Cuộc tuần hành của người gốc Việt ở Little Saigon hôm 3/4 thu hút sự tham gia của đại diện các sắc dân khác |
Cuộc tuần hành của những người Việt chống kỳ thị người gốc Á diễn ra ở Little Saigon cuối tuần qua bị một nhóm người Việt khác phản đối và đôi bên đã có lời qua tiếng lại trong bối cảnh người Việt bị chia rẽ đảng phái sâu sắc về vấn đề kỳ thị.
Cuộc tập hợp của trên 200 người Việt cùng một số sắc dân bạn tại Mile Square Park hôm 3/4 do những người theo xu hướng Dân chủ tổ chức nhằm lên án những hành vi thù hận và bạo lực nhắm vào người gốc Á.
Một cuộc tập hợp chống kỳ thị khác do những người thuộc Đảng Cộng hòa tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/4 ngay trước siêu thị Á Đông.
‘Kỳ thị là bịa đặt’
Từ thành phố Riverside, bà Nguyễn Minh Hà, một nhà tư vấn tâm lý có tham gia vào cuộc tuần hành hôm 3/4 đã thuật lại với VOA về cuộc đụng độ hôm 3/4 giữa hai bên. Theo lời bà thì ‘có khoảng vài chục người Việt cùng 3-4 người Mỹ trắng tụ tập bên kia đường đối diện với cuộc tuần hành chống kỳ thị’.
Bà mô tả những người Mỹ trắng này là ‘những người kỳ thị’. Bà chỉ ra trên áo họ có in dòng chữ ‘Nếu tụi mày không thích ở đây thì cút đi’ hay ‘Kỳ thị là chuyện bịa đặt của bọn Dân chủ’. Về phía những người Việt trong nhóm này, bà cho biết họ đội nón MAGA (Make America Great Again), phất cờ ‘Trump 2024’.
“Khi chúng tôi biểu tình ôn hòa bên này thì bên kia họ mở loa lớn lên. Khi có người trong chúng tôi đi ngang qua thì họ chặn lại và nhục mạ là ‘tụi bây theo cộng sản’,” bà Hà kể.
“Họ còn tràn qua chỗ chúng tôi để buông những lời nhục mạ như vậy,” bà nói thêm và cho biết hai bên đã có lời qua tiếng lại cho đến khi cảnh sát can thiệp.
Theo lời bà thì nhóm của bà đã giải thích cho nhóm đối phương ‘biểu tình chống kỳ thị cũng là vì lợi ích của họ.’
“Nhưng họ không nghe mà chỉ một mực nói rằng kỳ thị là fake news (tin giả),” bà nói.
Bà Hà cũng thuật lại một số lập luận của nhóm người Việt này, chẳng hạn như là ‘kỳ thị là nhằm vào Trung Cộng, không phải người Việt’ hay ‘người Tàu ở Mỹ là cộng sản’.
“Có đầy đủ số liệu thống kê các báo cáo về kỳ thị mà họ còn cho là bịa đặt,” bà lập luận.
“Những người Hoa đó cũng là người chạy trốn cộng sản Trung Quốc đến Mỹ. Họ cùng màu da với người Việt nên tất cả người châu Á phải nên đồng lòng với nhau,” bà nói.
Bà cho biết những người Mỹ da trắng tham gia chống kỳ thị cùng người Việt hôm đó đã hỏi bà: “Tại sao những người Việt này lại ở bên phía kỳ thị như vậy? Có phải họ đồng tình với thù hận hay không?”
“Tôi thật sự xấu hổ, không biết trả lời sao nữa vì đây là chuyện đấu tranh chung cho quyền lợi của người châu Á, trong đó có họ nữa mà họ lại làm như vậy. Nếu họ không ủng hộ đã là không đúng, đằng này họ còn chống lại nữa thì quả là nhục nhã,” bà giãi bày.
Khi được hỏi có tham gia cuộc tập hợp cuối tuần này của phía Cộng hòa hay không, bà Hà, vốn là một ủng hộ viên nhiệt thành của Đảng Dân chủ, nói bà ‘sẽ tìm hiểu và nếu đúng là họ chống kỳ thị thì tôi sẽ tham gia và kêu gọi bạn bè tham gia’.
Bà cũng nói thêm là trong cuộc tuần hành ở Mile Square Park, bà đã kêu gọi bạn bè bên phía Cộng hòa tham gia nhưng ‘không ai ra’.
‘Cần xem xét kỹ nguyên nhân’
Trao đổi với VOA từ thành phố Westminster, ông Vũ Hoàng Hải, một nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam, cho biết ông sẽ tham gia vào cuộc tập hợp chống kỳ thị sắp tới do bên Cộng hòa tổ chức.
Ông Hải là người tích cực xuống đường ủng hộ cho cựu Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái.
“Những người tổ chức cuộc tập hợp này là những người tôi quen biết nhiều, từng sinh hoạt chung qua nhiều cuộc biểu tình,” ông Hải giải thích lý do ông sẽ tham dự. Riêng cuộc tuần hành của phe Dân chủ, ông nói ông ‘không nắm rõ nên không tham gia’.
Ông Hải nói ông ‘lên án tất cả những việc kỳ thị người châu Á’ nhưng kêu gọi thận trọng ‘đừng rơi vào cái bẫy của những người đang lợi dụng vấn đề người gốc Á để khuấy động xã hội Mỹ’.
“Chúng ta cần phải sáng suốt trong vấn đề này, bởi vì trong vấn đề kỳ thị người gốc Á có bàn tay nào đó của ngoại bang lợi dụng tình hình,” ông nói.
“Tại sao từ bầu cử đến giờ vấn đề kỳ thị người gốc Á bị khuấy động lên mạnh mẽ? Mục đích khuấy động là gì?” ông lập luận và cho rằng theo những nguồn tin của ông thì ‘có những hội đoàn, tổ chức nước ngoài tiếp tay khuấy động để đổ lỗi cho những người da trắng thượng đẳng coi khinh người Á châu’.
Ông thừa nhận rằng ‘kỳ thị người gốc Á đang dâng rất cao’. Ông nói ngay tại Little Saigon, chính ông đã nhìn thấy những dòng chữ miệt thị người châu Á viết trên tường chẳng hạn như nói ‘Covid-19 là do bọn da vàng’.
Tuy nhiên, ông không cho rằng ông Trump nên bị đổ lỗi cho vấn đề kỳ thị này mà ‘nguyên nhân cần xem xét lại coi có bàn tay nào nhúng vào không’.
Ông nói kỳ thị là vấn đề nhức nhối của xã hội Mỹ đã có từ lâu nhưng ‘các tổ chức có xu hướng dân chủ lại lợi dụng vấn đề sắc tộc để đả kích da trắng thượng đẳng’.
“Đổ lỗi kỳ thị cho người da trắng là không đúng,” ông nói. “Cần lên án phân biệt chủng tộc cho dù là do da trắng, da đen hay da vàng.”
Khi được hỏi về những người Việt đi chung, đứng chung và chụp hình chung với những người theo thuyết da trắng thượng đẳng, ông Hải nói ‘Mỹ là nước tự do nên đó là quyền của họ’
Người biểu tình giăng biểu ngữ với khẩu hiệu "Cộng đồng AAPI chống Hận thù Chủng tộc" tại một cuộc tuần hành để phản đối các tội ác vì hận thù người gốc Á tại Newcastle, Washington, Ngày 17/3/2021. (REUTERS/Lindsey Wasson) |
Từ khi ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Hoa Kỳ, hơn 3000 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương – gộp chung lại là cộng đồng AAPI, đã được ghi nhận trên khắp nước, nạn nhân đa số là người già và phụ nữ.
Không khỏi đau lòng khi xem lại những đoạn video quay cảnh những người già, phụ nữ vô cớ bị hành hung, bị xô mạnh xuống đường, có ca dẫn đến tử vong như trường hợp một lão ông 84 tuổi, qua đời sau khi bị tấn công khi đang đi bộ tại khu phố Anza Vista ở San Francisco. Họ không có tội, tất cả chỉ vì màu da của họ.
Khó có ai quên được cảnh một phụ nữ 65 tuổi đang đi ngang qua một cửa hàng ở trung tâm thành phố New York, bất thần bị kẻ lạ mặt đạp ngã xuống đường ngay trước một cửa tiệm, sau đó hung thủ liên tục đá vào người, vào đầu, vào mặt nạn nhân, giữa thanh thiên bạch nhật… Càng đau lòng hơn khi thấy trong video, những người chứng kiến trố mắt ra nhìn khi nạn nhân bị thương, bàng hoàng ngơ ngác lồm cồm bò dậy một mình, và trước cảnh đó, một người đàn ông vóc dáng to lớn ở trong tiệm bước ra khép lại cánh cửa, để mặc người đàn bà đáng thương kia ra sao thì ra.
Một số nhà phân tích cho rằng phía sau hiện tượng leo thang bạo lực nhắm vào cộng đồng AAPI là những thông tin sai lạc và nỗi sợ do thiếu hiểu biết, khiến họ đánh đồng người gốc Á với con virus xuất xứ từ Trung Quốc. Một số nhà phân tích cũng cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm một phần vì đã kích động những thành phần kém hiểu biết bằng những ngôn từ và lập luận của ông, như gọi Covid-19 là “Kung Flu” và “virus Vũ Hán”, qua đó liên kết virus Covid-19 với người Á châu, dù ông chủ yếu nhắm vào người Trung Quốc, nhưng trong mắt của những người đã có sẵn thành kiến, ít tiếp xúc với người Á châu, thì những sự khác biệt giữa những người gốc Á không có ý nghĩa gì hết, bất chấp họ đến từ những nước khác nhau, lịch sử khác nhau, ngôn ngữ, văn hóa, hoàn cảnh khác xa nhau.
Hiểm họa da vàng
Nhưng nạn kỳ thị người Á Châu phức tạp hơn nhiều và đã có từ lâu, lâu lắm, có lẽ từ khi những người Á châu đầu tiên, người Tàu, người Nhật, người Philippines… bắt đầu có mặt tại châu Mỹ.
Viet Hoai Tran, 27 t, cầm biểu ngữ "Hiểm họa Da vàng hậu thuẫn Sức mạnh cho người Da đen" ngày 15/6/2020 tại thủ đô Washington. (AFP) |
Sự nghi kỵ và nỗi sợ người gốc Á dành việc của người da trắng, cùng với tinh thần bất khoan dung, không chấp nhận sự khác biệt của người khác, về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, thực phẩm… khiến nhiều người da trắng xem người Á châu như một mối đe dọa đối với lối sống của họ. Nỗi sợ về “hiểm họa da vàng” xuất hiện từ đó và cùng với nó, nạn kỳ thị người gốc Á.
Dù có thời gian, nhờ các chính sách đúng đắn, một số hành động kỳ thị bị đặt ngoài pháp luật, thì những hành động kỳ thị trắng trợn có suy giảm, nhất là khi cộng đồng gốc Á nói chung tương đối thành công và được coi như các “cộng đồng mẫu mực”, nhưng trên thực tế, nạn kỳ thị chưa bao giờ bị dập tắt, mà nó luôn ngấm ngầm, âm ỉ, và dễ dàng bùng phát khi có ‘điều kiện thuận lợi’, như trong mấy năm qua khi mà một số chính khách và những người có ảnh hưởng trong xã hội, kích động tính cố chấp và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng Mỹ, dù vô tình hay cố ý.
