Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
Ảnh minh họa : Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Joseph Borell trả lời báo chí sau cuộc họp qua vidéo hội nghị của 27 ngoại trưởng quốc gia thành viên Liên Âu. Ảnh ngày 19/04/2021. REUTERS - POOL |
Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 19/04/2021 đã thông qua bản phác thảo chiến lược được mong đợi từ lâu đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao trùm mọi lãnh vực mà Liên Âu có thể can thiệp vào nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình trong vùng, và theo như nhận định của hãng tin Anh Reuters, nhằm đối phó với thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có điều là đối tượng bị đặt trong tầm nhắm lại không hề được nêu đích danh trong văn kiện dài 10 trang này, và các nhà ngoại giao Liên Âu khẳng định rằng đây không phải là một chiến lược “chống Trung Quốc”.
Châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Tuy nhiên, theo Reuters, dưới sự dẫn dắt của ba nước Pháp, Đức và Hà Lan, vốn đã đi tiên phong trong việc tìm cách thắt chặt quan hệ với những quốc gia gia trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, khối 27 nước Liên Âu giờ đây muốn sử dụng chiến lược đang hình thành để cho Bắc Kinh thấy rõ là khối châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Trong một bản tuyên bố, các ngoại trưởng Liên Âu đã khẳng định rằng toàn khối đã thấy là “EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện cũng như các hành động của mình ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ... dựa trên việc phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”.
Mặc dù không đề cập chi tiết đến Trung Quốc, nhưng rất nhiều nội dung của chiến lược, cũng như ngôn từ sử dụng đều hàm ý kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trong bối cảnh mối lo ngại càng lúc càng tăng về việc Bắc Kinh hiện đại hóa công nghệ và quân sự đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại của phương Tây ở châu Á. Chiến lược này như đi theo cùng một chiều hướng với cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Joe Biden trong hồ sơ Trung Quốc.
Reuters ghi nhận sự kiện là các nhà ngoại giao EU tin rằng các nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương muốn châu Âu dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực để duy trì một nền thương mại tự do và cởi mở, giúp cho các nước trong vùng không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, hai quốc gia đang chuyển sang thế đối đầu.
Cũng giống như một kế hoạch tương tự của cựu thành viên EU là Vương Quốc Anh, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã được các ngoại trưởng Liên Âu phác thảo vào lúc châu Âu tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về ba hồ sơ lớn: Hồng Kông, người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đại dịch Covid-19 khởi nguồn tại Vũ Hán.
Vế an ninh hàng hải được xem trọng hơn
Có hai yếu tố nổi bật được Reuters ghi nhận trong điều có thể gọi là chiến lược châu Á mới của EU, và đã được các ngoại trưởng Liên Âu xác định rõ trong tuyên bố của mình.
Trước hết là hướng đi chung - “EU sẽ phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác và tăng cường hợp lực với các đối tác đồng chí hướng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng” - và tiếp đến là hành động cụ thể nhằm “ứng phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh hàng hải.”
Hiện vẫn chưa rõ EU sẵn sàng lao vào lãnh vực an ninh đến đâu, nhưng điều đó có thể sẽ được phản ánh qua việc Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn trên các vấn đề Ấn Độ- Thái Bình Dương, đầu tư nhiều tài lực và nhân sự hơn vào khu vực và rất có thể hiện diện quân sự thường xuyên hơn như điều chiến hạm qua Biển Đông hoặc tham gia các chuyến tuần tra của Úc…
Văn kiện dài 10 trang chính thức mang tên: “Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” mới chỉ là bản phác thảo chiến lược, cần phải được cụ thể hóa thêm từ nay đến tháng 9, nhưng đã cho thấy rõ tầm quan trọng mà 27 nước Liên Âu dành cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Xem trọng ASEAN và ASEM
Trong một bài phân tích công bố ngày 20/04/2021, chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã bước đầu ghi nhận 10 điểm nổi bật trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu đang trên đường hình thành. Yếu tố được tờ báo nêu lên hàng đầu là chủ trương tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Theo The Diplomat, đây là “cốt lõi” trong cách tiếp cận của EU đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, không chỉ áp dụng cho các đồng minh và bạn bè lâu đời của châu Âu, mà cho cả “các nước thứ ba vì lợi ích hỗ tương”. Liên Hiệp Châu Âu cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương khu vực, đi đầu là Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN, nhưng cũng có cả diễn đàn Á-Âu ASEM.
Việc Liên Âu chú ý đến ASEM, một cơ chế có sự tham gia của Trung Quốc, thể hiện một quan điểm thực dụng chi phối chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của EU: Đó là dù phải tìm cách hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thể xem nhẹ vai trò và ảnh hưởng của nước này. Quan điểm đó đã được The Diplomat tóm tắt trong công thức: “Nếu Trung Quốc là một phần của vấn đề, thì đó cũng là một phần của giải pháp”.
Ngoài việc tranh thủ cơ chế có sẵn là Thượng Đỉnh Á-Âu ASEM, nhu cầu hợp tác với Trung Quốc còn thể hiện qua mong muốn của Liên Âu thúc đẩy được Hiệp Định về Đầu Tư giữa Bruxelles và Bắc Kinh.
Đối với The Diplomat, trên nhiều mặt, các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Đức-Hà Lan hay của Anh Quốc cũng đã thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề cùng quan tâm. Đối sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden cũng vậy.
Cũng chính vì thế mà chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu tránh hẳn việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc, điều vốn đã trở thành truyền thống của khối 27 nước.
Tuy nhiên, tài liệu đã nêu bật những thách thức đối với sự ổn định của khu vực như “cạnh tranh địa chính trị”, “căng thẳng về chuỗi cung ứng và các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh” và sự tồn tại của các mối đe dọa đối với “tính phổ quát của nhân quyền”. Ai cũng hiểu là tác giả của những thách thức đó không ai khác hơn là Trung Quốc.
Một trong những điểm nhắm vào Trung Quốc được chuyên san Nhật Bản nêu bật là nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải mà chiến lược mới của Liên Âu nhấn mạnh.
Theo The Diplomat, khối thương mại số một thế giới là Liên Hiệp Châu Âu rất cần đến các tuyến hàng hải tự do, mở rộng và an toàn. Để bảo đảm điều này, các thành viên Liên Âu trong tư cách cá nhân như Pháp, Đức và Hà Lan, cũng như cựu thành viên Anh Quốc, đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trong khu vực. Trong tư cách là một khối nước, Liên Âu từ năm 2008 đã từng triển khai Hải Quân chống hải tặc ở vùng Vịnh Aden, đồng thời giúp đỡ các nước trong vùng nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình.
Việc tăng cường bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng sẽ được thúc đẩy trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và vùng biển Đông Nam Á.
21/04/2021 - rfi
Một người lính Hải quân Pháp bên cạnh chiến hạm Courbet neo đậu ở căn cứ Guam, nhân cuộc tập trận chung Mỹ, Nhật, Pháp, Anh tại Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/05/2017. AP - Haven Daley |
Les Echos hôm nay 21/04/2021 phân tích « Châu Âu cố gắng tập trung chiến lược đối phó với Trung Quốc ». Trong một văn bản công bố hôm thứ Hai 19/04, Hội Đồng Châu Âu triển khai một chiến lược « Ấn Độ-Thái Bình Dương » nhằm đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Tuy không nêu đích danh, nhưng chính bản thân tài liệu này đã chứng tỏ có sự chuyển biến trong cách nghĩ về Trung Quốc.
Mới cách đây hai năm, những người hiếm hoi nêu ra ý tưởng này đều vấp phải một bức tường do dự. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) tập trung cho một « chiến lược hợp tác Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Một chiến lược không bao giờ nêu tên Trung Quốc, nhưng cho thấy sự cần thiết phải có lời đáp nhất quán trước một cường quốc châu Á ngày càng đáng lo ngại.
Về hình thức, tài liệu này tránh công khai chỉ trích Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Frédéric Grare của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) ghi nhận « tất cả những nhập nhằng của EU về chủ đề này : tất cả mọi người đều muốn hợp tác với Bắc Kinh, nhưng chỉ một số nhìn thẳng vào những khác biệt về giá trị, trong khi số khác tìm cách xóa mờ những phương diện có thể gây rắc rối trong quan hệ ».
Với lời kêu gọi đồng thuận trong việc hợp tác và quan hệ đối tác, Hội Đồng Châu Âu nêu ra danh sách các mục tiêu chiến lược, mà một số cho thấy khoảng cách giữa châu Âu với Trung Quốc.
Nhân quyền, Biển Đông : Những bất đồng lớn
Về mặt kinh tế, đó là « đa dạng hóa các chuỗi cung ứng…đặc biệt đối với các hệ sinh thái công nghiệp nhạy cảm nhất ». Cuộc khủng hoảng Covid khiến châu Âu nhận ra đã quá lệ thuộc vào một số mặt hàng y tế Trung Quốc. Tài liệu cũng nêu ra « các nguyên liệu tối cần thiết ». EU biết mình bị trói buộc vào đất hiếm của Trung Quốc như thế nào, một nguyên liệu ngày càng hiếm hoi.
Một số đòn khác : văn bản kêu gọi hợp tác với các đối tác trong khu vực để đối mặt với tình trạng « tính phố quát của nhân quyền đang bị thách thức ». Tài liệu cũng định ra mục tiêu « bảo vệ các tuyến đường hàng hải tự do và rộng mở », ý nói căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên thực tế đặt ra vấn đề về năng lực hàng hải của EU : Brexit khiến Liên hiệp mất đi một trụ cột quân sự mà Đức còn lâu mới thay thế được, khiến Pháp trở thành nhân tố vững chắc duy nhất của cả khối.
