Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

COVID-19 (4)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

31/05/2021 Trân Văn - voatiengviet

COVID-19 và hệ thống… ‘một tấc đến trời’!

Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam đã lột trần cả nhận thức lẫn cung cách hành xử vừa thiển cận, thiếu viễn kiến, vừa vô trách nhiệm đến mức tàn nhẫn đối với đồng bào nhưng lại thừa huênh hoang và hết sức khoác lác của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam...

***

Chỉ đến khi COVID-19 lan rộng, số ca nhiễm tăng vọt, những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới đề cập đến… “tiếp cận vaccine”: Các cơ quan liên quan phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, đến huy động các doanh nghiệp, nguồn lực khác để tiếp cận bình đẳng mua được vaccine (1).

Bởi năng lực sản xuất, cung cấp vaccine của những tập đoàn dược phẩm đi đầu trong việc nghiên cứu và có khả năng sẽ thành công trong việc bào chế vaccine ngừa COVID-19 vướng giới hạn so với nhu cầu, gần như tất cả các quốc gia đều bám sát, thăm dò, thương lượng, đặt hàng với những tập đoàn này từ giữa năm ngoái nhưng Việt Nam thì không.

Mãi đến hạ tuần tháng 2 năm nay, hệ thống công quyền Việt Nam mới công bố vài thông tin về vaccine ngừa COVID-19 nhưng không thèm cho dân chúng biết: 117.600 liều vaccine đầu tiên nằm trong gói 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà Việt Nam nhận hôm 24/2/2021 là VIỆN TRỢ của COVAX (Liên minh Phát triển vaccine chống COVID-19 toàn cầu) như Việt Nam xác định với thiên hạ (2), hay là lô hàng do Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn, thuộc Công ty Vaccine Vietnam (VNVC) đặt mua (3)?

Thông tin trên hệ thống truyền thông chính thức vào thời điểm ấy chỉ ra một sự thật: Trong khi chính quyền của các quốc gia khác ráo riết tranh mua, xuất tiền từ công khố đặt COVID-19 vaccine để sớm có vaccine chích cho dân thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không những không làm như thế lại còn khoán cho VNVC thương lượng, ký hợp đồng với Astra Zeneca rồi khen là… nỗ lực và chủ động đặt mua từ rất sớm ngay từ khi Astra Zeneca nghiên cứu phát triển COVID-19 vaccine (4)?

VNVC là một doanh nghiệp tư nhân, thành lập và vận hành 49 trung tâm tiêm chủng tư nhân tại Việt Nam. Từ khi COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, dường như Việt Nam là quốc gia duy nhất mà hệ thống công quyền giao cho một doanh nghiệp tư nhân thay mặt chính phủ mua vaccine để kinh doanh trên bình diện quốc gia!

Dường như Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất tổ chức Lễ phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Trung tuần tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy đang còn là Thủ tướng) thay mặt đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, hiệu triệu đồng bào đóng góp theo khả năng của từng người và “ta” sẽ không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, hy vọng mọi người cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc (5).

Lúc ấy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức đã khai thác tận tình một số tấm gương nhằm khuyến khích người khác làm theo, chẳng hạn trường hợp cụ Lê Thị Chi, 91 tuổi, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sống tại Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng. Qua TV, thấy “ta” kêu gọi toàn dân đóng góp cho việc phòng, chống COVID-19, cụ Chi quyết định ủng hộ năm triệu đồng. Ngày 25/3/2021, Chủ tịch MTTQ phường Thanh Bình đã đến tư gia của cụ Chi để nhận tiền (6)…

Đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không cho biết đã quyên được bao nhiêu tiền cho việc phòng, chống COVID-19 vì đợt dịch thứ ba (từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay) lắng xuống và họ cần tập trung tuyên truyền cho Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5/2021 vừa qua!

Sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, ông Phúc – giờ là Chủ tịch Nhà nước - lại tiếp tục kêu gọi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ở nước ngoài tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân sớm chiến thắng dịch bệnh COVID-19 (7). Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ quyên thêm được bao nhiêu tiền, chỉ có thể khẳng định, nếu… đi sau trong đặt mua vaccine ngừa COVID-19, chắc chắn sẽ… về sau. Sẽ còn rất lâu mới có thêm vaccine để tăng số người được chích ngừa!

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam biết điều đó không? Câu trả lời là có. Tháng trước, tờ Nhân Dân từng có một bài mô tả việc “tiếp cận vaccine” của các quốc gia châu Á là “bài toán khó” vì nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu (8). Đối với Việt Nam, lời giải cho bài toàn này còn nan giải hơn bởi từ năm ngoái đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ dốc toàn bộ tâm lực, sức lực, tài lực vào việc tổ chức đại hội đảng các cấp và bầu cử, không bận tâm đến tìm mua vaccine!

Do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mạnh tay chi trước cả chục ngàn tỉ để tổ chức đại hội đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chứ không nghĩ đến nghĩa vụ hỗ trợ người Việt bình an, giúp hoạt động kinh tế - xã hội sớm hồi phục trong đại dịch nên hệ quả tất nhiên là đến ngày 29/5/2021, chỉ mới có 1.034.967 người được chích ngừa, tương đương 1% dân số. Tỉ lệ “fully vaccinated” (nhận đủ số lần và lượng vaccine, thời gian cần thiết để được xem là đủ an toàn) còn tệ hơn: Dưới… 0,1%! Thua xa Campuchia (15% dân số đã được chích ngừa và có 11% là “fully vaccinated), Lào (8,6% dân số đã được chích ngừa và có 1,9% là “fully vaccinated) (9)!

Cần lưu ý thêm, nếu so các dữ liệu về chích ngừa COVID-19 ngày 26/5/2021 với ngày 29/5/2021 của các quốc gia sẽ thấy, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, dù đã từng khẳng định vaccine là lối thoát duy nhất, dù đã phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, đã nhận tiền do dân chúng, doanh giới đóng góp mua vaccine cách nay ba tháng nhưng trong ba ngày vừa qua, tỉ lệ được chích ngừa vaccine, tỉ lệfully vaccinated” của Việt Nam không thay đổi vì số người được chích ngừa chỉ tăng thêm 23.572người (1.037.961 - 1.011.395).

Ngược lại, nhờ chuẩn bị từ trước, sau ba ngày tương ứng, Campuchia đã nâng tỉ lệ được chích ngừa vaccine từ 14% lên 15% (tăng 1%), tỉ lệfully vaccinatedđược nâng từ 10% lên 11% (tăng 1%). Lào cũng nâng tỉ lệ được chích ngừa vaccine từ 8,4% lên 8,6% (tăng 0,2%), tỉ lệfully vaccinatedđược nâng từ 1,8% lên 1,9% (tăng 0,1%).

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-tiep-can-moi-kha-nang-de-mua-vac-xin-20210529075853733.htm

(2) https://www.channelnewsasia.com/news/asia/vietnam-covax-supply-30-million-covid-19-vaccine-doses-14235964

(3) https://www.tienphong.vn/suc-khoe/can-canh-lo-vac-xin-ngua-covid19-dau-tien-ve-viet-nam-1797542.tpo

(4) https://danviet.vn/chan-dung-ong-chu-he-thong-tiem-chung-vnvc-don-vi-tien-phong-tai-viet-nam-nhap-vaccine-covid-19-20210226114016847.htm

(5) http://mattran.org.vn/tin-tuc/thu-tuong-keu-goi-tinh-than-tuong-than-tuong-ai-trong-phong-chong-dich-covid19-32786.html

(6) https://tuoitre.vn/me-viet-nam-anh-hung-91-tuoi-ung-ho-5-trieu-dong-danh-dum-chong-dich-2020032514352675.htm

(7) https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-keu-goi-ca-nuoc-chung-tay-day-lui-dich-benh-20210527215903762.htm

(8) https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/bai-toan-kho-ve-tiep-can-vac-xin-tai-chau-a-640831/

(9) https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html

Đầu trang

31/05/2021 Nguyễn Hùng - voatiengviet

Khi nguyên cố vấn tấn công đương kim thủ tướng

Ông Dominic Cummings, cựu cố vấn của thủ tướng Anh, Boris Johnson.

Trong một hành động mà ở Việt Nam sẽ bị bỏ tù vì tuyên truyền chống nhà nước, cựu cố vấn trưởng của thủ tướng Anh đã bỏ ra bảy tiếng tấn công cả sếp cũ lẫn các thành viên nội các tại Nghị viện Anh hồi cuối tháng Năm.

Cựu cố vấn Dominic Cummings, người từng được Thủ tướng Anh Boris Johnson tin dùng và ủng hộ cho tới cuối năm ngoái, nói trong buổi điều trần trước các dân biểu hôm 26/5 rằng ông Johnson không xứng với vị trí thủ tướng.

Ông Cummings thậm chí nói sự lơ là của ông Johnson và các thành viên nội các, một số người còn đang mải trượt tuyết hồi tháng Hai năm 2020, khiến cho hàng chục ngàn người chết oan vì Covid.

Là người chán ghét chính trị truyền thống và giới thượng lưu chính trị, ông Cummings nói chuyện ông Johnson trở thành thủ tướng và cá nhân ông Cummings thành cố vấn thủ tướng cho thấy chính trị Anh có vấn đề vì cả hai nhân vật này, vẫn theo lời cựu cố vấn, chẳng tài cán vượt bậc gì cả.

