Minh Phạm - 10-12-2020
Vụ Texas kiện Pennsylvania, Wisconsin, Georgia và Michigan vi phạm Hiến pháp liên bang liên quan đến luật bầu cử.
Texas, tiểu bang mà đảng Cộng hòa chiếm đa số (trong bầu cử gọi là bang đỏ) đệ đơn kiện bốn tiểu bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin lên thẳng Tối cao Pháp viện liên bang mà không qua thủ tục thông thường.
Quả là một vụ kiện “bất thường”, dễ hiểu là đơn kiện đã quá hạn theo luật bầu cử liên bang và cũng vì nó (vụ kiện) là hậu quả của một kỳ bầu cử tổng thống bất thường.
Tổng cộng 4 tiểu bang bị kiện có 62 phiếu đại cử tri. Ông Joe Biden đã thắng tất cả các tiểu bang trên.
Phát động vụ kiện này là Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton, thành viên đảng Cộng hòa và là đồng minh chính trị thân cận với Tổng thống Donald Trump.
Đơn kiện cho rằng, những luật thay đổi thể thức bầu cử để đối phó với Covid 19 để cho phép bầu cử bằng thư (mail-in ballot) ở các tiểu bang này là vi hiến nên cần hủy bỏ kết quả bầu cử ở các tiểu bang này. Đơn kiện cũng yêu cầu Tối cao Pháp viện liên bang hoãn ngày bỏ phiếu của các đại cử tri (14/12/20), một ngày vốn đã trở thành nhất định theo luật liên bang từ năm 1887.
Ông Paxton biện minh cho việc kiện thẳng lên Tối cao Pháp viện của ông là nhờ vào “Thẩm quyền căn bản của Tòa án do Hiến pháp liên bang minh định” (original jurisdiction).
Một điều bất thường về thủ tục khởi kiện cần biết là, một vụ kiện của chính quyền tiểu bang lên Tối cao Pháp viện sẽ do “Tổng chưởng lý tiểu bang bên cạnh Tối cao Pháp viện liên bang” (the solicitor general of Texas) – người đại diện bảo vệ quyền lợi (luật sư) của chính quyền tiểu bang – là ông Kyle Hawkins phát động, chứ không phải do Tổng chưởng lý Paxton phát động. Ông Kyle Hawkins đã không ký vào đơn khởi kiện.
Theo giáo sư Justin Levitt của trường luật Loyola Law School ở California thì việc này khả dĩ chấp nhận được. Ông Hawkins không phản hồi khi được hỏi lý do.
Tổng thống Donald Trump gọi vụ kiện này là một vụ kiện “khủng” (the Big one) và nói rằng ông sẽ tìm cách can thiệp vào vụ kiện.
Các quan chức chính quyền từ Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin gọi vụ kiện này là đòn tấn công vào nền dân chủ Mỹ.
***
Rebecca Green, giáo sư trường Luật William & Mary Law School ở Virginia, cho rằng, tiểu bang Texas không có tư cách kiện các tiểu bang khác. “Quả thật đây là một vụ kiện bất thường, đi ngược lại thẩm quyền của các tiểu bang đã được Hiến pháp liên bang trao cho. Việc một tiểu bang này đi kiện một tiểu bang khác là chuyện vớ vẩn“.
(Nếu quan tâm, xin đọc Hiến pháp 1787 ủy quyền cho chính quyền các tiểu bang điển chế luật bầu cử tổng thống, các điều khoản Hiến-định Elections Clause, tức Điều I, phần 4 khoản 1; và Electors Clause, tức Điều II, phần 1 khoản 2).
Giáo sư Green cũng cho rằng, vụ kiện mở ra một tiền lệ xấu mở màn cho nhiều vụ kiện tương tự như trên ở nước Mỹ.
Giáo sư Jonathan Adler của trường luật Case Western Reserve University School of Law ở Ohio cho rằng, các thẩm phán Cộng hòa có thể thụ-lý vụ kiện (grant) trên cơ sở “thẩm quyền căn bản”; nhưng điều đó không có nghĩa là Tối cao Pháp viện bênh vực ông Paxton.
Giáo sư Adler còn nói thêm, sở dĩ ông Paxton phát động vụ kiện là chỉ để mong chờ được ông Trump ban cho lệnh Đại xá vì ông Paxton đang bị Công tố viện tiểu bang điều tra về tội “hối lộ” và tội “hối mại quyền thế”.
Theo Giáo sư Josh Blackman, chuyên gia về luật bầu cử của trường luật South Texas College of Law, thì “cứ cho là lý-đoán (biện minh trạng) của ông Paxton có lý, nhưng kết quả không thể khả quan hơn vì thỉnh cầu của ông là thiếu-thực-tế khi vứt bỏ hàng chục triệu phiếu bầu” và “đó không phải là mục tiêu tối hậu của luật bầu cử“.
(Đòi hủy bỏ kết quả bầu cử ở 4 tiểu bang, tức tước quyền bầu cử của công dân, hoãn ngày bầu cử của các đại cử tri, tức một cách gián tiếp làm vô hiệu một đạo luật bầu cử liên bang được tôn trọng từ năm 1887).
Joshua Douglas, một giáo sư về luật bầu cử của đại học Kentucky (University of Kentucky), thì nói rằng, “khiếu nại và thỉnh cầu của nguyên đơn thật đáng tức cười. Đây là một vụ kiện vớ vẩn và không nên xem xét nó vì tính chất vớ vẩn của nó“.
***
Trong khi ông Trump đã nộp đơn xin dự-sự (intervene) với tư cách cá nhân do luật sư John Eastman làm đại diện, thì 17 tiểu bang ủng hộ thỉnh cầu hoãn ngày bỏ phiếu của đại cử tri từ Texas, bao gồm Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia.
Sự ủng hộ của 17 tiểu bang trên thông qua một Bản Lý nghị (Amici Curiae, bản Góp-ý, Đề-nghị có tính tham khảo nhiệm ý chứ không bắt buộc) trên cơ sở chính quyền các tiểu bang là “Thân hữu của Tòa” (Friend of the Court, amicus curiae).
Lưu ý: Cần xác định tính chất chuyên môn của Bản Lý nghị. Tài liệu này KHÔNG có giá trị pháp lý vì 17 tiểu bang chỉ lên tiếng ủng hộ chứ KHÔNG tham gia với Texas như một đồng nguyên đơn (Co-plaintiff).
Tối cao pháp viện liên bang gồm 9 thẩm phán, trong đó có 3 người do ông Trump đề cử trong số 6 thẩm phán Cộng hòa, và đây là điều mà ông Trump cùng người ủng hộ ông “bám víu” vào những giây phút cuối cùng khép lại cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Cần nhắc lại, vì Tối cao Pháp viện liên bang không phải là một cấp xét xử theo thường-luật nên Pháp viện không có nghĩa vụ xét xử các Đơn Thượng-cầu (gọi là Đơn-Kiện lên Tối cao Pháp viện liên bang cho dễ hiểu chứ ngữ nghĩa không chính xác về chuyên môn). Chính vì thế mà Pháp viện không cần nêu lý do.
Xét xử tại Tối cao Pháp viện liên bang phải qua 2 thủ tục: Trước tiên phải được ít nhất 4/5 thẩm phán chấp nhận thụ lý (grant: nhận đơn), và sau đó là xét xử với kết quả chung quyết 5/4 thẩm phán.
Theo Reuters, Foxnews, Law & Crime
Minh Phạm - baotiengdan.com
11-12-2020
Tiếp theo phần 1
Cùng với phản đối từ Wisconsin, Georgia, Michigan; trong Biện-minh-trạng gởi đi sớm nhất của mình theo yêu cầu của Tối cao pháp viện, chính quyền tiểu bang Pennsylvania chỉ trích đích danh Ken Paxton, Tổng chưởng lý Texas – người đang bị FBI điều tra hình sự – cùng 17 Tổng chưởng lý các tiểu bang có tên trong bản Lý-nghị ủng hộ Nguyên đơn Texas hôm 9/12, là người “xúi giục gây bạo loạn”.
***
Và mới đây sáng sớm, ngày thứ năm 10/12/20, đã quá thời hạn luật định để chấm dứt tranh chấp kết quả bầu cử và chỉ còn 3 ngày để các Đại cử tri đi bỏ phiếu; Tổng thống Trump lại tweet: “Tối cao Pháp viện có một cơ hội cứu lấy đất nước chúng ta ra khỏi cuộc bầu cử gian lận lớn nhất trong lịch sử Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ!”
Sau bữa trưa hôm trước tại Bạch Cung với 18 Tổng chưởng lý của 18 tiểu bang (đỏ) ủng hộ ông Trump để kêu gọi Tối cao pháp viện liên bang hủy bỏ kết quả bầu cử theo đơn kiện của tiểu bang Texas; ngay chiều hôm đó, 106 trong số 196 Dân biểu Cộng hòa tại Quốc hội liên bang đã gởi một Bản Lý-nghị ủng hộ Texas cho Tối cao Pháp viện. Cao cấp nhất trong số 106 thành viên Hạ nghị viện ấy là Phụ tá Thủ lãnh khối thiểu số (Minority Whip) Steve Scalise (từ Louisiana), và chủ tịch Ủy ban quốc gia các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Tom Emmer (từ tiểu bang Minnesota).
Quả là một cuộc “bạo loạn chính trị” vô tiền khoáng hậu!
***
Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin là những “bãi chiến trường” đúng nghĩa.
Ở “chiến tuyến bên kia”, hai mươi tiểu bang, hai vùng lãnh thổ và thủ đô Washington DC cùng gởi phản đối của họ lên Tối cao Pháp viện. Trong 29 trang Lý-nghị (phản đối) do Karl Racine, Tổng chưởng lý DC (Dân chủ) chắp bút, các Tổng chưởng lý phản đối Texas, cáo buộc Texas đã “giải thích Hiến pháp một cách sai lầm, khiến gây hại cho tính-toàn-vẹn-lãnh-thổ” (tức phá hoại các nguyên tắc của chủ nghĩa liên bang, principles of federalism).
Hơn thế nữa, Bản Lý-nghị phản đối còn kết tội Texas và các tiểu bang ủng hộ Texas đã giải thích Hiến pháp theo khuynh hướng vô hiệu thẩm quyền của các Viện Lập pháp tiểu bang (của các bị đơn Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin), vô hiệu luật pháp liên bang, đặc biệt là làm sai lệch ý nghĩa của Điều khoản Hiến-định về thể thức bầu chọn Đại cử tri (tức Điều khoản Electors Clause trong Hiến pháp liên bang).
Ngoài ra, việc kiện cáo “vượt cấp” của Tổng chưởng lý Texas cũng bị các tiểu bang phản đối, lên án là “hành vi làm đảo lộn vai trò của hệ thống tòa án liên bang, làm suy yếu vai trò của Quyền Tư pháp liên bang“.
Bản Lý nghị trích dẫn phát ngôn của Chris Krebs, lãnh đạo cơ quan An ninh Mạng Quốc gia, người vừa bị Tổng thống Trump sa thải cũng chính vì câu phát ngôn này; rằng cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là “cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử” (các cuộc bầu cử tổng thống).
Bản Lý nghị tiếp tục chỉ trích Texas “sính tụng” sau hàng chục vụ kiện của Tổng thống Trump và những đồng minh chính trị của ông đòi hủy bỏ kết quả bầu cử vô căn cứ, đã bị các tòa án ở mọi cấp bác bỏ.
Các tiểu bang (Dân chủ) và lãnh thổ phản đối Texas và đồng minh của Texas gồm: Thủ đô Washington DC, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Guam, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, Oregon, Rhode Island, Vermont, Virginia, U.S. Virgin Islands và Washington. Đây cũng là các tiểu bang mang lại chiến thắng cho ông Biden, ngoại trừ North Carolina.
Đa số các nhà lập pháp Cộng hòa tại Quốc Hội liên bang đều ủng hộ ông Trump qua đơn kiện của Texas, nhưng cũng có hàng tá nhà lập pháp Cộng hòa “ngấm ngầm” ủng hộ ông Biden. Thậm chí mới đây, Nghị sĩ cộng hòa Ben Sasse (tiểu bang Nebraska) nói “toạc móng heo” ra rằng, ông Paxton đi kiện “chỉ để xin Tổng thống (Trump) đại xá các tội hình sự mà ông này đang bị FBI điều tra“.
