Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản đầu tiên và duy nhất từng tới thăm Nhà Trắng, trong bức ảnh cùng Phó Tổng thống lúc đó Joe Biden chụp ngày 7/7/2015. |
Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam còn bị hạn chế bởi một số yếu tố trong đó có việc các lãnh đạo Việt Nam vẫn “nghi ngờ” rằng chính phủ Hoa Kỳ về lâu dài muốn chấm dứt độc quyền của chế độ Cộng sản ở quốc gia cựu thù
Một báo cáo cập nhật của Quốc hội Mỹ về tình hình quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ra hôm 16/2 cho biết những lợi ích song trùng về chiến lược và kinh tế đã làm cho sự hợp tác giữa hai nước được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong những năm gần đây. Sau hơn 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Mỹ đã trở thành đối tác song phương lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, trong khi Việt Nam là bạn hàng thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Báo cáo do viện nghiên cứu chính sách công của Quốc hội Mỹ, CRS, soạn thảo cho biết rằng kể từ năm 2010, Mỹ và Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ đối tác về các vấn đề an ninh khu vực và kinh tế, một phần do có chung những mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực cũng như vị thế của Việt Nam đang tăng lên thành một cường quốc tầm trung.
Tuy nhiên, viện nghiên cứu của Quốc hội Mỹ nhận định rằng tốc độ và mức độ cải thiện trong quan hệ song phương giữa hai nước còn bị hạn chế bởi một số yếu tố.
Một trong số đó là việc Việt Nam không thường thực hiện các động thái ngoại giao quy mô lớn – đặc biệt với Mỹ – mà không tính đến phản ứng có thể của Trung Quốc. Một yếu tố khác, theo nhận định của CRS, là mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy công chúng Việt Nam có quan điểm tích cực đối với Mỹ nhưng nhiều quan chức Việt Nam “vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là thấy được sự chấm dứt độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ‘diễn biến hoà bình’.” Bên cạnh đó, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, mà theo đánh giá của báo cáo là đã xấu đi trong những năm gần đây, tiếp tục là một rào cản cho sự phát triển của quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở ở Singapore, những nhận định trong báo cáo của Quốc hội Mỹ là đúng nhưng ông cũng cho rằng đã có những thay đổi trong cách nhìn của các lãnh đạo Việt Nam về Mỹ.
“Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản nắm giữ và trước đây họ có lo là chính quyền Mỹ sẽ tiến đến các hoạt động hay vận động nào đó để chính quyền (Cộng sản) này không còn nữa,” TS Hợp, hiện đang nghiên cứu từ Hà Nội, cho biết. “Thế nhưng đến nay (các lãnh đạo Việt Nam) không lo đến như thế bởi họ tin vào hai cam kết khá giống nhau của thời (Tổng thống Barack) Obama và (Tổng thống Donald) Trump.”
Chính quyền Mỹ trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump, Mỹ cũng có cam kết tương tự và theo TS Hợp, ông Trump còn “nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẽ không làm gì để tác động đến tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam.”
Chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của một lãnh đạo Đảng Cộng sản tới nhà Trắng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 1/2015, khi ông Obama là tổng thống Mỹ, đã cho thấy sự tôn trọng các hệ thống chính chị của nhau giữa hai quốc gia. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Derek Grossman của Viện nghiên cứu RAND Corporation, bất cứ sự thay đổi nào của Mỹ trong quan điểm này cũng có thể khuyến khích những người theo đường lối cứng rắn bảo thủ ở Việt Nam tìm cách tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chính trường quốc gia Cộng sản Đông Nam Á.
Ông Trọng còn được cho là sẽ có chuyến thăm thứ 2 tới Nhà Trắng vào năm 2019, theo lời mời của Tổng thống Trump, nếu ông không bất ngờ bị gặp vấn đề về sức khoẻ.
“Không thấy họ nói đến sự lo lắng nữa nhưng trong thực tế (các lãnh đạo Đảng Cộng sản) vẫn có cảnh giác đối với những hoạt động phê phán họ, phản biện chính sách của họ cũng như là việc đối chiếu hệ thống chính trị toàn trị này với các hệ thống chính trị cởi mở hơn, dân chủ hơn. Họ ngại cái đó và do đó đưa vào danh sách chống lại cái mà họ gọi là ‘diễn biến hoà bình’ và trong nội bộ họ gọi là ‘tự diễn biến tự chuyển hoá’,” TS Hợp nói.
Các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là ban Tuyên giáo Trung ương, thường xuyên đưa ra các phát biểu cảnh báo về các hoạt động “diễn biến hoà bình,” mà theo cách hiểu trong ngữ cảnh ở Việt Nam là các biện pháp phi bạo lực của nước ngoài sử dụng nhằm chống phá Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hoá/xã hội, cho đến an ninh/quốc phòng.
Nhân quyền và Trung Quốc
Đó cũng là một trong những lý do Đảng Cộng sản Việt Nam ít dung thứ cho các nhà hoạt động dân chủ, các tiếng nói bất đồng hoặc chỉ trích chính phủ cũng như những thế lực mà họ gọi là “thù địch” từ bên ngoài ủng hộ chế độ đa nguyên, đa đảng. Các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên lên tiếng chỉ trích việc trấn áp tự do ngôn luận của Đảng Cộng sản và coi Việt Nam là một trong những quốc gia ít có tự do báo chí nhất.
Báo cáo của CRS, được gửi tới các uỷ ban và các thành viên Quốc hội Mỹ, nhận định rằng Việt Nam là một “nhà nước độc Đảng, toàn trị bởi Đảng Cộng sản” và “đã đàn áp nặng nề lên cái mà họ coi là hoạt động chống phá chính quyền và một số nhóm tôn giáo không đăng ký.”
Trích dẫn các nhà quan sát, báo cáo cho rằng việc trấn áp người bất đồng chính kiến và những người biểu tình đã trở nên tệ hại hơn trong vài năm gần đây ở Việt Nam, trong khi chính phủ “tăng cường khả năng pháp lý và công nghệ để theo dõi các hoạt động trên mạng xã hội của người dân.”
“Việt Nam còn đang có những khác biệt trong quan niệm về nhân quyền với những nước phương Tây và Mỹ,” TS Hợp nói. “Để khắc phục những khác biệt như vậy, nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã cùng với Việt Nam thoả thuận hàng năm có các đối thoại về nhân quyền, trong đó có đối thoại song phương Mỹ-Việt, để cùng bàn thảo, hành động nhằm rút ngắn sự khác biệt. Nhưng Việt Nam với thể chế chính trị một Đảng thì sự khắc phục khác biệt đó sẽ không được nhanh.”
Vấn đề nhân quyền dường như không được “đặt ưu tiên cao” trong chính sách tiếp cận chung của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump, mặc dù chính quyền của cựu tổng thống này đã tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm và chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều báo cáo và một số tuyên bố, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Giới quan sát cũng nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã không đặt nặng vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam mà chỉ tập trung vào việc giảm thiểu thặng dư thương mại với quốc gia Đông Nam Á cũng như thắt chặt hợp tác an ninh để chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, công an Việt Nam đã bắt ngay nhà báo tự do nổi danh Phạm Đoan Trang vì các cáo buộc mà giới hoạt động dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là “mơ hồ.”
Báo cáo cho biết hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam tăng lên trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh quốc phòng, từ năm 2017 đến năm 2021, do chính sách của chính quyền Trump trong việc giúp quân đội Việt Nam “phát triển khả năng thách thức các năng lực viễn chinh của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định rằng Trung Quốc là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Việt Nam” khi hai nước đều có hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo với kênh thông tin kết nối giữa hai đảng và thường có các quan điểm chính thức tương đồng về thế giới.
Hoa Kỳ được cho là muốn nâng cấp quan hệ toàn diện với Việt Nam lên tầm chiến lược để có khả năng hợp tác với quốc gia Đông Nam Á nhiều hơn nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc nhưng vì một số lý do mà điều này chưa được thực hiện, một phần trong đó như theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc từng cho biết trong lần trả lời phỏng vấn trước đây với VOA rằng có sự khác biệt trong các nhận định về “chiến lược” của hai nước. Việt Nam không muốn liên minh quân sự với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ 3 trong chính sách quốc phòng “4 không” của mình trong khi theo GS Thayer, Mỹ nhìn nhận “chiến lược” theo hướng đồng minh trong hợp tác an ninh quốc phòng.
