Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Giấc mơ Đại Hán
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình ... tan hoang !

Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt

Trung cộng và thế giới (7)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

20/05/2021 - rfi

Canberra chận mưu toan của Bắc Kinh xâm nhập vào Úc

Quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc ngày càng băng giá. © afp.com/FREDERIC J. BROWN

Tháng 04/2021, chính phủ liên bang Úc đã hủy bỏ hai thỏa hiệp (MoU) đã ký giữa tiểu bang Victoria và Bắc Kinh trong khuôn khổ sáng kiến « Vành đai và Con đường» ( tên cũ là « Một Vành đai, Một con đường ») của Trung Quốc.

Để có một cách nhìn tổng quát và am hiểu hơn về những vấn đề liên quan đến các thỏa thuận đã ký giữa chính phủ của một tiểu bang nước Úc với chính quyền Trung Quốc và những hệ lụy của nó, mời quý vị nghe những phân tích và nhận định sắc nét từ ông Lưu Tường Quang.

Ông là một luật sư, đồng thời là một nhà báo có mối quan tâm chuyên sâu đến các vấn đề chính trị, ngoại giao tại Úc và các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhà báo Lưu Tường Quang nguyên là Trưởng nhiệm SBS Radio (Head of SBS Radio), một Cơ quan Truyền thông Đa Văn hóa của Úc Châu.

**********

RFI Tiếng Việt : Trước hết, xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Thưa ông, được biết, sáng kiến « Vành đai và Con đường» (Belt and Road Initiative – BRI) với khoản đầu tư 124 tỷ đôla được chủ tịch Tập Cận Bình thai nghén từ năm 2013 và đưa lên bàn đàm phán thông qua diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh năm 2017, với sự có mặt của 29 vị nguyên thủ cùng các đại diện đến từ 100 quốc gia. « Vành đai và Con đường» của Bắc Kinh được cho là « món nợ ngoại giao nguy hiểm » hay « ngoại giao bẫy nợ » (debt trap diplomacy). Sau khi trực tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh, ông Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria đã lần lượt ký hai thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc là « Biên bản ghi nhớ » (10/2018) và sau đó là « Hiệp định khung » (10/2019). Vậy xin ông cho biết nội dung cụ thể của các thỏa thuận này là gì ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Thưa quý thính giả của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, thủ hiến Daniel Andrews của bang Victoria, một trong 6 tiểu bang của liên bang Úc, đã từng đến Bắc Kinh vào năm 2015 để thăm dò. Năm 2017, ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh « Vành đai và Con đường » tại Bắc Kinh với tư cách là một đại biểu của chính phủ tiểu bang Victoria, chứ không phải đại diện cho Úc.

Sau đó, vào tháng 10/2018, ông Daniel Andrews đã ký một « Biên bản ghi nhớ » (MoU) về hợp tác « Vành đai và Con đường» với đại sứ của Trung Quốc tại Canberra Thành Cảnh Nghiệp. Rồi đến ngày 23/10/2019, cả hai bên ký thêm một « Thỏa hiệp khung » (Framework Agreement).

Nhưng cả hai thỏa hiệp này đều không có tính cách ràng buộc, nghĩa là thi hành đến đâu là tùy ý, không bên nào bắt buộc bên kia phải làm gì. Cả hai thỏa hiệp này nhằm vào ba lĩnh vực ưu tiên trong sự hợp tác giữa Victoria và Bắc Kinh, thứ nhất là trong vấn đề hạ tầng cơ sở. Chính phủ Victoria hy vọng với thỏa hiệp này, Trung Quốc sẽ đổ tiền đầu tư và kỹ thuật canh tân hạ tầng cơ sở cho tiểu bang, từ đó, tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương.

Lĩnh vực thứ hai là sáng tạo (innovation), làm thế nào để canh tân các ngành kỹ nghệ, đặc biệt là ngành kỹ nghệ sinh hóa ở mức cao tại Victoria. Và, lĩnh vực thứ ba là trong vấn đề phát triển thương mại và tiếp cận vào thị trường của nhau. Tất nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn nhất thế giới, trong khi tiểu bang Victoria là một thị trường rất nhỏ, chỉ với 6 triệu dân. Cho nên, đây là một thỏa hiệp mà Victoria hy vọng đem lại nhiều lợi nhuận trên căn bản là tạo nhiều công ăn việc làm.

RFI : Mặc dù có những lời cảnh báo và sự không đồng thuận tham gia của các quốc gia liên minh, cũng như sự không đồng tình của liên bang đối với siêu dự án đầy tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bằng cách nào chính phủ Victoria của ông Daniel Andrews đã thực hiện việc ký kết một cách trơn tru như vậy, thưa ông ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Điều này có vẻ hơi khó hiểu, nhưng thực tế, ông Daniel Andrews, thủ hiến của tiểu bang Victoria, là thủ hiến của chính phủ Đảng Lao động. Tất nhiên, theo thủ tục công quyền tại Úc và riêng tại Victoria, thông thường, thủ tướng hay thủ hiến làm gì cũng phải qua Hội đồng nội các tại chính quyền liên bang và chính phủ tiểu bang. Sau đó, các vấn đề sẽ được giao cho các bộ ngành thực hiện.

Nhưng trong trường hợp này, ông Daniel Andrews không theo phương thức thông thường. Thứ nhất, ông quy tụ tất cả các cuộc thảo luận, tiếp xúc vào trong văn phòng riêng - văn phòng chính trị của ông. Các bộ sẽ không biết kết quả, hoặc chỉ biết được kết quả sau khi đã đạt được, chứ không được tham dự vào tiến trình thảo luận.

Thứ hai, theo các nguồn tin được phổ biến rộng rãi từ các cơ quan truyền thông Úc, trong văn phòng chính trị riêng của thủ hiến Daniel Andrews có một vài cố vấn rất đặc biệt. Trong thời gian trước khi ký thỏa hiệp năm 2018, ông Andrews có hai cố vấn gốc Hoa, tốt nghiệp đại học và đã hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại Úc là ông Mike Yang và bà Jean Dong. Cả hai người được cho rất có ảnh hưởng đối với ông Daniel Andrews khi làm cố vấn trong văn phòng chính trị riêng của ông. Thêm vào đó, theo hãng tin News.com.au (Australia’s leading news site, 28/05/2020), chính hai người này đã đưa đẩy ông Daniel Andrews nhiều cơ hội tiếp xúc các quan chức Trung Quốc và dẫn tới việc ký kết hai thỏa hiệp nói trên.

RFI : Thưa ông, mối bang giao đầu tư thương mại qua « Vành đai và Con đường» giữa Victoria và Bắc Kinh có thật sự đem lại lợi ích cho sự phát triển của tiểu bang này đúng như mong đợi của hủ hiến Daniel Andrews ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Có thể nói, câu trả lời là « Không » bởi hai lý do. Thứ nhất, cả hai thỏa hiệp MoU chưa được thi hành thì đã bị hủy bỏ. Thứ hai, khi Bắc Kinh và Victoria đồng ý ký hai thỏa hiệp MoU rồi, họ dự định vào năm 2020 sẽ ký thêm một thỏa hiệp nữa về « Lộ trình Vành đai và Con đường » (BRI Road Map). Tuy nhiên, vì lý do đại dịch COVID-19 xảy ra, đầu tiên là ở Vũ Hán cuối năm 2019 đầu năm 2020 và sau đó tràn ra khắp thế giới, nên thỏa hiệp thứ ba không đạt được.

Vậy, lý do tại sao, việc ký kết bang giao ngoại thương với Bắc Kinh đã không đem lại cho Victoria lợi nhuận gì ? Trong rất nhiều năm qua, phần thặng dư (surplus) có được từ mối giao thương giữa Úc và Trung Quốc, trị giá 150 tỷ Úc kim, là thuộc chính phủ liên bang Úc.

Riêng, phần giao thương giữa tiểu bang Victoria và Trung Quốc thì kết quả ngược lại. Tiểu bang Victoria bao giờ cũng thua lỗ trong rất nhiều năm kể từ năm 2014. Đến khi hai bên ký kết hai thỏa hiệp (2018, 2019), thì sự thua lỗ tăng lên 25%. Cho nên, vào thời điểm 2021, Victoria đã bị thất thu 42 tỷ Úc kim trong vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Phần lớn, tức là 65%, các ngành xuất khẩu của Victoria sang Trung Quốc là thực phẩm và các loại sản phẩm tơ sợi chứ, không phải là các loại hàng hóa thiết yếu mà Trung Quốc cần, chẳng hạn như quặng mỏ và phần lớn lúa mạch, tôm hùm của Tây Úc, than đá của Queensland và New South Wales, thịt bò của Queensland, rượu vang, rượu nho của Nam Úc.

Cho nên, một mặt khi chúng ta nói rằng các thỏa hiệp MoU chưa đem lại một lợi nhuận nào cho Victoria, ngược lại chúng ta cũng nói rằng Victoria có một giao thương thua lỗ. Mặt khác, chúng ta cũng nói thêm rằng, hiện tại trong khi Bắc Kinh đang có sự trừng phạt kinh tế với nước Úc nói chung thì sự trừng phạt kinh tế đó chưa ảnh hưởng nhiều đến Victoria, bởi lý do các sản phẩm bị hạn chế, bị cấm, bị đánh thuế cao đều không sản xuất tại Victoria.

