The Hill
Tác giả: Juan Williams
Dịch giả: Dương Lệ Chi
10-1-2021
Những kẻ bạo loạn đang tiến vào tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Nguồn: Getty Images |
Chuyện gì xảy ra nếu… họ đã bắt được một thượng nghị sĩ làm con tin?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ bắt cóc Phó Tổng thống Pence?
Hãy nghĩ về điều đó.
Lúc đó Quốc hội không thể chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Điều đó sẽ mở rộng quyền kiểm soát của Tổng thống Trump đối với tòa Bạch Ốc – và quân đội – có thể qua khỏi Ngày Nhậm Chức cho đến khi những kẻ cực đoan động lòng thương.
Những kẻ gây bạo loạn của Trump chỉ muốn một cuộc đảo chính như thế. Và họ đã gần như có được.
Đây là giấc mơ cho những người theo chủ nghĩa thượng tôn sắc tộc da trắng bạo lực và những người trong nhóm Proud Boys, những người xem Trump là người bảo vệ sự thống trị của người da trắng và Cơ đốc giáo.
Tại tòa nhà Quốc hội (Capitol), họ vẫy cờ Liên minh và mặc áo phông có khẩu hiệu bài Do Thái. Một người đàn ông mặc áo có mũ với khẩu hiệu “Trại Auschwitz”. (ND: Trại Auschwitz là trại tập trung của Đức Quốc xã dựng lên ở Ba Lan).
Nhiều năm qua, họ nói về việc hành hình những người theo chủ nghĩa tự do, khiến họ phải treo một chiếc thòng lọng từ giá treo cổ bằng gỗ mà họ dựng lên ở National Mall.
Những lời kêu gọi bạo lực của họ phù hợp với hồ sơ của những người đã biến cậu bé Kyle Rittenhouse trở thành anh hùng mạng xã hội, khi đó cậu mới 17 tuổi, đã giết chết hai người đàn ông trong cuộc biểu tình về vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen ở Kenosha, Wisconsin, hồi năm ngoái. Rittenhouse, năm nay 18 tuổi, hồi tuần trước đã không nhận tội với mọi cáo buộc phạm tội của cậu ta, mà cậu ta nói rằng [cậu ta giết người] là để tự vệ.
Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ của Trump tại Capitol cũng phù hợp với đám đông bị buộc tội lên kế hoạch bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer (đảng Dân chủ) hồi năm ngoái, trong một nỗ lực khác nhằm lật đổ nước Mỹ như một đất nước của luật pháp.
Những người này vui vẻ bơi trong một thực tế ảo tưởng, đầy rẫy những lời nói dối hèn hạ và những thuyết âm mưu triệt để, được truyền thông cánh hữu cung cấp cho họ.
Lời nói dối lớn trong phòng tạo tiếng vang đó là, Trump đã thắng cuộc bầu cử hồi tháng 11.
Đó là lời nói dối mà Trump đã lặp đi lặp lại khi bạo lực ở Capitol đang lên cơn thịnh nộ.
Ông ta đã tweet rằng “chúng tôi đã có một cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi chúng tôi”.
Trước đó, tại một cuộc tập họp gần tòa Bạch Ốc, Trump đã kích động những người nổi loạn của mình bằng cách nói: “Không bao giờ nhượng bộ [cuộc bầu cử] – bạn không nhượng bộ khi có trộm cắp liên quan”.
Trong khi đám đông hô vang “Chiến đấu cho Trump”, tổng thống yêu cầu những người trung thành của ông tuần hành đến Capitol khi Quốc hội chuẩn bị chứng nhận kết quả bầu cử.
Ông ta vẫn chưa ngưng.
Khi cuộc tấn công đang diễn ra, ông ta đã tấn công Phó Tổng thống Pence, nói rằng Pence là một người thiếu “can đảm để làm điều đáng lẽ phải làm để bảo vệ đất nước của chúng ta” và ngăn Quốc hội chứng nhận cuộc bầu cử.
Lời nói dối rằng Trump đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống, được lặp đi lặp lại bởi những kẻ cực hữu trên các đài phát thanh, truyền hình và mạng xã hội của Trump.
Theo một cuộc thăm dò của Fox News được thực hiện trước Giáng sinh, 36% người Mỹ – gồm 68% đảng viên đảng Cộng hòa – tin rằng, cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi Trump.
Và 45% đảng viên Cộng hòa đã tán thành cuộc bao vây Capitol trong một cuộc thăm dò nhanh của YouGov được thực hiện một ngày sau cuộc tấn công.
Tháng trước, Rush Limbaugh, ông hoàng của đài phát thanh bảo thủ, đã nêu lên bóng ma ly khai: “Tôi thật sự nghĩ rằng, chúng ta đang có xu hướng ly khai”.
Vào buổi sáng ngày xảy ra vụ tấn công, luật sư Rudy Giuliani của Trump nói với đám đông: “Hãy thử bằng cách chiến đấu!”
Thêm vào căng thẳng là đảng Dân chủ giành được hai ghế Thượng viện ở Georgia vào đêm trước – trao cho đảng Dân chủ quyền kiểm soát Thượng viện.
Bây giờ câu hỏi nhức nhối đối với Biden là làm thế nào để đưa đất nước trở lại với nhau khi những người cực hữu không muốn hàn gắn.
Ông ấy có thể làm gì khi các chính trị gia đảng Cộng hòa gây quỹ bằng cách từ chối lời mời thỏa hiệp?
Biden có thể làm gì khi 2/3 dân biểu đảng Cộng hòa trong cuộc họp kín của đảng ở Hạ viện, đã bỏ phiếu không xác nhận việc bầu ông làm tổng thống?
Bất cứ ai đó có thể làm gì với những kẻ phân biệt chủng tộc coi mình là nạn nhân của “văn hóa đúng đắn về chính trị” khi họ bị thách thức vì phỉ báng bình đẳng chủng tộc và bị chỉ trích vì thích cai trị bằng đám đông, thay vì bằng pháp quyền?
“Câu hỏi đặt ra là liệu… nước Mỹ đang bắt đầu suy tàn vào kỷ nguyên thậm chí còn đen tối hơn và chia rẽ hơn hay là sự kết thúc của một kỷ nguyên”, báo New York Times có bài bình luận này, một ngày sau vụ tấn công vào Capitol.
Bài báo kêu gọi các đảng viên Cộng hòa bên ngoài hàng ngũ phe cực đoan của họ vươn lên “để bảo vệ quốc gia mà họ đã tuyên thệ phục vụ“.
Những ngày trước cuộc tấn công, một số đảng viên Cộng hòa trong quân đội và trong giới kinh doanh đã lên tiếng phản đối việc Trump từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử.
Mười cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, gồm có cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, đã ký một thông báo chưa từng có, đăng trên báo The Washington Post, kêu gọi quân đội tránh xa các cuộc tranh chấp tổng thống.
Sau vụ tấn công, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà Sản xuất Quốc gia (National Association of Manufacturers) thậm chí còn kêu gọi Pence “xem xét nghiêm túc” việc sử dụng Tu chính án thứ 25 để loại bỏ Trump khỏi nhiệm sở.
Bây giờ liệu họ sẽ hỗ trợ lời nói của họ bằng hành động và từ chối đóng góp vào Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của đảng Cộng hòa, đảng đã tiếp tay cho cuộc đảo chính?
Quá đủ rồi.
Trong tuần sau cuộc bầu cử, tôi đã viết trong mục này, như sau:
“Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, Tổng thống đắc cử Biden nói: ‘Đây là thời điểm để hàn gắn nước Mỹ’. Đúng vậy, đất nước cần được hàn gắn. Nhưng sự trung thực và trách nhiệm giải trình là một phần của sự hàn gắn quốc gia”.
Và trong một nền dân chủ, trách nhiệm giải trình đòi hỏi đám đông của Trump phải nhận hậu quả. Chúng ta vừa có một lời cảnh báo ớn lạnh về tình trạng mong manh của nền dân chủ của chúng ta.
Không thể nào cố gắng lập luận với những người đã sử dụng hành động bạo lực để phá bỏ trụ cột quan trọng nhất trong thiết kế của các Nhà Lập Quốc – sự ổn định chính trị dựa trên quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người, như nó được viết trong luật pháp và Hiến pháp của chúng ta.
Bắt giữ những kẻ bạo loạn; luận tội Trump.
___
Juan Williams là tác giả các bài báo và là một nhà phân tích chính trị cho kênh Fox News.
Điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/01/2021. Các dân biểu Hạ Viện Mỹ vừa khởi động thủ tục truất phế tổng thống Trump. REUTERS - JOSHUA ROBERTS |
Với mục tiêu buộc Donald Trump rời Nhà Trắng trước ngày kết thúc nhiệm kỳ, phe Dân Chủ, chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ, đang tiến hành nhiều thủ tục gây áp lực : hoặc tổng thống từ chức hoặc bị truất phế.
Năm ngày sau vụ trụ sở Quốc Hội Mỹ bị những người ủng hộ tổng thống Donald Trump tấn công và chín ngày trước khi tổng thống tân cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, đảng Dân Chủ phản công ráo riết.
Như đã thông báo trước, hôm thứ Hai, 11/01/2021, phe Dân Chủ, chiếm đa số tại Hạ Viện, đã đệ trình một dự thảo nghị quyết, một bản cáo trạng buộc tội tổng thống Donald Trump « kích động nổi loạn », trong khuôn khổ thủ tục truất phế.
Cùng lúc đó, phe Dân Chủ cũng yêu cầu phó tổng thống Mike Pence, chiếu theo tu chính án thứ 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, ngưng chức một vị tổng thống thiếu khả năng đảm nhiệm chức vụ. Yêu sách này sẽ được Hạ viện thảo luận và biểu quyết trong ngày thứ Ba. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi kỳ hạn cho phó tổng thống Mike Pence 24 giờ để trả lời, một khi yêu sách được thông qua.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, cả hai kịch bản này đều khó mang lại kết quả vì phó tổng thống và các nhà lập pháp Cộng Hòa không có vẻ ủng hộ giải pháp tu chính án 25 và thời gian còn lại quá eo hẹp.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
Trong khuôn khổ tu chính án thứ 25, dù nghị quyết có được Hạ Viện thông qua, gần như là không thể áp dụng được.Yêu sách kỳ hạn cho phó tổng thống Mike Pence, trong vòng 24 giờ truất phế tổng thống Donald Trump, sẽ được biểu quyết trong phiên họp ngày thứ Ba.
