Vượt qua Việt
📧   ||  A  A  A  A 
Nước Việt
Dân chủ, Phát triển & Hiện đại nhằm theo kịp đà Tiến hóa của loài người

Nước Việt và di sản (2)

⬅️  📂  🏠

2021-05-26 - RFA

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam tương đương 55,8% GDP

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 8/2020. Photo: RFA

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công của Việt Nam bằng khoảng 55,8% GDP và nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 26/5, dẫn Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2020, Việt Nam tiết kiệm được khoảng 55 ngàn tỷ đồng, bằng 5% dự toán được Quốc hội giao.

Báo cáo cho rằng, nhờ phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi, thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ, kiểm soát vay nợ của ngân sách địa phương... đã góp phần giảm nợ công, nợ Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ Việt Nam cho rằng, tỷ lệ nợ công 55,8% GDP và nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP... là nằm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước vẫn tăng so với dự toán, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập còn lớn nhưng hiệu quả chưa cao, một số quỹ tài chính không phù hợp thực tế.

Tin, bài liên quan

🔝

20/05/2021 - baotiengdan

Nghiện Đảng (Phần 1)

Tạ Duy Anh
20-5-2021

(Nhân ngày giỗ bố, cũng là nguyên mẫu nhiều nhân vật của tôi. Nhân tiểu thuyết “Sur le dos du buffle” tái bản và lấy lại tên gốc Lão Khổ. Bài dài nên tôi sẽ chia làm hai kỳ)

Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản bảo: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân!” Có lẽ lúc ấy ông chưa hình dung ra rằng thứ học thuyết của ông mới thực sự gây nghiện cho một bộ phận nhân dân, khiến họ u mê, rồ dại còn hơn cả bị nghiện thuốc phiện.

Chẳng hạn như trường hợp bố tôi.

Ông chỉ nghiện thứ duy nhất, ấy là chủ nghĩa cộng sản, được ông đồng nghĩa với “đảng”. Vì thế, việc ông bị “khai trừ” khỏi đảng vào năm mới ngoài 40 tuổi, khiến ông luôn lên cơn “vật”, như người bị “vật thuốc!”

Đến mức đã vài lần bố nuôi ý định tự tử.

Cuối cùng ông chọn giải pháp cặm cụi viết những lá đơn “đòi đảng tịch”. Ông thức thâu đêm để viết, vẻ mặt đăm chiêu, sâu sắc, đầy tính chiến đấu của một đảng viên dù sa cơ lỡ vận, dù bị hàm oan, dù phải một mình đơn độc trong lòng địch (với bố tôi thì những cán bộ huyện, xã, thôn tham gia hất cẳng ông đích thị là địch) vẫn một lòng trung kiên, tin tuyệt đối vào sự sáng suốt của đảng! Mỗi lần ông ngồi xuống viết, tôi lại thấy vẻ mặt ông ánh lên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng nay mai. Vì thế cứ được một tệp là ông lại bó cẩn thận, nhét sâu vào trong người, thắt dải rút thật chặt rồi lặn lội cùng chiếc xe đạp đi đâu đó.

Thường thì sáng sớm bố đi, khi chúng tôi chưa dậy, chiều tối mới về, kèm theo mấy chiếc bánh mỳ cho chúng tôi, hoặc ít cơm cháy khô cho lợn mà ông tiện đường mua mang về. Cũng có khi bố vắng nhà hai ba ngày. Chiếc xe đạp Thống Nhất bố mua theo tiêu chuẩn cán bộ xã, đã cùng ông mơ giấc mơ đại đồng không biết bao nhiêu lần trên khắp nẻo đường xã Hoàng Diệu, thì giờ đây lại theo ông cọc cạch đi đòi đảng tịch. Nhưng tôi chỉ biết đến thế. Còn ở trên tỉnh, trên trung ương bố gặp những ai, kêu ca gì với họ, họ nói gì với ông… thì tôi được biết rất ít.

Sau mỗi lần cặm cụi viết đơn, ông phờ phạc hẳn đi, mặt mũi phủ đầy bóng tối uất hận. Nhưng lần nào từ trên tỉnh, trên trung ương trở về mắt ông lại sáng lên một niềm hoan hỷ.

Cũng từ khi “mất đảng”, ông bắt đầu mắc căn bệnh nói một mình, đương nhiên là nói thầm. Miệng ông mấp máy không thành tiếng nhưng cơ mặt thì biểu lộ đầy đủ xúc cảm của ông, nghĩa là có ái, ố, hỷ, nộ… theo từng vấn đề mà ông đang diễn thuyết thầm. Có lần tôi thấy rõ miệng ông mím lại, y như lúc ông phát biểu trong một hội nghị và đang chì chiết cấp dưới. Chỉ có điều tôi phải nhắc lại là ông nói thầm và nói một mình. Tôi đã cố công giải mã xem bố đang nói gì và ông tưởng tượng trước mặt ông là ai, nhưng đó là điều vô cùng khó. Bởi vì ông sẽ dừng lại ngay nếu cảm thấy có người để ý.

Nhưng rồi một lần tôi cũng đã toại nguyện. Lần ấy quá say sưa nên ông quên mất là tôi đang ngồi ngay phía sau cửa để học bài. Tiếng thì thào phát ra từ miệng bố vọng vào tai tôi rất rõ. Và hoá ra đó là một bài phát biểu của ông, với giả định là ông đang trong buổi họp chi bộ. (Khi còn là đảng viên, chi bộ nơi bố tôi sinh hoạt, thường họp tại nhà tôi. Có hôm họ chỉ xoay quanh vấn đề xử lý một con trâu chết rét như thế nào. Sau mỗi lần như vậy tôi đều phải lau những bãi nước điếu khai kinh khủng bị xỉ ra vô tội vạ. Thậm chí có lần tôi còn được ngồi chầu rìa nghe mọi người kể chuyện tiếu lâm liên quan đến quan hệ vợ chồng). Bài phát biểu thì thào nhưng rất gay gắt ấy như sau:

– “Đồng chí Văn nói thế mà nghe được à? Bản thân đồng chí đã gương mẫu chưa? Đồng chí quên rằng chúng ta chỉ là công cụ của đảng, giống như cái cuốc cái mai, đảng sử dụng vào việc gì là quyền của đảng. Ngay cả nguyên tắc Mác-xít số một ấy đồng chí cũng còn không nhớ. Làm người cộng sản đồng chí phải thuộc lòng lời sau đây: “Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc”. Hôm nay đồng chí tự ý như vậy, ngày mai đồng chí có thể xét lại các nguyên tắc…”

“Đồng chí Văn” mà bố nhắc tới là người mà tôi phải gọi bằng chú họ. Chú hiền lành, nghèo khổ, quanh năm mắt kèm nhèm với hai cục nhử vĩnh cửu bằng hạt đỗ đùn ra từ hai bên mắt đầy lông quặm và ai bảo thế nào chú cũng gật. Tôi nhớ có lần chú mặc quần đùi đến họp chi bộ, phô ra bộ gọng xương xẩu và tôi nhìn rõ cả “của quý” của chú chỉ bé bằng ngón tay. Chính bố tôi giới thiệu chú vào đảng. Vì thế mặc nhiên chú là người thuộc phe bố. Trước kia, ngày nào chú Văn cũng ghé qua nhà tôi để hút thuốc lào, nhưng việc chính là báo cáo bố tình hình thôn xóm.

Nhưng từ khi bố mất chức, rồi lại bị khai trừ đảng thì không chỉ chú Văn mà hầu hết những cấp dưới một thời của bố tôi đều tránh gặp ông. Có lẽ họ ngại phải ngồi nghe ông mắng mỏ những kẻ đã hạ bệ ông, trong đó có nhiều người vừa được cất nhắc làm lãnh đạo. Điều đó khiến bố tôi thấy chua chát. Nhưng chua chát hơn là ông vĩnh viễn bị gạt ra ngoài những vấn đề trước đây ông luôn được hỏi ý kiến.

