Tàu phá băng mở đường cho tàu hàng Nga tại cảng Alexandra Land, gần Nagurskoye, Nga trong vùng Bắc Cực, ngày 17/05/2021. AP - Alexander Zemlianichenko |
Hôm nay, 19/05/2021, tại Raykjavik cuộc họp Hội Đồng Bắc Cực diễn ra với sự tham gia của đại diện các nước Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ. Vùng lãnh thổ rộng lớn chỉ có 4 triệu dân sống trong điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt ở cực bắc này bỗng chốc trở thành miền đất hứa và thành khu vực cạnh tranh địa chính trị quan trọng.
Những ai có quyền chủ quyền chính ở Bắc Cực ?
Tám nước thành viên của Hội Đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Nhưng chỉ có 5 trong số này, gồm Hoa Kỳ với Alaska, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch, nhờ Groenland, có duyên hải Bắc Cực. Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển chia cắt thành các vùng lãnh thổ, theo những quy chế khác nhau. Có các vùng lãnh hải cách bờ 12 hải lý tạo thành vùng chủ quyền của mỗi nước.
Tại đó, chỉ có tàu của những nước ven bờ có thể đi lại, tàu bè các nước khác phải trả tiền thuế hải quan và phải được hộ tống để đi qua. Ngoài ra còn có các « vùng đặc quyền kinh tế », trong phạm vị 200 hải lý, là nơi quốc gia ven bờ có các quyền chủ quyền về khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, nhưng đó cũng là nơi các tàu bè có thể đi lại tự do.
Khi các vùng lãnh thổ đó được phân giới, còn lại một vùng được gọi là đại dương trung tâm Bắc Cực, không thuộc sở hữu của ai.
Nhiều nước ngoài Hội Đồng Bắc Cực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay cả LH Châu Âu cũng quan tâm đến vùng Bắc Cực. Dù các nước này không có đất ở tại chỗ nhưng họ có nhiều cách để gây ảnh hưởng, chủ yếu qua các đầu tư.
Tại sao vùng đất này lại hấp dẫn nhiều nước ?
Trước tiên đó là bởi tiềm năng kinh tế của nó. Bắc Cực là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào, như dầu lửa, khí đốt, hải sản, nguồn nước ngọt…. Trên khía cạnh công nghiệp, vận tải, viễn thông hay nghiên cứu không gian, Bắc Cực có nhiều lợi thế khi nằm ở ngay trung tâm bán cầu bắc, giữa khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Bắc Á.
Vấn đề đòi hỏi lãnh thổ được đặt trong khuôn khổ luật biển, theo đó có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 thay vì 200 dặm biển, nếu như quốc gia đó có thể chứng minh được vùng thềm lục địa của mình. Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch có thể nộp đòi hỏi chủ quyền của mình lên Liên Hiệp Quốc theo hướng này. Các nước này vẫn thường xuyên làm như vậy và một số yêu sách chồng chéo lên nhau, nhưng dù sao cũng chưa xảy ra tranh chấp lớn nào.
Hoa Kỳ là nước không phê chuẩn công ước trên nên họ không thể có đòi hỏi này.
Một trở ngại lớn ở Bắc Cực liên quan đến các tuyến đường hàng hải. Theo các chuyên gia về Bắc Cực, có hai cách diễn giải khác nhau có thể gây ra căng thẳng. Canada và Nga coi các tuyến tàu bè đi qua vùng biển của các nước đều phải bị đánh thuế hải quan và hộ tống. Còn theo Hoa Kỳ và Châu Âu thì đó là những vùng biển quốc tế, đi lại tự do giống như quy chế của kênh Suez chẳng hạn. Những bất đồng quan điểm này cứ tích tụ lại cùng với những căng thẳng địa chính trị.
Điểm nóng mới trong căng thẳng Nga và Hoa Kỳ
Hiện tượng băng tan mạnh do khí hậu trái đất ấm lên đã giúp việc tiếp cận các mỏ khí đốt nằm dưới đáy đại dương được dễ dàng hơn. Tuyến đường hàng hải được hình thành có thể trở thành huyết mạch quan trọng trong trao đổi thương mại thế giới. Đó là những yếu tố làm nảy sinh cuộc đua tranh đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ.
Trong nhiều tuần qua, các dấu hiệu căng thẳng liên tiếp xuất hiện trên cả khía cạnh kinh tế cũng như quân sự. Sau sự kiện kênh Suez bị tắc nghẽn hồi tháng Ba năm nay, Nga đã tán dương những nguồn lợi của « tuyến đường phương Bắc » của họ cùng với những dự án đầy tham vọng ở Bắc Cực sẽ mang lại viễn ảnh mới về tuyến đường thương mại Âu – Á.
Cuộc họp tại Iceland hôm nay báo hiệu sẽ căng thẳng. Mátxcơva không giấu tham vọng kiểm soát khu vực mà ngoài Nga ra còn có 7 nước khác có phần lãnh thổ. Hoa Kỳ chắc chắn không thấy dễ chịu gì khi chứng kiến sự gia tăng sức mạnh quân sự ở cách lãnh thổ Alaska của mình có vài trăm km.
Đến dự cuộc họp, ngoại trưởng Serguei Lavrov chắc chắn sẽ nhắc lại những quyết tâm mà tổng thống Nga Vladimir Putin nung nấu từ 5 năm qua, đó là công trường rộng lớn cho tuyến đường hàng hải dọc theo bờ biển Bắc Cực, đang ngày càng trở nên dễ dàng đi lại nhờ hiện tượng tan băng. Dự tính từ nay đến 2025, tuyến đường này sẽ chuyên chở một khối lượng hàng hóa 80 triệu tấn.
Tổng thống Nga đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trong vùng Bắc Cực bằng việc mở lại các căn cứ quân sự của thời Liên Xô nhằm bảo đảm nước Nga phải chiếm phần chính về lãnh thổ cũng như nguồn tài nguyên trong 8 nước có chủ quyền trong khu vực đại dương nhỏ bé ở Bắc Cực. Cần biết là 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho các nước châu Âu được khai thác từ vùng đất lạnh nhất địa cầu này. Ngoài ta khoảng 90% khoáng sản như Nikel, Cobalt, 60% đồng, 95% platine và đất hiếm khác của Nga đều có xuất xứ từ Bắc Cực. Vùng Bắc Cực này chiếm tỷ trọng 1/5 xuất khẩu và 10% GDP của Nga.
Thứ Hai đầu tuần này, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tố cáo NATO và Na Uy manh nha ý đồ lấn chiếm Bắc Cực. Ông khẳng định đó là vùng ảnh hưởng kinh tế chính đáng mà Nga có quyền bảo vệ. Lãnh đạo ngoại giao Nga chỉ trích việc Hoa Kỳ hồi tháng Hai năm nay đã đưa máy bay ném bom chiến lược đến tập luyện ở Na Uy cũng như hồi năm ngoái đã cho triển khai tàu chiến ở biển Barent, trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Đáp lại, hôm thứ Ba , ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Nga tránh quân sự hóa Bắc Cực.
Giới quan sát đánh giá, Bắc Cực là một trắc nghiệm cho quan hệ Mỹ-Nga, trước cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin, có thể sẽ diễn ra trong tháng 6 tới đây.
