Cộng đồng gốc Hàn ở Mỹ đoàn kết trước nạn kỳ thị |
Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra nhiều biện pháp đối phó với làn sóng kỳ thị người gốc Á thì người Việt do chia rẽ đảng phái không thể đoàn kết để có tiếng nói chung, một nhà hoạt động vì quyền lợi của người gốc Việt nói với VOA.
Trong lúc này, làn sóng tội ác thù hằn nhắm vào người gốc Á, trong đó có người gốc Việt, ở Mỹ đang dâng cao, điển hình như vụ một người da trắng tấn công một cụ ông gốc Việt ở San Francisco và các tiệm nail của người Việt ở California nhận được thư nặc danh đầy những lời lẽ nhục mạ.
Tòa Bạch Ốc hôm 30/3 ra thông cáo báo chí cho biết chính quyền Biden đã ban hành một số biện pháp để thực thi công bằng sắc tộc cũng như chống lại tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á châu và đảo quốc Thái Bình Dương.
‘Tâm và tầm’
Trong số các biện pháp này có thúc đẩy cơ hội và sự tham gia cho tất cả các cộng đồng gốc Á; thành lập một ủy ban đặc nhiệm về sự bình đẳng trong đại dịch Covid-19 để giải quyết tình trạng người gốc Á bị nhiễm và chết vì bệnh Covid nhiều hơn các sắc dân khác; mở ra một trang tương tác mới về tội ác thù hằn để tập trung vào việc trình báo các tội ác thù hằn nhắm vào người gốc Á với các ngôn ngữ gốc Á thông dụng nhất ở Mỹ là tiếng Hoa, Hàn, Tagalog (của cộng đồng Philippines) và Việt; đào tạo lực lượng chấp pháp biết cách nhận diện và báo cáo những hành động kỳ thị;mở thư viện online để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử và đóng góp của các cộng đồng người gốc Á và tài trợ cho các nghiên cứu để tìm cách giải quyết tình trạng kỳ thị người gốc Á…
Trao đổi với VOA từ miền bắc bang Virginia, bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, chủ tịch tổ chức Tiếng nói người Mỹ gốc Việt vốn đấu tranh cho sự thăng tiến của cộng đồng về chính trị và xã hội, nhận định rằng chính phủ Biden ‘đã nhìn rõ vấn đề và đang đi đúng hướng’.
“Tổng thống Biden đã đặt đúng trọng tâm vào những giá trị cốt lõi của Mỹ là ‘không được kỳ thị sắc tộc’,” bà Giao nói. “Ông đã biết lắng nghe những lo lắng của người dân, trong đó có người gốc Việt là ‘không biết ngày mai tôi đi làm sẽ có ai đến bắn tôi không’.”
Bà mô tả trong vấn đề chống kỳ thị, ông Biden đã ‘có tâm và tầm’, và ‘chúng ta sẽ chờ xem bốn năm nữa sẽ thấy kết quả như thế nào’.
Theo lời bà, trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại Alaska mới đây, phía Trung Quốc có thể lên lớp với Mỹ rằng ‘Mỹ không còn tư cách để rao giảng cho họ về dân chủ’ là ‘do những vụ bạo lực của cảnh sát nhắm vào người da màu và vụ những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Quốc hội’.
“Điều này rất tai hại cho nước Mỹ,” bà nhận định. “Muốn chống được cộng sản Trung Quốc thì phải bảo vệ nền tự do, dân chủ, nhân quyền tại Mỹ, trong đó có bảo vệ người Mỹ gốc Việt.”
‘Người Việt không lên tiếng đủ’
Tuy nhiên, bà Giao cho rằng quyết tâm của chính quyền là một chuyện, sự chống kỳ thị ở Mỹ có hiệu quả hay không ‘còn cần sự hợp tác của người dân’.
“Sự hợp tác của người dân là rất quan trọng, đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Họ cũng bị kỳ thị rất nhiều nhưng đến giờ chưa lên tiếng đủ,” bà nói và dẫn ra trường hợp anh Tommy Le, một thanh niên gốc Việt bị cảnh sát New York nhầm lẫn bắn chết hồi năm 2017 khi anh mới 17 tuổi nhưng sau đó cảnh sát đã ‘tìm cách lấp liếm chuyện đó’.
Bà cho là trước tình trạng kỳ thị hiện nay và đã có người Việt là nạn nhân, nhưng có vị lãnh đạo cộng đồng ‘không thừa nhận có kỳ thị mà lại cho là hiểu lầm’ và ‘không muốn làm lớn chuyện’ là ‘điều đáng buồn’.
“Có người còn nói việc kỳ thị này là do ‘Đảng Dân chủ thổi phồng để làm lớn chuyện kiếm phiếu bầu,” bà Ngọc Giao chỉ ra và nói rằng chính sự chia rẽ đảng phái trong cộng đồng người Việt khiến họ không thể đoàn kết chống lại nạn kỳ thị.
Theo giải thích của bà thì nhiều người Việt ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump do tin ‘ông Trump chống Trung Cộng mà mù quáng nghe theo ông là phải đổ cho Trung Quốc gây ra virus corona’. “Điều đó vô tình gây ra sự thù ghét đối với người châu Á khiến chính người gốc Việt cũng bị hại,” bà lập luận.
Do đó, bà kêu gọi các lãnh đạo cộng đồng gốc Việt ở Mỹ, cho dù họ ủng hộ ai hay đi theo đảng phái nào, ‘cũng phải đặt quyền lợi của những người họ đại diện lên trên hết’.
“Phải đặt quyền lợi người dân làm căn bản và không bị vấn đề đảng phái chia rẽ thì mới vượt qua sự chia rẽ đó,” bà nói.
Thay vào đó, bà ca ngợi ‘rất nhiều người trẻ là số đông thầm lặng, trước giờ họ không lên tiếng, nhưng trong những chuyện vừa qua họ đã xuống đường, viết bài phản đối, quyên góp giúp cho các nạn nhân bị kỳ thị dù là gốc Việt, gốc Hàn hay gốc Hoa’.
“Kỳ thị là sự thực đang xảy ra trước mắt chúng ta. Điều cần nhất là phải nói ra sự thật, xác nhận sự thật,” bà Giao kêu gọi các lãnh đạo cộng đồng.
Để việc đấu tranh chống kỳ thị có hiệu quả, bà Giao cho rằng ‘phải đặt căn bản là chống kỳ thị và cộng đồng nào bị kỳ thị mình cũng phải lên tiếng’.
“Tôi rất không đồng ý với những người dè bỉu hay nhục mạ người da đen, hay lên án phong trào Black Lives Matter là đập phá và hôi của. Điều đó không đúng với tinh thần của họ,” bà nói và chỉ ra việc có người gốc Việt lên tiếng ủng hộ Black Lives Matter đã bị chính những người trong cộng đồng gốc Việt đả phá.
“Điều quan trọng là không chỉ lên tiếng cho cộng đồng mình mà còn lên tiếng cùng với các cộng đồng thiểu số khác, đừng phân biệt sắc dân khác mình, đừng phân biệt người da đen,” bà kêu gọi và cho biết tổ chức của bà hồi cuối tuần trước có tham gia vào buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân gốc Hàn bị sát hại trong vụ xả súng ở Atlanta hồi giữa tháng Ba.
Ảnh minh họa hệ thống tên lửa phòng không SPYDER của Rafael Advanced Defense Systems, Israel, tại triển lãm Hàng Không Singapore Airshow, ngày 14/02/2014. Việt Nam trạng bị hệ thống này. AP - Joseph Nair |
Israel là nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga, vào năm 2019, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhoml (SIPRI). Ngoài hợp tác quân sự, Israel còn là một trong những nước hiếm hoi chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam, ví dụ dây chuyền sản xuất súng bộ binh Galil ACE 31/32 tại Nhà máy Z-111 thuộc Tổng Cục Công Nghiệp Quốc Phòng.
Theo báo chí trong nước, đây là cơ hội cho Việt Nam “đi tắt đón đầu” để làm chủ công nghệ thiết bị quốc phòng vì không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chia sẻ cho các đối tác chiến lược như Israel. Trong khi nhiều nước phương Tây dè chừng về việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam vì “lằn ranh đỏ” do Mỹ dựng lên, Israel đã biết lựa chọn những vũ khí có mức độ liên quan vừa phải đến những công nghệ nguồn của Mỹ để chuyển giao.
Binh chủng Hải quân đánh bộ (lính thủy đánh bộ) của Hải quân Nhân dân Việt Nam sử dụng nhiều vũ khí Israel nhất. Hợp đồng thiết bị quân sự Việt Nam - Israel tập trung chủ yếu dưới ba hình thức : mua toàn bộ một hệ thống (1), mua thiết bị cho một hệ thống (2) và chuyển giao công nghệ (3).
Để hiểu hơn về hợp tác đối tác quốc phòng Việt Nam-Israel, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
*****
RFI : Việt Nam đã thay đổi quan điểm để thiết lập quan hệ với Israel như thế nào và từ khi nào, trong khi Hà Nội ủng hộ Palestine trong thời gian rất lâu ?
Benoît de Tréglodé : Trước hết, phải nói là Việt Nam và Israel thiết lập bang giao trước cả mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington, ngay từ năm 1993 khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Trong bối cảnh đó, nhiều thỏa thuận đã được Hà Nội nhanh chóng ký kết với Israel, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, kinh tế và nông nghiệp. Sau đó, quan hệ giữa hai nước vẫn chủ yếu liên quan đến kinh tế, rồi được mở rộng sang lĩnh vực chính trị trong thập niên 2000.
Vào năm 2005, bộ Ngoại Giao hai nước đã có cuộc đối thoại chính trị đầu tiên, sau đó nhanh chóng tập trung vào các vấn đề quốc phòng trong những năm 2010. Đây là điểm thú vị để hiểu được những gì đang diễn ra hiện nay giữa Israel và Việt Nam. Một biên bản ghi nhớ về vấn đề quốc phòng đã được hai bên ký vào năm 2015. Đến năm 2018, hai nước đã tổ chức đối thoại quốc phòng và hiện giờ, Israel trở thành đối tác quân sự thực sự của Việt Nam, chỉ sau Nga.
Nếu lật lại lịch sử quan hệ Việt Nam, Israel và Palestine thì trong cánh tả quốc tế chống thực dân có một truyền thống gần gũi giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và lý tưởng của Palestine. Thế nhưng trong những năm 1990, sự thực dụng, chính trị thực tế đã thúc đẩy Việt Nam thiết lập quan hệ với Israel mà trên hết là vì lý do kinh tế. Trở lại thời điểm năm 1946, khi Hồ Chí Minh đến Paris, hình như là ông ở cùng khách sạn với Ben Gourion, người sáng lập Nhà nước Israel sau này, vào năm 1948. Chuyện này được nhắc lại trong những năm 1990 rằng hai nhà lãnh đạo lúc đó rất hợp nhau. Vì thế, đối với Việt Nam, không hề mâu thuẫn khi có cả mối quan hệ hữu nghị với Palestine và duy trì đối thoại với Israel.
