THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Ngày 26 tháng 5 năm 2021
Tòa Bạch Ốc tổ chức Đại lễ Phật đản
với thắp nến lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, lễ kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và Niết bàn của Đức Phật (Vesak), đã được tổ chức trọng thể tại Tòa Bạch Ốc ngày hôm nay. Để tôn vinh Đại lễ Vesak, một tuyên bố chính thức từ Tòa Bạch Ốc đã được Tổng thống Biden công bố:
“Jill và tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các Phật tử ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới khi họ kỷ niệm Vesak, một ngày tôn vinh sự đản sanh, giác ngộ. , và Niết bàn của Đức Phật. Nghi lễ thắp sáng một ngọn đèn, biểu tượng của ngày lễ đã được tổ chức hơn 2.500 năm này, nhắc nhở chúng ta về những lời dạy từ bi, khiêm tốn và vị tha của Phật giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vào ngày này, chúng tôi cũng tưởng nhớ nhiều đóng góp của các Phật tử ở Mỹ, những người đã làm giàu cho cộng đồng và đất nước của chúng tôi khi tất cả chúng ta cùng nhau hướng tới những ngày tươi sáng hơn ở phía trước.”
Chúng tôi rất vui mừng vì Tòa Bạch Ốc đã cử hành Đại lễ Vesak lần đầu tiên với Phu quân Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Douglas Emhoff, thắp nến trong Tòa Bạch Ốc với sự hiện diện của ba vị Hòa Thượng đại diện cho các truyền thống Phật Giáo Nam Truyền (Theravada), Phật Giáo Bắc Truyền và Kim Cang thừa. Sự kiện này được điều phối bởi Wangmo Dixey, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Hoa Kỳ The International Buddhist Association of America thông qua văn phòng của Ngài Shekar Narasimhan, Chủ tịch the Dharma Into Action Foundation. Đèn được thắp sáng và cầu nguyện do Hòa thượng Uparatana (người Mỹ gốc Sri Lanka) thay mặt cho truyền thống Phật giáo Theravada; Giáo thọ sư Marvin Harada (người Mỹ gốc Nhật Bản) đại diện cho truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền và Hòa thượng Tarthang Tulku Rinpoche (người Mỹ gốc Tây Tạng) đại diện cho truyền thống Kim Cương thừa.
Bà Dixey nói; “Thật tuyệt vời khi những lời cầu nguyện được dâng lên từ cả ba truyền thống thực hành Phật giáo lớn ở đây, ngay ở trung tâm của nền dân chủ Hoa Kỳ. Thật là tốt lành khi điều này xảy ra vào ngày kỷ niệm cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật. Cầu mong những lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên ngày hôm nay mang lại hòa bình và sự chữa lành cho tất cả các dân tộc, đặc biệt là cho các anh chị em của chúng ta ở Ấn Độ, trung tâm của Phật Pháp, và cầu mong ánh sáng tỏa ra từ đây, Tòa Bạch Ốc của Hoa Kỳ, mang lại trí tuệ và hòa hợp cho toàn thế giới. Chúng tôi đang thắp sáng một triệu ngọn lửa ngày hôm nay để tôn vinh thời điểm lịch sử này trong lịch sử Phật giáo của chúng tôi ở Hoa Kỳ. ”
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ Wangmo Dixey theo số 510 847 2966 tại wdixey@dharma-college.com hoặc Stefan Kuhn theo số 970-376-4204.
The International Buddhist Association of America
- Thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc:
https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/05/26/statement-by-president-biden-on-vesak/
- Thông cáo báo chí của The International Buddhist Association of America Final Press release 2021
(Left to right) Wangmo Dixey, Rev. Marvin Harada, Tarthang Tulku Rinpoche, & Phu quân Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Douglas Emhoff. Official White House Photo by Cameron Smith. |
(Left to right) Wangmo Dixey, Rev. Marvin Harada, and Venerable Uparatana. Official White House Photo by Cameron Smith. |
May 28, 2021 - nguoi-viet
WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden và một số lãnh đạo Hoa Kỳ vừa đưa ra các tuyên bố chúc mừng Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2565, đồng thời đại lễ này cũng được tổ chức trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Tư, 26 Tháng Năm.
