Nhân viên tuyến đầu đang đợi chích covid vaccine tại Việt Nam. Hình minh họa. |
Cho dù số nơi bị phong tỏa (đình chỉ giao thông công cộng, cư dân chỉ được đi lại trong trường hợp cấp thiết), phải thực hiện giãn cách xã hội (hạn chế sinh hoạt buộc phải duy trì khoảng cách cần thiết theo các qui định nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa lây nhiễm) và cách ly (bị cô lập tại các cơ sở y tế, điểm tập trung cách ly hoặc tại gia) tăng từng ngày, thậm chí trên phạm vi rất rộng (phường – xã, quận – huyện, tỉnh – thành phố nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn không ngừng lại, giờ đã vượt qua mức 7.500 (1).
Đáng lưu ý là một số diễn biến trong đợt dịch thứ tư (từ hạ tuần tháng 4 đến nay) cho thấy, con số chỉ 4.076 ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam trong 15 tháng (từ hạ tuần tháng 1/2020 đến trung tuần tháng 4/2021) có lẽ không phải nhờ… những quyết sách chiến lược, có chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương, có sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của chính phủ, các bộ, ban, ngành trong phòng, chống dịch như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từng khoe suốt từ năm ngoái đến nay.
***
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã có… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống dịch… khiến cả thế giới thán phục, học hỏi mà vào lúc này, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những quốc gia có số người được chích vaccine ngừa COVID-19 và số người “fully vaccinated”… thấp nhất thế giới (tỉ lệ được chích ngừa chỉ… 1% dân số và tỉ lệ “fully vaccinated” chưa tới… 0,1%), thua xa cả Campuchia, Lào (2), cuối cùng phải ráo riết xin thiên hạ bốn trong số năm châu lục (chỉ còn thiếu châu Phi) hỗ trợ “tiếp cận vaccine” (3) như đang thấy?
COVID-19 trở thành đại dịch từ đầu năm ngoái và những diễn biến liên quan đến đại dịch ở quốc gia này lập tức trở thành bài học cho quốc gia khác điều chỉnh kế hoạch, cách thức, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, bảo vệ xứ sở, dân tộc của mình. Chẳng lẽ có thể tha, không truy cứu trách nhiệm, trừng phạt những cá nhân, tổ chức từ trung ương tới địa phương là tác giả của… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo… song đã để xảy ra tình trạng, tất cả bệnh viện được xem là “tuyến đầu” đều đang thiếu đủ thứ thiết bị, vật tư y tế thiết yếu khi cứu chữa những bệnh nhân đang trong tình trạng thập tử nhất sinh (quả lọc máu, thuốc chống đông máu Lovenox loại 40 mg,…)?
Tại sao đã có… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo trong phòng – chống dịch mà lại xảy ra tình trạng nhiều bệnh viện “tuyến đầu” dẫu có tiền vẫn không dám dùng để mua, dự trữ thiết bị, vật tư y tế thiết yếu dùng trong chạy chữa cho những đồng bào đang nguy kịch bởi chưa… tổ chức đấu thầu theo các qui định hiện hành. Chẳng lẽ chiến lược của những… quyết sách, sự… quyết liệt, sáng tạo của các chỉ đạo lại là đầy các bệnh viện “tuyến đầu” phải hỏi mượn thiết bị, vật tư y tế thiết yếu của nhau, đồng thời ép các nhân viên y tế phải dùng mạng xã hội kêu gọi công chúng hỗ trợ khẩn cấp cho việc cứu người (4)?
Tương tự, do còn thiếu cả hiểu biết lẫn kinh nghiệm trong đối phó với đại dịch do COVID-19 gây ra, năm ngoái, nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đã phải trả giá rất đắt về nhân mạng. Tuy nhiên ngay sau đó, ngoài việc đặt định các biện pháp nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng, thiên hạ đã nhanh chóng đặt định các yêu cầu về cách thức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, các tiêu chuẩn trong việc thiết lập những trung tâm xét nghiệm bên ngoài bệnh viện (Off sites COVID-19 Testing Center - OSCTC) nhằm có biện pháp thích hợp khi tiếp nhận bệnh nhân, tiếp đón thân nhân người bệnh… nâng cao hiệu quả bảo vệ các nhân viên y tế, cơ sở y tế, bệnh nhân (5).
Ví dụ, sau khi soạn thảo cả qui định về cách thức tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, lẫn qui chuẩn thiết kế và sử dụng OSCTC sao cho phù hợp với đặc điểm của COVID-19 cũng như tập quán sinh hoạt của xã hội (5), chỉ trong vòng một tháng sau khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, Mỹ đã xây dựng 25.000 OSCTC theo đề nghị của NRHI (Network for Regional Healthcare Improvement – Mạng lưới Cải thiện sức khỏe khu vực), hạn chế tối đa tình trạng bệnh viện trở thành ổ dịch.
