Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Hội nhập
Hội nhập được thì cần gì Thoát Trung !

Nước Việt và thế giới (9)

Đọc báo mạng

Bài mới hơn Bài cũ hơn Mục lục Trang chính

25/04/2021 - nghiencuuquocte

Cập nhật về chính sách đối ngoại của chính quyền Biden

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Tiếp theo loạt bài Dự báo Chính sách Đối ngoại của chính quyền Biden (31/12-3/1/2021) và Tuần trăng mật của Biden: Vai trò Bộ Tứ và Xoay trục 2.0 (29/3/2021) trên trang Nghiên cứu Quốc tế, bài này cập nhật tiếp về các bước triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Biden với Trung Quốc và khu vực Indo-Pacific.

Ngay khi còn đang tranh cử, Joe Biden đã chú trọng đến vấn đề nhân sự. Chiến dịch của ông đã tập hợp được hàng ngàn chuyên gia giỏi, được bố trí vào các tiểu ban như “túi càn khôn”. Tuy Joe Biden đã 78 tuổi, đi lại hay vấp cầu thang, và có tật nói lắp nên rất ít khi họp báo, nhưng ông là một chính trị gia lão luyện. Với hơn ba thập niên hoạt động nghị trường, tám năm làm phó tổng thống thời Obama, và bốn năm quan sát chính quyền Trump, nay ngồi vào ghế tổng thống thứ 46 của Mỹ, chắc ông thừa biết phải làm gì và làm như thế nào.

Ngay trong tuần trăng mật (100 ngày), Biden đã thông qua được gói cứu trợ lịch sử $1.900 tỷ để khắc phục dịch bệnh và môi trường, và đang thúc đẩy thông qua gói cứu trợ khổng lồ $3.000 tỷ để kiến thiết hạ tầng, giáo dục và đào tạo. Điều đó chứng tỏ kinh nghiệm lão luyện của ông tại nghị trường, biết chọn khâu trọng yếu để tháo gỡ. Vì vậy, Biden đã tự tin tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng vaccine cho người lớn vào cuối tháng năm chứ không phải cuối tháng bảy như đã dự kiến. Kinh tế cũng bắt đầu khởi sắc.

Người ta nói rằng muốn biết chính sách đối ngoại thế nào, hãy nhìn vào cách sắp xếp nhân sự chủ chốt của “Team Biden”. Đó là Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia), Anthony Blinken (Ngoại trưởng), và Kurt Campbell (Điều phối viên chính sách Indo-Pacific). Đó là “bộ ba xe, pháo, mã” của “Team Biden” để điều hành chính sách đối ngoại, vẫn theo tầm nhìn Indo-Pacific, nhằm “xoay trục 2.0” sang Châu Á. Tuy họ cũng có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không cực đoan như phái “diều hâu”

Ở cấp thấp hơn, Biden đã bổ nhiệm Ely Ratner làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng Loyd Austin, và vừa đề cử đại sứ Daniel Krittenbrink làm trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Đó là những vị trí then chốt để định hình chính sách đối ngoại, tập trung đối phó với Trung Quốc ở khu vực Indo-Pacific, đồng thời chứng tỏ vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam và Biển Đông trong bàn cờ địa chính trị khu vực.

***

Hầu hết Team Biden là quan chức chuyên nghiệp, từng phục vụ chính quyền Obama. Ratner từng làm trợ lý cho phó tổng thống Joe Biden trong Nhà trắng, Blinken và Campbell từng làm trợ lý cho ngoại trưởng Hilary Clinton tại Bộ Ngoại giao, Sullivan từng làm cố vấn cho Hilary Clinton tranh cử tổng thống. Họ là đồng nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và quan điểm, nên dễ đồng thuận và hợp tác. Điều đó khác với thời Trump khi các nhân vật chủ chốt thường bất hòa và mâu thuẫn, hay lộ tin cho báo chí, bị Trump thay như thay áo.

Hầu hết Team Biden là các học giả có tên tuổi, thuộc các trung tâm nghiên cứu chính sách (think tanks) như Center for a New American Security (CNAS), Council on Foreign Relations (CFR), Brookings Institution, the Asia Group… Ví dụ, Kurt Campbell và Jake Sullivan đã từng cộng tác viết chung các bài quan trọng về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Kurt Campbell là kiến trúc sư đề xuất chiến lược “xoay trục sang Châu Á” dưới thời Obama.

Team Biden chú trọng đến kết nối liên ngành và phối hợp hành động (interoperability) giữa đối nội và đối ngoại, giữa các bộ/ngành với nhau (như kinh tế/thương mại với an ninh/quốc phòng). Joe Biden đã thông báo (ngày 10/2) việc thành lập “Nhóm đặc nhiệm về Trung Quốc” (China Task Force) tại Bộ Quốc phòng, gồm 15 chuyên gia từ các bộ phận, do Ely Ratner đứng đầu, trong vòng 4 tháng phải xem xét và đề xuất chiến lược và phương thức đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, cũng như tác động tới quan hệ Mỹ-Trung.

Team Biden chú trọng củng cố đồng minh và đối tác, dựa trên các hiệp ước cũ và cơ chế mới như “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và “Bộ Tứ Mở rộng” (Quad Plus) với Hàn Quốc, Việt Nam, Tân Tây Lan (Quad+3). Tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên của “Bộ Tứ” (12/3) các vị lãnh đạo đã có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể nhằm tăng cường vai trò Bộ Tứ và từng bước thể chế hóa với các “tổ công tác” (working groups). Bộ Tứ cam kết giúp Ấn Độ sản xuất hai tỷ liều vaccine J&J cho khu vực Indo-Pacific.

Văn phòng của Kurt Campbell là bộ phận lớn nhất tại NSC, với 17 chuyên gia, gồm 3 giám đốc phụ trách về Trung Quốc. Có thể nói đó là trung tâm điều phối chính sách về Trung Quốc theo chiến lược “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan khác, như “Nhóm Đặc nhiệm về Trung Quốc” của Ely Ratner (tại Bộ Quốc Phòng), và Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Krittenbrink (tại Bộ Ngoại giao), cũng như các cơ quan liên quan khác (như USTR).

Gần đây, Chính quyền Biden đã điều động một số nhân sự đáng chú ý. Để chuẩn bị Hội nghị Cấp cao “Bộ tứ” (năm 2021), Mira Rapp-Hooper, cố vấn hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao, đã được điều động sang Hội đồng An ninh Quốc gia. Để tăng cường vai trò của USAID nhằm hỗ trợ đồng minh và đối tác, Biden đề cử Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đứng đầu cơ quan này, và là thành viên NSC. Để thay đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Biden đề cử Marc Knapper, phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Nhật Bản và Hàn Quốc.

***

Ưu tiên quan trọng mà Jake Sullivan thường đề cập là chính sách đối ngoại phục vụ người Mỹ trung lưu, và khôi phục quan hệ đồng minh và đối tác, đã bị chính quyền Trump coi thường và làm rạn nứt. Theo Sullivan, “Nỗ lực đó phải bắt đầu từ trong nước”. Khác với chính sách thời Trump, nay Mỹ có thể huy động thế giới đứng sau lưng trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia. Mỹ có thể tập hợp đồng minh và đối tác chống tham nhũng và chiếm đoạt, buộc các chế độ độc tài phải chịu trách nhiệm về minh bạch và pháp quyền.

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tuy bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng đạt “đồng thuận lưỡng đảng” về chính sách với Trung Quốc. Với tầm nhìn Indo-Pacific, lấy “Bộ Tứ” làm nòng cốt để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc tại Đài Loan và Biển Đông, gần đây là tại vùng đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc (từ 7/2020) là một di sản mà chính quyền Biden kế thừa. Team Biden tuy khác với Team Trump về phong cách, nhưng nhất quán về lợi ích cốt lõi, coi Trung Quốc “là thách thức địa chính trị lớn nhất thể kỷ 21” (tuyên bố của Ngoại trưởng Anthony Blinken).

Quan hệ Việt-Mỹ tuy triển vọng phát triển tốt đẹp, nhưng dưới thời Biden vẫn có ba trở ngại. Một là thặng dư thương mại tăng nhanh (khoảng $65 tỷ năm 2020) dù cáo buộc “Việt Nam thao túng tiền tệ” vừa được chính quyền Biden gỡ bỏ. Hai là nếu Việt Nam mua nhiều vũ khí Nga, có thể bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật CAATSA. Ba là vấn đề nhân quyền ngày càng nhạy cảm, sẽ được chính quyền Biden chú trọng hơn. Tuy chính quyền Biden sẽ nhân nhượng Việt Nam vì tính toán chiến lược, nhưng chắc cần “có đi có lại”.

Trên cơ sở “đồng thuận lưỡng đảng”, chính quyền Biden kế thừa chính sách của chính quyền Trump, tăng cường hợp tác với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn trên cơ sở “đối tác toàn diện”, mà “trên thực tế” (de facto) đã là “đối tác chiến lược”, tuy đến nay vẫn chưa được chính thức hóa. Trong khi Việt Nam cần Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng lại không muốn “chọn phe” thì Mỹ coi Việt Nam như “một trong các đối tác quan trọng nhất” (theo đại sứ Daniel Krittenbrink).

Trước khi rời Việt Nam về nhận nhiệm vụ mới (trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương), Đại sứ Daniel Krittenbrink nhấn mạnh “Việt Nam cũng như ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ”. Ông dùng ngạn ngữ để nhắn nhủ thông điệp rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Mỹ là “bạn tốt trong hoạn nạn” (a friend in need is a friend indeed) và chỉ bầu trời mới là giới hạn (the sky is the limit) cho quan hệ song phương.

Đầu trang

23/04/2021 - voatiengviet

Tháng tư ‘Đỏ’ đón Đại sứ ‘Đen’

Hoàng Trường (Gởi VOA từ Sài Gòn)

Ông Marc Knapper trong một sự kiện tại Seoul.

“Đỏ và Đen” (Le Rouge et le Noir) không chỉ là phép ẩn dụ từ tiểu thuyết của Stendhal, xuất bản từ 1830. Ở đây còn hàm ý thời điểm tân Đại sứ Mỹ đến Việt Nam trong một tình thế bất lợi và “đen đủi”! Còn Hà Nội thì đang cho dựng những pa-nô “đỏ rực” các đường phố, nhưng không phải để nghênh tiếp Đại sứ vừa được bổ nhiệm Marc Knapper.