Các hành động kỳ thị càng tăng từ khi Covid-19 bùng phát và hoành hành trên khắp Hoa Kỳ và thế giới trong năm qua. Từ cách thể hiện kỳ thị tương đối ‘nhẹ nhàng’ như từ chối phục vụ, tới những vụ cướp bóc, các vụ hành hung dẫn tới tử vong là điều đã xảy ra đối với các cộng đồng AAPI, da vàng và da nâu, hệ quả trực tiếp khi người dân gốc Á trở thành ‘vật tế thần’ trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Phong trào chống kỳ thị
Trong hoàn cảnh này, nhóm bảo vệ dân quyền STOP AAPI HATE (Stop Asian American and Pacific Islander Hate) ra đời ở vùng Vịnh vào tháng Ba năm 2020. Mục đích là để thu thập các dữ liệu về những vụ tấn công- dù bằng lời hay bằng tay chân, đối với cộng đồng AAPI, hầu có đủ tài liệu và tìm những giải pháp để ngăn ngừa hay giảm thiểu tệ nạn này.
Bà Cynthia Choi, người sáng lập Stop AAPI Hate, giải thích lý do dẫn đến sự thành lập của nhóm, trong một cuộc phỏng vấn ngày dành cho chương trình Our America của luật sư Julian Castro, cựu Bộ trưởng Phát triển Đô thị và Gia cư thời Tổng thống Obama, cũng là cựu Thị trưởng thành phố San Antonio, bang Texas.
“Tôi nhớ rất rõ khi những tin tức về người gốc Á bị tấn công bắt đầu được loan tải. Thái độ kỳ thị, mức độ cay độc của nó, ngay cả truyền thông cũng nói virus Vũ Hán khi nhắc tới Covid-19. Chúng tôi hiểu ra ngay rằng tình hình sẽ xấu đi, rất nhanh. Chúng tôi bàn với nhau là phải bắt đầu thu thập các dữ liệu. Và chúng tôi bị sốc, thực sự sốc. Tới bây giờ, đã có 3000 sự cố được ghi nhận. Chúng tôi cũng biết là có nhiều trường hợp không được báo cáo. Chúng tôi hiểu ra rằng một trong những lý do phải thành lập trung tâm này là bởi vì có một thái độ ngờ vực sâu xa đối với chính quyền, và nhiều người ngần ngại không muốn báo cáo những gì xảy ra cho hệ thống công quyền vì nhiều lý do.”
Người Mỹ gốc Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon ngày 4/3/ 2021 |
Bà Choi nói bây giờ thì sự phẫn nộ đã dâng trào trong cộng đồng AAPI vì họ tin rằng “đối với xã hội Mỹ, cộng đồng AAPI hầu như vô hình và không được lắng nghe”. Bà nói bà cảm thấy hứng khởi vì nhiều người giờ đây đã tập họp lại để tìm những cách hầu thách thức một hệ thống chính quyền đã làm ngơ như không hề thấy, không hề biết tới cộng đồng AAPI bấy lâu nay.
Nhiều người trong các cộng đồng sắc tộc bị kỳ thị cũng đồng ý với bà, tin rằng đã tới lúc người gốc Á nên chủ động hơn để bảo vệ lấy mình, thay vì tiếp tục nhẫn nhịn trước thái độ kỳ thị và những cách đối xử bất công.
Cần có nhiều giải pháp song song
Nạn kỳ thị chống người gốc Á tại Hoa Kỳ là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi một hướng tiếp cận đa chiều.
Ngay từ đầu đại dịch, UNICEF đã nhận thức rõ vấn đề và đưa ra một số khuyến nghị hầu đối phó với tình trạng kỳ thị vì dịch Covid-19.
Trong một tài liệu phổ biến từ tháng 2 năm 2020, cơ quan của Liên Hiệp Quốc này đã đề nghị một số biện pháp để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng kỳ thị liên quan đến dịch Covid-19.
Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn từ để giảm những thành kiến trong cộng đồng. một đề nghị thiết thực là khi nói về bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19), không nên liên kết bệnh với một địa danh hoặc một dân tộc nào đó. Tài liệu của UNICEF nói vì thế mà không nên sử dụng tên gọi như "vi rút Vũ Hán", "vi rút Trung Quốc" hay "vi rút châu Á", mà nên dùng tên chính thức của bệnh. Theo tài liệu này, từ Covid-19 đã được chọn lựa một cách thận trọng nhằm tránh gây kỳ thị - "Co" là viết tắt của Corona, "vi" là viết tắt của virus, và “d” là viết tắt của disease – bệnh. Như vậy, Covid-19 là dịch bệnh do virus corona chủng mới xuất hiện năm 2019 gây ra.
Chính vì vậy mà các tài liệu chính thức cũng như truyền thông nói chung đều nói tới Covid-19.
Tài liệu của UNICEF nói rằng nhận thức sai lệch, tin đồn và tin giả góp phần gây nên tình trạng kỳ thị xã hội và phân biệt đối xử, tinh thần đoàn kết và hợp tác của cộng đồng thế giới sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn sự lây truyền của dịch bệnh, và chính sự thật, chứ không phải nỗi sợ hãi, sẽ giúp chúng ta ngăn chặn dịch COVID-19.
Theo người sáng lập nhóm bảo vệ dân quyền STOP AAPI HATE thì cần có một hướng tiếp cận với sự tham gia của nhiều thành phần trong cộng đồng để đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Mỹ.
Tình cảm bài Trung Quốc trong cộng đồng gốc Á
Vì yếu tố lịch sử và một số nguyên do khác, tâm lý ghét người Trung Quốc đã ăn sâu trong các cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài nước, một số người cho rằng nạn kỳ thị người gốc Á tại các nước Âu Mỹ bây giờ chỉ nhắm vào người Trung Quốc, và người Việt cũng như những người Á châu khác chỉ là nạn nhân bị vạ lây.
Những gì xảy ra gần đây chứng minh rõ rằng trên thực tế, những người bị kỳ thị và các nạn nhân bị hành hung không chỉ là người Trung Quốc hay có gốc Trung Quốc, mà phần lớn họ là người lớn tuổi hay phụ nữ người Việt Nam, người Thái Lan, Philippines, Mã Lai, Ấn Độ vv…
Nhưng kỳ thị là kỳ thị, da vàng là da vàng, mà kỳ thị và bạo lực nhắm vào bất kỳ ai cũng là tội ác đáng lên án. Dù ghét Trung Quốc, nhưng chúng ta nên nhận thức rằng người dân khác với thành phần chóp bu lãnh đạo chế độ độc tài đảng trị ở Bắc Kinh, người Trung Quốc tại Hoa Kỳ có thể là người tị nạn cộng sản, mới chạy sang Hoa Kỳ, hoặc người mà gia đình đã an cư lạc nghiệp tại đất nước này trong nhiều thế hệ…
Nhận chân được bộ mặt xấu xí của kỳ thị, chấp nhận nó là một thực tế, câu hỏi được đặt ra là liệu nên có một giải pháp đường dài và tập trung vào công tác giáo dục?
Người sáng lập Stop AAPI Hate đồng ý là phải có một giải pháp dài hạn, nhưng trước mắt cần tăng cường những dịch vụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân và gia đình của họ, nhất là những người sống sót, đề ra những bước để đối phó với cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần mà cộng đồng nói chung đang phải đối mặt như một hậu quả của đại dịch.
Muốn đạt các mục tiêu đó, điều cần thiết, theo bà Choi, là phải tận dụng những nguồn lực và đầu tư vào các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức này cần có tài nguyền để hướng dẫn và hỗ trợ những người sống sót và gia đình của họ, thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn kỳ thị và những yếu tố dẫn tới bạo lực và tội ác.
Nhã Duy
Cali Today News – Tôi đọc được dăm tâm tình chia sẻ của một anh bạn trên Facebook nhân kỷ niệm ngày 20 năm gia đình anh đến Mỹ. Một gia đình hai con nhỏ đến Mỹ khi hai vợ chồng đã quá tuổi 30 với tay trắng, hạn chế ngôn ngữ và xa lạ văn hóa để tạo dựng một đời sống mới trên xứ người.
Cần mẫn vừa học vừa làm toàn thời gian đầy vất vả, anh ra kỹ sư sau năm năm đến Mỹ và chị cũng tốt nghiệp đại học sau anh ba năm. Cuộc sống bắt đầu ổn định để lo cho con cái và rồi cây trái đã trổ bông. Hai con trai bé nhỏ ngày nào đã ra trường, lại trường danh tiếng là UC Berkeley và Harvard, một luật sư và một chuẩn bị hoàn tất cao học.
Một câu chuyện đáng ngưỡng mộ và thành công nhưng không phải hiếm hoi bởi một khuôn mẫu gia đình như vậy cũng là câu chuyện của nhiều gia đình Việt tại Mỹ. Nhưng điều đáng quý nơi họ là tâm tình cảm tạ và đầy trách nhiệm với nước Mỹ.
Anh viết, “Kỷ niệm 20 năm ngày đặt chân đến Mỹ, chúng tôi biết ơn nước Mỹ và sẽ sống một cách xứng đáng với những gì nước Mỹ đã ban tặng cho chúng tôi. Tôi vẫn hy vọng rằng nước Mỹ sẽ mãi mãi mở rộng vòng tay cho những người di dân đến sau chúng tôi”. (trích từ FB Đoản Kiếm).
Còn câu chuyện gia đình thứ nhì mà tôi biết và qua những điều họ tự kể. Họ đến Mỹ đã gần 30 năm khi tuổi quá 20 rồi gặp nhau, có hai con còn đi học. Cũng cần mẫn tạo dựng, hai vợ chồng làm chủ được một tiệm nails nhỏ, tôi đoán đời sống của họ cũng khá ổn định với công việc.
Những câu chuyện như vậy khá nhiều và khá phổ biến. Bất kể công việc và hành trình ra sao, sự cố gắng vươn lên và lo cho tương lai con cái để trở thành những công dân trách nhiệm của người Việt tại Mỹ là mẫu số chung đáng trân trọng của nhiều gia đình. Nhưng câu chuyện có điều khác hơn để kể tiếp.
Chạy xe sang, ngoài căn nhà đang ở còn có căn nhà nhỏ khác cho thuê, nhưng qua lời kể, gia đình chủ tiệm nails này khoe rằng mỗi năm vẫn được cho tín thuế EITC (Earned Income Tax Credit) năm, sáu ngàn đô la dành cho các gia đình thu nhập thấp. Tôi ước lượng ngay thu nhập khai thuế trên giấy tờ của cả hai vợ chồng chỉ ở mức dưới 30 ngàn mỗi năm mới được vậy.
Đó là lý do gia đình họ được hưởng các phúc lợi xã hội và y tế miễn phí cho đến vài năm qua, khi những điều kiện để xin không còn dễ dãi như trước kia nên đã chuyển sang mua bảo hiểm Obamacare được tài trợ gần như toàn bộ. Còn con cái thì không biết được Medicaid hay CHIP, một chương trình y tế cho trẻ em giá cũng rất rẻ, cũng như họ đủ tiêu chuẩn nhận chương trình tem phiếu thực phẩm (Food stamp/SNAP).