Trong tuyên bố đăng trên trang web Tòa Bạch Ốc, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết: “Jill và tôi xin gửi lời chúc nồng nhiệt nhất tới tất cả Phật tử ở Hoa Kỳ và khắp thế giới khi họ kỷ niệm Vesak, một ngày tôn vinh sự đản sanh, giác ngộ, và nhập diệt niết bàn của Đức Phật.”
Bà Wangmo Dixey (trái) trao Khăn Phước Lành cho Đệ Nhị Phu Quân Doug Emhoff tại Đại Lễ Phật Đản. (Hình: Cameron Smith/White House) |
“Nghi lễ thắp sáng một ngọn đèn, biểu tượng của ngày lễ đã được tổ chức hơn 2,500 năm này, nhắc nhở chúng ta những lời dạy từ bi, khiêm tốn, và vị tha của Phật Giáo vẫn tồn tại đến ngày nay. Vào ngày này, chúng tôi cũng nhớ đến nhiều đóng góp của Phật tử ở Mỹ, những người đã làm giàu cho cộng đồng và đất nước của chúng ta, khi tất cả chúng ta cùng nhau hướng tới những ngày tươi sáng hơn phía trước,” vẫn theo tuyên bố.
Jill là tên gọi của bà Jill Biden là đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày Thứ Tư, qua Twitter, Phó Tổng Thống Kamala Harris viết: “Hôm nay, Phật tử khắp Hoa Kỳ và thế giới vinh sanh ngày Đức Phật Đản Sanh, giác ngộ và nhập diệt niết bàn trong lúc kỷ niệm Đại Lễ Phật Đản – một biểu tượng của tình thương, đoàn kết, và quan tâm lẫn nhau. Những bài học này rất quan trọng trong ngày hôm nay. Doug và tôi xin chúc tất cả mọi người kỷ niệm một ngày Đại Lễ Phật Đản hạnh phúc!”
Doug là tên gọi của ông Doug Emhoff, phu quân của Phó Tổng Thống Harris.
Trong khi đó, lần đầu tiên Đại Lễ Phật Đản được tổ chức bên trong tòa nhà Eisenhower Executive Office Building, kế bên Tòa Bạch Ốc, với sự hiện diện của ông Doug Emhoff và ba vị hòa thượng đại diện cho các truyền thống Phật Giáo Nam Truyền (Theravada), Phật Giáo Bắc Truyền, và Kim Cang Thừa, qua sự điều phối của bà Wangmo Dixey, chủ tịch Hiệp Hội Phật Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (The International Buddhist Association of America) thông qua văn phòng Ngài Shekar Narasimhan, chủ tịch “The Dharma Into Action Foundation.”
Tuyên bố của Tổng Thống Joe Biden chúc mừng Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2565. (Hình chụp từ trang web Tòa Bạch Ốc) |
Tại buổi lễ, đèn được thắp sáng và lời cầu nguyện được đọc trước sự hiện diện của Hòa Thượng Uparatana (người Mỹ gốc Sri Lanka), thay mặt truyền thống Phật Giáo Nam Truyền; Giáo Thọ Sư Marvin Harada (người Mỹ gốc Nhật), đại diện truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền; và Hòa Thượng Tarthang Tulku Rinpoche (người Mỹ gốc Tây Tạng), đại diện truyền thống Kim Cương Thừa.
Nhân dịp này, ông Anthony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, viết trên Twitter như sau: “Trong ngày Đại Lễ Phật Đản, chúng ta vinh danh những đóng góp vô giá của các cộng đồng Phật Giáo khắp thế giới, khuyến khích tất cả chúng ta thương yêu nhau, sống trong an bình, và tôn trọng phẩm giá con người.”
Cũng trong tinh thần này, bà Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và hiện là giám đốc Cơ Quan Viện Trợ Mỹ (USAID), đưa ra một tuyên bố như sau: “Thay mặt USAID, tôi xin chúc mừng Phật tử tại Hoa Kỳ và khắp thế giới một ngày Đại Lễ Phật Đản vui mừng, một ngày vinh danh Đức Phật Đản Sanh, giác ngộ và nhập diệt niết bàn.”
