờ đây họ đang cố gắng xóa nhòa khác biệt sắc tộc, tôn giáo và liên minh với người Rohingya để chống lại chế độc độc tài quân sự. Đó là dấu hiệu khởi đầu của quá trình thoát khỏi ethnic nationalism để chuyển sang liberal nationalism.

Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với bài toán tương tự trong tương lai khi có cơ hội tái định hình căn tính quốc gia của mình, dù hình thức và mức độ có thể khác Myanmar.

***

Đỗ Hùng: Đổ lỗi cho phương Tây thể hiện một tư duy cũ rích

Liên minh Trà sữa – phong trào dân chủ của người trẻ – từ Đài Loan, Hong Kong đã lan sang Thái Lan hồi giữa năm ngoái, giờ vừa kịp nhập cảnh Myanmar, Ấn Độ.

Sau khi họa sĩ Thái Lan Sina Wittayawiroj cho đăng tác phẩm đồ họa vào ngày 1.2.2021 – với cờ của Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ và Myanmar trên ly trà sữa, nó bèn nhận được sự hưởng ứng bão bùng.

Hương trà sữa và các biến thể của nó cũng xuất hiện trong làn sóng biểu tình ở Belarus và thoang thoảng ở Indonesia.

Trên mạng, người Myanmar đang chuyền tay nhau những tấm hình và thư ngỏ, có cả bản dịch ra tiếng Việt dù một số chỗ câu chữ còn chưa nhuần nhị nhưng ta đã bèn thấy trong đó một tinh thần sục sôi cháy bỏng.

Thậm chí người Myanmar còn nói rằng đấy là một mùa xuân cách mạng, như Mùa xuân Ả Rập đã từng.

Liên minh Trà sữa là tiếng nói của giới trẻ chống bạo quyền, chống độc tài. Và bởi độc tài có một mối quan hệ biện chứng với Trung Quốc, nên nó cũng chống Trung Quốc.

Tuyên bố của LMTS bằng tiếng Việt

Từ đó, Bắc Kinh đã cố gán ghép rằng đây là một mưu đồ do Mỹ chống lưng.

Thực ra, đổ lỗi cho phương Tây thể hiện một tư duy cũ rích.

Với Liên minh Trà sữa, có thể Mỹ chống lưng thật nhưng phương Tây giờ đây, đối với người trẻ châu Á, không còn như trước nữa.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, vị thế châu Á không ngừng được nâng cao. Người châu Á trở nên tự tin hơn và từ đó, họ cũng ít nhìn về phương Tây với cái nhìn của một môn đồ hướng về người soi đường dẫn lối. (Bạn có thể thấy le lói điều đó một cách trực quan trong các trận bóng đá World Cup, hoặc các cầu thủ châu Á khoác áo đội bóng châu Âu).

Mặt khác, toàn cầu hóa không chỉ khiến người ta tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia, nó còn thôi thúc người ta nhìn nhận lại giá trị của mình một cách sâu sắc hơn. Nó như thể một con người khi ở miền quê thì cứ luôn muốn hướng lên đô thị, nhưng sau khi đi cùng trời cuối đất, chợt thấy ra giá trị không thể thay thế của quê mình, của chính mình.

Cùng với đó, phong trào dân túy trỗi dậy, với biểu tượng nổi bật Donald Trump và những gì xấu xí vừa xảy ra tại Mỹ, lại một lần nữa cho thấy mặc dầu những giá trị dân chủ, nhân quyền của phương Tây là không thể phủ nhận, nhưng hiện thực phương Tây như những gì chúng ta đang chứng kiến đã không còn lung linh như trước.

Chính Barack Obama, sau bao chiêm nghiệm và cọ xát, đã nhận ra điều này ở những người châu Á trẻ tuổi. “Họ không còn coi phương Tây là trung tâm của thế giới, còn đất nước họ cứ phải luôn đóng vai phụ. Thay vào đó, họ coi bản thân họ ít nhất là bình đẳng với các cựu thực dân, giấc mơ của họ cho dân tộc giờ không còn bị đóng khung bởi địa lý hay chủng tộc”.

Các chính phủ ở châu Á cho rằng, công dân trẻ của mình bị thế lực thù địch phương Tây dắt mũi thì hoặc là quá coi thường, hoặc là cố tình vẽ ông kẹ.

Đầu trang

Liên minh nạn nhân Cộng Sản người Hoa thành hình

Cô Trần Kiều Ngọc và giáo sư Feng Chongyi.

Ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua, hơn 100 thành viên của 12 tổ chức khác nhau đã nhóm họp tại Canberra, do Ủy Ban Liên minh Úc – Tân Tây Lan về Nạn nhân của Chế độ Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Luật sư Trần Kiều Ngọc, đại diện cho Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, là phái đoàn Việt Nam duy nhất, tham dự Hội Nghị “Nạn Nhân của ĐCSTQ: Nhìn Lại và Viễn Ảnh.”