Nhân quyền sẽ là một trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Joe Biden và điều này được Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định hôm 24/2 rằng nước Mỹ cam kết với thế giới sẽ bảo vệ nhân quyền trong lúc đặt mục tiêu trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo nhà nghiên cứu Grossman, chính quyền mới của Mỹ có thể “ít tìm kiếm sự hợp tác hơn với các đối tác toàn trị và hợp tác nhiều hơn với các nền dân chủ.”
Dù còn có những khác biệt và thách thức trong quan hệ Việt-Mỹ nhưng theo nhận định của TS Grossman trên The Diplomat, quỹ đạo của quan hệ giữa hai cựu thù trong những năm tới sẽ “tích cực và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy.”
Nhà nghiên cứu của RAND Corporation cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đều “tôn trọng lẫn nhau” và cùng có lợi ích chung trong việc khống chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự.
“Bất cứ xích mích nào nảy sinh (giữa Mỹ và Việt Nam) sẽ có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao để tránh thiệt hại lớn hơn cho mối quan hệ giữa hai nước,” TS Grossman nhận định. “Nhưng tất nhiên, không có gì được đảm bảo.”
Người Việt ở Mỹ chủ yếu làm ăn nhỏ như mở nhà hàng, tiệm làm móng, tiệm hớt tóc |
Việc Tổng thống Joe Biden công bố những thay đổi nhằm giúp các tiểu thương yếu thế nhất được vay tiền cứu trợ dịch Covid-19 là ‘hết sức có ý nghĩa’ đối với cộng đồng người Việt vốn chủ yếu làm ăn nhỏ và họ nên tranh thủ khung thời hạn hai tuần để xin tiền cứu trợ, một chuyên gia kinh tế nhận định với VOA.
Hôm 22/2, Tổng thống Mỹ công bố các thay đổi đối với Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) và mở một khung thời gian kéo dài hai tuần để chỉ cho các tiểu thương quy mô ít hơn 20 nhân viên đăng ký vay.
Chương trình này, vốn được đưa ra lần đầu tiên trong gói cứu trợ CARES hồi năm ngoái, cho phép các tiểu thương ít hơn 500 nhân viên vay số tiền lên đến 2,5 lần tổng chi phí trả lương cho nhân viên và sẽ được miễn nợ sau đó nếu như các doanh nghiệp chứng minh rằng họ dùng số tiền đó để trả lương và không sa thải nhân công giữa lúc dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi triển khai chương trình PPP thì chỉ có tiểu thương cỡ lớn mới tiếp cận khoản vay này và đại đa số tiểu thương rất nhỏ, vốn là hình thức làm ăn phổ biến trong cộng đồng người Việt, không tiếp cận được.
Các thay đổi
“Các doanh nghiệp nhỏ là động cơ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước chúng ta. Họ là chất kết dính, là trái tim và linh hồn của cộng đồng chúng ta. Nhưng họ đang bị nghiền nát,” ông Biden phát biểu ở Nhà Trắng để công bố những thay đổi.
Trong số những thay đổi mà ông Biden đã công bố là khung thời gian 14 ngày, bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng ngày 24/2 mà khi đó chỉ có các doanh nghiệp có ít hơn 20 nhân viên mới có thể nộp đơn xin cứu trợ. Khung thời gian này kết thúc vào lúc 5 giờ chiều ngày 9/3. Giới chức nói rằng điều này sẽ cho phép các ngân hàng tập trung vào phục vụ các doanh nghiệp nhỏ nhất.
Các thay đổi cũng nhằm giúp các doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu, những người làm việc theo hợp đồng và những người tự kinh doanh nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính hơn bằng cách sửa đổi công thức tính số tiền cho vay của chương trình.
Ông Biden cũng loại bỏ các hạn chế ngăn cản các tiểu thương có tiền án nhưng không phải án gian lận được cứu trợcũng như điều khoản ngăn các tiểu thương không trả đúng hạn khoản vay thời học đại học xin cứu trợ.
Ngoài ra, ông cũng cố gắng giúp những người có thẻ xanh hoặc có thị thực dễ dàng nhận được viện trợ hơn. Giới chức cho biết các tiểu thương cư dân hợp pháp ở Mỹ chưa có mã số thuế có thể sử dụng Mã số nhận dạng nộp thuế cá nhân (ITN) để đăng ký.
Chương trình PPP đã được rót 284 tỷ đô la cho các khoản vay dành cho tiểu thương trong khuôn khổ gói cứu trợ trị giá 900 tỷ đô la được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái và được khởi động lại vào ngày 11/1.
Giới chức Mỹ cho biết trong tháng đầu tiên mở lại, Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ, tức SBA, đã phê duyệt khoảng 134 tỷ đô la các khoản vay không hoàn lại cho khoảng 1,8 triệu doanh nghiệp nhỏ với số tiền vay trung bình khoảng 74.000 đô la. Khoảng 80% các khoản vay này là dành cho các tiểu thương thuê mướn ít hơn 10 nhân viên.
Nếu được thông qua, gói cứu trợ mới nhất trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Biden, vốn sẽ được biểu quyết tại Hạ viện vào cuối tuần này, cũng sẽ cộng thêm 7 tỷ đô la nữa vào chương trình PPP.
Chương trình Bảo vệ Tiền lương đã được các nhà lập pháp ở cả hai đảng ủng hộ và ông Biden đã cố gắng đánh vào điều này để vận động cho gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ đô la của ông.
‘Rất có lợi cho người Việt’
Trao đổi với VOA từ bang Texas, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về Quản lý, nhận định rằng chương trình ‘rất có ý nghĩa với các tiểu thương’ và ‘đặc biệt có ích cho các tiểu thương gốc Việt’.
“Tiểu thương chiếm trên 50% công ăn việc làm ở Mỹ, trong số đó, số tiểu thương cực nhỏ với quy mô ít hơn 20 nhân viên chiếm 98% tổng số tiểu thương ở Mỹ,” ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, trong gói cứu trợ PPP lần đầu hồi tháng Ba năm ngoái, có ‘chưa tới 50% tiểu thương được cứu trợ’, theo lời ông. “Số tiểu thương thuộc các sắc dân thiểu số hay ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhận được cứu trợ còn ít hơn nữa,” ông nói.
Theo giải thích của ông thì nguyên do là những hạn chế như những người có tiền án, những người chưa trả hết nợ sinh viên thì không được vay. Bên cạnh đó, có nhiều tiểu thương thuộc sắc dân thiểu số không rành tiếng Anh, không nắm thủ tục giấy tờ nên họ thấy rắc rối quá nên họ ‘thôi, không xin’. Ngoài ra, ở những vùng xa xôi, các nhà băng không mặn mà gì với việc cho các tiểu thương vay.
Một lý do rất quan trọng nữa vốn dính đến nhiều tiểu thương gốc Việt là họ đa phần không có nhân viên chính thức, mà thuê mướn theo kiểu thời vụ và trả lương bằng tiền mặt nên không có hồ sơ giấy tờ chứng minh số tiền mà họ bỏ ra để trả lương để dùng làm cơ sở tính số tiền được vay, Giáo sư Lộc giải thích thêm.
Khi đó, họ phải dựa trên lợi nhuận ròng, tức ‘net profit’, sau khi trừ hết chi phí để làm cơ sở xin vay nên số tiền được vay ‘rất ít’.
Tiến sĩ Lộc nhận định rằng với những thay đổi này, chính quyền Biden đang nhằm giúp đỡ các tiểu thương yếu thế nhất, những người mà theo ông ‘chủ yếu là doanh nghiệp gia đình, vợ chồng con cái ra làm ăn cùng với một vài người bạn’.
“Những người này hiện giờ sống qua ngày. Phần lớn họ đã khánh tận rồi,” ông cho biết.
Ông nhìn nhận cộng đồng người Việt sẽ hưởng lợi rất nhiều từ những thay đổi trong gói PPP này vì đặc thù của người Việt là làm ăn nhỏ, chủ yếu mở nhà hàng, tiệm tóc, tiệm làm móng, thuê mướn chưa tới 20 người và trả lương bằng tiền mặt.
“Điều quan trọng là phải nhờ văn phòng dịch vụ điền hồ sơ xin vay cho nếu mình không rành tiếng Anh hay thủ tục giấy tờ,” Tiến sĩ Lộc khuyên và cho biết thủ tục xin vay ‘rất đơn giản’.
