Vượt qua Việt
Nước Việt và thế giới
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !
  ||   A   A   A   A  

Nước Việt và thế giới (5)

Bài mới hơn  Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

2021-02-19 - RFA

Việt Nam sẽ thế nào khi tiếp tục chính sách ‘đu dây’ giữa Mỹ và Trung Quốc?

Ảnh minh họa. Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc tại một cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 5/11/2015. AFP

Lợi ích và tác hại của chính sách ‘đu dây’

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), được phổ biến vào ngày 16/2, đề cập đến các lĩnh vực bao gồm thể chế chính trị của Việt Nam và vấn đề nhân sự lãnh đạo vừa được bầu chọn trong Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, Việt Nam đối phó với đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam, mối quan hệ Việt-Trung và vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kinh tế và thương mại và vấn đề nhân quyền.

Theo báo cáo, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Kể từ năm 2010 đến nay, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác về kinh tế và an ninh khu vực, một phần là do ảnh hưởng của Trung Quốc.

Báo cáo dành một phần nói về quan hệ Việt-Trung, nhận định quan hệ về an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam trải qua hai thời kỳ Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã được tăng cường do việc Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông.

Bản báo cáo ghi nhận mối quan hệ Việt-Mỹ đạt được nhiều tiến bố trong những năm vừa qua. Tuy nhiên quan hệ hai nước còn bị hạn chế bởi ba yếu tố: Việt Nam bao giờ cũng tính toán các phản ứng của Trung Quốc trước mỗi động thái ngoại giao mà Việt Nam muốn triển khai với Hoa Kỳ; Công chúng Việt Nam bao giờ cũng đánh giá tích cực về Mỹ, nhưng nhiều quan chức vẫn còn hoài nghi đối với các mục tiêu lâu dài của Mỹ là muốn chấm dứt sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thông qua “diễn biến hoà bình”; Phía Hoa Kỳ quan ngại về “thành tích” nhân quyền của Việt Nam, mà thành tích này đang bị “teo tóp” trong mấy năm vừa qua và điều này luôn là rào cản trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già vào tối ngày 19/2 nêu lên nhận xét của ông với RFA về mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng tạm chia thành ba mối quan hệ riêng biệt gồm Việt-Mỹ, Việt Trung và Mỹ-Trung. Trong cả ba mối quan hệ có ba điểm tương quan chính yếu gồm kinh tế, thể chế chính trị, trong đó có vấn đề nhân quyền và tự do hàng hải. Điều đáng chú ý là quan hệ song phương Việt-Trung có hai điểm chung là kinh tế và thể chế chính trị.

Nói hình tượng một chút, đó chính là ba cái vòng tròn và cái vòng Việt Nam thì đứng chính giữa. Như vậy mối quan hệ khắng khít của Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế hơn nhiều so với mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Chính sách trước nay rất nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết đưa ra, đó là chính sách ‘đu dây’ của nhà cầm quyền CSVN theo đuổi và có thể nói chính sách ‘đu dây’ được Hà Nội thực hiện cũng khá uyển chuyển. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chính sách ‘đu dây’ này có một mặt trái rất bất lợi cho nhà cầm quyền CSVN chính là niềm tin. Niềm tin quan trọng nhất trong tất cả các mối bang giao quốc tế. Nhà cầm quyền CSVN không có niềm tin vào Mỹ và thực tế thì họ cũng không có niềm tin từ nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Đây là một sự bất lợi cho Việt Nam.

Chính sách trước nay rất nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết đưa ra, đó là chính sách ‘đu dây’ của nhà cầm quyền CSVN theo đuổi và có thể nói chính sách ‘đu dây’ được Hà Nội thực hiện cũng khá uyển chuyển. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chính sách ‘đu dây’ này có một mặt trái rất bất lợi cho nhà cầm quyền CSVN chính là niềm tin. Niềm tin quan trọng nhất trong tất cả các mối bang giao quốc tế. Nhà cầm quyền CSVN không có niềm tin vào Mỹ và thực tế thì họ cũng không có niềm tin từ nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Đây là một sự bất lợi cho Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Từ lập luận vừa rồi, ông Nguyễn Ngọc Già đưa ra nhận định rằng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ, Việt-Trung và mối quan hệ đa phương Mỹ-Việt-Trung vẫn trở nên rất là dây dưa, mà có thể nói là không thể sớm giải quyết trong một sớm một chiều.

Đài RFA ghi nhận đánh giá của một số chuyên gia rằng Việt Nam có vị thế địa-chính trị và tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á, để từ đó Mỹ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật lệ. Đồng thời, Việt Nam và Mỹ tuy có hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau, nhưng về ý đồ chiến lược, giữa hai nước có nhiều quyền lợi song trùng, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc.

Bài viết có nhan đề “Lời cảnh báo không dễ bỏ qua!”, của tác giả Lê Thế Hùng, đăng tải trên RFA ngày 5/2, đã đề cập đến thông tin Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” nhằm mục đích khẳng định tinh thần và quyết tâm chung của các quốc gia trong thế giới tự do đối với tiến trình dân chủ hoá trên toàn cầu.

Tác giả Lê Thế Hùng nhận định qua đó cho thấy một thông điệp của Chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ có thể sẽ hợp tác ít hơn với các quốc gia độc tài, toàn trị trong khi tăng cường hợp tác với các đối tác dân chủ.

Ảnh minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bắt tay tại Hà Nội hôm 27/2/2019. AFP

Nhân quyền: yếu tố rào cản quan hệ Việt-Mỹ

Vấn đề nhân quyền đưa ra trong Báo cáo của CRS trước Quốc hội Mỹ xác nhận Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền trong thời gian vừa qua.

Báo cáo có đoạn viết: “Chính phủ (Việt Nam) ngày càng gia tăng (đàn áp) nhắm vào các blogger và luật sư, những người đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người mà giới chức quy kết là có liên quan đến các mạng lưới dân chủ hoặc phê phán chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc”.

Theo đánh giá trong báo cáo, mặc dù Mỹ và Việt Nam vẫn tổ chức các đối thoại về nhân quyền hàng năm nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh với RFA rằng vấn đề nhân quyền được Chính phủ Hoa Kỳ chú trọng trong chính sách ngoại giao kể từ khi thiết lập mối bang giao với Việt Nam suốt 25 năm qua, và quan điểm về vấn đề nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt, nên cũng không thể cho rằng Chính quyền Trump đã không can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Nếu nói một cách khách quan, vấn đề nhân quyền là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền gắn với vấn đề bang giao quốc tế. Và vấn đề này được xác lập từ rất lâu, có nghĩa là quan hệ giữa hai quốc gia luôn luôn phải là bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thứ hai nữa, chính sách của tân Tổng thống Biden, vừa rồi ông cũng nói rằng sẽ thực hiện chính sách ‘kiên nhẫn chiến lược đối với Trung Quốc’, mà thực tế trong hàng chục năm qua đối với các nhà độc đảng, toàn trị như Tập Cận Bình hay rất nhiều lãnh đạo của CSVN thì vấn đề nhân quyền đối với họ không có giá trị gì. Vì vậy, tôi không trông chờ và tôi không nhìn thấy tình hình được sáng sửa hơn trong tương lai cũng như trong bốn năm trước mắt.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam-luật sư Vũ Đức Khanh, trong cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 1, nhận định rằng tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ nói rất mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Là người tranh đấu cho nhân quyền thì ai cũng mong muốn tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện…Nhưng tôi nghĩ cũng khó lòng để hy vọng nhiều. Bởi vì, mục tiêu số một vẫn là tránh để cho Hà Nội không lệ thuộc vào Bắc Kinh. Cho nên, phải tìm cách khéo léo kéo dần dần Hà Nội ra khỏi sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu làm gì căng thẳng quá thì có thể như người Việt Nam thường nói ‘giá néo thì đứt dây”. Nếu như không tế nhị thì Việt Nam quay lại ôm chặt lấy Trung Quốc và mục tiêu của Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và tranh giành ngôi vị số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng
Nhà báo Võ văn Tạo

Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào tối ngày 19/2 lên tiếng với RFA liên quan vấn đề này:

Là người tranh đấu cho nhân quyền thì ai cũng mong muốn tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện. Một mặt, ở trong nước vẫn phải lên tiếng. Nhưng điểm chính là những người tranh đấu hy vọng cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong đó có Hoa Kỳ, sẽ có những tác động và sức ép nhất định đối với nhà cầm quyền Việt Nam để họ giảm bớt sự đàn áp. Ai cũng mong như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng khó lòng để hy vọng nhiều. Bởi vì, mục tiêu số một vẫn là tránh để cho Hà Nội không lệ thuộc vào Bắc Kinh. Cho nên, phải tìm cách khéo léo kéo dần dần Hà Nội ra khỏi sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu làm gì căng thẳng quá thì có thể như người Việt Nam thường nói ‘giá néo thì đứt dây”. Nếu như không tế nhị thì Việt Nam quay lại ôm chặt lấy Trung Quốc và mục tiêu của Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và tranh giành ngôi vị số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ thêm bản thân ông cùng một số người khác trong giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam có lòng tin vào Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có các biện pháp mạnh hơn đối với Hà Nội như chế tài về kinh tế, hay áp dụng luật Magnisky đối với quan chức Việt Nam trực tiếp đàn áp nhân quyền khi mà ĐCSVN lãnh đạo tiếp tục mạnh tay đàn áp và bắt bớ giới đấu tranh dân chủ ở trong nước.

Mặc dù vậy, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định bởi vì yếu tố “Trung Quốc”, mà “Tôi không hy vọng vọng nhiều lắm vào tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện trong thời gian ông Biden làm tổng thống.

Trong khi đó, qua trao đổi điện thư với RFA, TS. Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Giám đốc Truyền thông của Viện Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), lập luận rằng quan hệ Việt-Mỹ có khăng khít hơn hay không, không chỉ tuỳ thuộc vào nỗ lực song phương. Bởi vì việc đó chỉ là một nhánh, một phân hệ trong Hệ Tổng quát, gọi là Trật tự mới ở khu vực cũng như trên toàn cầu. Nếu Trật tự ấy tiếp tục xấu đi, thậm chí tan vỡ thì cũng chẳng có bang giao song phương nào được cải thiện, nói chi là khắng khít.

TS. Đinh Hoàng Thắng chỉ ra rằng các nước EU đang rất quan tâm đến Á Châu. Dẫn đầu là Pháp, Đức, Anh quốc đang có những động thái ngoại giao tích cực, hỗ trợ Mỹ và “Bộ tứ” trong việc định hình và thúc đẩy FOIP-Không gian Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở. Trong khi ấy liên quan đến tình hình ở Myanmar, ASEAN được nhìn nhận vẫn đang chậm lụt trong vai trò được mệnh danh là “trung tâm” trong giải quyết công việc ở trong vùng Đông Nam Á.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, TS. Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn nói đến thái độ ‘án binh bất động’, ‘đèn nhà ai nhà ấy rạng’ của ASEAN, trong đó có Việt Nam như một tập hợp khu vực. Thái độ ấy đang gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế”.