“Đại Lễ Phật Đản là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo, một thời điểm để suy ngẫm lời Đức Phật dạy về hòa bình, tình thương, và giác ngộ, và nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng trong việc làm của USAID để nâng cao phẩm giá con người và phục vụ những nơi cần giúp đỡ nhất,” bà Power cho biết thêm.
Đệ Nhị Phu Quân Doug Emhoff tại Đại Lễ Phật Đản tổ chức bên trong tòa nhà Eisenhower Executive Office Building. (Hình: Cameron Smith/White House) |
Bà kết luận: “Vào ngày này, chúng ta vinh dánh nhiều đóng góp của Phật tử đối với sự thăng tiến của nhân loại và chúng ta quyết tâm xây dựng một thế giới tươi sáng và hòa bình hơn”
Theo thống kê của Pew Research Center, có văn phòng ở Washington, DC, nước Mỹ có khoảng 3.7 triệu người theo Phật Giáo, tương đương 1.2% dân số.
Phật Giáo là tôn giáo lớn thứ ba tại Hoa Kỳ.
Mặc dù đa số Phật tử người Mỹ có gốc Châu Á, Phật Giáo đại diện tất cả mọi tầng lớp trong xã hội Hoa Kỳ. (Đ.D.)
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. |
Tối ngày 27/5 giờ Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn điện đàm, thảo luận quan hệ song phương, nhân quyền, tình hình Biển Đông, và các vấn đề khác, theo Bộ Ngoại Mỹ và Thông Tấn xã Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khen ngợi sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và tái khẳng định cam kết chung của chúng ta trong việc bảo vệ và gìn giữ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.”
Hai bên cũng thảo luận về những quan ngại đang diễn ra liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và các cam kết giải quyết biến đổi khí hậu, và ứng phó COVID-19.
“Bộ trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ, và ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
Ngoại trưởng Blineken viết trên Twitter sau cuộc điện đàm: “Tôi vui mừng tái khẳng định sức mạnh của Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.”
TTXVN cho biết Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine.
Truyền thông Việt Nam cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.
Phía Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp hướng đến thúc đẩy quan hệ thương mại ổn định, hài hòa với Hoa Kỳ, mong muốn Hoa Kỳ sớm kết thúc vụ việc điều tra theo Mục 301, liên quan đến việc Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.
Bà Amanda Baran, Trưởng Phòng Chính sách và Chiến lược của USCIS, trao bằng khen cho bà Sandy Đặng và ông Nguyễn Đình Thắng, ngày 27/5/2021 tại trụ sở của USCIS ở bang Maryland, Hoa Kỳ. Photo Chụp từ Facebook của USCIS. |
Hôm 27/5, Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) vinh danh hai công dân Mỹ từng là người tị nạn Việt Nam, bà Sandy Đặng và ông Nguyễn Đình Thắng, vì những đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ.
Bà Sandy Đặng, đồng sáng lập và là Hiệu trưởng trường đạo tạo CoInonate Consulting, nguyên là Giám đốc điều hành của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), Chủ tịch của Tổ chức Thiện nguyện 11+, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Tổ chức Lãnh đạo, Trao quyền và Phát triển Mỹ Á (AALEAD) - một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn thông qua các dịch vụ giáo dục và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS), người có thời gian dài 40 năm tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bảo vệ người tị nạn từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á, vận động cho nhân quyền, và tự do tôn giáo cho Việt Nam.
Bà Sandy Đặng phát biểu tại buổi lễ, 27/5/2021. Photo Facebook USCIS |
Bà Sandy Đặng nói với VOA:
“Tôi rất vinh dự và cảm động được USCIS công nhận những đóng góp của mình. Tôi mong muốn rằng có thêm nhiều người nhập tịch Mỹ sẽ có những đóng góp như tôi cho đất nước Hoa Kỳ.”