Cô Kiều Ngọc cho biết, Hội Nghị trên đã được chuẩn bị từ 13 tháng trước, và thành viên Ban Tổ Chức là các nhà hoạt động dân chủ trí thức Trung Hoa. Các tổ chức này đại diện cho các cộng đồng người Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa, Duy Ngô Nhĩ, và các tổ chức tôn giáo và pháp luân công. Ngoài ra, Hội Nghị có sự tham dự của dân biểu George Christensen, Đại Diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma Úc châu, Cựu Đại Sứ Trung Quốc tại Úc (người đào ngũ ĐCSTQ) Chen Yongli, và một số nạn nhân còn sống sót sau biến cố thảm sát Thiên An Môn.

Sau hai ngày chia sẻ và trao đổi tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cô Kiều Ngọc cho biết tất cả những người tham dự đã đồng ý đi đến quyết định thành lập Hội Đồng Liên Minh Nạn Nhân ĐCSTQ - Úc châu & Tân Tây Lan (Alliance For Victims of the Chinese Communist Party (ANZ) Council). Hội đồng cũng đề ra những hoạt động cụ thể trong thời gian tới.

Được biết bài phát biểu của cô Kiều Ngọc đã được các tham dự viên tại Hội Nghị đón nhận tích cực vì nói lên được tâm tư nguyện vọng của họ. Trong bài “Ý tưởng, phối hợp và liên minh là chìa khóa”, cô Kiều Ngọc chia sẻ những điểm tương đồng giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, như di sản họ để lại cho đến nay; cô cũng trình bày một số ý tưởng mà những người yêu chuộng tự do dân chủ cần làm. Cô kết luận: “Khi nào ĐCSTQ còn nắm quyền lực và tiếp tục thực thi chương trình hành động hiện tại, chúng ta cần phải cùng nhau nhập cuộc không những để bảo vệ tự do của chính chúng ta mà, chính xác, để bảo vệ lối sống của chúng ta. Một lối sống tự do không bị bất cứ sự can thiệp nào áp đặt bởi ĐCSTQ đối với bất cứ nơi nào họ với tới. Không bao giờ quá muộn để làm việc đứng đắn, tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta cần hành động sớm hơn là muộn hơn, bởi vì nguy cơ quá cao.”

Cô Kiều Ngọc cũng cho biết cô nhận thấy vài điểm tương đồng và khác biệt giữa các nhà hoạt động dân chủ Trung Hoa và Việt Nam. Điểm tương đồng là hai bên đều gặp những khó khăn trong việc kêu gọi người dân dấn thân vì cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã thực thi chính sách tuyên truyền quá lâu, nên tư duy của người dân là cản trở lớn nhất. Một nhận xét, theo cô Kiều Ngọc, là nhiều giới trí thức Trung Hoa tại hải ngoại rất yêu nước và sẵn sàng dấn thân vận động cho nhân quyền dân chủ tại Trung Quốc. Tại Hội Nghị, người tham dự nhìn đâu cũng có thể thấy tiến sĩ và bác sĩ người Trung Hoa.

Trong Hội Nghị này, tôi nhận thấy có hai trí thức nổi bậc trong cộng đồng người Úc và người Hoa, mà tôi đã từng viết bài về họ. Người đầu tiên là tiến sĩ Feng Chongyi. Cuối tháng Ba năm 2017, giáo sư Chongyi đã bị an ninh Trung Quốc giam cầm cả tuần sau một chuyến đi nghiên cứu cũng như gặp gỡ các nhà hoạt động cho dân chủ tại Trung Quốc. Chính phủ và truyền thông Úc đã đồng loạt đưa tin khi ông bị chận tại phi trường Quảng Châu không cho lên phi cơ về Úc. Khi đã về đến Úc, giáo sư Chongyi cho biết, An ninh Trung Quốc chỉ đồng ý cho ông xuất cảnh nếu ông không tiết lộ những gì xảy ra, gồm những gì ông bị chất vấn và nơi diễn ra. Nhưng những gì nhà cầm quyền Trung Quốc làm với giáo sư Chongyi chỉ làm cho ông quyết tâm hơn để tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc. Ông đã tìm cách liên minh với tất cả các cộng đồng và tổ chức đã và đang là nạn nhân của ĐCSTQ. Qua Hội Nghị này, giáo sư được tín nhiệm vào vai trò Chủ tịch của Hội Đồng Liên Minh này, và cô Kiều Ngọc cũng là một thành viên chính thức.

Luật sư Trần Kiều Ngọc và giáo sư Clive Hamilton.

Người thứ hai là giáo sư Clive Hamilton, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng nhưng cũng gây lắm tranh cãi: một, “Cuộc xâm lược âm thầm: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc”; hai, “Bàn tay dấu kín: Vạch trần cách Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tái định hình lại thế giới”. Giáo sư Hamilton viết khá nhiều trên các tạp chí và truyền thông uy tín khác nhau trong thời gian qua. Sau khi phát hành cuốn sách “Cuộc xâm lược âm thầm”, giáo sư Hamilton được mời sang quốc hội Hoa Kỳ điều trần, và cũng kể từ đó ông tiếp tục viết nhiều bài để vạch trần các hoạt động tình báo gây phá hoại không chỉ cho cộng đồng người Hoa tự do tại Úc, mà còn liên tục cảnh báo những mưu mô, trí trá và đe dọa của Bắc Kinh đối với nền dân chủ của Úc. Những dữ kiện nghiên cứu và phân tích sâu sắc của một giáo sư dạy về chính trị học này đã làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Giáo sư Hamilton đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Hoa chống lại ĐCSTQ và là người cố vấn đặc biệt của Hội Đồng Liên Minh.