Kim loại hiếm tại tỉnh Giang Châu được xuất khẩu sang Nhật. AFP |
Kim loại hiếm là nguyên liệu của thế kỷ 21. Là nguồn cung cấp đến 95 % đất hiếm cho toàn thế giới, Trung Quốc nắm giữ vận mệnh của nhân loại trong tay. Trên đây là kết luận được nhà báo Guillaume Pitron đưa ra trong tác phẩm Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái Của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số - NXB LLL vừa ra mắt độc giả vào tháng Giêng 2018.
Than đá là nguyên liệu của thế kỷ 19. Thế kỷ 20 là thời đại của dầu lửa. Bước vào thế kỷ 21, mọi hy vọng tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp mới được đặt vào hơn 30 kim loại hiếm - 17 trong số này thuộc dòng đất hiếm, mà tới nay đã được khám phá và bắt đầu được biết đến với những tên gọi khá lạ tai: beryllium, vanadium, gallium…
Tính chiến lược cao
Kim loại hiếm không chỉ là nguyên liệu của thế kỷ 21 do chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống hàng ngày, cho phép sản xuất từ bóng đèn LED đến tivi màn ảnh phẳng, từ điện thoại di động đến máy tính bảng, xe hơi điện hay pin mặt trời, mà chúng còn mang tính chiến lược cao. Từ ngành công nghệ không gian đến hạt nhân dân sự và quân sự đều không thể phát triển nếu thiếu đất hiếm, kim loại hiếm.
Trong phần mở đầu, Guillaume Pitron viết : Không phải vì lo cho trái đất bị hâm nóng mà các vị tướng lỗi lạc của Mỹ đã quan tâm đến vế chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực quân sự. Chính xác hơn là giới này chú ý đến « tiến trình chuyển đổi về mặt chiến lược » (tr. 19)
Năng lượng xanh nhưng không sạch
Điểm thứ nhì nổi bật trong cuốn Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, tác giả nhận xét : Vào lúc mà nhân loại đang cuống cuồng đi tìm những nguồn năng lượng mới để thay thế các năng lượng hóa thạch thải ra hàng tỷ tấn carbon làm hâm nóng trái đất, kim loại hiếm được xem là một vị cứu tinh.
Nhưng năng lượng xanh không đồng nghĩa với năng lượng sạch, bởi như tên gọi của chúng, đấy là những « kim loại hiếm », mà đã hiếm thì cần phải chắt lọc trước khi có được vài milligramme của chất lutecium, indium ...
Trung Quốc giữ chiếc chìa khóa chính
Một phần lớn cuốn sách của Guillaume Pitron đã tập trung để nói về Trung Quốc, nguồn cung cấp lớn nhất và gần như độc quyền trên thế giới về kim loại hiếm. Trung Quốc đang kiểm soát gần như toàn bộ đất hiếm được sử dụng trên hành tinh, chẳng những do được thiên nhiên ưu đãi, mà còn biết tung tiền ra mua những mỏ kim loại hiếm của các nước « bạn ».
Bắc Kinh đã có những tính toán chiến lược tinh vi và đã đi trước phương Tây đến mấy nước cờ. Sau hơn 30 năm chấp nhận là xưởng cung cấp nguyên liệu cho thế giới trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ cao và đang trở thành một nguồn tiêu thụ đất hiếm, kim loại hiếm ngang tầm với các nước công nghiệp tiên tiến. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ làm chủ luôn cả dây chuyền công nghiệp, kiểm soát từ khâu cung cấp một loại nguyên liêu thiết yếu đến thành phẩm.
Tác giả cuốn Chiến Tranh Kim Loại Hiếm kết luận : « tất cả chúng ta rồi sẽ phải đi xe điện của Trung Quốc ».
Cái giá mà Trung Quốc phải trả cũng đắt không kém. Guillaume Pitron đã tận mắt trông thấy những « ngôi làng ung thư » trong vùng Nội Mông, lò cung cấp đến ¾ đất hiếm do Trung Quốc lọc ra. 10% diện tích đất canh tác nhiễm kim loại nặng ; 80 % sông ngòi ngấm chất hóa học độc hại.
Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn nhà báo Pitron tác giả cuốn La Guerre Des Métaux Rares đã dành cho ban Việt ngữ RFI sau đây :
RFI : Cảm ơn Guillaume Pitron dành thời giờ cho buổi nói chuyện hôm nay. Tại sao ngay phần mở đầu cuốn sách, anh đã khẳng định rằng thế kỷ 21 là thời đại của các kim loại hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm cần để phát triển công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh. Trong tương lai chúng ta càng cần nhiều kim loại hiếm nơn nữa để tạo ra năng lượng sạch. Để sản xuất từ cánh quạt gió đến pin mặt trời hay xe hơi điện, chúng ta đều bắt buộc phải có kim loại hiếm. Mặt khác, cuộc sống mà được « connected » tức là càng kết nối chừng nào thì chúng ta lại càng sử dụng nhiều kim loại hiếm chừng nấy với những phương tiện như là điện thoại cầm tay, máy tính bảng ... Sau nữa là các mảng công nghệ mới từ thông minh nhân tạo đến công nghệ robot đều không thể phát triển nếu không có kim loại hiếm. Nói tóm lại, thể kỷ 21 là thế kỷ của kim loại hiếm và chúng ta ngày càng lệ thuộc vào sản phẩm này.
RFI : Chỉ riêng với chất cobalt : Lãnh đạo tập đoàn khai thác cobalt Glencore đang thương lượng với Trung Quốc để bán lại mỏ cobalt tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo và một khi kim loại hiếm này rơi vào tay Trung Quốc thì « châu Âu không còn sản xuất được đầu máy xe hơi điện nào hết ». Vậy phải chăng tiến trình chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính làm hâm nóng trái đất bị đe dọa ?
Guillaume Pitron : Chị nói đến chất cobalt, đúng là như vậy. Không có cobalt thì không thể nói tới chuyện chế tạo động cơ điện cho xe hơi. Để làm ra một chiếc xe điện, ta cần 22 kí lô cobalt. Mỗi cái điện thoại cầm tay cần 8 gr chất kim loại hiếm này. Mà đã gọi là kim loại hiếm tức là chúng ta phải đi qua các khâu sàng lọc rồi chắt lọc để từ hàng tấn đất, đá mới lấy ra được một lượng vô cùng nhỏ. Các khâu sàng lọc đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều chất hóa học khác, vừa độc hại vừa gây ô nhiễm cho môi trường. Tôi muốn nói rằng trước khi kim loại hiếm được dùng để phục vụ cho ngành công nghiệp xanh, thì chúng ta cũng đã gây ô nhiễm không ít cho thiên nhiên.
Khâu lọc kim loại hiếm từ đất, đá là cả một quá trình thải ra nhiều chất bẩn không thể tưởng tượng nổi. Đâu đó để đạt đến đích cuối cùng, là tạo ra năng lượng sạch, thì ngay từ phần gốc của dây chuyền sản xuất là đã hoàn toàn không sạch chút nào.
RFI : Do đâu Trung Quốc lại chiếm thế gần như là độc quyền trên thị trường kim loại và đất hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm có ở khắp mọi nơi, nhưng chỉ có Trung Quốc từ những năm 1980 tập trung vào việc khai thác và xuất khẩu. Để rồi giờ đây Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất và thậm chí là chiếm thế độc quyền. Khi mà cả một mảng công nghệ của thế giới lệ thuộc vào kim loại hiếm, đương nhiên là Trung Quốc đã khai thác lá chủ bài này để phục vụ mục đích phát triển công nghiệp và ở đây còn có cả vấn đề địa chiến lược nữa. Chỉ cần Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm, kim loại hiếm cho một khách hàng nào đó là đủ gây ra tê liệt. Tất cả vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp kim loại hiếm để phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số trong tương lai.