Theo chuyên gia Frédéric Grare, còn hơn cả nội dung, « ngay chính sự hiện hữu của văn bản này đã là một điểm mới thực sự ». Được thúc đẩy bởi một nước Pháp từ lâu vẫn đơn độc, tài liệu chỉ có thể ra đời sau khi Đức thay đổi quan điểm – Berlin đã công bố chủ trương về đề tài này của nước mình vào mùa thu 2020. « So với những ngần ngại ban đầu, đây là một bước tiến rõ rệt », chứng tỏ châu Âu đã có cái nhìn khác về Trung Quốc, đặc biệt kể từ sau đại dịch.
Nhưng đây còn là việc xích lại gần hơn với Mỹ. Trong một thế giới mà Hoa Kỳ - dù tổng thống là ai đi nữa - vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, khó thể là đối tác khả tín của Washington mà không chứng tỏ rằng châu Âu cũng cân nhắc mối quan hệ với cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.
Tương lai châu Á phụ thuộc nhiều vào việc các quốc gia dân chủ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... có siết chặt hợp tác được với nhau hay không. © wikipedia |
"Châu Á hướng tới một trật tự khu vực mới” là bài viết đáng chú ý được Courrier International trích đăng từ báo Nhật Nikkei Asia.
Khi các nhà sử học viết về năm 2020, năm này có thể được coi là sự kết thúc của thời kỳ, cho đến nay thường được gọi là "thời kỳ hậu thực dân" ở châu Á. Bước ngoặt này đặc biệt được đánh dấu bằng sự tiến triển rõ nét về cán cân quyền lực kinh tế, với sự chuyển dịch quyền lực từ các cường quốc thực dân cũ phương Tây sang các các cường thực dân cũ phương Đông, kèm theo đó là sự xói mòn ảnh hưởng địa chính trị và tinh thần của phương Tây.
Không chỉ Hoa Kỳ và châu Âu mất ưu thế kinh tế trước châu Á, cả về khối lượng thương mại, đầu tư và tăng trưởng, mà Tây phương còn mất phần lớn khả năng dẫn dắt và tác động đến những thay đổi chính trị. Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu hơn 2,6 nghìn tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ, so với 2,5 nghìn tỷ đô la của Hoa Kỳ. Mỹ có thể vẫn dẫn trước Trung Quốc về chi tiêu quân sự và lực lượng tấn công, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách và Hoa Kỳ không hẳn sẽ chiến thắng, nếu xung đột nổ ra ở châu Á.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, trong năm 2020, những xu hướng nói trên càng được củng cố do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị Mỹ. Về đại dịch, cách ứng phó của châu Á đã cho thấy là có hiệu quả nhất. Các cường quốc phương Tây không còn có thể tự xem mình như một hình mẫu : Suy yếu về kinh tế, thiếu sự lãnh đạo của Mỹ, lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, các nước châu Âu phải tự vấn về nền tảng chính trị và dân chủ.
Thực tế mới cũng cho thấy sự trỗi dậy không thể lay chuyển của Trung Quốc, bất chấp mọi sáng kiến của phương Tây nhằm làm chậm bước tiến công nghệ của nước này, hạn chế Bắc Kinh phát triển lực lượng quân sự và trừng phạt Trung Quốc về các vụ vi phạm quyền tự do của công dân. Trung Quốc đã vượt qua những ràng buộc mang tính chuẩn mực và chiến lược của "trật tự hậu thực dân cũ", và đã buộc các cường quốc thực dân cũ phải đưa ra các chính sách và thỏa thuận thương mại có lợi cho châu Á và do Trung Quốc thống trị, chứ không phải theo hướng ngược lại.
Hiện giờ vẫn còn phải chờ xem châu Á sẽ lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại như thế nào, để dùng sức mạnh kinh tế của mình phục vụ nhân loại. Châu Á cũng sẽ phải xác định những giá trị cơ bản để củng cố ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực, bởi các học giả về chính sách đối ngoại ở Hoa Kỳ và tại một số nước châu Âu đang lo ngại về viễn cảnh đầy nguy hiểm của một thế giới do đảng Cộng Sản Trung Quốc thống trị.
Tuy nhiên, những báo động về sự trỗi dậy của Trung Quốc đang che khuất thực tế là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế khác lớn nhất châu Á, cũng là những nền dân chủ, giống như Ấn Độ và Indonesia, 2 quốc gia đông dân chỉ sau Trung Quốc. Hồng Kông có thể đã mất quyền tự do, nhưng Đài Loan đang làm tốt mọi việc, và Singapore đang dần rũ bỏ xiềng xích kinh tế - xã hội cũ để tiếp nhận tính năng động trong lĩnh vực kinh doanh của toàn bộ khu vực.
Ưu tiên trong tương lai
Báo Nhật Nikkei Asia nhấn mạnh bối cảnh chính trị trong khu vực đã thay đổi rất nhiều kể từ giữa những năm 1990. Sự chuyển đổi sang dân chủ được khởi xướng trong giai đoạn 1980-2000 ngày càng được củng cố, cho dù cũng gặp một số thất bại. Xã hội dân sự châu Á chưa bao giờ năng động như hiện nay, thế hệ trẻ vừa có tinh thần cảnh giác, lại lạc quan và kết nối được với nhau nhờ mạng xã hội. Ngành sáng chế công nghệ và kinh doanh phát triển mạnh.
Giả sử phương Tây tiếp tục suy yếu, các chuẩn mực mà châu Á đặt ra cho giữa thế kỷ 21 sẽ như thế nào? Theo Nikkei Asia, môi trường là một trong những ưu tiên chính, bởi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét ở châu Á do mực nước biển dâng cao ở mức nguy hiểm, các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, cần lưu ý về tính minh bạch trong quản lý và sự cấp bách của việc giảm thiểu bất bình đẳng. Tăng trưởng và phát triển ở châu Á hiện giờ chủ yếu phục vụ cho giới tinh hoa, nên giải quyết tình trạng bất bình đẳng sâu đậm là điều rất quan trọng.
Thêm vào đó, "mối liên hệ mang tính xây dựng" sẽ là yếu tố cơ bản đối với an ninh khu vực trong tương lai. Hoa Kỳ và châu Âu trở nên thịnh vượng nhờ các liên minh được thiết lập trên đống hoang tàn đổ nát từ Đệ Nhị Thế Chiến và trong Chiến Tranh Lạnh. Việc liên kết với các cường quốc sẽ khuyến khích hòa bình và phát triển hợp tác, ngay cả khi phương Tây vẫn đang tìm cách chia rẽ và phân cực các khu vực để chống lại đà tiến của Trung Quốc.
Việc theo đuổi những mục tiêu nói trên sẽ không dễ dàng. Để đạt được các mục tiêu đó và đóng góp vào lợi ích chung quy mô toàn cầu, châu Á phải đầu tư vào một chính sách ngoại giao táo bạo và sáng tạo, đồng thời xác định cho dân chúng vị trí của châu Á trên thế giới, giống như phương Tây từ lâu được coi là hình mẫu cho khu vực. Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng để xích lại gần nhau, nhưng các nước này phải từ bỏ việc bảo vệ các lợi ích quốc gia hạn hẹp.
Thách thức lớn nhất sẽ là kiềm chế được Trung Quốc trong tương quan lực lượng mới. Nikkei Asia hy vọng trong bối cảnh các cường quốc thực dân cũ đang lui bước, các cường quốc châu Á hạng trung có thể sẽ dễ thành công hơn trong việc thuyết phục Trung Quốc ủng hộ các chuẩn mực mới "cởi mở và mang tính xây dựng, tôn trọng pháp quyền".
17/04/2021 RFI
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (P) tiếp thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại tòa nhà văn phòng hành chính Eisenhower (Eisenhower Executive Office Building - EEOB), Washington, Mỹ, ngày 16/04/2021. AP - Susan Walsh |
Washington và Đài Bắc vừa trải qua một tuần lễ với nhiều sự kiện quan trọng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan với Bắc Kinh gia tăng. Ngày 11/04/2021, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ quan ngại về “những hành động ngày càng hung hăng của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan”. Một ngày sau, Bắc Kinh điều số chiến đấu cơ kỉ lục, 25 chiếc, xâm nhập thị uy trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Tại Đài Bắc, phái đoàn ngoại giao đầu tiên, “không chính thức”, của chính phủ Mỹ đã khẳng định “chính quyền Biden sẽ là một người bạn đáng tin cậy” của Đài Loan khi hội kiến tổng thống Thái Anh Văn ngày 15/04. Về mặt ngoại giao, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng ngày 16/04. Hoa Kỳ khuyến khích đồng minh truyền thống ở châu Á cứng rắn hơn trước một Trung Quốc ngày càng bành trướng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có eo biển Đài Loan.
Trả lời đài RFI ngày 16/04, nhà nghiên cứu Guibourg Delamotte, giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại Khoa Nghiên cứu Nhật Bản, trường Inalco, phân tích :
“Năm 1969, Tokyo từng xác định Đài Loan đóng vai trò quan trọng cho chính an ninh của Nhật Bản. Giờ Tokyo chỉ tái xác nhận điều đó và, tôi nghĩ là họ sẽ thực hiện không khó khăn gì, nhưng với những hệ quả ra sao ? Có nghĩa là liệu Nhật Bản sẵn sàng can thiệp cùng với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, nếu như Đài Loan bị tấn công không ? Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng, một kiểu “thay đổi cuộc chơi”, một điều gì đó rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ buộc phải hành động với Hoa Kỳ. Kiểu gì Nhật Bản cũng sẽ phải gác sang một bên thái độ thận trọng của họ”.
