Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

Hậu Trump (4)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn   Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

22/02/2021 - baotiengdan.com

Cruz ra đi, nơi này không vẫn thế

Nguyễn Vũ Chi
22-2-2021

Chắc có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Rafael Edward Cruz, hay được biết đến với cái tên thông dụng hơn là Ted Cruz, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Texas, cảm giác được những khó khăn trong cuộc sống để làm quyết định bỏ xứ ra đi.

Cái khó khăn trong cuộc sống mà Ted Cruz và gia đình ông ta đối mặt và cảm nhận được, chỉ là cái khó khăn tạm thời do thiên tai và sự hợp tác của con người gây ra cho tiểu bang Texas nhưng ông và gia đình đã quyết định bỏ xứ ra đi. Cái may mắn cho ông và gia đình ông là sự bỏ xứ ra đi này cũng chỉ là tạm thời.

Một thượng nghị sĩ đầy quyền lực, có vợ làm một công việc kiếm được nhiều tiền, phải nói gia đình ông thuộc loại giàu có, cho nên cái việc bỏ xứ ra đi tạm thời chỉ là một cuộc đi chơi ngắn hạn ở nước ngoài, mà ở Mỹ người ta gọi là “getaway” để trốn chạy sự sụp đổ hầu như hoàn toàn của hệ thống điện, sau khi cơn bão tuyết đánh ập vào Texas trong tuần qua, đã gây khó khăn cho hàng triệu người dân Texas.

Một chiếc xe tải có biển quảng cáo kỹ thuật số với hình ảnh của Thượng nghị sĩ Ted Cruz trong một bãi đậu xe gần nhà ông Cruz hôm thứ Sáu tuần trước ở Houston. Nguồn: Justin Sullivan/Getty Images

Không biết trên đường bỏ xứ ra đi ông có cảm nhận được tại sao hàng chục ngàn người, hàng năm từ Mexico và các nước Trung Mỹ khi mà cuộc sống của họ bị thay đổi và xuống cấp trầm trọng không thấy tương lai đâu hết, họ đành quyết định bỏ xứ ra đi và chỉ muốn đến mảnh đất đầy hứa hẹn cho họ nhiều cơ hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn cho tương lai.

Họ đâu có sung sướng như ông Ted Cruz là ngồi khoang máy bay hạng nhất và ở khách sạn 5 sao vài ngày để trốn tránh. Họ đã phải trải qua biết bao khó nhọc, có khi phải bỏ cả mạng trên sa mạc Sonoran nóng bỏng và khô cằn, hay trên dòng sông Rio Grande nước chảy xiết. Rồi họ lại phải đối mặt với sự đối xử vô nhân đạo, khi con cái họ bị chia cắt từ cha mẹ ngay sau khi bước chân vào biên giới xin tị nạn để mong ước đạt thành giấc mơ Mỹ.

Có lẽ hàng trăm ngàn người Việt đã từng bỏ xứ, cảm nhận được sự khốn cùng đó khi họ phải quyết định ra đi, vì khi ra đi thì cái chết đã lởn vởn ở đâu đó xung quanh họ và nó ập đến bất cứ lúc nào. Người Việt không biết bao nhiêu người cũng đã bỏ xác trong rừng thiêng nước độc và ngoài biển cả. Nhưng người Việt vẫn phải ra đi vì họ không có thể nào sống được dưới một chế độ độc tài, phi nhân bản. Bạn còn nhớ hay bạn đã quên?

Đối với ông Cruz, nếu ông chỉ là thường dân, có tiền, chạy trốn bão tuyết vài ngày ở xứ nắng ấm biển xanh thì chả ai để ý đến chuyện đó làm gì. Đằng này, ông lại là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đại diện cho bao nhiêu cử tri đã bỏ phiếu cho ông. Trong lúc họ gặp khó khăn, thì ông ngoảnh mặt làm ngơ, xách va li lên và đi trốn.

Khi ông ra đi nơi này không vẫn thế. Có gia đình kia, 4 người, vì nhà bị mất điện, lạnh quá, ra garage mở máy xe lên để sưởi ấm và ngủ, kết cuộc hai người chết, hai người phải nhập viện vì bị ngộ độc.

Có cậu bé 11 tuổi, cùng gia đình mới định cư ở Texas hai năm, từ Honduras, đã bỏ mạng trong một đêm khi cái mobile home của nhà cậu bị mất điện, thân nhiệt của cậu hạ thấp qua đêm, khiến cậu bị lạnh và chết cóng vào sáng hôm sau.

Một gia đình gốc Việt, đốt lò sưởi để sưởi ấm ngủ qua đêm vì nhà bị mất điện, khiến căn nhà bị cháy, đã làm bà ngoại và 3 đứa cháu bị mất mạng.

Bà ngoại Loan Lê và ba đứa cháu ngoại Colette, Edison và Olivia bỏ mạng. Nguồn ảnh gia đình

Người ta vẫn đang tổng kết đã có bao nhiêu người mất mạng vào tuần trước, khi ông Cruz quay lưng lại với họ và ngay cả bỏ lại đằng sau chú chó xinh đẹp của gia đình trong căn biệt thự to đùng giá lạnh.

Vụ bê bối của ông Ted Cruz, làm chúng ta liên tưởng tới câu nói nổi tiếng của Trump trong đợt tranh cử chức tổng thống năm 2016. Trump đã nói, nếu ông ta cầm súng bắn vào ai đó ở ngay giữa Đại lộ số 5 thì người ta vẫn bầu cho ông.

Đợt bầu cử năm 2020, Trump vẫn với cái tâm tính ác độc đó, đã mặc kệ đại dịch và đã để hàng trăm ngàn người Mỹ bỏ mạng vì dịch, chỉ vì Trump nghĩ vẫn sẽ có người bỏ phiếu cho ông ta, mặc kệ số người chết, mà phần lớn là do sự thiếu trách nhiệm của ông. Trump đúng, đã có 74,2 triệu người bỏ phiếu cho ông, nhưng ông chỉ đúng một phần vì số người bỏ phiếu tống cổ ông ra khỏi cái ghế tổng thống còn nhiều hơn số đó.

Liệu dân Texas đối xử với Ted Cruz ra sao vào năm 2024?

Đầu trang

21 tháng 2 2021 - bbc.com

Trump từng mời Kim Jong-un đáp cùng chuyến Không lực Một

AFP via Getty Images. Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 không đi đúng kế hoạch

Cuộc gặp gỡ của Tổng thống Trump với Kim Jong-un là một trong những khoảnh khắc thu hút sự chú ý nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Trong tập thứ ba và là tập cuối của loạt phim 'Trump Takes On the World' do Tim Stirzaker của BBC đạo diễn, chúng ta khám phá thêm những chi tiết mới về cách hội nghị thượng đỉnh này diễn ra, cũng như trò chuyện với những người có mặt trong phòng khi hai ông Trump và Kim gặp nhau.

Những gì họ chứng kiến làm choáng váng ngay cả những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nhất - đặc biệt là khi Trump đề nghị đưa nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên về nhà trên chiếc Không lực Một.

Hội nghị thượng đỉnh thứ hai của Trump với Kim Jong-un, tại Hà Nội, Việt Nam, đã không đi theo kế hoạch. Khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đổ vỡ, Trump đột ngột rời đi và nói với báo chí: "Có những lúc bạn cần phải bỏ đi."

Nhưng trước khi khởi hành, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã đưa ra một lời đề nghị đáng kinh ngạc với Kim.

Matthew Pottinger, chuyên gia hàng đầu về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Trump nói với chúng tôi:

"Tổng thống Trump đã đề nghị đưa Kim về nhà trên chuyên cơ Không lực Một. Tổng thống biết rằng Kim đến Hội nghị Thượng đỉnh trên chuyến xe lửa kéo dài nhiều ngày qua Trung Quốc tới Hà Nội, và ông nói : 'Tôi có thể đưa bạn về nhà trong vòng hai giờ nếu bạn muốn.' Kim Jong-un đã khước từ."

Một 'sai lầm tự nguyện'

Lời đề nghị cho Kim Jong-un quá giang trên Không lực Một để về nhà là một trong nhiều điều bất ngờ trong mối quan hệ bất khả thi giữa hai người đàn ông bắt đầu ở Singapore, nói theo cách diễn tả của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton với BBC: "Trump nghĩ rằng ông ấy có vừa một người bạn thân mới."

Tại đây, Trump đã có một cử chỉ khác khiến chính đội ngũ của mình bị sốc, khi ông chấp thuận yêu cầu hủy các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc của Kim Jong-un.

Getty Images. John Bolton nói rằng việc hủy bỏ các cuộc tập trận là "một nhượng bộ mà chúng ta không nhận lại được gì"

Bolton nói với BBC: "Kim Jong-un, như đã từng nhiều lần, phàn nàn về các cuộc tập trận chung lớn giữa Hàn Quốc và các lực lượng Mỹ, diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong hơn 60 năm qua.''

"Trump, không biết suy nghĩ thế nào, chợt nói, 'Tôi sẽ hủy các trò chơi chiến tranh [như cách gọi của ông ấy]. Không cần những cuộc tập trận, chúng đắt tiền và hủy bỏ chúng sẽ khiến cho bạn vui." Tôi thật không thể tin được.

"[Ngoại trưởng] Pompeo, [Chánh văn phòng] Kelly và tôi đang ngay ngồi đó trong phòng với Trump và chúng tôi không hề được hỏi ý kiến. Câu nói bật ra từ suy nghĩ của chính bản thân Trump. Đó là một sai lầm tự nguyện; đó là một nhượng bộ mà chúng ta không nhận lại được gì. "

Thông điệp bí mật của Trump cho Kim

Việc Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hoàn toàn là một ngạc nhiên cho nhiều người.

