Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

Bang giao Việt-Hoa (2)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

30/04/2021 - voatiengviet

Liệu ‘bộ phận thờ địch’ có kết hợp được với địch để chống lại các ‘thế lực thù địch’?

Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngụy Phượng Hòa tại Hà Nội ngày 26 tháng Tư.

Hoàng Trường (Gởi VOA từ Sài Gòn)


Quan hệ Việt – Trung từ bao đời nay nằm trong phức cảm yêu và ghét, được định hướng lẫn lộn giữa lực hút của “bộ phận thờ địch” (một bộ phận trong chính quyền) và sức đẩy từ “thế lực thù địch” (đại bộ phận người dân trong nước hiện nay).

Soi vào lịch sử bang giao Việt – Trung, nhìn từ phía Việt Nam, những trải nghiệm của đất nước này đối với nhà cầm quyền Trung Quốc dường như nằm trong phức cảm yêu – ghét lẫn lộn, hay đúng hơn là nằm ở sự pha trộn giữa lực hút và sức đẩy [http://www.vietstudies.net/kinhte/NguyenTheAnh_SucHutLucDayQuanHeVietTrung.html]. Thực tế ấy tồn tại suốt hàng ngàn năm nay, qua các triều đại phong kiến cho đến thời hậu cộng sản. Nhưng vào thời điểm hiện nay, lực hút và sức đẩy ấy được quyết định bởi nhân tố nào: tình cảm, tiền bạc, hay quyền lực?

Lực hút bởi “bộ phận thờ địch”

Ngày 27/4/2021, báo chí Bắc Kinh đưa tin, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà trước đó một ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam “sẽ không theo các nước khác chống lại Trung Quốc”. Phát biểu được cho là của lãnh đạo Việt Nam gây chú ý ở trong nước lẫn quốc tế giữa bối cảnh các phản ứng của Hà Nội đang bị coi là chậm trễ trước sự kiện hàng trăm tàu cá của Trung Quốc từ tháng ba đến nay đang án ngữ khu vực Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. (*)

Chậm trễ ở đây là so với thái độ đàng hoàng hơn của chính quyền của Tổng thống Duterte (Philippines). Lập tức các ý kiến bình luận chia thành hai nhóm. Loại thứ nhất, có học giả quả quyết rằng không thể có chuyện ông Phúc “hớ hênh” đến nhường ấy. Loại thứ hai, một số phân tích khác lại cho rằng, có thể ông Phúc chỉ nói đến việc Việt Nam nâng cao cảnh giác cách mạng một cách chung chung, song truyền thông Trung Quốc, vốn có truyền thống “bơm vá” và “lộng ngôn”, đã phóng đại thành như thế.

Nhưng tờ “Nhân Dân” còn đưa tin rất rõ, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc “mong muốn quân đội hai nước tiếp tục tăng cường xây dựng vững chắc lòng tin chiến lược”, không để “các thế lực thù địch phá hoại” quan hệ hai nước. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “mong muốn hai đảng, hai nước tiếp tục nỗ lực để giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau”. Những ngày này mà hai ông trong “Bộ tứ” nhấn mạnh “lòng tin chiến lược” và “môi trường hoà bình” trên Biển Đông thì quả thật, lực hút tạo ra từ “bộ phận thờ địch” trong dàn lãnh đạo mới ở Hà Nội có ảnh hưởng ghê gớm.

Bởi vì, ông Trọng và ông Phúc đâu phải là những “tân binh” trong đảng và nhà nước! Và điều này chứng tỏ “bộ phận thờ địch” ấy đâu phải mới có từ hôm nay. Nếu không, khi tiếp những người trong đoàn đại biểu Trung Quốc, tại sao ông Trọng và ông Phúc không thể tuyên bố, ít nhất là: Trung Quốc cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng và phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982?

Sức đẩy từ “thế lực thù địch”

“Thế lực thù địch” ở đây không ai khác là nhân dân trong con mắt của những người cầm quyền. Người dân và trí thức trong nước đang hết sức để ý tới mọi động thái của giới lãnh đạo. Bởi vì một khi “bộ phận thờ địch” kết hợp với địch để chống lại “thế lực thù địch” thì chắc chắn nhân dân không thể để yên. Sóng ngầm bao giờ cũng mạnh hơn sóng nổi trên bề mặt! Thật ra, người dân biết rất rõ rằng, ngay cả “bộ phận thờ địch” trong chính quyền cũng chẳng yêu gì Trung Quốc và quá hiểu dã tâm của họ. Vốn đã lăn lộn bao lâu nay trong “bãi lầy” Ba Đình, hơn ai hết, lãnh đạo là người biết rõ “tim đen” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Những người giả danh CNXH từ lâu đã không còn tin vào cái “lá nho” ý thức hệ che đậy dã tâm và hành động trong thế giới cộng sản. Như trong một khảo luận trên RFA [https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/there-is-another-lose-05142020231559.html], thì ngay trong cuộc nội chiến ở Việt Nam, hệ tư tưởng cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Việt – Trung – Xô, giữa các đồng chí cùng “phe” ngay từ thời bấy giờ, đã lãnh đủ mọi hệ luỵ của cái gọi là “chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Sau chiến tranh, những tưởng ý thức hệ rồi sẽ chết. Nhưng không! Cứ mỗi thập kỷ qua đi, dưới lá bài “cùng chung vận mệnh”, mỗi lần thúc đẩy hệ tư tưởng trá hình, Bắc Kinh lại đạt thêm được những bước tiến mới trên con đường độc chiếm Biển Đông và bành trướng xuống toàn Đông Nam Á. Lãnh đạo Việt Nam cũng biết, cái “vỏ” bốn tốt và mười sáu chữ vàng không thể cứu vãn họ thoát khỏi gọng kìm của Trung Quốc trên cả đất liền lẫn ngoài mãi các đảo xa, nên nhiều lúc cũng buộc phải nghĩ đến những bước “giãn Trung” nhất định.

“Giãn” nhưng không “thoát” được nên họ đâm ra sợ dân và coi dân là thù địch. Nếu ai đó có tham vọng (được hiểu là sự khát khao) tìm đến cùng sự thật về các “thế lực thù địch” thì mới hiểu được sự phản kháng quyết liệt của con dân nước Việt qua mọi thời đại, trước sự áp chế của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô trước đây cũng như chủ nghĩa Đại Hán ngày nay. Không hoàn toàn ngẫu nhiên mà ông Trần Quốc Vượng thuở còn làm Thường trực Ban Bí thư đã phát được một câu có cánh: “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”. “Tự ta” ở đây là ông Vượng muốn ám chỉ: Nhân dân sẽ lật đổ chính quyền!

Về “nhận thức luận”, chỗ này ông Vượng khá hơn ông Trọng. Nhưng nhận thức được như vậy thì đáng ra phải đi với nhân dân, phải trở về với nhân dân mà “kháng Tàu cứu nước”, chứ không phải là kết hợp với Trung Quốc để đàn áp nhân dân khốc liệt và toàn diện như hiện nay. Tại sao nhận thức thì được mà hành động thì không? Đó là vì họ “khát” tiền và “khát” quyền lực. Mà nguồn mạch của tiền và của quyền thì chỉ có thể đến từ Thiên triều. Do đó, họ không thể để nhân dân “trỗi dậy kháng Tàu” ở mức độ đáng ra cần có. Vì vậy, họ đành tận dụng “bộ phận thờ địch”, kết hợp với địch để chống lại các “lực lượng thù địch”.

(*) (Chú thích của VOA: Trong bài viết khác, đăng ngày 28 tháng Tư, VOA đặt câu hỏi với phía chính phủ Việt Nam, yêu cầu xác minh tính thực hư trong phát biểu được cho là của ông Nguyễn Xuân Phúc, phía Việt Nam không phản hồi. Trong khi đó, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore khẳng định với VOA dựa theo nguồn tin ông có được từ những người có mặt trong sự kiện, rằng “Ông Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ nói câu đấy.”)

Đầu trang

13/04/2021 - baotiengdan

Nhức nhối với tỷ lệ 1% và đau đầu với kiểu cài cắm thâm độc đường lưỡi bò

Vũ Kim Hạnh
13-4-2021

Hôm nay có 2 vấn đề sôi động cần viết: Nỗi nhức nhối của con số tỉ lệ chỉ có 1% nông sản xuất khẩu qua TQ là xuất CHÍNH NGẠCH và Sự điên đầu với thói gài bản đồ lưỡi bò mà ta dính hoài.