Lưu ý: Nói lần nữa cho rõ về thuật ngữ pháp lý Latin. “Amicus Curiae”: “Friend of the Court”: “Thân hữu của Tòa”, dùng để nói lên mình có tư cách đóng góp ý kiến cho Tòa.
Sự đóng góp ý kiến ấy thông qua một Bản đề nghị các ý kiến pháp lý có liên quan đến vụ kiện. Bản đề nghị mang tính chất pháp lý đó được gọi là tắt là Lý-nghị (Amicus Curiae, số nhiều là Amici Curiae). Tòa án có quyền đọc hoặc… không thèm đọc Lý-nghị!
Thuật ngữ luật pháp này xuất phát từ tiếng Latin mà các ngôn ngữ khác không diễn tả đầy đủ ý nghĩa.
Các “Thân hữu của Tòa” thân thiết và gần gũi nhất của tòa là… Bị đơn, Nguyên đơn, các đồng bị đơn và đồng nguyên đơn, dự sự (intervene: can thiệp, xin tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, có thể cùng ủng hộ Nguyên đơn hoặc bị đơn).
Các nhà nghiên cứu luật, giáo sư luật…cũng là thân hữu của tòa.
Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton gặp phóng viên phía trước Tối cao Pháp viện ở Washington (ảnh tư liệu) |
Các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin hôm 10/12 thúc giục Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ đơn kiện do Texas nộp và được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Đơn kiện đó đòi hủy bỏ thắng lợi trong bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Bốn bang vừa đưa ra ý kiến phản đối nói rằng vụ kiện đó không có cơ sở thực tế hoặc về mặt pháp lý, cũng như chứa đựng những lập luận “giả tạo”.
20 bang và thủ đô Washington gửi ý kiến tới tòa ủng hộ 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
“Điều mà Texas làm trong việc tố tụng này là yêu cầu tòa xem xét lại một loạt các lập luận vô căn cứ về các vấn đề trong cuộc bầu cử vốn đã bị chính tòa này và các tòa khác xem xét và bác bỏ”, Josh Shapiro, tổng chưởng lý Pennsylvania, người theo đảng Dân chủ, viết trong văn bản gửi tới 9 thẩm phán của Tối cao Pháp viện.
Hôm 8/12, Texas nộp đơn trực tiếp tới Tối cao Pháp viện, kiện 4 tiểu bang chiến trường trong cuộc bầu cử. Đơn kiện này bị xem là ít có hy vọng giành phần thắng.
Texas yêu cầu bác bỏ kết quả bỏ phiếu ở những tiểu bang đó vì họ có những thay đổi về thủ tục bỏ phiếu cho phép mở rộng việc bỏ phiếu qua thư giữa lúc có đại dịch virus corona.
Trong nhiều vụ kiện cáo tại các tòa cấp liên bang và tiểu bang đòi xét lại kết quả bầu cử, ban vận động bầu cử của ông Trump và các đồng minh của ông đều đã bị bác đơn.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện ở Texas có rất ít cơ hội thành công và họ đặt ra câu hỏi liệu Texas có đủ tư cách pháp lý để đòi xem xét lại các thủ tục bầu cử ở các bang khác hay không.
Ông Biden thuộc đảng Dân chủ đã đánh bại ông Trump ở 4 bang nêu trên trong cuộc bầu cử hôm 3/11. Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã thắng ở các bang đó trong cuộc bầu cử năm 2016.
Shapiro, tổng chưởng lý Pennsylvania, viết rằng vụ kiện của Texas làm phình to thêm "mớ bùng nhùng gồm những lập luận sai sự thật và giả tạo" về cuộc bầu cử.
Ông Trump tuyên bố sai trái rằng ông đã tái đắc cử và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về chuyện có gian lận bỏ phiếu trên diện rộng. Các quan chức bầu cử cấp tiểu bang nói họ không tìm thấy bằng chứng nào về chuyện gian lận như vậy.
Tổng thống Trump cho đến ngày 11/12 vẫn chưa tuyên bố chấp nhận thua trong cuộc bầu cử 3/11/2020 |
Dana Nessel, tổng chưởng lý Michigan, người của đảng Dân chủ, liệt kê ra nhiều vụ kiện đã được nộp đơn ở tiểu bang này mà ông Trump và những người ủng hộ ông đã bị thua.
“Việc khiếu nại ở đây là một chuyện chưa từng có, không có cơ sở thực tế hoặc cơ sở pháp lý hợp lệ”, Nessel viết trong văn bản bày tỏ ý kiến của Michigan.
Chris Carr, tổng chưởng lý Georgia, người của đảng Cộng hòa, nói rằng Texas không thể cho thấy là Texas đã bị tổn hại bởi kết quả bầu cử ở các tiểu bang khác.
“Những lập luận mới và bao hàm nhiều điều mà Texas khăng khăng đưa ra, và những biện pháp khắc phục to tát mà họ đòi hỏi, đều không thể có cơ sở là các nguyên tắc pháp lý và không thể quản lý được”, Carr viết trong văn bản nêu ý kiến của Georgia.
Josh Kaul, tổng chưởng lý Wisconsin, người của đảng Dân chủ, lưu ý rằng ông Trump đã đòi có được các cuộc kiểm phiếu lại ở hai quận hạt có đông người theo đảng Dân chủ nhất trong bang Wisconsin, và rốt cuộc là không có vấn đề gì với kết quả bỏ phiếu.
Kaul viết trong văn bản bày tỏ ý kiến của Wisconsin: “Không có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ gian lận nào hoặc bất kỳ điều gì khác có thể khiến nghi ngờ độ tin cậy của kết quả bầu cử”.
Ông Trump nộp đơn tới tòa hôm 9/12 đề nghị các thẩm phán cho phép ông tham gia và trở thành một nguyên đơn trong vụ kiện của Ken Paxton, tổng chưởng lý Texas, người của đảng Cộng hòa, và là đồng minh của tổng thống.
Hôm 10/12, ông Trump gặp ông Paxton và các tổng chưởng lý các tiểu bang khác, những người ủng hộ vụ kiện.
Cũng hôm 10/12, 20 tiểu bang cùng với địa hạt thủ đô Washington nộp một văn bản bày tỏ ý kiến của các quan chức đảng Dân chủ ủng hộ 4 tiểu bang bị Texas nhắm mục tiêu.
Trước đó, hôm 9/12, 17 bang khác nộp văn bản thúc giục các thẩm phán xem xét đơn kiện và các ý kiến của các quan chức đảng Cộng hòa.
Toàn bộ các bang xác nhận xong kết quả bầu cử hôm 8/12; ông Biden được 306 phiếu đại cử tri |
Arizona nộp một văn bản riêng, báo hiệu rằng họ quan tâm đến vụ kiện, song không đứng về bên nào một cách rõ rệt.
Hơn 100 dân biểu thuộc đảng Cộng hòa do Mike Johnson thuộc bang Louisiana đứng đầu cũng nộp văn bản bày tỏ ủng hộ ông Trump.
“Tối cao Pháp viện có cơ hội cứu Đất nước chúng ta khỏi vụ xâm hại Bầu cử lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”, ông Trump viết trên Twitter hôm 10/12, lặp lại những cáo buộc vô căn cứ của ông rằng đã có gian lận bầu cứ bất lợi cho ông.
Vụ kiện của Texas không đưa ra cáo buộc cụ thể về gian lận. Thay vào đó, Texas nói rằng những thay đổi về thủ tục bỏ phiếu đã loại bỏ các biện pháp bảo vệ chống gian lận, và thật là bất hợp pháp khi các cải cách là do các quan chức hoặc tòa án ở 4 bang thực hiện mà không có sự chuẩn thuận của cơ quan lập pháp ở các bang đó.
Phía đảng Dân chủ và những người chỉ trích khác cáo buộc ông Trump cố tình làm giảm niềm tin của công chúng vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Hoa Kỳ và làm suy yếu nền dân chủ bằng cách cố gắng phá hoại ý chí của cử tri.
Hôm 10/12, Dave Yost, tổng chưởng lý Ohio, người của đảng Cộng hòa, nộp một văn bản nêu ý kiến riêng rẽ không đồng ý với đề nghị của Texas đòi loại bỏ các phiếu bầu. Dave Yost cho rằng điều đó “sẽ làm suy yếu tiền đề có tính nền móng của hệ thống liên bang của chúng ta: đó là tư tưởng ‘các bang có chủ quyền, được tự do cai quản chính họ’”.
Texas đề nghị Tối cao Pháp viện ngay lập tức ngăn chặn 4 bang sử dụng kết quả bỏ phiếu để bổ nhiệm các đại cử tri bầu tổng thống vào Cử tri đoàn và cho phép các cơ quan lập pháp ở 4 bang đó chọn đại cử tri thay vì để các đại cử tri phản ánh ý chí của cử tri phổ thông. Cả 4 bang bị kiện đều có cơ quan lập pháp đang nằm trong tay đảng Cộng hòa.
Tính theo từng bang trong Cử tri đoàn quyết định kết quả bầu cử, ông Biden giành được 306 phiếu đại cử tri - vượt quá mức 270 cần thiết - so với 232 phiếu đại cử tri của ông Trump.
4 tiểu bang bị kiện tụng đóng góp 62 phiếu đại cử tri vào tổng số phiếu của ông Biden.
10/12/2020 - voatiengviet.com
Tổng chưởng lý Cộng hòa của bang Missouri, Eric Schmitt. |
Ngày 9/12, Texas được sự ủng hộ của 17 tiểu bang khác trong nỗ lực đòi đảo Tối cao Pháp viện đảo ngược thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020 bằng cách hủy bỏ kết quả của các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Trong tài liệu đệ trình ngày 9/12, luật sư 17 tiểu bang do Tổng chưởng lý Cộng hòa của bang Missouri, Eric Schmitt, dẫn đầu đã yêu cầu chín thẩm phán cứu xét vụ kiện của Texas, vụ kiện mới nhất nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống tân cử Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử hôm 3/11.
Tổng thống Trump ngày 9/12 cam kết can thiệp vào vụ kiện này dù không nêu chi tiết về tính chất can thiệp. Những nỗ lực kiện tụng nhân danh ông Trump thách thức kết quả bầu cử cho đến nay đã thất bại.
Viết trên Twitter, ông Trump nói, “Chúng tôi sẽ can thiệp trong vụ kiện của Texas (cộng thêm nhiều tiểu bang khác). Đây là một vụ lớn. Đất nước chúng ta cần một chiến thắng!”
Vụ kiện, được Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton loan báo ngày 8/12, nhắm vào 4 tiểu bang ông Trump thua ông Biden.
Ông Trump đưa ra các cáo giác không căn cứ rằng có gian lận bầu cử sâu rộng. Các giới chức bầu cử cấp tiểu bang nói họ không thấy có bằng chứng gian lận sâu rộng.
Các chuyên gia luật bầu cử nói vụ kiện của Texas ít có cơ may thành công và thiếu bằng chứng pháp lý.
Ngoài Missouri, các tiểu bang cùng với Texas là Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia. Tất cả tiểu bang này đều được các giới chức Cộng hòa đại diện đệ đơn kiện.
Các giới chức của Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin gọi vụ kiện là sự tấn công thiếu suy nghĩ vào nền dân chủ. Vụ kiện này được đưa trực tiếp lên Tối cao Pháp viện thay vì tới một tòa dưới.
Vụ kiện của bang Teaxas viện dẫn lý do là những thay đổi về thủ tục bầu cử tại các tiểu bang giữa đại dịch virus corona cho phép mở rộng bỏ phiếu bằng đường bưu điện là bất hợp pháp. Texas yêu cầu Tối cao Pháp viện lập tức ngăn chặn không cho 4 tiểu bang vừa kể dựa vào kết quả bầu cử hôm 3/11 để chỉ định Cử tri Đoàn.