RFI : Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ, sau đó là Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Những sự kiện này đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Israel và Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại Việt Nam năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Vào giai đoạn đó, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Israel gần như không tồn tại. Theo tôi, đó không phải là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Vấn đề trở nên khác đi kể từ khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Hà Nội vào năm 2016. Vào thời điểm đó, một mối quan hệ tay ba được hình thành giữa các nhà cung cấp vũ khí lớn của Israel, mối quan hệ của những công ty này với các tập đoàn Mỹ và khả năng xuất khẩu cho Việt Nam những trang thiết bị nhạy cảm.
RFI : Israel là nhà cung cấp vũ thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Nga, vào năm 2019. Tại sao Việt Nam lại chọn Israel hơn là một số nước khác ? Đâu là những điểm mạnh của công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng Israel thu hút Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Điểm mới có thể được tóm tắt trong một chủ đề, đó là sự trỗi dậy của chiến tranh điện tử. Hiện tại, Quân đội Nhân dân Việt Nam cần trước hết ba loại thiết bị trong các lĩnh vực an ninh mạng, máy bay không người lái và liên quan đến chuyển giao công nghệ nhạy cảm về mặt do thám và không ảnh. Cả ba lĩnh vực này đều khá nhạy cảm.
Do ngành công nghiệp quốc phòng Nga bị cấm vận trên thế giới từ vài năm nay nên phần nào đó hạn chế mối quan hệ truyền thống vững mạnh giữa Nga và Việt Nam về mặt trao đổi vũ khí. Nói rõ hơn là Việt Nam hiện không còn mua của Nga những trang thiết bị thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ. Một điểm khác, cũng rất quan trọng, đó là Hà Nội dè chừng việc quân đội và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga với các đối tác Trung Quốc xích lại gần nhau rất mạnh từ những năm 2014-2015.
Trong bối cảnh vừa mang tính địa-chính trị và công nghiệp này, những mặt hàng được đề xuất từ phía các nhà sản xuất vũ khí Israel phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Có thể thấy là từ năm 2016, Hà Nội đặt mua rất nhiều trang thiết bị của Israel, chủ yếu liên quan đến máy bay không người lái, giàn pháo, hệ thống quan sát, radar, tên lửa… Có thể nói là tất cả những gì mà các tập đoàn công nghiệp lớn của Israel chào bán đều đáp ứng được nhu cầu chiến lược, về mặt tổ chức lại những mối quan hệ xung đột, cũng như về mặt chiến tranh trên thực địa. Hiện giờ, chiến tranh điện tử cần đến những loại thiết bị mà Israel có thể cung cấp cho Việt Nam.
RFI : Trở lại trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Liệu Mỹ có lo ngại trường hợp tương tự đối với Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Từ khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam vào năm 2016, chúng ta thấy rằng hai nước này không có hợp đồng cung cấp thiết bị lớn nào. Điều này có thể được giải thích qua hai lý do.
Thứ nhất, đối với Hà Nội, về mặt địa-chính trị và chính trị, rất khó khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, chấp nhận việc Việt Nam mua vũ khí phòng thủ vô cùng nhạy cảm từ Mỹ. Đây là một trong những yếu tố giải thích cho sự thành công của Israel từ vài năm nay bởi vì mua trang thiết bị quân sự của Israel, nếu nhìn vào mặt địa-chính trị, gây ít phiền toái hơn cho quân đội Việt Nam.
Thứ hai là do lo ngại mới đây của phía Mỹ. Họ sợ rằng việc xuất khẩu cho Việt Nam những trang thiết bị quân sự nhạy cảm không hẳn được bảo đảm an toàn và có thể dẫn đến những trao đổi không kiểm soát được với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia hiện có nhiều bất đồng lớn với Hoa Kỳ.
Những lý do này giải thích cho việc tại sao từ vài năm gần đây, Israel trở thành đối tác quốc phòng lớn thứ hai của Việt Nam.
RFI : Israel cũng chấp nhập chuyển giao công nghệ một số sản phẩm cho Việt Nam, ví dụ một dây chuyền sản xuất súng trường ở nhà máy Z-111. Liệu « đôi bên cùng có lợi » ?
Benoît de Tréglodé : Mặt chuyển giao công nghệ là một trong ba trụ cột duy trì mối quan hệ quốc phòng giữa Israel và Hà Nội. Đúng là các nhà công nghiệp châu Âu, cũng như Hoa Kỳ hạn chế hơn về mặt này. Họ có hàng loạt hệ thống, tiêu chí liên quan đến chống tham nhũng, bảo vệ trang thiết bị nhạy cảm, những linh kiện được bảo vệ bởi những cơ cấu xuất khẩu… Những điểm này ít tồn tại hơn bên phía Israel và điều này chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước xích lại gần nhau.
Lấy ví dụ Tổng công ty Viễn thông Viettel của quân đội Việt Nam, từ vài năm gần đây đã quyết định phát triển một chương trình máy bay không người lái « cây nhà lá vườn », gồm thiết bị bay không người lái và máy bay tự hành có vũ trang. Trong khi đó, Israel lại nổi tiếng về lĩnh vực này. Bằng chứng gần đây nhất là cuộc xung đột ở Thượng Karabakh, quân đội Azerbaidjan được trang bị hàng loạt thiết bị bay không người lái vô cùng hiện đại của Israel. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và giúp quân đội Azerbaidjan chiến thắng lực lượng vũ trang Armenia.
Cần nhớ rằng về nguyên tắc, ngành công nghiệp quốc phòng Nga không xuất khẩu thiết bị bay không người lái. Đây chính là điểm thứ hai giải thích cho việc nhờ cung và cầu mà Israel, Việt Nam xích lại gần nhau và thúc đẩy Hà Nội tăng cường mối quan hệ đối tác công nghệ và công nghiệp với Israel.
Ngoài ra, cần phải nêu thêm một ý khác do có một vài vấn đề trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Một số nguồn tin đã báo trực tiếp cho tổng bí thư-chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhiều khoản hoa hồng rất lớn trong những hợp đồng bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam và liên quan đến rất nhiều người trong giới lãnh đạo, kể cả trong bộ Quốc Phòng Việt Nam. Một cuộc điều tra đã được mở ra.
Một số dự án chuyển giao công nghệ hiện bị tạm đình chỉ khi đến gần Đại hội Đảng nhưng hiện giờ vẫn chưa tái khởi động, vì có một tranh chấp rất lớn, dù Đại hội đã qua. Việt Nam đang đàm phán để mua một vệ tinh giám sát, mang tính chất quân sự. Giữa các nhà sản xuất Israel và Hoa Kỳ có một sự đối đầu rất mạnh về vấn đề này. Đây có thể là nguồn gốc của một cuộc chiến công nghiệp quyết liệt và có thể gây hậu quả chính trị nghiêm trọng cho quốc phòng Việt Nam.
Chính trong bối cảnh này nên quan tâm đánh giá lại quan hệ song phương bởi vì việc này nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác vào lúc Hoa Kỳ chưa thực sự xuất khẩu thiết bị quân sự cho Việt Nam. Hiện nay, Washington có nhiều tham vọng đối với Việt Nam, còn các nhà công nghiệp Israel cũng sẽ có một đối thủ cạnh tranh lớn. Điều này vượt qua cả khuôn khổ chiến lược lớn về ngoại giao xác định quan hệ giữa Hà Nội với các đồng minh truyền thống Nga và Trung Quốc. Điều này cũng cần được hiểu theo nghĩa xung đột và cạnh tranh chiến lược giữa các nhà bán vũ khí của nhiều nước. Tất cả không hẳn mang tính ngoại giao nhưng lại rất gay gắt về mặt thương mại.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
*****
(1) Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER ; tổ hợp radar cảnh giới nhìn vòng ELM-2288ER và ELM-2022 ; một số loại súng của hãng Israel Military Industries (IMI), súng tấn công Tavor, súng chống tăng Matador, hệ thống pháo phản lực bắn loạt tối tân như Extra, Accular ; máy bay không người lái Heron 1 MALE và một trạm kiểm soát trên mặt đất…
(2) Các máy bay trinh sát, tuần tiễu biển của Việt Nam cũng được trang bị các khí tài trinh sát đồng bộ, hiện đại của Israel…
(3) Chuyển giao đồng bộ từ A-Z dây chuyền sản xuất súng bộ binh tiên tiến Galil ACE 31/32 tại Nhà máy Z111 thuộc Tổng Cục Công Nghiệp Quốc Phòng. Chính dây chuyền này đã giúp Việt Nam tự sản xuất nhiều dòng súng “Made in Vietnam” thích ứng với nhu cầu của Việt Nam : sản xuất súng tiểu liên AK, súng máy PKMS, súng bắn tỉa hạng nặng 12,7mm. Ngoài ra, Việt Nam tự cho ra đời hai mẫu súng trường tấn công thực sự “Made in Vietnam” đầu tiên, mang tên GK1 và GK3, dựa trên sự kết hợp những ưu điểm của hai dòng súng Galil ACE và AK ; chuyển giao công nghệ nâng cấp xe tăng T-54/55 và một số loại xe thiếp giáp...
Top 10 Nails, nơi nhận bức thư với lời lẽ thù hận. (Hình: Trích xuất từ pe.com) |
Một lá thư nặc danh với đầy những lời lẽ kỳ thị gửi tới các chủ tiệm làm móng người Việt ở Riverside, bang California, đòi họ ‘cút khỏi nước Mỹ’ đã khiến cộng đồng nail gốc Việt ở Mỹ cảm thấy ‘tức giận, lo lắng và sợ hãi’, theo tìm hiểu của VOA.
Một vị lãnh đạo hiệp hội làm nail của người Việt ở Mỹ kêu gọi cộng đồng người Việt nên bình tĩnh nhưng ‘không nên im lặng’ và phải cất lên tiếng nói mạnh mẽ để đánh động với tất cả các cấp chính quyền ở Mỹ về tình trạng kỳ thị này.
‘Cút về nước đi’
Theo tường thuật của các cơ quan truyền thông địa phương, thì một tiệm làm móng thuộc sở hữu của người Việt có tên là Top 10 Nails ở thành phố Riverside ở bang California cuối tuần qua có nhận một lá thư nặc danh có nội dung thù ghét.