Đầu trang

20/02/2021 - voatiengviet.com

Việt Nam kêu gọi quốc tế ủng hộ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar

Người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar vào ngày 19/2/2021.

Đại sứ Việt Nam trong phiên họp tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế vào các đối tác hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, đồng thời bày tỏ “mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư” với quốc gia đang đối diện với cuộc khủng hoảng chính trị này trong thời gian tới.

Trong phiên họp Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Myanmar tại WTO được tổ chức trực tuyến từ ngày 15/2 – 17/2, Đại sứ Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai đã “đánh giá cao những thành tựu về cải cách cơ cấu và phát triển kinh tế ấn tượng của Myanmar trong những năm qua”, và cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar không ngừng được củng cố và nâng lên thành “đối tác toàn diện” trong thời gian qua, với thương mại song phương và đầu tư của Việt Nam tại Myanmar tiếp tục được thúc đẩy bất chấp những thách thức, khó khăn từ đại dịch Covid-19.

“Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar”, TTXVN dẫn lời bà Tuyết Mai nói, đồng thời thêm rằng Hà Nội hy vọng “Myanmar sẽ sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước vì hòa bình, ổn định cũng như hợp tác trong khu vực, tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Phát biểu của bà Mai được đưa ra trong phiên họp đặc biệt về vấn đề nhân quyền tại Myanmar theo đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sau cuộc đảo chính quân sự dẫn đến khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc họp có sự tham dự của Phó Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Nada Al-Nashif, 30/47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và 37 nước quan sát viên, cùng các đại diện quốc gia và tổ chức quốc tế.

Đầu trang

20/02/2021 - voatiengviet.com

Giới lập pháp Mỹ lên án những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á

TƯ LIỆU - Dân biểu Đảng Dân chủ Judy Chu, Chủ tịch Khối nghị sĩ người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương trong Quốc hội Mỹ, lên tiếng về những vụ tấn công gia tăng nhắm vào người Mỹ gốc Á những tháng gần đây.

Các nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ bao gồm Chủ tịch Nancy Pelosi lên án một loạt những vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á trong thời gian gần đây và kêu gọi Quốc hội thông qua luật ứng phó với nạn kì thị nhắm vào sắc dân này.

Cuộc họp báo ngày 19/2 được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các dân biểu Đảng Dân chủ thuộc Khối nghị sĩ người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, Khối nghị sĩ người Da đen và Khối nghị sĩ gốc Mỹ Latin nhằm thể hiện tiếng nói đoàn kết trước một vấn đề đang gây báo động trong các cộng đồng sắc dân thiểu số ở Mỹ.

“Và ngay lúc nhiều người Mỹ gốc Á đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán trong những tuần lễ vừa qua, chúng ta chứng kiến một sự tăng vọt những vụ bạo lực chống lại người gốc Á,” Dân biểu Judy Chu từ California, Chủ tịch Khối nghị sĩ người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương trong Quốc hội Mỹ, nói. “Và ngày càng nhiều nạn nhân là người lớn tuổi.”

Đã có một làn sóng những vụ miệt thị và tấn công thể chất nhắm vào những người thuộc cộng đồng Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (AAPI) trong 12 tháng qua, nhưng trong những tuần gần đây, các vụ tấn công trở nên bạo lực hơn và dường như nhắm vào người cao tuổi.

Vào ngày 28 tháng 1, Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, đang đi dạo ở thành phố San Francisco thì bị một người đàn ông phóng qua đường và xô ông ngã nhào trong một vụ tấn công được camera an ninh ghi lại mà gia đình ông gọi là tội ác căm thù. Đầu của ông đập xuống đất và sau đó qua đời.

Vài ngày sau ở thành phố Oakland, một người đàn ông xô ngã một người đàn ông gốc Á 91 tuổi, sau đó đẩy một người đàn ông 60 tuổi và một người phụ nữ 55 tuổi. Các tình nguyện viên hiện đang hộ tống những người gốc Á cao tuổi trong việc đi lại trong cộng đồng.

Đầu tháng này, Noel Quintana, 61 tuổi, một người Mỹ gốc Philippines, đã bị một người đàn ông rạch mặt khi đang trên đường đi làm trên tàu điện ngầm ở Thành phố New York.

Trong phần phát biểu của mình, các nhà lập pháp Dân chủ quy trách cựu Tổng thống Donald Trump về những luận điệu mà họ nói là khơi gợi sự kì thị và thù hằn chủng tộc kể từ khi đại dịch Covid bùng lên ở Mỹ vào năm ngoái khi ông gọi virus corona là “China virus” hoặc gọi dịch bệnh là “kung flu.”

Dân biểu Hakeem Jeffries từ New York, chủ tịch Khối nghị sĩ Dân chủ và là một thành viên Khối nghị sĩ người Da đen trong Quốc hội, gọi những vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á là “điều hoàn toàn ô nhục” và kêu gọi truy tố thủ phạm “hết mức mà luật pháp cho phép.”

“Chúng ta phải đảm bảo người ta nghe thấy thông điệp thật lớn và rõ ràng rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho thiên kiến nhắm vào người gốc Á,” ông nói. “Chúng ta sẽ không dung thứ cho sự cố chấp thủ cựu nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho sự thù hận nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho các thuyết âm mưu nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho chủ nghĩa bài ngoại nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho những tội ác thù hận này.”


XEM THÊM: Người gốc Á lo sợ sau một loạt vụ tấn công ở Vùng Vịnh San Francisco

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi liên hệ những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á với một khuynh hướng lớn hơn là tư tưởng da trắng thượng đẳng đang trỗi dậy và đề ra thách thức to lớn cho an ninh quốc gia của Mỹ, điều mà bà gọi là “chủ nghĩa khủng bố nội địa.”

“Trong khi chúng ta đón mừng Tết Nguyên đán, một dịp để chúng ta hoan hỉ, đó cũng là nguồn cơn khiến chúng ta đau đớn vào lúc này vì tất cả những vụ việc này,” nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Dân chủ nói nói trong cuộc họp báo qua Zoom.

“Sự đa dạng của chúng ta là thế mạnh của chúng ta, sự thống nhất của chúng ta là sức mạnh của chúng ta. Và chúng ta có sự thống nhất về chủ đề này.”

Phó Tổng thống Kamala Harris ngày 12/2 lên tiếng về tình trạng bạo lực gia tăng nhắm vào người gốc Á vào ngày đầu tiên của Tết nguyên đán, gọi đó là “những vụ tấn công bài ngoại.”

“Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi việc chiến đấu chống lại nạn kì thị chủng tộc và phân biệt đối xử,” bà nói trên Twitter.

Tổng thống Joe Biden tháng trước đã kí một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang chống lại sự bài ngoại nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương, trong bối cảnh những vụ phạm tội ác thù hận và quấy nhiễu gia tăng liên quan tới nguồn gốc của đại dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Mùa thu năm ngoái, Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết do Dân biểu Grace Meng từ New York soạn thảo. Nghị quyết lên án “mọi hình thức thể hiện tình cảm bài xích người gốc Á” liên quan đến virus corona. Một số lời lẽ trong nghị quyết này đã được đưa vào sắc lệnh hành pháp của ông Biden.

“Đây là một bước tiến thực sự quan trọng, tích cực và sơ khởi,” bà Meng nói về sắc lệnh trong cuộc họp báo. “Nhưng chúng ta phải tiếp tục lên tiếng bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào mà tội ác thù hận nhắm vào người gốc Á phát sinh. Chúng ta đòi sự bài ngoại và bạo lực này phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta không thể và không được lơi lỏng.”

“Sự khủng bố người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người già, phải ngưng lại,” bà nhấn mạnh.

Đầu trang

16/02/2021 - baotiengdan.com

Thua cả Myanmar

Han Phan
16-2-2021

Trong khi chúng ta bù đầu với Tết và Covid thì Myanmar đang chìm trong một cuộc đảo chính. Báo chí VN rất ít đưa tin, vì bà Aung San Suu Kyi vốn không phải là gương mặt được yêu thích của mọi thể chế độc tài.

Ấn tượng của người Việt đối với Myanmar là gì? Có lẽ không ngoài: Bị quân đội nắm giữ, xung đột liên miên, đói nghèo, lạc hậu.

Khi đến Myanmar năm 2016, cảm thấy mức sống trung bình của người dân thấp hơn VN. Nhiều người sống ở đó nói với tôi, họ ngưỡng mộ quá trình phát triển kinh tế của VN, muốn được cởi mở như VN. Lúc ấy tôi tự hào lắm! Nghĩ: Má ơi! ít ra cũng còn có chỗ mà người ta nể mình.

Nhưng cả tuần nay, đọc tin, xem ảnh những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của giới trẻ Myanmar, tôi thực sự thấy mình tự hào quá sớm! Nhìn đi, có phải dân Myanmar đã văn minh tiến bộ hơn dân Việt Nam gấp 100 lần?

Ban đầu là những anh chàng 6 múi, tiếp theo là “protest princesses” – những công chúa biểu tình. Đừng nói giới trẻ, tuổi già của VN bao năm qua từ 1975 đến giờ chưa từng có được những hình ảnh phản kháng độc đáo, ấn tượng như thế này.

Họ cũng bị độc tài đàn áp suốt mấy chục năm, cũng thiết giáp phong toả mọi ngả đường… Nhưng cách họ biểu tình cho thấy level họ cao hơn người VN quá nhiều.

So sánh phong trào dân chủ của Việt Nam với Hồng Kông, Thái Lan, Philippines… là khập khiễng, nhưng so với Myanmar thì đồng hạng, có khi Việt Nam còn thuận lợi hơn. Chỉ thiếu một linh hồn khơi gợi nguồn cảm hứng như bà Aung San Suu Kyi thôi.

Thế nhưng, chúng ta đang làm gì? Hot girls, hot boys của VN đang làm gì? Chắc là đang xếp hàng giãn cách để được vào chụp hình trong đường hoa Nguyễn Huệ.

Chính quyền này đúng ra rất giỏi. Chiến lược ngu dân, tẩy não đã đạt kết quả gần như mỹ mãn. Bữa tôi đi Grab, ngồi trên xe nói chuyện với bạn vụ ông Trọng lại đắc cử. Ông tài xế nghe lỏm thấy tôi bất mãn ổng không chịu nổi, quay xuống cãi: Sao em lại chê? Anh thấy ổng làm tốt mà? Dân mình giờ có ai bị đói như ngày xưa nữa đâu? Rất tốt.

Tôi sững sờ, ngậm tăm, không có chút hứng để cãi lại. Cãi làm gì khi người ta chỉ cần không đói là đã thoả mãn?