Ông Biden thu đựơc 306 phiếu cử tri đoàn-cao hơn nhiều so với 270 phiếu cần thiết để đắc cử- so với ông Trump với 232 phiếu. Bốn tiểu bang bị kiện đóng góp tổng cộng 62 phiếu cử tri đoàn cho ông Biden.
Texas cũng yêu cầu Tối cao Pháp viện hoãn cuộc bỏ phiếu của Cử tri Đoàn ngày 14/12. Ngày này được luật qui định từ năm 1887.
Đảng Dân chủ và những người chỉ trích khác cáo buộc ông Trump làm giảm sút lòng tin của công chúng vào tính trung thực của cuộc bầu cử Mỹ và phá hoại nền dân chủ Mỹ bằng cách nỗ lực thay đổi ý chí của cử tri.
10/12/2020 - 13:37 - Trọng Nghĩa - rfi.fr
People participate in a "Stop the Steal" protest outside the U.S. Supreme Court in support of U.S. President Donald Trump in Washington, U.S., December 8, 2020. REUTERS - ERIN SCOTT |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và 17 bang Hoa Kỳ hôm qua 09/12/2020, đã lên tiếng ủng hộ đơn kiện của bang Texas tìm cách đảo ngược thất bại bầu cử của ông bằng cách yêu cầu Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ bác bỏ kết quả bỏ phiếu ở bốn tiểu bang chiến địa là Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Thậm chí ông Trump còn yêu cầu được làm nguyên đơn trong vụ kiện do bang Texas đề xướng.
Bị đối thủ Joe Biden đánh bại trong cuộc bầu cử ngày 03/11 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã đệ đơn lên Tòa Án Tối Cao, yêu cầu chín thẩm phán cho ông trở thành nguyên đơn trong vụ kiện của bang Texas khởi xướng hôm 08/12 nhằm hủy bỏ kết quả tại Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Trước đó, bốn bang này đã chứng thực ông Biden thắng cử.
Theo hãng tin Anh Reuters, nếu Tòa Án Tối Cao chấp thuận, điều đó sẽ tạo ra một tình huống bất thường khi một tổng thống Mỹ đương nhiệm lại yêu cầu định chế tư pháp hàng đầu của Mỹ quyết định rằng hàng triệu phiếu bầu ở bốn bang không có giá trị.
Viết trên Twitter, tổng thống Mỹ khẳng định : « Đây là một điều vĩ đại. Đất nước của chúng ta cần một chiến thắng! »
Về phần mình, các luật sư đại diện cho 17 bang khác do chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, thuộc đảng Cộng Hòa, dẫn đầu cũng kêu gọi Tối Cao Pháp Viện thụ lý đơn kiện của Texas.
Vụ kiện do Ken Paxton, tổng chưởng lý đảng Cộng Hòa bang Texas, một đồng minh của ông Trump, khởi xướng là thủ tục pháp lý mới nhất trong một loạt vụ kiện do ban vận động tranh cử của ông Trump và những người ủng hộ tung ra mà cho đến nay hầu như đều đã thất bại.
Ngoài Missouri, các bang đi theo Texas bao gồm : Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia. Tất cả các bang đều do các quan chức đảng Cộng Hòa đại diện, và tất cả ngoại trừ ba bang đều có thống đốc thuộc của đảng Cộng Hòa.
Các quan chức tại bốn bang bị kiện dĩ nhiên đã cực lực đả kích hành động của Texas, xem vụ kiện là một cuộc tấn công liều lĩnh vào nền dân chủ. Đơn kiện đã được nộp trực tiếp lên Tòa Án Tối Cao thay vì tại một tòa án cấp dưới, điều được phép đối với một số vụ kiện giữa các bang.
Theo tờ New York Times, có tin là ông Trump đã yêu cầu thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Ted Cruz ở bang Texas trực tiếp đứng ra tranh tụng tại tòa nếu Tòa Án Tối Cao Mỹ đồng ý xử lý hồ sơ.
10/12/2020 - Trọng Nghĩa - rfi.fr
Ông Ken Paxton, tổng chưởng lý bang Texas. REUTERS - Kevin Lamarque |
Như vậy là bang Texas đã chính thức đệ đơn kiện 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin ra trước Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ với hy vọng bác bỏ chiến thắng của ông Joe Biden tại 4 nơi này. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia về luật pháp Mỹ, vụ kiện này có rất ít khả năng thành công.
Về đơn kiện do tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, đệ trình, nội dung chính kêu gọi Tòa Án Tối Cao Mỹ trì hoãn cuộc bỏ phiếu của đại cử tri ở 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, để cho phép tiếp tục điều tra “các vấn đề liên quan đến quy trình bỏ phiếu”, cụ thể là các bang này đã thay đổi một cách “bất hợp pháp” thủ tục bỏ phiếu khi mở rộng hình thức bầu qua bưu điện.
Đơn kiện của Texas cũng yêu cầu Tòa Án Tối Cao dời ngày đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống ra sau ngày 14/12 như đã được luật bầu cử năm 1887 ấn định
Theo tính toán của Texas, hiện nay, theo các kết quả đã được chứng thực ở cấp tiểu bang, ông Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, trong đó 4 bang bị kiện đóng góp đến 62 phiếu đại cử tri. Nếu kết quả tại 4 nơi này bị hủy bỏ, ông Biden sẽ không đủ mức tối thiểu 270 đại cử tri để đắc cử.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, các chuyên gia về luật bầu cử Mỹ đã cho rằng vụ kiện này có rất ít cơ hội thành công và thiếu giá trị pháp lý.
Ông Justin Levitt, giáo sư luật bầu cử tại Trường Luật Loyola ở bang California khẳng định: “Cả về mặt thủ tục và nội dung, đơn kiện là một mớ hỗn độn. Khả năng là Tòa Án Tối Cao đồng ý thụ lý vụ kiện là con số không”.
Hãng truyền thông NBC News dẫn lời chủ trang blog SCOTUSblog, Tom Goldstein, nhận xét rằng vụ kiện của bang Texas là “vô vọng” vì Texas “không có quyền khởi kiện về thủ tục bầu cử ở các bang khác”.
Đài NBC đã nêu bật một số yếu tố khiến cho vụ kiện mà Texas khỏi xướng thất bại.
Yếu tố thứ nhất, theo chuyên gia Edward Foley, Đại Học bang Ohio, vụ kiện này là vi hiến. Ông Foley chỉ ra rằng Điều II, Mục 4 của hiến pháp Mỹ quy định quốc hội có thể chọn ngày mà các đại cử tri nhóm họp để bỏ phiếu, cùng một thời điểm trên toàn nước Mỹ. Năm nay, thời điểm đó là ngày 14-12.
Thứ hai, bang Texas không có quyền tuyên bố rằng quan chức ở những nơi khác không tuân thủ quy tắc do cơ quan lập pháp của bang này đặt ra. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên nguyên tắc diễn ra ở cấp bang nên một bang không có tư cách pháp lý để kiện những bang còn lại.
Theo ông Goldstein, cũng là một luật sư ở Washington, các thẩm phán sẽ cho rằng vụ kiện của bang Texas nên được đệ trình lên tòa án cấp dưới trước thay vì đưa thẳng lên Tòa Án Tối Cao. Cho dù Tòa Án Tối Cao Mỹ là nơi để một bang khởi kiện một bang khác nhưng trước tiên họ phải chứng minh không có nơi nào khác thụ lý vụ kiện.
Điểm thứ ba, vụ kiện dường như được chuẩn bị một cách vội vàng. Ví dụ, đơn kiện cho biết 4 bang bị đơn có tổng số 72 phiếu đại cử tri nhưng trên thực tế chỉ có 62 phiếu đại cử tri.
Thứ tư, bản thân ông Paxton đang gặp những rắc rối pháp lý riêng. Năm 2015, ông Paxton bị truy tố về cáo buộc gian lận chứng khoán và vẫn đang chờ giải quyết. Trong năm nay, có tin là ông bị các trợ lý hàng đầu cáo buộc về một số hành vi sai trái khác
Đến nay, những nỗ lực tại tòa án của ông Trump để thách thức kết quả bầu cử đều thất bại. Giới thân cận của ông Trump đã nhiều lần nói rằng họ muốn cuộc bầu cử được quyết định bởi Tòa Án Tối Cao, ngay cả khi hơn 50 vụ kiện sau bầu cử thất bại ở cấp thấp hơn.
Về phần mình Tòa Án Tối Cao đã từng giáng một đòn cho ông Trump và các đồng minh bằng cách từ chối một đơn kiện đối với kết quả bầu cử tại Pennsylvania.
Pro-Trump protester outside US Supreme Court, 11 December 2020, EPA |
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ những nỗ lực vô tiền khoáng hậu mà Trump hậu thuẫn để bỏ đi kết quả bầu cử ở bốn bang chiến địa. Ông Trump nói trên Twitter rằng Tối cao Pháp viện "đã thực sự khiến chúng ta thất vọng, không có sự Thông thái, không có lòng Dũng cảm vượt trội gì sất."
Đơn kiện, được bang Texas đệ trình vào tuần này, nhằm làm mất hiệu lực các kết quả ở Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Tổng thống đắc cử Joe biden đã thắng ở cả bốn bang này.
Đơn kiện được 18 tổng chưởng lý bang và 106 thành viên đảng Cộng hòa của Hạ viện ủng hộ.
Nhưng trong một lệnh bác bỏ ngắn gọn vụ kiện, Tối cao Pháp việncao đã phán quyết vào hôm thứ Sáu rằng Texas không có tư cách pháp lý để khởi kiện vụ việc.
Phán quyết trên cho thấy sự thất bại của ông Trump, người trước đó đã ám chỉ mà không có bằng chứng rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sẽ được giải quyết tại Tối cao Pháp viện.
Vào đầu tuần này, tòa án đã bác bỏ một thách thức pháp lý riêng lẻ khác nhằm vào chiến thắng của ông Biden ở Pennsylvania, bác bỏ bằng phán quyết chỉ độc một câu.
Ông Trump đã nhiều lần đưa ra những quả quyết mà không có cơ sở rằng "những phiếu bầu bất hợp pháp" khiến ông mất nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Kể từ cuộc bầu cử, ông Trump và những người ủng hộ ông đã đưa ra hàng chục vụ kiện nghi vấn kết quả bầu cử. Nhưng vẫn không một ai có thể lật đổ chiến thắng của ông Biden.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ đã đánh bại ông Trump với cách biệt 306 so với 232 phiếu trong cử tri đoàn Hoa Kỳ, đây là cơ sở chọn ra tổng thống Mỹ. Ông Biden đã thắng hơn bảy triệu phiếu phổ thông so với vị tổng thống đương nhiệm.
Cử tri đoàn dự kiến sẽ họp mặt vào thứ Hai để chính thức bầu ông Biden làm tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Tối cao Pháp viện, như mong đợi của hầu hết các chuyên gia pháp lý, không muốn can dự gì đến việc thách thức của Texas đối với kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Phát quyết hơi dài hơn chút xíu so với phản ứng một câu "bác đơn" trong vụ tại Pennsylvania hồi tuần này. Hai trong số chín thẩm phán Tối cao Pháp viện - Samuel Alito và Clarence Thomas - nói rằng họ không bác ngay đơn kiện. Nhưng ngay cả họ cũng không bày tỏ quan điểm về việc liệu nỗ lực của Texas trong việc hủy hàng triệu phiếu và chuyển chiếc ghế tổng thống cho ông Trump là xác đáng hay không.
Quyết định này dọn đường cho các thành viên của cử tri đoàn nhóm họp tại các thủ phủ của tiểu bang trên khắp nước Mỹ vào thứ Hai tới. Tại thời điểm đó, cánh cửa cho những thách thức pháp lý của ông Trump về cuộc bầu cử sẽ đóng sập lại. Và trong khi những người ủng hộ ông có thể thử một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn chiến thắng của ông Biden tại Quốc hội vào tháng Giêng, thì những mưu đồ chính trị đó định sẵn sẽ thất bại. Đảng Dân chủ sẽ đảm bảo điều đó.