Lá thư này, đánh máy với đa số là chữ in hoa, mà VOA nhìn thấy được có nội dung "Gửi toàn bộ bọn châu Á", và rất nhiều từ ngữ nặng nề, định kiến, mô tả nhân dạng có tính kỳ thị, mô tả nghề nghiệp với từ ngữ nhục mạ, và yêu cầu "Cút về nước tụi bây đi."
‘Liệu có người sẽ đến bắn chúng ta?’
Cô Jackie, người chủ tiệm nail nhận được lá thư này nói với NBC Los Angeles: “Thật đau lòng. Thật kinh tởm.” Cô không tiết lộ đủ họ tên vì lo sợ cho sự an toàn của gia đình
“Thật là sai trái. Không hề đúng nếu ai đó gửi thư để lan truyền lòng căm thù kiểu đó,” cô nói thêm. “Đây là quê hương tôi. Tôi thực sự sinh ra và lớn lên ở đây. Nói với tôi rằng tôi không thuộc về nơi này, nó giống như thế giới đảo lộn.”
Đài NBC Los Angeles cho biết cô Jackie vừa nuốt nước mắt vừa nói rằng các thợ tại tiệm nail của cô hiện đang ‘hết sức lo lắng’, đặc biệt là sau khi có sự gia tăng đáng kể tội ác hận thù đối với người Mỹ gốc Á trên khắp nước Mỹ.
Cô cho biết họ đã lo sợ sẵn trước vụ xả súng gần đây tại các tiệm spa ở Atlanta, bang Georgia đã cướp đi sinh mạng của sáu người phụ nữ Mỹ gốc Á.
“Mấy bà mấy cô đang sợ hãi. Giống như có ai đó đã gửi thư – liệu sẽ có người đến bắn chúng tôi hay không?” Jackie nói.
Jackie báo cáo về bức thư cho cảnh sát Riverside biết và các thám tử ngay lập tức mở cuộc điều tra.
“Đó là điều vô cùng kinh tởm và không thể chấp nhận được,” sĩ quan Ryan Railsback được NBC Los Angeles nói.
Railsback cho biết một lực lượng đặc nhiệm nhiều bộ phận đang điều tra xem ai đã gửi bức thư, mà ông cho là cũng đã được gửi đến một cơ sở làm ăn khác ở Hạt San Bernardino, California.
“Nếu quý vị nhận được những thứ như thế này, hãy báo cho cơ quan thực thi pháp luật ở chỗ quý vị biết,” ông kêu gọi. “Chúng tôi có thể tìm bằng chứng và xác định xem người gửi là ai và tìm hiểu xem họ đang muốn làm gì.”
‘Lo âu và sợ hãi’
Trao đổi với VOA từ Little Saigon, ông Tâm Nguyễn, chủ tịch Hiệp hội Nailing it for America đại diện cho 11.000 tiệm nail của người Việt trên toàn bang California và hơn 60.000 tiệm trên toàn nước Mỹ, cho biết sau khi lá thư này được công bố, ‘cộng đồng làm nail rất lo âu, sợ hãi và bực bội’.
Theo lời ông thì đã có ba chủ tiệm người Việt nhận được lá thư nặc danh như vậy, hai ở miền Nam California và một ở miền bắc.
Ông cho biết có sự khác biệt trong thái độ giữa những người lớn tuổi và giới trẻ gốc Việt về vụ việc. “Người cao niên rất sợ. Họ thấy sự thù ghét ở ngoài là có nhưng không muốn các con làm lớn chuyện,” ông nói và cho biết giới trẻ muốn vận động mạnh mẽ về việc này.
“Người Việt mình lúc nào cũng kiểu là ‘thôi bỏ qua, thôi mình cứ im lặng đi, đừng có lên tiếng. Làm vậy sẽ có nhiều người thù ghét, chú ý mình hơn’,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Tâm không đồng ý với thái độ dè dặt này và cho rằng ‘cần phải lên tiếng mạnh mẽ với tất cả các cơ quan thực thi pháp luật và các chính trị gia tất cả các cấp từ thành phố, quận hạt, tiểu bang cho đến liên bang’.
“Mình không nên lên tiếng riêng lẻ mà cần có sự đoàn kết, bài bản với tất cả mọi người có ảnh hưởng trong xã hội thì sẽ không bị bọn chúng nhằm vào mỗi bản thân mình,” ông giải thích.
Theo lời vị lãnh đạo cộng đồng làm nail của người Việt này thì ‘sự kỳ thị người gốc Á và gốc Việt ở Mỹ không mới, nó chỉ tăng cường kể từ khi có dịch Covid-19’.
“Khi đọc lá thư này, tôi thấy nhiều danh từ mà chính bản thân tôi đã bị gọi rồi. Hồi nhỏ tôi cũng từng bị kỳ thị và cũng từng bị bảo là ‘hãy cút về nước của mày đi,” ông dẫn chứng.
Ông Tâm cũng nêu ra một việc là ‘mặc dù có nhiều khách hàng Mỹ thương mình, yểm trợ các tiệm nail người Việt mình lúc khó khăn nhưng cũng có những người lấy mình ra làm trò đùa’, chẳng hạn như có những nghệ sỹ hài lên YouTube giễu cợt người Việt làm nail và nói rằng ‘phải giả vờ để thích họ’.
‘Sẽ có buổi tập hợp’
Ông Tâm cho biết sau khi nhận được lá thư, Hiệp hội của ông đã ngay lập tức ra thông cáo báo chí để lên án và đã làm việc với nhà chức trách. Bản thân ông cuối tuần qua đã đến Los Angeles để tham gia cuộc tuần hành chống thù ghét người gốc Á do cộng đồng người gốc Hàn tổ chức.
“Thời gian sắp tới, mình cũng sẽ tổ chức các cuộc tập hợp với các cộng đồng gốc Á bạn,” ông nói và cho biết thứ Bảy tuần này sẽ có một cuộc tập hợp cho người Việt ở công viên Miles Square ngay Little Saigon để phản đối hành vi kỳ thị người Mỹ gốc Á.
Ông cũng lưu ý rằng kể từ khi dịch bùng phát ở Mỹ hồi tháng Ba năm ngoái, cộng đồng gốc Á đã trình báo hơn 3.800 vụ tội ác thù hằn, nhưng ông tin là con số thực ‘lớn hơn nhiều vì nhiều người châu Á không muốn trình báo’.
Vụ xả súng ở Atlanta làm thiệt mạng 8 phụ nữ gốc Á, theo ông, là ‘cú sốc đối với ngành nail’: “Khi chuyện đó có thể xảy ra ở tiệm spa ở Atlanta thì nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ tiệm nail nào ở Mỹ.”
Ông cho biết các biện pháp cần được cộng đồng nail gốc Việt thực hiện ngay là: yêu cầu cảnh sát tăng cường tuần tra các khu vực có cơ sở thương mại của người Á châu, gắn camera ở các bãi đậu xe, mua còi và bình xịt tiêu thủ sẵn trong túi, học các thế võ để biết cách sử dụng chìa khóa xe cầm trong tay để phản công, không đi bộ một mình nữa.
“Quý vị nên bình tĩnh, nên tiếp tục mở tiệm. Số khách hàng yêu thương và ủng hộ mình đông hơn rất nhiều những kẻ thù ghét muốn hại mình,” ông Tâm kêu gọi.
Ông cũng bày tỏ cảm kích với Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên tiếng mạnh mẽ để lên án tình trạng kỳ thị người gốc Á. “Khi hai người lãnh đạo cao nhất ở Mỹ đã lên tiếng thì đương nhiên có sự ảnh hưởng,” ông nhận định.
Chưa cấu thành tội
VOA cũng đã liên lạc với Sở cảnh sát thành phố Riverside để hỏi thăm về việc này và được ông Rails Back, quan chức phụ trách thông tin công chúng, cho biết cho đến nay ‘cảnh sát chưa có dấu vết gì để xác định được nghi phạm gửi những lá thư nặc danh này’.
Ông Back cho biết thông tin về vụ việc cũng đã được chia sẻ với các đối tác thực thi pháp luật khác, trong đó có FBI, để họ nắm được thông tin.
Khi được hỏi lá thư đó cấu thành tội thù hằn hay không, ông Back cho rằng ‘không đủ cơ sở’.
“Để cấu thành tội ác thù hằn bị pháp luật truy tố, đầu tiên phải xác định được nghi phạm. Thứ hai, nó phải có các yếu tố theo luật bang California quy định về tội thù hằn,” ông giải thích. “Chúng tôi vẫn chưa biết rõ chỉ dựa vào nội dung của một lá thư.”
“Chúng tôi muốn bất cứ ai nhận được lá thư như thế này hoặc tương tự như vậy nhất thiết phải đi trình báo với các cơ quan thực thi pháp luật,” ông nói thêm.
CHICAGO, Illinois (NV) – Ông Châu Bửu, một người gốc Việt, 60 tuổi, bị đánh khi đang đi bộ ở khu Uptown của thành phố Chicago cách đây một tuần.
Báo Chicago Tribune dẫn lời cô Kaylee Công, con gái của nạn nhân, cho biết cha mình bị đánh khi đang đi bộ trong khu ông cư ngụ. Cô và gia đình sợ cha mình bị tấn công vì là người Á Châu, và đang kêu gọi cộng đồng cảnh giác.
Một góc khu vực trung tâm thành phố Chicago vào buổi tối. (Hình minh họa: KAMIL KRZACZYNSKI/AFP via Getty Images) |
Cô Kaylee kể mình và gia đình sống ở khu Uptown đến nay được 15 năm, nhưng chưa bao giờ gặp chuyện này.
“Tôi rất bất ngờ vì không thể tin được chuyện này lại xảy ra với cha mình,” cô nói.
Cô kể cha mình bị tấn công trong lúc đi bộ tại ngã tư đường Broadway và đường Ainslie lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 20 Tháng Ba, và đợi đến hôm sau mới kể lại cho gia đình nghe.
Đăng trên Instagram của tiệm nail, cô Kaylee cho biết cha mình, ông Châu Bửu, bị đấm vào đầu, nhưng không kể lại vì thế hệ của ông quen chịu đựng những “chuyện khó khăn” như vậy.
Cô nói với báo Chicago Tribune: “Tôi nghĩ cha mình không phải là nạn nhân đầu tiên vì những bậc cha mẹ người Á Châu thường giữ im lặng khi gặp những chuyện như vậy. Thế hệ con cái như chúng tôi thì nghĩ mình không nên im lặng.”
Báo Chicago Tribune liên lạc được với ông Châu Bửu, nhưng ông từ chối phỏng vấn, và nhờ con gái Kaylee thay mặt.