Nhưng phó tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ từ chối truất quyền tổng thống. Hôm thứ Hai, Mike Pence đã gặp Donald Trump tại Nhà Trắng lần đầu tiên từ khi xảy ra vụ bạo lực tại trụ sở Quốc Hội. Theo báo chí Mỹ, hai ông Pence và Trump đồng lòng tiếp tục làm việc chung cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống.
Trong bước áp lực khác, phe Dân Chủ khởi động một thủ tục mới để truất phế Donald Trump, đệ trình bản cáo trạng buộc tội tổng thống kích động biểu tình bạo động, tấn công vào Quốc Hội.Thứ Tư 13/01, Hạ viện sẽ thảo luận và biểu quyết, nhưng không ai biết khi nào tiến trình truất phế sẽ lên Thượng Viện.
Đảng Dân Chủ cũng không muốn những ngày đầu tiên nhiệm kỳ của Joe Biden bị xáo trộn với các cuộc điều trần làm mất nhiều thời giờ của các nghị sĩ.
Dù kết cuộc ra sao, Donald Trump có nhiều rủi ro trở thành vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ hai lần bị truy tố trong khuôn khổ thủ tục tố tụng nhục nhã này.
11/01/2021 - Thanh Hà - rfi.fr
Phải chăng Donald Trump sẽ là người đầu tiên hai lần đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ ? Năm ngày sau vụ bạo loạn tại Quốc Hội, hôm 11/01/2020 Hạ Viện Mỹ bắt đầu « hành động » để cách chức tổng thống Trump. Ngày càng có nhiều chính khách ngay trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa kêu gọi Donald Trump ra đi trước khi mãn nhiệm.
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bên đảng Dân Chủ hôm 10/01/2021 thông báo sẽ có một loạt « hành động » để buộc Donald Trump từ bỏ chức vụ tổng thống trước ngày chuyển giao quyền lực 20/01/2021. Bởi vì đương kim chủ nhân Nhà Trắng là một « mối đe dọa tiềm tàng » đối với nền dân chủ Mỹ và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Trước tiên, phe Dân Chủ sẽ đề nghị phó tổng thống Mike Pence kích hoạt điều khoản 25 tu chính án trong bản Hiến Pháp để truất phế tổng thống với lý do ông này mất khả năng điều hành đất nước. Một số nghị sĩ của bên đảng Cộng Hòa thiên về giải pháp này và muốn tránh để Donald Trump thêm một lần nữa phải đối mặt với thủ tục luận tội truất phế tổng thống trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trải qua khủng hoảng cả về mặt chính trị, y tế lẫn kinh tế.
Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York nhấn mạnh đến một tuần lễ đầy căng thẳng đang mở ra với ông Donald Trump :
« Các điều khoản luận tội nhắm vào Donald Trump có thể phải được hoàn tất trong ngày hôm nay. Xúi giục nổi dậy sau vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội đã đành nhưng có thể kèm theo đó là tội danh gây áp lực với các quan chức để làm thay đổi kết quả bầu cử. Bên đảng Dân Chủ đang tính đến khả năng đưa ra thêm tội danh thứ nhì này sau khi ông Trump gọi điện thoại cho tổng thư ký đặc tránh về bầu cử của bang Georgia. Trong cuộc điện đàm này, nhà tỷ phú Mỹ rõ ràng đã đòi kiểm lại phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống.
Một khi các điều khoản luận tội được hoàn tất, các dân biểu ở Hạ Viện có thể bỏ phiếu vào thứ Ba hoặc thứ Tư. Tuy mục đích đề ra là truất phế tổng thống Trump sớm chừng nào tốt chừng nấy, nhưng đảng Dân Chủ có thể sẽ không chuyển ngay lên Thượng Viện bản luận tội. Theo lời ông James Clyburn, một trong những phụ tá của bà Nancy Pelosi ở Hạ Viện, đảng Dân Chủ không muốn để phiên xử phế truất Donald Trump làm lu mờ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Bởi vì cần ưu tiên nhanh chóng phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên nội các của tân tổng thống, cũng như các biện pháp cần thiết nhằm đối phó với khủng hoảng y tế và kinh tế. Phiên xử vụ truất phế Donald Trump có thể diễn ra nhiều tuần lễ sau khi ông đã rời Nhà Trắng ».
Theo thăm dò của đài truyền hình ABC News/Ipsos được công bố ngày Chủ Nhật 10/01/2021 56 % những người được hỏi cho rằng tổng thống Donald Trump nên từ chức trước khi mãn nhiệm.
GETTY IMAGES - Người gây bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội với cờ Trump |
Nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp vì cuộc bạo loạn tuần trước ở Washington.
Ít nhất một chục công ty lớn của Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ cắt các khoản đóng góp tài chánh cho những chính trị gia đã bỏ phiếu để thách thức chiến thắng của Joe Biden.
Những công ty tham gia vào một danh sách tẩy chay ngày càng tăng gồm khách sạn khổng lồ Marriott, Citibank và các công ty công nghệ lớn như Google.
Các nhà tài trợ khác đang cân nhắc lại chiến lược tài trợ của họ sau khi những người ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol.
Ít nhất năm người chết trong vụ tấn công, đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Các nhà tài trợ doanh nghiệp thường rải tiền của họ rộng rãi khắp Washington, đóng góp cho cả hai bên.
Tuy nhiên, nhiều người hiện đang xét lại các khoản đóng góp này sau phản ứng dữ dội của công chúng về các cuộc tấn công.
Gã khổng lồ kế toán Deloitte, công ty viễn thông AT&T và các công ty thẻ tín dụng American Express và Mastercard đều nói họ sẽ ngưng các khoản đóng góp tài chánh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các chính sách cộng đồng của mình bằng cách cấm thành viên các nhóm thù địch bạo lực thuê phòng, khi chúng tôi biết về các thành viên như vậy,'' công ty cho thuê bất động sản Airbnb nói.
Công ty cam kết sẽ "cập nhật khuôn khổ của mình và thôi không ủng hộ những người đã bỏ phiếu chống lại việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống".
Nhà sản xuất thiệp chúc mừng Hallmark, một công ty lớn ở Kansas, thậm chí đã yêu cầu hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của tiểu bang, những người phản đối kết quả bầu cử, phải hoàn lại tiền tài trợ.
Công ty hóa chất khổng lồ Dow còn đi xa hơn nhiều công ty khác, tuyên bố sẽ ngưng các khoản đóng góp cho toàn bộ nhiệm kỳ của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa - lên đến sáu năm cho những người ở Thượng viện.
Việc đình chỉ tài trợ của General Electric sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2022. Sau đó, một ban nhân viên giám sát ủy ban hành động chính trị của công ty sẽ xét lại các yêu cầu hỗ trợ cho những nhà lập pháp phản đối chứng nhận "trên cơ sở từng trường hợp".
Các gã khổng lồ công nghệ Amazon, Facebook, Google, Microsoft và Verizon đã cùng với các ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs tạm thời đình chỉ mọi hoạt động tài trợ chính trị.
Chuỗi khách sạn Hilton, công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab và tập đoàn sản xuất 3M cũng vậy.
Chưa rõ các quyết định này sẽ có tác động gì.
Hoạt động gây quỹ hiện đang tạm lắng sau bầu cử ở Washington, giúp các doanh nghiệp và nhóm thương mại có thời gian để tìm ra cách tiếp cận của họ.
Hôm thứ Hai, cổ phiếu của Twitter giảm khoảng 6%, xóa sạch 2 tỷ đôla khỏi giá trị của công ty trong ngày đầu tiên giao dịch, sau khi Twitter cấm Donald Trump không được dùng nền tảng nhắn tin này.
Joe Tidy
Phóng viên mạng
GETTY IMAGES |
Nếu bạn có bao giờ cần bằng chứng về sức mạnh của "Big Tech" (Gã khổng lồ công nghệ) thì sự sụp đổ của mạng Parler vào rạng sáng thứ Hai là một khởi đầu tốt.
Tôi, cũng như nhiều người khác, đăng nhập vào mạng xã hội gây tranh cãi để xem chuyện gì sẽ xảy ra sau 11:59 theo múi giờ Thái Bình Dương ở Mỹ.
Đó là thời hạn mà Amazon đưa ra để ứng dụng này phải tìm kiếm một dịch vụ lưu trữ mới trước khi nó bỏ Parler khỏi mạng vì nền tảng này bị cáo buộc chứa nội dung bạo động.
Đây được xem là một thời điểm trọng đại trong những nỗ lực không ngừng của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhằm "trục xuất" Donald Trump và một số người ủng hộ cực đoan của ông khỏi nền tảng của mình sau cuộc bạo động ở Đồi Capitol của Mỹ vào tuần trước.
Đồng hồ điểm 12 giờ và không có gì xảy ra. Tôi và hàng triệu người dùng khác vẫn có thể tìm kiếm và đăng bài như bình thường.
Nhưng sau đó, giống như phản ứng của chuỗi domino, người dùng trên khắp thế giới bắt đầu báo cáo có sự cố. Đối với tôi, vào khoảng 12 giờ 10, mọi thứ ngừng hoạt động hẳn. Không tìm được nội dung, tin nhắn để đọc.
Chỉ cần một cái búng tay là sau đó, Parler, một ứng dụng đang tăng trưởng nhanh chóng và được một số người coi là ứng dụng tự do ngôn luận thay thế cho Twitter, đã không còn nữa. Cho đến giờ.
Parler có thể và có khả năng sẽ tìm được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ mới nhưng mất Amazon Web Services (AWS) - nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web lớn nhất thế giới - đồng nghĩa là các nhà cung cấp lớn khác cũng sẽ có khả năng từ chối hoạt động kinh doanh của họ.
Nhà nghiên cứu đạo đức và công nghệ Stephanie Hare nói rằng đây không phải là lần đầu tiên một công ty công nghệ lớn của Mỹ gỡ một trang web vì những lý do tương tự.
"Hành động của Amazon nhằm vào Parler không phải là chưa có tiền lệ, vì chúng ta đã thấy các công ty khác của Mỹ như Cloudflare gỡ các dịch vụ phân phối nội dung và biện pháp chống DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán) vho trang web ủng hộ da trắng thượng đẳng The Daily Stormer năm 2017 và 8Chan vào năm 2019 sau khi các trang này đã được một tay súng sử dụng để đăng tải nội dung trước khi hắn ta tiếp tục thực hiện cuộc thảm sát người dân ở El Paso, Texas, "bà nói.
