Tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump bị khóa, ảnh chụp hôm 8/1/2021 |
Trong vòng ít ngày sau vụ đám đông ủng hộ viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào và làm loạn tại quốc hội Mỹ hôm 6/1, một loạt các mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Twitter, hạn chế tương tác, thậm chí khóa tài khoản của ông Trump.
Điều này dẫn đến những tranh cãi nảy lửa giữa nhiều người Việt về tự do ngôn luận và quyền hạn của các mạng xã hội.
Như VOA đã đưa tin, Twitter nói hôm 8/1 rằng hai trong số các bài Tổng thống Trump đăng cùng ngày đã vi phạm chính sách chống lại việc hiển dương bạo lực.
Trước đó, trong các hôm 6 và 7/1, Facebook thông báo tạm khóa rồi khóa vô hạn định tài khoản của ông Trump, viện dẫn lý do mạng xã hội đã bị sử dụng để “kích động bạo lực nhằm vào chính quyền được bầu một cách dân chủ”.
Người ủng hộ Trump: Tự do ngôn luận bị vi phạm
Nhà báo Hoàng Hải Vân, có hơn 105.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân hôm 10/1 rằng các hãng công nghệ lớn, còn gọi là Big Tech, đã “đi tiên phong bịt miệng ông Trump”.
Dưới góc nhìn của nhà báo kỳ cựu này, các Big Tech, mà ông cho là do đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát, đang thực sự biến thành “một thứ nhà nước bên trong nhà nước” với “quyền lực thật đáng sợ”. Từ suy nghĩ như vậy, ông Vân bình luận rằng “chốt chặn cuối cùng để bảo vệ tự do ngôn luận là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ trong thực tế đang bị xóa bỏ”.
Vẫn nhà báo này khẳng định “Tự do cho người Mỹ và hòa bình cho thế giới là thành tựu lớn nhất mà chính quyền Trump làm được chỉ trong vòng 4 năm”.
Viết trên trang cá nhân hôm 9/1, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải, tác giả của nhiều bài phản biện từng bị chính quyền Việt Nam đưa vào tầm ngắm, công nhận là Facebook và Twitter không vi phạm pháp luật Mỹ khi họ ra quyết định đối với tài khoản của ông Trump, nhưng họ “đã vi phạm đạo đức”.
“Có lẽ, cộng đồng mạng cần phải lên án hai hãng công nghệ khổng lồ này về khía cạnh đạo đức. Những ông chủ của Facebook và Twitter có quyền ghét ông Trump nhưng không có quyền dập tắt tiếng nói của ông ấy”, ông Hải viết.
Không đưa ra quan điểm là các mạng xã hội lớn của Mỹ có “bịt miệng” ông Trump hay không, luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân lương tâm, hiện có hơn 145.000 người theo dõi trên Facebook, bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân vào sáng 9/1 rằng việc Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, và việc bà Michelle Obama kêu gọi ngăn cản ông trên mạng xã hội khiến ông Định “phải suy nghĩ lại những Giá trị Mỹ”. Luật sự Định gọi đó là “điều đáng tiếc”.
Sau đó, vào chiều 9/1, trong một bài viết riêng rẽ khác trên cùng trang cá nhân, luật sư Định đưa ra ý kiến rằng cả Twitter và Facebook cần xiển dương những giá trị Mỹ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, ngay cả trong hoạt động kinh doanh đơn thuần của họ.
Mặc dù thừa nhận hãng Twitter có quyền phán xét trong mạng xã hội mà họ điều hành, song “tôi không thấy giá trị Mỹ nào trong cách hành xử quyền đó”, ông Định viết.
Một cựu tù nhân lương tâm khác, ông Nguyễn Hữu Vinh, cũng được nhiều người biết tiếng là blogger Anh Ba Sàm, không viết các bài dài mà chỉ bình luận ngắn gọn “Ghê tởm bọn Big Tech” khi ông chia sẻ bản dịch một bài đăng trên Fox News có nhan đề “Twitter cấm Trump, nhưng tài khoản của Ali Khamenei, Louis Farrakhan và các nhà tuyên truyền Trung Quốc vẫn được bảo đảm hoạt động bình thường”.
Luật sư Lê Luân, nổi tiếng về các bài phản biện được đông người theo dõi qua Facebook, viết một loạt bài về sự kiện Facebook và Twitter khóa tài khoản của ông Trump, gọi đó là hành động “tồi tệ”, “đàn áp tự do” và “sự cưỡng bức của công nghệ lớn”.
Không chỉ có những bài viết của các ông Hoàng Hải Vân, Lê Luân, Lê Công Định, Chu Vĩnh Hải và Nguyễn Hữu Vinh chỉ trích Facebook và Twitter, VOA quan sát thấy còn có rất nhiều bài viết tương tự của những người khác, thu hút hàng chục ngàn lượt phản ứng, bình luận và chia sẻ trên Facebook, mạng xã hội có hơn 60 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
Tự do ngôn luận là gì?
Chuyên mục mang tên “Tự do ngôn luận nghĩa là gì?” của hệ thống tòa án Mỹ tại trang web uscourts.gov viết rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ tự do ngôn luận, và trích dẫn một đoạn của Tu chính án quy định rằng “Quốc hội Mỹ không được ban hành luật … hạn chế tự do ngôn luận”.
Vẫn chuyên trang của hệ thống tòa án Mỹ viết thêm rằng tự do ngôn luận bao gồm quyền: không nói (cụ thể là quyền không chào cờ); đeo băng tay đen (đối với học sinh, sinh viên) đến trường để phản đối chiến tranh; sử dụng các từ, cụm từ gây mất lòng nhất định để chuyển tải các thông điệp chính trị; đóng góp tiền (theo những điều kiện nhất định) cho các chiến dịch chính trị; quảng cáo sản phẩm thương mại và dịch vụ chuyên môn (có một số hạn chế); và thực hiện sự biểu đạt mang tính tượng trưng (ví dụ như đốt cờ)
Ngược lại, theo trang của hệ thống tòa án Mỹ, tự do ngôn luận không bao gồm quyền: kích động các hành động làm hại người khác (ví dụ, hô “cháy” trong rạp hát đông người); làm, phân phát các vật phẩm, tài liệu tục tĩu; đốt thẻ quân dịch để phản đối chiến tranh; cho học sinh, sinh viên in bài trên báo của trường bất chấp ban giám hiệu đã phản đối; học sinh, sinh viên phát biểu tục tĩu tại sự kiện do nhà trường bảo trợ; học sinh, sinh viên cổ súy việc sử dụng ma túy bất hợp pháp tại sự kiện do nhà trường bảo trợ.
Trên bình diện toàn cầu, trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1966, điều 19 quy định “Mọi người có quyền tự do biểu đạt”, nhưng có thể có một số hạn chế theo luật định và trong trường hợp cần thiết để “tôn trọng quyền và danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công cộng”.
Ý kiến trái chiều với phe ủng hộ Trump
Trong khi nhiều người ở Việt Nam tỏ ý ủng hộ quyền phát ngôn của ông Trump và lên án các mạng xã hội Mỹ, từ nước Pháp, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có quan điểm rằng Twitter và Facebook chặn tài khoản của ông Trump vì lý do ông đã sử dụng chúng “nhằm hô hào các giá trị độc tài phát xít đồng thời kích động bạo loạn”.
Theo ông Tuấn, quyết định của các mạng Facebook và Twitter là “cần thiết và đúng lúc”. Nhà nghiên cứu sinh sống ở Pháp viết thêm “Facebook và Twitter ‘bịt miệng’ Trump là để cứu vãn nền dân chủ tự do của nước Mỹ”.
Ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu luật khác, ông Phạm Lê Vương Các, cũng là một nhà hoạt động vì dân chủ, so sánh những phát ngôn của ông Trump với điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, và chỉ ra rằng ông Trump đã đưa ra những lời kêu gọi dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, theo ông Các, những bài đăng chứa thông tin sai lệch của ông Trump trong tư cách là tổng thống về dịch Covid-19 dẫn đến hậu quả làm người dân Mỹ chết vượt xa các quốc gia còn lại.
Tổng thống Donald Trump cũng bị nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các quy là đã công khai xúc phạm đến đối tác, đối thủ và nhân viên dưới quyền trên mạng xã hội.
Như vậy, ông Các xác định rằng ông Trump vi phạm tất cả các hạng mục bị hạn chế được nêu trong điều 19 của Công ước.
“Việc hai trang mạng xã hội Twitter và Facebook ‘bịt miệng Trump’ … là hoàn toàn phù hợp theo các quy định của Luật Nhân quyền Quốc tế”, ông Các viết.
VOA quan sát thấy trên mạng xã hội có nhiều người khác cũng nêu ra ý kiến tương tự hoặc đồng tình với những bài viết các ông Trương Nhân Tuấn và Phạm Lê Vương Các.
Đường tới dân chủ ở gian nan vì ‘hiện tượng Trump’
Những bài viết trái chiều nhau - một bên bênh vực quyền phát ngôn của ông Trump và lên án Facebook, Twitter cấm cản ông; một bên bào chữa cho quyết định của các mạng xã hội, đồng thời chỉ trích ông Trump - cũng dẫn đến những tranh cãi nảy lửa.
Những người ủng hộ hoặc có thiện cảm với ông Trump cáo buộc những người ủng hộ quyết định của các mạng xã hội là “tiêu chuẩn kép”, “phản dân chủ”, “ủng hộ độc tài”. Họ cũng so sánh việc chặn tài khoản của ông Trump với chuyện các mạng xã hội Mỹ phải làm theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam hay một số nước khác về đóng tài khoản, xóa bài của các nhà hoạt động.