Vị cựu cố vấn nói ông Johnson cùng nhiều thành viên nội các coi Covid-19 như thứ không đáng quan tâm hồi tháng 2/2021. Họ thậm chí còn đùa sẽ tự tiêm Covid-19 vào người trực tiếp trên truyền hình để công chúng bớt sợ.

Ông Cummings cũng nói Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đáng bị sa thải vì hàng chục lý do trong đó có chuyện ứng phó kém cỏi giữa lúc dịch bệnh và nói dối.

Cả thủ tướng Anh và bộ trưởng y tế đều bác bỏ các cáo buộc của ông Cummings; cho tới nay các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của Thủ tướng Johnson không bị hề hấn mấy vì các cuộc tấn công của ông Cummings.

Anh là một trong những quốc gia có số người chết vì Covid-19 đứng đầu thế giới với trên 150.000 người tử vong khi có Covid-19 trong cơ thể.

Sự bất cẩn trong vài tuần đầu mùa dịch khiến nước Anh phải ba lần phong toả ở tầm quốc gia và cho tới giờ vẫn còn những hạn chế về số người có thể gặp gỡ tại gia hoặc ở nơi công cộng.

Mới đây chính quyền Anh cũng bị chỉ trích vì chậm cho Ấn Độ vào danh sách các nước bị cấm bay tới Anh khiến Covid-19 chủng Ấn Độ đã trở thành vấn đề mới tại đảo quốc này.

Điều khác biệt với các thể chế dân chủ giả hiệu như Việt Nam là các lỗi lầm của chính quyền Anh được công khai thảo luận tại nơi không có những điều luật võ đoán như tuyên truyền chống nhà nước.

Điều khác biệt nữa giữa chính quyền vì dân thực sự và chính quyền vì dân hô khẩu hiệu là Anh đã đặt hàng trăm triệu liều vắc-xin về tiêm miễn phí cho người dân và cho tới nay đã tiêm được cả thảy gần 65 triệu liều so với chừng một triệu của Việt Nam, nơi chính quyền đang loay hoay tìm cách vận động các mạnh thường quân chung tiền mua vắc-xin.

Mặc dù thành công trong chống Covid-19 trong nhiều tháng, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đang gặp khó khăn do việc tiêm vắc-xin chậm và khả năng xét nghiệm Covid-19 không được nâng cao đáng kể trong nhiều tháng qua.

Ngay cả giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan tràn, Việt Nam vẫn không thay đổi chính sách bịt miệng những người nói ra sự thật về chống dịch Covid-19 nói riêng cũng như về chính trường Việt Nam nói chung.

Đối với các xã hội như Anh và Hoa Kỳ, cơ chế cho người dân chỉ trích chính quyền công khai mà không sợ bị trấn áp và bỏ tù chính là loại vắc-xin chống bệnh cửa quyền và tham nhũng. Cho tới khi người dân có thể thoải mái chỉ trích thủ tướng mà không bị bỏ tù rồi buộc phải sống lưu vong như ông Cù Huy Hà Vũ, cái gọi là dân chủ ở Việt Nam chỉ là thể hiện thái độ tự mãn của các quan chức.

Đầu trang

May 30, 2021 - baocalitoday

Nữ y tá ‘vòi’ 12 triệu mới cho người mắc Covid-19 đi điều trị

Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 tại H.Việt Yên (Bắc Giang) tố nhân viên y tế yêu cầu nộp tiền để kịp thời đưa bệnh nhân đi điều trị.

Theo nội dung tố giác, nữ nhân viên y tế tên T. đã đưa ra nhiều mức giá khác nhau và gợi ý người nhà bệnh nhân nộp 12 triệu đồng thì bệnh nhân sẽ được đi điều trị ngay.

Bài đăng ngay sau đó được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội và được dư luận quan tâm, bình luận.

Bước đầu, Công an H.Việt Yên xác định nhân viên y tế là bà N.T.T.T, đang công tác tại Trạm Y tế xã Tăng Tiến (H.Việt Yên). Qua làm việc, bà T. đã thừa nhận hành vi của mình.

Chủ tịch UBND huyện Việt Yên yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên khẩn trương xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của bà N.T.T. theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả xử lý trước ngày 1/6.

Ông Phương khẳng định, hiện nay, Nhà nước chưa có chủ trương, quy định thu tiền chữa trị các trường hợp nhiễm Covid-19. Do vậy, việc đưa thông tin như trên của nhân viên y tế là không đúng quy định.

Hiện nay số ca nhiễm ở Việt Nam là 6964 người, tử vong 47, phục hồi 2.950

TH

Đầu trang

May 30, 2021 - nguoi-viet

Một người nhiễm COVID-19 đi bầu cử, dân cả phường phải xét nghiệm

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 30 Tháng Năm, toàn bộ cử tri tại một điểm bỏ phiếu ở phường 14, quận Tân Bình, được lệnh phải đi xét nghiệm COVID-19 sau khi một người đi bầu cử ở đây được xác nhận là “nhiễm bệnh”.

Việc “tầm soát trên diện rộng” diễn ra một tuần sau tuyên bố bầu cử “thành công và an toàn” của ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội CSVN.

Đội tuyên truyền về bầu cử tại quận Tân Bình, Sài Gòn. (Hình: Trang web quận Tân Bình)

Theo một văn bản được cho là do Ủy Ban Nhân Dân phường 14 phát đi, ngoài các cử tri thì toàn bộ thành viên tổ bầu cử và công chức của phường này cũng phải lấy mẫu xét nghiệm trong hôm 30 Tháng Năm.

Số người cụ thể bị ảnh hưởng bởi vụ này chưa được nhà chức trách công bố.

Vụ việc khiến mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến bất bình về chuyện nhà cầm quyền coi nhẹ sức khỏe của người dân, phớt lờ lời kêu gọi hoãn tổ chức cuộc bỏ phiếu hôm 23 Tháng Năm.

Ông Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, bình luận trên trang cá nhân: “Tội nghiệp dân mình, cứ như bầy cừu vậy. Bị lùa đi bầu cử vì chủ chăn muốn vậy. Đi bầu xong rồi lại bị lùa đi xét nghiệm COVID-19 cũng vì bầu cử.”

“Quốc gia đang có thiên tai dịch họa, đáng lẽ nên xem xét lại các kế hoạch chủ trương có sẵn, đằng này quý ngài vẫn cứ thế mà làm, theo kế hoạch định sẵn mà làm, bất cần mối nguy cho toàn dân. Các ngài vẫn tiến hành làm căn cước tập trung, bầu cử tập trung, sắp tới đây là thi tốt nghiệp tập trung… Tại sao các ngài không dời ngày thi tốt nghiệp trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng của dịch hiện nay?,” ông Vinh đặt câu hỏi.

Nhà báo này đưa khuyến cáo với nhà cầm quyền: “Đừng để xảy ra tình trạng hối hận thì đã muộn trước COVID-19, giống như sự hối hận 42 năm trước, khi để giặc Tàu tràn qua biên giới giết hại dân lành một cách bất ngờ không kịp trở tay.”

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử thành phố Sài Gòn, hơn 5.4 triệu cử tri tại Sài Gòn được mô tả là “nô nức đi bầu cử” hôm 23 Tháng Năm.

Trong một vụ tương tự diễn ra tại Hà Nội, theo báo Thanh Niên, sau khi một thành viên của tổ bầu cử khu vực Goldmark City được xác nhận nhiễm COVID-19, nhà chức trách đã phải lập tức phun khử khuẩn, lập chốt kiểm soát bốn tòa nhà. Sau đó, hàng trăm người sống tại khu vực này đã được lấy mẫu xét nghiệm. (N.H.K) [kn]

Đầu trang

May 30, 2021 - nguoi-viet

Hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục ‘âm thầm đóng cửa’

Người bán hàng rong đi ngang qua một cửa tiệm đóng cửa ngày 12 Tháng Năm 2021. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Số doanh nghiệp “rời thị trường” nhiều hơn doanh nghiệp “đăng ký thành lập mới” tại Việt Nam trong 5 tháng đầu của năm 2021.

Giữa những tin tức đại dịch COVID-19 với nguy cơ có thể tệ hại hơn trước, Tổng Cục Thống Kê của nhà cầm quyền CSVN cho hay, 5 tháng đầu của năm nay, đã có hơn 55,000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nhưng trong khoảng thời gian này, lại có tới 59,800 doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường”.

Đi vào chi tiết, theo cơ quan vừa kể, riêng trong Tháng Năm, có 11,600 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hoạt động gộp chung 150,600 tỉ đồng, giảm 22% về số doanh nghiệp và đồng thời giảm 16.3% về số vốn hoạt động, so với cùng thời gian này của năm ngoái.

Nhưng cũng trong Tháng Năm, cả nước có 3,400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4,234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1,279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Gộp chung cả 5 tháng đầu năm nay, “cả nước có gần 55,800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,300 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,400 lao động, tăng 15.4% về số doanh nghiệp, tăng 39.5% về vốn đăng ký và tăng 1.3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.”

Tổng cục Thống kê đưa ra con số chi tiết cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 31,800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22.3% so với cùng kỳ năm trước; 20,000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20.7%; trong khi 8,000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32.3%.