RFI : Trung Quốc đã rất khéo khai thác lợi thế đó để bắt bí thiên hạ
Guillaume Pitron : Trung Quốc do có đất và kim loại hiếm nên có được lợi thế ở nhiều cấp. Ở cấp thứ nhất, Trung Quốc có thể tăng giá bán cho các khách hàng. Tức là « thách giá » đến cỡ nào, các hãng lớn trên thế giới khi cần thì vẫn phải mua. Ở nấc thứ nhì là các công ty của Trung Quốc được cung cấp đất và kim loại hiếm với giá rẻ và cần bao nhiêu cũng có. Như vậy, hàng của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài. Nhưng Trung Quốc không có tất cả các kim loại hiếm, cho nên từ nhiều năm qua, quốc gia này đã chuẩn bị sẵn nhiều nước cờ, để bảo đảm nguồn cung ứng.
Ở trên chúng ta đề cập tới cobalt : Trung Quốc mua lại mỏ cobalt của Công hòa Dân Chủ Congo. Quốc gia này nắm giữ 60 % trữ lượng cobalt của toàn cầu, mà chủ yếu là để xuất khẩu. Trung Quốc vừa ký một loạt các hợp đồng mua trọn 80 % cobalt của Congo. Châu Âu, Pháp và Mỹ chậm bước, không hề có tầm nhìn xa và có một sự chuẩn bị nào từ trước để bảo đảm được các nguồn cung ứng. Ngược lại thì Trung Quốc không chỉ làm chủ các mỏ kim loại hiếm trên sân nhà, mà còn chi tiền ra để thâu tóm hết nguồn nguyên liệu này.
RFI : Nói cách khác, trong tương lai Trung Quốc sẽ kiểm soát từ đầu tới cuối những công nghệ sạch, chữ sạch ở đây được để trong ngoặc kép, và kể cả những ngành công nghệ mũi nhọn và chiến lược như năng lượng nguyên tử, không gian ...
Guillaume Pitron : Đúng vậy. Trung Quốc không chỉ là một nhà cung cấp kim loại hiếm, tức là một nguồn cung cấp vật liệu cơ bản để cho những quốc gia khác làm ra điện thoại di động, đầu máy mô tơ điện hay pin mặt trời, mà chính Trung Quốc đang trở thành một mắt xích then chốt của nền công nghiệp thế giới. Trung Quốc khát tăng trưởng, khát công nghệ mới, mà kim loại hiếm là chìa khóa cho phép đạt được tất cả các mục tiêu này. Điện thoại Trung Quốc, pin mặt trời Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới và trong tương lai rất gần ông khổng lồ châu Á này nhờ có kim loại hiếm sẽ làm chủ luôn cả thị trường xe hơi điện của thế giới ; Các hãng của Mỹ, Nhật hay châu Âu có tài giỏi tới đâu đi chăng nữa mà không có cobalt thì không thể sản xuất ra xe hơi điện. Nhờ có kim loại hiếm, Trung Quốc sẽ làm chủ trọn dây chuyền sản xuất công nghiệp. Không ai ngạc nhiên nếu như trong tương lai, tất cả chúng ta đều phải dùng xe hơi điện của Trung Quốc !
RFI : Một điểm cuối trong cuốn sách gần 300 trang của anh : La Guerre Des Métaux Rares đã đề cập tới thái độ giả dối của nhiều nước phương Tây, đẩy các ổ ô nhiễm sang Trung Quốc để rồi sẽ phải trả cái giá đắt thưa anh ?
Guillaume Pitron : Đương nhiên là có thể tìm thấy đất hiếm ngay ở Pháp hay bất kỳ một quốc gia Tây phương nào khác. Nhưng từ những năm 1980 phương Tây đã chọn lấy hướng đi, tức là để cho Trung Quốc độc quyền khai thác mảng này, bởi đơn giản Âu, Tây không muốn phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường, những hậu quả đối với sức khỏe con người do công nghiệp khai thác mỏ kim loại hiếm. Đâu đó như thể phương Tây để được tiếng khen là phát triển công nghệ sạch, đã khoán cho Trung Quốc khai thác kim loại hiếm, "xuất khẩu" ô nhiễm sang Trung Quốc.
Một mỏ đất hiếm tại tỉnh Giang Tây Trung Quốc. (ảnh chụp 29/10/2010) REUTERS/Stringer |
Vụ rắc rối ngày 7 tháng 9 vừa qua ở gần vùng đảo tranh chấp Senkaku-Điếu Ngư, giữa tàu đánh cá Trung Quốc tàu tuần tra Nhật Bản, đã đẩy quan hệ hai quốc gia láng giềng này đến bờ vực thẳm. Tình hình lại càng phức tạp khi xung đột chuyển sang lĩnh vực kinh tế, với cơn sốt đất hiếm, loại khoáng sản cốt yếu của ngành công nghệ cao của Nhật.
Báo Libération ra hôm nay dành hai bải phản ánh sự việc này.
Theo ngành hải quan Nhật, từ ngày 21 tháng 9, không có một containeur đất hiếm nào của Trung Quốc nhập vào Nhật Bản. Các nhà kinh doanh Nhật lại cho biết, lượng cung đất hiếm từ Trung Quốc đã giảm và thậm chí có những chuyến hàng đã đặt xong mà không được giao.
Libération đặt câu hỏi, liệu đây có phải là hành động trả thù của Bắc Kinh về vụ rắc rối ngày 7 tháng 9 nói trên ? Chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Tokyo, giáo sư Yoshi Murasawa thì nhận định : « Giảm xuất khẩu đất hiếm, có nghĩa là Trung Quốc đe dọa toàn bộ nền công nghiệp của Nhật. Chính sách tai hại này vi phạm luật thương mại quốc tế, ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và việc làm ».
Trong bối cảnh đó, hình ảnh Trung Quốc trong lòng người Nhật đang xấu đi. Theo một nghiên cứu cho thấy, năm 2002, hơn 50% người Nhật có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc. Thế nhưng, hiện tại con số này tụt xuống dưới 25%.
Về phần mình, Bắc Kinh đã hai lần ra văn bản chính thức khẳng định không có chuyện Trung Quốc cho ngừng xuất khẩu khoáng sản chiến lược này, và cũng không có việc Bắc Kinh sử dụng đất hiếm để làm « công cụ mặc cả ».Thế nhưng, trong thực tế, mùa hè vừa qua, Trung Quốc đã giảm đến 72% lượng xuất khẩu đất hiếm so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Nhật Bản đang tìm đến những đối tác khác như Việt Nam, Canada và Braxin. Nhật cũng vừa ký với Ấn Độ một thỏa thuận khung, theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp cận với công nghệ cao trong kỷ thuật khoan và thăm dò lòng đất, bù lại Ấn Độ sẽ cung cấp cho Nhật một số khoáng sản quý hiếm. Bộ trưởng ngoại giao Nhật cũng vừa cho biết nước này đã thỏa thuận hợp tác chặc chẻ với Hoa Kỳ trong việc nhập khẩu đất hiếm.