Thời gian đầu, ông khắc phục điều đó bằng việc gọi chú Văn đến bắt tường thuật lại. Ông gọi chú Văn đến không phải với tư cách cấp trên, mà với tư cách một ông anh họ, lại là người có công dìu dắt, nâng đỡ chú. Ông chăm chú nghe rồi cho ý kiến chỉ đạo để chú Văn theo đó mà đưa ra chi bộ. Nhờ thế mà tuy ngồi trong xó nhà nhưng ông vẫn không bỏ qua bất cứ nội dung nào chi bộ đem ra bàn. Tức là ông vẫn hiện diện ở các cuộc họp chi bộ thông qua chú Văn.

Cơn thèm họp chi bộ, thèm được đấu đá, thèm được thể hiện tư cách đảng viên của bố chưa khi nào hạ hỏa. Nhiều lần bố tôi nói sa sả còn chú Văn thì cúi đầu ngồi nghe, hai tay không ngớt vò lên mái tóc cứng như nan chổi xể. Nhưng dần dần không phải lúc nào bố tôi cho gọi chú Văn cũng vội vã đến ngay như trước đây. Chú bắt đầu bỏ ngoài tai những lời trách cứ, móc máy, dọa nạt của bố tôi. Thỉnh thoảng tiện thể chú mới ghé qua và cũng chỉ chốc lát lại cáo lý do đứng dậy.

Sau những buổi sinh hoạt chi bộ tưởng tượng, ông lại càng có động lực để cặm cụi viết đơn, cặm cụi sửa chữa chiếc xe ngày càng xuống cấp để tiếp tục lên tỉnh, lên trung ương đòi đảng tịch! Ông coi là đó là việc quan trọng nhất phải làm trước khi chết. Vì nó có liên quan đến tương lai của chúng tôi.

Nhưng trước khi quyết giành lại cho chúng tôi thứ “tài sản tinh thần” đó, ông biến chúng tôi trở thành những người khốn khổ nhất trên trần gian. Ngày đó chưa có các phương tiện nhân bản như bây giờ, cho nên muốn có nhiều lá đơn giống nhau để gửi đến nhiều nơi, thì chỉ có cách duy nhất là chép tay. Bất cứ đứa nào, hễ chỉ cần biết viết là bố tôi bắt chép đơn. Đang học giữa mùa thi cũng phải bỏ đấy. Việc chép đơn cần kíp hơn. Có bận gần hết anh chị em tôi cùng nằm bò ra đất viết đơn đòi đảng tịch cho bố. Thậm chí ông còn huy động cả mấy đứa cháu, thứ bảy chủ nhật vào nhà tôi chép đơn kiện cho ông từ sáng đến tối. Những hôm đó nhà tôi như có việc đám. Mẹ tôi nhễ nhại mồ hôi, tất tưởi lo thịt gà, đồ xôi, nấu miến để mời những người chép đơn giúp. Đương nhiên là chúng tôi cũng được đánh ké.

Khó mà tìm được ai kiên nhẫn hơn bố tôi trong chuyện kiện tụng và tin vào cấp trên. Có lần tôi được bố “thưởng” cho chuyến đi chơi Hà Nội để “mở mang đầu óc”. Ông đưa tôi vào nhà bảo tàng quân đội, vào công viên Bách Thảo, đến những nơi thời trẻ ông từng sống hoặc qua lại khi làm thằng ở cho nhà phán Thịnh. Sau đó bố con tôi đi ăn phở và đó là lần đầu tiên tôi biết món phở.

Nhưng hoá ra phần lớn thời gian chuyến đi là để ông tìm đến những cơ quan mà ông gửi đơn.

Tại đó ông gặp một vài cán bộ đảng, những người trông rất lạnh lùng và khắc nghiệt. Tôi không bao giờ hiểu hết nội dung của những cuộc trao đổi ấy. Bố tôi đầy vẻ oan khuất nói lại những điều mà ông đã nói hàng ngàn lần, rằng ông không thể thiếu đảng, ông yêu đảng, cả đời ông hy sinh cho đảng. Nếu bảo ông giết chết vợ con vì đảng thì ông cũng không ngần ngại, vậy mà đảng lại nghi ngờ ông. Ông không làm gì sai mà sao tước mất danh hiệu đảng viên của ông, khiến ông sống không bằng chết. Người nghe gật đầu liên tục như đã thấu hiểu. Rồi thể nào bố cũng nhận được hàng lô những lời hứa. Ông đem chúng về nhà với một niềm tin là toàn đảng toàn dân toàn quân đang cùng châu đầu lại xem xét những lời kêu oan của ông!

Một câu hỏi mà ông hay hỏi nhất khi gặp cán bộ của đảng, nguyên văn như sau: “Thế chả nhẽ đảng để cho tôi cứ oan khuất thế này hay sao? Đảng ở đâu mà lời tôi kêu mãi không thấu”? Phần lớn người bị chất vấn chỉ cười, bày tỏ nỗi cảm thông hoặc kèm theo vài lời an ủi. Nhưng rồi trong một lần như vậy, ông cán bộ bị bố tôi chất vấn chắc là nhịn không đừng, vỗ vai bảo bố tôi: “Đảng ở ngay bên cạnh ông chứ ở đâu mà phải tìm cho mệt!” Bố tôi tỏ ra không hiểu, ông kia bèn cười thông cảm: “Thế ông nghĩ đảng là ai, ở trên trời chắc! Đảng là mấy ông cán bộ đang thi hành kỷ luật ông đấy thôi. Là mấy thằng mà ông vẫn gọi là “chó săn” ấy, đảng đấy chứ đâu”.

Tôi thấy mặt bố bạc phếch đi. Sao có thể như thế được? Với ông, đảng là một cõi rộng lớn, một đấng vô hình nào đó thiêng liêng đến mức không thể đụng chạm, sờ mó. Ngay cả nhắc đến cũng phải rất cẩn thận kẻo vô ý sàm sỡ. Vậy mà nay ông cán bộ kia lại bảo mấy kẻ phàm phu tục tử, vừa dốt vừa đểu, thối gan thối ruột vì thâm thù cá nhân, những kẻ ăn bẩn nói hỗn… là đảng, thì làm sao ông chịu nổi. Ông lắc đầu một cách ngoan cố với nụ cười chua chát không công nhận.

Ông cán bộ kia cũng chỉ còn biết cười nhạt, thương hại cho kẻ có phần giống một gã dở người. Không một ông cán bộ nào mà bố gặp hôm đó tỏ ra thân thiện quý mến bố con tôi, nếu không muốn nói là ngược lại. Nơi họ làm việc có vẻ gì đó bí hiểm, lạnh lẽo, gợi đến lò mổ, phòng thí nghiệm, nhà xác… khiến cả khi đã ngồi ôm chặt bố từ phía sau, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác rợn tóc gáy của kẻ bị săn đuổi.

Cái không khí âm u, đáng sợ ấy sẽ còn tái hiện lại trong nhiều tác phẩm của tôi sau này.

Ngôi nhà, vốn cải tạo lại từ cái chuồng trâu cụ nội tôi để lại, là nơi sinh sống của chúng tôi đến tận năm 1995. Nó từng bị đồn thổi là “biệt thự” đến mức ông bí thư tỉnh ủy Hà Tây Nguyễn Xuân Trường phải về tận nơi để kiểm tra. Ảnh: FB tác giả

(Còn nữa)

🔝

21/05/2021 - baotiengdan

Nghiện Đảng (Phần 2)

Tạ Duy Anh
21-5-2021

Tiếp theo Phần 1

Sau những chuyến lên tỉnh, lên trung ương, bố tôi lại thấp thỏm chờ đợi. Bất cứ ai dừng xe trước ngõ nhà tôi đều cho ông niềm hy vọng. Ông hy vọng lời kêu oan của ông cuối cùng cũng đã có người nghe thấy.

Thực ra thì hầu hết những người bố gặp đều chán bố ra mặt, nhưng bố không quan tâm.