LƯỠI BÒ ĐƯỢC CÀI CẮM THÂM ĐỘC VÀ TÁO TỢN

Xin viết trước hôm nay vấn đề CÁI LƯỠI BÒ, ngày mai xin tiếp về cái tỉ lệ hiu hắt chỉ có 1% hàng nông sản VN năm qua xuất khẩu qua TQ theo đường chính ngạch.

Mấy hôm trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao VN yêu cầu các nước vào làm ăn ở VN phải tôn trọng luật pháp VN là không được sử dụng cái lưỡi bò phi pháp, nhân đề cập “ca” thương hiệu thời trang H&M. Nói mạnh vậy, thực ra cũng thường vì toàn thế giới không ai chấp nhận cái lưỡi bò tham lam bá đạo đó. Tôi không viết gì cổ vũ cho việc tẩy chay H&M, vì sau khi tự truy tìm, tôi thấy họ chỉ xài đường lưỡi bò để “tống” vô họng những kẻ bá quyền, còn tất cả các version ngôn ngữ khác tiếng Hoa của các nhãn hàng này, tôi chưa thấy cái lưỡi bò đó.

Không xa xôi gì, cuối năm 2020, một số mẫu xe điện từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã bị cơ quan chức năng VN phát hiện đã cài cắm đường lưỡi bò phi pháp. Rồi đến tháng 3/2021, hai doanh nghiệp tại Hà Nội đã bị Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện nhập xe có cài cắm đường lưỡi bò phi pháp. Hai chiếc xe này bị tịch thu ngay lập tức và doanh nghiệp bị phạt 15 triệu đồng.

Họ sử dụng chiều trò gì mà qua mắt được? Đó là chơi kiểu các xe đều sử dụng hệ điều hành của TQ hoặc website toàn cầu nhưng đã được chuyển sang tiếng Trung. Hiện nay, thì một số mẫu xe Trung Quốc lại sử dụng song song hai hoặc nhiều phần mềm, khi nhập vào Việt Nam thì úm ba la rất linh hoạt nên ta khó phát hiện.

Năm 2019, hàng loạt mẫu xe nhập vào Việt Nam diện tạm nhập tái xuất như Volkswagen, Hangten bị phát hiện có đường lưỡi bò, ngay sau đó giới chức Việt Nam đã xử phạt doanh nghiệp, tịch thu phương tiện vi phạm quyền, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Điều đáng nói, theo Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan, các vụ nhập khẩu máy móc, thiết bị, xe ô tô từ Trung Quốc là hay vi phạm. Điều cốt yếu là qua kiểm tra thực tế, hầu hết các hợp đồng của doanh nghiệp có vi phạm đều không có thỏa thuận về việc CẤM SỬ DỤNG HÌNH ẢNH VI PHẠM CHỦ QUYỀN VN, điển hình là cái lưỡi bò.

Thực tế đang diễn ra, theo đại diện của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam nhập hàng chục tỷ USD sản phẩm, linh kiện thiết bị điện tử từ Trung Quốc, như máy tính xách tay, điện thoại, máy lau nhà, máy rửa bát, máy chơi game… sử dụng hệ điều hành ”Made in China” là những sản phẩm dễ bị lợi dụng để gắn đường lưỡi bò phi pháp.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp ký cam kết hoặc bị hậu kiểm bởi cơ quan chức năng là điều cấp thiết không thể dễ dãi để ngăn chặn các vụ tuyên truyền chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong bài Góc nhìn “Vũ khí bản đồ”, anh Võ Nhật Vinh chuyên được mời làm công việc phản biện các báo cáo, nghiên cứu khoa học thế giới cho biết một kinh nghiệm anh ghi nhận: Các tác giả đến từ viện nghiên cứu tại Trung Quốc thường thản nhiên sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò trong bài viết dù nội dung không liên quan đến lãnh hải. Lịch sử cho thấy, từ 2013, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đăng bài viết kèm thông tin, hình ảnh về đường chín đoạn trên biển Đông trên các tạp chí quốc tế. Từ 2015, đường lưỡi bò xuất hiện trong các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khí tượng thủy văn, môi trường, xây dựng, thương mại… đa số nội dung không liên quan đến biển hay chủ quyền. Nói cách khác, bất cứ lúc nào, nhà cầm quyền TQ đều tận dụng cơ hội gài vào đó bản đồ có đường lưỡi bò.

Anh Vinh nhận xét: Phía Trung Quốc đã sử dụng đội ngũ trí thức của họ như một lực lượng “dân quân biển” trên mạng, nhằm hiện thực hóa và quốc tế hóa tham vọng của họ trên Biển Đông.

Kiểu “mưa lén thấm lâu, mưa dầm thấm mạnh” mà ông tổ của Truyền thông phát xít Joseph Goebbels – Bộ trưởng tuyên truyền của phát xít Đức – khẳng định “một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức sẽ thành sự thật” luôn được nhà nước TQ sử dụng, bền bỉ, liên tục không bao giờ mệt mỏi (mà những “bị hại” như chúng ta lắm khi lại… mệt mỏi trước?).

THAY LỜI KẾT

Với Trung Quốc theo tôi ta đang cùng lúc xử ý 2 mối quan hệ:

– Triệt để chú tâm bảo vệ chủ quyền. Ta với họ rất dễ đụng chạm, vì họ thường xâm phạm chủ quyền VN bằng nhiều cách. Mà đứng sợ mất lòng “anh lớn” vì họ “đụng” toàn thế giới, nhất là 13 nước chung biên giới. Chẳng ai mà họ không muốn ăn thịt. Ta không thể nhân nhương về chủ quyền nên không thể ngai va chạm.

– Cùng làm ăn,mình vô cùng cần họ, nước láng giềng chi phối kinh tế của nước ta rất lớn. Họ mạnh về kinh tế, nên ta phải tìm cách giao thương, nhưng nếu ta lệ thuộc họ là chết liền. Vì kinh tế sẽ bị sử dụng làm vũ khí tấn công chủ quyền. Hai bên phải cần nhau, win-win. Như vậy đòi hỏi mình đủ kiến thức, ý chí và sức mạnh nữa. Thiếu gì nước bé tẹo mà họ đâu dám ăn hiếp, ví dụ Singapore.

Thực tế đã chứng tỏ cho chúng ta là dã tâm cài cắm đường lưỡi bò của phía “anh lớn” là nhằm khiến thế giới dần công nhận cuộc xâm lược trắng trợn của họ. Và cách cài cắm để hợp thức hóa việc ăn cướp lảnh hải của họ là vô cùng thâm độc, tinh vi, táo tơn và thường xuyên.

Tôi thấy cần đề nghị: Đội ngũ dư luận viên được trả lương và huấn luyện công phu hãy tập trung phát hiện ngay lập tức trò mèo này, phân tích và công bố cho toàn dân rõ. Cũng là một cách cho họ biết ta là ai, và cũng là điều ích nước lơi dân thay vì đôi khi cứ thấy theo những nói tốt cho chủ trương mà lại dùng lời lẽ tục tĩu mạt sát trong tranh luận hay cứ copy and paste những câu vô nghĩa tới lui thì hãy tập trung vào phản kích cái đường lưỡi bò đi quí vị.

Đầu trang

10/04/2021 09:00 - baoquocte

Nhà báo trẻ từ phương Tây và cuộc phỏng vấn đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Baoquocte.vn. Trả lời phỏng vấn nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Pedersen, phản ứng trước sự chỉ trích của phương Tây, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói: "Tôi đề nghị các bạn nhìn vào sự thật thay vì những cáo buộc vô căn cứ".

Nhà báo Thomas Bo Pedersen trong cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.Nhà báo Thomas Bo Pedersen và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong cuộc phỏng vấn năm 1984. (Ảnh: NVCC)

Lời tựa

Tháng 6/1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu trả lời phỏng vấn nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Pedersen, giải thích quan điểm của Việt Nam về các vấn đề then chốt trong giai đoạn biến động đầy phức tạp.

Phản ứng của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước những lời chỉ trích của phương Tây đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc và độc đáo về cách Chính phủ Việt Nam đối phó với những thách thức hậu Chiến tranh chống Mỹ. Bài phỏng vấn này được đăng ngày 23/6/1984 trên Land og Folk, một tờ báo của Đảng Cộng sản Đan Mạch.