Tôi đã liên lạc cô Kiều Ngọc để hỏi rằng theo cô thì điểm nổi bật nhất của Hội nghị này là gì, theo cái nhìn của một người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam và trong vùng, thì cô Kiều Ngọc cho biết như sau:

“Theo Kiều Ngọc thì điểm nổi bật nhất của Hội nghị này là tinh thần tương thân tương ái giữa các tham dự viên dành cho nhau. Đặc biệt là sự đấu tranh quyết liệt của mọi tham dự viên nhằm chấm dứt chế độ độc tài của ĐCSTQ. Tuy không cùng chung dòng máu, phong tục, tập quán, ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng tất cả chúng tôi đều trân trọng nhau vì niềm khao khát chung cho một thế giới nhân bản, mà qua đó, quyền sống của con người được tôn trọng.”

Tôi muốn tìm hiểu thêm các hoạt động của Hội Đồng Liên Minh này trong thời gian tới ra sao, nên có ý định phỏng vấn cô Kiều Ngọc về đề tài này vào dịp khác.

Hy vọng người Việt, nhất là trí thức Việt Nam, mạnh mẽ lên tiếng và cùng ngồi lại với nhau để hình thành nên những liên minh các tổ chức có cùng mục đích và chủ trương đấu tranh cho nhân quyền và xây dựng dân chủ như người Hoa. Bởi không có bất cứ một tổ chức nào có thể một mình làm được điều này.

Đầu trang

03/03/2021 - rfi

Quần đảo Senkaku: Nhật Bản cho phép Tuần Duyên nổ súng vào tàu Trung Quốc

Một tàu Trung Quốc ( trái) số hiệu 2350, bị một tàu Tuần Duyên Nhật bám theo khi xâm nhập vùng đang có tranh chấp trên biển Hoa Đông, ngày 10/09/2013. AP

Khẩu chiến lại bùng lên giữa Tokyo và Bắc Kinh về các hoạt động của tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển Nhật Bản quanh vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng gia tăng vào lúc Tokyo cho biết là Tuần Duyên Nhật Bản được phép bắn vào tàu nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp mưu toan đổ bộ lên các đảo Senkaku.

Nhật Bản hôm 02/03/2021 đã cực lực đả kích và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng Biển Hoa Đông, cho rằng tuyên bố của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, trong một cuộc họp báo tại Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kishi Nobuo khẳng định: “Các hoạt động của tàu công vụ Trung Quốc (tại vùng Senkaku/Điếu Ngư) chỉ dựa trên các yêu sách của Bắc Kinh và thể hiện hành động vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ông Kishi Nobuo nói thêm rằng quần đảo Senkaku là một “phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế”, và hoạt động của tàu Trung Quốc “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, mà Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư, hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Hôm 01/03, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lại lên tiếng khẳng định rằng vùng quần đảo này là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” và “các hoạt động của Trung Quốc ở đó là điều hợp pháp và không thể tranh cãi”.

Cùng phụ họa với bộ Quốc Phòng, theo hãng tin Nhật Kyodo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cảnh cáo Tokyo là không nên có những “hành động nguy hiểm” có thể khiến tình hình “phức tạp” thêm tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời tuyên bố tiếp tục cho tuần tra trong khu vực.

Tuần Duyên Nhật được phép nổ súng vào tàu Trung Quốc

Khẩu chiến Trung-Nhật bùng lên chỉ ít hôm sau khi Tokyo cho biết là kể từ nay, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản có quyền nổ súng vào các tàu nước ngoài nếu phát hiện âm mưu đổ bộ lên quần đảo Senkaku.

Theo Kyodo, một số thành viên đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền tại Nhật Bản hôm 02/03 vừa qua đã tiết lộ thông tin kể trên, dẫn phát biểu của các quan chức chính phủ Nhật với một ủy ban của đảng rằng Tokyo đã “thay đổi cách giải thích luật lệ hiện hành” trong bối cảnh Bắc Kinh ban hành luật mới cho phép lực lượng Hải Cảnh sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài bị coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Trung Quốc.

Trước đây, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản chỉ được phép nổ súng vào tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và chạy trốn. Thế nhưng kể từ nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật có thể bắn vào các tàu công vụ nước ngoài nếu mưu toan đổ bộ lên quần đảo Senkaku, một hành vi bị liệt vào diện trọng tội.

Theo các nhà quan sát, dù không nói cụ thể, nhưng Tokyo rõ ràng muốn nhắm vào tàu Hải Cảnh Trung Quốc vì lẽ tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gần như tàu nước ngoài duy nhất hiện diện là tàu Trung Quốc.