Gõ cửa các nơi mãi đều không hiệu quả, trong khi đó thì “giậu đổ, bìm leo” sự trả thù khốc liệt bắt đầu trút xuống gia đình chúng tôi, bố quyết định tung ra đòn “tổng tấn công và nổi dậy” bằng cách kéo chúng tôi vào cuộc ăn vạ bi hài nhất lịch sử!

Chuẩn bị một bó đơn và một cuộn tiền, bố tôi một mình quyết định ngày giờ và thành phần sẽ lên đường chiến đấu! Không ai được bàn lùi. Không ai được tỏ ra nản chí. “Nản chí, mệt mỏi thì sang Mỹ mà ở” – Bố tôi thường bảo chúng tôi thế và tin đó là lời của Phi-den nói với vợ con ông ta!

Đúng ba giờ sáng một ngày đầu hè, chúng tôi-gồm bà nội, bố, tôi và hai đứa em bên dưới-lên đường “tiến về Hà Nội”, nhằm thẳng vào trung tâm đầu não là quảng trường Ba Đình. Từ nhà ra bến xe khách Chúc Sơn gần 10km, chúng tôi phải cuốc bộ. Bố tôi đi bộ rất nhanh nên chúng tôi đều phải chạy gằn theo. Hai đứa em tôi tái hết cả mặt vì mệt. Chân chúng tôi đều phồng rộp, cực kỳ đau đớn nhưng không được bất kỳ có lời kêu ca nào. Bố tôi coi sự yếu đuối như một loại kẻ thù nguy hiểm. Ngay cả bà nội tôi, ngoài bảy mươi tuổi, cũng phải cắn răng im lặng.

Đến Hà Nội, sau khi đánh chén no bụng toàn những thứ mà ngày thường có nằm mơ cũng không thấy, chúng tôi đi tầu điện lên mạn Hồ Tây. Tại đó có rất nhiều cơ quan của đảng, chính phủ, mà bố từng ra vào nhẵn cả đế dép. Ông chia đôi lực lượng. Bà nội, tôi và đứa em bên dưới làm thành một mũi, phía Mai Xuân Thưởng. Còn ông và đứa em út khoảng 10 tuổi thì “phụ trách” khu vực Hùng Vương.

Mỗi người chúng tôi cầm một tập đơn. Hễ thấy chiếc xe con bóng lộn nào, đa phần mầu đen, từ bất cứ chiếc cổng nào chui ra mà trong tầm kiểm soát của chúng tôi, lập tức chúng tôi lao ra đứng chặn ở đầu xe. Phần lớn cửa kính xe đều hạ xuống, tay ai đó thò ra nhận đơn, rồi chiếc xe lại lao đi. Và chỉ thế thôi. Chả ai quan tâm, ngoài những người đi đường hiếu kì. Trong giờ hành chính thì không có vấn đề gì. Thậm chí người phụ trách khu vực là một thiếu tá, còn bày cho chúng tôi cách nhận biết chiếc xe nào chở người quan trọng, chiếc xe nào đừng mất công chặn chỉ tổ mất thì giờ. Lúc thảnh thơi ngồi nghe bố kể sự tình, ông thiếu tá còn khích lệ bố phải chiến đấu tới cùng.

Nhưng hễ hết giờ làm việc, lập tức lực lượng bảo vệ, do chính ông thiếu tá chỉ huy, lùa chúng tôi lên xe, chở thẳng về đồn công an Bờ Hồ. Chúng tôi không cần phải trình báo thì những người trực đồn công an cũng biết chúng tôi là ai. Thậm chí tôi có cảm giác họ chẳng cần biết chúng tôi là ai. Chúng tôi có thể nằm trên những cái ghế dài kê trong mấy gian nhà, hoặc tìm chỗ nào đó trên vỉa hè, miễn là đừng gây rắc rối. Nhưng hình như trong trường hợp của chúng tôi thì có sự thông báo trước nào đó. Vì thế không một ai gây khó dễ hoặc doạ nạt gì.

Với bố, đánh động được khu đầu não thế cũng là một thắng lợi bước đầu. Ông vui ra mặt và mặc dù rất tằn tiện, nhưng những lúc như vậy thì ông sẵn sàng hào phóng. “Chén đã, để lấy sức” – ông thường bảo chúng tôi. Ông cho chúng tôi ăn uống tươm tất rồi đi dạo loanh quanh khu vực đường Lê Thái Tổ bây giờ. Cách đồn công an không xa là nhà hàng Thuỷ Tạ, nơi buổi tối thường bán kem, thứ còn khá hiếm hồi đó nên muốn mua được phải xếp hàng.

Có hôm bố chen vào và may mắn mua được cho mỗi người một que kem trộn cốm vẫn còn “non”, tức là chưa kịp rắn hẳn. Bờ Hồ luôn có gió nên kem chảy rất mau. Tôi cầm hai que kem chạy đi tìm bà nội, nhưng gào khản cổ vẫn không thấy bà đâu. Hai chiếc kem cứ bé lại rất nhanh trong tay tôi khiến bố phải hét lên bảo tôi ăn nhanh đi.

Tôi nhét cả hai que kem đã chảy quá nửa vào miệng, má phồng lên, lập tức thấy như răng sắp rụng hết. Nhưng tôi kiên quyết không nhè ra vì tiếc của và chủ yếu vì sợ bố mắng. Tôi gần như mất hoàn toàn cảm giác là mình đang ăn kem, chỉ thấy buốt nhói đến tận óc. Suốt gần cả tháng trời sau đó tôi ăn uống rất khó khăn và cứ nghĩ đến kem là lại rùng mình kinh hãi. Sau này thỉnh thoảng tôi cũng vẫn ăn kem nhưng chỉ rón rén cắn tí một, vừa cắn vừa nghe ngóng và không bao giờ dám ăn hai hai que liền một lúc.

Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm hồi đó vẫn còn có cả những ụ đất, dấu tích của hầm trú bom. Chiến tranh bắn phá đã chấm dứt nên mọi người ung dung đi dạo hóng gió khá nhộn nhịp. Từng cặp trai gái ngồi sát Bờ Hồ nói chuyện cho tới tận khuya, trước khi những người giữ trật tự lảng vảng sau lưng khiến họ đứng dậy đưa nhau về nhà.

Đêm hoang vắng rất nhanh. Những ngọn đèn điện vàng ệch là niềm an ủi cho chúng tôi. Tiếng tầu điện vào ga kéo còi leng keng là âm thanh khó quên nhất đối với tôi. Hình ảnh những người buôn bán về khuya giờ đây vẫn mồn một trong tôi. Họ vội vã, mệt mỏi nhưng mặt ai nấy đầy phấn khích. Sớm tinh mơ hôm sau họ đã lại chờ đến giờ tầu xuất bến chuyến đầu tiên để mang hàng lên mạn Bưởi hoặc xuống Mơ, vào Hà Đông. Mỗi khi chuyến tầu cuối vào bến, chỉ còn lại vài bóng người quét đường.

Và cách đó một đoạn là bố con tôi (bà nội nằm canh cho hai đứa em tôi đã ngủ say trong đồn công an, mặc cho muỗi tha hồ bu vào hút máu).

Trên tấm ni lông trải lên nền xi măng ngay dưới chân cột đèn, tôi nằm bò ra, hai khuỷu tay tì xuống để viết đơn thư cho bố. Chúng luôn là những lá thư bố viết cho người nào đó. Hôm nay là kính gửi anh Ba, ngày mai là khẩn cầu anh Tô, ngày mai nữa đến lượt những cái tên khác mà bố nhắc đến bằng vẻ kính trọng đặc biệt. Nhờ bố mà tôi biết anh Ba là bác Lê Duẩn, anh Tô là bác Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh Văn…

Tôi hỏi bố tại sao không gọi tên quen thuộc của các bác ấy, thì bố giải thích bằng thứ giọng vô cùng bí ẩn và giầu cảm xúc: – Con không biết những người cách mạng khi đã gọi nhau bằng tên thân mật là họ bày tỏ niềm kính trọng nhau thiêng liêng như thế nào đâu. Tình đồng chí là thứ tình cảm cao quý nhất trên đời. Nó vượt xa tình yêu. Tình yêu chả đáng bén gót, vì dù sao vẫn là thứ tình cảm ích kỷ. Tình yêu quá lắm chỉ tạo ra sự sung sướng cho hai cá nhân. Không có tình yêu vẫn có thể đẻ một đống con. Nhưng không có tình đồng chí, thì chả có thứ gì cả. Tình đồng chí tạo ra thay đổi cho hàng tỉ, hàng tỉ tỉ nhân loại, tạo ra thế giới đại đồng, tạo ra thiên đường ngay dưới mặt đất.