Đó cũng là lý do nhiều người sửng sốt vì đã hơn một năm kể từ khi COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, Việt Nam vẫn còn liên tục phải đóng cửa nhiểu cơ sở y tế (bệnh viện quốc gia, bệnh viên chuyên khoa, bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế, phòng khám tư nhân) chỉ vì đột nhiên phát giác có bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh đã nhiễm COVID-19 từng ra vào những cơ sơ y tế ấy (6)! Giá trị thực tế của… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống dịch cao tới cỡ nào mà tuần trước, nhiều bác sĩ phải dùng Facebook kêu gọi những người có các triệu chứng giống như đã bị nhiễm COVID-19 ĐỪNG TỰ ĐI KHÁM HAY ĐI MUA THUỐC VÌ CÓ THỂ LÀM CHO NHƯNG NƠI ẤY BỊ ĐÓNG CỬA.
Cũng đã có những bác sĩ than không biết kêu ai khi có nhiều qui định không khả thi hoặc tréo ngoe, làm cho các phòng khám đa khoa tư nhân hay các nhà thuốc không biết xử lý thế nào đối với người bệnh mà họ nghi ngờ nhiễm COVID-19. Ngay cả khi đã nêu thắc mắc với Sở Y tế thì việc giải đáp cũng không thông cho nên... ai có tư thù, muốn phòng khám tư nhân hay tiệm thuốc tây nào đó đóng cửa hoặc sập tiệm thì SỐT, HO, KHÓ THỞ, MẤT KHỨU GIÁC, MẤT VỊ GIÁC cứ đến đó. Bảo đảm sẽ toại nguyện ngay (7)!
***
Với số ca nhiễm mỗi ngày một cao, phạm vi lây nhiễm mỗi ngày một rộng, đến nay, các diễn biến trong ứng phó với đợt dịch thứ tư tại Việt Nam chỉ chứng tỏ một điều… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giống như có mắt như… mù, có tai như… điếc, bất kể COVID-19 đã trở thành đại dịch trên toàn cầu trong hơn một năm nhưng những cá nhân hữu trách vẫn không thấy, không nghe, không ngẫm nghĩ để học bất kỳ kinh nghiệm nào nào từ thiên hạ trong phòng, chống dịch. Não dường như chỉ được dùng vào việc khoe khoang ra sao để thuyết phục đồng bào… biết ơn và tự hào!
Cho đến giờ này, về mặt dịch tễ, thiên hạ vẫn chưa giải thích được tại sao trong 15 tháng (từ hạ tuần tháng 1/2020 đến trung tuần tháng 4/2021), tại Việt Nam chỉ có 4.076 ca nhiễm COVID-19, song đối chiếu giữa cách thức ứng phó của thiên hạ với Việt Nam, có thể khẳng định, việc thực thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly một cách cực đoan như từng thấy đã góp phần đáng kể vào việc khống chế số ca lây nhiễm, phạm vi lây nhiễm COVID-19. Đến giờ, những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương, sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của chính phủ, các bộ, ban, ngành trong phòng, chống dịch dường như chỉ có vậy!
Thực thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly một cách cực đoan không phải là sai và xấu nhưng chỉ như thế thì hết sức tàn bạo. Năm ngoái, sau lần đầu tiên áp dụng các biện pháp cực đoan, ông Nguyễn Xuân Phúc – lúc đó là Thủ tướng Việt Nam, thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (8)! Tuy nhiên đến giờ, đã có bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp chật vật xoay sở với đủ thứ khó khăn tính từ lúc COVID-19 bùng phát đến nay nhận được trợ cấp từ gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỉ đồng (theo qui định, tùy trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng) (9).
Ở thời điểm đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn tuyên bố đã dành ra 16.000 tỉ để các doanh nghiệp vay, trả lương cho khoảng 11.000 người phải ngưng làm việc vì chuyện thực thi các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan nhưng tháng rồi, Ngân hàng Nhà nước loan báo, Gói Tín dụng ưu đãi ấy chỉ giải ngân được… 43 tỉ, tương đương… 0,27% giá trị cả gói (10), hoàn toàn không phải vì doanh nghiệp hay những người phải nghỉ làm việc do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan không cần trợ giúp mà vì quá nhiều đòi hỏi khắt khe, thành ra doanh giới mới bình chọn chính sách cho vay không tính lãi để trả lương này là chính sách khó tiếp cận nhất (11).