Chỉ vài tháng trước đó, Trump đã gọi Kim là "Người đàn ông tên lửa" và đe dọa Triều Tiên bằng "lửa và cơn thịnh nộ".

Quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc Jeff Feltman mô tả việc, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, ông đã chuyển một thông điệp bí mật từ Trump tới Kim đề nghị một cuộc gặp mặt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề chính trị Feltman đã được Triều Tiên mời đến Bình Nhưỡng - nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với ông rằng họ không nghĩ rằng việc đi Bình Nhưỡng là một ý kiến ​​hay. Tuy nhiên, vài tuần sau, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đến thăm Nhà Trắng.

Feltman nói với chúng tôi: "Họ đang so sánh các ghi chú về những gì đang xảy ra, điều gì có thể xảy ra, mức độ nguy hiểm, khả năng xảy ra phản ứng quân sự, tất cả những điều đó. Và Tổng thư ký Guterres nói với Tổng thống Trump: 'Jeff Feltman có lời mời kỳ lạ đến Bình Nhưỡng này, và dẫn đầu một cuộc đối thoại chính sách với Triều Tiên.'

"Và Trump nghiêng người về phía ông Guterres, nói: 'Jeff Feltman nên đến Bình Nhưỡng và Jeff Feltman nên nói với người Bắc Triều Tiên rằng tôi sẵn sàng ngồi xuống tiếp chuyện với Kim Jong-un."

Feltman bị cự tuyệt ở Bình Nhưỡng

Khi Feltman đến Bình Nhưỡng, ông nhấn mạnh với Triều Tiên về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ông nói với chúng tôi:

"Thông điệp chính mà tôi đã cố gắng chuyển tải, và điều này là để đáp lại lập luận của họ về sự cần thiết phải ngăn chặn, là những gì họ coi là răn đe có thể kích động chính cuộc chiến mà họ tin rằng họ đang ngăn chặn."

Quan chức Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu một cuộc gặp riêng với ngoại trưởng Triều Tiên để chuyển thông điệp bí mật từ Trump.

Ông nhớ lại: "Có một chút im lặng trước khi ngoại trưởng Triều Tiên nói, 'Tôi không tin ông, tại sao tôi phải tin ông.' Và tôi nói: "Nghe này, tôi không yêu cầu bạn tin tôi. Điều tôi nói với bạn là Liên Hiệp Quốc đã được Tổng thống Trump giao phó một thông điệp; Tôi là người đưa thông điệp đó."

Ông Feltman nói với chúng tôi: "Tôi đã đến Bình Nhưỡng lo lắng sâu sắc, rất sâu sắc, vì cảm giác chiến tranh sắp xảy ra. Tôi rời Bình Nhưỡng khiếp sợ rằng những gì chúng ta đã thực sự mạo hiểm là một cuộc chiến ngẫu nhiên."

Trump khiến đại sứ Hàn Quốc choáng váng

Kim đã không trả lời trực tiếp thông điệp của Trump - nhưng vài tháng sau, ông nói với người Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia về Hàn Quốc đã vội vã đến Nhà Trắng để đưa tin.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ lúc đó, HR McMaster, mô tả khoảnh khắc Trump trả lời "có" về cuộc họp mặt "Đại sứ Chung sửng sốt suýt té khỏi ghế vì ông ấy nghĩ rằng đó sẽ là một thuyết phục khó khăn."

Giống như nhiều người trong Nhà Trắng, McMaster đã dè dặt một cách nghiêm túc về việc gặp Kim Jong-un nhưng cũng như với rất nhiều chính sách đối ngoại của Trump, tổng thống sẽ làm theo ý riêng của ông.

Như McMaster nói: "Tôi cảm thấy rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta để Kim Jong-un cảm thấy áp lực lâu hơn một chút. Nhưng, tất nhiên tổng thống sẽ không từ chối cơ hội gặp mặt."

Xem thêm về Hội nghị Trump-Kim

Đầu trang

20/02/2021 - baotiengdan.com

AOC và Ted Cruz, cuộc chiến giành linh hồn “Texas cô đơn”

Joaquin Nguyễn Hòa
20-2-2021

Cơn bão tuyết thế kỷ có tên Uri băng qua nước Mỹ hơn một tuần qua, đã gây ra vụ khủng hoảng điện năng ở các tiểu bang, trong đó bang Texas bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mất điện trên diện rộng ở tiểu bang Texas, làm cho các đường ống nước đóng băng và vỡ ra, dẫn đến hàng triệu người không có điện lẫn nước, giữa mùa đông băng giá.

Cô Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) là dân biểu liên bang trẻ tuổi, từ tiểu bang New York, đã quyên góp được $2 triệu Mỹ kim, bay xuống TP Houston, bang Texas, để cứu giúp nhiều người dân ở đây vẫn còn đang khốn khổ vì thiếu nước, thiếu điện, thiếu thực phẩm,… sau cơn bão mùa đông bất thường tràn xuống miền Nam nước Mỹ.

Cô AOC là thành viên cấp tiến của Đảng Dân chủ, đại diện cho khu vực Bronx và Queens của bang New York. Cô nói rằng, chiến dịch cứu trợ này phải được thực hiện vì không thể quay lưng với hàng triệu người đang khốn khổ như thế, mặc dù chuyện từ thiện không phải là tất cả để một chính quyền vận hành tốt cho dân chúng.

Không ai có thể nghi ngờ ý định tốt đẹp của AOC, cũng như hàng triệu người Mỹ, đa số là giới trẻ ủng hộ cô, chỉ trong vài ngày có thể quyên góp lên đến cả triệu Mỹ kim. Hơn nữa, cô từng làm việc cho một tổ chức nhân đạo ở Texas, giúp đỡ những người gốc Latin như cô.

Thế nhưng chiến dịch của AOC cũng là diễn biến mới nhất của cuộc đấu tranh giữa hai phe xanh (Dân chủ) và đỏ (Cộng hòa) tăng mạnh trong mấy năm gần đây.

Bang đỏ Texas chuyển sang hồng tím

Tiểu bang “ngôi sao cô đơn” Texas, vốn là thành trì của đảng Cộng hòa. Lần cuối cùng tiểu bang này bỏ phiếu cho đảng Dân chủ là ông Jimmy Carter trong cuộc bầu cử năm 1976. Suốt 44 năm qua, Texas đỏ thẫm được xem như là đối trọng với California xanh dương, trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Màu đỏ của Texas là do cử tri ở đây đa số thuộc giới nông dân từ các trang trại mênh mông, giới tài phiệt khai thác dầu mỏ, giới bảo thủ ảnh hưởng lớn từ truyền thống tôn giáo bảo thủ phía Nam nước Mỹ từ xa xưa.

Nhưng sự thể bắt đầu thay đổi trong mấy năm gần đây, khi nhiều dân nhập cư đến tiểu bang này cư trú, bị thu hút vì giá nhà rẻ. Có hai nhóm nhập cư ở đây. Nhóm di dân Latino đến từ phương Nam có vẻ là cử tri của đảng Dân chủ, nhưng không chắc chắn, vì có khá đông theo tôn giáo rất bảo thủ, hơn nữa họ cũng không đi bầu nhiều.

Nhóm thứ hai đáng ngại hơn cho đảng Cộng hòa, đó là các nhân viên kỹ thuật cao đi từ California sang, làm việc tại các thành phố lớn như Houston, Dallas, Austin. Các thành phố này vốn đã là những đốm xanh trên nền đỏ Texas rồi, bây giờ những người trẻ cấp tiến từ California sang, càng làm cho phe đỏ lui vào thế phòng ngự.

Trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, ứng cử viên Beto O’Rourke của đảng Dân chủ chỉ thua thượng nghị sĩ đình đám Ted Cruz của đảng Cộng hòa sát nút (51%). Trong kỳ bầu cử 2020, ông Trump thắng ông Biden ở đây chỉ 5,6%, trong khi năm 2016, ông thắng bà Clinton đến 9%.

Bão Bắc cực và bàn tay vô hình

Nhưng trận bão bắc cực tai quái chưa từng thấy tràn vào Texas gần giữa tháng 2/2021 có khả năng làm thay đổi màu sắc linh hồn của Texas.

Trong mấy ngày liền, hàng triệu người dân Texas sống trong băng giá, không có máy sưởi, trông giống như một nước cộng hòa thời mồ ma Liên Xô nào đó, chứ không phải Texas của Mỹ.

Những dòng người xếp hàng lấy nước, giống như cảnh nguồn nước sông Đà ở Hà Nội bị ô nhiễm, người dân rồng rắn xếp hàng lấy nước. Người ta khó tưởng tượng đó là nước Mỹ, hơn nữa lại là khu vực dồi dào năng lượng nhất trên nước Mỹ.

Nguyên nhân nằm ở chỗ nền kinh tế được gọi là tân bảo thủ của Texas. Tiểu bang này từ chối nối mạng điện với liên bang, để tránh không bị ràng buộc bởi những quy định của liên bang, mà những người tân bảo thủ hay chỉ trích là không theo nguyên tắc bàn tay vô hình của thị trường tự do. Kết quả là khi cơn lạnh tới đột ngột, mạng lưới điện Texas sụp đổ, không tiểu bang nào có thể cứu giúp kịp thời được.

Các công ty điện, chạy bằng khí đốt hay điện gió, được khuyến khích cạnh tranh tối đa, cắt chi phí tận cùng. Điều này đã làm cho họ không bỏ tiền ra đầu tư vào những thiết bị chống giá rét. Kết quả là, trong điều kiện bình thường, dân Texas xài điện rẻ, nhưng khi có chuyện thì giá điện tăng cao cả trăm lần. Một số nơi cho biết, hóa đơn tiền điện tăng lên đến 10.000 Mỹ kim chỉ trong vài ngày.

Bàn tay vô hình của thị trường tự do đã làm cho mọi phương tiện sống còn của người dân Texas trở nên… vô hình nốt. Đó là cơn bão thiên tai, đã kéo theo cơn bão chính trị.