Tôi nghe và tin như vậy, cảm thấy cũng bị lây niềm kính trọng của bố với các bác mà bố gọi bằng anh một cách tha thiết, cái lối xưng hô của những người cùng chí hướng, cùng mục tiêu hành động.

Tôi nhớ là một trong những lá thư bố gửi “Anh Tô” với dòng đầu tiên: “Anh Tô kính mến!”, do bố đọc bằng thứ giọng lên bổng xuống trầm vô cùng tha thiết. Giọng bố lúc thủ thỉ tin tưởng, lúc buồn đau, lại có lúc như giận hờn…

Cứ thế bố kể về đời bố, về những việc bố làm, những điều bố mơ… đều trên tinh thần cộng sản! Tôi chép xuyên đêm tới tận khi sáng bạch bố mới dừng lại ở câu kết thúc: “Kính gửi anh lời chào cộng sản!”

Tôi lật cho bố xem để biết lá đơn dài ngót chục trang giấy phê-đuyp. Bố tỏ ra hài lòng lắm. Khi bố bảo tôi đứng dậy thì toàn thân tôi cứng đơ. Tôi bèn bò bằng hai khuỷu tay một đoạn để khởi động. Những học sinh Hà Nội trên đường tới trường, khi ngang qua tôi, thấy lá đơn tôi viết bằng thứ chữ nghiêng sang phải thì đều dừng lại tỏ vẻ trầm trồ. Họ gọi nhau “Lại đây mà xem thằng bé này viết chữ vừa đẹp vừa kỳ lạ”.

Chả là hồi đó chẳng hiểu sao học sinh Hà Nội viết riêng một thứ chữ nghiêng sang trái. Những học sinh Hà Nội sơ tán về làng tôi luôn bị chúng tôi chế nhạo đến phát khóc vì kiểu viết đó. Ngược lại chúng tôi bị mắng là viết kiểu chữ nhà quê. Giờ đây mọi người đang xúm lại xem thứ chữ nhà quê và cứ nhìn soi mói vào mặt tôi. Tôi vẫn nằm sấp trên tấm ni lông, do hai tay chưa kịp hết tê dại, mặc cho mọi người bàn tán. Chỉ khi bố tôi gập lá đơn lại, đỡ cho tôi đứng dậy mọi người mới tản đi. Toàn thân tôi tiếp tục đau ê ẩm, mắt nổ hoa cà hoa cải.

Trong vòng một tuần theo bố đi kiện, tôi đã chép cho bố khoảng ba bốn lá thư, lá nào cũng ngót chục trang, thống thiết tình cảm cách mạng, tình đồng chí cùng mục tiêu chiến đấu nhưng đều vì duy nhất việc kêu oan vấn đề đảng. Tôi không bao giờ biết số phận của những lá thư ấy. Chúng được gửi đi là cũng mất tích luôn. Có thể chỉ rời khỏi tay bố, là nó nằm yên vị trong đáy một cái thùng rác hôi thối nào đó! Nhưng với bố, sau mỗi lá thư được viết ra, được nâng niu ve vuốt trước khi gửi đi, lại cho ông niềm hy vọng vô bờ bến và giúp ông trong chốc lát hạ hỏa bớt phần nào cơn “vật đảng”.

Bố tôi chỉ ra lệnh rút quân khi hình như có ai đó hứa với ông, nhưng chủ yếu là do cạn kiệt nguồn lực.

Sau đòn trời giáng cuối cùng của số phận xảy ra vào năm 1987 (cú huých để tôi hoàn thành tiểu thuyết Lão Khổ), đẩy bố tôi đối mặt với cả một bầy mafia từ tỉnh đến xã, cộng thêm đòn đánh dưới thắt lưng của báo Hà Sơn Bình, bố tôi rơi vào cảnh kiệt quệ cả tiền bạc, sức lực và niềm tin. Dù cuối cùng chúng tôi thắng nhưng ông vẫn quyết định chấp nhận lời khẩn cầu của chị gái tôi: rời bỏ quê hương, về sinh sống tại thị trấn Rế, huyện An Dương, Hải Phòng. Trong những thứ “của nả” ông đem theo, có tờ quyết định kỷ luật đảng đã chuyển mầu, với bốn cái gạch đầu dòng ghi tội mà ông mắc phải (theo thứ tự từ nặng đến nhẹ):

1- Lợi dụng chức quyền tự ý thịt một con lợn (thực chất là con lợn nái bị ốm), đổi lấy 5kg tem phiếu để dùng riêng.

2- Lợi dụng chức quyền mua rẻ hai mươi viên ngói Proximăng dùng vào việc cá nhân.

3- Có tư tưởng gia đình trị, gây mất đoàn kết nội bộ.

Riêng tội thứ tư, do tờ giấy bị rách, nên tôi không biết.

Một lần, trong bữa rượu chỉ có hai bố con, ông nằn nì gạ tôi cho ông đọc tiểu thuyết Lão Khổ. Khi thấy tôi ậm ừ, bố tôi bỗng ngồi thẫn thờ như người mất hồn rồi bảo tôi: – Mẹ nó chứ, tao mà không bị oan thì giờ này cũng sắp có huy hiệu 50 năm tuổi đảng.

Tôi cười váng, bảo lại ông: – Ước gì chả nói, lại đi ước cái thứ thua xa nắp chai ấy. Tặng bố huy hiệu “Ba mươi năm ra khỏi đảng”, danh giá gấp vạn!

Bố tôi ngồi lặng đi như vừa bị một cú xuyên thẳng vào tim. Tôi hiểu là cơn “vật đảng” của ông chưa tiệt hẳn. Nhưng, trong một khoảnh khắc mặt bố rất kì lạ và ông bỗng cười phá lên. Rồi bất ngờ ông dốc ngược chén rượu: – Thôi, đấm B. vào nữa…!

Chưa đầy nửa năm sau thì bố tôi qua đời.

🔝

19/05/2021 - baotiengdan

Đảng sẽ tiếp tục thu hoạch được gì từ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”?

Lê Quang Ngọ Lê Quí Trọng
19-5-2021

Hồ Chí Minh là cha đẻ của chính quyền Cộng sản Việt nam hiện nay. Mặc dù ông ta đã về với Karl Marx và Lenin hơn nửa thế kỷ qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông không bị lớp bụi thời gian che phủ mà vẫn tiếp tục được thần thánh hóa để phủ bóng lên đời sống chính trị và xã hội của đất nước.

Những người kế tục sự nghiệp của ông Hồ luôn đề cao tên tuổi ông để mọi người cùng học tập và noi theo, thậm chí từ tháng 11/2006, đảng bắt đầu tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“, nhằm “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội” để “nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội” (1).

Suốt 15 năm qua, đảng liên tục ban hành nhiều văn bản về vấn đề này. Từ “tiếp tục đẩy mạnh” đến “đẩy mạnh” trong đó “có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nêu gương”của các cán bộ chủ chốt các cấp” (2). Vì sao Đảng phải quan tâm nhiều đến công việc này như vậy? Bài viết này cung cấp cho độc giả một cái nhìn khách quan về một “tấm gương” mà những người Việt trên mảnh đất hình chữ S đã, đang và sẽ phải tiếp tục học tập.

Như mọi người đã biết, giống như những lãnh tụ cộng sản bậc thầy của mình, Hồ Chí Minh sau khi yên vị trên đỉnh cao quyền lực, đã làm mọi biện pháp để những cán bộ đảng viên thuộc quyền, trở thành những con cừu thuần trắng, nhằm thuận lợi cho công tác lãnh đạo và duy trì sự toàn trị của đảng. Do đó, ông thường dạy họ phải chống chủ nghĩa cá nhân, bởi “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể” và “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội” (3). Nhưng ông Hồ lại không né tránh, mà còn mặc nhiên thừa nhận sự sùng bái cá nhân dành cho ông.