Cô cho hay ông Châu đứng lại sau khi bị đấm vào đầu, và thấy nghi can tiếp tục đi khoảng 100 foot. Ông lấy điện thoại ra chụp hình nghi can lại, nhưng hình không rõ.
Sau đó, ông quay lại nhìn phía sau thì thấy một người đàn ông đang đứng trên lề đường và đang giấu gậy bóng chày trên người.
Ông Châu thấy vậy liền áp điện thoại vào tai và la “Tôi sẽ gọi 911.” Người cầm gậy bóng chày và ông Châu nhìn nhau khoảng một phút, rồi ông Châu đi tiếp để tránh nguy hiểm.
Cô Kaylee nói cha mình không thấy rõ nghi can đấm vào đầu ông, chỉ thấy người đó mặc quần áo đen. Ông kể người cầm gậy bóng chày không phải là người Á Châu, và cả hai người đều cao to hơn ông.
Ông Châu không muốn gọi cảnh sát vì tiếng Anh, và cũng không muốn vào bệnh viện vì không có bảo hiểm, không muốn làm “gánh nặng tài chánh” cho gia đình.
Sở Cảnh Sát Chicago cho biết sẽ không dung thứ các hành vi bạo lực trong cộng đồng, và sẽ làm việc với các cộng đồng Á Châu để điều tra, cũng như có các biện pháp bảo vệ họ.
Tuy nhiên, sở cảnh sát chưa biết được sự việc này có phải là tội thù ghét hay không và đang điều tra.
Trong khi đó, cô Kaylee cho hay quá trình khai báo với sở cảnh sát rất phức tạp, và cô cho rằng chuyện cha mình bị tấn công là tội thù ghét.
“Tôi vẫn nghĩ đó là tội thù ghét vì đâu có ai muốn tấn công một người không đụng gì đến họ. Cha tôi chỉ đi bộ một mình, và không hề đụng đến ai cả,” cô nói. (TL) [kn]
Hàng không mẫu hạm tham gia tập trận hải quân chung Malabar của Bộ tứ an ninh Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ trên biển hồi tháng 11/2020. |
Bộ tứ liên minh dân chủ đang tăng cường sức mạnh dưới thời Tổng thống Biden để đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và các mục tiêu an ninh quốc gia của Hà Nội song trùng tới đâu với bộ tứ này?
Cuộc gặp mặt lần đầu tiên của các nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tại thượng đỉnh mà Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi là “lịch sử” vừa diễn ra trong tháng này, cho thấy Bộ tứ đang gắn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác chiến lược với các cường quốc lớn như một phần trong chính sách đối ngoại “đa phương hoá và đa dạng hoá” của họ. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Bộ tứ – một Đối thoại Tứ giác An ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – dường như sẽ trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam, theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định.
Vẫn theo TS Hiệp, các thành viên của Bộ tứ cũng xem Việt Nam là một đối tác an ninh ngày càng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng cao của họ với Trung Quốc.
“Từ quan điểm của Hà Nội, sự tồn tại của Bộ tứ là điều được mong muốn,” Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của RAND Corporation nhận định và cho rằng lý do là vì Việt Nam luôn muốn các tranh chấp của mình với Trung Quốc được giải quyết một cách hoà bình và thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bộ tứ “rõ ràng là ủng hộ lập trường đó.”
Trước quan điểm “tiêu cực” của Bắc Kinh về Bộ tứ, Hà Nội chưa bao giờ chính thức lên tiếng bình luận về liên minh này, nhưng theo nhà nghiên cứu Grossman cho biết tại một buổi hội thảo trực tuyến do ISEAS-Yusof Ishak tổ chức gần đây, Việt Nam có một sự gắn kết đang ngày càng sâu sắc hơn với các thành viên trong nhóm vì những lợi ích song trùng trước một Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh trong khu vực.
Gắn kết chiến lược
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên mọi phương diện đang tiếp tục mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây và thậm chí cả trong lĩnh vực an ninh vốn được coi là nhạy cảm. Theo nhận định của chuyên gia về chính sách quốc phòng và đối ngoại Việt Nam, Grossman, mối quan hệ song phương giữa hai cựu thù “đang tốt hơn bao giờ hết kể từ sau khi chiến tranh kết thúc” và “nhiều khả năng sẽ tiếp tục như vậy”.
Điều này được thể hiện qua nhận định gần đây của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, rằng hai nước hầu như có lợi ích song trùng về vấn đề an ninh và ổn định khu vực. Điều đó lý giải vì sao chính quyền Biden quyết định coi Hà Nội là một đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa tên Việt Nam, mà không phải là hai đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực là Philippines và Thái Lan, vào Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời mới được công bố hồi đầu tháng này. Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là “đối tác toàn diện”, nhưng theo nhà phân tích Grossman, trên thực tế là hoạt động ở mức “chiến lược.”
Trong khi đó Australia là một đối tác ngày càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam khi cả hai quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương nâng tầm quan hệ đối tác từ toàn diện lên chiến lược vào năm 2018. Cả Việt Nam và Úc đều luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng và duy trì tự do hàng hải theo tinh thần của UNCLOS.
“Hà Nội tìm kiếm ở Canberra sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vị trí của họ trên Biển Đông,” nhà nghiên cứu Grossman nói tại buổi hội thảo hôm 16/3. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng sự ủng hộ của Úc và môi trường đa phương sẽ kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như buộc nước này phải tuân theo các chuẩn mực và hành xử của quốc tế và khu vực.”
Đáp lại, vào tháng 5/2019, Úc đưa Việt Nam vào chương trình gắn kết hàng hải khu vực của mình khi điều 2 tàu hải quân hoàng gia HMAS Canberra và HMAS Newcastle tới cập cảng Cam Ranh.
Đối với Ấn Độ, Việt Nam cũng đang duy trì một quan hệ đối tác rất mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khi cả hai quốc gia châu Á đều có chung những mối quan ngại sâu sắc và thường xuyên về tác động địa chiến lược của sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ấn Độ, chứ không phải là Nga, giờ đây là đối tác quốc phòng đáng tin cậy nhất của Việt Nam, theo nhận định của ông Grossman, người có một thập niên kinh nghiệm về tình báo quốc phòng.
Ấn Độ, một cường quốc đang nổi và có nhiều xung đột với Trung Quốc tại biên giới gần đây, coi Việt Nam là một trọng tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” của họ nhằm có được những lợi ích chiến lược trong khu vực. Ấn Độ cũng đã nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, là mức cao nhất trong quan hệ mà một quốc gia có thể có với Việt Nam. Ngoài Ấn Độ, chỉ có Trung Quốc và Nga là có mối quan hệ ở tầm cao nhất này với quốc gia Đông Nam Á.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trở nên đặc biệt sâu sắc kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe đặt Hà Nội vào trung tâm của chính sách “Hướng Nam” của nước này nhằm đối trọng sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhật Bản, quốc gia duy nhất trong Bộ tứ cho tới lúc này chỉ đích danh Trung Quốc về hành động cưỡng ép của Bắc Kinh trên biển trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng trước, tiếp tục có mối quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng với Việt Nam dưới thời Thủ tướng Suga Yoshihide, theo nhà phân tích của RAND Corporation, Grossman. Điều này được thể hiện qua việc Thủ tướng Yoshihide chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái và trong chuyến thăm này hai bên ký kết 12 văn kiện hợp tác, gồm có thoả thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật còn được thể hiện qua chuyến thăm “lịch sử” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật vào tháng 5/2018 khi ông Quang không chỉ gặp Thủ tướng Abe lúc đó mà còn được Nhật hoàng Akihito tiếp đón tại yến tiệc, một danh dự cao nhất mà một khách mời có thể nhận được khi tới thăm Nhật. Trước đó, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko cũng có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam và xin lỗi về những hành động của binh lính Nhật tại đây trong thời gian Chiến tranh Thế giới lần 2, mà theo nhà phân tích Grossman “là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ, dù phức tạp về lịch sử, (giữa Nhật và Việt Nam) đang tuyệt vời và chỉ có tốt hơn mà thôi.”
Tóm lại, theo nhận định của nhà nghiên cứu tại RAND Corporation, các mối quan hệ của Hà Nội với 4 quốc gia thành viên của Bộ tứ, đặc biệt trong lĩnh vực vốn nhạy cảm là hợp tác an ninh đối đầu với Trung Quốc, “rất bền chặt và không ngừng phát triển.”
Bộ tứ ‘kim cương’
Liên minh dân chủ này thực tế bắt đầu được hình thành năm 2004 khi lúc đó mới chỉ có 3 thành viên là Mỹ, Nhật và Úc với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ nhân đạo và các nỗ lực cứu trợ thiên tai, và lúc đó chưa được gọi là Bộ tứ. Chỉ đến khi Thủ tướng Abe đưa ra sáng kiến thêm Ấn Độ vào liên minh, mà ông gọi là “viên kim cương của các nền dân chủ,” vào năm 2007 thì Bộ tứ mới chính thức được bắt đầu. Tuy nhiên, liên minh này hầu như không hoạt động trong một thập kỷ cho tới khi Tổng thống Donald Trump có chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào tháng 11/2017 để tham dự Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, và lúc đó các thành viên của Bộ tứ đã họp mặt một cách lặng lẽ bên lề hội nghị tại Đà Nẵng.
Cho tới lúc đó, Bộ tứ chưa có một cơ chế hoạt động thực sự và câu hỏi được đặt ra là liệu liên minh của những nền dân chủ có cùng những lợi ích và quan ngại chung mới chỉ được thể hiện qua các cuộc hội đàm mà chưa có hành động này sẽ đi đến đâu hay không? Đó là suy nghĩ của nhiều người vào thời điểm năm 2017, theo nhà phân tích Grossman.
Ngay trước khi Tổng thống Biden nhóm họp với Thủ tướng Yoshihide, Thủ tướng Morrison và Thủ tướng Narenda Modi tại thượng đỉnh ở cấp nguyên thủ lần đầu tiên của Bộ tứ hôm 12/3, một quan chức cấp cao không được nêu danh tính của chính quyền Biden cho biết “Bộ tứ sẽ là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden” và rằng một cơ chế đã được định hình để thực hiện điều đó.
“Tôi nghĩ rằng Bộ tứ thực sự rất bền vững, đặc biệt dưới thời chính quyền Biden,” ông Grossman nói. “Và họ đã lên kế hoạch cho một cuộc gặp tiếp theo trong năm nay. Do đó sẽ có một thượng đỉnh tiếp theo của các lãnh đạo và một khi như vậy sẽ có thêm các (thượng đỉnh khác).”