RFI : Vào ngày 21/04 vừa qua, bà Marise Payne, Ngoại trưởng Úc đã thông báo hủy bỏ « Biên bản ghi nhớ » và « Khung thỏa thuận » mà thủ hiến bang Victoria và Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ký kết. Thưa ông, chính phủ liên bang đã làm thế nào để có thể hủy bỏ thỏa thuận đã ký của tiểu bang ?

Nhà báo Lưu Tường Quang : Đứng về mặt hiến pháp, thật sự không có gì khó khăn, mà quan trọng là nhìn nhận vấn đề từ quan điểm chính trị. Trong quá trình thương thuyết giữa Victoria và Bắc Kinh để đưa đến các thỏa hiệp MoU, thủ hiến Daniel Andrews lúc nào cũng giữ bí mật và gom mọi việc vào trong văn phòng của mình. Ông không thông báo, cũng như không thảo luận với Bộ Ngoại giao và Thương mại của liên bang. Thậm chí, khi được mời tham dự thuyết trình về những tin tức tình báo mật về Bắc Kinh, của Tổ chức Tình báo Quốc gia tại Úc, ông Andrews cũng từ chối tham dự.

Cho nên, có thể nói, ông đã đơn độc đi đến việc ký kết hai thỏa hiệp nói trên với Bắc Kinh. Chính phủ liên bang, kể cả thủ tướng Scott Morrison cũng như ngoại trưởng Marise Payne, đã rất nhiều lần cảnh báo rằng tiểu bang Victoria đang có những hành động đơn phương rất nguy hiểm, gây nguy hại đến quyền lợi quốc gia, nhất là đến chính sách ngoại giao của nước Úc. Đó không phải là đường lối của chính phủ Liên Đảng.

Tuy nhiên, trong vấn đề bang giao thương mại với Bắc Kinh trong khuôn khổ « Vành đai và Con đường», liên bang nói chung tức chính phủ Liên Đảng Tự do Quốc gia và Đảng Lao Động đối lập đều có một lập trường nhất quán đối với hành động của tiểu bang Victoria. Nói cách khác, chính phủ Lao Động Victoria đã không nhận được sự ủng hộ của Đảng Lao Động ở cấp liên bang trong các vấn đề giao thương với Bắc Kinh trong khuôn khổ « Vành đai và Con đường» .

Năm 2020, chính phủ Liên đảng đệ trình và được Quốc hội đã thông qua « Australia’s Foreign Relations Act 2020 », đạo luật về bang giao quốc tế hay ngoại giao của nước Úc. Do đó, trên căn bản quyền hạn của « Australia’s Foreign Relations Act 2020 », ngoại trưởng Marise Payne đã quyết định hủy bỏ bốn thỏa hiệp mà tiểu bang Victoria đã ký kết.

Hai thỏa hiệp không có tầm quan trọng, đó là thỏa hiệp với Iran về hợp tác kỹ thuật và thoả hiệp với Syria. Hai thỏa hiệp còn lại có tính chất quan trọng vì liên quan đến Trung Quốc, đó là hai thỏa hiệp MoU mà ông Daniel Andrews đã ký với Bắc Kinh năm 2018, 2019. Tuy nhiên, khi hủy bỏ hai thỏa hiệp này, ngoại trưởng Marise Payne cũng cẩn thận nói rất rõ đây không phải là một chính sách chống Trung Quốc, mà chỉ là để bảo vệ chính sách ngoại giao và quyền lợi quốc gia của nước Úc mà thôi.

Đầu trang

19/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Có thêm châu Âu tham gia… ‘khiêu khích’ Trung Quốc

Tàu nghiên cứu của chính phủ Nhật tại đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, 2012. Hình minh họa.

Binh sĩ Nhật, Mỹ và Pháp vẫn đang tiếp tục luyện tập – nâng cao khả năng phối hợp tác chiến trong cuộc tập trận được định danh là ARC21. Đây là cuộc tập trận đầu tiên trên lãnh thổ Nhật có sự tham gia của quân đội một quốc gia châu Âu và quân đội Úc.

ARC21 bắt đầu vào thứ ba vừa qua (18/5/2021) và sẽ kéo dài cho đến hết tuần này với ba đợt riêng biệt ở các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nhật. Trong hai đợt đầu tiên, Thủy quân lục chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật cùng với Thủy quân chiến của Pháp và Mỹ luyện tập phối hợp tác chiến trong khu vực đô thị tại Nagasaki (1), cũng như phối hợp đổ bộ từ đường biển vào và đổ bộ từ trên không bằng trực thăng với mục tiêu giả định là ngăn chặn đối phương tấn công chiếm đảo tại Miyazaki.

Đợt cuối cùng (diễn ra vào cuối tuần này), thủy quân lục chiến và hải quân Nhật, Pháp, Mỹ sẽ phối hợp với Úc tập trận ở biển Hoa Đông. Có 11 chiến hạm thuộc bốn quốc gia (Nhật, Pháp, Mỹ, Úc) tham gia đợt tập trận thứ ba của ARC21 (2).

***

Ông Nobuo Kishi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tỏ ra rất hào hứng khi Pháp, quốc gia duy nhất ở châu Âu điều động quân đội thường trú ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông Kishi bảo đó là bằng chứng cho thấy Pháp đồng tình và chia sẻ với Nhật quan niệm cần giữ cho khu vực này thông thoáng và tự do. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật hi vọng trong tương lai, quan hệ giữa Nhật và Pháp sẽ khắng khít hơn. Pháp đã hơn một lần khẳng định có lợi ích chiến lược tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và sẽ bảo vệ lợi ích này.

Người được Nhật giao trách nhiệm giám sát ARC21, ông Yasuhide Nakayama, Thứ trưởng Quốc phòng, cũng phấn chấn y hệt như thế. Ông Nakayama xem ARC21 là cơ hội quý để Lực lượng Phòng vệ Nhật duy trì và củng cố khả năng cần thiết nhằm bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật. Ông Nakayama nói thêm với báo chí: Khi tham gia ARC21, chúng tôi có dịp chứng tỏ với phần còn lại của thế giới nỗ lực bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của Nhật.

Những sĩ quan chỉ huy các đơn vị của Pháp và Mỹ nhận định ngắn gọn hơn. Trung tá Henri Marcaillou, đại diện quân đội Pháp, bảo rằng: Pháp xem ARC21 là quan trọng vì thấy rằng cần sát cánh với những bên chia sẻ quan điểm, lợi ích của mình trên thế giới. Còn Trung tá Jerrmy Nelson, đại diện quân đội Mỹ thì tin rằng: Khi Nhật, Mỹ, Pháp có thể cùng luyện tập, cả ba quốc gia chứng tỏ có thể cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung hoặc sự nghiệp chung.

***

Thời gian vừa qua, Trung Quốc thường xuyên chỉ trích Mỹ và Nhật hành xử theo tư duy thời còn Chiến tranh Lạnh và liên tục… “khiêu khích” Trung Quốc, song yêu sách vô lối của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông (đảo Senkaku – Điếu Ngư) và lối hành xử hung hăng của Trung Quốc cả trên biển lẫn trong vấn đề Đài Loan đã khiến số quốc gia tham gia… “khiêu khích” Trung Quốc với mức độ… “khiêu khích” mỗi ngày một cao hơn.

Sau khi đầu hàng đồng minh lúc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật đã giải tán quân đội, chỉ tổ chức Lực lượng phòng vệ. Chính các yêu sách vô lối về chủ quyền và cách hành xử càn rỡ của Trung Quốc đã khiến Nhật tái lập lực lượng Thủy quân lục chiến vào năm 2018 để bảo vệ các đảo và nâng cao khả năng tấn công, tái chiếm những lãnh thổ xa bờ. Từ đó đến nay, Thủy quân lục chiến Nhật thường xuyên tập luyện với Thủy quân lục chiến Mỹ và giờ có thêm Thủy quân lục chiến Pháp cùng tham gia.

“Khiêu khích” Trung Quốc không những chỉ có Mỹ, Nhật. Lo ngại về tham vọng chi phối toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trung Quốc, Úc rồi Ấn đã tuyên bố liên kết với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Riêng châu Âu, tuy Pháp là quốc gia đầu tiên gửi bộ binh tham gia tập trận tại Nhật nhưng Anh đã tuyên bố sẽ điều động Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth và hải đội hộ tống đến tuần tra tại biển Đông vào cuối năm nay. Đức cũng đã loan báo sẽ điều động một khu trục hạm thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Chú thích

(1) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2021/05/11/japan-us-france-hold-1st-joint-drills-on-japanese-land/

(2) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2021/05/16/japan-us-france-hold-military-drill-eyeing-china-presence/

(3) https://www.marinecorpstimes.com/news/your-marine-corps/2018/04/10/first-japanese-amphibious-combat-unit-activated-since-wwii-welcomed-by-us-marines/

Đầu trang

14/05/2021 - rfi

Mất ảo tưởng về Trung Quốc, Liên Âu hướng tới Ấn Độ

Ảnh minh họa: Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến EU-Ấn Độ ngày 15/07/2020 giữa thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (t), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (g) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. AP - Yves Herman

Điểm qua báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 14/05/2021, giới quan tâm đến tình hình châu Á không thể bỏ qua bài phân tích trên Le Monde về sư chuyển hướng rõ nét hiện nay của Liên Hiệp Châu Âu về phía Ấn Độ thay vì Trung Quốc. Bên cạnh đó, chủ đề chung được tất cả các báo chú ý là cuộc leo thang xung đột giữa Israel và người Palestine, đặc biệt được Libération nêu bật trong tựa lớn trang nhất.