Chúng tôi không tự cô lập mình khỏi phương Tây

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Land og Folk rằng quân đội Việt Nam sẽ không rời khỏi Campuchia, cho đến khi lực lượng của Pol Pot bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc đấu tranh chống Pol Pot cũng là một vấn đề tự vệ giống hệt như khi Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh hành quân đến Berlin để tiêu diệt trùm phát xít Adolf Hitler và chế độ Đức Quốc xã.

Ông nói: Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, toàn bộ người dân Campuchia đứng trước nguy cơ chết đói, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người đã bỏ mạng. Trong thảm hoạ diệt chủng, bác sĩ và giáo viên bị hành quyết. Khi chúng tôi đến Phnom Penh, bệnh viện và trường học đều không hoạt động.

Giờ đây, 5 năm đã trôi qua kể từ khi chế độ Pol Pot bị lật đổ, tình hình lương thực vẫn cần được cải thiện, nhưng người dân Campuchia không ai bị đói nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, 1,6 triệu học sinh đã trở lại trường học và việc chăm sóc sức khỏe cũng đang được cải thiện. Chúng tôi đã có thể hỗ trợ nước láng giềng vững vàng trở lại, mặc dù nguồn lực của Việt Nam có hạn.

Chúng tôi vẫn còn nghèo. Mỹ đã thua trên chiến trường, nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đất nước tôi bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế và chính trị. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam, nhưng nó sẽ không bao giờ ngăn cản chúng tôi hỗ trợ những người bạn của mình ở Campuchia.

Tháng 1/1983, một phái đoàn các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đã đến thăm Campuchia. Họ phản đối sự hiện diện quân sự của Việt Nam tại đây, nhưng họ phải thừa nhận rằng điều kiện sống của người dân Campuchia đã được cải thiện rất nhiều.

Thomas Bo Pederson: Các nhà hoạch định phương Tây lại có những nhận định tình hình khá khác nhau. Một số người cho rằng Việt Nam chỉ là một công cụ trong chiến lược của Liên Xô nhằm tạo ra một thành trì trong khu vực. Một số người thậm chí còn ví ông như là một Bộ trưởng Ngoại giao của Liên bang Xô Viết tại Đông Nam Á.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Ít có quốc gia nào chịu nhiều âm mưu đô hộ của ngoại bang như Việt Nam. Lần nào cũng vậy, chúng tôi xác định hi sinh chiến đấu. Với lịch sử đất nước của chúng tôi như vậy, làm sao bạn có thể nghĩ rằng Việt Nam sẽ chịu khuất phục dưới sự thống trị của bất cứ thế lực ngoại bang nào. Trung Quốc, Pháp và Mỹ đều cố gắng mà không thành công.

Ngược lại, Liên Xô tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Chúng tôi phân biệt được đâu là bạn, và chúng tôi không mong muốn có bất cứ kẻ thù nào, ở các nước phương Tây, hay bất cứ đâu trên thế giới này. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Năm 1976, Việt Nam trở thành thành viên của Ngân hàng Thế giới. Các nước phương Tây đã rất vui mừng chào đón sự gia nhập này của chúng tôi.

Năm 1979, khi Mỹ và đồng minh xúi giục phong tỏa kinh tế đối với Việt Nam, chúng tôi đã xin gia nhập COMECOM, tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa.

Về nguyên tắc, chúng tôi muốn có mối quan hệ thân tình với Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn là thành viên của Ngân hàng Thế giới, mặc dù chúng tôi không được hưởng lợi từ các chương trình của ngân hàng, do Mỹ duy trì cấm vận với chúng tôi.

Cùng lúc đó, chúng tôi cũng là thành viên của COMECON. Chúng tôi không tự cô lập mình khỏi các hệ thống chính trị hoặc kinh tế khác. Bây giờ thử nói về trường hợp của đất nước của bạn, Đan Mạch. Tôi nghĩ rằng Đan Mạch có lẽ chỉ tham gia Ngân hàng Thế giới. Nói cách khác, chẳng phải Đan Mạch và các nước phương Tây khác còn một chiều hơn chúng tôi? (Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói, với một nụ cười châm biếm và một cái nháy mắt).

Một sự che đậy vụng về

Thomas Bo Pederson: Các nhà phê bình phương Tây cho rằng chính phủ Heng Samrin của Campuchia chỉ có thể tồn tại nhờ hậu thuẫn của quân đội Việt Nam. Họ thậm chí còn gọi Samrin là một con rối của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Trung Quốc, Mỹ và một số nước phương Tây dùng luận điệu này để che đậy quyết định ủng hộ Pol Pot của họ. Họ biết rất rõ rằng Pol Pot là kẻ giết người hàng loạt. Heng Samrin lãnh đạo cuộc nổi dậy của quần chúng chống Pol Pot ngay từ đầu năm 1977. Cuộc nổi dậy chống Pol Pot chắc chắn không phải do Việt Nam ngụy tạo. Bạn đang thấy kết quả trực tiếp của tội ác diệt chủng của Pol Pot đối với chính dân tộc của hắn.

Trung Quốc đang hỗ trợ quân sự lớn cho tàn dư của quân đội Pol Pot. Chính phủ Heng Samrin hiện đang lãnh một trách nhiệm to lớn là tái thiết đất nước Campuchia. Nếu Việt Nam rút quân sớm sẽ khiến tình hình Campuchia càng thêm khó khăn.

Cái giá phải trả

Thomas Bo Pederson: Sự hiện diện quân sự của Việt Nam ở Campuchia đã tạo cho Mỹ và các đồng minh cái cớ để cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Chính người dân Việt Nam đang phải trả một cái giá đắt cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với chính phủ Heng Samrin?

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Chúng tôi thực sự phải trả giá đắt. Chúng tôi có một điểm chung quan trọng với những người bạn của chúng tôi ở Lào và Campuchia: Chúng tôi đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa bành trướng đang diễn ra của Trung Quốc. Nếu chúng tôi không duy trì đấu tranh vì tự do và độc lập, chúng tôi sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều trong tương lai.

Thomas Bo Pederson: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về xung đột hiện tại giữa hai nước vì sự hiện diện của Việt Nam ở Campuchia?

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Có thể là những hành động khiêu khích của Trung Quốc hiện nay là một nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của Pol Pot và những người trung thành với hắn. Nhưng trên thực tế, xung đột hiện nay còn dựa trên lịch sử xâm lược lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều con phố ở Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam được mang tên những anh hùng, những người đã hy sinh thân mình để ngăn chặn quân xâm lược phương Bắc. Trong 1.000 năm qua, người Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam ít nhất 10 lần, gần đây nhất là vào năm 1979.

Thomas Bo Pederson: Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam trong một chuyến thăm các khu vực biên giới. Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược khác từ Trung Quốc?

(Bộ trưởng Thạch trả lời bằng một tràng cười trứ danh của mình. Nó vang lên như một tiếng sấm nhỏ trong phòng).

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Tôi đọc trên báo Nhân dân sáng nay, rằng bạn đã có trải nghiệm của riêng mình, chạy khỏi trận pháo kích của Trung Quốc hôm qua ở Hà Giang. Tôi rất vui vì quân đội của chúng tôi đã đưa bạn trở về an toàn sau cuộc chạm trán với người Trung Quốc.

Tôi xin cam đoan rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng xâm lược Việt Nam. Họ chỉ thành công một lần; tất cả các lần khác đều thất bại. Bản chất tôi là một người lạc quan. Chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ hòa bình lâu dài với Trung Quốc, thậm chí có lần kéo dài tới 350 năm. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, nhưng lịch sử đã dạy chúng tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở Biển Đông là một lời nhắc nhở hàng ngày về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề đối với Việt Nam. Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Biển Đông, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những hệ lụy trong khu vực cũng như toàn cầu.

Quyền con người

Thomas Bo Pederson: Việt Nam thường bị chỉ trích về các vấn đề nhân quyền. Một số nhà quan sát phương Tây đã so sánh các trại cải tạo của Việt Nam với các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Vậy ư? Hãy để tôi nhắc bạn rằng một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã đã bị hành quyết sau Thế chiến thứ 2. Kể cả 40 năm sau, những người Do Thái vẫn tiếp tục truy lùng những kẻ Đức quốc xã còn sót lại. Có thể vì cách làm này của phương Tây mà cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã tiên đoán trước công chúng rằng sẽ có một cuộc tắm máu xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ.