Bốn nguyên thủ của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ cam kết “tăng cường hợp tác” để “chống lại những mối hiểm hoạ ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bên ngoài” trong tuyên bố chung đưa ra sau thượng đỉnh hôm 12/3. Các lãnh đạo củ Bộ tứ dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp vào cuối năm nay.
Trong buổi họp báo chính thức đầu tiên hôm 27/5, Tổng thống Biden nói sự liên minh của 4 nền dân chủ trong Bộ tứ là nhằm để “buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân theo các luật lệ” dù là trong khu vực Biển Đông hay Biển Hoa Đông và nhiều lĩnh vực khác.
Ngoài việc duy trì tự do hàng hải trên Đông và Nam Trung Hoa, những lĩnh vực hợp tác khác của Bộ tứ sẽ là chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung đất hiếm, ngoại giao vaccine và biến đổi khí hậu.
Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong khi Nhật tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm. Trong tuyên bố chung của nhóm, vấn đề Triều Tiên cũng được đề cập tới qua cam kết phi hạt nhân hoá bán đảo này theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam sẽ tham gia?
Việt Nam cho đến lúc này chưa được mời tham gia Bộ tứ, vì theo nhà phân tích Grossman, các quốc gia thành viên Bộ tứ là các nền dân chủ trong khi Việt Nam là một thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, dù có những sự gắn kết chiến lược với các thành viên của Bộ tứ, Việt Nam được cho là thận trọng trong việc công khai ủng hộ liên minh này vì theo giới quan sát, Hà Nội không muốn làm điều gì để Bắc Kinh có thể hành động “trừng phạt.”
Mặc dù Việt Nam đã tham gia cái gọi là các cuộc họp nhóm ‘Bộ tứ mở rộng’ vào năm ngoái, cùng với các ‘khách mời’ khác là New Zealand, Hàn Quốc và một số nước khác để thảo luận việc khống chế đại dịch virus corona nhưng đây là một chủ đề không trực tiếp liên quan đến Trung Quốc.
Chính sách quốc phòng ‘Bốn Không’ của Việt Nam chính là một trong những lý do vì sao cho đến lúc này không có gì khẳng định được về sự tham gia của Việt Nam vào Bộ tứ, theo nhận định của ông Grossman, người cho rằng nguyên tắc ‘Bốn Không’ này có thể sẽ là những hạn chế tiềm tàng trong mối quan hệ của Việt Nam với liên minh 4 cường quốc.
Hà Nội luôn duy trì nguyên tắc ‘Ba Không’ trong chính sách quốc phòng của mình, trong đó gồm không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam mới nhất ra mắt hồi cuối năm 2019 đã nâng cấp chính sách này lên ‘Bốn Không’ khi bổ sung nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Trung Quốc là một đối tác “không thể tránh khỏi” của Việt Nam và Hà Nội sẽ thận trọng để tìm cách cân bằng giữa việc hợp tác với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật, Ấn Độ và Úc, với mối quan hệ với người hàng xóm “khổng lồ” ở phía Bắc là Trung Quốc. Theo nhà phân tích Grossman, Bắc Kinh có thể trừng phạt nếu Hà Nội “đi quá xa với Bộ tứ.”
Ông Grossman nhận định rằng chỉ khi nào Việt Nam đạt đến điểm phá bỏ chính sách ‘Bốn Không’ khi mà sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông tương tự như vụ đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, thì lúc đó Hà Nội mới có thể xem xét lại mối quan hệ của họ và liên kết nhiều hơn với Bộ tứ.
Chính sách quốc phòng ‘Bốn Không’ của Việt Nam còn có nguyên tắc “Một Tuỳ thuộc”, trong đó nói rằng “tuỳ thuộc vào tình hình và các điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển những mối quan hệ quốc phòng và quân sự cần thiết và hợp lý với các nước khác.” Tuy nhiên, theo ông Grossman, cho đến lúc này, dù có các quan ngại và xung đột với Trung Quốc trên biển nhưng Hà Nội chưa đạt đến điểm phá bỏ chính sách ‘Bốn Không’ này.
“Việt Nam có thể do dự trong việc hợp tác cùng với Bộ tứ trong tổng thể nhưng Việt Nam chắc chắc sẽ đặt rất nhiều trọng tâm vào việc hợp tác song phương với mỗi thành viên (trong nhóm) để thúc đẩy hợp tác chiến lược,” theo ông Grossman.
Trả lời câu hỏi của VOA về khả năng đóng góp của Việt Nam vào Bộ tứ, TS Hiệp, một người chuyên phân tích các vấn đề Việt Nam và khu vực, cho rằng Hà Nội có thể hợp tác không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà còn trong các lĩnh vực khác, như đất hiếm vì theo ông Việt Nam đang có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, mà phần lớn chưa được khai thác.
Còn theo nhận định của nhà phân tích Grossman, Việt Nam có thể “tiếp tục tham gia vào đối thoại (của Tứ giác Kim cương) và vẫn đóng một vai trò trong Bộ tứ dù có thể không bao giờ trở thành một thành viên của nhóm.”
Nhã Duy
27-3-2021
Nếu những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump từng nổ ra với cờ xí ồn ào và liên tục trước kia trong cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ, thì hầu như các tổ chức cộng đồng đều im bặt hay gượng gạo lên tiếng trước nạn tấn công vào người gốc Á châu hiện nay, ngoại trừ một nhóm nhỏ các cá nhân và tổ chức cấp tiến người Việt lên tiếng.
Các bản tin về các cuộc tuần hành hay thắp nến bày tỏ thái độ chống lại nạn kỳ thị và bạo lực nhắm vào người gốc Á, trong đó người Việt cũng là nạn nhân, cho thấy chỉ có một số nhỏ người gốc Việt tham gia. Nếu những cá nhân, cơ quan truyền thông Việt từng ủng hộ Trump cuồng nhiệt, liên tục đăng hình ảnh, tin tức ủng hộ Trump trước kia, thì hiện nay có vẻ họ né tránh sự việc này, một phần vì công luận cho rằng Trump là nguyên nhân.
Người gốc Việt ở bang Texas xuống đừng ủng hộ Trump trước ngày bầu cử. Nguồn: Dateline |
Cộng đồng người gốc Việt ủng hộ Trump (gọi vắn tắt là Việt-Trump) ở Mỹ, dường như luôn đứng bên lề, hay đúng hơn là luôn đi ngược lại với xã hội Mỹ mà họ đang sống. Cộng đồng này vốn là một cộng đồng tự mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Là những người di dân, họ chống đối người di dân. Là người thiểu số, họ kỳ thị các sắc dân thiểu số khác. Là người phụ thuộc vào các chính sách dân sinh lâu đời của đảng Dân Chủ, họ chống đối đảng Dân Chủ. Là sắc dân nghèo, họ ủng hộ các chính sách dành cho người giàu. Là nhóm bị kỳ thị, họ ủng hộ những nhóm kỳ thị. Nhóm nhỏ có học vấn và thành đạt hơn thì ích kỷ, không muốn san sẻ những gì họ từng được giúp đỡ trước đây để có được hôm nay. Có thể kể thêm vô số điều khác nếu cần phải kể thêm.
Đó là lý do trong khi các cộng đồng thiểu số, kể cả người Mỹ bản xứ đã phản đối và truất phế Donald Trump, cũng như tỉ lệ người dân đồng thuận với tổng thống Joe Biden tăng cao thì trong cộng đồng Việt, nhiều người vẫn còn đang hoang tưởng về Trump và tiếp tục phản đối vô cớ tổng thống Joe Biden cùng hệ thống nước Mỹ, dù chỉ là những lời lẽ bất nhã hay một số câu chuyện tiểu tiết trên mạng xã hội.
Hãy thử phân tích hiện tượng này qua những xung đột tâm lý của nhóm người Việt này với ba yếu tố mâu thuẫn và xung đột nội tại, cộng đồng và vô thức ra sao.
Xung đột nội tại xảy ra khi sống và thừa hưởng tất cả quyền công dân và quyền lợi trên đất nước Hoa Kỳ này, nhưng trong vài thập niên qua, những người Việt-Trump này xem như không thuộc về nó, không quan tâm mà chỉ chú ý, hô hào vô vọng ở bề nổi cho các vấn đề không thuộc về đất nước này. Nước Mỹ với họ chỉ là con bò sữa để lạm dụng mọi quyền lợi cùng các phúc lợi xã hội có thể, để tìm kiếm cơ hội thăng tiến cá nhân và gia đình.
Người tha hương thường có xu hướng nhớ về quê hương, nhưng với những người Việt-Trump, họ quên đi đất nước này mới chính là quê hương của con cháu họ, cùng các thế hệ kế tiếp chứ không phải nhằm thỏa mãn cảm xúc cá nhân bộc phát của riêng mình, chỉ quan tâm đến Donald Trump từ khi ông ta bất ngờ trở thành tổng thống.
Xung đột cộng đồng, tức với người khác là điều dễ nhìn nhận. Nhút nhát, sợ hãi với kẻ mạnh nhưng lại hung dữ, cao ngạo với người thấp kém hơn mình, một đặc tính tâm lý khó có thể giúp nhóm người Việt-Trump thật sự hòa nhập vào đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc này. Họ kỳ thị chính với cộng đồng mình khi phân biệt vùng miền, gốc gác, đến Mỹ bao lâu, thế nào.
Các vụ tranh chấp, tấn công hay kiện tụng đã xảy ra khá nhiều giữa các tổ chức cộng đồng tại hầu hết các thành phố nào có người Việt sinh sống. Trong bốn năm qua, nhóm người Việt này đã chia rẽ và tấn công chính con cái, thân nhân, bạn hữu của mình chỉ vì sự ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump thì liệu có ai khác họ có thể chung sống?
Nhiều người đi xa hơn khi công khai sỉ nhục các cộng đồng bạn và những lãnh đạo da màu khác, tấn công vào giới trẻ khác chính kiến trong chính cộng đồng mình và ủng hộ các nhóm thượng tôn sắc tộc. Đó là điều gây rủi ro chung cho cả cộng đồng gốc Việt.
Và cuối cùng là xung đột vô thức, điều xảy ra khi các yếu tố về nhận thức, tri thức bị loại trừ. Bị xem là nhóm di dân sống quần tụ nên có sự hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa bản xứ, họ dễ tin vào các thông tin được nhào nặn có ý đồ và phù hợp với ý họ hơn là sự thật. Niềm tin vô thức thiếu tính lý trí và nhận thức dễ đưa nhóm này vào các suy nghĩ và hành động phản xã hội mà chính họ không nhận ra.