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm không chỉ ảnh hưởng đến Nhật, mà còn đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Để làm sáng tỏ hơn sự việc này, Libération có bài viết thứ hai : « Trung Quốc bắt đầu tỏ ra keo kiệt trong xuất khẩu đất hiếm »
Tác giả nhắc lại, năm 1992, trong một chuyến công du ở miến nam Trung Quốc, sau khi nghe giải thích về lợi ích của đất hiếm, ông Đặng Tiểu Bình đã hân hoan tuyên bố : « Trung Đông có dầu mỏ, còn Trung Quốc có đất hiếm ». Sau đó, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu đất hiếm với định mức khổng lồ và giá cả thấp bất ngờ. Khu mỏ Moutain Pass ở Mỹ, và nhiều khu mỏ ở Úc đã đã phải đóng cửa. Nguyên nhân là do tác hại môi trường của quá trình khai thác đất hiếm là rất lớn, nhưng nguyên nhân chính là vì không cạnh tranh nổi với đất hiếm Trung Quốc. Kết quả là hiện tại, Trung Quốc gần như giữ thế độc quyền trên thị trường đất hiếm. Trong khi đó, phải ít nhất 10 năm nữa người ta mới có thể khai thác đất hiếm ở Uncraina, Braxin, Canada hay Úc.
Một số loại kim hiếm Ảnh : Wikipedia |
Đầu thế kỷ 21, lo ngại về các đảo lộn khí hậu do năng lượng hóa thạch, nhân loại đang tìm cách chuyển nền « kinh tế xanh », thân thiện với môi trường, với các công nghệ điện gió, điện mặt trời… đang ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ẩn đằng sau cuộc chuyển đổi mô hình kinh tế mang lại hy vọng này là sự lên ngôi của một nguồn nguyên – nhiên liệu mới : các kim loại hiếm. Nhiều chiến lược gia gọi đây là « dầu mỏ » của thế kỷ 21. Nền kinh tế phụ thuộc vào kim loại hiếm chứa đầy hiểm họa, theo phân tích của nhà báo Guillaume Pitron trong cuốn sách vừa ra mắt « Guerre des métaux rares » (1) (tạm dịch là : Đại chiến kim loại hiếm). Le Monde số ra hôm nay, 12/01/2018, có bài giới thiệu.
Tại sao gọi kim loại hiếm là « nguyên liệu » của thế kỷ 21 ?
Sau động cơ chạy bằng hơi nước, rồi động cơ nhiệt điện, các công nghệ « xanh » đang đưa nhân loại bước vào cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba. Giống như hai lần trước (dựa vào than đá và dầu mỏ), cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng phải dựa vào một nguồn tài nguyên thiết yếu, các kim loại hiếm.
« Từ trà đến dầu lửa, từ hạt nhục đậu khấu đến hoa tuy-líp, từ nitrat đến than đá, (việc phát hiện ra – người viết) các nguyên liệu khi nào cũng đi kèm với các khai thác quy mô lớn, các đế chế và chiến tranh. Chúng thường xuyên ngăn trở dòng chảy lịch sử. Giờ đây, đến lượt mình, các kim loại hiếm đang làm biến đổi thế giới. Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, các kim loại hiếm còn đặt các cân bằng kinh tế và nền an ninh toàn cầu trong tình trạng nguy hiểm. Chính các kim loại hiếm đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế hàng đầu thế giới ở thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới, đồng thời đẩy mạnh đà suy yếu của phương Tây ».
Kim loại hiếm được khai thác khi nào và sử dụng thế nào ?
Theo Guillaume Pitron, « trong một thời gian dài, con người khai thác các kim loại phổ biến, như sắt, vàng, bạc, đồng, chì hay nhôm… Tuy nhiên, từ những năm 1970, người ta bắt đầu biết cách sử dụng các phẩm chất kỳ diệu về hóa học, về điện từ của hàng loạt kim loại hiếm, vốn ẩn chứa trong các loại quặng, với tỉ lệ hết sức nhỏ ». Các kim loại hiếm với những tên gọi bí ẩn như « graphite, vanadium, germanium, platinoïdes, tungstène, antimoine, béryllium, fluorine, rhénium, prométhium… » trong tự nhiên thường trộn lẫn với các quặng kim loại phổ biến nhất. « Để chiết ra được một cân vanadium cần đến 8,5 tấn quặng, phải 16 tấn mới có được một kilô cerium, 50 tấn cho một cân gallium, và phải 1.200 tấn mới có được một kilô lutécium ».
Tương tự như « tinh dầu hoa hồng », được chiết ra rất khó khăn từ hàng núi cánh hoa, để cho ra mùi hương kỳ diệu, với các tác dụng trị liệu lớn, các kim loại hiếm với trữ lượng vô cùng nhỏ, trở thành hy vọng nền kinh tế thế kỷ 21, khi chúng không chỉ là nguyên liệu cho nền công nghệ tin học hay các công nghệ mới, mà còn là « nguồn năng lượng điện từ » quan trọng.
Tác giả ghi nhận, « chúng ta đang đa dạng hóa việc sử dụng các kim loại hiếm trong hai lĩnh vực chủ chốt của cuộc chuyển đổi mô hình năng lượng : các công nghệ mà chúng ta gọi là ‘‘xanh’’ và kỹ thuật số. Điều mà người ta thường giải thích hiện nay là nhờ ở các công nghệ xanh/green techs và tin học, mà một thế giới tốt đẹp hơn sẽ ra đời. Các công nghệ như điện gió, pin mặt trời, xe chạy điện – sử dụng rộng rãi các kim loại hiếm – tạo ra một nguồn năng lượng không thải ra các-bon, được đồng thời tải đi qua các mạng lưới điện được ca ngợi là ‘‘siêu hoàn hảo’’ có thể cho phép tiết kiệm đáng kể năng lượng. Các hệ thống này được điều khiển bởi các công nghệ số, về phần mình, cũng sử dụng rất nhiều kim loại hiếm ».
Tốc độ phát triển các công nghệ mới là rất mau lẹ. « Trong vòng 10 năm qua, năng lượng gió tăng gấp 7 lần, điện mặt trời tăng gấp 44 lần. Năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng 19% tiêu thụ năng lượng toàn cầu, và châu Âu dự kiến tăng tỉ trọng này lên 27% vào ngưỡng cửa 2030. Ngay cả các công nghệ sử dụng động cơ nhiệt điện hiện nay cũng phụ thuộc vào các kim loại hiếm, bởi cho phép chế ra được các phương tiện đi lại, máy bay hiệu quả hơn, nhẹ hơn, tiêu thụ ít hơn năng lượng hóa thạch ».
Vì sao nói « mô hình kinh tế kim loại hiếm » đe dọa vận mệnh « phương Tây » ?
Tác giả cuốn « Đại chiến kim loại hiếm » điểm lại : « Nếu như vào thế kỷ 19, nước Anh thống trị thế giới nhờ vị thế bá chủ trong lĩnh vực sản xuất than, thì một phần thế kỷ 20 có thể được giải thích qua việc Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng cường khai thác dầu mỏ và kiểm soát các tuyến đường lưu thông huyết mạch để bảo vệ nguồn năng lượng này. Đối với thế kỷ 21, có một quốc gia đang thống trị các nguồn tài nguyên kim loại hiếm và đi đầu trong việc tiêu thụ. Đó là Trung Quốc ».