***

Tóm lược từ Wikipedia: Cuộc đảo chính Myanmar năm 2021 bắt đầu vào sáng ngày 1 tháng 2 khi các chính khách dân cử thuộc đảng cầm quyền, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, trong chính phủ dân sự của Myanmar bị Tatmadaw — tức Quân đội Myanmar — phế truất và trao lại quyền lực cho chính quyền quân phiệt. Tatmadaw ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và tuyên bố quyền lãnh đạo đất nước thuộc về Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.

Cuộc đảo chính xảy ra một ngày trước khi các thành viên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 tuyên thệ trước Quốc hội Myanmar, khiến cho quá trình này không thể diễn ra. Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các và quốc hội đã bị bắt giữ.

____

Một số hình ảnh trên mạng cho thấy, thanh niên nam nữ Myanmar xuống đường biểu tình, phản đối chính quyền quân phiệt:






Vì sao có đảo chính và biểu tình ở Myanmar?

17/02/2021 - bbc.com

Lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 ở Myanmar.
Nhưng vì sao lại có tình hình hỗn loạn chính trị như thế này?
BBC giải thích tóm tắt lịch sử của đất nước Myanmar trong những thập kỷ gần đây.

Đầu trang

17/02/2021 - rfi.fr

Riyad – Washington : Khi Biden khẽ tay hoàng thái tử MBS…

Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed Ben Salman, còn gọi tắt là MBS. trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 trực tuyến ngày 20/11/2020. AP - Bandar Aljaloud

Ả Rập Xê Út là « một Nhà nước bất hảo », nên có lẽ cần phải « trừng trị ». Và một trong những đòn phạt đầu tiên mà tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra là thông báo tạm ngưng các hợp đồng bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út. Đòn « khẽ tay » này dường như đã có tác dụng.

Le Monde (ngày 13/02/2021) trong bài viết đề tựa « Đối mặt với Biden, Riyad cuống cuồng đánh bóng lại hình ảnh », cho biết hoàng thái tử Mohammed Ben Salman (còn được gọi tắt là MBS) có liên tiếp nhiều cử chỉ hướng tới tân chính quyền Mỹ.

Theo tờ báo Pháp, cú khẽ tay của tân chủ nhân Nhà Trắng không chỉ dừng ở đó. Tổng thống Biden còn cho hủy bỏ sắc lệnh đưa nhóm dân quân người Huthi, thân Iran vào danh sách các nhóm khủng bố, một biện pháp mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành vài ngày trước khi hết nhiệm kỳ.

Những biện pháp này khiến chính quyền Riyad phải « nhăn nhó, cuống cuồng » tái định vị lại chính sách đối ngoại và có những quyết định « quay ngoắt » chưa từng thấy. Đầu tiên hết, Ả Rập Xê Út vội vã dỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại và ngoại giao đối với Qatar từ đầu tháng Giêng 2021. Lệnh trừng phạt này ban hành từ năm 2017, nhằm buộc Tiểu vương quốc dầu khí phải đoạn tuyệt bang giao với Iran và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Quyết định dỡ bỏ nhanh chóng đến mức Qatar không cần phải đánh đổi điều gì. Hành động này không đồng nghĩa với việc căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út, Bahrein và Qatar hạ nhiệt. Bằng chứng là chưa bên nào trong ba nước công bố mở lại tòa đại sứ, nhưng máy bay của hãng hàng không Qatar Airway giờ được phép lưu thông trở lại và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã có lại một hình ảnh đoàn kết, dù chỉ là vẻ bề ngoài.

Rồi trong vòng hai tháng đầu năm 2021, Ryiad có nhiều động thái trong vấn đề nhân quyền như trả tự do ba công dân song tịch Mỹ - Ả Rập Xê Út, nạn nhân của làn sóng bắt bớ do MBS tiến hành nhắm vào những người bất đồng với đường hướng chính thức ; giảm án tử hình xuống thành 10 năm tù cho ba thành viên tộc người thiểu số Shia vì đã tham gia biểu tình chống chính phủ và hành động mới nhất là trả tự do cho nhà đấu tranh nữ quyền Loujain Al-Hathloul.

« Nhiệm kỳ Obama 3 »

Mọi hành động giải tỏa trên mà không một ai có thể tính tới cách nay vài tháng, cho thấy mức độ căng thẳng của chính quyền Riyad. Bà Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu thuộc European Council on Foreign Relations cho rằng « giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út lấy làm lo âu, họ xem Joe Biden chẳng khác gì như là nhiệm kỳ Obama thứ 3 ». Bởi vì, trong hai nhiệm kỳ tổng thống Obama, ai cũng biết là quan hệ giữa Washington và Riyad rất xấu.

Ông Ayham Kamel, Trung tâm Nghiên cứu Eurasia đưa ra phân tích : « Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út đang đối mặt với một hoàn cảnh hoàn toàn mới. Sự rối ren trong quan hệ với Washington không nghiêm trọng như một bất đồng chiến lược. Cũng sẽ không có một sự đoạn tuyệt . Thế nhưng cũng không hẳn là sẽ êm thắm ».

Theo Le Monde, có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao nguyên thủ Mỹ muốn xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út. Thứ nhất là trong vấn đề nhân quyền. Ông Biden không quên được vụ sát hại dã man nhà báo Khashoggi hồi tháng 10 năm 2018. Bất chấp việc CIA khẳng định vai trò của hoàng thái tử « MBS » trong vụ việc này, nhưng mối quan hệ thân mật giữa Donald Trump và « MBS » đã dẫn đến việc nhà tỷ phú Mỹ bỏ qua vụ việc.

Thứ hai, giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út có thái độ bám chặt lấy Donald Trump dù rằng thất bại của ông Trump là không thể chối cãi. Cứ như họ mong đợi một đòn công kích sau cùng từ cựu tổng thống Mỹ nhắm vào địch thủ Iran, trước khi có chuyển giao quyền lực. Hoặc họ lo sợ rằng trong tương lai nhà tỷ phú Mỹ có thể tái tham gia cuộc bầu cử tổng thống 2024 hoặc vào lúc đó, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo lại là ứng cử viên..

« Sự khôn ngoan của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất »

Sự ngoan cố này của Riyad trái ngược hẳn với thái độ khôn ngoan của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Tiểu vương quốc này đã biết chuẩn bị cho khả năng ông Biden thắng cử và những thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Le Monde nhắc lại trong khoảng năm 2018-2019, khi nhiều bài viết báo chí cáo buộc họ có giao tiếp với những phe dân quân thánh chiến người Yemen bắt đầu xuất hiện và khi các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ lên án họ có can dự vào tai biến nhân đạo phá hủy vùng di tích cổ Nam Ả Rập (lãnh thổ Yemen ngày nay), các nhà lãnh đạo của UAE hiểu ra rằng đã đến lúc phải thoái lui khỏi cuộc chiến « bẩn thỉu » và đang trở thành một thách thức cho nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Chính quyết định rút một phần lớn lực lượng vào tháng 7/2019 đã giúp cho UAE tránh bị chỉ trích trong lĩnh vực này. Nhưng đáng chú ý nhất là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel đạt được mùa hè năm 2020 đã giúp cho UAE tránh được mọi áp lực từ phía Mỹ, cho dù bản tổng kết về nhân quyền của tiểu vương quốc này cũng không khá gì hơn so với Ả Rập Xê Út. Mohammed Ben Zayed, nhân vật quyền lực của UAE đủ thông minh hiểu rằng không nên đến dự lễ ký kết thỏa thuận ở Nhà Trắng hồi tháng 9/2020 như thể không muốn cho thấy quá gần gũi với Donald Trump.

Ngược lại, MBS giờ đang phải trả giá do việc Joe Biden quyết tâm đoạn tuyệt với di sản của người tiền nhiệm và nối lại với một chính sách ngoại giao « các giá trị ». Thứ Tư, 10/02, khi đến thăm bộ Quốc Phòng, chủ nhân phòng Bầu Dục đã mỉa mai lạnh lùng bình luận về việc trả tự do cho nhà đấu tranh vì nữ quyền, bà Loujain Al-Hathloul : « Đó là việc nên làm ».

Nhà nghiên cứu Cinzia Bianco đánh giá : « Quyết định trả tự do này vẫn sẽ chưa đủ để Ả Rập Xê Út có lại được những ưu đãi của Nhà Trắng. Nhưng họ cũng chưa hẳn hết hy vọng. Hiện tại họ đang cân nhắc nhiều giải pháp. Các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út cho rằng họ vẫn còn có nhiều cách để vượt trở ngại ». Nhiều cử chỉ hòa giải hơn với Israel, cam kết mở cửa cho đa tôn giáo… là những khả năng mà hoàng thái tử « MBS » nhắm đến.

Báo cáo của CIA

Le Monde lưu ý bản báo cáo của CIA là một trong những ẩn số đang đè nặng lên mối quan hệ giữa Riyad với Washington. Cuối tháng Giêng năm 2021, trong phiên điều trần trước Thượng Viện, bà Avril Haines, được Joe Biden đề cử vào vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia, có tuyên bố rằng nếu được bổ nhiệm, bà sẽ cho công bố báo cáo của CIA về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi xảy ra tháng 10/2018.

Tài liệu này quy trách nhiệm cho hoàng thái tử MBS nhưng chính quyền Donald Trump đã từ chối cho giải mật. Avril Haines, từng là nhân vật số hai của CIA, đã được chính thức bổ nhiệm. Giới quan sát tự hỏi liệu giờ tổng thống Biden sẽ giữ lời hứa đó hay không và bản báo cáo sẽ được công bố toàn phần hay là bị mất đi vài đoạn.

Đầu trang

17/02/2021 - Hoài Hương-VOA - voatiengviet.com

ASEAN có nguy cơ tụt hậu, lại trở thành ‘Câu lạc bộ các nhà độc tài’?

TT Joko Widodo của Indonesia và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin tại cuộc họp báo chung ở Điện Merdeka, Jakarta, ngày 5/2/2021, hối thúc ASEAN hành động sau cuộc đảo chính ở Myanmar (Foto: Courtesy/Biro Pers)

Việc quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính, giành lại quyền lực từ tay một chính phủ do dân bầu lên, bắt giữ các nhà lãnh đạo cao nhất nước, kể cả Cố vấn An ninh Quốc gia Aung San Suu Kyi, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ, đã làm chấn động các nước tây phương, từ Âu sang Mỹ. Nhưng ngay trong khu vực, ngoại trừ 1 vài nước có đa số dân theo Hồi giáo, phần lớn các nước còn lại trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dường như chỉ có thái độ “chờ xem”, theo báo The Australian của Úc.

Phản ứng bất nhất trong khối ASEAN

Singapore, Indonesia và Malaysia bày tỏ quan ngại và mong muốn giải quyết vấn đề bằng một giải pháp hòa bình. Philippines, Campuchia và Thái Lan coi đây là một “vấn đề nội bộ”. Phản ứng của Bangkok cũng dễ hiểu, bởi vì đương kim Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính do ông cầm đầu.

Brunei, đương kim Chủ tịch ASEAN, kêu gọi “đối thoại, hòa giải để tình hình ổn định trở lại”.