Do thời gian để xin gấp gáp, chỉ có hai tuần, nên ông kêu gọi các tiểu thương người Việt tranh thủ nộp hồ sơ xin vay. Nếu thiếu giấy tờ gì ‘thì cứ nộp trước cho đúng hạn rồi sẽ bổ sung sau’.
“Không nhất thiết phải xin vay ở ngân hàng của mình. Đôi khi ngân hàng của mình là những nhà băng lớn họ không ưu tiên cho tiểu thương vay. Mình nên đi những ngân hàng rất nhỏ thì họ làm nhanh hơn,” ông nói.
Hôm 25/2, khi được hỏi “có hay không việc Việt Nam tiến hành vụ việc bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức theo chuyên án mang bí số VT17 như báo chí nước ngoài loan tin, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên mà chỉ nói chung chung về vụ án này. Một ít trang báo của Việt Nam có đăng tin về phát biểu của người phát ngôn nhưng ngay sau đó đã đồng loạt gỡ bài.
Ngay sau cuộc họp báo chiều ngày 25/2, trang Thanh Niên và trang Sputniknews dẫn lời Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được đưa ra xét xử công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đang trong quá trình thi hành án theo như bản án, phán quyết của tòa án.”
XEM THÊM: Việt Nam ‘lên án’ Slovakia vì trục xuất nhà ngoại giao liên quan vụ bắt cóc
Trong bản tin có tựa đề “Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi có hay không việc ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh?” báo Thanh Niên cho biết rằng phóng viên của Thông tấn xã Đức DPA đã đặt câu hỏi về việc Đài Phát thanh và truyền hình nhà nước Slovakia RTV hôm 23/2 đã phát bản tin về việc mà họ cho là liên quan đến chuyên án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mang bí số VT17.
“Xin người phát ngôn xác thực và bình luận những thông tin mà Đài truyền hình Nhà nước Slovakia và Nhật báo Taz của Đức đăng tải. Có hay không việc Việt Nam tiến hành vụ việc bắt cóc như cáo buộc?”, báo Thanh Niên dẫn lời đại diện DPA hỏi.
“Theo phóng viên này, trong bản tin kể trên nêu thông tin về việc 12 cán bộ của Bộ Công an Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng huân chương vào mùa hè năm 2020” trang Thanh Niên viết.
Bài báo của Vietnam Finance được VOA chụp trước khi bị gỡ, ngày 26/2/2021. |
Tuy nhiên, vài giờ sau thì bản tin này của báo Thanh Niên đã bị gỡ xuống. Một số ít các trang báo khác của Việt Nam như trang Khoa học và Đời sống hay Vietnam Finance có đăng tin, nhưng đến chiều ngày 26/2 thì cả hai trang này cũng đã gỡ bài.
Nhưng họ trả lời như vậy thì gần như là lãng tránh câu hỏi...Họ nói như vậy có nghĩa là họ không bác bỏ cũng không nhận. |
---|
Nhà báo Lê Trung Khoa |
Từ Đức, nhà báo Lê Trung Khoa nêu nhận định với VOA về phản ứng của Việt Nam trước câu hỏi của DPA.
“Phản ứng của phía Việt Nam đối với những thông tin - đầu tiên do Đài truyền hình Slovakia đăng tải hôm 23/2, và tờ báo Taz đăng tải hôm 24/2 với thông tin chi tiết và nhiều tình tiết mới – thì Việt Nam đã phải trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Đức DPA. Nhưng họ trả lời như vậy thì gần như là lãng tránh câu hỏi, không trả lời trực tiếp mà chỉ nhắc lại những việc họ đã nói trước đó.
“Họ nói như vậy có nghĩa là họ không bác bỏ cũng không nhận.
“Với cách trả lời như vậy là không hợp lý và phóng viên cũng không có thêm thông tin gì mới, nhưng điều này chứng tỏ rằng khi Việt Nam càng lãnh tránh vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chuyên án VT17 thì họ càng gặp rắc rối và khó khăn với Đức, Slovakia và cả Liên minh châu Âu.”
Hôm 24/2, báo Taz đăng bài “Những kẻ bắt cóc được Hà Nội vinh danh” trong đó với về 12 mật vụ và cán bộ an ninh của Bộ Công an Việt Nam được tặng huân chương vào tháng 7/2020 do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký duyệt do hoàn thành chuyên án VT17.
Nhà báo Lê Trung Khoa nhận định:
“Sau vụ án bắt cóc diễn ra vào tháng 7/2017 phía Việt Nam luôn từ chối việc bắt cóc và nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú. Nhưng 17 phiên tòa tại Berlin với những bằng chứng chi tiết và cả các nhân chứng đã xác nhận rõ đây là vụ bắt cóc do mật vụ Việt Nam tổ chức mang cấp nhà nước.
“Họ đã trao tặng huân chương chiến công hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cho 12 sĩ quan an ninh, tình báo Việt Nam. Có thể nói đây là sự khiêu khích và gây sự khó chịu rất lớn cho các nước như Đức, Slovakia, nơi trực tiếp xảy ra vụ việc này.”
Phía Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc trên một con phố ở thủ đô Berlin và được chở qua Slovakia, sau đó mang về Việt Nam bằng máy bay mượn của Slovakia để đưa sang Nga, từ đó đem về Hà Nội, nơi ông bị xét xử và kết án tù chung thân vào năm 2018 vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Nhật báo Taz của Đức hôm 24/2 đăng thông tin phát hiện mới về bí số VT17 cho vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức. Tờ báo này dẫn lời một phóng viên Slovaki RTV nói: “Kể từ khi mã bắt cóc VT17 được biết đến, các cơ quan an ninh Slovakia và Đức cũng đã có những cách tiếp cận điều tra mới”.
Một bức ảnh về những kẻ bị cho là đã tấn công người nước ngoài, do nạn nhân chụp ở Tây Hồ, Hà Nội. |
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 25/2 cho hay bộ này đã làm việc với Đại sứ quán Anh và các bên liên quan khác để giải quyết mối quan ngại do đại sứ quán nêu lên về nạn sàm sỡ người nước ngoài gia tăng ở Hà Nội.
Như VOA đã đưa tin, Đại sứ quán Anh đăng lên trang Facebook chính thức của họ hôm 17/2 lời cảnh báo rằng họ nhận thấy gần đây có sự gia tăng mạnh về số lượng các trình báo về các vụ tấn công, bao gồm cả các vụ hiếp dâm hay tấn công tình dục, xảy ra với người nước ngoài ở thủ đô của Việt Nam.
Trong một cuộc họp báo hôm 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: “Về việc này, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội để làm rõ nội dung thông báo của Đại sứ quán”, theo tường thuật của Zing News, VOV và Thanh Niên.
“Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin và cùng phối hợp để xử lý các vụ việc như Đại sứ quán Anh nêu”, vẫn lời bà Hằng, được các báo dẫn lại.
Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn coi trọng công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho người dân trong nước, cũng như cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bản tin của Zing News, VOV và Thanh Niên cho hay.
Trong lời cảnh báo đăng lên hồi tuần trước, Đại sứ quán Anh cố gắng làm yên lòng các công dân của họ với thông điệp: “Chúng tôi nghiêm túc tiếp nhận bất cứ trình báo nào về các vụ hiếp dâm hoặc tấn công tình dục và xử lý chúng một cách đáng tin cậy. Công dân Anh quốc có thể gọi điện để nhận sự trợ giúp của chúng tôi bất cứ lúc nào, dù là ngày hay đêm”.
Cơ quan đại diện ngoại giao của Anh viết thêm rằng nếu các nạn nhân liên lạc, phía đại sứ quán sẽ kiên nhẫn lắng nghe một cách tế nhị và không phán xét. “Bất cứ điều gì bạn nói với chúng tôi đều được giữ bí mật tối đa. Chúng tôi có thể liên lạc với gia đình và bạn bè của bạn nếu bạn muốn”, Đại sứ quán Anh cho biết.
Đại sứ quán Anh cảnh báo về số vụ tấn công người nước ngoài tăng mạnh ở Hà Nội ; 17/2/2021 |
Trong số những ý kiến được bày tỏ bên dưới bài đăng của đại sứ quán, một người có tên là Orlando CR viết rằng các vụ tấn công đang gia tăng và một số nạn nhân nói rằng không có sự trợ giúp nào để đảm bảo rằng cảnh sát Hà Nội thực sự lấy lời khai, ngay cả khi các nạn nhân cố gắng khai báo trực tiếp, có phiên dịch riêng của họ đi cùng.