Tác giả nhấn mạnh : Trước hết xét về mặt kinh tế, công nghiệp, cùng lúc với việc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế, hướng sang « kinh tế xanh », « chúng ta đang tự nhảy vào miệng con rồng Trung Quốc », bởi quốc gia này độc quyền chiếm hữu các mỏ kim loại hiếm, là cơ sở cho hai trụ cột của nền kinh tế mới, công nghệ ít phát thải khí gây ô nhiễm và kỹ thuật số. « Hành động như vậy, phương Tây đang đặt số phận các công nghệ xanh và kỹ thuật số - phần tinh hoa nhất của nền công nghiệp tương lai » vào tay Trung Quốc. « Chỉ cần (Bắc Kinh) siết chặt việc xuất khẩu các nguồn kim loại này, hậu quả kinh tế và xã hội tại Paris, New York hay Tokyo sẽ là nghiêm trọng ».
« Muốn giải thoát của nền kinh tế phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch, ô nhiễm, chuyển sang một thế giới mới, nhân loại trên thực tế, đang trên đường rơi vào một sự phụ thuộc mới, còn nặng nề hơn nữa. Hàng loạt lĩnh vực như người máy, trí tuệ nhân tạo, bệnh viện điện tử, an ninh mạng, công nghệ y học, đồ vật kết nối, công nghệ nano, xe hơi không người lái… » đều phụ thuộc vào các kim loại hiếm (2).
Vì sao nói Trung Quốc độc quyền lĩnh vực kim loại hiếm ?
« Hàng năm, cơ quan điều Mỹ United States Geological Survey (USGC), thuộc bộ Nội Vụ (…) công bố một báo báo có tầm quan trọng toàn cầu : ‘‘Mineral Commodity Summaries’’. 90 loại nguyên liệu cần thiết hàng đầu với nền kinh tế thế giới đương đại được xem xét tỉ mỉ, trên phương diện trữ lượng trong thiên nhiên, nguồn dự trữ, và đặc biệt là thực trạng khai thác hiện nay. Thông tin về thực trạng khai thác đáng báo động. USGC cho chúng ta biết Bắc Kinh sản xuất 44% indium được tiêu thụ trên thế giới, 55% về vanadium, gần 65% spath fluor và graphite tự nhiên, 71% về germanium và 77% antimoine ».
« Ủy Ban Châu Âu, về phần mình, cũng đưa ra một con số tương tự : Trung Quốc sản xuất đến 61% lượng silicium, và 67% lượng germanium thế giới. Tỉ lệ đạt tới 84% đối với tungstene và 95% đối với các loại đất hiếm ».
Trung Quốc không chỉ đứng đầu thế giới về sản xuất các kim loại hiếm, mà còn cả về tiêu thụ. « Để phục vụ nhu cầu của thị trường 1,4 tỉ dân, Trung Quốc hút tới 45% sản lượng kim loại hiếm toàn cầu, cũng tương tự với các sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ, sữa bột hay rượu vang »…
« Mô hình kinh tế kim loại hiếm » đe dọa đảo lộn gì ?
Theo nhà báo Guillaume Pitron, Bắc Kinh ý thức được rất rõ giá trị của các kim loại nói chung, kim loại hiếm nói riêng đối với nền kinh tế thế giới. Đa số các lãnh đạo Trung Quốc đều làm việc trong các ngành nghề liên quan đến khai mỏ, hay kỹ sư. Trong thời gian ở Pháp, Đặng Tiểu Bình từng làm việc tại một xưởng đúc, sáu chủ tịch và thủ tướng sau đó, ngoại trừ thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang) (là luật gia), còn lại đều được đào tạo về kỹ sư hay địa chất học. « Dựa vào một hệ thống chính trị độc đoán và ổn định (…), Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã tạo lập cơ sở cho một chính sách bảo vệ các nguồn nguyên liệu đầy tham vọng ».
« Trong vòng một vài thế kỷ, Trung Quốc đã mở rất nhiều mỏ trong nước, mặt khác khởi sự xây dựng một ‘‘con đường tơ lụa mới’’ trên biển và trên bộ, nhằm bảo vệ hành lang vận tải khoáng sản từ châu Phi ». Tác giả ghi nhận : « Mỗi lần Bắc Kinh mưu toan mở rộng phạm vi ảnh hưởng, các thị trường toàn cầu và cân bằng địa chính trị lại rung chuyển ». Bắc Kinh không chỉ là « một tác nhân của thị trường kim loại hiếm », mà chính là đang trở thành ‘‘một thế lực tạo tác’’ các thị trường này ».
Theo kiểu Trung Quốc, hàng loạt quốc gia cũng đang nổi lên theo hướng độc quyền khai thác một thứ quặng kim loại hiếm. Ví dụ như Congo sản xuất tới 64% colbalt, Nam Phi cung ứng 83% platine, iridium và ruthénium, hay Brazil, khai thác 90% niobium. Châu Âu cũng phụ thuộc chặt vào nước Mỹ, nơi cung ứng 90% beryllium của thế giới.
Các đe dọa là rõ ràng đối với các hệ sinh thái, bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế giới hiện nay dựa rất nhiều vào việc khai thác nguồn tài nguyên hiếm hoi này. Tốc độ khai thác kim loại hiếm cứ mỗi 15 năm lại tăng gấp đôi. Nguy cơ kiệt quệ kim loại hiếm lơ lửng.
Về mặt quân sự và địa chính trị, nạn khan hiếm kim loại hiếm đặc biệt tác động đến lĩnh vực quốc phòng. Hàng loạt các phương tiện quân sự tối tân của phương Tây, như người máy, vũ khí tin học, phi cơ chiến đấu F-35… đang phụ thuộc một phần vào « thiện chí » của Trung Quốc. « Trong lúc các cộng sự của tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán ‘‘chắc chắn’’ sẽ có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, thì vấn đề kim loại hiếm là nỗi đau đầu của các cơ quan tình báo Mỹ. Cuộc cạnh tranh khai thác kim loại hiếm vốn đã gây thêm căng thẳng… trong tương lai có thể đưa các xung đột chủ quyền đến các khu vực, cho đến nay vẫn được coi là các ốc đảo bình yên ».
« Cơn khát kim loại hiếm » sẽ càng bị kích thích với đà dân số tiếp tục tăng lên đến cực điểm với khoảng 8,5 tỉ người vào khoảng 2030, cùng với phương thức tiêu thụ kỹ thuật số đang ngày càng trở nên phổ biến, và mức độ hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia đang trỗi dậy.
----
(1) - Cuốn « Guerre des métaux rares », với phụ đề « Mặt trái của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kỹ thuật số », do nhà xuất bản Les Liens qui libèrent (gọi tắt là LLL) ấn hành, ra mắt hôm 10/01/2018. Tác giả, nhà báo Guillaume Pitron đoạt giải thưởng Erik-Izraelewicz. Ông làm việc cho báo Le Monde Diplomatique và Geo, National Geographic.
(2) - Trích phần giới thiệu của nhà xuất bản về « Guerre des métaux rares » : « …. Cuốn sách này là một nỗ lực xem xét lại tiến trình (của nhân loại trong hàng chục năm gần đây – người viết) tìm cách thoát khỏi nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch. Đó là một nỗ lực nhìn nhận lại cuộc phiêu lưu công nghệ vĩ đại của nhân loại - vốn mang lại rất nhiều hứa hẹn -, nhưng đồng thời cả những mặt khuất của cuộc truy tầm đầy khát vọng và đầy thiện chí ấy, mà cho đến nay cũng chứa chất trong mình biết bao hiểm họa khổng lồ, không kém gì so với các hiểm họa mà người ta vốn đặt mục tiêu phải vượt thoát ».