Ngược lại, nhóm người tán đồng quyết định của Facebook, Twitter cho rằng những ai ủng hộ ông Trump dường như nặng về tình hơn là về lý và có thể chưa nắm vững bản chất của tự do ngôn luận.
Ở vị trí độc lập, không tham gia cuộc tranh cãi trên mạng, tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang, hiện sinh sống ở Việt Nam và có nhiều hoạt động thúc đẩy tiến bộ xã hội, nói với VOA:
“Cuộc tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ vừa qua, cùng các phát ngôn trước đó của ông Trump rõ ràng là những điều đe doạ cho nền dân chủ, cho các định chế dân chủ Mỹ. Không thể so sánh cuộc tấn công Điện Capitol với các cuộc biểu tình, phản đối của người dân chịu bất công ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ. Khi so sánh như vậy, vô hình chung người ta đặt ngang nhau nền dân chủ của Mỹ với các thiết chế độc tài của Belarusia, Venezuela hay Trung Quốc. Đây là một sai lầm về bản chất”.
Về những lập luận bị xem là lệch lạc liên quan đến vụ ông Trump bị khóa tài khoản, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA rằng đó là do hầu hết công chúng Việt Nam không có điều kiện tìm hiểu những điều căn bản về quyền chính trị và dân sự, bao gồm tự do ngôn luận, chưa nói tới mức độ tranh cãi của giới hàn lâm. Ông lý giải thêm:
“Điều này rất dễ hiểu. Ở Việt Nam, nhà trường không dạy. Ở Việt Nam, đây là vấn đề rất là kiêng kỵ Mặc dù Hiến pháp có nói tới nhưng hoàn toàn không được đề cập đến trong các chương trình giáo dục đào tạo của chính quyền, báo chí cũng không nói tới”.
Đó là một thực trạng nhức nhối, đáng quan tâm đặt ra cho giới hoạt động xã hội, giới nhà báo độc lập và những ai muốn khai mở tri thức cho xã hội, vẫn theo lời ông Trịnh Hữu Long.
Ở khía cạnh vì sao rất đông người Việt vô cùng yêu mến ông Trump, cả tiến sĩ Đặng Hoàng Giang lẫn nhà hoạt động Trịnh Hữu Long đều nhất trí rằng do những người đó tin là ông Trump “chống Trung Quốc”, và họ sẵn sàng bỏ qua những phát ngôn hay hành động của ông Trump gây nguy hiểm cho dân chủ.
Bên cạnh đó, đáng lo ngại là có hiện tượng cuồng tín, thần thánh hóa Tổng thống Trump, kết hợp với thế giới của những thuyết âm mưu, cho rằng ông Trump là con người của chính nghĩa được Chúa cử xuống bảo vệ toàn thể nhân loại, tiến sĩ Giang nói.
Những diễn biến kể trên bùng nổ trong vòng hai năm trở lại đây, ông Giang nhận xét, và cho chúng ta thấy quần chúng dễ bị lôi cuốn bởi các nhà dân túy biết cách đánh vào cảm xúc của số đông như thế nào.
Theo ông Giang, điều đó nguy hiểm đối với ngay cả những nền dân chủ lâu đời, huống hồ đối với Việt Nam, nơi các giá trị và tư duy dân chủ còn yếu ớt, chưa bắt rễ. Ông kết luận:
“Hiện tượng sùng bái Trump của người Việt cho thấy rằng con đường đi đến dân chủ của chúng ta còn rất xa và chông gai.”
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long bày tỏ mong muốn rằng hiện tượng Trump nên là một dịp để mọi người Việt Nam nhìn lại bản thân mình, cố tìm tiếng nói chung với người khác, thay vì chia rẽ. Ông Long nói:
“Nếu như chúng ta liên tục chia rẽ nhau vì những vấn đề quan điểm như thế này, sau cùng xã hội sẽ ngày càng tan nát, xã hội sẽ ngày càng chia rẽ hơn. Và nếu gặp phải những điều kiện dễ dẫn đến xung đột, có thể lại dẫn đến chiến tranh như đã từng có cuộc chiến 20 năm giữa miền bắc và miền nam, chúng ta sẽ có đấu tố như thời cải cách ruộng đất. Tôi tin rằng thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ phải tránh cho đất nước thảm kịch đó. Cần phải hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn, và tìm tiếng nói chung”.
Bốn năm của Trump là một bài kiểm tra gay gắt mà Luật Khoa phải vượt qua.
Ảnh: Getty Images. Đồ họa: Luật Khoa. |
Chúng tôi viết những dòng này khi một cuộc bạo loạn vừa chấm dứt ở thủ đô Washington D.C của Mỹ.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này: đột kích, đập phá và chiếm tòa nhà Quốc hội, ngăn cản quá trình kiểm đếm phiếu đại cử tri của lưỡng viện.
Điều này, dù là một cú sốc lớn với cả thế giới, lại là thứ hoàn toàn có thể dự báo được, và quả thực nhiều người đã dự báo. Người ta chỉ không biết chắc nó sẽ diễn ra dưới hình thức nào mà thôi.
Hơn bốn năm trước, vào ngày 9/11/2016, khi Donald Trump được các hãng truyền thông lớn loan tin đắc cử tổng thống, chúng tôi đã đăng một trong những bài viết đáng nhớ nhất trong lịch sử của mình ở mục Quan điểm: bài “Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?” của luật sư Nam Quỳnh. Trong bài viết của mình, Nam Quỳnh nói:
“Sự khủng hoảng của chủ nghĩa pháp quyền thế giới, có lẽ đã đạt đỉnh điểm qua việc một quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới chọn một con người xem thường pháp quyền, xem luật pháp như công cụ kiếm ăn và đấu đá chính trị lên làm tổng thống.”
Khi đó, Luật Khoa mới tròn hai năm, bốn ngày tuổi.
Cho đến tận thời điểm đăng bài viết đó, Luật Khoa là một tờ báo gần như được lòng hết thảy các nhóm cấp tiến và đối lập Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Đó là những ai yêu thích tìm hiểu luật pháp và chính trị nói chung, sinh viên, giảng viên đại học, luật sư, nhà báo, giới hoạt động xã hội, giới bất đồng chính kiến, cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả nhiều người làm việc trong chính quyền. Chúng tôi, dù là một tờ báo trẻ và rất nhỏ bé, khi đó có một đà phát triển rất lớn nhờ được bá tánh ủng hộ nhiệt tình như vậy.
Mọi thứ hoàn toàn thay đổi kể từ khi chúng tôi đăng bài viết trên của Nam Quỳnh. Hoàn toàn thay đổi.
Các nhóm ủng hộ Trump lập tức tấn công chúng tôi dồn dập trên Facebook. Khi đó, những lời chỉ trích lẫn thóa mạ có lẽ chỉ đến từ một số nhóm và cá nhân tự nhận là cánh hữu Việt Nam, vốn trước đó ủng hộ Luật Khoa. Họ bắt đầu gọi Luật Khoa là “thổ tả”, “fake news” và đủ các loại ngôn từ vu khống lẫn hạ tiện.
Khi Donald Trump bắt đầu thương chiến với Trung Quốc đầu năm 2018, mọi thứ còn tệ hơn nữa: rất nhiều người chống Trung Quốc gọi Luật Khoa là “bọn bán nước”, “bọn liếm đít Tàu”, và đủ các loại nhãn mác khác.
Cùng với phong trào triệt hạ uy tín của báo chí Mỹ và báo chí quốc tế nói chung, các nhóm ủng hộ Trump đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh tồi tệ của Luật Khoa trong mắt một bộ phận lớn trong công chúng Việt Nam.
Nhiều độc giả trước đây quay lưng, một số người tuyên bố ngừng ủng hộ tiền bạc cho Luật Khoa, nói rằng họ thất vọng, rằng họ đã nhầm tưởng Luật Khoa là báo tử tế. Mục “Comment” trên Facebook Luật Khoa luôn ngập những lời vu khống và phỉ báng mỗi khi có bài liên quan đến Trump hay Hoa Kỳ. Một số người đã công khai lẫn ngầm bắn tin đe dọa hai trong số những thành viên tòa soạn chúng tôi, rằng chúng tôi sẽ lãnh hậu quả nếu tiếp tục chống Trump.
Một số người bạn của các thành viên tòa soạn cũng nằm trong số đó, tuy rằng, có lẽ vì nể nang mối quan hệ cá nhân mà lời lẽ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Chúng tôi đã làm gì trong bốn năm qua?
Thử thách nói trên có thể coi là lớn với một tờ báo mới vừa qua sinh nhật lần thứ hai hay không? Có thể. Chúng tôi đã coi đó là một bài kiểm tra về giá trị, tính chính trực và bản lĩnh của một tờ báo. Một bài kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài dự tính, hoàn toàn mới mẻ, không có gì giống với những gì chúng tôi hình dung trước đó.