Liệu Bắc Kinh sẽ biến lời cảnh báo “Trung Quốc sẽ được thống nhất” của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 01/2019 thành hiện thực ? Trên đài RFI ngày 13/04, bà Cleo Paskal, nhà nghiên cứu về Ấn Độ-Thái Bình Dương, viện Chatham House, phân tích :
“Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan vào thời điểm nào ? Nhìn vào cách hoạt động của Bắc Kinh, họ sẽ cố làm căng thẳng bùng nổ ở nhiều nơi khác nhau. Chẳng hạn nếu Nga tiến vào Ukraina, nếu các tình hình trầm trọng ở Miến Điện và nếu có những vấn đề khác với Iran hoặc với Bắc Triều Tiên, thì Washington, Paris và Luân Đôn sẽ chú tâm đến những mối căng thẳng đó. Liệu điều này sẽ để ngỏ cánh cửa cho Bắc Kinh tung một cuộc tấn công mạng vào Đài Loan ?”
Đài Bắc tăng đầu tư trang bị thiết bị quốc phòng. “Khái niệm phòng thủ chung” mới cũng được triển khai, gồm “ba bước trong kịch bản bị xâm lược : tự vệ, chiến đấu quyết liệt ở vùng duyên hải và hủy diệt kẻ thù trên bãi biển đổ bộ”, theo ông Lâm Chính Vinh (Chen Wei Lin), giám đốc Viện Nghiên Quốc phòng và An ninh Đài Loan (INDSR), khi trả lời Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) hồi tháng Tư.
Nguy cơ leo thang căng thẳng sẽ không tránh được, nhưng nếu dẫn đến xung đột thì có lẽ sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Còn theo hai nhà nghiên cứu Pháp Bruno Tertrais và Antoine Bondaz của FRS, được trang Le Monde trích ngày 15/04, “Bắc Kinh sẽ không có khả năng cùng lúc tham gia một cuộc chiến lớn và bị cô lập về mặt chính trị và kinh tế với phần còn lại của thế giới”.
Ảnh tư liệu: Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp đồng nhiệm Lào Bounnhang Vorachith, tại Bắc Kinh, ngày 16/05/2017 AP - WU HONG |
Vay nợ đầm đìa của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có một tuyến đường sắt cao tốc thiết yếu cho mạng lưới Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, Lào sắp phải nhượng phần lớn quyền kiểm soát hệ thống điện quốc gia của mình cho Bắc Kinh để trả nợ đã đến ngày đáo hạn.
Trong bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 14/09/2020, chuyên gia kỳ cựu về Đông Nam Á Bertil Lintner đã không ngần ngại cho rằng Lào là nạn nhân mới nhất của bẫy nợ Trung Quốc.
Theo những thông tin gần đây nhất, dự trữ ngoại hối của Lào đã rơi xuống mức dưới 1 tỷ đô la, thấp hơn tổng số các khoản nợ phải chi trả hàng năm, đẩy nước này vào tình trạng sắp bị vỡ nợ. Theo thông tin báo chí, bộ Tài Chính Lào đã yêu cầu chủ nợ số một là Trung Quốc cấu trúc lại các khoản nợ để tránh bị phá sản.
Tháng 8 vừa qua, hãng thẩm định tài chính Mỹ Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm của Lào xuống đến mức rủi ro cực cao, từ B3 xuống Caa2, đồng thời hạ thấp đánh giá về Lào xuống mức “tiêu cực” do “căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng”.
Lào đã vay mượn rất nhiều để đầu tư vào việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mêkông và vào một tuyến đường xe lửa cao tốc trị giá 6 tỷ đô la, một trục chính trong Con Đường Tơ Lụa Mới, nhằm nối liền Vân Nam, tỉnh phía nam Trung Quốc, với các quốc gia Đông Nam Á trên lục địa.
Khoản 60% chi phí cho tuyến đường này là tiền vay mượn từ Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc. Số tiền còn lại là do một công ty Nhà nước Lào liên doanh với 3 công ty Nhà nước Trung Quốc đảm trách, với công ty Lào chỉ nắm 30% phần hùn.
Để chi cho dự án này, chính phủ Lào đã bỏ ra 250 triệu đô la lấy từ ngân sách quốc gia, và vay thêm 480 triệu đô la của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc.
Thế nhưng chính phủ Lào hiện nay có dấu hiệu không thể gánh vác nổi việc trả khoản vay nói trên và đang tìm cách bán tài sản quốc gia để không bị coi là vỡ nợ.
Nhượng mạng lưới điện quốc gia cho Trung Quốc để trả nợ
Ngày 04/09, hãng tin Reuters cho biết là Vientiane đang chuẩn bị nhượng lại cho công ty China Southern Power Grid (CSG) của Trung Quốc quyền kiểm soát phần lớn hệ thống điện quốc gia. Công ty này có trụ sở tại Quảng Châu.
Tân Hoa Xã đưa tin từ Vientiane, ngày 02/09, cho rằng thỏa thuận đó “đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Lào và Trung Quốc trong ngành điện/năng lượng. Tân Hoa Xã còn trích dẫn bộ trưởng bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào Khammany Inthirath, cho rằng CSG với “kinh nghiệm, công nghệ và nhân sự … sẽ mang lại một triển vọng mới cho ngành công nghiệp năng lượng Lào”.
Phía Trung Quốc như vậy đã xem việc Lào nhượng màng lưới điện quốc gia của mình cho Trung Quốc là một công cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhưng đối với tác giả Bertil Lintner, điều đó lại có nghĩa là Trung Quốc sẽ gia tăng được thế lực trong khu vực. Phần lớn điện do Lào sản xuất hiện nay là để xuất khẩu, không chỉ sang Trung Quốc mà còn sang các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Việc Trung Quốc nắm được ngành điện lực của Lào có nghĩa là Bắc Kinh gián tiếp có được đòn bảy thương mại và chiến lược để gây sức ép với hai nước láng giềng này.
Điều oái ăm được tác giả ghi nhận là Lào đã vay nợ của Trung Quốc đển mức không trả nổi, phải gán tài sản của minh để trả nợ, nhưng cho một công trình như tuyến đường sắt cao tốc, chủ yếu là có lợi cho Trung Quốc, trong lúc bản thân người dân Lào không mấy được hưởng.
Đối với Bertil Lintner, việc Trung Quốc tiếp quản ngành điện của Lào thay cho việc trả nợ là ví dụ điển hình để các nước khác trong khu vực thấy rõ nguy cơ bị sập vào bẫy nợ của Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Một vài nước trong vùng cũng yếu như Lào, sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại áp lực của Trung Quốc để bảo vệ nền độc lập về tài chính và kinh tế của mình.
Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic (T) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) bên lề một hội nghị giữa chính phủ Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu, Bắc Kinh, ngày 26/11/2015. AP - Kim Kyung-Hoon |
Vào năm 2014, bất chấp các khuyến cáo từ phía Liên Hiệp Châu Âu, Cộng Hòa Montenegro nhỏ bé vùng Balkan đã vay của Trung Quốc gần một tỷ đô la để xây một tuyến đường cao tốc mà chi phí rất đắt đỏ trong lúc lợi ích kinh tế bị đánh giá là chẳng bao nhiêu. Năm nay ngân sách Montenegro bị cạn kiệt vì Covid-19, đúng vào lúc quốc gia này bắt đầu phải trả nợ. Montenegro đã cầu cứu Liên Âu, kêu gọi Bruxelles giúp trả nợ Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Âu từ chối.
Theo hãng tin Anh Reuters, hôm 12/04/2021 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu gần như đã chính thức từ chối đáp ứng lời yêu cầu giúp trả nợ của Montenegro, quốc gia có khả năng gia nhập khối Liên Âu trong vài năm tới đây.
Phát biểu tại Bruxelles, một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu cho biết là Liên Hiệp Châu Âu không thể giúp Montenegro trong vấn đề nợ Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ quốc gia vùng Balkan này trong việc hoàn tất tuyến đường cao tốc đã bắt đầu xây dựng.
Xa lộ Bar-Beograd: Đường cao tốc đắt đỏ nhất thế giới
Tuyến đường cao tốc mà Montenegro bắt đầu xây dựng là một xa lộ dài 145 km, nối liền hải cảng Bar của Montenegro bên bờ biển Adriatic, với thủ đô Beograd của Serbia ở phía bắc.
Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/04, ngay từ đầu, dự án khổng lồ này của tiểu quốc vùng Balkan này đã tạo ra rất nhiều hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, và thái độ dè dặt của Liên Hiệp Châu Âu, với hai định chế tài chính lớn là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu đều từ chối tài trợ cho dự án, chính quyền Montenegro vào năm 2014 vẫn quyết định xúc tiến việc xây dựng, với 944 triệu đô la vay của Trung Quốc.
Công trình đã được tự động giao cho Tổng Công Ty Cầu Đường Trung Quốc (CRBC), một công ty mà phần lớn vốn do nhà nước Trung Quốc nắm giữ, mà không cần gọi thầu. Đoạn 41 km đầu tiên nối liền cảng Bar với thành phố Boliare sát biên giới với Serbia sắp hoàn thành, với 20 cây cầu và 16 đường hầm xuyên núi.