Ngay khi hàng triệu người Texas lâm vào cảnh giá rét, thống đốc Greg Abbott lên TV nói bậy rằng, điện mất là do các quạt gió không chạy được trong mùa đông, tức là lỗi nằm ở bọn thúc đẩy năng lượng sạch chống lại bọn tài phiệt xăng dầu, vốn là bệ đỡ của đảng Cộng hòa tại đây. Mà bọn năng lượng sạch lại về phe với đảng Dân chủ. Dường như ông Abbott không biết rằng, các quạt gió vẫn chạy tốt trong mùa đông giá rét ở Canada và các miền Trung Tây nước Mỹ.

Sau khi người dân mắng trả rằng, điện gió chỉ chiếm khoảng 20% điện năng ở Texas, ông Abbott bèn sửa lại là điện gió chiếm hơn 10%, thành ra khi cánh quạt không chạy được làm cho Texas bị nguy khốn. Ông không đề cập gì đến lực lượng hùng hậu các nhà máy điện chạy khí đốt, chạy dầu của tiểu bang cũng hoàn toàn tê liệt.

AOC và Cruz

Dân biểu AOC và Thượng Nghị sĩ Ted Cruz. Ảnh trên mạng

Nhưng cơn bão chính trị lớn hơn có lẽ liên quan đến thượng nghị sĩ Ted Cruz. Giữa lúc dân chúng mà ông đại diện đang khốn khổ, ông cùng vợ con bay qua Cancun bên Mexico nắng ấm, để tránh rét.

Ngày 15/2/2021, trong chương trình radio “The Joe Pags Show”, Ted Cruz kêu gọi người dân Texas ở nhà, đừng ra ngoài vì rất nguy hiểm, hãy ở nhà để được an toàn, ở nhà ôm hôn con cái. Kêu gọi mọi người ở nhà, hai ngày sau, ngày 17/2/2021, cả nhà Ted Cruz bay đi Cancun.

Khổ nỗi, Thượng nghị sĩ Ted Cruz quên mất rằng ông đang sống trong thời đại thông tin. Ông mới lên máy bay, chỉ vài giây sau, hình ảnh ông trong bộ dạng một anh cao bồi, áo thun, quần jean, hí hửng trong nắng ấm, lan truyền như dịch trên mạng. Báo chí tìm ông nhưng không thấy. Gọi vào văn phòng ông, nhưng không có người trả lời.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz và vợ ông bị cư dân mạng chụp ảnh trong chuyến bay qua Cancun. Nguồn: Twitter/@clarekelly007, Twitter/@GeneforTexas

Ông im lặng suốt cả chục tiếng đồng hồ, rồi sau đó ông thẽ thọt rằng, ông chỉ muốn làm người cha gương mẫu, đưa con sang Mexico chơi rồi về ngay. Bọn báo chí tọc mạch, sục vào các hãng máy bay tìm thông tin, mới biết là ông vội vã đổi vé về sớm trong ngày 18/2/2021, chứ không phải kế hoạch ban đầu của ông như thế. Ông Cruz bèn xuống thang lần nữa, là do ông nghĩ lại nên phải quay về. Rồi ông lại xuống nữa, nói rằng ông sai rồi.

Ted Cruz đã phải đột ngột quay trở về Mỹ, sau khi cư dân mạng phát hiện ông bỏ đi nghỉ mát giữa lúc Texas đang bị khủng hoảng. Nguồn: KVUE

Ông Cruz năm nay 50 tuổi. Hồi năm 2016, ông từng ra tranh cử nội bộ đảng Cộng hòa với ông Trump để ra tranh ghế Tổng thống, nhưng ông bị thua, nên ông có tham vọng ra tranh lần nữa vào năm 2024. Ông Cruz bắt đầu tỏa sáng khi đứng đầu nhóm cực đoan Tea Party trong Đảng Cộng hòa, chống lại những dự án cấp tiến của phe Dân chủ từ khi ông Obama mới lên cầm quyền.

Ông được xem như là người có khả năng hùng biện, một tiếng nói có trọng lượng của giới bảo thủ. Nhưng trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, người ta lại thấy cái gọi là hùng biện của ông Cruz là một loại bẻm mép, nói lấy được, cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Ông Trump từng mắng vợ ông Cruz là đồ xấu xí, ông Cruz vẫn hết mình ủng hộ ông Trump vì không muốn mất nhóm cử tri cuồng nhiệt của ông Trump. Là một luật sư danh tiếng, ông lại dẫn đầu nhóm nghị sĩ a dua với ông Trump chống lại chiến thắng của ông Biden, dẫn tới cuộc bạo loạn tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021, trong đó ông Cruz cũng đã phải chạy trốn bọn phản loạn.

Ông Cruz là người hay mắng cô AOC về những ý tưởng cấp tiến của cô. Sau khi ông Cruz nháo nhào bay về từ Mexico, cô AOC nói rằng, nếu ông Cruz từ chức sau vụ bạo loạn ở Capitol, thì bây giờ ông tha hồ mà nghỉ mát ở Cancun. Cô AOC từng nói rằng, cô suýt mất mạng trong vụ bạo loạn, mà một trong những kẻ chịu trách nhiệm chính là ông Cruz.

Chưa thấy ông Cruz lên tiếng gì về chuyến cứu trợ của cô AOC. Mà có lẽ ông chẳng còn tâm trí nào để làm chuyện đó. Đám cử tri trẻ tuổi ở Houston đón ông Cruz trước cửa nhà ông, đòi ông từ chức, bảo ông là đồ hèn. Trên mạng người ta tạo hashtag FlyingTed (Ted bay đi), nhại câu chửi của ông Trump hồi 2016 là Lying Ted (Ted nói láo); hay là câu “Ted Cruz, Yes We Cancun”, nhại câu của ông Obama, “Yes We Can”…

Đầu trang

Tương lai chính trị của ông Trump sẽ ra sao?

Tông thống Donald Trump đến Phi trường Quốc tế Palm Beach, Florida.

Sự ủng hộ bền bỉ của phe Cộng hòa đối với cựu Tổng thống Donald Trump, ngay cả sau vu bạo loạn tại Điện Capitol và vụ xử luận tội ông lần thứ hai, khiến một số thành phần bảo thủ tự hỏi đảng này có còn chỗ cho họ hay không.

“Đảng Cộng hòa hiện đang thực sự ở chỗ tối tăm,” bà Olivia Troye, một cựu phụ tá của nguyên Phó Tổng thống Mike Pence, nói. Bà cho biết bà và những người khác như bà hiện đang cảm thấy “vô gia cư” về mặt chính trị.

Bà Troye, từ chức để phản đối cách thức chính quyền ông Trump đối phó với đại dịch virus corona, hiện là giám đốc của Dự án Trách nhiệm Cộng hòa vừa thành lập. Đây là một ủy ban hành động chính trị nhắm lật đổ những đồng minh của ông Trump và bầu chọn những người “bảo thủ nguyên thuỷ.”

“Tôi không nói chúng tôi sẽ phục hồi đảng Cộng hòa một sớm một chiều; chúng tôi còn lâu mới tới đó,” bà nói. “Chúng tôi đang nhìn đến vài năm nữa tìm xem hường nào đảng muốn đi theo.”

Đảng đang trải qua một rạn nứt quan trọng với việc ông Trump chỉ trích lãnh tụ khối thiểu số tại Thượng viện, Mitch McConnell, chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa bỏ phiếu tha bổng ông Trump trong phiên xử luận tội.

Hôm 16/2, ông Trump gọi ông McConnell là một chính trị gia “ủ rũ, khắc khổ,” thúc đẩy đảng viên Cộng hòa trong Thượng viện tìm một lãnh đạo mới và dọa sẽ ủng hộ những đối thủ của các nghị sĩ Cộng hòa hiện nay trong cuộc bầu cử tới.

Dù ông McConnell bỏ phiếu “không có tội” trong vụ xử luận tội ông Trump vào tuần trước, nhưng sau đó ông chỉ trích gay gắt cựu Tổng thống tại diễn đàn Thượng viện rằng dĩ nhiên ông Trump “có trách nhiệm về mặt thực tế và đạo đức trong việc gây nên những biến cố” vào ngày 6/1, khi đám đông ủng hộ viên của ông Trump xông vào Điện Capitol lúc Thượng Viện phê chuẩn chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ.

Trong khi đó, 7 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu buộc tội ông Trump xúi giục bạo loạn hiện bị chỉ trích nặng nề trong nội bộ đảng.

Thượng nghị sĩ Richard Burr thuộc bang North Carolina và Bill Cassidy, bang Louisiana, đã chính thức bị đảng Cộng hòa tại tiểu bang liên hệ bỏ phiếu khiển trách. Thượng nghị sĩ Pat Toomey thuộc Pennsylvania và Susan Collins, tiểu bang Maine, cũng đang đối mặt với đe dọa khiển trách.

Việc đấu đá nội bộ diễn ra trong lúc các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump vẫn là một lực lược đáng kể trong đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò của Quinnipiac công bố ngày 15/2 cho thấy 75% đảng viên Cộng hòa nói muốn thấy cựu Tổng thống đóng một vai trò quan trọng trong đảng.

Đảng Cộng hòa rạn nứt

Vào ngày 15/2, ban biên tập của tờ Wall Street Journal, một tờ báo bảo thủ do đồng minh của ông Trump là ông Rupert Murdoch làm chủ, cảnh báo là ông Trump sẽ chia rẽ đảng.

Cựu cố vấn tranh cử của ông Trump, ông Jason Miller, bác bỏ những dấu hiệu là có sự rạn nứt trong đảng.