Câu chuyện gia đình thứ nhì cũng không thiếu trong cộng đồng Việt tại Mỹ vì theo thống kê dân số Hoa Kỳ (American Community Survey 2019 *) thì có đến 9.9 % gia đình Việt nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm, 3% nhận trợ giúp tiền mặt và 8.4% nhận tiền SSI, loại trợ cấp tiền mặt cho người trên 65 hay được chứng nhận tàn tật. Cũng như có đến 31.8% dân số cộng đồng, tức khoảng 600 ngàn người lớn nhỏ được hưởng miễn phí hay mua bảo hiểm y tế giá rẻ các loại từ chính phủ.
Việc nhận các phúc lợi xã hội không phải là điều để bàn bởi đây là chương trình nhân đạo của chính phủ, có ngân sách hàng năm để giúp đỡ các gia đình nghèo, những người thật sự cần sự giúp đỡ hay người già không có thu nhập. Nó từng là một sự giúp đỡ to lớn cho hầu hết người Việt định cư tại Hoa Kỳ bước đầu để tạo dựng cuộc sống mới rồi đi lên, đóng góp, đáp trả lại cho xã hội.
Nhưng điều đáng nói ở đây là sự lạm dụng. Có những người ở nhà lớn, đi xe sang, xài hàng xa xỉ, vài năm vẫn “áo gấm về làng” bên Việt Nam và họ vẫn thuộc diện “nghèo”, không những chưa từng đóng thuế mà còn được nhận thêm tiền về.
Đừng hỏi tại sao họ làm được? Họ biết và dám làm những điều người khác không biết hay không dám làm. Trong vụ dịch vụ khai gian tiền thất nghiệp liên quan đến hàng ngàn người Việt tại Nam Cali, văn phòng biện lý Quận Cam bảo rằng những người làm dịch vụ bị bắt đã xin được tiền thất nghiệp cho cả cụ già trên 90 tuổi không còn sức làm việc đã từ lâu hay cho tu sĩ trên 70 tuổi đang nhận tiền SSI.
Để có thêm một chi tiết khi kể về hai gia đình này và chắc chắn cho suy đoán của mình, tôi nhắn riêng anh kỹ sư để hỏi về những số tiền cứu trợ chính phủ. Đúng vậy, gia đình anh chỉ có đóng thuế. Thu nhập vợ chồng anh cao hơn mức để nhận được tiền trợ giúp trong các gói cứu trợ từ chính phủ, so với những gia đình có hai con nhỏ đủ điều kiện như gia đình thứ nhì được nhận 14,000 đô trong năm nay ($2,000 mỗi người từ chính phủ và $3,000 tín thuế cho mỗi trẻ em), không kể thêm các tín thuế EITC cùng các phúc lợi, trợ cấp học phí khác như đã kể trên.
Không lấy cái riêng để nói điều chung và chẳng thể vẽ trọn vẹn qua đôi câu chuyện nhưng hai gia đình Việt, hai câu chuyện không hiếm, hay thậm chí khá phổ biến cũng ít nhiều góp thêm một phần về chân dung cộng đồng Việt tại nước Mỹ. Có những công dân trách nhiệm và có những người lạm dụng hệ thống. Tôi tin rằng nhìn quanh mình thì ắt không khó bắt gặp những gia đình tương tự, cả ở ngoài đời và theo như các số liệu đã dẫn.
Có thêm điều khác biệt là anh bạn kỹ sư nói trên là một người không-Trump, là một ngòi bút sắc bén để chống lại Trump. Còn gia đình thứ nhì là một gia đình mê Trump, chửi đảng Dân Chủ và những người đã bầu cho tổng thống Joe Biden. Họ “lo” Biden mở tung biên giới để cho di dân lậu tràn vào làm gánh nặng xã hội, họ chỉ trích Biden sẽ tăng thuế người dân. Tựa như trong thế giới những người Việt-Trump vẫn thường đăng đàn bảo rằng, những người ủng hộ Biden, ủng hộ Dân Chủ chỉ là những người “ít học, ăn trợ cấp” (!?). Sự thật cứ để mỗi người tự trả lời.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ có những điều tích cực lẫn tiêu cực như vậy, cái nhìn sẽ đầy đủ hơn khi soi từng góc nhỏ khác nhau. Nhưng dẫu thế nào thì cũng sẽ khó lòng được trọn vẹn hay hiểu hết chân dung của nó. Có thể đó là lý do tại sao mà câu thơ “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” của thi sĩ Du Tử Lê vẫn thường được người ta nhắc đến nhiều hay chăng?
Nhã Duy
Cali Today News – Làn sóng kỳ thị chủng tộc tại Mỹ nói chung, kỳ thị người Mỹ gốc Á nói riêng, đang gia tăng đáng kể trong mấy năm qua và đặc biệt từ năm ngoái song song với đại dịch COVID-19. Thủ phạm tấn công các nạn nhân thường là những thành phần cực đoan da trắng và bị COVID-19 ám ảnh. Việc dùng tên địa danh xuất phát virus (China, Wuhan) hay tiếng lóng “Kungflu” để gọi vi khuẩn gây bệnh khiến người Á Đông nói chung đã bị coi là những kẻ tội phạm gây ra đại dịch trong mắt những kẻ có máu kỳ thị.
Trước hiện trạng kỳ thị, không chỉ bạo hành bằng lời nói, mà còn tấn công hung bạo và bắn giết khiến nhiều người đã thiệt mạng hoặc bị thương tích nặng, các chuyên gia và các nhà hoạt động đã đưa ra một số biện pháp để chống trả vấn nạn này và giúp các thành viên trong cộng đồng tự bảo vệ như sau.
[Anh Jacob Azevedo, 26 tuổi, gốc Tây Ban Nha, cư dân tại Oakland, California đã đưa ra ý tưởng này trên Internet hồi tháng 2, 2021, và chỉ trong vài ngày đã có gần 300 tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ cộng đồng trong một dự án hiện có tên là “Compassion in Oakland” (Lòng trắc ẩn ở Oakland)].
Anna Thục Quyên
Ngày 1 tháng 4. 2021
Jackhammer Nguyễn
7-4-2021
Sau những vụ tấn công người gốc châu Á, trong đó có người Việt Nam, nếu những tuyên bố chính thức chống lại hành động kỳ thị chủng tộc được các dân biểu, nghị viên người Mỹ gốc Việt đưa ra là những điều mà tôi thấy bình thường, thì cuộc biểu tình của người Việt tổ chức ở TP Fountain Valley và TP Irvine, Nam California, hôm thứ Bảy ngày 3/4/2021, làm tôi chú ý nhiều hơn. Đối với tôi nó là một sự thức tỉnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, quan tâm đến chính vị thế của cộng đồng mình, đồng thời gia nhập vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ.
Qua những đoạn phim và hình ảnh ghi lại từ hai cuộc biểu tình cho thấy, những người tham gia trưng các biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt, kêu gọi chống kỳ thị sắc tộc nhắm vào người Á châu ở Mỹ. Có đông người trẻ tuổi tham dự, nhưng cũng có người già tham gia, như báo Người Việt ghi nhận. Đặc biệt là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, được xem như một căn cước của cộng đồng người Việt, xuất hiện trong cuộc biểu tình này.
Cho đến trước khi cuộc biểu tình xảy ra, những biểu hiện bên ngoài các khu có đông người Việt cư trú trên đất Mỹ làm người ta có thể nhầm tưởng, cộng đồng này đã tách khỏi dòng chính của xã hội Mỹ. Đáng buồn là những bản tin vịt bằng tiếng Việt lan truyền như dịch bệnh trong cộng đồng suốt bốn năm qua về Covid-19, về “gian lận bầu cử” Mỹ, về phong trào Black Lives Matter… Đỉnh cao của dòng chảy bên lề lịch sử và phản tiến bộ này là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong cuộc bạo loạn ở điện Capitol ngày 6/1/2021.
Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình chống kỳ thị người châu Á là bà Phượng Võ, một giáo viên trung học, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Việt, nhưng rõ ràng và rành mạch về những quan niệm, suy nghĩ của bà, cũng như những người Việt đồng hành trong cuộc biểu tình đó, về các vấn đề xã hội và sắc tộc tại Mỹ.
Những người Việt này hiểu rằng, vì sao người da đen giận dữ, nổi dậy vào mùa hè năm 2020 sau cái chết oan của George Floyd. Họ cũng hiểu rằng, người Việt là một phần của một xã hội Mỹ đa dạng, đang đối mặt với làn sóng thù hận từ những người da trắng trong suốt năm qua, sau nhiều lần ông Trump gọi Covid-19 là “Chinese virus”, “Kung flu”… cũng như ông ta ủng hộ những người da trắng thượng đẳng, chống di dân suốt bốn năm qua. Nếu họ không lên tiếng chống lại những kẻ tấn công người gốc Á, họ sẽ trở thành nạn nhân như những người gốc Á đã bị tấn công trong thời gian qua.
Hình ảnh cuộc biểu tình tại Fountain Valley xóa đi ý nghĩ trong đầu tôi rằng, người Việt ở Mỹ chỉ quanh quẩn bên những hiệu ăn Việt Nam, không vươn ra bên ngoài, rằng nếu có sự kiện của người Việt thì chỉ có chào cờ và chống cộng sản Hà Nội…
Cuộc biểu tình này diễn ra khi bắt đầu có những nhà hoạt động xã hội người Việt đi tranh đấu cho quyền bầu cử của người da màu nói chung, như cô Bee Nguyễn ở Georgia, cũng như giới nghệ sĩ và trí thức người Việt lo ngại sâu sắc về làn sóng thù ghét người gốc Á, như trong bài tường trình của BBC Việt ngữ.
Vẫn có những người Việt “lạ lùng” kéo đến phản đối cuộc biểu tình ở Fountain Valley, với lý do cũng hết sức lạ là, nếu chống kỳ thị người châu Á là tiếp tay cho… cộng sản! Điều đáng mừng là, sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, trên mạng xã hội, cũng như trên đường phố, hoạt động của những “người Việt lạ” kiểu này giảm đi hẳn.
Một sự thức tỉnh của cộng đồng về thân thận và đấu tranh cho chính mình đang diễn ra. Sự trẻ trung của những người biểu tình báo hiệu một thế hệ mới của những người Mỹ gốc Việt. Có thể sẽ có những chỉ trích nói rằng, họ không đấu tranh nhiều cho dân chủ hóa chống độc tài cộng sản bên trong Việt Nam. Có thể là họ chưa, vì xã hội Mỹ đang bận rộn với những vấn đề của nó, nhưng chống cộng sản và chống bất công, chống kỳ thị chủng tộc… đều có chung một mẫu số.
Những ai đã từng ngao ngán khi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong cuộc bạo loạn ngày 6/1, hãy cảm ơn những người Việt trẻ tuổi biểu tình ngày 3/4 ở TP Fountain Valley, cũng như ở TP Irvine và vài nơi khác ở Nam Cali, vì họ đã làm sống lại hình ảnh lá cờ này, cùng với những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.