Điều Luật Khoa không phải bận lòng là cam kết mạnh mẽ của tất cả các thành viên tòa soạn với những giá trị dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền. Chúng tôi có thể bất đồng với nhau ở một số chi tiết, nhưng rất đồng thuận trong việc bảo vệ những giá trị mà bản thân đã tuyên xưng theo đuổi. Không có chỗ cho tin vịt và thuyết âm mưu ở Luật Khoa, không có chỗ cho những diễn ngôn thù địch ở Luật Khoa, và không có chỗ cho những nội dung phản dân chủ ở Luật Khoa. Chúng tôi đã đăng bài chống Trump, đăng bài ủng hộ Trump, đăng cả bài trung dung về Trump. Mọi bài vở đều phải đảm bảo dựa trên nguồn dữ liệu có độ tin cậy cao và phân tích logic. Sự thật và lý lẽ phải là xương sống của quy trình sản xuất nội dung ở mọi tòa soạn.
Trump, với chiến lược tranh cử và nắm quyền của mình, đi ngược lại với những giá trị chúng tôi theo đuổi và giữ gìn. Cuộc bạo loạn ngày hôm nay ở Đồi Capitol chỉ là một biểu hiện nhỏ của những hậu quả thảm khốc mà đường lối chính trị dân túy của Trump có thể mang lại. May mắn cho dân Mỹ là các tổ phụ của họ đã thiết lập nên một thể chế dân chủ đủ mạnh để chống lại những hành vi phản dân chủ của Trump, người dân ở rất nhiều nước khác không có được cái may mắn đó.
Bài học nhãn tiền ngay trước cửa nhà của chúng ta là Philippines, nơi vị tổng thống dân túy Duterte đã kích hoạt một cuộc giết chóc quy mô cực kỳ lớn trên toàn quốc từ năm 2016, huy động từ cảnh sát tới dân thường truy sát hơn 10 nghìn người mà họ cho là tội phạm ma túy – tất cả đều không qua xét xử.
Cũng tại Philippines, vị tổng thống này cũng ra sức mạt sát báo chí bằng đúng hai bài mà ông Trump sử dụng: cáo buộc những tờ báo tử tế là “fake news” và tự bản thân mình xây dựng một bộ máy tuyên truyền chuyên tung “fake news”. Hậu quả là báo chí, những tờ báo tương tự như Luật Khoa, trở thành “kẻ thù của nhân dân” – đúng ngôn từ mà ông Trump dành cho một số tờ báo Mỹ. Và đó không có gì khác hơn, chính là những ngôn từ mà bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành cho Luật Khoa và hàng loạt các tờ báo độc lập suốt hàng chục năm qua.
Chúng tôi có thể ủng hộ và cổ xúy cho những diễn ngôn đó không? Không. Không. Và không. Nếu như Trump có thể truyền cảm hứng cho một nhóm công dân đột kích chiếm nhà Quốc hội của nền dân chủ thuộc loại già dặn nhất thế giới thì không có lý do gì những chính trị gia dân túy của Việt Nam trong tương lai không thể làm được nhiều hơn. Đó là con đường đào mồ chôn các giá trị dân chủ, là con đường tiến thẳng lên một chế độ nô lệ mới tinh vi hơn và tàn khốc hơn.
Chúng tôi không bao giờ đặt ra câu hỏi có nên chiều lòng đông đảo công chúng đang ủng hộ Trump hay không. Chiều lòng số độc giả đông đảo đó thì chúng tôi được gì? Lượng đọc sẽ cao hơn rất, rất nhiều, kéo theo lượng tiền đóng góp cũng (có thể) cao lên theo. Nhưng đó không thể và không nên là lựa chọn của một tờ báo. Chúng tôi có thể mất độc giả, mất các khoản đóng góp, chúng tôi có thể phải đóng cửa tờ báo, nhưng thà như vậy còn hơn là đánh mất linh hồn và các chuẩn mực nghề nghiệp của mình.
Một trong những đồng sáng lập viên của chúng tôi, nhà báo Phạm Đoan Trang, đã phải vào tù chỉ vì làm một nhà báo đúng nghĩa, một người đã luôn nói sự thật và lý lẽ, một người đã giữ vững đạo đức nghề nghiệp của mình khi làm cho báo nhà nước lẫn báo độc lập, khi yên ổn lẫn lúc nguy nan, khi no lẫn khi đói. Đó là thứ chúng tôi phải giữ gìn như con ngươi của mình, trái tim của mình, khối óc của mình.
Chúng tôi có thể làm gì tốt hơn không? Dĩ nhiên là có.
Chúng tôi đã thảo luận về việc làm sao để tiếp cận vấn đề Trump tốt hơn. Một câu hỏi đặt ra là có thể trung dung hơn không? Có thể đưa tin/ phân tích cả những điểm tích cực của Trump hay không? Chẳng nhẽ không có gì tốt về Trump để nói hay sao?
Cuối cùng, có mấy điều chúng tôi rút ra:
Sau cùng, hiện tượng Trump cũng chỉ là một thử thách trong vô vàn thử thách mà một tờ báo phải đối mặt và vượt qua. Chúng tôi đã giữ vững những giá trị và đạo đức nghề nghiệp của mình và đang lớn mạnh hơn nhiều so với bốn năm trước đây. Nhiều độc giả trung thành vẫn tìm đọc Luật Khoa, một số người ủng hộ của Trump cũng tìm đọc Luật Khoa. Rất nhiều người trong số đó đang ủng hộ tiền bạc cho Luật Khoa. Đó là phần thưởng quý báu cho những nỗ lực của chúng tôi, và chúng tôi vô cùng cảm kích vì sự tưởng thưởng đó.
Suy cho cùng, hình mẫu một tờ báo độc lập mà Luật Khoa nên theo đuổi là một hình mẫu như thế nào? Đó phải là một tờ báo trung thành với sự thật và lý lẽ ngay cả khi chỉ còn một độc giả để phục vụ và một ngàn đồng để tiêu.
Thứ tinh thần báo chí đó là vốn quý nhất mà một tờ báo có, và là tài sản lớn nhất mà thế hệ những người làm báo ở Luật Khoa hiện nay có thể truyền lại cho các thế hệ tiếp theo, nếu Luật Khoa còn có thể tiếp tục tồn tại.
Chúng tôi phải kiên trì với những giá trị dân chủ, ít nhất là cho nó một cơ hội để bén rễ, đâm chồi, và nảy lộc trên mảnh đất văn hóa Việt Nam.
Cuộc tuần hành hôm 6/1 đã trở thành cuộc tấn công vào Điện Capitol khi Quốc hội đang họp |
Trong khi ủng hộ viên của Tổng thống Trump cho rằng ông ‘không kêu gọi bạo động và đã lên án bạo lực’ thì phe phản đối quy trách chính ông đã khuyến khích những người ủng hộ ông có hành động tấn công vào toà nhà Quốc hội.
Ông Trump đang đối mặt với áp lực bị truất phế từ Quốc hội và từ ngay cả những người thân tín sau khi các ủng hộ viên của ông đột nhập bạo động vào Điện Capitol hôm 6/1 trong lúc lưỡng viện Quốc hội đang có phiên họp chung để chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống 3/11/2020.
‘Chiến đấu vì Trump’
Cuộc tập hợp mang tên ‘Cứu nước Mỹ’ của những người ủng hộ ông Trump diễn ra hôm 6/1 ở thủ đô Washington. Trong đoàn biểu tình hôm đó cũng có nhiều người Việt từ nhiều tiểu bang đổ về.
Tại sự kiện này, ông Trump lặp lại các cáo buộc vô căn cứ rằng Đảng Dân chủ đã ‘cướp chiến thắng’ của ông và kêu gọi đám đông ‘hãy yêu cầu Quốc hội làm điều đúng đắn và chỉ đếm phiếu đại cử tri hợp pháp’.
“Bởi vì quý vị sẽ không thể nào lấy lại đất nước này bằng sự mềm yếu. Quý vị phải thể hiện sức mạnh và quý vị cần phải mạnh mẽ,” ABC News dẫn lời ông Trump phát biểu trước đám đông ở công viên Ellipse.
Sau bài phát biểu của ông Trump, đám đông đã hướng về phía Điện Capitol, hô lên ‘Chiến đấu vì Trump’. Cuộc đột nhập vào tòa nhà Quốc hội sau đó đã khiến 5 người chết và bị thế giới lên án là hành động tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ.
Mặc dù sau đó ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ ông về nhà nhưng trong thông điệp vãn hồi trật tự, ông vẫnlặp lại tố cáo vô căn cứ rằng: “Một chiến thắng vang dội trong kì bầu cử đã bị cướp khỏi tay chúng ta.”
Một ngày sau, ông Trump công khai lên án vụ xâm chiếm bạo động tại Quốc hội là ‘ghê tởm,’ ‘khiến ông phẫn nộ’.
Sau cuộc hỗn loạn đẫm máu tại Quốc hội, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án25 để truất phế Tổng thống Trump. Ông Pence phản đối lời kêu gọi này, New York Times dẫn lời một người thân tín với Phó Tổng thống cho biết.
Hiện giờ, ông Trump đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội lần thứ hai. Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại hai viện Quốc hội cho biết sẽ xúc tiến việc luận tội ông. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói đầu tuần sau, ngày 11/1, Hạ viện sẽ soạn thảo điều khoản luận tội. Trong lịch sử Mỹ, chưa một vị Tổng thống bị luận tội đến hai lần.
Bà Pelosi cũng đòi ông Trump phải từ chức ngay nếu không muốn bị luận tội. Một số đồng minh của ông Trump bên Đảng Cộng hòa cũng kêu gọi ông ra đi. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói bà muốn ông Trump phải ra đi trước khi hết nhiệm kỳ, theo AP.