GETTY IMAGES - Trang Twitter của Trump vào ngày 8 tháng 1 năm 2020 |
Không chỉ AWS đã có hành động nhằm vào Parler. Google và Apple cũng đã loại bỏ dịch vụ này khỏi các kho ứng dụng của họ.
Một lần nữa, điều này không phải là chưa từng nghe qua.
Gab, một trang web khác tự gọi mình là nền tảng tự do ngôn luận nhưng bị cáo buộc là nơi trú ẩn của những kẻ cực hữu và cực đoan, cũng bị cấm trên các kho ứng dụng. Trang web vẫn có thể được truy cập thông qua trình duyệt web và tuyên bố rằng nó có sự gia tăng đột biến số lượng người dùng trong những ngày gần đây.
Và như một phần của chiến dịch truy quét các tài khoản liên quan đến cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội, hôm thứ Hai, Twitter thông báo họ đã khóa "hơn 70.000 tài khoản" có liên quan đến thuyết âm mưu QAnon.
Trong khi đó, Facebook nói rằng họ đang xóa tất cả nội dung đề cập đến "Stop the Steal" - khẩu hiệu liên can đến những tuyên bố không có cơ sở của ông Trump rằng cuộc bầu cử tháng 11 đã bị gian lận.
Dù vậy, điều chưa từng có tiền lệ là cách tiếp cận này được dùng để chống lại tổng thống.
YouTube đã xóa một số video của ông Trump nhưng nói rằng kênh của ông vẫn đang hoạt động hiệu quả trong một cơ hội cuối cùng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, mô tả là động thái này "đáng lo ngại".
Ủy viên EU, Thierry Breton, đã mô tả các sự kiện ở Đồi Capitol là "vụ 11/9 của mạng xã hội", và viết trên Politico rằng "việc một CEO có thể cấm túc tổng thống Mỹ mà không có sự kiểm chứng nào là điều gây bối rối."
Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock nói các mạng xã hội hiện đang "đưa ra các quyết định về nội dung", đồng thời nói thêm rằng các nền tảng đang "chọn ai nên và không nên được lên tiếng".
Trong một diễn biến khác, Alexei Navalny, chính trị gia Nga và cũng là người công khai chỉ tríchTổng thống Vladimir Putin, ví lệnh cấm ông Trump của Twitter là sự kiểm duyệt của nhà nước.
Ông đã tweet: "Lệnh cấm tiệt Donald Trump trên Twitter là một hành động kiểm duyệt không thể chấp nhận được. Tất nhiên, Twitter là một công ty tư nhân, nhưng chúng ta đã thấy nhiều ví dụ ở Nga và Trung Quốc về việc các công ty tư nhân như thế này đã trở thành người bạn thân thiết và là trợ thủ cho nhà nước khi nói đến chuyện kiểm duyệt. "
Thực tế là, mạng xã hội là các công ty tư nhân. Cũng giống như một câu lạc bộ thành viên riêng tư có thể đưa ra các quy tắc chung cho các thành viên của mình, những người như Mark Zuckerberg của Facebook hay Jack Dorsey, người sáng lập Twitter cũng thế.
Cho đến nay, một trong những quy tắc chính được áp đặt là xét nội dung của các chính trị gia quan trọng với đàm luận của công chúng.
Những nền tảng gồm Facebook và Twitter nói rằng, do đó, họ sẽ cho những người dùng tầm cỡ như Tổng thống Mỹ có sự linh động liên quan đến việc vi phạm chính sách người dùng.
Nhưng kể từ khi đại dịch virus corona khởi phát, mọi thứ đã thay đổi đáng kể và các công ty đã tăng hành động nhắm vào các nhà lãnh đạo thế giới.
Hồi tháng 3, Facebook và Twitter đã xóa các bài đăng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro vì thông tin sai lệch về Covid-19.
Mãi tận đến tháng 5, Twitter mới có hành động tương tự nhắm vào Tổng thống Mỹ khi những người điều phối đưa ra cảnh báo sau một dòng tweet mà họ nói rằng tán dương bạo lực.
Tổng thống đã tweet về các cuộc biểu tình Black Lives Matter nói rằng: "Khi cướp bóc bắt đầu, nổ súng cũng sẽ bắt đầu".
Nhà bình luận mạng xã hội Matt Navarra nói rằng lệnh cấm nhằm vào ông Trump đặt ra "tiền lệ then chốt" trong cách các nền tảng kiểm soát ai có thể sử dụng chúng và những gì người dùng có thể đăng.
Một số nhà phân tích cho rằng hành động này có thể là một bước ngoặt cho việc kiểm duyệt công nghệ trên toàn thế giới.
Hôm thứ Hai, Facebook thông báo đã xóa một mạng lưới các tài khoản mà họ cho là có liên kết trực tiếp với chính phủ Uganda và được sử dụng để thao túng cuộc bầu cử sắp tới.
Luật sư bảo mật kiêm nhà kỹ thuật Whitney Merrill gợi ý rằng động thái này cho thấy sự thay đổi trong quan điểm kiểm duyệt từ những gã khổng lồ công nghệ.
"Các quy tắc và hướng dẫn của mạng xã hội đang biến hóa theo thời gian là điều bình thường. Nhưng chúng đang không được áp dụng một cách nhất quán trên toàn thế giới. Tôi nghĩ việc tổng thống bị xóa sổ có thể là khởi đầu cho một cuộc thanh trừng các hành vi tương tự trên toàn cầu."
REUTERS |
Trong những giờ phút cuối cùng trên Twitter, ông Trump một lần nữa đổ lỗi cho một phần tiến trình lập pháp Mỹ, gọi khoản 230 là "cấm cản" tự do ngôn luận. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã dọa hủy bỏ luật này vốn cho các mạng xã hội miễn các trách nhiệm pháp lý đối với các bài viết của người dùng.
Nhiều người cho rằng việc loại bỏ sự bảo vệ này sẽ thực sự gây hại cho quyền tự do ngôn luận vì các mạng lưới sẽ bị buộc phải kiểm duyệt nhiều hơn so với hiện tại.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố rằng ông muốn hủy bỏ đạo luật để gia tăng kiểm duyệt và giảm sự lan truyền của tin tức giả.
Trong cùng dòng tweet cuối cùng, ông Trump nói rằng ông đang đàm phán với "nhiều trang web khác" và sẽ sớm có "một thông báo quan trọng".
Nếu những sự kiện trong những ngày gần đây cho thấy gì, thì Trump và nhiều ủng hộ viên của ông ta đã phải đối mặt với một cuộc chiến cam go không chỉ với các nhà lập pháp mà còn với các công ty công nghệ lớn trước khi có thể có chỗ đứng trên mạng xã hội dòng chính.
REUTERS - An ninh đã được tăng cường tại Điện Capitol của Mỹ sau vụ bạo lực gây chết người vào tuần trước |
FBI đang cảnh báo về khả năng các cuộc biểu tình có vũ trang sẽ diễn ra trên khắp nước Mỹ trong những ngày trước khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Có những báo cáo về việc các nhóm vũ trang đang lên kế hoạch tập hợp ở tất cả 50 tòa nhà quốc hội của các tiểu bang và ở Washington DC trước lễ nhậm chức ngày 20 tháng 1 của ông Biden.
Lo sợ xảy đến khi các kế hoạch an ninh được tăng cường chặt chẽ cho sự kiện này.
Hôm thứ Hai, ông Biden nói với các phóng viên rằng ông không sợ việc tuyên thệ nhậm chức bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Cả ông và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris dự kiến sẽ tuyên thệ bên ngoài tòa nhà, chỉ hai tuần sau khi nơi đây diễn ra cuộc bố ráp gây thương vong do những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump cực đoan gây ra nhằm phản đối kết quả bầu cử.
Giới chức an ninh cương quyết sẽ không để hành vi xâm phạm như ngày 6 tháng 1 tái diễn - khi hàng nghìn người ủng hộ Trump có thể xông vào các khu phức hợp nơi các thành viên Quốc hội đang bỏ phiếu để chứng nhận kết quả bầu cử.
Chad Wolf, lãnh đạo tạm quyền của Bộ Nội an ninh Nội địa hôm thứ Hai nói rằng ông ta đã chỉ đạo Mật vụ bắt đầu các chiến dịch đặc biệt để bảo vệ cho lễ nhậm chức vào thứ Tư - sớm sáu ngày - "sau khi xem xét các sự kiện tuần rồi cũng như bức tranh an ninh liên quan".
Các quan chức nói rằng có thể có tới 15.000 đoàn Vệ binh Quốc gia có mặt để đảm bảo sự kiện này.
Cuối ngày thứ Hai, ông Wolf trở thành bộ trưởng thứ ba trong nội các của ông Trump từ chức kể từ cuộc bạo động ở Điện Capitol, sau Betsy DeVos và Elaine Chao.
Sự ra đi của ông Wolf khiến bộ của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay khi đang chuẩn bị giải quyết vấn đề an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden. Ông Wolf tuần trước đã kêu gọi ông Trump "lên án mạnh mẽ" những người biểu tình đã tấn chiếm Quốc hội.
Bộ trưởng sắp mãn nhiệm nói sự ra đi của ông được thúc đẩy bởi "các sự kiện gần đây", bao gồm các phán quyết của tòa án thách thức tính pháp lý trong việc bổ nhiệm ông.
Cơ quan thực thi pháp luật trên khắp cả nước được cho là đang chuẩn bị tinh thần cho khả năng bạo động tiếp tục xảy ra trong những ngày trước khi Joe Biden nhậm chức.
Các bài đăng trên các mạng của những người ủng hộ Trump và nhóm cực hữu đã kêu gọi hành động phản đối vào một số ngày, bao gồm các cuộc biểu tình vũ trang ở các thành phố trên toàn quốc vào ngày 17 tháng 1 và một cuộc tuần hành ở Washington DC chính vào ngày nhậm chức.
Một bản tin nội bộ của FBI, được ABC News và nhiều trang tin khác thuật lại, chứa lời cảnh báo rằng có một nhóm đang kêu gọi "tấn chiếm" các tòa án tiểu bang, địa phương và liên bang trên toàn quốc sớm nếu như ông Trump bị tước chức vụ tổng thống và vào ngày nhậm chức nếu ông không bị.