Tình hình chính trị Pháp với các khó khăn mà tổng thống Macron và đảng cầm quyền đang gặp phải cũng được quan tâm, chiếm lĩnh trang nhất của hai tờ Le Monde và Le Figaro. Riêng Les Echos thì phấn khởi trước triển vọng kinh tế châu Âu hồi phục nhanh chóng, trong lúc La Croix lại lo ngại trước tình trạng lá phổi của hành tinh là vùng Amazonia bắt đầu mất tác dụng.

Lời mời gọi đến từ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Về sự chuyển hướng địa chính trị của châu Âu, hay nói rõ hơn là Liên Hiệp Châu Âu, trong bài “Lời mời gọi đầy quyến rũ của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương", nhà bình luận Sylvie Kauffmann của nhật báo Le Monde đã giải thích rõ nguyên nhân: “Với việc không còn ảo tưởng về Trung Quốc, gió đã xoay chiều ở châu Âu, và hiện nay đang thổi về phía Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Theo ghi nhận của Le Monde, bằng chứng rõ nhất cho thấy nỗi thất vọng của Liên Hiệp Châu Âu là quyết định đình chỉ tiến trình phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư toàn diện đã ký kết với Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2020, nối tiếp bằng động thái thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với New Delhi.

Đức thất vọng nhất vì đã áp đặt thỏa thuận

Thái đô thất vọng và bực tức đối với Trung Quốc đã được Đức công khai thể hiện khi ngoại trưởng Heiko Mass không ngần ngại tiết lộ việc Hungary, một nước Liên Âu rất thân thiết với Trung Quốc, hôm 10/05 vừa qua, đã lại một mình chống lại 26 thành viên còn lại để ngăn chặn một tuyên bố của Liên Hiệp Châu Âu lên án chiến dịch đàn áp mà Bắc Kinh đang thực hiện ở Hồng Kông, một tuyên bố đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên.

Bằng cách công khai giải thích sự im lặng của Bruxelles trước các hành vi đàn áp của Trung Quốc tại Hồng Kông, ngoại trưởng Đức đã vén bức màn về lý do khiến Budapest cản trở quyết định của Liên Âu. Theo ông, chúng ta phải tìm kiếm nguyên do trong “mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Hungary”.

Trên thực tế, thủ tướng Hungary Viktor Orban không hề giấu giếm điều này và không ngần ngại tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây là ông có điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và theo Bắc Kinh, trong cuộc trao đổi mới nhất, ông Tập đã nói với ông Orban rằng ông đánh giá cao việc Hungary đã "kiên quyết theo đuổi chính sách hữu nghị với Trung Quốc" như thế nào.

Vụ việc càng khiến Berlin khó chịu hơn khi chính họ là bên đã hỗ trợ Bắc Kinh. Là nước EU xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, Đức luôn quan tâm đến việc duy trì sự năng động này. Được Tập Cận Bình khuyến khích, thủ tướng Angela Merkel đã áp đặt lên các đối tác châu Âu một thỏa thuận đầu tư toàn diện với Bắc Kinh mà bà kiên quyết ký kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU vào cuối tháng 12 năm 2020. Quan điểm chủ đạo là phải làm nhanh, còn chi tiết tính sau.

Thủ đoạn của Bắc Kinh khi thương thuyết thỏa thuận

Đối với Le Monde, chính những chi tiết đó mới đặt ra vấn đề, đúng theo ngạn ngữ “ma quỷ ẩn nấp trong các chi tiết”. Từ khi thỏa thuận được ký kết, nhiều chi tiết đã bị rò rỉ và vì khi xem xét kỹ, có thể thấy rằng Bruxelles đã bị Bắc Kinh lợi dụng và gài bẫy.

Tờ báo Đức Welt am Sonntag đã phát hiện ra một điều đáng tiếc trong phụ lục II, mục 9 của thỏa thuận: “Các lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức phi lợi nhuận được phép hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải là công dân Trung Quốc. Cụ thể, điều này có nghĩa là nếu ví dụ như Quỹ Konrad Adenauer, tổ chức từ thiện của đảng CDU của thủ tướng Merkel, có văn phòng tại Trung Quốc, thì cơ sở này sẽ phải do một người Trung Quốc đứng đầu, một điều không hoàn toàn đảm bảo cho tính độc lập.

Vào tháng 3, khi các phụ lục được công bố, một số đoạn đã tiết lộ một quan niệm kỳ lạ về sự có đi có lại, vẫn được những người quảng bá thỏa thuận ca ngợi. Các điều khoản đầu tư vào lĩnh vực nghe nhìn chẳng hạn quy định rằng không một bộ phim hoặc phim truyền hình châu Âu nào có thể được chiếu trên truyền hình Trung Quốc buổi tối từ 7 giờ đến 10 giờ mà không được nhà nước cho phép. Tương tự như vậy, chỉ phim hoạt hình Trung Quốc mới có thể được chiếu trên các kênh hoạt hình ở Trung Quốc từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối.

Tuy nhiên, những quy tắc hà khắc đó mà các nhà đàm phán Trung Quốc đã cẩn thận ghi rõ trong thỏa thuận, lại hoàn toàn thiếu vắng trong các phụ lục nêu chi tiết các điều khoản đầu tư phía châu Âu.

Một thỏa thuận bị chỉ trích ngay từ đầu

Bị những người phản đối chế độ Trung Quốc và Nghị viện Châu Âu chỉ trích nặng nề, số phận thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc lại thêm tồi tệ khi vào tháng 3, Bắc Kinh quyết định trừng phạt một số nghị sĩ và nhà nghiên cứu châu Âu để đáp trả các biện pháp của EU chống lại các quan chức Trung Quốc liên quan đến các hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Ủy Ban Châu Âu cuối cùng đã đóng một chiếc đinh vào quan tài của thỏa thuận thông qua tuyên bố của một trong những phó chủ tịch, thừa nhận vào ngày 04/05 rằng môi trường chính trị "không thuận lợi" cho việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định.

Thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ

Theo Le Monde, gió đã đổi chiều và lúc này đang thổi mạnh về phía Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngày 08/05, nhân thượng đỉnh Liên Âu ở Porto mà nhân vật số một Ấn Độ, Narendra Modi, đã được mời tham gia trực tuyến, EU đã quyết định khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định tự do thương mại với Ấn Độ, đã thất bại vào năm 2013 sau nhiều năm thương lượng trầy trật. Tại Porto, đã có cuộc nói chuyện về các dự án chung về cơ sở hạ tầng, về khả năng một thỏa thuận về đầu tư... Đây đều là những chủ đề cho đến nay vẫn nằm trong chương trình nghị sự EU-Trung Quốc.

Dĩ nhiên, Ấn Độ không phải là Trung Quốc và nước này không thay thế nước kia. Tuy nhiên, bị chìm đắm trong bi kịch của đại dịch Covid-19, khiến họ bi suy yếu trước đối thủ lớn ở châu Á, Ấn Độ chia sẻ với EU về nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác, vượt ra ngoài khuôn khổ đau đầu của thương mại.

Tuy không bao giờ được nêu đích danh, nhưng rõ ràng cả Bruxelles lẫn New Delhi đều chú ý đến Trung Quốc. Đối với ngoại trưởng Ấn Jaishankar, đại dịch, không phải là một giai đoạn thoáng qua mà đã tạo ra một sự bình thường mới trong quan hệ quốc tế. Giống như Ấn Độ, EU đã nhận ra những sơ hở trong an toàn nguồn cung ứng của mình.

Đầu trang

14/05/2021 - voatiengviet

Chip Trung Quốc lạc hậu 2-3 thế hệ, mục tiêu tự lực sản xuất gặp thêm trở ngại

Một nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô.

Hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC, hiện là nhà chế tạo chip lớn nhất thế giới, vừa quyết định gia nhập một nhóm vận động hành lang mới trong đó chiếm phần chi phối là các hãng phát triển và tiêu thụ chip hàng đầu của Mỹ, South China Morning Post đưa tin hôm 12/5.

Nhóm vận động hành lang này có tên là Liên minh bán dẫn tại Mỹ (SIAC).

Động thái của TSMC có thể khiến Trung Quốc gặp thêm khó khăn trong việc giảm lệ thuộc vào chuỗi cung bán dẫn toàn cầu hiện do Mỹ đứng đầu, theo bản tin của South China Morning Post.

Liên minh SIAC, bao gồm 65 công ty lớn trong chuỗi giá trị chất bán dẫn, công bố thành lập hôm 11/5 với mục đích trước mắt là thúc đẩy chính phủ Mỹ trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip trên đất Mỹ, South China Morning Post tường thuật.

Nắm phần chi phối trong liên minh là các hãng công nghệ Mỹ như Apple, Microsoft, Google và Intel, ngoài ra cũng có một số đối thủ nặng ký của châu Á và châu Âu trong chuỗi cung ứng đồ bán dẫn, như TSMC và MediaTek của Đài Loan, Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc, cũng như ASML của Hà Lan, đó là hãng duy nhất cung cấp thiết bị quang khắc tiên tiến được sử dụng để sản xuất chip cao cấp.

South China Morning Post dẫn thông tin trên trang web của liên minh cho biết sứ mệnh của tổ chức này là “giúp thúc đẩy nền kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ”.