Orlando CR đề nghị Đại sứ quán Anh quan tâm và hành động nhiều hơn sau khi các vụ việc xảy ra, ví dụ như cử đại diện của đại sứ quán đến gặp cảnh sát quận Tây Hồ, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống, để bàn về các biện pháp có thể áp dụng, giúp cho khu vực này an toàn hơn và đưa thủ phạm ra trước công lý.
“Đến nay, thiếu vắng những hành động đủ mạnh chỉ đơn thuần càng làm cho thủ phạm thêm táo tợn và chúng thấy yên tâm rằng các vụ tấn công người nước ngoài thậm chí còn chẳng bị điều tra, nói gì đến chuyện bị trừng trị”, Orlando CR bày tỏ lo ngại.
Thanh Niên và Kenh14.vn đăng các bài tường thuật hôm 25/2 dẫn lời một số nạn nhân kể về việc họ bị tấn công.
Bản tin của Thanh Niên có đoạn: “Thời gian gần đây, một số thanh niên bịt khẩu trang, đi xe che biển số quanh khu vực hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã có hành vi sàm sỡ nhiều phụ nữ nước ngoài và những bạn trẻ người Việt. Chưa dừng lại ở đó, những thanh niên này còn dùng thắt lưng vụt, ném gạch vào người các nạn nhân”.
Bài báo cho biết thêm rằng sự việc xảy ra khiến nhiều phụ nữ nước ngoài “không dám ra đường vào buổi tối”.
Theo thông tin từ các nạn nhân, có các thanh thiếu niên khoảng từ 15-20 tuổi, đi theo tốp từ 2-10 người trên những xe máy che biển số và chọn những phụ nữ trẻ nước ngoài để sàm sỡ, vẫn báo Thanh Niên cho biết.
Thanh Niên và Kenh14.vn nói “hành vi sàm sỡ và tấn công người nước ngoài ở khu vực Hồ Tây đã diễn ra rất nhiều lần với số lượng nạn nhân lên đến hàng chục người trong suốt hai tháng đầu năm 2021”.
Hai cơ quan báo chí này cho hay công an tại địa phương “đã nắm bắt thông tin và đang khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh”.
Cụ thể, theo Thanh Niên, công an phường Quảng An, quận Tây Hồ, cho biết hôm 25/2 rằng đã có 3 phụ nữ ngoại quốc đến trình báo về việc bị nhóm thanh niên sàm sỡ khi đi dạo quanh hồ Tây.
“Công an phường Quảng An đã xác minh được một số đối tượng nghi vấn và đang đấu tranh, làm rõ sự việc để xử lý theo quy định”, theo tin của Thanh Niên.
Xem thêm: Người Việt nhỏ: Sứ quán Anh: Số vụ tấn công người nước ngoài tăng ở Hà Nội
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Biden. |
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 24/2 tuyên bố “đặt nhân quyền làm trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ” trong bối cảnh có lời kêu gọi chính quyền Biden “sử dụng các đòn bẩy khác nhau” để yêu cầu Việt Nam chấm dứt “các vi phạm nhân quyền”.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Blinken nói rằng “Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới mà nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ [nhân quyền] được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền bị quy trách nhiệm”.
Nhà ngoại giao cũng đề cập tới việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền trên toàn thế giới.
Ông Blinken nói: “Tổng thống Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất các giá trị dân chủ với sự lãnh đạo về ngoại giao, và một chính sách tập trung vào việc bảo vệ dân chủ và nhân quyền”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch, tổ chức có trụ sở ở New York từng nhiều lần chỉ trích Việt Nam, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng tuyên bố của ông Blinken “là một bước tiến lớn” và “phản ánh một quyết định hết sức quan trọng của chính quyền Biden” liên quan tới việc “thúc đẩy những giá trị cốt lõi của Mỹ”.
Ông Robertson nhận định thêm rằng tới nay, so với chính quyền Trump, chính quyền Biden “khác một trời một vực” về vấn đề nhân quyền, và rằng Việt Nam phải nhận ra là Mỹ sẽ không “làm ngơ” trước “các vi phạm nhân quyền” của chính quyền Hà Nội.
Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch cũng kêu gọi chính quyền Biden “tích cực điều tra các hành vi vi phạm quyền ở Việt Nam, lên tiếng phản đối và sử dụng các đòn bẩy khác nhau để yêu cầu Hà Nội chấm dứt các hành vi vi phạm”.
Hai ngày sau khi Việt Nam thông báo ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền hôm 22/2, Hoa Kỳ cũng thông báo chạy đua giành lại một ghế tại cơ quan của Liên Hợp Quốc mà chính quyền Trump đã từ bỏ.
Trong tuyên bố được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loan tải, Ngoại trưởng Blinken cho biết rằng phía Mỹ thừa nhận còn tồn tại “các thách thức” tại Hội đồng Nhân quyền, trong đó có vấn đề quy chế thành viên vẫn “cho phép các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ chiếm những ghế mà họ không xứng đáng”.
Trong một báo cáo về Việt Nam ra ngày 16/2, CRS, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, dẫn lời “nhiều nhà quan sát” nói rằng “trong vòng vài năm qua, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến và người biểu tình đã trở nên tồi tệ hơn, và chính phủ đã tăng cường năng lực pháp lý và công nghệ để giám sát các hoạt động của công dân Việt Nam trên mạng xã hội”.
CRS nhận định thêm rằng “dù Chính quyền Trump vẫn tiếp tục đối thoại nhân quyền song phương hàng năm và chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều báo cáo hàng năm và các tuyên bố, nhưng dường như chính quyền Trump đã không dành ưu tiên cao cho nhân quyền trong cách tiếp cận tổng thể đối với Việt Nam”.
VOA Việt Ngữ chưa thấy chính quyền Hà Nội phản ứng về phúc trình của CRS, nhưng tháng Ba năm ngoái từng lên tiếng về báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó Bộ này nói là Việt Nam “bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền” hay “can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình [ôn hòa] và tự do lập hội”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam".
“Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam”, bà Hằng nói thêm, theo truyền thông trong nước.
Nguyễn Bá Trạc
25-2-2021
Nạn nhân, ca sĩ Văn Quân, tức Nguyễn Tuấn Hùng, trước và sau khi bị tấn công. Nguồn: Nguyễn Bá Trạc |
Em ruột tôi, ca sĩ Văn Quân (Nguyễn Tuấn Hùng), 66 tuổi, bất ngờ và vô cớ bị hung thủ tấn công trong lúc đi dạo ở một công viên gần nhà tại trung tâm thành phố San Jose, California lúc 8 giờ chiều 17/8/2020. Thương tích trầm trọng: Xuất huyết não, gẫy xương sườn, đứt võng mạc, được đưa vào chữa trị tại Bệnh Viện Regional Medical Center ở San Jose.
Sức khỏe em tôi đã dần dần bình phục nhưng hoàn toàn không nhớ, không biết gì sự việc xẩy ra, không biết chi tiết nào về hung thủ, vì bất ngờ bị tấn công là bất tỉnh. Chỉ nhờ có người thấy nằm trên đường, gọi cảnh sát kêu xe cứu thương đến chở vào bệnh viện mà sống sót.
Hôm nay, thấy đài truyền hình Nhật NHK vừa tường thuật: “Những vụ tấn công người gốc Á Châu ở Mỹ hiện đang tăng cao”.
Nhưng các cơ sở truyền thông khác như NBC, CBS, ABC, CNN, Washington Post, ngay cả Fox News … suốt hai tuần nay thấy đều đã loan tin: “Người Mỹ gốc Á Châu ngày càng trở thành mục tiêu bị nhắm đến kể từ khi bắt đầu đại dịch”.
Mấy tuần gần đây, đã xẩy ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào người gốc Á và người Mỹ gốc Á, mặc dù cảnh sát Mỹ không xác nhận chủng tộc nào đóng vai trò trong các vụ tấn công.