Trong thực tế, chi phí xây dựng đã bị đội lên rất cao, và theo ước tính của nhật báo Anh Financial Times, đã lên đến gần 24 triệu đô la (khoảng 20 triệu euro) cho mỗi km. Đối với tờ báo, đây chính là một trong những tuyến đường đắt đỏ nhất thế giới!
Bẫy nợ được giăng ra
Khoản vay gần một tỷ đô la - tương đương với một phần ba số nợ nước ngoài của Montenegro - rất lớn và thời hạn trả nợ đầu tiên sẽ đến trong năm nay. Vấn đề là với dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và đánh gục ngành du lịch, nguồn lợi tức chính của mình, quốc gia vùng Balkan này đang lâm vào tình trạng không có tiền thanh toán.
Theo hợp đồng đã ký kết, nếu không trả được nợ, Montenegro sẽ phải nhượng các phần đất đã thế chấp cho Trung Quốc khi đi vay. Điều đáng nói là khi ký hợp đồng vay, quốc gia vùng Balkan này đã chấp nhận nhiều điều kiện của luật pháp Trung Quốc, không chấp nhận các thủ tục trọng tài.
Trên báo Le Monde, Éric Dor, chuyên gia kinh tế thuộc trường quản lý kinh doanh Pháp IESEG không một chút nghi ngờ về cái bẫy nợ mà Bắc Kinh đã bày ra: “Đường cao tốc Montenegro minh họa cho chiến lược của Trung Quốc ở nhiều nước, bao gồm các nước ở vùng Balkan. Đó là đồng ý tài trợ, với các điều khoản có vẻ có lợi, cho các dự án mà tính hữu ích rất mơ hồ. Lợi thế đối với Trung Quốc là đặt các nước này vào tình thế lệ thuộc, với khả năng cao là chiếm được các tài sản đã được đưa ra để thế chấp cho các khoản cho vay của mình. "
Vì sao Montenegro cầu cứu Châu Âu ?
Trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm, tân chính phủ mới lên cầm quyền tại Montenegro từ tháng 8 năm 2020, sau gần 30 năm thống trị của Đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa, đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ. Trên nhật báo Anh Financial Times ngày 11/04/2021, bộ trưởng Tài Chính Montenegro Milojko Spajic đã cố gắng thuyết phục rằng việc Liên Hiệp Châu Âu ra tay giúp nước ông trả nợ Trung Quốc sẽ là “một quyết định dễ dàng” và là một “chiến thắng nhỏ” cho châu Âu trong việc đối phó với “ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc”.
Đối với Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu này rất khó thỏa mãn vì làm sao có thể cấp vốn cho một dự án đã từng bị từ chối, bị nhiều định chế tham vấn đánh giá là thiếu cân đối, quá đồ sộ và không có lợi về kinh tế. Thế nhưng Montenegro lại là một ứng viên tương lai gia nhập Liên Âu, có một vị trí chiến lược không thể xem thường. Trên báo Le Monde, chuyên gia Andreas Eisl thuộc viện nghiên cứu Jacques Delors nhận định : “Đây là một lựa chọn chính trị và ngoại giao hơn là một lựa chọn kinh tế cho Liên Hiệp Châu Âu”.
Câu trả lời của Ủy Ban Châu Âu hôm 12/04 là một giải pháp dung hòa. Một mặt Bruxelles nêu bật nguyên tắc “không gánh các món nợ mà một nước đi vay của nước khác”, nhưng một mặt khác thì sẵn sàng giúp Montenegro hoàn tất việc làm còn dang dở, huy động ngân quỹ dành cho vùng Balkan lên đến 9 tỷ euro.
Hạn chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở vùng Balkan
Việc giúp Montenegro là điều cần thiết để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Balkan. Nhật báo Pháp Les Echos ngày 13/04 đã trích dẫn một báo cáo vào tháng 02/2021 của trung tâm tham vấn Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu ghi nhận việc “Bắc Kinh rõ ràng là ngày càng mở rộng và tích hợp sự hiện diện của họ trên khắp khu vực Tây Balkan trong nhiều lĩnh vực khác nhau, liên kết với một số lượng ngày càng lớn các tác nhân địa phương”.
Báo cáo lưu ý: “Tiến trình này có dấu hiệu đang được đẩy nhanh vào thời điểm mà phương Tây đang có sự đồng thuận về những thách thức đặt ra từ việc Bắc Kinh xâm nhập vào khu vực”.
Bài nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến các rủi ro đến từ việc mắc nợ Trung Quốc. Riêng về trường hợp Montenegro, các tác giả bản báo cáo nêu bật hợp tác chặt chẽ giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc với Đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Montenegro, đã bị mất quyền lãnh đạo vào tháng 8/2020 sau ba mươi năm cầm quyền.
Karishma Vaswani
Phóng viên kinh doanh châu Á BBC
Getty Images. Jack Ma vào năm ngoái lên tiếng về việc loại bỏ lĩnh vực ngân hàng truyền thống |
Tuần qua quả là một tuần đầy khó khăn đối với các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc.
Cuối tuần qua, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã bị cơ quan quản lý Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD vì cho rằng họ đã lạm dụng vị thế thị trường trong nhiều năm.
Rồi vào hôm thứ Hai, công ty thanh toán điện tử Ant Group của Trung Quốc - một chi nhánh của Alibaba - đã công bố một kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ.
Các cơ quan quản lý đã buộc họ phải hoạt động giống một ngân hàng hơn là một công ty công nghệ.
Và hôm thứ Ba, 34 công ty, những hãng có máu mặt trong thế giới công nghệ Trung Quốc, đã bị giới chức triệu tập và cảnh báo: Hãy coi Alibaba là một bài học cho quý vị.
Họ đã có một tháng để "tự suy ngẫm" và tuân thủ các quy tắc mới của chính quyền Trung Quốc dành cho các công ty nền tảng.
Alibaba là ông lớn của ngành công nghệ Trung Quốc. Công ty này thống lĩnh thị trường tại đây với hơn 800 triệu người dùng chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao đó là một lời cảnh tỉnh cho những công ty khác trong lĩnh vực công nghệ khi Alibaba bị phạt và bị kiểm điểm chính thức.
Cuộc điều tra nhằm vào Alibaba xác định rằng công ty này đã lạm dụng vị thế thị trường của mình trong nhiều năm bằng cách hạn chế các doanh nhân làm ăn hoặc Alibaba đã khuếch trương các chương trình khuyến mãi trên các nền tảng của đối thủ. Khoản tiền phạt 2,8 tỷ USD chiếm khoảng 4% doanh thu nội địa năm 2019 của công ty này.
Những người làm việc trong ngành nói với tôi rằng"mọi người đều thấy căng thẳng". Các công ty lớn đang lo lắng rằng họ sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Các công ty như Tencent, JD.com, Meituan, Bytedance và Pinduoduo đều đang xem kinh nghiệm của Alibaba và cố gắng tránh vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào do Bắc Kinh đặt ra.
Getty Images. Động thái của nhà chức trách Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, không có gì có thể lớn hơn hoặc quyền lực hơn Đảng Cộng sản |
Không ai có thể mạnh hơn Đảng
Nhìn bề ngoài thì khoản phạt của Alibaba là về việc tăng quy định trong lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Trung Quốc, và đối với nhiều người, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy thị trường đã trưởng thành.
“Nếu bạn xem xét về luật lệ, các nhà quản lý Trung Quốc đang cố gắng hướng tới tương lai và suy tính sớm hơn trong nỗ lực điều chỉnh một ngành công nghiệp đang phát triển quá nhanh,” Rui Ma, một nhà phân tích công nghệ Trung Quốc và đồng chủ trì podcast Tech Buzz China cho biết.
"Họ đang đưa vào việc sử dụng các thuật toán, chứ không chỉ thị phần. Họ đang cố gắng hiểu nền kinh tế nền tảng (platform) và cố gắng điều chỉnh cho ăn nhập với những gì các nền kinh tế phát triển hơn đang làm."
Nhưng các động thái này cũng được coi là có yếu tố chính trị.
Kể như đây là chỉ dấu cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, không có gì có thể lớn hơn hoặc quyền lực hơn Đảng Cộng sản trong đời sống của dân thường Trung Quốc.
Các công ty này đã tạo ra một thế giới ảo thay thế cho người Trung Quốc và nắm giữ rất lớn cuộc sống của họ. Bạn không thể trải qua một ngày mà không truy cập một trong những ứng dụng này ở Trung Quốc.
Nhưng cũng chính ảnh hưởng đó đối với cuộc sống của người dân Trung Quốc kể không khác gì việc các công ty này đang cạnh tranh trực tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nguồn tin trong giới tài chính Trung Quốc nói với tôi rằng họ nghi điều này đã "khiến nhiều lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh khó chịu", tức là khi bố già của ngành công nghệ Trung Quốc Jack Ma lên tiếng về việc loại bỏ lĩnh vực ngân hàng truyền thống vào năm ngoái.
Bài phát biểu đó khiến truyền thông nhà nước chỉ trích các doanh nghiệp Alibaba và Ant Group của ông Jack Ma. Sau đó, ông Jack Ma và người của ông đã bị các cơ quan quản lý triệu tập và việc niêm yết cổ phiếu Ant Group được nhiều người mong đợi của đã bị đình chỉ.
Các nhà quan sát cho tôi biết những gì ông Jack Ma nói tại hội nghị đó đã khiến ông phải trả giá đắt.
Rõ ràng là cả Ant và Alibaba đều muốn khép lại lùm xùm sau những sự kiện này.