Mấy tháng trở lại đây, Hà Nội hơn một lần tuyên bố Đại hội Đảng XIII và Quốc hội XIV đã kết thúc “rất” thành công. Và mỗi khi viết về các sự kiện chính trị mà người dân bị tuyên truyền gần như đến bội thực, bao giờ truyền thông nhà nước cũng buộc phải thêm chữ “rất”. “Rất thành công” ở chỗ Tổng bí thư “ngồi xổm” lên Điều lệ Đảng (ĐLĐ) mà Trưởng ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính hồi bấy giờ vẫn giải trình chót lọt trong Bộ Chính trị. Theo cách giải thích ấy, TBT lần này sẽ không tại vị toàn khoá nên “ta” vẫn không vi phạm ĐLĐ.

Làn sóng “Đỏ rực” bắt bớ

Trong khi Phạm Minh Chính chưa dứt lời kêu gọi tân chính phủ phải lắng nghe các ý kiến phản biện thì ngày 20/4/2021, Công an Việt Nam đã hốt sạch “Nhóm Báo Sạch” (NBS), báo hiệu sự tan vỡ hoàn toàn của “Giấc mơ Báo chí Tự do”. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm cuối cùng gồm quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, theo đánh giá mới nhất được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố. RSF nhận định rằng ĐCSVN cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt bớ công khai các nhà báo độc lập suốt thời gian qua.

“Dân chủ đến thế là cùng!” (Lời ông Trọng). Trong khi NBS, theo những người đọc trong nước cho biết, đã gây nhiều tiếng vang vì những bài báo đấu tranh cũng như vạch trần những sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam. Dư luận cho rằng, những bài viết vạch trần các sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam được NBS công bố, rất thẳng thắn và có những bằng chứng xác thực. Sau khi Công an điều tra ra thì những điều NBS đăng lên là đúng, đó cũng là tội danh mà các quan chức tham nhũng bị bắt vướng phải.

Trở lại câu chuyện Đại hội XIII và Quốc hội khoá XIV, ĐCSVN không chỉ lách Hiến pháp mà rõ ràng còn phớt lờ cả luật khi để Quốc hội khóa cũ bầu ra nhân sự Nhà nước cho khóa mới. Trên thực tế, ĐCSVN đã bầu và sắp xếp xong hết các chức danh, nhân sự nhà nước cấp cao rồi. Ấy vậy mà vẫn còn bắt người dân “rồng rắn” đi bầu Đại biểu Quốc hội vào ngày 23/5 tới. Đối với người dân quốc nội, đây là điều hết sức vô lý, theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển phát biểu từ một hội luận ở BBC.

Hiệu ứng của những thắng lợi “rất rực rỡ” nói trên là các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 tới sẽ không bao giờ có công bằng cho các ứng cử viên như giới lãnh đạo Việt Nam tuyên bố. Suốt thời gian qua, truyền thông “lề Đảng” luôn nhấn mạnh tới việc giữ công bằng, bình đẳng cho các ứng cử viên cũng như tạo điều kiện để cử tri phát huy quyền dân chủ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương, mà thực chất là những màn đấu tố. Quần chúng ở đây là những người do Đảng chọn lựa, hoặc là những người về hưu nhưng không am hiểu thời cuộc, không có tính phản biện, luôn nghe theo Đảng và Nhà nước, từ đó sẵn sàng vu khống những người mà họ không hiểu rõ. Đảng có hẳn cả những “công đoạn”, những “quy trình” để loại các ứng viên độc lập ngày từ “vòng gửi xe”.

Đành rằng, giờ là lúc quá trễ để nói về câu chuyện bầu bán. “Bầu” thì không diễn ra mấy mà “Bán” – chạy chức chạy quyền – thì nhiều). Nhưng quả thực dư luận xã hội hết sức quan ngại trước tuyên bố của tân Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ngày 20/4/2021 tại Diễn đàn Bác Ngao ở Trung Quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam không mấy mặn mà về “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), nhưng lần này ông Nguyễn Xuân Phúc lại vồ vập mong muốn BRI sẽ đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 (!?)

Thái độ “xoay trục” đối với BRI, nếu xảy ra thật, thì rõ ràng dàn lãnh đạo “Bộ tứ” (4 ông Trọng – Chính – Phúc – Huệ) đã bị Trung Quốc gia tăng các loại “bùa mê” về sự cần thiết của BRI đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Mà nghiêng về BRI nhiều hơn có nghĩa là sẽ giảm bớt cam kết với FOIP, một cấu trúc an ninh tập thể mới trong không gian “Indo-Pacific mở và tự do”. Cấu trúc này trụ vững trên hai chân kiềng: kinh tế và an ninh. Kinh tế thì dĩ nhiên là OK đối với Hà Nội, nhưng an ninh, thì chắc chắn Việt Nam còn phải tiếp tục giữ khoảng cách.

Trong khi đó, việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn ai làm người kế vị sẽ là câu chuyện “nước sôi lửa bỏng” trong thời gian tới đây. Trong “Bộ tứ”, chỉ còn lại hai nhân vật có khả năng tranh cái ghế ấy: Chính và Huệ. Xưa nay, người xứ Nghệ chẳng ưa người xứ Thanh, vì vậy một trận “long tranh hổ đấu” rất có thể xảy ra. Do đó, việc nghiêng về BRI hay FOIP sẽ là câu chuyện đấu đá nội bộ khốc liệt. Trong bối cảnh ấy sẽ khó để “Bộ tứ” lấy được một quyết định thống nhất trong việc ứng xử thế nào để phục vụ tối đa lợi ích quốc gia trong thế cờ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng lắt léo và phức tạp.

“Đen đủi” cho tân Đại sứ

Cái “đen” của tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper vừa được bổ nhiệm là ngài sẽ hoạt động ở Việt Nam giữa lúc chính trị quốc nội xứ này đang như gà mắc tóc, còn về ngoại giao thì Hà Nội dường như khó giữ được cái đà “cân bằng mềm mại” như trước nay, đặc biệt là những năm dưới thời ông Donald Trump. Trò “đu dây” của chính quyền CSVN dưới thời Tổng thống Biden đang có dấu hiệu bị “xô lệch”. Mở đầu về đối ngoại có lẽ là màn “theo voi ăn bã mía”, hay có thể diễn đạt cách khác là “theo đóm ăn tàn” tại Liên hợp quốc.

Lần đầu tiên, thế giới bị sốc khi Việt Nam trong cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ đã hùa cùng Trung Quốc và Nga trong việc ngăn chặn Nghị quyết của HĐBA lên án tập đoàn quân sự Myanmar đã tiến hành cuộc đảo chính vô luân vô pháp và đang đẩy một thành viên trong gia đình ASEAN đến bờ vực nội chiến. Việc Myanmar muốn quay lại làm chư hầu cho Trung Quốc đang bị thế giới lên án và bị chính người dân Myanmar liên tục xuống đường biểu tình phản đối. Chỉ có các quốc gia toàn trị ngồi yên nhìn những kẻ vũ trang đến tận răng thoả sức bắn giết phụ nữ và trẻ em ngay chính trên đất nước mình. Việt Nam là một trong số những quốc gia đó.

Việc Trung Quốc kết bạn, nhưng lại đang tìm mọi cách phá thế “liên hoành” của Mỹ ở Đông Á nói riêng và thế giới nói chung đang đặt cục diện quốc tế vào những tình huống khó đoán định. Chuyện nhượng bộ Tàu để Mỹ được yên thân là chính sách của đảng Dân Chủ xưa nay. Đó có thể sẽ là cái giá thương lượng “dưới cơ” mà Hoa kỳ buộc phải chấp nhận. Nhìn bên ngoài thấy Mỹ cố gắng tạo liên minh với các nước, nhưng e rằng, rồi đây tất cả sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước Đông Á, nhất là Đông Nam Á đang rất lo Mỹ sẽ lùi dần vào hậu trường “nhường” cho Bắc Kinh xuất hiện như một diễn viên mới bước ra sân khấu của thế kỷ.

Gần đây, Trung Quốc lớn tiếng “đe nẹt” Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ đã truyền đi những tín hiệu thật sự lo ngại. Các thông điệp Bộ trưởng Công an Trung Quốc mang sang Hà Nội, cũng như nội dung Ngoại trưởng Vương Nghị vừa “truyền đạt” cho tân Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn mới đây qua điện đàm cho thấy Bắc Kinh tiếp tục “trói” Hà Nội vào mô hình “đại cục” và “toàn trị”. Cùng với cuộc “cắm vè” trên Biển Đông – từ đảo đá Ba Đầu, qua Sinh Tồn xuống tận Hoàng Sa – Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến dịch “bao vây” các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cả Washington lẫn Hà Nội hiện vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách “phá vây” hữu hiệu.

Trong 25 năm Việt – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Mỹ đã trải qua 4 đời tổng thống với sự luân phiên “đổi màu” giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà theo chu kỳ 8 năm. Tuy nhiên, hai nước Việt – Mỹ vẫn đạt được sự xuyên suốt trong khuôn khổ về quan hệ “Đối tác toàn diện” với các trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế...

Nhưng bước sang thời Tổng thống Joe Biden, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và Việt Nam có một số khía cạnh không hoàn toàn tương đồng như các thời Đại sứ trước đây. Theo những phát biểu đã công bố, mối quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với các quốc gia khác từ nay sẽ đặt trên nền tảng dân chủ và nhân quyền chứ không chỉ đơn thuần là thương mại và an ninh. Tổng thống Biden nhiều lần cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là người bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ đánh giá các quốc gia dựa trên hồ sơ về các vấn đề nhân quyền của họ.

Tân đại sứ vừa bổ nhiệm sẽ được quyết định bởi phần lớn di sản của quan hệ “Đối tác toàn diện” nói trên năm 2013 dưới thời các chính quyền trước đây cũng như các quyết sách do Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Anthony Blinken đặt ra. Mới đây nhất, Tổng thống Biden vừa kêu gọi sự hợp tác với Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác để thúc đẩy các mục tiêu chung trong đó “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do” (FOIP) là tối quan trọng. Theo giới phân tích, nhiệm vụ khó khăn nhất của Đại sứ Knapper sẽ là kéo được Việt Nam vào một mạng lưới các đồng minh và đối tác tương hỗ, sẵn sàng và có thể bảo vệ chủ quyền của mình khỏi tình trạng bị Trung Quốc hà hiếp.