Một ông 84 tuổi người Thái Lan đã chết vào cuối tháng Giêng sau khi bị tấn công khi đi dạo trong buổi sáng ở San Francisco. Vài ngày sau, một người đàn ông châu Á 91 tuổi bị xô ngã xuống đất tại khu phố Tàu ở Oakland. Đầu tháng Hai, một phụ nữ 64 tuổi bị cướp bên ngoài một khu chợ Việt Nam ở San Jose, California. Cũng trong tuần này, một người đàn ông Philippines, 61 tuổi, đã bị chém vào mặt trên tàu điện ngầm ở thành phố New York.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Hoa Kỳ, đã có rất nhiều báo cáo về các trường hợp tấn công bài ngoại nhắm vào người châu Á.
Tổ chức “Stop AAPI Hate”(‘Ngưng căm ghét người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương’) bắt đầu thu thập các báo cáo về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á vào tháng 3 năm 2020. Cuối năm đó, họ đã nhận được hơn 2.800 báo cáo trực tiếp về sự căm ghét chống người châu Á.
Các tổ chức khác cũng đã chứng kiến mức gia tăng đột biến tương tự.
Tổ chức “Asian Americans Advancing Justice” cho biết: Từ 2017 đến 2019, chỉ ghi nhận chưa tới 500 trường hợp. Nhưng từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2020 vừa qua đã ghi nhận tới 3.000 trường hợp tội ác nhắm vào những người gốc Á Châu nói chung tại Mỹ.
Trong thực tế, con số có thể cao hơn nhiều.
Đã đến lúc cần hiểu tại sao Ben Suarato, Giám đốc truyền thông của Ủy Ban Người Mỹ gốc Á Châu – Thái Bình Dương, kêu gọi công chúng và các thành viên Quốc hội Mỹ: “Không nên sử dụng những chữ ‘Cúm Tầu’ hay ‘virus Trung Quốc’.”
Tại sao?
Đến hôm nay tại Mỹ đã có trên 28 triệu người nhiễm bệnh, hơn nửa triệu người thiệt mạng.
Với con số dịch bệnh và tử vong ấy, cộng với tình trạng cách ly, khóa cửa, kinh tế suy thoái, thất nghiệp… thì những kẻ đau đớn vì “cúm Tầu” có thể – bất kể – và bất ngờ – nổi cơn tấn công – bất cứ – một người gốc Á Châu nào.
Họ không thể phân biệt được người Thái với người Phi, người Nhật với người Tầu hay người Việt.
Nói cho ngay như tôi gặp bạn trên đường đi, mà bạn không nói chuyện, thì tôi cũng không biết bạn là người gì, nhất là nếu bạn lại là người họ Vưu, họ La, họ Thái… gốc Minh Hương ở Hội An, hay gốc người Tiều ở Lục Tỉnh.
Nhiều tổ chức giáo dục ở Mỹ cũng đang tỏ ra quan tâm đến việc này. Họ muốn bảo vệ cho con cháu chúng ta.
Hình ảnh do camera an ninh ghi lại cho thấy một cụ ông 91 tuổi bị xô xuống đất ở Phố Tàu, thành phố Oakland |
Trước tình trạng hành động kỳ thị nhằm vào cộng đồng gốc Á ở Mỹ gia tăng, có người gốc Việt cho rằng đó là ‘hậu quả của luận điệu kỳ thị của cựu Tổng thống Donald Trump’ nhưng cũng có người nói rằng đó là do ‘trình độ nhận thức của người kỳ thị’.
Một loạt các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ gốc Á đã một lần nữa đặt nạn kỳ thị ở Mỹ vào tâm điểm chú ý trong bối cảnh chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đang leo thang và hố chia rẽ sắc tộc ngày càng khoét sâu.
Kể từ khi đại dịch bùng nổ vào mùa xuân năm ngoái, Người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với bạo lực kỳ thị với tỷ lệ cao hơn nhiều những năm trước. Tờ Time dẫn lời Sở Cảnh sát New York cho biết các tội thù hận với động cơ là tâm lý bài người gốc Á đã tăng 1.900% ở New York vào năm 2020.
Trong một đoạn băng do camera an ninh ghi lại vào ngày 28/1, ông cụ Vicha Ratanapakdee 84 tuổi bị xô ngã xuống đất khi đang đi dạo ở San Francisco vào buổi sáng và qua đời hai ngày sau đó. Ngoài ra, một bà cụ 64 tuổi người Việt bị hành hung và cướp ở San Jose, một ông 61 tuổi người Philippines bị người khác dùng dao rọc giấy rạch mặt trên tàu điện ngầm ở New York.
‘Mấy người mang China virus’
Từ Phoenix, bang Arizona, chị Lan Hoàng, một bà mẹ có ba con nhỏ và hiện đang phụ quản lý phòng mạch của chồng, kể với VOA về một lần chị bị “hất hủi” từ sau khi mọi người nói về ‘China virus’.
Theo lời chị thì chị thường đi tới đi lui giữa Phoenix và Newport Beach, một khu nhà giàu ở bang California, nơi chị cũng có nhà và chị thường dẫn các con đi dạo ở bãi biển Laguna mà ‘từ trước đến giờ mười mấy năm chưa gặp chuyện gì ở đó hết’.
“Lần đo tôi dắt ba đứa con đi xuống dưới đó ăn. Mấy mẹ con đang đi trên hè phố thì có một bà vô gia cư da trắng thấy mình đi qua, bả lấy chai gì đó xịt trên vỉa hè và nói rằng ‘mấy người này có China virus’,” chị Lan kể.
Theo lời chị thì lúc đó chị ‘rất tức giận nhưng vì có con nhỏ đi theo nên không muốn đôi co’. “Các con tôi chứng kiến chuyện đó, tụi nó còn nhỏ, tụi nói không cần chứng kiến sự kỳ thị như vậy,” chị nói.
“Mấy đứa nhỏ hỏi tôi là tại sao bà đó làm như vậy, mình đâu có virus đâu,” chị nói thêm và cho biết giải thích với các con rằng ‘bà ấy có vấn đề tâm thần nên mình phải thông cảm và bỏ qua’.
Khi chị biết được câu chuyện về ông cụ gốc Thái bị xô xuống đường đến chết, chị Lan nói ‘rất tức giận’ vì ‘mình đã ở thế kỷ 21 rồi mà còn xảy ra chuyện kỳ thị như vậy’.
Sau lần đó, chị giải thích cho các con hiểu sự kỳ thị là thế nào: “Tôi nói với các con là sẽ có những người không hiểu tại sao họ lại ghét mình chỉ vì bề ngoài của mình thôi. Điều đó không đúng. Nếu sau này các con lớn lên mà thấy như vậy thì cần lên tiếng để bảo vệ những người bị kỳ thị.”
Chị Lan Hoàng nói mặc dù người Việt nói riêng và người châu Á nói chung thường ‘chọn im lặng, nhẫn nhịn’ trước sự kỳ thị nhưng chị cho rằng ‘cần phải lên tiếng’.
“Càng có nhiều người lên tiếng về việc này thì sẽ giúp nâng cao nhận thức của người Mỹ để cho nhiều người lên tiếng bảo vệ những người bị kỳ thị,” chị phân tích.
Do ông Trump?
Theo nhận định của tờ Washington Post, các cuộc tấn công nhằm vào người gốc Á xảy ra sau nhiều tháng có những cảnh báo về lời lẽ chống Trung Quốc của cựu tổng thống Donald Trump xung quanh đại dịch virus corona.
Trong nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách đổ lỗi việc xử lý của ông trước đại dịch cho Trung Quốc và sử dụng ngôn ngữ bài ngoại và phân biệt chủng tộc để nhắc đến con virus này trên mạng xã hội, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, tại các cuộc vận động tranh cử và các cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng.
Mùa thu năm ngoái, FBI ghi nhận 7.314 hành động hằn thù trên toàn quốc vào năm 2019, nhiều nhất trong một thập kỷ.
Từ thành phố San Jose thuộc Vùng Vịnh, ông Phạm Hoài Bắc, người từng làm quản lý cho các hãng xưởng công nghệ cao, hiện đã về hưu, từng nói với VOA rằng sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden cấm gọi ‘China virus’ là ‘điều hết sức đúng đắn’.
Ông Bắc cho rằng mặc dù sự kỳ thị ‘ở quốc gia nào cũng có, thời nào cũng có’ nhưng ‘phát triển mạnh mẽ dưới thời ông Trump. Theo ông thì có những nhóm theo chủ thuyết da trắng thượng đẳng như Proud Boys hay KKK ‘luôn chờ cơ hội được khuyến khích để ra mặt’.