Ngay sau những ngày thành lập nước, ông đã chấp nhận và khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác các bài hát ca ngợi ông. Dù rằng thời gian này phần lớn người dân Việt còn chưa biết người đứng đầu chính quyền mới là ai, cần phải có sự tuyên truyền, nhưng dần dà nó bị biến thành tôn sùng lãnh tụ. Trào lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong những năm ở chiến khu đã hướng một phần đề tài vào hình tượng Hồ Chí Minh, các họa sĩ đến vẽ ông để khỏi mai một tay nghề ở nơi rừng sâu núi thẳm.

Sau năm 1954, để được nổi danh cũng như để bày tỏ lập trường trước đảng, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy sự nghiệp của ông làm đề tài sáng tác. Những người từng có thời gian hoạt động với ông, đua nhau viết hồi ký in thành sách. Nhật ký trong tù của ông được các nhà Hán học và các nhà thơ dịch sang tiếng Việt cùng với những lời bình có cánh để người dân biết được những vần thơ uyên thâm của ông.

Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã phải lặn lội về Nghệ An để tìm hiểu và viết cuốn “Quê hương và thời niên thiếu của Bác”. Những cuốn sách có chung đề tài về Hồ chí Minh cùng “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” mà ông là tác giả, dưới bút danh Trần Dân Tiên và “Nhật ký trong tù” được ông nhận là của mình, đã được bày trên các kệ sách của các hiệu sách Nhân dân nghèo nàn về lượng đầu sách lúc đó.

Mỗi dịp giáp tết, ngoài các ảnh chân dung và tượng bán thân bằng thạch cao của ông đã có sẵn, người ta còn bày bán các bài thơ chúc tết của ông, được in chữ đỏ trên nền giấy màu hồng, cùng các bức ảnh chụp ông trong nhiều mô típ để người dân mua về trang trí tết.

Là “Cụ”, rồi là “Bác” của mười bảy triệu dân Bắc Việt, nhưng ông còn muốn hình ảnh của ông được ghi sâu đậm trong lòng dân bằng cách trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho những người có những gương làm việc tốt trong thời gian từ năm 1959 đến năm 1969. Đến nỗi “Hồi đó, miền Bắc Việt Nam đã dấy lên phong trào thi đua ‘nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt’ để mong được đón nhận Huy hiệu Bác Hồ” (4).

Huy hiệu này lấy khuôn mẫu quốc huy Việt Nam DCCH thay ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ bằng hình bán diện Hồ Chí Minh được dập nổi. Việc đưa hình ảnh của mình vào quốc huy để làm phần thưởng, nhằm khuếch trương uy tín cá nhân, là một sự ngạo mạn đến mức cực đoan của người mắc bệnh công thần nặng nhất chế độ này. Về hình thức trông nó còn bắt mắt hơn cả huân chương Hồ Chí Minh – huân chương bậc cao thứ nhì của nhà nước Việt Nam do chính ông Hồ ký sắc lệnh ngày 6/6/1947.

Quốc huy Việt Nam DCCH và Huy hiệu ‘bác Hồ’

Huy hiệu này có giá trị tương đương với huân chương Chiến công và huân chương Lao động, những vật phẩm của nhà nước dùng để trao tặng cho những cá nhân và đơn vị có những thành tích xuất sắc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, như phi công Phạm Thanh Ngân, được nhận 8 huy hiệu cho 8 lần bắn rơi máy bay Mỹ và Anh hùng lao động Phạm Thị Vách, 2 lần được nhận “huy hiệu Bác Hồ”…

Ngày 9/5/1961, Hồ Chí Minh đến thăm đảo Cô Tô và sau đó được chính quyền tỉnh Hải Ninh (cũ) xin phép được dựng tượng ông trên đảo này. “Được lời như cởi tấm lòng”, ông đã vui vẻ đồng ý và bắt đầu từ đây, bức tượng của ông như một tế bào ung thư hình thành và theo thời gian đã di căn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước, khiến cho Việt Nam ngày nay trở thành cường quốc về tượng đài lãnh tụ.

Hồ Chí Minh thường bỏ nhiều tâm huyết để dạy các đảng viên của mình về “đạo đức cách mạng”, nhấn mạnh bốn điểm chính, gồm: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Ngoài ra, ông còn nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức” (5).

Những người có hân hạnh gặp ông và được dùng cơm cùng ông, kể lại trên phương tiện truyền thông về cuộc sống bình dị của ông, đôi khi thái quá, làm cho độc giả hiểu sai tác dụng của công tác tuyên truyền. Nhưng họ đâu có biết, chính họ đã được sử dụng làm phương tiện đánh bóng tên tuổi ông. Bởi những bữa ăn như vậy, cũng giống như những bữa ăn chay của các phật tử vào ngày mùng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng.

Nếu ông ăn uống thực sự thanh đạm như vậy, ông đâu cần phải có một người đầu bếp riêng từ năm 1951 đến năm 1969, tên là Đinh Văn Cẩn, được Pháp đào tạo nấu giỏi cả cơm Tây lẫn cơm Việt. Phạm Văn Đồng cũng có một đầu bếp riêng thạo nấu cơm Tầu, tên là Đặng Văn Lơ. Tuy nhiên, hai người này cùng nhau hợp tác để các món ăn của hai vị lãnh đạo luôn được thay đổi cho ngon miệng (6).

Mỗi lần ông sang Trung Quốc nghỉ ngơi dưỡng bệnh, thì có đầu bếp Thiệu Vinh Lễ nấu riêng cho ông. “Ăn cơm tàu” nhưng ông không “ở nhà Tây” bởi tình yêu đất nước của ông khác người, cho nên không gian sống của ông ở đó cũng thật đặc biệt. Theo báo “lề đảng”, tại khách sạn Tùng Hóa ở ngoại ô thành phố Quảng Châu hiện còn lưu giữ “kiến trúc khu nhà Bác ở gần như vẫn nguyên vẹn, từ phòng làm việc, phòng ngủ, phòng khách đến gian bếp, phòng ăn, kể cả sàn nhà lát bằng gỗ đem từ Việt Nam sang” (7), điều đó có thể bắt nguồn từ nỗi nhớ miền Nam của ông, khiến cho những người cảnh vệ đã phải bứng cả cây vú sữa cách đó 20 – 30 bước chân, đưa về trồng ngay cạnh cửa sổ nhà sàn của ông để ông được nguôi ngoai (8).

Được phục vụ bởi những người đầu bếp tay nghề cao như vậy chắc chắn ông là một người rất sành sỏi và tinh tế trong văn hóa ẩm thực, với những món ăn đặc sắc Á, Âu. Nếu ai đó không đồng ý với quan điểm này, hẳn họ phải thừa nhận ông đã sai lầm khi phí phạm tài năng trong công tác nhân sự.

Theo lời kể của Vũ Kỳ, thư ký của ông Hồ, đoạn mở đầu di chúc được ông viết vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt, nhưng trong hồi ký của mình Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Anh Hoàng Tuệ kể với tôi chuyện này: hồi kháng chiến chống Pháp, đi công tác ban đêm, tình cờ anh đi cùng một đoàn người chở thuốc lá ngoại từ vùng tề ra cho cụ Hồ, có bộ đội đi kèm để bảo vệ. Họa sĩ Dương Bích Liên, hồi cùng ở với ông Hồ ở Việt Bắc thấy ông thường hút thuốc lá ngoại, uống rượu Tây và uống sữa tươi (Người ta nuôi một con bò để lấy sữa cho ông)”… “ông Hồ ở Phủ Chủ tịch, thỉnh thoảng lại đóng bộ complet, cravat, chống baton đi dạo một lúc trong khuôn viên cho đỡ nhớ – hẳn là nhớ sinh hoạt hồi ở Paris” (9).