Tuy nhiên, hệ quả của việc thách thức này khó có thể phai mờ nhanh chóng. Mười tám bang và hơn 100 đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện cổ súy cho việc hủy bỏ kết quả bầu cử và đặt cuộc đua tới Nhà Trắng vào tay các cơ quan lập pháp bang.
Đó là điều mà các đảng viên Dân chủ - và sử sách - sẽ không sớm quên lãng.
Đơn kiện đã được Tổng chưởng lý Ken Paxton thuộc Đảng Cộng hòa ở Texas - một đồng minh của ông Trump đệ trình vào thứ Ba. Vụ kiện đã được tổng thống chống lưng, hôm thứ Tư ông Trump cũng nộp đơn để can thiệp vào và trở thành nguyên đơn trong vụ này.
Vụ kiện nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống ở Wisconsin, Michigan, Pennsylvania và Georgia, bốn bang quan trọng mà ông Biden đã giành thắng lợi.
Texas cáo buộc rằng kết quả ở những tiểu bang đó là bất hợp pháp vì những thay đổi về thủ tục bỏ phiếu để giúp cho người Mỹ bỏ phiếu trong đại dịch virus corona.
Vụ kiện của ông Paxton yêu cầu Tối cao Pháp viện cho phép cơ quan lập pháp của các bang này - tất cả đều do đảng Cộng hòa kiểm soát - xác định xem ai sẽ nhận được phiếu đại cử tri đoàn của các bang.
Nhưng hôm thứ Năm, bốn tiểu bang kia cũng nộp đơn đề nghị các thẩm phán bác bỏ hồ sơ kiện mà họ cho rằng ko có cơ sở pháp lý. Tòa án Tối cao đã đồng ý.
"Texas đã không chứng minh được lợi ích hợp pháp về mặt pháp lý liên quan đến cách thức mà một bang khác tiến hành cuộc bầu cử", tòa án nói trong phán quyết của mình.
Trước khi có phán quyết, các chuyên gia pháp lý tỏ ra hồ nghi về khả năng thành công của đơn kiện. nhưng chỉ trước phán quyết vài giờ, ông Trump tỏ ra lạc quan, kêu gọi Tối cao Pháp viện cao thể hiện "sự Thông thái và Dũng cảm vượt trội" khi đưa ra quyết định đối với hồ sơ kiện.
Tòa án đã không làm như vậy, ông Trump sau đó đã viết trong một tweet than phiền phán quyết.
Ông Trump nói rằng Tối cao Pháp viện đã thực sự khiến người dân thất vọng, không có sự Thông thái, không có lòng Dũng cảm vượt trội gì sất.
Donald J. Trump
@realDonaldTrump
The Supreme Court really let us down. No Wisdom, No Courage!
5:50 SA · 12 thg 12, 2020
Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì về phán quyết.
Người phát ngôn của ông Biden nói rằng "không có gì ngạc nhiên" khi Tòa án Tối cao bác bỏ "những nỗ lực vô căn cứ" nhằm phủ nhận thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử.
"Tòa án cao nhất của đất nước nhìn thấy ở chuyện này một sự làm dụng có tính nổi loạn đối với quy trình bầu cử", Tổng chưởng lý Pennsylvania Josh Shapiro, một đảng viên Đảng Dân chủ, viết trên Twitter.
Dana Nessel, Tổng chưởng lý đảng Dân chủ của Michigan, cho biết phán quyết này là "một lời nhắc nhở quan trọng rằng chúng ta là một quốc gia của luật pháp và dù cho một số có thể bẻ cong theo lòng ham muốn của một cá nhân, nhưng các tòa án sẽ không như vậy".
Những đảng viên Cộng hòa có giọng điệu ảm đạm hơn.
Chủ tịch Đảng Cộng hòa ở Texas, Allen West, nói rằng quyết định của tòa án sẽ có "là một sự phân rẽ gây ảnh hưởng sâu rộng lên tương lai của nền cộng hòa lập hiến của chúng ta".
"Có lẽ các quốc gia tuân thủ luật pháp nên gắn kết với nhau và tạo thành một Liên minh các quốc gia sẽ tuân thủ hiến pháp", ông tuyên bố.
Tư liệu - Các nhân viên bầu cử (phải) chứng thực phiếu bầu trong khi những người quan sát kiểm phiếu lại nhìn theo khi việc kiểm phiếu lại bằng tay được tiến hành ngày 20 tháng 11, 2020, ở Milwaukee, bang Wisconsin. |
Tổng thống Donald Trump thất bại trong một vụ kiện tại tòa án liên bang ngày thứ Bảy trong khi luật sư của ông tranh tụng trong một vụ kiện khác trước Tòa án Tối cao bang Wisconsin với các thẩm phán tỏ ra hoài nghi, AP đưa tin.
Thẩm phán liên bang Brett Ludwig, người được ông Trump bổ nhiệm, bác bỏ vụ kiện liên bang của ông Trump yêu cầu tòa án ra lệnh cho cơ quan lập pháp Wisconsin do phe Cộng hòa kiểm soát xác định ông Trump là người chiến thắng trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tại bang vùng Trung tây này. Thẩm phán nói các lập luận của ông Trump "không thuyết phục về mặt pháp lý và thực tế."
Phán quyết được đưa ra khi luật sư Jim Troupis của ông Trump đối mặt với hàng loạt những câu hỏi từ các thẩm phán có khuynh hướng tự do lẫn bảo thủ tại Tòa án Tối cao Wisconsin. Ông Troupis yêu cầu tòa án hủy bỏ hơn 221.000 phiếu bầu khiếm diện, bao gồm cả phiếu bầu của ông, nói rằng chúng được bỏ một cách gian lận dựa trên những giải thích không chính xác về luật của các quan chức bầu cử.
AP cho biết các thẩm phán bảo thủ tỏ ra thông cảm với một số vấn đề mà phía ông Trump đưa ra, nhưng cũng chất vấn làm thế nào họ có thể loại bỏ phiếu bầu một cách công bằng chỉ ở hai quận nơi ông Trump muốn kiểm phiếu lại chứ không phải các quận khác nơi các thủ tục tương tự được tuân thủ.
Luật sư John Devaney của ông Biden nói rằng việc loại bỏ bất kỳ lá phiếu nào chỉ ở hai quận đó sẽ vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng của Hiến pháp.
Ông Trump chỉ thách thức các lá phiếu ở quận Milwaukee và Dane, hai quận tập trung đông cử tri bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ nhất của bang với dân số không phải người da trắng đông nhất. Ông không thách thức bất kỳ lá phiếu nào ở các quận bầu cho Đảng Cộng hòa nơi ông giành chiến thắng.
Ông Biden chiến thắng tại Wisconsin với cách biệt khoảng 20.600 phiếu bầu, tỉ lệ 0,6%. Chiến thắng của ông đứng vững sau một cuộc kiểm phiếu lại do ông Trump yêu cầu ở hai quận Milwaukee và Dane.
Luật sư của ông Biden yêu cầu tòa án phán quyết trước ngày thứ Hai, khi 10 phiếu bầu Cử tri đoàn của Wisconsin dự kiến bỏ cho ông Biden. Ông Trump đã yêu cầu đưa ra phán quyết trước ngày 6 tháng 1, ngày Quốc hội đếm phiếu của Cử tri đoàn.
Ông Trump và các đồng minh của ông đã chịu hàng chục thất bại ở Wisconsin và trên khắp cả nước trong các vụ kiện dựa trên những tuyên bố không có cơ sở về gian lận bầu cử tràn lan. Tối ngày thứ Sáu, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bác bỏ một vụ kiện của bang Texas nhằm tìm cách đảo ngược chiến thắng của ông Biden bằng cách hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu ở bốn bang chiến địa, bao gồm cả Wisconsin.
Tổng thống Trump, người theo Đảng Cộng hòa, đã từ chối thừa nhận thất bại bầu cử trước ông Biden, người giành được 306 phiếu so với 232 phiếu của ông Trump trong Cử tri đoàn. |
Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy đả kích Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vì từ chối thụ lý một vụ kiện mà ông hi vọng sẽ đảo ngược chiến thắng bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden và gọi Bộ trưởng Tư pháp William Barr là một “thất vọng.”
Tối ngày thứ Sáu, tòa án cao cấp nhất của quốc gia bác bỏ một đơn kiện ít có cơ may được thụ lý của bang Texas tìm cách hủy bỏ kết quả bầu cử ở bốn bang.
Phán quyết này được đưa ra trước cuộc hội họp của Cử tri đoàn Hoa Kỳ vào ngày thứ Hai để chính thức hóa chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Biden.
Ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, đã từ chối thừa nhận thất bại trước ông Biden, người giành được 306 phiếu so với 232 phiếu của ông Trump trong Cử tri đoàn. Cử tri đoàn là tập hợp các đại cử tri đại diện cả 50 bang và Địa khu Columbia (thủ đô Washington). Số lượng đại cử tri được phân bổ dựa trên dân số của mỗi bang.
“Đây là một phán quyết sai lầm to lớn và đáng xấu hổ. Người dân Mỹ đã bị lừa, và Đất nước của chúng ta bị ô nhục. Thậm chí chúng tôi còn không được trình bày trước Tòa án nữa!" ông Trump viết trên Twitter sáng ngày thứ Bảy.
“Tòa án tối cao KHÔNG quan tâm đến những luận chứng của vụ gian lận cử tri lớn nhất từng xảy ra ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”
Tòa án nói Texas không có tư cách pháp lý để khởi kiện, đột ngột chấm dứt điều mà ông Trump đã mô tả trong những ngày gần đây là hi vọng khả quan nhất của ông để đảo ngược kết quả bầu cử. Ba thẩm phán do ông Trump đề cử - Amy Coney Barrett, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh - kí vào lệnh của tòa án mà không bình luận.
Trong một loạt những dòng tweet có vẻ bực bội, tổng thống cũng đả kích bộ trưởng tư pháp của mình sau khi báo The Wall Street Journal đưa tin ông Barr đã biết trước đó trong năm nay về một cuộc điều tra nhắm vào con trai của ông Biden là Hunter liên quan tới thuế.
Trong một phát biểu được công bố bởi đội ngũ chuyển tiếp của tổng thống đắc cử, Hunter Biden ngày thứ Tư cho biết Văn phòng Công tố viên liên bang ở Delaware đang điều tra các vấn đề thuế của ông, mà ông nói ông đã xử lý “một cách hợp pháp và thỏa đáng.”
Ông Trump đăng lại trên Twitter một bình luận từ người dẫn chương trình radio Todd Starnes nói rằng ông Barr nên bị sa thải. “Một thất vọng lớn!” ông Trump nói trong dòng tweet của mình.
Số phận của ông Barr trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump đã trở nên bấp bênh kể từ khi ông vào tuần trước nói rằng một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp không tìm thấy dấu hiệu gian lận lớn trong cuộc bầu cử tháng 11, mâu thuẫn với những phát biểu sai lạc của ông Trump.
Tổng thống vẫn tiếp tục đưa ra các cáo buộc gian lận tràn lan mà không có bằng chứng bất chấp hàng chục vụ kiện tụng đã thất bại trước các tòa án. Dù ông đã nói rằng ông sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 1 nếu Cử tri đoàn xác định chiến thắng của ông Biden, nhưng nhiều phần chắc là ông sẽ tiếp tục lên án cuộc bầu cử là gian lận và tìm cách làm suy yếu tính chính danh của nhiệm quyền tổng thống của ông Biden.
Các hội đoàn có chủ trương bảo thủ ủng hộ ông Trump đã tụ tập tại Washington và các nơi khác trên toàn quốc trong ngày thứ Bảy để lên tiếng về vấn đề này.
Rất nhiều người chê hệ thống Mỹ quá lộn xộn, để cho Covid phá toang, bầu cử thì chửi nhau chẳng ra gì nữa, “không có kỷ cương phép nước gì cả”…
Đúng là rất bùi tai bọn độc tài. Nghĩ thế là sai! Đúng là hệ thống Mỹ bị lâm nguy, nhưng rốt cuộc nó đã đứng vững và từ từ sửa các lỗi đã tích tụ nhiều năm (mà chủ yếu vẫn là những bất bình đẳng kinh tế và xã hội, sự thích ứng với phát triển công nghệ). Mỹ sẽ vẫn là tấm gương cho thế giới.