Theo lời ông thì tình trạng kỳ thị ở Mỹ đã diễn ra từ lâu. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Mỹ, ông Bắc cho rằng cùng điều kiện như nhau thì người da trắng ‘luôn được ưu tiên cất nhắc hơn các sắc dân khác’ và cho ‘đây là luật bất thành văn ở các hãng xưởng’.
Ông Bắc chỉ trích những người Việt đi biểu tình ủng hộ ông Trump ở thủ đô Washington D.C. đã chụp hình chung với nhóm Proud Boys vốn khét tiếng kỳ thị. “Họ biết đó là tổ chức kỳ thị chứ nhưng có lẽ họ hãnh diện vì không bị tổ chức đó kỳ thị và cho rằng họ đã được nhập vào dòng chính,” ông nói.
“Đó là điều rất đáng xấu hổ và đáng tội nghiệp cho những người gốc Việt đó vì họ đang là người bị Proud Boys kỳ thị.”
Do nhận thức?
Từ New York, một trong những thành phố đa sắc tộc nhất ở Mỹ, ông Diệu Lê, một người môi giới bất động sản, cho VOA biết ‘ông không hề gặp kỳ thị cũng như nghe nói có người trong cộng đồng gốc Việt bị kỳ thị’ trong những tháng gần đây.
“Hồi năm trước khi bắt đầu xảy ra dịch thì có nghe một vài vụ kỳ thị nhưng sau đó thì không xảy ra nữa,” ông nói thêm và cho biết bản thân ông đã từng bị gọi là ‘bọn Chino’ một cách ác ý.
Không giống như ông Bắc, ông Diệu bác bỏ sự kỳ thị dâng cao này ở Mỹ có liên quan đến cựu Tổng thống Trump: “Nếu ông Trump mà tỏ ra kỳ thị thì người Việt Nam mình đã không bầu cho ông ấy rồi.”
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ‘bản thân người Việt Nam cũng có tâm lý kỳ thị lẫn nhau’ và việc này là ‘do nhận thức của họ’.
“Người có trình độ nhận thức cao thì ít kỳ thị, còn người có văn hóa thấp thì kỳ thị nhiều hơn,” ông diễn giải. “Nói chung những người tiếp xúc nhiều thì ít có phân biệt.”
Do đó, ông cho rằng để tránh khỏi thái độ kỳ thị thì ‘phải mở rộng tầm nhìn để thấy ở đâu cũng có người tốt, người xấu’.
Khi được hỏi về những chính sách chống kỳ thị của chính quyền Joe Biden, ông Diệu bày tỏ thái độ thận trọng: “Tôi vẫn đang nhìn, bởi vì có những điều ông Biden nói là một chuyện còn những gì ông ấy làm tôi thấy hơi khác một chút."
WASHINGTON, DC (NV) – Cùng với nhiều quốc gia khác, thì tại Việt Nam, hai khu chợ nổi tiếng là chợ Bến Thành (Sài Gòn) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội), cùng ba website là shopee.vn, phimmoi và phimmoizz bị Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ (USTR) liệt vào danh sách vi phạm bản quyền và buôn bán hàng giả.
Danh sách này vừa được USTR đưa ra trong báo cáo về các chợ phi pháp mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và đánh cắp bản quyền năm 2020, trong đó khẳng định: “Ngày nay, nguy cơ lớn nhất của việc nhập cảng hàng giả và hàng vi phạm bản quyền, gây hại cho cả các nhà sáng chế và người tiêu dùng Mỹ, không những chỉ đến từ các chợ trời và trang web ở ngoại quốc mà còn đến từ các công ty thương mại trong nước Mỹ đã tiếp thị và bán tại thị trường các tiểu bang.”
Chợ Bến Thành. (Hình minh hoạ: Wikipedia.org) |
Sau đây là những báo cáo của USTR về thị trường mạng và thực tế buôn bán hàng giả và ăn cắp bản quyền ở Việt Nam:
Chợ Bến Thành
Chợ này ở Sài Gòn, vốn là nơi thu hút khách du lịch, nơi cung cấp nhiều loại hàng hóa giả mạo bao gồm những món từ thực phẩm và đồ lưu niệm sản xuất tại địa phương đến quần áo, giày dép, đồ lót và mỹ phẩm, phần lớn trong số đó được báo cáo là hàng giả.
Theo báo cáo, có ít cuộc thanh tra khu chợ này vào năm 2020 so với năm 2019.
Truyền thông địa phương chỉ đưa tin một cuộc đột kích trong năm nay, trong đó thu giữ 1,276 mặt hàng với tổng giá trị khoảng $5,000.
Vụ tịch thu này dường như chưa tương xứng với tình trạng bán hàng giả và hàng nhái tại khu chợ này, nên người kinh doanh hàng giả vẫn bình chân như vại.
Chợ Đồng Xuân
Đồng Xuân là một khu chợ nằm trong khu phố cổ của Hà Nội, những người bán hàng ở đây bán nhiều loại hàng hóa, bao gồm cả quần áo, giày dép, đồ lót và mỹ phẩm bị làm giả.
Theo báo cáo, ngày càng ít người dân địa phương mua sắm hàng hóa vi phạm tại chợ này do đời sống được nâng cao và thị hiếu của người tiêu dùng địa phương thay đổi.
Tuy nhiên, theo USTR, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở khu chợ này.
Chợ Đồng Xuân. (Hình minh hoạ: Wikipedia.org) |
Phimmoi
Nói về trang phimmoi, báo cáo cho biết đây là một trang mạng phát hàng ngàn bộ phim của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, mà không trả bản quyền.
Vào Tháng Tám, 2019, các chủ bản quyền đã nộp đơn kiện đối với những người điều hành trang web này với 25 cơ quan luật pháp của Việt Nam, mà sau đó nhà chức trách đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức về các hoạt động của trang web này.
Tuy nhiên, vào Tháng Sáu, 2020, các nhà chức trách Việt Nam đã đình chỉ điều tra mà không rõ lý do.
Theo các chủ bản quyền, tên miền phimmoi.net bị chính phủ Việt Nam chặn, sau đó phần lớn nội dung được chuyển sang tên miền phimmoizz.net, được cho là do cùng một chủ sở hữu điều hành.
Tên miền mới này vẫn là một trong những trang web phổ biến nhất tại Việt Nam.
Shopee
Theo báo cáo, Shopee là một thị trường thương mại điện tử trực tuyến và di động có trụ sở tại Singapore với các nền tảng tập trung ở khu vực Đông Nam Á và Brazil.
Shopee có trang web tên miền ở Việt Nam.
Mức độ hàng giả được được bán trên tất cả các nền tảng của Shopee hiện ở mức rất cao.
USTR cáo buộc Shopee không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba. Đặc biệt là không có công cụ ngăn chặn những cá nhân, tổ chức từng bị phát hiện vi phạm. Shopee chỉ đóng tài khoản những người bán hàng giả sau nhiều lần vi phạm. (MPL) [qd]
Ngô Hoàng Minh
Gửi bài từ Warsaw, Ba Lan
TRAN TRONG HUNG. Một buổi họp của Ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 của Cộng đồng người Việt ở Ba Lan |
Họ tên người Việt có vấn đề gì không? Câu chuyện này đang rộ lên trên mạng xã hội ở Warsaw, nơi tôi sinh sống.
Câu trả lời là hoàn toàn không!
Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang sinh sống trong một thế giới phẳng, thời buổi toàn cầu hóa, tức là người Việt không chỉ sinh sống ở tổ quốc của mình, mà còn đi du lịch và và thậm chí quyết định sinh sống nhiều nơi khác trên thế giới.
Mà đi ra nước ngoài thì bạn sẽ gặp chuyện liên quan đến giấy tờ, thủ tục xin visa hoặc thẻ cư trú (tạm cư hoặc định cư) ở quốc gia khác.
Phải công nhận rằng mỗi một quốc gia đều có cách nhìn nhận riêng và có những phong tục tập quán riêng của mình. Làm thế nào để công dân không gặp nhiều khó khăn khi mỗi quốc gia có những cách nhìn nhận khác nhau trong mọi số liệu cá nhân?
Suy nghĩ về Họ và Tên chỉ đến khi ra nước ngoài
Xin kể về bản thân trước đã. Ngay từ hồi còn cắp sách tới trường, tôi đã quen thuộc với các số liệu ghi ở Việt Nam trong tất cả các giấy tờ của tôi, tức là nếu cần ghi họ và tên thì tôi có thể viết luôn "Ngô Hoàng Minh" mà chẳng cần phải lăn tăn gì.