Đầu trang

Apr 20, 2021 - nguoi-viet

Phó Tổng Thống Walter Mondale, người cứu vớt thuyền nhân

Ông Walter Frederick “Fritz” Mondale, cựu phó tổng thống Hoa Kỳ, vừa từ giã cõi đời ở quê nhà Minneapolis, Minnesota, hôm Thứ Hai, 19 Tháng Tư, hưởng thọ 93 tuổi.

Cựu Phó Tổng Thống Walter Fritz Mondale. (Hình: Anthony Souffle/Star Tribune via AP, File)

Chính trị gia hàng đầu có tư tưởng cấp tiến Walter Mondale đã để lại nhiều dấu ấn trong xã hội Mỹ, nhưng với người Việt Nam tị nạn ở khắp thế giới, ông sẽ luôn được nhớ tới như một ân nhân lớn, một trong những người đã mở cánh cửa tự do cho hàng triệu người Việt đã liều mình từ bỏ quê hương vừa bị mất vào tay Cộng Sản, đang lênh đênh trên biển cả hoặc tuyệt vọng trong các trại tị nạn khắp Đông Nam Á. Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ ông và cầu mong hương linh ông sớm siêu thoát vào cõi vĩnh hằng.

Walter Mondale – chính trị gia cấp tiến

Walter Mondale là một trong số ít chính trị gia hàng đầu của đảng Dân Chủ, từng là ứng cử viên của đảng ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử năm 1984 nhưng thất bại trước liên danh đảng Cộng Hòa của các ông Ronald Reagan và George H.W. Bush.

Trước đó, ông là phó tổng thống dưới quyền Tổng Thống Jimmy Carter nhiệm kỳ 1977-1981. Khởi nghiệp là người lính bộ binh trong quân đội Hoa Kỳ tham gia Chiến Tranh Triều Tiên 1951-1953, ông học luật, trở thành luật sư, bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Minnesota (1960-1966) rồi hoạt động chính trị với tư cách thượng nghị sĩ liên bang đại diện tiểu bang Minnesota từ năm 1966 đến khi ông từ giã Thượng Viện để sang Tòa Bạch Ốc năm 1976.

Thời gian ở Thượng Viện, ông Mondale là người khởi xướng hoặc bảo trợ nhiều đạo luật quan trọng về bảo vệ người tiêu dùng, chính sách nhà ở công bằng, cải cách thuế má và xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong trường học. Ông ra tranh cử tổng thống năm 1984 với đường lối chấm dứt chạy đua vũ khí nguyên tử, tu chính Hiến Pháp để bảo vệ quyền bình đẳng (equal rights), giảm nợ công của Hoa Kỳ và tăng thuế lên những thành phần giàu có.

Ông cũng ủng hộ mạnh mẽ các đề nghị mở rộng chăm sóc y tế và chăm sóc trẻ em, cùng nhiều chương trình xã hội khác. Ông Mondale cũng là người đầu tiên trong lịch sử chọn một phụ nữ, Dân Biểu Geraldine A. Ferraro của tiểu bang New York, làm người đứng cùng liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống.

Ông thất bại nhưng một số chủ trương của ông – cũng là đường lối chính trị cốt lõi của đảng Dân Chủ – đang được Tổng Thống Joe Biden tiếp thu và thực thi hiện nay. “Cả đời tôi, tôi làm việc với ý tưởng rằng chính phủ có thể là một công cụ cho tiến bộ xã hội. Chúng ta cần sự tiến bộ đó. Sự công bằng đòi hỏi như vậy,” ông nói với báo The New York Times năm 2010.

Từ giã chính trường, ông trở về với nghề luật sư và tham gia giảng dạy tại Trường Hành Chính Công Hubert H. Humphrey của đại học Minnesota University – ngôi trường mang tên người dẫn dắt về chính trị cho ông, Phó Tổng Thống Hubert Humphrey.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn

Ông Walter Mondale – cùng với Tổng Thống Jimmy Carter – lên cầm quyền vào thời điểm nước Mỹ bắt đầu suy thoái sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tai tiếng Watergate dưới thời Tổng Thống Nixon.

Sự kiện Sài Gòn thất thủ ngày 30 Tháng Tư, 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đã góp phần chôn vùi sự nghiệp chính trị của Tổng Thống Gerald Ford, đồng thời nước Mỹ chứng kiến chuỗi ngày kinh tế đình trệ, nạn thất nghiệp tăng vọt, lạm phát ở mức hai con số; nguồn cung cấp xăng dầu bị ảnh hưởng của các biến động ở Trung Đông khiến người dân Mỹ phải xếp hàng vài dãy phố để mua xăng với giá cao ngất ngưởng…

Trong lúc đó, cuộc khủng hoảng “thuyền nhân Việt Nam” càng lúc càng bi thảm, gây chấn động lương tâm nước Mỹ, đòi phải có giải pháp.

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Bộ Ngoại Giao đã cảnh báo Quốc Hội Hoa Kỳ rằng người Cộng Sản chiến thắng sẽ trả thù những người Việt Nam đã ủng hộ người Mỹ trong cuộc xung đột. Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, khoảng 125,000 người tị nạn Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trong các cuộc di tản do Hoa Kỳ tổ chức và tài trợ. Nhưng sau đó, từ năm 1976 đến năm 1978, Hoa Kỳ từ chối tiếp nhận các cá nhân Việt Nam trừ trường hợp đoàn tụ gia đình.

Nhưng dưới ách cai trị tàn bạo của một “bên thắng cuộc” đang tìm mọi phương cách phi nhân nhất để trả thù bên bại trận, người Việt Nam bao gồm các cựu quân nhân, quan chức chính phủ và gia đình của họ không có lựa chọn nào khác là phải bỏ nước ra đi, nhất là sau khi hàng triệu quân, dân, cán, chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị trừng phạt trong các trại cải tạo từ Nam chí Bắc; nhà cửa bị tịch thu, sinh kế và học hành bị bóp nghẹt, vợ con bị đày vào các vùng “kinh tế mới” giữa núi rừng lam chướng.

Những khổ nạn của người Việt vượt biển trên những con thuyền cũ kỹ chở hàng trăm phụ nữ và trẻ em, cùng số phận mịt mù của họ trong các trại tị nạn được dựng lên vội vã ở Đông Nam Á được truyền hình Hoa Kỳ trình chiếu đến từng nhà đã gây sốc cho toàn xã hội Mỹ. Ngay sau khi trở thành phó tổng thống, ông Walter Mondale đã tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo vô tiền khoáng hậu đó khi ông đến các trại tị nạn ở Thái Lan năm 1977, nơi tràn ngập những người cần thức ăn và chỗ ở.

Hình chụp ngày 13 Tháng Giêng, 2018, cựu Phó Tổng Thống Walter Fritz Mondale (trái) và cựu Tổng Thống Jimmy Carter. (Hình: Anthony Souffle/Star Tribune via AP, File)

Kế hoạch cứu vớt thuyền nhân

Từ Thái Lan trở về, Phó Tổng Thống Mondale và những người khác bắt đầu lên kế hoạch giúp đỡ người tị nạn. Ông đề nghị mở lại chính sách tiếp nhận người tị nạn Việt Nam đã từng cộng tác với người Mỹ, tăng gấp đôi số người tị nạn được phép tái định cư tại Hoa Kỳ lên 14,000 người mỗi tháng. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ chi hàng triệu đô la để xây dựng các trại tị nạn tạm thời an toàn và vệ sinh ở Philippines và các nơi khác.

Một phần khác thường trong kế hoạch của ông Mondale là thuyết phục Hải Quân Hoa Kỳ biến các thủy thủ và tàu của họ trong Hạm Đội Sáu ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á thành một đoàn cứu hộ, nhằm cứu vớt những người tị nạn trên biển.“Đó là một bước đầu tiên độc đáo. Quân đội không muốn làm việc đó. Họ nói,’’Chúng tôi ở đây để chiến đấu; chúng tôi không phải là một tổ chức nhân đạo,’” ông Mondale nói với trang mạng MPRNews của Minnesota.

Cũng nên lưu ý rằng dư luận Hoa Kỳ thời điểm đó không thuận lợi cho việc đón tiếp người tị nạn Việt Nam, dù đó là những người đã từng kề vai sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của Cộng Sản. Tình hình kinh tế u ám thời hậu chiến, nạn thất nghiệp cùng một số tệ nạn xã hội khác, như nạn nghiện ma túy theo chân những người lính trở về, đã làm cho dân chúng Hoa Kỳ e ngại người nhập cư, lo sợ mất công ăn việc làm và pha trộn về văn hóa.

Tổng Thống Jimmy Carter tán thành các đề nghị kế hoạch của ông Mondale, vấn đề tiếp nhận người tị nạn Đông Dương được nối trở lại, nhưng vấn đề quá lớn mà người Mỹ không thể tự giải quyết. Nhiều quốc gia cho rằng “bi kịch thuyền nhân” là do Hoa Kỳ tạo ra sau khi quyết định từ bỏ miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản, do vậy một mình Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng, chính quyền Carter-Mondale quyết định yêu cầu Liên Hiệp Quốc đứng ra chủ trì một giải pháp cho cuộc khủng hoảng; một hội nghị quốc tế đặc biệt về người tị nạn được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy, 1979, theo yêu cầu của Washington.

Và bài diễn văn lịch sử trước Liên Hiệp Quốc

Không giống như rất nhiều nỗ lực quốc tế lớn khác, hội nghị này không được sắp xếp trước. Phó Tổng Thống Mondale cảm thấy thất vọng khi phát biểu trước các đại biểu của Liên Hiệp Quốc, trước những quan chức ngoại giao mà ông thấy: “Họ ngồi đó như những người sắm vai phụ trong một bộ phim, các diễn giả đến rồi đi mà họ vẫn ngồi như kẻ bị hôn mê!”

Và ông đã đánh thức họ dậy bằng một bài diễn văn gây xúc động sâu sắc, nhờ nỗ lực của Martin Kaplan, người soạn diễn văn cho phó tổng thống.

Mở đầu bài diễn văn, ông Mondale nhắc lại một hội nghị khác của Liên Hiệp Quốc được tổ chức cách đó 41 năm, cũng tại Evian gần Geneva khi Đệ Nhị Thế Chiến chuẩn bị bùng nổ. Các đại biểu dự hội nghị năm 1938 đã không đồng ý được kế hoạch giải cứu người Do Thái trước sự truy lùng và đàn áp của Adolf Hitler và hậu quả là hàng triệu người Do Thái đã mất mạng trong các phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã.