Covid là tai hoạ, nhưng rủi ro chính trị, sự tồn vong của nền dân chủ Mỹ bị đe doạ còn là mối nguy to lớn hơn đối với nước Mỹ và nhân loại. Tổng thống đương nhiệm suốt 4 năm qua đã dùng mọi cách để làm xói mòn các định chế cốt lõi của nền dân chủ Mỹ:
1) Gieo rắc sự hoài nghi của nhân dân vào các định chế đó bằng cách tấn công chúng một cách liên tục và khi tinh vi, khi thô bạo (chỉ nêu 5 định chế căn bản):
1.1) Tấn công, làm mất uy tín của báo chí độc lập, vu cho báo chí là “Kẻ thù của nhân dân“, là tung Fake news,…
1.2) Tấn công các cơ quan tư pháp và các thẩm phán nào không làm ông ta vừa ý, làm xói mòn niềm tin của dân chúng vào một trong ba trụ cột chính của hệ thống, can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp mà điển hình nhất là vai trò của ông trong vụ kiện của bang Texas.
1.3) Tấn công nhánh hành pháp của các bang không vừa ý ông ta.
1.4) Làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào nhánh lập pháp.
1.5) Chiếm hữu Đảng Cộng hoà để làm công cụ cho mình và đã biến một Đảng Cộng hoà đáng kính thành một đảng không còn giống mấy với Đảng Cộng hoà trước kia (các lãnh đạo của Đảng Cộng hòa ai cũng sợ Trump mà điển hình nhất là số đông các dân biểu và thượng nghị sĩ cộng hoà; mỉa mai nhất là 106 dân biểu Cộng hoà ủng hộ vụ kiện của Texas, trong đó có nhiều dân biểu Cộng hoà mới được bầu ở chính 4-5 bang bị cho là có bầu cử gian lận đó [hoá ra chính họ được bầu bởi các cuộc bầu cử gian lận!?])
Và như thế, nền tảng của nền dân chủ Mỹ bị ông ta và những người theo ông ta tấn công dữ dội.
2) Dùng mọi thủ tục pháp lý được phép để kiện về kết quả bầu cử. Đây là một việc làm hợp pháp nhưng không hợp đạo lý và các chuẩn mực [lưu ý xã hội được quản lý bởi cả 3 thứ: Pháp luật, các chuẩn mực và các tập quán văn hoá trong đó các chuẩn mực đạo đức là quan trọng nhất] và làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào định chế quan trọng nhất của dân chủ, các cuộc bầu cử (với những vu cáo gian lận, bị đánh cắp,…).
Trong 4 năm, ông đã bổ nhiệm 3 thẩm phán vào Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ (khiến cho tương quan bảo thủ/ khai phóng là 6/3 áp đảo có lợi cho phe ông). Có tính toán cả! Ngay đầu tháng 11 ông đã nói, sẽ yêu cầu Tối cao Pháp Viện can thiệp. Khoảng 50 vụ kiện đã được các toà án bang và liên bang xử với sự thất bại thảm hại. Một vụ được đưa lên Tối cao Pháp Viện bị bác bỏ thẳng thừng với 9/9 phiếu.
Cú cuối cùng là Tổng chưởng lý bang Texas kiện các bang chiến trường lên Tối cao Pháp Viện vừa qua (được 18 tổng chưởng lý của 18 bang do Cộng hoà chi phối, và 106 dân biểu Cộng hoà ủng hộ). Đấy là đòn pháp lý cuối cùng.
Sáng nay 12-12, (tức là chiều tối 11-12 giờ miền Đông nước Mỹ) Tối cao Pháp Viện lại bác bỏ thẳng thừng (9/9) vụ đó 3 ngày trước khi các đại cử tri bỏ phiếu chính thức, quyết định ai là tổng thống mới của Hoa Kỳ vào ngày 14-12.
Nền dân chủ Mỹ bị suy yếu nhiều nhưng vẫn qua được cuộc tấn công nguy hiểm nhất trong mấy trăm năm lịch sử của nó.
May thay: Hoa Kỳ không phải là Cộng hòa Weimar!
New York Times
Tác giả: Jim Rutenberg và Nick Corasaniti
Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao lược dịch
12-12-2020
Những người ủng hộ Trump biểu tình trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đa số lập lại lời vu khống của Trump rằng “bầu cử gian lận” và đòi loại bỏ 20 triệu phiếu bầu từ 4 tiểu bang quan trọng. Nguồn: Anna Moneymaker/ NYT |
“Việc Tối Cao Pháp Viện từ chối Tổng thống Trump cũng là một lời quở trách thẳng thừng đối với các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa, những người đã đặt lợi ích của họ lên trên quyền lợi đất nước”.
Việc Tối Cao Pháp Viện từ chối nỗ lực tuyệt vọng của Tổng thống Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai không chỉ phá hủy nỗ lực của ông trong việc lật ngược ý chí của cử tri: Nó còn là một lời mắng thẳng thừng đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội và các tiểu bang sẵn sàng làm tổn hại nền dân chủ Mỹ bằng cách thúc đẩy sự tiếm quyền của đảng mình hơn là chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Quyết định của tòa án vào tối thứ Sáu, một thời điểm sau nhiều tuần phe Trum vùng vẫy với trên 50 vụ thua kiện, và trước cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn cho Tổng thống đắc cử Joe Biden vào thứ Hai, khiến đảng của tổng thống ở một vị trí vô cùng bất bình thường.
Qua sự tán thành rõ ràng hoặc sự im lặng đồng loã, phần lớn lãnh đạo đảng Cộng hòa hiện chia sẻ trách nhiệm về nỗ lực không thực tế, nhằm phớt lờ các nguyên tắc thành lập của quốc gia và đưa ra một phán quyết, khác với phán quyết mà cử tri đã đưa ra vào tháng 11 qua lá phiếu trong ngày bầu cử.
Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng ủng hộ nỗ lực này – một dấu hiệu cho thấy Trump không chỉ bẻ cong đảng theo ý mình, mà còn ép một trụ cột chính của nền chính trị Mỹ trong gần hai thế kỷ vào việc lật ngược kết quả bầu cử và tấn công niềm tin của công chúng vào hệ thống bầu cử. Đảng Cộng hòa đã tìm cách hủy bỏ cuộc bầu cử bằng những phương tiện giả mạo như vậy, nên Tối Cao Pháp Viện đã nhanh chóng bác bỏ lập luận của họ.
Thậm chí, một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã đưa ra nhận định đáng xấu hổ, với 126 thành viên Hạ viện đảng Cộng hòa và 18 tổng chưởng lý, những người đã chọn đứng về phía Trump để chống lại tiến trình dân chủ, bằng cách ủng hộ một vụ kiện, yêu cầu Tối Cao Pháp Viện bỏ đi khoảng 20 triệu phiếu bầu ở bốn bang quan trọng, số phiếu đóng đinh sự thất cử của Trump.
Michael Steele, cựu chủ tịch đảng Cộng Hòa Toàn quốc cho biết: “Chính hành động của 126 thành viên Hạ viện Hoa Kỳ, là một sự sỉ nhục đối với đất nước. Đó là một hành vi xúc phạm Hiến pháp và nó để lại một vết nhơ không thể tẩy sạch mà 126 thành viên này sẽ khó có thể gột khỏi bộ mặt chính trị của họ trong một thời gian dài sau này”.
Phát biểu trên CNN hôm thứ Sáu, Thống đốc Chris Sununu của New Hampshire, một đảng viên đảng Cộng hòa, cho biết, “Cách họ đem vụ kiện đến Tối Cao Pháp Viện, cho thấy họ đã thua và cạn kiệt tất cả các con đường thách thức pháp lý; chúng ta phải vượt lên và đi tới”. Ông nói, đã đến lúc Quốc hội phải “thực sự làm điều gì đó cho người dân Mỹ, quan tâm đến việc chủng ngừa và đại dịch COVID”.
Trong một cuộc bầu cử với nhiều thách thức của đại dịch, tất cả các nhân viên phòng phiếu, các Tổng Thư ký Tiểu bang có trách nhiệm về bầu cử, ngay cả vị Giám Đốc an ninh mạng của bộ Nội An có trách nhiệm bảo vệ an toàn bầu cử đều cho biết là tiến trình bầu cử đã diễn ra hết sức suôn sẻ và không hề có gian lận. Nhưng Trump đã cố gắng đưa ra thông tin hoàn toàn sai lạc với thuyết âm mưu vô căn cứ, các lời nói dối hoàn toàn không bằng cớ, là có “gian lận trên diện rộng”.
Nỗ lực này của Trump đòi hỏi toàn đảng Cộng Hoà phải quảng bá các thông tin sai lạc. Điều này được tiếp tay phổ biến bởi những lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Hoà như TNS Lindsay Graham (R-SC), lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ Viện – Dân Biểu Kevin McCarthy (R-CA).
Và điều đó có nghĩa là các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa giờ đây đã ủng hộ một quan niệm mới: Rằng các quyết định cuối cùng của cử tri có thể bị thách thức mà không có cơ sở trên thực tế nếu kết quả không theo ý muốn của bên thua cuộc, đi ngược lại hàng chục năm làm việc của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục các quốc gia đang phát triển rằng, chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là chìa khóa cho sự tín nhiệm của bất kỳ chính phủ được bầu cử tự do nào.
Michael Abramowitz, chủ tịch của Freedom House có trụ sở tại Washington và được lưỡng đảng hỗ trợ để ủng hộ nền dân chủ ở nước ngoài, cho biết: “Từ quan điểm toàn cầu, điều này chắc chắn giống như nhiều trường hợp mà chúng tôi đã thấy trên khắp thế giới, nơi một người đương nhiệm cố gắng nắm giữ quyền lực”.
Mặc dù quyết định của Tối Cao Pháp Viện và các tòa án khác có nghĩa là cuối cùng thì “các định chế của Mỹ rất vững mạnh”, ông nói thêm, “rõ ràng là mọi người trên khắp thế giới đang hướng về Mỹ và điều đó thật sự quan trọng, đòi hỏi người Mỹ thuộc tất cả các đảng phải đứng lên, đồng lòng bảo vệ luật pháp và nền dân chủ“.
Các đảng viên Cộng hòa chống lại chiến dịch của Trump đã đồng ý, dự đoán rằng đảng Cộng Hoà đang mạo hiểm với sự hủy diệt của chính mình.
“Tôi tiếp tục so sánh nó với Jonestown”, cựu Thống đốc Christine Todd Whitman của New Jersey nói, đề cập đến giáo phái đã kết thúc bằng một vụ tự sát hàng loạt bi thảm. “Tất cả họ đều đã uống Kool Aid. Nó chỉ chưa giết họ“.
Sau quyết định của tòa án, một trong số 126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ vụ kiện, Dân Biểu Bruce Westerman của Arkansas, nói rằng quyết định của tòa án có nghĩa là kết thúc nỗ lực của Trump và “đóng lại những thách thức đối với kết quả bầu cử năm 2020”.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, thuộc đảng Dân chủ, bang Minnesota, Thành viên Cao Cấp của Ủy ban Quy tắc Thượng viện, cơ quan giám sát luật bầu cử, cho biết: “Nền dân chủ của chúng ta đã chống chọi với Donald Trump trong bốn năm. Nó có thể chịu đựng những vụ kiện vô căn cứ này trong bốn tuần nữa”.
Các đảng viên đảng Dân chủ đã công tâm trước quyết định của tòa án trong vụ kiện do Tổng chưởng lý Đảng Cộng hòa Texas đệ trình, một trong số hàng chục thẩm phán đã bác bỏ một cách rõ ràng dựa trên cơ sở pháp lý hoặc thực tế, ngay cả khi nhiều vụ kiện hơn nữa chắc chắn sẽ xảy ra trước lễ nhậm chức của Biden vào ngày 20 tháng 1.