Gia đình và bạn bè gọi tên tôi là "Minh", vậy thì cứ nghiễm nhiên chấp nhận như vậy.
Khi sang Ba Lan du học, lúc khai họ tên thì tôi cứ tưởng mọi chuyện sẽ dễ dàng mà hóa ra là không phải. Vì ở Ba Lan người ta lại ghi là "tên và họ", chứ không phải là "họ và tên". Người ta cũng hoàn toàn không có khái niệm về tên đệm hay chữ đệm.
Trong học bạ ở trường đại học, tôi đã ghi tên trước (theo phong tục và pháp luật Ba Lan), tức là Minh, mà chẳng quan tâm gì đến tên đệm, vậy là nghiễm nhiên trong tấm bằng Ba Lan của tôi họ ghi số liệu là Minh Ngô Hoàng.
Khi thành lập gia đình, ở Ba Lan có phong tục giống như ở Việt Nam là con cái sẽ mang họ của cha. Khi đó tôi mới nghĩ lại, nếu các con mình mang họ Ngô Hoàng thì sẽ không khớp với cả tộc nhà mình, vì cha tôi không có họ như vậy. Tôi biết họ của tôi là họ Ngô, vì cha tôi cũng chỉ có họ Ngô, chứ không phải là Ngô Hoàng.
Thậm chí giả sử cha tôi có họ Ngô Hoàng thì các anh chị em trong gia đình tôi lại không có cùng họ này, vì đó là phong tục Việt Nam. Còn theo luật Ba Lan thì tất cả những người con có chung một người cha (anh chị em) thì phải mang một họ giống nhau.
Vậy rất may là tôi đã kịp sửa, ghi họ của dòng tộc nhà tôi chỉ là Ngô. Vậy Hoàng Minh là tên, trong bằng tốt nghiệp đại học đã trót ghi 'sai' thì đành chịu vậy.
Tưởng là đã ổn, vậy mà lại xuất hiện một vấn đề khác: ở Ba Lan người ta có khái niệm tên thứ nhất (tên chính) và tên thứ hai. Trong một số giấy tờ, cơ quan chính quyền ghi họ tôi là Ngô, tên thứ nhất chỉ là Hoàng và tên thứ hai là Minh. Ở quốc gia này chỉ dùng tên thứ nhất, vậy nhiều khi người ta chỉ ghi số liệu của tôi là Hoàng Ngô.
Người Việt Nam vẫn đang gặp nhiều vấn đề
Bây giờ xin kể chuyện làm phiên dịch, lo giải quyết giấy tờ cho nhiều người Việt Nam tại Ba Lan.
Tôi nhận thấy không ít nhân viên các cấp như ủy ban quận, thành phố của Ba Lan cũng khá "bướng". Họ cho là mình đã làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, vậy không cần phải nghe lời ông gốc nước ngoài kia, tức là ông ấy phải nhập gia tùy tục. Khỏi tranh luận nhé! Vậy là nhiều người Việt khốn đốn ở Ba Lan.
Xin lấy ví dụ phụ nữ gốc Việt khi đăng ký giấy tờ Ba Lan, người tên Nguyễn Thị Bích Thủy, thì có họ là Nguyễn, tên thứ nhất bị cho là Thị. Công chức Ba Lan cứ theo hộ chiếu Việt Nam mà ghi 'tên thứ nhất và họ' thành bà Thị Nguyễn, nhiều khi chẳng thấy xuất hiện tên chính của mình là Bích Thủy. Mà Thị tiếng Việt chỉ là chữ đệm, chứ đâu có là tên thứ nhất (tên chính)?
EPA. Truyền thông Ba Lan - ảnh minh họa |
Cũng rất may là tôi có bằng Phiên dịch tuyên thệ, do Bộ Tư pháp Ba Lan cấp. Do vậy nhiều khi các nhân viên chính quyền cũng phải nghe lý lẽ của tôi, mà không bắt tôi phải dịch lại các văn bản của mình theo cách nhìn nhận của các ông bà ấy nữa, bởi vì họ đâu có thông thạo tiếng Việt và biết rõ về các phong tục Việt Nam. Tức là họ không thể yêu cầu tôi phải ghi trong các bản dịch là Nguyễn là họ, Thị là tên 1 và Bích Thủy là tên 2 nữa.
Vậy là sau một thời đấu tranh dài, và để đảm bảo cho quyền lợi của những công dân gốc Việt, một số ủy ban ở Warsaw mới chấp nhận lý lẽ của tôi, phân biệt "Nguyễn" là họ và tất cả các chữ "Thị Bích Thủy" coi như là một tên thứ nhất (tên chính), vì người Việt hoàn toàn không có tên thứ hai.
Một vấn đề nữa là họ kép. Với người Việt Nam mình, nếu gia tộc nào cứ khăng khăng họ mình không phải là Nguyễn, mà có họ kép chẳng hạn là Nguyễn Đình, và tên chỉ có một là Sinh thì cũng không sao. Nhưng nếu sang sống ở châu Âu, con cái của ông họ Nguyễn Đình kia sẽ đều phải mang họ Nguyễn Đình như ông ấy, kể cả con trai lẫn con gái, vì con phải mang họ đúng như của cha. Sẽ có nơi đánh dấu nối Nguyễn-Đình thành một.
Tôi đã phải giải thích và phân bua nhiều với các nhân viên chính quyền ở Ba Lan là các ông bà không nên bực tức với đương sự người Việt, bởi vì nhiều khi chính bản thân họ cũng không biết tách chia đôi tên họ của mình như thế nào cho hợp lý. Lý do là từ khi sinh ra họ đều ghi liền họ và tên trên một dòng nên việc tách làm đôi các số liệu họ tên của họ nhiều khi là một vấn đề rất lớn đối với họ.
GETTY IMAGES. Người Việt Nam sinh sống tại Ba Lan vẫn gặp nhiều vấn đề vì cách ghi họ tên (ảnh minh họa) |
Còn về phía chính quyền Việt Nam, thiết nghĩ các cấp nên nhanh chóng ghi rõ trong giấy tờ hộ tịch, hộ chiếu của công dân mình, đâu là họ và đâu tên, thật rạch ròi. Có vậy thì người dân mới hiểu ra về các số liệu của chính mình, bởi vì khái niệm "tên đệm, chữ đệm" cứ tưởng như là dễ hiểu, mà hóa ra là rất mơ hồ, nhất là khi phải đi ra nước ngoài và phải kê khai số liệu họ tên (tên họ) như các quốc gia khác quy định.
Chưa kể chuyện đã được nêu trên báo chí là cách ghi kèm tiếng Anh trong hộ chiếu Việt Nam 'full name' hoàn toàn không có nghĩa gì khi dịch ra ngoại ngữ. Và ở nhiều nước bên này, chính quyền họ dịch 'full name' thành ra chỉ có tên, không có họ.
Điều quan trọng là nếu chính quyền của tất cả các quốc gia, gồm cả Việt Nam luôn hoạt động vì dân, lo cho dân thì sẽ tìm ra được những giải pháp ưu việt nhất cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là không gây khó cho người dân khi ra nước ngoài.
Thiết nghĩ nếu tất cả những ý kiến (hoặc sáng kiến) của người dân nên được các cơ quan hành chính lưu ý và nếu quy định hiện hành nào trở nên lỗi thời, nhất là về các thủ tục hành chính, thì cần thay đổi để hợp với thời đại và xã hội đang phát triển rất nhanh.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Ngô Hoàng Minh, hiện sống và làm việc ở Warsaw, Ba Lan.
Xem thêm về chủ đề visa, hộ chiếu, lãnh sự:
Hình minh hoạ. Công trường xây dựng ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. AFP |
Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả vừa được Ủy Ban Nhân Dân (UBND) TP Hồ Chí Minh (TPHCM) ban hành, cho thấy có nhiều vấn đề tồn tại trong Luật Đất Đai 2013 hiện hành. Đáng quan tâm nhất, theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố, là việc kiểm soát quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt những nơi có liên quan tới quốc phòng, an ninh.
Dù như các quy định pháp luật đã hoàn chỉnh, giới hữu trách TPHCM vẫn cho rằng vấn đề không nằm trong các quy định pháp luật mà nằm trong việc thực thi pháp luật không nghiêm minh.