Đối với những người tin rằng chủ nghĩa Trump bám rễ quá sâu, thì có những cuộc thảo luận về một đảng thứ ba. Ông Evan McMullin, một đảng viên Cộng hòa ra tranh cử tổng thống năm 2016 trong tư cách một ứng cử viên độc lập, đang dẫn đạo các cuộc thảo luận với các nhà lập pháp đã nghỉ hưu và các giới chức trong đảng.

Một đảng mới do những đảng viên Cộng hòa chống ông Trump thành lập có thể làm thay đổi cuộc chơi, ông David Baker, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Quốc hội và Tổng thống tại Trường đại học American, nói.

“Đảng có thể bắt đầu chiếm được từ 15 đến 20% số phiếu tại một vài nơi,” ông Barker nói, và những người còn lại trong Đảng Cộng hòa của ông Trump sẽ “bắt đầu bị đè bẹp hoàn toàn.”

Ủy ban Điều tra Bạo loạn Điện Capitol

Dù ông Trump được tha bổng, nhưng hành động của ông sẽ chắc chắn còn là trọng tâm vào lúc Hạ viện tiến tới việc thành lập một ủy ban độc lập để điều tra vụ vây hãm Điện Capitol- tương tự như ủy ban nghiên cứu vụ tấn công ngày 11/9 trong 15 tháng và đưa ra một phúc trình toàn diện dẫn đến những thay đổi trong luật pháp nước Mỹ và khung cảnh làm việc để đối phó với khủng bố.

Một số nhà lập pháp Cộng hòa đã ra chỉ dấu ủng hộ ủy ban này. Về phần đảng Dân chủ, ủy ban có thể giúp quy trách cho ông Trump và tiết lộ những tin tức có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của ông vào lúc nước Mỹ tiến đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022.

Ông Thomas Kean, đảng viên Cộng hòa và là cựu chủ tịch ủy ban 11/9, công bố lời kêu gọi lưỡng đảng thành lập một ủy ban điều tra vụ vây hãm Điện Capitol, nói mục tiêu không nên là quy trách cho cựu Tổng thống.

“Đây không phải là một ủy ban để quy trách nhiệm cho Tổng thống Trump,” ông Kean nói. “Đây là một ủy ban tìm hiểu sự kiện để ngăn ngừa sự việc diễn ra lần nữa.”

Nếu Quốc hội soạn thảo nghị quyết theo lưỡng đảng và chỉ định những người, nam cũng như nữ, đặt đất nước trên hết, ông Kean nói, thì không ai có thể lập luận rằng đây là việc trả thù ông Trump.

Điều tra hình sự

Sự chú ý của truyền thông xuất phát từ những vụ điều tra hình sự, những yêu cầu dân sự và những vụ kiện phỉ báng do hai phụ nữ cáo buộc ông Trump tấn công tình dục cũng có thể quyết định ông Trump sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên chính trị của Đảng Cộng hòa như thế nào.

Hiện nay ông Trump vẫn còn được ưa chuộng trong đảng của ông. Theo thăm dò của MorningConsult/Politico, công bố ngày 16/2, hơn một nửa đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ nếu ông Trump ra ứng cử Tổng thống lần nữa.

“Ông Trump là hiện tại và tương lai của đảng Cộng hòa,” ông Miller, cựu cố vấn của ông Trump, nói. “Không thành vấn đề nếu các cơ quan chính trị truy đuổi ông, dù đó là Cộng hòa hay Dân chủ, Tổng thống không lùi bước.”

Vào ngày 16/2, dân biểu Dân chủ Bennie Thompson và tổ chức dân quyền NAACP kiện ông Trump, luật sư của ông Trump là ông Rudy Giuliano, và hai tổ chức cực hữu Proud Boys và Oath Keepers về vai trò của họ trong cuộc tấn công 6/1. Ông Trump cũng đối phó với 2 vụ kiện mới tại Georgia về những cú điện thoại ông gọi cho các giới chức trong đó dường như ông gây áp lực để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.

Ông cũng đang đối mặt với điều tra hình sự tại New York về cáo buộc gian lận thuế và bảo hiểm.

Thật khó mà nói là liệu những việc này có ảnh hưởng đến tương lai chính trị của ông Trump hay không, ông Barker nói và nhấn mạnh rằng đảng Cộng hòa vẫn gắn kết với ông Trump dù ông thất cử hay đang bị nhắm mục tiêu điều tra.

"Tôi sẽ nói rằng ông ấy có thể vẫn trụ được và vẫn có ảnh hưởng trừ khi những cuộc điều tra hình sự buộc tội ông và ông vào tù,” ông Barker nói.

Tương lai chính trị của Donald Trump

16 tháng 2 2021 bbc.com
Bùi Văn Phú
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ California

Noam Galai/Getty Images - Tổng thống Donald Trump đã rời Bạch Ốc, nhưng tên và ảnh hưởng của ông chưa phai mờ trong dư luận ngay, so với với các đời tổng thống trước.

Tổng thống Donald Trump đã rời Bạch Ốc, nhưng tên và ảnh hưởng của ông chưa phai mờ trong dư luận ngay, so với với các đời tổng thống trước.

Vì Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đã bị quốc hội đàn hặc hai lần. Lần đầu vào đầu năm 2020 với hai tội là "lạm dụng quyền lực" và "ngăn cản quốc hội" điều tra liên quan đến việc nước ngoài tạo ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Lần đàn hặc thứ hai liên quan đến vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc Hội hôm 6/1/21 mà Trump bị cáo buộc "kích động bạo lực". Hàng trăm người ủng hộ Trump đã tràn vào bên trong quốc hội trong lúc các thượng nghị sĩ đang họp để chuẩn thuận kết quả bầu cử tổng thống 3/11 với Joe Biden được 306 phiếu cử tri đoàn, Donald Trump được 232. Một kết quả Trump cho là gian lận.

Vụ việc gây thiệt mạng cho 5 người, trong đó có một cảnh sát quốc hội. Hàng trăm người khác bị thương, hầu hết cũng là cảnh sát.

Một tuần trước khi hết nhiệm kỳ, ngày 13/1 Hạ viện đã biểu quyết tiến hành đàn hặc Tổng thống Donald Trump với tội kích động bạo lực. Tuần qua Thượng viện họp để kết tội.

Jon Cherry - Người biểu tình tụ tập bên nngoài Điện Capitol ở Washington DC

Kết quả biểu quyết hôm 13/2 có 57 thượng nghị sĩ đồng ý kết tội, 43 không đồng ý. Như thế Donald Trump được trắng án, vì muốn kết tội cần ít nhất 67 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận.

Đảng Dân chủ muốn ngăn ngừa Trump trở lại chính trường, không cho ông ra tranh cử trong tương lai, nên đã tiến hành thủ tục đàn hặc như Hiến pháp cho phép, dù Trump đã rời chức và dù Đảng Dân chủ biết sẽ không thể nào đạt số 67 nghị sĩ, khi thượng viện có 50 nghị sĩ dân chủ và 50 nghị sĩ cộng hoà.

Đây là một vụ án chính trị có ảnh hưởng nhiều đến Đảng Cộng hoà. Với kết quả 57-43, trong đó có 7 đảng viên Cộng hoà đã bỏ phiếu theo phe Dân chủ. Con số này cũng phản ánh những bất mãn trong nội bộ Đảng Cộng hoà với Trump về sự kiện 6/1.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hoà, dù đã bỏ phiếu không kết tội, nhưng cảnh báo là Trump có thể phải đối mặt với những vụ kiện trước toà dân sự lẫn hình sự về hậu quả của vụ bạo loạn tại Quốc hội vừa qua.

SENATE TELEVISION HANDOUT

Như thế cho đến lúc này coi như Trump trắng án, được tha bổng hay vô tội thì tuỳ cách diễn giải ngôn ngữ luật. Thực tế là chưa có một bản án nào kết tội Trump - You are innocent until proven guilty, dù dư luận có nhiều người qui tội cho ông.

Sự kiện Trump không bị kết tội cho thấy Đảng Dân chủ đã thất bại trong việc ngăn cản sự trở lại chính trường của Trump. Hai lần bị Hạ viện, với đa số Dân chủ biểu quyết đàn hặc, nhưng hai lần Trump trắng án khi lên Thượng viện vì không đủ túc số hai phần ba nghị sĩ đồng lòng kết tội.

Đảng Dân chủ giờ đây đang đưa ra ý kiến, dựa vào Tu Chính án 14, để không cho Trump nắm các chức vụ dân cử trong tương lai.

Hai lần đàn hặc, hai lần Trump thoát. Trump vẫn tin tưởng vào chủ trương "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" còn có cơ hội trong tương lai.

Donald Trump là tổng thống một nhiệm kỳ, như các Tổng thống Jimmy Carter và George H.W. Bush (cha) trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ. Nhưng không như hai vị tiền nhiệm, sau khi rời Bạch Ốc ảnh hưởng của Trump còn lan toả trong nội bộ đảng của mình, trong chính trường Mỹ, vì thế cả hai Đảng Cộng hoà và Dân chủ rất lo ngại sự trở lại của Trump.

Dù thua, nhưng Donald Trump cũng đạt 74 triệu phiếu bầu, so với Tổng thống Joe Biden được 80 triệu.

Thành phần lãnh đạo Đảng Cộng hoà không dám loại bỏ Trump vì ông có thể làm cho đảng này tan nát và mất cơ hội chiến thắng trong bầu cử sắp tới, vì có những dân cử trung thành với Trump như các Thượng Nghị sĩ Josh Hawley, Lindsey Graham, Dân biểu Marjorie Taylor Greene.

Hơn một chục dân cử đã bỏ phiếu đàn hặc hay kết tội Trump đang bị nhiều áp lực từ nội bộ Đảng Cộng hoà tại địa phương.

Cả hai đảng đang chuẩn bị cho tương lai hai năm, khi bầu lại quốc hội, và bốn năm tới với bầu tổng thống.