Tôi đề nghị bạn nên nhìn vào những gì đã xảy ra hơn là những cáo buộc vô căn cứ. Tại Việt Nam, không một người nào của chế độ miền Nam bị xử tử, mặc dù một số người trong số họ đã gây ra những tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam.

Thay vào đó, chúng tôi đã đưa họ đi cải tạo và họ hầu hết đã được thả. Tất cả chúng ta đều biết rằng những cáo buộc này đã không xảy ra. Đất nước chúng tôi đã thống nhất một cách hòa bình sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ. Ngay cả những tội phạm chiến tranh tồi tệ nhất cũng được tha.

Vẫn còn một số lãnh đạo chế độ Sài Gòn bị giam giữ, những người chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát và các tội ác khác đối với thường dân vô tội trong chiến tranh. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được yêu cầu từ chính phủ Hoa Kỳ để trả tự do cho họ. Chúng tôi thậm chí đã đề nghị thả họ ra để họ tái định cư ở Mỹ. Người Mỹ nói không, cảm ơn. Họ không muốn để những tên tội phạm này tự do lang thang trên đất nước của họ.

Tôi đề nghị bạn và các nhà báo phương Tây khác đến Việt Nam hãy viết về những gì bạn nhìn thấy tận mắt. Tôi không hy vọng bạn chỉ nghe tôi thuyết phục. Hãy tận mắt chứng kiến, trò chuyện với những người dân Việt Nam ở đây về cuộc sống, về hy vọng và ước mơ của họ. Và hãy tự mình đến thăm Campuchia và đánh giá tình hình ở đó.

Bạn sẽ thấy tại sao Việt Nam trân trọng hòa bình hơn bất cứ điều gì. Ở đất nước này, mọi gia đình đều trải qua mất mát chiến tranh. Chúng tôi sẵn sàng đứng lên bất cứ lúc nào chống quân xâm lược, nhưng chúng tôi không phải là người khơi mào cho bất kỳ cuộc xung đột nào.

TIN LIÊN QUAN

Đầu trang

07/04/2021 - voatiengviet

Vì sao tin tặc Trung Quốc nhắm tấn công chính phủ, quân đội Việt Nam?

Các cơ quan thuộc chính phủ và quân đội Việt Nam là mục tiêu tấn công ưa thích của tin tặc Trung Quốc.

Công ty chuyên về bảo mật Kaspersky vừa công bố một báo cáo hôm 5/4 cho biết nhóm gián điệp mạng có liên hệ với Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự tinh vi trong một loạt các cuộc tấn công gần đây nhắm vào các tổ chức chính phủ và quân đội ở Việt Nam.

Trong lúc các chuyên gia Kaspersky tập trung phân tích về vấn đề kỹ thuật của hoạt động gián điệp này, một nhà phân tích nói với VOA rằng có thể có ba nguyên nhân tiềm tàng của các chiến dịch tấn công mạng đang gia tăng gần đây, và tranh chấp Biển Đông là một trong số đó.

Theo báo cáo của Kaspersky, nhóm tin tặc Trung Quốc Cycldek, còn được gọi là “Goblin Panda và Conimes”, đứng đằng sau các hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ và quân đội Việt Nam.

Hoạt động ít nhất từ năm 2013, nhóm này vốn được biết tiếng là nhóm chuyên tấn công vào các chính phủ ở Đông Nam Á, và mục tiêu tấn công ưa thích của nhóm là Việt Nam.

Vào tháng 6 năm ngoái, các nhà nghiên cứu phát hiện nhóm này đã sử dụng phần mềm độc hại tùy chỉnh để khai thác dữ liệu từ các hệ thống nghe lén, và các cuộc tấn công gần đây cho thấy mức độ tinh vi ngày càng tăng.

Báo cáo của Kaspersky cho biết thủ thuật tấn công của nhóm Cycldek là DLL SideLoading với mục tiêu cài đặt mã độc, và sau đó triển khai Trojan (RAT) truy cập từ xa tên là FoundCore để cung cấp cho kẻ tấn công toàn quyền kiểm soát các máy tính bị xâm nhập.

Theo các nhà nghiên cứu của Kaspersky, điểm nguy hiểm trong các chiến dịch tấn công gần đây là phương pháp mà nhóm tin tặc Trung Quốc sử dụng để bảo vệ mã độc khỏi bị phân tích cho thấy “một bước tiến lớn” về độ tinh vi của hoạt động tấn công.

“Chúng tôi đã quan sát chiến dịch này trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021”, Kaspersky cho biết. “Hàng chục tổ chức đã bị ảnh hưởng. 80% trong số đó có trụ sở tại Việt Nam và thuộc về chính phủ hoặc quân đội, bên cạnh các mục tiêu khác có liên quan đến y tế, ngoại giao, giáo dục hoặc chính trị”.

Trong email trả lời cho VOA, Kaspersky nói rằng theo quy định, họ không được phép tiết lộ tên của các tổ chức bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tấn công, mà chỉ có thể cung cấp thông tin kỹ thuật và lĩnh vực mà các tổ chức này hoạt động mà thôi, nhưng các hoạt động tấn công này “có lẽ là để làm gián điệp”.

Một nhà phân tích chính trị và thời sự Việt Nam, TS. Hà Hoàng Hợp, nói ông không ngạc nhiên về các hoạt động tấn công của tin tặc Trung Quốc, và cho biết thêm rằng: “Từ sau tháng 3/2000 đến cuối năm 2020, mức độ (tấn công) có giảm một chút, nhưng lại tăng lên từ khoảng giữa tháng 12/2020 cho đến nay, vào khoảng 45.000 – 47.000 cuộc tấn công mỗi tuần. Đấy là trung bình”.

Nhà nghiên cứu này cho biết mục tiêu tấn công ưa thích của tin tặc Trung Quốc là các cơ quan thuộc các bộ như Ngoại giao, Công an, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin - Truyền thông, Văn phòng Chính phủ…

“Họ dùng hackers (tin tặc) để tấn công vào các cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam thì gần như là hàng giờ”, TS. Hà Hoàng Hợp nói thêm với VOA. Theo ông, “người Tàu Cộng sản ở Bắc Kinh không coi những người Cộng sản ở Hà Nội là gì hết. Nó coi là một thứ thù địch. Và thông qua chuyện này, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính phủ và nhà nước Việt Nam cũng phải hiểu bản chất của người Cộng sản Bắc Kinh là như vậy. Nó làm như thế để nhằm phá hoại”.

Theo thống kê của Việt Nam, vào tháng 3/2021, Cục An toàn Thông tin của Bộ Thông tin - Truyền thông đã ghi nhận 491 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 8,15% so với tháng 2/2021. Cục này cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ mất an toàn an ninh mạng và đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến “phức tạp, gia tăng về số lượng và phương thức” trong năm 2021 này.

Nhận định về nguyên nhân đằng sau của chiến dịch gián điệp mạng từ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp chỉ ra 3 nguyên nhân tiềm tàng, bao gồm vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Biển Đông thì liên quan đến vấn đề phòng thủ của Việt Nam. Việt Nam sử dụng cách gì, chính sách gì bên ngoài việc phòng thủ? Còn việc chống COVID hay phát triển kinh tế thì cũng có các chủ đề nhỏ, đặc biệt là sự liên quan giữa chống COVID và việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam trong vòng năm 2021 này thì cũng phải tiêm vắc-xin đầy đủ cho 100 triệu người. Vậy thì khả năng kiếm ra vắc-xin có hay không và có đủ hay không? Từ đâu ra? Tất cả những loại thông tin đấy người Trung Quốc rất muốn biết để có thể tác động vào bằng cách nào đấy”, TS. Hà Hoàng Hợp phân tích thêm.

Một báo cáo của Microsoft hồi tháng 6 năm ngoái cũng cho biết Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc (malware) và mã độc tống tiền (ransomware) cao nhất châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, tỷ lệ tấn công thành công của gián điệp mạng Trung Quốc đối với Việt Nam là “không cao” vì hiện tại Việt Nam “không có nhiều bí mật để ở trên mạng”, và khả năng công nghệ của Việt Nam so với Trung Quốc là “không hơn không kém”.

