Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis họp báo sau một cuộc họp giữa các bộ trưởng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 09/11/2020. AP - Francisco Seco |
Vế chính trị lấn át những tính toán được thua trong hiệp định đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, phân tích về thế « bất cân đối » thường trực có lợi cho Trung Quốc sau 40 năm mở cửa vẫn đè nặng lên thỏa thuận đầu tư song phương.
Giữa Bruxelles và Bắc Kinh cơm không lành canh không ngọt. Ba tháng sau khi rầm rộ thông báo về nguyên tắc Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đạt được một hiệp định đầu tư toàn diện Comprehensive Agreement on Investment (CAI), Nghị Viện Châu Âu đã hủy cuộc họp để bàn về thỏa thuận từng được đánh giá là có lợi cho cả đôi bên này. Lý do là Liên Âu trừng phạt bốn quan chức cao cấp của Trung Quốc về trách nhiệm trong vụ đàn áp thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Bắc Kinh đáp trả bằng một đòn mạnh hơn : cấm 10 công dân châu Âu gồm các nghị viên và các nhà nghiên cứu đặt chân đến Hoa Lục, Hồng Kông hay Macao. Bốn tổ chức phi chính phủ của châu Âu cũng trong tầm ngắm của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc.
Vào những ngày cuối 2020, dưới áp lực của thủ tướng Đức Angela Merkel trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles và Bắc Kinh đạt được một hiệp định quan trọng dựa trên ba trục chính : một là « bảo đảm cho các doanh nghiệp châu Âu thâm nhập thị trường » Trung Quốc, hai là bảo đảm các bên cùng áp dụng « luật chơi công bằng » và ba là Bắc Kinh và các đối tác châu Âu « cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ».
Thông cáo chính thức của Ủy Ban Châu Âu nêu lên một vài con số cụ thể : tổng đầu tư trực tiếp của Liên Âu vào Trung Quốc trong 20 năm trở lại đây đạt 140 tỷ euro, và ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã đầu tư gần 120 tỷ vào Lục Địa Già. Bruxelles cho rằng CAI sẽ là động lực để đẩy mạnh đầu tư của châu Âu vào một thị trường « rộng lớn và đầy tiềm năng » 1,4 tỷ dân. Thông cáo báo chí của Ủy Ban Châu Âu ngày 30/12/2020 vẫn tin vào điều đó và khẳng định thỏa thuận đầu tư toàn diện sẽ « bảo đảm những điều kiện cạnh tranh công bằng hơn » cho các doanh nghiệp châu Âu khi hoạt động tại Trung Quốc.
RFI hôm 12/01/2021 đã trả lời hai câu hỏi CAI gồm những gì và vì sao đôi bên đã cố gắng để đạt bằng được một thỏa thuận then chốt đó trước khi Mỹ có một chính phủ mới. Trong tạp chí hôm nay chuyên gia Jean-Joseph Boillot, cố vấn kinh tế thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, phân tích về khả năng hiệp định đầu tư toàn diện giữa Liên Âu và Trung Quốc chết yểu, đồng thời căng thẳng song phương về vế nhân quyền ở Tân Cương chỉ là bề nổi của tảng băng.
Hơn 40 năm trong thế « bất cân đối »
Trước hết chuyên gia Jean-Joseph Boillot trở lại với bối cảnh Trung Quốc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu thập niên 1980 và cho biết Bắc Kinh chưa khi nào biết đến hai chữ « nhượng bộ », kể cả với hiệp định đầu tư CAI lần này :
Jean-Joseph Boillot : « Như thường lệ, chúng ta thiếu một tầm nhìn để đánh giá đúng tình hình và rõ ràng đây là khúc mắc trong quá trình đàm phán về thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu với Trung Quốc. Để hiểu được thỏa thuận này, cần nhắc lại bối cảnh quan hệ kinh tế song phương kể từ quãng đầu những năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa.
Ngay từ khi đó đã có một sự bất cân đối giữa hai bên : Bắc Kinh quyết định và chấp thuận mở cửa đón các nhà đầu tư quốc tế với điều kiện là Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các luồng tư bản đó. Đấy là chủ trương của ông Đặng Tiểu Bình và châu Âu đã chấp nhận điều này, vì họ kỳ vọng chen chân vào được thị trường đầy tiềm năng của Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu từng xem đấy là cái giá phải trả để có được chỗ đứng tại Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là 40 năm sau, Bắc Kinh vẫn giữ ưu thế đó, có nghĩa là Trung Quốc tiếp tục kiểm soát gắt gao đầu tư trực tiếp nước ngoài và thậm chí còn tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp ngoại quốc. Trái ngược hẳn với điều châu Âu mong đợi, trong thời gian qua, chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã tạo điều kiện để các tập đoàn Trung Quốc phát triển trong mọi lĩnh vực.
Liên Hiệp Châu Âu nhận thấy rằng chính sách mở cửa thị trường của Trung Quốc chỉ là ảo mộng. Nhiều doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đã phải đóng cửa, họ đã phải ít nhiều chuyển nhượng lại các cơ sở hạ tầng cho các đối tác địa phương. Chính trong bối cảnh đó, năm 2020 đã kết thúc đàm phán về những điều khoản để các doanh nghiệp của mỗi bên tham gia thị trường của phía bên kia.
Ngoài vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, bài toán đặt ra cho châu Âu ở đây là mỗi lần Bruxelles đòi cải thiện điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, thì Liên Âu luôn trong thế của một người đi năn nỉ. Ngược lại, Trung Quốc muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu và dùng lá bài đó để điều đình. Bắc Kinh luôn trong thế thượng phong. Đó chính là cốt lõi của vấn đề khi Liên Âu đàm phán với Trung Quốc về hiệp định đầu tư toàn diện CAI ».
« Trung Quốc nhượng bộ nhỏ giọt »
Jean-Joseph Boillot : « Khi văn bản với nội dung chi tiết về đàm phán theo từng lĩnh vực được công bố, mọi người đã vỡ lẽ ra rằng, thế bất cân đối vừa nêu vẫn nghiêng về phía Trung Quốc và thế thượng phong đó của Bắc Kinh một lần nữa đã được thể hiện rất rõ rệt trong quá trình đàm phán CAI lần này.
Trong văn bản này, Bắc Kinh chỉ nhượng bộ nhỏ giọt, châu Âu thì lùi bước rất nhiều. Thí dụ như trong lĩnh vực công nghệ xe hơi : dưới áp lực của Đức, đầu tầu trong ngành ô-tô, đồng thời Trung Quốc muốn thâu tóm công nghệ xe hơi của Đức nên Bắc Kinh đã nhường Đức một bước. Ngược lại, nhìn đến lĩnh vực phân phối thực phẩm, xét cho cùng, Trung Quốc không thay đổi gì hết. Một điểm quan trọng khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của ngành dược phẩm. Đây là một lĩnh vực mà châu Âu dẫn đầu và muốn giữ các bằng sáng chế, giữ các quyền sở hữu trí tuệ, nhưng tất cả đòi hỏi này đều bị phía Trung Quốc khước từ. Tóm lại, thỏa thuận đầu tư toàn diện châu Âu-Trung Quốc chỉ có lợi cho một vài tập đoàn đa quốc gia của châu Âu, nhưng nhìn một cách tổng thể thì các công ty khác và người tiêu dùng trên lục địa này chẳng có lợi gì cả ».
Tân Cương chỉ là một yếu tố có thể khai tử CAI
Tuần trăng mật giữa Liên Âu và Trung Quốc đã không bền. Yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng lấn lướt mọi tính toán kinh tế trong thỏa thuận đầu tư toàn diện song phương. Cộng đồng quốc tế đã không thể nhắm mắt trước những báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Tân Cương. Bắc Kinh bị lên án cưỡng bức lao động, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, triệt sản phụ nữ tại Tân Cương… Từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, lần đầu tiên Bruxelles áp dụng chính sách trừng phạt nhắm vào một số quan chức Trung Quốc. Nhưng khác với hơn 30 năm trước, Bắc Kinh đã mạnh mẽ đáp trả. Về điểm này trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia Jean-Joseph Boillot lưu ý, Tân Cương chỉ là bề nổi của tảng băng :
Jean-Joseph Boillot : « Thật là xuẩn ngốc và không bình thường nếu như cho rằng để đàm phán về một hiệp định kinh tế, các bên bắt buộc phải đồng tình với nhau về chính trị, về địa chính trị hay nhân quyền. Tuy vậy, phương Tây đánh cược rằng phát triển về kinh tế sẽ tạo đà cho Trung Quốc có một chính sách cởi mở hơn cả về chính trị lẫn nhân quyền. Đây là động lực đã thúc đẩy tổng thống Nixon chìa bàn tay thân thiện với Bắc Kinh vào thập niên 1970, thế rồi châu Âu cũng đi theo con đường đó vào những năm 1980. (…) Câu hỏi đặt ra giờ đây là liệu rằng hiệp định đầu tư song phương CAI có giúp đem lại những kết quả mong muốn về nhân quyền hay không ? Ở đây không chỉ liên quan đến chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, mà còn liên quan luôn cả đến những dân tộc khác nữa ở vùng Trung Á. Lập trường của Bắc Kinh hiện tại cực kỳ cứng rắn và không cho phép chúng ta nghĩ rằng dưới tác động của thỏa thuận đầu tư với Liên Âu, Trung Quốc sẵn sàng nới lỏng gọng kềm trên vế nhân quyền.
Dưới góc độ này, theo tôi, sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua thỏa thuận đầu tư song phương vào cuối năm 2020, đó chỉ là một văn bản tổng quát, nhưng cả đôi bên sẽ không đi xa hơn. Đây không phải là lần đầu tiên mà một thỏa thuận về nguyên tắc có thể bị hủy bỏ. Có rất nhiều khả năng chúng ta tiến tới kịch bản này. Bất đồng liên quan đến chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và hơn thế nữa là thái độ ăn miếng trả miếng của Bắc Kinh nhắm vào các nghị sĩ châu Âu, vào giới nghiên cứu châu Âu, chỉ vì họ nhắm đúng vào những cái huyệt nhạy cảm của Trung Quốc, sẽ khiến hiệp định đầu tư toàn diện không thể đi xa hơn.
Ván chưa đóng thuyền
Jean-Joseph Boillot : « Trong khi đó, vế nhân quyền chính là một trong những điều kiện để Bruxelles đàm phán với Bắc Kinh về CAI. Trung Quốc cần trấn an các đối tác châu Âu về nhân quyền, về thiện chí tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về lao động. Dù vậy, ván chưa đóng thuyền, do tại châu Âu có nhiều nhóm lobby rất mạnh và vì quyền lợi kinh tế, thương mại của một số ít đại tập đoàn, họ vẫn nỗ lực động vận động hành lang để hiệp định đầu tư song phương ra đời (…) Đây cũng chính là một trong những giới hạn của khối châu Âu. Nhưng một khi bất đồng quá lớn đã được phơi bày ra ánh sáng, mà vấn đề Duy Ngô Nhĩ chỉ là một cái cớ, tôi thiển nghĩ, có lẽ đàm phán không đi xa hơn được ».