Tất nhiên vẫn có một nhóm nhỏ những người mê Trump có học vấn và am hiểu ngôn ngữ thì điều này càng đáng tiếc hơn. Bởi họ đã phản bội lại nền giáo dục khai phóng, đề cao các giá trị dân chủ và con người mà họ từng theo học nhưng không thụ đắc. Bằng cấp cuối cùng chỉ còn là tay nghề chứ không phải nhân cách, lẫn tư cách cần có.
Nhưng dẫu thuộc nhóm nào, sự tham lam, ích kỷ là một trong những đặc tính lớn và nguy hiểm nhất của không ít người Việt, làm suy thoái xã hội từ trong ra đến nước ngoài nói chung. Đến được Mỹ vào những giai đoạn kinh tế phát đạt và những chính sách an sinh dễ dàng đã được chính phủ hào phóng giúp đỡ, cũng như may mắn được thừa hưởng những điều mà các cộng đồng khác đã tranh đấu trước kia, nhóm này dường như không có những ý niệm và kiến thức lịch sử cùng tấm lòng để có thể có tâm tình cảm tạ và sống bao dung, giúp đỡ lại người khác và những người đến sau mình. Nước Mỹ chưa bao giờ mở tung biên giới dưới bất cứ nhiệm kỳ tổng thống nào như cáo buộc, các chính sách chỉ thể hiện sự nhân đạo khác nhau mà thôi.
Mặt khác, lấy sự thành công cá nhân của một nhóm người Việt cần mẫn và có trách nhiệm với đất nước này, cũng như sự thăng tiến của thế hệ trẻ để xem như thành công của mình, nên nhóm Việt-Trump này tỏ ra cao ngạo và hãnh tiến về chuyện “vẻ vang dân Việt”, dù thực chất là một cộng đồng có quá nhiều điều tiêu cực và yếu kém cần phải thay đổi.
Muốn phát triển và thăng tiến cộng đồng thì không chỉ thôi ảo tưởng về những điều không có thật mà cho dù khó khăn hay khó nói hơn, cộng đồng Việt cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về sự yếu kém của mình với hiện tượng cuồng mê Donald Trump đã phô bày trọn vẹn. Đó là bước đầu tiên để có thể trở thành một cộng đồng có trách nhiệm trên xứ người, trước khi có thể đi xa hơn.
-->Cuộc tuần hành có tên gọi 'Chúng tôi không im lặng' phản đối sự thù hận người gốc Á ở Seattle |
Cộng đồng người Việt ở khắp các tiểu bang trên nước Mỹ nên cùng lên tiếng và gây sức ép cho giới chức để có những biện pháp hữu hiệu hơn trước tình trạng kỳ thị người gốc Á vì xuống đường biểu tình ‘không phải là cách hay’, các lãnh đạo cộng đồng nói với VOA.
Trong làn sóng bài người gốc Á dâng cao ở Mỹ kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đã có người Việt, điển hình như ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, cựu sĩ quan cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa, bị người da trắng tấn công ở San Francisco.
Một số người Việt đã xuống đường biểu tình cùng các sắc dân gốc Á khác ở các thành phố lớn của Mỹ lên án các tội ác thù ghét và kỳ thị nhắm vào người gốc Á.
‘Tình liên đới với các cộng đồng gốc Á’
Từ vùng Little Saigon, ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, cho biết sau khi xảy ra các vụ kỳ thị, cộng đồng nơi đây ‘đã gửi thư cho tất cả các cơ quan cảnh sát, Bộ Tư pháp cũng như văn phòng biện lý ở tất cả các quận hạt ở miền Nam California’.
“Chúng tôi yêu cầu cảnh sát gia tăng đi tuần tra trong khu có đông người Việt và văn phòng biện lý khi điều tra tội ác kỳ thị thì cần phải xử mức án tối đa đối với thủ phạm,” ông cho biết và nói thư gửi của cộng đồng không chỉ dừng lại ở những lời lên án.
Tuy nhiên, ông Phát cho rằng cộng đồng Việt ‘nên có sự chung tay với các cộng đồng gốc Á bạn như Hàn, Hoa, Thái, Phi cùng lên tiếng’. “Có như vậy mới tạo được sức mạnh và gây sự chú ý cho chính quyền từ các cấp tiểu bang đến liên bang,” ông nói.
“Cần minh định rõ ràng là chúng tôi luôn luôn lên án những việc làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng họ không liên quan gì đến những người Mỹ gốc Hoa,” ông nói và phản đối việc người gốc Việt kỳ thị người gốc Hoa ở Mỹ.
Ông Phát, vốn cũng là nghị viên thành phố, không cho rằng xuống đường biểu tình chống kỳ thị là một cách làm hiệu quả.
“Tôi nghĩ rằng biểu tình là một cách làm nhưng không phải là cách duy nhất cũng không phải là cách hữu hiệu nhất,” ông nói và cho rằng việc các cộng đồng cùng đồng thanh lên tiếng ‘mới có hiệu quả thiết thực’.
“Nếu có biểu tình ở Little Saigon đi nữa thì cũng chỉ là gióng lên tiếng chuông đối với chính quyền sở tại mà thôi,” ông giải thích.
Theo lời ông, trong thời gian qua ở Little Saigon ‘đã có 1-2 cuộc biểu tình nhỏ do một số nhóm tổ chức’ và ‘có ít nhất 3-4 cuộc họp báo, trong đó có cuộc họp báo của dân biểu bang Janet Nguyễn nhằm giới thiệu đạo luật cụ thể đòi hỏi các thành phố trong bang công khai các thông tin về kỳ thị để người dân theo dõi’.
Trước việc nhiều người cao niên gốc Việt lúc này đang ngại ra đường vì sợ bị tấn công, ông Phát kêu gọi bình tĩnh ‘vì việc kỳ thị này dù tăng gấp đôi, gấp ba so với lúc trước nhưng không xảy ra rộng rãi’.
“Khi đi ra đường thì chúng ta nên cẩn thận để ý chung quanh. Nếu xảy ra tình trạng người ta kỳ thị mình và buông những lời nhục mạ mình thì quý vị đừng tranh cãi mà gọi 911,” ông khuyên. “Nên tránh đi tới những nơi tối vào đêm khuya hay những nơi thường xảy ra các vụ trộm cắp, hành hung.”
‘Cần làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc’
Ông Đỗ Văn Hội, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia liên bang Hoa Kỳ từ năm 2012-2018 và hiện là cố vấn cộng đồng, nói với VOA rằng ông ‘không nghĩ có làn sóng kỳ thị người gốc Á ở Mỹ mà chỉ là sự hiểu lầm’.
“Có nhiều gia đình bị mất người thân trong đại dịch, họ đau khổ lắm. Đôi khi người ta bực mình họ nghĩ chuyện không hay nên đổ lỗi cho người này, người kia,” ông giải thích. “Chúng ta nên thông cảm cho việc này.”
Theo lời ông thì sau khi xảy ra các vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á, các lãnh đạo cộng đồng ‘cũng đã bàn luận, nghiên cứu lấy dữ kiện để biết chính xác bản chất vụ việc’
Ông cho rằng ‘cần phải điều tra, phân tích thêm về nguyên nhân, động lực’. “Người ta cho rằng có sự thù hận đối với người gốc Á nhưng mình chưa nói được về điều đó,” ông nói.
“Sau khi nghiên cứu rồi thì chắc chắn cộng đồng người Việt sẽ họp lại với nhau để đưa lên tiếng nói và giải thích cho mọi người hiểu hơn,” ông Hội khuyến nghị.
Theo lời ông thì ‘sự bất bình với Đảng Cộng sản Trung Quốc về dịch bệnh’ không chỉ có ở Mỹ mà còn trên thế giới ‘nhưng người Hoa hay người gốc Hoa cũng chỉ là nạn nhân’.
“Chúng ta cần làm sáng tỏ là con virus corona đó không phải là do người dân Trung Quốc, cũng không phải là do người gốc Á châu,” ông nói.
Giống như ông Phát Bùi, ông Đỗ Văn Hội không cho rằng xuống đường biểu tình chống kỳ thị là một biện pháp hay.
“Biểu tình rất dễ có kẻ xấu trà trộn gây ra chuyện này chuyện kia, có thể đổ máu bất lợi,” ông phân tích. Thay vì đó, ông kêu gọi ‘cộng đồng gốc Việt nên tổ chức họp báo’ hay ‘nhờ các dân biểu, nghị sĩ lên tiếng giùm chúng ta’.
Từ ngày ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, Washington vẫn duy trì thái độ cứng rắn với Bắc Kinh và cho thấy rõ mối quan tâm trong việc củng cố vai trò của Mỹ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việt Nam được cho là rất hài lòng với đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nhưng cùng lúc có phần lo ngại trên một số điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền.
Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện một thái độ cứng rắn rõ rệt đối với Trung Quốc, mà ví dụ mới nhất là tuyên bố ngày 25/03/2021 nhân một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi ông nhấn mạnh quyết tâm phối hợp với các đồng minh của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả về hành vi của họ trên các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Biển Đông, cũng như về cách đối xử với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ quốc tế về thương mại công bằng.
“Biden là Trump cộng với nhân quyền”
Nhận định về đường lối chung của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, nhật báo Pháp Le Monde ngày 23/03 vừa qua đã có một công thức rất lý thú khi cho rằng, nhìn từ Bắc Kinh, “Biden là Trump cộng với nhân quyền”, tức là còn tệ hại hơn đối với Trung Quốc.
Tờ báo liệt kê một loạt hồ sơ: “Thuế quan ư? Vẫn được duy trì. Các biện pháp chống lại Hoa Vi, ZTE và các đại gia công nghệ khác của Trung Quốc ư? Tiếp tục được củng cố. Danh sách đáng xấu hổ của các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt đích danh vì chính sách ở Tân Cương hay Hồng Kông ư? Dài thêm ra”.
Trong lĩnh vực ngoại giao, chiến lược cũng vậy, Hoa Kỳ đã tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác với các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục tiêu kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc.
Hôm 16/03/2021 ngay tại Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không ngần ngại lên tiếng chống lại việc sử dụng các thủ đoạn “cưỡng bức và gây hấn”, cho rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông khiến cho căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông Blinken đã cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ trả đũa nếu cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc và gây hấn để đạt được mục đích của mình”.
Việt Nam hài lòng nhưng cũng lo ngại
Đối với chuyên gia Mỹ Derek Grossman thuộc trung tâm tham vấn Rand Corporation, việc chính quyền Joe Biden cứng rắn đối với Trung Quốc có thể vừa khiến Việt Nam vui mừng, vừa tạo ra một số lo âu nhất định. Trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 16/03/2021, chuyên gia Mỹ cho rằng với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên, mặc dù vẫn còn một số trở ngại nhất định.