“Tại hội nghị đó, nếu mọi quốc gia đồng ý chấp nhận một giải pháp như mỗi nước tiếp nhận 15,000 người Do Thái, thì sẽ không có người Do Thái nào còn lại trong nước Đức đệ tam đế chế để bị đưa đến các trại tập trung,” ông Mondale nói với các đại biểu ở Geneva năm 1979. Ông nhấn mạnh rằng các đại biểu trước đó của Liên Hiệp Quốc đã “thất bại trong cuộc thử nghiệm về nền văn minh” mà cái giá phải trả là vụ diệt chủng người Do Thái ở khắp Châu Âu. “Thế giới văn minh đã ẩn mình trong lớp áo choàng của luật pháp, và kết quả là Holocaust,” ông Mondale nói.

Ông Mondale cho biết các đại biểu bắt đầu chú ý khi ông nói với họ rằng thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự có tầm thế giới và họ phải chọn một giải pháp mang tầm thế giới thay vì đổ hết trách nhiệm cho Hoa Kỳ.

“Tất cả chúng ta đều biết những con số thống kê nghiệt ngã, số thương vong khủng khiếp của những người tị nạn bị chính quyền Việt Nam ép buộc phải bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền cũ kỹ và không đủ tiêu chuẩn đi biển,” ông Mondale nói với hội nghị. So sánh tình cảnh của người tị nạn Việt Nam với người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến, sự tàn ác của chính quyền Cộng Sản Việt Nam với phát xít Đức, ông kêu gọi thế giới văn minh phải hành động trước khi quá muộn.

“Lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thất bại. Lịch sử sẽ không quên chúng ta nếu chúng ta thành công,” ông Mondale kết thúc bài diễn văn lịch sử, bạn đọc có thể xem lại toàn văn tiếng Anh của bài diễn văn qua lời kể của người soạn thảo Martin Kaplan tại địa chỉ: www.huffpost.com/entry/the-best-speech-i-ever-wr_b_247918.

Cả hội trường im lặng sau câu nói sau cùng của ông Mondale, và sau đó các đại biểu Liên Hiệp Quốc, bình thường vốn nghiêm nghị, đã đồng loạt đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt.

Khi các quốc gia cùng tham gia vào kế hoạch giải cứu thuyền nhân Việt Nam, điều kiện trên biển và trong các trại tị nạn cho thuyền nhân bắt đầu được cải thiện. Nhưng cuộc khủng hoảng quá sâu và số lượng người bị ảnh hưởng quá lớn, khiến công việc phải kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, hầu hết những thuyền nhân Việt Nam trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á đã được các quốc gia từ Bắc Mỹ đến Âu Châu và Úc tiếp nhận, cưu mang và hình thành những cộng đồng người Việt quốc gia ở khắp nơi trên thế giới.

***

Phó Tổng Thống Walter Mondale (5 Tháng Giêng, 1928 – 19 Tháng Tư, 2021) ra đi vào lúc cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ tưởng niệm 46 năm ngày miền Nam thất thủ. Những hồi ức về những ngày cuối cùng của chế độ Cộng Hòa, về chặng đường sinh tử vượt biển tìm tự do lại được nhắc nhở cho các thế hệ sau để không ai bị lãng quên, không gì bị lãng quên. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tên tuổi và công lao của ông Walter Mondale cũng sẽ được nhớ mãi cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta. [qd]

Đầu trang

22/03/2021 - luatkhoa

Vì sao người Mỹ gốc Á khó tìm đồng minh khi bị kỳ thị?

Chiếc huy hiệu thiểu số kiểu mẫu khiến người gốc Á trở nên vô hình trong xã hội Hoa Kỳ.

22/03/2021 By HARRIET NGUYEN

"Ngưng thù ghét người châu Á" - một người cầm biểu ngữ tại quảng trường McPherson, Washington, DC, 21/3/2021. Ảnh: AFP.

Hôm 17/3, đài NBC News đăng một dòng tweet với nội dung “Làm thế nào để người Da Đen có thể là đồng minh mạnh mẽ của cộng đồng người Mỹ gốc Á lúc này” kèm theo một bài viết về cách mà liên minh các nhóm sắc dân thiểu số Mỹ có thể giúp chống lại sự thù ghét, phân biệt sắc tộc.

Trái với nội dung kêu gọi đầy tính đoàn kết, hỗ trợ người Mỹ gốc Á, hàng loạt các bình luận ở dưới lại mang màu sắc tiêu cực. Một trong số đó có nội dung như sau:

“Mấy người thật cả gan khi dám kêu gọi người Da Đen đấu tranh cho một nhóm người đã từng phân biệt đối xử với chính người Da Đen. Người Mỹ Da Đen đã đấu tranh đủ rồi… và nó đã đem lại lợi ích cho tất cả sắc dân thiểu số của đất nước này. Những người khác phải tự đấu tranh lấy cho chính họ.”

Bình luận này có tới 7.300 lượt yêu thích. Một loạt những bình luận sau đó cũng đều có nội dung tương tự: Người Mỹ gốc Á hãy tự lo lấy đi!

Ảnh chụp màn hình bài đăng của NBC News và bình luận trên Twitter. Tweet này sau đó đã bị xóa.

Không thể không đau lòng khi đọc những bình luận trên, nhất là khi ngày càng nhiều vụ tấn công người gốc Á trở nên bạo lực và táo tợn hơn.

Chuyện gì đang xảy ra ở nước Mỹ? Phải chăng giờ đây ngay cả các sắc dân da màu cũng căm ghét người gốc Á chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta cần lùi lại một bước, hãy thử “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Thiểu số “kiểu mẫu” vô hình

Từ Vũ Hán, Trung Quốc, dịch bệnh COVID-19 lan đến Hoa Kỳ trong một bối cảnh chuyển giao chính trị không thể gay gắt và chia rẽ hơn.

Mỹ đã từng được xem là chốn thiên đường cho cả những con chiên Thanh giáo lẫn những kẻ tha hương tìm đến bến bờ tự do, nhưng COVID-19 đã vạch trần những góc khuất tăm tối nhất, khoét sâu khác biệt tư tưởng tả – hữu, tích tụ dần thành một quả bom nổ chậm, chỉ chờ chực nổ.

Hồi tháng 3/2020, Donald Trump công khai gọi virus corona là “virus cúm Tàu” (Chinese virus). Đó là một cách gọi có lẽ không sai về lý, nhưng nó lại như một chiếc mũi dùi thô bạo đâm thủng lớp vỏ mỏng manh của quả bóng hận thù, từ đó làm bùng phát hàng loạt các cuộc tấn công đối với người gốc Á.

Ảnh chụp bài phát biểu của Donald Trump vào ngày 19/3/2020, trong đó chữ “corona” được gạch bỏ và thay bằng “Chinese”. Nguồn: Jabin Botsford/ The Washington Post.

Đến cuối năm 2020, khi chứng kiến một người phụ nữ da nâu đứng cạnh Joe Biden trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giữ chức phó tổng thống Hoa Kỳ, người ta dễ tưởng rằng những cuộc tấn công người gốc Á sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh ngớt đi ở một số bang, cuộc sống dần quay trở lại nhịp độ cũ, các vụ việc tấn công người gốc Á thay vì giảm lại ngày càng gia tăng.

Có lẽ những người bất ngờ hơn ai hết là cộng đồng châu Á, vốn trước giờ sống như những thành viên ngoan ngoãn của xã hội Hoa Kỳ. Họ chọn cách sống khép kín thu mình, không muốn gây phiền phức với ai, nhưng giờ lại trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.

Mặt trái của chiếc huy hiệu “thiểu số kiểu mẫu”

Định kiến “model minority” (thiểu số kiểu mẫu) ban đầu như một chiếc huy hiệu được sắc dân châu Á đeo lên mình một cách tự hào, như một lời minh chứng rằng: “Chúng tôi cũng là dân nhập cư, nhưng chúng tôi thành công, chúng tôi hòa nhập rất tốt với xã hội Hoa Kỳ là đằng khác”. Nhưng cũng chính những chiếc huy hiệu ấy lại trở thành gông cùm của áp lực phải thành công, đồng thời che lấp những góc khuất, những nỗi ê chề của sắc tộc gốc Á – vốn thường rất trọng sĩ diện.

Các sắc dân gốc Á mang trong mình định kiến về một “thiểu số kiểu mẫu”. Ảnh minh họa: Kennedy School Review.

Những đứa trẻ gốc Á không có kết quả học tập hay sự nghiệp thành công đúng như kỳ vọng của gia đình và định kiến của xã hội thì gần như bị xem là thất bại. Điều này có thể thấy rõ nhất qua trường hợp những người Việt từng bị tù tội khi còn là thanh thiếu niên. Dù được mãn hạn tù, được chính quyền và xã hội Mỹ nói chung chào đón tái hòa nhập, họ vẫn bị chính cộng đồng của mình coi như một vết nhơ.

Khi nhiều người gốc Á như Việt Nam, Campuchia bị chính quyền Trump trục xuất về nước vào thời điểm 2018-2019, cộng đồng người gốc Á gần như chẳng đoái hoài đến họ.

Vì người châu Á quá thành công, quá nghe lời, quá cam chịu, và quá lười tham gia chính trị, gần như họ trở nên vô hình trong xã hội Hoa Kỳ. Thói quen sống quây quần trong cộng đồng khiến người Việt càng thiếu tương tác với các nhóm sắc tộc khác. Nghệ sĩ hài gốc Việt Ali Wong từng đùa trong một phân đoạn thuộc series hài độc thoại (standup comedy) “Baby Cobra” là bà mẹ gốc Việt của cô không có tới nổi một người bạn da đen.

Chi tiết gây cười này làm nổi lên một định kiến ngấm ngầm trong cộng đồng người gốc Á, trong đó có người Việt, mà ít ai dám thẳng thắn thừa nhận: sự coi thường, khinh miệt với những cộng đồng người da màu khác.

Chính vì những thái độ thiếu cảm thông và thấu hiểu này, họ càng ít tham gia ủng hộ các phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho các nhóm sắc tộc thiểu số ở Hoa Kỳ như Black Lives Matter.

Lực cản hòa nhập

Có hai lực cản lớn dẫn đến chậm trễ trong việc hòa nhập vào xã hội Mỹ của người gốc Á. Đầu tiên là lực cản đến từ bên trong. Nhiều người gốc Á dường như cũng không coi chính mình là người Mỹ. Khi nhiều người thuộc thế hệ trước ra đi với tâm thế người tị nạn, họ mong muốn một ngày trở về cố hương, phục dựng lại những giá trị xưa cũ. Vì vậy, họ mang tâm thế sống nhờ, sống tạm.