Liên minh SIAC kêu gọi các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ Đạo luật CHIPS cho Hoa Kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bằng cách phân bổ một nguồn ngân quỹ trị giá 50 tỷ đô la.

Các nhà phân tích cho rằng tuy bề ngoài là có mục đích vận động hành lang ở Mỹ, song liên minh này cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đối với chuỗi cung bán dẫn toàn cầu hóa và có khả năng gây khó cho các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ của Mỹ.

Tham vọng tự lực về chip của Trung Quốc “tiếp tục đối mặt với những khó khăn từ những nỗ lực gia tăng ở Mỹ nhằm đưa các công ty về nước và dựng hàng rào quanh các chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn”, Alex Capri, nghiên cứu sinh tại Quỹ Hinrich và là giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, nói trong bài báo của South China Morning Post.

Việc TSMC tăng cường đầu tư và tham gia vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất loại chip 5 nanomet (nm) và thậm chí 3 nm tiên tiến ở Mỹ có thể tăng áp lực lên Bắc Kinh vì dường như hãng Đài Loan này sẽ không làm điều tương tự ở Trung Quốc đại lục, Capri nói.

Ông nói thêm: “Điều này sẽ khiến nhiệm vụ thúc đẩy lĩnh vực chip nội địa của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn”.

Hãng sản xuất chip Đài Loan gần đây đã gây ngạc nhiên cho cả hai bên eo biển Đài Loan sau khi xác nhận vào tháng trước rằng họ sẽ chi 2,9 tỷ đô la Mỹ để mở rộng nhà máy ở Nam Kinh, sử dụng tiến trình 28 nm, là công nghệ đã chín muồi, lạc hậu hai hoặc ba thế hệ so với công nghệ mà họ dự định áp dụng ở Arizona, Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đến nay khéo léo không công khai chỉ trích TSMC, cho dù nhà sản xuất chip này đã hợp tác với Washington trong việc áp đặt các hạn chế công nghệ đối với các công ty Trung Quốc, từ hãng khổng lồ về điện thoại di động Huawei Technologies cho đến Tianjin Phytium, là nhà thiết kế chip cho siêu máy tính của Trung Quốc.

Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, nói rằng việc TSMC tham gia liên minh bán dẫn của Mỹ là “hợp lý” vì “tất cả các hãng khác đều như vậy, và có cơ hội kiếm được một số tiền”.

Ông Randall nói tiếp: “Trung Quốc không hề có một thứ tương tự, không tập hợp được một liên minh rộng rãi gồm các công ty trên khắp thế giới”.

Randall nói thêm rằng liên minh mới - SIAC - có thể giúp Mỹ và các đồng minh “duy trì vị thế dẫn đầu trước Trung Quốc lâu hơn”.

Trong số 65 thành viên được liệt kê trên trang web của liên minh SIAC, không có hãng nào của Trung Quốc.

Trung Quốc đang “chiến đấu” để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ trong hầu hết các bước của quá trình sản xuất chip - từ công cụ thiết kế cho đến thiết bị.

Nhưng cuộc “chiến đấu” chưa biết khi nào mới kết thúc vì ngay cả nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là SMIC cũng không thể sản xuất chip tiến trình 14 nm hoặc các loại có công nghệ cao hơn trên quy mô lớn.

Một phần lý do là SMIC hiện không thể mua thiết bị quang khắc tiên tiến nhất từ hãng ASML, điều này khiến hãng Trung Quốc bị tụt hậu so với các hãng như TSMC của Đài Loan.

Báo Nikkei đưa tin hôm 9/5 khẳng định mức độ lạc hậu của chip Trung Quốc.

Tờ báo cho biết rằng trong một cuộc khảo sát của Nikkei, hầu hết trong số 7 nhà chế tạo thiết bị sản xuất đồ bán dẫn lớn của Trung Quốc đã cho biết rằng các sản phẩm chủ lực của họ là những máy sản xuất loại chip 14 nanomet đến 28 nm, lạc hậu hai hoặc ba thế hệ so với các loại chip tiên tiến trên thế giới. Một số hãng Trung Quốc cho biết rằng sản phẩm chính của họ thậm chí là các máy thuộc thế hệ còn cũ hơn nữa.

Trong số các hãng trả lời khảo sát, nhiều hãng cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc đã cản trở việc họ mua các bộ phận và vật liệu từ nước ngoài. Họ cũng cho biết việc sử dụng các bộ phận và vật liệu nội địa của Trung Quốc thay cho hàng nước ngoài đã dẫn đến năng suất thấp hơn.

"Máy quang khắc chính của chúng tôi là loại 90 nanomet. Loại 28 nm và 14 nm của chúng tôi vẫn còn cần cải thiện hơn nữa để tăng năng suất", một kỹ sư thuộc hãng Thiết bị vi điện tử Thượng Hải (SMEE) nói. Hãng này gần như là nhà chế tạo thiết bị sản xuất đồ bán dẫn duy nhất của Trung Quốc. Hãng này đã thương mại hóa máy quang khắc.

Máy quang khắc là loại khó sản xuất nhất. Tuy nhiên, hãng chế tạo máy quang khắc lớn nhất thế giới ASML, có trụ sở tại Hà Lan, dự kiến sẽ thương mại hóa các mẫu máy có thể được sử dụng trong quy trình chế tạo các sản phẩm chip 3 nm và 2 nm.

Cuộc khảo sát của Nikkei được thực hiện tại Semicon China 2021, là cuộc triển lãm thiết bị sản xuất đồ bán dẫn diễn ra ở Thượng Hải hồi tháng 3. Nikkei đã tiếp cận hơn 20 nhà sản xuất của Trung Quốc đại lục và kết quả cuộc khảo sát chỉ đề cập đến 7 công ty đưa ra câu trả lời cụ thể.

Điều đáng chú ý là những người được hỏi đều thẳng thắn thừa nhận rằng việc thu nhỏ sản phẩm bán dẫn của các hãng Trung Quốc đã bị trì trệ.

Đối với Trung Quốc, nguyên nhân lớn của tình trạng thiếu hụt vật liệu, máy móc liên quan đến đồ bán dẫn là các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ đứng đầu áp đặt đối với Trung Quốc.

“Khi chúng tôi không thể có được dù chỉ là một bộ phận cốt lõi, việc phát triển sản phẩm của chúng tôi sẽ chịu tác động tiêu cực rất lớn”, viên kỹ sư của hãng SMEE cho biết.

Công ty nghiên cứu IC Insights của Mỹ hồi tháng 1 dự báo rằng mức độ tự lực về đồ bán dẫn của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 19,4% vào năm 2025. Dự báo cho thấy một bước lùi vì trước đó, hồi năm 2020, IC Insights cho rằng Trung Quốc sẽ tăng mức độ tự lực lên 20,7% vào năm 2024.

Chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã trợ cấp một lượng tiền lớn cho các dự án bán dẫn trên khắp đất nước cho đến năm 2020, nhưng kết quả thu về còn khá hạn chế, với nhiều dự án thất bại, bản tin của Nikkei cho biết. Bắc Kinh giờ đây hiếm khi đề cập đến mục tiêu tự lực tới 70% được nêu trong chính sách công nghiệp Made in China 2025.

Sẽ không dễ dàng để ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phục hồi khi nó có gót chân Achilles, báo Nikkei kết luận.

Đầu trang

13/05/2021 - rfi

Các nước dân chủ hai bờ Đại Tây Dương cần có kế hoạch đối phó chung với Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo tại Bruxuelles, Bỉ, ngày 24/03/2021. REUTERS - POOL

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng được ghi nhận như là mối đe dọa lớn với các quốc gia dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, một chiến lược chung để hợp tác, đối phó với Trung Quốc lại là điều thiếu vắng hiện nay, theo nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế.

Trang mạng Nhật Bản chuyên về chính trị quốc tế « The Diplomat », hôm 11/05/2021, đăng tải bài « Transatlantic Cooperation on the China Challenge / Hợp tác xuyên Đại Tây Dương để đối phó với Trung Quốc », phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Hans Binnendijk, thuộc Viện tư vấn Atlantic Council, có trụ sở tại Washington (*). Ông Hans Binnendijk là người đồng phụ trách một nghiên cứu, khuyến nghị Hoa Kỳ và Châu Âu xây dựng một « Kế hoạch Trung Quốc » (The China plan : A transatlantic blueprint for strategic competition). Nghiên cứu được công bố giữa tháng 3/2021.

***

Ông là một trong các tác giả chính của một nghiên cứu quan trọng của viện Atlantic Council, mang tựa đề « China Plan / Kế hoạch Trung Quốc ». Vì sao một Kế hoạch Trung Quốc chung của Âu - Mỹ là điều cần thiết ?