_____
Một số hình ảnh biểu tình ngày 3/4 vừa qua ở Mile Square Park (Fountain Valley) và Culver Plaza (Irvine) từ trang của bà Phượng Võ và cô Vivian Lê:
Đằng-Giao/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Stop Asian Hate!” “Love, Not Hate, Makes America Great!”
Những khuôn mặt trẻ gốc Việt tham gia cuộc tuần hành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Đó là những khẩu hiệu đoàn người có đến hàng trăm người, gồm đủ sắc dân và đủ lứa tuổi, vừa hô vang vừa mạnh dạn bước đi, trong cuộc tuần hành dọc theo công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, sáng Thứ Bảy, 3 Tháng Tư, để phản đối phong trào kỳ thị người gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI).
Kỹ Sư Tạ trung, đại diện ban tổ chức, cho biết cuộc tuần hành này hoàn toàn mang tính cộng đồng và không mang sắc thái đảng phái chính trị.
“Tôi cùng một số người trẻ và sinh viên gốc Việt tổ chức cuộc tuần hành này,” ông nói. “Nghị Viên Diedre Thu-Hà Nguyễn ở Garden Grove cùng một số học sinh trung học Westminster và trung học Fountain Valley cũng giúp chúng tôi rất nhiều.”
Về lý do tổ chức cuộc biểu tình này, ông tuyên bố: “Sự kỳ thị chủng tộc và thù ghét người AAPI luôn hiện diện tại Hoa Kỳ từ hàng nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành, sự trỗi dậy của phong trào da trắng thượng tôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mức độ cao điểm của các hành động kỳ thị và tội ác hận thù nhắm vào người AAPI, trong đó có người Mỹ gốc Việt.”
Ông nói rằng chính phủ có luật lệ trừng trị những kẻ kỳ thị, “nhưng cuộc tuần hành này nhằm mục đích nhắc nhắc nhở và ngăn chận những người đó trước khi họ có hành vi phạm pháp luật,” ông hăng hái nói.
Trong số đông người lên đọc diễn văn có Bác Sĩ Denise Phan; Bác Sĩ Xuyến Đông; ông Boby McDonald, chủ tịch Orane County Black Chamber of Commer; ông Raymond L. Cordova, chủ tịch hội South County Labor; bà Kim Bernice Nguyễn, phó thị trưởng Garden Grove; và ông Sergio Contreras, ủy viên Đặc Khu Vệ Sinh Midway City Sanitary District).
“Stop Asian Hate,” em bé bốn tuổi nói vào loa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Tất cả cùng khuyến khích mọi người rằng chúng ta không thể im lặng được nữa.
Trong số người thầm lặng tham gia có cựu Dân Biểu Liên Bang Harley Rouda (Dân Chủ-Địa Hạt 48, bao gồm vùng Little Saigon); Luật Sư Thái Việt Phan, nghi viên Santa Ana, Địa Hạt 1; và ông Carlos Manzo, nghị viên Westminster, Địa Hạt 2.
Những người gốc Việt hiện diện, cao niên có, trẻ có, đều có tinh thần đấu tranh với một thái độ hòa hoãn nhưng cương quyết.
Ông Nguyễn Thế Ngọc, cư dân Fountain Valley, nói: “Năm nay tôi 88 tuổi rồi nhưng tôi không thể ngồi yên khi có những người sẵn sàng coi thường luật pháp, coi thường trật tự xã hội như vậy. Tôi tới đây để ủng hộ những người trẻ tuổi trong cộng đồng của chúng ta.”
Bà Huỳnh Thị Biên, 82 tuổi, ở Westminster, nói: “Hồi còn ở Hải Phòng, công an mà hà hiếp người dân quá, tôi còn dám lên tiếng tố cáo chứ nói chi mấy thằng nhóc con bên này. Mình mà không phản kháng chúng nó tưởng mình sợ, rồi chúng nó làm tới nữa.”
Nhiều người da trắng có mặt để ủng hộ, như bà Bethany Webb, cư dân Huntington Beach (trái), và bà Libby Frolichman, cư dân Fountain Valley. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Các sinh viên trẻ rất hăng say với mục đích cuộc tuần hành.
Em Carol Phạm, sinh viên đại học Rancho Santiago College, nói: “Tất cả mọi loại kỳ thị công khai đều bị khai trừ, chẳng sớm thì muộn. Lịch sử đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền ở Mỹ đã chứng minh như vậy. Và hôm nay là một bước ‘sớm’ để ngăn chận sự lan tràn trước khi bị trở thành ‘muộn.’”
Em Troy Khôi Nguyễn, sinh viên đại học Golden West College, chia sẻ: “Em thường chế giễu ông nội vì ông hay biểu tình chống Cộng Sản ở Việt Nam. Em thường nghĩ rằng ông thích biểu tình vì ông quá rảnh. Nhưng hôm nay, em chở ông đến đây để hai ông cháu cùng chống chuyện người AAPI bị người ta kỳ thị.”
Em cười nói thêm: “Hôm nay, em nhìn ông nội với ánh mắt khác. Ông biểu tình vì ông tin vào lẽ phải và có nhiều chuyện mà mình không thể làm lơ. Em muốn biểu tình vì em không thể làm thinh được.”
Ông Bruce Lie (Lee), người gốc Indonesia, hãnh diện trong bộ quốc phục, tham gia cuộc tuần hành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Em Laura Phạm Nguyễn, ở Huntington Beach, cười: “Em rất ái mộ bà cụ ở San Francisco dám dùng cây đánh lại một người đàn ông to lớn. Em không muốn bị rơi vào hoàn cảnh như bà nhưng em muốn có sự bình tĩnh như bà khi gặp chuyện để sẵn sàng đối phó.”
Em tiếp: “Sáng nay coi như là bữa ‘huấn luyện quân sự’ của em.”
Có một số đông người da trắng cũng như gốc Hispanic đến động viên tinh thần chống kỳ thị này.
Ông Michael Edward thân thiện nói: “Tôi đến đây để đứng bên người dân nước tôi, đòi công bằng và bình đẳng cho họ.”
Ông Ray Cordova, ở Garden Grove, cho biết cuộc đời ông là một sự đấu tranh cho dân quyền từ 1967.
“Tôi không thể chấp nhận kỳ thị dưới mọi hình thức. Tôi từng bị bắt giam 34 lần trong đời chỉ vì vậy,” ông nói.
Ông cho biết vợ ông là người gốc Hàn và bạn thân của ông là ông Nguyễn Trọng Nho, chánh án gốc Việt đầu tiên tại Orange County.
Ông nhấn mạnh: “Kỳ thị một người AAPI là kỳ thị tất cả chúng tôi.”
Nhiều trẻ em chưa biết thù hận là gì cũng theo cha mẹ tham gia cuộc tuần hành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Bà Sirley Cuevas, nghị viên thành phố Lawndale, cũng có mặt.
“Cộng đồng gốc Việt ở Lawndale rất đông nên tôi đến đây cũng là một cách để ủng hộ họ,” bà cho biết.
Chồng bà, ông Jose Cuevas, nói: “Loài người chỉ có một chủng tộc và tất cả chúng ta cùng là loài người.”
Đoàn người tuần hành dọc theo công viên Mile Square Regional Park, từ góc đường Brookhurst và đường Heil đến góc Brookhurst và đường Edinger rồi quay về, gây ra nhiều chú ý của tài xế trên đường, khiến một số đông bóp còi hưởng ứng.
Trong đoàn người có anh Bruce Lie (đọc như Lee), người gốc Indonesia trong bộ quốc phục rực rỡ.
Anh nói: “Tôi muốn ủng hộ nhóm người gốc Việt hôm nay. Chúng ta là một phe.”
Đây là cuộc tuần hành đầu tiên tại Little Saigon do người gốc Việt tổ chức.
Cựu Dân Biểu Harley Rouda (thứ nhì từ trái) cũng tham dự cuộc tuần hành. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) |
Cuộc biểu tình thành công trong việc nói lên sự đoàn kết của nhiều sắc tộc thiểu số và mặc dù có gặp một trở ngại rất nhỏ do một nhóm người có thái độ cố tình khiêu khích gây ra, nhưng vẫn không phá nổi tinh thần đoàn kết ấy.
Nheo mắt nhìn những cá nhân phá rối này, bà Beverly Booke, ở Huntington Beach, thắc mắc: “Ủa, tại sao mấy người nói tiếng Việt Nam đó lại phá chúng ta?”
Nhìn lá cờ Mỹ có in tên Trump trên đó, ông Frank Hunter, ở Fountain Valley, lắc đầu và thở dài một cách chán nản: “Đến bao giờ câu chuyện dở ẹt này mới chấm dứt?”
Ông Tạ Trung kết luận: “Cuộc tuần hành hôm nay để gióng lên tiếng nói chung của người Mỹ gốc Việt tại Nam California. Ngoài ra, cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải đoàn kết, cùng đồng hành với các cộng đồng người AAPI để có những biện pháp phản đối kỳ thị chủng tộc, ngăn chặn những hành động thù ghét nhắm vào người người Á Châu, không để chúng tái diễn trong tương lai.” [đ.d.]
SANTA ANA, California (NV) – Biện Lý Cuộc Orange County truy tố một thanh niên 28 tuổi tội thù ghét chủng tộc với cáo buộc ném đá vào xe hơi của một phụ nữ gốc Á đang chở theo một bé trai 6 tuổi, theo tường thuật của nhật báo The Orange County Register.
Nghi can Roger Janke, 28 tuổi, đối diện nhiều tội danh như vi phạm dân quyền, tội phá hoại tài sản, tội ném đồ vật vào xe, và tội thù ghét chủng tộc, cáo trạng đưa ra ngày Thứ Hai, 5 Tháng Tư.
Giới trẻ biểu tình chống nạn bài người gốc Á gia tăng tại Mỹ. (Hình minh họa: Elijah Nouvelage/AFP via Getty Images) |
Nghi can Janke, bị bắt vào tuần trước, tuyên bố vô tội và phải đối mặt với bản án sáu năm tù giam và sáu tháng ở trại cải huấn nếu bị kết tội.
Mức tiền tại ngoại hậu tra dành cho nghi can là $51,000.
Hiện vẫn chưa biết liệu nghi can Janke có luật sư bào chữa hay không.
Theo hồ sơ tòa, vào ngày 31 Tháng Ba, nghi can ném hai cục đá vào xe bà mẹ gốc Á, 38 tuổi, đang chở theo con trai, làm nứt kiếng trước và hư bumper.
Người phụ nữ tấp vào lề và gọi cấp cứu 911.
Nghi can nói với nhà chức trách rằng những người gốc Hàn trong khu vực đang cố kiểm soát anh ta.
Việc truy tố nghi can Janke diễn ra giữa lúc tình trạng bài người Á Châu gia tăng trên toàn nước Mỹ, luôn cả Orange County, liên quan đến thành kiến nguồn gốc dịch COVID-19.
Các chuyên gia luật pháp kêu gọi các nạn nhân gốc Á nên mạnh dạn khai báo với nhà chức trách những hành xử bạo lực, hay sách nhiễu ngay cả họ không nghĩ đến đó là hành động thù ghét chủng tộc.