Hồ Chí Minh là người có tài thu phục nhân tâm và dùng người, bài hát Kết Đoàn thường được ông sử dụng để kêu gọi mọi người đồng lòng chung sức vì sự nghiệp cách mạng theo phương châm đã được ông đề ra: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nhưng trong thực tế, ông không thành công trong việc gắn kết những người thân cận nhất của ông thành một khối thống nhất.

Theo hồi ký Hoàng Tùng, ông có 10 nỗi đau, trong đó “Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi… Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bẩy, Bác lại cho làm cơm và nói: ‘Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng’. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc đó cho đến khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì” (10).

Thế mới biết CNCS mà ông Hồ mang về cho dân tộc ta thật khó thành hiện thực, những con người được ca ngợi là “học trò xuất sắc” của ông, rốt cuộc cũng vẫn chỉ là những cỗ máy sinh học phức tạp không thể vượt qua được cái tôi, cho nên họ không thể giống những chiếc đồng hồ qua bàn tay chế tác của người thợ tài giỏi sau khi lên dây cót xong là vận hành được chính xác.

Để mọi người hiểu rõ các chặng đường đi trên con đường mà ông đã định hướng, Hồ Chí Minh giải thích: Thời kỳ quá độ “là thời kỳ dân chủ mới, tiến dần lên CNXH”. Đó là thời kỳ “xóa bỏ triệt để các tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, đồng thời từng bước gây dựng các mầm mống cho CNXH phát triển” (11). Theo ông: “Bước đi trong xây dựng XHCN ở nước ta là ‘phải làm dần dần’, ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại, phải thực hiện ‘đi bước nào vững chắc bước ấy’”. Như vậy nó khác hẳn với mục tiêu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà đại hội đảng lần 3 đề ra.

Chắc là vì vậy nên đến nay, sau 60 năm tiến lên CNXH, mặc dù mắc bệnh kêu ngạo cộng sản nặng, người đứng đầu đảng mới đây cũng phải thừa nhận:Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” (12).

Mặc dù vậy, nhưng ônng TBT đảng vẫn khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện”. Bởi theo di sản tư tưởng Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa Mác – Lê-nin “là cái ‘cẩm nang’ thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi với thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (13).

Đúng là vào thời điểm đó nó là cứu cánh giúp ông có vương quyền, nhưng nó không giúp cho đất nước ông, cũng như các nước trong khối cộng sản, phát triển thịnh vượng về đủ các phương diện, cho nên nó đã bị loài người vứt bỏ 30 năm qua. Sau khi khối Đông Âu sụp đổ thì công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam, dù ông có tái sinh để chỉ đạo, thì cũng bất khả thi như sự quản lý đất và người trên quần đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng, cho dù chính phủ đã có quyết định thành lập nó thành huyện đảo Hoàng Sa từ năm 1997.

Là lãnh tụ cộng sản dày dặn kinh nghiệm, cộng với sự nhạy bén chính trị, về cuối đời, hẳn Hồ Chí Minh đã nhận thấy được những cái bất cập trong lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa này. Bởi nếu nó hoàn hảo thì không có những người phê phán nó sau khi nó ra đời, không có cuộc nổi dậy tại Đông Đức năm 1953, không có sự kiện năm 1956 ở Hungary, không có Mùa xuân Praha năm 1968 và cũng như ở Việt Nam không xảy ra vụ án chống đảng năm 1967 và chắc chắn ông cũng đã linh cảm được sự thoái trào của CNCS bởi những lãnh tụ “đồng sàng dị mộng”.

Sự đau lòng của ông đối với phong trào cộng sản thế giới mà ông ghi trong di chúc, giống như tâm trạng của một chủ doanh nghiệp đồng thời là cổ đông lớn, đang nhìn thấy cổ phiếu của ngành mà ông ta đặt mua cổ phần, ngày càng tụt dốc trên sàn chứng khoán thế giới.

Không chỉ có mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh cũng là người “tiền hậu bất nhất” – mà ngày nay người ta gọi là ‘tự diễn biến’ – cả trong cách đối nhân xử thế. Nhiều thế hệ người Việt được đào tạo dưới mái trường XHCN, hẳn đã từng có lần làm bài văn nghị luận về câu nói của ông: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nhưng hình ảnh mà ông dẫn chứng “Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có ích gì cho loài người” (14) thì khó được chấp nhận. Bởi chữ Bụt có nguồn gốc chữ Phạn: Buddhã, chính là Phật trong tiếng Hán.

Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan ông đã từng nương nhờ cửa Phật, tự cắt tóc làm sư Hạnh Đa để tránh bị truy lùng và dễ bề hoạt động trong cộng đồng Việt kiều tại đây (15). Năm 1947, trong thư Gửi Hội Phật tử Việt Nam, ông đã viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Nguời phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma” (16) và tại chùa Bà Đá, ngày 5/1/1946, ông đã từng cầu nguyện trước tượng Phật và cũng đã từng nhắc nhở các nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công” (17).

Là môn đồ của Marx, chắc chắn câu nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã làm cho ông, một người ưa dùng bạo lực cách mạng có một cái nhìn sai lệch về tôn giáo này khi ông đã thành công và qua đó cũng không chỉ thể hiện sự vô ơn, mà còn biểu hiện căn bệnh kiêu ngạo cộng sản trầm kha của ông.

Căn bệnh này được thể hiện vào năm 1951 theo lời kể của Hoàng Tùng: “Trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác nói Stalin không được như thế đâu, chỉ vì người ta cần có một ngọn cờ mà đưa lên như thế. Nghĩa là Bác biết rõ Stalin. Người không sùng bái, cũng như không sùng bái Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Bác cũng phải ngoại giao”. Thế mà trước đó một năm ” ông đã công khai nói trước hội nghị cán bộ (1950) tại chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS sẽ họp năm sau là: ‘Các cô các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được’.” (18)

Có một điều khó hiểu là một người coi thường Phật giáo như vậy mà tượng của ông ngày nay lại được đưa vào trong các nhà chùa để thờ phụng. Phải chăng Phật giáo Việt Nam đã và đang bị chế độ cộng sản thao túng?

Tượng Hồ Chí Minh trong chùa quốc doanh. Nguồn internet.

Với ý chí và nghị lực, cùng với sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn ngàn hiểm nguy để đạt tới tột đỉnh vinh quang. Là con người trần tục, ông có thể đã có một cuộc sống thật viên mãn lúc đã công thành danh toại, tận hưởng hạnh phúc cá nhân muộn mằn khi đã về già ngồi trên ngôi báu, nhưng ông không có đủ bản lĩnh để khước từ những gì mà đảng đã ưu ái dành cho ông. Là nô lệ của danh vọng ông đã tự nguyện gạt bỏ hạnh phúc cá nhân để nhập vai thành một đấng toàn tri, toàn giác của đảng.

Trong di chúc của mình ông mong muốn, sau khi chết nhà nước không “tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”, nhưng ông đã không phản đối khi biết nguyện vọng cuối đời của ông không được thực hiên. “Theo lời kể của con trai cả của Bí thư Lê Duẩn đã nói với Hồ Chí Minh về việc thi hài ông nên được bảo quản lâu dài để đồng bào trong Nam và cả nước được đến thăm, nghe vậy Hồ Chí Minh trở nên trầm ngâm” (19).

Theo triết gia Aristotle, hai điều trái ngược không thể tồn tại lâu dài trong một chủ thể, như vậy sự trầm ngâm này phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông, nó giống hệt như cuộc đấu tranh “ai thắng ai” (20) đã được ông phân tích, giao giảng trước mọi người nhiều năm trước đó.

Vậy theo độc giả, trước khi chúng ta vẫn còn bị đảng tuyên truyền, giáo dục theo định hướng, có nên xin tiến sĩ Bùi Trường Giang, phó ban Tuyên giáo TƯ, tư vấn câu hỏi đang được bỏ ngỏ này: Đảng sẽ tiếp tục thu hoạch được gì từ cuộc vận động “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh”?