Hàng loạt quan chức trong chính quyền Trump, mới nhất là Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, đã từ chức để phản đối hành động tấn công vào Điện Capitol.
Trang bìa ấn bản mới nhất của tờ Economist, một tạp chí uy tín của Anh, đăng hình một người nổi loạn ngồi vào ghế Chủ tịch Thượng viện của ông Mike Pence với lời bình: ‘Không nghi ngờ gì nữa Donald Trump chính là tác giả của cuộc tấn công chết chóc vào trái tim của nền dân chủ Mỹ.”
‘Trump có trách nhiệm chính’
Ông Hải Nguyễn, một kỹ sư phần mềm ở Los Angeles và là cử tri Dân chủ lâu năm, cũng quy trách nhiệm cuộc bạo động này cho Tổng thống Donald Trump.
Ông Hải nói với VOA rằng người ủng hộ ông Trump có quyền biểu tình nếu họ thấy bất bình về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, sau khi tòa án các cấp đã bác hàng chục vụ kiện về gian lận bầu cử của ông Trump, và sau khi phe ông Trump ‘hơn một tháng qua không chứng minh được có gian lận thì bây giờ họ đi bạo động là trái luật pháp’, ông nhận định.
“Hành động đó giống như phản loạn, muốn lật đổ chính quyền,” ông Hải lên án.
Ông cho rằng mặc dù ông Trump không hoàn toàn kêu gọi gây bạo động, nhưng ông ‘phải chịu trách nhiệm chính’.
“Ông ấy nói bầu cử gian lận thì khác nào nói bầu cử không hợp pháp? Chẳng khác nào xúi giục người dân nổi lên chống lại,” ông Hải lập luận.
Người kỹ sư phần mềm này còn chỉ ra ‘một quá trình dài’ ông Trump ‘có hành vi khuyến khích bạo lực’ chẳng hạn như kêu gọi những phần tử cực đoan ủng hộ ông như Proud Boys là ‘đứng sang một bên sẵn sàng’, và ca ngợi những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là ‘người tốt’.
Về hành động của Đảng Dân chủ muốn luận tội ông Trump một lần nữa, ông Hải cho là ‘nên làm’ nhưng ông thừa nhận là ‘khó khả thi’ và mất thời gian trong khi ông Trump chỉ còn tại vị chưa tới hai tuần nữa.
Về việc liệu chính quyền ông Biden có nên mở cuộc điều tra về ông Trump sau khi ông rời Nhà Trắng hay không, ông Hải nói: “Tôi nghĩ ông Biden không nên làm và tôi tin tưởng ông Biden sẽ không làm vì chuyện đó sẽ gây bạo động và chia rẽ nước Mỹ mặc dù ông Trump làm rất nhiều điều không đúng.”
‘Có chính nghĩa và hợp pháp’
Trái với nhận xét của ông Hải Nguyễn, cựu tù chính trị Vũ Hoàng Hải đang sống lưu vong tại Mỹ và là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump cho rằng việc làm của ông Trump là ‘có chính nghĩa và hoàn toàn đúng Hiến pháp và pháp luật’.
“Chính nghĩa là đòi minh bạch trong vấn đề bầu cử,” ông nói và cho rằng theo luật pháp Mỹ thì ông Trump có quyền kêu gọi biểu tình.
Về bạo loạn, ông Hải cáo buộc là ‘có người trà trộn vào phá hoại’, theo những gì ông tìm hiểu từ ‘các nguồn tin trên mạng xã hội’.
“Những người MAGA (Làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại) rất bình tĩnh. Ông Trump cũng đã kêu gọi mọi người bình tĩnh, không bạo loạn.” “Chính ông Trump đã lên án những người phá hoại cuộc biểu tình,” nhà hoạt động chính trị này lập luận.
Do đó, ông Hải phản đối việc Đảng Dân chủ xúc tiến luận tội ông Trump: “Ông ấy đã lên án bạo loạn, ông ấy đã nói rằng sẽ chuyển giao quyền lực một cách êm thấm thì lấy cớ gì mà truất phế ông ấy trong giai đoạn này?”
Ông Hải tin rằng nỗ lực này nằm trong ‘kế hoạch của Đảng Dân chủ muốn loại ông Trump từ lâu rồi, từ lúc ông ấy chưa ra làm Tổng thống’. “Họ sợ ông Trump dùng thiết quân luật nên bây giờ bằng mọi giá họ muốn truất phế ông ấy,” ông Hải cáo buộc.
Asia Sentinel
Tác giả: Tuấn Hoàng
Jackhammer Nguyễn, biên dịch
9-1-2021
Hình ảnh cờ vàng trong cuộc bạo động ngày 6/1, là hình ảnh tai tiếng được truyền đi khắp thế giới. Nguồn: CNN |
Chuyện gì xảy ra đối với lá cờ của một quốc gia không còn nữa, trong vụ rối loạn?
Lá cờ Việt Nam cộng hòa (RVN), một quốc gia đã mất vào năm 1975, xuất hiện trong cuộc tấn công điện Capitol ở Washington DC, ngày 6/1/2021, cùng với cờ Mỹ, cờ Trump, cờ Tea Party, cờ Confederate (các bang miền Nam ly khai trong nội chiến Mỹ) cùng cờ một số nước như Hàn Quốc, Canada, Nhật, Úc.
Tại sao lá cờ vàng ba sọc đỏ đó có mặt trong biến cố kinh hoàng đó?
Đây là một câu chuyện dài và phức tạp. Câu trả lời ngắn nhất có thể đó là biểu tượng của một nhóm người ủng hộ ông Trump, một nhóm khá đông đúc những người Mỹ gốc Việt. Cái lý do phù hợp với họ để họ ủng hộ ông Trump là: Ông ấy là người cứng rắn nhất chống Trung Quốc, quốc gia gây đe dọa Việt Nam trong mấy chục năm nay. Trong cái nhìn của họ thì đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) xâm lấn lãnh thổ và chèn ép Việt Nam dựa trên sự bạc nhược của chính quyền Việt Nam.
Chống Trung Quốc và (hoặc) chống CSTQ, không phải là cảm xúc riêng của người Mỹ gốc Việt, thế hệ thứ nhất và thế hệ 1.5, mà nó còn có cả ở những người bất đồng chính kiến Trung Quốc và những di dân từ Philippines. Khảo sát cho thấy, có nhiều người Mỹ gốc Philippines, cũng như gốc Việt, bầu cho Trump. Thật ra ảnh hưởng của Trump bên trong Việt Nam còn lớn hơn là ở cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi không biết về những khảo sát bên trong Việt Nam, nhưng có nhiều bằng chứng, câu chuyện cho phép tin điều đó.
Nếu nhìn từ bên ngoài, thì người ta sẽ nghĩ rằng có cờ của Hà Nội, cũng như cờ của các quốc gia khác trong sự kiện ngày 6/1/2021, nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại lại là một cộng đồng tự nhận là chống cộng sản, với đa số đến từ miền Nam của nước Việt Nam Cộng hòa ngày trước. Nhưng chống cộng sản không có nghĩa là nồng ấm trong chiến tranh với Hoa Kỳ, với tư cách là người khởi xướng cuộc chiến Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu sử học, trong đó có tôi, thì chuyện chống Mỹ là có thật và rất đa dạng ở miền Nam trước kia, hậu quả của nhiều lý do: Lòng ái quốc, thời thuộc địa, và những yếu tố khác nữa.
Những người tỵ nạn Nam Việt Nam đầu tiên đến Mỹ mang trong lòng cảm xúc, cho rằng Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Họ nhìn chính phủ Mỹ ít nhất với sự nghi ngờ, tệ hơn là với sự giận dữ. Họ mang ơn xã hội Mỹ, với các nhà thờ và những tổ chức tôn giáo đã giúp họ bình ổn cuộc sống. Nhưng đó là sự mang ơn đa dạng, phức tạp hơn những người Mỹ.
Dần theo năm tháng, những người tị nạn Việt Nam có cái nhìn tích cực hơn về nước Mỹ, nhất là do những biến chuyển trong nước như là chuyện quốc hữu hóa nền kinh tế, trại tù cải tạo, thuyền nhân. Ngoài ra vai trò toàn cầu của nước Mỹ, chuyện tổng thống Reagan dùng lời lẽ chống Cộng mạnh bạo trước khi cùng Gorbachev chấm dứt chiến tranh lạnh, chuyện người Việt được xem như người thiểu số kiểu mẫu, người di dân kiểu mẫu, người tỵ nạn kiểu mẫu. Còn có một câu chuyện dài khác nữa.
Lá cờ Việt Nam Cộng hòa đã và đang là biểu tượng cho những sự kiện của người Mỹ gốc Việt. Vốn đã mang tính dân tộc chủ nghĩa cao, tính biểu tượng của nó rất mạnh trong cộng đồng người tị nạn trong thập niên 1970, 1980. Nó không chỉ là căn cước và lịch sử của họ, đang bị chế độ mới ở Việt Nam xóa đi, mà nó còn là sự cần thiết cho họ vì có quá ít – nếu không nói là không có gì hết – những biểu hiện cho căn cước và lịch sử của họ ở Mỹ như là bảo tàng, tượng đài, sự công nhận, sự tưởng niệm,… Lá cờ và quốc ca Việt Nam Cộng hòa là điều trong số rất ít những điều giữ cho căn cước và ký ức chính trị của cộng đồng người tị nạn sống còn.