Hans Binnendijk : Chính quyền Trung Quốc thời Tập Cận Bình đã có một kế hoạch mang tính chiến lược rõ ràng và đầy đủ cho 30 năm tới, có hại cho các lợi ích của các quốc gia hai bờ Đại Tây Dương trên mọi lĩnh vực. Kế hoạch này bao gồm các biện pháp siết chặt tại Trung Quốc, để đàn áp mọi chống đối nhắm vào đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP). Việc đàn áp mọi tiếng nói phản đối cách mô tả lịch sử, theo quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc, giờ đây được mở rộng sang cả các quốc gia khác, trong lúc giới ngoại giao Trung Quốc sử dụng các ảnh hưởng kinh tế để gây áp lực, hù dọa. Các hành xử kinh tế bất chính của Trung Quốc bao gồm những khoản viện trợ Nhà nước, bẫy nợ, nằm trong sáng kiến « Một vành đai, Một con đường », hay các đầu tư khác, có mục tiêu tạo ra các phụ thuộc về mặt chiến lược. Bắc Kinh sử dụng các phương tiện công nghệ để xâm nhập vào các mạng tin học, và tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn tin học của mình. Trung Quốc xây dựng các quan hệ đối tác mới với nhiều chế độ độc tài. Điều nguy hiểm là chính quyền Bắc Kinh đã kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, hướng tình cảm này vào các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và vào Đài Loan. Đối với các quốc gia dân chủ, Trung Quốc theo đuổi chiến lược chia để trị.

Các quốc gia dân chủ không có kế hoạch tương tự để đề kháng lại cuộc tấn công mang tính hủy diệt của Trung Quốc. Không có kế hoạch, các quốc gia này trở nên dễ tổn thương. Hành xử ích kỷ đặt mình lên trên hết mang tính phiêu lưu của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi thu hẹp triển vọng hợp tác giữa các nước dân chủ. Giờ đây, việc thiết lập một kế hoạch Trung Quốc thực sự, giữa Mỹ và các đối tác, dường như trở nên thuận lợi hơn với sự kết hợp của nhiều yếu tố. Thứ nhất là hành xử quá đáng của Trung Quốc, thứ hai là Châu Âu đang dần dần nhận ra thách thức Trung Quốc, và thứ ba là chính quyền Biden tập trung vào việc khôi phục các quan hệ đối tác.

Công trình « Kế hoạch Trung Quốc » của Viện Atlantic Council đã được đón nhận thế nào ?

Hans Binnendijk : Nghiên cứu này phù hợp với tiếp cận chung của chính quyền Biden, và câu trả lời là tích cực. Tại châu Âu, ngày càng có nhiều chuyên gia về Trung Quốc chấp nhận các kết luận và khuyến nghị trong kế hoạch này. Chính quyền các nước châu Âu nhìn chung ủng hộ một tiếp cận xuyên Đại Tây Dương, nhưng một số quốc gia lo ngại là họ sẽ được yêu cầu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Gần đây các trừng phạt để trả đũa của Trung Quốc đã gây phản tác dụng, khiến Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông. Tuy nhiên, hai quốc gia châu Âu, là Đức và Pháp, dường như vẫn còn lưỡng lự trước việc đi theo sự lãnh đạo của Mỹ về chính sách Trung Quốc. Để một chính sách Trung Quốc chung Mỹ - Âu có thể vận hành, cần phải có sự điều chỉnh ở cả hai phía.

Chúng ta có thể làm gì để kháng cự lại các thách thức của Trung Quốc đối với các giá trị dân chủ, cũng như với các lợi ích kinh tế và công nghệ phương Tây ?

Hans Binnendijk : Nghiên cứu này xác nhận rằng, về nguyên tắc, các thách thức Trung Quốc đối với các giá trị dân chủ tại Trung Quốc, cũng như ở bên ngoài, cần phải trở thành lĩnh vực hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng nhất. Các quốc gia hai bờ Đại Tây Dương đã thực thi nhiều trừng phạt đối với Trung Quốc, do các xâm phạm nhân quyền tại Hồng Kông, Tân Cương. Nghiên cứu này đề xuất thêm nhiều khả năng trừng phạt khác. Bản « Kế hoạch Trung Quốc » cũng nêu khả năng coi việc « gây áp lực ngoại giao ngoại giao đối với một quốc gia thành viên cũng là một áp lực ngoại giao đối với toàn khối » cần trở thành nguyên tắc nền tảng đối với các thành viên của Hội đồng Phối hợp về Trung Quốc xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Coordinating Council on China), cơ chế được thành lập theo đề xuất của « Kế hoạch Trung Quốc » (**).

Tìm ra được các tiếp cận chung giữa Âu - Mỹ trước các thách thức kinh tế và công nghệ của Trung Quốc có thể là khó khăn hơn. Một ví dụ là, hồi tháng 12/2020, Liên Âu đã chấp nhận một thỏa thuận đầu tư toàn diện với Liên Âu - Trung Quốc, mà không có sự tham vấn đầy đủ với Hoa Kỳ. Các nước Châu Âu vẫn có các tiếp cận khác nhau trong việc tích hợp công nghệ 5G của Trung Quốc vào hệ thống tin học Châu Âu. Tuy nhiên, chừng nào mà hiểm họa từ các hoạt động của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn, thì chừng đó viễn cảnh phối hợp mạnh hơn đối tác xuyên Đại Tây Dương, về các lợi ích kinh tế và công nghệ, cũng sẽ tăng lên.

Bản chất của thách thức về an ninh của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và Châu Âu là gì, và cần phải làm gì ?

Hans Binnendijk : Khối NATO (tức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) bắt đầu tập trung vào tác động tiêu cực của các đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tác động tiêu cực của sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc phòng, của ảnh hưởng của các chính sách của Trung Quốc đến an ninh của Châu Âu. Hiện tại, tác động của hợp tác quốc phòng Trung – Nga vẫn còn chưa được đánh giá đầy đủ. Tình hình cũng tương tự với hoạt động của Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến các tài nguyên mang tính toàn cầu, và tiềm năng xung đột Trung – Mỹ tác động thế nào đến an ninh Châu Âu. Bản « Kế hoạch Trung Quốc » khuyến nghị là, ngoài các biện pháp giảm sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, Châu Âu cần có các biện pháp để tăng cường khả năng quốc phòng riêng của mình, để bù lại việc Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á. Và Châu Âu cũng cần phải gia tăng các nỗ lực để giúp răn đe Trung Quốc, không dám có các hành xử hung bạo tại Châu Á.

Với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự một cách đáng kể, và hành xử dân tộc chủ nghĩa hung hăng tại Châu Á, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc không còn là điều không thể tính đến. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger đã cảnh báo là, nếu xảy ra, một cuộc chiến như vậy sẽ là kinh hoàng. Mối lo này tiếp tục được dấy lên với cuốn « 2034 » mới đây (cuốn tiểu thuyết viễn tưởng của Christophe Victor về tương lai đen tối của nhân loại trong hơn một thập niên tới, ấn hành năm 2020). Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể bỏ rơi các đồng minh và các lợi ích của mình tại khu vực. Bởi vậy, Washington cần cân bằng giữa chiến lược răn đe về quân sự với các nỗ lực giải quyết các bất đồng về chính trị, liên quan đến các tranh chấp trên biển, và để làm giảm bớt căng thẳng gia tăng liên quan đến Đài Loan.

Đâu là những khả năng hợp tác nhiều hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích chung ? Phải chăng việc hợp tác trong những lĩnh vực như vậy sẽ giúp cho quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng đường ?

Hans Binnendijk : Bất chấp nhu cầu hóa giải các thách thức từ Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, cũng tồn tại nhiều lĩnh vực có thể hợp tác với Bắc Kinh. Nghiên cứu này xem xét tiềm năng hợp tác trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe dân cư trên thế giới, không phổ biến hạt nhân, hỗ trợ phát triển kinh tế, và làm cho việc gìn giữ hòa bình trên thế giới trở nên hiệu quả hơn. Trong quá khứ, Trung Quốc đã hứa nhiều hơn làm, khi việc hợp tác được lên kế hoạch, các kết quả cần được kiểm soát chặt.

Việc hợp tác trong các lĩnh vực này rất ít có khả năng sẽ đảo ngược một cách đáng kể chiều hướng xấu đi trong các quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thành công trong các hợp tác này, đi kèm với giải quyết một số vấn đề được nêu ra bên trên, ít nhất cũng có thể hãm lại xu hướng tuột dốc.

Ghi chú

(*) Người đặt câu hỏi là bà Mercy Kuo, phó chủ tịch công ty tư vấn Pamir Consulting, chuyên về chính trị - an ninh quốc tế, các nguy cơ địa chính trị.

(**) Theo đồng tác giả « Kế hoạch Trung Quốc », Hội đồng Phối hợp về Trung Quốc xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Coordinating Council on China) sẽ là cơ sở giúp cho việc hoạch định các chính sách chung của Hoa Kỳ với Châu Âu về Trung Quốc với các đồng minh, đối tác châu Á.

Đầu trang

12/05/2021 - rfi

Trung Quốc chưa giàu đã già, ‘Trung Hoa mộng’ của Tập Cận Bình khó thành

Ảnh minh họa chụp ngày 10/05/2021 tại Bắc Kinh. Dân số Trung Quốc đang bị lão hóa : sinh suất giảm trong khi số người trên 65 tuổi tăng nhanh, đến 2050 có thể chiếm đến 1/3 dân số Hoa lục. AP - Andy Wong

Les Echos hôm nay 12/05/2021 dành trang nhất cho chủ đề « Trung Quốc đối mặt với thách thức dân số lão hóa nhanh ». Với con số chính thức 1,41 tỉ dân vào cuối năm 2020, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng dân ngày một giảm. Bắc Kinh đứng trước nguy cơ già đi trước khi giàu lên.

Chậm công bố để chỉnh sửa số liệu nhằm duy trì vị trí nước đông dân nhất ?