Chánh Biện Lý Todd Spitzer tuyên bố: “Tôi từ khước việc dung túng sự thù ghét chủng tộc tại Orange County. Một phụ nữ và con cái của bà xứng đáng lái xe trên phố mà không phải lo lắng bị tấn công vì màu da của họ.” (MPL) [qd]
Đa số người Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon là người trẻ |
Nhiều người gốc Việt sinh sống ở vùng Little Saigon, bang California, đã xuống đường lên án nạn kỳ thị chống lại người gốc Á vào cuối tuần qua và được sự hưởng ứng của một số sắc dân bạn nhưng lại đối mặt với sự dè dặt, thậm chí là dè bỉu, của chính một số người Việt khác, theo tìm hiểu của VOA.
Sau nhiều cuộc biểu tình của các cộng đồng gốc Hàn, gốc Hoa chống lại nạn kỳ thị và bạo lực gia tăng nhắm vào người gốc Á ở Mỹ thì hôm thứ Bảy (3/4) đến lượt người gốc Việt tại Little Saigon, nơi được xem là ‘thủ đô’ của người Việt ở Mỹ, cũng xuống đường tuần hành ở công viên Miles Square Park.
Cuộc tuần hành đã thu hút trên 200 người tham gia, theo thông tin từ những người tổ chức, trong đó có những nhân vật nổi bật trong cộng đồng như luật Sư Phan Việt Thái, nghị viên Santa Ana (Dân chủ), nghị viên Diedre Thu Hà Nguyễn (Dân chủ) của Garden Grove, luật sư Đỗ Phủ, bác sĩ Mai Khanh cùng lãnh đạo của hiệp hội ngành nail của người Việt như các ông Tâm Nguyễn, Ted Nguyễn, và Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California, Tạ Trung.
‘Khiến những kẻ kỳ thị e dè’
Ông Tạ Trung, người đứng ra điều phối cuộc tập hợp với các bạn trẻ trong cộng đồng, cho VOA biết cuộc tập hợp này ‘không liên quan gì đến Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California’ và ông ‘tham gia với tư cách cá nhân’.
Theo lời ông thì ý tưởng về cuộc tuần hành này ‘đã không có sự hưởng ứng của các lãnh đạo cộng đồng người Việt ở miền Nam California’.
“Cách nay bốn tuần tôi có gửi email cho các lãnh đạo Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California và Cộng đồng người Việt Nam California để đề xuất các vị chủ tịch điều hành có cuộc tuần hành cất liên tiếng nói chống lại sự kỳ thị người châu Á,” ông Trung nói và cho biết ‘không hề nhận được phản hồi gì hết’.
Do đó, cuối cùng ông và những người có cùng chung ý kiến ‘quyết định làm’ dù không có sự bảo trợ của các lãnh đạo cộng đồng.
Về lý do tổ chức hành động xuống đường này, ông Trung nói: “Trong đại dịch COVID-19, với sự khuyến khích gián tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump nên những người theo chủ nghĩa da trắng tự tôn đã nổi dậy ngày một mạnh mẽ khiến sự kỳ thị người châu Á gia tăng rất là cao, trong đó có người Việt đã là nạn nhân.”
“Sau vụ xả súng ở Atlanta, người dân trong cộng đồng gốc Việt rất lo lắng cho nên cần cộng đồng lên tiếng nói để trấn tĩnh họ lại,” ông nói thêm.
“Nếu mình không làm, không lên tiếng, thì những kẻ đó thấy cộng đồng mình yếu quá thì thay vì tấn công cộng đồng gốc Hoa, gốc Đại Hàn, họ phải né vì người ta đã lên tiếng và nhằm vào người Việt,” ông giải thích và bác bỏ lập luận cho rằng xuống đường biểu tình không có tác dụng.
Ông cho biết các lãnh đạo cộng đồng cũng ra những tuyên bố lên án và làm việc với chính quyền các cấp từ liên bang, tiểu bang cho đến thành phố để giải quyết vấn nạn này nhưng ‘nếu nhiều cách làm đi cùng với nhau thì sẽ có tính cộng hưởng, hiệu quả sẽ rất cao’.
‘Thân cộng sản’
Ông Trung lưu ý là mặc dù thông tin về cuộc tập hợp này được thông báo rộng rãi và ‘bất cứ ai cũng được hoan nghênh tham gia’ nhưng ‘không có vị dân cử gốc Việt nào bên Đảng Cộng hòa tham gia’.
Ông khẳng định mặc dù những người đứng ra tổ chức cuộc tuần hành theo xu hướng Dân chủ nhưng ‘đây là vấn đề bảo vệ cộng đồng, không phải vấn đề đảng phái’.
“Đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người, ai đặt vấn đề đảng phái là sai lầm,” vị kỹ sư này phê phán.
Theo lý giải của ông thì ‘do trong cộng đồng người Việt có rất đông người ủng hộ cựu Tổng thống Trump’ nên ‘nếu họ xuống đường lên án việc kỳ thị thì vô hình chung họ nhận là ông Trump có lỗi trong việc này’.
Theo lời ông kể thì khi đoàn người tuần hành quanh công viên hô khẩu hiệu, ‘có những người Mỹ trắng chạy xe ngang qua họ bóp còi hưởng ứng’ nhưng ‘cũng có một số người tới hô khẩu hiệu ủng hộ ông Trump để phản đối cuộc tuần hành’.
Ông nói điều làm ông rất thắc mắc là ‘không hiểu tại sao có những người Việt chỉ trích những người tuần hành chống kỳ thị là cộng sản, là chủ nghĩa xã hội’.
Theo lời vị kỹ sư này thì trong thành phần đoàn tuần hành có người thuộc các sắc dân châu Á khác, người gốc Latin và người Mỹ trắng đến ủng hộ người gốc Việt. Bên cạnh nhiều bạn trẻ thì cũng có những người Việt lớn tuổi tham gia vì ‘các bạn trẻ ra đường là để bảo vệ người lớn tuổi’.
Ông cho biết đến cuối tuần này sẽ có một sự kiện chống kỳ thị của ‘những người bên Đảng Cộng hòa’. “Bất cứ ai muốn có hành động chống kỳ thị thì tôi rất hoan nghênh,” ông Trung nói.
“Hy vọng sau các cuộc tuần hành này thì các tổ chức khác lại tiếp tục tổ chức những buổi nói chuyện hay gặp gỡ để nói lên tiếng nói của cộng đồng người Việt,” ông bày tỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA cách nay không lâu, ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, bày tỏ sự nghi ngờ đối với hiệu quả của việc xuống đường tuần hành chống kỳ thị.
“Nếu có biểu tình ở Little Saigon đi nữa thì cũng chỉ là gióng lên tiếng chuông đối với chính quyền sở tại mà thôi,” ông nói và cho rằng việc làm việc trực tiếp với các cấp chính quyền ‘có hiệu quả hơn’.
Còn ông Đỗ Văn Hội, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia liên bang Hoa Kỳ từ năm 2012-2018 và hiện là cố vấn cộng đồng, nói với VOA rằng ‘biểu tình rất dễ có kẻ xấu trà trộn gây ra chuyện này chuyện kia, có thể đổ máu bất lợi’.
Tuần hành chống kỳ thị và tội ác nhắm vào người gốc Á ở Los Angeles, bang California, vào ngày 27/3/2021. |
Hơn một chục nhân viên cảnh sát San Jose, bang California, đã đi thăm khu “Grand Century Mall” ở “Little Saigon” nhằm trấn an cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây đang lo sợ về tình trạng gia tăng tội ác chống người châu Á ở Hoa Kỳ, Reuters tường thuật.
Cảnh sát đã đi qua dãy các tiệm làm tóc và làm móng, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam và các tiệm thuốc nam vào ngày 3/4, nói chuyện với các chủ doanh nghiệp và khách hàng. Sau đó, họ thực hiện một chuyến thăm tương tự đến khu phố Nhật ở San Jose, nơi một nhóm tuần tra công dân đã được thành lập sau vụ tấn công chết người nhằm vào các tiệm spa châu Á ở Atlanta vào ngày 16/3.
“Chúng tôi biết cộng đồng châu Á của chúng ta rất lo lắng và sợ hãi”, Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố San Jose, Anthony Mata, nói trong chuyến thăm của ông đến Little Saigon. “Điều quan trọng là chúng tôi phải đối thoại, tương tác với họ để xem chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào”.
Trên khắp nước Mỹ, các cơ quan công luật cũng đang nỗ lực bảo vệ tốt hơn các cộng đồng châu Á giữa bối cảnh làn sóng bạo lực đang nhắm vào họ kể từ có các cuộc phong toả nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bắt đầu khoảng một năm trước.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, cho thấy mặc dù tội phạm do thù hận nói chung ở Mỹ đã giảm nhẹ vào năm 2020, nhưng tội phạm chống lại người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) đã tăng vọt lên 145%.
Tuần trước đã xảy ra một vụ tấn công hiểm ác khi một người đàn ông liên tục đá vào một người Philippines nhập cư 65 tuổi ở thành phố New York. Vụ tấn công đã được quay video và lan truyền, càng làm dấy lên nỗi lo sợ về tội ác chống người châu Á.
Thành phố New York đã triển khai một đội cảnh sát chìm châu Á. Các thành phố lớn khác, từ San Jose cho đến Chicago, đều tăng cường các đội tuần tra trong các khu dân cư châu Á và tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cộng đồng, mà một số cũng tìm cách lấp đầy khoảng trống của lực lượng cảnh sát.
Leanna Louie, người tổ chức đội tuần tra Khu phố Tàu ở San Francisco, cho biết lực lượng cảnh sát với khoảng 2.000 người của thành phố không có đủ nguồn lực, nên thực hiện điều này là “bất khả thi”.
Paul Lưu, giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ người Mỹ gốc Hoa, hoan nghênh sự hiện diện “tăng cường” của cảnh sát tại Khu phố Tàu của Chicago, nơi mà ông cho biết đã được sự hỗ trợ, trong đó có các cảnh sát nói tiếng Hoa. Nhóm của ông tập trung vào việc giáo dục cộng đồng về tội ác thù hận và khuyến khích các nạn nhân lên tiếng, trong đó có nhiều người rất ngại tiết lộ vì rào cản ngôn ngữ hoặc sợ cảnh sát.
Ông Lưu dẫn ra vụ tấn công gần đây nhằm vào một người Việt nhập cư 60 tuổi ở vùng North Side của Chicago. Người này lúc đầu cũng miễn cưỡng về việc báo cáo sự việc.
Dữ liệu chính thức cho thấy Chicago đã ghi nhận hai tội ác chống lại người châu Á vào năm 2020 (tương tự như năm 2019), trong khi số tội phạm này tăng vọt lên 28 vụ ở New York vào năm ngoái so với 3 vụ vào năm 2019.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng việc cảnh sát hiện diện nhiều hơn là một giải pháp cho tình trạng tội phạm chống lại người gốc Á.
Grace Pai, giám đốc tổ chức tại chi nhánh Chicago của tổ chức Asian Americans Advancing Justice, nói với Reuters rằng cô chống lại sự hiện diện nhiều hơn của cảnh sát, với lý do không tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật.