Tin bài liên quan
(Ảnh minh họa) - Các mẫu vật mà tàu thăm dò Hayabusa-2 của Nhật Bản thu thập được có thể cung cấp thông tin về nguồn gốc của Hệ Mặt trời, đồng thời cho phép thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trong không gian. ISAS-JAXA/AFP/File |
Năm 2016, dự án táo bạo của các công ty Mỹ Planetary Resources và Deep Space Industries về khai thác tài nguyên khoáng sản trên các tiểu hành tinh đã gây tiếng vang truyền thông. Mặc dù mới xuất hiện, nhưng các dự án này đã góp phần tạo ra tranh luận sôi nổi quanh đề tài khám phá không gian và cách thức mà con người sử dụng không gian để phục vụ nền văn minh nhân loại, đồng thời nêu bật một vấn đề trọng tâm : cuộc khủng hoảng tài nguyên trên hành tinh của chúng ta.
Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) Florian Vidal, và giáo sư vật lý đại học Paris José Halloy, trong bài viết « Từ không gian đến đại dương, các biên giới khai khoáng mới » đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 09/05/2021.
Sự tăng tốc quá trình chuyển đổi sinh thái để chống biến đổi khí hậu khiến nhu cầu khoáng sản tăng mạnh nhằm phục vụ các công nghệ được cho là không carbon, cũng như để duy trì cơ sở hạ tầng sẵn có hoặc được xây mới. Trong khi các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản đang nhân rộng trên Trái đất, nhiều « mặt trận mới » cũng đang được xem xét.
Khai khoáng trong không gian
Khi công ty khởi nghiệp Planetary Resources, do Chris Lewicki điều hành, đặt chân vào lĩnh vực vũ trụ hồi đầu những năm 2010, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều tham vọng và hứa hẹn sẽ bước sang một chặng mới trong công cuộc chinh phục không gian, với việc khai thác khoáng sản trên các tiểu hành tinh.
Từ năm 2012, dự án này đã thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân, bắt đầu từ Larry Page và Éric Schmidt, những người đứng đầu tập đoàn Google, và cả nhà làm phim James Cameron. Sự hào hứng, nhiệt tình đối với lĩnh vực khai khoáng trong không gian từ Mỹ đã vượt Đại Tây Dương, lan sang Đại công quốc Luxembourg.
Ngoài việc điều chỉnh luật pháp quốc gia cho phù hợp, ngành ngoại giao nước này cũng được huy động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực được chính quyền Luxembourg xem là chiến lược. Vào mùa hè năm 2016, Nhà nước Luxembourg, thông qua Công ty quốc gia về tín dụng và đầu tư (SNCI), đã chi 12 triệu euro để mua 10% cổ phần của công ty Mỹ Planetary Resources.
Hai năm sau, quan hệ hợp tác thất bại : Khi công ty Mỹ gặp khó khăn về tài chính, chính phủ Luxembourg đã bán cổ phần của họ với giá tượng trưng. Thế nhưng, việc Luxembourg gia nhập dự án thăm dò khoáng sản trong không gian đã tạo cho họ một vị thế quốc tế để kết nối các lĩnh vực đầu tư và phát minh, sáng chế. Việc tham gia vào dự án Artemis của NASA nhằm đưa con người trở lại mặt trăng cũng là phần tiếp nối trong chính sách của Luxembourg về lĩnh vực này.
Sứ mệnh Hayabusa-2
Nhật Bản, một thành viên khác của dự án Artemis, cũng quan tâm đến nghiên cứu khoa học về cấu tạo của các tiểu hành tinh, một bước thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trong không trung. Vào tháng 12/2020, tàu thăm dò không gian Hayabusa-2 của Nhật quay trở về Trái đất sau sứ mệnh kéo dài 6 năm đi qua tiểu hành tinh Ryugu. Mục tiêu của sứ mệnh khoa học này là chứng minh Ryugu có thể có các thành phần nguyên thủy của hệ Mặt trời. Phi thuyền Hayabusa-2 đã lập kỳ công kỹ thuật, thu thập được 5,4 gr vật chất từ tiểu hành tinh Ryugu, với chi phí 16,4 tỷ yen (126 triệu euro).
Tương tự, vào ngày 20/10/2020, Osiris-Rex, một tàu thăm dò không gian của NASA, đã thực hiện sứ mệnh đáp sáu giây trên tiểu hành tinh Bennu để thu thập mẫu bụi (regolith). Osiris-Rex dự kiến sẽ quay trở về Trái đất vào năm 2023 với mẫu bụi thu thập được. Chi phí cho sứ mệnh này là khoảng 800 triệu đô la Mỹ và khoảng 183,5 triệu đô la cho tên lửa phóng Atlas V.
Những ví dụ nói trên cho thấy các doanh nghiệp phải chi những khoản tiền rất lớn cho các phi vụ thám hiểm không gian, nhưng Mặt trăng hiện vẫn thu hút nhiều sự chú ý vì có nhiều tiềm năng khoáng sản cho dù còn nhiều thách thức kỹ thuật.
Viễn cảnh dưới đáy biển
Để đón đầu nhu cầu khoáng sản ngày càng tăng của thế giới, khai khoáng dưới đáy biển thường được coi là một giải pháp do sự rộng lớn của không gian này.
Trong số các quốc gia quan tâm đến khai khoáng dưới đáy đại dương có Na Uy. Sau 3 năm thám hiểm đáy biển, biến quốc gia Bắc Âu thành nước đi đầu trong ngành công nghiệp khai thác mới này, vào tháng 1/2021, bộ Dầu Mỏ Và Năng Lượng Na Uy công bố khả năng ngay từ năm 2023 sẽ cấp giấy phép khai thác cho các doanh nghiệp quan tâm, chẳng hạn công ty Nordic Ocean Resources AS của tập đoàn Nordic Mining ASA, để khai thác vùng đáy biển sâu vốn giàu quặng đồng, kẽm, cobalt, vàng và bạc. Theo nhiều ước tính, có tới 6,9 triệu tấn đồng ở thềm lục địa Na Uy.
Nhật Bản cũng có các kế hoạch tương tự, với khả năng bắt đầu khai thác đáy biển từ năm 2026. Còn tại Canada, công ty khởi nghiệp DeepGreen, có trụ sở tại Vancouver, hồi năm 2019 đã thông báo huy động khoản tiền đầu tư 150 triệu đô la Mỹ để bắt đầu thăm dò tìm kiếm tài nguyên khoáng sản ở một phần của Thái Bình Dương. Đây là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào tương lai của ngành này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc khai thác phụ thuộc trước hết vào giá kim loại trên thị trường và việc giảm chi phí khai thác trong môi trường biển. Hậu quả của khai thác đối với hệ sinh thái biển cũng gây nhiều lo ngại : các nhà khoa học cảnh báo không nên chuyển đổi quá nhanh từ thăm dò tìm kiếm sang khai thác, do con người còn ít hiểu biết về môi trường dưới đại dương rộng lớn và sự sống dưới đáy biển.
Tranh cãi về những quy định
Do có những điều không chắc chắn, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đã dành nhiều năm soạn thảo một bộ luật về khai khoáng dưới đáy biển trong tương lai, một yếu tố không thể thiếu để giám sát các hoạt động khai thác có thể được triển khai.