Trong vòng 100 ngày đầu của chính quyền Biden, ưu tiên là dự luật 1 nghìn 900 tỉ đôla cứu nguy kinh tế suy trầm do dịch Covid, dự luật cho khoảng 10 triệu di dân bất hợp pháp cơ hội trở thành công dân, dự luật về kiểm soát mua súng.

EPA

Tổng thống Joe Biden đã ký 50 sắc lệnh hành pháp đảo ngược nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump về di dân, về biến đổi khí hậu hay liên quan đến WHO, đến phòng chống Covid-19.

Trong nội bộ Đảng Dân chủ tiếng nói của phe cực tả như Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez có ảnh hưởng và đang thúc đẩy tăng lương tối thiểu toàn quốc lên 15 đôla một giờ, xoá tiền vay nợ cho sinh viên, chính sách di dân mở rộng, khai thác năng lượng xanh, biến đổi khí hậu.

Bạn ủng hộ Trump hết lòng, yêu Trump nhất trên đời và hy vọng đến ngày 20/1/2025 Trump sẽ trở lại nắm quyền. Không ai có thể ngăn cản mơ ước đó của bạn và điều đó có thể xảy ra.

Chứ bạn mong chờ tháng tới Trump sẽ trở lại Bạch Ốc thì bạn không hiểu về tổ chức chính quyền và sinh hoạt chính trị Mỹ hay bạn chẳng coi luật pháp Mỹ ra gì vì bạn đã vất vào thùng rác 60 vụ kiện từ ban vận động của Trump mà không làm thay đổi được kết quả bầu cử 3/11/20.

Hoa Kỳ có một nền dân chủ pháp trị, tuy không lâu đời nhưng với cách vận hành của nó thì không ai có thể đứng trên hiến pháp và luật pháp.

Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ nghe lén Watergate. Các Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha) bị điều tra liên quan đến mua bán vũ khí Iran-Contra. Tổng thống Bill Clinton đã bị đàn hặc vì bội thệ, tuy không bị kết tội trong vụ lăng nhăng ái tình với nữ tập sự viên Monica Lewinsky.

Nếu bạn còn đặt niềm tin vào tương lai chính trị của Trump và hy vọng đầu tháng 11/2024 Trump sẽ có tên trên phiếu bầu tổng thống và có thể thắng thì là điều hợp lý. Dù đến lúc đó ứng viên Donald Trump ra tranh cử dưới danh nghĩa người của Đảng Cộng hoà hay một đảng nào khác, chẳng hạn như "Đảng Người Yêu nước", "Đảng Trump" thì cũng là cơ hội cho Trump trở lại làm lãnh đạo Hoa Kỳ.

Hôm nay là Mồng năm Tết Tân Sửu, theo lịch của người Việt là Tết Đống Đa ghi nhớ sự kiện lịch sử vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Bạn còn nghĩ "30 chưa phải là Tết" thì cần bừng tỉnh dậy, lo đi cày như trâu đi. Đừng mơ Donald Trump vẫn còn đang làm tổng thống xứ Cờ Hoa nữa.

* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ California.

Tương lai nào cho công dân Donald J. Trump?

19/02/2021 baotiengdan.com

Phan Khôi
19-2-2021

Tôi đã không mấy quan tâm về việc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump vì thừa biết rằng, ông ta sẽ không bị kết tội “xúi giục phản loạn”, bởi hầu hết các Thượng Nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố, họ sẽ không bỏ phiếu kết tội ông ta. Mọi người đều thấy trước, rằng Thượng viện không đủ túc số 2/3 để kết tội. Đó là một vấn đề chính trị mà nguyên tắc phổ quát là, khi “Chính Trị bước vào thì Công Lý đội nón ra đi”. Tại sao thế?

Một cách đơn giản chúng ta có thể hiểu đây là một phiên tòa mà Hạ viện trong vai trò Công Tố còn Thượng viện đóng vai Bồi Thẩm Đoàn. Ở một phiên tòa bình thường, bồi thẩm đoàn được lưa chọn bởi hai bên Nguyên/ Bị (cáo), họ không thiên vị không thành kiến với bên nào nên còn được gọi là Thẩm Phán của Sự Thật (Judges of facts). Những Thẩm Phán của Sự Thât này sẽ lắng nghe hai trình bày sự kiện rồi bỏ phiếu quyết định. Vị Thẩm Phán chủ trì phiên tòa sẽ căn cứ vào quyết định của Bồi Thẩm Đoàn để tuyên án, dưa trên luật áp dụng cho vụ việc, nên còn được gọi là Thẩm phán về Luật (Judge of Laws).

Còn ở phiên tòa Thượng viện trong vụ luận tội cựu TT Trump thì sao? Những nguyên tắc về tính bất thiên vị của bồi thẩm viên, tức Thượng Nghị sĩ, hoàn toàn thiếu vắng. Bên Dân chủ cứ buộc tôi và bên Cộng hòa cứ bỏ phiếu tha tội, ngoại trừ 7 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa, gồm: Mitt Romney (Utah); Lisa Murkowski (Alaska); Ben Sasse (Nebreska); Susan Collins (Maine); Pat Toomey (Pennsylvania); Bill Cassidy (Louisiana); John Thune (South Dakota). Và 43 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa còn lại bỏ phiếu tha tội.

Trong số 43 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa ấy, có người đã tham gia cùng bị cáo, có người có lợi ích liên quan với bị cáo, chẳng hạn như ủng hộ ông ta để lấy phiếu từ những người đã bầu cho ông ta. Hơn nữa, đây là vụ án chưa có tiền lệ và Hiến Pháp cũng không có quy định cụ thể làm cho quyết định của các Thượng Nghị sĩ có phần khó khăn, vì do suy diễn chủ quan.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi lãnh đạo thiểu số đảng Cộng hòa là ông Mitch McConnell tuyên bố sau khi bỏ phiếu tha tội cho Trump rằng, “không có gì nghi ngờ, rằng Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về mặt thực tế, cũng như đạo đức, trong việc kích động sự việc ngày hôm ấy [6/1/2021]”. Ông ta giải thích thêm rằng, lý do ông ta bỏ phiếu không luận tội ông Trump, “bởi không thích hợp về mặt Hiến Pháp”.

Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell là lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện (đảng Cộng hòa) còn giải thích thêm rằng: “Chúng ta có hệ thống luật pháp về hình sự, có hệ thống tranh tụng về dân sự. Và các cựu tổng thống không thể được miễn trách nhiệm với hệ thống này, mà phải chịu trách nhiệm bởi một trong hai [hình sự hoặc dân sự]”.

Như vậy, theo Thượng Nghị sĩ McConnell, cựu TT Trump phải chịu trách nhiệm về những gì ông ta đã làm về hình sự hoặc dân sự, do không thể bị buộc tội ở phiên tòa Thượng viện vì không phù hợp với Hiến pháp, khi ông ta không còn tại vị.

Trước đây người ta từng dự kiến ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều vụ án về dân sự và hình sự một khi ông ta rời khỏi chức vụ tổng thống. Cụ thể, ông Trump đang đối mặt với các vụ kiện và điều tra hình sự như sau:

1. Tòa án quận Manhattan bắt đầu từ điều tra vụ trả tiền để bịt miệng, đã lan rộng ra vụ gian lận thuế má, gian lận bảo hiểm, khai man về doanh nghiệp.

2. Bộ Tư Pháp New York điều tra việc nâng khống tài sản để vay mượn.

3. Bộ Tư Pháp bang Maryland kiện tội lạm dụng chức vụ thủ lợi bất chính.

4. Bà Elizabeth Jean Carroll kiện tội phỉ báng.

5. Bà Summer Zervos kiện tội phỉ báng.

6. Mary Trump, cháu gái Donald Trump kiện ông ta tội gian lận, chiếm đoạt di sản.

Ngoài ra, Trump còn bị các công tố tiểu bang Georgia điều tra hình sự, vụ ông ta gọi điện thoại cho Bộ trưởng Hành chánh Brad Raffensperger, nhờ giúp gian lận 11.780 phiếu bầu, để ông ta thắng cử.

Đó là những vụ kiện và điều tra đã và đang tiến hành. Có vụ, Trump còn nhùng nhằng xin hoãn để kéo dài (Tòa buôc nôp hồ sơ thuế và Trump xin hoãn), có vụ tạm hoãn để sẽ tiếp tục khi Trump mãn nhiệm. Và nay nhiệm kỳ của ông ta đã mãn.

Thế rồi vụ kích động bạo loạn diễn ra ngày 6/1/2021. Những người ủng hộ Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội, làm cả thế giới bàng hoàng. Tuy không đủ 2/3 Thượng Nghị sĩ lưỡng viện bỏ phiếu kết tội Trump, nhưng như TNS McConnell, là người trước đây luôn luôn ủng hộ Trump, tuyên bố rằng, ông ta không thể miễn tội với hệ thống tư pháp, hình sự hay dân sự.

Vài hôm trước, ngày 2/16/2021, Hạ viện yêu cầu điều tra sâu rộng tương tự vụ điều tra sự kiện 9/11, một Ban Đặc Nhiệm được thành lập để làm việc này và việc truy tố công dân Donald J. Trump là điều không tránh khỏi.

Hiệp hội NAACP kiện Trump và Giuliani, cựu luật sư riêng của ông ta, vi phạm Đạo luật Ku Klux Klan 1870-1871, âm mưu với các nhóm cực đoan da trắng để kích động cuộc nổi dậy.

***

Ở đây, chúng ta không tranh cãi công – tội của ông Trump trong nhiệm kỳ bốn năm qua. Qua những gì chúng ta chứng kiến, những điều ông ta nói, những việc ông ta làm trong thời gian qua, chúng ta tự hỏi rằng:

1- Chúng ta có tôn trọng và tự hào với thể chế Tam Quyền Phân Lập, có tôn trọng Hiến pháp Mỹ khi chúng ta đặt chân vào sinh sống ở đất nước này không?