Quyết định của Nhật Bản là một thay đổi rất lớn vì kể từ khi Thế Chiến II kết thúc, tàu Nhật chỉ có thể khai hỏa sau khi bị tấn công trước, theo đúng tinh thần Hiến Pháp chủ hòa hiện hành. Theo trưởng ban Quốc Phòng đảng Dân Chủ Tự Do, đây là lần đầu tiên mà quan chức chính phủ đề cập đến khả năng Tuần Duyên Nhật nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Tại Nhật, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ nước này không thể đối phó với Trung Quốc tại vùng Senkaku/Điếu Ngư. Vào năm ngoái, 2020, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku khoảng hai lần một tháng. Theo lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản, kể từ khi luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực vào đầu tháng Hai vừa rồi, tần suất đã tăng lên thành hai lần một tuần.

Đầu trang

04/03/2021 - voatiengviet

Đức chuẩn bị điều tàu chiến ra Biển Đông

Tư liệu: Khu trục hạm "Baden-Wuertemberg" của Lực lượng hải quân Đức trong Bắc Hải, ngày 12/1/2017. REUTERS/Fabian Bimmer -

Lần đầu tiên kể từ năm 2002, một tàu khu trục của Đức sẽ đi ngang qua Biển Đông vào mùa hè sắp tới. Tin này đã được các quan chức Đức xác nhận hôm thứ Ba 1 tháng 3.

Các quan chức bộ quốc phòng và ngoại giao Đức nói với Reuters rằng dự kiến tàu khu trục sẽ lên đường sang châu Á vào tháng 8 năm nay, đi ngang qua Biển Đông trên chặng về của hành trình.

Được coi như một hoạt động để khẳng định "tự do hàng hải", chuyến hải hành đánh dấu lần đầu tiên trong 19 năm một tàu chiến Đức đi ngang qua khu vực tranh chấp, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ và xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này, chống lại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo hồi tháng 12 đã mời Đức đưa một tàu hải quân tham gia tập trận với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nói rằng việc đi ngang qua tuyến đường biển sẽ hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm duy trì quyền qua lại giữa lúc Trung Quốc đang tìm cách bành trướng trong khu vực.

Hôm thứ Ba, các quan chức Đức nhấn mạnh tàu khu trục của họ sẽ không tiến vào phạm vi "12 hải lý".

Tin này được tung ra sau những hoạt động tự do hàng hải tương tự của hải quân Hoa Kỳ và hải quân Pháp hồi gần đây, sau khi chính phủ của Tổng thống Biden kêu gọi thành lập một mặt trận đa phương chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh trong khu vực.

Anh, Úc và Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương trong Biển Đông vào cuối năm nay.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc thề sẽ không để mất “một tấc đất nào” và cam kết sẽ bảo vệ “vùng đất của tổ tiên” trong các vụ tranh chấp trên Biển Đông cũng như ở biên giới với Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Dù vậy, Bắc Kinh hứa “sẽ không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước cáo buộc Mỹ "tìm cách kiềm hãm Trung Quốc bằng cách tập hợp các đồng minh phương Tây tới Biển Đông". Tờ báo nói gia tăng sự hiện diện của hải quân các nước đồng minh chỉ là vô ích. Tờ báo cảnh báo rằng “Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ được chuẩn bị” sẵn sàng để đối phó.

Đầu trang

01/03/2021 - rfi.fr

Trung Quốc: Thế hệ trẻ ''dân tộc chủ nghĩa'' và vâng lời đảng Cộng Sản

Học sinh trong đồng phục "Đội Thiếu niên Tiền phong" Trung Quốc, một tổ chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ảnh công bố ngày 01/09/2009. © Wikipedia

Vấn đề giới trẻ Trung Quốc có thái độ chống phương Tây và trung thành với đảng Cộng Sản hơn ngày càng được giới quan sát chú ý. Báo Pháp L'Opinion trong số ra cuối tháng 2/2021 có chùm bài về chủ đề này, với tựa lớn là « Giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng có thái độ dân tộc chủ nghĩa ».

Phân tích của L’Opinion về giới trẻ Trung Quốc có những điểm nào đáng chú ý ?

Bài viết « Trung Quốc : một thế hệ trẻ ngày càng dân tộc chủ nghĩa » của nhà báo Claude Leblanc, của nhật báo Pháp L’Opinion, ngay trong phần mở đầu, trước hết lưu ý đến chỉ thị tăng cường giáo dục ý thức hệ ở giới trẻ, mà Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa đưa ra hôm 03/02/2021. Mục tiêu là để chỉ ra cho giới trẻ thấy, « họ được hạnh phúc như hiện nay đó là nhờ kết quả lãnh đạo của Đảng ». Theo chỉ thị này, giới trẻ có nghĩa vụ một tuần một lần có « các hoạt động » dựa trên « tư tưởng của lãnh đạo số một Trung Quốc », Tập Cận Bình.

Thế hệ sinh sau 1990 ở Trung Quốc có từ 300 đến 400 triệu người, được chính quyền hy vọng như là lực lượng sẽ góp phần xác lập một cách vững chắc vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của giới trẻ Trung Quốc sinh sau 1990 là sự trưởng thành của họ đi liền với sự lớn mạnh gia tăng của Trung Quốc, ngược với các thế hệ trước. Không kể về kinh tế, hình ảnh Trung Quốc ngày càng được cải thiện trong lĩnh vực thể thao, trong con mắt của giới trẻ, đặc biệt kể từ Thế Vận Hội 2008, khi đoàn thể thao Trung Quốc đứng đầu thế giới, vượt Hoa Kỳ đến 15 huy chương vàng.