______

Chú thích:

1- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-06-CT-TW-to-chuc-cuoc-van-dong-hoc-tap-lam-theo-tam-guong-dao-duc-Ho-Chi-Minh-69697.aspx

2- https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/ay-manh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-ve-neu-guong-358992/

3- https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-chong-chu-nghia-ca-nhan-va-cong-tac-xay-dung-dang-hien-nay-122924

4- https://vi.wikipedia.org/wiki/Huy_hi%E1%BB%87u_B%C3%A1c_H%E1%BB%93

5- https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/8953-hoc-bac-tu-nhung-dieu-binh-di-phan-1.html

6- https://vtc.vn/nguoi-dau-bep-va-nhung-chuyen-thu-vi-ve-bua-an-cua-bac-ho-ar220540.html

7- https://www.vietnamplus.vn/nhung-lan-sinh-nhat-bac-qua-loi-ke-cua-dau-bep-trung-quoc/322190.vnp

8- https://www.youtube.com/watch?v=Y_DV8QbAFHY (phút 14:00 – 14:45)

9- https://www.wattpad.com/107760-hoi-ky-nguyen-dang-manh/ (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh Chương VII: Hồ Chí Minh (trang 121-131)

10- https://www.diendan.org/viet-nam/tu-lieu-hoang-tung-1920-2010-noi-ve-ho-chi-minh

11- https://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thoi-ky-qua-do-len-cnxh-o-viet-nam-gia-tri-va-nhung-luan-diem-can-bo-sung-123889

12- https://tuoitre.vn/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-vn-20210516203550852.htm

13- https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/con-duong-dan-toi-den-chu-nghia-lenin.htm

14- https://bqllang.gov.vn/danh-sach-khach-vieng.html?id=3241:nhung-cau-noi-hay-cua-bac-phan-1 (câu 18 và câu 25)

15- kinhtedothi.vn/nguyen-ai-quoc-su-hanh-da-tren-dat-xiem-bai-1-tang-hinh-giua-dai-ngan-nhan-sinh-384114.html

16- http://clb.tinhnguoi.vn/goc-yeu-thuong?baiviet=Chu-Tich-Ho-Chi-Minh-voi-dao-Phat-pid53.html

17- http://quehuongonline.vn/con-nguoi-viet-nam/minh-triet-ho-chi-minh-voi-phat-giao-13744.htm

18- https://www.rfa.org/vietnamese/binhluan/Land_Reform_P4_NMCan-20060520.html

19- https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh

20- Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa CNXH đã ra đời nhưng còn non yếu với CNTB đã bị đánh bại nhưng chưa bị xóa bỏ

🔝

19/05/2021 - bbc

Về di sản và bài học Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ngoại giao VN

Alex Bowie/Getty Images. Ông Nguyễn Cơ Thạch từng là Bộ trưởng Ngoại giao của nước CHXHCNVN trong hơn một thập niên, từ năm 1980 đến 1991

Một di sản có thể nói là quan trọng nhất, một đóng góp xuất sắc nhất và cũng là bài học để đời của cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch cho hậu thế, không chỉ cảnh tỉnh riêng giới ngoại giao, mà thức tỉnh toàn thể tâm thức của người dân Việt Nam chính là khái quát xuất thần của ông sau Hội nghị Thành Đô cảnh báo một thời kỳ mới 'rất nguy hiểm' đã bắt đầu, một cựu quan chức ngành ngoại giao Việt Nam nói với BBC hôm 18/5/2021 từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về sự kiện Việt Nam đang đánh dấu 100 năm sinh của cố Ngoại trưởng Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng phát biểu cảm tưởng:

"Dịp 100 năm ngày sinh của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch hoàn toàn xứng đáng được đánh dấu bằng các hoạt động cũng như hàng loạt các bài viết về ông Thạch như đã biết. Cho đến nay, chưa có nhà ngoại giao Việt Nam nào thời hậu chiến được quốc tế, kể cả phía bên kia, đánh giá cao như thế.

Tôi có phần hơi ngạc nhiên, nhân dịp này, một số nhà ngoại giao tự nhận là học trò và về sau trở thành đồng nghiệp của ông Thạch và cũng là những người lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam sau này, đã hé lộ một số bí mật cung đình.

Tuy chưa được nhiều, nhưng điều ấy cho chúng ta hiểu phần nào những cam go trong đấu tranh nội bộ, liên quan đến một số chủ trương lớn về đối ngoại, đối nội của đất nước. Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch xứng đáng đã đành, nhưng mặt khác, lịch sử bi tráng của các cuộc chiến ở Việt Nam, của chiến tranh Lạnh trong khu vực và thế giới, cũng như của quá trình đổi mới về kinh tế, về đối ngoại ở trong nước, cũng là những dịp góp phần tạo nên sự nổi tiếng ấy ở cá nhân ông. Ngạn ngữ nói "Thời thế tạo anh hùng" có lẽ cũng là từ góc nhìn này chăng."

'Kỷ niệm, tự hào'

Getty Images. Ông Nguyễn Cơ Thạch (bên phải) trong một sự kiện tại Hòa đàm Paris tại Saint-Nom-la-Breteche, Pháp, ngày 13/01/1973, cùng với các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ (từ trái sang)

BBC: Cá nhân ông có kỷ niệm nào về mặt cá nhân với ông Nguyễn Cơ Thạch?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Kỷ niệm đậm nhất về mặt cá nhân là, nếu không có ông Nguyễn Cơ Thạch thì một chuyên viên cấp thấp làm việc ở Vụ Khu vực Liên Xô - Đông Âu như tôi, khó có điều kiện để hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học, liên quan đến "Lý thuyết Hệ thống" trong nghiên cứu chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại của các nước.

Khi chân ướt chân ráo mới về Bộ Ngoại giao (năm 1972), tôi vinh dự được đi dịch một số lần cho Thứ trưởng, sau đó là Quốc vụ khanh Nguyễn Cơ Thạch. Trong các tiếp xúc quốc tế, đặc biệt trong các cuộc hội đàm kín, tôi cảm nhận được một số chiều kích, cũng như tầm cỡ nhà ngoại giao lớn Nguyễn Cơ Thạch. Đấy là những thời cơ hiếm hoi đối với một gã mới tập tễnh vào nghề.

Nhưng chẳng qua cũng ăn may thôi, vì bấy giờ tôi vừa tốt nghiệp ở Hungary, thì cũng là lúc Hungary trở thành uỷ viên của Ủy ban Quốc tế về Giám sát và Kiểm soát (ICSC) Hiệp định Paris (27/1/1973). Tiếng Hung lúc bấy giờ là "của hiếm", nhất là trong những lần phải đi dịch "đuổi" (simultaneous translation) tại các cuộc hội đàm.

Tất nhiên, những năm cuối đại học tôi cũng đã được một số lần tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam khi phục vụ các đoàn trong nước qua, nên có dịp so sánh các vị ấy với các ông Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Duy Trinh (tiền nhiệm của ông Thạch). Khi dạy tiếng Việt cho quan chức ngoại giao Hungary, tôi được nghe họ nói chuyện với nhau về ông Thạch.

Tôi cảm thấy tự hào cho đất nước có một nhà ngoại giao được thế giới ngưỡng mộ như thế.

Đóng góp, phong cách

Getty Images. Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch phát biểu, bên cạnh phu nhân, Dược sỹ Phan Thị Phúc, khi đến Sydney, Úc hôm 14 tháng 3 năm 1984

BBC: Ông có gì để nói về nhân cách, đóng góp cũng như phong cách ngoại giao của Nguyễn Cơ Thạch?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Đóng góp cũng như nhân cách và phong cách của ông Thạch cho nền ngoại giao nói riêng và sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung thì đợt này những người khác đã viết nhiều. Tôi chia sẻ với phần lớn những đánh giá ấy.

Tôi cho rằng, một trong những đóng góp lớn nhất của cố Ngoại trưởng là, cùng với lãnh đạo BNG, ông đã tìm cách hoá giải vấn đề Campuchia.