***
Từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, một trong những câu mà các cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thích dùng là: Không bỏ ai lại phía sau! Thiên hạ chẳng lạ gì phương châm, chính sách “no one left behind” cả trên chiến trường lẫn tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. 18 tháng sau khi COVID-19 hiện diện tại Việt Nam, dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã thực hiện được cam kết “không bỏ ai lại phía sau”! Người nghèo, tầng lớp trung lưu, kể cả chủ những doanh nghiệp lớn, vốn đầu tư trên 100 tỉ (12) không còn ở phía sau, tất cả đã ở dưới đáy của khốn cùng và tuyệt vọng!
Chú thích
(2) https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html
(5) https://www.nrhi.org/uploads/2020/11/NRHI_MASS-Design_OSCTC_tool.pdf
(7) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2033351913488591
(9) https://www.thesaigontimes.vn/302244/cac-goi-ho-tro-giam-soc-cho-doanh-nghiep-trong-dich-benh.html
(12) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html
Nhân viên Y tế phun độc khử trùng khu xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội, ngày 31/03/2020. Hình minh họa. |
Tháng trước, khi COVID-19 đột nhiên bùng lên và lan rộng tại Campuchia, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN đã gửi thư cho ông Hunsen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia kiêm Thủ tướng Campuchia để… thăm hỏi. Trong công điện vừa kể, ông Trong bảo rằng: Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh và chia sẻ với những khó khăn mà Campuchia đang phải đối mặt do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Đáng lưu ý, tuy gửi thư thăm hỏi lân bang đang gặp hoạn nạn nhưng ông Trọng còn viết như thế này: Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt và kịp thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đến nay, tuy còn nhiều phức tạp, song Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Đây là kết quả rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế và trong nước đánh giá cao. Đảng và nhà nước Việt Nam xác định tiếp tục duy trì các biện pháp quyết liệt, kiểm soát, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh và điều trị tích cực giúp họ phục hồi nhanh và đang triển khai việc tiêm vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19.
Cuối thư, ông Trọng nhắn nhủ: Với truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong khả năng và điều kiện cho phép để sát cánh cùng với Campuchia trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, để hai nước chúng ta cùng sớm ổn định tình hình (1).
Giờ, nếu nhìn vào dữ liệu liên quan đến chích vaccine ngừa COVID-19 của các quốc gia trên thế giới sẽ thấy, số dân Campuchia đã được chích ngừa COVID-19 cao hơn Việt Nam gấp… 15 lần. Tính đến 29/5/2021, Campuchia có 15% dân số đã được chích ngừa trong khi Việt Nam chỉ xấp xỉ 1%. Còn nếu tính tỉ lệ dân số đã đạt mức “fully vaccinated” (nhận đủ số lần, lượng vaccine và thời gian cần thiết để được xem là đủ an toàn) thì Campuchia hơn Việt Nam… 110 lần - tỉ lệ fully vaccinated của Campuchia là 11%, còn tỉ lệ fully vacinnated của Việt Nam… dưới 0,1% (2). Song chắc chắn ông Trọng nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung không những không xấu hổ mà sẽ tiếp tục huênh hoang như trước nay vẫn thấy!
***
Không may cho người Việt là sự huênh hoang của những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không có điểm dừng. Tháng 12 năm ngoái, khi loan báo về việc có… ba người tham gia thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất, báo điện tử của chính phủ Việt Nam tuyên bố: Đây là bằng chứng thể hiện sự tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người (3).
Nay, các viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang xin thiên hạ hỗ trợ cả tiền mua vaccine ngừa COVID-19, lẫn giúp Việt Nam có thêm vaccine càng sớm, càng tốt (4). Đáng nói là trong khi các viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang van nài thiên hạ rủ lòng thương, bày tỏ lòng biết ơn, cam kết hợp tác thì Tổng Bí thư đảng CSVN vẫn dõng dạc tuyên bố với toàn dân: COVID-19 đã phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa và những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội… thua xa… xã hội xã hội chủ nghĩa (5)!
Việt Nam phát giác sự hiện diện của COVID-19 vào ngày 23/1/2020. Trong ba đợt dịch đầu (đợt một từ tháng 3/2020 đến 4/2020, đợt hai từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2020, đợt ba từ tháng 1/2021 đến tháng 2/2021) chỉ có 2041 ca nhiễm. Đợt hiện nay (bắt đầu từ cuối tháng 4 vừa qua đến nay, chưa biết tới bao giờ mới kết thúc) đã phát sinh 5.134 ca nhiễm. Trong 5.131 ca nhiễm này, có 2.035 ca nhiễm phát sinh từ 27/4/2021 đến 22/5/2021 - ngày trước kỳ bầu cử (23/5/2021) (6).