Nhưng liệu Bắc Kinh có thực sự muốn đạt được thỏa thuận đầu tư toàn diện với châu Âu hay không ?
Jean-Joseph Boillot : « Đương nhiên là Trung Quốc muốn có được thỏa thuận đó, vì hai lý do. Một là chúng ta cần nhớ lại vì sao xưa kia ông Đặng Tiểu Bình chủ trương mở cửa kinh tế : họ Đặng muốn Trung Quốc làm chủ công nghệ và hoạt động như tất cả những đại tập đoàn quốc tế, để đưa kinh tế Trung Quốc đi lên. Ở thời điểm này, Trung Quốc vẫn còn rất cần hợp tác với các doanh nghiệp của Âu, Mỹ, để thu hẹp sự chậm trễ của mình trong một số lĩnh vực. Lý do thứ hai là Trung Quốc muốn chinh phục thế giới (…) trong lúc mà cuộc đọ sức với Hoa Kỳ càng lúc càng rõ nét, thành thử Trung Quốc lại càng phải hiện diện ở khắp mọi nơi (…) Với châu Âu, Bắc Kinh cần hiện diện tại châu lục này hơn bao giờ hết, vì ngoài lợi ích kinh tế và thương mại, Trung Quốc còn cần mở rộng ảnh hưởng chính trị để phần nào vô hiệu hóa những đồng minh thân thiết của Mỹ.
Cách nay vài ngày, một chuyên gia Trung Quốc đã nhắc lại rằng nguyên tắc « chia để trị » luôn cần phải được áp dụng với châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác lá bài đó. Chỉ riêng trên lập trường của Liên Hiệp Châu Âu về nhân quyền ở Tân Cương, chúng ta thấy ngay là chỉ có một vài quốc gia trong Liên Hiệp mạnh mẽ lên án Bắc Kinh đàn áp sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng các thành viên không « nhất trí » là phải gắn liền vế hợp tác kinh tế với nhân quyền ! Ngày nào mà Liên Âu còn không đoàn kết thì sẽ không thể đảo ngược được thế bất cân bằng đang có lợi cho Trung Quốc mà chúng ta đã đề cập đến ở trên ».
Khả năng hành động của Liên Âu ?
Vậy đâu là khả năng hành động của Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc đọ sức lần này với Trung Quốc ? Cần chú ý rằng, trong số 10 công dân châu Âu bị Bắc Kinh cấm cửa, không có một doanh nhân nào. Một số nhà ngoại giao châu Âu vẫn hy vọng các đòn ăn miếng trả miếng giữa Bruxelles và Bắc Kinh chỉ dừng lại trong lĩnh vực chính trị và nhân quyền, mà không làm phương hại đến quan hệ kinh tế và đầu tư song phương. Các doanh nhân châu Âu cũng đang hy vọng là như vậy.
Nhưng theo quan điểm của chuyên gia về Trung Quốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Jean-Joseph Boillot, trớ trêu thay, một phần hồi kết sắp tới tùy thuộc vào trọng lượng của các nhóm vận động hành lang với chính quyền 27 thành viên Liên Âu, với Ủy Ban Châu Âu và cũng có thể là với Nghị Viện Châu Âu.
Chuyên gia của viện IRIS cũng lưu ý rằng, châu Âu nói riêng, phương Tây nói chung cần phân biệt rõ công luận Trung Quốc với chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Phương Tây không có lợi gì khi tạo cơ hội cho Bắc Kinh khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để vận động quần chúng đứng lên chống lại các nền dân chủ, như điều đang bắt đầu manh nha với các chiến dịch tẩy chay hàng của một số tập đoàn Âu, Mỹ dám lên tiếng vì bông vải Tân Cương « nhuốm máu » người Duy Ngô Nhĩ bị lao động khổ sai.
Ảnh minh họa : Nhân dân tệ Trung Quốc và đô la Mỹ. Ảnh chụp ngày 02/10/2020. REUTERS - Dado Ruvic |
Trung Quốc hiện là chủ nợ chính thức lớn nhất hành tinh, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia mà theo một số ước tính đã lên đến 1.500 tỷ đô la. Thế nhưng, nước này gần đây luôn bị cáo buộc là đã giăng “bẫy nợ” để bắt chẹt các nước nghèo phải cầu viện đến Bắc Kinh. Một công trình nghiên cứu quy mô của bốn định chế Mỹ và Đức, vừa được công bố ngày 31/03/2021, đã vạch trần cách thức giăng bẫy này của Trung Quốc.
Công trình mang tựa đề “Trung Quốc cho vay như thế nào – How China Lends” đã được bốn trung tâm nghiên cứu thực hiện: AidData, một “phòng thí nghiệm nghiên cứu” tại Đại Học William và Mary (College of William and Mary), Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (Peterson Institute for International Economics) và Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Centre for Global Development) - cả ba đều ở Mỹ -, cùng với Viện Kinh Tế Thế Giới Kiel (Kiel Institute for the World Economy) ở Đức.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay của họ, các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức đã tìm kiếm dữ liệu trong số 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 nước có thu nhập thấp từ năm 2000 đến 2020, với tổng trị giá là 36,6 tỷ đô la.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh các hợp đồng Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký kết với các chủ nợ lớn khác và rút ra được những chi tiết cụ thể về các điều kiện cho vay, có thể nói là mang tính bắt chẹt, mà các định chế của Trung Quốc áp đặt đối với các con nợ.
Nhật báo Pháp Le Monde, trong một phân tích công bố hôm nay, 06/04, đã nêu bật một số điều kiện "không mấy chính đáng" đã được Trung Quốc áp dụng.
Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy với các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay.
Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu với cả người dân của họ về số tiền mà đất nước phải hoàn trả sớm hay muộn. Tinh chất thiếu minh bạch đó cũng làm cho các thủ tục tái cơ cấu nợ tập thể phức tạp thêm, vì làm sao mà chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ có thể đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đó, nếu thiếu một số thông tin?
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa ra nhiều điều kiện bất thường khác, mà nổi bật là điều khoản cấm con nợ tham gia việc tái cơ cấu nợ do Câu Lạc Bộ Paris thực hiện. Theo công trình nghiên cứu Mỹ-Đức, có đến ba phần tư hợp đồng Trung Quốc bao gồm điều kiện đó.
Đối với Le Monde, Câu Lạc Bộ Paris, một cơ chế tập hợp các quốc gia chủ nợ lớn, đã phát triển một bộ quy tắc để phối hợp các kế hoạch tái cơ cấu hoặc xóa nợ theo hướng công bằng, không tạo thuận lợi cho bất kỳ một chủ nợ nào. Khi cấm con nợ của mình tham gia cơ chế của Câu Lạc Bộ Paris, Trung Quốc đã phá vỡ nguyên tắc công bằng này, để buộc các con nợ ưu tiên trả nợ cho họ khi có vấn đề.
Cuối cùng, một nửa trong số các thỏa thuận do Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc ký kết đều quy định rằng bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho một “thực thể của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” tại quốc gia con nợ đều có thể kích hoạt việc trả nợ trước thời hạn.
Ngoài ra còn có một điều khoản quy định rằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao tương đương với một sự vỡ nợ. Và đến 90% các thỏa thuận mà các nhà nghiên cứu Mỹ-Đức nghiên cứu được đều có điều khoản cho phép chủ nợ Trung Quốc yêu cầu hoàn trả tiền trong trường hợp có thay đổi chính trị hoặc luật pháp đáng kể ở quốc gia con nợ.
Đối với Le Monde, rõ ràng là Bắc Kinh đã biến tiền cho vay thành một công cụ bành trướng quyền lực của Trung Quốc.
Nhật báo Singapore ngày 04/04 vừa qua đã nêu bật ví dụ của Achentina gần đây để minh họa cho điều này. Khi chính phủ mới lên nắm quyền tại Buenos Aires vào năm 2016, họ đã có ý định hủy bỏ hai dự án xây đập vì lý do môi trường. Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc, một trong ba định chế Trung Quốc cấp vốn cho các dự án, đã đe dọa sẽ hủy dự án đường sắt chở nông sản Achentina đến các cảng của Chile bên bờ Thái Bình Dương, nếu các dự án đập bị hủy bỏ. CDB đã viện dẫn một điều khoản trong hợp đồng vay nợ, cho phép họ dừng các khoản cho vay trong một dự án nếu bên vay bị vỡ nợ hoặc hủy bỏ một dự án khác của Trung Quốc. Cuối cùng, Achentina đã phải duy trì dự án xây dựng các con đập.
Trang web Louis Vuitton ở TQ, với bản đồ của Baidu thể hiện đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021 |
Giữa lúc đông đảo người Việt đòi tẩy chay hãng H&M và cả các thương hiệu thời trang lớn khác như Gucci, Channel, Louis Vuitton… vì họ sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng đối tượng đáng bị tẩy chay phải là Baidu, hãng công nghệ Trung Quốc đứng sau bản đồ gây tranh cãi.
Như VOA đã đưa tin, kể từ ngày 3/4 đến nay, nhiều người Việt phẫn nộ, kêu gọi không mua, không sử dụng sản phẩm của hãng quần áo Thụy Điển H&M sau khi có tin hãng này tuân thủ yêu cầu của Bắc Kinh phải sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền Trung Quốc.
Hiện tại, trang web của H&M ở Trung Quốc không đăng bản đồ có đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Trong khi đó, VOA nhận thấy các trang web phục vụ thị trường Trung Quốc của một loạt các hãng thời trang nổi danh toàn thế giới như Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, YSL hiện đang sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”.
Ông Ngô Quý Nhâm, nghiên cứu sinh thuộc Đại học PSL (Pháp) với 23 năm nghiên cứu, giảng dạy về kinh doanh quốc tế, chỉ ra với VOA rằng việc bắt buộc các hãng nước ngoài phải sử dụng bản đồ của Baidu thể hiện chủ quyền Trung Quốc, mà Việt Nam coi là sai trái, là một thủ đoạn của chính quyền Bắc Kinh. Ông nói thêm:
“Các tập đoàn đa quốc gia đều cố tránh né các câu chuyện liên quan đến chính trị, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Bản chất ở đây là chính quyền Trung Quốc bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải sử dụng hệ thống bản đồ của Baidu, chứa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, như là ‘đường lưỡi bò’. Vì vậy, tôi nghĩ việc tẩy chay là không thỏa đáng đối với các doanh nghiệp toàn cầu”.
Trung Quốc nhiều năm nay cấm cửa hãng Google của Mỹ, đồng nghĩa là ứng dụng bản đồ Google Map cũng bị vô hiệu hóa ở đất nước có hơn 1,4 tỉ dân.