Trước khi đại dịch Covid xảy ra, giáo dục « yêu nước », tự hào dân tộc, đã trở thành chủ trương lớn của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Giới trẻ là cái đích ngắm chủ yếu. Năm 2019, Bắc Kinh đã long trọng kỉ niệm 100 năm phong trào vận động Ngũ Tứ, bùng nổ ngày 04/05/1919, với thành phần trụ cột là giới học sinh, viên các trường đại học ở Bắc Kinh, chống lại Hiệp ước Versailles của các cường quốc thắng trận trong Thế chiến thứ nhất, bị tố cáo là bất lợi cho Trung Quốc. Cuộc vận động Ngũ Tứ được coi là thời điểm đánh dấu sự trỗi dậy của « tinh thần yêu nước » trong xã hội Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra đời hai năm sau phong trào này.

« Tinh thần yêu nước » của giới trẻ Trung Quốc biểu hiện trước hết với việc mua hàng trong nước sản xuất, trong các lĩnh vực mà hàng hóa chất lượng cao nước ngoài vốn được coi là chiếm ưu thế. Với đại dịch Covid -19, xu thế này được đẩy mạnh. Hàng loạt nhãn mác nội địa trong các ngành may mặc như Anta, Li Ning, Bosideng, hay về thể thao, mỹ phẩm, số lượng mua hàng sản xuất trong nước tăng vọt.

Nhà báo L’Opinion nhấn mạnh tính chất nguy hiểm là ở chỗ làn sóng cổ vũ cho tinh thần yêu nước về mặt kinh tế đang biến thành chủ nghĩa dân tộc, mà việc khuyến khích mua hàng hóa nội địa chỉ là một biểu hiện. Trong những năm gần đây, thanh niên Trung Quốc « ngày càng tỏ thái độ thù nghịch hơn », đối với những gì diễn ra ở nước ngoài hay ở trong nước, bị đánh giá là « chống lại lợi ích quốc gia », kể cả với những phê phán.

Đại dịch Covid-19 mang lại một bối cảnh thuận lợi cho các tuyên truyền của chế độ Bắc Kinh chống lại phương Tây. Anh Zak Dychtwald, tác giả một cuốn sách gây chú ý về giới trẻ Trung Quốc ra mắt năm 2018 (« Young China: How the Restless Generation Will Change Their Country and the World »), ghi nhận : « nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy bị thế giới phương Tây bỏ rơi… Họ có cảm nhận là Trung Quốc không được các phương tiện truyền thông quốc tế đối xử công bằng, và theo họ, phương Tây có thái độ hành xử nhất bên trọng, nhất bên khinh, đối với bản thân thì muốn đánh giá công bằng, đúng mực, nhưng lại chỉ dành cho Trung Quốc các chỉ trích ». Zak Dychtwald là một thanh niên ngoài 20 tuổi, người sáng lập và giám đốc một cơ sở nghiên cứu và tư vấn, chuyên về giới trẻ Trung Quốc, Yong China Group.

L'Opinion cũng dẫn một người quan sát khác, Vương Á Thu (Wang Yaqiu), nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, xác nhận xu thế: « Dân mạng thuộc giới trẻ ở Trung Quốc, vốn trước đây là nơi chuyển tải các ý tưởng mới, thách thức chính quyền, nay tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động bảo vệ chế độ ». Ví dụ cụ thể mới đây là, liên quan đến xung đột xã hội-chính trị tại Hồng Kông, trên các mạng xã hội, đông đảo thanh niên Hoa lục tấn công vào những người đấu tranh đòi dân chủ, bị cáo buộc là đòi « ly khai ». Cuốn tự thuật của nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang) về thành phố Vũ Hán bị phong tỏa trong thời gian đại dịch, bị lên án là công cụ cho các thế lực « chống Trung Quốc ».

Việc tuyên truyền một chiều về lịch sử Trung Quốc đương đại là nguyên nhân chính khiến giới trẻ thế hệ sinh sau 1990 dễ trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn ?

Thế hệ sinh sau 1990 gần như không hề biết đến cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn. Bài phân tích nói trên về giới trẻ Trung Quốc của l’Opinion số ra cuối tháng 2 không nói đến cuộc thảm sát. Tuần báo Anh The Economist, cuối tháng 1/2021, đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của mảng trống ký ức này đến thái độ của giới trẻ Trung Quốc hiện nay.

Báo The Economist nhấn mạnh đến việc chính quyền Trung Quốc đã liên tục kiểm duyệt và triệt để loại trừ hết thảy những gì liên quan đến phong trào phản kháng, đòi dân chủ của giới sinh viên, học sinh Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn mùa xuân 1989. Phản kháng chấm dứt với đàn áp đẫm máu. Theo một sồ điều tra, số người thiệt mạng có thể lên đến 10.000.

