Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
Nguồn hình ảnh, Pham Doan Trang. Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và mẹ |
Tổ chức PEN tại Đức vừa công nhận blogger bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang là thành viên danh dự của tổ chức này.
Ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch kiêm Đại diện Ủy ban 'Những người cầm bút bị giam cầm' của PEN tại Đức, xác nhận thông tin trên với BBC News Tiếng Việt hôm 19/5.
"Chúng tôi phong nhà báo Phạm Đoan Trang là thành viên danh dự vì bà là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam và đã bị bắt vì điều đó. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho thành viên danh dự Phạm Đoan Trang và đảm bảo với bà tình đoàn kết vô thời hạn của chúng tôi," ông Ralf Nestmeyer nói với BBC.
Đại diện pháp lý của Phạm Đoan Trang tại Úc, bà Hoa Nguyễn, cũng xác minh với BBC News Tiếng Việt thông tin này ngày 19/5.
Bà Hoa Nguyễn nói:
"Đây là một tin vui, là niềm động viên đối với Trang và gia đình, bạn bè trong cuộc chiến chống độc tài và bênh vực những người dân oan yếu thế.''
Website của PEN ngày 18/5 đăng một thông cáo bằng tiếng Đức có nội dung:
"Việt Nam: Phạm Đoan Trang trở thành thành viên danh dự của tổ chức PEN Đức.
"Trung tâm PEN của Đức phong nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang làm thành viên danh dự và yêu cầu bà phải được trả tự do ngay lập tức.
Bà là một trong những nhà chỉ trích chính phủ Việt Nam nổi tiếng nhất và bị bắt vào ngày 6/10/2020 tại căn hộ của bà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bà phải đối mặt với án tù 20 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước."
Ông Ralf Nestmeyer, Phó Chủ tịch kiêm Đại diện Ủy ban 'Những người cầm bút bị giam cầm' của PEN phát biểu trong thông cáo:
"Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đặc biệt hạn chế quyền tự do ngôn luận. Đảng Cộng sản khủng bố các những người làm truyền thông ở một cách nghiêm trọng, tới mức Trang không được liên lạc với gia đình và luật sư của bà."
Thông cáo của PEN nhắc lại các hoạt động của Phạm Đoan Trang đóng góp cho việc khai dân trí và ủng hộ dân chủ, như sáng lập tạp chí trực tuyến Luật Khoa và là biên tập viên TheVietnamese, hai kênh phổ biến kiến thức về luật pháp.
"Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp khiên Đoan Trang bị bắt"
Thông cáo cũng đề cập đến Báo báo Đồng Tâm mà bà Trang là chủ biên và công bố một tháng trước khi bị bắt.
"Vì công việc của mình, Trang nhiều lần lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng Việt Nam. Vào tháng 8/2018, bà bị cảnh sát giam giữ và phải nhập viện. Giờ đây, bà lại có nguy cơ bị ngược đãi trong tù. Năm 2014, bà được học bổng Feuchtwanger của Villa Aurora ở Los Angeles. Năm 2019, bà nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới," thông cáo viết.
Trên website, Tổ chức PEN tại Đức cho hay có trụ sở chính tại Darmstadt, là một trong hơn 150 hiệp hội nhà văn trên toàn thế giới được hợp nhất trong PEN Quốc tế. Hiệp hội này ban đầu được thành lập ở Anh vào năm 1921 nhằm ủng hộ tự do ngôn luận và được coi là tiếng nói của các nhà văn bị đàn áp.
Từ Úc, bà Hoa Nguyễn nói với BBC:
"Hành động đẹp của tổ chức Văn bút Đức có ý nghĩa đặc biệt. Việc nhận Phạm Đoan Trang là thành viên của họ trong khi chị bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giam cầm chính là tuyên bố bênh vực và ủng hộ chị. Nó cũng nói lên thái độ của tổ chức này, và cho nhà cầm quyền Việt Nam biết tổ chức nước ngoài và cộng đồng quốc tế nghĩ gì về vụ việc của Phạm Đoan Trang."