Baidu chính là công ty đưa bản đồ vệ tinh đó lên, nó có phần ‘đường lưỡi bò’. Đó là hãng trực tiếp làm như vậy, nó đáng bị tẩy chay. |
---|
Chuyên gia Ngô Quý Nhâm |
Trong hoàn cảnh đó, các hãng nước ngoài buộc phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do hãng công nghệ Baidu của Trung Quốc cung cấp.
Các tính năng của Baidu bao gồm bản đồ, tin tức, video, bách khoa toàn thư, phần mềm chống virus, và TV trên internet.
Baidu là công cụ tìm kiếm chiếm thị phần áp đảo ở Trung Quốc, lên đến 78%. Ở tầm thế giới, hãng này đứng thứ 6 về công cụ tìm kiếm.
Chuyên gia về kinh doanh quốc tế Ngô Quý Nhâm đưa ra quan điểm về Baidu:
“Baidu chính là công ty đưa bản đồ vệ tinh đó lên, nó có phần ‘đường lưỡi bò’. Đó là hãng trực tiếp làm như vậy, nó đáng bị tẩy chay”.
Một nhà báo trong nước với gần 20 năm kinh nghiệm viết về lĩnh vực chủ quyền có chung quan điểm với ông Nhâm. Không muốn nêu danh tính vì hiện làm việc tại một báo quốc doanh lớn ở Việt Nam, nhà báo này nói với VOA:
“Cái nguồn cơn, cái thủ phạm chính ở đây mà mình nên chống chính là Baidu, hoặc lớn hơn nữa đó là chính quyền Trung Quốc, với những chủ trương và đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở Biển Đông. Xử lý về gốc, ít nhất là phía Việt Nam phải ngăn chặn Baidu, ngăn chặn những bản đồ của họ phương hại đến chủ quyền của Việt Nam”.
Trang web của Burberry ở TQ, dùng bản đồ của Baidu với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021 |
Vẫn nhà báo chuyên viết về chủ quyền nhận định rằng về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chặn Baidu, như họ từng làm với các trang web khác bị liệt vào diện chống chính quyền, hoặc đi ngược lại lợi ích về chủ quyền của Việt Nam, hoặc các trang đồi trụy.
Tuy nhiên, nhà báo giấu tên cho rằng do vị thế mang tính thống lĩnh của Baidu ở Trung Quốc, nhà chức trách Việt Nam sẽ phải thận trọng hơn khi hành động:
“Baidu là doanh nghiệp quá lớn của Trung Quốc. Ở một chừng mực nào đó, nó như là đại diện của Trung Quốc cho nên Việt Nam cũng có những ngại ngần trong việc chặn, vì việc chặn ở chừng mực nào đó cũng cho thấy thái độ của Việt Nam trực diện với Trung Quốc, thì họ phải cân nhắc về mặt ngoại giao. Nhưng tôi nghĩ xét về mặt lợi ích, chúng ta hoàn toàn có quyền chặn”.
Trong các năm gần đây, có không ít tiền lệ về việc Hà Nội hành động trực diện với Bắc Kinh để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, như không công nhận hộ chiếu Trung Quốc có in bản đồ “đường lưỡi bò”, hay phạt hoặc tiêu hủy các sản phẩm, văn hóa phẩm chứa đựng hay quảng bá cho bản đồ này.
Việc người Việt tẩy chay Baidu nó mang tính biểu tượng, phát ra thông điệp. Điều đó quan trọng. Cách người dân lên tiếng sẽ tác động tới cách xử lý của chính quyền Việt Nam. |
---|
Một nhà báo VN chuyên viết về chủ quyền |
Trong suy nghĩ của mình, nhà báo ẩn danh cho rằng tuy các sản phẩm, dịch vụ của Baidu không phổ biến ở Việt Nam, do đó, việc người dân tẩy chay hãng này không có nhiều tác động về mặt thương mại, kinh doanh, song vẫn sẽ tạo ra hiệu ứng đối với chính phủ Việt Nam:
“Việc người Việt tẩy chay Baidu nó mang tính biểu tượng, phát ra thông điệp. Điều đó quan trọng. Cách người dân lên tiếng sẽ tác động tới cách xử lý của chính quyền Việt Nam. Muốn chính quyền làm việc này quyết liệt hơn, mạnh hơn, thì tiếng nói của người dân ở chừng mực nào đó cũng có tác động, gây áp lực lên chính quyền”.
Về phần mình, chuyên gia về kinh doanh quốc tế Ngô Quý Nhâm nhận định Việt Nam có thể đưa ra cảnh báo với Baidu rằng nếu họ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, họ phải tuân thủ luật của nước chủ nhà, bao gồm không được sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” ở Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ bị cấm.
Tuy nhiên, ông Nhâm cũng cảnh báo rằng Việt Nam cần tính đến những hệ lụy:
“Nếu Việt Nam có hành động cấm đoán như vậy, cũng phải chuẩn bị cho cái hướng là Trung Quốc cũng có thể trả đũa, ngăn chặn những sản phẩm, dịch vụ nhất định của Việt Nam. Nó sẽ phức tạp, nhưng chính phủ Việt Nam chắc vẫn sẽ phải làm vì không một nhà lãnh đạo nào lại mạo hiểm chấp nhận cho phép Baidu đưa hệ thống bản đồ của họ vào hoạt động kinh doanh của họ ở Việt Nam”.
Hồi giữa tháng 7/2012, Baidu ra mắt mạng xã hội ở Việt Nam, nhưng chỉ ít ngày sau, một số báo trong nước, trong đó có Thanh Niên và VietnamNet, chỉ ra rằng mạng xã hội của Baidu gây ra một số quan ngại, đặc biệt là việc thảo luận về chủ quyền biển đảo đang trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Kể từ đó đến nay, không có số liệu về tốc độ phát triển tài khoản người sử dụng và mức độ phổ biển của mạng Baidu ở Việt Nam.
Bản đồ có "đường lưỡi bò" trên trang web của Chanel phục vụ thị trường Trung Quốc, 5/4/2021. |
Trong 3 ngày qua, kể từ hôm 3/4, theo quan sát của VOA, đông đảo người Việt kêu gọi trên mạng xã hội hãy tẩy chay hãng quần áo Thụy Điển H&M vì có tin Bắc Kinh đã thành công trong việc buộc hãng này tuân thủ yêu cầu sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền Trung Quốc.
Sự việc bắt đầu từ tối 1/4, theo tin của Vietnambiz.vn, khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin là H&M “’chiều lòng’ người tiêu dùng Trung Quốc, chấp nhận đổi bản đồ trên website của họ, thêm đường lưỡi bò trái phép”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ về hệ thống cửa hàng, chỉ có danh sách cửa hàng ở các tỉnh, thành trên đất nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam.
Cho đến nay, chưa có thông tin hay hình ảnh cụ thể nào cho thấy H&M in hay sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trong sản phẩm hay nhãn mác của họ.
Khi được VOA hỏi về phản ứng trước những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm H&M ở Việt Nam, hãng của Thụy Điển cho biết “không có bình luận”.
Trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ các cửa hàng. 5/4/2021 |
Giữa làn sóng kêu gọi tẩy chay, chỉ lác đác có vài tiếng nói như của phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh hay nhà báo Hoàng Tư Giang, hai Facebooker có đông người theo dõi, khuyên rằng mọi người ở Việt Nam nên bình tĩnh, tỉnh táo đối với những bài đăng không có nguồn khả tín.
Trong khi đó, VOA nhận thấy các trang web phục vụ thị trường Trung Quốc của một loạt các hãng thời trang lớn nổi danh toàn thế giới thực sự có sử dụng bản đồ thể hiện đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”, trên phần vẽ về Biển Đông.
Đó là các hãng Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, YSL và một số hãng khác. Hầu hết những hãng này không có website riêng cho thị trường Việt Nam.
Trang web của Louis Vuitton ở Trung Quốc, với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021 |
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở đó. Một số nước khác trong khu vực cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền về một phần biển, đảo ở Biển Đông.
Chính quyền Trung Quốc củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ bằng cách phổ biến bản đồ có “đường lưỡi bò”. Đáp lại, chính quyền Việt Nam nhiều lần phản bác và phạt các cá nhân, tổ chức đưa vào hoặc sử dụng bản đồ này ở Việt Nam.
Trang web của Gucci ở Trung Quốc, với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021 |
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học chuyên ngành kinh tế ngoại thương, nói với VOA rằng mặc dù tồn tại thực tế là các hãng làm ăn ở Trung Quốc phải dùng bản đồ “đường lưỡi bò”, song không nên đặt nặng vấn đề là Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ:
Bây giờ chúng ta sẽ tẩy chay Gucci, H&M, tẩy chay Zara, Uniqlo. Xong rồi chúng ta sẽ chuyển sang dùng hàng Quảng Đông à? ... Cách đấy không phải là cách hay. |
---|
PGT-TS Nguyễn Hoàng Ánh |
“Kinh doanh thì các hãng tránh xa các tranh luận về chính trị. Quy tắc kinh doanh quốc tế là ở đâu thì tuân thủ luật pháp của nước đó, nên các hãng buộc phải làm vậy. Trừ khi họ tuyên bố trên website của họ là họ ủng hộ nước nào đấy, thì chúng ta mới thấy như thế là sốc”.
Những người tiêu dùng không thể đòi hỏi các hãng kinh doanh tham gia vào các vấn đề chính trị, bà Ánh nói thêm. Bà cũng lưu ý rằng Trung Quốc là công xưởng sản xuất cho cả thế giới, điều đó đặt người Việt vào thế khó nếu họ muốn tẩy chay bất cứ những gì dính líu đến Trung Quốc khi có mâu thuẫn về chủ quyền:
“Bây giờ chúng ta sẽ tẩy chay Gucci, H&M, tẩy chay Zara, Uniqlo. Xong rồi chúng ta sẽ chuyển sang dùng hàng Quảng Đông à? Tôi tin rằng hàng Quảng Đông trên đấy không in cái bản đồ nào đâu [cười]. Cách đấy không phải là cách hay, chưa kể làm thế có thể gây nên thất nghiệp cho rất nhiều lao động Việt Nam. Cho nên tôi có kêu gọi bạn bè nên cẩn trọng, suy nghĩ sâu xa hơn”.
Trang web của YSL ở Trung Quốc, với đường lưỡi bò trên Biển Đông |
Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Lân Thắng, người cũng tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam, có chung cách nhìn:
Chẳng nhẽ người Việt Nam chúng ta tẩy chay hết tất cả các hãng sản xuất tham gia vào thị trường Trung Quốc à? Tôi cho rằng điều đó rất là phi lý. |
---|
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng |
“Họ là các hãng kinh doanh, hoạt động ở Trung Quốc phải theo luật Trung Quốc. Không chỉ các hãng thời trang phải làm như vậy mà kể cả các hãng ô tô lớn của Đức, Mỹ cũng phải dùng bản đồ của Trung Quốc. Chẳng nhẽ người Việt Nam chúng ta tẩy chay hết tất cả các hãng sản xuất tham gia vào thị trường Trung Quốc à? Tôi cho rằng điều đó rất là phi lý”.