Vụ thảm sát bị chìm vào quên lãng tại Hoa lục, khi tuyệt đại đa số cha mẹ những sinh viên bị giết hại cũng giữ im lặng, do sợ bị đàn áp. Một số thanh niên hiện nay nhìn nhận sự kiện này như một cuộc nổi loạn của sinh viên, và không hề nhắc đến những người chết. Một số nhà quan sát cho rằng, sự quên lãng này có thể có mặt tích cực, đó là khiến giới trẻ hiện nay không sợ hãi, khi đứng lên phản kháng chống lại chính quyền, đòi dân chủ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát khẳng định, việc không biết quân đội Trung Quốc đã hạ sát sinh viên đòi dân chủ một cách tàn nhẫn như thế nào sẽ chỉ khiến giới trẻ hiện nay nhìn thấy một mặt của hiện thực. Đó là một nước Trung Quốc mạnh hơn và giàu có trong thời gian chính quyền nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, và họ dễ dàng tin tưởng vào chính quyền nhiều hơn là các thế hệ trước.

Dập tắt mọi dấu hiệu phản kháng, dù rất nhỏ, phải chăng là biện pháp chủ yếu mà chính quyền Trung Quốc nỗ lực thực thi trong thời gian gần đây để một giới trẻ tuy « dân tộc chủ nghĩa » hơn, nhưng không có hành động vượt ngoài sự lãnh đạo của đảng Cộng sản ?

Trong hồ sơ về giới trẻ Trung Quốc của L’Opinion, số ra cuối tháng 2/2021, có bài phỏng vấn ông Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á thuộc Viện Montaigne. Nhà nghiên cứu Pháp đưa ra nhiều nhận xét đáng chú ý về giới trẻ tại Trung Quốc hiện nay. Giới trẻ nói chung, và đặc biệt là giới trẻ trí thức là lực lượng có tiềm năng có ảnh hưởng lớn đến các thay đổi của đất nước. Đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu rõ điều này. Mathieu Duchatel nhắc đến các chương trình « giáo dục yêu nước », mà chính quyền thời Giang Trạch Dân tìm cách xác lập trong những năm 1990, ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhằm hướng giới trẻ đi theo các quyết định của chính quyền. Nhà nghiên cứu Pháp đặc biệt lưu ý là điều khiển được giới trẻ trong một xã hội mở, hiện đại hóa, cá nhân hóa là thách thức lớn với chính quyền Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến thất nghiệp gia tăng.

Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh đến việc chính quyền Trung Quốc cảnh giác trước mọi xu hướng « chính trị hóa » các hoạt động xã hội, kể cả trong những vấn đề như nữ quyền, cho dù trong ít năm gần đây, giới trẻ ít ngả sang thái độ phản kháng chính quyền, trong bối cảnh Mỹ - Trung xung đột (một bộ phận đông đảo giới trẻ dễ nghe theo đảng Cộng Sản hơn khi họ cảm thấy xã hội Trung Quốc là nạn nhân của nước Mỹ, tâm lý vốn đã được khuyến khích qua các chương trình « giáo dục yêu nước » từ nhiều năm nay). Ngay cả nhiều hoạt động không hề liên quan đến chính trị cũng đã dẫn đến các vụ bắt bớ. Theo Mathieu Duchatel, đảng Cộng Sản Trung Quốc cố gắng dập tắt « từ trong trứng nước» mọi phản kháng xã hội, và bằng cách này hướng dân chúng nói chung, và giới trẻ nói riêng, tập trung hoàn toàn vào các lợi ích kinh tế và chủ nghĩa hưởng thụ.

Đầu trang

1 tháng 3 2021, 11:31 +07 - bbc.com

Trung Quốc có thật giúp được 100 triệu người thoát nghèo?

Jack Goodman
BBC Kiểm chứng

Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đất nước của ông đã đạt được mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra khi ông nhậm chức năm 2012 là đưa 100 triệu người thoát nghèo.

Nhưng thực thì Trung Quốc đã đạt được những gì?

BBC Kiểm chứng so sánh dữ liệu của Trung Quốc với số liệu nghèo đói trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổng hợp.

Số liệu nghèo đói của Trung Quốc

Trung Quốc định nghĩa nghèo đói là bất kỳ ai ở các vùng nông thôn kiếm được ít hơn khoảng 2,30 đôla một ngày (đã điều chỉnh theo mức lạm phát). Con số này được thiết lập năm 2010 và không chỉ dựa trên thu nhập mà còn là điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

TQ nâng định nghĩa mức đói nghèo nông thôn

EU tìm hiểu đói nghèo ở TQ

Các tỉnh đã và đang chạy đua để đạt được mục tiêu. Ví dụ, vào tháng 1 năm ngoái, Giang Tô đã công bố rằng chỉ có 17 trong số 80 triệu cư dân của tỉnh vẫn sống trong cảnh nghèo đói.

Tiêu chuẩn quốc gia chính phủ Trung Quốc sử dụng cao hơn một chút so với chuẩn nghèo 1,90 đôla một ngày mà Ngân hàng Thế giới sử dụng để xem xét tình trạng nghèo đói trên toàn cầu.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới

Sử dụng những số liệu này cho chúng ta phương thức đo có tiêu chuẩn tốt hơn được World Bank sử dụng cho tất cả các quốc gia.