Theo ông Grossman, những dấu hiệu đầu tiên mà chính quyền Biden bộc lộ về chính sách châu Á của Mỹ “hết sức tích cực” đối với Việt Nam. Có vẻ như chính quyền của ông Biden về cơ bản sẽ duy trì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Trump, giữ cho khu vực được “tự do và rộng mở”, tránh bị Trung Quốc bức hiếp, nhưng với lời lẽ nhẹ nhàng hơn và nhấn mạnh hơn trên việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác.
Theo chuyên gia Mỹ, dưới thời Donald Trump, Việt Nam là một nước nhiệt tình ủng hộ chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ, dù không tuyên bố công khai để tránh gây hiềm khích với Trung Quốc một cách vô ích. Hà Nội đánh giá cao sự tập trung chú ý của Washington vào khu vực, đặc biệt trên các tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh sự giúp đỡ của Mỹ thông qua các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và các tuyên bố chính thức. Và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ ngày lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tiến hành ba chiến dịch tự do hàng hải được tiết lộ công khai ở Biển Đông, hai lần gần Trường Sa và một lần ở vùng Hoàng Sa.
Ngoài ra, ngoại trưởng Antony Blinken còn tái khẳng định sự chuyển hướng chính sách Biển Đông mà người tiền nhiệm Mike Pompeo loan báo vào tháng 7 năm 2020 để công nhận sự tồn tại và tính hợp pháp của các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, chỉ dựa trên quyền lịch sử, trái với luật lệ quốc tế.
Singapore và Việt Nam được Mỹ nêu bật trong khối ASEAN
Hơn nữa, rõ ràng là chính quyền Biden có kế hoạch tiếp tục hướng cạnh tranh quyền lực của chính quyền Trump với Trung Quốc. Đây là một điều tốt cho Hà Nội vì Washington đang thể hiện quyết tâm lâu dài nhằm đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh.
Cuối cùng, Hà Nội có thể hài lòng trước quyết định gần đây của chính quyền Biden về việc đặc biệt nêu tên Việt Nam là một đối tác chính ở vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Trong bản “Hướng dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời” công bố ngày 3 tháng 3, chính quyền Biden viết rõ rằng: “Chúng ta sẽ… làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), để phát huy các mục tiêu được chia sẻ.”
Những hồ sơ nhạy cảm
Tuy nhiên, theo chuyên gia Grossman, đường lối mới của chính quyền Joe Biden chắc chắn cũng có nhiều điểm khiến Việt Nam lo ngại, trước tiên hết là trọng tâm mà Washington đặt trở lại trên các giá trị, chẳng hạn như dân chủ, tự do và nhân quyền, vốn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Chuyên gia Mỹ cho rằng đối với Hà Nội, có thể có một số lo lắng nhất định về hậu quả tiềm tàng của việc liên kết chặt chẽ hơn với một chính quyền Washington lớn tiếng hơn trên những hồ sơ này, như Mỹ đang làm với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, còn có những khúc mắc có từ thời Donald Trump. Hà Nội có thể lo ngại về việc liệu chính quyền Biden có hành động nhắm vào Việt Nam vì những cáo buộc theo đó Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Ngoài ra cũng có một yếu tố khác, tồn tại từ thời Trump, là khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam vì mua thiết bị quân sự của Nga.
Ngay cả trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng cần chú ý nhiều hơn. Sau cuộc họp cấp bộ trưởng Bộ Tứ vào tháng Hai, thông cáo mà Washington đưa ra lại không đề cập đến vấn đề Biển Đông - một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Hà Nội. Tuy nhiên, thiếu sót đó đã được bổ sung với tuyên bố của chính quyền Biden sau Thượng Đỉnh Quad lần đầu tiên ngày 12 tháng 3.
Tuyên bố đó đã ghi rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công Ước LHQ về Luật Biển UNCLOS, và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đối phó với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.”
Việt Nam muốn có một thượng đỉnh Joe Biden-Nguyễn Phú Trọng?
Sau cùng, chuyên gia Grossman nhắc đến một quan tâm trước mắt của Việt Nam là muốn sắp xếp thời gian để tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng tiếp xúc với tổng thống Mỹ Biden.
Lần duy nhất mà sự kiện này diễn ra là vào tháng Giêng năm 2015, cách nay quá lâu, và theo ông Grossman, nếu Hà Nội không dàn xếp được một thượng đỉnh như vậy trong năm nay, điều đó sẽ bị coi là một bước lùi.
Nhà nghiên cứu Mỹ kết luận: Về tổng thể, tất cả những thách thức nói trên đều có thể vượt qua được nhờ động lực tích cực và đáng kể của quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Trong tương lai, chính quyền Biden có thể tìm cách giảm bớt những lo ngại của Việt Nam để củng cố hơn nữa hậu thuẫn của Hà Nội đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chẳng hạn như mời ông Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng.
Về phần mình, Việt Nam nên có thái độ cởi mở đối với chính quyền mới tại Mỹ và những thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của Washington trong 4 năm tới.
Những người biểu tình tập hợp trước cổng khu Phố Tàu ở Washington D.C. hôm 21/3 để hô các khẩu hiệu chống lại nạn kỳ thị người gốc Á ở Mỹ |
Một bạn trẻ Việt đứng ra tổ chức cuộc biểu tình chống lại sự thù hận và bạo lực nhắm vào người châu Á ở Mỹ nói với VOA rằng anh ‘có trách nhiệm để đấu tranh cho những gì tốt đẹp cho nước Mỹ’ và kêu gọi người Việt đừng nên im lặng hay cổ vũ cho hành động kỳ thị.
Hôm Chủ nhật ngày 21/3, một cuộc tập hợp và tuần hành có tên là ‘Tập hợp vì sự An toàn Chung – Hãy bảo vệ cộng đồng châu Á/Người Mỹ gốc Á và các đảo trong Thái Bình Dương’ diễn ra ở Quảng trường McPherson, trung tâm thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ.
Ban tổ chức là những bạn trẻ người Việt đang học tập và làm việc ở Mỹ, trong đó người đầu tàu là anh Leo Nguyễn, 25 tuổi, vốn có bằng Khoa học Chính trị và hiện đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho những người có thu nhập thấp.
Cuộc tập hợp diễn ra trong bối cảnh làn sóng thù hận nhắm vào người gốc Á ở Mỹ dâng cao với các cuộc tấn công vô cớ liên tiếp xảy ra và một loạt vụ xả súng ở Atlanta khiến 8 người, trong đó có 6 người gốc Á, thiệt mạng.
‘Quyết tâm làm’
Trao đổi với VOA, anh Leo cho biết vụ bạo lực ở Atlanta hôm 16/3 là ‘giọt nước làm tràn ly’ thôi thúc khiến anh phải hành động. Anh mô tả cảm giác của anh lúc nghe tin các tiệm spa bị tấn công là ‘rất giận dữ, rất sợ, rất khó ngủ nên muốn làm một cái gì đó’.
Mặc dù nhà chức trách vẫn chưa khẳng định động cơ hành động của hung thủ có phải là thù ghét người gốc Á hay không, nhưng anh Leo lập luận rằng ‘nếu muốn tấn công người châu Á thì có mục tiêu nào rõ ràng hơn là các tiệm thẩm mỹ, tiệm spa hay tiệm làm móng vì đa phần các tiệm này thuộc sở hữu người châu Á’.
“Tôi có rất nhiều bạn bè anh chị, nói chung những người trong gia đình làm trong ngành nail (làm móng) nên khi đọc tin này rất là sợ,” anh nói.
Ngay sau đó anh đã rủ bạn bè cùng bắt tay vào việc lên kế hoạch và triển khai tất cả các công việc chỉ trong vòng ba ngày. Nhóm của anh gồm bốn bạn trẻ người Việt phải lên chương trình, mời diễn giả, làm khẩu hiệu, làm các sản phẩm nghệ thuật, liên lạc với các đầu mối để loan báo, đăng ký với nhà chức trách, chuẩn bị xe cứu thương, mời luật sư đến để làm nhà quan sát, mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…, anh cho biết.
“Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ là chắc không có nhiều người tham gia nên chỉ đăng ký số lượng với nhà chức trách là 250 người,” anh nói và cho biết con số tham dự ngày hôm đó lên đến 500 người.
Giải thích về quyết tâm tổ chức cuộc biểu tình này, anh Leo nói: “Người gốc Á vốn lâu nay im lặng, làm việc lo cho gia đình, con cái chứ không có văn hóa đấu tranh cho bản thân, không có truyền thống xuống đường biểu tình.”
“Do đó tôi nghĩ nếu mình không làm thì khó có ai làm, nên cho dù chỉ có ba ngày nhưng chúng tôi cũng quyết định làm luôn,” anh nói thêm.
‘Tình đoàn kết sắc tộc’
Anh Leo kể rằng cuộc tập hợp ngày hôm đó đã thu hút được nhiều người ‘từ nhiều màu da, độ tuổi khác nhau’, trong đó có người gốc Việt.
“Người trẻ thì vốn thường lên tiếng mạnh mẽ đấu tranh cho quyền lợi của họ, nhưng nhiều người lớn tuổi cũng đến tham gia,” anh nói. “Có bác nói với tôi rằng họ sống ở Mỹ đã mấy chục năm và đã chịu đựng sự thù ghét, sự phân biệt đối xử mà chỉ biết cắm mặt làm việc. Nhưng giờ đây họ không thể ngồi yên được nữa.”
Theo lời anh thì cuộc tập hợp cũng có sự tham gia của người da đen, da trắng, người gốc thổ dân để ‘thể hiện sự đoàn kết của các màu da’. “Có như vậy mới chống được kẻ thù chung là nạn phân biệt chủng tộc,” anh nói.
Cuộc tập hợp đã hô những khẩu hiệu kêu gọi ‘không thù hận, không sợ hãi’, ‘hãy bảo vệ cộng đồng gốc Á’, ‘chấm dứt bạo lực súng đạn’ và ‘người gốc Á không phải là virus’. Sau cuộc tập hợp, dòng người đã tuần hành đến cổng khu Phố Tàu ở Washington D.C., anh Leo cho biết.
Anh Leo cho biết anh từng tham gia vào phong trào Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người da đen hồi năm ngoái nên trong hành động vì người da vàng lần này, nhiều bạn bè da đen đã đến ủng hộ anh.
Anh kêu gọi người gốc Việt có sự ủng hộ và thông cảm cho phong trào đòi bình đẳng của người da đen để có thêm sự đoàn kết, chia sẻ giữa các sắc dân thiểu số ở Mỹ.