Nói một cách khác, văn bản của UBND thành phố HCM nhấn mạnh, pháp luật hiện hành chưa có quy định xử lý để ngăn chặn hình thức núp bóng người Việt Nam mua bất động sản của hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam trong nước.
Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh, Luật Đất Đai 2013 vẫn minh định đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà Nước quản lý bằng pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và hành chính đất đai.
Hình minh hoạ. Một quán ăn Trung Quốc ở đường phố Nha Trang hôm 24/2/2020. Reuters |
Quyền sử dụng đất được xác định là quyền tài sản về đất đai thuộc người sử dụng, nhưng theo Nhà Nước về mặt pháp lý còn những khoảng trống tạo sai lệch trong xử lý và thực thi pháp luật ở những mức độ khác nhau.
Theo ông Phan Thành, Việt kiều Canada, về nước từ giữa những năm 1980, quyền sử dụng đất đai trong sinh sống hay kinh doanh được nói tới ở đây không nhắm vào người còn giữ quốc tịch Việt Nam mà chủ yếu nhắm vào giới đầu tư ngoại quốc, được báo chí gọi là đại gia nước ngoài núp bóng người Việt trong nước để mua bất động sản kinh doanh ngay trên lãnh thổ Việt Nam:
“Tôi về mua đất và để cho em tôi đứng tên. Sau đó Nhà Nước cho kiều bào có quyền mua nhà mua đất để thành lập công ty thì em út tôi sang tên cho tôi. Tôi được sử dụng giống người trong nước luôn, tôi làm khu du lịch văn hóa sinh thái Về Nguồn ở ngay Quận 2 nay thuộc thành phố Thủ Đức”.
Chuyện người nước ngoài mượn danh nghĩa hay núp bóng người Việt để mua nhà đất ở Việt Nam là có, ông Phan Thành xác nhận, nhiều nhất là trường hợp người Trung Quốc ở Đà Nẵng mà báo chí gọi là những đại gia nước ngoài:
“Hồi giờ Luật Việt Nam mình không cho người Trung Quốc được quyền đứng tên mua đất. Người Trung Quốc bèn nhờ người Việt làm cho họ. Chỗ đất đó ở Đà Nẵng gần sân bay Đà Nẵng là của Nhà Nước, vì vậy bị người ta dẹp thôi”.
Nếu là Việt kiều mà còn quốc tịch Việt thì chuyện mua và sử dụng đất ở Việt Nam không trái luật, nhưng nếu là người ngoại quốc thì khác, là lời Việt kiều Pháp Nguyễn Đăng hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh:
“Chúng tôi là Việt kiều Pháp nhưng có quốc tịch Việt Nam. Không có quốc tịch Việt Nam thì không mua nhà đất được mà chỉ mua được căn hộ thôi”
“Công ty ngoại quốc về đây làm thì có qui chế riêng, có quyền mua căn hộ chứ không có quyền mua nhà có đất. Chẳng hạn con trai chúng tôi về đây làm trong công ty IECD của Pháp thì có quyền thuê đất, có giao kèo với chủ đất và phải xin phép chính phủ để kinh doanh. Còn muốn sở hữu thì phải có quốc tịch Việt”.
Về quan ngại là đại gia nước ngoài núp bóng người Việt trong nước để tậu nhà tậu đất, ông Nguyễn Đăng cũng cho rằng mối lo này là có cơ sở:
“Đại gia ngoại quốc là ám chỉ người Trung Quốc. Trung Quốc mua trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Một khi người Trung Quốc sang đây thì họ mua cơ sở rất lớn, họ xây xưởng rồi mang người Tàu sang làm việc chứ người Việt Nam không được vào. Theo tôi thì Việt Nam muốn có một luật chung để chặn vấn đề người Tàu sang đây mua quá nhiều đất rồi xây xưởng rồi mang nhân công sang, cứ như là xâm nhập một cách từ từ vậy đó”.
Câu hỏi vì sao có những biện pháp chế tài hành chính khá nghiêm khắc như vậy mà người dân vẫn môi giới và nhận đứng tên chủ sở hữu giúp người Trung Quốc nhận chuyển nhượng nhà đất tại Việt Nam, thậm chí thâu tóm đất tại những vùng trọng yếu thuộc Cam Ranh, Khánh Hòa của Việt Nam chẳng hạn. |
---|
LS Minh Thọ |
Đây là vấn đề gây lo ngại cho rất nhiều giới hữu trách, là khẳng định của luật sư, nhà báo Minh Thọ qua điện thư liên quan gởi cho RFA.
Theo luật sư, nhà báo Minh Thọ, Khoản V, Điều 63 của Nghị định số 139/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng dưới hình thức mua bất động sản kinh doanh mà không có quốc tịch Việt Nam.
“Thứ nhất là 200 đến 300 triệu Đồng tiền phạt đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi vi phạm quy định về bán nhà ở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đó là bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định. Kế đến là việc bán nhà đất mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu.
Thứ ba, không gửi thông tin để đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Sở Xây Dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài”.
Pháp luật về nhà ở và đất đai đã qui định khá rõ khá nghiêm như vậy, luật sư, nhà báo Minh Thọ khẳng định, sao vẫn có trường hợp người nước ngoài mua được đất tại Việt Nam:
“Không ít người chỉ vì chút lợi ích cá nhân đã "tiếp tay" bằng cách môi giới mà còn đứng tên chủ sở hữu giúp cho người nước ngoài thực hiện việc nhận chuyển nhượng đất đai”
“Câu hỏi vì sao có những biện pháp chế tài hành chính khá nghiêm khắc như vậy mà người dân vẫn môi giới và nhận đứng tên chủ sở hữu giúp người Trung Quốc nhận chuyển nhượng nhà đất tại Việt Nam, thậm chí thâu tóm đất tại những vùng trọng yếu thuộc Cam Ranh, Khánh Hòa của Việt Nam chẳng hạn. Thật sự rất khó, nếu không muống nói là quá khó cho chính quyền quản lý và giám sát hoạt động "ngầm" này, gây không ít lo ngại cho nhiều người dân Việt Nam”.
Ủy Ban Nhân Dân TPHCM đã có lý, luật sư kiêm nhà báo Minh Thọ nói tiếp, khi thừa nhận chưa có quy định xử lý nhằm ngăn chặn các đại gia nước ngoài núp bóng người Việt Nam mua các bất động sản của hộ gia đình, cá nhân
“Bởi lẽ các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính cũng như hình sự trong lĩnh vực đất đai chưa hề điều chỉnh hành vi gọi là Đứng- Tên- Giùm trong giấy chứng nhận ‘Quyền sử dụng đất’ và ‘Quyền sở hữu nhà’”.
Đây thực sự là kẽ hở không nhỏ của Luật Đất Đai 2015 mà cần phải được bổ sung, luật sư Minh Thọ nói tiếp.
Chính vì thế, việc nghiên cứu đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM mà Ủy Ban Nhân Dân thành phố đang thực hiện là một công việc vô cùng cần thiết, luật sư kiêm nhà báo Minh Thọ kết luận.
Hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh (ảnh minh hoạ). Reuters/ RFA Edited |
Công an tỉnh Quảng Ninh ngày 24/2 cho biết vừa tiến hành kiểm tra và bắt giữ một đường dây khai thác than trái phép với quy mô rất lớn.
Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay sau thời gian xác lập vụ án và theo dõi chặt chẽ vụ việc, vào ngày 23/2, công an đã kiểm tra và bắt giữ nhóm tổ chức khai thác than trái phép tại khu vực Vỉa Dày, Tây Khe Sim thuộc khu vực quản lý của Công ty than Hạ Long.
Tại khu vực kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt tạm giữ 50 người liên quan vụ việc, với 54 phương tiện các loại phục vụ cho việc khai thác, thu giữ hơn 100 nghìn tấn than với tổng trị giá lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã “đi đêm” với cán bộ thuộc Công ty than Hạ Long, Công ty than Khe Sim…để thoả thuận lợi dụng việc thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác than trái phép với quy mô cực lớn, chiếm đoạt than công khai nhằm thu lợi bất chính.
Căn cứ tài liệu và chứng cứ thu thập được, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với 12 bị can về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại điều 227 Bộ luật Hình sự và hiện đang mở rộng điều tra vụ án.