Tất cả những cái đó giải thích cho sự có mặt của lá cờ Việt Nam Cộng hòa trong ngày 6/1: Chỉ là câu chuyện trải nghiệm của người Mỹ gốc Việt, câu chuyện hình ảnh của lá cờ. Trong thập niên 1970, 1980, lá cờ có mặt ở những sự kiện mang tính sắc tộc, chẳng hạn như là Tết, hay là kỷ niệm ngày Sài Gòn sụp đổ. Ngoài hình ảnh của lá cờ, quốc ca Việt Nam Cộng hòa cũng mang tính biểu tượng trong những dịp đó. Theo những gì tôi quan sát thì những lúc đó có cờ nhưng không nhiều. Đôi khi lá cờ cũng có mặt ở những sự kiện không phải do người Việt tổ chức, nhưng thỉnh thoảng thôi.
Thập niên 1990 mang đến sự thay đổi lớn cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cũng như là hình ảnh của lá cờ. Đó là rất đông cựu từ chính trị, tù cải tạo đến Mỹ, họ tiếp thêm năng lượng cho cộng đồng. Lá cờ và quốc ca trở nên quan trọng, như một biểu tượng. Người ta thấy nhiều cờ hơn ở những sự kiện mang tính sắc tộc. Và người ta cũng thấy thường xuyên hơn hình ảnh các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa với quân phục của họ. Điều này cũng thể hiện sự mất mát, cũng như căn cước của họ. Cờ, và ở mức độ ít hơn là quân phục, rất phổ biến ở các buổi tập họp chính trị, gây quỹ, họp mặt, tang lễ, và những sự kiện khác của người Việt. Sự kiện nhiều hơn, và cờ cũng nhiều hơn so với những năm trước đó.
Rồi hình ảnh của lá cờ cũng phổ biến hơn trong những sự kiện không mang tính sắc tộc. Có nhiều lý do về việc này. Một trong những lý do là hàn gắn những bất hòa giữa nước Mỹ và những cựu binh Việt Nam Cộng hòa. Hay là nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ 1.5 gia nhập quân đội Mỹ, mà những người này quen thuộc với hình ảnh chào cờ. Những người Việt trẻ hơn bắt đầu xem lá cờ như là di sản của họ. Một số hội đồng thành phố công nhận lá cờ như là biểu tượng cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ sau ngày 11/9 cũng có thể góp phần vào hình ảnh lá cờ, chuyện chính trị ở quê nhà liên quan đến Trung Quốc, chắc chắn là một yếu tố quan trọng.
Sang những năm 2010, hình ảnh phổ biến hơn của lá cờ ở những sự kiện không mang tính sắc tộc có thể là do sự gắn kết nhiều hơn giữa chuyện chính trị ở quê hương và chuyện nội bộ nước Mỹ. Trong kỳ bầu cử năm 2016, và nhất là kỳ bầu cử năm 2020, lá cờ xuất hiện ở nhiều buổi vận động chính trị của ông Trump. Không có gì ngạc nhiên nếu như có nhiều cờ hơn ở những buổi như thế tại khu Tiểu Sài Gòn và trên toàn quốc. Cờ Việt Nam Cộng hòa trở thành một điều mang ý nghĩa cho những người ủng hộ Trump. Sự xuất hiện của lá cờ vào ngày 6/1 vừa qua thể hiện rằng, những người Việt ủng hộ Trump vẫn tin vào những điều ông ta nói về cuộc bầu cử [gian lận].
Còn rất nhiều điều đáng nói về chuyện này, ở Mỹ cũng như sang tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Có nhiều góc nhìn khác nhau về giới tính, tôn giáo, sắc tộc (sự phân biệt chủng tộc chống người da đen), tụ lại hoặc khác biệt nhau ở những cộng đồng Á châu khác nhau.
Tôi hy vọng rằng, tất cả những gì tôi trình bày sẽ làm rõ hơn để tìm hiểu tại sao lá cờ lại có mặt trong cuộc biểu tình ngày 6/1/2021, một cuộc biểu tình trở thành bạo loạn.
_____
Tác giả: Tuấn Hoàng là giáo sư tại Đại học Pepperdine, California
Những kẻ bạo loạn chiếm tòa nhà Quốc hội ngày 6/1/2021. Nguồn: Lev Radin/ Sipa USA |
Lá cờ nửa xanh nửa vàng
Lần đầu tiên tôi thấy sức mạnh lịch sử của một lá cờ là tại trung tâm Toronto, Canada, trong một ngày mùa hè. Hôm đó là ngày hội của cư dân địa phương gốc Ukraine, hai màu vàng và xanh dương của lá quốc kỳ Ukraine ngập trời Toronto.
Hai màu xanh dương và vàng của lá cờ mang ý nghĩa bầu trời xanh thẳm của biển Hắc Hải trên cánh đồng lúa mì vàng óng của bình nguyên Ukraine.
Cũng giống như nhiều người cùng thế hệ, tôi lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, và lần đầu tiên nghe nói về lá cờ xanh, vàng này là từ quyển tiểu thuyết cách mạng cộng sản “Thép đã tôi thế đấy”, tác giả viết thế này: Lá cờ hai màu vàng xanh của bọn phỉ Petliura (người đứng đầu chính phủ Ukraine độc lập sau năm 1918, sau sống lưu vong và bị ám sát ở Paris).
Lá cờ hai màu vàng xanh đó đã có lịch sử hơn 100 năm, xuất hiện lần đầu vào năm 1848. Sau khi những người cộng sản áp đặt chế độ của họ lên Ukraine, với 1 lá cờ mới màu đỏ búa liềm, viền xanh bên dưới, là cờ nửa xanh nửa vàng vẫn là biểu hiện của cộng đồng Ukraine hải ngoại.
Năm 1991, lá cờ đó trở lại với Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ, trở lại trên cả ngôi nhà tòa đại sứ Ukraine tại Hà Nội, nơi vẫn còn nằm dưới màu đỏ cộng sản.
Lá cờ vàng ba sọc đỏ
Lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ tôi chào đầu tiên trong đời, khi ý thức được mình là công dân một quốc gia. Mỗi sáng đến trường, tôi hay đi ngang Nha Thông tin chiêu hồi, có khi dừng lại ngoài đường chào cờ cùng với nhân viên Nha Thông tin trong sân.
Thế rồi lá cờ đó biến mất trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1975. Nhưng nó theo chân đoàn người di tản sang hải ngoại, nó trở thành biểu tượng của những người Việt không chịu sống với chế độ cộng sản.
Theo tác giả Tuấn Hoàng từ trường đại học Pepperdine, California, viết trên báo Asia Sentinel, thì lá cờ là hồi ức của những người mà chế độ mới đang xóa đi hình ảnh của họ, nó cũng là sự thể hiện căn cước của một cộng đồng còn quá trẻ, vừa được hình thành trên đất Mỹ đa sắc tộc.
Lá cờ Việt Nam Cộng hòa có mặt ở bất cứ nơi đâu có người Việt trên đất Mỹ, và ở các sự kiện mang tính chính trị, hoặc không có tính chính trị của cộng đồng.
Từ năm 1995, sự thể bắt đầu phức tạp với sự có mặt của lá cờ cộng sản màu đỏ sao vàng trên đất Mỹ, khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng lá cờ đỏ ấy chỉ có trong khuôn viên các cơ quan lãnh sự của Hà Nội mà thôi.
Có lẽ sự thách thức biểu tượng của cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ về lá cờ xảy ra đầu tiên là vụ Trần Trường hồi năm 1999, khi ông này treo cờ đỏ của CSVN trong cơ sở thương mại của mình. Đầu năm 2008, giai phẩm Xuân của báo Người Việt với bức ảnh lá cờ vàng trong cái chậu rửa chân của cô Trần Thủy Châu, cũng đã gây tranh cãi.
Theo tác giả Tuan Hoang, thế hệ 1.5 của người Mỹ gốc Việt vẫn xem lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng di sản cha ông của mình. Nhưng đối với thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Việt thì việc nhận ra lá cờ trở nên khó khăn hơn. Đối với những người này, phải có một sự kế thừa gia đình rất mạnh, họ mới nhận ra được lá cờ. Họ được bảo họ là người Việt Nam, và đối với thế hệ Internet này, với chỉ một từ khóa Việt Nam, họ không thể tìm ra được lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Khó khăn còn trở nên mạnh hơn, lợi bất cập hại, khi có nhiều người lạm dụng hình ảnh của lá cờ. Tôi đã chứng kiến việc người ta chào cờ đến năm, sáu lần trong vòng 12 giờ đồng hồ, tại cùng một nơi, cùng những con người và hội đoàn. Việc lạm dụng này làm cho thế hệ người Việt sinh ra trên đất Mỹ cảm thấy xa lạ, bối rối.
Năm 2016, sự xuất hiện của tổng thống Trump trên chính trường Mỹ, đã làm cho cộng đồng Việt Nam ở Mỹ bị chia làm đôi, người ủng hộ, người chống. Lá cờ Việt Nam Cộng hòa lại trở thành biểu tượng, về mặt nào đó, của những người Việt ủng hộ Trump, mà sự thể lại rất trớ trêu khi chính ông Trump có thể cũng không hề hay biết sự tồn tại của lá cờ ấy, và ông ấy vô tư, hồn nhiên vẫy cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cộng sản, cùng các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Tác giả Tuấn Hoàng cho rằng, hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hòa trong các buổi tập hợp, biểu tình ủng hộ ông Trump, có thể có nhiều nguyên nhân, như là tình cảm chống Trung Quốc, chống cộng sản, chủ nghĩa dân tộc. Nhưng theo tôi thì nguyên nhân có lẽ đơn giản hơn, đó là nhóm những người Việt ủng hộ ông Trump hay tập hợp và biểu tình hơn, họ không ngại dịch bệnh theo lời ông Trump, và họ thường to tiếng hơn.