Hai nước còn lại là hai nước cộng sản, Lào vẫn giữ im lặng, riêng Việt Nam phản ứng ‘chung chung’ qua phát biểu của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng:

“Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao không nói rõ liệu Việt Nam có lên án cuộc đảo chính quân sự hay không.

Với những quan điểm khác biệt như vừa nêu, ASEAN khó có thể đưa ra một tiếng nói chung có đủ trọng lực để ảnh hưởng tới những diễn biến tại Myanmar, cũng là một thành viên ASEAN.

Indonesia và Malaysia, hai nước có đa số dân theo Hồi giáo, từng chỉ trích Myanmar về chiến dịch đàn áp, và vụ thảm sát người Hồi giáo Rohingya, kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN để bàn về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, giữa lúc các cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tiếp tục leo thang và cảnh sát tăng cường đàn áp, bắt bớ, dùng hơi cay và điều xe tăng ra các đường phố của thủ đô Naypyidaw để trấn dẹp biểu tình. Bạo động có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.

Sau một cuộc họp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Malaysia Myhyidin Yassin nói: “Đây là một bước thụt lùi trong tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ ở Myanmar”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đáp: “Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN, đặc biệt là các nguyên tắc về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và quản trị tốt, một chính phủ hợp hiến”.

Báo The Australian của Úc dẫn lời Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, ông Ben Bland, nói rằng lập trường của hai nhà lãnh đạo này, tuy quả quyết hơn các nước đồng hội, nhưng về phần lớn, phản ánh “các quan tâm về tác động của vụ đảo chính đối với sự ổn định của khu vực, hơn là mong muốn cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền”.

Tờ báo đặt câu hỏi: liệu những đòi hỏi của Malaysia và Indonesia, yêu cầu ASEAN có lập trường cứng rắn hơn với tập đoàn quân sự Myanmar có đủ để ngăn ASEAN rơi vào sự im lặng đồng lõa của thời khối này còn là một “Câu lạc bộ các nhà Độc tài”?

Đảo chính Myanmar có thể gây bất ổn cho ASEAN

...Tôi đã lớn lên dưới chế độ của tập đoàn quân phiệt trong nhiều năm, tôi không muốn trở lại giai đoạn đen tối đó một lần nữa.
Một nhà báo Myanmar nói với The Diplomat

Úc ngỏ ý muốn hợp tác với ASEAN về vấn đề Myanmar, nhưng lo ngại ASEAN sẽ vẫn bất lực nếu khối này tiếp tục viện nguyên tắc "Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", một nguyên tắc bị lạm dụng bởi một số nước để tránh bị chỉ trích vì những hành động đàn áp trong nước họ.

Tập đoàn quân phiệt Myanmar đã viện nguyên tắc “không can thiệp” một cách có lợi cho họ từ khi gia nhập khối ASEAN vào năm 1997, chưa đầy 10 năm sau khi họ thảm sát hàng ngàn người biểu tình đấu tranh cho dân chủ, tình hình cũng không khác mấy so với Philippines dưới thời Tổng thống Marcos, hay Indonesia dưới thời Tổng thống Suharto, thời các nước Á Châu còn là “câu lạc bộ của các nhà độc tài”, theo nhà báo Úc.

Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Eurasia Review, hai nhà nghiên cứu người Campuchia, Visal Chourn và Bunna Vann, thuộc Viện Hợp tác và Hòa bình, nói rằng các nhà hoạt động vì hòa bình và dân chủ không thể làm ngơ cuộc đảo chính ở Myanmar, nếu họ thực sự quan tâm tới hòa bình và ổn định khu vực.

Hai nhà nghiên cứu này nói rằng với chủ trương của ASEAN, không can thiệp vào những vấn đề chính trị của các nước thành viên, cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ có nhiều tác động tới khối về mặt chính trị và ngoại giao.

Về mặt chính trị, theo hai nhà nghiên cứu, diễn biến tại Myanmar có thể “làm suy yếu Hiến chương ASEAN”, với các nguyên tắc chủ lực về dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt, và duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN.

Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng mạnh và ASEAN không chủ động, không có hành động cụ thể mà làm ngơ cuộc đảo chính, thì ASEAN và cộng đồng quốc tế có nguy cơ khuyến khích các chính quyền có xu hướng độc tài trong khối theo chân Myanmar”.

Các nước thành viên ASEAN có hệ thống chính trị rất khác nhau, nếu các nhà lãnh đạo có khuynh hướng ngả theo độc tài, không sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, thì sẽ còn xảy ra đảo chính, đưa đến bất ổn cho toàn khu vực.

Cuộc đảo chính ở Myanmar cũng làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao trong nội bộ cũng như với các đối tác bên ngoài. Xét Hoa Kỳ, Anh, Úc, Liên hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án và đang cân nhắc áp đặt các biện pháp chế tài đối với Myanmar, ASEAN sẽ gặp khó khăn khi ngồi xuống bàn hội nghị tại các cuộc họp thượng đỉnh quan trọng, như Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, và Thượng đỉnh Á-Âu…

Vai trò nào cho ASEAN?

Tư liệu: Cố vấn An ninh Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tại Thượng đỉnh ASEAN-Nhật bản ở Bangkok ngày 4/11/2019, nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35. Source: Lillian SUWANRUMPHA (AFP)

Hai nhà nghiên cứu nói trong quá khứ, ASEAN đã đóng vai trò trung gian để giải quyết vấn đề liên quan tới Myanmar, như quan sát bầu cử, ASEAN lần này nên chủ động tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, bằng cách tăng sức ép của tập thể, làm tất cả những gì có thể làm để xoay chiều tình hình, ngăn bạo động quân sự ở Myanmar, khôi phục lại nền dân chủ.

Khi Miến Điện gia nhập ASEAN vào năm 1997, khối này áp dụng chính sách có tính xây dựng, mời gọi sự tham gia của tập đoàn quân sự nắm quyền và thuyết phục họ nới tay với khát vọng dân chủ của người dân, và tương nhượng với bà Aung San Suu Kyi. Phải đến 13 năm sau, Myanmar mới tổ chức bầu cử đa đảng, dẫn tới một chính phủ chia sẻ quyền hành, và 18 năm sau, quân đội mới nhường quyền cho đảng Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Trước đó, việc Myanmar tiếp tục giam cầm bà Suu Kyi, là một vấn đề gây bối rối cho ASEAN. Năm 2001, Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là ông Mahathir Mohamad, nói việc Myanmar giam cầm/quản thúc bà Suu Kyi trong hơn 15 năm, đã làm tổn hại uy tín của cả ASEAN, chứ không riêng Myanmar, lúc bấy giờ gọi là Miến Điện.

Hai nhà nghiên cứu Campuchia nói thật là đáng tiếc nếu ASEAN để cho cuộc đảo chính lần này phá hoại tiến trình dân chủ và sự ổn định trong khu vực, chỉ vì đặt quá nặng nguyên tắc đồng thuận, một trong các nguyên tắc chủ lực của khối, nhưng đôi khi khiến cho ASEAN trở nên tê liệt, không đáp ứng được với tình thế.

Một bài báo trên tờ South China Morning Post (SCMP) cũng đồng ý với nhận định của hai nhà nghiên cứu này.

Biên tập viên Maria Siow của SCMP viết: “Cuộc đảo chính ở Myanmar là một dấu hiệu rõ rệt rằng ASEAN không thể tiếp tục tuân theo nguyên tắc “không can thiệp” mà cùng lúc duy trì uy tín của mình, nếu Myanmar tiếp tục là một cái gai bên hông tổ chức khu vực 54 tuổi này”.

Indonesia có thể giúp giải quyết xung đột

Bà Eva Kusuma Sundari, thành viên Hạ viện Indonesia, từng là Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), nói quân đội Myanmar có thể siết chặt gọng kềm đối với chính quyền dân cử Myanmar bởi vì dù trên nguyên tắc đã nhượng quyền cho Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), nhưng trên thực tế, quân đội vẫn nắm quyền hạn lớn, ít nhất là 25% ghế trong quốc hội, đồng thời nắm các bộ quan trọng nhất.

Theo bà Sundari, Indonesia có thể dẫn đầu nỗ lực của ASEAN giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar vì Indonesia có thể “lên tiếng bênh vực dân chủ trong khu vực, và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới người Rohingya. Bà hối thúc Jakarta áp đặt lệnh cấm vận đối với các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của quân đội có can dự vào vụ đảo chính và bạo động tại Myanmar.

Bà nói “Làm được như vậy sẽ giúp dân chủ hóa Myanmar”. Nhưng sự thật thì mọi sự không đơn giản. Vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều, nếu quân đảo chính ở Myanmar bất chấp cộng đồng quốc tế và cả ASEAN, vì tin rằng họ sẽ được Trung Quốc và Nga chống lưng.

Vụ đảo chính, nhìn từ Yangon

Dù còn nhiều thiếu sót, nền dân chủ mới ló dạng ở Myanmar dưới quyền bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã nâng cao kỳ vọng dân chủ nơi người dân Myanmar gồm tỷ lệ cao thuộc thành phần trẻ, quen thuộc với công nghệ và internet. Cuộc đảo chính là một đòn nặng giáng xuống khát vọng dân chủ của họ.

Một nhà báo trẻ ở địa phương yêu cầu giấu danh tính vì sợ bị trả thù, nói với tờ The Diplomat:

“Trong tư cách một công dân Myanmar, tôi đã lớn lên dưới chế độ của tập đoàn quân phiệt trong nhiều năm, tôi không muốn trở lại giai đoạn đen tối đó một lần nữa. Chúng tôi không thể quay lại giai đoạn đó vì tương lai của các thế hệ mai sau.”

Một nhà báo người Ireland đã làm việc tại Myanmar 8 năm, lấy tên Kelly O’Connor, nói:

“Tôi cảm thấy sốc mạnh, vô cùng thất vọng và thấy mình bất lực trong tư cách là một người nước ngoài, bởi vì tôi đã chứng kiến những tiến bộ lớn trong 5 năm qua, khi đất nước này mở cửa ra với thế giới.”

Đầu trang

17/02/2021 - voatiengviet.com

Biểu tình lớn chưa từng có nổ ra khắp Myanmar

Những người biểu tình tụ tập gần chùa Sula, thành phố Yangon, Myanmar, hôm 17/2

Những người biểu tình ở Myanmar tập hợp hôm thứ Tư 17/2 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay để phản đối việc quân đội tiếm quyền bằng cuộc đảo chính hôm 1/2.

Ngoài Yangon ra, các cuộc biểu tình mới cũng diễn ra ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay và thủ đô Naypyitaw, bất chấp lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Đến tối 17/2, chưa có tin tức nào cho thấy có bạo lực lớn xảy ra hay không.