Dẫu số ca nhiễm trong một tháng ấy xấp xỉ số ca nhiễm của 15 tháng trước đó nhưng chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức rầm rộ “Ngày hội lớn của toàn dân”. Thậm chí còn đem tình trạng dịch bệnh đang lan rộng ra so với tỉ lệ cử tri trên toàn quốc đi bầu đạt hơn 90% để chứng minh đó là… sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, HĐBC QG, Ủy ban bầu cử các tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương (7).
Đúng một tuần sau bầu cử, số ca nhiễm tăng thêm 3.092 (từ 4.076 tính đến 22/5/2021 tăng lên thành 7.168 tính cho đến sáng 31/5/2021) (8). Rất nhiều cử tri tham gia bầu cử đã được gọi đi xét nghiệm COVID-19 như trường hợp toàn thể cử tri đã đến bỏ phiếu tại khu vực bầu cử số 156 ở 958 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình vào ngày 23/5/2021 (ngày 29/5/2021, UBND phường 14, quận Tân Bình đã phát hành thông báo yêu cầu cả những cử tri đã đi bầu cử tại khu vực bầu cử vừa kể lẫn các thành viên Tổ Bầu cử số 156 và cán bộ, công chức của phường này phải đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ 00 giờ ngày 30/5/2021 cho đến khi hết đối tượng cần lấy mẫu) (9).
Không phải tự nhiên mà dân chúng thắc mắc, tại sao công an Việt Nam khởi tố vụ án “làm lây lan dịch bệnh” liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra việc tụ tập – sinh hoạt tôn giáo đã làm phát sinh thêm 33 ca nhiễm mới (10) mà lại không đả động gì đến trách nhiệm vận động, thậm chí thúc, ép khoảng 70 triệu người đi bầu khi dịch đang lan nhanh trên diện rộng để điều tra xem chủ trương đó đã làm phát sinh thêm bao nhiêu trường hợp bị lây nhiễm trong số hơn ba ngàn ca nhiễm mới/tuần?
Chú thích
(2) https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html
(3) https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Viet-Nam-tu-cuong-trong-cuoc-dua-vaccine-COVID19/417406.vgp
(6) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-3836
(8) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-4146
(9) https://www.facebook.com/ech.ao.7/posts/10158566451809833
Nhân viên y tế tiêu diệt gà bị nhiễm cúm ở Hong Kong trong đợt dịch năm 2014. |
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 1/6 cho biết một người đàn ông 41 tuổi ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, được xác nhận là người đầu tiên nhiễm chủng cúm gia cầm H10N3, theo Reuters.
Người đàn ông là cư dân của thành phố Trấn Giang đã phải nhập viện vào ngày 28/4 sau khi bị sốt và có các triệu chứng khác, NHC cho biết trong một tuyên bố.
Người này được chẩn đoán là nhiễm virus cúm gia cầm H10N3 vào ngày 28/5, nhưng tuyên bố không cho biết chi tiết về việc người đàn ông này đã bị nhiễm virus như thế nào.
Tình trạng của người đàn ông này đã ổn định và sẵn sàng xuất viện. Quan sát y tế đối với những người tiếp xúc gần gũi với người này không thấy bất kỳ trường hợp tương tự nào khác.
H10N3 là một chủng virus gây bệnh ở mức độ thấp, hoặc tương đối ít nghiêm trọng hơn ở gia cầm và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất thấp, NHC cho biết thêm.
Reuters dẫn lời Filip Claes, Điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Trung tâm Khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên Biên giới tại Văn phòng Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết chủng này “không phải là một loại virus rất phổ biến”.
Theo ông , chỉ có khoảng 160 trường hợp virus riêng biệt được báo cáo trong vòng 40 năm tính đến năm 2018, chủ yếu ở các loài chim hoang dã hoặc thủy cầm ở châu Á và một số khu vực hạn chế ở Bắc Mỹ, và chưa có trường hợp nào được phát hiện ở gà cho đến nay.
Việc phân tích dữ liệu di truyền của virus là cần thiết để xác định xem nó có giống với những virus trước đó hay là sự pha trộn mới của các loại virus khác nhau, ông Claes nói.
Có nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau hiện diện ở Trung Quốc và một số lây nhiễm không thường xuyên cho người, thường là những người làm việc với gia cầm.