Những lời kêu gọi ông Trump từ chức, cách chức hoặc luận tội ông đã gia tăng trong các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa vào những ngày sau cuộc bạo loạn.
Theo truyền thông Mỹ, cơ quan cảnh sát địa phương đã được cơ quan thực thi pháp luật liên bang yêu cầu tăng cường an ninh tại các trụ sở lập pháp các bang sau vụ bạo lực tuần trước.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật liên bang nói rằng các cảnh báo của FBI được áp dụng cho tất cả các thủ phủ của bang kể từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 1 và tại Washington DC ít nhất ba ngày trước lễ nhậm chức.
Mặc dù vụ bạo lực tại Điện Capitol của Mỹ áp đảo trên các tiêu đề báo chí vào tuần trước, các vụ việc tương tự với quy mô nhỏ hơn cũng được ghi nhận ở những nơi khác trong nước vào cùng thời điểm.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm thứ Hai xác nhận rằng họ sẽ bắt đầu các chiến dịch Sự kiện An ninh Đặc biệt Quốc gia (NSSE) cho lễ nhậm chức sớm hơn sáu ngày, tức bắt đầu từ thứ Tư.
Việc chỉ định cho phép các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật phối hợp với nhau rộng rãi hơn về các biện pháp bảo vệ đặc biệt, ví như đóng làn đường và thiết lập khu vực an toàn.
Thông báo được đưa ra sau khi Thị trưởng Washington DC, bà Bowser, công khai lời kêu gọi siết chặt an ninh sau việc bà mô tả sự kiện tại Điện Capitol của Mỹ vào tuần trước như "vụ tấn công khủng bố vô tiền khoáng hậu".
Bà cũng yêu cầu người dân Mỹ tránh đến Washington DC để tham dự sự kiện này. Các lễ nhậm chức theo truyền thống thường thu hút hàng trăm nghìn người đổ về các đường phố của thủ đô, nhưng đại dịch virus corona đã hạn chế những kế hoạch này trước khi nỗi sợ về an ninh tăng cao.
Tướng Daniel Hokanson, lãnh đạo Cục Vệ binh Quốc gia (NGB) nói hôm thứ Hai rằng 10.000 phân đội sẽ đến Washington DC vào cuối tuần, với khoảng 5.000 quân nữa sẽ trong tình trạng sẵn sàng nếu các quan chức địa phương yêu cầu.
Trong một diễn biến khác, Dịch vụ Công viên Quốc gia thông báo rằng họ đã đóng cửa Đài tưởng niệm Washington dành với du khách trong bối cảnh "những mối đe dọa có cơ sở" về bạo lực tiếp tục xảy ra.
"Các nhóm tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại Điện Capitol của Mỹ tiếp tục đe dọa sẽ làm gián đoạn lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 59 vào ngày 20 tháng 1", cơ quan này nói trong một tuyên bố và thêm rằng họ có thể xúc tiến việc đóng cửa tạm thời thêm nữa đối với các khu vực khác trong National Mall and Memorial Park.
Phát biểu khi tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai vào hôm thứ Hai, ông Biden nói ông "không sợ" việc tuyên thệ nhậm chức ở ngoài trời bất chấp những lo ngại về an ninh.
Ủy ban nhậm chức của tổng thống Mỹ do Tổng thống đắc cử Joe Biden thành lập đã thông báo rằng buổi lễ sẽ có chủ đề xoay quanh "Nước Mỹ thống nhất".
Sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Biden dự kiến sẽ tham gia lễ đặt vòng hoa cùng với các cựu tổng thống Barack Obama, George W Bush và Bill Clinton để giúp nhấn mạnh thông điệp đoàn kết của ông.
Donald Trump đã nói rằng ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức - trở thành tổng thống đầu tiên trong hơn 150 năm không làm điều này.
Những cảnh báo về các vụ bạo động thêm nữa của những người ủng hộ Trump xuất hiện khi các nỗ lực để luận tội tổng thống về vai trò của ông trong cuộc xâm chiếm vào Điện Capitol gây chết người vào tuần trước được tiếp diễn.
Một cái khoản mục trong hồ sơ nộp ở Hạ viên hôm thứ Hai tố cáo ông Trump "xúi giục nổi dậy" trong cuộc mít tinh mà ông Trump đã cáo buộc không có bằng chứng rằng cuộc bầu cử hồi tháng 11 đã bị "cướp" từ tay ông.
Đảng Dân chủ nói rằng một cuộc bỏ phiếu đối với điều khoản này sẽ được tiến hành tại Hạ viện vào thứ Tư trừ khi Phó Tổng thống Mike Pence sử dụng quyền hiến pháp để tước chức vụ ông Trump.
Ông Trump đã không đưa ra tuyên bố công khai nào kể từ khi ông bị cấm trên một số nền tảng mạng xã hội - bao gồm cả Twitter - vào thứ Sáu.
Việc này xảy ra khi các trang web và mạng truyền thông xã hội truy quét người dùng và các trang web được coi là kích động bạo lực - bao gồm cả mạng xã hội Parler, thông tin vào hôm thứ Hai rằng họ đã kiện Amazon vì đã xóa họ khỏi dịch vụ lưu trữ web của mình.
Joaquin Nguyễn Hòa
12-1-2021
Thứ Hai, ngày 11/1/2021, ông Chad Wolf, bộ trưởng tạm quyền của Bộ Nội An Hoa Kỳ từ chức, năm ngày sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ thống thống Trump tấn công điện Capitol, Quốc hội Hoa Kỳ, làm sáu người thiệt mạng (trong đó có một cảnh sát tự tử ba ngày sau), hàng chục người bị thương và hiện có khoảng 120 người bị bắt.
Trước đe dọa sẽ có bạo động vào ngày diễn ra trong lễ đăng quang của tân tổng thống Joe Biden, Bộ Quốc phòng đã điều động thêm 10.000 vệ binh quốc gia để hỗ trợ lực lượng cảnh sát, trước và trong lễ nhậm chức của Tổng thống Biden. Người ta bắt đầu thấy các vệ binh đi tuần tra xung quanh các yếu điểm của thủ đô.
Đại tướng Daniel R, Hokanson trưởng văn phòng phụ trách vệ binh quốc gia nói rằng, số binh lính có thể lên đến 15 ngàn người, lấy từ sáu tiểu bang gần thủ đô, New York, New Jersey, Pennsylvania, Maryland, Virginia và Delaware.
Văn phòng Vệ binh Quốc gia không cho biết là các vệ binh này có mang súng trong ngày đăng quang của ông Biden không, nhưng nói rõ là, nếu họ không mang súng đi nữa thì vũ khí cũng đã sẵn sàng để sử dụng, trong tầm với của họ.
Các đơn vị vệ binh quốc gia sẽ phối hợp với lực lượng mật vụ, cảnh sát DC để giữ an ninh trong những ngày tới.
Bà thị trưởng Muriel Bowser của Washington DC, yêu cầu cơ quan quản lý các công viên là Bộ Nội vụ, không cấp giấy phép cho các nhóm biểu tình vì lý do an ninh.
Trong cuộc bạo động ngày 6/1/2021, lực lượng cảnh sát ở DC bị chỉ trích là đã xem nhẹ mức độ cảnh báo có bạo động. Một số cảnh sát giữ trật tự xung quanh điện Capitol được nhìn thấy trong các video clip là đã dỡ hàng rào cho nhóm người bạo loạn tràn vô.
Đã có lời kêu gọi của các nhóm cực hữu, các nhóm dân quân đến Washington vào ngày 20/1/2021 để biểu tình. Chủ Nhật tới, ngày 17/1/2021 cũng được các nhóm này phát động biểu tình. Các tòa nhà Quốc hội của 50 tiểu bang được dự báo, sẽ đối mặt với các cuộc biểu tình trong những ngày đó.
Phía biểu tình, có nhóm còn phát động cái gọi là “Cuộc tuần hành triệu dân quân” (Million Militia March), kêu gọi giấu vũ khí, mang vào thủ đô.
***
Cuộc bạo loạn diễn ra hôm 6/1/2021, sau khi tổng thống Trump kích động những người ủng hộ ông đến điện Capitol “giành lấy nước Mỹ” bằng sức mạnh.
Những kẻ bạo loạn tấn công khi các dân biểu Mỹ cả hai viện đang tranh luận về kết quả bầu cử tổng thống ngày 3/11/2021. Sở dĩ có cuộc tranh luận là vì có hơn 100 dân biểu và 11 thượng nghị sĩ phản đối kết quả bầu cử tại một số tiểu bang, mặt dù chính quyền ở các tiểu bang đó đã chứng nhận kết quả bầu cử.
Sau khi bạo loạn được dẹp tan, có 7 thượng nghị sĩ rút lại lời phản đối. Đến sáng sớm thứ Năm 7/1/2021, phó tổng thống Pence tuyên bố ông Joseph Biden sẽ là tổng thống thứ 46 và bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống.
Chiều cùng ngày, đương kim tổng thống Trump lên án cuộc bạo động mà ông đã kích động 24 giờ trước đó. Ông nói ông sẽ giao quyền lại cho ông Biden vào ngày 20/1/2021 một cách hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng không chịu nhận là ông đã thất cử.
Từ sau ngày bầu cử đến nay, ông Trump đã thực hiên 62 vụ kiện tại một số tiểu bang mà ông thua, lấy lý do là ông bị gian lận. Tuy nhiên toàn bộ các vụ kiện đều bị tòa án các cấp bác bỏ vì không có bằng chứng, trong đó có cả những quan tòa do chính ông Trump bổ nhiệm.
Việc ông Trump không chấp nhận sự thất bại rất rõ ràng, là một sự tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ, nuôi dưỡng sự bất tín nhiệm của những cử tri bầu cho ông Trump với chính quyền, một chính quyền nằm dưới quyền quản trị của ông trong bốn năm qua.
Sau cuộc bạo động ngày 6/1/2021, các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter lần lượt cấm các tài khoản của ông Trump, với lý do kích động bạo lực, trong đó Twitter đã cấm vĩnh viễn. Hôm nay, Facebook cho biết, đã xóa bỏ tất cả các nội dung sai sự thật, nói rằng cuộc bầu cử gian lận (phong trào “Stop the steal”, nghĩa là “Đừng đánh cắp”).