Tôi mong muốn rằng có thêm nhiều người nhập tịch Mỹ sẽ có những đóng góp như tôi cho đất nước Hoa Kỳ. |
---|
Bà Sandy Đặng |
Tại một buổi lễ đặc biệt được phát trực tiếp từ tổng hành vinh mới của USCIS ở Camp Springs, bang Maryland, ông Joel Myer, Chánh văn phòng Chính sách và Chiến lược thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), phát biểu:
“Hôm nay chúng ta sẽ vinh danh hai người Mỹ xuất sắc, những người đã chọn đất nước này là quê hương của họ.”
“Họ đã giúp cho nước Mỹ trở nên mạnh hơn và thịnh vượng hơn và đã tạo ra vô số tác động tích cực trong cộng đồng địa phương của họ.”
Bà Amanda Baran, Trưởng Phòng Chính sách và Chiến lược của USCIS, phát biểu:
“Bà Sandy Đặng đã vun đắp một đội ngũ chuyên gia để xây dựng thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Lúc lên 10 tuổi, bà cùng gia đình đã rời bỏ Hà Nội, Việt Nam, và trải qua nhiều tuần trên biển giữa Trung Quốc và Hong Kong, rồi sau đó sống 3 năm trong các trại tị nạn khác nhau.”
Bà Sandy Đặng chia sẻ tại buổi lễ về lý do bà rời Việt Nam: “Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi từng hy vọng sẽ có hòa bình, nhưng lại có một cuộc chiến tranh khác giữa Trung Quốc và Việt Nam. Và vì một số tổ tiên ông bà của tôi có gốc Trung Hoa, và mặc dù chúng tôi đã sống ở đó qua mấy thế hệ, nhưng chúng tôi không còn được chào đón như là công dân Việt Nam.”
Đại diện USCIS trao bằng khen cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. Photo Facebook BPSOS - Vietnam Advocacy Project. |
Bà Amanda Baran khen ngợi những thành tích của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: “Trong hai thập kỷ qua, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã đưa ra nhiều sáng kiến quốc gia và quốc tế nhằm hỗ trợ pháp lý cho người tị nạn, những người xin tị nạn, giải cứu nạn nhân buôn bán lao động và tình dục ở 20 quốc gia, đồng thời cứu trợ thảm họa cho các nạn nhân của cơn bão Katrina và bão Harvey và nạn nhân của vụ tràn dầu BP.”
Tiến sĩ Thắng phát biểu: “Vào tháng 12/1978, tôi cùng với cha mẹ và hai người em vượt biển để thoát khỏi chế độ Cộng sản ở Việt Nam. Gia đình tôi tạm trú trong một trại tị nạn ở Malaysia trong 7 tháng. Ngày chúng tôi được thông báo về việc tái định cư, bố mẹ tôi hỏi tôi: “Con định làm gì khi đến Mỹ?” Tôi trả lời không chút do dự: “Chống bất công xã hội cho mọi người, bất kể chủng tộc và niềm tin của họ.”
Lễ vinh danh hôm 27/5 mang ý nghĩa đặc biệt vì tháng 5 là tháng di dản người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương, và cả 2 người được vinh danh cùng là người gốc Việt.
Từ năm 2006, hàng năm USCIS chọn một vài công dân nhập tịch để vinh danh giải Thành tựu Công dân Mỹ Xuất sắc (Outstanding Americans by Choice - ABC) theo tiêu chí tham gia công tác xã hội, thành đạt trong lĩnh vực chuyên môn, và thể hiện trách nhiệm công dân.
Trong dịp này USCIS thực hiện lễ tuyên thệ nhập tịch cho 19 tân công dân Hoa Kỳ đến từ 17 quốc gia khác nhau, trong đó có một phụ nữ Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu qua một video chúc mừng các tân công dân Mỹ tại buổi lễ hôm 27/5/2021. Photo Facebook USCIS. |
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, truyền thông trên thế giới náo động với vụ hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất nước Mỹ do tập đoàn Colonial Pipeline quản lý khai thác bị tin tặc tấn công, làm đảo lộn hoạt động kinh tế, khiến Washington phải ban bố tính trạng khẩn cấp ở nhiều vùng của nước Mỹ. Đây chỉ làm một trong nhiều vụ tấn công tin tặc mà nước Mỹ thường xuyên là mục tiêu.