Cuộc tranh cãi về quy định cho các hoạt động này đang diễn ra sôi nổi : Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế khuyến nghị điều chỉnh dần dần các quy định theo từng bước khi có các tác nhân tham gia khai khoáng ở đáy biển. Nhưng nhiều người cho rằng sẽ rất khó sửa đổi các quy tắc ứng xử một khi việc khai thác đã được khởi động.
Việc đặt ra quy định có tầm quan trọng sống còn đối với việc khai thác đáy biển ở những vùng nước sâu, như vùng Clarion-Clipperton (CCZ), kéo dài từ quần đảo Hawaii đến bán đảo Baja California và nằm trên đường đứt gãy của Thái Bình Dương. Khu vực bao la này được cho là có trữ lượng 247 triệu tấn nickel và 226 triệu tấn đồng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ẩn chứa trong những không gian này là sự đa dạng sinh học độc nhất và mật độ của chúng được củng cố nhờ sự hiện diện của các nốt đa kim nằm ở độ sâu 4-5 km.
Hai nhà nhiên cứu kết luận, dù ở đất liền hay biển khơi, việc bảo tồn cân bằng sinh thái là một tiêu chí để cân nhắc các dự án khai khoáng. Hoạt động khai thác đáy đại dương cho dù không bù đắp hết cho các hoạt động diễn ra trên đất liền, nhưng là nguồn bổ sung cần thiết để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. Thế nhưng, cũng như đối với không gian, những sáng kiến khai khoáng dưới đáy dại dương đang đặt ra những vấn đề nan giải về việc khai thác tài nguyên ở những vùng ngày càng xa xôi.
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Sergei Lavrov tại một cuộc họp báo ở Matxcơva, Nga, ngày 05/05/2021. Alexander Zemlianichenko POOL/AFP |
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, ngày 17/05/2021, khẳng định Bắc Cực là vùng ảnh hưởng của Nga. Ông bảo vệ quyền phòng thủ vùng duyên hải, đồng thời cảnh cáo về những tham vọng của phương Tây trong khu vực.
Trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga khẳng định : « Từ lâu ai cũng thấy rõ đây là những vùng đất, là lãnh thổ của Nga, chúng tôi phải bảo đảm an ninh cho vùng duyên hải và tất cả những gì mà chúng tôi làm ở đó là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng ».
Ông Serguei Lavrov cảnh báo : « NATO cố tìm cách biện minh cho thế tấn công của khối này tại Bắc Cực, nhưng tình thế không giống nhau và chúng tôi có nhiều thắc mắc với các nước láng giềng như Na Uy đang nỗ lực biện minh cho việc mời gọi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đến Bắc Cực ».
Ngoài ra, lãnh đạo ngoại giao Nga kêu gọi khởi động lại các cuộc gặp thường xuyên giữa tổng tham mưu trưởng quân đội của các nước thành viên trong Hội Đồng Bắc Cực nhằm « làm giảm thiểu các rủi ro về mặt quân sự ».
Những lời cảnh cáo nói trên được ngoại trưởng Nga đưa ra khi chỉ còn vài ngày nữa diễn ra cuộc họp cấp cao về Bắc Cực, hiện đang trở thành khu vực tranh giành về kinh tế và địa chính trị. Tham dự diễn đàn có các nước Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland, và Trung Quốc, với tư cách là quan sát viên.
Hãng tin Pháp AFP lưu ý thêm rằng phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ có cuộc gặp đầu tiên với đồng nhiệm Nga, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Joe Biden và Vladimir Putin trong tháng Sáu năm nay.
Ảnh minh họa. Vịnh Disko, đảo Groenland. Wikimedia Common. |
Lần thứ hai trong vòng sáu tháng, Iceland, một thành viên không có quân đội của NATO được một nhân vật lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm. Sau ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (tháng 02), ngày 04/09/2019, phó tổng thống Mike Pence đến Reykjavik để tuyên bố về Bắc Cực, vùng băng đá đang được nhiều nước thèm khát. Cùng thời điểm, tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn « mua đảo Groenland » của Đan Mạch.Vì sao Washington đột nhiên chú tâm đến Bắc Cực và chiến lược trở lại như thế nào ?
Từ đầu cầu Iceland đến Groenland
Mua đảo Groenland của Đan Mạch. Sáng kiến của tổng thống Mỹ Donald Trump bị báo chí chế nhạo, chính phủ Đan Mạch bác bỏ, xem như là chuyện khôi hài. Trên thực tế, lời tuyên bố có vẻ bốc đồng hoang tưởng này đã được cân nhắc thận trọng. Từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ thứ 45, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã hoạch định chiến lược mới tại Bắc Cực, chi tiết được công bố trong bản báo cáo tháng Sáu năm 2019 tức là hai tháng trước khi rò rỉ thông tin tổng thống Donald Trump đề nghị mua đảo Greenland.
Groenland là một hòn đảo tự trị của Đan Mạch, rộng hơn 2.100 km2, phần lớn phủ băng đá, có 60 ngàn dân và thủ phủ là Nuuk, nằm giữa vùng Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Mục tiêu sâu xa của Mỹ không phải là tham vọng mua đảo của Đan Mạch để mở rộng lãnh thổ của bang Alaska. Tổng thống Donald Trump chỉ là người phát ngôn của một chiến lược mới của Lầu Năm Góc. Quyết định thay đổi chính sách của Mỹ đã được thể hiện qua nhiều tín hiệu : Hải quân thông báo chiến lược mới hồi đầu năm 2019. Tháng Tư, đến lượt lực lượng tuần duyên công bố chiến lược mới. Đến tháng Sáu, bộ Quốc Phòng công bố chiến lược liên quân tại Bắc Cực. Tháng Chín phó tổng thống Mỹ đến Iceland, thành viên của NATO, cách Groenland 900 hải lý.
Được chương trình « Giải mã » của RFI tiếng Pháp ngày 05/09/2019 đặt câu hỏi, Damien Degeorges, chuyên gia địa chiến lược Bắc Cực tại Reykjavik giải thích ý nghĩa chuyến đi này :
« Chuyến viếng thăm Iceland của phó tổng thống Mỹ là cơ hội để Hoa Kỳ chứng tỏ họ thật tình chú ý đến Bắc Cực. Chúng ta cũng nhớ là tổng thống Donald Trump cũng muốn công du Đan Mạch vào thời điểm đó (sau đó hủy bỏ), lúc phó tổng thống Mike Pence đến Iceland. Đây là một chuyện hi hữu. Chưa bao giờ Mỹ tỏ thái độ quan tâm đến Bắc Cực một cách rõ rệt như thế. Vì sao ? Trước tiên, Bắc Cực là sân sau của Mỹ theo quan điểm chiến lược. Hoa Kỳ là một quốc gia Bắc Cực. Thứ hai là thế mạnh đang lên của Nga và nhất là của Trung Quốc trong khu vực làm cho tình hình căng thẳng lên. Do vậy, Mỹ phải tập trung chú ý vào Bắc Cực. »
Hoa Kỳ quay trở lại bàn cờ địa chiến lược tại Bắc Cực trong bối cảnh nào ?