Lượng người đổ xuống đường biểu tình hôm 17/2 ở Yangon dường như là một trong những cuộc tập hợp lớn nhất cho đến nay ở thành phố. Những người biểu tình áp dụng chiến thuật chặn đường của lực lượng an ninh bằng cách mở nắp ca-pô xe và đỗ ở giữa đường với lý do hỏng máy.

Tại Naypyitaw, hàng nghìn người, bao gồm cả nhân viên ngân hàng tư nhân và kỹ sư, đã tuần hành trên các đại lộ rộng lớn, hô hào đòi thả bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Người biểu tình cũng đổ ra đường phố của Mandalay.

Cảnh sát vừa đưa ra cáo buộc mới đối với bà Suu Kyi, luật sư của bà cho biết hôm 16/2, một động thái có khả năng buộc bà bị quản thúc tại gia và càng làm cho công chúng tức giận hơn.

Trước đó, bà Suu Kyi đã phải đối mặt với cáo buộc về sở hữu trái phép máy bộ đàm.

Luật sư Khin Maung Zaw nói với các phóng viên sau cuộc gặp với một thẩm phán rằng cáo buộc mới liên quan đến một đạo luật được áp dụng để truy tố những người vi phạm các quy định về phòng chống dịch virus corona. Theo luật này, hình phạt tối đa là ba năm tù.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án mạnh mẽ hành động pháp lý nhằm vào bà Suu Kyi.

“Các cáo buộc mới do quân đội Myanmar bịa đặt ra nhằm vào bà Aung San Suu Kyi là sự vi phạm rõ ràng đối với nhân quyền của bà”, ông Johnson viết trên Twitter. "Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar và sẽ đảm bảo là những người đứng sau cuộc đảo chính đó sẽ phải chịu trách nhiệm", ông khẳng định.

Trung Quốc cho đến nay chưa lên án cuộc tiếm quyền. Một số người biểu tình Myanmar cáo buộc rằng Bắc Kinh chống lưng cho chính quyền Myanmar. Trung Quốc lâu nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar và có các khoản đầu tư lớn vào nước này.

Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Chen Hai, cho biết Bắc Kinh mong muốn những người biểu tình và quân đội Myanmar có thể giải quyết những khác biệt của họ thông qua đối thoại, theo nội dung của một cuộc phỏng vấn được đăng trên trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc hôm 16/2.

Ông nói: “Những diễn biến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy”.

Ông Chen cũng phủ nhận chuyện Trung Quốc đang giúp Myanmar kiểm soát việc truy cập internet và chuyện binh lính Trung Quốc đang xuất hiện trên đường phố Myanmar.

Đầu trang

11/02/2021 - voatiengviet.com

Mỹ loan báo chế tài mới đối với tướng lãnh Myanmar sau cuộc đảo chánh

Tổng thống Joe Biden phát biểu về tình hình Myanmar tại Tòa Bạch Ốc ngày 10/2/2021.

Tổng thống Joe Biden ngày 10/2 loan báo đã ký một sắc lệnh mở đường cho những chế tài mới nhắm vào các sĩ quan quân đội Myanmar và việc kinh doanh của họ sau khi quân đội bắt giam các nhà lãnh đạo dân cử và chiếm quyền vào ngày 1/2.

Ông Biden nói sắc lệnh sẽ cho phép chính quyền Mỹ “chế tài ngay lập tức các lãnh đạo quân đội chỉ đạo cuộc đảo chánh, các lợi ích kinh doanh của họ cũng như thân nhân trực hệ.”

Quân đội Myanmar bắt giam các lãnh đạo dân sự, kể cả Khôi nguyên Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi, và loan báo một năm tình trạng khẩn cấp, cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là gian lận. Ủy ban bầu cử bác cáo buộc của quân đội.

Ông Biden cũng loan báo phong tỏa 1 tỉ đô la “Quỹ của chính phủ Myanmar tại Mỹ” ngăn các tướng lãnh Myanmar tiếp cận các nguồn quỹ này.

Ông không nêu tên cụ thể ai sẽ bị ảnh hưởng bởi những chế tài mới.

“Chúng tôi sẽ xác định vòng mục tiêu đầu tiên trong tuần này, và chúng tôi cũng sẽ áp đặt việc kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ. Chúng tôi phong tỏa các nguồn tài sản ở Mỹ làm lợi cho chính phủ Myanmar, trong khi duy trì sự ủng hộ đối với việc chăm sóc sức khỏe, những tổ chức xã hội dân sự, và những lãnh vực khác làm lợi trực tiếp cho người dân Myanmar,” ông Biden nói.

Hôm 10/2, người biểu tình tiếp tục xuống đường sang ngày thứ năm, thề tiếp tục phản đối đảo chánh cho dù một ngày trước có một người bị thương nặng vì trúng đạn cảnh sát trong những vụ đụng độ.

Đầu trang

February 13, 2021 - baocalitoday.com

Khi các cuộc tấn công chống lại người Mỹ gốc Á tăng đột biến

Một loạt các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ gốc Á khiến cộng đồng và những người ủng hộ trong tình trạng cảnh giác cao độ, đặc biệt là nhiều người ở Hoa Kỳ tập trung vào cuối tuần này để ăn mừng Tết Nguyên đán .

Một người đàn ông 84 tuổi ở Thái Lan đã chết vào cuối tháng Giêng sau khi bị tấn công khi đi dạo buổi sáng ở San Francisco. Vài ngày sau, một người đàn ông châu Á 91 tuổi bị xô ngã xuống đất tại khu phố Tàu của Oakland. Tuần trước, một phụ nữ 64 tuổi bị cướp bên ngoài một khu chợ Việt Nam ở San Jose, California. Và một người đàn ông Philippines 61 tuổi đã bị chém vào mặt vào tuần trước trên tàu điện ngầm ở thành phố New York.

Không có bằng chứng để chứng minh rằng những vụ việc này chống người châu Á.

Nhưng các nhà chức trách và những người ủng hộ cộng đồng châu Á nói rằng sự căm ghét và bạo lực đối với người châu Á đã lan tỏa trong vài tháng – và cần phải được giải quyết.

Các nhóm nhân quyền không biết điều gì thúc đẩy sự gia tăng đột biến các vụ bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á. Nhưng họ đã thấy một kiểu thù hận có chủ đích kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu.

Stop AAPI Hate bắt đầu thu thập các báo cáo về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á vào ngày 19 tháng 3 năm ngoái, sau khi thấy những trường hợp bài ngoại khi virus bắt đầu lây lan ở Mỹ.

Từ đó đến cuối năm 2020, tổ chức này đã nhận được hơn 2.800 báo cáo trực tiếp về sự căm ghét chống người châu Á trên khắp 47 bang và Washington, DC, theo dữ liệu được công bố trong tuần này.

Phần lớn các vụ việc đó – khoảng 71% – là các trường hợp quấy rối bằng lời nói. Khoảng 9% các vụ việc liên quan đến hành hung thể xác và 6% bao gồm việc cố tình ho hoặc khạc nhổ, theo một bản tin Stop AAPI Hate .

Kulkarni nói rằng vấn đề đặc biệt rõ ràng ở những khu vực có đông người Mỹ gốc Á ở California và New York.

Một báo cáo do Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Á ở New York công bố hôm thứ Tư lưu ý rằng từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 1 tháng 11 năm 2020, Sở Cảnh sát New York đã chứng kiến ​​sự gia tăng gấp 8 lần số tội phạm thù hận chống người châu Á được báo cáo so với cùng kỳ năm 2019.

Từ năm 2017 đến năm 2019, tổ chức đã nhận được ít hơn 500 trường hợp được báo cáo về việc căm ghét người Mỹ gốc Á. Nhưng từ tháng 2 đến tháng 12 năm ngoái, họ cho biết họ ước tính đã có 3.000 sự việc thù hận

Yang cho rằng sự gia tăng của sự căm ghét chống người châu Á ở Mỹ một phần là do cựu Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần gọi coronavirus là “virus Trung Quốc” trong những ngày đầu của đại dịch.

Ông nói: “Cựu Tổng thống rõ ràng đã sử dụng rất nhiều biểu ngữ về chủng tộc quy trách nhiệm cho cộng đồng châu Á về loại virus này. Điều đó đã khiến mọi người nghĩ về người Mỹ gốc Á là người nước ngoài và tham gia vào hành vi bài ngoại này. Và điều đó khó có thể hoàn tác, bất kể chính quyền hiện tại.”

Người Mỹ gốc Á được coi là mục tiêu dễ dàng cho tội phạm, có lẽ vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa có thể khiến họ không trình báo các vụ việc, theo Yang. Và người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương, với lo ngại rằng họ có thể là mục tiêu của các vụ trộm khi họ đang đi mua sắm cho Tết Nguyên đán.

Cộng đồng đang kêu gọi hành động

Các nhóm như Stop AAPI Hate và Asian American Advancing Justice nói rằng họ hoan nghênh phản ứng mà các nhà lãnh đạo đã thực hiện để giải quyết vấn đề căm thù người Mỹ gốc Á.

Sau các vụ tấn công ở Bắc California, luật sư quận Alameda trong tuần này đã thông báo rằng văn phòng của bà đang thành lập một đơn vị phản ứng đặc biệt tập trung vào tội ác chống lại người châu Á. Sở cảnh sát New York đã công bố một lực lượng đặc nhiệm tương tự vào tháng 8 năm 2020.

Tổng thống Joe Biden đã ký một biên bản ghi nhớ hành pháp vào tháng trước thừa nhận rằng “những luận điệu quá khích và bài ngoại đã khiến người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (AAPI) gặp rủi ro.” Ông cũng chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh xem xét ban hành hướng dẫn Covid-19 để giải quyết các vấn đề về tiếp cận ngôn ngữ và sự nhạy cảm đối với cộng đồng AAPI.

Nhưng các nhà lãnh đạo cộng đồng nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.

TH

Đầu trang

13/02/2021 - rfi.fr

Miến Điện : Áp lực gia tăng đối với chính quyền quân sự

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tiếp diễn tại Mandalay, Miến Điện, ngày 13/02/2021. AP

Chính quyền quân sự Miến Điện đang chịu áp lực ngày càng lớn từ trong nước và của cộng động quốc tế. Các cuộc biểu tình vẫn rầm rộ và Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Theo hãng tin AFP, phong trào phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi tiếp diễn, với các cuộc biểu tình bắt đầu ngay từ sáng sớm hôm nay, 13/02/2021 và đến chiều đã tập hợp hàng chục ngàn người.

Tối ngày 12/02, nhiều ủy ban « cảnh giác công dân » đã hình thành một cách tự phát ở khắp nơi, để giám sát những người sống chung quanh mỗi khi nhà chức trách tiến hành chiến dịch bắt bớ các nhà đối lập.

Từ Rangoon, thông tín viên Carol Isoux tường trình :

« Hôm thứ Bảy này, họ vẫn còn tập hợp trên đường phố Rangoon và nhiều thành phố khác của Miến Điện đúng vào sinh nhật của tướng Aung San, vị anh hùng của nền độc lập Miến Điện và là cha của lãnh đạo chính phủ đang bị cầm tù Aung San Suu Kyi. Ngày này cũng được chọn là Ngày của Cha (phụ thân tiết) ở Miến Điện.