Cho đến nay, không có nhiều người nhiễm cúm gia cầm kể từ khi chủng H7N9 giết chết khoảng 300 người vào năm 2016-2017.
Theo NHC, không có trường hợp nào khác ở người bị nhiễm H10N3 được ghi nhận trên toàn cầu trước đó.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN đang đối diện với nguy cơ gẫy đổ chuỗi cung ứng kỹ nghệ điện tử vì COVID-19 nếu dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát.
Việc xác nhận những trường hợp bệnh gần đây với các biến chủng COVID-19 có các đặc tính của biến chủng Anh Quốc và Ấn Độ, khiến nhà cầm quyền trung ương yêu cầu các địa phương dồn sức bảo vệ các khu công nghệ, giới hạn sự lây nhiễm. Các giới chức y tế cho hay, những biến thể mới dễ lây nhiễm hơn và độc lực mạnh hơn, nguy cơ bệnh nhân thiệt mạng cao hơn.
Viên chức y tế khuyến cáo đóng cửa tiệm hớt tóc ở Hà Nội hôm 25 Tháng Năm, 2021. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images) |
“Cơ quan y tế vừa phát hiện ra chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh.” Giữa tuần trước, tờ Pháp Luật ở Sài Gòn dẫn lời ông bộ trưởng y tế Nguyễn Thành Long nói trong cuộc họp trực tuyến.
“Đặc điểm của chủng này lây nhanh phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.”
Đây là biến chủng thứ tám phát hiện tại Việt Nam từ khi xảy ra đợt dịch đầu tiên vào ngày 23 Tháng Giêng, 2020. Ban đầu là biến thể từ Vũ Hán, Trung Quốc, rồi đến các biến thể khác từ Âu Châu, Phi Châu.
Khi đợt dịch xảy ra tại các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc giang gần đây, có bốn trong sáu khu kỹ nghệ ở Bắc Giang phải đóng cửa từ ngày 18 Tháng Năm khi có hơn 320 công nhân dương tính với COVID-19.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đóng cửa một số khu công nghệ và ra lệnh giãn cách xã hội. Công nhân tại hai hãng điện tử Samsung và Canon tại hai tỉnh vừa kể đều xét nghiệm dương tính.
Tỉnh Bắc Giang có hơn 240,000 công nhân và Bắc Ninh có khoảng 330,000 công nhân làm trong các khu công nghệ. Hai phân xưởng của Samsung tại hai tỉnh này sản xuất hơn một nửa số điện thoại thông minh mà hãng bán ra trên thế giới.
Vì nếu để đóng cửa dài ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu ngân sách, nhà cầm quyền đã thúc giục các khu công nghiệp Bắc Giang mở cửa lại từ ngày 28 Tháng Năm.
Thấy cái gương nguy hiểm từ các tỉnh phía Bắc, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn ra lệnh các biện pháp phòng dịch gắt gao hơn. Nơi đây có 17 khu công nghiệp với khoảng 280,000 công nhân làm trong 1,500 công ty sản xuất, phần lớn đều là những công ty nước ngoài. Một số là công ty đa quốc gia như Intel, Nidec, Pouyen, Samsung…
Nhà cầm quyền các tỉnh lân cận có nhiều khu kỹ nghệ như Bình Dương Đồng Nai, Long An cũng vội vàng theo chân đối phó. Bộ Y Tế CSVN yêu cầu các khu công nghệ thường xuyên xét nghiệm COVID-19 cho ít nhất 20% công nhân với hy vọng phát hiện sớm để đối phó.
Viên chức y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một thanh niên tại Trung tâm Kiểm Soát dịch bệnh của Hà Nội hôm 22 Tháng Năm 2021. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images) |
Hơn một tuần trước, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ tại Việt Nam cho hay các công ty nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền mua thuốc chích ngừa cho công nhân nhưng nhà cầm quyền chỉ muốn họ đưa tiền cho nhà nước chứ không chịu cho mua trực tiếp.
Gần đây, nhà cầm quyền trung ương đã thỏa thuận mua của Nga hơn 100 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và của AstraZenaca (Âu Châu) để chích ngừa cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Hiện nhà cầm quyền đang cố gắng mua khoảng 40 triệu liều vaccine với hy vọng kịp cho năm nay. Báo chí trong nước cho thấy số trường hợp pháp hiện người bị dịch COVID-19 tăng lên “theo cấp số nhân.”
Sản phẩm của Saumsung sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 20% trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam. Khi công ty này gặp trở ngại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến số tiền thuế thu vào nuôi sống đảng và nhà nước CSVN và cũng là sự tồn vong của chế độ. (TN) [kn]