Giới quan sát vẫn lấy làm ngạc nhiên vì sao Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ tin học, có không thiếu các công ty lớn về an toàn mạng lại vẫn bị tin tặc làm tê liệt và dường như Hoa Kỳ bất lực với các cuộc tấn công mạng. Trên thực tế Mỹ thường xuyên phải huy động lực lượng hùng hậu đối phó với các tin tặc nhưng tiến hành một cách bí mật tuyệt đối vì sợ để lộ ra những yếu kém, đặc biệt trước các tin tặc ngày càng táo tợn của Nga và Trung Quốc.
Gần đây dư luận đặc biệt chí ý đến một nội dung twitter của Lữ đoàn 780 thuộc lục quân Mỹ chuyên về lĩnh vực chống tin tặc thông báo công ty an ninh mạng của Mỹ Recorded Future đã vô hiệu hóa được các máy chủ của nhóm tin tặc Darkside, đặt cơ sở tại Nga và bị quy là thủ phạm của tấn công vào mạng lưới dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline hồi đầu tháng 5 vừa rồi.
Các nhà phân tích đều cho rằng trên mặt trận tin tặc rất khó và gần như là không thể chỉ ra được một cách chính xác ai là thủ phạm của các cuộc tấn công tin tặc để có thể đặt vấn đề trừng phạt. Trong mặt trận công nghệ mới này, trừng phạt chỉ có thể là mở tấn công tin tặc đáp trả.
Lần đầu tiên công chúng Mỹ được nghe nói đến một cuộc tấn công tin học, đó là vào năm 2010 khi virus tin học có tên Stuxnet đã xâm nhập và làm tê liệt toàn bộ hệ thống máy ly tâm làm giàu uranium của Iran. Vụ này được quy cho các tin tặc của Israel và Mỹ.
Từ đó đến nay, dư luận lại được biết đến hàng loạt các cơ sở, công ty của Mỹ là nạn nhân của các tin tặc Trung Quốc nhằm đánh cắp các cơ sở dữ liệu, bí mật công nghiệp hay các tin tặc Nga tấn công vào các kỳ bầu cử Mỹ, chưa kể đến nhiều vụ tấn công được quy cho tin tặc Bắc Triều Tiên nhằm đánh cắp tiền của các công ty Mỹ.
Trước các vụ tấn công ồ ạt như vậy, bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn thường giữ im lặng tạo cảm giác không làm gì để đáp trả hay ngăn chặn làn sóng tin tặc nhằm vào nước Mỹ. Mới đây, tướng Paul Nakasone, chỉ huy binh chủng không gian mạng Mỹ (Cybercom) đã khẳng định trước một ủy ban chuyên trách của Quốc Hội Mỹ, các đơn vị an ninh mạng của nước này vẫn phản ứng đáp trả rất tích cực và hiệu quả các cuộc tấn công như vậy nhưng trong bí mật tuyệt đối.
Tuy nhiên, bà Elissa Slokin, dân biểu bang Michigan và là cựu nhân viên phân tích CIA lấy làm tiếc là Mỹ « không có các hành động răn đe và các nhóm tin tặc Trung Quốc hay Nga vẫn tấn công nước Mỹ mà không bị trừng phạt ». Theo dân biểu này thì không nên hành động trong bóng tối mà phải thông tin công khai cho dân chúng thấy được nước Mỹ không dễ dàng bị tấn công.
Theo AFP, trong hai năm qua, quân đội Mỹ đã bắt đầu thông tin dù vẫn còn nhỏ giọt, về các hoạt động ứng phó trong không gian mạng. Cụ thể, hồi tháng 6/2019, các quan chức Mỹ ẩn danh xác nhận một vụ tấn công tin tặc do Nhà Trắng chỉ đạo đã vô hiệu hóa được hệ thống phóng tên lửa của Iran. Tháng Giêng năm 2020, binh chủng Cybercom cũng tiết lộ bằng các cuộc tấn công mạng phá được hệ thống tuyên truyền của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo chuyên gia Elizabeth Bodine-Baron, thuộc trung tâm tư vấn Rand của Mỹ, thì lý do bộ Quốc Phòng Mỹ thận trọng thông tin vì rất khó khăn cho một chính phủ quy kết chắc chắn thủ phạm các vụ tấn công tin tặc là của một chính phủ khác hay là một nhóm tội phạm.