Tuy trong những ngày qua không còn các vụ bạo hành của cảnh sát trong những cuộc biểu tình ban ngày, quân đội vẫn duy trì áp lực qua các vụ bắt bớ những nhà hoạt động, theo lời một giáo viên trẻ ở Rangun. Anh nói :

« Các vụ bắt giữ phi pháp trong những vụ bố ráp ban đêm vẫn diễn ra mỗi tối. Trong khi đó, phe quân sự dự tính cho thông qua một luật về an ninh mạng, mang tính chất vi phạm nhân quyền, để có thể bỏ tù những người sử dụng các mạng xã hội. Nhưng phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn mạnh hơn trong những ngày này. Giới trẻ đã tìm ra những phương thức đầy sáng tạo để bày tỏ quan điểm của họ ».

Những video clip lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy các binh lính đến nhà những công dân vô danh để bắt giữ họ, thường đó là những nhân viên y tế đã phát động phong trào tổng đình công nhằm làm chính quyền quân sự thất bại. Các tổ chức phi chính phủ của Miến Điện đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các tướng lãnh. »

Vào hôm qua, trong một phiên họp đặc biệt, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận, kể từ sau cuộc đảo chính, hơn 350 lãnh đạo chính trị, đại diện Nhà nước, thành viên của xã hội dân sự, bao gồm phóng viên, nhà sư và sinh viên, đã bị bắt giam. Ngoài việc lên án bạo lực đối với những người biểu tình, Hội đồng Nhân quyền còn thông qua một nghị quyết kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.

Đầu trang

09/02/2021 - rfi.fr

Miến Điện: Biểu tình chống đảo chánh tiếp diễn bất chấp đàn áp

Miến Điện : Cảnh sát sử dụng vòi rồng giải tán biểu tình ở Mandalay chống đảo chính của quân đội. Ảnh ngày 09/02/2021. REUTERS - STRINGER

Người dân Miến Điện hôm nay 09/02/2021 tiếp tục xuống đường phản đổi cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, bất chấp các lệnh cấm biểu tình và những lời đe dọa trừng phạt được đưa ra vào hôm qua. Cảnh sát Miến Điện đã phải dùng đến vòi rồng, lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán đám đông tại nhiều thành phố.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hôm nay là ngày thứ tư liên tiếp mà những cuộc biểu tình lớn chống quân đội đảo chánh diễn ra tại Miến Điện. Với những khẩu hiệu đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người dân lại rầm rộ xuống đường ở thủ phủ kinh tế Rangoon, bất chấp đe dọa trả đũa từ các tướng lĩnh.

Một số nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn chỉ thiên để tìm cách giải tán đám đông. Lực lượng an ninh đã sử dụng vòi rồng để cố gắng đẩy lùi người biểu tình và đã bị ném gạch đá chống trả.

Tại quận San Chaung, nhiều giáo viên đã tuần hành trên các con phố chính, giơ ba ngón tay lên chào theo kiểu được người biểu tình chống đảo chánh thực hiện. Họ đã thách thức lệnh cấm tụ tập quá 5 người do quân đội áp đặt từ hôm qua tại các thành phố chính của Miến Điện, viện cớ có gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11/2020 để biện minh cho cuộc đảo chính.

Cũng hôm qua, quân đội Miến Điện lên tiếng đe dọa trả đũa chống lại những người biểu tình, bị buộc tội "phá hủy sự ổn định của Nhà nước".

Ngoài Rangoon, người biểu tình cũng tập hợp trước trụ sở của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Họ mặc trang phục màu đỏ - màu của dảng - và mang theo chân dung của nhà lãnh đạo của họ, bị bắt sau khi bị quân đội lật đổ.

Tại thủ đô Naypyidaw, lực lượng an ninh cũng đã sử dụng vòi rồng chống lại một nhóm nhỏ những người biểu tình ủng hộ dân chủ, những người không chịu giải tán trước một trạm kiểm soát an ninh.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, cảnh sát đã sử dụng hơi cay "chống lại những người biểu tình vẫy cờ của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục tố cáo cuộc đảo chánh tại Miến Điện

Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chánh hôm 01/02, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng phản đối.

Nước phản ứng mạnh nhất là New Zealand. Theo hãng tin Anh Reuters, vào hôm nay, 09/02/2021, thủ tướng Jacinda Ardern cho biết sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động tiếp xúc cấp cao với Miến Điện, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các lãnh đạo quân đội Miến Điện.

New Zealand khẳng định nước này hiện không công nhận chính quyền do quân đội lãnh đạo là chính quyền hợp pháp của Miến Điện.

Còn tại Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Ned Price, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại trước lệnh hạn chế tụ tập mà quân đội Miến Điện ban hành. Ngay sau cuộc đảo chính ngày 01/02, Washington tìm cách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi, theo các kênh “cả chính thức lẫn không chính thức”, nhưng các yêu cầu của Mỹ đã bị quân đội Miến Điện từ chối.

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đầu trang

28/10/2020 By HIỀN MINH - luatkhoa.org

Đại Kỷ Nguyên, The Epoch Times và Pháp Luân Công: Về một đế chế truyền thông

Ảnh: Adam Ferris/The New York Times

Dịch từ bài viết How The Epoch Times Created a Giant Influence Machine, đăng trên The New York Times ngày 24/10/2020. Bài viết này cung cấp thông tin về mối quan hệ trực tiếp giữa The Epoch Times với trang tin Đại Kỷ Nguyên – vốn thu hút một số lượng lớn độc giả Việt Nam. Luật Khoa trân trọng giới thiệu bản dịch toàn văn của bài viết này. Tựa đề do Luật Khoa đặt.

Đọc thêm: Epoch Times phản pháo New York Times: Sự thật thì ít, thiên kiến thì nhiều


The Epoch Times (大紀元, Đại Kỷ Nguyên) trong nhiều năm là một tờ báo nhỏ có thiên hướng chống Trung Quốc được phát không trên những góc phố ở New York. Epoch Times vẫn hoạt động với kinh phí hạn hẹp cho đến năm 2016 và 2017, khi những sự thay đổi biến tờ báo trở thành một trong những đơn vị xuất bản quyền lực nhất nước Mỹ.

Những thay đổi này cũng tạo đà cho tờ báo, vốn có liên quan đến phong trào tín ngưỡng khá bí ẩn Pháp Luân Công, trở thành nguồn phát tán thông tin chính trị sai lệch hữu khuynh hàng đầu.

Đầu tiên, tờ báo này rất thân thiện với Tổng thống Donald Trump, xem ông như một đồng minh trong trận chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Pháp Luân Công bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, và những người tập luyện môn phái này phải chịu đàn áp từ khi đó. Phong cách đưa tin tương đối nghiêm túc về chính trị Mỹ của tờ báo thuở đầu dần trở nên thiên lệch hơn, với nhiều bài viết ủng hộ ông Trump và chỉ trích các đối thủ của ông.

Cùng thời gian này, The Epoch Times đặt cược lớn vào một thiết chế quyền lực khác của nước Mỹ: Facebook. Tờ báo và các trang thành viên của nó áp dụng một chính sách mới bao gồm việc tạo ra hàng loạt trang Facebook, phủ đầy lên đó các video vui tươi và các sản phẩm ăn khách (viral), sau đó sử dụng các trang này như kênh bán tài khoản thành viên, đồng thời làm tăng truy cập ngược về trang báo mẹ.

Trong một lá thư gửi nhân viên Epoch Times vào tháng 4/2017 do The New York Times thu thập, lãnh đạo tờ báo này hình dung chiến lược của Facebook có thể giúp đưa The Epoch Times trở thành “đơn vị truyền thông lớn nhất và quyền lực nhất thế giới. Nó cũng có thể giới thiệu giáo huấn của Pháp Luân Công đến hàng triệu người, hoàn thiện sứ mệnh “cứu rỗi sinh linh”.

Hiện tại, The Epoch Times và các trang thành viên là một thế lực truyền thông cánh hữu, với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội trên hàng chục trang mạng và một lượng khán giả tương đương với The Daily Caller và Breitbait News (hai trang tin hữu khuynh nổi tiếng), và với một sự sẵn sàng cũng tương đương để làm thoả mãn cơn khát của nhóm cực hữu.

Tờ báo cũng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong nhóm thân cận với Donald Trump. Cả vị tổng thống và gia đình đều đã từng chia sẻ bài viết của The Epoch Times trên mạng xã hội, và viên chức của chính quyền Trump đã từng trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo này. Vào tháng Tám, một phóng viên của The Epoch Times đã đặt câu hỏi tại một buổi họp báo tại Nhà Trắng.

Đó là một thành tựu của môn phái Pháp Luân Công, vốn chật vật để xác lập hình ảnh chân chính của môn phái, nhằm đối trọng lại mô tả của chính quyền Bắc Kinh về họ như một “giáo phái ma quỷ”. Một điểm khó phân định ở đây là những nguồn tin về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp họ đôi lúc rất khó để có thể chứng thực, đôi lúc lại có dấu hiệu cường điệu. Năm 2006, một phóng viên của Epoch Times khi tham dự chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Trung Quốc đã hét lên rằng “những kẻ tà ác sẽ chết sớm.”

Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia hàng đầu của Trump và đồng thời là cựu chủ tịch của Breitbart, nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Bảy rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của Epoch Times khiến ông ấn tượng.

“Họ sẽ trở thành một tờ báo bảo thủ (conservative) hàng đầu trong vòng hai năm tới. Tờ báo này có tham vọng, có độc giả, và sẽ trở thành một thế lực đáng kể”, ông Bannon nói. Ông này đã bị bắt vì tội lừa đảo vào tháng Tám.

Một cuộc tụ họp của môn phái Pháp Luân Công tại Đài Loan. Ảnh: David Chang/EPA, via Shutterstock.

The Epoch Times và các thành viên của nó đã lớn mạnh một phần nhờ vào các thủ thuật mạng xã hội khá mờ ám, truyền đi những thuyết âm mưu nguy hiểm và xem thường kết nối của họ với Pháp Luân Công. Đó là kết luận điều tra của The New York Times. Các phóng viên của The Times đã phỏng vấn hơn mười cựu nhân viên Epoch Times, cũng như tiếp cận các tài liệu nội bộ và hồ sơ thuế của tổ chức. Nhiều người trong số này trả lời ẩn danh vì họ e ngại bị trả đũa, hoặc vì vẫn có gia đình trong môn phái.

Việc gắn chặt mình vào ông Trump và Facebook đã khiến cho The Epoch Times trở thành một cỗ máy quyền lực phe phái (partisan powerhouse). Nhưng nó cũng tạo nên một cỗ máy lan truyền thông tin thất thiệt trên phạm vi toàn cầu, liên tục bơm những luận điệu sai lệch vào truyền thông dòng chính.