Không thể nói những người Mỹ gốc Việt chống ông Trump là không chống Trung Quốc, hay không chống cộng sản được. Theo ý chủ quan của tôi, sự chống cộng, chống Trung Quốc của những người này lặng lẽ, nhưng có chiều sâu hơn.
Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021
Tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là ủng hộ ông Trump hay chống ông ấy, mà là hình ảnh của lá cờ vàng bay trên tòa nhà Capitol, trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021. Đó là một thách thức nghiêm trọng cho lá cờ vàng, biểu tượng của những người Việt tự do. Cuộc bạo loạn làm cho 5 người thiệt mạng và nhất là làm hoen ố hình ảnh của nền dân chủ Mỹ, khi những kẻ bạo loạn tấn công nơi làm việc của những người đại diện cho dân, được dân bầu lên.
Dĩ nhiên trong cuộc bạo loạn có cả cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng đây là lá cờ của toàn nước Mỹ, nó sẽ không bị suy suyển hình ảnh sau cuộc bạo loạn, người ta không vì một nhóm bạo loạn mà thấy nó xấu đi. Trong khi đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ đột nhiên được công chúng Mỹ chú ý tới, với hình ảnh bạo loạn, đi kèm với những lá cờ khác thường gây ra khó chịu về chủng tộc, như cờ Confederate, hay cờ biểu tượng của những thuyết âm mưu nhảm nhí QAnon.
Cuộc bạo loạn còn bị chính giới Hoa Kỳ, ở cả hai đảng gọi là một cuộc khủng bố. Một nhà văn người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ 1.5, là Andrew Lâm viết rằng: Chế độ Hà Nội đã thất bại trong bao nhiêu năm nay khi muốn dán nhãn (lá cờ) là khủng bố, nay một nhóm nhỏ (những người Việt) đã chứng minh rằng Hà Nội đúng.
Bà Song Chi, một người tỵ nạn cộng sản sống tại Anh viết như thét lên: Đừng làm xấu hình ảnh lá cờ vàng nữa.
Lá cờ xanh vàng Ukraine đã trở lại tổ quốc của nó.
Những người Việt dùng lá cờ vàng lại có lẽ đã đứng bên lề lịch sử khi cầm lá cờ đó tham gia cuộc bạo loạn tấn công điện Capitol, biểu tượng thiêng liêng của nền dân chủ Hoa Kỳ.
***
Nhà thơ Canhcong Ng có làm bài thơ về lá cờ ở tòa nhà Quốc hội hôm 6/1/2021 như sau:
Ở Mỹ vào nửa cuối năm 2020 là một trải nghiệm thật sự thú vị (xin cảm ơn học bổng Fulbright đã tài trợ cho trải nghiệm kể trên) khi chứng kiến một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử cường quốc này. Tuy Covid đã hạn chế rất nhiều trải nghiệm đáng lý ra phải có của một sinh viên luật tại Mỹ, nó cũng mở ra một cơ hội để chứng kiến nền dân chủ trong khủng hoảng. Nhìn lại, đây cũng chính là mục tiêu lớn của mình khi chọn đến Mỹ vào năm 2020 chứ không trễ hơn hay sớm hơn.
Giờ đây, tuy cuộc bầu cử xem như đã an bài (quá trễ), đây lại là thời khắc rất quan trọng để kiểm nghiệm xem nước Mỹ – hay cụ thể hơn là những quan điểm dân chủ Mỹ – sẽ đi về đâu trong những năm tiếp theo. Trump cuối cùng cũng chỉ là một passing phase (một hiện tượng sẽ qua), nhưng những gì Trump đã làm (hoặc gây ra) sẽ còn ở lại với nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới trong một thời gian rất dài.
Cũng như những gì tờ The Economist của nước Anh đã đăng trên trang bìa, di sản của Trump vừa là sự xấu hổ (the shame), vừa là cơ hội (opportunity). Chắc chắn không riêng một ai phải xấu hổ, để cho một nền dân chủ lớn và lâu đời như vậy đi vào khủng hoảng thì ai cũng phải thấy xấu hổ, cho dù họ chống hay ủng hộ Trump.
Trang bìa của The Economist. |
Nhưng cơ hội mới là quan trọng, không chỉ cho nước Mỹ mà còn là cho cả Việt Nam. Cơ hội để lật mặt như một số người ở Việt Nam đang tự cho là đã “lật mặt được nằm vùng”. Nhưng cũng là cơ hội để nhận diện sự non nớt của không gian dân chủ Việt Nam.
Đã từ lâu, người ta cứ cho rằng chỉ cần một không gian mở và những người thạo tin hay những ý tưởng bay bổng thì dân chủ sẽ đến. Nó thậm chí còn lãng mạn đến mức có người còn tổ chức cuộc bình chọn vị lãnh đạo tiếp theo của đất nước trên mạng. Nhưng những tranh cãi xoay quanh Trump khiến ta nhận ra dân chủ không đến chỉ từ việc mở mồm ra nói hay từ việc like những quan điểm ủng hộ cho thành kiến của mình. Đó là một con đường rất dài, rất khó khăn, nhiều nỗi đau từ sự ngộ nhận. Nhưng có ngộ nhận mới trưởng thành được. Và đó là cơ hội lớn nhất, cơ hội để hiểu mình và thế giới hơn.
Tất nhiên, trong quá trình học hỏi và lớn lên đó, sẽ có những người tự động rời cuộc chơi vì nghĩ rằng mình đã hiểu về thế giới này. Cơ hội do đó cũng không thuộc về họ. Tất nhiên đó cũng là việc của họ.
Trên thực tế, những người tấn công Toà nhà Quốc hội ít ra họ vẫn là nạn nhân của những người ngồi nhà và cổ suý cho họ. Một tay viết bên Nhật thề rằng, sẽ cầm súng bắn đến viên đạn cuối cùng nếu có cơ hội ở đó, và anh ta được hàng ngàn người hưởng ứng.
Một doanh nhân ở Hà Nội liên tục đầu độc người đọc của chị bằng những nguồn tin giả và không ngừng kêu gọi thiết quân luật, nội chiến ở Mỹ. Một đại nhà báo ở Sài Gòn đầu tư quá nhiều tình cảm vào vị tổng thống, kêu gọi tự do, để rồi sẵn sàng xác quyết rằng quỷ dữ đã xâm chiếm nước Mỹ bằng những lập luận ngờ nghệch nhất mà khi có người chỉ ra, ông sẽ không ngại block và chửi bới họ.
Điểm chung của những người này chỉ có một, họ đều không ở nước Mỹ vào thời điểm “cần” họ thực hiện điều họ viết nhất. Và do đó, điểm chung của họ là sự hèn hạ. Họ đẩy người khác ra trận, họ bệnh hoạn khi tung hô cuộc tấn công như một cuộc cách mạng, giành quyền lực về tay nhân dân, cảm thấy tự hào về cuộc tấn công đó, so sánh nó với cuộc cách mạng Mỹ, nhưng cũng không ngại vu khống các hành vi bạo lực là của Antifa, của BLM (vậy Antifa và BLM là những người cha lập quốc ư?). Những người đó thì thật sự đáng ghê tởm.
Sau một cuộc tranh luận không mệt mỏi kéo dài nửa năm, đôi lúc còn gây chia rẽ hơn cả sự kiện Đồng Tâm diễn ra tròn một năm trước, có lẽ rất nhiều người Việt đang chọn cách liếm láp vết thương của mình. Để xoa dịu nó, họ không ngần ngại tuyên bố rằng những người ủng hộ Trump là những người yêu tự do, yêu nước… mà không hề có bất kỳ một chỉ dấu ngoại lệ nào.
Rất may là phần lớn trong số họ chắc sẽ sớm vượt qua, nhưng sẽ có những người không thể – vì cái gì thì cũng không đáng quan tâm cho lắm. Tất nhiên cuộc sống là của họ, và nguyên tắc tự do cũng không cho phép ai cầm tù họ. Nhưng nguyên tắc tự do cũng không cấm sự khinh bỉ từ những người khác.
Cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn, những gì Trump chỉ trích hay phơi bày không phải là không có cái lý, và một thế hệ những người ở lại sẽ phải nghiên cứu và chỉnh sửa nó. Nếu ai đó nghĩ rằng thế giới chấm dứt vì một con người thất cử thì có nghĩa là họ đã ưu tiên con người đó hơn là ý tưởng, và mượn lời của một người quen bầu cho Trump hai lần mà mình rất kính trọng: “họ cũng không vượt qua được tư duy bộ lạc”.
Thái độ đó cũng không khác gì lời bài hát Quốc tế ca của những người vô sản mà họ sẽ rất ghê tởm khi bị so sánh. Chỉ tiếc là có nhiều người chỉ muốn nhìn thế giới này bùng cháy sau khi thần tượng của họ thất bại.
Cải cách chính trị Việt Nam nhìn từ bên trong
Theo phân tích của tác giả Nguyễn Khắc Giang, một người làm việc trong ngành hành chánh tại Việt Nam và được đào tạo ở Tân Tây Lan, thì những cải cách về thể chế chính trị Việt Nam đã được bắt đầu từ khá lâu, ít nhất là từ năm 1990, mặc dù bên ngoài vẫn là cái vỏ bọc toàn trị cộng sản.