Nhưng các luật sư về dân quyền đã nhìn thấy khả năng gây thiệt hại lâu dài bên ngoài lĩnh vực pháp lý nơi các nỗ lực của đảng Cộng hòa – và lời nói dối rằng, chiến thắng của Biden là kết quả của gian lận khắp nơi – đã thất bại rõ ràng.
Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa trên khắp đất nước đã dự tính các luật mới để khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn, vì họ tiếp tục miêu tả sai sự thật về sự mở rộng và dễ dàng của việc bỏ phiếu bằng thư trong đại dịch là bất chính. Nhiều người trong số họ cho rằng, nâng cao sự bỏ phiếu mở rộng năm nay là không tốt cho đảng của họ, bất chấp những thành công của đảng Cộng hòa lan xuống các chức vụ dân cử trong cuộc bỏ phiếu. Việc họ xem xét các hạn chế bỏ phiếu mới dẫn đến một cuộc tấn công liên tục vào tính toàn vẹn của hệ thống bỏ phiếu, liên quan đến các tuyên bố sai lầm đã bị lật tẩy.
Dale Ho, giám đốc Dự án Quyền Bầu cử tại ACLU, cho biết: “Có một loại virus chống dân chủ đã lan truyền trong chủ nghĩa Cộng hòa chính thống, trong số các quan chức được bầu của đảng Cộng hòa. Và sự mất niềm tin vào guồng máy dân chủ là một vấn đề lớn hơn nhiều so với bất kỳ vụ kiện cá nhân nào”.
Thực tế, sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, đảng Cộng hòa Texas đã kêu gọi một cách hiệu quả sự ly khai của các tiểu bang thiên Cộng Hoà có tổng chưởng lý tham gia vụ kiện Texas.
Có lẽ “các tiểu bang tuân thủ luật pháp nên liên kết với nhau và tạo thành một Liên minh các tiểu bang tuân theo Hiến pháp“, một tuyên bố từ chủ tịch của nó, Allen West. Nó theo sau một quan sát mà Rush Limbaugh đưa ra vào đầu tuần, khi ông nói: “Tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta đang có xu hướng ly khai”.
Cuộc thảo luận về sự ly khai diễn ra trong một tuần, trong đó các quan chức bầu cử trên khắp đất nước, từ cả hai đảng chính trị, cho biết họ đã trở thành đối tượng bị đe dọa bởi bạo lực, bao gồm cả các thành viên trong gia đình, vì đã tôn trọng chiến thắng của Biden.
Một trang web không rõ nguồn gốc đã thu hút sự chú ý của cơ quan thực thi pháp luật khi xuất hiện để quảng bá một danh sách nổi tiếng gồm hầu hết các quan chức đảng Cộng hòa, những người đã chống lại yêu cầu của Trump về việc lật ngược cuộc bầu cử mà ông đã thua, liệt kê thông tin cá nhân của họ và dán chữ thập đỏ lên ảnh của họ.
Trump đã nói rõ rằng, quyết định của Tối Cao Pháp Viện sẽ không làm chậm chiến dịch hậu bầu cử, sự vô ích của nó không làm giảm đi sự dữ dội cũng như tính kiên trì của cuộc vận động sau này. Trên Twitter, hôm thứ Bảy Trump đã gọi đó là “sự sai lầm đáng xấu hổ về công lý” và viết “CHÚNG TÔI CHỈ MỚI BẮT ĐẦU ĐỂ CHỐNG LẠI!!!”
Vài giờ trước khi tòa án đưa ra quyết định công khai, chiến dịch tranh cử của Trump đã phát hành hai quảng cáo lặp lại những cáo buộc đã được tiết lộ, cho thấy, nó sẽ tiếp tục gây áp lực với các quan chức đảng Cộng hòa được bầu bằng cách nào đó đảo ngược số phận chính trị của Trump. “Yêu cầu một cuộc bầu cử trung thực và một số đếm trung thực, hãy liên hệ với các nhà lập pháp của bạn ngay hôm nay“, một quảng cáo khuyến khích. (Chiến dịch tuyên bố rằng quảng cáo sẽ bắt đầu được phát sóng trên truyền hình cáp vào sáng thứ Bảy, nhưng ít nhất một công ty theo dõi quảng cáo cho biết, họ chưa thấy bất kỳ đặt chỗ nào được thực hiện kể từ tối thứ Sáu).
Có một thực tế không thể tránh khỏi đang khiến nhiều nhà lãnh đạo đảng buộc phải theo tổng thống, trái ngược với chế độ dân chủ. Christopher Ruddy, Giám đốc điều hành của mạng lưới bảo thủ Newsmax cho biết: “Donald Trump vẫn là con đười ươi nặng 800 pounds trong phòng họp của đảng Cộng hòa – ông ấy là lực hấp dẫn lớn nhất có lẽ từng tồn tại trong đảng”.
Tổng số phiếu bầu phổ thông của Trump là 74 triệu sẽ là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nếu Biden không vượt qua ông ta 7 triệu phiếu. Và, Ruddy lưu ý: “Các cử tri đảng Cộng hòa đang ủng hộ, họ cảm thấy cuộc bầu cử này không được tính toán một cách công bằng”.
Mạng lưới làm việc của Ruddy có liên quan đến điều đó; nó đã đạt được thành công trên kênh truyền hình bảo thủ, Fox News, bằng cách quảng bá mạnh mẽ các cáo buộc gian lận cử tri của Trump. Khi làm như vậy Newsmax đã giúp đặt ra một cuộc cạnh tranh với những người dẫn chương trình cứng rắn hơn của Fox News, cũng như những người dẫn chương trình bảo thủ nhỏ hơn One America News, để cung cấp cho Trump và các cử tri của ông những gì họ muốn: Một ảo tưởng trái ngược với thực tế rằng Trump sẽ sớm rời khỏi Nhà Trắng.
Bất kể nguồn thông tin chính của họ là gì, đa số đảng viên Cộng hòa xem cuộc bầu cử có nhiều lầm lỗi nghiêm trọng. Một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac được công bố hôm thứ Năm cho thấy, chỉ 23% cử tri đảng Cộng hòa đã đăng ký – và ít hơn một nửa tổng số đàn ông da trắng ghi danh bỏ phiếu – cho biết, họ tin rằng chiến thắng của Biden là chính đáng.
Những người nghi ngờ đó không đại diện cho đa số người Mỹ; 60% cử tri đã ghi danh nói chung, cho biết họ chấp nhận kết quả. Nhưng họ tạo thành cốt lõi của cơ sở đảng Cộng hòa và các nhà lãnh đạo của đảng đã liên tục tỏ ra không muốn chống lại họ – đặc biệt là với cuộc bầu cử quan trọng sắp tới ở Georgia sẽ quyết định sự kiểm soát Thượng viện của đảng nào có đa số.
Ngay cả sau khi Trump thua, việc đáp ứng mong muốn của các cử tri đảng Cộng hòa có nghĩa là áp dụng phong cách chính trị hoang tưởng của tổng thống bằng cách bám vào các ví dụ được cho là gian lận ngay cả sau khi chúng đã bị lật tẩy trước tòa.
Ví dụ, vào tháng trước, Graham cho biết, trong một cuộc phỏng vấn trên “Fox & Friends” rằng, một máy xác minh chữ ký ở Hạt Clark, Nevada, bao gồm Las Vegas, đã được sử dụng một cách không phù hợp để chấp nhận “mọi chữ ký dù là gian lận hay không”. Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ông đã chia sẻ một cáo buộc rằng, người dân trong quận đã bị phát hiện điền vào các lá phiếu gian lận trên “một chiếc xe tải Biden / Harris”.
Những cáo buộc đó đã được đưa ra trong một đơn kiện của Đảng Cộng hòa được đệ trình lên tiểu bang. Tuần trước, một thẩm phán đã phát hiện ra rằng máy chữ ký được đề cập trên thực tế đã gửi 70% chữ ký mà nó đã quét lại cho các nhân viên bầu cử để xác minh con người. Thẩm phán James Russell viết: “Hồ sơ không hỗ trợ” cáo buộc rằng cỗ máy “chấp nhận chữ ký mà lẽ ra đã bị từ chối”. Tương tự, ông phán quyết, lời kể của nhân chứng về những lá phiếu sai được điền trên xe Biden / Harris là “không đáng tin cậy”.
Hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của Graham đã từ chối giải quyết những phát hiện đó và nói rằng, thượng nghị sĩ “tiếp tục có những lo ngại nghiêm trọng về việc mở rộng bỏ phiếu bằng thư”.
Trong một cuộc điều trần về cuộc bầu cử năm 2020 ở Wisconsin do các đảng viên Cộng hòa ở tiểu bang dẫn đầu vào thứ Sáu, các nhân chứng cho rằng, tiểu bang phải đối mặt với sự can thiệp bầu cử từ các nhà độc tài đã chết Hugo Chávez và Josef Stalin, giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg và Kanye West.
Một số tuyên bố tương tự như các thuyết âm mưu có trong đơn kiện của một luật sư bảo thủ, Sidney Powell, người mà những nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử thường xuyên bị các thẩm phán bác bỏ. Một người viết rằng, một vụ án mà cô ấy thay mặt cho các nguyên đơn của Đảng Cộng hòa đưa ra dường như “nhiều hơn về tác động của các cáo buộc của họ đối với niềm tin của người dân vào tiến trình dân chủ” cũng như “sự tin tưởng vào chính phủ của chúng tôi”.
Tom Rath, cựu tổng chưởng lý của Đảng Cộng hòa ở New Hampshire, người ủng hộ Biden và phản đối nỗ lực của đảng ông tại Tối cao Pháp viện, đã than thở về những gì dường như là động lực chính trị trong đảng của ông để làm lung lay lòng tin đó. Ông nói: “Thật không may, một số người đã cố gắng sống với sự hỗn loạn đó, kéo dài nó và khiến người dân bình thường càng khó tin tưởng những gì chính phủ đang làm”.
Rath, người đã cố vấn cho các chiến dịch tranh cử tổng thống của George W. Bush và Mitt Romney, nói thêm: “Đảng (Cộng hoà) của chúng ta đang ở trong tình trạng rất tồi tệ“.
WASHINGTON, DC (NV) – Sau thất bại mới nhất ở Tối Cao Pháp Viện, Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, lên Twitter tìm cách trừng phạt những thống đốc Cộng Hòa từ chối lật ngược kết quả bầu cử như ông yêu cầu, theo Forbes.
Ông Trump thậm chí còn kêu gọi cử tri bỏ phiếu loại bỏ những thống đốc này.
Tổng Thống Trump nói thống đốc Georgia và Arizona chống ông mạnh hơn phe Dân Chủ. (Hình: Erin Schaff – Pool/Getty Images) |
Ông nhắm vào Thống Đốc Brian Kemp của Georgia và Thống Đốc Doug Ducey của Arizona. Cả hai đồng minh thân cận này của Tổng Thống Trump chứng nhận ông Joe Biden là người chiến thắng ở tiểu bang của họ, bất chấp ông Trump kỳ vọng họ sẽ lật ngược kết quả bầu cử.
“Hai người Cộng Hòa chưa thấm nhuần quan điểm Cộng Hòa chống lại tôi và đảng Cộng Hòa còn mạnh hơn bất kỳ người Dân Chủ nào,” Tổng Thống Trump viết về ông Ducey và ông Kemp trên Twitter, và kêu gọi người ủng hộ “Đừng bao giờ quên, hãy bỏ phiếu truất phế họ!”
Ngoài ra, trong tầm ngắm của Tổng Thống Trump hôm Thứ Bảy còn có Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr vì không đưa ra được bằng chứng gian lận bầu cử. Ông Trump “tweet” lại lời kêu gọi sa thải ông Barr “nội trong ngày hôm nay” và nói thêm rằng ông Barr là “nỗi thất vọng lớn.”
Ông Trump cũng công kích Tối Cao Pháp Viện, trong đó có ba thẩm phán được ông bổ nhiệm đã bỏ phiếu bác đơn kiện của Texas đòi lật ngược kết quả bầu cử. Ông viết trên Twitter rằng họ “thực sự làm chúng tôi thất vọng,” và “Không hiểu biết, không can đảm!”