Năm 1990, có hơn 750 triệu người ở Trung Quốc sống dưới ngưỡng nghèo đói theo chuẩn quốc tế - tức khoảng 2/3 dân số.

Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn dưới 90 triệu người và đến năm 2016 - năm gần đây nhất mà Ngân hàng Thế giới có số liệu - đã giảm xuống còn 7,2 triệu người (0,5% dân số).

Vậy rõ ràng, ngay cả trong năm 2016, Trung Quốc vẫn đang trên đường đạt được mục tiêu.

Điều này cho thấy nhìn tổng quát, so với 30 năm trước, Trung Quốc hiện có ít hơn 745 triệu người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Các số liệu của Ngân hàng Thế giới không dẫn chúng ta đến thời điểm hiện tại, nhưng xu hướng trên chắc chắn hợp với tuyên bố của chính phủ Trung Quốc.

TQ trở thành một 'phép màu kinh tế' thế giới ra sao?

TQ sau 40 năm cải cách: bài học nào cho VN?

Ở những nơi khác trong khu vực, Việt Nam cũng có ​​tỷ lệ nghèo cùng cực giảm xuống đáng kể trong giai đoạn tương tự.

Một quốc gia lớn khác là Ấn Độ có 22% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ theo chuẩn quốc tế vào năm 2011 (theo số liệu gần đây nhất).

Brazil có 4,4% người dân kiếm được dưới 1,90 đôla một ngày.

Getty Images

Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc

Tốc độ giảm nghèo nhanh chóng của Trung Quốc đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thời gian dài. Phần lớn tập trung vào các khu vực nông thôn nghèo nhất.

Chính phủ đã di dời hàng triệu người dân ở các ngôi làng hẻo lánh đưa vào sống trong các khu chung cư. Đôi khi những khu này được xây dựng ở các thị trấn và thành phố, nhưng có khi cũng được dựng lên gần những ngôi làng cũ.

Nhưng có những lời chỉ trích rằng người dân có rất ít lựa chọn trong việc chuyển nhà hay công ăn việc làm.

Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc tồi tệ đến mức nào?

Cải cách TQ: từ đói nghèo lên 12 nghìn tỷ đô

Một số người cũng chỉ ra rằng lý do khiến tình trạng nghèo đói ở nông thôn lan rộng chính là vì do các chính sách của Đảng Cộng sản.

David Rennie của tờ Economist nói: "Không có gì nghi ngờ là một điều gì đó hoàn toàn phi thường đã xảy ra trong 40 năm qua."

Getty Images. Những khu nhà mới đã được xây dựng cho những người nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc

Tuy nhiên, thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo không chỉ đơn thuần là nhờ vào chính phủ, ông nói.

"Người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo bằng lao động cực kỳ vất vả - một phần nhờ vào việc từ bỏ một số chính sách kinh tế ngu ngốc nhất của Mao Chủ tịch để áp dụng một số phiên bản của chủ nghĩa tư bản."

Mao Trạch Đông, người thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, đã giám sát nỗ lực công nghiệp hóa nền kinh tế nông nghiệp của đất nước trong thập niên 1950. Cuộc Đại nhảy vọt (Great Leap Forward) thảm khốc của ông, bắt đầu năm 1958, buộc nông dân vào các công xã, dẫn đến nạn đói ở nông thôn.

Trong khi Trung Quốc đã dồn nhiều nỗ lực giải quyết trước tiên tình trạng nghèo đói ăn sâu nhất, liệu nước này có nên đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn không?

Ví dụ, Ngân hàng Thế giới vạch ra một chuẩn nghèo cao hơn cho các quốc gia có thu nhập trên trung bình, nhằm phản ánh các điều kiện kinh tế. Ngân hàng Thế giới đặt ngưỡng này ở mức 5,50 đôla một ngày và nói Trung Quốc hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Theo thước đo này, khoảng 1/4 dân số Trung Quốc đang ở trong tình trạng nghèo đói. Để so sánh, con số này cao hơn một chút so với Brazil.

Cũng cần phải nói đến ngang bằng thu nhập trên diện rộng. Năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc vẫn có 600 triệu người với thu nhập hàng tháng chỉ có 1.000 nhân dân tệ (154 đôla). Ông nói rằng số tiền đó không đủ để thuê một căn phòng ở thành phố.

Tuy nhiên, đo bằng mực thước nào, thì Trung Quốc cũng đạt được những bước tiến to lớn để nâng cao đời sống của hàng triệu người ra khỏi điều kiện sống khắc nghiệt nhất trong vòng vài thập kỷ qua.

Đầu trang

27/02/2021 - rfi.fr

Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp

Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011. © wikimedia

Le Point tuần này có bài điều tra công phu dài năm trang báo, tiết lộ cung cách Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp. Các nhà Trung Quốc học gióng lên tiếng chuông báo động trước tình trạng Bắc Kinh và các Viện Khổng Tử làm áp lực đến cả ban giám hiệu nhà trường.