Bà Pai nói phản ứng của cảnh sát trong vụ xả súng ở Atlanta là biểu tượng cho sự thiên vị của cảnh sát. Sáu trong số tám người thiệt mạng trong vụ này là người gốc Á, và một quan chức cảnh sát được cho là dường như cố làm nhẹ vụ tấn công khi nói rằng kẻ xả súng đã trải qua “một ngày tồi tệ thực sự”.
“Người Mỹ gốc Á đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì cảnh sát”, Reuters dẫn lời bà Pai nói. “Chúng tôi thực sự không thấy cảnh sát đóng vai trò ngăn chặn những tội ác này xảy ra”.
Kể từ sau vụ xả súng ở Atlanta, Sở Cảnh sát Los Angeles đã tăng cường tuần tra và số lượng cảnh sát ở những nơi có nhiều người gốc Á sinh sống và làm việc, đặc biệt là trong và xung quanh Khu Phố Tàu, Khu phố Hàn và Khu phố Nhật.
Blake Chow, điều phối viên AAPI của Sở Cảnh sát Los Angeles, nói những bình luận của Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch và việc ông sử dụng những từ ngữ như “cúm Tàu” đã góp phần vào tâm lý chống lại người gốc Á.
Phó cảnh sát trưởng Chow nói: “Chúng tôi không có bằng chứng về bất kỳ nhóm thù hận nào hoạt động ở LA đang nhắm vào cộng đồng người gốc Á và Thái Bình Dương”. Cảnh sát này nói thêm rằng tình trạng gia tăng tội phạm là “các hành vi cá nhân” và “dường như được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch về COVID, trong đó có một số thông tin từ cựu tổng thống”.
Cảnh sát Chow cho biết Sở cảnh sát đang tổ chức các diễn đàn với cộng đồng AAPI để tiếp thu ý kiến về những việc cảnh sát nên làm, cũng như giáo dục các thành viên trong cộng đồng về cách báo cáo sự việc, ngay cả khi với những sự việc không nghiêm trọng đến mức tội phạm, chẳng hạn như khi bị ai đó chửi tục hay có phát ngôn phân biệt chủng tộc.
Jackhammer Nguyễn
5-4-2021
Giáo sư Nicholas Farrelly, trưởng khoa Khoa học Xã hội của trường Đại học Tasmania ở Úc, có bài viết: “Giới trẻ Á châu nổi dậy”, đăng trên báo Diplomat, một tạp chí chuyên về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong bài, ông Farrelly đề cập đến ba nơi Thái Lan, Hồng Kông và Miến Điện, với nhận định rằng, giới trẻ ở hai quốc gia và vùng lãnh thổ (Hồng Kông) này đang song hành cùng lịch sử.
Diễn biến chính trị xã hội ở ba nơi này trong mấy năm qua, là dẫn chứng cho nhận định của giáo sư Farrelly, mặc dù sự thành bại của giới trẻ ở những nơi này không giống nhau.
Ở Hồng Kông, xem như họ thất bại khi Bắc Kinh áp đặt thêm những luật lệ khắc khe, lấy đi chút tự do còn sót lại trên lãnh thổ này.
Ở Thái Lan, vẫn còn có những cuộc biểu tình của giới trẻ chống độc tài quân phiệt và hoàng gia Thái, nhưng không có biến chuyển gì đáng kể.
Ở Miến Điện, sự tham gia và hy sinh của giới trẻ nước này hiện đang gây sự chú ý trên thế giới, cả trăm thanh thiếu niên bị sát hại và cuộc đấu tranh vẫn chưa dừng lại.
Với những diễn biến đó, người quan tâm tới dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ đặt câu hỏi, thế tuổi trẻ Việt Nam ở đâu? Trong gần 100 triệu người Việt hiện nay, có hơn 15 triệu thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15-24, theo thống kê của CIA.
***
Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người Việt trẻ tuổi xuống đường chống Trung Quốc cuối năm 2007, qua sự kiện Bắc Kinh cho lập huyện Tam Sa, quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.
Năm 2011, sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, tháng 6/2011, đã diễn ra 10 cuộc biểu tình lớn ở hai miền Nam – Bắc, trước khi bị nhà cầm quyền dập tắt. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tiếp tục diễn ra trong năm 2012, nhất là vào tháng 7/2012 và tháng 12/2012.
Năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một lần nữa, hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra suốt tháng 5 và tháng 6/2014. Ngày 11/5/2014, Thời báo Tài chính Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính đưa tin: Cả triệu người dân tuần hành phản đối Trung Quốc.
Nhiều đợt biểu tình lớn diễn ra trong năm 2016, phản đối công ty Formosa gây thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cũng như những cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra trên cả nước, chống luật đặc khu và luật an ninh mạng vào mùa hè năm 2018. Tất cả những cuộc biểu tình đều liên quan đến Trung Quốc.
Có hai điều làm cho giới trẻ Việt Nam khác với giới trẻ Hồng Kông, Thái Lan và Miến Điện. Thứ nhất, các quốc gia và vùng lãnh thổ này không có nền giáo dục toàn trị kiểu cộng sản như Việt Nam. Trong nền giáo dục Việt Nam, ngay từ nhỏ, thanh thiếu niên Việt Nam đã được quản lý bởi những tổ chức mà Đảng Cộng sản thống trị là đội Thiếu niên Tiền phong và đoàn Thanh niên Cộng sản.
Sự khác nhau từ các cuộc biểu tình giữa Việt Nam và các nơi kể trên, có thể nói, ở Việt Nam, yếu tố Trung Quốc là nguyên nhân chính làm bùng phát đa số các cuộc biểu tình. Còn ở Miến Điện, Hồng Kông và Thái Lan, nguyên nhân thúc đẩy giới trẻ xuống đường là tinh thần dân chủ, chống độc tài.
Ở Hồng Kông có bóng dáng của Trung Quốc, nhưng nguyên nhân lớn hơn là thanh niên Hồng Kông đòi quyền tự do, dân chủ, như quyền bầu ra người đại diện của mình trong các cơ quan lập pháp và hành pháp ở Hồng Kông. Có người nhận định rằng, còn có nguyên nhân về sự nghèo đi của dân Hồng Kông, đặc biệt tác động mạnh lên giới trẻ. Nguyên nhân này nếu đúng, cũng nằm trong lĩnh vực dân chủ và bình đẳng xã hội.
Khác với Hồng Kông, giới trẻ Việt Nam không thấy họ có nhu cầu về những quyền lợi chính trị (như bầu cử), dân sinh (như sở hữu đất đai, tăng lương, nghiệp đoàn,…). Mặc dù họ không có các quyền lợi đó, so với các bạn đồng trang lứa ở các nước láng giềng, nhưng họ không đòi, mà các cuộc biểu tình, mục đích chủ yếu là chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ.
Đã từng có những cuộc biểu tình vì môi trường của nhóm Green Trees (tên cũ là Vì Một Hà Nội Xanh) ở Hà Nội, một mục tiêu mang tính dân sinh, hay những vụ biểu tình chống các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận,… nhưng những vụ này đóng vai trò gia tăng liều lượng cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (vụ biểu tình biến thành bạo động ở Bình Thuận, như đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận ngày 10/6/2018, nhân cuộc biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng), hơn là tự thân gây ra được những phong trào lớn lao.
Những vụ nông dân đòi đất cũng đã không dẫn đến những phong trào phản đối rộng rãi hơn. Mà trong những vụ đòi đất này không có nhiều thanh thiếu niên tham gia. Họ tự giải quyết việc đất đai bằng cách bỏ lên các khu công nghiệp để làm thuê.
Ngay cả những phong trào phản đối trên mạng xã hội tiếng Việt cũng không mạnh mẽ bao nhiêu, trừ một số rất nhỏ các tài khoản Facebook quan tâm đến quyền lợi chính trị và dân sinh dân chủ.
***
Năm 2020, sau những cuộc biểu tình ở Hồng Kông và Thái Lan, một phong trào mạng xã hội liên quốc gia được giới trẻ những nơi này thúc đẩy, có tên là Liên minh trà sữa (Milk Tea Alliance) để cổ vũ cho dân chủ, và trong góc độ nào đó, chống lại Trung Quốc, vì Bắc Kinh là đại diện cho thế lực phản dân chủ trong vùng.
Trà sữa là thức uống được giới trẻ ưa chuộng ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam có thể vẫn thích trà sữa nhưng không thấy có nhiều người tham gia liên minh trà sữa (có hai cây bút tiếng Việt hay viết bài về dân chủ, tham gia liên minh này là Đỗ Nguyễn Mai Khôi và Trịnh Hữu Long).
Với tình hình hiện nay, e rằng sự dấn thân của giới trẻ Việt Nam vào những phong trào dân chủ xã hội vẫn còn mờ mịt, mà con đường dẫn tới dân chủ càng xa thì cái giá phải trả để có được nó sẽ càng lớn.
Phải chăng Việt Nam vẫn là quốc gia của các “bô lão”, từ Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ 13, cho đến các cụ già của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13? Giới trẻ Việt Nam từ chối tham gia vào lịch sử?
WASHINGTON - Dù nhân viên chăm sóc y tế khắp nước Mỹ đương đầu với cuộc chiến đầy gian truân vào năm ngoái chống lại COVID-19, thách thức này tăng lên bội phần đối với các chuyên gia y tế người gốc Á, những người cũng phải làm việc giữa một làn sóng vụ tấn công và miệt thị nhắm vào người gốc Á xuất phát từ đại dịch.
“Năm ngoái có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn khác nhau giữa đại dịch [và] các vấn đề liên quan đến sự bất công về sắc tộc. Tất cả những thứ đó hợp lại khiến cho năm ngoái rất khác so với những năm trước,” Austin Chiang, một bác sĩ có cha mẹ di cư từ Đài Loan đến Mỹ 10 năm trước khi anh sinh ra ở Irvine, bang California.
Cùng ngày sáu người phụ nữ Mỹ gốc Á bị sát hại cùng với hai người khác ở Atlanta vào tuần trước, tổ chức vận động Stop AAPI Hate công bố một báo cáo cho biết có 3.795 vụ tấn công vì thù ghét người Mỹ gốc Á và người từ các đảo Thái Bình Dương từ ngày 19 tháng 3 năm 2020 đến ngày 28 tháng 2 năm 2021.
Hơn 500 vụ đã được ghi nhận kể từ đầu năm nay.
COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở người tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối năm 2019. Lan rộng toàn cầu kể từ đó, nó đã làm hơn 548.000 người thiệt mạng ở Mỹ, nơi có hơn 30 triệu ca nhiễm được xác nhận, theo Trung tâm Tài nguyên Virus corona Johns Hopkins.
AustinChiangMD
Ở 16 thành phố đông dân nhất của Mỹ, các vụ tấn công người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% trong năm 2020 so với năm trước đó, theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan của Đại học California State.
Năm qua là năm mà bác sĩ Chiang dành thời gian để chiêm nghiệm. Có bằng thạc sĩ y tế cộng đồng của Đại học Harvard và bằng bác sĩ y khoa từ Đại học Columbia, anh tích cực phản bác những thông tin sai lạc về COVID-19 trên mạng xã hội trong tư cách giám đốc đặc trách thông tin y khoa trên mạng xã hội cho 14 bệnh viện được vận hành bởi Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, bang Pennsylvania, và là người sáng lập Hiệp hội về Thông tin Y tế Mạng Xã hội (AHSM).