Đầu trang

03/04/2021 - baotiengdan

Bản chất của vụ việc vẫn nằm ở Trung Quốc

Lê Quang
3-4-2021

Người Việt Nam không hề ủng hộ Nike và H&M trong vụ bông Tân Cương nhưng lại sẵn sàng tuyên bố tẩy chay H&M trong vụ bản đồ lưỡi bò mặc dù đây rõ ràng chỉ là ”fake news”. Bỏ qua việc dễ bị nhầm lẫn giữa tin thật với tin giả, điều này là dễ hiểu thôi nhưng bản chất của vụ việc vẫn nằm ở Trung Quốc. Cả bông Tân Cương lẫn đường lưỡi bò đều nằm ở phía Trung Quốc.

Việt Nam rất ít khi công khai ủng hộ những phong trào vì quyền con người của quốc tế nhưng mỗi khi quyền của người Việt Nam bị xâm hại thì chúng ta lại bắt ép tất cả các đối tác của mình phải nhất loạt ủng hộ chúng ta theo những cách khá gượng gạo. Tẩy chay một nhãn hàng quốc tế là việc làm không tệ để thể hiện chính kiến nhưng tại sao ta không tẩy chay Huawei hay Xiaomi mà ta lại nhắm mũi dùi vào một nhãn hàng châu Âu vốn là nạn nhân của chính sách thương mại của Trung Quốc? Về lâu về dài, ta mất đi những đồng minh mà rõ ràng là khi họ đối đầu với Trung Quốc thì người Việt Nam làm gì? Chúng ta chỉ đơn giản là không làm gì cả.

Khi Hồng Kông bị Trung Quốc đàn áp, chúng ta không làm gì cả. Khi Miến bị đàn áp dưới sức ảnh hưởng của Bắc Kinh, chúng ta không làm gì cả. Khi LHQ ra tuyên bố chung thì Việt Nam và Trung Quốc lại cùng hợp sức để ngăn chặn tuyên bố ấy. Khi các hãng sản xuất lớn bày tỏ quan điểm về đàn áp người thiểu số ở Tân Cương thì chúng ta coi đấy là việc của họ với nhau. Khi người da màu bị đàn áp, người Việt Nam ở nước ngoài bảo nhau rằng hãy chăm chỉ làm việc và đừng “làm rối tung mọi thứ lên”. Khi các nước thân thiện đều cho rằng vấn đề biển Đông cần phải đa phương hóa thì chúng ta lại chọn cách giải quyết riêng với Trung Quốc.

Để rồi đến khi sự đàn áp nhắm vào chúng ta thì ai sẽ đấu tranh cùng người Việt Nam? Chẳng có ai cả. Đường lưỡi bò là chính sách áp đặt có tính đàn áp mà Trung Quốc dùng với Việt Nam chứ không phải là chính sách từ một hãng thời trang nào cả. Hãy hình dung rằng ngoại giao là trò chơi của quyền lực mềm và việc “làm bạn”. Nếu bạn là một người bình thường mà phải đứng trước lựa chọn hoặc làm bạn với Việt Nam hoặc làm bạn với Trung Quốc, thông thường những kẻ khôn ngoan họ sẽ đưa ra lựa chọn là không làm bạn với ai cả. Người ta không làm bạn với kẻ thù là lẽ đương nhiên nhưng cũng không có ai mong chờ một người bạn dường như không có bất kỳ chính kiến nào ngoài những vấn đề liên quan đến chính họ ra.

Người Việt Nam chỉ rình rập xem có những ai đã ngả theo Trung Quốc để tẩy chay họ. Điều này không sai nhưng nó là thiếu khôn ngoan bởi vì sẽ đến lúc mà xung quanh chúng ta không còn lại ai nữa. Nếu để lựa chọn giữa một thị phần 1 tỷ rưỡi dân với sức mua lớn và một thị phần chưa tới 100 triệu dân với sức mua nhỏ, không cần nói cũng biết nhà tư bản chọn chỗ nào, vì đó là cách nền kinh tế vận động. Thứ mà người Vn đối diện, không phải là một nhãn hàng quốc tế mà là chính sách thương mại và ngoại giao đàn áp của Trung Quốc. Để đối diện với những hoạt động như vậy, người Việt Nam cần có đồng minh và ở phần lớn các tình huống, trong thực tế chúng ta đều hất nước vào mặt họ.. Chúng ta có quyền tẩy chay H&M hay bất kì hãng nào nếu họ đi ngược lại lợi ích của Việt Nam, tuy nhiên điều đó không làm thay đổi đi bản chất rằng đường lưỡi bò là vấn đề của Trung Quốc, chứ không phải ai khác.

Có một vấn đề nữa là toàn bộ những tuyên bố đanh thép ấy chỉ dựa trên một mẩu ”fake news”. Nếu như H&M thực sự đã làm vậy? đường link của nó đâu? Thông cáo báo chí của nó đâu? hay chúng ta chỉ dựa vào một bức ảnh do Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc tung ra rồi tin vào nó như sự thật hiển nhiên? Nếu ta điên cuồng tẩy chay toàn bộ các nhãn hàng Tây phương dưới sự kích động của Bắc Kinh thì điều diễn ra ngay sau đó chính là hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam (như vẫn luôn như thế) và một lần nữa, ta đừng mong đợi các nhãn như Oppo, Xiaomi, Lotus hay Huawei sẽ đặt ưu tiên cho Việt Nam cao hơn đất nước của chính họ.

Không có ý xúc phạm nhưng cá nhân tôi thấy phải phì cười khi chúng ta phê phán H&M là nhãn hàng “thiếu chính kiến”.

Đầu trang

31/03/2021 - baotiengdan

Lịch sử “cầm nhầm” thêm trang mới?

Áo dài, nón lá Việt Nam bị nhận là của Trung Quốc (tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2019 của TQ. Ảnh trên báo Đảng China daily của TQ

Vũ Kim Hạnh
31-3-2021

Hôm nay 31/3/2021, UNESCO khóa sổ danh sách đề cử di sản văn hóa phi vật thể. Món súp tôm chua cay – tom yum kung – được chính phủ Thái Lan đề cử vào danh sách của UNESCO. Người ta còn nhớ, mới năm 2019, CPC đã đăng ký đưa món hủ tiếu Nam Vang – num banh chok – vào danh sách đề cử nhằm CẠNH TRANH VỚI MÓN PHỞ CỦA VIỆT NAM và món súp tôm chua cay nổi tiếng của người Thái – tờ trình của Bộ Du lịch Campuchia viết (CPC không thành công).

Cạnh tranh để giành thắng lợi vậy cũng là chuyện thường tình. Còn cứ giành “tài sản” dù phi vật thể của nước khác là của mình, cứ “cố ý cầm nhầm” của nước khác, thích là tuyên bố của mình tất tần tật mọi thứ trong thiên hạ, ấy mới là chuyện ly kỳ.

Mới đây, tờ Korean Herald của Hàn Quốc đã đăng bài về sự tức giận của người Hàn, trước chiến dịch mới của TQ là tuyên bố rằng Samgyetang – một loại súp gà hầm nhân sâm truyền thống của Hàn Quốc là của mình. Tờ Korean Harald cho biết: Người dân Hàn Quốc đã thấy rất mệt mỏi trước sự chiếm đoạt và khiêu khích văn hóa của nước láng giềng.

Trên công cụ tìm kiếm Baidu hôm 30/3, món ăn samgyetang được mô tả là nước súp gà có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và sau đó mới được truyền vào Hàn Quốc. Baidu cũng nói rằng món súp này sau đó đã trở thành món ăn biểu trưng được các thành viên hoàng tộc ở xứ này ưa chuộng.

Theo Cơ quan phát triển nông thôn Hàn Quốc, người dân nước này bắt đầu nấu súp gà ít nhất là từ triều đại Joseon. Samgyetang là món phổ biến đối với nhà giàu Hàn Quốc trong giai đoạn nước này là thuộc địa của Nhật Bản và giới nhà giàu thường ăn súp gà cùng với bột nhân sâm. Thập niên 1960, người bình dân có tiền hơn để nấu món này.

Giáo sư Seo Kyung-duk của Đại học Nữ giới Sungshin đã gửi email đến Baidu, thúc giục trang này sửa đổi những thông tin sai lệch về món súp.

Baidu đã khuấy động sự tranh cãi bằng cách bóp méo lịch sử rằng món samgyetang là của họ, như năm ngoái, họ ngang nhiên nhận Kim chi của Hàn Quốc là của họ. Tôi đã lập tức gửi email đến Baidu nói rõ: ‘Trung Quốc thậm chí không biết sử dụng Hệ thống hài hòa (HS) – tức tên quốc tế và các chữ số dùng cho các sản phẩm thương mại – cho món samgyetang. Trong khi đó, Hàn Quốc đã có mã số cho món này – đó là 1602.32.1010’.”