Thể diện đã được cứu vãn nhờ những số liệu hẳn đã được « làm đẹp ». Sau nhiều tuần lễ chần chừ với nhiều đồn đãi, hôm qua rốt cuộc Bắc Kinh đã công bố kết quả điều tra dân số rất được chờ đợi, tiến hành cứ mỗi 10 năm. Cuối tháng Tư, Cơ quan Thống kê Quốc gia đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times, theo đó dân số của nền kinh tế thứ nhì thế giới đã sụt giảm - lần đầu tiên kể từ nạn đói khiến hàng chục triệu người chết năm 1961. Trong năm kỷ niệm 100 đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) 100 tuổi, loan báo về việc dân số giảm – với nhiều hậu quả kinh tế xã hội – đã gây nghi ngờ về « Giấc mộng Trung Hoa » của Tập Cận Bình.

Áp lực đang tăng lên đối với Bắc Kinh để tránh đất nước già đi trước khi trở nên giàu có. Với tỉ lệ 0,53% một năm, tỉ lệ tăng dân đang ở mức thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con trong thập niên 70. Dù chận được Covid, số trẻ mới sinh năm ngoái chỉ còn 12 triệu, sau khi năm trước đó là 14,65 triệu – mức thấp nhất từ 1961. Ngược lại, số người lớn tuổi không ngừng tăng lên, với 264 triệu người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên năm 2020, chiếm 18,7% dân số (năm 2010 là 13,3%). Trong khi đó dân số trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) tiếp tục lao dốc, chỉ còn 63,3% năm 2020 (10 năm trước là trên 70%).

Các số liệu trên đây, dù một số nhà nghiên cứu cho rằng vẫn chưa đúng với thực tế, khẳng định dân số Trung Quốc đang bị lão hóa. Tháng 11 năm ngoái, một cơ quan tư vấn chính phủ ước tính dân số Trung Quốc đạt đỉnh năm 2027 (năm mà Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới). Nhưng với số liệu vừa công bố, đỉnh này có thể đạt tới ngay trước năm 2025. Giáo sư Yi Fuxian ở trường đại học Wisconsin-Madison ước tính Trung Quốc hiện có thể đã mất đi thứ hạng đầu, với dân số chỉ còn 1,26 tỉ người, đứng sau Ấn Độ với 1,3 tỉ.

Lão hóa dân số quá nhanh mang lại nhiều hậu quả

Tháng trước Cai Fang, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đã dự báo, Trung Quốc sắp sửa từ « dư thừa lao động trở nên thiếu nhân công, với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử ».

Ngay cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo « Trung Quốc phải nhìn nhận tình trạng dân số đã thay đổi ». Báo cáo của bốn nhà nghiên cứu thuộc ngân hàng này gây rúng động : « Trung Quốc đã trở thành một xã hội của người già trong vòng chỉ 20 năm, quá nhanh so với Pháp (140 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (72 năm) ». Vấn đề là việc lão hóa diễn ra trong lúc GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ mới có 10.000 đô la/tháng, còn ở các nước phát triển là trên 30.000 đô la.

Hậu quả có thể khá nặng nề đối với một Trung Quốc đã phát triển kinh tế nhờ lực lượng nhân công dồi dào. Dân số già cộng với bong bóng địa ốc có thể kéo Trung Quốc vào một « thập kỷ mất mát » như Nhật Bản, khiến lời hứa hẹn của Tập Cận Bình - biến Trung Quốc thành một nước « xã hội chủ nghĩa hiện đại » năm 2035 - có nguy cơ không thể trở thành hiện thực.

Dân số giảm còn gây hậu quả trầm trọng hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tranh giành vị trí đại cường số một thế giới của Washington : từ nay đến 2050 dân số Mỹ tiếp tục tăng. Trong khi bốn thập niên qua Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Hoa Kỳ nhờ lực lượng lao động rẻ và đông đảo, « giờ thì chúng ta có thể dựa vào đâu trong 30 năm tới ? » - Ngân hàng Trung ương lo lắng.

Tại sao việc kết thúc chính sách mỗi gia đình chỉ có một con lại không tạo ra bùng nổ trẻ em ở Trung Quốc, năm năm sau khi từ bỏ chính sách này, mà lại giảm đi ? Thông tín viên Le Figaro lý giải, các cặp vợ chồng trẻ lo ngại trước vô số chi phí : học hành, chữa bệnh, hoạt động ngoại khóa…chưa kể đến giá thuê nhà cao ngất ngưỡng ở các thành phố lớn.

Đến giữa thế kỷ, lớp người trên 65 tuổi sẽ chiếm 1/3 dân số Trung Quốc

Trước nạn lão hóa dân số, Bắc Kinh muốn kéo dài tuổi về hưu. Ý thức rằng chủ đề này sẽ gây bất mãn lớn, ĐCSTQ tỏ ra mơ hồ trong dịp trình bày kế hoạch 5 năm lần thứ 14 vào tháng Ba vừa qua. Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn rất dài dòng chỉ nói thoáng qua là cần phải có chiến lược kéo dài từ từ tuổi về hưu theo luật định. Nhưng vài từ ngắn ngủi này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội : chủ đề được đọc trên 300 triệu lượt và có gần 60.000 lời bình.

Tuổi về hưu cho nam ở Trung Quốc hiện nay là 60, và nữ là 55, không thay đổi kể từ bốn thập niên qua. Một cư dân mạng tố cáo, « Trung Quốc muốn theo tiêu chuẩn quốc tế về tuổi hưu nhưng vẫn giữ mô hình của mình về thời gian lao động và phúc lợi xã hội ». Một người trẻ khác mỉa mai trên Vi Bác : « Với 12 tiếng đồng hồ làm việc mỗi ngày, tôi chẳng còn sống nổi đến lúc về hưu ». Hầu hết dân Hoa lục cho rằng với việc làm lụng vất vả bất kể giờ giấc và phúc lợi xã hội quá kém, họ có quyền nghỉ hưu lúc 60 tuổi.

ĐCSTQ có thể làm gì hơn, khi dân số lao động từ nay đến 2035 sẽ thấp hơn mức trung bình của thế giới ? Theo các nhà kinh tế của ANZ, số lượng người trên 65 tuổi đang gia tăng nhanh chóng : từ 7% dân số năm 2000 nay đã chiếm 13,5%, và đến giữa thế kỷ này có thể lên đến 1/3 dân số Trung Quốc ! Một quả bom nổ chậm !

Đầu trang

12/05/2021 - rfi

Trung Quốc dùng “chiến tranh pháp lý” để đối phó với phương Tây

Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại Quốc Hội Trung Quốc ngày 28/05/2020. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS

Trên trang thông tin Mỹ The Hill ngày 09/04/2021, hai chuyên gia Mỹ về Trung Quốc Bradley A. Thayer và Lianchao Han đã nêu bật tính chất nguy hiểm của cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Bắc Kinh đang triển khai, và kêu gọi các chính quyền phương Tây đề cao cảnh giác.

Cuối tháng Tư vừa qua, ngày 29/4/2021, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua Luật An Toàn Giao Thông Hàng Hải được sửa đổi, tăng thêm quyền áp chế của các cơ quan hàng hải trên tàu thuyền ngoại quốc bị cho là mối đe dọa đối với vùng biển thuộc Trung Quốc. Điểm thu hút sự chú ý của giới quan sát là trong luật mới này, Bắc Kinh đã áp dụng khái niệm “vùng nước có quyền tài phán” có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn, thay cho “vùng nước ven biển”.

Theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những ví dụ cụ thể về việc Trung Quốc đang tăng cường việc sử dụng công cụ luật pháp để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền lãnh thổ bất chấp luật lệ quốc tế. Trong thời gian gần đây, điều có thể gọi là sách lược “chiến tranh pháp lý” hay "pháp lý chiến" đó ngày càng được Bắc Kinh áp dụng để đối phó với phương Tây nói chung trên mọi lãnh vực.

Trên trang thông tin Mỹ The Hill ngày 09/04 vừa qua, hai chuyên gia Mỹ về Trung Quốc Bradley A. Thayer và Lianchao Han đã nêu bật tính chất nguy hiểm của cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Bắc Kinh đang triển khai, và kêu gọi các chính quyền phương Tây đề cao cảnh giác.

Hai mục tiêu: Triệt đối kháng nội bộ và thống trị thế giới

Trước hết, theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, loại hình chiến tranh pháp lý này đã được chính lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa lên thành lý luận với hai mục tiêu rõ rệt: Triệt hạ các thành phần chống lại chế độ của đảng Cộng Sản và giúp Trung Quốc thống trị thế giới.

Vào tháng 3, Cầu Thị (Qiu Shi), tạp chí chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đăng một bài viết của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông giải thích cách xây dựng hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa.

So với những người tiền nhiệm, các ý tưởng về luật pháp của ông Tập thâm hiểm hơn vì dùng đến các thuật ngữ quen thuộc như “pháp quyền”, “dựa trên luật lệ” và “công lý”. Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc ngày càng sử dụng luật pháp như là một vũ khí vừa để trấn áp giới bất đồng chính kiến ​​nhằm giữ vững chế độ, vừa để đưa đảng Cộng Sản Trung Quốc lên làm bá chủ thế giới.

Theo hai tác giả trên The Hill, lý thuyết và thực tiễn pháp lý của Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống luật lệ của Liên Xô, khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối với hệ thống tư pháp của Trung Quốc, vốn là thành tố chính trong cuộc “chiến tranh pháp lý” mà ông Tập Cận Bình chủ trương.