Tiết lộ các chiến dịch phản công của Lầu Năm Góc có thể có tác dụng răn đe nhưng cũng là con dao 2 lưỡi có thể làm lộ ra điểm yếu của khả năng chống đỡ của Mỹ.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, trước đây, quan điểm của chính quyền Mỹ là « tấn công mạng vẫn được coi như là thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt », dùng để trừng phạt hay đe dọa đối thủ vì thế tiến hành tấn công mạng là « một chiến dịch bí mật ở cấp cao, dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống » và được tiến hành vì các mục tiêu chiến lược. Quan điểm chiến lược này đang dần được thay đổi ở Washington theo thời gian.
Tổng thống Joe Biden phát tặng bút sau khi sau khi kí ban hành Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 trong Phòng Đông của Nhà Trắng, ngày 20 tháng 5, 2021, ở Washington. |
Một số nhà lãnh đạo gốc Việt ở Mỹ hoan nghênh và ca ngợi một dự luật chống thù ghét người gốc Á được Tổng thống Joe Biden kí ban hành hôm thứ Năm trong nỗ lực ứng phó với những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á vốn đã tăng mạnh trong suốt đại dịch ở Mỹ.
Đạo luật Tội ác Thù ghét COVID-19 trước đó đã thông qua Quốc hội Hoa Kỳ với sự ủng hộ áp đảo trong một biểu hiện đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng. Luật thông qua Thượng viện với tỉ số 94-1 vào tháng 4 và Hạ viện với tỉ số 364-62, cả hai viện đều do phe Dân chủ kiểm soát với cách biệt sít sao.
“Im lặng là đồng lõa và chúng ta không thể đồng lõa. Chúng ta phải lên tiếng. Chúng ta phải hành động,” ông Biden nói với các nhà lập pháp tề tựu tại Nhà Trắng tham dự buổi lễ ký ban hành luật. “Đó là điều mà quý vị đã làm. Và tôi hết sức cảm tạ. Hôm nay tôi rất tự hào.”
Những vụ tấn công người gốc Á, trong đó có những nạn nhân là người Việt Nam, trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của truyền thông chính thống và công chúng Mỹ. Tổ chức vận động chống thù ghét người gốc Á Stop AAPI Hate cho biết đã ghi nhận 6,603 vụ việc từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, và các nhà lãnh đạo nói con số thật còn cao hơn nhiều vì nhiều vụ không được báo cáo.
Các nhà hoạt động và cảnh sát nói tình cảm bài xích người gốc Á bùng lên khi một số chính trị gia quy trách Trung Quốc về đại dịch trong khi những người khác dùng những từ ngữ dè bỉu như “kung flu.”
Đạo luật, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ gốc Nhật Mazie Hirono và Dân biểu gốc Hoa Grace Meng, chỉ định một nhân viên của Bộ Tư pháp đảm nhiệm việc xúc tiến thẩm xét các vụ phạm tội ác thù ghét được báo cáo cho cảnh sát trong đại dịch COVID-19.
Luật cũng sẽ cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan chấp pháp cấp bang và cấp địa phương để báo cáo những vụ vi phạm tội ác thù ghét, mở rộng các chiến dịch giáo dục công chúng và ban hành hướng dẫn để chống lại ngôn từ mang tính kì thị khi mô tả đại dịch.
Diedre Thu-Ha Nguyen, nghị viên Hội đồng Thành phố Garden Grove ở bang California, một trong những nơi mà người gốc Việt tập trung đông đảo nhất ở Mỹ, ca ngợi đạo luật mới ban hành này, nói rằng tác động rõ ràng nhất của nó là mở rộng nỗ lực giúp cho việc báo cáo dễ dàng hơn.
“Đây không phải là cử chỉ mang tính biểu tượng, không phải chỉ là lời nói suông. Đây là một bước cụ thể hướng tới những thay đổi có ý nghĩa, mang tính hệ thống để chống lại nạn kì thị người gốc Á ở Mỹ,” bà nói bằng tiếng Anh.
“Bởi vậy chúng ta phải tụ họp, phải lên tiếng ở mọi cấp,” bà nhấn mạnh.