2- Chúng ta có mong muốn Công Lý và Sự Thật được ngự trị trong xã hội Hoa Kỳ, nơi chúng ta đang sinh sống?

3- Chúng ta có mong muốn xã hội nơi ta sống là xã hội bình đẳng, không phân biệt màu da, sắc tộc?

4- Chúng ta có tôn trọng một xã hội trọng pháp, không một ai hay một đảng nào đó đứng trên pháp luật và pháp luật áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả tổng thống?

Nếu những điều trên là những gì chúng ta mong muốn và đã cam kết tôn trọng, thì công dân Donald J. Trump không thể thoát tội. Ông ta phải chịu trách nhiệm về những tội ông ta đã gây ra cho nước Mỹ, như Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell đã nói.

Đầu trang

17 tháng 2 2021 - bbc.com

Donald Trump tấn công lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell

Getty Images - Khi còn đương nhiệm, Trump tin rằng McConnell là một đồng minh thân thiết

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phát động một cuộc đả kích cá nhân gay gắt nhắm vào người đồng đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell.

Ông Trump nói: "Mitch là một chính trị gia kém cỏi, thảm hại và ủ rũ,'' và "nếu các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiếp tục hỗ trợ ông ta, họ sẽ không giành chiến thắng được nữa".

Ông McConnell, người lãnh đạo Thượng viện trong nhiều năm, đã bỏ phiếu trắng án cho ông Trump trong phiên tòa luận tội tuần trước.

Nhưng sau đó McConnell đã tấn công ông Trump, nói là phải "chịu trách nhiệm về mặt đạo đức" cho cuộc bạo động ở Điện Capitol Hoa Kỳ, vì những lời gian dối của ông về gian lận bầu cử.

Trong một bài phát biểu tại Thượng viện, McConnell ám chỉ Trump phải đối mặt với các vụ kiện hình sự và dân sự, bởi vì ông "vẫn phải chịu trách nhiệm cho mọi việc mình đã làm khi còn tại chức".

Trump nói gì về McConnell?

Ông Trump phản ứng hôm thứ Ba qua một văn bản dài nhất kể từ khi ông rời nhiệm sở một tháng trước.

Thông cáo báo chí của ông viết: "Đảng Cộng hòa sẽ không bao giờ có thể được tôn trọng hoặc vững mạnh được với những 'nhà lãnh đạo' chính trị như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell.

Ông nói rằng "sự thiếu hiểu biết chính trị, thiếu khôn ngoan, kỹ năng và nhân cách" của ông McConnell đã khiến đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

Cựu tổng thống nói nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa McConnell đã "cầu xin" sự tán thành của ông trong cuộc đua vào Thượng viện, điều mà nếu không có, ông Trump tuyên bố là, McConnell có lẽ đã thất cử.

Ông Trump tấn công ý định cản đường các ứng cử viên được Trump hậu thuẫn trong tương lai mà ông McConnell đã tuyên bố công khai.

Cựu tổng thống nói rằng, trong cuộc bầu cử sơ bộ, ông sẽ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa nào "cổ súy việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại và chính sách Nước Mỹ trên hết của chúng ta".

Ông McConnell "sẽ không bao giờ làm những gì cần phải làm, hoặc những gì có lợi cho đất nước của chúng ta", ông Trump nói.

"Chúng ta biết rằng chương trình nghị sự Nước Mỹ Trên hết là điều rất được lòng dân, chứ không phải chương trình Nghị sự Beltway Trên hết của McConnell hay Nước Mỹ Cuối cùng của Biden."

'Điều đáng lo ngại nhất đối với Đảng Cộng hòa'

Việc tài khoản Twitter của Donald Trump bị đóng có thể có nghĩa là ông đã mất cách tấn công đối thủ mà ông yêu thích nhất, nhưng thông cáo báo chí mới nhất của ông Trump về nhà lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cho thấy lời lẽ của ông vẫn còn rất sắc bén.

Văn bản dài tám đoạn của cựu tổng thống chứa đầy những công kích mãnh liệt, nhưng câu sẽ khiến đảng Cộng hòa lo lắng nhất ở gần đoạn cuối, khi ông nói rằng ông sẽ ủng hộ các ứng cử viên thách thức cả các thành viên trong đảng của mình "khi cần thiết và thích hợp".

Có thể thấy rõ là khi ông Trump chuẩn bị tái tham gia chính trường sau phiên tòa luận tội, ông làm như vậy như một cuộc tấn công vào chính đảng của ông, chứ không phải đảng Dân chủ.

Ông Trump cuối cùng có thể nhắm vào Joe Biden và cánh tả, nhưng cuộc chiến chính trị mà Trump có vẻ quan tâm nhất trong lúc này là cuộc chiến nội bộ.

Quan hệ giữa McConnell và Trump tệ đi từ lúc nào?

Hai đảng viên Đảng Cộng hòa từng chia sẻ mối quan hệ làm việc thân tình trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi ông Trump thất bại trong cuộc tái tranh cử.

Ông McConnell nói đã không nói chuyện với Trump kể từ giữa tháng 12.

Rạn nứt giữa họ càng trở nên trầm trọng hơn sau cuộc bạo động ở Capitol vào ngày 6/1, dẫn đến cái chết của 5 người, trong đó có một cảnh sát Capitol.

Ông Trump, người bị Hạ viện luận tội vào tháng Giêng vì đã kích động cuộc nổi dậy, được Thượng viện tuyên trắng án hôm thứ Bảy.

Chỉ có bảy thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu theo Đảng Dân chủ để kết tội Trump. Ông McConnell và 42 thành viên đảng Cộng hòa khác đã bỏ phiếu trắng án.

Cần phải có hai phần ba phiếu bầu mới đủ để kết tội cựu tổng thống.

Mặc dù đã bỏ phiếu để tuyên bố trắng án, ông McConnell đã chỉ trích cựu tổng thống tại Thượng viện sau cuộc bỏ phiếu.

Ông McConnell nói: "Không có nghi ngờ gì, hoàn toàn không, là Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về mặt thực tế và đạo đức trong việc kích động các sự kiện trong ngày 6/1".

"Một đám đông đã tấn công vào Điện Capitol nhân danh ông ta," Mitch McConnell nói. "Những tên tội phạm này đã mang theo biểu ngữ của ông ta, treo cờ của ông ta và hô gào lòng trung thành của họ với ông ta."

Mối quan hệ giữa Trump và McConnell không phải là quan hệ duy nhất trở nên xấu đi trong tháng qua.

Hôm thứ Ba, một cố vấn của ông Trump nói rằng cựu thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani đã thôi không còn là đại diện pháp lý cho cựu tổng thống.

Ông Jason Miller nói trên CNN rằng "Giuliani hiện không đại diện cho Tổng thống Trump trong bất kỳ vấn đề pháp lý nào".

Ông Trump được cho là đã tìm cách ngừng trả các khoản chi phí pháp lý cho ông Giuliani trước cơn bực tức về việc bị luận tội lần thứ hai, truyền thông Mỹ đưa tin vào tháng Giêng.

Nhưng ông Miller minh xác rõ trên Twitter sau cuộc phỏng vấn rằng ông Giuliani vẫn là "một đồng minh và một người bạn".

Ông giải thích rằng họ chỉ đơn giản là không làm việc với nhau vì "không có vụ kiện nào mà Thị trưởng Giuliani đang đại diện cho Tổng thống".

Nikki Haley bị Trump từ chối gặp tại Mar-a-Lago sau khi chỉ trích cựu TT

February 18, 2021 - baocalitoday.com

(The Hill) – Cựu Tổng thống Donald Trump mới đây từ chối gặp gỡ Nikki Haley – cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và là ứng cử viên tổng thống Cộng hoà tiềm năng vào năm 2024, theo các nguồn tin thông thạo sự việc.

Theo Politico, Haley vào thứ Tư liên lạc, yêu cầu một cuộc gặp gỡ trực tiếp với cựu Tổng thống tại dinh thự Mar-a-Largo của ông. Nhưng yêu cầu này đã bị từ chối vì cựu Đại sứ trong những tuần vừa qua đã lên tiếng chỉ trích vai trò của ông Trump trong cuộc bạo động ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1.

Kể từ khi rời Tòa Bạch Ốc cho đến nay, cựu Tổng thống đã gặp gỡ các viên chức Cộng hoà tại dinh thự riêng của mình, trong đó có Lãnh tụ Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California), và gần đây nhất Phó Lãnh tụ Thiểu số Hạ viện Steve Scalise (Cộng hoà – Louisiana).

Haley rời chính phủ Trump vào năm 2018 và vẫn trung thành với tổng thống lúc đó, hậu thuẫn nỗ lực tái tranh cử 2020 của cựu Tổng thống. Cộng hoà dự đoán Nikki Haley có khả năng sẽ là ứng cử viên vòng sơ bộ 2024.

Viên chức Toà Bạch Ốc trước đây trong nhiều trường hợp phải dập tắt những suy đoán rằng ông Trump có thể thay thế Phó Tổng thống Mike Pence bằng Halley trong kỳ bầu cử 2020.

Nhưng sau vụ bạo động ngày 6 tháng 1, Haley tìm cách một mặt lên án vai trò của ông Trump, một mặt không hoàn toàn tách rời khỏi cựu Tổng thống và căn cứ chính trị của ông.

“Cần phải thừa nhận ông ấy làm chúng ta thất vọng,” Haley nói trong cuộc phỏng vấn với Politico. “Ông ấy theo con đường không nên đi, và chúng ta không nên theo ông ấy, không nên nghe ông ấy. Và chúng ta không thể để chuyện đó xảy ra thêm lần nữa.”