Trong một cuộc điện đàm với với nhà đầu tư vào tuần này, phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joe Tsai cho biết: "Từ quan điểm quản lý…. Trong vụ việc của chúng ta, chúng ta đã trải qua quá trình rà soát kỹ lưỡng và chúng tôi rất vui khi giải quyết được xong vấn đề."
Ông nói thêm:
"Tôi nghĩ trong tương lai, xu hướng trên toàn cầu là các nhà quản lý sẽ quan tâm hơn đến một số lĩnh vực mà bạn có thể có sự cạnh tranh không lành mạnh."
Getty Images. Phó chủ tịch điều hành của Alibaba, Joe Tsai, nói “Chúng ta rất vui khi giải quyết được xong vấn đề". |
Những chuyển biến trong mảng công nghệ Trung Quốc
Các công ty công nghệ Trung Quốc thành lập và phát triển trong một môi trường có rất ít hoặc không hề có quy định hơi “hoang dã” với triết lý là “cứ xây rồi đâu sẽ có đó".
Và từ lâu chính phủ đã tích cực khuyến khích điều đó.
"Trung Quốc đã có các kế hoạch qui mô quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới," Angela Zhang, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong nói với tôi.
Bà là một chuyên gia về luật Trung Quốc, tác giả của một cuốn sách ra gần đây có tựa đề Chinese Antitrust Exceptionalism (Tạm dịch: Tính ngoại lệ của phương thức chống độc quyền của Trung Quốc).
"Trước đây, các cơ quan quản lý đã khá lỏng hơn trong cách tiếp cận của họ. Họ đã sử dụng các công cụ quản lý nhẹ tay hơn đối với các công ty công nghệ."
Nhưng các quy định đó đang thay đổi khi Trung Quốc chuyển sang quy cách mới, khống chế các công ty này.
'Sát kê kinh hầu'
Giáo sư Zhang nói rằng trong khi Bắc Kinh muốn kiềm chế lĩnh vực này - thì họ sẽ không muốn giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng của nền kinh tế.
“Trong ngạn ngữ Trung Quốc có câu 'Sát kê kinh hầu' (giết gà để dọa khỉ)," bà nói.
“Alibaba sẽ được lấy làm ví dụ, làm bài học cho các hãng công nghệ khác rút kinh nghiệm.
"Nếu bạn đặt mình vào vị trí của giới lãnh đạo Trung Quốc, họ chắc chắn muốn kinh tế thịnh vượng. Tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Kinh nghiệm của Alibaba sẽ đảm bảo những công ty khác tuân theo qui định".
Rui Ma đồng ý và nói rằng các quy định sẽ giúp giúp các công ty nhỏ hơn ở Trung Quốc đổi mới sáng tạp bởi họ cho đến nay vẫn bị các đối thủ lớn chèn ép.
"Các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước mà tôi đã nói chuyện thường ủng hộ các quy định này," bà nói.
"Họ nghĩ rằng có nhiều cơ hội hơn để tìm được những công ty trẻ hơn, mới hơn mà trước đây chưa từng có cơ hội."
Tượng chủ tịch Mao Trạch Đông tại thành phố Đan Đông sát biên giới với Bắc Triều Tiên. Ảnh ngày 19/03/2021. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS |
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc đến gần. Cuối tuần trước, Bắc Kinh ra thêm quy định nhằm gia tăng đàn áp những người có quan điểm trái với chính thống. Một đường dây nóng được lập ra, đặc biệt nhằm khuyến khích người dân tố cáo những ai « có quan điểm hư vô về Lịch sử ».
« Quan điểm hư vô về Lịch sử » là một cụm từ để chỉ tất cả mọi thái độ nghi ngờ hay phản đối cách mô tả Lịch sử Đảng theo quan điểm chính thức của chế độ. Thông tín viên thường trú Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
« Đường dây trực tiếp này sẽ cho phép dân mạng nhanh chóng thông báo về những gì mà họ coi như là thái độ nghi ngờ lịch sử chính thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt này, danh sách các "hành động xấu xa" cần tố cáo cũng dài như bức Vạn Lý Trường Thành tin học của chế độ. Đối tượng bị nhắm đến là những ai - trong các phát biểu, bình luận hay đăng bài trên các mạng xã hội - "bóp méo" Lịch sử Đảng, tấn công các lãnh đạo hay "phủ nhận tính ưu việt của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến".
Thông báo do Cơ Quan Quản Lý Không Gian Mạng công bố hôm mồng 09/04/2021, được hãng tin Reuters dẫn lại, không cho biết cụ thể là những người bị tố cáo sẽ phải chịu các hình phạt nào, nhưng người dân Trung Quốc đã hiểu cái giá phải trả đối với những ai có thái độ phản kháng trên mạng. Kể từ đầu năm nay, Bắc Kinh siết chặt kiểm duyệt, để chuẩn bị dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 7 tới.
Các điều chỉnh trong luật pháp được công bố mới đây (hồi tháng Giêng) dự kiến phạt tù đến 3 năm đối với những ai "bôi nhọ, vu khống hay xúc phạm" đến hồi ức về các anh hùng dân tộc, như trường hợp một loạt blogger bị bắt mới đây, với cáo buộc đã nhạo báng các "liệt sĩ" Trung Quốc, thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại biên giới Ấn – Trung hồi năm ngoái. Chính quyền cho biết trông đợi những người sử dụng internet tích cực tham gia, nhanh chóng "hăng hái tố cáo những thông tin có hại" ».
Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì (P) và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tới dự cuộc họp với phái đoàn Mỹ tại khách sạn Captain Cook, Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021. AP - Frederic J. Brown |
Ngành ngoại giao Trung Quốc là “cơn ác mộng” đối với ông Tập Cận Bình? Ganh đua giữa Vương Nghị và Dương Khiết Trì làm suy yếu chính sách đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?
Trên đây là các câu hỏi nhà nghiên cứu Alex Payette sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada và cũng là một cây bút trên tạp chí Asialyst nêu lên trong bài tham luận "Trung Quốc : Làm thế nào Tập Cận Bình để nền ngoại giao tự đánh mất uy tín" đăng trên báo Asialyst hôm đầu tháng 4/2021.
Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Washignton tìm cách liên kết các đồng minh Âu cũng như Á đề hình thành một mặt trận chung đối phó với những tham vọng cả về địa chính trị lẫn kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh tỏ ra đơn độc hơn bao giờ hết. Lỗi là do bộ ngoại Giao nước này.
Alex Payette nhắc lại bối cảnh : Bắc Kinh bị quốc tế chỉ trích đàn áp và cưỡng bức lao động tại Tân Cương, bóp chết các quyền tự do hạn hẹp của người dân Hồng Kông, sách nhiễu và đe dọa xâm chiếm Đài Loan. Ngành ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra hình ảnh không mấy tốt đẹp trong cuộc họp đầu tiên với phái đoàn Mỹ dưới chính quyền Biden. Bộ Ngoại Giao hiện đang “gây ra nhiều vấn đề” đối với Đảng ít nhất vì ba lý do : một là sự bất tài của các cán bộ trong ngành ngoại giao Trung Quốc.
Nhược điểm thứ hai là chiến thuật hung hãn của các “chiến lang” mà điển hình là hai phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh và Triệu Lập Kiên : lời lẽ cứng rắn của những nhân vật này lố bịch đến nỗi chúng thường xuyên bị phê bình cả ở hải ngoại lẫn trên các mạng xã hội Trung Quốc. Hậu quả kèm theo là Bắc Kinh đang bị cô lập trên bàn cờ quốc tế.
Điểm yếu thứ ba của nền ngoại giao Trung Quốc hiện tại là viễn cảnh thay đổi nhân sự lãnh đạo vào lúc cả hai nhân vật cao cấp nhất là ngoại trưởng, ủy viên Quốc Vụ Vương Nghị và ủy viên Quốc Vụ, ủy viên Bộ Chính Trị Dương Khiết Trì cùng chuẩn bị về hưu.
Trả lời đài RFI Tiếng Việt, từ Montréal, chuyên gia Alex Payette trước hết nêu bật hiềm khích sâu đậm giữa hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị :
Alex Payette : Bộ Ngoại Giao là một dạng loa phóng thanh và trong một chừng mực nào đó, cơ quan này phản ánh những gì diễn ra bên trong “guồng máy”. Trong guồng máy đó chúng ta có một sự đối đầu giữa ngoại trưởng Vương Nghị và ủy viên Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc đặc trách về đối ngoại là ông Dương Khiết Trì.
Sự đối đầu giữa hai nhân vật này giải thích vì sao rất hiếm khi họ xuất hiện bên nhau. Vương Nghị và Dương Khiết Trì kình nhau và phải nói là rất lấy làm lạ hai nhân vật này đã cùng nhau đến dự hội nghị ở Alaska với Hoa Kỳ vào tháng trước. Qua cuộc họp đó mọi người thấy rõ là ủy viên Quốc Vụ Dương Khiết Trì đã coi thường ngoại trưởng Vương Nghị ra mặt. Chẳng hạn như họ Dương gọi ngoại trưởng Trung Quốc bằng tên, nói trống không mà không kèm với chức danh của ông Vương Nghị.
Rồi sau khi phát biểu thật dài trong 17-18 phút, ông Dương Khiết Trì một cách rất trịch thượng đã quay sang hỏi ngoại trưởng Vương Nghị “có cần nói gì thêm không ? Cứ nói vắn tắt”. Thêm vào đó hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc này cùng xấp xỉ 70 tuổi và ý thức được là họ sắp đến tuổi về hưu, cho nên cả hai cùng muốn duy trì ảnh hưởng của mình trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai.
RFI : Sự đối đầu đó có gây khó khăn cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hay không ?
Alex Payette : Có chứ. Vấn đề đặt ra là bộ này phải nghe theo ai khi mà có đến hai vị lãnh đạo, mà hai người đó thường xuyên dẫm chân lên nhau. Cả hai cùng muốn mạnh mẽ chứng tỏ lòng trung thành đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Với ông Tập, sự trung thành đó là điều hết sức quan trọng. Ông này quan sát xem ai thi hành tốt những chỉ thị của mình. Rõ ràng là có một sự ganh đua giữa các ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì. Cả hai cùng muốn tiếp tục được trọng dụng sau khi mãn nhiệm kỳ vào cuối 2022.
Vấn đề đặt ra là khi cả hai cùng tranh thủ để lấy điểm với “bề trên” nên đôi khi có những chỉ đạo mâu thuẫn với nhau và đây là một điều hết sức kỳ lạ đang diễn ra ở bên trong bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Hiện tượng này làm nhiễu thông điệp của Bắc Kinh cả trên trường quốc tế lẫn với công luận trong nước, thậm chí là bên trong Bộ Ngoại Giao. Hơn thế nữa thật ra không chỉ có một sự kình địch giữa hai ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị mà sự đối đầu đó hiện diện ở mọi cấp.
Thành thử giới phân tích tự hỏi : thông điệp trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là gì ? Hiện tại chúng ta thấy các quan chức ngoại giao nước này hung hăng lên án phương Tây “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, nêu lên thái độ “bất công”, thái độ “thù nghịch” của các nền dân chủ, muốn làm suy yếu Trung Quốc … Nhưng ngoài chiến thuật đó chúng ta không biết Bắc Kinh thực sự muốn gì.
Trước mắt hiệu ứng phụ từ thái độ hung hăng từ một số nhà ngoại giao Trung Quốc rất tai hại vì làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh và nhất là sau này, liệu rằng quốc tế có còn lắng nghe Trung Quốc nữa hay không để biết Trung Quốc muốn gì. Hay là trái lại, người ta sẽ mệt mỏi với giọng điệu đầy sát khí của các “chiến lang”. Đây sẽ là vấn đề cốt lõi thách thức chính sách ngoại giao Trung Quốc.
RFI : Ở thời điểm này, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang theo đuổi những mục tiêu nào ?
Alex Payette : Trung Quốc luôn khẳng định muốn “nâng cấp” trên nhiều phương diện để trở thành một siêu cường của thế giới, nhưng không chắc là Bắc Kinh sẵn sàng lãnh nhận lấy trách nhiệm của một cường quốc, bảo đảm trật tự thế giới. Theo tôi có lẽ trong thâm tâm Bắc Kinh muốn trở về với giai đoạn như dưới thời các tổng thống Hoa Kỳ trước đây là thời của Bill Clinton hay Barack Obama. Trong thời gian đó Mỹ đã dễ dàng để cho đảng Cộng Sản Trung Quốc tự tung tự tác, thâu tóm công nghệ và tài nguyên cần thiết để giúp kinh tế Trung Quốc đi lên.
Đã có rất nhiều bài phân tích cho rằng Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi với thế giới, tôi nghĩ rằng lập luận này có phần đi quá xa. Tôi thận trọng hơn cho rằng điều mà Bắc Kinh mong muốn trước hết là có thể tiếp tục phát triển trong một môi trường thuận lợi cho Trung Quốc để nước này không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển của thế giới.
RFI : Vào lúc hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi đáng kể trong mắt cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh dường như ý thức được điều đó cho nên đã tận dụng từ đòn ngoại giao khẩu trang đến ngoại giao vac-xin để tô điểm hình ảnh của mình, nhưng Trung Quốc cần phải làm gì để lấy lại uy tín với thế giới ?
Alex Payette : Đây là một câu hỏi rất hay nhưng có lẽ cũng nên xem lại rằng tái tạo niềm tin với thế giới có thực sự là mục tiêu Bắc Kinh muốn theo đuổi trong hoàn cảnh hiện tại hay không. Hay ưu tiên của nước này là cứ lặng lẽ tiến lên với những lá bài đang có trong tay ? Machiavel xưa kia từng chủ trương, khi người ta làm điều gì đó không tốt thì cứ liều làm hết tất cả những điều xấu xa đó cùng một lúc rồi hạ hồi phân giải.
Trong trường hợp của Trung Quốc hiện nay ta thấy Bắc Kinh đã thâu tóm Hồng Kông, truy tố những nhà đấu tranh dân chủ từng xuống đường vào những năm 2018-2019. Như thể là Trung Quốc cứ liều lĩnh xuất quân mà không suy nghĩ kỹ. Tôi không chắc trong nội bộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều người đã suy tính trước về hậu quả chính sách thâu tóm Hồng Kông, suy tính trước về phản ứng quốc tế qua việc Bắc Kinh áp đặt luận quốc gia an ninh với đặc khu hành chính Hồng Kông. Vả lại người Trung Quốc thường nói, khi làm điều gì mà bị cả thiên hạ cùng chỉ trích chê cười, chưa chắc là mình đã đi sai một nước cờ !
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada.
Tôi đã đề nghị bạn bè quốc tế dùng từ “biển Đông Nam Á” thay cho "biển Nam Trung Hoa". Họ đều đồng ý.
Tôi mới tham gia thảo luận rất sôi nổi trên diễn đàn mở của những người Việt làm nghiên cứu khoa học, gồm các tiến sĩ, nghiên cứu sinh ở khắp nơi.Một bạn đang được tạp chí khoa học uy tín mời phản biện cho công bố của các tác giả đến từ viện nghiên cứu tại Trung Quốc. Anh phát hiện các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò trong bài viết khi nội dung không liên quan đến lãnh hải. Những người khác cũng trích dẫn nhiều công bố khoa học quốc tế đến từ Trung Quốc với hình ảnh tương tự.
Từ năm 2013, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đăng bài viết kèm thông tin, hình ảnh về đường chín đoạn trên biển Đông trên các tạp chí quốc tế. Từ 2015, đường lưỡi bò xuất hiện trong các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khí tượng thủy văn, môi trường, xây dựng, thương mại... đa số nội dung không liên quan đến biển hay chủ quyền. Nói cách khác, cứ có cơ hội sử dụng bản đồ ở khu vực quanh biển Đông, họ sẽ gài vào đó bản đồ có đường lưỡi bò.
Giới nghiên cứu khoa học thường được cho rằng có cái nhìn khách quan, ít thiên kiến. Tuy nhiên, với hàng trăm đường lưỡi bò trong các tài liệu khoa học trên Internet, chúng tôi nhận thấy, phía Trung Quốc đã sử dụng đội ngũ trí thức như một lực lượng "dân quân biển" trên mạng, nhằm hiện thực hóa và quốc tế hóa tham vọng của họ trên Biển Đông.
Những "bản đồ Trung Quốc có vấn đề" - theo cách gọi của báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" - trên website của các công ty đa quốc gia đang làm ăn tại Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng nước này yêu cầu sửa chữa. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp, nhãn hàng quốc tế hoạt động tại Trung Quốc đang sử dụng trên website ở thị trường nước này dịch vụ bản đồ trực tuyến Baidu hoặc Google maps phiên bản Trung Quốc, trong đó thể hiện đường 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra để đòi yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Tôi và vài người bạn cùng tra website tiếng Trung của loạt nhãn hàng nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Saint Laurent, Burberry, Chanel hay Mercedes-Benz và phát hiện họ cũng đã đăng bản đồ có đường 9 đoạn. Cả với ông lớn Google, năm 2010, các dịch vụ toàn cầu của họ bị chặn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, trừ dịch vụ tìm kiếm kèm theo bản đồ Google phiên bản dành riêng cho Trung Quốc có đường 9 đoạn được phép hoạt động. Cho tới hôm nay, ngoài phiên bản riêng đó, ta không tìm thấy đường lưỡi bò trên bất cứ bản đồ nào của Google maps toàn cầu. Tương tự, tôi không tìm thấy đường chín đoạn trong các website ngôn ngữ khác của những nhãn hàng kể trên.
Đứng ở góc độ kinh doanh, các công ty đa quốc gia đến Trung Quốc để làm ăn, và tất nhiên, doanh nghiệp nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận của họ ở mỗi thị trường. Giữa việc đăng bản đồ theo yêu cầu của chính quyền sở tại và việc kinh doanh, tất nhiên họ khó mà chọn đánh đổi doanh thu ở một thị trường lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể thấy, việc chỉ đăng bản đồ này trên phiên bản tiếng Trung cho thấy các hãng cũng hiểu rằng đường chín đoạn không được thừa nhận ở quy mô toàn cầu, như phán quyết của Tòa thường trực tại The Hague vào năm 2016.
Nếu xét về lợi ích kinh tế, doanh thu của các nhãn hàng trên tại thị trường Việt Nam không thể so với doanh thu của họ tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập tại thị trường Việt Nam cũng khiến họ không thể xem "không có cũng được". Tại Trung Quốc, vào năm 2019, H&M có 520 cửa hàng với doanh thu lên tới hơn 1.200 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Việt Nam có 12 cửa hàng với doanh thu khoảng 50 triệu USD. Trong khi H&M đang lao đao trên mặt trận toàn cầu, nhãn hàng này vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh và đều ở thị trường Việt Nam.
Vì thế, ngoài những đấu tranh của cấp nhà nước ở quy mô quốc tế, Việt Nam còn có thể yêu cầu mọi nhà đầu tư đến Việt Nam thực hiện việc đăng bản đồ đúng, thể hiện thông tin đúng về chủ quyền Việt Nam trong mọi hoạt động của họ trên lãnh thổ chúng ta.
Cụ thể, vẫn còn việc phải làm ở đây. Việc sử dụng bản đồ Việt Nam và phiên bản chính thống của nó phải được nhất quán bằng quy chuẩn chi tiết chung, được ban hành và giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng của nhà nước. Những quy chuẩn đó phải tường minh và mang tính chế tài để mọi doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại Việt Nam hiểu rằng, bản đồ Việt Nam luôn phải bao gồm dải đất hình chữ S và vùng lãnh hải, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Nghị định 18/2020 của Chính phủ và Thông tư 17/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập việc xuất bản các ấn phẩm bản đồ nhưng chưa quy định chi tiết về mức độ trích dẫn các bản đồ ấy. Các quy định hiện hành đang áp dụng cho lĩnh vực sản xuất ấn phẩm bản đồ, song chưa đề cập chi tiết và đầy đủ đến nhiều hình thức và mức độ sử dụng bản đồ khác như việc doanh nghiệp thiết kế website nội bộ, hình ảnh đăng trên mạng xã hội, các sản phẩm, tài liệu dùng trong công việc, in trên các đồ vật phi thương mại... trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính vì vậy, hiện trong rất nhiều tài liệu trên các phương tiện truyền thông và Internet, mạng xã hội, bản đồ Việt Nam nhiều khi chỉ có dải đất hình chữ S, nhất là khi phần lãnh hải không được đề cập; hoặc khi có phần lãnh hải thì phần thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa chưa toàn vẹn.
Trong khoa học phản biện, việc nói rằng ai đó sai không hiệu quả bằng việc cho họ thấy điều đó đúng là thế nào. Nói cách khác, khi chỉ có một thông tin đúng giữa muôn vàn thông tin lệch lạc, một hệ thống các hành động chỉ rõ lẽ phải kèm bằng cớ sẽ giúp công chúng tiếp nhận tốt hơn.
Hơn nữa, khi ai đó sử dụng cách xâm lấn lợi ích theo phương cách mà Joseph Goebbels - Bộ trưởng tuyên truyền của phát xít Đức - khẳng định "một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức sẽ thành sự thật", chúng ta càng cần những lý lẽ và luật lệ vững vàng, cụ thể hóa và nhất là trực quan để giúp thế giới thấy lẽ phải của mình.
Tôi và các đồng nghiệp làm khoa học đồng tình một giải pháp chung tạm thời. Với vai trò là người phản biện các bài viết khoa học quốc tế, nhà khoa học Việt Nam có thể đưa ra yêu cầu chỉ sử dụng hình ảnh có liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu và không đi ngược với các phán quyết hay công ước quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cộng đồng khoa học Việt Nam mạnh dạn sử dụng các thuật ngữ "biển Đông Nam Á" trong các công bố khoa học hay trên truyền thông để giúp bạn bè quốc tế hiểu rằng, "biển Nam Trung Hoa" là một cái tên từ góc nhìn phiến diện mà ra, giống như "Tết Trung Hoa" - mà cách gọi chính xác phải là "Tết Âm lịch".
Tôi không cho rằng kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty đa quốc gia nếu họ sử dụng bản đồ có đường 9 đoạn ở Trung Quốc là ý kiến hay. Thay vì một phản ứng ngắn hạn, chúng ta hoàn toàn có thể khởi động một chiến lược bảo vệ lãnh hải của mình bằng hệ thống chứng cớ, lý lẽ và hoàn thiện thêm các văn bản pháp luật, kêu gọi mọi người dân vận dụng nó nhất quán trong và ngoài lãnh thổ của mình.
Một khi có sự thống nhất cao trong tư duy và hành động của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, bạn bè quốc tế và mọi đối tác làm ăn với Việt Nam sẽ nhận ra rằng: chủ quyền là một giá trị mà người Việt không bao giờ đánh đổi.
Võ Nhật Vinh
Tổng thống Philippines Rodgrigo Duterte tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2018 |
Bắc Kinh đã lôi kéo các chính trị gia, định hướng truyền thông và sử dụng đầu tư để gây ảnh hưởng đến chính trị ở các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như những gì mà họ đã làm ở Hong Kong, nhà báo Chris Horton phân tích trên tờ Atlantic.
Trong bài báo nhan đề ‘Cẩm nang của Trung Quốc ở Hong Kong cũng được áp dụng đối với châu Á-Thái Bình Dương’, nhà báo Horton đã phỏng vấn các nhà quan sát chính trị ở Campuchia Úc, New Zealand, Philippines và Đài Loan về các phương cách mà Bắc Kinh áp dụng để gây ảnh hưởng đến chính trị các nước này theo hướng có lợi cho họ.
Campuchia
Ít chính phủ nào ở châu Á - Thái Bình Dương ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều như Campuchia. Chìa khóa để Bắc Kinh bảo đảm duy trì ảnh hưởng đối với vương quốc có vị trí chiến lược này là Thủ tướng Hun Sen, cựu sĩ quan Khmer Đỏ, người mà trong nhiều thập kỷ đã khéo léo duy trì quyền lực của mình bằng cách nhảy từ người bảo trợ này sang người bảo trợ khác.
Ban đầu phụ thuộc vào Việt Nam để nắm giữ quyền lực, ông Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia của ông sau đó tìm tính hợp pháp từ sự hỗ trợ của các tổ chức viện trợ quốc tế và các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ nhưng Washington và những nước khác một mực đòi Campuchia phải có bầu cử dân chủ và tạo không gian cho đảng đối lập hoạt động và thách thức đảng cầm quyền nếu muốn tiếp tục được nhận viện trợ. Cho đến trước cuộc tuyển cử hồi năm 2018, Hun Sen đã hoàn thành việc xoay trục sang Trung Quốc với việc Bắc Kinh hỗ trợ tổ chức bầu cử và lên tiếng ủng hộ ông sau khi ông cấm đảng đối lập CNRP ra tranh cử và đàn áp truyền thông địa phương. Không có đối thủ thách thức trên thực tế, ông Hun Sen đã giành được thêm một nhiệm kỳ khi Đảng CPP của ông chiếm toàn bộ 125 ghế trong Quốc hội.
Bà Mu Sochua, phó chủ tịch CNRP, nói rằng ông Hun Sen hiện đang gắn chặt vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Không có cách nào Hun Sen có thể nói không với Trung Quốc; ông ấy bị ám ảnh sẽ mất đi quyền lực,” bà nói. “Ông ấy không có cách nào để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.’
Campuchia trên thực tế đóng vai trò là lá phiếu ủy nhiệm của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà nói. Thật vậy, kể từ năm 2012, chính phủ Hun Sen đã hai lần bỏ phiếu để ngăn chặn những ngôn từ chỉ trích Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trong khi đó, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một lượng lớn đầu tư đang chảy vào Campuchia, quốc gia đang có mức tăng trưởng GDP dự kiến vào khoảng 7% trong năm nay.
Tại thủ đô Phnom Penh, công trình xây dựng các chung cư cao cấp vốn được nhìn nhận rộng rãi là phương tiện rửa tiền của Trung Quốc, đang bùng nổ. Ở phía nam của đất nước, thành phố biển nhỏ bé Sihanoukville đã trở thành một trung tâm xây dựng của Trung Quốc với hơn 80 sòng bạc cùng với tệ nạn buôn bán ma túy và mại dâm. Chi phí sinh hoạt tăng vọt khiến hầu hết người Campuchia bản địa bị đẩy ra lề ở nơi từng là quê hương của họ.
Bà Mo Sochua, chính quyền Trump và những người khác đều tin rằng, cũng giống như ở Biển Đông, cảng biển được Trung Quốc xây dựng tại Sihanoukville cuối cùng cũng sẽ trở thành một cơ sở phục vụ cho Hải quân của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc.
“Anh sẽ để mất những quyền căn bản của người dân nước anh,” bà Sochua cảnh báo các nước nhỏ khác đang xem xét mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. “Anh sẽ mất lãnh thổ; anh sẽ mất chủ quyền.”
Australia
Hồi tuần trước, một bức tường khác có dán những mảnh giấy ghi thông điệp bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Hong Kong một lần nữa bị phá hủy tại Đại học Queensland, nơi nổi lên như một trong những điểm nóng đối đầu giữa những người Trung Quốc có tinh thần chủ nghĩa dân tộc với những người ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông mà đôi khi trở nên bạo loạn. Những sinh viên hành xử bạo lực đối với những ủng hộ viên Hong Kong ở Sydney, Melbourne và những nơi khác mới đây đã được Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra khen ngợi.
“Có lẽ thành công lớn nhất của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến dư luận của Úc là làm tê liệt nó,” ông Alex Alexke, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định.
“Nhiều người Úc có ảnh hưởng, thậm chí là các nhà hoạch định chính sách, đã tin rằng quan hệ Úc-Trung nhạy cảm đến mức mọi cuộc thảo luận thẳng thắn về mối quan hệ này đều nguy hiểm.”