Tôi nhớ, có lần ông Thạch đã nói với Phái bộ ngoại giao Hungary, rút chân được ra khỏi "cái bẫy" Campuchia là giỏi lắm, nhưng tránh được "cái bẫy" ấy mới là thông minh. Tiếc là chúng tôi (tức là Việt Nam) chưa được thông minh. Còn câu chuyện "khai sơn phá thạch" trong quan hệ với Hoa Kỳ thì đã có rất nhiều tư liệu, các nhà nghiên cứu sẽ còn tiếp tục khai thác.

Ông Thạch có một tư duy "tráng kiện" về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ông ấy hiểu sâu sắc về các nước lớn, về vị thế của Việt Nam trong bàn cờ khu vực và thế giới. Nhưng tại sao Ngoại giao Việt Nam tại thời ông, vẫn bị "vấp" trong một số trường hợp? Tại sao Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị không được thực hiện một cách rốt ráo? Theo tôi, một thân lúa chín chẳng thể tạo ra được cả vụ mùa vàng.

Trong một cuộc họp hẹp, sau khi nghe về chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam, ông Thạch lưu ý mọi người tới cái thuật ngữ "hòn đá tảng" trong văn cảnh "quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam". Ông nói một cách dí dỏm, phải cẩn thận với "hòn đá tảng" ấy, không khéo nó có thể "đè nát chân" đấy.

Với Trung Quốc, tôi có đi nghe suốt mấy đêm liền, mà cũng chỉ là nghe lén thôi, tại Câu lạc bộ Đảng Xã hội ở 53 Nguyễn Du, hồi chưa bị giải thể, về chủ nghĩa Mao. Tôi nghe và chép lại thành một cuốn sổ dày và hết sức cảm kích trước những nghiên cứu có hệ thống của ông về Trung Quốc.

Hiểu Trung Quốc kỹ vậy mà bị "loại khỏi vòng chiến đấu" là một thiệt thòi không chỉ đối với riêng cá nhân ông.

Tất nhiên, ông Thạch cũng là sản phẩm của thể chế, của thời đại. Chúng tôi nhớ, ông giảng khá say sưa về việc Liên Xô đưa quân qua Afganistan và cho rằng, đó là biểu hiện về sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên sau chiến tranh, CNXH vượt khỏi biên giới châu Âu…

Ông ấy nghĩ thật thế hay buộc phải giảng cho chúng tôi như thế thì tôi không tường minh.

Di sản quan trọng nhất?

Hoang Dinh Nam/Getty Images. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp bỏ mũ trước linh cữu của ông Nguyễn Cơ Thạch tại đám tang cố Ngoại trưởng hôm 16/4/1998 tại Hà Nội, (phía sau, bên phải là Đại tướng Văn Tiến Dũng)

BBC: Đâu là di sản quan trọng nhất của ông Nguyễn Cơ Thạch, về mặt ngoại giao cũng như về mặt chính trị, lịch sử?

>TS. Đinh Hoàng Thắng: Có một di sản có thể nói là quan trọng nhất, một đóng góp có thể nói là xuất sắc và cũng là bài học để đời của Nguyễn Cơ Thạch cho hậu thế - không chỉ để cảnh tỉnh riêng giới ngoại giao, mà còn để thức tỉnh toàn thể tâm thức của Việt tộc - là khái quát xuất thần của ông sau Hội nghị Thành Đô: "Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!"

Nhận thức về ngoại giao nước lớn, về âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, về tính phổ quát của các hệ giá trị của kinh tế thị trường - nhà nước pháp quyền - xã hội công dân như là ba chân kiềng tạo nên nền móng phát triển đối với mọi quốc gia, vượt lên trên ý tức hệ. Di sản này cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt, ông là người, bằng mọi cách và qua nhiều con đường, đã góp phần truyền bá các kiến thức về "kinh tế thị trường" và "nhà nước pháp quyền" cho lãnh đạo Việt Nam.

Về nghiên cứu chính trị cường quốc, chính trị cường quyền, về văn hoá ngoại giao và lịch sử ngoại giao, ông Thạch là một trong số ít lãnh đạo Việt Nam dám đi tiên phong và cổ võ mọi người cùng đi theo ông. Nguyễn Cơ Thạch, nhất là về cuối đời, trong những lần chúng tôi vào thăm ông bên giường bệnh, vẫn canh cánh về nhận thức luận và phương pháp luận ngoại giao.

Ông chịu khó lắng nghe khi chúng tôi "đính chính" với ông là nên mở rộng nội hàm "phương pháp luận ngoại giao" thành "phương pháp luận nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính trị đối ngoại" cho phù hợp với cái khung của khoa học Quan hệ quốc tế.

Bettmann. Ông Nguyễn Cơ Thạch (đầu tiên, bên phải) tham dự một đàm phán tại Hòa đàm Paris năm 1973

BBC: Có di sản nào khác (kể cả là bài học) của ông Thạch theo Tiến sỹ vẫn còn thời sự và vẫn còn là thách đố, cần phải vượt qua đối với Việt Nam?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Đã có rất nhiều bài viết, thậm chí có cả Hội thảo khoa học về đề tài này, nhà báo có thể tham khảo qua các nguồn khác nhau.

Nhưng với cá nhân tôi, một trong những di sản nổi bật khác của ông Thạch là nỗ lực của ông và một số lãnh đạo BNG Việt Nam đưa chính sách đối ngoại trở lại "đường ray" của những năm 1950 và "đa dạng hoá", "đa phương hoá" nó.

Lúc bấy giờ Đại hội Đảng thời ấy đã khẳng định rất rõ, chính sách ngoại giao của Việt Nam "là dân tộc và dân chủ". Hai giá trị này "lấp lánh" suốt những thập kỷ dài của kháng chiến và chiến tranh Lạnh. Thực tiễn chứng minh, cũng có thời kỳ chính trị đối ngoại của Việt Nam đi lệch quỹ đạo này, thì ngay lập tức, đất nước phải trả giá, hầu như không có ngoại lệ. Di sản này là trường tồn.

Về thách đố phải vượt qua đối với Việt Nam? Ngày nay chúng ta đọc nhiều, nghe nhiều từ các thế hệ ngoại giao hậu Nguyễn Cơ Thạch, hậu Trần Quang Cơ nói và viết về bản lĩnh và tâm thế mới của nền ngoại giao hiện đại trong kỷ nguyên hội nhập. Liên quan vấn đề này, có hai thách đố lớn, mà suy cho cùng là "hai trong một" mà cũng là "một mà hai".

Thứ nhất, không tuân theo các giá trị phổ quát thì khó có được chính sách đối ngoại đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Trong kháng chiến, bên cạnh quân sự và ngoại giao, vai trò "Nhân dân" (Người cày có ruộng) nhiều khi quyết định. Hãy nhắc lại "Đồng khởi", cơ sở "Nội đô", phong trào "Phật giáo"… Còn "Ngoại giao Nhân dân" ngày nay? "Nhân dân Thế giới" nghĩ gì về Việt Nam, có ủng hộ Việt Nam như trước, khi bị cường quốc khác ức hiếp, là điều rất quan trọng.

Thứ hai, nếu chọn độc tài - toàn trị thì không thể nào khoả lấp được khoảng cách giữa thực trạng hiện nay với yêu cầu đối với hàng ngũ lãnh đạo mới. Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn chuyển đổi, trong đó các thế hệ "học trò" ông Thạch cùng lúc phải chiến đấu quyết liệt trên hai mặt trận: ứng phó với những thách thức khắc nghiệt của trật tự quốc tế phức hợp đang ló dạng và ứng phó với độ vênh ngày càng doãng rộng giữa đòi hỏi về an ninh - phát triển với khả năng hành động bị bó buộc của lãnh đạo quốc gia.

Nguyễn Cơ Thạch (1921 - 1998) tên thật là Phạm Văn Cương, là một chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSVN, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ), ông lãnh đạo Bộ Ngoại giao của Việt Nam từ tháng 2/1980 đến tháng 7/1991. Ông là cha của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Xem thêm về lịch sử ngoại giao:

🔝