Che giấu "chiến tranh pháp lý" dưới vỏ bọc "pháp quyền"

Nhân vật số một tại Bắc Kinh đồng thời hô hào “pháp quyền” để che giấu hoạt động “chiến tranh pháp lý” của mình. Trong bài phát biểu trước Đại Hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông đã 19 lần dùng đến từ ngữ “pháp quyền”, nhưng đã bóp méo ý nghĩa thực thụ của cụm từ này khi cực lực phản đối các hệ thống tư pháp độc lập có tác dụng hạn chế và kiểm soát quyền lực của giới lãnh đạo chính trị.

Trung Quốc rõ ràng đã học được cách thức biến luật pháp thành vũ khí để dùng vào việc chống lại phương Tây. Bắc Kinh đã hung hăng dùng vũ khí pháp lý để đuổi bắt giới bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài.

Một ví dụ là trường hợp của Henley Lee, một công dân Belize kinh doanh ở Trung Quốc, bị an ninh Trung Quốc bí mật bắt giữ năm 2019 ở Quảng Châu và bị buộc tội tài trợ cho các thế lực thù địch ở Mỹ và giúp đỡ người biểu tình Hồng Kông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Cũng vào khoảng thời gian đó, Lý Mạnh Cư (Lee Meng Chu), một công dân Đài Loan, cũng bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc ăn cắp bí mật quốc gia sau khi nhân vật này đến Hồng Kông để hỗ trợ người biểu tình.

Mở đường tấn công vào nhân viên các tổ chức nhân quyền

Các trường hợp kể trên cho thấy là Trung Quốc đã sử dụng luật an ninh quốc gia có thẩm quyền rộng khắp và luật hình sự của họ để truy tố một công dân nước ngoài về những tội danh mà Bắc Kinh định ra và gây ra bên ngoài đất nước. Tiền lệ này sẽ cho phép Trung Quốc tấn công vào nhân viên của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch và Freedom House.

Trường hợp của hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor càng chứng tỏ Trung Quốc sử dụng chiến tranh pháp lý để đạt được các mục tiêu chính trị. Kovrig, một nhà ngoại giao đang nghỉ phép và Spavor, một doanh nhân, đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp ở Trung Quốc vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt giữ tại Vancouver vào năm 2018 vì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Sách lược dùng “luật để bắt con tin” này được thiết kế để buộc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh và để cho bà được tự do. Vào tháng 3, Trung Quốc đã đưa Kovrig và Spavor ra xét xử trong hai phiên tòa riêng biệt mà không đưa ra phán quyết - một kiểu chiến tranh pháp lý điển hình nhằm làm suy giảm ý chí chiến đấu của kẻ thù.

Tung chiến dịch Săn Cáo cả trên đất Mỹ

Nổi tiếng nhất là chiến dịch “Săn Cáo - Fox Hunt”, một ví dụ khác của "pháp lý chiến" mà Trung Quốc áp dụng. Khi ông Tập lên nắm quyền, chính quyền Trung Quốc đã phát động chiến dịch này được tuyên bố là nhằm truy bắt các quan chức tham nhũng đã trốn khỏi Trung Quốc và ra sống ở nước ngoài. Nhưng hoạt động bí mật phía sau là mục tiêu thanh trừng những người bất đồng chính kiến.

Trung Quốc đã cử hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật ra khắp thế giới, kể cả qua Hoa Kỳ để theo dõi, sách nhiễu, đe dọa và bắt giữ các đối tượng mà họ truy tầm. Bắc Kinh đã sử dụng Interpol để gắn nhãn tội phạm vào các đối tượng bị truy nã và thậm chí còn bí mật bắt cóc một số người để đưa về Trung Quốc. Theo FBI, hàng trăm nạn nhân của chiến dịch Săn Cáo là công dân Mỹ hoặc người có thẻ xanh.

Trong chiến lược dùng “pháp lý chiến”, Trung Quốc đã thông qua nhiều bộ luật và quy định để đạt được các mục tiêu chính trị đề ra. Một ví dụ điển hình là Luật An Ninh Quốc Gia áp đặt trên Hồng Kông, đã liệt vào diện tội hình sự các hoạt động ủng hộ độc lập và giao tiếp với các tổ chức nước ngoài.

Ngay cả Nancy Pelosi hay Marco Rubio cũng có thể bị truy tố!

Tệ hơn nữa, luật này có một điều khoản mở rộng thẩm quyền, đặc biệt cho phép trừng phạt những công dân nước ngoài phạm “tội” ghi trong luật dù hành động bên ngoài Hồng Kông. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể truy tố những người như chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và thượng nghị sĩ Marco Rubio, những người đã ủng hộ người biểu tình Hồng Kông.

Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang sử dụng hoặc đe dọa sử dụng nguồn tài chính của mình để đệ trình các đơn kiện ở phương Tây chống lại các quyết định hoặc chính sách của phương Tây đối với Trung Quốc. Họ thậm chí còn nhắm vào những nhân vật phương Tây như Adrian Zenz, một nhà nhân chủng học người Đức mà Trung Quốc gọi là “kẻ lừa đảo” vì công trình nghiên cứu của ông về các trại giam Tân Cương và nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

Bước kế tiếp: Lợi dụng hệ thống pháp lý Âu-Mỹ để kiện phương Tây?

Trung Quốc có thể thuê các công ty luật lớn và có uy thế ở phương Tây làm việc cho họ, kéo các chính phủ, công ty và cá nhân vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài để loại bỏ những ai bị Bắc Kinh coi là kẻ thù, hoặc là làm cho đối thủ mất tinh thần và phá sản. Để làm điều đó, ông Tập đang tìm cách kiểm soát một nhóm gồm các tổ chức trọng tài và công ty luật đẳng cấp thế giới để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.

Ngoài ra, các bộ luật liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông đã được thông qua để trấn áp mọi ý định phản đối và thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc. Tại vùng Tân Cương dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, nhiều luật lệ đã được đưa ra dưới chiêu bài chống khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo, nhưng trên thực tế, chỉ nhằm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi Giáo khác để củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản.

Đầu trang

12/05/2021 - rfi

Pháp đổi chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương trước sự hung hăng của Trung Quốc

Ảnh minh họa: Tàu sân bay Pháp Charles-de-Gaulle, ngày 07/03/2019. Jean-Paul Pelissier/Reuters

Từ hai năm nay, Pháp từng bước thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc, một « đối thủ toàn diện » của khối 27 nước và được ngầm nêu trong « Chiến lược hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương » công bố hôm 19/04/2021. Paris nhận thấy chủ quyền, lợi ích của Pháp trong vùng biển rộng lớn này bị tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đe dọa.

Trước Hạ Viện Pháp ngày 19/02, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly không vòng vo lên án Trung Quốc « coi thường luật lệ về tự do lưu thông trên biển », « đầu tư ồ ạt vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », nơi Pháp có 13 tỉnh, vùng và 1,5 triệu công dân sinh sống. Cụ thể hơn, « cứ bốn năm, Trung Quốc lại xây dựng lực lượng tương đương với Hải Quân Pháp, có nghĩa là mức tăng trưởng theo cấp số nhân. Rõ ràng là sự hiện diện và vũ khí trang bị có thể gây ra mối đe dọa », theo nhận định của chuẩn đô đốc Jean Mathieu Rey, chỉ huy vùng Thái Bình Dương của Hải Quân Pháp, trên đài RFI ngày 09/05.

Thắt chặt hợp tác ngoại giao

Chiến lược của Pháp được điều chỉnh trên hai mặt, ngoại giao và quân sự. Về mặt ngoại giao, lần đầu tiên Pháp họp cấp bộ trưởng với Ấn Độ và Úc (hai nước trong Bộ Tứ - QUAD) ngày 13/04 đề cập đến những lợi ích chung : bảo đảm tự do lưu thông hàng hải trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương nơi chiếm đến 60% GDP toàn cầu.

Ngoại trưởng ba nước còn ký chung một diễn đàn, bên lề hội nghị G7 tại Luân Đôn, về những cẳng thẳng trong khu vực rộng lớn này do « những tham vọng bành trướng ngày càng lớn, vi phạm luật pháp quốc tế và sự ổn định trật tự thế giới », đồng thời khẳng định đóng góp tiềm lực vững chắc để bảo vệ những lợi ích chung. Dù không nêu đích danh nhưng rõ ràng Trung Quốc là một bên được nhắc đến.

Còn đối với Nhật Bản, một thành viên khác của QUAD, « Pháp chia sẻ tầm nhìn về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở », theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi vào tháng Tư, khi thông báo tổ chức tập trận bốn bên. Cổ vũ và bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải thông qua luật biển quốc tế cũng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh khi điện đàm với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/05.

Mở rộng đối tác và hợp tác

Trên thực địa, lần đầu tiên tầu sân bay duy nhất của Pháp Charles-de-Gaulle đến Thái Bình Dương năm 2019. Cũng là lần đầu tiên chiến dịch Marianne triển khai tầu ngầm hạt nhân Emeraude vào tháng 02/2021 ở Biển Đông. Không Quân Pháp tiến hành ba chuyến công tác trong vòng 3 năm cũng là điều chưa từng có.