Bà Haley cũng cho rằng, ông Trump không thể ra tái tranh cử tổng thống và Cộng hoà đã sai lầm khi ủng hộ chiến dịch đảo ngược kết quả bầu cử 2020 của ông ta.

Nhưng sau đó, Haley tìm mọi cách công khai xoa dịu ông Trump, chỉ trích phiên xét xử luận tội. Cựu Đại sứ viết bài xã luận trên Wall Street Journal, đổ lỗi cho truyền thông chia rẽ Cộng hoà. “Mọi người cảm thấy mạnh mẽ về ông Trump, nhưng chúng ta có thể thừa nhận thực tế,” bà Haley viết. “Những người cánh hữu có thể thấy lỗi với những hành động của ông Trump, trong đó có vụ bạo động ngày 6 tháng 1. Hữu hay tả, khi người ta đưa ra những khác biệt này, họ không cố gắng đi hai hàng. Họ dùng trí não của mình.”

Hương Giang (Theo The Hill)

Đầu trang

14/02/2021 - baotiengdan.com

Donald Trump vs nền dân chủ: Việc tha bổng Trump cho thấy sự nguy hiểm của đại nạn “Chủ nghĩa Trump”

BBT USA Today
Genie Nguyễn, chuyển ngữ
14-2-2021

Quan điểm của USA Today: Trong số 100 Thượng Nghị sĩ bồi thầm đoàn tham dự vụ kết tội Donald Trump, có 16 người đã đồng lõa với Trump hơn là bồi thẩm đoàn độc lập.

Vụ Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng cựu Tổng thống Donald Trump về việc kích động nổi dậy là một vết nhơ cho cơ quan lập pháp uy tín nhất của Hoa Kỳ. Sự thật này hiển nhiên. Nhưng hơn cả một vết nhơ, nó cho thấy căn bệnh tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong số 100 bồi thẩm đoàn lắng nghe phiên tòa luận tội Trump, ít nhất 16 người từng hợp tác với Trump trong nỗ lực thay đổi kết quả cuộc bầu cử tự do và công bằng, hơn là đóng vai thẩm phán độc lập.

Tám người đã bỏ phiếu tháng trước để lật ngược vụ đắc cử của Joe Biden – đúng là kết quả mà nhóm nổi dậy theo Trump muốn khi họ biểu tình và tiến vào Điện Capitol hồi tháng Giêng. Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz của Texas, Josh Hawley của Missouri, Cindy Hyde-Smith của Mississippi, John Neely Kennedy của Louisiana, Cynthia Lummis của Wyoming, Roger Marshall của Kansas, Rick Scott của Florida và Tommy Tuberville của Alabama, đã nỗ lực thay đổi kết quả cuộc bầu cử của nền dân chủ nhiều thế kỷ tại Hoa Kỳ.

Vi Phạm Lời Thề Bảo Vệ Hiến Pháp

Năm trong số các Thượng nghị sĩ nói trên, và sáu người khác đã ký tên vào lá thư ông Cruz viết, thúc đẩy một cuộc điều tra khẩn cấp vào lời cáo buộc sai trái của Trump, mà sau đó các tiểu bang sẽ phải thay đổi các đại diện cử tri đoàn, một tiến trình nếu xảy ra sẽ xoá đi ý muốn của hàng triệu cử tri Hoa Kỳ.

Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson của Wisconsin, Steve Daines của Montana, James Lankford của Oklahoma, Marsha Blackburn của Tennessee, Mike Braun của Indiana, và Bill Hagerty của Tennessee, đã đồng ý để xoá bỏ quyền bỏ phiếu của hàng triệu cử tri Mỹ dựa trên các cáo buộc sai trái đã bị nhiều tòa án bác bỏ, nhiều quan tòa này do chính Trump bổ nhiệm.

Những kẻ khác truyền bá Lời Nói Dối Lớn của Trump là cuộc bầu cử bị đánh cắp, qua hành động hay lời nói của họ.

Thượng Nghị sĩ Rand Paul của Kentucky nói rõ trong một cuộc điều trần tại Quốc hội rằng, cuộc bầu cử đã “bị đánh cắp bởi nhiều cách”. TNS Lindsey Graham của South Carolina gọi phone cho Tổng Thư ký Georgia Brad Raffensperger và làm áp lực đòi ông phải thay đổi số phiếu trong tiểu bang mà Biden đã thắng với con số sát sao – các nhân viên tiểu bang đang điều tra cuộc điện thoại này. Họ đã giúp xây dựng một ảo tưởng với đám đông nổi loạn, rằng Trump đã thực sự thắng cử, lý do đã khiến đám đông sẵn sàng tấn công cảnh sát, doạ giết các Dân biểu Nghị sĩ, và đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence.

Mười sáu vị bồi thẩm đoàn này, vốn không vô tư, đã vi phạm lời thề với Hiến Pháp của họ và đã nỗ lực để đưa quốc gia vào một chế độ độc tài với một vị tổng thống không được dân bầu lên. Tất cả những người này bỏ phiếu tha bổng Trump khi Trump có hành động ngăn cản một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm, một hành động mà tất cả bọn họ đã cùng góp phần.

Nhóm độc tài tại Thượng viện

Trong khi số phiếu kết tội Trump 57-43 ngày thứ Bảy là một nỗi thất vọng, nó giúp Trump tiếp tục tham dự các trò chơi chính trị tại Hoa Kỳ trong tương lai, ông ta đã không còn tại chức, và đã bị im tiếng trên các mạng xã hội, do đó ông ta không còn có cơ hội hoàn hảo như xưa.

Kết quả bỏ phiếu hôm nay tại phiên tòa luận tội ở Thượng viện Mỹ. Ảnh chụp màn hình

Nhưng điều này không đúng với nhóm độc tài tại Thượng viện và với hơn 100 Dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện. Cả hai nhóm này có khá nhiều quyền lực trong một Quốc hội đầy chia rẽ mà Tổng thống Biden đang phải cố gắng phục hồi lại các luật lệ bảo vệ hiến pháp đã bị Trump tháo gỡ. Bệnh độc tài vẫn còn là trung tâm nền chính trị quốc gia tuy Trump không có mặt trong cuộc bầu cử.

Việc một phần lớn các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chống lại nền tảng dân chủ và chính quyền dân bầu của Hoa Kỳ là một sự ô nhục kinh hoàng, nhưng nó cũng là một đe doạ lớn. Trump không còn tại vị, nhưng với số phiếu hôm nay cho thấy, Hoa Kỳ chưa thoát khỏi ảnh hưởng của những người phò Trump.

Đầu trang

14/02/2021 - baotiengdan.com

Trump được tha bổng ở Thượng viện và tương lai đảng Cộng hòa

Joaquin Nguyễn Hòa
14-2-2021

Không khác với dự đoán của các nhà phân tích, chiều thứ Bảy, ngày 13/2/2021, giờ địa phương, phiên tòa Thượng viện luận tội cựu tổng thống Trump kết thúc với quyết định tha bổng.

Trong 100 Thượng Nghị sĩ với vai trò bồi thẩm đoàn, có 57 người đồng ý rằng ông Trump có tội trong việc kích động bạo loạn, dù đa số nhưng không đủ 2/3 theo quy định để có thể tuyên bố ông ta có tội.

Có bảy Thượng Nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía 48 Thượng nghị sĩ Dân chủ và hai Thượng Nghị sĩ độc lập, đồng ý kết tội ông Trump. Bảy người đó là bà Susan Collins (Maine), bà Lisa Murkowski (Alaska), ông Mitt Romney (Utah), ông Richard Burr (North Carolina), ông Pat Toomey (Pennsylvania), ông Ben Sasse (Nebraska) và ông Bill Cassidy (Louisiana).

Đa số các Thượng nghị sĩ Cộng hòa đưa ra lý do giải thích họ không buộc tội ông Trump là vì họ không thể buộc tội một tổng thống đã rời nhiệm sở. Nhưng bên trong lý do chính của họ là không muốn làm mất lòng số cử tri cuồng nhiệt của ông Trump, mặt dù tác hại về uy tín nước Mỹ, sinh mạng, tiền của trong vụ bạo động tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021, rất rõ ràng.

Ngay cả trong 7 người đồng ý buộc tội ông Trump cũng có lý do chính trị là họ không bị ràng buộc bởi việc phải làm vừa lòng nhóm cử tri của ông ta. Có hai người về hưu là ông Burr và Toomey, ba người vừa đắc cử nhiệm kỳ sáu năm vào ngày 3/11 vừa qua là Collins, Sasses và Cassidy, nên không bị những áp lực chính trị trước mắt. Chỉ có bà Murkowski là phải đối diện với cuộc bầu cử năm 2022 và ông Romey năm 2024.

Như vậy tiền lệ rất xấu của thể chế dân chủ Mỹ đã được xếp đặt, có tên gọi là “ngoại lệ tháng Giêng”. Theo ngoại lệ này, thì một tổng thống thất cử, nếu thấy Thượng viện thuộc phe mình, hoặc con số chống đối không đủ đến 2/3, thì có thể làm bậy, như vụ kích động bạo lực vừa qua.

Ông Trump được tha bổng trong phiên tòa Thượng viện vừa kết thúc, có nghĩa là ông có thể ra ứng cử vào năm 2024. Nhưng liệu điều đó có xảy ra hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Đầu tiên là cuộc nội chiến của Đảng Cộng hòa. Hiện đã có khoảng 120 nhân vật cao cấp của Đảng Cộng hòa vận động thành lập một đảng mới để tránh ảnh hưởng cực đoan của nhóm cử tri của ông Trump. Nếu việc này thành công, thì với số cử tri cuồng nhiệt của mình, ông Trump không thể thắng được cuộc tranh cử nào, vì số trung dung sẽ ủng hộ đảng mới.