Hồi đầu Tháng Năm, Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN khi đưa ra con số doanh nghiệp “rời thị trường” ngày một nhiều hơn, đã kêu rằng tình hình dịch COVID-19 căng thẳng đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh tế “nặng nề và dai dẳng.” Số lượng doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” của 4 tháng đầu năm 2021 là 51,496 doanh nghiệp, tăng 23.3% so với cùng thời kỳ này của năm ngoái, trong khi đó, chỉ có 44,166 doanh nghiệp thành lập mới.

Dán giấu đóng của tiệm tại một khu phố Hà Nội. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

“Các doanh nghiệp hiện đang rất lo lắng không biết khi nào có thể hoạt động ổn định trở lại, mặc dù họ đã nỗ lực tìm hướng đi trong tình hình khó khăn chung nhưng không biết có đủ sức cầm cự qua thời gian tới… Nếu tình hình không khả quan, nhiều doanh nghiệp chỉ còn cách đóng cửa hoặc tìm hướng kinh doanh khác phù hợp”. Tờ Pháp Luật Việt Nam của Bộ Tư Pháp CSVN viết ngày 3 Tháng Năm 2021.

Cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, nhiều báo tại Việt Nam thuật lại bản báo cáo của Tổng Cục Thống Kê nói đã có tới 101,700 doanh nghiệp “tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể” trong năm 2020, tăng 13.9% so với năm trước.

Vào dịp này, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam kêu rằng “Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, con số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây”. Bây giờ, người ta thấy tình hình không có gì khả quan hơn mà còn tệ hại hơn. (TN) [kn]

Đầu trang

29/05/2021 - bbc

Vũ Hán: Khả năng ‘virus rò rỉ phòng thí nghiệm’ lại được thế giới quan tâm

EPA. Tổng thống Joe Biden yêu cầu tình báo xem lại giả thuyết về virus ở Vũ Hán

Gần một năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, câu hỏi làm thế nào mà loại virus này xuất hiện vẫn còn bí ẩn.

Nhưng trong những tuần gần đây, tuyên bố tranh cãi rằng virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc - từng bị nhiều người bác bỏ là một thuyết âm mưu vớ vẩn - đã được quan tâm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một cuộc điều tra khẩn cấp sẽ xem xét nguồn gốc có thể của căn bệnh này.

Vậy chúng ta biết gì cho tới nay?

Người ta nghi ngờ rằng virus corona có thể đã rò rỉ, vô tình hoặc theo cách khác, từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên.

Những người ủng hộ giả thiết đã chỉ ra sự hiện diện của một cơ sở nghiên cứu sinh học lớn trong thành phố. Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã nghiên cứu virus corona ở dơi trong hơn một thập niên.

Phòng thí nghiệm nằm cách một khu chợ chỉ vài cây số, nơi xuất hiện bệnh nhiễm trùng đầu tiên ở Vũ Hán.

Những người ủng hộ lý thuyết nói rằng nó có thể đã bị rò rỉ từ cơ sở này và lan ra chợ.

Lý thuyết gây tranh cãi lần đầu tiên xuất hiện từ rất sớm trong trận đại dịch, và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump tin tưởng. Một số người thậm chí còn cho rằng virus có thể do Trung Quốc làm như một vũ khí sinh học.

Getty Images. Chợ hải sản Vũ Hán tháng Giêng

Tuy nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khi đó coi thường, bác bỏ là thuyết âm mưu, nhưng ý tưởng này lại nổi lên trong những tuần gần đây.

Tại sao giả thiết này giờ lại xuất hiện?

Bởi vì báo chí Hoa Kỳ đã làm dấy lên những lo ngại mới về giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Và một số nhà khoa học từng hoài nghi về ý tưởng này giờ lại nói họ nghĩ khác rồi.

Một báo cáo của tình báo Hoa Kỳ cho rằng ba nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được điều trị tại bệnh viện vào tháng 11 năm 2019, ngay trước khi virus bắt đầu lây nhiễm sang người trong thành phố.

"Khả năng đó chắc chắn tồn tại và tôi hoàn toàn ủng hộ một cuộc điều tra đầy đủ về việc liệu điều đó có thể xảy ra hay không", Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, nói với ủy ban thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 5.

Tổng thống Biden cho biết ông đã yêu cầu báo cáo về nguồn gốc của Covid-19, "bao gồm cả khả năng virus xuất hiện do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do tai nạn trong phòng thí nghiệm".

Reuters. Viện Virus học Vũ Hán

Vấn đề này vẫn đang được tranh luận gay gắt.

Một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là sẽ đi đến tận cùng nhưng rốt cuộc nhiều chuyên gia tin rằng nó chỉ gây ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Một nhóm các nhà khoa học do WHO chỉ định đã bay đến Vũ Hán vào đầu năm nay với nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của đại dịch. Sau 12 ngày ở đó, bao gồm cả chuyến thăm phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Nhưng nhiều người đã nghi ngờ những phát hiện của họ.

Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã chỉ trích báo cáo của WHO vì đã không coi trọng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm - họ chỉ viết vài trang về nó trong báo cáo dài hàng trăm trang.

Các nhà khoa học viết trên tạp chí Science: "Chúng ta phải xem xét các giả thuyết về sự lan tỏa trong tự nhiên và trong phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi chúng ta có đủ dữ liệu."

Và ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các chuyên gia rằng khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm cần được xem xét kỹ hơn.

Ngay cả tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi một cuộc điều tra mới, nói rằng: "Tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu thêm."

Tiến sĩ Fauci từ Mỹ nói rằng ông "không tin" virus có nguồn gốc tự nhiên. Đây là thay đổi quan điểm chóng mặt từ ông.

Getty Images. Viện Virus học Vũ Hán

Trung Quốc đã bác bỏ mọi nghi ngờ và nói virus có thể đã xâm nhập vào nước này trong các chuyến hàng thực phẩm từ ngoại quốc.

Chính phủ Trung Quốc chỉ ra nghiên cứu mới do một trong những nhà virus học hàng đầu của nước này công bố, theo đó, có các mẫu thu thập từ dơi trong một khu mỏ bỏ hoang hẻo lánh.

Giáo sư Shi Zhengli - thường được gọi là "Người dơi của Trung Quốc" - một nhà nghiên cứu tại Viện Vũ Hán, đã công bố một báo cáo vào tuần trước tiết lộ rằng nhóm của bà đã xác định được 8 chủng virus corona tìm thấy trên dơi trong mỏ ở Trung Quốc vào năm 2015.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc chính phủ Mỹ và truyền thông phương Tây tung tin đồn thất thiệt.

Một bài xã luận trên tờ Global Times nói: "Dư luận ở Mỹ đã trở nên cực kỳ hoang tưởng khi nhắc đến nguồn gốc của đại dịch."

Trung Quốc đã đưa ra một giả thuyết khác rằng virus đã đến Vũ Hán do thịt đông lạnh đi từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á.

Viện Virus học Vũ Hán

Có giả thuyết nào khác không?

Có, là lý thuyết "nguồn gốc tự nhiên".

Lý thuyết này nói virus lây lan tự nhiên từ động vật mà không có sự tham gia của bất kỳ nhà khoa học hay phòng thí nghiệm nào.

Những người ủng hộ giả thuyết nguồn gốc tự nhiên cho rằng Covid-19 xuất hiện trong cơ thể dơi và sau đó nhảy sang người, rất có thể thông qua một động vật khác, hoặc "vật chủ trung gian".

Ý tưởng đó được báo cáo của WHO ủng hộ, trong đó nói rằng "rất có thể" Covid-19 xảy ra vì một vật chủ trung gian.

Giả thuyết này đã được quốc tế chấp nhận khi bắt đầu đại dịch, nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học không tìm thấy một loại virus nào ở dơi hay động vật lại phù hợp với cấu tạo di truyền của Covid-19, khiến người ta nghi ngờ giả thuyết này.

Nếu lý thuyết "động vật hoang dã" được chứng minh là đúng, nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động như nuôi trồng và khai thác động vật hoang dã. Ở Đan Mạch, lo ngại về sự lây lan của virus thông qua việc nuôi chồn hương đã dẫn đến việc hàng triệu con chồn bị tiêu hủy.

Nhưng cũng có những tác động lớn đối với nghiên cứu khoa học và thương mại quốc tế nếu các lý thuyết liên quan đến rò rỉ trong phòng thí nghiệm hoặc chuỗi thực phẩm đông lạnh được xác nhận.

Vụ rò rỉ virus, nếu đúng, có thể ảnh hưởng đến cách nhìn của thế giới về Trung Quốc, vốn đã bị cáo buộc che giấu thông tin ban đầu quan trọng về đại dịch.

Jamie Metzl, người đã ủng hộ lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, nói với BBC: "Từ ngày đầu tiên, Trung Quốc đã che đậy kinh khiếp."

"Khi bằng chứng cho giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm ngày càng tăng, chúng ta cần yêu cầu điều tra đầy đủ tất cả các giả thuyết."

Nhưng những người khác thì nói không nên chê Trung Quốc quá nhanh.

"Chúng ta cần phải kiên nhẫn một chút nhưng cũng cần phải ngoại giao. Chúng ta không thể làm việc này nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc," Giáo sư Dale Fisher, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nói. đài BBC.