Về các món ẩm thực, là thứ không thể cho vào tủ kính để trưng hay đem triển lãm để bán vé vào cửa mà họ cũng muốn chiếm đoạt thì phải thấy là lòng tham đã lên tới đỉnh đầu. Nhớ lại, thành tích về “cầm nhầm” đã khá dài:

– Nhận vải Batik của Indonesia là của mình;

– Áo dài và nón lá của Việt Nam cũng là của mình;

– Món Kim Chi của Hàn Quốc là của mình;

– Nay đến món súp gà hầm nhân sâm của Hàn Quốc cũng là của ông nốt.

Việt Nam thì đã thấm thía tận xương về cái tính cầm nhầm của ông, bằng súng đạn luôn với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có điều rất lạ, có một danh hiệu đang được cả thế giới cùng thống nhất, dành cho họ thì ông ra sức chối, nhất định không chịu nhận: DIỆT CHỦNG (với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương). Và đang có một “đệ tử ruột” mà ông Tập từng công bố là “anh em một mẹ”, đang làm rất tốt món DIỆT CHỦNG này là quân đội Myanmar, thì cả thế giới cũng đang lên án, ông cũng chối đẩy đẩy là không liên quan, không phải tôi, không phải tôi.

Cầm nhầm khôn cha đời là vậy.

Đầu trang

Giang Nguyễn 2021-03-29 - rfa

Người Việt tại Nhật lại biểu tình chống Luật Hải Cảnh của Trung Quốc

Hàng chục người Việt tại Osaka, Nhật Bản, tuần hành, biểu tình phản đối các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hôm 28/3/2021.

Người Việt Nam sinh sống tại Nhật, trong đó có nhiều khuôn mặt trẻ thuộc các thành phần du học sinh và thực tập sinh, đã cùng phong trào AntiChicom (phản đối Trung Cộng) tổ chức tuần hành và biểu tình hôm Chủ Nhật, 28 tháng 3, tại Osaka- thành phố cảng lớn của Nhật.

Anh Thư, kỹ sư 32 tuổi, thành viên trong ban tổ chức, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do sau cuộc biểu tình:

Theo sự nhận thấy của em thì cuộc tuần hành hôm nay khá thành công mặc dù thời gian để bọn em lên kế hoạch và tổ chức không có nhiều”.

Anh Thư cho biết cho dù thời tiết không thuận lợi và Osaka cũng đang là một tâm dịch COIVID-19 nhạy cảm tại Nhật, nhưng có khoảng 100 người từ nhiều nơi đã đến đồng hành. Họ tập trung tại công viên Utsubo vào lúc 13 giờ chiều, từ đó tuần hành hướng đến lãnh sự quán Trung Quốc. Xe cảnh sát Nhật dẫn đường đi trước.

Anh Thư kể tiếp cảnh làm anh cảm động nhất:

Hôm nay thời tiết thì cũng có một chút mưa. Nhưng mà em thấy là điều đó không ngăn được những tiếng hô, tiếng đả đảo. Mặc dù lần này thì cảnh sát không cho sử dụng loa nhưng mà tiếng hô vẫn vang được khắp các đường phố Osaka, Nhật Bản. Em thấy đặc biệt điều mà rung động nhất là lúc đến lãnh sự quán Trung Quốc, những tiếng hô, em cũng hô lớn lắm, nó vang nhiều. Em nhớ có một khoảnh khắc lúc đó là có một anh cảnh sát Nhật cũng đưa tay cổ động hàm ý rằng phải hô lớn hơn nữa để mọi người hào hứng lên. Thì lúc đó ai cũng hô to với nhiệt huyết của tiếng lòng. Em nghĩ điều đó cho thấy là không chỉ có những người con Việt Nam mà ngay cả người Nhật cũng phản đối Luật Hải cảnh này của Trung Quốc”.

Quốc Hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh hôm 22 tháng 1 cho phép cảnh sát biển của Trung Quốc bắn vào các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Luật cũng cho phép lực lượng chức năng Trung Quốc được quyền phá hủy các cấu trúc do nước khác xây dựng, và cho phép lập các khu vực ngăn cấm việc qua lại của tàu thuyền các nước đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cấm.

Hàng chục người Việt tại Osaka, Nhật Bản, tuần hành, biểu tình phản đối các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hôm 28/3/2021.

Trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Osaka, đoàn biểu tình đã cử năm người tiến đến gần, họ hô những khẩu hiệu chống các hành vi gây hấn của Trung Quốc, sau đó đã gửi kháng thư vào hộp thư của lãnh sự quán.

Kháng thư ghi rõ, ba nhóm thuộc ban tổ chức là Hiệp hội Người Việt tại Nhật, Nhóm trẻ vì Nhân quyền và phong trào AntiChicom phản đối “hành động phá vỡ trật tự luật biển quốc tế bằng luật hải cảnh của Trung Quốc” dựa trên ba căn cứ: Thứ nhất, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Thứ hai, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp, và thứ ba, “luật hải cảnh mới đây chính là công cụ hậu thuẫn nhằm leo thang những hành xử vũ lực thô bạo”.

Từ Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS ở Singapore, quan ngại về tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp xung quanh quần đảo Điếu Ngư, tiếng Nhật gọi là Senkaku. Tháng trước, có hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh. Ông Hợp nói:

Nó đưa luật hải cảnh này ra như thế là để nó tiến tới một bước là khẳng định chủ quyền vô lý và đơn phương của nó ở trên Biển Đông và cả Hoa Đông nữa. Và tới đây nó sẽ có tranh chấp ở Bắc cực và Nam cực. Không đơn giản là chỉ ở khu vực này đâu. Nên các nước người ta phản ứng là đúng. Trước hết là Nhật Bản họ phản ứng rất là mạnh. Thứ hai là Mỹ, rồi đến Việt Nam, rồi Philippines. Còn các nước khác thì chưa thấy nói gì. Thế nhưng mà về mặt luật pháp thì các nước như là Anh Quốc, Pháp và Đức đã có những phản ứng rất rõ là bộ luật này của Trung Quốc là không phù hợp”.

Trung Quốc vào ngày 7 tháng 3 đã điều hơn 200 tàu dân quân biển ra Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa. Lý do Bắc Kinh đưa ra là các tàu của họ đến trú ẩn trong điều kiện thời tiết xấu. Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với thực thể này. Philippines lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu dân quân biển đi ngay. Hôm 25 tháng 3, Manila cho biết đã điều thêm tàu chiến đến tuần tra ở khu vực này. Đến ngày 27 tháng 3, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thông báo sẽ điều máy bay quân sự ra giám sát.

Nhật và Indonesia vào ngày 28 tháng 3 ra tuyên bố phản đối bất cứ mọi hành động nào của Trung Quốc làm gây căng thẳng tại Biển Đông. Vào ngày 29 tháng 3, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhắc lại quan điểm sát cánh với đồng minh Philippines.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bày tỏ sự lo ngại của các nhà quan sát tình hình Biển Đông trước những diễn biến mới nhất:

Philippines họ không để yên. HHôm qua và hôm nay họ đã cử khá nhiều máy bay phản lực chiến đấu bay quần đảo xung quanh phía trên của 200 tàu đó. Thì họ phản ứng rất tích cực. Nếu cần là họ bắn. Và nếu mà họ phải bắn thì nó sẽ như thế này: về mặt pháp lý thì nước Mỹ là nước đầu tiên coi dân binh của Trung Quốc là lực lượng vũ trang. Tới đây các nước xung quanh, trong đó có Philippines, và có thể cả Việt Nam nữa, sẽ coi lực lượng dân binh đó là lực lượng vũ trang Trung Quốc. Lúc đó thì người ta sẽ áp dụng tất cả những biện pháp để chống trả những đám dân binh, gọi là maritime militia, như là chống lại lực lượng vũ trang. Tức là phải sử dụng súng. Đây là một điểm không những học giả, mà các giới chính sách họ phải chú ý.