Cũng theo bà Hoa Nguyễn, tới ngày 19/5, tức hơn 7 tháng sau khi bị bắt giữ, bà Phạm Đoan Trang vẫn chưa được gặp người thân và chưa được tiếp xúc với luật sư.
Cách đây một tháng, bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ Phạm Đoan Trang, đã làm đơn gửi Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội và Thủ trưởng Cơ quan điều tra TP Hà Nội, đề nghị được gặp con.
"Nhưng lá đơn của bà Căn tới nay không có hồi âm," bà Hoa Nguyễn nói với BBC.
Lá đơn xin thăm gặp con của mẹ blogger Phạm Đoan Trang |
Phạm Đoan Trang là nhà báo, blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng. Bà viết nhiều sách gây tiếng vang như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực.
Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.
Bà Trang từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Séc.
Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục "Ảnh hưởng".
Nguồn hình ảnh, Pham Doan Trang. Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế |
Năm 2019, khi bà Trang nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, báo Công an Nhân dân viết:
"Tổ chức Phóng viên không biên giới lại giở chiêu trò trao giải Tự do báo chí, hạng mục 'Ảnh hưởng' cho Phạm Đoan Trang, đối tượng từng có nhiều hành động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền vu cáo, xuyên tạc tình hình Việt Nam."
Bà Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Bà Trang đối diện án tù nặng nhất là 20 năm.
Nguồn hình ảnh, Phạm Đoan Trang. Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang cũng là người phát ngôn của NXB Tự do cùng các ấn phẩm do NXB Tự Do phát hành. |
Blogger Phạm Đoan Trang của Việt Nam được nhận giải Tự do Báo chí năm 2019. Photo RSF. |
Nhiều nhà hoạt động loan tin vào sáng 7/10 rằng bà Phạm Đoan Trang, người tích cực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, bị nhà chức trách Việt Nam bắt lúc gần nửa đêm hôm 6/10 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, Bạch Hồng Quyền, Mạnh Kim, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Quang A… đăng lên Facebook cá nhân cho hay công an Việt Nam bắt bà Trang tại một nhà trọ lúc 11h30 đêm.
Chiều 7/10, một loạt các báo nhà nước trong đó có Thanh Niên, Tuổi Trẻ đăng tin xác nhận vụ bắt giữ đã diễn ra.
Các báo dẫn lời Bộ Công an cho hay Công an thành phố Hà Nội “chủ trì phối hợp” với một số đơn vị của bộ và Công an TP.HCM thi hành “lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang”.
Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản báo cáo mới phổ biến trên truyền thông. |
---|
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên |
Bà Trang, 42 tuổi, bị khởi tố về các tội "tuyên truyền chống nhà nước” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, và tội "làm, phát tán thông tin nhằm chống nhà nước” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, các báo tường thuật, dẫn thông tin từ Bộ Công an.
Việc bắt giữ này diễn ra sau khi Việt Nam và Mỹ tiến hành đối thoại nhân quyền trong ngày 6/10. Giới quan sát xem đó như là một động thái thể hiện thái độ rõ ràng của Hà Nội về nhân quyền.
Nhà hoạt động nữ Phạm Thanh Nghiên, một người bạn thân thiết của bà Trang, cho biết qua Facebook cá nhân rằng mẹ của bà Trang “chết lặng người, không nói được gì” khi bà Nghiên báo tin về vụ bắt bớ.
Mặc dù nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách về nhân quyền, dân chủ, cũng như vố số bài bình luận, song bạn bè trong giới tranh đấu với bà Trang nhận định rằng lý do dẫn đến vụ bắt giữ là cuốn Báo cáo Đồng Tâm do bà và ông Will Nguyễn ở Mỹ làm đồng tác giả.
“Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản báo cáo mới phổ biến trên truyền thông”, bà Phạm Thanh Nghiên bày tỏ trên mạng xã hội.
Trang bìa Báo cáo Đồng Tâm, phiên bản thứ ba, công bố ngày 25-9-2020. |
Nội dung của ấn phẩm - dày 128 trang bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, được công bố hồi cuối tháng 9 - nói về vụ đụng độ giữa công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hồi đầu tháng 1/2020 do tranh chấp đất đai, khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, và ba công an thiệt mạng.
Báo cáo cũng nêu các diễn biến sau đó cho tới hết phiên xét xử sơ thẩm trong nửa đầu tháng 9, trong đó, chính quyền tuyên án tử hình đối với 2 người dân, 27 người khác bị kết án từ tù treo đến tù chung thân.
Bà Phạm Đoan Trang phát biểu trên đài SBS hôm 28/9 về mục đích viết Báo cáo Đồng Tâm: “Chúng tôi muốn ghi lại vì cộng sản không sợ gì bằng việc bị ghi lại và bị phê bình. Khi bị ghi lại họ sẽ cảm thấy không an tâm”.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng cộng đồng người Việt có thể dùng báo cáo này như một công cụ để vận động cho người dân Đồng Tâm nói riêng và vận động cho các vấn đề đất đai hay nhân quyền Việt Nam nói chung”, bà nói thêm.
Ở Mỹ, nhà hoạt động vì dân chủ Will Nguyễn đăng lên bức thư bằng tiếng Việt và tiếng Anh của bà Phạm Đoan Trang mà ông nói là bà Trang để lại cho ông, nhờ ông công khai khi bà bị bắt.
Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 mở đầu với câu “Nếu tôi có đi tù…”, bà Trang thể hiện sự bình thản về việc có thể phải đi tù vì đấu tranh cho tự do.
Phản Kháng Phi Bạo Lực, sách của Phạm Đoan Trang |
Đồng thời, qua thư, bà kêu gọi bạn bè giúp hoàn thành các mục đích gồm vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; quảng bá các cuốn sách do bà viết; và tận dụng việc bà bị bỏ tù để đàm phán, gây sức ép với chính quyền, buộc chính quyền thực hiện các yêu cầu của giới tranh đấu.
Tôi không cần tự do cho riêng mình … Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn. |
---|
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang |
Nhà hoạt động nữ nêu ra những cuốn sách bà mong phổ biến nhiều nhất là Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực, Chúng ta làm báo, Politics of a Police State, và các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.
Bà Phạm Đoan Trang cũng nêu ra nguyện vọng là bạn bè chăm sóc cho người mẹ của bà, bên cạnh đó là bảo vệ các anh trai và chị dâu vì họ bị công an đe dọa rất nhiều.
Dự liệu về việc bạn bè sẽ đấu tranh, vận động để bà được trả tự do, bà Trang bày tỏ mong muốn được thả và vẫn ở Việt Nam, không bị trục xuất.
Kết thúc bức thư, bà viết: “Tôi không cần tự do cho riêng mình … Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn”.
Cách đây hơn một năm, hồi tháng 9/2019, với tư cách là nhà báo tự do, blogger, đồng thời là một nhà đấu tranh dân chủ có tiếng ở Việt Nam, bà Trang được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Tự do Báo chí của năm 2019, ở hạng mục Ảnh Hưởng.
Bà Trang không thể đến dự lễ trao giải, do lo ngại rằng nếu xuất cảnh, bà có thể không được cho nhập cảnh trở lại Việt Nam. Một người khác đã làm đại diện cho bà Trang để nhận giải.
Bà Phạm Đoan Trang, một blogger, tác giả đối lập nổi bật ở Việt Nam. |
Tối ngày 7/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang và cho biết phía Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ vụ bắt bớ này.