Các ủng hộ viên của ông Trump bèn đổ qua mạng xã hội Parler do giới bảo thủ dựng lên, chủ yếu là sự trợ cấp tài chính của gia đình nhà tài phiệt Mercer. Các đại công ty Google và Apple đã gỡ bỏ Parler trên app của họ và Amazon không cung cấp dịch vụ web hosting cho Parler nữa, với lý do là Parler không ngăn chận bạo lực. Đến nay, Parler xem như đã chết.
Về phần ông Biden, ông nói rằng, vì lý do an ninh và đại dịch Covid-19, buổi lễ đăng quang sẽ được thu gọn, nhưng ông vẫn sẽ làm lễ tuyên thệ ngoài trời. Tân tổng thống Joe Biden sẽ cùng cựu tổng thống Barack Obama viếng nghĩa trang Arlington, nơi các binh sĩ quân đội Hoa Kỳ bỏ mình khi làm nhiệm vụ.
Tổng hợp từ UPI, New York Times, Wall Street Journal.
AP - Người biểu tình ở bên trong tòa nhà Quốc Hội hôm 6 tháng Giêng. |
Trong biến cố hy hữu trong lịch sử nền dân chủ Hoa Kỳ, sáu người trong đó có hai cảnh sát đã thiệt mạng khi đám đông xông vào toà nhà nghị viện Hoa Kỳ ở Capitol Hill. Đây là hậu quả phần nào không đáng ngạc nhiên của nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tung tin thất thiệt của Tổng thống Trump và số đông ủng hộ ông.
Trong những cố gắng cuối cùng nhằm thực hiện điều có thể coi là cuộc đảo chính để tiếp tục giữ ghế, Tổng thống Trump thúc giục các dân biểu Cộng hoà và những người ủng hộ ông tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử mà cho tới nay toà án ở mọi cấp, kể cả Toà Tối cao, đã kết luận rằng hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Vị tổng thống thứ 45 kêu gọi người biểu tình tiến tới Capitol và thúc giục họ hãy “mạnh mẽ” và “hoang dại”. Ngay cả khi họ đã xô cửa xông vào gây cảnh náo loạn và dẫn tới thương vong, ông Trump vẫn nói trong video mà sau đó Twitter đã gỡ bỏ rằng họ là những người “rất đặc biệt”. Trong cùng video ông nhắc lại rằng đó là cuộc bầu cử “gian lận” và chiến thắng của ông bị đánh cắp, điều không hề được chứng minh tại toà án ở mọi cấp. Nhưng đối với các ủng hộ viên của ông, trong đó có cả những luật sư ở Việt Nam vốn vẫn thường ca ngợi nền pháp lý Hoa Kỳ, những gì ông Trump nói là sự thật.
Nhưng nếu những gì ông Trump nói là thật thì toàn bộ nền tư pháp Hoa Kỳ là đồ bỏ đi và rất nhiều trong số trên 81 triệu phiếu bỏ cho ông Joe Biden là không có thực. Nếu vậy cũng không loại trừ nhiều trong số 74 triệu phiếu ủng hộ chính ông Trump cũng không hợp pháp. Như vậy ông Trump nói Hoa Kỳ là một “quốc gia củ chuối” mà tại đó gian lận bầu cử rộng khắp và toà án tiểu bang cũng như liên bang đều thông đồng với đảng đối lập để chống lại ông.
Cần nhắc lại rằng ông Trump thắng bà Hillary Clinton hồi năm 2016 về số phiếu đại cử tri nhưng vẫn thua về tổng số phiếu tới gần ba triệu. Khi đó ông không hề phàn nàn gì về cả hệ thống bầu cử lẫn nền tư pháp Hoa Kỳ mà trong mấy năm qua chính ông đã thành công trong việc bổ nhiệm hơn 200 vị trí trong hệ thống toà án ở mọi cấp nhất là tại Toà Tối cao.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Trump tìm mọi cách để tại vị vì ông có thể đối mặt với nhiều vụ kiện một khi rời ghế tổng thống cũng như vì sự cám dỗ lớn của quyền lực. Và chuyện vị tổng thống có hàng chục tuyên bố sai sự thật mỗi ngày trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống cũng đã được truyền thông nói tới. Sự tấn công truyền thông chính thống bên cạnh việc lan toả tin giả của ông Trump phần nào khiến niềm tin vào truyền thông trong số ủng hộ viên của ông chỉ là 13%, giảm một nửa so với năm 2015. Điều này tương phản với con số 39% những người ủng hộ ông Biden tin vào truyền thông, tăng 4% so với hồi năm 2015.
Theo dõi những ủng hộ viên của ông Trump trên mạng xã hội có thể thấy họ hoàn toàn sống trong một thế giới khác do ông Trump tạo ra. Lúc đầu họ tin Tòa Tối cao sẽ đảo ngược kết quả bầu cử. Rồi họ tin nhiều đại cử tri sẽ chuyển sang bầu cho ông Trump. Và cuối cùng họ hy vọng các nghị sỹ Cộng hoà và Phó Tổng thống Mike Pence có thể đảo ngược kết quả bầu cử trong cuộc kiểm phiếu đại cử tri vốn thường chỉ mang tính chiếu lệ hôm 6/1. Đó chính là ngày đã đi vào lịch sử như một vết nhơ trong nền dân chủ Hoa Kỳ.
Điều ông Trump đã thành công trong nhiệm kỳ tổng thống là khiến nhiều triệu người sẵn sàng tin vào “thông tấn xã vỉa hè”. Họ chỉ đọc những nguồn họ thích thay vì đối chiếu nhiều nguồn để xác thực thông tin. Họ cũng chỉ tin vào công lý khi công lý đứng về phía họ. Và họ sẵn sàng tin những gì tổng thống nói kể cả khi ông nói những chuyện hoang đường.
(CNN) – Cố vấn Pháp lý Toà Bạch Ốc Pat Cipollone và cựu Tổng trưởng Tư pháp Bill Barr cảnh báo Tổng thống Donald Trump rằng họ không tin ông có thể tự ân xá bản thân, theo nhiều nguồn tin thông thạo sự việc.
William Barr truyền đạt quan điểm này cho ông Trump trước khi từ chức vào tháng trước, các nguồn tin cho hay.
Ông Trump trong những tuần gần đây nên ra ý kiến tự ân xá, cũng như ân xá cho thân nhân trong gia đình, mặc dù không rõ nếu ông ta đã làm điều này hay chưa, từ sau cuộc bạo động xảy ra tại điện Captiol vào thứ Tư. Tổng thống bị chỉ trích nặng nề vì đã kích động bạo loạn. Cuối tuần qua, Tạm quyền Biện lý Hoa Kỳ tại DC cho NPR hay, công tố viên “đang thẩm tra tất cả các nhân tố,” và “bất cứ ai có vai trò, nếu chứng cớ phù hợp cấu thành tội phạm, họ sẽ bị cáo buộc.”
Các viên chức Toà Bạch Ốc cũng đang chờ đợi xem cuộc điều tra liên bang về bạo động sẽ ảnh hưởng thế nào đến những ân xá mà ông Trump đã bàn đến, như cho luật sư tư Rudy Giuliani – người đã kêu gọi “phiên xét xử bằng tranh đấu” tại cuộc biểu tình trước khi người ủng hộ ông Trump xông vào điện Capitol.
“Tình hình ở DC đã đặt ra những vấn đề bên trong Toà Bạch Ốc, kể cả ân xá,” một người thân cận với Toà Bạch Ốc nói. Tổng thống dự tính sẽ đưa ra thêm ân xá trước khi rời Toà Bạch Ốc tuần sau.
Thẩm quyền ân xá của tổng thống rộng lớn nhưng theo các nguồn tin, cả Barr và Cipollone đều nghĩ Trump tìm cách tự ân xá là ý tưởng tệ. Cựu Tổng trưởng Tư pháp tin, một bản ghi nhớ pháp lý Bộ Tư pháp năm 1974 cho thấy một tổng thống không thể tự ân xá bản thân, và Cipollone lại không yêu cầu Văn phòng Cố vấn Pháp lý Bộ Tư pháp tái xem xét lại vấn đề này, theo hai nguồn tin.
Văn bản nói rõ, “theo nguyên tắc căn bản, không ai có thể làm thẩm phán cho hồ sơ vụ việc của chính mình, vì vậy, Tổng thống không thể tự ân xá.”
Tuy nhiên, văn bản cho nhắc đến, một tổng thống đương nhiệm có thể từ chức và rồi được Phó Tổng thống, người lên thay quyền, ân xá. Đó là những gì xảy ra khi Tổng thống Gerald Ford ân xá Richard Nixon vào năm 1974.
Theo hai nguồn tin thân cận với Phó Tổng thống, khó có khả năng Pence sẽ ân xá cho Trump trong trường hợp này. Pence lâu nay là người trung thành với Tổng thống, nhưng bây giờ ông cảm thấy bất bình và thất vọng trước những hành vi của ông Donald Trump liên quan đến bạo động, không lên án những người ủng hộ đe doạ Phó Tổng thống, thậm chí không gọi điện hỏi xem tình hình của ông thế nào sau vụ bạo loạn.
Trump vẫn có thể tự ân xá ngay cả khi các viên chức chính phủ không đồng tình với vấn đề này. Tự ân xá sẽ chỉ trong phạm vi tội liên bang, nhưng không bảo vệ được Tổng thống những tội cấp tiểu bang, trong đó có vụ điều tra về tài chánh cá nhân và kinh doanh của ông Trump ở tiểu bang New York. Bên cạnh đó, tự ân xá có thể sẽ bị thách thức tại toà.
Thông thường, Văn phòng Cố vấn Pháp lý Toà Bạch Ốc sẽ yêu cầu Văn phòng Cố vấn Pháp lý Bộ Tư pháp đưa ra quan điểm về những vấn đề pháp lý quan trọng. Văn phòng này chịu trách nhiệm đưa ra quan điểm về quyền lực của ngành hành pháp, và họ nhìn chung có quan điểm rộng lớn về thẩm quyền tổng thống.
Sự phản đối của William Barr và Cipollone đối với việc Trump tự ân xá rất đáng chú ý vì cả hai đều là những người bênh vực vững chắc việc ông Trump có thẩm quyền hành pháp rộng lớn trong cuộc điều tra Nga và thủ tục luận tội 2020 về cuộc điện đàm của ông ta với Tổng thống Ukraine.