Cái chết của George Floyd, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi thiệt mạng trong khi bị cảnh sát câu lưu vào tháng 5 năm ngoái ở Minnesota, và sự hồi sinh của phong trào Black Lives Matter, “đã làm suy nghĩ lại rất nhiều điều về… những cách mà chúng ta có thể cố gắng đưa sự bình đẳng vào ở nơi làm việc của tôi và bảo đảm rằng những người khác cảm thấy họ được đối xử công bằng, được nhìn thấy và được lắng nghe,” bác sĩ khoa tiêu hóa này nói với VOA Tiếng Quan thoại.
“Trong khi đó đồng thời chúng tôi đang bị người ta phán xét không phải vì kĩ năng của chúng tôi mà vì ngoại hình của chúng tôi và chắc chắn đó là điều gì đó ảnh hưởng đến rất nhiều người khác nhau.”
“Buồn cười nhất là một ông da trắng này gọi tôi là ‘cuốn chả giò,’” Vannthath Man, 42 tuổi, y tá phòng điều trị tích cực ICU tại Bệnh viện Inova Fairfax, bang Virginia, nói.
“Tôi không để bụng những lời nói như vậy … Ông ấy có thể có suy nghĩ đó sâu trong tiềm thức nhưng nếu ông ấy không chịu tác dụng của thuốc, nếu đầu óc của ông ấy không mụ mị, ông ấy sẽ không nói ra. Nhưng có cái suy nghĩ đó thôi đã là không đúng rồi.”
Sinh ra ở Battambang, Campuchia, Man từng bị bắt nạt đến bật khóc và bị hắt hủi trong những năm đầu tiên đi học sau khi anh đến Mỹ vào năm 1989 ở tuổi 12 cùng gia đình. Vào thời điểm đó, Man nói với VOA Tiếng Khmer rằng anh nghĩ “phải chi có ai đó giúp tôi thì có lẽ tôi đã không có những ý nghĩ về chuyện tự sát, có lẽ tôi đã không phải khổ sở như vậy. Vì thế đó là lý do tôi theo nghề điều dưỡng để trở thành y tá vì tôi muốn giúp mọi người.”
Trong một ngày mà bốn trong số sáu bệnh nhân COVID-19 của anh chết trong ICU, Man quay sang các phương pháp tự chăm sóc mà anh tạo ra cho chính mình khi còn là một thiếu niên. “Về mặt văn hóa, gia đình chúng tôi không cởi mở lắm khi nói về một số chuyện… Rất nhiều lúc tôi phải đương đầu một mình. … Vì vậy, ngày hôm đó, tôi nghĩ về những đặc điểm tích cực, những điều tích cực mà bạn cống hiến cho cộng đồng.”
Người gốc Á, sinh ra ở Mỹ và ở Châu Á tính chung, có tỉ lệ nhỏ một cách bất tương xứng trong lĩnh vực y tế so với số người gốc Á trong dân số tổng thể, theo số liệu từ Viện Chính sách Di trú và Thống kê dân số Hoa Kỳ.
Trong số những nhân viên y tế ở Mỹ sinh ra ở nước ngoài, 40% đến từ Châu Á.
Adam Conners, 35 tuổi, quê ở Malang, Đông Java, Indonesia. Anh đến Mỹ chơi với mấy người bạn vào năm 2011. Anh suy sụp vì những cơn co giật gây ra bởi bệnh lao giai đoạn cuối và phải nằm ba tháng tại Bệnh viện Đại học George Washington ở Washington, D.C., nơi y tá tận tình điều trị cho anh đến mức anh quyết định gia nhập hàng ngũ của họ.
Sau khi học tiếng Anh, anh đăng kí theo học một chương trình điều dưỡng cấp tốc tại Đại học Chamberlain ở Downers Grove, Illinois, rút bốn năm học thành 30 tháng. Anh tốt nghiệp bằng cử nhân năm 2017.
“Rất cực,” Conners nói với VOA Indonesia về chương trình học của mình. Giờ là y tá ICU trong bệnh viện nơi anh từng được chăm sóc, anh ấy đối xử với người Mỹ gốc Phi, gốc Mỹ Latin, gốc Á, Trung Đông, da trắng, “tất cả mọi người đều như nhau. Họ là bệnh nhân của tôi.”
Adam Conners là y tá đến từ Indonesia. (Ảnh do Adam Conners cung cấp.) |
Những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của anh ở độ tuổi 70 và 80, nhưng bây giờ trẻ hơn, ở độ tuổi 20 và 30.
“Rất buồn,” Conners nói. “Và khi tôi tan sở, tôi thấy những người ở ngoài đường không đeo khẩu trang hoặc không giãn cách xã hội. Tôi thấy đau lòng.”
Giá như những người ở ngoài đường có thể “nhìn thấy bên trong bệnh viện này, thấy bệnh nhân hấp hối,” Conners nói. Anh muốn quay về Indonesia để làm việc với một phòng khám địa phương, xây một phòng khám ngoại trú và “cố gắng giúp người dân của tôi.”
Làm y tá trong đại dịch đã dạy cho Conners giá trị của việc tự chăm sóc bản thân, bao gồm chăm sóc “tinh thần của tôi, sức khỏe tinh thần của tôi,” anh nói. Anh ước tính anh đã chứng kiến 100 bệnh nhân chết vì COVID-19. Đôi khi “tôi cảm thấy như COVID vừa đánh bại tôi. … Hoặc tôi cảm thấy như mình vừa thua trong một trận chiến với COVID.”
Wengang Zhang, 67 tuổi, sinh ra ở tỉnh tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc và đến Mỹ vào năm 1988 với tấm bằng y khoa mà ông đạt được từ trường mà bây giờ là Đại học Khoa học Y khoa Trùng Khánh. Là bác sĩ chăm sóc chính, ông hoàn thành khóa đào tạo tại Mỹ vào năm 1999 với khoảng thời gian nội trú tại Trung tâm Y tế Đại học California-Los Angeles.
Bác sĩ Zhang cho VOA Tiếng Quan Thoại biết thách thức lớn nhất mà ông từng đối mặt để có thể hành nghề y ở Mỹ “chắc chắn là ngôn ngữ nhưng một điểm khác biệt lớn khác là hệ thống, bảo hiểm này nọ. Trước đó tôi chưa từngg nghe nói về… bảo hiểm y tế, hoặc Medicare, Medicaid.”
Bác sĩ Wengang Zhang đến Mỹ năm 1988. Ông hiện đang hành nghề ở California. (Ảnh do Wengang Zhang cung cấp) |
Ông hành nghề tại Springhill Medical Group ở Quận Contra Costa, phía đông San Francisco, nơi ông điều trị cho những bệnh nhân “người da trắng, da đen, Mỹ Latin hoặc người đảo Thái Bình Dương.”
Ông nói với VOA Tiếng Quan Thoại rằng ông đã tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của quận sau khi được gọi đến phòng cấp cứu địa phương.
“Tôi có thể cho bạn biết ngày chính xác… ngày 1 tháng 3. … Mọi thứ, dữ liệu, đều khớp với bất cứ điều gì chúng tôi biết được từ kinh nghiệm của Trung Quốc.”
Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của quận hóa ra là một trong những bệnh nhân của chính bác sĩ Zhang, “một thanh niên trẻ khỏe và anh ta không hề biết nhiễm bệnh ở đâu.”
Sau khi khám bệnh, ông Zhang rời bệnh viện, mở tất cả cửa kính xe, lái xe về nhà, đậu xe, cởi đồ và chạy thẳng vào tắm mà không dừng lại nói chuyện với vợ.
“Hơn 20 năm hành nghề, đó là lần lần đầu tiên tôi nhận ra tính mạng của mình có thể gặp nguy vì tôi đã khám cho bệnh nhân này,” ông Zhang nói.
Theo một cuộc điều tra của Kaiser Health News và The Guardian, trong số 3.561 nhân viên y tế đã thiệt mạng trên chiến tuyến ở Mỹ tính đến tháng Một năm nay, 21% là người gốc Á và đảo Thái Bình Dương.
Một người từng nhiễm COVID-19 và sống sót là Tsering Dechen, 28 tuổi, người Tây Tạng đến Mỹ vào năm 2010 sau khi học xong trung học ở Nepal, theo sự thúc giục của mẹ cô để có được một nền giáo dục tốt. Sau một loạt những công việc lặt vặt, cô lấy bằng cử nhân điều dưỡng của trường Đại học Lehman, ở Thành phố New York vào năm 2019. Cô hiện là y tá bộ phận chăm sóc tiệm tiến tại Bệnh viện Elmhurst ở Thành phố New York, công việc mà cô ấy bắt đầu làm vài tuần trước khi những ca COVID-19 đầu tiên xuất hiện.
Nơi làm việc của cô ở trung tâm Queens, một khu nổi tiếng với sự đa dạng sắc dân từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Nam và Trung Mỹ. “Tôi cảm thấy như Bệnh viện Elmhurst là một điển hình cho thấy chúng ta cùng tồn tại với nhau như thế nào,” Dechen nói. Cô cho biết cô có nghe về những vụ bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á, đặc biệt là vụ tấn công một bác sĩ người Mỹ gốc Á.
“Tại sao bạn lại tấn công một người, một người duy nhất, chỉ vì ông ấy là người Mỹ gốc Á?” cô đặt câu hỏi. “Sao có thể quy trách chỉ một người về đại dịch này? Sao lại nổi cơn và tấn công một ai đó như vậy?”
“Mỗi ngày tôi nhận ra chúng ta giống nhau như thế nào,” Dechen nói với VOA Tiếng Tây Tạng. “Những người cao tuổi, nhu cầu của họ… bạn nhìn thấy bao nhiêu là sự tương đồng ở những sắc tộc khác nhau này.”
Võ Tấn Tiền, 44 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y khoa Ross ở West Indies và hiện là giám đốc y tế Trung tâm Y tế VO ở Thung lũng Imperial của bang California, một khu vực nông nghiệp giáp với Mexico.
TƯ LIỆU - Trong bức hình chụp ngày 23 tháng 7, 2020, bác sĩ Võ Tấn Tiền rời đi sau khi nói chuyện với một gia đình đang cách ly sau khi họ xét nghiệm dương tính với virus corona, ở Calexico, California. |
Anh bắt đầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái, lúc mà anh đối mặt với những ngày khó khăn nhất của đại dịch vì “lúc đó không có đủ các xét nghiệm.” Bệnh nhân muốn được xét nghiệm, và “tất nhiên, họ rất lo lắng, họ muốn biết kết quả ngay. … Thời điểm đó rất căng thẳng… về chuyện xét nghiệm và mức độ lo âu liên quan tới đại dịch này.”
Bác sĩ Tiền, quê ở tỉnh Bình Định của Việt Nam, đã gửi các xét nghiệm đến San Diego để xử lý và nói với bệnh nhân rằng họ phải chờ kết quả.