Phản hồi yêu cầu bình luận của VOA Tiếng Việt ngay sau khi bà Phạm Đoan Trang bị bắt, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi lo ngại trước tin loan rằng tác giả Phạm Đoan Trang đã bị lực lượng an ninh ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt vào ngày 6/10. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự việc này”.
“Việc bắt giữ bà có thể ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam. Chúng tôi hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động và luật pháp của họ phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”, tuyên bố nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận: “Tự do báo chí là nền tảng của sự minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các tác giả, blogger và nhà báo thường làm công việc với rủi ro lớn, và vì vậy chính phủ và công dân trên toàn thế giới có nhiệm vụ phải lên tiếng bảo vệ họ”.
Bà Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, một blogger, tác giả đối lập nổi bật trong nước, bị công an bắt tạm giam hôm 6/10 tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, để điều tra về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” với mức án có thể lên tới 20 năm tù.
Chủ tịch IPA: ‘Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường của Phạm Đoan Trang’
Nhận định của giới tranh đấu tại Mỹ
Việc bắt giữ này diễn ra sau khi Việt Nam và Mỹ tiến hành đối thoại nhân quyền trong ngày 6/10. Giới tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam tại Mỹ xem đó như là một động thái thể hiện thái độ rõ ràng của Hà Nội về nhân quyền, đặc biệt trong bối cảnh trước Đại hội Đảng 13 ở Việt Nam và bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Ông Nam Khánh, một nhà hoạt động dân chủ ở Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA:
“Theo nhận định chủ quan của tôi thì đây là một vụ bắt giữ đã được chính quyền Việt Nam tính toán kỹ lưỡng về thời điểm. Vì cô Đoan Trang rõ ràng là một trong những nhà hoạt động có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam từ trước đến nay”.
“Ngoài việc ‘dọn dẹp’ sạch trước Đại hội 13 của Đảng, nó cũng diễn ra ngay sau khi Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 24 kết thúc chưa đầy 24 giờ đồng hồ, và cũng ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, rõ ràng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, ông Nam Khánh bình luận.
Ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ chính quyền Việt Nam muốn gửi đến người Mỹ một thông điệp hoặc thậm chí là một sự thách thức rằng: Không ai có thể bắt họ phải thay đổi ‘luật chơi’, họ vẫn có thể cai trị bằng bạo lực và nhà tù mà không sợ bị mất đi mối quan hệ kinh tế, ngoại giao hữu hảo với Mỹ hay các nước dân chủ khác”.
Vẫn theo ông Nam Khánh: “Việc bắt giữ một nhà hoạt động có ảnh hưởng như vậy cũng là một sự thăm dò đối với chính quyền mới của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nếu phía Mỹ đáp lại là sự im lặng hoặc hời hợt, chính quyền Việt Nam biết rằng Mỹ đã chọn chơi theo luật của họ”.
‘Đoan Trang luôn có niềm tin vào việc mình làm’
Ông Will Nguyễn, một nhà tranh đấu cho Việt Nam và từng bị chính quyền truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” do tham gia biểu tình ở TP.HCM năm 2018, cho VOA biết rằng Báo cáo Đồng Tâm và các quyển sách do bà Phạm Đoan Trang viết có thể là nguyên nhân khiến bà bị bắt.
Được biết, trước khi bị bắt bà Phạm Đoan Trang có trao cho viên chức Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM bản Báo cáo Đồng Tâm - viết về vụ đụng độ giữa công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hồi đầu tháng 1/2020 do tranh chấp đất đai, khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, và ba công an thiệt mạng.
Báo cáo Đồng Tâm do bà Phạm Đoan Trang và ông Will Nguyễn đồng tác giả.
Ông Will Nguyễn cho biết thêm rằng bà Phạm Đoan Trang đã hai lần gửi thư có tựa đề “Nếu tôi có đi tù” cho ông nhờ chỉnh sửa bản tiếng Anh và nhờ ông công bố nếu bà bị bắt. Theo nhận định của ông Will Nguyễn bà Phạm Đoan Trang biết trước “không sớm thì muộn bà sẽ bị bắt.”