Pháp có 18 Viện Khổng Tử, trong khi Mỹ ngăn chận

Tuần báo bất bình nhận xét, giới chức Pháp không muốn đề cập đến ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong giới học thuật, trước nguồn lợi học phí từ 35.000 sinh viên Hoa lục. Bộ trưởng Giáo Dục Frédérique Vidal tháng 2/2019 đã sang Bắc Kinh ký một loạt thỏa thuận. Mười tám Viện Khổng Tử đã mở ra tại Pháp trong 15 năm qua, trong đó có 10 viện nằm trong các trường đại học.

Trong khi đó Hoa Kỳ đã xếp mạng lưới các Viện Khổng Tử vào diện « phái bộ ngoại giao », để ngăn chận các hoạt động gây ảnh hưởng, và giới hạn số du học sinh từ Hoa lục.

Đại học Úc, đã đón tiếp 260.000 sinh viên Trung Quốc, thì bị chia rẽ giữa hai khuynh hướng thân và chống Bắc Kinh. Tại Brisbane tháng 7/2019, một nhóm sinh viên ủng hộ Hồng Kông đã bị tấn công bởi hàng trăm du học sinh Hoa lục và băng đảng xã hội đen do lãnh sự quán Trung Quốc gởi đến. Sự kiện này và hàng loạt vụ khác khiến Canberra phải mở điều tra trong các trường đại học. Tại châu Âu, năm 2019 Bỉ trục xuất giám đốc một Viện Khổng Tử.

Ở Pháp, thậm chí không có cả tranh luận.

Ngăn cản mời Đạt Lai Lạt Ma, phá rối hội thảo về Tân Cương

Các chuyên gia được Le Point phỏng vấn coi các Viện Khổng Tử là những « con ngựa thành Troie ». Nhà Tây Tạng học Françoise Robin của Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO) nói thẳng đó là « nhánh vũ trang tuyên truyền ». Bà cho biết : « Viện Khổng Tử cố xin vào INALCO, nhưng chúng tôi không cần đến, vì nhà trường đã giảng dạy tiếng Hoa từ 150 năm qua ».

Năm 2016, Françoise Robin mời Đạt Lai Lạt Ma đến dự một hội nghị, nhà trường liền nhận được công văn phản đối của đại sứ quán Trung Quốc. Họ còn đến tận trường đe dọa nhưng hiệu trưởng Manuelle Franck không bị lung lạc. Ngược lại, Science Po (đại học Khoa học Chính trị), có 22 đối tác tại Trung Quốc, đã nhường bước.

Đại học Strasbourg từ chối cho Viện Khổng Tử đóng trong trường, đòi hỏi phải là định chế độc lập. Đại học Lyon đóng cửa Viện Khổng Tử tại đây vì sau bốn năm tương đối được tự do, Hán Biện (Hanban, cơ quan trung ương quản lý các Viện Khổng Tử) bắt đầu kiểm duyệt chương trình.

Hôm 24/01/2019, khoa Trung Quốc của đại học Strasbourg tổ chức hội thảo về người Duy Ngô Nhĩ. Lãnh sự quán Trung Quốc đe dọa không được, đã gởi hai cán bộ tới tự giới thiệu là công dân bình thường để phá rối cuộc tranh luận. Trưởng khoa Thomas Boutonnet rất bực tức khi phát hiện họ để lại các brochure về « Những tiến bộ về nhân quyền ở Tân Cương » tại quầy tiếp tân, cứ như là tài liệu chính thức của hội thảo.

Trung Quốc « không xâm lược », tiến vào Tây Tạng « do người dân yêu cầu »

Tuần báo đặc biệt chú ý đến các hoạt động của nhân vật Christian Mestre, trưởng khoa danh dự về Luật ở đại học Strasbourg. Tháng 9/2019 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương, khi tham dự một cuộc « hội thảo quốc tế về chống khủng bố » do Trung Quốc tổ chức, đã khẳng định người Duy Ngô Nhĩ không phải bị cầm tù mà đang được đào tạo, « hy vọng Pháp và châu Âu sẽ học tập theo ». Bị chất vấn, ông ta nói rằng các phát biểu đã bị Global Times bóp méo.

Le Point tiết lộ năm 2015 lãnh sự Trung Quốc từng nhiệt liệt cảm ơn bà Fei Jin Mestre vì những đóng góp của bà. Người vợ Trung Quốc trước đây là học trò của ông Christian Mestre, đã tổ chức các sự kiện để tuyên truyền rằng « Tây Tạng không hề bị xâm lược, mà sự can thiệp của Trung Quốc là do người Tây Tạng đòi hỏi ».

Lại càng đáng phẫn nộ khi mới đây ông Christian Mestre trở thành « người phụ trách đạo đức nghề nghiệp của khu vực hợp tác liên vùng Strasbourg ». Một vị trí quan trọng để xử trí những xung đột lợi ích, trong bối cảnh Alsace sẽ có một nhà máy Huawei và đang tranh luận về 5G. Một đồng nghiệp của ông sững sờ : « Đó là giao chuồng cừu cho chó sói ».

Theo bản tin AFP ngày 26/02/2021, sau tiết lộ của Le Point, ông Christian Mestre đã từ chức.

Đầu trang