Tờ báo này trở thành một trong những kênh truyền bá nổi bật nhất của “Spygate”, một thuyết âm mưu vô căn cứ bao gồm những cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 một cách phi pháp. Các bài viết và chương trình có liên quan đến The Epoch Times đã quảng bá thuyết âm mưu QAnon và truyền đi những cáo buộc sai lệch về sai phạm bầu cử và phong trào Black Lives Matter. Gần đây hơn, họ đã tích cực truyền bá rằng virus corona – được tờ này gọi bằng tên “Virus Đảng Cộng sản Trung Quốc” (CCP Virus) – là do một phòng thí nghiệm quân đội Trung Hoa tạo ra để làm vũ khí sinh học.

Tờ Epoch Times tuyên bố rằng mình độc lập và phi đảng phái, đồng thời phản đối ý kiến cho rằng nó có liên đới chính thức với Pháp Luân Công.

Giống như Pháp Luân Công, tờ báo có mặt ở hơn mười quốc gia này có cấu trúc phân tán và vận hành dưới dạng các cụm đơn vị thành viên theo vùng, mỗi đơn vị giống như một tổ chức phi lợi nhuận riêng biệt. Tổ chức này cực kỳ kín tiếng. Các biên tập viên của The Epoch Times từ chối nhiều lời mời phỏng vấn; một phóng viên đến thăm trụ sở của tờ báo ở Manhattan mà không thông báo trước đã phải nhận cảnh cáo từ luật sư, mới trong năm nay.

Đại diện phát ngôn của Li Hongzhi (Lý Hồng Chí), lãnh đạo của Pháp Luân Công, từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi. Các cư dân tại Dragon Springs, tổ hợp ở ngoại ô New York được xem như là trụ sở tinh thần của Pháp Luân Công, cũng không trả lời phóng viên The New York Times.

Nhiều nhân viên và người luyện tập Pháp Luân Công liên lạc với The Times để báo tin rằng họ được định hướng để giữ kín những chi tiết về công việc nội bộ của tờ báo. Theo những nguồn tin này, họ được truyền đạt rằng nói lời tiêu cực về The Epoch Times thì cũng tương đương với việc bất tuân đối với ông Lý, người được gọi là “Sư phụ” trong môn phái.

Dragon Springs, “thủ đô” của Pháp Luân Công ở Otisville, New York. Ảnh: Julie Jaconson/AP.

The Epoch Times chỉ trả lời một vài câu hỏi trong một danh sách dài được gửi đến phòng truyền thông của họ, và từ chối trả lời những câu hỏi về tài chính và chiến lược của toà soạn. Trong một bức email không có chữ ký, tờ báo cáo buộc The New York Times về hành vi “phỉ báng và hạ thấp một đối thủ cạnh tranh”, đồng thời, việc cho rằng tờ báo có liên đới với Pháp Luân Công là một dạng doạ nạt tinh vi đối với tôn giáo, nếu không nói là thiên kiến (subtle form of religious intimidation if not bigotry).

“The Epoch Times không e ngại và sẽ không chịu im lặng”, tờ báo bổ sung, “đồng thời sẽ có những quyết định pháp lý để đáp lại những lời sai trái và thiếu chính xác trong các câu hỏi mà The New York Times gửi đến”.

Làm rõ sự thật về Đảng Cộng sản Trung Quốc

Pháp Luân Công, môn phái mà ông Lý giới thiệu tại Trung Quốc năm 1992, xoay quanh một chuỗi năm bài tập thiền và quá trình hoàn thiện đạo đức bản thân nhắm đến một sự khai sáng về tinh thần. Hiện nay, nhóm này được biết đến qua các cuộc diễu hành khắp thế giới để “làm rõ sự thật” về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc tra tấn những người thực hành môn phái và lấy nội tạng của họ. (Hàng chục nghìn người khắp Trung Quốc đã bị đẩy đến các trại lao động vào những năm đầu của cuộc đàn áp, Pháp Luân Công không còn hiện diện nhiều ở đại lục.)

Gần đây hơn, Pháp Luân Công đã bị chỉ trích bởi chính các cựu thành viên môn phái. Họ mô tả hệ thống niềm tin của môn phái này là cực đoan khi cấm đoán kết hôn liên chủng tộc, lên án đồng tính, và không khuyến khích sử dụng các loại thuốc hiện đại. Epoch Times chối bỏ tất cả các cáo buộc này.

Khi The Epoch Times bắt đầu hoạt động vào năm 2000, mục tiêu của nó là đối phó với các lời tuyên truyền của Trung Quốc và tường thuật các hành vi đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với Pháp Luân Công. Vào thời khai sinh đó, Epoch Times là một tờ báo tiếng Hoa, xuất bản nội dung từ tầng hầm nhà của John Tang, một sinh viên cao học đồng thời là một người tu luyện Pháp Luân Công.

Đến năm 2004, The Epoch Times mở rộng sang tiếng Anh. Một trong những nhân viên được trả lương đầu tiên của tờ báo là Genevieve Belmaker, lúc đó là một môn đồ Pháp Luân Công 27 tuổi với một chút kinh nghiệm báo chí. Bà Belmaker, hiện giờ 43 tuổi, mô tả Epoch Times những ngày đầu là lai tạo giữa một start-up truyền thông lộn xộn và một bản tin của một nhà thờ nhiệt thành. Khi đó, nhân viên của họ phần lớn là những tình nguyện viên không lương từ các nhóm Pháp Luân Công địa phương.

Mệnh lệnh của nhóm làm việc vào lúc đó là hãy cùng tạo ra một đơn vị truyền thông không chỉ nói sự thật về Pháp Luân Công, nhưng là sự thật về mọi thứ”, bà Belmaker nói.

Lãnh tụ của môn phái Pháp Luân Công, Li Hongzhi (Lý Hồng Chí) năm 1999. Ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin khác là “các kênh truyền thông của chúng tôi”. Ảnh: Henry Abrams/Agence France-Presse, via Getty Images.

Ông Lý, người sáng lập của Pháp Luân Công, cũng chia sẻ quan điểm này. Trong các bài phát biểu, ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin có liên quan đến Pháp Luân Công khác, bao gồm kênh truyền hình New Tang Dynasty TV (Tân Đường Nhân – NTD), là “các kênh truyền thông của chúng tôi”. Ông nói rằng các kênh này có thể giúp quảng bá những câu chuyện và giá trị của Pháp Luân Công ra khắp thế giới.

Hai cựu nhân viên của The Epoch Times kể lại rằng các biên tập viên cấp cao của trang này đã đến Dragon Springs để gặp ông Lý. Một nhân viên đã tham dự một cuộc họp nói rằng ông Lý đã can thiệp vào các quyết định về nội dung cũng như chiến lược hoạt động của toà soạn, hành xử như một nhà sản xuất bí mật. The Epoch Times bác bỏ nguồn tin này, nói rằng “Không có một cuộc họp nào như thế cả.”

Lằn ranh phân định The Epoch Times và Pháp Luân Công đôi lúc mờ nhạt. Hai phóng viên của Epoch Times nói rằng họ từng được yêu cầu để viết những lời giới thiệu có cánh về những nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài được chọn vào Shen Yun (Thần Vận), một chuỗi chương trình biểu diễn múa do Pháp Luân Công bảo trợ. Việc này nhằm tăng khả năng các nghệ sĩ được cấp visa. Một phóng viên Epoch Times khác kể lại việc được giao viết bài chỉ trích các chính trị gia bao gồm John Liu, một người Mỹ gốc Đài Loan từng làm việc ở hội đồng thành phố New York. Ông Liu được tờ báo cho là có lập trường mềm mỏng với Trung Quốc và thù địch với Pháp Luân Công.

Những bài viết này giúp Pháp Luân Công thúc đẩy mục tiêu của mình, nhưng không thu hút được nhiều người đăng ký làm thành viên.

Matthew K. Tullar, cựu giám đốc bán hàng của The Epoch Times (phiên bản Quận Cam) tại New York viết trên trang LinkedIn cá nhân là đội ngũ của ông ban đầu “in 800 bản báo mỗi tuần, số người đăng ký bằng không, và tận dụng một chiến lược marketing ‘cho không biếu không’. Ông Tullar không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Bà Belmaker, người đã rời tờ báo vào năm 2017, mô tả nó như một tổ chức chân phương không ngừng tìm kiếm những cách mới để kiếm tiền.

Xoay quanh Trump

Cho đến năm 2014, The Epoch Times đã tiến đến gần với tầm nhìn của ông Lý về một trang thông tin được tôn trọng. Số lượng đăng ký đã tăng lên, các sản phẩm báo chí được trao giải thưởng, và tài chính đã ổn định.

“Có một niềm lạc quan lan đi khắp nơi rằng mọi thứ sắp được nâng cấp,” bà Belmaker nói.

Nhưng tại một cuộc họp nhân viên năm 2015, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng tờ báo đang gặp vấn đề một lần nữa, bà Belmaker nhớ lại. Facebook đã thay đổi thuật toán quyết định các bài viết xuất hiện trên newsfeed của người dùng, và lượng truy cập của The Epoch Times và doanh thu quảng cáo đều bị ảnh hưởng xấu.

Để ứng phó, tờ báo này giao cho phóng viên sản xuất mỗi ngày năm tin bài câu khách, thường là các tin đơn giản giật gân với các tít bài kiểu như “Gấu xám nhảy cái ùm xuống hồ bơi.” (Grizzly Bear Does Belly Flop Into a Swiming Pool.)

“Đó là một cuộc cạnh tranh giành lượng truy cập,” bà Belmaker nói.

Bà Genevie Belmaker, người đã làm việc cho The Epoch Times 13 năm, nói rằng bà đã chứng kiến tờ báo đi từ một tổ chức chân phương trở thành một cái máy hút view. Kyle Johnson/The New York Times.

Khi cuộc bầu cử năm 2016 đến gần, các phóng viên để ý thấy cách mà tờ báo đưa tin chính trị có giọng điệu thiên lệch hơn.

Steve Klett, người theo dõi chiến dịch bầu cử năm 2016 cho tờ báo này nói rằng các biên tập viên khuyến khích các bài đăng tích cực về Donald Trump sau khi ông này được Đảng Cộng hoà đề cử.

“Họ nhìn Trump với một ánh mắt ngưỡng mộ như nhìn một lãnh tụ chống Cộng, người sẽ đặt dấu chấm hết cho Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Ông Klett nói.

Sau chiến thắng của ông Trump, The Epoch Times thuê Brendan Steinhauser, một chiến lược gia có kết nối chặt chẽ với phong trào Tea Party, để giúp kết thân với nhóm bảo thủ. Ông Steinhauser nói rằng mục tiêu của tổ chức này, ngoài việc quảng bá thương hiệu tại Washington, còn là khiến cho chính quyền Trump đưa cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào danh sách các ưu tiên hành động.