Lực cản còn lại đến từ bên ngoài. Về diện mạo, người gốc Á vẫn luôn bị xem là quá khác biệt so với nhóm sắc dân da đen hay gốc Mỹ Latin. Một người gốc Á, dù sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, vẫn thường phải đối mặt với những câu hỏi, câu nói ngớ ngẩn như “bạn thực sự đến từ đâu?” hay “tiếng Anh của bạn tốt thật đấy”.

Đặc biệt với cộng đồng gốc Việt, có thể thấy, thế hệ lớn tuổi thì từ chối hòa nhập, sống như mình ở đất khách, đến cả lá phiếu cử tri trong tay cũng không tin nó là của mình. Họ sống ở đất nước bầu cử tự do mà vẫn cứ mong được bỏ một lá phiếu ở quê hương độc tài. Trong khi đó, thế hệ trẻ thì khao khát và có khả năng hòa mình vào dòng chảy sắc tộc hơn, nhưng vô tình bị tách ra rìa.

“Các nhóm thiểu số phải đoàn kết lại”. Ảnh: Marcela/ Flickr.

Và rồi giờ đây, khi chính họ trở thành nạn nhân mới nhất của tình trạng phân biệt chủng tộc, nỗi ám ảnh của những trại tạm giam người Mỹ gốc Nhật thời Thế chiến II đột nhiên khiến tất cả bất giác rùng mình. Nhưng nhiều người gốc Á, vì quá mải theo đuổi danh vọng và tiền tài, đã quá xa rời những cộng đồng đấu tranh vì quyền lợi cho những người như chính họ.

Họ đã ở bên lề xã hội quá lâu, chọn cách đứng ngoài rìa của những cuộc tranh đấu đầy mồ hôi và nước mắt. Vì vậy, cũng chẳng ngạc nhiên khi đến một lúc, họ cũng bị cho ra rìa một cách lạnh lùng không thương tiếc.

Đã đến lúc người Mỹ gốc Á nói chung, và người gốc Việt nói riêng cần xác định danh tính của mình. Chúng ta là người Mỹ hay người Việt?

Là người Mỹ thì chúng ta có lẽ cần phải nói tiếng Anh. Là người Mỹ, chúng ta phải biết cách hòa nhập và sống chan hòa với các sắc tộc khác. Là người Mỹ, hãy đi bầu, hãy tham gia tranh cử. Là người Mỹ, phải biết lên tiếng trước những bất công trong xã hội, dù nó có liên quan mật thiết đến chúng ta hay không.

Vì biết đâu, một ngày nào đó, chính chúng ta lại trở thành nạn nhân.

Đầu trang

April 13, 2021 - baocalitoday

Một ngày không có Mễ

Nhã Duy

Cali Today News – “Một ngày không có người Mễ Tây Cơ” (A day without a Mexican) là một phim hài phát hành năm 2004, kể về sự xáo trộn của California khi cộng đồng gốc Latino, phần lớn là người Mexican bỗng một ngày kia bị biến mất. Từ trong chính trường, truyền thông, giáo dục cho đến xây dựng, nông nghiệp, chuyện chân tay, công việc đình trệ, mùa màng không thu hoạch. Đến lúc đó người dân cùng các chính khách Cali mới thấy vai trò của những người Mexican.

Người Mexican, tức Mễ Tây Cơ mà người Việt tại Mỹ quen gọi tắt là “người Mễ” hay có người còn gọi kiểu xách mé, xem thường là “dân Xì”, không biết từ “Mexican” hay “Spanish” – tiếng Tây Ban Nha họ nói. Phần lớn thì cũng ít người phân biệt được nhóm này thuộc nhóm Latino- người Mỹ La Tinh hay người Mễ nói riêng, cũng tựa họ không phân biệt được các sắc dân Á Châu vậy.

Chiếm khoảng trên 11% dân số nước Mỹ và khoảng hai phần ba cộng đồng Latino, người Mễ là một cộng đồng lâu đời và khá mạnh trong nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ với khoảng 37 triệu dân, trong đó hơn 10 triệu người là sinh đẻ tại Mỹ.

Cộng đồng người Mễ có thể xem là một cộng đồng di dân, vừa là một cộng đồng bản địa của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh tranh giành biên giới với Hoa Kỳ vào giai đoạn 1846-1848, bị thua trận, Mexico phải ký kết hiệp ước Guadalupe Hildago, đồng ý bán lại một phần lãnh thổ cho Hoa Kỳ vào năm 1848 và về sau. Một phần hay toàn bộ 10 tiểu bang của Mỹ hiện nay là đất của Mexico, từ Texas sang đến California, trong đó phần lớn California ngày nay từng là đất Mexico (* xem bản đồ đính kèm).

Hiệp ước này cho phép công dân Mexico tại các vùng lãnh thổ bị bán được chọn ở lại để trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi công dân hay dọn về biên giới thuộc vùng lãnh thổ Mexico. Cộng đồng gốc Mễ ra đời từ đây. Do đó cũng có thể xem họ là người dân bản địa, chính gốc như nói trên tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như California, Texas, New Mexico, Arizona, Colorado… Làn sóng di dân, tị nạn sang Mỹ bắt đầu ồ ạt hơn từ đầu thế kỷ 20 sau các cuộc chiến tranh rồi lý do kinh tế, sum họp gia đình sau này, tập trung đa số tại California và Texas.

Cộng đồng người Mỹ gốc Mexican tham gia chính trường Mỹ rất sớm, từ năm 1877 đã có dân biểu đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, rồi đến năm 1928 bắt đầu có thượng nghị sĩ đầu tiên. Hiện nay không kể việc tham gia cấp lãnh đạo trong các cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và nội các chính phủ, mà có đến 47 dân biểu Quốc Hội là thuộc cộng đồng Mexican và Latino nói chung, trong đó có sáu thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đa số các chính khách và cộng đồng gốc Mễ có xu hướng thuộc về đảng Dân Chủ.

Cộng đồng gốc Mễ cũng hiện diện đông đảo và đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực âm nhạc, thể thao, văn hóa nghệ thuật cho đến truyền thông, học thuật, kinh doanh với các tên tuổi không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ cũng có những tướng lãnh cấp cao và tại NASA đã từng có ít nhất bốn phi hành gia và một trưởng khoa học gia là gốc Mễ.

Điều quan trọng hơn cho nền kinh tế California cùng sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ là việc đóng góp từ lực lượng nhân công áp đảo trong kỹ nghệ xây dựng, công chánh, nông nghiệp, vận chuyển… của người gốc Mễ. Kỹ nghệ xây dựng và bảo trì nhà cửa, cầu đường, thu hoạch rau quả, dịch vụ sẽ rất khó khăn khi thiếu vắng họ bởi đây là nhóm nhân công đa số.

Nhắc đến cộng đồng người Mễ, ắt cũng nói sơ qua vấn đề di dân lậu liên quan đến người Mễ. Trong tổng số 11 triệu di dân lậu ước tính Mỹ tại hiện nay, những người Mễ trốn sang Mỹ hay tìm cách ở lại sau khi visa hết hạn đã chiếm hơn phân nửa và góp thêm nguồn nhân công cho Mỹ. Điều này luôn được bàn thảo và trong chương trình nghị sự của mỗi đời tổng thống Mỹ. Tuy nhiên chính sách di trú và vấn đề di dân lậu là vấn đề lớn của thế giới và nước Mỹ trải qua vài lần cải tổ dường như vẫn chưa giải quyết tận gốc rễ bởi tính hai mặt của nó.

Trong khi kiểm soát di dân lậu là việc cần thiết thì trên thực tế và theo các nghiên cứu từ chính phủ, các nhóm kinh tế gia cho đến các đại học đã cho thấy nhóm này phần lớn là những người cần cù, sẳn sàng làm các công việc chân tay, nặng nề mà người Mỹ không muốn làm hay không có người làm. Họ làm công việc tay chân lương thấp, giúp cho người tiêu thụ Mỹ hưởng được giá thành sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn. Họ cũng đóng thuế và giúp gia tăng kinh tế Mỹ qua việc tiêu xài. Đồng thời các đạo luật cải tổ di dân cũng không cho phép họ được hưởng các quyền lợi xã hội như một số người nghĩ, trong khi tỉ lệ tội phạm không gia tăng so với thủ phạm nội địa, mặc dù vẫn có một nhóm nhỏ liên quan đến các tội phạm khác nhau như bất cứ sắc dân hợp pháp nào khác.

Bài toán di dân lậu cũng từng được các cấp thẩm quyền của chính phủ cân nhắc thận trọng, đặc biệt với California. Cũng nói thêm rằng, theo báo cáo của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2014, Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia có di dân lậu đến Mỹ đông đảo nhất, vào khoảng 200 ngàn người đã ở lại sau khi hết hạn visa (**). Dẫn số liệu này để thấy nếu Việt Nam có vị trí địa lý như Mexico, con số này chắc chắn tăng gấp bội và vấn đề di dân lậu với người Việt ắt nan giải không kém.

Một số người không có nhiều ý niệm về lịch sử cùng vai trò, ảnh hưởng của cộng đồng người Mexican nên khi tiếp xúc với phần lớn những người Mễ không nói tiếng Anh từ các vùng nông thôn Mexico và làm các công việc lao động cấp thấp, đã hình thành một định kiến, có sự kỳ thị và xem thường cộng đồng bạn. Không ít người còn đánh đồng họ như những kẻ di dân lậu, “đầu trộm đuôi cướp”, lặp theo cách nói của Donald Trump mà không biết chính họ là chủ nhân vùng đất mình đang sống, chính họ đã góp phần đắc lực vào việc phát triển nước Mỹ cho mình được hưởng nhờ.

Và nếu công bằng nhìn nhận thì cộng đồng gốc Việt muốn đạt được như cộng đồng người Mễ hay các cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ là một con đường còn rất xa vì hầu hết các cộng đồng này có tổ chức và sự đoàn kết. Họ có sức mạnh chính trị cùng thực lực của lá phiếu cử tri để từng bước tạo ảnh hưởng và đưa người của mình vào các cơ cấu chính phủ một cách có tổ chức và sự đầu tư.