Hai nhân vật này gần đây tỏ ra xung đột với Tổng thống về những lời dối trá về bầu cử. Barr từ chức vào tháng 12 sau khi công khai tuyên bố không có gian lận bầu cử đại trà, còn Cipollone lại đang cân nhắc từ chức trong những tuần vừa qua sau khi bất đồng gay gắt với Tổng thống và ước muốn của ông ta dùng vai trò của mình đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020.
Hương Giang (Theo CNN)
(CBS News) – Tổng thống Donald Trump vào thứ Hai thừa nhận, ông ta ít nhất chịu trách nhiệm phần nào những gì xảy ra tại Điện Capitol vào thứ Tư tuần trước.
Lãnh tụ Thiểu số Hạ viện, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng hoà – California) có trao đổi với Tổng thống vào thứ Hai, sau đó chia sẻ suy nghĩ của Tổng thống cho giới lập pháp Cộng hoà tại Hạ viện. Nhiều nguồn tin Cộng hoà cũng xác nhận bản tin này với CBS News.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống và lãnh đạo Cộng hoà tại Hạ viện diễn ra cùng ngày ông Trump có cuộc họp trực tiếp với Phó Tổng thống Mike Pence tại Phòng Bầu dục lần đầu kể từ vụ bạo động, nơi những người ủng hộ ông Tổng thống hô lớn, “Treo cổ Mike Pence!”
Việc liên lạc lãnh đạo Cộng hoà diễn ra khi Hạ viện chuẩn bị vào thứ Ba bỏ phiếu nghị quyết kêu gọi Pence sử dụng Tu chính Án 25 cùng với đa số Nội các chính phủ để truất phế Tổng thống. Nếu nỗ lực này thất bại thì Hạ viện vào thứ Tư sẽ bỏ phiếu điều khoản luận tội chống lại ông Trump, buộc tội Tổng thống kích động bạo động tấn công Điện Capitol khiến 5 người bị thiệt mạng.
Trong khi nhiều nhà lập pháp Cộng hoà lên tiếng phản đối luận tội ông Trump lần hai, trong đó có McCarthy, thì một số ít Thượng nghị sĩ Cộng hoà tỏ dấu hiệu sẵn sàng luận tội hoặc kêu gọi Tổng thống từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20 tháng 1.
McCarthy kể lại cụ thể cuộc trao đổi với Tổng thống cho các đồng nghiệp Cộng hoà nghe trong cuộc họp điện đàm vào tối thứ Hai.
Trong thư gởi cho các nhà lập pháp Cộng hoà tại Hạ viện, McCarthy cho hay, ông vẫn phản đối luận tội vì “sẽ có những ảnh hưởng ngược đối với việc hàn gắn quốc gia khi chúng ta cần đưa nước Mỹ quay trở lại con đường hướng về đoàn kết và văn minh.”
Lãnh tụ Thiểu số Hạ viện cho hay, thành viên tham gia cuộc họp đề nghị các giải pháp khác để giải quyết cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào thứ Tư, trong đó tạo ra một uỷ ban lưỡng đảng để nghiên cứu vụ tấn công, sửa đổi Đạo luật Kiểm phiếu Cử tri Đoàn 1887, và dự thảo luật “thúc đẩy niềm tin cử tri vào những cuộc bầu cử liên bang trong tương lai.”
Một giải pháp khác được McCarthy nhắc đến là nghị quyết giám sát, mặc dù ông ta không nói rõ ai sẽ bị giám sát. Thư không nhắc đến đích danh ông Trump.
McCarthy cũng nhắc lại với các đồng nghiệp Cộng hoà rằng ông ta tin rằng, Tổng thống chịu một số trách nhiệm về những kẻ bạo động và cuộc tấn công vào Điện Capitol.
Ủng hộ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của ông Trump, McCarthy nằm trong số nhiều nhà lập pháp cao cấp Cộng hoà đã nói chuyện với Tổng thống trong thời gian bạo động xảy ra, năn nỉ ông Trump kêu gọi người ủng hộ rút lui và phái quân đội đến hỗ trợ dẹp bạo loạn.
Hương Giang (Theo CBS News)
Ba đại tập đoàn internet trong nhóm GAFA đã quyết định đình chỉ mạng xã hội Parler vì đã không ngăn chặn các bình luận bị cho là nguy hiểm. Ngay hôm 09/01/2021, Google đã xóa ứng dụng này ra khỏi kho ứng dụng Play Store của mình. Vài giờ sau, đến lượt Apple cấm Parler trên kho AppStore. Cũng như vậy, tập đoàn khổng lồ bán hàng trực tuyến Amazon, cũng đã loan báo đóng cửa tài khoản Parler kể từ hôm nay, 11/01.
Được thành lập vào năm 2018 như một giải pháp thay thế cho các mạng xã hội chính thống, Parler luôn chứng tỏ là họ tự do hơn các mạng truyền thống. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, mạng này đã thu hút giới ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Donald Trump, trong đó có cả những thành phần cực đoan và chạy theo những loại thuyết âm mưu không một chút ôn hòa.
Mối đe dọa của các hoạt động bất hợp pháp
Ba tập đoàn khổng lồ của Silicon Valley đã biện minh cho việc trừng phạt của họ là do "sự gia tăng" của "các mối đe dọa bạo lực và các hoạt động bất hợp pháp" đối với Parler. Ban đầu được đánh giá cao trong giới cực hữu, Parler đã mở rộng đối tượng của mình trong những tháng gần đây khi Twitter và Facebook bị phe bảo thủ buộc tội kiểm duyệt và thiên vị đảng Dân Chủ.
Ứng dụng này vào tháng 11 đã có 4 triệu người sử dụng tích cực, đã đứng đầu về lượt tải xuống vào thứ Sáu, 06/01, tại Hoa Kỳ.
Google, Apple và Amazon cáo buộc mạng xã hội Parler không biết cách xử lý những lời lẽ nguy hiểm, chẳng hạn như lời kêu gọi sát hại phó tổng thống Mike Pence. Một số người sử dụng cũng đã chuẩn bị hoặc kích động cuộc tấn công vào điện Capitol từ mạng xã hội này.
Người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump tràn vào trụ sở Quốc Hội, đồi Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 06/01/2021. REUTERS - JIM URQUHART |
Hàng chục người ủng hộ tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố hình sự vì dính líu đến vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ trên đồi Capitol, thủ đô Washington DC ngày 06/01/2021. Và sắp tới đây sẽ có thêm nhiều vụ truy tố khác.
Vụ bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát của điện Capitol. Nhưng cho đến nay, chưa có ai bị buộc tội liên quan đến bất kỳ cái chết nào trong số này. Theo các chuyên gia pháp lý, nhiều trách nhiệm pháp lý khác nhau có thể được áp dụng đối với những kẻ bạo loạn.
Hãng tin Anh Reuters bgày 09/01/2021 đã điểm qua một số tội danh mà những người xông vào Điện Capitol hôm 06/01 có thể phải gánh chịu, trong đó có cả tội âm mưu bạo loạn và trọng tội sát nhân.
Những cáo buộc hình sự đã sử dụng cho đến nay
Nhiều người trong số hơn 50 bị cáo đã phải ra hầu tòa đã bị truy tố với các tội danh liên quan đến súng vì luật liên bang cấm mang súng trong tòa nhà Quốc Hội Capitol, và cấm mang theo súng không đăng ký hoặc đạn dược không có giấy phép ở Đặc Khu Columbia, tức là vùng thủ đô Washington.
Một người đàn ông ở Seattle (bang Washington) đã bị buộc tội hành hung nhân viên công lực liên bang, một tội ác liên bang. Người này bị cáo buộc là đã đấm một nhân viên cảnh sát Điện Capitol trong một sự cố khác với vụ việc đã dẫn đến cái chết của một viên cảnh sát trong lực lượng bảo vệ Quốc Hội.
Vài chục bị can khác đã bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp khuôn viên Điện Capitol, đây là một tội danh được quy định trong bộ luật hình sự Washington D.C. và luật liên bang. Trong số người bị buộc vào tội danh này có Nicholas Ochs, một thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, vốn đã cho đăng một bức ảnh chụp chính đương sự ở bên trong trụ sở Quốc Hội Mỹ.
Liệu sẽ có nhiều người bị buộc tội giết nhân viên cảnh sát ?
Trong vụ bạo loạn ngày 06/01 đã có cảnh sát trong lực lượng bảo vệ Quốc Hội Mỹ thiệt mạng. Theo cảnh sát Điện Capitol, Brian Sicknick “đã bị thương khi xung đột với những người biểu tình”, và khi trở về văn phòng đơn vị của mình ông đã bị hôn mê và qua đời hôm thứ Năm 07/01. Sicknick ở trong số 5 người thiệt mạng do cuộc bạo loạn.
Matt Jones, một cựu công tố viên liên bang ở Washington hiện làm việc cho công ty luật Wilmer Cutler Pickering Hale & Dorr, cho biết ưu tiên hàng đầu của cơ quan thực thi pháp luật là điều tra để xác định xem ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sicknick.
Những ai bị nhận diện là người trực tiếp hành hung Sicknick có thể bị khép vào tội sát nhân hoặc ngộ sát. Bất kỳ ai tiếp tay cho thủ phạm chính đều có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về tội “giúp đỡ và tiếp tay” cho kẻ sát nhân.
Nếu vụ ông Sicknick bị thiệt mạng nằm trong khuôn khổ một âm mưu có phối hợp nhằm tấn công các cá nhân bên trong Điện Capitol, những cá nhân có liên quan đến âm mưu đó đều có thể bị buộc tội là đồng phạm.
Theo ông Jones: “Các công tố viên chắc chắn đang xem xét kỹ lưỡng các cuộc điện đàm và bài đăng trên các mạng xã hội… và nếu họ tìm thấy một ý định gây tổn hại cho viên chức cảnh sát, nghị sĩ hoặc cộng sự viên của các thành viên Quốc Hội, thì lập tức guồng máy sẽ tăng tốc (để truy bắt).”
Tuy nhiên, đối với ông Jay Town, nguyên chưởng lý liên bang Quận phía Bắc của bang Alabama, những kẻ bạo loạn chỉ có mặt trong phòng khi xảy ra vụ xô xát mà không tham gia thì ít có khả năng bị buộc tội tòng phạm hơn.