Tình hình căng thẳng tăng rất là nhiều trong vòng 10 ngày, tăng rất mạnh ở cái chỗ, nếu mà xem về phản ứng của Việt Nam thì đây là lần đầu tiên Việt Nam có một phản đối rất rõ ràng, yêu cầu phía Trung Quốc phải rút tất cả tàu đó về và không để tái diễn. Hôm thứ 5, cách đây mấy bữa thì trong cuộc họp báo thường lệ hàng tuần thì Bộ Ngoại giao Việt Nam người ta có phản đối như vậy. Và phản đối này là mạnh nhất từ xưa đến này”.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội 13 hôm 28 tháng 3 nói, tình hình Biển Đông vẫn có những diễn biến căng thẳng “phức tạp”; đang đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và Việt Nam cần có nhận thức và tư duy mới về quốc phòng.

Người Việt tại nhiều nơi trên thế giới bày tỏ phẫn nộ về những hành động thô bạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ Osaka hôm Chủ Nhật 28 tháng 3, Anh Thư cho rằng, nếu có cơ hội, thì người dân trong nước cũng đã biểu tình lên án những hành vi xâm phạm của Trung Quốc:

Em sống ở đây cũng sáu năm. Những buổi tuần hành phản đối Trung Quốc hay là những buổi đồng hành cùng thiên Đan viện Thiên An hoặc là vấn đề Vườn rau Lộc Hưng, hay là mới nhất là năm ngoái về người dân Đồng Tâm thì bọn em đều thể hiện tiếng lòng của mình. Em thấy mình thay đổi nhiều nhất là trong suy nghĩ, không phải chỉ riêng em. Nhưng những buổi như vậy thì sẽ kéo theo rất nhiều bạn trẻ tthì họ cũng nhận thấy là bên này, như thế này thế kia, mà ở nhà mình coi tivi thấy nó khác quá sao mọi người lại phản đối như vậy? Nhờ đó người ta cũng nhận biết được là có nhiều điểm đúng, nhiều điều sai thì người ta cũng tìm hiểu thêm. Thì càng ngày càng có nhiều bạn trẻ đã đồng hành cùng bọn em”.

Anh Thư nói, người trẻ trong nước chưa có được quyền bày tỏ lòng yêu nước nhưng ở đây, các bạn trẻ sẽ tiếp tục xuống đường để thể hiện tiếng nói của họ trước bá quyền Trung Quốc.

Tin, bài liên quan

Đầu trang

Mar 20, 2021 - nguoi-viet

CSVN xóa tên ‘Trung Quốc,’ chỉ ghi ‘quân… xâm lược’ trong Văn Kiện Đảng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 18 Tháng Ba, Giáo Sư Hà Dương Tường sống ở Pháp viết trên Facebook: “Một người bạn tôi vừa cho biết, gần đây anh có dịp đọc ‘Văn Kiện Đảng Toàn Tập,’ và nhận thấy trong các tập từ 1979 trở đi, những phần liên quan đến cuộc xâm lược của China từ 1979 đến 1988, từ ‘Trung Quốc’ bị cắt bỏ, thay bằng dấu ba chấm (…).”

Theo Giáo Sư Hà Dương Tường, Văn Kiện Đảng Toàn Tập tập 40 năm 1979 và tập 41 năm 1980 đều do nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia phát hành năm 2005, tên “Trung Quốc” chỉ là dấu ba chấm.

Trang 155, tập 40, Văn Kiện Đảng Toàn Tập chỉ ghi “chống quân… xâm lược” thay vì ghi hẳn tên Trung Quốc. (Hình chụp Văn Kiện Đảng tập 40)

“Mối thù quân xâm lược Ba chấm và bè lũ tay sai hèn mạt của chúng, mọi người nhớ nhé,” ông viết trên trang Facebook Ha-Duong Tuong.

Văn Kiện Đảng Toàn Tập thể hiện quan điểm chính thức của nhà cầm quyền CSVN. Do vậy mà tài liệu này nghiễm nhiên được coi là kim chỉ nam của đảng và cũng là tài liệu được giảng dạy về chính trị tại các trường đại học.

Sáu mươi chín tập Văn Kiện Đảng (từ năm 1924 đến 2010) hiện được công bố trên trang web tulieuvankien.dangcongsan.vn và mọi người đọc đều có thể tải về.

Việc biên tập hai chữ “Trung Quốc” thành dấu ba chấm đã có tiền lệ trên truyền thông nhà nước từ nhiều năm nay. Vào các dịp kỷ niệm ngày Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và thảm sát binh sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma, cũng như ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, chỉ một vài báo đảng năm nay được Ban Tuyên Giáo Trung Ương cho phép nhắc tên Trung Quốc, trong lúc những báo còn lại chỉ ghi chung chung là “quân xâm lược phương Bắc,” “địch,” “giặc”…

Trang 18, tập 41, Văn Kiện Đảng Toàn Tập chỉ dám ghi “Cảnh giác trước việc Mỹ và… xúc tiến liên minh quân sự.” (Hình chụp Văn Kiện Đảng tập 41)

Liên quan vụ này, hồi tháng trước, công luận dấy lên phẫn nộ khi Đài Truyền Hình Việt Nam VTV phát một video clip nhắc lại sự kiện 17 Tháng Hai, 1979, nhưng không đề cập đến hai chữ “Trung Quốc.”

Một phát thanh viên của nhà đài được ghi nhận nhắc đến việc một phóng viên người Nhật làm cho hãng Akahata lên Lạng Sơn “để ghi lại những gì đang xảy ra ở biên giới Việt Nam vào năm 1979.”

Trang 117, tập 40, Văn Kiện Đảng Toàn Tập đăng “Quyết định của Bộ Chính trị,” vẫn là dấu ba chấm khi nói về Trung Quốc. (Hình chụp Văn Kiện Đảng tập 40)

Thời điểm đó, ông Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu Biển Đông, ở Đà Nẵng, bình luận trên trang cá nhân: “Chúng mày [VTV] hèn hạ đến thế sao? Chúng mày không sợ cả dân tộc Việt Nam này phỉ nhổ lên tên tuổi của chúng mày; nguyền rủa dòng họ, tổ tiên của chúng mày đã sinh ra những kẻ hèn hạ, đốn mạt như chúng mày, hả Trần Bình Minh [tổng giám đốc VTV] và lũ ngợm Hán nô ở VTV1?”

Đáng nói là chỉ có các hội đoàn quốc doanh được “độc quyền” tưởng niệm các sự kiện nêu trên, trong lúc giới xã hội dân sự ở Hà Nội nếu không bị an ninh canh nhà thì cũng bị quấy nhiễu khi đến thắp hương tại tượng đài Lý Thái Tổ. (N.H.K) [qd]

Đầu trang

27 tháng 2 2021 - bbc.com

Việt Nam: Chính phủ mới ‘cần yên lòng dân về đặc khu kinh tế’

Getty Images. Một cuộc biểu tình của người dân Việt Nam phản đối Luật Đặc khu diễn ra hôm 10/6/2018 ở Sài Gòn

Ban lãnh đạo mới hậu Đại hội 13 của đảng Cộng sản và chính quyền tại Việt Nam cần lưu ý làm yên lòng người dân về vấn đề các đặc khu kinh tế, tránh để xảy ra các quy hoạch, quản lý, vận hành bất lợi cho an ninh chủ quyền và kinh tế của đất nước, một số nhà quan sát tại Việt Nam nói với BBC.

Hôm 26/2/2021, từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra bình luận với BBC:

"Xuất phát từ tâm lý e ngại tham vọng bành trướng, thôn tính của các triều đại phong kiến cũng như cộng sản Trung Hoa từ mấy nghìn năm đến nay, dân chúng Việt Nam đặc biệt lo lắng, nghi ngại việc nhà nước Việt Nam triển khai Luật Đặc khu áp dụng cho 3 đặc khu: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư Trung Quốc thâm nhập, lũng đoạn kinh tế việt Nam.

"Tháng 6 năm 2018, đã xảy ra biểu tình rầm rộ phản đối Dự luật Đặc khu, mà Quốc hội Việt Nam định thông qua, ở một số thành phố khắp 3 miền. Ban lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam khi đó đã đành tức tốc chỉ đạo Quốc hội hoãn thông qua Dự luật Đặc khu.

"Tuy nhiên, ít lâu sau, khi làn sóng phản đối dịu xuống, quan sát từ nhiều giới trong nước nhận thấy Chính phủ Việt Nam lại "bật đèn xanh", cho thành lập từng đặc khu nói trên bằng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, như một cách biến tấu "rượu cũ, bình mới". Và giới quan sát ở Việt Nam lại bày tỏ lo lắng."