Trong khi đó cộng đồng gốc Việt lại là cộng đồng thiếu tính tổ chức, chú trọng các hình thức bề nổi nhiều hơn sự dự phần, cũng như có xu hướng đẩy giới trẻ tài năng gốc Việt xa lánh cộng đồng vì sự nhận thức, quan điểm quá khác biệt. Không ít người Việt còn phản đối, xúc phạm giới trẻ gốc Việt đang đơn độc tham gia chính trường Hoa Kỳ hiện nay, thiếu vắng sự ủng hộ chung từ chính cộng đồng mình.

Nên điều dễ nhận thấy là cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay chỉ có các thành công cá nhân mà thiếu vắng sự đại diện cùng sức mạnh cộng đồng cần thiết và tương ứng dân số. Nếu có ai bảo người Mễ đông và đã ở lâu nên mạnh hơn thì hãy nhìn sang cộng đồng Cuba, mới và ít dân hơn cộng đồng Việt để thấy họ hùng mạnh thế nào. So sánh điều này nhằm điều chỉnh tâm thức với các cộng đồng bạn và nhìn nhận lại vị thế của cộng đồng Việt hiện nay ra sao sau gần nửa thế kỷ trên xứ người.

Một ngày không có người Mexican có thể sẽ không dẫn đến tình trạng xáo trộn quá mức như cách bộ phim hài “A day without a Mexican” đã thể hiện nhưng quả thật là nước Mỹ sẽ rất khó khăn nếu thiếu vắng họ. Xã hội sẽ bớt phần nhộn nhịp vì sự tươi vui và tràn đầy sức sống của một sắc dân phần lớn là chân thật và chăm chỉ.

Còn một ngày không có người Việt trên đất Mỹ thì sao?

04/2021

Nhã Duy

(*) Bản đồ nước Mỹ với các tiểu bang màu xanh từng là lãnh thổ của Mexico trước đây.

(**) Các số liệu về di dân lậu https://www.dhs.gov/sites/default/files/publications/Unauthorized%20Immigrant%20Population%20Estimates%20in%20the%20US%20January%202014_1.pdf

Đầu trang

10/04/2021 - baotiengdan

Gốc rễ của tất cả các vụ bạo lực, kỳ thị chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á từ năm 2020 đến nay

Phạm Thanh Giao
10-4-2021

Bất kỳ ai, nếu chú ý hoặc để tâm nghiên cứu tìm tòi về sự gia tăng bộc phát của các cuộc tấn công bằng bạo lực, nhắm vào người Mỹ gốc Á kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Hoa Kỳ vào hồi đầu năm 2020 đến nay, sẽ thấy có một điểm đáng lo ngại khác, đó là: Ngay cả người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Latin cũng đang chung tay với người Mỹ da trắng tấn công người Mỹ gốc Á.

Vào ngày 31 tháng 3 năm ngoái, một người đàn ông Mỹ gốc Latin ở Texas, đã dùng dao đâm một gia đình người Miến Điện, gồm có một người cha và 2 đứa con nhỏ của ông ta. Sau khi bị bắt, đã khai rằng anh ta làm vậy, vì nghĩ rằng 3 cha con này là người Trung Quốc và họ chính là thủ phạm đã mang coronavirus vào Mỹ.

Các bản báo cáo từ cơ quan FBI cho thấy, lẽ đương nhiên, người Mỹ da trắng là thủ phạm chính của những cuộc hành hung phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á. Thế nhưng trong thời gian gần đây, đã có không ít các thủ phạm tấn công người Mỹ gốc Á là người da đen và người Mỹ gốc Latin. Vào tháng 2 năm 2021, một người Mỹ da đen đã vô cớ xô một người đàn ông lớn tuổi gốc Phi Luật Tân ngã cắm đầu xuống đất ở San Francisco ngay giữa ban ngày. Nạn nhân sau đó đã chết vì vết thương trên đầu của mình.

Ở một cuộc tấn công khác, xảy ra ở thành phố New York vào ngày 29 tháng 3 năm 2021, một người Mỹ da đen đã xô ngã và đánh một phụ nữ 65 tuổi người Mỹ gốc Á ngay trên vỉa hè, dưới sự chứng kiến của một số người dân ở gần đó trong một tòa cao ốc và 2 nhân viên gác cửa tòa nhà đã thản nhiên đóng cửa, bỏ mặc người phụ nữ bị nạn mà không hề có bất kỳ hành động gì để can thiệp hoặc làm bất cứ gì để trợ giúp cho nạn nhân.

Sau khi bị bắt, tất cả các hung thủ đều đổ lỗi cho bất kỳ người Mỹ gốc Á nào bị chúng quấy rối, sách nhiễu và tấn công bằng bạo lực, với lý do vì họ là người Trung Quốc bất kể những người này đến từ đâu.

***

Từ xưa đến nay, khi bàn về sự kỳ thị chủng tộc, người ta nghĩ ngay đến việc xảy ra giữa người da trắng và người da đen, nhưng bây giờ thì khác. Kể từ khi Donald Trump thất bại trong việc kềm chế đại dịch, thay vì nhận lỗi, ông ta đổ thừa cho Trung Quốc là thủ phạm gây ra COVID-19 ở Hoa Kỳ, dẫn đến con số nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới ở một quốc gia nổi tiếng là dẫn đầu trong việc phát triển về Y Khoa.

Việc cố tình nhắc đi nhắc lại những cái tên mà ông ta đặt ra để nhắm vào các cộng đồng người dân Mỹ gốc Á như “Wuhan Virus”, “China Virus” và “Kungflu” đã trực tiếp dẫn đến sự gia tăng cấp số nhân các vụ quấy rối, miệt thị và hành hung người Mỹ gốc Á và họ đã trở thành mục tiêu cho sự tức giận đặt sai chỗ vì ngu xuẩn của những người dân Mỹ cực đoan. Họ nghe theo lời xúi dục, đổ lỗi giết người do dịch bệnh cho tất cả những ai “nhìn giống người Trung Quốc”, bất kể những người Mỹ gốc Á đó thuộc các sắc tộc khác.

Ngay từ ngày đầu, những chủ trương và chính sách của Donald Trump khá rõ ràng và khá trắng trợn, không cần được che dấu, đó là Chủ Trương Bảo Vệ Quyền Lực Tối Cao Của Người Da Trắng. Đây là một hệ tư tưởng, một khuôn mẫu giá trị và một niềm tin đã ăn sâu vào gần như ở tất cả mọi hệ thống và mọi thể chế chính trị ở Hoa Kỳ. Người da trắng tin rằng, quyền lãnh đạo và quyền cai trị phải nằm trong tay của người da trắng và Donald Trump, hơn ai hết, tin tưởng vào điều đó, và ông ta đã cố gắng bằng mọi giá để đạt được điều đó. Cứ nhìn “Bộ Nội Các Chính Phủ Trắng Tinh” của ông ta thì đủ hiểu.

Chẳng có gì lạ, những niềm tin này chiếm một tỷ lệ khá lớn ở người da trắng, nó vẫn luôn thôi thúc họ và Donald Trump đã đến như … một phép lạ. Theo họ, chỉ có Donald Trump mới có can đảm mở toang cánh cổng dẫn vào … địa ngục này. Nhờ đó, ông ta đã lôi kéo được không chỉ những phần tử cực đoan da trắng, mà luôn cả những người da trắng thất học, cổ hủ vẫn luôn tin vào các quyền phổ quát không thể thay đổi và chuyển nhượng cho bất kỳ ai hoặc cộng đồng da màu nào.

Việc trực tiếp đổ lỗi dịch bệnh COVID-19 “từ Trung Quốc và do Trung Quốc” cho tất cả các vấn nạn về kinh tế, về thất nghiệp, về lây nhiễm và tử vong làm tê liệt nước Mỹ, còn là một kế hoạch với âm mưu vô cùng thâm độc của Donald Trump – Sử Dụng Tất Cả Các Sắc Dân Khác Ở Mỹ Chống Lại Người Mỹ Gốc Á. Xưa giờ, các cộng đồng người Mỹ gốc Á luôn được coi là “Những Nhóm Thiểu Số Gương Mẫu – Model Minorities”, nhưng chỉ qua một đêm, các nhóm “Thiểu Số Gương Mẫu” này đã trở thành “Kẻ Thù Hạng Nhất Của Xã Hội – Public Enemy Number One”. Ai nói Donald Trump không ranh ma quỷ quyệt?

Theo những tài liệu nghiên cứu từ năm 2010 đến nay cho thấy, người Mỹ gốc Á có nguy cơ bị người lạ tấn công cao hơn so với sắc dân da đen và các sắc dân gốc Latin. Con em của người Mỹ gốc Á cũng dễ trở thành mục tiêu kỳ thị ở trường học cao hơn so với các sắc dân khác. Bên cạnh đó, những cuộc nghiên cứu này còn cho thấy người Mỹ gốc Á có nguy cơ trở thành nạn nhân của những người dân Mỹ không phải là dân da trắng, cao hơn khi so sánh với người da đen và người gốc Latin. Các bản báo cáo còn cho rằng, chỉ số đó là do người Mỹ gốc Á đôi khi bị các nhóm thiểu số khác ghen tị với cái tên “những người thiểu số kiểu mẫu” mà người da trắng ở Mỹ “gán” cho.

“Định kiến thiểu số kiểu mẫu” cho rằng, sự thành công của người Mỹ gốc Á về kinh tế, về giáo dục, và những ưu đãi ở các cơ hội khác mà họ được hưởng, tạo ra sự cạnh tranh, sự ganh ghét hoặc biến thành những mối đe dọa tiềm tàng bởi những cộng đồng thuộc các nhóm chủng tộc khác.

Vấn nạn kỳ thị ở Mỹ chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt. Trong thời yên ổn, cuộc sống người dân sung túc khi nền kinh tế phát triển, các tế bào của căn bệnh ung thư kỳ thị này được vây rào và nằm yên một chỗ. Đến bất kỳ thời điểm xuống dốc nào, khi cuộc sống của người dân Mỹ bắt đầu có những khó khăn về kinh tế, thì chỉ cần một tay tổ xạo láo và kỳ thị như Donald trump khơi mào chia rẽ, thì căn bệnh ung thư đó sẽ bùng phát trở lại và tệ hại hơn xưa.

Hiểu được chiều sâu và phạm vi của nguồn tư tưởng phân biệt chủng tộc này, chắc chắn là một thách thức không nhỏ, nhưng sau những cơn sóng gió, ngay cả lần này, các cộng đồng người Mỹ gốc Á rồi cũng sẽ vượt qua, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 không còn khả năng hoành hành và đe dọa mạng sống con người được nữa và nhất là khi nền kinh tế ổn định trở lại, thì người ta sẽ lại mau quên, quên hết tất cả, ngay cả sự thù hằn ganh ghét.