Trung Quốc, với hơn 1,4 tỉ dân có GDP bình quân đầu người xấp xỉ 11.000 đô la năm 2020, là thị trường béo bở được các hãng sản xuất, kinh doanh nước ngoài ưu tiên.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho giới kinh doanh nước ngoài, song quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn quá nhỏ bé khi đặt cạnh Trung Quốc, nước có GDP đạt 14,7 nghìn tỉ đô la vào năm 2020, lớn gấp 37 lần GDP của Việt Nam.
Trang web của Burberry ở Trung Quốc, với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021 |
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA rằng việc người dân Việt Nam bày tỏ thái độ để ủng hộ chủ quyền, lãnh thổ là điều đáng quý nhưng cần làm đúng cách, không thể tràn lan hô hào, có thể gây thiệt hại cho các hãng sản xuất một cách không công bằng.
Phía nhà nước, phía chính phủ Việt Nam quá yếu trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Rõ ràng chính phủ sử dụng tiền thuế của người dân, đại diện cho người dân trong những vấn đề quốc gia, vấn đề quốc tế, thì trách nhiệm trong những chuyện này thuộc về chính phủ. |
---|
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng |
Vẫn ông Thắng lưu ý rằng tiếng nói của người dân không thể thay thế vai trò của nhà nước, mà ông cho rằng nhà nước chưa làm đủ:
“Phía nhà nước, phía chính phủ Việt Nam quá yếu trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Rõ ràng chính phủ sử dụng tiền thuế của người dân, đại diện cho người dân trong những vấn đề quốc gia, vấn đề quốc tế, thì trách nhiệm trong những chuyện này thuộc về chính phủ”.
Tuy nhiên, khác với ông Nguyễn Lân Thắng, nhận định về việc chính quyền Việt Nam nên ứng xử như thế nào trước việc các hãng kinh doanh sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng chừng nào các hãng chỉ sử dụng bản đồ đó ở Trung Quốc và không mang sang Việt Nam, chính quyền Việt Nam không có lý do gì để phản ứng với họ.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Giới kinh doanh quốc tế, gồm cả các hãng thời trang, bị Trung Quốc ép đưa bản đồ Trung Quốc có cả vạch “Lưỡi bò” trên Biển Đông.
Một số báo tại Việt Nam hôm 4 Tháng Tư cho hay, những công ty kinh doanh thời trang, giày dép nổi tiếng trên thế giới bị nhà cầm quyền Bắc Kinh ép sử dụng bản đồ Trung Quốc với Biển Đông có các vạch chủ quyền ngang ngược, bất hợp pháp, nối lại giống hình “Lưỡi bò.”
Bản đồ có các vạch “Lưỡi bò” của Baidu trên trang mạng công ty thời trang Louis Vuitton ở Trung Quốc. (Hình: VTV chụp màn hình) |
Những công ty quốc tế kinh doanh tại Trung Quốc, hiện cũng có những chi nhánh tại Việt Nam, như Uniqlo, Mercedes, Chanel, Gucci, Adidas, Louis Vuitton… thấy báo chí tại Việt Nam nêu tên “khi tìm kiếm vị trí cửa hàng của các thương hiệu này trên web, bản đồ sẽ hiển thị cả “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra.”
Hôm Thứ Bảy, báo chí tại Việt Nam đã đưa tin công ty thời trang H&M (gốc Thụy Điển) có chi nhánh tại Hà Nội và Sài Gòn đang bị giới tiêu thụ ở địa phương kêu gọi tẩy chay. Họ phản ứng khi có thông tin nói hãng này đăng hình bản đồ Trung Quốc với các vạch “Lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Đông, nuốt luôn cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo Wall Street Journal đưa tin, mới đây nhà cầm quyền thành phố Thượng Hải ở Trung Quốc cho biết: “Người dùng Internet phản ảnh với bộ phận quản lý trang web của H&M về tấm bản đồ Trung Quốc ‘có vấn đề.’ Cục Tài Nguyên Thượng Hải đã yêu cầu H&M chỉnh sửa và hãng đồng ý chỉnh sửa ngay lập tức.” Truyền thông Trung Quốc không cho biết bản đồ “có vấn đề” thật sự là gì.
Tuy nhiên hãng thông tấn AP, ngày 2 Tháng Tư, nói công ty H&M bị áp lực của người tiêu thụ và nhà cầm quyền Trung Quốc, nên sửa thêm mấy vạch “Lưỡi bò” vào phần Biển Đông. Trước tin tức như thế, giới tiêu thụ tại Việt Nam phẫn nộ.
Theo báo Zing, trên trang Fanpage H&M Việt Nam, hàng loạt người tiêu dùng trong nước đã kêu gọi tẩy chay sau khi thông tin H&M “thay đổi bản đồ online” theo yêu cầu của Trung Quốc. Các bài đăng tải nhận được hàng chục ngàn lượt theo dõi, bình luận bày tỏ sự phẫn nộ, phản đối, đòi tẩy chay H&M tại Việt Nam.
Trung Quốc với 1.3 tỷ người là một thị trường tiêu thụ mênh mông. Giới kinh doanh quốc tế muốn làm ăn tại thị trường khổng lồ này không thể không bị nhà cầm quyền độc tài đảng trị ở Bắc Kinh làm áp lực.
Sang ngày Chủ Nhật, một số cơ quan truyền thông của CSVN, gồm cả tờ báo điện tử Tin Tức (một bộ phận của TTXVN), VTC News, Thanh Niên theo nhau đưa tin kiểu báo động không phải chỉ có H&M, mà các các công ty “hàng hiệu, xa xỉ” khác cũng bị Bắc Kinh lôi vào làm công cụ tuyên truyền chính trị.
Bản đồ Trung Quốc với hình “Lưỡi bò” trên trang mạng của công ty thời trang Uniqlo ở Trung Quốc. (Hình: VTC chụp màn hình) |
Cuối Tháng Tám năm ngoái, Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Ðiện Tử Trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN đòi công ty Netflix “thực hiện rà soát, loại bỏ những bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền, pháp luật Việt Nam.” Trong đó có phim “Put your head on my shoulder” (chuyển tựa đề bộ phim sang tiếng Việt là: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta) lại “có chứa đường lưỡi bò.”
Sáu tháng trước đó, tổng giám đốc công ty Bayer Việt Nam là bà Lynette Moey Yu Lin (người Malaysia gốc Hoa) bị Sở Thông Tin và Truyền Thông Sài Gòn xử phạt và tịch thu điện thoại vì “gửi tập tài liệu bài học có nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 cho chín người chứa bản đồ in hình đường lưỡi bò, đường chín đoạn, vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.”
Phim ảnh, tài liệu học tập, quần áo, bản đồ hướng dẫn lái xe, hộ chiếu, hay nói chung bất cứ cái gì có thể giúp Bắc Kinh cơ hội tuyên truyền chủ quyền ăn cướp trên Biển Đông, đều được họ tận dụng quảng cáo với thế giới, đặc biệt là cơ hội xâm nhập vào Việt Nam. (TN) [kn]
Lê Quang
4-4-2021
Vì đã từng tham gia tư vấn một số dự án lớn của Hongkong và Đại lục nên tôi xin phép được kể một thực tế mà không phải ai cũng nắm được.
Thông thường khi làm đồ án ở nước ngoài, các nước châu Âu thường có hồ sơ dữ liệu đô thị rất mạnh nên dư liệu từ nhà đầu tư giao cho các văn phòng kiến trúc rất chi tiết. Tuy nhiên ở các đồ án châu Á thì nguồn dữ liệu thường khan hiếm và thiếu đồng bộ, do đó dữ liệu từ google map vẫn là nguồn mà kts thường tham khảo nhiều nhất (đặc biệt là về địa hình do các bản scan qua vệ tinh ngày nay của google earth có độ chính xác chấp nhận được ở tỷ lệ 1/2500)
Mặc dù vậy, cách này đã không còn làm việc được ở trên vùng lãnh thổ của TQ cho đến cuối năm 2015. Nếu bạn thử tìm dữ liệu bản đồ của một khu đất tại TQ, kết quả cho ra có sai số giữa hình ảnh vệ tinh và đường xá lên tới hàng trăm mét. Nếu để overlap hai lớp thông tin lên nhau, ta thu được 2 bản đồ đặt chồng lên nhau nhưng lệch ra khỏi toạ độ gốc rất nhiều. Điều này dẫn tới việc dữ liệu ấy không thể sử dụng để phân tích giao thông hay hiện trạng, không sử dụng được gps hay các ứng dụng lái xe.
Nguyên nhân là bởi luật an ninh mạng của chính phủ TQ không chấp nhận sự có mặt của google earth trên lãnh thổ của họ. Nếu muốn sử dụng dữ liệu bản đồ của TQ chúng ta sẽ phải sử dụng những trình duyệt riêng do TQ cung cấp (với chất lượng không thua kém google map, chỉ có điều là nó sẽ chỉ có bản đồ của TQ ở độ phân giải cao còn nếu đi ra ngoài lãnh thổ ấy thì chất lượng rất thấp).
Những trình duyệt này đều sử dụng tiếng Trung và không có một lựa chọn ngôn ngữ nào khác. Hình ảnh vệ tinh này nếu đặt ra so sánh với dữ liệu của google thì chúng luôn có vẻ “tươi đẹp” hơn, xanh mát và ưa nhìn.
Nếu công ty của bạn đặt chi nhánh tại TQ, điều đó có nghĩa là bạn buộc phải sử dụng các ứng dụng này, từ pick location cho địa chỉ văn phòng cho tới việc hoà vào các dịch vụ điện toán, internet, logistics.v..v có nhiều người vì sở thích nên vẫn cố cài đặt VPN trên máy tính hoặc điện thoại để sử dụng dịch vụ của googlemap nhưng điều đó là vô nghĩa khi 2 lớp thông tin bị lệch nhau. Nếu bạn từng sống tại Thượng Hải, Thẩm Quyến, Bắc Kinh, chỉ sau 1 tháng, kí ức của bạn về google hay các ứng dụng của phương Tây sẽ trở nên rất nhạt nhoà – vì đơn giản là ta không dùng được và chúng ta trên thực tế hiện đang sống phụ thuộc vào các hệ thống dữ liệu nhiều hơn mình tưởng rất nhiều.