Đại sứ EU nêu vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang với Bộ Công an Việt Nam, ngày 4/11/2020. Photo ANTV. |
Hôm 5/11, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết ông và các đại sứ của khối này vừa nêu vấn đề nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt giữ với Bộ Công an Việt Nam trong nỗ lực nhằm kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận và nhân quyền.
“Quyền tự do bày tỏ và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng,” Đại sứ Aliberti viết trên Twitter.
Đại sứ EU Giorgio Aliberrti thông báo trên Twitter về cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam. |
Đài truyền hình ANTV của Bộ Công an hôm 4/11 loan tin rằng trong cuộc gặp với Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Công an, Đại sứ Aliberti có trao đổi, chia sẻ mối quan tâm về việc bà Phạm Đoan Trang bị bắt ngày 07/10/2020 về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.”
Quyền tự do bày tỏ và tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần phải được tôn trọng. |
---|
Đại sứ Giorgio Aliberti |
Tin cho hay Đại sứ Giorgio Aliberti, cùng các Đại sứ khác bao gồm cả Đại sứ Anh và đại diện Nhóm Bảo vệ quyền tự do cho các nhà báo gồm liên minh 37 nước thành viên nêu quan điểm cho rằng bà Phạm Đoan Trang chỉ là người thực hiện “quyền tự do ngôn luận của mình.”
ANTV dẫn lời Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định rằng những đánh giá của các nước về việc bắt giữ Phạm Đoan Trang “chưa phản ánh đúng khách quan về bản chất hành vi của đối tượng này.”
Việt Nam sẽ ban hành ‘Bộ quy tắc tham gia mạng xã hội’ trong năm 2020
Ông nói: “Tự do và các quyền con người cơ bản luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, ghi nhận và đảm bảo. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, quyền con người có thể bị hạn chế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này được ghi nhận trong luật pháp quốc tế và Hiến pháp 2013 của Việt Nam.”
Ông Sơn nói rằng bà Phạm Đoan Trang thực chất đã “lợi dụng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận xâm phạm an ninh quốc gia được luật pháp Việt Nam bảo vệ, thuộc những trường hợp bị hạn chế quyền phù hợp với quy định của Luật Nhân quyền quốc tế.”
Ông Cục trưởng khẳng định rằng việc bắt giữ bà Đoan Trang “là đúng pháp luật và được Viện Kiểm sát phê chuẩn.”
Trước đó, vào ngày 9/10, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Tomas Petricek cũng lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.
“Tôi đã rất lo lắng về việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang, người đoạt giải thưởng Homo Homini của Séc năm 2017. Giải thưởng tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và các giải pháp hòa bình cho các xung đột chính trị,” Ngoại trưởng Petricek viết trên Twitter.
Ông Petricek viết thêm: “Tôi yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho cô ấy và tôi kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam tôn trọng các cam kết luật pháp quốc tế.”
Chụp lại hình ảnh, Phạm Đoan Trang |
Không lâu sau khi nhà báo tự do, nhà hoạt động xã hội dân sự Phạm Đoan Trang bị chính quyền bắt giữ tại Sài Gòn hôm 07/10/2020, quốc tế và khu vực, cũng như giới quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước và hải ngoại đã có những phản ứng ban đầu.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt
Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào?
Bà Phạm Đoan Trang được giải Tự do Báo chí 2019
Phạm Đoan Trang: NXBTD bị trấn áp vì muốn khai dân trí và nói sự thật
Từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) khu vực, Phó giám đốc Phil Robertson khu vực châu Á, trong một tuyên bố chính thức hôm thứ Tư lên án vụ bắt giữ và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người vừa bị bắt:
"Phản ứng như thiêu đốt của Việt Nam đối với bất đồng chính kiến được trưng bày cho tất cả mọi người xem với vụ bắt giữ blogger và tác giả nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Mặc dù phải hứng chịu nhiều năm bị chính quyền quấy rối có hệ thống, bao gồm cả các cuộc tấn công nặng nề, bà vẫn trung thành với các nguyên tắc vận động hòa bình cho nhân quyền và dân chủ.