Cuối cùng nó sẽ đem mọi người và cả cái đất nước hợp chủng này đến gần nhau hơn trong việc giải quyết sự bất bình đẳng mang đậm tính cách bao trùm có hệ thống này. Trong một thời gian có lẽ sẽ rất gần, khi tỷ số dân da trắng ở Mỹ đi xuống trầm trọng và khi họ trở thành dân thiểu số, thì dù có không muốn, họ cũng sẽ mất luôn cái hệ tư tưởng “quyền lực phải là của người da trắng và nằm trong tay người da trắng”.

Đầu trang

14 tháng 4 2021 - BBC

Jeff Le: Tôi tưởng mình nắm bí quyết thành công ở xã hội Mỹ, 'nhưng tôi đã nhầm'

Tina Hà Giang
BBC News Tiếng Việt

Other. Jeff Le (trái) cho rằng khi cố gắng ẩn mình và nhịn nhục, người gốc Á đã tự biến mình thành vô hình, tự từ bỏ quyền lợi và quyền hạn của mình

''Cút về xứ mày đi! Mày không phải người ở đây." Người đàn bà nhổ vào mặt anh và la lên. Đó là hôm 6/3/2020, người đàn bà lạ mặt ấy công khai sỉ nhục anh tại phi trường Quốc tế Reno-Tahoe.

Nước bọt chảy dài trên má. Anh choáng váng, nhìn quanh chỉ để thấy hàng chục nhân chứng quay mặt đi, như với họ, chuyện vừa xảy ra chưa bao giờ xảy ra.

Theo phản xạ tự nhiên, anh gượng cười rồi bỏ đi. Đây không phải là lần đầu chuyện như thế này xảy ra với anh. Xét cho cùng, anh là một người Mỹ gốc Việt.

Việc vô cớ bị tấn công và sỉ nhục hôm ấy Jeff Le chôn kín trong lòng. Nhưng nỗi buồn âm ỉ thì hơn một năm sau cuồn cuộn tuôn ra theo ngòi bút...

Một người Mỹ gốc Việt tiêu biểu

Jeff Le sinh ra và lớn lên ở Nam California năm 1982, một năm sau khi cha mẹ anh đến Mỹ từ những năm dài lăn lóc ở các trại tị nạn.

Năm 2000, cha mẹ anh dọn đến tiểu bang Georgia để gầy dựng một trại nuôi gà đi bộ, và tại đây, theo anh, cùng ở tuổi 64, cả hai vẫn tiếp tục làm việc '18 tiếng một ngày.''

Như nhiều người Mỹ gốc Việt đến Mỹ định cư, họ làm việc vất vả để con cái có điều kiện chọn con đường mình yêu thích. Sự nghiệp của anh là giao lộ giữa chính sách và chính trị - giữa chính quyền tiểu bang, Quốc hội, các tổ chức đa phương và những tổ chức phi lợi nhuận quốc tế.

Năm nay 39 tuổi, Jeff Le là một đối tác chính trị của Dự án An ninh Quốc gia Truman. Anh từng là Phó Giám đốc Đối ngoại và Quốc tế, cũng từng là Phó Thư ký Nội các cho cựu Thống đốc California Jerry Brown từ năm 2014-2019.

Với thành quả đó, Jeff nghĩ mình đã nắm được bí quyết để thành công như một người gốc Á trong chính trị Hoa Kỳ. Nhưng sau nhiều trải nghiệm, anh thấy mình đã sai.

Nhận thức đó chính là tựa đề bài viết dài 3,500 chữ của anh được đăng trên tờ Politico, tạp chí chính trị có hạng của Washington DC.

Được Politio đăng bài không dễ. Được đăng nguyên một bài dài gấp 4 lần những bài bình luận tiêu biểu là điều gần như không tưởng. Jeff Le cũng có lẽ là tác giả người Mỹ gốc Việt đầu tiên có bài trên tạp chí này.

Getty Images. Biểu tình chống nạn kỳ thị người gốc Á ở Chamblee, Georgia

Bài viết của anh có gì đặc biệt?

Trong bài, Jeff Le giải thích tại sao đã không phản ứng gì về hành động thóa mạ của người đàn bà lạ ấy. Về nỗi đau khi thấy những người chứng kiến việc anh vô cớ bị sỉ nhục ngó lơ. Về nỗ lực nhiều năm để leo nấc thang nghề nghiệp luôn bị cản lại bằng một lực vô hình, bằng bức trần bằng kính, dù so với người khác, anh thấy rõ ràng mình học giỏi hơn, đạt nhiều thành tích hơn, và xứng đáng hơn. Tất cả chỉ vì anh là một người Mỹ gốc Á.

''Trong đời tôi, đây là một nhận thức lâu dài và đau đớn, học được sau nhiều năm tìm cách leo lên các nấc thang của chính sách Hoa Kỳ và chính trị toàn cầu. Bất kể tôi đạt điểm cao mức nào, có nhiều kinh nghiệm thực tập, nghiên cứu, bất kể những công việc có uy tín mà tôi đã đảm nhiệm; hy sinh cá nhân và gia đình cho nhóm, tổ chức và sứ mệnh. Tôi cũng vẫn bị kẹt lại, không thể đạt được vai trò lãnh đạo mà những người khác được đề bạt. Tôi không đang bước trên một cái thang mà đang chạy trên một máy chạy bộ, làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đi đến đâu. Giống như cộng đồng người Mỹ gốc Á rộng lớn hơn, tôi đang ẩn mình trong những cấu trúc không thuận lợi cho mình — không coi trọng mình.'' Jeff Le viết.

Anh nhận định:

''Thách thức với tôi — và đối với cộng đồng chính trị rộng lớn hơn mà tôi là thành viên — là tìm ra thời điểm và cách nói "đủ quá rồi", và thay vì lặng thinh, tìm cách chống lại những cấu trúc đó.''

Giải pháp, với anh, là thay vì ẩn mình, im lặng, nhẫn nhịn theo văn hóa Á đông, mọi người phải lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của mình. Anh viết:

''Trong gần hai thập niên, tôi đã làm việc trong chính phủ và trong lãnh vực tư nhân. Và điều tôi nhận ra là chúng ta cần phải làm điều gì đó khác đi — điều gì đó có thể không làm chúng ta thoải mái, nhưng lẽ ra đã phải làm từ lâu. Chúng ta cần ngừng giả vờ rằng sân chơi công bằng và tất cả chúng ta được đối xử bình đẳng, cần ngừng hy vọng rằng một ngày nào đó thành quả sẽ được ghi nhận. Hãy ngừng chấp nhận mức đền đáp quá ít sau khi cật lực làm việc. Hãy ngừng xin lỗi thực tế mình là người gốc Á, và bắt đầu giành lấy quyền chính đáng của mình.''

Chia sẻ tâm tư với BBC News Tiếng Việt, Jeff Le nói:

''Sau những thành quả ban đầu, chúng ta dễ bị mắc vào cái bẫy 'Thiểu số Gương mẫu'. Đó là một cái bẫy, đặc biệt khi chúng ta được dạy rằng cách tốt nhất để thành công ở Mỹ là tránh tạo sự chú ý, tránh gây rắc rối. Chỉ cần im lặng, nhẫn nhịn, chỉ cần cắm cúi làm việc thật chăm chỉ, cứ mãi thế là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề (không phải là người bản xứ), và rồi sẽ được công nhận. Điều đó không đúng. Hãy nhìn cho rõ. Chúng ta không phải là người da trắng.''

Getty Images. Biểu tình chống nạn kỳ thị thù ghét người gốc Á ở Garden Grove, California

BBC:Anh đã rất nhịn nhục khi bị người đàn bà đó tấn công. Vậy điều gì đã khiến anh yên lặng hơn một năm rồi quyết định lên tiếng qua bài viết này?

Jeff Le: Tôi vẫn còn buồn khi nghĩ lại việc bị đối xử mất nhân tính như thế. Nhưng thói quen và văn hóa của mình khiến tôi phản ứng như vậy. Vả lại đây cũng không phải là điều gì mới. Nạn kỳ thị thù hằn với người gốc Á chỉ khiến nhiều người bây giờ bận tâm vì thảm kịch tại Atlanta, cũng như khúc phim ghi cảnh một phụ nữ gốc Á chống lại kẻ hành hung. Một phần trong tôi cảm thấy bất lực. Nhưng sau vụ Atlanta, tôi thấy đây là lúc để chúng ta phải cùng nhau sát cánh, tố cáo những hành vi bạo lực và thù hận, và khuyến khích những cộng đồng khác cùng hợp lực với chúng ta để giải quyết vấn đề.

BBC: 'Một sự nhịn chín sự lành' là quán tính đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, và người Á châu nói chung thường ngại lên tiếng khi bị tấn công. Anh nghĩ sao về việc này?

Jeff Le: Theo văn hóa Á đông, chúng ta không nói về những đau khổ hay thất bại, hoặc khi bị áp bức. Người Mỹ gốc Việt là một ví dụ điển hình của điều đó. Bạn rời khỏi đất nước. Bạn bỏ tất cả mà đi. Bạn chặn đi phần đau thương đó của đời mình, bạn không nói về nó và bạn không bao giờ đối mặt với cuộc sống cũ. Vì vậy, khi bị những hành động kỳ thị thù ghét nhắm vào, bạn nhớ lại cuộc sống cũ và cảm giác bạn không là gì quan trọng ở đất nước này. Văn hóa chúng ta dạy rằng nếu bạn im lặng hơn, ẩn mình đi hơn, thì những điều này sẽ không xảy ra. Và vì vậy khi bị hành hung, hiếp đáp, bạn tự trách mình đã không nhẫn nhịn đủ, hay im lặng đủ, và bạn nín thinh.

BBC:Trong bài viết anh đề nghị mọi người không thể thu mình và thụ động. Vậy điều gì khiến anh chợt nhận ra rằng nhẫn nhịn không phải là giải pháp?

Jeff Le: Nhận thức của tôi nó đến từ từ. Nhưng nếu muốn nêu rõ một thời điểm hay biến cố khiến tôi phản ứng, thì là vì tôi có đứa con gái tám tháng. Cháu sinh ra vào tháng Bảy năm ngoái.