Hôm Thứ Sáu, Tối Cao Pháp Viện bác đơn kiện do bộ trưởng Tư Pháp Texas khởi sự và được Tổng Thống Trump ủng hộ, vì xác nhận đơn này không đủ căn cứ pháp lý. (Th.Long) [qd]
WASHINGTON, DC (NV) – Hàng ngàn người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump biểu tình ở Washington, DC, hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, kêu gọi ông tiếp tục đấu tranh, theo Fox News.
Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi Tối Cao Pháp Viện bác đơn kiện của Texas đòi hủy kết quả bầu cử ở Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin, cả bốn tiểu bang ông Joe Biden giành chiến thắng bầu cử tổng thống.
Người ủng hộ Tổng Thống Trump biểu tình ở Washington, DC, hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai. (Hình: AP Photo/Luis M. Alvarez) |
Đa số người biểu tình không đeo khẩu trang. Họ cầm cờ và đội nón in hình Tổng Thống Trump tập trung tại Freedom Plaza, gần Tòa Bạch Ốc, hô to khẩu hiệu “Thêm Bốn Năm Nữa” và “Ngăn Chặn Ăn Cắp” nhằm hối thúc ông tiếp tục tranh đấu để được ở lại Tòa Bạch Ốc.
Cuộc biểu tình do Women for America First tổ chức. Ban tổ chức dự trù sẽ có 15,000 người tham gia. Họ cũng dự tính tuần hành đến Tối Cao Pháp Viện.
Người biểu tình nói rõ họ sẽ tiếp tục đấu tranh, bất chấp truyền thông cũng như phán quyết của tòa, và sẽ không chấp nhận ông Biden làm tổng thống.
Phát biểu tại cuộc biểu tình, tướng về hưu Michael Flynn, cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Trump, tuyên bố ông tin chắc ông Trump sẽ ở lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm.
“Người nào hỏi tôi… theo thang điểm từ 1 đến 10, ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp? Tôi nói: 10, Donald Trump… không chút do dự,” ông Flynn nói.
Tháng trước, ông Flynn được Tổng Thống Trump ân xá. Năm 2017, ông Flynn nhận tội nói dối với FBI về vụ liên lạc với một đại sứ Nga, nhưng sau đó lại phủ nhận tội này.
“Sự gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ là đáng phẫn nộ,” ông Flynn nói với đám đông tụ tập gần Tòa Bạch Ốc. “Chúng ta sẽ không chấp nhận.”
Tổng Thống Trump lên trực thăng Marine One rời Tòa Bạch Ốc đi xem trận football ở West Point giữa Lục Quân với Hải Quân, trong lúc người ủng hộ ông biểu tình ở Washington, DC, hôm 12 Tháng Mười Hai. (Hình: AP Photo/Patrick Semansky) |
Tổng Thống Trump tỏ ra thích thú trước cuộc biểu tình ủng hộ ông ở DC, thành trì của đảng Dân Chủ.
“Ô! Hàng ngàn người biểu tình ở Washington (DC) để kêu gọi ‘Ngăn Chặn Ăn Cắp,” ông Trump viết trên Twitter sáng Thứ Bảy. “Không hề biết trước vụ này, nhưng tôi sẽ gặp họ! #MAGA”
Sau đó, ông lên trực thăng Marine One rời Tòa Bạch Ốc đi xem trận football ở Học Viện Quân Sự West Point giữa Lục Quân với Hải Quân.
Đám đông bên dưới reo lên vui mừng khi trực thăng chở Tổng Thống Trump bay qua bên trên.
Sau đó trong ngày, mọi sự chú ý không còn dành cho Tổng Thống Trump nữa mà là nhóm người mà ông từng bảo “lui ra và tránh ra.” Đó là Proud Boys, một nhóm thượng tôn da trắng.
Người mặc áo chống đạn, hàng trăm thành viên Proud Boys tuần hành theo hàng như quân đội qua trung tâm thủ đô, vừa đi vừa hô to “Cút ra” và “1776!”
Khi chiều xuống, không khí càng thêm căng thẳng. Nhóm Proud Boys và người ủng hộ Tổng Thống Trump liên tục đụng độ với nhóm biểu tình chống ông Trump gần Black Lives Matter Plaza. Mỗi lần như vậy, cảnh sát phải tách hai bên ra trong khi họ ném pháo bông qua lại.
Tính đến đầu giờ tối Thứ Bảy, cảnh sát thủ đô bắt giữ ít nhất sáu người liên quan đến cuộc biểu tình.
Thành viên nhóm Proud Boys tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump ở Washington, DC, hôm 12 Tháng Mười Hai. (Hình: AP Photo/Luis M. Alvarez) |
Năm tuần qua, Tổng Thống Trump liên tục tuyên bố ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử 3 Tháng Mười Một, và cáo buộc có gian lận lan tràn nhưng không đưa ra chứng cứ.
Tuy nhiên, các tiểu bang đều giữ đúng kết quả mà họ chứng nhận, còn tòa án liên tục bác đơn kiện của phía Trump đòi hủy chiến thắng của ông Biden.
Theo kết quả mà các tiểu bang chứng nhận, ông Biden giành được 306 phiếu đại cử tri – vượt xa mức 270 phiếu cần thiết để đắc cử. Trong khi đó, ông Trump được 232 phiếu. (Th.Long) [qd]
TTO - Hạ nghị sĩ Paul Mitchell, một đảng viên Cộng hòa ở Michigan, tuyên bố ông sẽ rút khỏi đảng vì 'ghê tởm' các nỗ lực đảo ngược kết quả. 'Nếu không chấp nhận được chuyện thắng thua thì không nên làm chính trị', ông Mitchell nêu quan điểm.
Hạ nghị sĩ Paul Mitchell - Ảnh: AFP |
"Đảng Cộng hòa phải đứng lên vì nền dân chủ và hiến pháp trước tiên, chứ không phải vì các suy xét chính trị. Không phải để bảo vệ ứng viên, không phải vì quyền lực chính trị", ông Mitchell nói trong chương trình "The Lead" của CNN ngày 14-12.
"Cựu" đảng viên Cộng hòa nói ông "ghê tởm và thất vọng với nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump" nên đã gởi thông báo tới một quan chức hạ viện, yêu cầu ghi lập trường đảng phái của ông là "độc lập".
Trong một lá thư gởi tới lãnh đạo D9ảng Cộng hòa, ông Mitchell cũng tuyên bố sẽ rút khỏi các hoạt động của đảng này ở cả cấp tiểu bang lẫn liên bang.
Hạ nghị sĩ Mitchell đắc cử lần đầu tiên vào năm 2016, trong cuộc bầu cử mà Đảng Cộng hòa giành chiến thắng và kiểm soát Nhà Trắng lẫn lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Với khối tài sản gần 40 triệu USD, ông là một trong các nghị sĩ giàu nhất nước Mỹ và sẽ nghỉ hưu vào tháng 1 năm tới.
Lá thư của ông Mitchell gởi tới lãnh đạo Đảng Cộng hòa đầy những lời chỉ trích. Ông cáo buộc thay vì lên tiếng bảo vệ quy trình bầu cử của nước Mỹ, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa "lại túm tụm và dung túng cho các thuyết âm mưu gian lận trong bầu cử".
"Bất kỳ ai làm chính trị cũng phải sẵn sàng chấp nhận chuyện thắng thua. Tôi từng thắng cũng từng thua. Thua rất đau, nhưng nếu không sẵn sàng chấp nhận điều đó, không nên làm chính trị. Đất nước này cần thái độ nhận thua đẹp, nhưng thật không may chúng ta lại không nhìn thấy nhiều như kỳ vọng", ông Mitchell viết.
Sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa là điều đã được báo trước sau bầu cử nhưng ngày càng thể hiện rõ hơn.
Hồi tuần trước, 126 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã cùng ký vào một lá đơn thể hiện sự ủng hộ với đơn kiện của bang Texas nhằm hủy bỏ kết quả ở 4 bang chiến địa. Vụ việc sau đó bị Tòa tối cao từ chối thụ lý.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks, một đồng minh thân cận của ông Trump, kế đó tuyên bố sẽ kích hoạt một đạo luật có từ năm 1887 nhằm hủy bỏ lá phiếu của đại cử tri. Để làm được điều này, ông Brooks cần sự ủng hộ của ít nhất 1 thượng nghị sĩ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thượng nghị sĩ Cộng hòa nào lên tiếng ủng hộ hành động của ông Brooks. Một vài người đã ngầm tuyên bố ông Biden là người chiến thắng khi khẳng định họ tôn trọng lá phiếu của các đại cử tri và hệ thống cử tri đoàn.
WASHINGTON, DC (NV) – Ông Stephen Miller, cố vấn Tòa Bạch Ốc, tuyên bố các đại cử tri “tự phong” cũng sẽ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống ngày hôm nay, và sẽ gởi kết quả đến Quốc Hội, theo báo mạng The Hill.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News ngày Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, cố vấn Miller tuyên bố: “Ngay trong lúc này, các đại cử tri ‘tự phong’ ở những tiểu bang tranh chấp đang bỏ phiếu, và sẽ gửi kết quả đến Quốc Hội.”
Cố vấn Miller: “Ngay lúc này, các đại cử tri ‘tự phong’ ở những tiểu bang tranh chấp đang bỏ phiếu.” (Hình: Anna Moneymaker-Pool/Getty Images) |
“Tiến trình này sẽ bảo đảm tất cả các phương tiện pháp lý đều mở ngõ. Có nghĩa là nếu chúng ta thắng các vụ kiện gian lận thì chúng ta sẽ đưa ra xác nhận chính thức những kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ‘tự phong’ này.”
Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, hôm nay, là ngày các đại cử tri chính thức được các tiểu bang xác nhận đến thủ phủ của tiểu bang mình để bỏ phiếu bầu tổng thống.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, các đại cử tri sẽ chính thức bầu ông Joe Biden là tổng thống kế tiếp dựa theo kết quả của cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu của đại cử tri hôm nay sẽ được gửi đến Quốc Hội, và vào ngày 6 Tháng Giêng, năm 2021, sẽ được công bố chính thức.
Kể từ khi lập quốc cho đến nay, nước Mỹ chưa bao giờ xảy ra tình trạng như hiện tại đó là sau khi các tiểu bang đã xác nhận kết quả bầu cử mà một trong hai ứng cử viên vẫn không chấp nhận thua cuộc.
Các đại cử tri tiểu bang Georgia tuyên thệ tại toà nhà Quốc Hội tiểu bang trong ngày Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai. (Hình: Jessica McGowan/Getty Images) |
Khi đưa ra ý tưởng các đại cử tri “tự phong” rồi tự bỏ phiếu và gửi kết quả cho Quốc Hội, ông Miller bộc lộ ý tưởng về chuyện ông Trump và đồng minh tìm mọi cách và bằng mọi cách để lật ngược kết quả bầu cử.
Trong Hiến Pháp nước Mỹ và tiến trình bầu cử các tiểu bang, không hề có khái niệm đại cử tri “tự phong” là đại diện cho tiếng nói của cử tri của xứ sở này. (MPL) [kn]
WASHINGTON, DC (NV) – Các cố vấn Tòa Bạch Ốc cảnh cáo hậu quả nguy hiểm về mặt pháp lý khiến Tổng Thống Donald Trump phải ngừng tay khi ông gần sắp sa thải Giám Đốc FBI Christopher Wray.
Đài NBC News loan tin trên, hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười Hai, dẫn lời một giới chức hành pháp cao cấp trực tiếp liên quan đến sự việc và một giới chức khác biết rõ về cuộc thảo luận.
Ông Christopher Wray, giám đốc FBI, cho biết không có bằng chứng về một vụ gian lận bầu cử sâu rộng, khi điều trần trước Quốc Hội. (Hình: Tom Williams-Pool/Getty Images) |
Các luật sư Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh hành động sa thải ông Wray đưa ra hình ảnh tệ hại cho tổng thống.
Đó là tạo tiền lệ giám đốc cơ quan điều tra liên bang FBI phải tỏ ra “trung thành” với nhà lãnh đạo quốc gia thay vì hành xử độc lập và dựa trên nền tảng pháp trị.