Đầu trang

29/05/2021 - 15:24 - rfi

Covid: Việt Nam thông báo phát hiện biến thể virus ''nguy hiểm gấp bội''

Ảnh minh họa : Mô hình virus gây bệnh Covid-19. Hình bông hoa màu tím là protein Spike, "chìa khóa" giúp virus xâm nhập tế bào. Ngày 29/05/2021, chính quyền Việt Nam thông báo phát hiện một biến thể virus corona mới "rất nguy hiểm". © Wikipedia

Việt Nam hiện đang đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lớn chưa từng có tại quốc gia này kể từ đầu năm 2020. Hôm nay, 29/05/2021, bộ trưởng Y Tế thông báo các chuyên gia trong nước đã phát hiện biến thể virus mới, « lai » giữa hai biến thể Anh và Ấn Độ. Bộ trưởng Y Tế cam kết sẽ công bố kết quả nghiên cứu với quốc tế.

Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long, trong một hội nghị trực tuyến toàn quốc về Covid-19, sáng hôm nay thông báo, dựa trên việc giải trình tự gene virus, các chuyên gia đã phát hiện được một biến thể mới. Theo báo mạng Vietnam+, của bộ Thông Tin và Truyền Thông, bộ trưởng Y Tế khẳng định là đột biến gien khiến biến thể virus mới « rất nguy hiểm ». Tuy nhiên, hiện tại, bộ Y Tế Việt Nam chưa đưa ra thông tin nào cụ thể hơn liên quan đến biến thể mới.

Trả lời báo chí trong nước, giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết, hiện thế giới đã ghi nhận hơn 4.000 biến thể của virus SARS-CoV-2, nhưng chỉ một số biến thể là có « tác động đến mức lây lan và tăng độc lực ».

Cho đến nay, bộ Y Tế Việt Nam chú ý đến 7 biến thể virus SARS CoV-2, gây bệnh Covid-19, hiện diện tại Việt Nam (bao gồm biến thể Vũ Hán, biến thể D614G từ châu Âu, biến thể Anh quốc, biến thể Nam Phi, biến thể B.1617 từ Ấn Độ và một biến thể khác từ châu Phi).

Từ mươi ngày nay, quốc tế lo ngại về biến thể thứ cấp từ biến chủng Ấn Độ B.1.617.2, được coi là đang trở thành biến thể lan truyền phổ biến hơn cả, có nguy cơ góp phần khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn. Báo chí Ấn Độ cho biết giới khoa học Anh đang theo dõi chặt các biến thể thứ cấp của biến chủng Ấn Độ B.1617, bao gồm biến thể B.1.617.2, và một số biến thể thứ cấp khác (B.1.617.1 và B.1.617.3).

Hiện chưa rõ biến thể mà bộ Y Tế Việt Nam vừa thông báo phát hiện được liên quan đến loại biến thể nào, biến chủng Ấn Độ B.1617 đã biết, hay biến thể thứ cấp mới B.1.617.2 của chủng Ấn Độ nói trên.

Việt Nam nói phát hiện chủng COVID-19 lai ‘rất nguy hiểm’

30/05/2021 - voatiengviet

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, ngày 29 tháng 5, 2021. (Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam)

Nhà chức trách ở Việt Nam đã phát hiện một biến thể virus corona mới lai tạo từ hai biến thể COVID-19 ở Ấn Độ và Anh và lây lan nhanh qua không khí, truyền thông trong nước dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngày thứ Bảy, trong khi Việt Nam đang chật vật với một đợt gia tăng số ca nhiễm mới.

Phát biểu của ông Long được đưa ra tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc cập nhật tình hình và giải pháp phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội.

Sau khi khống chế thành công virus corona trong phần lớn cả năm ngoái, Việt Nam đang chứng kiến một đợt lây nhiễm tăng vọt kể từ cuối tháng 4, chiếm hơn phân nửa trong tổng số 6,856 ca được ghi nhận. Tới nay Việt Nam đã báo cáo 47 ca tử vong vì virus.

Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm ngàn người làm việc cho các công ty lớn bao gồm Samsung, Canon và Luxshare, một đối tác lắp ráp các sản phẩm của Apple.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất cả nước với 9 triệu dân, ít nhất 85 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính liên quan tới một cụm lây nhiễm tại mội hội thánh Tin lành.

“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh,” ông Long được báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nói, và nói thêm trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.

“Đặc điểm của chủng này lây nhanh phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn,” ông được dẫn lời nói.

Hãng Reuters cho biết họ có được một đoạn ghi âm cuộc họp mà trong đó ông Long nói chủng virus mới này “rất nguy hiểm.”

Việt Nam trước đó đã phát hiện bảy biến thể virus: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 - được biết tới như là biến thể Anh, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 – “biến thể Ấn Độ.”

“Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới,” bộ trưởng nói, theo trang tin VnExpress.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định bốn biến thể của SARS-CoV-2 đang gây lo ngại toàn cầu. Chúng bao gồm các biến thể xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, Anh, Nam Phi và Brazil.

Reuters cho biết các quan chức của WHO không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về biến thể được xác định ở Việt Nam.

Bộ Y tế cho biết trong cuộc họp rằng chính phủ đang nỗ lực để thủ đắc 10 triệu liều vaccine theo chương trình chia sẻ chi phí COVAX, cũng như 20 triệu liều vaccine của Pfizer và 40 triệu liều Sputnik V của Nga.

Việt Nam, với dân số 98 triệu người, cho đến nay đã nhận được 2,9 triệu liều vaccine và nhắm mục tiêu có được 150 triệu trong năm nay.

Đầu trang

27/05/2021 Trân Văn - voatiengviet

COVID-19 và cái giá của… ‘Ngày hội lớn của toàn dân’

Nhân viên y tế chờ được chích vaccine tại bệnh viện bệnh nhiệt đới Hải Dương. Hình minh họa.

Tính đến ngày 27 tháng 5, số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã vượt qua mức 6.000 và số người chết vì COVID-19 hiện đã lên đến mức 45 nhưng dù rất muốn nhưng không ai dám chắc những con số vừa đề cập sẽ ngừng ở đó (1)!

Nếu thử nhìn qua những dữ liệu liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam, chắc chắn sẽ thấy từ số ca nhiễm, người tử vong, số ổ dịch, khu vực phải áp dụng các biện pháp phong tỏa tăng vọt sau ngày 23 tháng 5 – thời điểm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tổ chức “Ngày hội lớn của toàn dân” – không chỉ vận động, khuyến khích mà còn sử dụng nhiều biện pháp thúc, ép dân chúng tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

COVID-19 bùng lên rồi lan rộng tại Việt Nam vào hạ tuần tháng 4. Riêng khoảng thời gian từ 27 tháng 4 đến 22 tháng 5 (thời điểm trước “Ngày hội lớn của toàn dân”) đã có 2.035 ca nhiễm (2).

Tuy số ca nhiễm trong vòng chưa đầy một tháng trước bầu cử xấp xỉ số ca nhiễm COVID-19 của 15 tháng trước đó (từ khi phát giác sự hiện diện của COVID-19 tại Việt Nam vào 23/1/2020 cho đến trước ngày 27 tháng 4 chỉ có 2041 ca nhiễm) nhưng bất chấp các khuyến cáo của cả chuyên gia dịch tễ lẫn dân chúng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tổ chức rầm rộ “Ngày hội lớn của toàn dân”. Thậm chí còn đem tình trạng dịch bệnh đang lan rộng so với tỉ lệ cử tri trên toàn quốc đi bầu đạt hơn 90% để chứng minh đó là… sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, HĐBC QG, Ủy ban bầu cử các tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương (3).

Chỉ trong vòng bốn ngày sau “Ngày hội lớn của toàn dân” (24/5/2021 – 27/5/2021), số ca nhiễm COVID-19 tăng thêm… 1.935 ca (6011 – 4076) và chắc chắn sẽ còn tăng nhanh, tăng nhiều hơn bởi tập trung bỏ phiếu.

Không chỉ có thế, COVID-19 đã đẩy nhiều người, nhiều giới rơi xuống đáy của sự khốn cùng và trong khi các quốc gia dốc sức, dốc túi để có vaccine, tổ chức chích ngừa COVID-19 cho dân chúng nhằm đưa sinh hoạt xã hội trở lại mức bình thường, hỗ trợ cá nhân kiếm sống, hỗ trợ doanh giới và kinh tế hồi phục thì tại Việt Nam, tâm lực, trí lực, tài lực được dốc hết vào việc tổ chức đại hội đảng các cấp và bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15, đại biểu HĐND các cấp.

Thống kê mới nhất (26/5/2021) về tỉ lệ dân chúng được chích ngừa của các quốc gia trên thế giới cho thấy, Việt Nam chỉ mới có 1.011.395 người được chích ngừa, tương đương 1% dân số. Tỉ lệ “fully vaccinated” (nhận đủ số lần, số lượng vaccine cần thiết và được xem là đủ an toàn cho sức khỏe, tính mạng) còn tệ hơn: Dưới… 0,1%! Thua xa Campuchia (14% dân số đã được chích ngừa và có 10% là “fully vaccinated), Lào (8,4% dân số đã được chích ngừa và có 1,8% là “fully vaccinated) (5)!

***

Cần nói thêm là vào lúc này, song song với việc các viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục cậy cục, xin xỏ thiên hạ hỗ trợ cả tiền mua vaccine ngừa COVID-19, lẫn giúp Việt Nam có thêm vaccine càng sớm, càng tốt, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, cam kết hợp tác (6),… thì ở bên trong Việt Nam, Tổng Bí thư dõng dạc tuyên bố với toàn dân: COVID-19 đã phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội… thua xa… xã hội xã hội chủ nghĩa (7)!