Tuy nhiên việc thành lập đảng mới này cho đến nay không có dấu hiệu thành công, khi hai nhân vật quan trọng của Đảng là bà Liz Cheney (dân biểu từ Wyoming), và ông Adam Kinzinger (đân biểu từ Illinois) không đồng ý lập đảng thứ ba, mà muốn đảng Cộng hòa giành lại ảnh hưởng của những tư tưởng bảo thủ và trung dung chống lại chủ nghĩa Trump.

Cả hai vị này nằm trong số 10 dân biểu Cộng hòa đứng về phía các đồng nhiệm Dân chủ, đồng ý luận tội Trump. Ông Kinzinger hiện đã thành lập một ngân quỹ chính trị để xúc tiến việc giành lại ảnh hưởng này.

Điều thú vị trong ngày cuối cùng của phiên tòa Thượng viện, là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện. Ông này bỏ phiếu chống lại việc kết tội ông Trump, nhưng sau đó nói rằng, ông Trump chịu trách nhiệm đạo đức trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021.

Ông McConnell cũng tuyên bố rằng, ông Trump dù thoát khỏi phiên tòa đặc biệt ở Thượng viện, nhưng hoàn toàn vẫn có thể bị truy tố nếu phạm những tội hình sự khác.

Ý tưởng này cũng được một số thượng nghị sĩ Cộng hòa chia sẻ. Và có thể là họ cũng không phải đợi lâu, hai vụ án hình sự liên quan đến ông Trump đang được điều tra. Một vụ ở New York với tình nghi gian lận tài chánh của ông Trump. Vụ thứ hai ở Georgia với tình nghi âm mưu gian lận phiếu bầu cử, sau cuộc điện đàm được tiết lộ, trong đó người ta nghe ông Trump thúc ép viên chức Georgia “tìm” cho ông ta 11.780 phiếu để lật ngược kết quả.

Nếu ông Trump bị kết tội trong những phiên tòa này, ông ta cũng không thể ra tranh cử.

Hành động của các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong vai bồi thẩm đoàn, cho thấy rằng họ không biết số cử tri cuồng nhiệt của ông Trump là bao nhiêu, mặt khác họ hy vọng rằng, qua ngày qua tháng sức thu hút của ông Trump sẽ phai nhạt đi, như lời là Liz Cheney nói rằng, ông Trump không có phần trong tương lai đảng Cộng hòa.

Dù không buộc tội ông Trump, nhưng ông McConnell được biết ông có ý định thúc đẩy sự ủng hộ những người Cộng hòa bảo thủ và trung dung trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.

Tổng hợp từ Reuters, New York Times, NBC News.

Đầu trang

February 19, 2021 - baocalitoday.com

Trump giận dữ với các nhà lập pháp CH ngay cả khi cố vấn thúc giục ông tấn công Biden

Cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục giân giữ với các nhà lập pháp Cộng hòa hàng đầu đã chỉ trích ông, mặc dù một số cố vấn khẳng định ông nên nhắm vào Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Đảng Dân chủ, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

Thượng nghị sĩ John Thune, nhà lập pháp Cộng hòa số 2 tại Thượng viện, và nhà chính trị GOP lâu năm Karl Rove là một trong những mục tiêu khiến Trump tức giận, những người này cho biết.

Phát ngôn nhân của Trump, Jason Miller đã trả lời yêu cầu bình luận của CNBC về câu chuyện này bằng cách gửi email: “Tin tức giả mạo. Chúng tôi đang tập trung vào việc giành lại Hạ viện và Thượng viện vào năm 2022”.

Các cố vấn đã nói với Trump rằng nhiều cử tri Đảng Cộng hòa, những người đã được thăm dò ý kiến ​​bởi các chiến lược gia của cựu tổng thống, không muốn chứng kiến ​​một cuộc chiến toàn diện trong GOP. Thay vào đó, họ muốn thấy Trump tập trung các cuộc tấn công của mình vào Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu.

Thượng nghị sĩ Rick Scott, Chủ tịch Ủy ban Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Quốc gia, đã nói với các cộng sự rằng ông muốn thuyết phục McConnell tham gia với Trump để hai người giải quyết những khác biệt của họ trước giữa nhiệm kỳ, theo một cố vấn của GOP. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, RS.C., được cho là có kế hoạch gặp Trump vào cuối tuần này tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ấy trong nỗ lực đóng vai một nhà hòa giải

Chris Hartline, phát ngôn nhân của NRSC, nói với CNBC rằng Scott “không tham gia vào việc dàn xếp bất cứ điều gì. Ông ấy tập trung vào tương lai và giành lại Thượng viện. Ông ấy đang quyên góp tiền và nói về tầm quan trọng của việc cứu quốc gia này bằng cách ngăn chặn cơn sốt điên cuồng của đảng Dân chủ vào chủ nghĩa xã hội và mất tự do và thịnh vượng. “

Trong khi đó, các đồng minh của Trump vẫn không lùi bước trước ý tưởng rằng sự ủng hộ cho chương trình nghị sự của ông sẽ giúp các đảng viên Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sơ bộ.

Dân biểu Matt Gaetz, R-Fla., Một người bảo vệ trung thành của Trump tại Quốc hội, đã tweet rằng một số nhà lập pháp Cộng hòa sẽ bị từ chối nếu họ không chấp nhận chương trình nghị sự của cựu tổng thống. Gaetz đã kêu gọi phế truất thủ lĩnh Hạ viện Liz Cheney, R-Wyo ., Sau khi bà bỏ phiếu để luận tội Trump.

Rove đã nổi lên như một nhà phê bình hàng đầu của Đảng Cộng hòa về Trump, và cựu tổng thống không hài lòng về điều đó, một người nói. Rove, một cựu cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống George W. Bush, đã viết một bài báo gần đây trên The Wall Street Journal bảo vệ đồng minh lâu năm McConnell và yêu cầu Trump phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những tổn thất của đảng trong hai cuộc bầu cử Thượng viện Georgia.

Không chỉ McConnell bị Trump chỉ trích, nhà lãnh đạo Thune, người sẽ tái tranh cử vào năm tới cũng bị Trump chỉ trích.

Trump đã cảnh báo vào tháng 12 rằng Thune sẽ phải đối mặt với một thách thức chính sau khi thượng nghị sĩ nói rằng những nỗ lực để thách thức kết quả của Cử tri đoàn sẽ không đi tới đâu tại Thượng viện.

Sau khi bỏ phiếu để tha bổng cho tổng thống trong phiên tòa luận tội ông, Thune nói : “Những gì cựu Tổng thống Trump đã làm để làm suy yếu niềm tin vào hệ thống bầu cử của chúng tôi và phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình là không thể bào chữa được.”

TH

Đầu trang

February 19, 2021 - baocalitoday.com

Trump phàn nàn miếng steak phục vụ ông nhỏ hơn miếng steak người bạn khi ăn tại nhà hàng

Cựu tổng thống Donald Trump từng phàn nàn rằng một miếng steak mà ông được phục vụ tại nhà hàng ở khách sạn Washington, DC nhỏ hơn miếng steak được đưa cho người bạn cùng bàn, cựu bếp trưởng của nhà hàng steak nói với The Washingtonian .

Bill Williamson, khi đó là đầu bếp của BLT Prime tại Khách sạn Quốc tế Trump, cho biết hai miếng steak gần như giống hệt nhau.

“Cả hai miếng steak giống nhau. Cả hai đều được làm chín. Có thể nó chênh lệch hơn nửa ounce, tôi cũng không biết nữa”, Williamson nói với The Washingtonian.

Nhưng sau lời phàn nàn của Trump, Williamson đã chuyển sang phục vụ Trump món tomahawk nặng 40 ounce, lớn hơn tất cả các món steak khác hiện có trong thực đơn của nhà hàng . Nhà hàng được cho là cũng đặt món tôm đặc biệt, cực lớn cho món khai vị của Trump.

Cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng nổi tiếng là người kén ăn. Williamson cho biết cô đã từng trả lại một đĩa Dover sole, loại cá có giá 64 đô la trên thực đơn, vì nó được phủ bằng hẹ và ngò tây, theo báo cáo.

Trump luôn ngồi cùng một bàn ở trung tâm phòng ăn, nơi luôn dành riêng cho ông và những người trong nội bộ, và ăn cùng một bữa mỗi khi ông đến nhà hàng, The Washingtonian đưa tin.

Ngay sau khi ông ấy đã ngồi vào chỗ, một người phục vụ sẽ đưa cho anh ấy một chai nước rửa tay nhỏ và hỏi ông ấy liệu ông muốn uống Diet Coke có đá hay không. Sau đó, người phục vụ sẽ mở đồ uống, theo hướng dẫn bảy bước mà The Washingtonian thu được, trước mặt Trump.

Cựu tổng thống sẽ có hai bữa tiệc nhẹ, sau đó là cocktail shrimp jumbo, steak được làm kỹ theo khẩu vị của ông và khoai tây chiên. Đôi khi ông ấy có táo hoặc bánh sô cô la để tráng miệng. Trump cũng yêu cầu một loạt các loại đồ ăn nhẹ và đồ ngọt, bao gồm kem chua & khoai tây chiên hương vị hành tây và Snickers

Chế độ ăn nhiều thịt đỏ và đồ ăn nhanh của Trump từ lâu đã thu hút sự chú ý. Người quản lý chiến dịch cũ của ông, Corey Lewandowski, đã viết rằng Trump sẽ thường xuyên ngấu nghiến một bữa ăn McDonald’s 2.400 calo bao gồm hai bánh mì kẹp thịt Big Mac, hai bánh mì Filet-O-Fish và một ly sô cô la sữa trên đường vận động tranh cử. Trong Tòa Bạch Ốc, Trump thường được phục vụ hai Scoops kem với món tráng miệng của mình, trong khi khách của ông nhận được một Scoop.

TH

Đầu trang