“Họ muốn nhiều người ở Washington hiểu cách Đảng Cộng sản Trung Quốc vận hành, và những việc làm của họ đối với các nhóm tín ngưỡng và sắc tộc thiểu số,” ông Steinhauser nói.

Cược cả vào Facebook

Ở hậu trường, The Epoch Times xây dựng một vũ khí bí mật: một chiến lược phát triển Facebook mà sau cùng sẽ giúp đưa thông điệp của tờ báo đến hàng triệu người.

Theo các email mà The Times phân tích, chiến lược sử dụng Facebook là do Trung Vu phát triển. Ông này từng là lãnh đạo của The Epoch Times bản tiếng Việt, được biết đến với tên gọi Đại Kỷ Nguyên, hoặc DKN.

Ở Việt Nam, chiến lược của ông Trung bao gồm tạo dựng một mạng lưới các trang Facebook với video ăn khách và thông tin ủng hộ Trump, trong đó một số là sao chép nguyên văn từ các nguồn khác, và dùng những phần mềm hoặc bot tự động để tạo like và share ảo. Cựu nhân viên của DKN đã tiết lộ thông tin này cho The New York Times cũng cho biết các nhân viên của trang web này dùng tài khoản giả để vận hành trang Facebook. Việc làm này vi phạm quy định của Facebook, nhưng được ông Trung giải thích là để bảo vệ nhân viên khỏi sự theo dõi của Trung Quốc.

Ông Trung không phản hồi đề nghị bình luận.

Theo một email gửi nhân viên Epoch Times ở Mỹ năm 2017, thử nghiệm tại Việt Nam được gọi là một “thành công vang dội” giúp cho DKN trở thành trang thông tin lớn nhất Việt Nam.

Cũng theo email này, đội ngũ nhân viên người Việt được giao nhiệm vụ xây dựng đế chế Facebook dành riêng cho Epoch Media Group – tổ chức mẹ của đơn vị truyền thông của Pháp Luân Công lớn nhất nước Mỹ. Năm đó, hàng chục trang Facebook mới xuất hiện, tất cả đều có liên quan đến The Epoch Times và các trang liên quan. Một số trong đó có quan điểm thiên vị công khai, một số khác thì mô tả mình là những nguồn thông tin thật và không thiên vị, một vài trang khác nữa, như trang nội dung hài hước tên là “Những khoảnh khắc gia đình vui nhộn” (Funniest Family Moments) lại hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt tin tức.

Ảnh chụp màn hình trang America Daily, một trang thông tin chính trị cánh hữu. Một biên tập viên của Epoch Times giúp thành lập trang này.

Thử nghiệm táo bạo nhất có lẽ là một trang thông tin chính trị hữu khuynh tên là America Daily (Nước Mỹ hàng ngày).

Trang Facebook có hơn một triệu người theo dõi này đang sản xuất thông tin sai lệch theo hướng cực hữu. Trang này đã đăng các bài viết dài dòng về chống vaccine, một bài trong đó vu cáo rằng Bill Gates và những người quyền thế khác đang “định hướng” đại dịch COVID-19 và cáo buộc về một “đám đông Do Thái” (Jewish mob) thống trị thế giới.

Các email mà The Times thu thập được cho thấy John Nania, một biên tập viên lâu năm của Epoch Times, đã tham gia xây dựng America Daily thời gian đầu, cùng với các chuyên viên của Sound of Hope (Âm thanh của Hy vọng), một mạng lưới phát thanh có liên quan đến Pháp Luân Công. Các dữ liệu trên Facebook chỉ ra là trang này do Sound of Hope Network vận hành, và một bài đăng được ghim trên trang Facebook này có đính kèm một video quảng bá cho Pháp Luân Công.

The Epoch Times phát ngôn chính thức rằng họ không có “quan hệ công việc” gì với America Daily.

Nhiều trang Facebook do Epoch Times vận hành và các trang liên quan cùng đi theo một  lộ trình. Chúng bắt đầu bằng việc đăng các video ăn khách và các bài viết vui tươi từ các trang khác. Các trang này phát triển nhanh chóng, đôi lúc có thêm hàng trăm nghìn người theo dõi trong một tuần. Sau đó, chúng được dùng để dẫn dụ công chúng mua tài khoản thành viên của Epoch Times và để quảng bá cho các nội dung mang tính đảng phái hơn.

Nhiều trang Facebook có được lượt theo dõi đáng kể chỉ “sau một đêm”, Renee DiResta, một nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch hợp tác với Stanford Internet Observatory cho hay. Nhiều bài đăng được chia sẻ hàng nghìn lần nhưng hầu như không có một bình luận nào. Bà DiResta mô tả rằng đây là đặc trưng của những trang do những đội “click farms” tạo nên, từ chỉ các công ty chuyên tạo lượng truy cập giả mạo bằng cách trả tiền cho người dùng click liên tục vào các đường link theo yêu cầu.

The Epoch Times nói rằng họ không dùng click farms hay bất kỳ mưu mẹo nào để mở rộng các trang của họ. “Chiến lược mạng xã hội của The Epoch Times khác với DKN, chúng tôi dùng các công cụ quảng bá của chính Facebook để có được người theo dõi thật  sự”, tổ chức này nói, đồng thời bổ sung rằng The Epoch Times đã chấm dứt liên quan với ông Trung từ năm 2018.

Nhưng vào năm ngoái, The Epoch Times đã bị chặn quảng cáo trên Facebook sau khi mạng xã hội này tuyên bố rằng các trang tin của Epoch Times đã vi phạm yêu cầu minh bạch bằng việc giả mạo các tài khoản quảng cáo. Epoch Times chi cho Facebook hơn 1,5 triệu USD trong vòng bảy tháng.

Năm nay, Facebook đã xóa hơn 500 trang và tài khoản có liên kết với Truth Media, một mạng lưới các trang chống Trung Quốc dùng tài khoản giả mạo để lan truyền thông điệp của họ. The Epoch Times từ chối mọi cáo buộc liên đới, nhưng các điều tra viên của Facebook nói rằng Truth Media “cho thấy một số mối liên quan đến các hoạt động trên nền tảng của Epoch Media Group và NTD.”

“Chúng tôi đã nhiều lần thực hiện các biện pháp chống lại Epoch Media và các nhóm liên quan,” một đại diện phát ngôn của Facebook nói, đồng thời bổ sung là mạng xã hội này sẽ có chế tài đối với các trang tin nếu như họ tiếp tục vi phạm quy định trong tương lai.

Vì bị chặn quảng cáo trên Facebook, The Epoch Times đã chuyển phần lớn hoạt động sang Youtube. Họ đã rót hơn 1,8 triệu đô-la tiền quảng cáo cho Youtube từ tháng 5/2018, theo dữ liệu công khai của Google về quảng cáo có nội dung chính trị.

Nguồn tiền của Epoch Times đến từ đâu là một điều bí ẩn. Các cựu nhân viên nói họ được truyền đạt là tổ chức có nhiều nguồn tài chính, bao gồm tài khoản đăng ký, quảng cáo và đóng góp từ các thành viên giàu có của môn phái Pháp Luân Công. Năm 2018, năm gần nhất mà dữ liệu thuế của họ được công khai, The Epoch Times Association (chủ quản của tờ báo) nhận được hàng loạt nguồn đóng góp đáng kể, nhưng không có khoản nào đủ lớn để chi hàng triệu đô la Mỹ cho quảng cáo như vậy.

Ông Bannon nằm trong số những người lưu ý đến túi tiền dồi dào của The Epoch Times. Năm ngoái, ông sản xuất một bộ phim tài liệu về Trung Quốc cùng với NTD. Khi ông nói chuyện với tờ báo về các dự án khác, ông kể, tiền bạc chưa bao giờ là một vấn đề.

“Tôi sẽ ra giá”, ông Bannon nói. “Rồi họ sẽ trả lời, ‘Mức đó ổn.'”

“Mục tiêu luân lý đã không còn”

Việc The Epoch Times chuyển sang ủng hộ Trump đã khiến nhiều nhân viên cũ của họ thất vọng, trong đó có bà Belmaker.

Bà Belmaker hiện làm biên tập viên và người viết tự do, nói rằng mình vẫn tin tưởng vào nhiều lời dạy của Pháp Luân Công. Nhưng bà đã mất niềm tin vào The Epoch Times, tổ chức mà theo bà, đã làm trái với những giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công: sự thật, sự cảm thông và lòng khoan dung.

“Mục tiêu luân lý đã không còn”, bà nói. “Họ đang đi sai đường rồi, và tôi không nghĩ là họ bận tâm đến chuyện đó.”

Mới đây, The Epoch Times đã chuyển tầm ngắm sang virus corona. Trang này tấn công vào sai lầm của Trung Quốc trong thời kỳ đầu của đại dịch, các phóng viên viết về những con số thống kê được báo cáo sai, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ảnh chụp màn hình video “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau) của Epoch Times trên Youtube. Phụ đề: Đảng Cộng sản Trung Quốc biết chuyện gì đang diễn ra.

Có những bài viết trong số đó là đúng sự thật. Nhưng những bài khác có xu hướng cường điệu những cáo buộc sai trái, chẳng hạn như các giả thuyết thiếu căn cứ rằng virus do một phòng thí nghiệm chế ra, nằm trong một chiến lược chiến tranh sinh học.

Một vài cáo buộc đã được nhắc lại trong một bộ phim tài liệu mà cả NTD và The Epoch Times đăng trên Youtube, thu hút hơn năm triệu lượt xem. Bộ phim tài liệu giới thiệu nhà nghiên cứu virus tai tiếng Judy Mikovist, người mà cả Facebook, Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác đã xoá tài khoản vì truyền bá thông tin sai lệch.

Trang The Epoch Times nói, “trong bộ phim tài liệu, chúng tôi đưa ra một loạt các bằng chứng và quan điểm mà không rút ra kết luận nào”.

Bà Belmaker, người vẫn giữ một bức ảnh của Sư phụ Lý trên kệ sách trong nhà bà, nói rằng bà vẫn giật mình mỗi khi một đoạn quảng cáo của The Epoch Times xuất hiện trên Youtube, quảng bá những luận điểm đầy tính bè phái.

Một video gần đây mang tên “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau), là một đoạn thông tin quảng cáo (infomercial) về sai lầm của Trung Quốc khi ứng phó với virus corona. Người dẫn dắt trong clip đó nói rằng The Epoch Times có một mạng lưới nguồn tin ngầm ẩn ở Trung Quốc cung cấp thông tin cho họ về cách chính quyền ứng phó với virus.

Tuyên bố đó có thể đúng, nhưng người này lại không nhắc gì đến mối liên hệ giữa The Epoch Times với Pháp Luân Công, hay chiến dịch dài hai thập kỷ chống lại cộng sản Trung Quốc của họ. Anh ta chỉ nói rằng tờ báo “đang cho bạn một bức tranh chính xác về chuyện đang xảy ra trên thế giới này.”

“Có sao thì chúng tôi nói vậy,” anh ta bảo.

Đầu trang