Đến tháng Năm, lần đầu tiên, Pháp tham gia tập trận với Nhật, Mỹ và Úc trong vòng một tuần từ ngày 11/05 trên đảo Kyushu ở biển Hoa Đông. Phía Pháp điều tầu sân bay trực thăng Tonnerre và chiến hạm Surcouf nằm trong khuôn khổ Chiến dịch đào tạo tác chiến Jeanne d’Arc. Theo Paris, cuộc tập trận nhằm « phát triển hợp tác đa phương về quốc phòng »« tăng cường khả năng tương tác của quân đội ».

Chiến dịch đào tạo Jeanne d’Arc vẫn thường xuyên đến tập huấn trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (2015, 2017, 2018, 2021) và ghé cảng giao lưu với một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam. Ngoài ra, tầu sân bay Charles-de-Gaulle cũng thăm Singapore, trong khi nhiều đơn vị khác giao lưu với Brunei, Indonesia, Philippines… Theo đô đốc Jean Mathieu Rey, đó là chiến lược để « có được nhiều đối tác trên toàn khu vực mà chúng ta có thể trông cậy » cho những đợt triển khai tầu chiến hay chiến đấu cơ, vì vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vô cùng lớn. Ngoài ra cần lưu ý đến chi tiết từ hai năm nay, Paris điều thẳng lực lượng từ Pháp đến khu vực để hỗ trợ cho khoảng 7.000 quân nhân đồn trú rải rác từ đảo Réunion (Ấn Độ Dương) đến Papeete (Thái Bình Dương).

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định hai nước sẽ phản đối mọi « ý đồ » của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay hăm dọa ở Biển Đông và biển Hoa Đông ». Hai thành viên của QUAD có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của một số nước châu Âu khác, ít nhất hiện giờ là từ Pháp và Anh.

Đầu trang

10/05/2021 - voatiengviet

Bỉ cảnh báo khả năng bị gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông qua Alibaba

Trụ sở tập đoàn Alibaba ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chính quyền liên bang Bỉ quan ngại về khả năng gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông tin “nhạy cảm” qua các dự án đầu tư trung tâm thương mại điện tử của tập đoàn Alibaba ở sân bay Liege, trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh lên tiếng phản bác cáo buộc của Brussels.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne phát biểu tại Quốc hội hôm 7/5 rằng luật pháp Trung Quốc buộc tất cả các công ty tư nhân - bao gồm cả Alibaba - phải hợp tác với cơ quan tình báo nhà nước. Ông quan ngại rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc có thể tiếp cận “các khu vực nhạy cảm” của nhà ga hàng không tại trung tâm thương mại điện tử của tập đoàn bán lẻ qua mạng này của Trung Quốc ở sân bay Liege.

Trên thực tế, họ có thể có quyền truy cập vào các khu vực nhạy cảm và an toàn của sân bay hoặc tiếp cận vào dữ liệu thương mại và dữ liệu cá nhân do Alibaba nắm giữ.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne.

“Các công ty như Alibaba được yêu cầu cung cấp các thông tin về việc kinh doanh này cho các điệp viên”, hãng tin AFP dẫn lời ông Van Quickenborne nói trước một ủy ban của Quốc hội.

Ông cảnh báo: “Trên thực tế, họ có thể có quyền truy cập vào các khu vực nhạy cảm và an toàn của sân bay hoặc tiếp cận vào dữ liệu thương mại và dữ liệu cá nhân do Alibaba nắm giữ.”

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne trả lời phỏng vấn báo chí ngày 4/2/2021 ở Brussels.

Ông Quickenborne đã tham khảo Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Trung Quốc, trong đó quy định các công ty Trung Quốc phải cho phép chính quyền truy cập vào dữ liệu của họ, bất kể công ty đó có hoạt động ở nước ngoài hay không, theo trang Brussels Times.

Ông cũng nhắc đến Luật An ninh mạng năm 2016 ở Trung Quốc. Ông cho biết luật này cho phép đặc nhiệm tình báo Trung Quốc “sao chép dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu người dùng. Luật này áp dụng cho bất kỳ công ty nào cung cấp dịch vụ qua internet, bao gồm cả Alibaba.”

“Alibaba cũng phải tuân theo bộ máy an ninh của Trung Quốc và khi cần cơ quan an ninh có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân và thương mại có khả năng nhạy cảm do Alibaba nắm giữ liên quan đến hoạt động của nó ở Liege,” ông Van Quickenborne nói thêm.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ tuyên bố, sân bay Liège có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi được Alibaba sử dụng làm trung tâm phân phối để vận chuyển hàng hóa khắp châu Âu. Ông nói với các nghị sĩ: “Mối quan ngại này không chỉ giới hạn trong các mục đích tình báo và an ninh mà có thể thấy trong khuôn khổ rộng lớn hơn ở khía cạnh kinh tế và chính trị.”

Ông Quickenborne cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10 năm ngoái đã yêu cầu các quốc gia thành viên kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài, vốn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tuy nhiên, chính phủ Bỉ cho đến nay không thực hiện bất kỳ biện pháp nào như vậy.


Xem thêm: Thượng viện Mỹ thông qua dự luật giám sát các công ty Trung Quốc

Từ Brussels, ông Nguyễn Hoàng Hải, một chủ doanh nghiệp gốc Việt kinh doanh phần mềm điện toán, chia sẻ với VOA về khả năng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Bỉ.

“Về mặt kỹ thuật khi truy cập vào thông tin của Alibaba và biết được địa chỉ IP cùng các thông tin cá nhân của khách hàng, đội hacker của chính phủ Trung Quốc có thể tấn công rất dễ dàng với nhiều phương pháp khác nhau.

“Với tiềm năng về sức mạnh nhân sự và công nghệ, Trung Quốc có thể lấy đi thông tin về giao dịch trên Paypal và các phần mềm mua sắm khác. Họ có thể dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm thông tin nhạy cảm và có thể tống tiền khách hàng. Những thông tin cá nhân và các thông tin bí mật có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để có lợi cho họ.”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Bỉ hôm 8/5 bác bỏ những tuyên bố của Bộ trưởng Quickenborne và nói rằng Trung Quốc không hề “yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các hoạt động vi phạm luật pháp hoặc quy định địa phương”. Đại sứ quán cho biết: “Trung Quốc không bao giờ đưa ra mối đe dọa đối với Bỉ”.

“Những bình luận như vậy sẽ gây hiểu lầm cho công chúng Bỉ cũng như gây ra tác động tiêu cực đến danh tiếng của các công ty Trung Quốc tại Bỉ ... Chúng tôi bày tỏ sự bất mãn và kiên quyết phản đối việc bôi nhọ như vậy bằng những cáo buộc bịa đặt,” trang Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn tuyên bố cho biết.

Tuyên bố Đại sứ quán Trung Quốc cũng nói rằng thông lệ quốc tế phổ biến là bảo vệ an ninh quốc gia bằng các biện pháp pháp lý. “Thế giới bên ngoài nên hiểu Luật Tình báo Quốc gia một cách khách quan và thấu đáo, thay vì diễn giải nó ra khỏi ngữ cảnh”, tuyên bố cho biết thêm rằng một số người đã cố gắng sử dụng luật tình báo này như một cái cớ để đàn áp các công ty Trung Quốc, với mục đích không gì khác ngoài một phương pháp can thiệp vào thực tiễn kinh tế bằng các phương tiện chính trị.”

Dự án của Alibaba ở sân bay Liege được ký kết vào tháng 12/2018 với vốn đầu tư ban đầu 75 triệu euro (khoảng 85 triệu đôla), là trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ở châu Âu nằm trong mạng lưới trung tâm logistic toàn cầu của Alibaba, được gọi là Nền tảng Thương mại Thế giới điện tử (eWTP), theo Reuters.

Dự án này là một trong sáu trung tâm hậu cần toàn cầu của Alibaba, công ty bán hàng qua mạng của Trung Quốc hoạt động tương tự như công ty Amazon của Hoa Kỳ.


Xem thêm: Tỷ phú Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ-TQ ‘ngu xuẩn nhất thế giới’

Ông Hải cho rằng gần đây các chính trị gia mới trúng cử ở Bỉ, đặc biệt là những người trẻ, đã nhận thức được sự “nguy hiểm” của gián điệp Trung Quốc và “không quá ngây thơ” như các chính trị gia trước đây. Ông Hải cho biết thêm:

“Vấn đề xâm nhập của các công ty Trung Quốc sang châu Âu là do sự lơ là mất cảnh giác của các quốc gia phương Tây.”

Theo điều trần của Bộ Trưởng Quickenborne tại Uỷ ban Tư pháp của Hạ viện được trang Breitbart đăng tải, nguy cơ về việc Trung Quốc cố tận dụng sức ép kinh tế của mình đối với các chính trị gia thông qua các dự án như Sân bay Liège “chắc chắn” là có tồn tại.

Ông cho rằng “không thể đánh giá thấp tầm quan trọng kinh tế trong tương lai của sân bay Liège đối với Trung Quốc”, đồng thời giải thích thêm rằng Bắc Kinh dự định xây thêm 215 sân bay mới vào năm 2035 để mở rộng phạm vi kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ năm 2019, Alibaba đã chính thức bước chân vào thị trường có dân số hơn 90 triệu người, trong động thái mở văn phòng đại diện, sau khi rót vốn gián tiếp thông qua công ty Lazada từ năm 2016.

Khi tiếp ông Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba, vào năm 2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là Nguyễn Xuân Phúc nói rằng việc Alibaba có mặt ở Việt Nam là “tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam và giao các bộ, ngành chức năng trao đổi, làm việc với Alibaba để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.”

Đầu trang