Có nghĩa là chính phủ TQ đã tạo ra hệ thống bản đồ của riêng họ cho một thị trường 1.5 tỷ dân cùng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đến làm ăn tại đây. Nó có nhiều khác biệt với các hệ thống bản đồ mà chúng ta đã quen mặt đặt tên và không có gì là lạ khi Luật an ninh mạng và Luật bản đồ của Bắc Kinh được áp dụng triệt để trên các website và ứng dụng này. Bạn sẽ luôn nhìn thấy đường 9 đoạn, luôn nhìn thấy quần đảo Điếu Ngư cùng với Đài Loan nằm trong lãnh thổ TQ. Nếu ta đặt chân đến đó, nó không phải là chọn lựa mà là việc anh có muốn lái xe, muốn sử dụng internet hay có muốn thuê nhà hay không, không có lựa chọn nào khác.
Đó là một kế hoạch được nghiên cứu và triển khai bài bản nhằm thúc đẩy chính sách mềm nội địa và ngoại giao của họ. Ngày nay việc trưng ra một tấm bản đồ không chỉ là một hình vẽ hay một tờ giấy, nó là đối diện với cả một hệ thống cơ sở dữ liệu, một chế độ kiểm soát thông tin.
Để đối diện với nó điều cần thiết là nắm được thông tin và cư xử một cách hợp lý. Tất nhiên nếu chúng ta sống ở VN, ta chẳng có lý do gì để sử dụng các hệ thống dữ liệu ấy nhưng điều trớ trêu là không phải ai cũng như vậy, trong bối cảnh là TQ đã có một vị trí quá lớn trong chuỗi cung ứng mà mọi hành động cực đoan của người tiêu dùng có khi chỉ củng cố cho vị trí ấy ngày một vững chắc mà thôi.
Nếu bạn muốn kiểm chứng, mời bạn lên google map xem.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hãng thời trang H&M đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và bị người tiêu dùng ở Việt Nam kêu gọi tẩy chay, sau khi có thông tin cho là hãng này đăng hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò phi pháp.
Theo Wall Street Journal, mới đây chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: “Người dùng Internet phản ảnh với bộ phận quản lý trang web của H&M về tấm bản đồ Trung Quốc ‘có vấn đề.’ Cục Tài Nguyên Thượng Hải đã yêu cầu H&M chỉnh sửa và hãng đồng ý chỉnh sửa ngay lập tức.” Song, truyền thông Trung Quốc không cho biết bản đồ “có vấn đề” cụ thể là gì.
Nhiều bài viết yêu cầu H&M rút khỏi Việt Nam. (Hình: Thanh Niên) |
Trong khi đó hãng thông tấn AP, hôm 2 Tháng Tư, cho biết dưới sức ép của người tiêu dùng và Cộng Sản Trung Quốc, hãng thời trang Thụy Điển đồng ý chỉnh sửa bản đồ Trung Quốc “có thêm đường lưỡi bò.”
ABC News cũng đưa tin, H&M thông báo “đã sửa” bản đồ trên trang mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện tại người tiêu dùng không tìm được bản đồ nào trên website của thương hiệu thời trang 74 tuổi này.
Ngay trong tối cùng ngày, làn sóng tẩy chay H&M nhanh chóng phủ sóng khắp các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Các hashtag #BoycottHM, #TaychayHM, #HMgetoutofVietNam, #HoangsaTruongSabelongtoVietNam…, bắt đầu xuất hiện liên tục trong nhiều bài viết.
Theo báo Zing, trên trang Fanpage H&M Việt Nam, hàng loạt người tiêu dùng trong nước đã kêu gọi tẩy chay sau khi thông tin H&M “thay đổi bản đồ online” theo yêu cầu của Trung Quốc. Các bài đăng tải nhận được hàng chục ngàn lượt theo dõi, bình luận bày tỏ sự phẫn nộ, phản đối, đòi tẩy chay H&M tại Việt Nam.
“Sao thương hiệu quốc tế lại đi ủng hộ đường lưỡi bò, trong khi các nước lớn trên thế giới còn đang lên án chính sách bành trường trên biển Đông của Trung Quốc. Tôn trọng người dùng Trung Quốc, mà sao lại coi thường người tiêu dùng Việt Nam?,” người có tên Gia Phát bày tỏ quan điểm.
“Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin, xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền,” người có tên Tuan Phi Luong phẫn nộ.
Trên trang cá nhân của mình, chị Hoàng Hải Yến bất bình viết: “Tôi là người Việt Nam, trong tủ đồ của tôi sẽ không có đồ H&M. Cả nhà tôi cũng thế.” Trong khi đó, anh Trần Ngọc bày tỏ: “Quá thất vọng với thương hiệu này!”
Chưa hết, theo báo Thanh Niên, nhiều diễn viên, người mẫu của Việt Nam cũng lên tiếng phản đối. Trên trang Facebook cá nhân, người mẫu Hồng Quế bày tỏ sự tức giận: “Tự dưng cảm thấy ghê tởm! Muốn lục tung tủ đồ quần áo của hai mẹ con vứt hết đồ H&M ngay bây giờ.”
Diễn viên Đình Tú thì cho biết “cảm giác xấu hổ” khi từng có bài đăng về H&M khi anh tham gia sự kiện ra mắt cửa hàng này tại Hà Nội vào bốn năm trước. Thậm chí, anh còn dứt khoát xóa bài đăng cũ và muốn “mời” thương hiệu này ra khỏi Việt Nam.
Báo Phụ Nữ Việt Nam cho hay đã truy cập vào trang web của H&M vào lúc 5 giờ chiều ngày 3 Tháng Tư, nhưng “không thấy có bản đồ chỉnh sửa ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc. Nhiều hình ảnh được người dùng mạng đăng tải chỉ là các hình cũ trước đây.”
Trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia Marketing, cho rằng người tiêu dùng “hãy bình tĩnh, chờ phía hãng thời trang lên tiếng. Nếu họ làm sai, chúng ta có quyền tẩy chay khi họ không tôn trọng thị trường Việt Nam.”
Dân mạng chia sẻ trang Facebook chính thức của H&M để cộng đồng tẩy chay. (Hình: Facebook diễn viên Chiều Xuân) |
Tại Việt Nam, H&M mở cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn vào Tháng Chín, 2017. Chỉ hai tháng sau, H&M tiếp tục mở cửa hàng tại Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm năm cửa hàng ở Hà Nội, bốn cửa hàng ở Sài Gòn và ba cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.
Thị trường Việt Nam được đánh giá “có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh của H&M” và thương hiệu này cũng không giấu tham vọng trở thành “điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam” trong những năm tiếp theo.
Trước đó, Trung Quốc chỉ trích dữ dội H&M và một số thương hiệu thời trang ngoại quốc vì tuyên bố “không sử dụng bông Tân Cương.” Thời gian qua, chính phủ Mỹ và Châu Âu trừng phạt một số quan chức Trung Quốc vì chính sách của Bắc Kinh đối với Tân Cương.
Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc. Thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa. Cuối Tháng Ba vừa qua, H&M tuyên bố “đang nỗ lực hết sức để lấy lại niềm tin của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh ở Trung Quốc.” (Tr.N) [qd]
Lê Minh Nguyên
3-4-2021
Hôm Thứ Sáu 2/4 bộ trưởng ngoại giao Phi, ông Teodore Locsin, gặp người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh, để thuyết phục Bắc Kinh rút hơn 200 tàu ra khỏi khu vực Đá Ba Đầu.
Trong khi đó, Trung Quốc theo chiến lược gặm nhấm, các tàu này là khởi đầu của việc xác lập sự hiện diện liên tục của dân quân biển Trung Quốc, dẫn đến việc chiếm hữu lâu dài.
Trong địa ốc, sự chiếm ngang (adverse possession) hay còn gọi là quyền của người chiếm đất (squatter’s right) là một nguyên tắc pháp lý, theo đó một người không có quyền sở hữu hợp pháp một tài sản nào đó không thuộc của mình, thường là bất động sản, sẽ được quyền sở hữu hợp pháp nó, dựa trên việc sở hữu hoặc chiếm giữ liên tục tài sản này NẾU chủ hợp pháp không chính thức phản đối trong một khoảng thời gian nhất định được ghi trong luật.
Việc Phi mạnh mẽ lên tiếng phản đối làm cho việc Trung Quốc muốn chiếm ngang này không có hiệu lực pháp lý, dù là chiếm giữ liên tục. Nhưng nếu Việt Nam không mạnh mẽ lên tiếng phản đối thì sau này VN bị mất quyền pháp lý.
***
Đá Ba Đầu (phải) nằm trong cụm đảo Sinh Tồn. Ảnh trên mạng |
Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi. TQ đã làm tương tự với Đá Vành Khăn vào năm 1995 và Scarborough năm 2012.
Theo một vị giáo sư của Đại Học Luật Phi, Trung Quốc muốn vụ này được giải quyết nhanh chóng để không tổn hại đến hình ảnh mà Trung Quốc muốn chứng tỏ, đó là hình ảnh một đối tác đáng tin cậy và hữu ích trong khu vực.
Trung Quốc muốn Phi bảo đảm là vấn đề sẽ được giải quyết càng nhanh chóng và càng êm thắm càng tốt, tức nhượng bộ Trung Quốc, đừng dựa vào Mỹ mà cương cứng với Trung Quốc. Bù lại, Trung Quốc sẽ giúp vaccine Covid-19, mua hàng… Cho nên việc ông Locsin muốn Trung Quốc rút tàu đi khó mà xảy ra.
Đá Ba Đầu nằm trong cụm Sinh Tồn (Union Banks) và Trung Quốc muốn chiếm cả cụm này. Sau chuyến bay tuần tra của quân đội Phi ngày 30/3 để giám sát các tàu Trung Quốc, hôm 1/4 họ cho biết Trung Quốc đã xây thêm những cấu trúc nhân tạo trái phép trên cụm Sinh Tồn gần Đá Ba Đầu.
Cũng trong đợt tuần tra này, Phi phát hiện 4 tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại Đá Vành Khăn, mà 3 trong số 4 tàu này là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022. Các chỉ dấu này cho thấy, Trung Quốc đang tiên lễ hậu binh với Phi.
Trước khi lên đường đi Bắc Kinh, ông Locsin đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc bắn rơi máy bay Phi trong khu vực Đá Ba Đầu và theo ông, trong trường hợp đó, “Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra hoặc là uy tín của Mỹ sẽ tiêu tan“. Điều này cho thấy, Phi đang dựa vào sự bảo vệ của Mỹ để cứng rắn với Trung Quốc. Quân đội và các nhà ngoại giao Phi giờ đây công khai tố cáo các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, sau nhiều năm không lên tiếng chỉ trích.
Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư 31/3 giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và đồng nhiệm Phi Esperon, về diễn biến mới nhất ở Biển Đông, hai bên đã cam kết sẽ tiếp tục “phối hợp chặt chẽ” và Mỹ tái khẳng định hiệp ước phòng thủ chung giữa hai quốc gia “sẽ được áp dụng” trong trường hợp Phi bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Phi hiện trong tình thế khó xử: Hành động kiên quyết chống lại đội tàu Trung Quốc thì có nguy cơ làm bùng nổ xung đột, nhưng nếu không hành động thì có nguy cơ dân Phi phẫn nộ và cụm Sinh Tồn sẽ vào tay Trung Quốc.
Xem ra xung đột vũ trang trên biển giữa Trung Quốc và Phi rất là khó tránh. Mỹ không thể nhất hoá tam (Vành Khăn, Scarborough, cụm Sinh Tồn) nhượng bộ Trung Quốc mãi để không còn ai tin.
Biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Canada ở Washington kêu gọi Canada và các nước coi việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là phạm tội diệt chủng. Ảnh chụp ngày 19/02/2021. REUTERS - LEAH MILLIS |
The Economist nhận định « Trung Quốc tin chắc phương Tây đang trên đà suy tàn không thể cứu vãn ». Giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng đây là thời cơ của mình và vội vàng nắm lấy.
Bắc Kinh thô bạo hơn, với chủ nghĩa dân tộc hung hăng
Khao khát trở nên giàu có và hùng mạnh, 40 năm qua Trung Quốc hiếp đáp những nước yếu hơn và thận trọng đối với bất cứ nước nào có khả năng trả đũa. Tuy nhiên gần đây Bắc Kinh dường như đã thay đổi trong cách tính toán rủi ro. Trước hết, Dương Khiết Trì đã lên mặt giảng đạo đức cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Alaska, và sau đó được coi như người hùng tại Hoa lục. Tiếp theo, Bắc Kinh trừng phạt các chính khách, nhà ngoại giao, giáo sư, luật sư, nhà hoạt động dân chủ Anh, Canada, châu Âu, để trả đũa các trừng phạt của phương Tây về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Gần đây nhất ngành ngoại giao và tuyên truyền Trung Quốc ra sức nói rằng các báo cáo về cưỡng bức lao động để sản xuất bông ở Tân Cương là « dối trá, bóp méo thông tin », hoan nghênh các công dân đã tẩy chay những thương hiệu nước ngoài từ chối sử dụng bông Tân Cương. Một lãnh sự Trung Quốc còn tweet rằng thủ tướng Canada là « con chó theo đuôi Mỹ » !
Dân tộc chủ nghĩa hung hăng khiến các nhà ngoại giao phương Tây nhìn Bắc Kinh một cách sững sờ. Các đặc sứ bị triệu mời vào nửa đêm để nghe các quan chức nói rằng Trung Quốc không phải như cách đây 120 năm, khi các đạo quân ngoại quốc và những khẩu đại bác buộc Thanh triều phải mở cửa. Một số coi đây là bước ngoặt của ngoại giao Trung Quốc, một nhà ngoại giao kinh nghiệm có nhận xét đáng buồn là Bắc Kinh coi phương Tây là vô kỷ luật, yếu đuối, tìm cách chà đạp dưới chân.
« Phương Đông trỗi dậy, phương Tây đang tàn lụi »
Tại Mỹ và một số nước, có những tiếng nói cho rằng Trung Quốc đã sai lầm khi tỏ ra vụng về, hấp tấp. Khả năng Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn hiệp ước đầu tư với Trung Quốc nay trở nên mong manh, sau khi Bắc Kinh trừng phạt nhiều nghị sĩ châu Âu.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng sự quyết đoán của họ là hợp lý. Thứ nhất, họ tin Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong một trật tự thế giới mới. Tại Liên Hiệp Quốc, đa số nhà nước thành viên ủng hộ Trung Quốc - chủ nợ không thể thay thế, người xây dựng hạ tầng cơ sở và cung cấp công nghệ giá phải chăng, kể cả hệ thống giám sát cho các chế độ độc tài đang lo sợ bị lật đổ.
Thứ hai, Trung Quốc ngày càng chắc chắn rằng nước Mỹ đang suy tàn một cách lâu dài và không thể đảo ngược, cho dù các nước phương Tây quá ngạo mạn và kỳ thị để có thể chấp nhận « phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang tàn lụi » - theo cách nghĩ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Nay Trung Quốc làm đau theo liều lượng được tính toán để gây sốc cho phương Tây, cho đến khi họ chịu nhận ra rằng trật tự cũ do Mỹ dẫn đầu đang kết thúc.
Trung Quốc, đất nước đang có quá nhiều kẻ thù
Những người đang cai trị Trung Quốc duy trì quyền lực bằng cách thuyết phục các công dân rằng thịnh vượng, an ninh và sức mạnh quốc gia đòi hỏi một đảng độc quyền có bàn tay sắt. Lợi ích của đa số được đặt lên trên thiểu số : các nông dân bị trục xuất để xây đập thủy điện, các sắc dân thiểu số bị cải tạo để trở thành những người lao động ngoan ngoãn, các nhà ly khai bị bịt miệng.
Không ít quan chức ở Hoa lục tin rằng trật tự được xây dựng sau 1945 với nhân quyền, các chuẩn mực và quy định giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, là trở ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu tuân theo các quy tắc này, Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu. Trong một Trung Quốc kiêu ngạo và hoang tưởng, một số quan chức tin rằng EU sẽ sớm bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến Tân Cương, bởi vì châu Âu không thể phục hồi sau đại dịch mà không có Bắc Kinh.
Các quan chức Trung Quốc khác lo lắng rằng đất nước của họ đang tạo ra quá nhiều kẻ thù. Tiếc thay, số này không đông đảo bằng những người cho rằng Trung Quốc bị ghét bỏ vì phương Tây ganh tị đối với thành công của họ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài, rõ ràng là đầy nguy hiểm cho Trung Quốc lẫn phương Tây.
Mạng lưới tay chân tuyên truyền giùm Trung Quốc tại Pháp
Trong số báo cuối tuần, Libération có bài điều tra tiết lộ, để bù đắp lại sự hạn chế của các chiến lang hung hăng, Trung Quốc còn dựa vào các tay trong ở Pháp để mở rộng ảnh hưởng, phổ biến những lời lẽ hoa mỹ về Tân Cương.
Biển Đông, Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, Con đường tơ lụa, Covid-19…Dù là đề tài nào, Bắc Kinh cũng muốn dẫn dắt câu chuyện theo hướng của mình, đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. Những ai lên tiếng tố cáo việc viết lại lịch sử, như chuyên gia Antoine Bondaz, bị tấn công không thương tiếc : bị đại sứ quán Trung Quốc gọi là « tiểu tốt », « linh cẩu điên »…Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có mạng lưới gồm « trí thức, chính khách, nhà báo, mà các lời lẽ của họ được báo chí Hoa lục dùng để tuyên truyền » - theo Marc Julienne của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).
Cuốn sách của nhà văn Maxime Vivas « Duy Ngô Nhĩ : Chấm dứt với fake news » là một trong những ví dụ mới nhất. Tác giả là một người về hưu ở Toulouse, không biết tiếng quan thoại lẫn Duy Ngô Nhĩ, đưa ra những lý lẽ không khác kiểu tuyên truyền của Bắc Kinh và ngay từ đầu tháng Ba đã được Vương Nghị dùng để chứng minh về các « trại huấn nghệ ». Phía sau cuốn sách này là nhà xuất bản bí ẩn mang tên « Con đường tơ lụa », được thành lập năm 2017 bởi một người Pháp tên Sonia Bressler. Bà này tự giới thiệu là « chuyên gia về ngôn ngữ và truyền thông gây ảnh hưởng », nói với Libération là « phải có khả năng nghe một tiếng nói khác ».
Những « chuyên gia » nói theo giọng điệu Bắc Kinh
« Kiểu nói khác » ấy, bà Bressler rất quen. Thường xuyên trả lời phỏng vấn Hoàn Cầu Thời Báo với tư cách « chuyên gia về Trung Quốc », bà khẳng định Tân Cương là nơi « các dân tộc sống hài hòa với nhau », còn trên Nhân Dân Nhật Báo, thì nói rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được « các tập đoàn đa quốc gia phương Tây » tài trợ.
Ngoài cuốn sách của Maxime Vivas, nhà xuất bản của Sonia Bressler còn ấn hành tạp chí Đối thoại Trung-Pháp, phối hợp với ban biên tập Trung Quốc Ngày Nay – một ấn bản thuộc sở hữu của China International Publishing Group, định chế công được Mao Trạch Đông lập ra, đặt dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản.
Trên Đối thoại Trung-Pháp có thể đọc được những bài của các nhân vật quan trọng thân Bắc Kinh như cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cựu ứng cử viên tổng thống Pháp François Bayrou. Tạp chí này còn có một « ban chuyên gia », trong đó có Christian Mestre, trưởng khoa danh dự trường đại học Strasbourg, từng bị Le Point tố cáo trong một bài điều tra và sau đó chối bỏ các tuyên bố về Duy Ngô Nhĩ, cho rằng mình đã bị Bắc Kinh lợi dụng.
Đài truyền hình Trung Quốc chế ra một « nhà báo Pháp » ảo
Trang web của Le Monde cho biết đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN tiếng Pháp thậm chí còn sáng tác ra một « nhà báo Pháp độc lập » mang tên Laurène Beaumond, bác bỏ các cáo buộc về đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Nhân vật này cho biết đã sống 7 năm ở Trung Quốc và « do một sự tình cờ, có thân nhân sống tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương ».
Vấn đề là « Laurène Beaumond » không hiện hữu ! Nhật báo uy tín đã kiểm tra, không có ai trong danh sách của Ủy ban cấp thẻ nhà báo Pháp mang tên này, trong khi theo CGTN thì người phụ nữ « có hai bằng cử nhân về lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học của Sorbonne cùng với một bằng thạc sĩ báo chí, từng làm việc cho nhiều tờ báo trước khi đến Bắc Kinh ».
Chuyên gia Antoine Bondaz phát hiện tài khoản mang cái tên giả mạo này được lập trên Twitter vào cuối năm 2020, bênh vực cho Bắc Kinh về dịch bệnh từ Vũ Hán. Ông cho biết không thể nào tưởng tượng được việc một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc lại sáng tạo ra cả một nhà báo ảo.
Biden, đại diện cho thế giới tự do trong cuộc chiến tranh lạnh mới ?
Nhìn sang Hoa Kỳ, nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 4/2021 khen ngợi kế hoạch tái thúc đẩy 1.900 tỉ đô la của tân tổng thống Joe Biden (tương đương 10% GDP Hoa Kỳ), coi đây là chương trình mang tính xã hội nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trên 100 triệu người Mỹ có thu nhập dưới 75.000 đô la/năm đã nhận được tấm chi phiếu 1.400 đô la, trong khi từ một phần tư thế kỷ qua, đa số Nhà nước phương Tây đặt mức trần thu nhập ngày càng thấp. Hiện thời ít thấy ai phàn nàn, ngoài báo chí chuyên về tài chính và…Trung Quốc cộng sản.