Khoảng thời gian con mới sinh, tôi luôn băn khoăn với ý ‎nghĩ con mình là người châu Á, con mình là người Việt. Mai sau liệu con có sẽ được tôn trọng không, liệu con có sẽ được xem như một người ngang hàng không, liệu con có được đối xử bình đẳng không?

Càng nghĩ thì tôi càng biết chắc là nếu tôi không lên tiếng, nếu tôi không làm tất cả những gì có thể làm từ bây giờ, thì không chắc là con tôi sẽ đạt được những điều bình thường đó. Nhìn từ góc độ giữa các thế hệ, chúng ta có trách nhiệm giải quyết việc này, giống như cha mẹ chúng ta đã cật lực làm việc để cho chúng ta điều kiện tìm cơ hội thích hợp cho mình. Khi đến đây, thế hệ đầu tiên thực sự không có nhiều lựa chọn, phải không? Nhưng thế hệ thứ hai, thứ ba đang nhờ vào nỗ lực của những thế hệ trước mà vươn lên. Nạn kỳ thị cũng thế.

Nguồn hình ảnh: Jeff Le. Jeff Le (trái), bố mẹ và con gái

BBC: Ngoài việc sinh con, còn có điều gì đã thôi thúc anh phải lên tiếng?

Jeff Le: Còn. Tháng Tám năm ngoái, một tháng sau khi con tôi sinh ra, thì một hôm ba mẹ tôi gọi phôn báo rằng hàng xóm hai bên đổ lỗi cho họ (người Á châu) mang Covid vào nước Mỹ và không muốn giao du với họ nữa. Thú thật cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ viết gì cả. Viết lách với tôi là một thế giới mới.

L‎ý do tôi viết? Người Việt chúng ta rất mạnh mẽ phải không? Chúng ta không để lộ nỗi buồn. Nhưng khi nói chuyện với ba mẹ, tôi có thể nghe được nỗi buồn của họ, và tim tôi đau nhói. Bởi vì trong suốt hai mươi năm ở Georgia, ba mẹ tôi chăm chỉ làm việc, tích cực tham gia mọi sinh hoạt để trở thành một phần của cộng đồng. Rồi hàng xóm của họ đột nhiên nói 'xin lỗi, bạn không phải là chúng tôi'. Tình giao hảo hai mươi năm, nhưng rất tiếc, bạn vẫn không phải là chúng tôi.

Bố mẹ tôi sẽ không bao giờ thừa nhận rằng họ buồn như thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn của họ. Đó là lý do tại sao tôi viết bài xã luận đầu tiên.

Bài viết đầu tay của tôi được đăng trên Albany Herald, một tờ báo địa phương. Tôi viết về sự đóng góp của người di dân cho tiểu bang Georgia. Về những y tá người Philippines chết vì Covid sau những ngày dài săn sóc bệnh nhân. Sau bài viết đó hàng xóm xin lỗi ba mẹ tôi.

Từ đó tôi viết liên tục, về đủ mọi đề tài, đa số là ở góc nhìn chính sách. Tôi viết có lẽ đã được hơn 20 bài, đăng ở những diễn đàn thích hợp.

BBC: Riêng bài viết trên Politico này anh viết bao lâu mới xong?

Jeff Le: Suốt cuộc đời tôi (cười lớn). Thật ra tôi may mắn. Viết về những việc này với tôi không dễ. Không phải là đột nhiên tôi muốn kể cho thế giới nghe toàn bộ đời mình, về việc tôi bị phỉ nhổ, hay phơi bày mọi chi tiết về bản thân trên một trong những tạp chí quan trọng nhất ở Washington. Nhưng đêm đó, tôi viết một lèo hơn 6 tiếng đồng hồ, gửi bản thảo cho Politico, họ bảo bài dài nhưng họ muốn đầu tư vào đề tài đó, thế là tôi tốn thời gian biên tập, rồi bài được đăng.

Tôi phấn khởi là đã nhận được rất nhiều biểu đồng tình gửi về từ các quan chức nhà nước, những người ủng hộ, những người đấu tranh cho cộng đồng, các nhà báo và cả những người hoàn toàn xa lạ. Tôi nhận được nhiều tin nhắn trong đó người đọc chia sẻ những chuyện cá nhân của họ. Tôi có cảm tưởng rằng những gì tôi nói lên chứng thực được kinh nghiệm mà nhiều người khác cũng đã trải qua. Còn ba mẹ tôi lúc đó mới biết tôi đã từng bị nhổ vào mặt và bảo phải xéo khỏi nước Mỹ.

BBC:Theo anh thì người Mỹ gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng cần phải làm gì?

Jeff Le: Trước tiên là phải nhận thức rằng sẽ không ai khác giúp chúng ta, mà chúng ta phải tự giúp mình. Điều đó có nghĩa là các cộng đồng gốc Á phải xích lại gần nhau để chia sẻ nguồn lực, đầu tư vào các ứng cử viên dân cử, đòi được ở cùng vị thế và sức mạnh như các cộng đồng khác trong tiến trình chính trị. Điều này gồm tranh đấu cho quyền bỏ phiếu, thúc đẩy cải cách luật chống nạn kỳ thị thù hằn nhắm vào người gốc Á.

Về mặt cá nhân, những ai từng là nạn nhân của sự thù hằn vì kỳ thị không nên giấu kín mà nên kể ra câu chuyện của mình. Kể với bạn bè, với người thân, với những người mình cùng sinh hoạt. Trong văn hóa của chúng ta, đi kèm với những thất bại, sự đau lòng và thất vọng là nỗi xấu hổ lớn. Thói quen này cần thay đổi.

Bài học tôi rút ra được là khi cố gắng ẩn mình và nhịn nhục, người gốc Á đã tự biến mình thành vô hình, tự từ bỏ quyền lợi và quyền hạn của mình, thay vì phải là giành lấy những quyền hạn chính đáng. Lặng thinh và nhẫn nhịn không phải là giải pháp, mà ngược lại.

Đầu trang

14/04/2021 - voatiengviet

TNS California tố cáo nhóm tin tặc do chính phủ Việt Nam điều hành phá trang mạng

Thượng Nghị sĩ California Thomas Umberg đệ trình Nghị quyết Tháng Tư Đen, ngày 5/4/2021. Photo YouTube Senator Thomas Umberg

Hôm 13/4, Thượng nghị sĩ California Thomas J. Umberg tố cáo các cuộc tấn công trực tuyến của Học viện Phòng chống Phản động mà ông cho là do nhà nước Cộng sản Việt Nam điều hành nhằm vào các trang mạng xã hội của ông sau khi ông đệ trình một nghị quyết tưởng nhớ Tháng Tư Đen tại Thượng viện bang California.

Thông cáo của văn phòng Thượng Nghị sĩ Umberg viết: “Các tài khoản Facebook, Twitter và Instagram của ông đều đã bị tấn công chèn nội dung (spam) bằng những lời nói dối do Chính phủ Cộng sản Việt Nam thực hiện qua vỏ bọc của Học viện Phòng chống Phản động.”

Các tài khoản Facebook, Twitter và Instagram của ông đều đã bị tấn công chèn nội dung (spam) bằng những lời nói dối do Chính phủ Cộng sản Việt Nam thực hiện qua vỏ bọc của Học viện Phòng chống Phản động.
Thông cáo báo chí của Văn phòng TNS Thomas Umberg.

Hồi đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Umberg đã trình bày Nghị quyết SCR 2 ở Thượng viện Bang California để tuyên bố tháng 4 là Tháng Tưởng niệm Tháng Tư Đen. “Tháng Tư Đen” là từ dùng để chỉ lễ kỷ niệm 30/4/1975 ngày chính quyền Sài Gòn thất thủ. Nghị quyết đặc biệt vinh danh những người đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam; bao gồm các cựu chiến binh Hoa Kỳ, miền Nam Việt Nam, đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến, và những người tị nạn đến Hoa Kỳ để tìm kiếm tự do.

Senator Thomas Umberg denounces online lies and harassment by Vietnam Communists.

Ngay sau đó, Văn phòng của ông đồng thời đưa ra một thông cáo báo chí và tuyên bố trên mạng xã hội lưu ý rằng, “Tháng Tư Đen là thời điểm để thực hiện các hành động nhằm mang lại nền dân chủ cho Việt Nam, không chỉ để tưởng nhớ những người đã ra đi trong chiến tranh, mà còn cho cuộc sống của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh lịch sử vì tự do và nhân quyền.”

"Đêm qua, Học viện Phòng chống Phản động đã cố tình thay đổi những tuyên bố của ông, rồi sửa lại một cách sai sự thật rằng một Thượng nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu Việt Nam ngừng tổ chức sự kiện Tháng Tư Đen trong nỗ lực mang lại sự hòa hợp dân tộc. Sau đó, nhóm này đã hướng dẫn các thành viên của mình “truyền bá thông tin” và gửi thư rác nói cho rằng ông ủng hộ những người cộng sản."

“Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn và nói dối trắng trợn về chủ trương của Thượng Nghị sĩ,” thông cáo của Thượng Nghị sĩ viết.

Thượng Nghị sĩ Umberg nói: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị nhắm mục tiêu bởi các lực lượng chống dân chủ, và tôi chắc chắn đó sẽ không phải là lần cuối cùng.”

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, và cả Học viện Phòng chống Phản động, để tìm hiểu về phản hồi của các cơ quan này về cáo buộc của Thượng Nghị sĩ Umberg, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Umberg cho biết: “Đảng Cộng sản Việt Nam và những người ủng hộ Đảng nên tự hổ thẹn và xấu hổ vì đã tiếp tục những lời nói dối trắng trợn…Tôi đã dành cả cuộc đời mình để làm việc vì nền dân chủ trên khắp thế giới và tôi rất vinh dự được đại diện cho một phần lớn dân số người Việt tị nạn ở California - những người gọi Little Saigon là quê hương của mình.”

Thượng nghị sĩ Umberg, cựu Đại tá của Quân đội Hoa Kỳ, khẳng định rằng ông đang bị nhắm mục tiêu do sự nghiệp lâu dài và gắn bó với quân đội của ông, trong đó ông vừa chiến đấu, vừa tố cáo những người cộng sản và những người phá hoại nền dân chủ.

Trên trang Facebook của Học viện Phòng chống Phản động cho biết sứ mạng và tôn chỉ của nhóm này, thành lập ngày 23/7/2017, là: “Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân, phòng chống các âm mưu chống phá, lật đổ, diễn biến hòa bình của các thế lực phản động trên không gian mạng.”

Đầu trang