Chắc chắn sẽ có nhiều người bị buộc tội “bạo loạn”
Theo các chuyên gia pháp lý, rất có thể là nhiều cá nhân đã xông vào trụ sở Quốc Hội Mỹ hôm 06/01 sẽ bị truy tố trên cơ sở một đạo luật liên bang cấm các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ. Luật này nghiêm cấm hành vi âm mưu “lật đổ, hạ bệ hoặc tiêu diệt bằng vũ lực” chính phủ Hoa Kỳ.
Justo Mendez, luật sư chuyên trách các vụ án hình sự tại công ty luật Holland & Knight ở Texas và là cựu công tố viên liên bang, cho biết là tội danh này chắc chắc sẽ được áp dụng “sau khi cuộc điều tra hoàn tất” vì các “bằng chứng về ‘âm mưu lật đổ’ đầy rẫy trên mạng xã hội.”
Ai là bên đứng ra truy tố về mặt hình sự?
Tất cả các cáo buộc hình sự cho đến nay đều đến từ Văn phòng Công Tố của Đặc Khu Columbia, một bộ phận của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Các công tố viên này thực thi luật liên bang, cũng như luật hình sự riêng của Đặc Khu Columbia (có quy chế tương đương với một tiểu bang).
Các công tố viên liên bang trên toàn quốc cũng có thể đưa ra cáo buộc nếu kế hoạch thực hiện bạo lực được thực hiện trong khu vực thuộc thẩm quyền của họ.
Michael Moore
But Ga, dịch
10-1-2021
Đạo diễn Michael Moore. Nguồn: WLBT |
Thưa các bạn,
Cuộc tấn công khủng bố CHƯA HỀ kết thúc. Hàng ngàn bọn du thủ du thực loại khủng bố trong cuộc tấn công vào thứ Tư vừa qua vẫn không bị bắt và KHÔNG HỀ RỜI khu vực DC. Họ đang lên kế hoạch tấn công mạnh hơn.
Áp phích của họ mà tôi đưa vào stt này đang được loan truyền khắp nơi. Nó thậm chí được lưu chuyển giữa các thành viên của Quốc Hội.
Trùm và cận thần chung quanh y, cái gia đình toàn thứ tội phạm của y, đã kêu gọi cuộc nổi dậy này và bọn chúng hài lòng với những gì đã diễn ra, và họ biết điều gì sắp xảy ra.
Trừ phi đám khủng bố da trắng này bị bắt NGAY BÂY GIỜ – bắt hàng loạt – chắc chắn sẽ có người bị giết trong khoảng thời gian từ nay đến ngày Lễ nhậm chức. Tôi không thể không nhấn mạnh điều này.
Có quá nhiều cảnh sát có cảm tình với những người khủng bố họ cho là anh em da trắng của họ. Họ sẽ lại khước từ và cho phép bạo lực tiếp tục xảy ra.
XIN LƯU Ý: Áp phích mà tôi chia sẻ với bạn ở đây là cái áp phích họ đưa ra nhằm kêu gọi một cuộc xuống đường CÓ MANG VŨ KHÍ vào ngày 17/1. Và họ đang kêu gọi nó diễn ra không chỉ ở DC mà ở HẾT MỌI tòa Quốc Hội ở tất cả 50 tiểu bang.
Tôi cứ hy vọng trong thâm tâm rằng tấm áp phích này không có thật. Nhưng một người trong Quốc Hội đã gửi cho tôi cái áp phích này. Chúng ta phải xem xét nó một cách nghiêm minh, và yêu cầu phải có hành động đối đầu.
Bọn khủng bố đã biết hôm thứ Tư vừa qua rằng họ có thể được ngó lơ. Họ được bật đèn xanh và bị kích động. Họ tin rằng đây là thời cơ của họ.
Tất cả chúng ta đang gặp nguy cơ.
Tôi mong bạn lắng nghe tôi – tôi đây này, người đã cảnh báo các bạn rằng Trump sẽ đắc cử vào năm 2016, người đã cảnh báo không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được tìm thấy ở Iraq, và tiền đề cho cuộc xâm lược là một lời nói dối. Chính tôi là người đã cảnh báo các bạn rằng Columbine sẽ chỉ là vụ đầu tiên trong số rất nhiều vụ xả súng hàng loạt ở trường học. Và chuyện cứ là thế.
Tôi chỉ kể lại cái kinh nghiệm thất bại này của tôi hầu thuyết phục mọi người rằng chúng ta đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng với hy vọng bạn sẽ lắng nghe tôi hôm nay.
Cuộc luận tội dự kiến sẽ xảy ra vào thứ Năm tới? Quá trễ. Quá trễ.
Đầu của con rắn khủng bố này phải bị chặt đứt NGAY HÔM NAY. Nó đang ở tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania. Đồng bọn âm mưu của nó đang ngồi trong cuộc họp kín của Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện và Thượng Viện.
Bọn du thủ du thực đang có mặt khắp mọi nơi. Họ thường đội mũ đỏ và không mang khẩu trang chống Covid. Một số mang theo vũ khí, một số chế tạo bom, và một số giết cảnh sát trong khi hô vang “Mạng sống cảnh sát (y phục màu xanh) cũng đáng giá! (“Blue Lives Matter”)”.
Tất cả chúng đều biết bọn họ được bảo vệ vì là người da trắng và tin chắc rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với họ. Tất cả họ đều muốn ngăn phiếu của chúng ta được đếm – và ngăn chặn vị Tổng Thống mới lên nhậm chức.
Vấn đề căn cơ của họ: Chúng ta là đa số. Và điều đó chỉ làm họ tức giận thêm. Một cuộc phô trương lực lượng pháp lý mạnh mẽ và việc loại bỏ thủ lĩnh của họ là điều duy nhất sẽ ngăn chặn những gì chúng ta sắp phải trải qua.
Hãy vì hòa bình – phải ĐÒI HỎI HÀNH ĐỘNG NGAY! Hãy dừng sự hóa rồ này lại.
Hoàng Ngọc-Tuấn, dịch
11-1-2021
Là một di dân đã đến sống trên đất nước này, tôi muốn nói đôi lời với người dân Hoa Kỳ của tôi, và với các bạn của tôi trên khắp thế giới, về những biến cố trong những ngày gần đây.
Tôi lớn lên tại nước Áo. Tôi biết rất rõ biến cố Kristallnacht, hay Đêm Kính Vỡ. Đó là một đêm vào năm 1938, người Do-thái đã bị tấn công bằng bạo lực bởi bọn Đức Quốc Xã, cũng giống như đám Proud Boys bây giờ. Hôm thứ Tư vừa qua là Ngày Kính Vỡ đã diễn ra ngay tại đây, trên đất nước Hiệp Chúng Quốc này. Kính vỡ từ những khung cửa sổ của toà nhà Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nhưng đám đông bạo loạn không chỉ đập nát những khung cửa kính của toà nhà Quốc Hội. Họ đã đập nát chính những ý tưởng mà chúng ta đã cho là lẽ tất nhiên. Họ không chỉ đánh sập những cánh cửa lớn của toà nhà nơi bảo tồn nền dân chủ Hoa Kỳ. Họ giẫm đạp lên chính những nguyên tắc mà trên đó đất nước của chúng ta đã được thiết lập.
Tôi lớn lên từ đống đổ nát của một đất nước đã chịu đựng sự đánh mất nền dân chủ của nó. Tôi sinh năm 1947, hai năm sau Đệ Nhị Thế Chiến. Khi tôi lớn lên, chung quanh tôi là những con người khốn khổ, nốc rượu say để quên đi cái tội lỗi mà họ đã tham gia trong cái chế độ tàn ác nhất trong lịch sử.
Không phải tất cả họ đều là những kẻ cực đoan chống Do-thái hay theo đảng Đức Quốc Xã. Nhiều người chỉ mới mon men từng bước xuống đường. Họ là những người trong hàng xóm láng giềng của tôi. Tôi chưa bao giờ kể chuyện này ra quá công khai như thế này vì đó là một ký ức đau đớn. Nhưng cứ mỗi tuần lại có một hai lần cha tôi đi uống rượu say khướt rồi về nhà gào thét và đánh đập chúng tôi và làm mẹ tôi hoảng sợ.
Tôi không cho rằng cha tôi phải chịu tất cả trách nhiệm về điều này, bởi vì ông hàng xóm của chúng tôi cũng hành xử như vậy đối với gia đình của ông ta, và ông láng giềng bên cạnh đó cũng y như vậy. Tôi đã nghe điều này bằng chính tai tôi và đã thấy điều này bằng chính mắt tôi. Họ bị đau đớn về thể xác vì những mảnh bom đạn trong thân thể và họ bị đau đớn về tinh thần vì những gì họ đã thấy và đã làm.
Tất cả đã bắt đầu với những lời dối trá, và dối trá, và dối trá, và thái độ bất khoan dung. Vì thế, từ châu Âu, tôi đã nhìn thấy tận mắt mọi sự có thể vuột ra khỏi vòng trật tự như thế nào.
Tôi biết có một nỗi lo sợ trong đất nước này và khắp nơi trên thế giới rằng một điều như vậy có thể xảy ra ngay tại đây. Lúc này, tôi không tin nó sẽ xảy ra như vậy, nhưng tôi thực sự tin rằng chúng ta phải ý thức về những hậu quả thảm khốc của sự ích kỷ và đa nghi yếm thế.
Tổng thống Trump đã tìm cách lật ngược những kết quả của một cuộc bầu cử, và đó là một cuộc bầu cử công bình. Ông ta muốn gây ra một cuộc đảo chánh bằng cách dùng những lời dối trá để lừa gạt người dân.
Cha tôi và những người láng giềng của chúng tôi cũng đã bị lừa gạt bởi những lời dối trá, và tôi biết những lời dối trá như thế sẽ đưa người ta đến đâu.
Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo thất bại. Ông ta sẽ còn lại trong lịch sử như một tổng thống tệ hại nhất. Điều tốt là ông ta sẽ trở thành vô dụng như một cái tweet cũ rích. Nhưng chúng ta phải ứng xử thế nào đối với những quan chức dân cử đã tạo điều kiện cho những lời dối trá và sự lừa đảo của ông Trump?