Theo những thông tin của ông Giang được đưa ra trên báo The Diplomat (chuyên về địa chính trị vùng châu Á – Thái Bình Dương), có hai mốc cải cách chính trị quan trọng ở Việt Nam từ bản thân đảng cầm quyền.
Lần đầu tiên là vào năm 1996, trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, các lãnh đạo già đồng loạt từ chức, và người ta đặt ra độ tuổi giới hạn cho các lãnh đạo.
Lần thứ hai là cuộc thí nghiệm bầu trực tiếp từ dưới lên, vào năm 2010, tại thành phố Đà Nẵng và hiện nay có 11% các tổ chức đảng ở cấp huyện, xã, được bầu trực tiếp như vậy.
Xin nói rõ rằng, cơ cấu lãnh đạo được bàn đến ở đây là cơ cấu đảng, chứ không phải quốc hội hình thức, hay cơ cấu chính quyền song trùng với nó. Điều này dựa trên việc nhìn nhận quyền lực thực tế là các chi bộ đảng ở địa phương, lên đến Ban chấp hành trung ương, được xem như quốc hội De Facto (thật sự).
Và ở đây cũng xin nói rằng, những phân tích của ông Giang dựa trên quan điểm rộng về cải cách và dân chủ hóa, bao gồm cả việc cải cách từ trên xuống, từ chính bản thân ĐCSVN, chứ không chỉ đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe như là đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập, … những mục tiêu của một con đường rất dài.
Trên thực tế, việc cải cách này diễn ra rất rụt rè, và theo ông Giang, việc bầu cử trực tiếp đang bị bỏ dở, người ta không biết rằng tại đại hội đảng lần thứ 13 tới đây, các đại biểu đảng, hay ít nhất là các ủy viên trung ương có bầu trực tiếp các chức vụ trong tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội) hay không.
Cải cách chính trị sẽ chậm lại?
Trong thời gian hơn hai chục năm qua, nhà nước cộng sản Việt Nam, một mặt vẫn khẳng định mô hình mà họ gọi là dân chủ tập trung (thật ra là độc tài) từ trên xuống, nhưng mặt khác họ ngừng chỉ trích các chế độ đa nguyên phương Tây, thậm chí có cả những bài báo nghiên cứu về các chế độ ấy, nghiên cứu về xã hội dân sự, và mạnh hơn hết là thí nghiệm bầu cử trực tiếp ở cấp xã (như tỉnh Quảng Ninh).
Nhưng những diễn biến trong vài năm qua ở Mỹ và châu Âu, với sự đi lên của giới chính trị gia dân túy, khuynh hướng xem chế độ độc tài là tốt hơn, đang có ưu thế trở lại trong đầu những người cộng sản Việt Nam. Rõ ràng nhất là bài báo của ông Nguyễn Sĩ Dũng, được xem như nhà lý luận và phản biện hiện thời của Đảng. Ông Dũng ca ngợi chế độ mà ông gọi là chọn người tài của Trung Quốc, đối lập với nền dân chủ từ dưới lên của Mỹ.
Ngay cả một nhà nghiên cứu có khuynh hướng tự do hơn là ông Huỳnh Thế Du, người được đào tạo tại Mỹ, cũng đặt vấn đề về mô hình nhà nước nào tốt hơn, tức là xét lại quan điểm mặc định xem dân chủ từ dưới lên của phương Tây là tối ưu.
Giới quan sát vẫn thấy rằng, có những nhóm có tư tưởng cải cách ở những mức độ khác nhau trong ĐCSVN. Những diễn biến gần đây có thể làm nhụt chí các khuynh hướng cải cách này.
Tôi nằm trong nhóm những người có quan điểm cho rằng, sự cầm quyền của Donald Trump, thể hiện qua sự bất tài của ông ta làm cho xã hội bất an, dịch bệnh tơi tả, là một lý do rất “chính đáng” để các nhà độc tài nói chung, các chế độ cộng sản nói riêng, cho rằng, mô hình dân chủ Mỹ là điều không thể noi theo. Có ít nhất một viên chức nhà nước Việt Nam đã nói với tôi rằng, Việt Nam cần một chế độ toàn trị hơn là dân chủ, hãy nhìn xem nước Mỹ chống dịch tệ hại ra sao!
Ngày 6/1/2021, trong khi các dân biểu và nghị sĩ Mỹ đang họp về việc công bố kết quả bầu cử tổng thống, hàng ngàn người ủng hộ tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội Capitol Hill đập phá. Cuộc bạo loạn bị khống chế nhưng có đến 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị bắt.
Những kẻ ủng hộ Trump chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Nguồn: BBC |
Hàng ngàn hình ảnh, video loan truyền trên khắp thế giới liên tục trong cả chục tiếng đồng hồ về cuộc bạo loạn, sẽ có tác động mạnh hơn nữa đến não trạng của các viên chức Việt Nam.
Hình ảnh hàng ngàn người nổi loạn ở điện Capitol rất dễ dàng được lấy ra để biện minh cho việc đàn áp thảm khốc tại Đồng Tâm, trong đó có một nông dân bị bắn chết, ba viên công an thiệt mạng. Và tệ hơn, sẽ được lấy ra làm minh chứng rằng, chế độ dân chủ bầu từ dưới lên của phương Tây sẽ đưa đến hỗn loạn như vụ bạo loạn Capitol, đánh vào tâm lý mong muốn sự ổn định của cả giới cầm quyền lẫn người dân.
Sự ổn định của chế độ chính trị cũng được ông Nguyễn Khắc Giang đề cập đến trong bài viết của ông mà tôi đề cập ngay từ đầu. Tuy nhiên, ông Giang kết luận rằng, việc làm chậm trễ cải cách chính trị, dù mới chỉ trong phạm vi hẹp của ĐCSVN, sẽ lập lại sự đổ vỡ tày liếp của chế độ Soviet trước đây.
Cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021 ở điện Capitol được dẹp tan, cũng như những hỗn loạn mà Donald Trump gây ra cho xã hội Mỹ, đều bị cơ cấu dân chủ, dân sự Mỹ phản ứng thành công. Trump rồi phải ra đi cùng sự hỗn loạn của ông ta.
Đó là cái giá của nền dân chủ.
Liệu người Việt Nam có muốn trả cái giá đó hay không? Hay sẽ không trả giá để rồi có thể rơi vào đổ vỡ như chế độ Soviet mà ông Nguyễn Khắc Giang lo ngại?
Đây là cách mà 4 năm đen tối nhất trong lịch sử nền dân chủ Mỹ kết thúc: máu, hỗn loạn và vô luật pháp, do tổng thống đương nhiệm khởi xướng.
Giống như phần cuối của một bộ phim truyền hình Shakespeare. Từng người một, những người trung thành nhất, đã quay lưng lại với bạo chúa. Mitch McConnell đã lên tiếng chống lại ông ta. Mike Pence từ chối làm theo lệnh của ông ta.
Ông ta ngồi một mình trong lâu đài và nhìn ra thủ đô đang bị những kẻ mọi rợ, đầu trâu mặt ngựa nổi loạn đập phá. Ông ta đã mở toang cổng thành cho những thứ mà chính mình đã từng hùng hổ lên án kết tội: Tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp và man rợ.
Chính ông là người đã kêu gọi họ đến. Chính ông đã dọn đường và để ngỏ cửa. Chính ông đã sử dụng họ như những con cờ trong ván bài chính trị của mình. Đó là những bầy tôi trung thành. Đó là những người bất mãn vì thua trong cuộc bầu cử.
Cái đám đông vô tri tin tuyệt đối vào những lời dối trá trắng trợn điên rồ và các thuyết âm mưu của ông về gian lận bầu cử. Hẳn ông đã vô cùng thỏa mãn, cái tôi được vỗ về vì đã cưỡi cổ được 74 triệu tín đồ và tự hào là “King Of Israel”, the “Second Coming Of God”.
Từ Tòa Bạch Ốc, ông ta có thể nghe thấy tiếng la ó ồn ào. Liệu ông có làm giống như Hoàng đế Nero, trèo lên mái cung điện rồi hát vang bài hát nói về ngọn lửa đốt cháy thành Troy không?
Không! Ông ta chỉ cần tung ra những dòng tweet chà đạp luật pháp và trật tự, rồi ngồi hưởng lợi từ cuộc nổi loạn do mình khích động.
Ông không yêu cầu những kẻ nổi loạn giải tán. Ông ta yêu cầu họ phủ nhận kết quả bầu cử. Ông ta cổ võ bạo lực. Việc bảo vệ nhân mạng và tài sản mà ông ta tỏ ra quan tâm vài tháng trước trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter không còn quan trọng nữa.
Hai tuần lễ nữa, Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, và mọi chuyện sẽ kết thúc. Những hư hại vật chất trong tòa nhà quan trọng nhất của nền dân chủ Mỹ sẽ được sửa chữa. Những kẻ phá hoại có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng Trump đã phá hủy một thứ có giá trị hơn nhiều. Ông ta đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho nền dân chủ Hoa Kỳ, một nền dân chủ đã là hình mẫu cho mọi quốc gia trên thế giới.
Đó là việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, một nguyên tắc quan trọng nhất của nền dân chủ Mỹ. Một siêu cường quân sự trong đó vị tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang tự nguyện bàn giao chức vụ của mình sau một cuộc bầu cử.