“Tôi có thể ở nhà chơi game, nhưng nước Mỹ cho tôi nền giáo dục, cho tôi nhiều bạn bè thân thiết, nhiều bài học,” anh nói về động lực xuống đường. “Tôi rất yêu nước Mỹ. Tôi muốn trả ơn. Tôi thấy mình có trách nhiệm để đấu tranh cho những gì mà tôi tin là tốt cho nước Mỹ.”
‘Nghịch lý của người Việt’
Người thanh niên này, vốn đến Mỹ 8 năm trước để học trung học, sau đó học đại học và giờ làm việc ở Mỹ, cho biết ở trung học anh đã trải qua những hành vi ‘bắt nạt vặt’ (micro-aggression). Theo lời anh kể thì một trong những câu đầu tiên bạn bè anh hỏi là ‘mày có ăn thịt chó không?’ và ‘ở nước mày có điện không’. “Tôi trả lời tụi nó là ‘nhà tao có điện còn nhiều hơn nhà của mày’,” anh nói.
Anh Leo cho rằng tình trạng kỳ thị người gốc Á ở Mỹ ‘chỉ là trang mới trong một quyển sách cũ’. “Nó bắt đầu từ rất lâu nhưng gần đây do có virus corona nên có những người bên cánh hữu có sự giải thích lười biếng là ‘China virus’ nên thổi bùng tâm lý bài châu Á,” anh nhận định.
“Tại sao họ không nghĩ rằng con virus này qua tới nước Mỹ mà chính phủ Mỹ đã không làm việc tốt để ngăn chặn mà lại đi đổ lỗi cho người châu Á,” anh lập luận. “Những người không hiểu biết đã dựa vào đó để đi hà hiếp người gốc Á.”
Về tâm lý bài Trung Quốc của người Việt nên tiếp tay cho cách gọi ‘virus Vũ Hán’ này, anh Leo lên án: “Mọi người nên biết rằng khi mọi người ủng hộ cách gọi ‘China virus’ thì không khác nào cầm súng bắn vào chân mình.”
“Người ta tấn công mình vì ‘China virus’ mà mình lại ủng hộ ‘China virus’, đó là sự nghịch lý đến buồn cười,” anh nói.
Mặc dù anh nói anh không phải là người ủng hộ Tổng thống Joe Biden, nhưng ít nhất ông ‘Biden đã lên án cách gọi ‘China virus’.
Hiện giờ Quốc hội Mỹ đang soạn thảo những dự luật chống thù ghét người châu Á và chống thù ghét liên quan đến Covid. Anh Leo kêu gọi các cử tri gốc Việt hãy gọi đến vị dân biểu đại diện cho mình hỏi họ sẽ bỏ phiếu như thế nào cho các dự luật này.
“Nếu họ không ủng hộ, thì trong kỳ bầu cử tới quý vị hãy bầu cho người khác,” anh kêu gọi.
Hung thủ, cụ Tạ và cụ Ngọc Phạm, từ trái qua phải, trong ảnh chụp màn hình của Yahoo News |
Nạn nhân người Việt bị một người da trắng đánh trên đường phố ở San Francisco nói việc kỳ thị nhắm vào một người đã ‘hoàn thành bổn phận với nước Mỹ là bất công’ và kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường ở Mỹ’.
Ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, là một trong hai nạn nhân bị hành hung cùng một lúc hôm 17/3 tại một con đường tấp nập ở thành phố San Francisco. Nạn nhân còn lại là bà cụ gốc Hoa 75 tuổi Tạ Tiêu Trân (Xiao Zhen Xie). Hình ảnh camera quay lại cho thấy bà Tạ đã phản đòn khiến kẻ tấn công bị thương.
Hung thủ tên là Steven Jenkins, một người đàn ông da trắng 39 tuổi, ngay sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi có hành vi tấn công vô cớ với tình tiết tăng nặng, cảnh sát San Francisco cho biết.
Trung tâm Giới trẻ Cộng đồng San Francisco (CYCSF) đã tổ chức gây quỹ trên trang GoFundMe để hỗ trợ chi phí điều trị cho ông Ngọc Phạm. Hiện giờ số tiền quyên góp được đã lên tới trên 200.000 đô la trong khi mục tiêu ban đầu chỉ là 25.000 đô la.
‘Bị đánh bất ngờ’
Ông Ngọc hiện đã được xuất viện và cho về nhà. Trao đổi với VOA qua điện thoại từ San Francisco, cho biết ông ‘đã ăn ngủ được’ và ‘chỉ còn đau nhức chút đỉnh’.
Về thương tích, ông nói ông bị ‘gãy sống mũi, trật cần cổ và vết bầm trên đầu’. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bác sĩ nói rằng đầu ông ‘không bị chấn thương sọ não’ trong khi ‘vết thương ở cổ chỉ có một đốt cổ bị rạn nứt chứ không bị lệch làm ảnh hưởng đến dây thần kinh’.
Ông mô tả vụ việc xảy ra với ông vào hôm đó ‘rất là bất ngờ’ nên ông ‘không có sự đề phòng gì’. Khi đó, ông đang đi mua đồ ở chợ Farmers’ Market, nơi nông dân đem hàng hóa tươi đến bán nên rất được dân châu Á ưa chuộng.
“Tôi cũng cảnh giác lắm (sau một loạt các vụ kỳ thị người châu Á xảy ra ở San Francisco),” ông cho biết. “Bình thường tôi đi ra chợ mua đồ gì là mua rẹt rẹt rồi về. Nhưng bữa đó gặp người bạn cũng từng làm cảnh sát, cũng ở tù cải tạo với nhau, cũng qua Mỹ theo diện HO nên mới đứng lại nói chuyện thì tai nạn xảy ra.”
Ông Ngọc từng làm cảnh sát đặc biệt dưới thời Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Ông từng bị nhà cầm quyền cộng sản đưa vào trại cải tạo suốt 17 năm, sau qua Mỹ theo diện HO vào năm 1993.
“Tôi rất là bất ngờ. Đang đứng nói chuyện với người bạn thì nó quýnh một cú như trời giáng. Mặt tôi máu me tùm lum rồi té xuống đập đầu xuống đất nên đâu có chống cự lại nó được. Thành ra phản ứng không kịp,” ông giải thích tại sao mình không chống lại như bà cụ Tạ.
Theo lời ông nói thì sau khi đánh ông té ngã, tên hung thủ ‘tiếp tục tới đánh bà xẩm’. Ông nói sau khi bị thoi thì bà cụ ‘chỉ bị té ngồi xuống đất chứ không đập đầu như tôi’. Tuy nhiên, ông ‘rất ngưỡng mộ’ hành động của bà cụ gốc Hoa mà ông gọi là ‘rất anh hùng’.
Sau khi bị đánh, ông kêu cứu nên mọi người chạy lại giúp đỡ. Nhân viên an ninh ở chợ đã gọi cảnh sát và chỉ mấy phút sau cảnh sát đến bắt hung thủ và kêu ba xe cứu thương riêng biệt chở ba người đi. Ông mô tả hung thủ là ‘Mỹ trắng, không phải gốc Latin, tương đối to con’.
Ông Ngọc nói ông không hề quen biết hung thủ: “Trước khi đánh tôi, ở đầu chợ nó đã đánh lộn với người nào đó rồi. Nó bất mãn nó đi nó gặp mình nó táng đại thôi. Không biết nó kỳ thị sao mà nó chỉ gặp người già nó mới đập thôi.”
‘Tôi không phải gánh nặng’
Gần 30 năm ở Mỹ, ông Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên ông bị kỳ thị như vậy. Trước giờ ông cũng nghe tin tức về kỳ thị người châu Á này nọ nhưng ‘không nghĩ rằng có ngày tôi trở thành nạn nhân’.
“Chúng tôi là những nạn nhân của cộng sản. Tôi qua đây được, tôi nghĩ rằng xứ này tự do dân chủ. Tôi làm việc 12 năm đến năm 68 tuổi mới nghỉ hưu thì tôi đã làm tròn bổn phận người công dân đối với xứ sở này. Tôi phải được hưởng sự thanh bình chứ. Sự kỳ thị đối với tôi là bất công,” ông giãi bày với VOA và nhấn mạnh ông không phải ‘gánh nặng’ của xã hội Mỹ.
“Ở San Francisco giờ ghê quá. Nó kỳ thị người châu Á. Nó gặp người già là nó đục thôi chứ đụng người trẻ nó đâu dám,” ông than thở và cho biết hiện giờ nếu có việc gì ra đường ông ‘nhờ con cháu đi’.
Ông nói rằng ông đã từng ‘ở tù cộng sản và không gục ngã’ thì ‘sẽ không gục ngã trước kỳ thị’. Nhưng ông kêu gọi chính quyền trừng trị hung thủ và ‘có biện pháp bảo vệ người châu Á, người Việt Nam và nhất là người già hay bị hiếp đáp’.
“Phải cô lập nó (hung thủ) với xã hội, nếu cho nó ra mai mốt nó đập người khác nữa.”
Ông kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường’ và lên án hành động kỳ thị để ‘cho thế giới biết nhằm chặn đứng sự kỳ thị đối với người gốc Á và người Việt nói riêng’.
“Cộng đồng xuống đường biểu tình là rất tốt. Nếu tôi mạnh khỏe tôi đã xuống đường ủng hộ,” ông nói về các cuộc xuống đường chống nạn kỳ thị người châu Á ở Mỹ vào cuối tuần qua và cho rằng từ vụ việc này, ông ‘thông cảm cho những người đòi bình đẳng trong phong trào Black Lives Matter’.
Ông Ngọc gửi lời cám ơn những người đã ủng hộ ông về vật chất lẫn tinh thần mà ông nói nhờ đó ‘tinh thần tôi được vững vàng’.
Khi được hỏi về sự phát ngôn và hành động của Tổng thống Joe Biden chống lại sự kỳ thị người châu Á, ông Ngọc nói ông ‘không có ý kiến’. Tuy nhiên, ông cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump gọi virus corona là ‘China virus’ là ‘có quá đáng một chút’.
Hiện giờ, cảnh sát đã tăng cường tuần tra một số khu vực có đông dân gốc Á ở San Francisco. Theo phúc trình của tổ chức Stop AAPI Hate, vốn ghi lại những hành động kỳ thị người gốc Á, trong suốt đại dịch, người gốc Á ở Mỹ đã báo cáo ít nhất 3.795 hành động thù ghét nhắm vào họ.
Hôm 12/3, cụ ông Pak Ho, 75 tuổi, đã qua đời sau khi bị tấn công và bị cướp. Hôm 28/1, cụ ông gốc Thái Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, bị một kẻ tấn công xô xuống đường đến chết. Nhiều người Mỹ gốc Á khác ở Vùng Vịnh bang California cũng bị đánh và bị cướp trong những tuần gần đây.