Trong 8 nước Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland, tất cả đều là đồng minh trừ nước Nga là đối thủ. Là một quốc gia Bắc Cực, nước Nga của Vladimir Putin nỗ lực cắm cờ giành biển, khảo sát tìm kiếm khai thác tài nguyên. Trung Quốc, tuy không liên hệ gì đến Bắc Cực cũng tìm mọi cách vươn đến và đã có một chiếc ghế quan sát viên trong Hội Đồng Bắc Cực.
Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt tan băng, vị thế chiến lược của Bắc Cực càng lớn. Trong tình thế này, Hoa Kỳ bắt buộc phải trở lại và trở lại trong thế mạnh. Nhà nghiên cứu Camille Escudé-Joffre, đại học chính trị Paris phân tích :
« Vâng, đúng như vậy. Đó là chuyện chưa từng thấy. Và qua đó, người ta thấy chính sách Bắc Cực của Mỹ đột nhiên năng động hơn từ khi Donald Trump làm tổng thống. Nước Mỹ là quốc gia Bắc Cực chỉ mới đây thôi, từ khi mua lại của Nga vùng Alaska cách nay độ 150 năm. Nhưng mãi cho đến gần đây, đối với Mỹ, bang Alaska là một lãnh thổ xa xôi. Thế rồi, chỉ trong vài tháng, đột nhiên Mỹ tỏ ra quan tâm ngày một nhiều.
Tuyên bố đòi « mua đảo Groenland » của tổng thống Donald Trump làm người ta cười nhạo nhưng đó là chuyện nghiêm túc. Chuyến viếng thăm Iceland của phó tổng thống Mike Pence, một lần nữa nhấn mạnh yếu tố nghiêm túc của Mỹ. Lợi ích của Bắc Cực gồm hai phần : thương mại theo nghĩa đầu tư khai thác và địa chiến lược.
Trong lãnh vực đầu tư, Hoa Kỳ chợt nhận ra là mình bị Trung Quốc vượt qua mặt. Về địa chiến lược, phó tổng thống Mike Pence tuyên bố trong chuyến viếng thăm Iceland là cần phải « chống lại » điều mà ông gọi là sự « gây hấn » của Nga. Như thế, quyền lợi chiến lược và địa chính trị của Mỹ tại Bắc Cực đã bộc lộ, tuy mới gần đây thôi, nhưng được khẳng định quả quyết. »
Hậu quả của chính sách tiết kiệm ?
Cũng vì Washington bỏ Bắc Cực cách nay 15 năm, tạo ra một khoảng trống cho Matxcơva trở thành chủ nhân của một vùng Đông-Bắc và gia tăng hiện diện quân sự làm Mỹ lo ngại. Không ai biết rõ các hoạt động của Nga vì phần lớn được giữ bí mật. Theo giáo sư Camille Escudé-Joffre, lãnh thổ cực bắc của Nga là vùng kinh tế truyền thống của Matxcơva từ thời Nga hoàng.
« Đầu tư của Nga vào Bắc Cực đã rất lâu dài, cách nay khoảng 100 năm. Đối với Nga, Bắc Cực là khu vực cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế. Khoảng 20% tổng sản lượng quốc gia GDP là do tài nguyên của vùng lãnh thổ cực bắc nước Nga đem lại. Chính phủ Nga ngày càng trông cậy vào khu vực này với những đại công trình công nghiệp khí đốt hóa lỏng như là dự án Yamal tại Siberia với sự tài trợ của những tập đoàn dầu khí của Trung Quốc và của Pháp (Total) để khai thác nguồn khí đốt lớn nhất nhì thế giới.
Bên cạnh dầu khí, Nga cũng có những dự án khai thác than đá, kim loại. Do vậy, đối với Nga, Bắc Cực là nguồn tài nguyên quan trọng từ lâu nhưng nay được quan tâm nhiều hơn. Do vậy, người ta có thể hiểu vì sao điều này làm cho Hoa Kỳ lo ngại cho dù Nga không làm điều gì bất chính. »
Kiểm soát hải trình Á-Âu số hai nếu Biển Đông bị phong tỏa
Ngoài tài nguyên thiên nhiên, còn một lý do nữa thúc giục Hoa Kỳ phải nhanh chóng trở lại Bắc Cực : băng đá tan dần mở ra một hải trình mới cần phải được bảo vệ an ninh và tự do lưu thông. Chuyên gia Damien Degeorges giải thích :
« Lợi ích của con đường hàng hải nhất là đoạn đi dọc theo Na Uy hướng về Nga. Mục đích không phải là để thay thế tuyến nối liền Á-Âu ở phía nam. Nhưng đó là một loại lộ trình thứ hai trong trường hợp Biển Đông bị phong tỏa. Chính vì thế mà nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc ngắm nghé Bắc Cực. Và trong những năm gần đây, không chỉ Trung Quốc mà các nước châu Âu và Hoa Kỳ đều gia tăng mức độ quan tâm vào Bắc Cực.
Riêng đối với Mỹ, Iceland là thành viên sáng lập Liên minh NATO và là thành viên không có quân đội nên phải dựa vào Hoa Kỳ qua Hiệp ước quốc phòng hỗ tương 1951. Do vậy, Hoa Kỳ cũng có quyền lợi đặc biệt ở Iceland. Trong chuyến viếng thăm của phó tổng thống Mike Pence, có một giai thoại chứng minh Iceland rất được Mỹ xem trọng. Đó là nữ thủ tướng Katrin Jakobsottir, bận công du Thụy Điển vào lúc ông Mike Pence đến Iceland. Vậy mà nhân vật lãnh đạo số hai của siêu cường thế giới chờ thêm một buổi để gặp thủ tướng nước chủ nhà trước khi lấy máy bay sang Luân Đôn. »
Cơ sở sẵn có tại Groeland
Kế hoạch tái bố trí của Mỹ tại vùng Bắc Cực thật ra đã được tiến hành từ năm 2017. Mỹ đã tổ chức trang bị thêm các phương tiện chống tàu ngầm tại Iceland.
Theo một chuyên gia khác của Pháp về địa chính trị Bắc Cực là giáo sư Mikaa Mered, tại Groenland, Hoa Kỳ đã có căn cứ không quân Camp Century. Bước kế tiếp là củng cố khả năng quân sự để trấn giữ lâu dài tại Bắc Cực như là gia tăng hoạt động của căn cứ không quân Thulé, sử dụng thêm phi trường Kangerlussaq ở miền tây đảo Groenland cho máy bay quân sự Mỹ.
Quân đội Mỹ cũng có thể mua căn cứ hải quân của Đan Mạch cũng ở đảo Groenland. Trước đây, năm 2016, chính phủ Copenhague rao bán nhưng rồi rút lại « vì không muốn căn cứ hải quân này rơi vào tay một công ty Trung Quốc có quan hệ với nhà nước Trung Quốc ».
Do vậy, khi tuyên bố muốn mua đảo Groenland, Hoa Kỳ chuẩn bị điều kiện để được Đan Mạch nhượng bán hay cho thuê một phần đất hay cơ sở hạ tầng để xây dựng và phát triển chiến lược lâu dài tại Bắc Cực. Theo tin mới nhất, Canada, một đồng minh truyền thống của Mỹ, cho biết sẽ tăng cường quân sự tại Bắc Cực.
Cũng theo chuyên gia Mikaa Mered, tác giả quyển sách Les Mondes Polaires, sắp ra mắt độc giả vào tháng 10, Hoa Kỳ đối mặt cùng lúc hai thế lực : Nga và Trung Quốc. Đây là chủ đề của phần hai « mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực ».