Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Trung cộng và thế giới (6)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

10/05/2021 - RFI

Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc khắp Thái Bình Dương

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Kiribati, Taneti Maamau tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 06/01/2020. AP - Mark Schiefelbein

Le Monde hôm nay 10/05/2021nhận định « Ở Kiribati, Trung Quốc đã đặt chân vào giữa Thái Bình Dương », qua việc tân trang một phi đạo cũ của Mỹ trên đảo Kanton. Hòn đảo nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa Nam Thái Bình Dương mênh mông có vị trí chiến lược, vì ở giữa tuyến đường từ Hawai đến Úc.

Phi đạo Trung Quốc ở Kiribati, mắt xích Con đường tơ lụa ở Thái Bình Dương

Đảo san hô Kanto được Không quân Mỹ biết rất rõ, vì đã đồn trú tại đây từ 1942 đến 1943 để tấn công quân Nhật tại những hòn đảo lân cận. Hãng tin Reuters hôm 05/05 tiết lộ hòn đảo này sắp tới sẽ trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Kanto hầu như không có người ở và không có nước ngọt, thuộc sở hữu của tiểu quốc Kiribati chỉ có 120.000 dân, nằm trong khu vực được bảo vệ sinh thái. Nhưng Bắc Kinh muốn xây dựng một số cơ sở và tái thiết đường băng quý giá dài 2 kilomet, được thiết lập để tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay đường dài và bị bỏ rơi vào thập niên 60 vì các phi cơ thương mại đã tự chủ hơn về xăng dầu. Cả Reuters lẫn Le Monde đều không được chính quyền Kiribati xác nhận chính thức về tin này.

Trong khu vực mang dấu ấn Mỹ, vụ này gây quan ngại vì nằm trong chiến lược tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các tiểu quốc Thái Bình Dương, với việc đầu tư và cho vay. Trong số các dự án Trung Quốc ở Kiribati còn có một cảng container. Với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và tài nguyên biển, Kiribati năm 2019 đã quay sang phía Trung Quốc, tham gia « Con đường tơ lụa mới » của Tập Cận Bình dù cho đến lúc đó vẫn ủng hộ Đài Loan. Quần đảo Salomon cũng hành động tương tự. Còn tại Vanuatu, nằm xa hơn về phía nam, việc xây dựng một cầu cảng để đón các tàu quân sự Trung Quốc gây tranh cãi.

Các tiểu quốc Thái Bình Dương khác hiện thời vẫn có quan hệ ngoại giao và kinh tế ưu tiên với Đài Loan là quần đảo Marshall, Tuvalu, Palau. Tân tổng thống Palau, vừa thắng ứng cử viên thân Bắc Kinh, tuyên bố vẫn ủng hộ Đài Loan vì là nước lâu nay vẫn sát cánh với mình.

Bành trướng từ Đông Nam Á đến Địa Trung Hải

Trung Quốc đã mua một phần hoặc toàn bộ vài chục hải cảng, căn cứ ở vùng duyên hải trên thế giới từ cuối thập niên 90. Ưu tiên là Đông Nam Á với các hải cảng Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Kyaukpyu của Miến Điện, Tanjung Priok ở Indonesia. Các đảo Thái Bình Dương nằm trong tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh, nhưng những bước dấn tới của Trung Quốc đã gây lo lắng, nhất là các cơ sơ này đều lưỡng dụng – cả thương mại lẫn quân sự, dù Trung Quốc vẫn không nhìn nhận.

Chuyên gia Hugues Eudeline, cựu sĩ quan Pháp chuyên về hải quân Trung Quốc nhận xét, Bắc Kinh muốn có điểm trung chuyển và tiếp liệu cho các tàu lớn như hàng không mẫu hạm hay chiến hạm đổ bộ. Tướng Stephen Townsend, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Phi bày tỏ lo lắng về cảng Trung Quốc ở Djibouti trước Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông cảnh báo : « Họ đã hoàn thành một con đê rất lớn liền kề với căn cứ, có thể neo đậu những chiến hạm lớn nhất kể cả hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ». Theo tướng Townsend, rõ ràng đây là dấu hiệu sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ông Eudeline nhấn mạnh, Trung Quốc cũng cần chỗ đậu cho các phi cơ của mình ở khắp nơi. Ngoài các hải cảng, những căn cứ như Kanton ở Kiribati cho phép máy bay dân sự lẫn quân sự hạ cánh. Một nguồn tin Pháp khẳng định, Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ là chủ đề của Hải quân mà Không quân cũng phải quan tâm hàng đầu, do các phi cơ Rafale của Pháp từ tháng Sáu đã bay thẳng đến Tahiti và Hawai.

Sự bành trướng của Trung Quốc mang lại những hệ quả địa chính trị. Trên toàn bộ chu vi châu Phi, Bắc Kinh đã đầu tư vào khoảng 15 cảng biển từ 10 năm qua. Tại Địa Trung Hải, nay dự án cảng nước sâu El Hamdania ở Algérie khiến các chiến lược gia phương Tây quan ngại. Ở Đại Tây Dương, cảng Sines ở Bồ Đào Nha đang tìm kiếm nhà đầu tư khác ngoài Trung Quốc vì áp lực từ Mỹ.

Châu Âu và Ấn Độ liên kết chống Con đường tơ lụa Trung Quốc

Le Figaro nhận xét « Châu Âu và Ấn Độ đoàn kết chống lại Trung Quốc », trong bối cảnhhai khu vực tạo thành một thị trường 1,8 tỉ dân sẽ đàm phán một hiệp định thương mại.

Loan báo được đưa ra hôm thứ Bảy 08/05 tại Porto, bên lề hội nghị thượng đỉnh. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc mở ra « một chương quan trọng mới » trong ba lãnh vực thương mại, bảo vệ đầu tư và chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó là các chủ đề từ trao đổi sinh viên, vận chuyển hàng không cho đến y tế - trong lúc Ấn Độ đang bị con virus corona hoành hành, làm gần 4.200 người chết trong ngày thứ Bảy hôm ấy.

Minh chứng cho tầm quan trọng của quan hệ đối tác tương lai, là sự hiện diện của các lãnh đạo cả 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU). Trong kỳ họp lần trước, chỉ có chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu đại diện tham dự. Do đại dịch và các khó khăn chính trị, thủ tướng Narendra Modi chỉ thảo luận với các nhà lãnh đạo EU qua cầu truyền hình. Nghị Viện Châu Âu - đang chống đối thỏa thuận đầu tư ký kết với Trung Quốc cuối năm 2020 - theo dõi chặt chẽ tình hình.

EU và Ấn Độ hợp thành một thị trường 1,8 tỉ dân với GDP 16.500 tỉ euro với nhiều triển vọng, cho dù việc đàm phán không dễ dàng vì Ấn Độ vốn rất bảo thủ. Tuy nhiên nếu thành công, đôi bên sẽ cùng có lợi.

Ấn Độ-Thái Bình Dương trước thách thức Trung Quốc

Châu Âu nhất thiết phải nối lại các liên minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương - mà Hoa Kỳ rất quan tâm, trước một Trung Quốc nay được coi là « đối thủ mang tính hệ thống », và đối thoại về thỏa thuận đầu tư đang bị ngưng lại. Trong khi đó quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng vì các vụ đụng độ ở vùng biên giới : tháng 6/2020, khoảng 20 binh lính Ấn Độ đã bị quân Trung Quốc sát hại dã man. Người đứng đầu ngành ngoại giao EU, Josep Borrell nhận xét : « Ấn Độ đã chọn lựa đầu tư vào quan hệ với EU vì Trung Quốc, và Brexit đã buộc New Delhi không còn coi Luân Đôn và ngõ vào châu Âu duy nhất ».

Một bằng chứng nữa cho ý định xây dựng quan hệ đối tác vững chắc, là thỏa thuận về kết nối được loan báo hôm thứ Bảy. Đôi bên sẽ hợp tác xung quanh các dự án cơ sở hạ tầng lớn trên toàn thế giới trong nhiều lãnh vực : kỹ thuật số, năng lượng, giao thông…Mục tiêu là chống lại Trung Quốc và « Con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh.

Trong cuộc họp thượng đỉnh EU-Ấn Độ, một vấn đề khác cũng được đặt ra là việc hủy bỏ bằng sáng chế về vac-xin chống Covid mà Ấn Độ và Nam Phi đòi hỏi từ nhiều tháng qua, nay được Hoa Kỳ và Đức giáo hoàng ủng hộ. Tuy nhiên châu Âu tỏ ra nghi ngại vì tin rằng việc này trước mắt không giúp tăng sản lượng vac-xin trên thế giới.

Đầu trang

11/05/2021 - Ngô Tuyết Lan - BBC

Thực chất bất bình đẳng ở Trung Quốc thế nào?

AFP Contributor/Getty Images

Ông Đặng Tiểu Bình được cho là kiến trúc sư tài ba của công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc vào thập niên 80 của thế kỷ trước, góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc phát triển thần kỳ trong 40 năm qua.

Nhưng đằng sau những tấm huy chương luôn có mảng tối. Ông Đặng Tiểu Bình trong chuyến thị sát miền Nam năm 1992 từng nói:

"Một vài khu vực, một bộ phận người có thể được giàu trước, sau đó dẫn dắt và giúp đỡ những khu vực khác, những người khác từng bước cùng đạt tới giàu có sung túc."

Bất bình đẳng trong thu nhập

Hệ luỵ của tư duy phát triển kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình hay được trích dẫn bởi câu nói trên được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

Trung Quốc diện tích lãnh thổ rộng lớn, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên giữa các vùng khác biệt rõ rệt, dẫn đến cơ hội phát triển kinh tế không đồng đều, phân bổ dịch vụ công và phúc lợi xã hội giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn.

Khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc phát triển ưu việt hơn các các địa phương khác sâu trong lục địa một phần do điều kiện địa lý thuận lợi trong giao thương quốc tế, mặt khác do nhiều yếu tố lịch sử đã có nền tảng kinh tế xã hội phát triển vượt trội.

Đặc biệt, vào thập niên 80 của thế kỷ 20, chính phủ Trung Quốc thiết lập 4 đặc khu kinh tế ở hai tỉnh duyên hải là Quảng Đông và Phúc Kiến khiến cho khu vực này càng trở thành vùng trũng phát triển. Trong khoảng thời gian từ năm 1999-2005, khu vực duyên hải không chỉ thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà đầu tư của chính phủ Trung Quốc cho khu vực này cũng cao nhất trong cả nước (khu vực duyên hải: 53%; miền trung: 25%; miền tây: 21%).

Hiện nay khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc vẫn là trung tâm kinh tế chính của Trung Quốc, mặc dù dân số chỉ chiếm 1/3 dân số cả nước nhưng đóng góp trên 50% GDP và 84% xuất khẩu của cả nước. 15 năm qua Đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương miền duyên hải phía đông Trung Quốc với khu vực kém phát triển sâu trong lục địa phía tây, giữa khu vực thành thị và nông thôn, nhưng hiệu quả chưa thực sự nổi bật.

Bất bình đẳng trong tiếp cận phúc lợi xã hội

South China Morning Post

Chính sách đô thị hoá cùng với với chế độ hộ khẩu đã thể chế hoá sự bất bình đẳng trong phát triển và thu nhập của người dân thành thị và nông thôn. Nhiều đôi vợ chồng trẻ ở nông thôn vì không có việc làm hoặc thu nhập thấp phải bỏ làng quê ra thành phố làm việc.

Do chi phí sinh hoạt đắt đỏ và chế độ hộ khẩu con cái của họ không thể đi học tại hệ thống trường công ở thành thị nên đa phần họ để con nhỏ ở quê cho ông bà hoặc người thân chăm sóc. Những đứa trẻ này đã được gọi tên là thế hệ bị bỏ rơi (left behind generation) ở Trung Quốc. Hệ luỵ sang chấn tâm lý và sự phát triển toàn diện cho thế hệ này sẽ là 1 vấn đề không thể xem nhẹ của xã hội Trung Quốc trong tương lai. Bên cạnh đó, kết cấu tố chức gia đình ở nông thôn Trung Quốc bị phá vỡ, thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Những người nông dân rời bỏ làng quê lên thành phố, không còn là nông dân, không phải thị dân, trở thành dân số lưu động, họ không biết tới ngày mai, không biết mình thuộc về nơi nào, nên nhiều người trong số họ gặp vấn đề lớn về sức khoẻ tâm lý. Họ về cơ bản không được tiếp cận hệ thống bảo hiểm y tế.

Ở những tỉnh thành tập trung nhiều công xưởng gia công như Quảng Châu, Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông, Nam Ninh của Quảng Tây và các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, nơi hội tụ lượng lớn dân số lưu động, thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ tấn công bằng dao vào trường học.

Mặc dù phía chính quyền địa phương không xác nhận nguyên nhân gây án, nhưng nhiều phân tích cho rằng nguyên nhân đến từ sự phẫn uất của các ông bố bà mẹ là lao động thời vụ, đi xin học cho con ở trường công lập trong thành phố bị từ chối.

Bất bình đẳng trong quyền tiếp cận thông tin

Người dân sinh sống ở Trung Quốc không được quyền truy cập các công cụ tìm kiếm như Google, các kênh tin tức và mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, Twitter, Youtube, đã hạn chế hiểu biết và nhận thức về quyền lợi của người dân. Điều thú vị là, chính phủ và kênh truyền thông chính thống Trung Quốc vẫn có tài khoản trên các mạng xã hội quốc tế như Facebook, Twitter.

VCG/Getty Images

Một thực tế không thể phủ nhận, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ nội địa rất thông minh và thuận tiện cho cuộc sống của người dân, từ các nền tảng mạng xã hội như Weixin, QQ, Douyin (phiên bản Trung Quốc, Tiktok là phiên bản quốc tế) đến các trang mua sắm online Tmall, Jing Dong, Dang Dang v.v…

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều thành phố ở Trung Quốc không dùng tiền mặt, người dân đi chợ mua rau hay đi siêu thị, thanh toán ở nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim đều thông qua hình thức thanh toán online. Chính sự ưu việt trên khiến người dân Trung Quốc không có nhu cầu sử dụng mạng xã hội hay các dịch vụ internet bên ngoài Trung Quốc. Mặt khác, tiếng Anh và các ngoại ngữ khác không phổ biến ở Trung Quốc cũng là trở ngại tâm lý khiến người dân không mặn mà với truyền thông quốc tế.

Không khó để nhận ra khoảng cách trong nhận thức về Trung Quốc và thế giới của du học sinh Trung Quốc và những người có thời gian làm việc sinh sống ở nước ngoài với sinh viên học đại học ở Trung Quốc và những người cả đời không ra khỏi Trung Quốc.

Với nhóm người không có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ khá hài lòng với hiểu biết mà Đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc đóng khung cho họ, vì vậy họ không có nhu cầu đòi bình đẳng trong tiếp cận thông tin với thế giới bên ngoài. Những người đã bước chân ra khỏi Trung Quốc, trải nghiệm nhiều với thế giới bên ngoài, họ cảm nhận sâu sắc và có hay lên tiếng đòi quyền tiếp cận thông tin.

Bất bình đẳng hiện hữu ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng bất bình đẳng mang đặc sắc Trung Quốc có chăng sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều nhận thức mới về Trung Quốc trong tương lai.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu Trung Quốc học và Đông Phương học, cựu thành viên nghiên cứu Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Thành thị Hong Kong (City University Hong Kong)

Đầu trang

Phạm Thế Duy 2021-05-08 - rfa

Vì sao tâm lý bài Trung gia tăng ở một số nước Châu Á?

Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu vì lo ngại người Trung Quốc sẽ được thuê đất lên đến 99 năm. Cuộc biểu tình ở TPHCM hôm 10/6/2018. AFP

Người Hàn Quốc bài Trung

Hàn Quốc đang chứng kiến một làn sóng bài Trung dâng cao trong bối cảnh hàng loạt các sự kiện gần đây đã châm ngòi cho những xung đột về văn hóa giữa người dân hai nước. Các chuyên gia nhận định tâm lý bài Trung đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hàn Quốc trong một thời gian dài, nhưng phải đến gần đây mới bùng phát và lan rộng do sự bùng nổ của mạng Internet khiến mọi người dân đều có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình.

Tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc gần đây gia tăng bắt nguồn từ những tranh cãi liên quan đến việc xây dựng một khu phức hợp du lịch quy mô lớn với tên gọi “Trung Quốc thu nhỏ trong lòng Gangwon”. Tính đến ngày 26/4, đã có hơn 660.000 người ký vào một bản kiến nghị trực tuyến đăng tải trên trang mạng của Phủ Tổng thống để yêu cầu hủy bỏ dự án này. Theo quy định, nếu một bản kiến nghị có được hơn 200.000 chữ ký trong 30 ngày, Văn phòng Tổng thống hoặc một cơ liên quan của chính phủ phải có trách nhiệm đưa ra câu trả lời chính thức.

Theo kế hoạch, chính quyền tỉnh Gangwon phê duyệt và giao nhà thầu địa phương Kolon Global thực hiện dự án với mục đích là xây dựng “Phố Văn hóa Hàn–Trung” có diện tích 1,2 km2, đặt tại thành phố Chuncheon. Dự án bao gồm khu trải nghiệm văn hoá Hàn-Trung, khu vui chơi, ăn uống, giải trí và khách sạn cho khách du lịch Trung Quốc và được dự kiến hoàn thành trước năm 2022. Để triển khai, Kolon Global đã ký Bản ghi nhớ với tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) vào năm 2018 và thành lập một công ty có “mục đích đặc biệt” vào năm ngoái.

Tác giả của bản kiến nghị nêu quan điểm người dân Hàn Quốc không hiểu tại sao đất nước mình phải cung cấp những trải nghiệm văn hóa Trung Hoa cho khách du lịch, hoặc tại sao cần có “một Trung Quốc thu nhỏ trong lòng Hàn Quốc”. Mặc dù dự án đã được đề xuất từ đầu những năm 2010, nhưng gần đây mới nổi lên thành vấn đề nóng khi các bài đăng trên Instagram kêu gọi mọi người chú ý đến dự án và theo đó các tiếng nói ủng hộ bản kiến nghị đã lan truyền một cách mạnh mẽ. 

Các chuyên gia cho rằng các cuộc tranh cãi về văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hơn và với quy mô lớn hơn so với trước đây do sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội. Giáo sư Lee Kee-woong, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Sungkonghoe, nhận định: “Tâm lý chống Trung Quốc đã hình thành trong xã hội Hàn Quốc từ lâu, nhưng khác biệt giữa quá khứ và hiện tại là các cuộc xung đột gần đây đã bùng phát mạnh mẽ hơn rất nhiều”. Trước đây, chỉ có các phương tiện truyền thông, giới trí thức hoặc những người có quyền phát biểu trước công chúng mới có thể đưa ra thông điệp. Tuy nhiên, hiện nay bất kỳ ai cũng có thể nhanh chóng truyền tải thông điệp của mình bằng ngôn ngữ và cách biểu đạt riêng. Theo Giáo sư Lee Kee-woong, khi xu hướng này trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng mạng, "tâm lý bài Trung sâu sắc trong lòng người dân Hàn Quốc đã bùng phát, kéo theo đó là các cuộc tranh luận gay gắt với nhiều đề tài hơn so với trước đây”.

Theo giáo sư Seo Kyung-duk, làm việc tại Đại học nữ sinh Sungshin, đồng thời cũng là nhà vận động công nhận các vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, tâm lý chống Trung Quốc của người dân "xứ sở Kim chi" đang gia tăng và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khi ngày càng có nhiều người sử dụng mạng Internet. Vị giáo sư này cho biết thêm: “Khi Trung Quốc khởi động dự án Đông Bắc vào đầu những năm 2000, tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc chủ yếu liên quan đến các vấn đề lịch sử”. Cụ thể, đó là dự án nghiên cứu của Bắc Kinh về lịch sử và hiện trạng vùng biên giới Đông Bắc, vốn bị chỉ trích vì đã cố gắng bóp méo lịch sử Hàn Quốc và biến vùng biên này trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc.         

Người Ấn bài Trung

Năm 2020, sau những căng thẳng và xung đột giữa lực lượng quân đội dẫn tới chết người tại khu vực biên giới Trung - Ấn, người dân Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và Chính phủ Ấn Độ đã cam đoan sẽ chặn đầu tư và tăng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau vụ đụng độ chết người này.

Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc với hình của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Ahmedabad hôm 24/6/2020. AFP

Bộ Truyền thông Ấn Độ cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước và tư nhân loại bỏ tất cả các hợp đồng sẽ ký với Trung Quốc trong tương lai. Các nhà thầu Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia nhiều dự án trong thời gian tới, bao gồm cả dự án nâng cấp mạng lưới 4G hiện tại của Ấn Độ.

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng ở vùng biên giới tranh chấp tại tỉnh Ladakh, dẫn đến nhiều vụ chạm trán giữa binh lính hai bên. Một ứng dụng của Ấn Độ cho phép người dùng tìm kiếm và xóa bỏ các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc đã đạt 5 triệu lượt tải trước khi bị Google gỡ bỏ.

Với diễn biến bạo lực đẫm máu mới đây, làn sóng này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với sự hưởng ứng từ cả phía chính quyền.

Người Việt bài Trung

Người Việt Nam đã có tư tưởng và ý thức chống lại Trung Quốc từ rất lâu đời. Điều này bắt nguồn từ lịch sử hàng ngàn năm bị Trung Quốc xâm chiếm, cai trị và người Việt đã đứng lên để chống lại sự xâm lược từ Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Việt Nam cố gắng tìm cách xoa dịu tâm lý bài Trung của người Việt Nam nhưng các hành động của Bắc Kinh như đổ thêm dầu vào lửa. Những cuộc tấn công liên miên của Trung Quốc như chiến tranh biên giới năm 1979, tấn công và chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 đã khiến người dân Việt Nam ngày càng căm ghét Trung Quốc. Thêm nữa, âm mưu và dã tâm chiếm đoạt biển Đông của Bắc Kinh lại càng khiến người dân Việt Nam khó cảm tình được với Trung Quốc. Những cuộc xuống đường năm 2014 của người dân khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan HD 981 vào ngay vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là những minh chứng tiêu biểu.

Ngày 10/6/2018, đồng loạt người dân cả nước đã xuống đường biểu tình chống lại Luật Đặc Khu, với lo ngại các đặc khu này sẽ là công cụ để cho Bắc Kinh chi phối và xâm lược Việt Nam từ từ không thông qua cuộc chiến quân sự.

Gần đây, trước các thông tin về bản đồ của hãng thời trang H&M tại Trung Quốc xuất hiện thông tin về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không đúng sự thật, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng đòi tẩy chay thương hiệu này cũng vì yếu tố Trung Quốc.

Vì sao người dân châu Á có thái độ thù địch với Trung Quốc như vậy?

Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người dân tại châu Á lại có tâm lý bài Trung Quốc như vậy?

Giáo sư Lee Kee-woong chỉ ra rằng tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc gắn liền với "Giấc mộng Trung Hoa" mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Thuật ngữ này là châm ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thường được hiểu là ám chỉ vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Giáo sư Seo Kyung-duk cũng lưu ý rằng xung đột còn tiếp tục kéo dài chừng nào Trung Quốc còn nuôi dưỡng niềm tin rằng nước này là trung tâm của vũ trụ, với nội hàm là Trung Quốc là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của thế giới. Ông nói: “Thay vì tìm kiếm một giải pháp cơ bản, các nước láng giềng cần lên tiếng phản đối Trung Quốc về những quan điểm xuyên tạc hoặc xem thường các quốc gia khác, đồng thời hối thúc Trung Quốc tôn trọng giá trị của các nền văn hóa khác”.

Kỹ sư người Ấn - ông Sonam Wangchuk, là một người dân tỉnh Ladakh, cho biết Trung Quốc gần đây càng ngày càng ngang ngược. Họ ngang nhiên lấn đất và rào chặn những mảnh đất chăn nuôi dê lâu đời của chúng tôi. "Nếu chúng ta đối phó bằng quân sự, đó là điều họ đã chuẩn bị", Sonam Wangchuk chia sẻ. "Làm tổn hại về kinh tế mới làm họ ái ngại, Ấn Độ đã chi không biết bao nhiêu tiền nhưng chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy của họ và nhìn rõ Trung Quốc là một con sói, một đất nước ăn cướp”.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thì cho rằng: “Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay xem hành vi xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa trên sự tồn tại của chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa gần các thực thể do Việt Nam kiểm soát được xem như là bằng chứng về mối đe dọa này. Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chính quyền Việt Nam có thể là đã chiến thắng trước tòa án công luận thế giới vào năm 2014, nhưng sau đó lại lùi bước trước áp lực của Trung Quốc trong hai năm 2017 và 2018, khi đình chỉ thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank)."

Tin, bài liên quan

Đầu trang

08/05/2021 - viettimes

Quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương trở thành “chiến trường” giữa Mỹ và Trung Quốc

VietTimes – Quốc đảo nằm trên Thái Bình Dương đã đáp trả hành động được cho là “bắt nạt” của Trung Quốc bằng cách mời Mỹ tới thiết lập các cảng chiến lược và căn cứ, theo Asia Times.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận năm 2019 ở Palau (Ảnh: Asia Times)

Quốc đảo nhỏ Palau đã gửi lời mời Lầu Năm Góc của Mỹ tới xây dựng các cảng, căn cứ và sân bay trên lãnh thổ của họ, sau khi Trung Quốc “bắt nạt” hòn đảo này bằng cách khiến nền kinh tế vốn đã dễ đổ vỡ của họ càng thêm bất ổn; theo Tổng thống Surangel Whipps.

“Việc Tổng thống Whipps đưa ra đánh giá thẳng thừng về sức ép của Trung Quốc – và mời Mỹ tới xây dựng căn cứ - là một động thái hiếm thấy đối với một nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương” – Giám đóc Viện An ninh Thái Bình Dương Australia, Meg Keen, nhận định với Asia Times và thêm rằng “có nguy cơ rất cao về sự đối đầu đang tiếp diễn” giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể có ít dân số và lãnh thổ, nhưng nên được coi như “những nhà nước lớn ở đại dương” có quan hệ thân mật với các quốc đảo khác thuộc “lục địa Xanh”” – bà Keen nói – “Trung Quốc đang muốn đem càng nhiều các quốc gia ở Thái Bình Dương vào mạng lưới Vành đai và Con đường nhất có thể, để họ có quyền tiếp cận khắp Thái Bình Dương cho tới châu Mỹ và Nam Cực”.

Giới phân tích nói rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương có thể bị Mỹ hoặc Trung Quốc tận dụng, trong trường hợp hành động quân sự bùng phát giữa hai bên.

Cho đến mãi 4 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu nhắm tới dân số chỉ 21.000 người của Palau, cho phép lượng du khách nước họ ồ ạt đổ tới các địa điểm du lịch nhiệt đới trên lãnh thổ rộng 180 dặm vuông của quốc đảo này – tức nhỏ hơn đảo Guam. Lượng du khách từ Đại lục đổ tới Palau đã đạt đỉnh là 87.000 trong năm 2015, chiếm khoảng 1/2 tổng lượng du khách đến; theo Cơ quan Di trú Palau và Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương.

Tổng thống Palau Surangel Whipps (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng du khách Đài Loan tới Palau vào ngày 1/4/2021 (Ảnh: AFP)

Thế nhưng Palau lại không hủy quyết định công nhận ngoại giao với Đài Loan mà họ đưa ra vào năm 1999.

Chính quyền Bắc Kinh, tức giận trước điều này, đã hủy hết các gói du lịch sinh lợi tới Palau trong năm 2017. Ngành công nghiệp du lịch của Palau nhanh chóng chìm nghỉm.

“Đây chỉ là một ví dụ cho thấy nguồn tiền của Trung Quốc là một kiểu bẫy” – Tổng thống Whipps tháng trước nói – “Các bạn làm điều này vì tôi, vậy tôi muốn có thứ này, thứ này”.

Tổng thống Whipps còn nói rằng các quan chức Trung Quốc cũng bắt nạt ông.

“Tôi đã tham dự nhiều cuộc họp với họ, và điều đầu tiên mà họ nói với tôi trước đó, trong một cú điện thoại, là “Điều mà ông đang làm là phi pháp, công nhận Đài Loan là phi pháp. Ông cần phải dừng lại”. Đó là giọng điểu của họ. Chúng tôi không cần được chỉ dạy nên làm bạn với ai”.

Trong tháng 3 năm nay, ông Whipps nói với các phóng viên Đài Loan rằng cách ứng xử của Trung Quốc đối với Palau như kiểu “Nếu anh đang trong một một quan hệ - tôi sử dụng ví dụ này – anh không được đánh vợ mình để khiến họ yêu anh”.

Sinh trưởng ở Baltimore, Tổng thống Whipps đã từ bỏ quyền công dân Mỹ, trở thành một thượng nghị sĩ ở Palau và vào tháng 1/2021, trở thành Tổng thống của quốc đảo này.

Trong số 15 quốc gia khác công nhận Đài Loan, chỉ có một số quốc đảo trên Thái Bình Dương bao gồm quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu.

340 đảo của Palau nằm phía Bắc đường xích đạo, cách Philippines khoảng 600 dặm (900 km) về phía Đông.

Vào năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Mark Esper, Kenneth Brainthwaite đã tới thăm Palau.

“Đề nghị của Palau đối với quân đội Mỹ rất đơn giản: xây dựng các cơ sở chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên”, Tổng thống lúc bấy giờ của Palau, ông Tommy Remengesau, nói với ông Esper và Brainthwaite trong cuộc gặp giữa hai bên.

Cựu Tổng thống PalauTommy Esang Remengesau được cho là đã đề nghị Mỹ tới xây dựng căn cứ quân sự chung (Ảnh: AFP)

Quân đội Mỹ đã sử dụng lãnh thổ của Palau trong năm 2020 để huấn luyện 200 binh sĩ – cuộc huấn luyện đầu tiên của quân đội Mỹ tại hòn đảo này trong gần 40 năm. Cũng trong năm đó, “khoảng 100 lục quân và thủy thủ Mỹ thuộc nhóm tác chiến Koa Moana, thuộc Lực lượng Lính thủy đánh bộ Viễn chinh I, đã ở Palau”, tờ Stars and Stripes đưa tin.

Palau “ có thể là một quốc gia nhỏ, nhưng họ lại muốn vươn cao hơn sức nặng của mình xét về tỷ lệ tham gia trong quân đội Mỹ”, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, Heino Klinck, nói, thêm rằng có ít nhất 6 binh sĩ Palau đã tử trận trong quân phục Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

“Chúng tôi rất quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục chèn ép các quốc gia công nhận Đài Loan, để buộc họ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc” – ông Klinck nói với tờ Military Times.

Vị trí địa lý của Palau nằm trên một tuyến đường liên kết giữa Hawaii và đảo Guam, khiến hòn đảo này rất quan trọng đối với lợi ích của nước Mỹ.

Vào năm 1986, Mỹ và Palau đã ký Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) cho phép Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về vấn đề phòng thủ của Palau. Mỹ và Palau cũng có đặc điểm chính trị khá tương đồng thời kỳ hậu Thế chiến II khi mà Washington quản lý một số đảo trên Thái Bình Dương, bao gồm cả Palau, cho đến khi nó độc lập vào năm 1994.

“Trung Quốc đang chịu bất lợi hơn do nước Mỹ đã dẫn trước 70 năm ở khu vực Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến II, và bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của Palau đối với Mỹ, Đài Loan và các đồng minh phương Tây” – Asia Times dẫn lời một chuyên gia phân tích địa-chính trị ở Thái Lan, nhận định – “Nhưng ngược lại, trong 2 thập kỷ qua, Mỹ cũng để mất phần lớn “Chuỗi đảo Đầu tiên” vào tay Trung Quốc”.

Chuỗi đảo đầu tiên này bao gồm Đài Loan, Okinawa (Nhật Bản), Philippines và nhiều đảo khác gần với Trung Quốc, thuộc mặt trận đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày nay nó cũng bao gồm cả khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh và Washington cạnh tranh ác liệt.

Palau nằm trong “Chuỗi đảo thứ hai” – gần hơn với Hawaii và lãnh thổ Mỹ - kết nối phía Nam Nhật Bản, đảo Guam, và các đảo nằm xa hơn về phía Nam, trong đó có Palau, dọc Tây Thái Bình Dương.

“Đối với Palau và các đảo quốc khác trên Thái Bình Dương, điều quan trọng với họ là kinh tế - đánh bắt cá, du lịch… - và các vấn đề an ninh, quân sự cũng là hướng đến phát triển kinh tế” – vị chuyên gia giấu tên cho hay – “Đối với Mỹ và Trung Quốc thì ngược lại, họ sẵn sàng sử dụng các biện pháp kinh tế - như việc Trung Quốc chặn du lịch – để đảm bảo sức mạnh quân sự của họ”.

Các đảo của Palau từng là nơi nhuốm máu trong Thế chiến II, khi 1.800 binh sĩ Mỹ tử trận và 8.000 binh sĩ bị thương trong Trận Peleliu, và cuộc tấn công nhằm vào nhiều cứ điểm của Nhật Bản trên khắp Thái Bình Dương.

Theo Asia Times

Đầu trang

08/05/2021 - RFI

Thượng đỉnh Ấn – Âu tăng cường quan hệ kinh tế để đối phó với Trung Quốc

Ảnh tư liệu: Cuộc họp thượng đỉnh Ấn Độ -Liên Hiệp Châu Âu, qua truyền hình hôm 15/07/2020. AP - Yves Herman

Hôm nay, 08/05/2021, tại Porto, Bồ Đào Nha các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi. Mục đích nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược, nối lại đàm phán về thỏa thuận tự do mậu dịch giữa hai bên.

Với dân số hơn 1,3 tỷ người, tốc độ tăng trưởng trước đại dịch gần 6%, Ấn Độ luôn là thị trường lớn đối với Liên Hiệp Châu Âu. Quan hệ kinh tế giữa hai bên không ngừng tăng trong thập niên qua. Tuy nhiên đến giờ Bruxelles và New Delhi vẫn chưa đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch do các cuộc đàm phán bế tắc và đã bị đình lại từ 8 năm qua. Một lý do khác thúc đẩy Ấn Độ và Liên Âu xích lại gần nhau hơn về kinh tế và chiến lược. Đó là để đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc đang gây lo ngại cho Ấn Độ cũng như Liên Hiệp Châu Âu.

Thông tín viên Come Bastin tại Bangalore tóm tắt những mong đợi của New Delhi trong cuộc họp thượng đỉnh lần này:

Ông Narendra Modi lẽ ra phải tới tới Bồ Đào Nha, nhưng cuộc họp đã phải diễn ra trực tuyến. Hôm nay (08/05) thủ tướng Ấn Độ sẽ thảo luận với lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 15 giữa hai bên.

Nội dung trước hết là về thỏa thuận tự do mậu dịch quan trọng nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng vẫn ở điểm chết từ 8 năm qua. Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, nhưng các cuộc thảo luận bị bế tắc trên vấn đề thị trường rượu và các công nghệ. New Delhi cho biết không trông đợi có kết luận nhưng hy vọng đạt được tiến bộ đáng kể.

Ấn Độ dự tính sẽ thúc đẩy Liên Âu có lập trường rõ ràng về vấn đề đình chỉ bằng sáng chế vac-xin ngừa Covid. Đất nước Ấn Độ đang bị làn sóng dịch thứ 2 tàn phá nhưng lại chật vật để sản xuất vac-xin. Lập trường mà tổng thống Mỹ Joe Biden mới đưa ra về bản quyền sáng chế vac-xin sẽ tạo thêm sức ép đối với Châu Âu, vốn vẫn còn đang chia rẽ về vấn đề này.

Liên Hiệp Châu Âu đã thông báo sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp thượng đỉnh này. Tổ chức phi chính phủ Amnesty International nhấn mạnh đến tình trạng bất bình đẳng tiếp cận chăm sóc y tế cũng như việc như bỏ tù đối lập và xâm hại đến cộng đồng thiểu số ở Ấn Độ.

EU muốn hướng tới một hiệp định tự do mậu dịch

Trong khi đó, phía Liên Hiệp Châu Âu hy vọng thượng đỉnh sẽ là dịp để hai bên giải tỏa các bất đồng, nối lại các vòng thương lượng về một hiệp định tự do thương mại mà cả hai đang đều cần trong bối cảnh hiện nay.

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles tường trình:

Thượng đỉnh Ấn-Âu lần này có mục tiêu về thỏa thuận bảo hộ chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm liên quan đến các mặt hàng từ gạo Basmati đến pho-ma Roquefort hay trà Darjeeling. Việc tìm kiếm thỏa thuận về đầu tư, kỹ thuật số hay giao thông cũng nằm trong chương trình nghị sự, nhưng điểm trọng tâm của các cuộc thảo luận là khởi động lại các cuộc thương lượng về hiệp định tự do mậu dịch trong tương lai.

Các cuộc đối thoại đã khởi đầu một cách khá tốt hồi năm 2007 nhưng sau 5 năm thảo luận các vòng thương lượng đã bị đình lại năm 2013. Theo Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ vào thời điểm đó đã ấn định làn ranh đỏ quá lớn cho các vấn đề tài chính, xe hơi hay rượu vang chẳng hạn.

Nhưng từ 10 năm trở lại đây, trao đổi thương mại giữa Liên Âu và Ấn Độ đã tăng gần 72%. Hơn bao giờ hết Liên Hiệp Châu Âu muốn có một thỏa thuận tự do mậu dịch để có thể đối phó với Trung Quốc.

Mục đích thương lượng của Ủy Ban Châu Âu không thay đổi từ năm 2007 và các nước Liên Âu giờ đây nhận thấy chính phủ của ông Narendra Modi giờ đây cũng mong muốn đạt được thỏa thuận.

Đầu trang

06/05/2021 - RFI

Gió đã xoay chiều trong quan hệ Liên Âu-Trung Quốc

Ảnh minh họa: Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 05/05/2021. YVES HERMAN POOL/AFP/File

Quan hệ có dấu hiệu trắc trở giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc là một trong những đề tài nổi bật trên báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 06/05/2021, đặc biệt được nhật báo kinh tế Les Echos đưa lên thành tựa lớn trang nhất.

Bên cạnh đó, chủ đề Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới, kéo theo nỗ lực tiêm chủng để phòng ngừa cũng tiếp tục được theo dõi, cụ thể là hồ sơ lớn trên Le Monde về độc quyền sản xuất vac-xin hiện do các viện bào chế lớn nắm giữ.

Và dĩ nhiên các đề tài liên quan đến Pháp vẫn rất được quan tâm, từ vấn đề hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trên Le Figaro, cuộc chiến giữa các thế hệ trên La Croix cho đến vụ một nhà báo Pháp bị quân thánh chiến Hồi Giáo bắt làm con tin ở Mali (châu Phi) trên Libération.

Les Echos: Châu Âu lên giọng với Trung Quốc

Về quan hệ Liên Âu-Trung Quốc, Les Echos nêu bật trong hàng tựa chính trang nhất: “Châu Âu lên giọng với Trung Quốc”, giải thích rằng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư được ký kết giữa hai bên vào cuối tháng 12/2020 đang bị hoãn. Tờ báo đặc biệt ghi nhận sự kiện Bruxelles đang củng cố kho “vũ khí” luật lệ và quy định của mình để ngăn chặn không cho các tập đoàn Trung Quốc mua lại các công ty châu Âu.

Trong bài phân tích mang tựa đề: “Gió đã xoay chiều trong quan hệ châu Âu -Trung Quốc”, Les Echos nhấn mạnh đến thái độ cứng rắn rõ nét của Liên Hiệp Châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc, căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai bên đang khiến Bruxelles ngày càng đề cao cảnh giác với Bắc Kinh.

Thỏa thuận đầu tư bị hoãn phê chuẩn

Tờ báo ghi nhận rằng bầu không khí lạnh giá hiện nay đã hoàn toàn đổi khác so với cách nay không đầy 5 tháng, khi hai bên ký kết thỏa thuận song phương về bảo hộ đầu tư, một thỏa thuận mà thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra sức thúc đẩy.

Thỏa thuận này cần phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn mới có hiệu lực, thế nhưng tối thứ Ba 04/05 vừa qua, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis, người Latvia, đã chính thức thừa nhận rằng tiến trình phê chuẩn bị đình hoãn với lý do: “Môi trường không thuận lợi”. Đây là một thay đổi thái độ rõ nét đối với một người cho đến gần đây, vẫn kêu gọi mọi người là cần phải thực dụng trước một văn bản mở ra triển vọng tích cực cho các công ty châu Âu.

Ngoài việc đình hoãn tiến trình phê chuẩn thỏa thuận đầu tư UE-Trung Quốc, Les Echos còn ghi nhận một dấu hiệu khác thể hiện thái độ cứng rắn hẳn lên của Bruxelles đối với Bắc Kinh. Vào hôm qua, 05/05, Ủy Ban Châu Âu đã loan báo các quyết định tăng cường khả năng tự vệ của châu Âu chống lại các công ty Trung Quốc được Bắc Kinh trợ cấp hậu hĩnh.

Chính Trung Quốc đã tự "bắn vào chân mình"

Theo ghi nhận của Les Echos, khi loan báo việc thỏa thuận đầu tư bị hoãn phê chuẩn, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu chỉ lớn tiếng nói ra những gì đã được xì xào ở các thủ đô châu Âu, vì ai cũng thấy rằng văn kiện này khó có thể được phê chuẩn trong bối cảnh Trung Quốc bị vướng vào vấn đề đàn áp tại Hồng Kông và Tân Cương, trong lúc vẫn duy trì thái độ mập mờ trên việc tôn trọng luật lao động.

Đối với Les Echos, chính thái độ ngạo mạn của Trung Quốc đối với châu Âu đã khiến cho quan hệ song phương xấu đi đột ngột, đặc biệt là từ tháng Ba vừa qua trên vấn đề Tân Cương.

Được trang bị một công cụ mới để chống lại việc lạm dụng nhân quyền, Liên Hiệp Châu Âu đã trừng phạt nhiều công dân trên thế giới, trong đó có 4 quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về vụ đàn áp ở Tân Cương. Phản ứng của Bắc Kinh rất quyết liệt và tức thời, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nghị sĩ, các nhà nghiên cứu và một trung tâm nghiên cứu.

Les Echos đã trích dẫn một nguồn tin hàng đầu tại châu Âu, phê phán tính chất thái quá của Bắc Kinh trong cách đáp trả khi tấn công vào chính nền tảng của quyền tự do ngôn luận của châu Âu, theo logic thuần túy đối đầu và “quá tự tin”. Đối với nguồn tin trên, suy nghĩ chung ở châu Âu là chính Trung Quốc “đã tự bắn vào chân mình”, tức là tự hại mình.

Một nguồn tin khác đánh giá: “Hoặc là họ không thèm quan tâm đến quan hệ của họ với chúng ta, hoặc họ không hiểu cách hoạt động của chúng ta, cũng như không lường trước được mức độ phản ứng của chúng ta”.

Quan hệ khó khăn sẽ còn kéo dài

Đối với Trung Quốc, theo Les Echos, triển vọng quan hệ với châu Âu còn có khả năng xấu đi thêm vì thái độ ​cảnh giác với Bắc Kinh giờ đây còn xuất hiện ở các quốc gia hay các thành phần lâu nay vẫn hoan nghênh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một ví dụ cụ thể là những khó khăn mà khối “17 + 1” đang gặp phải. Nhóm 17 quốc gia châu Âu này - vốn đã liên kết với Trung Quốc - đang đứng trước nguy cơ bị hụt hơi, với việc các nước Baltic đang càng lúc càng rời xa khỏi khối.

Ngay cả nước Đức, từ lâu nay vẫn tập trung vào lợi ích của các nhà xuất khẩu trong nước với Trung Quốc là một thị trường nặng ký, hiện cũng đã thay đổi thái độ - Thủ tướng Angela Merkel, sắp rời chức vụ, có dấu hiệu bị tương đối cô lập khi bà liên tục bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh.

Giới chủ nhân châu Âu cũng đã thay đổi cách tiếp cận của họ. Markus Beyrer, giám đốc điều hành của Business Europe, tóm tắt: “Theo truyền thống, Trung Quốc được coi là một thị trường có tốc độ tăng trưởng vượt trội”. Nhưng giờ đây, ông giải thích, vấn đề đặt ra trước tiên là các công ty châu Âu phải được đối xử “ngang hàng” với các công ty Trung Quốc.

Le Monde: Thỏa thuận EU-Trung Quốc "kể như đã chết"

Nhật báo Le Monde cũng phân tích về quan hệ Bruxelles-Bắc Kinh trong bài “Liên Hiệp Châu Âu “đình chỉ” thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc”, và trích dẫn một số nhà quan sát cho rằng văn kiện này “kể như đã chết”.

Đối với Le Monde, rõ ràng là khi được ký kết cách đây 4 tháng, ai cũng thấy rằng việc phê chuẩn thỏa thuận sẽ không đơn giản. Các chính phủ muốn phê chuẩn nhưng sẽ phải đối mặt với những luồng dư luận đôi khi chống đối, nhất là khi các nước như Hà Lan, Áo, Ý và Hungary, đã tỏ dè dặt về tác dụng thực thụ của thỏa thuận, trong khi một số nước khác lại sợ gửi đi một tín hiệu sai lạc tới chính quyền Biden, trong bối cảnh Bruxelles đang tha thiết khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Còn về phía Nghị Viện Châu Âu, ngoài nhóm nghị sĩ Đức và phe Bảo Thủ thuộc Nhóm Các Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), hiệp ước này đã khơi dậy các phản ứng tiêu cực, từ thái độ thù địch thẳng thừng của các nhóm bảo vệ môi trường hoặc đại diện của cánh tả cấp tiến, cho đến thái độ hoài nghi không giấu diếm kể cả nơi các nghị sĩ vốn có truyền thống ủng hộ loại thỏa thuận này.

Việc Bắc Kinh trừng phạt các nghị sĩ châu Âu dám chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào lửa. Nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphael Glucksmann, một trong những người bị Bắc Kinh trừng phạt, tối 04/05 đã tuyên bố: “Trong vòng hai tuần lễ tới đây, Nghị Viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về việc đóng băng thỏa thuận. Chúng tôi cảm thấy sẽ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu". Theo ông, sở dĩ Ủy Ban Châu Âu phải hoãn thỏa thuận, đó là vì "họ đã biết trước điều đó”.

Riêng ông Philippe Lamberts, chủ tịch nhóm nghị sĩ thuộc đảng xanh Les Verts tại Nghị Viện, một người cũng chống thỏa thuận với Trung Quốc ngay từ đầu, thì nhận xét thẳng thắn: “Thỏa thuận này đã khởi sự một cách tệ hại, ngay từ trước khi có những biện pháp trừng phạt (giữa Liên Âu và Trung Quốc). Giờ đây, có lẽ nó đã chết hẳn”.

Đầu trang

06/05/2021 - BBC

Trung Quốc ngưng đối thoại kinh tế then chốt với Úc 'vô thời hạn'

Nguồn hình ảnh: Getty Images

Trung Quốc ngưng "vô thời hạn" việc đối thoại kinh tế then chốt với Australia, diễn biến mới nhất trong rạn nứt ngoại giao ngày càng lớn giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ song phương đã đi xuống kể từ khi Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona và cấm hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào các mạng 5G của Úc.

Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm từ Úc như rượu và thịt bò.

Trong thông cáo ra hôm thứ Năm, một ủy ban của chính phủ Trung Quốc cáo buộc Úc là có "tư duy Chiến tranh Lạnh".

"Gần đây, một số viên chức trong chính phủ Úc đã ra một loạt các biện pháp nhằm làm gián đoạn sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Australia, với tư duy Chiến tranh Lạnh và và phân biệt đối xử ý thức hệ," Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) nói trong một thông cáo.

Phản ứng về quyết định này, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan nói Úc "thấy thất vọng", nhưng nói thêm là Canberra vẫn để ngỏ cho việc thảo luận.

EPA. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của các nhà sản xuất rượu vang của Úc

Trước đó, Canberra đã miêu tả Đối thoại Kinh Tế Chiến lược Trung - Úc là một trong "những cuộc họp kinh tế song phương hàng đầu với Trung Quốc".

Trung Quốc trước đó đã ngưng không chính thức việc trao đổi qua lại cấp bộ trưởng giữa hai nước.

James Laurenceson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Australia - Trung Quốc, nói rằng bước đi của Bắc Kinh có vẻ như nhằm làm trầm trọng thêm tình trạng đóng băng quan hệ ngoại giao.

"Cho tới nay, cả Canberra và Bắc Kinh đều nói rằng việc trao đổi thực chất, hàng ngày ở cấp thấp vẫn tiếp tục diễn ra như bình thường. Và nay, chúng ta đang chứng kiến khả năng việc hợp tác và đối thoại đang tiến tới mức bị gián đoạn," ông nói với BBC.

Quan hệ thương mại căng thẳng

Bước đi của Bắc Kinh có vẻ là diễn biến mới nhất trong hàng loạt các biện pháp ăn miếng trả miếng giữa hai bên.

Ông Lawrenceson nói rằng Bắc Kinh có vẻ như đã phản ứng trực tiếp đối với việc chính phủ Úc hủy bỏ hai thỏa thuận mà bang Victoria đã ký với Trung Quốc như một phần trong Sáng kiến Vành đai Con đường quan trọng của Bắc Kinh.

Tin tức nói chính phủ Úc cũng đang lấy ý kiến tư vấn an ninh mới về cảng Darwin, nơi đã được cho công ty Landbridge thuộc sở hữu của Trung Quốc thuê. Một số báo chí nói công ty này có thể sẽ buộc phải từ bỏ hoạt động đầu tư vì lý do an ninh quốc gia.

Cho tới nay, Trung Quốc hầu như luôn tỏ ý không hài lòng bằng cách sử dụng các biện pháp thương mại, gây ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp của Úc, trong đó có mảng rượu vang, lúa mạch và than.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm 29% thương mại Úc với toàn cầu trong năm 2019, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Thương Mại nước này.

Đầu tư của Trung Quốc tại Úc đã giảm 61% trong năm 2020, đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, theo 'Cơ sở Dữ liệu Đầu tư của Trung Quốc tại Australia' của Đại học Quốc gia Úc.

Đầu trang

05/05/2021 - RFI

Đã đến lúc Úc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin 99 năm với Trung Quốc

Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017: Cảng Darwin miền bắc nước Úc. REUTERS - STAFF

Bộ Quốc Phòng Úc đang xem xét lại hợp đồng cho tập đoàn Trung Quốc Landbridge thuê cảng Darwin (miền bắc) trong vòng 99 năm. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định “chính phủ sẽ hành động” nếu “cơ quan tình báo cho rằng có những rủi ro đối với ninh quốc gia” liên quan đến hợp đồng trị giá 506 triệu đô la Úc (390 triệu đô la Mỹ).

Cuối năm 2020, Úc thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang hủy bỏ các thỏa thuận được ký kết giữa các bang và nước ngoài. Nhờ biện pháp này, một biên bản ghi nhớ giữa chính quyền bang Victoria và Trung Quốc liên quan đến dự án Một Vành Đai, Một Con Đường đã được hủy bỏ.

Cảng Darwin, được tập đoàn Trung Quốc Landbridge ca ngợi trong một đoạn video quảng cáo năm 2019 là một trong những mắt xích của dự án hạ tầng đầy tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện trở thành một điểm chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia Úc. Vì vậy, theo ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của ASPI, “đã đến lúc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin” với bốn điểm thay đổi được nêu trong bài phân tích ngày 04/05/2021.

Thứ nhất, Trung Quốc, dưới thời Tập Cận Bình, ngày càng hung hăng tìm cách thống trị vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hất Mỹ để trở thành lực lượng quân sự chính trong vùng, làm suy yếu các đồng minh của Hoa Kỳ và trừng trị mọi ý kiến đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.

Hiện giờ Canberra “vỡ mộng” về “khả năng lớn mạnh của Trung Quốc chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ an ninh trong khu vực và thế giới” được ca ngợi trong Sách Trắng Ngoại Giao của Úc năm 2017. Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông và biển Hoa Đông, uy hiếp Đài Loan, đe dọa Úc... Theo nhà nghiên cứu Úc, Bắc Kinh tỏ rõ mục đích phá vỡ trật tự thế giới, thay vào đó là sự kiểm soát chuyên quyền.

Thứ hai, hợp tác kinh tế “đôi bên cùng có lợi” hiện trở thành công cụ bắt chẹt và trừng phạt của Trung Quốc. Canberra bất lực nhìn Bắc Kinh lần lượt tăng thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như rượu vang, thịt bò, nông phẩm... Bắc Kinh không ngần ngại trừng phạt mọi bất đồng nào bị cho là mang tính “phá hoại”. Và theo những phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Úc, chính Canberra phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ tiêu cực song phương hiện nay.

Thứ ba, chủ tịch Tập Cận Bình gia tăng quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông, thông qua Luật Tình báo Quốc gia 2017 và Luật An ninh Quốc gia được áp dụng ở đặc khu hành chính từ năm 2020. Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của Đảng là trường hợp nhà tỉ phú Mã Vân của tập đoàn Alibaba bị “thất sủng”.

Tập đoàn Landbrigde, quản lý cảng Darwin, không nằm ngoài quy luật này, thậm chí khẳng định là “đang thực hiện giấc mộng Trung Hoa”. Liệu “nhiệt thành” của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với mục tiêu đề ra của đảng Cộng Sản có tác động đến những công trình hạ tầng trọng yếu ở Úc do phía Trung Quốc kiểm soát vào lúc mà Bắc Kinh muốn “trừng phạt” Canberra không ?

Thứ tư, chiến lược về Trung Quốc của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã thay đổi. Trước nguy cơ xung đột gia tăng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Washington áp dụng chiến lược “phân tán” lực lượng để giảm bớt khả năng đối thủ tấn công vào những khu vực quan trọng Guam và Nhật Bản.

Theo kịch bản này, miền bắc Úc có vị trí chiến lược quan trọng hơn đối với an ninh trong vùng, không chỉ đối với Úc mà còn cho cả các đồng minh đối tác của Canberra. Vì vậy, việc kiểm soát cảng cũng trở nên quan trọng hơn so với tình hình năm 2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Úc lúc đó, Dennis Richardson, khẳng định hợp đồng cho thuê cảng Darwin trong vòng 99 năm không hề đe dọa đến an ninh quốc phòng, dù cảng Darwin chỉ cách cảng HMAS Coonawarra của Hải Quân Úc khoảng 8 km.

Nhà nghiên cứu Úc cho rằng trước một Trung Quốc không che giấu tham vọng thống trị khu vực, các nước trong vùng phải đánh giá lại những rủi ro của các công trình hạ tầng có liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc. Phá vỡ hy vọng kinh doanh cùng có lợi là việc hi hữu, gây khó chịu nhưng có lẽ là điều cần thiết để định hình thực tế chiến lược dựa trên những gì đang xảy ra.

Đầu trang

May 4, 2021 - nguoi-viet

Philippines và Việt Nam: Hai lựa chọn ứng xử với Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt

Những hành động hung hăng của chính quyền Bắc Kinh trên Biển Đông đang làm cho giới lãnh đạo Philippines nhận ra Trung Quốc không phải là một người bạn; trong khi giới lãnh đạo Việt Nam sau đại hội đảng Cộng Sản thứ 13 hồi đầu năm đang càng tỏ ra thân thiện với Trung Quốc.

Bây giờ ông Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines, đã nhận ra rằng Trung Quốc không phải là một người bạn… (Hình minh họa: How Hwee Young/AFP via Getty Images)

Lựa chọn trái ngược nhau của hai nước trong ứng xử với Trung Quốc có làm cho Việt Nam mất đi một cơ hội dân chủ hóa?

Philippines chuyển biến

Philippines hôm Thứ Hai, 3 Tháng Năm, đã công kích hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Manila tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải để khẳng định chủ quyền của họ ở vùng biển tranh chấp.

Manila và Bắc Kinh đã tranh cãi công khai từ hồi Tháng Ba sau khi có hàng chục tàu Trung Quốc được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Nhưng căng thẳng càng lúc càng leo thang khi Philippines phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc khác lảng vảng bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, gần các đảo đá bãi cạn mà Philippines quản lý hoặc bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép.

Hôm Thứ Hai, Bộ Ngoại Giao Manila cho biết họ đã “phản đối các hành động rình rập, ngăn chặn, dọa nạt của cảnh sát biển Trung Quốc đối với các tàu của cảnh sát biển Philippines đang thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải và diễn tập gần bãi cạn Scarborough vào ngày 24 và 25 Tháng Tư.”

Từ Tháng Ba đến nay hầu như ngày nào chính phủ Philippines cũng gửi công hàm ngoại giao phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển Philippines. Sự trơ lì của Bắc Kinh, không chịu rút tàu về, đã khiến Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. không kiềm chế được phẫn nộ và hôm Chủ Nhật, 2 Tháng Năm, ông đã đăng lên Twitter một bình luận có ngôn ngữ nặng nề, rất hiếm thấy trong giới ngoại giao, đòi Trung Quốc phải “cút đ—đi” (get the f—out).

Ngoại Trưởng Locsin không đơn độc. Tổng Thống Rodrigo Duterte cũng tỏ ra hết chịu đựng nổi những hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc. Ông nói với người dân Phi: “Hãy biết rằng, Trung Quốc là một người bạn tốt, chúng tôi không muốn rắc rối với họ, càng không muốn chiến tranh. Nhưng có những điều không thể thỏa hiệp được.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng lên tiếng phụ họa: “Tổng Thống Duterte ra lệnh rất rõ ràng và chắc chắn: Phải bảo vệ những gì thuộc về chúng tôi một cách đúng đắn mà không cần phải gây chiến tranh và duy trì hòa bình trên biển. Chúng tôi thừa nhận năng lực quân sự của Trung Quốc tân tiến hơn chúng tôi nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng tôi bảo vệ lợi ích quốc gia cả chúng tôi, bảo vệ phẩm giá của một dân tộc bằng tất cả những gì chúng tôi có.”

Giới quan sát ghi nhận đang có một sự thay đổi quan điểm và thái độ trong giới lãnh đạo chủ chốt của Philippines trong việc đối xử với Trung Quốc, chuyển từ “thân thiện” sang “cứng rắn.”

Tưởng cần để ý rằng khi lên làm tổng thống Philippines năm 2016, ông Duterte có quan điểm chống Mỹ và thân Trung Quốc. Ông đã có nhiều phát ngôn và hành động chống Mỹ như đòi chấm dứt các cuộc tập trận thường niên giữa quân đội hai nước, chấm dứt thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Mỹ-Philippines (US-Philippines Visiting Forces Agreement, VFA) vào đầu năm 2020.

Ngược lại, với Trung Quốc, ông Duterte luôn tìm cách lấy lòng. Trong chuyến công cán nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức năm 2016, ông tuyên bố tại Bắc Kinh “Đã đến lúc chia tay với người Mỹ,” làm cho các quan chức nước chủ nhà, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, rất hài lòng.

Ông Duterte thậm chí bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông; và ông nhiệt tình đưa Philippines tham gia đại dự án Vành Đai và Con Đường (BRI) của ông Tập Cận Bình, với hy vọng sẽ nhận được nhiều vốn đầu tư và viện trợ của Trung Quốc.

Nhưng mấy năm qua, lời hứa viện trợ của Bắc Kinh tỏ ra chỉ là những chiếc bánh vẽ, kể cả cam kết cung cấp cho Philippines hàng chục triệu vaccine ngừa COVID-19; trong khi trên Biển Đông, Trung Quốc ngày càng lấn tới, từng bước xâm lấn và chiếm đóng các đảo đá và vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, quấy nhiễu ngư dân và cả lực lượng tuần tra của nước này.

Bây giờ ông Duterte đã nhận ra rằng Trung Quốc không phải là một người bạn, nhận ra dù sao Philippines vẫn cần có một đồng minh an ninh lâu dài là Hoa Kỳ. “Nhận thức mới của ông Duterte sẽ có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng từ nay đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông vào năm 2022,” nhà bình luận Derek Grossman viết trên báo Foreign Policy hôm 3 Tháng Năm.

Sự chuyển biến của ông Duterte và giới lãnh đạo Philippines xảy ra đúng thời điểm, vào lúc chính quyền Hoa Kỳ của Tổng Thống Joe Biden đang nỗ lực củng cố một liên minh các đồng minh và đối tác ở khu vực để ứng phó với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải hành xử theo luật lệ.

Việt Nam chuyển biến ngược

Cũng đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Việt Nam cho đến nay vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh, thậm chí ngày càng lún sâu vào vũng lầy “đại cục,” “mười sáu chữ vàng.”

Giới quan sát chính trị ghi nhận từ sau đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13 hồi đầu năm nay, ban lãnh đạo mới của Việt Nam, kể cả bên đảng và bên chính phủ, đã tỏ ra thân thiện với Trung Quốc hơn trước. Và về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng gia tăng các cuộc thăm viếng, “ủy lạo” chính quyền Việt Nam nhằm lôi kéo Hà Nội xa dần ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ.

Vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ Trung-Việt có phần kém thân thiện khi Việt Nam gần như là nước Đông Nam Á đầu tiên công khai từ chối việc sử dụng công nghệ viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của tập đoàn Huawei Trung Quốc.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào Tháng Giêng, 2020, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc và công khai ý định không mua, không sử dụng vaccine COVID-19 do Trung Quốc bào chế.

Đầu năm nay, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị có hai chuyến công du các quốc gia Đông Nam Á, dùng vaccine COVID-19 làm miếng mồi nhử để vận động sự hợp tác của ASEAN. Nhưng trong 10 quốc gia ASEAN, ông Vương chỉ đến thăm chín nước, trừ Việt Nam.

Sau cuộc đấu khẩu giữa phái đoàn ngoại giao cấp của Mỹ và Trung Quốc ở Alaska hồi giữa Tháng Ba, Bắc Kinh nhanh chóng triệu tập hội nghị Phúc Kiến với các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, tìm cách lôi kéo các nước này vào liên minh với Trung Quốc theo kiểu “hợp tung,” đối phó với liên minh theo kiểu “liên hoành” giữa Mỹ-Nhật-Nam Hàn-Đài Loan đang hình thành ở khu vực Bắc Á. Các nước dự hội nghị Phúc Kiến đều là nước ASEAN ít nhiều dính dáng đến vấn đề Biển Đông; nhưng Việt Nam lại không được mời.

Những bước đi ngoại giao như vậy của Trung Quốc có thể hoặc nhằm cô lập Hà Nội, chia rẽ Việt Nam với các nước láng giềng ASEAN hoặc nhắm gây sức ép, trừng phạt Việt Nam vì trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã là “đầu têu” lôi kéo các nước Đông Nam Á phản đối các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông và cả trong việc tranh giành nguồn nước sông Mekong, gây hạn hán cho các nước ở cuối nguồn. Đã có nhiều bình luận trên báo chí quốc tế rằng sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đẩy Việt Nam đi xa hơn vào quỹ đạo của Hoa Kỳ.

Nhưng sau đại hội 13 của đảng Cộng Sản, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi ghế tổng bí thư và đưa ông Phạm Minh Chính – một người có tiếng thân Trung Quốc – vào ghế thủ tướng chính phủ, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã tạm yên tâm về lòng trung thành của các “đồng chí Cộng Sản” đàn em ở phương Nam. Quan hệ Trung-Việt đã có vẻ nồng ấm trở lại qua các cuộc điện đàm giữa tổng bí thư của hai đảng Cộng Sản, hội nghị trực tuyến giữa trưởng ban đối ngoại trung ương đảng CSVN Lê Hoài Trung với người đồng cấp trong đảng Cộng Sản Trung Quốc Tống Đào; đặc biệt là cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 và chuyến viếng thăm Hà Nội mới đây của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Tại cuộc gặp Tướng Ngụy Phượng Hòa, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, được biết đã khẳng định, Việt Nam sẽ không bao giờ đi theo các nước khác để chống lại Trung Quốc. Có người cho rằng, “ông Phúc không bao giờ nói câu đấy” và báo chí Việt Nam cũng không tường thuật như vậy, song xem ra câu khẳng định của ông Phúc với Tướng Ngụy không trái ngược với đường lối quốc phòng xưa nay của đảng CSVN là không liên minh với nước này để chống lại nước kia mà thôi.

Trong một cuộc tiếp ông Ngụy Phượng Hòa, ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng bày tỏ “mong muốn hai đảng, hai nước tiếp tục nỗ lực để giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.” Phát biểu của ông Phúc và ông Trọng khá nhất quán với đường lối thân Tàu, “còn đảng còn mình” của giới lãnh đạo Hà Nội và cho thấy từ sau đại hội đảng, thái độ đối với Trung Quốc đã chuyển biến theo hướng từ “thân thiện” tới “thần phục.”

***

Philippines và Việt Nam là hai nước tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông và một số vấn đề khác, cũng là hai nước bị Trung Quốc chèn ép và dụ dỗ nhiều nhất. Lựa chọn thân hay chống Trung Quốc là quyết định của lãnh đạo mỗi nước, theo quan điểm của họ về lợi ích quốc gia.

Từ một nước có hiệp ước quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ, Philippines đã “thử” kết thân với Trung Quốc vì tin vào những lời đường mật của Bắc Kinh, tin vào sự giúp đỡ về tài chính và đầu tư để vực dậy nền kinh tế Philippines vốn thua kém khá xa các nước trong “cỗ xe tam mã” ASEAN (ASEAN Troika, gồm Singapore, Indonesia và Malaysia) sau thời gian dài chậm lụt vì rối loạn chính trị và độc tài. Nhưng rồi Manila bắt đầu vỡ mộng với ông bạn và bắt đầu quay trở lại với con đường độc lập tự chủ,

Việt Nam đã thử trò “đu dây” giữa các thế lực cường quốc trong thời gian dài, ít nhất là từ khi nối lại quan hệ ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ năm 1995, nhưng khi cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai đại cường Mỹ-Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết liệt thì chính sách ngoại giao đi hàng hai đó tỏ ra không còn phù hợp nữa. Thế nhưng khi cần phải điều chỉnh, Việt Nam lại chọn con đường nghiêng về phía Trung Quốc – căn bản là do sự tương đồng về mô hình quản trị độc tài toàn trị dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản. Mới đây, trong cương vị chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đứng cùng với Trung Quốc và Nga bác bỏ nghị quyết lên án cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện là một ví dụ cho thấy hướng đi của Hà Nội hiện nay.

Lựa chọn của ban lãnh đạo Hà Nội không chỉ là một điềm xấu cho số phận của đất nước và dân tộc Việt Nam mà còn là một thách thức cho các thế lực dân chủ và tiến bộ ở khu vực. Chính sách của chính quyền Joe Biden muốn Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy về an ninh, một thành viên trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, và xa hơn là một đối tác chiến lược toàn diện vì cho rằng lợi ích của hai nước tương đồng với nhau, nhất là về Biển Đông và sông Cửu Long. Nhưng chính sách đó của Washington rõ ràng đã không được Hà Nội coi trọng, có thể vì kém lòng tin vào thiện chí của Hoa Kỳ, vì lo sợ các yêu cầu về dân chủ nhân quyền của Washington sẽ xói mòn quyền lực cai trị của đảng Cộng Sản, mà cũng có thể vì lo ngại Bắc Kinh bất mãn.

Biển Đông đang mất dần các hải đảo, các nguồn tài nguyên biển, sông Cửu Long đang cạn dần vì lòng tham không đáy của chủ nghĩa Đại Hán ở Bắc Kinh nhưng những kẻ cầm quyền ở Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ như giới lãnh đạo Philippines. Một cơ hội lịch sử lại bị bỏ qua chỉ vì tính toán ích kỷ của một thiểu số thống trị tham lam và thiển cận. [qd]

Đầu trang

29/04/2021 - RFI

Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp, REUTERS - ADREES LATIF

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng. (Tạp chí phát lần đầu ngày 30/07/2020).

Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, cục trưởng cục An Ninh Quốc Gia (bộ Tư Pháp) John.C. Demers nêu rõ :

« Văn phòng chưởng lý tòa sơ thẩm liên bang khu vực Đông Washington và cục An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An Ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)

Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ».

Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.

Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:

« Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. »

Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ?

Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ».

Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới.

Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. »

Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc.

Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung.

Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa.

Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện.

Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động

Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình.

Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích :

« Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ».

Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu :

« Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ».

Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ?

Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng.

Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago.

Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2.

Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ».

Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng.

Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ?

Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19.

Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh.

« Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại.

Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc.

Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ».

Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

Đầu trang