Chú thích

(1) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/27262/cap-nhat-moi-nhat-tinh-hinh-virus-corona-covid-19

(2) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-3836

(3) https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/thanh-cong-cua-cuoc-bau-cu-khang-dinh-tinh-than-yeu-nuoc-y-thuc-chinh-tri-va-niem-tin-cua-nhan-dan-voi-ang-nha-nuoc-647762/

(4) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html

(5) https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html

(6) https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-de-nghi-uc-uu-tien-vac-xin-cho-viet-nam-2021052520491773.htm

(7) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html

Đầu trang

27/05/2021 - bbc

Việt Nam: Bàn tán quanh vụ cưỡng chế cách ly ở Bắc Giang

Other. Ảnh chụp màn hình cảnh một phụ nữ bị cưỡng chế cách ly

Từ tối qua, video cảnh cưỡng chế cách ly một phụ nữ được cho là tại Bắc Giang đang phát tán nhanh.

Nhân vật chính trong video này bị cho là F1 nhưng không tự nguyện cách ly.

Video chiếu rõ cảnh lực lượng chức năng dùng xe cẩu đột nhập qua ban công tầng ba. Đèn pha rọi thẳng, người phụ nữ bị cưỡng bức, bị đẩy ngã trong bối cảnh huyên náo, chó sủa và quát tháo.

Và tiếng cán bộ quát tháo sau khi tống người vào xe, là những âm thanh có thể nghe được, rất rõ.

“Mày ngồi im trong đó nghe chưa!”; “Hai thằng ngồi ốp nó vào!”

Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng lời lẽ khiếm nhã

Một số trang tin ở Việt Nam, như Đại Đoàn Kết, đưa tin “Bắc Giang: Dùng cần cẩu cưỡng chế F1 trốn cách ly, cố thủ hơn nửa ngày trong nhà.”

Báo này viết: “Theo nhân chứng, người phụ nữ là F1. Tuy nhiên người này đã không khai báo y tế và không chịu đi cách ly, không những thế còn khóa trái cửa trốn trong nhà. Sự việc được đăng tải gây bức xúc người dân bởi ý thức của ca F1 này.”

Trang AFamily cũng đưa tin trong bài “Dùng cần cẩu tiếp cận, cưỡng chế người phụ nữ F1 cố thủ trên tầng 3, không chịu cách ly.”

Nhiều trang mạng xã hội đều đăng tin với một cách nhìn như thế, theo sau là bình luận của bạn đọc.

Other. Báo chí VN đưa tin vụ cưỡng chế cách ly Bắc Giang

Bạn Lê Thu viết: “Đúng thật là não chó. Họ đã quá vất vả rồi lại còn nhục với những loại ngáo như này. Một mình nó mà phải bao nhiêu người vất vả đi cưỡng chế. Nhốt mẹ nó vào chuồng chó cho nó ở.”

Phu Nguyen thì cho rằng: “Lần sau các bác đừng vất vả như thế này. Cử hai bác đến khoá trái cửa lại, không cho ra ngoài nữa là phải tự đi cách ly ngay.”

Đọc cách xưng hô giữa người bình luận với “lực lượng chức năng” và người bị bắt là hiểu thái độ ủng hộ hay phản đối cách làm này. Có nhiều ý kiến còn thẳng thừng hơn.

Dũng Phạm còn gợi ý cưỡng bức bằng cách, “Không cần làm như này, cắt điện cắt nước, khoá niêm phong lại đói mò ra ngay.”

Bạo lực hơn, Lê Tuyết: “Con này cho nó vào tù mãi ko cho ra để cho đất nước được yên.”

Other. Ảnh chụp màn hình những cảnh cưỡng chế tại Vũ Hán

Giống như Vũ Hán?

Không khí “chống dịch như chống giặc” này khiến người ta liên tưởng đến những video cưỡng chế tại Vũ Hán năm ngoái. Nhiều ý kiến trên báo chí quốc tế mô tả cách làm này thiếu tôn trọng nhân phẩm.

“Với việc các quan chức đi từng nhà để kiểm tra sức khỏe và bắt buộc bất kỳ ai bị bệnh phải cách ly. Một cậu bé khuyết tật được cho là đã chết sau khi bị bỏ lại mà không có thức ăn, nước uống hoặc sự giúp đỡ khi cha và anh trai của cậu bị cách ly”, The Guardian viết.

Vẫn theo báo này, Chen Xi, một trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, nói rằng mặc dù ông tin rằng Trung Quốc đã ngăn chặn thành công virus, nhưng không phải tất cả các phương pháp được áp dụng đều cần thiết.

CNN trong bài “Người Vũ Hán khỏe mạnh nói họ bị buộc cách ly tập trung, nguy cơ bị lây nhiễm”, viết:

“Theo các biện pháp này, những cá nhân được coi là có nguy cơ cao - những người có dấu hiệu bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính - bị loại khỏi cộng đồng và đưa vào hàng trăm trung tâm cách ly tạm thời được thiết lập trên khắp thành phố. “

Nhân vật tên Wang trong bài của CNN nói: "Họ nói nếu tôi từ chối, cảnh sát sẽ cưỡng chế đưa tôi đến đó.”

Đầu năm ngoái, độc giả Việt Nam cũng được xem nhiều video cưỡng chế được cho là ở Trung Quốc. Đã có nhiều người bày tỏ không tưởng tượng được mức độ tàn khốc của dịch bệnh.

Người xem bàng hoàng trước cảnh tượng lực lượng công lực được cho là lạm quyền.

Bắc Giang hiện là tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Việt Nam. Tính đến trưa 27/5, có 1564 trường hợp. Nhiều khu công nghiệp đã phải đóng cửa. Chính quyền áp dụng các “biện pháp mạnh” nhằm dập dịch.

Chính quyền đang điều động thêm người đến tỉnh này để tăng cường chống Covid-19 trong những ngày gần đây.

Đầu trang

27/05/2021 - voatiengviet

Đài Loan tố Trung Quốc ngăn thỏa thuận vaccine COVID với BioNTech

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Đài Loan ngày 26/5 lần đầu tiên trực tiếp tố cáo Trung Quốc ngăn chặn thỏa thuận vaccine COVID giữa Đài Loan với công ty Đức BioNTech, một cuộc leo thang khẩu chiến sau khi Bắc Kinh đề nghị cung cấp vaccine này cho Đài Loan thông qua một công ty Trung Quốc.

Đài Loan đã đặt nhiều triệu liều vaccine, từ công ty AstraZeneca và Moderna, nhưng cho tới này chỉ nhận được hơn 700.000 liều và mới tiêm chủng được khoảng 1% dân số trong lúc số ca nhiễm tăng.

Đài Loan cho biết không ký được hợp đồng chung cuộc với BioNTech và quy trách nhiệm cho áp lực từ Trung Quốc.

Tại một cuộc họp của đảng Dân Tiến cầm quyền, Tổng thống Thái Anh Văn cho hay đơn đặt mua vaccine của AstraZeneca và Moderna diễn tiến êm đẹp.

“Đối với công ty BioNTech của Đức, chúng ta gần hoàn tất hợp đồng với nhà máy gốc của Đức, nhưng vì sự can thiệp của Trung Quốc, nên cho tới nay không có cách nào để hoàn tất,” bà Thái nói.

Đài Loan với dân số hơn 23 triệu, đã mua gần 30 triệu liều vaccine, Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố nhưng không nêu chi tiết.

BioNTech không bình luận về phát biểu của Tổng thống Đài Loan, chỉ nói rằng họ ủng hộ cung ứng vaccine toàn cầu.

Trung Quốc phủ nhận việc tìm cách ngăn chặn vaccine đối với Đài Loan và đã đề nghị cung cấp vaccine cho Đài Loan như một cử chỉ thiện chí.

Tập đoàn Dược Shanghai Fosun của Trung Quốc ngày 22/5 nói họ muốn cung cấp cho Đài Loan vaccine COVID-19 BioNTech.

Fosun đã ký thỏa thuận với BioNTech để độc quyền phát triển và bán các sản phẩm vaccine COVID-19 dùng công nghệ mRNA của BioNTech tại Hoa lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan.

Tuy nhiên bà Thái nói Đài Loan chỉ mua trực tiếp từ nhà sản xuất gốc, hay thảo luận mua qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Đầu trang

May 23, 2021 - nguoi-viet

Ba nhà nghiên cứu tại Vũ Hán đổ bệnh từ Tháng Mười Một, 2019

WASHINGTON, DC (NV) – Ba nhà nghiên cứu từ Viện Vi Trùng Học Vũ Hán bị bệnh đến mức phải vào bệnh viện điều trị hồi Tháng Mười Một, 2019, theo một báo cáo chưa công bố của tình báo Mỹ.

Nhật báo Wall Street Journal nhận định trong bản tin độc quyền loan ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Năm, rằng chi tiết trên làm gia tăng các áp lực đòi điều tra sâu rộng hơn về nghi vấn có sự rò rỉ virus COVID-19 từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.

Xe chở các nhà khoa học thế giới đến điều tra tại Viện Vi Trùng Học Vũ Hán hồi Tháng Hai. (Hình: HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Bản báo cáo từ Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra trong những ngày cuối cùng của chính phủ Trump, cho biết một vài nhà nghiên cứu của Viện Vi Trùng Học Vũ Hán lâm bệnh với những “triệu chứng giống như bệnh COVID-19 và cúm mùa.”