Tôi sẽ nhắc cho họ nhớ một câu mà Teddy Roosevelt đã nói, “Yêu nước có nghĩa là trung thành với đất nước, chứ không có nghĩa là trung thành với tổng thống.”
John F. Kennedy đã viết một cuốn sách gọi là “Những Tấm Gương Can Đảm”. Một số thành viên của đảng [Cộng Hoà] của tôi, vì sự hèn nhát của họ, sẽ không bao giờ thấy tên của họ trong một cuốn sách như vậy. Tôi cam đoan với các bạn.
Họ thông đồng với những kẻ mang lá cờ của hành động bạo loạn tự-phong-là-chính-nghĩa xông vào toà nhà Quốc Hội. Nhưng điều đó đã thất bại. Nền dân chủ của chúng ta vẫn đứng vững. Chỉ trong vòng vài giờ, Thượng Viện và Hạ Viện tiếp tục làm công việc của toàn dân và xác nhận sự đắc cử của Tổng-thống-tân-cử Biden. Thật là một hình ảnh vĩ đại của nền dân chủ.
Tôi đã lớn lên như một người Công giáo, tôi đã đi nhà thờ, tôi đã đến trường Công giáo, tôi đã học Thánh Kinh và cách sách giáo lý vấn đáp. Và từ những ngày đó, tôi còn nhớ một cụm từ phù hợp cho hôm nay, đó là: Một Trái Tim của Người Phục Vụ. Đây có nghĩa là phục vụ cho một điều gì lớn hơn chính mình. Điều mà chúng ta cần ngay bây giờ từ những vị dân cử là trái tim của một người công bộc.
Chúng ta cần những người công bộc phục vụ cho những gì lớn hơn quyền lực của họ hay đảng phái của họ. Chúng ta cần những người công bộc sẵn sàng phục vụ cho những lý tưởng cao cả hơn, những lý tưởng mà trong đó chính đất nước này đã được thành lập, những lý tưởng mà các quốc gia khác phải ngưỡng vọng.
Suốt vài ngày qua, bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đã gọi, và gọi, và gọi tôi liên tục, họ gọi với sự khổ tâm và lo lắng cho đất nước chúng ta. Một phụ nữ đã khóc cho đất nước Hoa Kỳ, những giọt nước mắt tuyệt vời cho cái lý tưởng mà đất nước Hoa Kỳ nên đạt tới. Những giọt nước mắt ấy nhắc nhở cho chúng ta về ý nghĩa của Hoa Kỳ đối với thế giới. Tôi đã nói với tất cả những người bạn ấy rằng, dù cho hiện trạng hôm nay rất đau đớn, Hoa Kỳ sẽ vươn lên từ những ngày đen tối và sẽ toả sáng trở lại.
Bạn thấy thanh gươm này chứ? Đây là thanh gươm của Conan. Và đây là tính chất của những thanh gươm: bạn càng rèn một thanh gươm nhiều hơn, thì nó càng trở nên cứng rắn hơn. Bạn càng đập nó bằng búa rồi trui nó trong lửa, rồi nhúng nó vào nước lạnh, rồi đập nó nữa, rồi trui nó trong lửa, rồi nhúng nó vào nước, và bạn càng làm như thế thường xuyên chừng nào, thì nó lại càng trở nên cứng rắn hơn.
Arnold Schwarzenegger. Ảnh cắt từ clip |
Tôi không nói cho các bạn những điều này vì muốn các bạn trở thành một nhà chuyên môn làm gươm, nhưng nền dân chủ của chúng ta thì giống như chất thép của thanh gươm này. Càng được trui rèn, nó càng cứng rắn hơn. Nền dân chủ của chúng ta đã được trui rèn trong những cuộc chiến tranh, trong những sự bất công, và trong những cuộc bạo loạn.
Tôi tin tưởng rằng, dù chúng ta còn run rẩy vì những biến cố xảy ra trong những ngày gần đây, chúng ta sẽ trở thành mạnh mẽ hơn, bởi vì bây giờ chúng ta hiểu ra những gì có thể mất. Chúng ta cần những sự cải cách, tất nhiên, để tình trạng này không bao giờ xảy ra một lần nữa. Chúng ta cần phải đòi hỏi trách nhiệm từ những ai đã mang chúng ta đến điểm bất khả tha thứ này.
Và chúng ta cần phải nhìn lại chính chúng ta, các đảng phái của chúng ta, và những sự bất đồng, và đặt nền dân chủ của chúng ta ở hàng đầu. Và chúng ta cần phải cùng nhau hàn gắn từ tấn thảm kịch của những gì vừa diễn ra. Chúng ta cần phải hàn gắn, không chỉ như những người Cộng Hoà hay như những người Dân Chủ, mà như những người Hoa Kỳ.
Để bắt đầu tiến trình này, bất kể các bạn theo khuynh hướng chính trị nào, tôi xin các bạn hãy cùng tôi nói với Tổng-thống-tân-cử Biden, rằng “Thưa Tổng-thống-tân-cử Biden, chúng tôi chúc cho ông thành công trong vai trò là Tổng thống của chúng tôi. Nếu ông thành công, thì quốc gia của chúng ta thành công. Chúng tôi ủng hộ ông bằng tất cả tấm lòng, vì ông cố gắng mang chúng tôi lại với nhau.”
Và đối với những ai nghĩ rằng họ có thể lật đổ Hiến Pháp Hoa Kỳ, hãy biết rằng: Quý vị sẽ không bao giờ thắng cuộc.
Thưa Tổng-thống-tân-cử Biden, chúng tôi đứng bên ông hôm nay, ngày mai, và mãi mãi để bảo vệ cho nền dân chủ của chúng ta trước những kẻ muốn đe doạ nó.
Xin Chúa ban phước lành cho tất cả các bạn và xin Chúa ban phước lành cho đất nước Hoa Kỳ.
Parler, mạng xã hội “tự do ngôn luận”, được cho là đã xóa một bài đăng của Lin Wood, trong đó luật sư ủng hộ Trump đe dọa bạo lực đối với Phó Tổng thống Mike Pence.
“Chuẩn bị cho các đội bắn đã sẵn sàng. Pence là người ĐẦU TIÊN”, Wood viết, theo Mediate .
Giám đốc điều hành John Matze nói với Mediate hôm thứ Bảy rằng những dòng bình luận cùng với một số bình luận khác đã vi phạm điều khoản của Parler và đã bị xóa .
Những lời đe dọa bạo lực nhắm vào Pence đã lan truyền trên internet trong tuần này, sau khi Pence tách mình khỏi nỗ lực lật đổ cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump. Trong một bức thư ngày 6 tháng 1, Pence cho biết ông sẽ chủ trì việc kiểm phiếu của các cử tri đoàn mà không cần can thiệp .
Trump đã công kích Pence vì không đủ “can đảm” để lật ngược kết quả. Một số người theo Trump đã tham gia cuộc tấn công của ông. Trên Parler, một số người dùng đã đăng hashtag #traitorpence, nhưng cũng có nhiều người khác đăng bài ủng hộ Pence, sử dụng các hashtag như #istandwithvppence.
Wood không nằm trong số những người ủng hộ Pence.Wood tuần trước đã bị đình chỉ tài khoản Twitter vì những lời đe dọa bạo lực. Khi ông bị đình chỉ khỏi Twitter , số bài đăng của ông ta trên Parler tăng lên.
Bài đăng của Wood đã bị xóa vào giữa trưa thứ Sáu, theo Mediate.
Hôm thứ Bảy, Wood viết: “Tôi KHÔNG đe dọa. Tôi không tin vào bạo lực. Tôi tin vào pháp quyền … “
Parler đã xóa một số bài đăng của Wood. Trong một bài khác, Wood tuyên bố một phụ nữ bị giết trong cuộc bạo động ở Capitol không thực sự chết.
Cả Apple và Google đều đã yêu cầu Parler thực hiện các bước để kiểm duyệt bài phát biểu trên mạng của mình. Google đã cấm ứng dụng này khỏi hệ thống Android của mình vào thứ Sáu. Apple đã làm theo lệnh cấm của riêng mình vào thứ Bảy. Amazon được cho là đã loại bỏ công ty khỏi Amazon Web Services của mình.
Rudy Giuliani, luật sư của tổng thống, viết trên Parler vào sáng Chủ nhật rằng: “Việc kiểm duyệt đang tiến gần đến mức chỉ đạt được ở các nước phát xít, cộng sản và xã hội chủ nghĩa.
Giuliani đã kêu gọi “thử nghiệm bằng chiến đấu” trước khi xảy ra bạo loạn.
Hôm thứ Bảy, Brad Parscale, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump , đã thúc giục Parler đệ đơn kiện chống lại sự tin tưởng chống lại Apple hoặc Google. “Im lặng phong trào này là bất hợp pháp,” Parscale viết trên Parler.
Matze hôm thứ Bảy đã cáo buộc Apple và Google có thành kiến với mạng của ông ấy, vì các bài đăng chống Pence tương tự đang thịnh hành trên Twitter.
TH
Hơn 3.000 cựu sinh viên và sinh viên trường luật đã ký một bản kiến nghị kêu gọi tước quyền luật sư của TNS Josh Hawley (R-Mo.) Và Ted Cruz (R-Tex.) Về những gì họ nói là “nỗ lực nhằm phá hoại quá trình chuyển đổi hòa bình sau một cuộc bầu cử tự do và công bằng ”.
Hawley và Cruz đã dẫn đầu các nỗ lực tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư để ngăn chặn việc kiểm phiếu đại cử tri chứng nhận chiến thắng của đảng Dân chủ Joe Biden trước Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.
Các nhà chỉ trích đang cáo buộc các thượng nghị sĩ đã sử dụng những lời bình luận đã giúp thổi phồng một đám đông ủng hộ Trump tham gia vào các hành động nổi dậy tại Điện Capitol của Hoa Kỳ khi cuộc kiểm phiếu đang diễn ra. Cả hai đều bác bỏ các cáo buộc.
Nhưng các cựu sinh viên và sinh viên của các trường luật mà những Thượng nghị sĩ theo học – Cruz tốt nghiệp Trường Luật Harvard và Hawley tốt nghiệp Trường Luật Yale – và những người khác đã ký một bản kiến nghị trong những ngày gần đây kêu gọi các Hội luật sư Texas, Missouri và Washington chống lại hai thượng nghị sĩ.
TH