Anh nhớ lại khi bước ra bãi đậu xe của phòng khám để xét nghiệm một bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc COVID-19. “Tôi bước ra với đầy đủ PPE (đồ bảo hộ cá nhân), tôi trùm kín từ đầu đến chân vì chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với virus… và tôi yêu cầu bà ấy hạ cửa sổ xuống và bà ấy bật khóc và không thể nói được vì bà ấy hết hơi và đang thở hổn hển.”
Được chuyển đến bệnh viện địa phương rồi đến trung tâm y tế San Diego, bệnh nhân được trợ thở bằng máy, gia đình cuống lên, “sau đó đến ngày 11, bà ấy chuyển biến và đột nhiên khá hơn,” bác sĩ Tiền nói với VOA Tiếng Việt.
Anh nhận một bệnh nhân khác có triệu chứng vào bệnh viện, nơi ông ta đứng dậy và đi lại được sau vài giờ. Ngày hôm sau, người đàn ông không thể đi lại và sau khi được tiêm steroid vào tĩnh mạch, truyền dịch tĩnh mạch và truyền huyết tương “chúng tôi không thể giúp ông ta hơn được nữa.” Bốn ngày sau chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân này trở thành bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Tiền tử vong vì COVID-19.
Bác sĩ Tiền không biết phải nói gì với gia đình, nhưng họ “khá tử tế và gọi điện thoại cho tôi và nói với tôi, ‘Bác sĩ Võ, ông đã cố gắng hết sức. Đừng lo lắng. Đừng buồn.’ … Họ còn khuyến khích tôi tiếp tục giúp những người khác.”
“Tôi làm y tá hơn 30 năm rồi, tôi đã chứng kiến con người ta ra đời và lìa đời, nhưng (đại dịch) thật không thể tin được… Tôi không theo dõi con số vì quá nản,” Anchalee Dulayathitikul, 55 tuổi, y tá chăm sóc bộ phận chăm sóc trung cấp, nói. Bà đến Mỹ vào năm 2014, sau khi quyết định bà muốn con cái được giáo dục ở Mỹ.
Bà chọn theo nghề điều dưỡng vì ông của bà nghĩ rằng bà có tính hay chăm sóc người khác. Bà Dulayathitikul lấy bằng điều dưỡng và hộ sinh vào năm 1988 tại Đại học Chiang Mai ở Thái Lan. Hơn một phần tư thế kỉ sau đó, bà vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết để được cấp chứng chỉ điều dưỡng ở bang Maryland ngay lần thi đầu tiên.
Bà làm việc tại Trung tâm Y tế Upper Chesapeake của Đại học Maryland và sau một năm, bà nói với VOA Tiếng Thái, “Tôi thấy được nhịp độ và biết cách chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thành công.”
Bà Dulayathitikul dự định thăm người mẹ không được khỏe mạnh của bà ở Thái Lan một khi đại dịch đỡn hơn và những hạn chế du hành được dỡ bỏ. Bà sẽ trở lại Maryland vì các con và sự nghiệp của bà “bởi vì tôi rất yêu nghề.”
Darunee Rasameloungon, 41 tuổi, từ Bangkok đến Mỹ vào năm 1991 cùng gia đình để đoàn tụ với cha cô. Cô muốn trở thành một kĩ sư hoặc một đặc vụ FBI cho đến khi cô giúp chăm sóc cho một người anh em họ bị gãy tay và chân sau khi bị xe buýt tông.
Darunee (Jackie) Rasamelougon là kĩ thuật viên y tá tại Trung tâm Bệnh viện Reston ở Virginia. (Ảnh do Darunee (Jackie) Rasamelougon cung cấp) |
Khi cô quyết định theo học ngành điều dưỡng, cha cô nói với cô rằng ông không thể trả tiền học phí đại học với khoản tiền ít ỏi từ công việc giao pizza. Nhờ điểm cao, tích cực làm việc tình nguyện và tham gia các hoạt động của trường, Rasameloungon giành học bổng cho hết bốn năm tại trường điều dưỡng của Đại học George Mason ở Fairfax, bang Virginia. Cô tốt nghiệp năm 2001 và hiện là y tá đơn vị chăm sóc tiệm tiến tại Bệnh viện Fairfax, nơi cô đã làm việc từ năm 2008.
“Rất khó khăn, rất buồn khi bạn phải bọc ai đó trong túi… họ chết cô độc,” cô nói với VOA Tiếng Thái. “Họ không có ai bên cạnh, và gia đình của họ không thể ở bên cạnh họ, chết cô độc thực sự rất buồn. Thật sự rất đau lòng. Bạn cảm thấy tội nghiệp họ. Đó là một thực tế phũ phàng: Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai.”
Dù Rasameloungon có ý định tiếp tục nghề điều dưỡng ở Mỹ một phần để ở gần con trai, nhưng cô muốn nghỉ dài hạn ở Thái Lan khi đại dịch thuyên giảm vì “COVID khiến tôi nhận ra rằng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình."
Sinh ra ở Menifee, California, Limyi Heng, 38 tuổi, là con của những người tị nạn Campuchia. Anh phục vụ ba năm trong Lực lượng Không quân, phần lớn thời gian ở Nam California. “Nhưng tôi đã được điều đi khắp nước Mỹ, điều này khiến tôi cảm kích sâu sắc về sự đa dạng của nước Mỹ.”
Người cố vấn trong Không quân của anh đã hướng dẫn anh theo nghề điều dưỡng viên thực hành (nurse practitioner), và anh ấy đã lấy bằng thạc sĩ điều dưỡng tại Đại học Columbia, nơi anh phát triển một mạng lưới báo sớm cho anh biết về sự lây lan của COVID-19 ở Thành phố New York và các nơi khác. Anh làm việc tại Bệnh viện Redlands Community và Bệnh viện San Gorgonio Memorial.
Ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10 và tiếp tục kéo dài đến tháng 12. “Không hẳn là có khoảnh khắc nào tồi tệ nhất. Tôi nghĩ thật sự là làm việc rất nhiều giờ,” Heng nói với VOA Tiếng Khmer. Đối với anh, điều tích cực về công việc này là “góp sức cùng tập thể” bao gồm những người lao công bệnh viện, những người làm việc hậu cần cung cấp đồ bảo hộ và các nhà lãnh đạo cộng đồng đưa ra “thông điệp và thông tin đúng đắn” để “lấn át thông tin sai lạc.”
Đối với Conners, nỗ lực đồng đội tương tự đưa tới những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của anh trong đại dịch, khi bệnh nhân “rời khỏi phòng ICU. Thành tựu lớn đó là từ nỗ lực đồng đội mà chúng tôi đã thực hiện.”
Bài viết có sự đóng góp của Chetra Chap từ Ban Tiếng Khmer; Naras Prameswari và Dian Widyastuti từ Ban Indonesia; Calla Yu từ Ban Tiếng Quan Thoại; Pinitkarn Tulachom từ Ban Tiếng Thái; Trinlae Choedron và Ngawang Tenzin từ Ban Tiếng Tây Tạng; An Hải từ Ban Tiếng Việt.
Một cuộc phản đối tình trạng bạo lực và kỳ thị người gốc Á ở California. |
Nhiều cựu quan chức Mỹ gốc Việt đã cùng với hàng chục người gốc Á khác từng làm việc trong thời kỳ nắm quyền của các tổng thống thuộc cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa ký vào một bản tuyên bố, lên án tình trạng bạo lực và miệt thị “gia tăng đáng báo động” đối với người gốc Á.
Ngoài ra, 60 cựu quan chức từng công tác cho chính quyền của các tổng thống như Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump cũng kêu gọi các nhà lập pháp và chính quyền Biden làm việc với các quan chức địa phương và tiểu bang nhằm tìm ra “các giải pháp và chính sách cũng như các biện pháp tích cực hơn”.
Tuyên bố hôm 26/3 nói rằng người gốc Á “đóng góp nhiều” vào thành công của Mỹ, nhưng đôi khi vẫn bị coi là “người nước ngoài”. Các cựu quan chức cũng đề cập tới chuyện khoảng 2 triệu người gốc Á đã và đang làm việc trên tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 bất chấp nguy cơ đối với mạng sống của mình, nhưng bản thân họ cũng không tránh khỏi bị phân biệt và thù ghét.
Tuyên bố dẫn tình trạng các bác sĩ và y tá “bị sỉ nhục”, các chủ sở hữu doanh nghiệp bị “xách nhiễu” cũng như việc các đền thờ “bị phá hoại” và việc người cao tuổi “bị tấn công về thể xác”.
Trong số các cựu quan chức gốc Việt ký vào tuyên bố có bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, cựu ủy viên của Ủy ban cố vấn cho tổng thống về cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo ở Thái Bình Dương dưới thời kỳ nắm quyền của ông Barack Obama.
Khi được hỏi lý do tham gia, ông nói với VOA Việt Ngữ rằng “mọi người Mỹ gốc Á cần phải mạnh mẽ lên tiếng” và rằng “chúng ta không thể sửa chữa hệ thống cũng như giúp đỡ cộng đồng của mình bằng cách giữ im lặng”.
Bác sĩ Tùng nói thêm rằng “có rất nhiều vụ phân biệt chủng tộc đối với người châu Á hơn là chúng ta biết vì việc thu thập dữ liệu không tốt và nhiều người Mỹ gốc Á không muốn lên tiếng do lo sợ hoặc vì không muốn thu hút sự chú ý về mình”.
Ông cũng cho rằng “lên tiếng mới chỉ là bước đầu tiên” và rằng “chúng ta cần tổ chức và trao quyền cho các cộng đồng của chúng ta để trở nên mạnh mẽ hơn, hướng dẫn những người khác và kháng cự lại”.
Tuyên bố của các cựu quan chức Mỹ viết rằng tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử với người gốc Á gia tăng kể từ đầu đợt dịch COVID-19 năm 2020 và nhiều người Mỹ gốc Á “tiếp tục đối mặt với chuyện bị đổ lỗi một cách sai trái cho virus này”.
Theo tổ chức theo dõi tình trạng phân biệt đối xử nhắm vào người gốc Á có tên gọi STOP AAPI HATE, năm 2020 chứng kiến sự gia tăng lên tới 150% đối với các vụ án về thù ghét đối với người Mỹ gốc Á, với hơn 3.800 vụ mà 66% số đó là nhắm vào phụ nữ Mỹ gốc Á.
Các cựu quan chức viết thêm trong tuyên bố rằng “những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta thật đáng báo động và cần tất cả chúng ta đoàn kết để bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng người gốc Á”.
“Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo chính trị lên án bạo lực và phát ngôn thù ghét nhắm vào người gốc Á; làm việc với các lãnh đạo và các cơ quan thực thi pháp luật ở cấp địa phương, tiểu bang và quốc gia để bảo vệ người gốc Á tốt hơn; và thông qua dự luật chi tiêu nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu của các cộng đồng gốc Á”, tuyên bố có đoạn.
Tin cho hay, Nhà Trắng hôm 30/3 thông báo một số giải pháp chống lại tình trạng thù ghét người gốc Á, trong đó có ngân khoản gần 50 triệu đôla từ khoản cứu trợ COVID-19 nhằm giúp đỡ các nạn nhân.