Bản báo cáo này được đưa ra một ngày trước cuộc họp nhằm quyết định bước kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc nguyên thuỷ virus COVID-19 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).

Giới chức hiện tại và cựu giới chức làm việc với các thông tin tình báo về vấn đề này bày tỏ quan điểm khác nhau về cấp độ chính xác những chi tiết được nêu ra trong bản báo cáo.

Một giới chức cho biết các chi tiết rất cụ thể được một nguồn tin tình báo đồng minh cung cấp nhưng vẫn cần được điều tra và kiểm chứng thêm.

Một giới chức khác nhân định tin tình báo này rất vững: “Thông tin mà chúng tôi có được từ nhiều nguồn khả tín khác nhau. Phải nói là rất chính xác. Điều mà các thông tin không đề cập tới đó là vì sao những nhà nghiên cứu đã ngã bệnh.”

Công an gác bên ngoài Viện Vi Trùng Học Vũ Hán vào thời điểm Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến điều tra nguồn gốc COVID-19. (Hình: HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

Tháng Mười Một, 2019, là thời điểm các nhà dịch tễ và vi trùng học tin rằng virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây đại dịch, bùng phát tại Vũ Hán, nơi mà chính phủ Trung Quốc xác nhận một nam bệnh nhân đầu tiên vào ngày 8 Tháng Mười Hai, 2019.

Cho đến nay, Viện Vi Trùng Học Vũ Hán vẫn không cung cấp những dữ liệu nguyên thuỷ, sổ ghi chép thời điểm ra vào các khu vực hay phòng thí nghiệm nơi chứa những virus nguy hiểm mà họ đang nghiên cứu trên loài dơi.

Nhiều nhà khoa học thế giới tin rằng đây là chính là nguồn rò rỉ các virus gây ra đại dịch COVID-19.

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ cho biết chính phủ Biden tiếp tục “đặt nghi vấn về những ngày đầu tiên của đại dịch, cũng như nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc.”

“Chính phủ Mỹ đang làm việc với WHO và nhiều quốc gia khác theo tiêu chí khoa học để thẩm định nguồn gốc bệnh dịch mà không bị can thiệp hoặc chính trị hóa vấn đề,” lời của viên chức nói trên.(MPL) [kn]

Đầu trang

24/05/2021 - rfi

Covid-19 : Việt Nam dự trù tình huống 30.000 ca nhiễm, tìm đường tự chủ vac-xin

Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc Hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ngày 23/05/2021 trong lúc đối phó với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Hau Dinh

Việt Nam đang chống chọi đợt dịch Covid-19 thứ 4, bùng phát từ ngày 17/04/2021 trên diện rộng từ bốn nguồn khác nhau. Mức độ nguy hiểm của các biến thể virus từ Anh và Ấn Độ, được phát hiện ở Việt Nam, buộc chính phủ thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Không chỉ đàm phán để mua vac-xin, Hà Nội còn đề xuất sản xuất vac-xin cho các tập đoàn quốc tế.

Dịch lây từ khu cách ly

Chỉ riêng đợt dịch thứ 4 đã có 2.036 ca nhiễm tính đến hết ngày 23/05, cao gấp 2,5 lần so với đợt dịch đầu năm. Điểm đặc biệt là đợt dịch này có bốn nguồn lây nhiễm cùng lúc, theo trang Nhân Dân điện tử ngày 10/05.

Nguồn thứ nhất là thành phố Đà Nẵng gồm ca bệnh từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam, từ một quán bar và một cơ sở thẩm mỹ lan ra nhiều tỉnh. Nguồn thứ hai từ tỉnh Yên Bái, qua các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác. Nguồn thứ ba từ Hải Dương nhờ phát hiện ca bệnh liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về. Nguồn thứ tư là từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 lan ra rất nhiều tỉnh và sang Bệnh viện K.

Nhìn chung, nguồn gốc lây nhiễm chính là từ các khu cách ly, theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 14/05 :

“Có lẽ nguồn lây là từ những khu cách ly và từ những người vượt biên trái phép - không chính xác hẳn. Tại vì hai chủng này là mới sau này, chứ không phải là âm ỉ từ trước đến giờ. Đó là chủng của Anh và chủng của Ấn, phát hiện song song ở những vùng khác nhau, trong khi trước đây Việt Nam đâu có hai chủng đó, thì chắc chắn là mới lọt vô đây. Nó đi theo đường lén về hoặc chính là những chuyến bay Việt Nam đưa chuyên gia hoặc người Việt Nam từ nước ngoài về và họ vô trong khu cách ly. Chỉ có hai nguồn đó ! Nội tại Việt Nam từ trước đến giờ chưa có hai chủng này”.

Bộ Y Tế Việt Nam quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung người tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19 cũng như người nhập cảnh Việt Nam lên thành 21 ngày kể từ ngày 05/05. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phải xem xét lại cách quản lý trong khu cách ly và ý thức của người tham gia :

“Một người trong khu cách ly mà cách ly không tốt thì sẽ bị lây trong khu cách ly. Bởi vì trong khu cách ly, nếu không gắn camera, không kêu người ta tuân thủ việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thì chắc chắn là, ví dụ trong khu cách ly có 30 người mà trong đó có một người bệnh thì sẽ lây hết cho những người xung quanh. Dù đủ 14 hay 21 ngày, nhưng trong ngày thứ 13 hoặc những ngày khác mà họ bị lây thì đâu biết được, xét nghiệm chưa ra, nhưng ra tới ngoài rồi mới phát bệnh. Đó là một trong những cách mà virus từ khu cách ly thoát ra ngoài.

Và đặc biệt là Việt Nam đã khuyên là từ khu cách ly ra thì phải ở trong nhà, khai báo tại địa phương cho đủ thêm 2 tuần nữa. Nhưng rõ ràng một số người bị lây, ngay cả những người khách nước ngoài, khi trở về sau khi cách ly, họ không tuân thủ điểm đó. Họ đi khắp nơi, tham gia các cuộc tụ họp đông người nên mới lây ra”.

Covid-19 đã khiến ba người tử vong trong đợt dịch thứ 4. Điều đặc biệt là một số bệnh viện, nơi bị virus tấn công như trong đợt 2 ở Đà Nẵng, chưa ghi nhận ca tử vong nào (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai). Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích :

“Trường hợp của Đà Nẵng trong đợt dịch thứ hai là do virus tấn công vào bệnh viện lâu mà không biết, tấn công khoa bệnh nặng và tấn công vào vài khoa bệnh nặng của những bệnh viện khác của khu vực Đà Nẵng nên mới tạo một gánh nặng rất lớn.

Còn hiện nay, điều may mắn thứ nhất là mình bắt đầu phát hiện ra những ca lọt ra cộng đồng. Và sau trường hợp Đà Nẵng lần trước, tất cả các bệnh viện đều có phòng thủ, sau đó có Bạch Mai, cũng phòng thủ ngay từ đầu. Và nguyên tắc của Việt Nam là không cho virus tấn công khu ngoại trú (khu khám ngoài), không cho tấn công khu nội trú, không cho tấn công khoa bệnh nặng. Cho nên đợt này, ở một vài bệnh viện cũng có nhưng nằm ở khúc thân nhân bệnh nhân và khu bệnh nhẹ, còn hiện nay, tấn công đúng khoa hồi sức của khoa bệnh nặng thì chưa có”.

Lập phương án đối phó tình huống 30.000 ca nhiễm cùng lúc

Covid-19, đặc biệt với hai chủng mới, hoành hành ở các nước láng giềng Việt Nam, từ Thái Lan đến Cam Bốt, xa hơn là Ấn Độ… Vậy đâu là hướng ngăn ngừa và phòng chống ở Việt Nam để tránh lây nhiễm cộng đồng ?

“Thật ra chủng Anh hay chủng Ấn, thế nào chúng cũng lây sang các nước khác thôi, như Việt Nam cũng là một trong những nước các chủng này tới. Vấn đề chính hiện nay là mình muốn chặn nó trước, điều này phụ thuộc vào năng lực truy vết và năng lực xét nghiệm. Nếu chủng lây nhanh thì mình phải làm nhanh hơn nó, phải mở rộng hơn nó. Nếu chủng lây nhanh thì mình phải làm khai báo y tế thật tốt. Và bản thân những người dân chưa phải là nguy cơ thì cũng phải tuân thủ “5K” (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) thì lúc đó mới khống chế được dịch”.

Ngoài vấn đề quản lý trong các khu cách ly, đợt dịch thứ 4 cũng đặt ra câu hỏi về ý thức của một bộ phận người dân, phần nào được thấy qua kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 30/04 đến 02/05. Và về lâu dài, có thể tiếp tục đóng cửa chống dịch như hiện nay ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định :

“Cái tính của người Việt Nam là vậy, khi nào nghe thấy bệnh thì bắt đầu tuân thủ, khi mà lâu lâu không thấy bệnh thì họ lại lơi ra. Nhưng hiện nay bắt đầu tuân thủ trở lại và người ta cũng hiểu khá nhiều về “5K”. Nhưng lẽ đương nhiên, sẽ có một nhóm, một số thành phần không tuân thủ, thì lúc đó mình phải ép thôi.