Nguy hiểm, giống như tô giới?


Phạm Chi Lan: ‘Tốt nhất là bỏ Luật Đặc khu’

Cũng trong dịp này, tại một tọa đàm của BBC News Tiếng Việt, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam nêu quan điểm:

"Đúng là vấn đề ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc là rất nguy hiểm, nó giống như là tô giới. Ở Trung Quốc trước kia có những tô giới để cho các nước phương Tây đặc chiếm.

"Bây giờ về đặc khu, tôi nghĩ những người đúng đắn và giỏi thì phải nghe ý kiến của nhân dân xem tại sao nhân dân biểu tình rầm rộ để chống luật ba đặc khu.

"Thế mà bây giờ cứ ngấm ngầm thực hiện những luật đặc khu, thì tôi thấy rất là thắc mắc.

"Và trước hết hãy thả những người biểu tình chống luật đặc khu ra đi thì Trung Quốc sẽ thấy ý chí của nhân dân Việt Nam như thế nào.

"Trước hết, hãy cho Trung Quốc thấy ý chí của mình đi đã."

Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nói:

"Tôi cũng có mối lo ngại về vấn đề ba đặc khu. Nếu như lập lại mà không dính líu gì đến người Trung Quốc, thì không có vấn đề gì đáng lo ngại.

"Nhưng nếu vẫn giữ tinh thần như mọi người đã biết mà đã gây ra một làn sóng phản đối của người dân Việt Nam, mà dưới một hình thức khác nhưng thực chất vẫn là đặc khu cho người Trung Quốc, thì thực sự tôi thấy lo ngại.

Getty Images. Một người làm dịch vụ đổi tiền nhân dân tệ trên một khu chợ biên giới Việt - Trung tại Mèo Vạc, Hà Giang phía bắc Việt Nam

"Bởi vì ngoài ba đặc khu đó ra, mọi người thấy rằng trên bản đồ Việt Nam không có địa điểm nào, các tỉnh, các địa phương, mà không có đất cho người Trung Quốc thuê.

"Rồi mọi người thấy rằng tại hai nước 'đồng minh' của Việt Nam ở bán đảo Đông Dương là Lào và Campuchia, người Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hai quốc gia này như thế nào.

"Nhất là đối với Campuchia, có nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia, nhìn lên bản đồ Biển Đông ở Tam Á, thấy cơ sở cảng tàu ngầm, hải cảng của Trung Quốc.

"Rồi ngoài biển, họ bồi đắp các đảo nhân tạo, làm sân bay, rồi đặt các giàn hỏa tiễn phòng không, rồi ở phía Bắc, một thông tin mới là cách biên giới Việt Nam 20 km, Trung Quốc đặt dàn hỏa tiễn đất đối không.

"Như thế, Việt Nam ở trong một tình thế về an ninh rất là chông chênh. Tôi nghĩ rằng, nếu xảy ra một cuộc chiến như cách đây 42 năm, quả thực tôi không biết là các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ xử lý vấn đề nội bộ ở bên trong Việt Nam như thế nào."

Chính sách, chiến lược thế nào?

Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu sử học Đinh Kim Phúc, cựu giảng viên lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Mở TPHCM, nói với BBC:

"Có hai vấn đề đặt ra là với dàn lãnh đạo mới này ở Việt Nam, chính sách và chiến lược sẽ như thế nào, có gì mới và khác hay không?

Getty Images. Người dân Việt Nam trong một cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu diễn ra ở Hà Nội hôm 10/6/2018

"Tôi nghĩ, dù ban lãnh đạo trước đây hay hiện nay, các cá nhân mặt này, mặt khác có phương pháp, tiếp cận vấn đề quan hệ Việt - Trung, mỗi người một khác, nhưng tôi không nghĩ rằng bất cứ một lãnh đạo cao cấp nào của Việt Nam là phản bội đất nước.

"Vì tôi quan niệm rằng đời người chỉ có sống một lần và chết một lần, nếu ai phản bội đất nước, bán rẻ đất nước, thì lịch sử muôn đời sẽ nêu tên như Trần Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống.

"Vấn đề thứ hai là vấn đề đặc khu, khi nói đến đặc khu, như nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh đã nói rồi, nếu đặc khu mà bình đẳng đón nhận đầu tư của tất cả các nước trên thế giới thì không thành vấn đề gì.

"Nhưng nếu đặc khu mà chỉ dành riêng cho người Trung Quốc, thì cần phải đặt lại vấn đề của đặc khu. Và vì chưa có đặc khu nào ra đời, do đó, đối với bản thân tôi, tôi chưa đánh giá rằng yếu tố nguy hiểm nằm chỗ nào nếu như có hay không có người Trung Quốc."

Trở lại với nhà quan sát thời sự Việt Nam từ Nha Trang, hôm 26/2, nhà báo Võ Văn Tạo nói thêm với BBC:

"Tôi cho rằng dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc và tương quan tiềm lực kinh tế, quân sự quá chênh lệch giữa hai nước hiện nay rất bất lợi cho Việt Nam, nếu không muốn nói là vận nước ngày càng nguy nan.

"Để cải thiện tình thế, theo tôi Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao tiềm lực quốc phòng, kể cả tham gia các liên minh phòng thủ ở khu vực, thậm chí cho một số cường quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam để ngăn ngừa khả năng gây chiến của Trung Quốc, duy trì hòa bình, an ninh khu vực.

"Bên cạnh chuyện cần cảnh giác với các đặc khu kinh tế bất lợi, trong vấn đề an ninh quốc gia, Việt Nam cần chấm dứt lập trường "ba không, bốn không" trong chính sách quốc phòng thể hiện ở Sách Trắng.

"Ba không, bốn không" theo tôi chỉ tự làm Việt Nam thêm suy yếu về khả năng tự vệ, tăng nguy cơ bị Trung Quốc lấn hiếp, thôn tính mà thôi," ông Võ Văn Tạo nêu quan điểm riêng với BBC.

Xem thêm:

Tin liên quan

Đầu trang

25/02/2021 - voatiengviet.com

Việt Nam bình luận về ‘trận địa tên lửa Trung Quốc’ thứ hai gần biên giới

Hình ảnh được cho là Trận địa tên lửa đất đối không tại Tp. Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc. Photo Twitter South China Sea Chronicle Initiative

Hôm 25/2, khi được báo giới hỏi về thông tin Trung Quốc được cho là có xây trận địa tên lửa ở tỉnh Vân Nam gần với biên giới Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng “chính sách quốc phòng các nước cần đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực.”

“Quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như trên toàn thế giới,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo trực tuyến chiều 25/2, theo trang VNExpress.

Trước đó, trang South China Sea Chronicle Initiative đăng trên Twitter hình ảnh vệ tinh cho thấy một công trình dường như là trận địa tên lửa phòng không đang được xây dựng ở thành phố Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam chưa tới 70 km.

Dựa vào các hình ảnh vệ tinh do các đối tác cung cấp, trang South China Sea Chronicle Initiative (Đại ký sự Biển Đông) có thông tin cho rằng công trình này của Trung Quốc khởi công khoảng tháng 6-7/2020 và hiện chưa hoàn tất.

Trước đó, hôm 4/2, khi được yêu cầu xác minh thông tin cho biết dường như Trung Quốc đang xây căn cứ tên lửa đất đối không ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, bà Hằng cho biết “sẽ xác minh.”


XEM THÊM: Việt – Trung: Chiến tranh hay chiến tranh chính trị?

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước đây, ông Derek Grossman, thuộc tập đoàn Rand của Mỹ, cho biết ông ghi nhận “sự cải tiến cơ sở hạ tầng quân sự rõ rệt” ở khu vực gần biên giới với Việt Nam. Theo ông Grossman, đó là việc thường xảy ra ở khu vực biên giới tranh chấp; và nói thêm rằng: “Tập quán này, tự bản thân nó, không cấu thành điều gì cả nếu không có bằng chứng thực tế về ý định của Trung Quốc nhằm tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ.”

Cũng liên quan đến Trung Quốc, bình luận về việc tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc đã áp sát giàn Hải Thạch thuộc lô dầu khí 5-02 của Việt Nam vào ngày 24/2, bà Hằng được trang Thanh Niên dẫn lời cho biết hôm 28/2 như sau: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.”

Bà Hằng nói thêm rằng hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyề tài phán của các nước ven biển theo UNCLOS 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực.

Đầu trang