Hiện tại, người Úc nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng độc đoán và tham vọng và tìm cách can thiệp vào chính trị và xã hội Úc, nhưng chính sách và hướng dẫn của chính phủ vẫn đưa vào đầy đủ nhận thức mới này, ông Joske nói.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch gây ảnh hưởng thành công ở Úc nhằm tuyên truyền những luận điệu sai lệch về Trung Quốc và phần lớn việc này xảy ra thông qua công tác mặt trận thống nhất. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách tạo ra hoặc lôi kéo các nhân vật đại diện: các lãnh đạo cộng đồng và lãnh đạo doanh nghiệp, giới tinh hoa chính trị, các tổ chức truyền thông và các tổ chức học thuật có ảnh hưởng.
Một ví dụ về việc này đồng thời cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc bàn luận của Úc về mối quan hệ với Trung Quốc, là sự từ chức của Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari hồi năm 2017 về mối quan hệ của ông với nhà tài trợ chính trị Trung Quốc Hoàng Hướng Mễ. Dastyari đã lặp lại lập trường của Bắc Kinh về các hoạt động của nước này trên Biển Đông.
Sau khi Úc thông qua các đạo luật rộng nhắm vào ảnh hưởng nước ngoài trong chính trị, vào tháng 6, trọng tâm đã chuyển sang các trường đại học, nơi số lượng sinh viên nước ngoài đông đảo nhất là đến từ Trung Quốc.
“Các trường đại học đã liên tục nhắm mắt làm ngơ trước ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với các sinh viên đại lục. Điều này đã khiến nhiều người trong số này sống trong vòng cương tỏa tuyên truyền ngay cả khi họ ở nước ngoài,” ông Joske nói. “Sự thất bại trong việc đối phó ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là nguyên nhân cốt lõi của những gì đang diễn ra tại Đại học Queensland, và không làm gì sẽ chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.”
Ảnh hưởng nước ngoài trong chính trị địa phương sẽ vẫn là một phần của cuộc thảo luận về Trung Quốc của Úc trong tương lai gần. Hôm 26/8, ông Hoàng, người đã bị cấm quay trở lại Úc, đã xuất hiện trở lại trong các bản tin khi lời khai tại một cuộc điều tra về tham nhũng nói rằng nhà tỷ phú tày đã đích thân giao một túi hàng hóa mà bên trong có chứa 100.000 đô la Úc (68.000 đô la Mỹ) cho trụ sở của Đảng Lao động ở bang New South Wales hồi năm 2015.
New Zealand
New Zealand chậm hơn hai năm so với Úc trong việc tỉnh dậy trước các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh, bà Anne-Marie Brady, giáo sư Đại học Canterbury và là người đi đầu trong việc vạch trần tác động của điều mà bà gọi là ‘mối quan hệ đảng-nhà nước-quân đội và thị trường’ ở New Zealand.
Công trình của Brady hồi năm 2017 với tiêu đề ‘Vũ khí thần kỳ: Các hoạt động ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình’ là một bước ngoặt trong cuộc thảo luận về mối quan hệ của New Zealand với Bắc Kinh. Bà Brady nói rằng cách tiếp cận để gây ảnh hưởng lên các nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trên nhiều phương hướng và là sự kết hợp điều mà họ gọi là ‘ngoại giao tổng hợp’ và ‘bão hòa’ để xem cách làm nào có hiệu quả trong bối cảnh cụ thể.
“Quốc gia càng cởi mở về chính trị hoặc kinh tế thì càng dễ bị tổn thương,” bà phân tích. “Các xã hội mở giống như đá vôi, và các chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc giống như nước, cuối cùng nó sẽ tìm thấy các vết nứt, và mọi xã hội đều có rạn nứt.”
New Zealand, nơi cảm thấy bị thị trường chính là Anh quốc bỏ rơi về kinh tế cuối cùng đã chuyển sang Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu mới đầy hứa hẹn gần hai thập kỷ trước. Nhưng Brady nói, mặc dù Trung Quốc là một thị trường có giá trị đối với nền kinh tế New Zealand, tầm quan trọng của nó đã bị cả Trung Quốc và truyền thông địa phương thổi phồng.
“Trung Quốc chiếm 24,5% thị trường xuất khẩu của chúng tôi, nhưng nếu bạn đọc báo ở đây, bạn sẽ nghĩ con số đó là 80%,” bà Brady nói, thêm rằng các khoản quyên góp cho các chiến dịch vận động của các cá nhân có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và việc Bắc Kinh lôi kéo các kênh truyền thông Hoa ngữ bản địa cũng đã phục vụ các lợi ích của chính phủ Trung Quốc.
Sự rụt rè trước đây của New Zealand trong việc chất vấn mối quan hệ với Trung Quốc đang thay đổi. Một chỉ dấu: cuộc điều tra hiện tại của Ủy ban Tư pháp về sự can thiệp của nước ngoài mà bà Brady đã đệ trình một bài viết nêu lên các phương pháp gây ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như các khuyến nghị cho một chiến lược đi về phía trước.
Philippines
Vào năm 2016, Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất sẵn sàng lên tiếng chống lại sự hiện diện ngày càng hùng hổ của Trung Quốc trong khu vực. Vào thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với tài nguyên trong cái gọi là đường chín đoạn trên Biển Đông.
Vào tháng 7 năm 2016, tòa án của Liên Hợp Quốc ra phán quyết có lợi cho Philippines và đem đến cơ hội lớn cho các nước Đông Nam Á cùng nhau cất lên tiếng nói chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, một tháng trước khi có phán quyết, ông Rodrigo Duterte đã lên nhận chức tổng thống Philippines, và ông nhanh chóng nói rõ rằng ông không hứng thú đến việc đứng lên chống lại Trung Quốc. Sự thỏa hiệp của ông Duterte thực sự là một món quà trao cho Bắc Kinh khi Manila làm chủ tịch ASEAN vào năm 2017.
“Philippines đã phung phí những đòn bẩy họ có thể có đối với Trung Quốc bằng cách gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài trong thời gian làm chủ tịch ASEAN,” ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề về Biển và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói. “Nếu Philippines không quan tâm đến việc đưa phán quyết vào trong nghị trình thảo luận của ASEAN, không một quốc gia nào khác trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền đạo đức để đề cập đến phán quyết.’
Bắc Kinh ngoài hỗ trợ cuộc chiến chống ma túy tàn khốc của ông Duterte và đào tạo nhân viên truyền thông chính phủ Philippines về việc dẫn dắt dư luận, đang thách thức sự kiểm soát của Philippines đối với các hòn đảo mà nước này đã nắm giữ qua nhiều thế hệ. Trên thực tế, Philippines không thể thực thi quyền đối với nguồn tài nguyên của mình vì sợ gây ra phản ứng bất lợi.
Với cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2022, ông Batongbacal không hy vọng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Philippines sẽ chuyển thành các vấn đề chính trị cho ông Duterte – người vẫn có tỷ lệ ủng hộ cao đối với người dân Philippines.
“Vẫn chưa có nhà lãnh đạo thực sự lôi cuốn trong phe đối lập để có thể thách thức ông ta, mà giành quyền lãnh đạo đất nước,” ông cho biết.
Đài Loan
Không giống như các quốc gia khác trong khu vực, Đài Loan phải đối mặt với mối đe dọa về sự tồn tại của họ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhòm ngó Đài Loan trong 70 năm qua. Quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển chặt chẽ hơn đã cho phép Bắc Kinh thâm nhập vào các cơ quan truyền thông có trụ sở tại Đài Loan. Tờ Financial Times hãng tin và Reuters gần đây đã phát hiện ra sự tham gia trực tiếp của Bắc Kinh trong việc biên tập ở các nhà xuất bản và đài truyền hình lớn của Đài Loan.
Truyền thông thân Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với sự vươn lên của ông Hàn Quốc Du, ứng cử viên tổng thống của Quốc dân Đảng đối lập thân Trung Quốc. Với cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp của Đài Loan dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1, cuộc chiến tranh giành dư luận đã bắt đầu. Trung Quốc đã cấm dân đại lục du lịch đến Đài Loan với tư cách cá nhân vào tháng trước. Bất chấp tăng trưởng GDP và tiền lương tăng, truyền thông thân Trung Quốc ở hòn đảo này đã thành công trong việc thúc đẩy luận điệu rằng chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã làm tổn thương sinh kế của người dân bằng cách cự tuyệt các đề nghị thống nhất của Bắc Kinh.
Ông Austin Wang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nevada ở Las Vegas, nói rằng mặc dù hầu hết người Đài Loan cảnh giác với tin tức giả mạo, nhưng hiệu ứng ngăn cách của các kênh mạng xã hội phổ biến ở đây, bao gồm Facebook và Line, có nghĩa là ‘mọi người vẫn sống trong căn buồng tin tức của riêng của họ’.
Một vấn đề nữa, ông Wang nói, là đối với những người đã chán ngấy với các chính đảng chính ở Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc đem đến một lựa chọn thay thế mà nhiều người không hiểu đầy đủ. Điều này phần lớn là do các phương tiện truyền thông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tránh thảo luận về quyền con người và các vấn đề khác ở Trung Quốc trong khi tập trung vào nền kinh tế.
Các cử tri Đài Loan, ông cho biết, hiếm khi xem xét trách nhiệm mà họ phải gánh vác khi sống trong một nền dân chủ. Thay vì tham gia trực tiếp chính trị khi không hài lòng với những người nắm quyền lực, thay vào đó một số người dân Đài Loan nghĩ đến Đảng Cộng sản Trung Quốc như một lựa chọn khả thi khác. “Trong các nền dân chủ bình thường,” ông nói, “không có lựa chọn nào như vậy.”
(Theo The Atlantic)