Cái chính hiện nay là không thể nào bắt người ta như vậy hoài đâu, chỉ có vac-xin mới giải quyết được vấn đề. Ví dụ, Việt Nam có nguyên tắc “5K”, để có thể dỡ bỏ được một vài “K” trong “5K” đó thì chỉ có vac-xin làm được, chứ còn nếu mình cứ như vậy hoài thì hết đợt này lại tới đợt khác, không làm sao khác được”.

Năm 2020, khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, chính phủ thẳng thắn xác định là hệ thống y tế còn yếu, khó có khả năng chống dịch nếu để dịch bùng phát. Liệu có phải lo đến khả năng này không vì tốc độ lây nhiễm đợt dịch này cao hơn tất cả những lần trước, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, đặc biệt là ở tỉnh Bắc Giang ?

“Theo tôi, việc chống dịch phải có sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân. Việt Nam có được điểm đó. Thực ra đợt dịch này Việt Nam đã chuẩn bị trước đó. Có nghĩa là nếu trong trường hợp xấu nhất, có 30.000 người cùng lúc mắc bệnh, thì Việt Nam đã mở các nơi điều trị tới huyện rồi. Mình rải đều ra, chứ không tập trung như một số nước khác, làm sao để đừng tạo gánh nặng cho khối điều trị đặc biệt, khối điều trị bệnh nặng.

Thứ hai là Việt Nam chuẩn bị mở rộng xét nghiệm. Lúc trước chỉ làm PCR thì tới đây có thể làm xét nghiệm nhanh để khoanh vùng sớm hơn. Việt Nam cũng đang làm những xét nghiệm định kì. Ví dụ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và những bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh trong vòng hôm qua (13/05) và hôm nay (14/05) đã xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế và toàn bộ bệnh nhân trong bệnh viện kể cả thân nhân bệnh nhân, lúc đó mới có khả năng đánh giá virus tồn tại trong cộng đồng như thế nào để truy vết nhanh hơn. Đó là những cách mà Việt Nam sẽ phải làm”.

“Vac-xin về tới đâu, tiêm hết tới đó” : Thế mạnh của tiêm chủng mở rộng

Việt Nam là một trong những nước không bị cuốn vào chiến lược ngoại giao vac-xin của Trung Quốc. Bộ Y Tế đàm phán với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất để đa dạng hóa nguồn cung vac-xin. Tổng cộng có khoảng 110 triệu liều (trên tổng số 170 triệu liều đặt mua) được cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021-đầu 2022 : 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngày 24/02, Việt Nam được giao 117.600 liều vac-xin đầu tiên từ nhà cung cấp AstraZeneca. Trong khuôn khổ chương trình COVAX, Việt Nam đã nhận được hai đợt giao hàng : 811.200 liều AstraZeneca vào ngày 01/04 và 1,682 triệu liều vào ngày 16/05. Về khả năng tiêm chủng của Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :

“Việt Nam, nếu có vac-xin là chích nhanh lắm. Việt Nam có thể chích một ngày hơn 90.000 liều tại vì hệ thống tiêm chủng mở rộng của Việt Nam mạnh từ trước đến giờ, rải khắp các vùng, thậm chí tới xã, tới ấp, xuống tới tận vùng sâu vùng xa. Cho nên vấn đề ở chỗ là có vac-xin hay không thôi. Còn có là chích được ngay. Ví dụ đợt vừa rồi về đến Việt Nam là đã chích hết. Sắp tới về thêm khoảng 1,6 triệu liều nữa và nghe nói là sẽ về thêm 4-5 triệu liều. Cứ có là sẽ chích hết vì hệ thống tiêm chủng của Việt Nam mạnh lắm !”

Tìm đường tự chủ về vac-xin

Việt Nam kêu gọi các quốc gia “miễn trừ bản quyền” với vac-xin Covid-19. Trong một cuộc họp với đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bộ Y Tế Việt Nam đã đề xuất phía WHO tạo điều kiện đàm phán để một doanh nghiệp trong nước được chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin ARNm (Pfizer/BioNTech và Moderna). Theo quan điểm của Hà Nội, thông qua người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng hôm 13/05, chỉ khi “các loại vac-xin sớm có thể phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới” thì mới “mở ra cơ hội khống chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm này”.

Ngoài việc tìm hướng sản xuất, Việt Nam còn “tự chủ động nguồn vac-xin” với ba loại vac-xin ứng viên đang được thử nghiệm : Nano Covax của Công ty cổ phần Công nhệ sinh học dược Nanogen kết hợp với Học viện Quân Y (bộ Quốc Phòng), Covivac của Viện Vac-xin và Sinh phẩm - IVAC (thuộc bộ Y Tế, sẽ thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 07/2021) và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên Vac-xin và Sinh phẩm số 1 (thuộc bộ Y Tế).

Trong ba loại này, vac-xin Nano Covax bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 10.000 người tại Việt Nam và ở một số nước như Philippines, Bangladesh… từ giữa tháng Năm, dự kiến hoàn tất “trong tháng 8 hoặc tháng 9”. Vac-xin đầu tiên “made in Vietnam” có thể được sử dụng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo thứ trưởng bộ Y Tế, giáo sư Trần Văn Thuấn, “trong trường hợp bệnh dịch lan tràn và thiếu vac-xin, bộ Y Tế có thể xem xét cho đánh giá giữa kỳ để cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”.

Ông Đỗ Minh Sĩ, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen, khẳng định với báo Sydney Morning Herald rằng công ty (trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh) có khả năng sản xuất 120 triệu liễu mỗi năm. Tuy nhiên, hai chuyên gia, Nguyễn Thu Anh chuyên về các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney) và Rogier van Doorn, nhà vi sinh vật học người Hà Lan đứng đầu một đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford ở Hà Nội, đều đặt câu hỏi về khả năng sản xuất trên quy mô lớn của Việt Nam, về nguồn tài chính, cũng như công tác kiểm soát chất lượng.

Đầu trang

May 22, 2021 - nguoi-viet

Hơn ngàn ca COVID-19 mới trong tuần, nhiều ca nặng ‘chưa từng thấy’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến tối 22 Tháng Năm, dịch COVID-19 đã lan ra 30 tỉnh, thành tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, với tổng số ca mắc lên tới 5,086 người.

Tỉnh Bắc Giang vẫn đang tăng nhanh số ca bệnh mới lên 851 trường hợp và được đánh giá “vẫn chưa đạt đỉnh dịch.” Theo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh cho biết ngoài ba ổ dịch đã được phát giác, tỉnh này bắt đầu xuất hiện một số ca bệnh không phải là công nhân, mà là học sinh, nông dân trong lúc xét nghiệm sàng lọc, buộc ông Lê Ánh Dương, chủ tịch tỉnh Bắc Giang, phải ban hành công văn yêu cầu “toàn thể người dân trong tỉnh thực hiện khai báo y tế.”

Theo báo Tiền Phong, chỉ trong bảy ngày qua, Việt Nam đã có liên tiếp sáu bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng số người chết lên 41, tính từ khi đại dịch bùng phát đến nay.

Nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam lập chốt kiểm soát tại các tuyến đường liên tỉnh để ngăn dịch COVID-19. (Hình: Phạm Trường/Zing)

Thế nhưng, đều đáng lo ngại là đợt dịch thứ tư hiện cũng đang ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nặng “nhiều chưa từng thấy.” Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương cho biết số lượng bệnh nhân nặng gấp bốn lần so với các đợt dịch trước, trong đó tỉnh Bắc Ninh ghi nhận nhiều ca bệnh “đang diễn biến nặng.” Số bệnh nhân nặng đang điều trị tại khu cấp cứu của bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Ninh là 35 người. Cá biệt, có trường hợp còn trẻ, khỏe, nhưng trở nặng nhanh, phải chạy ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể-Extracorporeal Membrane Oxygenation).

Do dịch COVID-19, báo VNExpress cho hay rất nhiều tua lấy máu lưu động tại Sài Gòn bị hủy bỏ, trong khi dự kiến vài ngày tới, ngân hàng máu bệnh viện Truyền Máu Huyết Học ở Sài Gòn sẽ giảm đến “ngưỡng báo động” nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ.

Theo đó từ ngày 4 Tháng Năm đến nay, rất nhiều tua lấy máu lưu động (theo lịch ghi danh trước) tại Sài Gòn đã bị hủy, tương ứng với gần 5,000 túi máu. Số lượng máu tiếp nhận hằng ngày chỉ bằng 50% lượng máu cung cấp cho các bệnh viện. Có những ngày không có tua hiến máu nào được tổ chức.

Hiện tại, ngân hàng máu của bệnh viện Truyền Máu Huyết Học “vẫn bảo đảm cấp phát máu theo nhu cầu của các bệnh viện.” Song, kho dự trữ của ngân hàng máu đang giảm dần, đến 24 Tháng Năm, chỉ còn dưới 5,000 túi máu. Lúc này “tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ.”

Báo VietNamNet cho biết tại phía Bắc, nhiều bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương đang cần tiếp máu, có ca bệnh truyền tới 46 đơn vị chế phẩm. Trong vòng hai tuần qua, Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương đã điều 26 chuyển xe chở 240 đơn vị máu cho các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây.