Trong buổi lễ ký ban hành luật, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, người có gốc Ấn Độ và Châu Phi, nói về những vụ đâm dao, bắn súng và những vụ tấn công khác nhắm vào người Mỹ gốc Á và người đảo quốc Thái Bình Dương và những cơ sở kinh doanh của họ kể từ đầu đại dịch hơn một năm trước.
Bà Harris nói những vụ việc này đã tăng gấp sáu lần trong thời gian đó.
Bà nói thêm dù luật mới đưa Mỹ đến gần hơn với việc chấm dứt sự thù ghét, “giải quyết tình trạng bất công, dù nó tồn tại ở đâu, vẫn là việc còn phải ở phía trước.”
Long Tran, một nhà hoạt động cộng đồng tại khu vực thành phố Atlanta thuộc bang Georgia, nói anh “ngẩng cao đầu tự hào là người Mỹ” vì đất nước đã lắng nghe lời khẩn cầu chấm dứt sự thù ghét người gốc Á và đáp lại bằng đạo luật này.
Anh nói cộng đồng người Việt ở Georgia vẫn lo ngại về những vụ phạm tội ác thù ghét xảy ra cận kề nơi họ làm ăn sinh sống, và vụ xả súng gần đây khiến sáu người gốc Á thiệt mạng càng chứng tỏ nỗi sợ hãi của họ là có cơ sở.
“Tôi phải hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chủ doanh nghiệp phải cảm thấy tự tin mới mở cửa trở lại mà không phải lo lắng về chuyện bị nhắm mục tiêu,” anh Long, người cũng là chủ một quán cà phê bên ngoài Atlanta, chia sẻ bằng tiếng Anh.
“Quan trọng hơn nữa là khách hàng của những cơ sở kinh doanh này phải có đủ tự tin để tới gọi một tô phở hoặc tới làm móng mà không phải sợ trở thành nạn nhân của bạo lực và những vụ xả súng,” anh nói thêm.
“Việc kí ban hành luật này là một bước nhỏ đầu tiên hướng tới sự hàn gắn cho cộng đồng của chúng ta nhưng là một bước nhảy vọt to lớn để đất nước của chúng ta đối đầu với sự thù ghét và cho thấy rằng có nhiều người trong chúng ta yêu thương và ủng hộ nhau hơn là những người ghét bỏ.”
Chia sẻ quan điểm này, bác sĩ Tùng Nguyễn, chủ tịch của AAPI Victory Alliance, một tổ chức về chính sách và vận động cho người Mỹ gốc Á và đảo quốc Thái Bình Dương, nói chính quyền liên bang giờ đã công nhận “những đau khổ” mà cộng đồng người Mỹ gốc Á đã chịu đựng trong suốt đại dịch.
Việc ban hành đạo luật này cũng cho thấy rõ cam kết của chính quyền Biden giải quyết vấn nạn thù ghét người gốc Á dù chỉ mới nắm quyền được bốn tháng và phải ứng phó với nhiều vấn đề lớn khác, ông nói thêm.
“Điều hay hơn nữa là luật này có được sự ủng hộ lưỡng đảng, với hầu hết các thượng nghị sĩ ủng hộ và chỉ 62 dân biểu Đảng Cộng hòa biểu quyết chống,” ông nói bằng tiếng Anh.
Nhưng bác sĩ Tùng, người từng là thành viên Ban Cố vấn của Tổng thống Barack Obama về người Mỹ gốc Á và đảo quốc Thái Bình Dương, nói các vụ phạm tội thù ghét chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm là nạn kì thị người gốc Á,” và kêu gọi một sự thừa nhận rằng có “những vấn đề mang tính cơ cấu” nuôi dưỡng sự kì thị người gốc Á dẫn tới những tội ác thù ghét.
“Điều này bao gồm thiếu dữ liệu về mọi mặt, thiếu hỗ trợ ngôn ngữ để tiếp cận với tất cả các dịch vụ, thiếu đầu tư vào các tổ chức cộng đồng phục vụ người Mỹ gốc Á, thiếu đại diện trên các phương tiện truyền thông, vân vân,” ông nói.