Việc này đã được thực hiện rất nhiều lần trong gần 250 năm, cả trong cuộc nội chiến và hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng nó sắp tan nát dưới tay một ông trùm bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế đến từ New York, kẻ tự nhận mình là “thiên tài ổn định”.
Việc sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng nó sẽ xảy ra. Bởi lẽ, ý tưởng dân chủ mạnh hơn một kẻ vĩ cuồng, tham quyền cố vị và ôm mộng độc tài.
Trump sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống không chịu thừa nhận thất cử và không quan tâm đến những thiệt hại mà ông đã gây ra cho nền dân chủ Mỹ trên đường rời Tòa Bạch Ốc.
Thật ra quyền biểu tình đã được ấn định trong hiến pháp Mỹ, là một cách người dân thể hiện quyền công dân của mình, nhưng khi có bạo động và đổ máu thì nó lại là chuyện hoàn toàn khác.
Ngày hôm qua thế giới đã kinh hoàng chứng kiến đám phiến loạn tấn công vào một nơi được xem là biểu tượng của nền Lập pháp nước Mỹ, trong lúc nhân viên cao cấp chính phủ đang tiến hành một công việc có thể gọi là quan trọng nhất cho đất nước sau mỗi bốn năm.
Khác với một đất nước độc tài toàn trị, nơi nhân vật lãnh đạo thường đắc cử với số phiếu bầu trên 95% trở lên, ở một đất nước dân chủ như Mỹ, ai là người thắng cuộc vào White House cũng để lại cho công chúng ít nhất là một nửa số người thất vọng (với cuộc bầu cử năm 2016 đã có hơn nửa số người dân Mỹ thất vọng).
Nhưng vì là một đất nước tự do, người ta có những hành xử văn minh lịch lãm, người thua cuộc sẽ nén giữ sự thất vọng của mình, ủy lạo và xoa dịu đám đông ủng hộ, công nhận sự thất bại, để giúp cho sự chuyển giao quyền lực một cách văn minh nhất, êm thắm nhất. Đó là tiền lệ từ các đời tổng thống trước, cho đến khi đất nước này có Donald Trump.
Ngày hôm qua cả thế giới đã thấy được lời cô Mary Trump là đúng. Cô Mary đã cảnh báo mọi người về người chú ruột: “Thay vì chấp nhận sự thua cuộc, ông ấy sẽ phá tan nát nước Mỹ“, nguyên văn “Rather than admit defeat, he would rather wreak havoc on the United States“. Và ông ta đã làm đúng như vậy không chỉ hôm qua, mà suốt hai tháng qua.
Cuộc phiến loạn đã xảy ra, toàn thể Lưỡng Viện Quốc Hội đã phải rút vào lánh nạn, đám côn đồ đi nghênh ngang trong các sảnh đường, chiếm cứ văn phòng các nhân vật cao cấp, ngang nhiên phá phách và đập đổ, những hình ảnh đau lòng của một nước Mỹ chia rẽ và thù hận, nước Mỹ sau bốn năm đứng đầu bởi một con người bị các hội chứng thần kinh, bệnh ái kỷ, một tay côn đồ gian manh, bất nhân thứ thiệt, đã hiển hiện ra trước thế giới với tất cả các góc cạnh xấu xí và yếu đuối của nó, một nỗi ô nhục mà từ nay về sau, mỗi bốn năm vào ngày này, nó sẽ được nhắc đến như sự kiện 9/11, khi nước Mỹ bị tấn công bởi khủng bố.
Nhưng thật ra trong mọi cái xui luôn luôn có cái may. Hay đúng hơn sự xấu xa, dối trá bao giờ rồi cũng có hậu quả riêng của nó. Đó là karma, là ác giả ác báo khó tránh. Đám phiến loạn không thay đổi được kết quả cuộc bầu cử, trái lại tiến trình đã được thông qua nhanh hơn, lý do lớn nhất có lẽ không còn nhiều người trong Quốc hội muốn dính vào với một tay tổng thống thất cử, xúi giục bạo loạn, một kẻ thất bại cay đắng nhất, đê tiện nhất trong lịch sử đất nước.
Và rồi người ta sẽ quên Trump, hoặc nhớ đến Trump như một kinh nghiệm để tránh xa, ngay cả những người đã từng tham gia vào đám đông hỗn độn hôm qua, một ngày nào đó nhìn lại, họ sẽ hổ thẹn tự vấn “Không biết ma xui quỷ ám gì mà mình lại có mặt ở nơi đó ngày ấy?”
Và rồi nước Mỹ sẽ tiếp tục vĩ đại theo cách riêng của đất nước này. Không giống ai cả, nhưng vẫn sẽ là ngọn cờ đầu dân chủ của thế giới.
Có thể bạn đang có những suy nghĩ u ám và không đồng ý với tôi điều này, nhưng nếu nước Mỹ không vĩ đại, không có những giá trị riêng của những con người tử tế, bất kể họ ủng hộ Dân Chủ hay Cộng Hòa, từ dân đen đến các viên chức cao cấp trong chính phủ thì làm sao chúng ta có thể trục được một tay “bán trời không mời thiên lôi” như Trump, sau khi đã lỡ lầm đưa ông ta vào White House bốn năm trước?
____
Nhà báo Dan Cohen đăng clip, cho thấy những kẻ bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc hội, một kẻ bị bắn chết:
Tank Noodle, một nhà hàng Việt Nam ở Chicago, đang bị tấn công bởi những bức thư căm thù và những lời đe dọa sau khi chủ nhân của nó tham dự cuộc biểu tình “ Cứu nước Mỹ” ở Washington DC vào thứ Tư. Chủ là người Gốc Việt Thu Ly và Thục Ly, cùng con trai của họ và cũng là người quản lý nhà hàng, Thiên Lý, đều tham dự cuộc biểu tình. Thiên Lý nói với TODAY Food .
Hàng trăm người đã chia sẻ ảnh chụp màn hình trên tất cả các nền tảng mạng xã hội về bài đăng của Thu Ly từ cuộc biểu tình, được chia sẻ ban đầu trên Facebook chị của Thiên, là Gwen Ly. Ảnh chụp màn hình cũng được Thiên Lý chia sẻ về bức ảnh selfie đăng lên Facebook của anh và bố Thục Ly trên máy bay đi Chicago.
“Ngày 6 tháng 1 Get Wild! #fightfortrump, ”chú thích của Thiên Lý.
Thiên Lý, 33 tuổi, đã xác minh các ảnh chụp màn hình cho TODAY, cho biết anh đã đến Washington, DC cùng với bố mẹ, mẹ vợ và một người bạn của gia đình để tham dự cuộc biểu tình. Ly cho biết cả nhóm không hề hay biết về bạo lực xảy ra tại Điện Capitol trong thời gian họ tham gia cuộc biểu tình. Anh nói rằng họ chưa đến Điện Capitol và chỉ tham dự cuộc biểu tình.
“Chúng tôi không phải những người bạo lực và thật kinh hoàng khi chứng kiến những gì đã xảy ra tại Điện Capitol,” anh nói với TODAY. “Đó là một ngày đáng buồn cho đất nước. Chúng tôi không tin vào những gì đang xảy ra ngay bây giờ.”
Thiên Lý cho biết, hiện nay chủ nhà hàng và nhân viên của nhà hàng đang bị đe dọa qua điện thoại và trên mạng xã hội.
“Tôi bị gán cho là một kẻ khủng bố vì đã tham dự cuộc biểu tình,” anh nói. “Chúng tôi nhận được những lời đe dọa chết chóc được gọi đến nhà hàng, những người đe dọa nhân viên của tôi, những người nói rằng họ sẽ đốt cháy nhà hàng của chúng tôi.”
Chị gái của anh đến nhà hàng vào sáng thứ Sáu và tìm thấy một vỏ đạn súng ngắn nằm trước cửa hàng.
Thiên Lý đã ẩn trang Facebook cá nhân và trang Facebook của Tank Noodle vì nhận được quá nhiều lời đe dọa giết người, anh nói với NBC News.
“Chúng tôi là người nhập cư, bố mẹ tôi là người nhập cư. Họ chạy trốn khỏi cuộc đàn áp kiểu này đến từ Việt Nam. Chúng tôi yêu đất nước này, họ đến đây mà không có gì cả và họ có thể xây dựng công việc kinh doanh của riêng mình và đưa tôi vào đại học “
Các nhân viên lo ngại về việc đưa nhà hàng vượt qua đại dịch, ông nói.
Thiên Lý cho biết: “Chúng tôi đã có một lượng khách hàng tuyệt vời. Chúng tôi đã làm được điều đó vừa đủ để giữ cho nhân viên có việc làm và thanh toán các hóa đơn của chúng tôi và tiếp tục tồn tại.”
Mọi người cũng đã tràn ngập trang Tank Noodle Yelp với các bài đánh giá 1 sao, khiến Yelp phải đưa ra cảnh báo trên trang của họ, cảnh báo mọi người đăng “quan điểm của họ trải nghiệm thực tế của người tiêu dùng với doanh nghiệp.”
Thiên Lý cho biết anh hy vọng những khách hàng thân thiết của mình sẽ tiếp tục đến và tin nhắn căm thù sẽ dừng lại.
“Tôi hiểu bầu không khí chính trị ở Chicago khác với chúng tôi, nhưng bạo lực ở mức độ này, kiểu đe dọa như thế này là không thể chấp nhận được,” Ly nói. “Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ bạo lực nào nữa.”
TH