Do làm việc quá sức, nhiều y bác sĩ ở các “tâm dịch” Bắc Ninh, Bắc Giang… ngất xỉu. (Hình: Thiên Nhi/Zing)

Tiến Sĩ Bạch Quốc Khánh, viện trưởng Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương, cho biết bệnh nhân COVID-19 có viêm phổi thường bị rối loạn đông máu ở các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp khác thêm các bệnh lý nền nên phải truyền thêm hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh…

Tin cho biết hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe ở Việt Nam là hơn 179,000 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là hơn 4,000 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là hơn 36,000; số còn lại tại nhà, nơi lưu trú. (Tr.N)

Đầu trang

14/05/2021 - voatiengviet

Sau khi Thủ tướng… truyền… lệnh tấn công… COVID-19

Ông Phạm Minh Chính.

Tuy tân Thủ tướng Việt Nam – ông Phạm Minh Chính… truyền… lệnh… tấn công COVID-19 từ cuối tuần trước nhưng tuần này, công chúng vẫn còn rôm rả luận bàn về việc: Chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất (1)…

***

Sau khi ông Chính phát lệnh vừa đề cập, có những facebooker như Lê Đình Thắng thử phác họa về phương thức thực thi như thế này…

- Truyền, tấn công COVID, tấn!

- Dà, phải tấn. Tấn *** nó luôn á chớ. Mà... tấn sao a?

- Ai béc. Việc của chú là phải tấn nó.

- Tấn chớ tấn chớ. Tấn *** nó a. Để về sai tụi nhỏ nó tấn. Phải tấn, bằng mọi giá. Dù có đốt cháy dãy...

- Ờ. Tấn!

- Dạ. Tấn!

Đó, sợ chưa, thằng COVID (2)!

Hoặc có những facebooker như Nhật Minh thắc mắc: Liệu chính phủ đã tự hỏi: Chúng ta có đủ khả năng test kết quả nhiễm virus cho toàn dân và đã đủ năng lực nhập cũng như sản xuất vaccine cho ít nhất 70% dân số để có thể chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang tấn công? Giống như nhiều người, facebooker này tin rằng: Bây giờ, cách tốt nhất vẫn phải là phòng ngự chặt. Phải tăng thêm nhiều “K” khác nữa. Không còn là 5K (Khẩu trang. Khử khuẩn. Khoảng cách. Không tập trung. Khai báo y tế) mà phải là 7K. Trong đó 5K cho người dân và 2K cho chính phủ, thêm Khu cách ly và Khóa/Kiểm soát chặt biên giới (3)...

Và có những facebooker như Nguyễn Thông bỏ công phân tích sâu hơn về những “lời vàng ngọc của thủ tướng”: Từ hôm ổng lập ngôn tới nay, chỉ thấy báo chí khen khen khen, chứ chưa ai dám chỉ ra điều cần chê. Báo chí truyền thông quốc doanh mậu dịch đương nhiên phải bốc lên rồi, không bàn làm gì nhưng ngay cả những người tử tế, kiến thức không đến nỗi nào, cũng cứ im lìm như đêm trừ tịch. Có nhẽ do ngại đụng chạm tới quan chức, nhất đây lại là thủ tướng. Tránh voi chả xấu mặt nào, tâm lý an phận thường an ủi con người ta như vậy. Không ai lên tiếng thì không có nghĩa không có ai...

Ông Chính vốn con nhà võ, từng ngồi ghế Thứ trưởng Công an thì cách nói đanh thép, máu lửa, võ biền vậy cũng chẳng lạ gì. Ngay cả nhiều ông bà gốc quan văn, cứ mở mồm ra là nháo nhào những chiến dịch, ra quân, xung kích, công phá, thế lực thù địch, đấu tranh không khoan nhượng, ai thắng ai, một mất một còn… Tư duy chiến tranh không biết còn ám ảnh vào bộ não những nhà cai trị xứ này đến bao giờ. Chịu, chả biết được. Đến hòa bình mà họ còn sợ, bằng chứng là luôn kêu gọi chống “diễn biến hòa bình” thì chiến tranh ngấm vào tế bào rồi, khó chữa lắm.

Ông Chính “dạy” chống dịch lúc này phải chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tấn công. Tôi dám chắc ổng không hiểu “phòng ngự” và “tấn công” là gì, mặc dù ổng xuất thân quan võ. Tôi chỉ cào vài điều cho ông ấy và đám báo chí mậu dịch thông tỏ.

“Phòng ngự” và “tấn công” đều là những từ gốc Hán Việt. Phòng nghĩa là con đê, bờ đê, bờ chắn, là sự giữ gìn, ngừa trước. Phòng chống lụt bão tức là chuẩn bị sẵn vật chất và tinh thần để đối phó với bão, gió, lụt lội, ngay cả khi nó chưa đến. Phòng bệnh là ngừa trước bệnh tật. Phòng kẻ gian là khi kẻ gian chưa ra tay thì mình phải khóa khoáy cửa nẻo cẩn thận, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Phòng thân là có cách giữ gìn thân thể mình, chẳng hạn cô gái đừng đi chơi quá khuya nơi vắng vẻ với bạn trai mới quen. “Ngự” là ở vị trí sẵn sàng chống lại, địch lại. Ngự địch là chờ địch kéo tới thì đánh lại. Chế ngự là ngăn ngừa ai đó, bắt phải theo. Ngự hàn là ngăn cái lạnh buốt của thời tiết… Phòng ngự nghĩa là ngăn ngừa và sẵn sàng chống lại, đánh trả. Thời đánh Pháp, gần như ai cũng thuộc lòng bài “Ba giai đoạn”, rằng cuộc kháng chiến của ta có ba giai đoạn: Phòng ngự, Cầm cự, Tổng phản công. Bài này về sau tôi tìm hiểu thì mới biết do thày Tàu dạy. Nó cứ muốn kéo dài cuộc chiến tranh bằng hai giai đoạn phòng ngự và cầm cự để thằng em dại chịu sự khống chế của nó, vừa tiêu hao sinh lực em, vừa làm mệt bọn Pháp, nó vừa có thời gian yên ổn xây dựng đất nước. Nói chung, chơi với Tàu, chỉ có đi từ thiệt tới thiệt, chứ không phải từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Lạ là biết tỏng thế rồi mà vẫn cứ chơi thắm thiết.

Phòng ngự là biện pháp có thể áp dụng đối với cả kẻ thù hữu hình hoặc vô hình, với bọn xâm lược, với đám người bằng xương bằng thịt, cũng như với những thế lực vô hình như dịch bệnh, với con virus mắt thường không nhìn thấy lan truyền qua không khí. Khác với tấn công, chỉ có thể tấn công kẻ thù cụ thể, chứ xưa nay chả ai tấn công được kẻ thù vô hình, như dịch bệnh, bao giờ…

Trong số cả ngàn người bày tỏ sự tán thành nhận định của Nguyễn Thông, có người như OK Lah bình thêm: Khổ, nói chỉ để mà nói, chả nhẽ không có chỉ đạo gì mà chỉ đạo không lẽ vẫn như Thủ tướng cũ. Phải nghĩ ra cái gì nó khác người một tí, tỏ ra nguy hiểm một tí cho nó oai! Có người như Nguyễn Quang Triều tin rằng tấn công theo lệnh Thủ tướng là… tấn công bằng… niềm tin!

Tuy nhiên cũng có những người như Nguyệt Hoa, huỵch toẹt: Toàn là hậu duệ của Vệ quốc Đoàn ôm bom ba càng và anh hùng cưa bom thời chống Mỹ nên nổ hơi bị nhiều! Hoặc thẳng tưng như Anh Mai Ngọc: Căn bệnh dốt hay nói chữ đã có từ thời mới tuyên ngôn rồi, càng ngày càng nặng! Hay cảm thán như Gia Thien Loc Tran: Hèn chi nhiều người gọi các vị lãnh đạo CSVN là đỉnh cao trí… tệ, quả không sai chút nào!

Bên cạnh đó, cũng có những facebooker nói… đỡ cho tân Thủ tướng như Nguyễn Đức Long: Chắc bác nói quá lên chút để xuống tới binh sĩ thất thoát là vừa! Hoặc giả định về cách thức thi hành lệnh tấn công dịch COVID-19 như Võ Thị Nữ: Đem hóa chất phun khắp không gian. bề mặt của nước Việt là tấn công được virus! Hay như Tuan Le Anh: Virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên ý Thủ tướng là ai dính virus thì bắn bỏ như kiểu Bắc Triều Tiên ấy!

Khác với Tuan Le Anh, Nguyen Nhat nêu giả định về một giải pháp độc đáo hơn: Phát cho cán bộ từ cấp phường trở lên mỗi ông một cái búa, nếu đảng viên thì phát thêm cái liềm để họ ra đứng tại các ngả đường đập loạn xạ tấn công bọn COVID-19. Khi nào hết dịch ta thu quân về báo công với Thủ tướng!

Dựa trên lệnh chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, có những facebooker như Nghệ Thanh phỏng đoán: Có khả năng vào mùa bão lụt năm nay, Thủ tướng sẽ chỉ đạo… tấn công bão lụt! Lan Molah nhắc: Phải “hài hoà giữa tấn công và phòng ngự” nữa. Ha Nguyen-Manh thì rất vui bởi: Giờ đã hiểu nghĩa của hai từ...CHÉM GIÓ!

Chú thích

(1) https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chuyen-trang-thai-phong-chong-dich-tu-phong-ngu-sang-chu-dong-tan-cong/430291.vgp

(2) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/4561246867224715

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=480859673032379&id=100033250510565

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=953359778831415&id=100024722048900

Đầu trang