Tuần báo L’Obs được cho là thiên tả, trong bài « Joe Biden, tổng tư lệnh thế giới tự do » nhận định, nhân vật được cho là mềm yếu này đã đưa ra vô số tuyên bố gây sốc đối với Bắc Kinh, Matxcơva và các chế độ độc tài. Ông kêu gọi các nền dân chủ đoàn kết lại, gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây.
Nếu cuộc gặp đầu tiên giữa chính quyền Donald Trump và phái đoàn Trung Quốc diễn ra trong thời tiết ấm áp ở Mar-a-Lago (Florida), thì các viên chức của Biden tiếp xúc với phía Bắc Kinh trong giá lạnh của Anchorage (Alaska). Không khí cũng lạnh lẽo : phát biểu ngắn gọn nhưng gay gắt của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và Dương Khiết Trì trả đũa đến 16 phút, đốp chát rằng « Hoa Kỳ không có tư cách gì để nói chuyện với Trung Quốc trên tư thế kẻ mạnh ».
Chiến tranh lạnh mới chăng ? Hơn 70 năm sau « cold war », thế giới đã thay đổi hẳn. Điểm giống nhau là chạy đua quân sự Mỹ-Trung ngày càng gắt gao cộng với cạnh tranh khoa học, công nghệ ; đối đầu giữa hai quan điểm chính trị và kinh tế hết sức khác biệt. Đối mặt với Trung Quốc không chỉ có Hoa Kỳ mà cả phương Tây dân chủ tự do. Tuy nhiên điều khác biệt là phương Tây và Trung Quốc có mối liên hệ chằng chịt về kinh tế.
Dư luận phương Tây ác cảm với Trung Quốc chưa từng thấy
Chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS nhấn mạnh, công nghệ hiện đóng vai trò trung tâm, còn đối với giáo sư Aaron Friedberg, cựu trợ lý an ninh quốc gia thời George W. Bush, cạnh tranh công nghệ trước đây thiên về quân sự, nay mang cả tính kinh tế. Thế giới cũng không chia làm hai khối rõ rệt mà phức tạp hơn nhiều, ngay cả phía các chế độ độc tài, cho dù Nga và Trung Quốc có vẻ thuận thảo hơn so với cách đây nửa thế kỷ.
Theo Bonnie Glaser, cả hai nước cùng muốn phá hoại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và trật tự quốc tế - Matxcơva muốn lật đổ còn Bắc Kinh muốn thay đổi. Họ cùng sợ hãi các « cuộc cách mạng màu ». Vladimir Putin và Tập Cận Bình gặp nhau nhiều lần, nhưng khi Putin gợi ra khả năng liên minh, Trung Quốc làm ngơ : Bắc Kinh không muốn bị dắt dây vào các lò lửa xung đột của Nga.
Rốt cuộc theo L’Obs, dư luận quần chúng sẽ quyết định xem một phần của thế giới hướng có về một dạng chiến tranh lạnh mới hay không. Tại Hoa Kỳ và châu Âu, cái nhìn đối với Bắc Kinh đã lạnh lẽo đi một cách ngoạn mục, với 73% người Mỹ ác cảm với Trung Quốc, theo thăm dò của Pew Research Center. Nhưng họ cũng không muốn lao vào một cuộc chiến. Dư luận Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, hay Mỹ đánh vào Iran, Bắc Triều Tiên ?
Hiện chưa đến nỗi như thế. Đối với Nga, ê-kíp Biden đã nhanh chóng đàm phán về việc gia hạn hiệp ước START nhằm hạn chế vũ khí nguyên tử. Còn với Trung Quốc, khi cuộc họp với những lời đả kích công khai ở Anchorage vừa kết thúc, không còn những camera và máy ảnh, đôi bên đã lại họp kín và thảo luận một cách nghiêm túc hơn.
Chính sách ngoại giao hai mặt của Joe Biden
Cũng về nước Mỹ, bài xã luận của tuần báo cánh hữu Le Point đề cập đến « Ngoại giao hai mặt của Joe Biden ». Tân tổng thống muốn tỏ ra đạo đức hơn người tiền nhiệm, nhưng ngoại giao và đức độ không phải lúc nào cũng có thể đi chung với nhau.
Trong suốt bốn năm qua, ông Donald Trump bị cáo buộc gây rối loạn quan hệ quốc tế, làm hại cho mối liên hệ với các đồng minh của Mỹ. Ông Biden cách đây một năm hứa hẹn trong nhiệm kỳ của mình, nước Mỹ sẽ lại « lãnh đạo thế giới », « dân chủ tự do sẽ chiến thắng phát xít độc tài ». Gần 100 ngày sau khi nhậm chức, Biden đã thực hiện được phần đầu : hòa thuận với các đồng minh châu Âu, châu Á, cứng rắn với Bắc Kinh và Matxcơva.
Tuy vậy phần thứ hai có vẻ ngoài tầm với. Dù tổng thống Trump đã ra đi, thế giới vẫn hỗn loạn, mà đại dịch chỉ là một lý do. Những đả kích của Biden không làm Trung Quốc và Nga sợ hãi mà còn xích lại gần với nhau. Tân tổng thống không có giải pháp nào cho Afghanistan, sự trở lại của phe Taliban khó thể tránh khỏi. Bắc Triều Tiên thách thức bằng hỏa tiễn, Iran thản nhiên gia tăng làm giàu uranium cho quả bom nguyên tử tương lai.
« Đạo đức giả » về di dân và vac-xin
Tân tổng thống trừng phạt « kẻ sát nhân » Putin và các quan chức Trung Quốc « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tránh mạt sát thái tử Ả Rập Xê Út vì quá cần Riyad để chống lại Teheran. Tương tự với Erdogan, tuy Biden không liên lạc nhưng ngoại trưởng Mỹ lặp lại Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu đời.
Đạo đức giả còn về vấn đề nhập cư : Joe Biden khi tranh cử tố cáo việc tách rời trẻ vị thành niên di dân với cha mẹ. Không những chính sách này vẫn tiếp tục, mà số lượng trẻ em chen chúc trong các trại ở biên giới Mêhicô tăng lên đến 60% trong tháng đầu nhiệm kỳ. Về vac-xin cũng vậy, tân tổng thống giữ lại đa số đã sản xuất được, áp dụng khẩu hiệu « Nước Mỹ trước hết » của người tiền nhiệm mà ông cho là đáng xấu hổ.
Joe Biden không phải là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bị rơi vào khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế. Donald Trump tránh được nghịch lý này vì không quan tâm đến Nhà nước pháp quyền bên ngoài nước Mỹ. Biden theo xu hướng đạo đức đang lên của cánh tả Mỹ, nhưng Le Point phê phán, khi dùng nhân quyền làm công cụ chống lại các chế độ độc tài, ông lại bên trọng bên khinh.
Paris hoang vắng trong mùa dịch
Courrier International tuần nàydành hồ sơ cho « Một Trung Đông mới », còn L’Express chạy tựa « Thời kỳ hậu dầu lửa đã bắt đầu ». Trang bìa The Economist có hình vẽ một lá cờ châu Âu rách te tua, với câu hỏi « Có điều gì sai ? » (trong việc xử lý đại dịch). L’Obs đăng ảnh ba phụ nữ thuộc ba thế hệ khác nhau, nhân kỷ niệm 50 cuộc đấu tranh về quyền phá thai ở Pháp. Cựu thủ tướng Édouard Philippe chiếm trang nhất Le Point nhân việc ông trình làng cuốn sách nói về đời sống chính trị Pháp.
Về y tế, nước Pháp vừa bước vào đợt phong tỏa thứ ba. Theo mô tả của nhà báo Patrick Besson trên Le Point, một Paris tháng Tám đã bắt đầu ngay từ cuối tháng Ba. Người dân đổ xô ra khỏi thủ đô cứ như là đã giữa mùa hè. Paris không du khách - họ vẫn ở lại nước mình, không giới trưởng giả - đang lánh dịch ở các nhà nghỉ mùa hè. Đại lộ Clichy vắng lặng, khu sex shop không người. Dấu hiệu của cuộc sống là hàng người trước một phòng thí nghiệm, để xét nghiệm hoặc chích ngừa. Quán cà phê nổi tiếng « Sans souci » (Vô tư lự) đóng cửa. Những dãy taxi với ánh đèn xanh đáng buồn trên nóc cho thấy không có khách, có nghĩa là họ không có việc làm. Taxi lại còn bị cạnh tranh bởi xe buýt – giờ đây chạy nhanh hơn vì ít khách không phải dừng nhiều trạm, và không còn ai kiểm soát vé. Kim tự tháp ở viện bảo tàng Louvre chưa bao giờ mang vẻ Ai Cập như thế : hoang vắng như sa mạc.
Ảnh tư liệu: Chiến hạm HMCS Calgary quay trở lại cảng Victoria, British Columbia, Canada ngày 24/10/2008. AP - Deddeda Stemler |
Miến Điện đang mấp mé bờ vực nội chiến, một ít dân chủ mà người Hồng Kông còn được hưởng tiếp tục bị Bắc Kinh triệt tiêu, Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất vac-xin Coronavac dù hiệu quả bình thường… Trên đây là một số sự kiện đáng chú ý trong tuần sẽ được Tạp Chí Thế Giới Đó Đây hôm nay điểm lại, nhưng nổi bật nhất có lẽ là thời sự Biển Đông, với động thái bất ngờ của Canada cho chiến hạm băng qua vùng Trường Sa đang trở thành điểm nóng.
Như tin RFI đã loan, ngày 31 Tháng Ba vừa qua, bộ Quốc Phòng Canada đã chính thức thông báo sự kiện chiến hạm HMCS Calgary của nước này đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa trên đường từ Brunei đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/03.
Hành trình xuyên Biển Đông để đến Cam Ranh
Trong hành trình qua Biển Đông, chiếc Calgary đã bị một tàu chiến Trung Quốc bám sát theo và chiến hạm Canada đã cập bến cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 31/03 để được “tiếp tế hậu cần”.
Cho dù chính quyền Canada đã giải thích lý do chiến hạm Canada băng qua Biển Đông bằng tính chất “thuận tiện” của lộ trình, giới quan sát đã gắn liền động thái này của Ottawa với bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau vụ Bắc Kinh cho bắt giữ hai công dân Canada làm việc tại Trung Quốc rồi đưa ra xét xử với cáo buộc làm gián điệp, để trả đũa vụ Ottawa cho bắt giữ rồi quản chế giám đốc tài chánh của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Hoa Vi.
Tuy nhiên có một điểm chắc chắn là trong thời gian gần đây, chính quyền Canada càng lúc càng có thêm nhiều động thái thể hiện mối quan tâm đến tình hình Biển Đông theo chiều hướng bảo vệ quyền tự do hàng hải chống lại ý đồ thâu tóm khu vực của Trung Quốc.