Ông Pat Cipollone, trưởng nhóm luật sư Tòa Bạch Ốc, chỉ ra rằng sa thải thêm một vị giám đốc FBI nữa sẽ dấy lên những vấn đề về pháp lý tương tự trường hợp Tổng Thống Trump sa thải ông James Comey, cựu giám đốc cơ quan này hồi năm 2017, liên quan đến vụ điều tra thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Các cố vấn cho rằng việc sa thải ông Wray có thể trở thành biểu tượng của sự trả đũa khi ông Trump liên tục công khai gây áp lực vị giám đốc FBI này phải điều tra những cáo buộc mang tính chính trị liên quan đến cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua, chẳng hạn đòi điều tra ông Hunter Biden, con trai đối thủ trong cuộc tranh cử của tổng thống là một ví dụ.
Rồi khi vị giám đốc FBI không hành động theo gợi ý, ông Trump cũng công khai chỉ trích.
Chưa hết, khi ông Wray ra điều trần trước Quốc Hội, tuyên bố không có bằng chứng về một vụ gian lận bầu cử ở mức độ lớn và sâu rộng, thì ông Trump cũng công khai không giấu diếm thái độ ác cảm với vị giám đốc FBI.
Cũng trong cùng thời gian, không chỉ ông Wray là đối tượng bị bài bác, còn có ông William Barr, bộ trưởng Tư Pháp, cũng nằm trong tầm ngắm của những tin nhắn và tuyên bố công khai của tổng thống.
Tương tự ông Wray, Bộ Trưởng Barr cũng tuyên bố hoàn toàn ngược lại những cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ của ông Trump và đồng minh.
Giám Đốc FBI Christopher Wray (trái) và Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr (phải). (Hình: Bill Pugliano/Getty Images) |
Giữa lúc còn đang chỉ trích vị bộ trưởng Tư Pháp dữ dội, Tổng Thống Trump nhận thư từ chức của ông Barr vào Thứ Hai vừa qua.
Trước ngày bầu cử 3 Tháng Mười Một, các vị như Mark Esper, bộ trưởng Quốc Phòng; William Barr, bộ trưởng Tư Pháp; Christopher Wray, giám đốc FBI; và bà Gina Haspel, giám đốc CIA đều được dự đoán bị tổng thống sa thải vì không tỏ cùng quan điểm trên nhiều hồ sơ chính sách và đặc biệt là những tố cáo gian lận vô căn cứ về việc bỏ phiếu bằng thư.
Người đầu tiên trong số này bị sa thải sau ngày bầu cử là ông Mark Esper, bộ trưởng Quốc Phòng, thành viên nội các không đồng ý về quan điểm với tổng thống về việc dùng quân đội trấn áp người biểu tình và thay thế tên có liên quan đến phe miền Nam, trong cuộc nội chiến, tại một số căn cứ quân sự.
Một viên chức cao cấp khác trong chính phủ bị sa thải sau ngày bầu cử là ông Christopher Krebs, cựu giám đốc an ninh giám sát bầu cử của Bộ Nội An, vì tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 là an toàn và an ninh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với Tổng Thống Trump.
Ông Christopher Wray (trái), giám đốc FBI; và bà Gina Haspel (phải), giám đốc CIA. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images) |
Vì chuyện này, theo lời hai giới chức nói với NBC, ông Trump đã lên tiếng đe doạ sa thải ông Chad Wolf, quyền bộ trưởng Nội An, cấp trên trực tiếp của ông Krebs.
Tuy nhiên, một số cố vấn đã thuyết phục được tổng thống lưu nhiệm ông Wolf vì tạo hình ảnh hoàn toàn bất lợi cho những vụ kiện đòi lật kết quả bầu cử.
NBC cũng cho biết sau khi ông Esper bị sa thải, bà Gina Haspel, giám đốc CIA, đã thu dọn đồ cá nhân trong phòng làm việc và chuẩn bị bước ra bất kỳ lúc nào.
Nhiều cựu giới chức cũng như đương nhiệm nhận xét Giám Đốc FBI Christopher Wray có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, vì ông Trump có thói quen hành xử tùy tiện theo cảm tính.
“Chúng tôi cũng đã sẵn sàng trước hoàn cảnh ông Trump sa thải hàng loạt nhiều người trước khi hết quyền tổng thống vào tháng tới,” một trong hai giới chức nói với NBC News.(MPL)
LANSING, Michigan (NV) – Một dân biểu cấp tiểu bang, thuộc đảng Cộng Hòa ở Michigan, hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, đã bị chính giới lãnh đạo trong đảng khiển trách và có biện pháp trừng phạt sau khi đưa ra phát biểu ngụ ý cho thấy ông và những người khác sẽ có hành vi bạo động gây cản trở cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri tại tòa nhà Quốc Hội tiểu bang ở thủ phủ Lansing.
Theo bản tin của báo địa phương Detroit News, Dân Biểu Gary Eisen, đại diện cho St.Clair Township, đưa ra lời phát biểu rằng phía Cộng Hòa vẫn còn có “biện pháp sau cùng” khi các đại cử tri phía Dân Chủ họp tại Lansing để bỏ phiếu cho Tổng Thống đắc cử Joe Biden.
Tòa nhà Quốc Hội tiểu bang Michigan tại thành phố Lansing. (Hình: Elaine Cromie/Getty Images) |
Người điều khiển chương trình phát thanh, ông Paul Miller, hỏi ông Eisen vào lúc cuối của cuộc phỏng vấn dài 11 phút rằng: “Ông có thể bảo đảm với tôi rằng hôm nay sẽ là ngày an toàn ở thành phố Lansing, không có ai bị thương tích gì, hay không?”
Ông Eisen trả lời rằng: “Không. Tôi không biết vì điều chúng tôi sẽ làm hôm nay là điều chưa hề có ai làm.”
Eisen nói những gì sẽ xảy ra ở Lansing là “có tính cách lịch sử” và “sẽ được mọi cơ quan truyền thông loan tải.”
Khi lời phát biểu của ông Eisen bắt đầu gây xáo động trên trang mạng xã hội, lãnh đạo phía đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện Michigan loan báo rằng Eisen sẽ bị cấm không cho dự vào bất cứ ủy ban nào của Hạ Viện từ nay cho tới hết khóa họp năm nay.
Đại cử tri Michael Kerwin, 96 tuổi, đi cùng với con gái, với sự hộ tống của cảnh sát, để đến nơi bỏ phiếu. (Hình: Elaine Cromie/Getty Images) |
Chủ tịch Hạ Viện Michigan, ông Lee Chatfield (Cộng Hòa-Levering), nói rằng: “Chúng ta, với tư cách là các nhà dân cử, phải cho thấy rõ rằng bạo động không có chỗ đứng trong tiến trình dân chủ ở đất nước này. Chúng ta phải tự mình có tiêu chuẩn cao hơn.”
Hôm Thứ Hai, tất cả 16 đại cử tri đã hoàn tất thủ tục bỏ phiếu cho Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris. (V.Giang) [kn]
WASHINGTON, DC (NV) – Ông Jared Kushner, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump, bị nghi tạo công ty bình phong để bí mật dùng tiền quỹ tranh cử trả cho thành viên gia đình của gia đình nhà vợ.
Cố vấn Jared Kushner (trái) và Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Mandel Ngan/AFP via Getty Images) |
Tạp chí Business Insider cho biết ông Kushner bị tố cáo chuẩn thuận tạo một công ty bình phong trả khoảng một nửa trong tổng số $1.26 tỷ trong quỹ tranh cử của Tổng Thống Trump.
Một người trong vòng liên quan tố cáo ông Kushner chỉ đạo ông John Pence, cháu trai Phó Tổng Thống Mike Pence; ông Sean Dollman, trưởng ban tài chánh ban tranh cử của tổng thống; và bà Lara Trump, con dâu và cố vấn ban tranh cử của Tổng Thống Donald Trump, nằm trong hội đồng quản trị các công ty bình phong này.
Đó là hai công ty America Made Media Consultants Corp. và American Made Media Consultans LLC (viết tắt AMMC).
Việc tạo ra công ty bình phong nhằm mục đích che giấu chi tiết tài chánh và chi phí hoạt động trước pháp luật, đặc biệt khi ban tranh cử của Tổng Thống Trump đã trả một số tiền khổng lồ $617 triệu cho hai công ty trên trong các chi phí tái tranh cử từ Tháng Giêng, 2019, đến Tháng Mười Một, 2020.
Bà Lara Trump, con dâu và cố vấn ban tranh cử của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images) |
Hai công ty bình phong trên được thành lập từ Tháng Tư, 2018, và hoạt động như một ban tranh cử nằm trong một chiến dịch tranh cử, nhằm chi tiền ra cho các cố vấn hàng đầu và thành viên gia đình của tổng thống.
Qua việc chi trả cho các công ty bình phong, ban tranh cử của ông Trump không cần phải tuân thủ chi tiết về tài chánh theo luật định.
Theo những nguồn tin nội bộ cho biết các thành viên lãnh đạo ban tranh cử cũng không biết hết hoạt động của hai công ty này và ban điều hành chiến dịch tranh cử phải tổ chức một cuộc kiểm toán nội bộ, nhưng kết quả cuộc kiểm toán không được công khai.
Phản hồi trước sự việc, ông Tim Murtaugh, giám đốc thông tin liên lạc của ban tranh cử Tổng Thống Trump, gởi ra thông báo: “Bà Lara Trump và ông John Pence từ chức khỏi hội đồng quản trị AMMC vào Tháng Mười, 2019, để tập trung hoạt động tranh cử, tuy nhiên, không hề có lý do đạo đức hay pháp lý để họ không tiếp tục ngồi trong hội đồng.”(MPL) [qd]
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP |
Nhà Trắng đã nhận được hàng trăm yêu cầu ân xá từ các đồng minh của Tổng thống Trump trong bối cảnh ông sắp rời nhiệm sở.
Khi ông Joe Biden đã được Đại cử tri đoàn xác nhận và sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, Tổng thống Trump trước khi rời nhiệm sở được cho là sẽ sử dụng quyền ân xá để bảo vệ các đồng minh thân cận khỏi bị truy tố trong tương lai.
Khi nhiệm kỳ của ông Trump sắp kết thúc, Nhà Trắng đã nhận được vô số đề nghị được xem xét ân xá từ những đồng minh của tổng thống.
Theo các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, những người muốn được ân xá đã liên hệ trực tiếp với chính quyền thông qua con rể là Jared Kushner - cố vấn cấp cao của ông Trump, cũng như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone, khi không thể liên lạc trực tiếp với Tổng thống.
“Điều này thật điên rồ. Có rất nhiều yêu cầu ân xá được gửi đến”, một người quen thuộc với nguồn tin nói.
Nguồn tin cho biết, “mọi người đều cho rằng không có quy trình chính thức nào và họ nên liên hệ trực tiếp với chính quyền ông Trump”.
“Họ đều hy vọng có các mối quan hệ thân thiết để quan chức Nhà Trắng quan tâm đến email của họ”, một quan chức nói.
Nhiều người đang tìm kiếm sự ân xá khi hy vọng rằng, lòng trung thành với Tổng thống Trump trong suốt 4 năm nhiệm kỳ vừa qua sẽ được đền đáp.
Theo CNN, hơn 20 đồng minh thân cận của ông Trump đang được xem xét ân xá. Họ là những người mà Tổng thống tin rằng đã bị nhắm đến vì các lý do chính trị. Hàng trăm yêu cầu ân xá được gửi trực tiếp đến Nhà Trắng và hàng chục nghìn người hiện đang chờ Bộ Tư pháp xem xét.
Vào tháng 11, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh ân xá cho cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người từng nhận tội khai man với FBI trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo CNN, Allen Weisselberg, Giám đốc tài chính của Trump Organization, người đang bị các nhà điều tra theo dõi vì cáo buộc liên quan đến hối lộ, cũng đang được cân nhắc ân xá.
Đầu tuần này, các quan chức lưu ý rằng, việc Tổng thống Trump tự ân xá cho chính mình trước khi rời Nhà trắng cũng đang được xem xét./.