Sự kiện chiến hạm Canada đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa diễn ra đúng vào lúc Trung Quốc tung hàng trăm chiếc tàu mà Bắc Kinh cho là tàu cá, nhưng bị Philippines và các chuyên gia nghiên cứu xác định là tàu dân quân biển, đến tràn ngập rạn san hộ Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, trước khi tỏa ra một số đảo đá khác trong vùng.
Canada cũng phản đối Trung Quốc trong vụ Đá Ba Đầu
Điểm đáng ghi nhận là trong số những quốc gia ngoài vùng Biển Đông, Canada đã lên tiếng cùng với Mỹ, Nhật, Anh, Úc lên án hành vi của Trung Quốc tại vùng Đá Ba Đầu. Trong một tin nhắn Twitter ngày 25/03, đại sứ Canada tại Philippines khẳng định: “Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông…, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Trước hành trình của chiến hạm Canada HMCS Calgary qua Biển Đông, chính quyền Ottawa cũng đã từng tàu chiến đến khu vực và đi qua các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc
Theo báo chí Canada, các quan chức nước này luôn phủ nhận việc Ottawa muốn gửi đi một thông điệp khi cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan hay Biển Đông, tuy nhiên, một số tài liệu rò rỉ vào năm 2020 cho thấy chính phủ Canada đã thảo luận ở cấp cao nhất về các động thái như vậy trước khi thông qua.
Chuyến đi qua eo biển Đài Loan của chiến hạm HMCS Ottawa vào năm 2020 chẳng hạn, đã được mô tả là nhằm “thể hiện hậu thuẫn của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận nhất cũng như đối với an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Miến Điện: Cảnh sát thẳng tay bắn người biểu tình
Tính đến hết ngày 02/03/2021, đã có ít nhất 550 thường dân, trong đó có hơn 40 thiếu niên, bị thiệt mạng trong các vụ đàn áp kể từ khi phong trào biểu tình và bãi công bùng lên phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 ở Miến Điện. Yếu tố đáng quan ngại là lực lượng an ninh đã không ngần ngại nổ súng dẹp biểu tình, kể cả bắn vào đầu hay vào lưng.
Theo tuần báo Pháp L’Express, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã phải lên tiếng báo đông: “Tập đoàn quân sự giờ đây đã dùng đến lựu đạn, đại liên và nhiều loại vũ khí dùng trong chiến tranh khác để tấn công vào người dân”.
Trong tuần tình hình Miến Điện nghiêm trọng thêm với việc các lực lượng võ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã đe dọa tham gia phong trào chống đảo chính. Tại hai bang Karen và Kachin, các nhóm nổi dậy đã tấn công các căn cứ quân sự, kéo theo những cuộc tấn công trả đũa ồ ạt của quân đội chính phủ.
Theo bà Debbie Stothard, điều phối viên tổ chức nhân quyền Mạng Lưới ASEAN vì Miến Điện (ALTSEAN), tình hình hiện nay đang làm dấy lên bóng ma của một cuộc nội chiến toàn diện. Trả lời ban Pháp Ngữ RFI bà Stothard nhận xét:
"Có lẽ chúng ta đang chứng kiến một tình trạng leo thang. Rõ ràng là khi sử dụng đến lực lượng vũ trang vào ngày 27/03, tập đoàn quân sự đã tăng cường cuôc chiến chống lại không chỉ các nhóm dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới, mà cả những người ủng hộ dân chủ ở các khu vực thành thị.
Các chiến dịch quân sự hiển nhiên đang dẫn đến một cuộc nội chiến toàn diện. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp không nên cung cấp phương tiện cho chính quyền quân sự bất hợp pháp này để họ tiếp tục đàn áp thường dân.
Các doanh nghiệp phải hiểu rằng bằng cách tiếp tục hỗ trợ quân đội Miến Điện, họ không chỉ tham gia vào các tội ác chống nhân loại mà còn góp phần vào việc gây ra tình trạng mất an ninh cho thường dân trong khu vực."
Chuyên gia Pháp: Dân Miến Điện sẵn sàng chấp nhận cấm vận
Đánh vào hầu bao của đối phương, hay nói một cách nghiêm túc hơn là trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền, được cho là một biện pháp tốt để ngăn chặn chiến dịch đàn áp biểu tình đẫm máu tại Miến Điện.
Sau các lệnh trừng phạt của Mỹ vào đầu tuần này, đến lượt Nhật Bản tuyên bố ngừng tất cả các khoản viện trợ mới cho Miến Điện. Các biện pháp trừng phạt kinh tế này có thể tác hại đến người dân, nhưng theo bà Françoise Nicolas giám đốc Trung Tâm Châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp IFRI, tình hình đã đến mức mà người dân Miến Điện sẵn sàng chấp nhận các hình thức cấm vận của quốc tế đối với đất nước họ, cho dù họ chắc chắn sẽ phải chịu khổ:
“Ngay chính người dân Miến Điện, qua những gì họ làm hàng ngày, đã cho thấy là họ đã sẵn sàng hy sinh tới mức cao nhất. Vì vậy, những biện pháp trừng phạt rộng lớn, có khả năng tác hại đến người dân, sẽ không còn là vấn đề đối với họ nữa.
Hiện nay, đường phố Miến Điện coi như là đã vùng lên chống lại tập đoàn quân sự, họ như đã sẵn sàng làm mọi thứ để buộc giới quân sự rời bỏ quyền hành, và họ hy vọng rằng những biện pháp trừng phạt với quy mô rộng lớn có thể khuất phục được quân đội.
Dĩ nhiên là ta không thể kêu gọi những doanh nghiệp quốc tế, như Tập đoàn Pháp Total chẳng hạn, hiện có dự án khí đốt tại Miến Điện, là phải rời khỏi đất nước này, cho dù đại diện Liên Hiệp Quốc đặc trách Miến Điện đã cho rằng cần phải cắt đứt nguồn tài trợ cho tập đoàn quân sự.
Thế nhưng theo tôi, có nhiều phương cách khác, ví dụ như đình hoãn việc đóng thuế, hoặc là chuyển tiền vào những tài khoản được phong tỏa, sao cho ít ra là nguồn tiền đó không rơi vào tay chính quyền quân sự.”
Bắc Kinh tiếp tục triệt hạ nền tảng dân chủ tại Hồng Kông
Ngày 30/03 vừa qua, ngay sau khi Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh thông qua việc cải cách triệt để luật bầu cử ở Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ngay sắc lệnh ban hành và thực thi các quy định sửa đổi.
Hồng Kông như vậy đã phải lãnh thêm một đòn mới từ Bắc Kinh, với hy vọng dân chủ kể như bị xóa bỏ cho dù đã được ghi trong Luật Cơ Bản Luật pháp – Basic Law - được xem là Hiến Pháp của Hồng Kông.
Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy phân tích:
Cụ thể, các ứng cử viên tương lai cho bất kỳ chức vụ nào trong đời sống chính trị Hồng Kông, (từ ủy viên hội đồng cấp huyện đến chức vụ lãnh đạo tối cao của ngành hành pháp, hay một ghế nghị sĩ ở trong Hội Đồng Lập Pháp Legco, tức là Nghị Viện Hồng Kông), tất cả đều phải vượt qua được những cửa ải thực thụ, với nguy cơ việc ứng cử bị vô hiệu hóa ở mỗi chặng.
Một bộ phận công an chính trị mới của Hồng Kông đã được thành lập trong khuôn khổ bộ Luật An Ninh Quốc Gia thành lập, một bộ luật hà khắc do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020 để tự tạo cho mình phương tiện pháp lý để trấn áp bất kỳ phe đối lập nào. Bộ phận công an chính trị đó sẽ đóng một vai trò quan trọng vì chính họ là người sẽ đưa ra ý kiến đầu tiên về “lòng yêu nước” và “độ an toàn” của một ứng cử viên, chuyển đến cho một “ủy ban tuyển chọn” mới.
Bản thân ủy ban mới này cũng đã bị Bắc Kinh khóa chặt qua việc chọn lựa thành viên.
Chưa hết. Ở giai đoạn tiếp theo, các ứng cử viên “đủ tiêu chuẩn” vẫn cần phải được Ủy Ban Bầu Cử phê duyệt. Nhân vật lãnh đạo Ủy Ban này nhất thiết là một đại biểu đến từ một cơ chế cấp trung ương của Trung Quốc.
Nói tóm lại, như nhận định của cựu chủ tịch Đảng Dân Chủ Hồng Kông bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), phe đối lập ủng hộ dân chủ đã bị loại khỏi chính trường Hồng Kông.
TQ đẩy mạnh sản xuất vac-xin dù hiệu quả bình thường
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lãnh vực y tế, tập đoàn dược phẩm Sinovac ngày 02/04/2021 thông báo quyết định tăng gấp đôi năng lực sản xuất vac-xin Covid-19 lên thành 2 tỷ liều. Theo Bắc Kinh, hiện có hơn 70 quốc gia sử dụng một trong những loại vac-xin của Trung Quốc, nhưng hiệu quả của thuốc chủng Coronavac mà Sinovac làm ra vẫn còn bị tranh cãi.
Theo thông tín viên RFI Simon Leplâtre, tại Thượng Hải câu hỏi đặt ra là việc Sinovac nhân đôi năng lực sản xuất có phải là tin tốt làng hay không:
Với dây chuyền sản xuất thứ ba đi vào hoạt động, Sinovac nâng công suất lên 2 tỷ liều mỗi năm, đủ để tiêm chủng cho một tỷ người. Con số này gần bằng Pfizer, đã có kế hoạch sản xuất 2,5 tỷ liều vào năm 2021.
Sinovac là một trong những nhà sản xuất vac-xin lớn của Trung Quốc, cùng với Sinopharm và Cansino. Công ty này cho biết là 200 triệu liều thuốc chủng của họ đã được sử dụng ở 20 quốc gia bao gồm cả Trung Quốc.
Hôm 31 tháng Ba vừa qua, các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã khẳng định rằng vac-xin của Sinopharm và Sinovac an toàn và hiệu quả, nhưng đang yêu cầu được cung cấp thêm dữ liệu trước khi chính thức phê duyệt.
Coronavac của Sinovac là loại vac-xin chống Covid có kết quả sơ bộ kém thuyết phục nhất: Ở Brazil, hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của Coronavac chỉ được đánh giá ở mức 50%, ngay cả khi nó ngăn ngừa được các ca bệnh nghiêm trọng trong 80% trường hợp và tử vong trong 100% trường hợp.
Điều đó có nghĩa là mặc dù quan trọng trong việc chống lại tác động của virus, vac-xin Coronavac của Trung Quốc sẽ không nhất thiết cho phép các quốc gia nhanh chóng đạt được miễn dịch tập thể để tiếp tục cuộc sống bình thường.