"Cách tiếp cận sâu sắc của bà đối với cải cách và yêu cầu người dân tham gia thực sự vào hoạt động quản trị của họ, là những thông điệp mà Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe và tôn trọng, không kìm nén.
"Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án mạnh mẽ việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang. Mỗi ngày cô ấy sống sau song sắt là một sự bất công nghiêm trọng, vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam và gây ô nhục cho chính phủ. Các chính phủ trên khắp thế giới và Liên Hợp Quốc phải ưu tiên trường hợp của cô ấy, thay mặt cô ấy nói to và nhất quán, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô ấy".
Từ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), cùng ngày, trong một tuyên bố có tựa đề "Việt Nam: Nhà vô địch nhân quyền bị bắt, có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng", Phó Giám đốc Khu vực của tổ chức này, Ming Yu Hah, gọi đây là một hành động đáng 'chê trách' của chính quyền và kêu gọi thả tự do vô điều kiện cho nhà báo, nhà hoạt động:
"Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Bà là một nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Bà đã truyền cảm hứng cho vô số nhà hoạt động trẻ lên tiếng vì một Việt Nam công bằng, hòa nhập và tự do hơn.
"Phạm Đoan Trang phải đối mặt với nguy cơ sắp bị tra tấn và đối xử tệ bạc dưới bàn tay của chính quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
"Phạm Đoan Trang đã phải đối mặt với sự ngược đãi do công việc của bà là một nhà bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ kể từ khi bà trở về Việt Nam vào năm 2015. Trước đó, bà đã phải nhập viện sau khi bị tra tấn và chịu bạo lực về giới sau vụ bắt giữ tùy tiện với bà vào năm 2018".
Cũng hôm 07/10, hãng tin Anh Reuters đưa tin về sự việc trong một bản tin cho hay "Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ", bản tin viết:
"Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì "các hoạt động chống nhà nước" vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…
"… Mặc dù cải cách kinh tế sâu rộng và ngày càng cởi mở hơn với thay đổi xã hội, đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam rất ít dung thứ sự chỉ trích và đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội đảng quan trọng vào tháng Một năm sau."
Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang cũng là người phát ngôn của NXB Tự do cùng các ấn phẩm do NXB Tự Do phát hành. Nguồn hình ảnh, Phạm Đoan Trang |
Cùng hôm thứ Tư, từ Việt Nam và hải ngoại, một số nhà hoạt động và quan sát xã hội và thời sự Việt Nam nêu phản ứng của mình về sự việc.
Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí, nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, từ Đài Bắc, Đài Loan nói với BBC:
"Như mọi người đã biết, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố bị can bà Phạm Đoan Trang theo tội danh quy định theo cả điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999 và cả điều 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam 2015.
"Điều này có nghĩa bà Phạm Đoan Trang sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi xảy ra từ kể cả trước ngày 01/01/2018, lẫn như từ ngày 01/01/2018 trở lại đây, ngày 01/01/2018 là ngày Bộ Luật hình sự mới có hiệu lực.
"Vì vậy có thể thấy sẽ có nhiều hành vi của Đoan Trang từ nhiều năm qua sẽ được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng."
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện Chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói với BBC:
"Tôi cho rằng đây là một vụ đàn áp trắng trợn chống lại những tiếng nói khác với ý của ĐCSVN, chống lại những quyền tự do báo chí, xuất bản và biểu đạt đã được Việt Nam cam kết tôn trọng trong luật quốc tế (ICCPR, mà Việt Nam đã tham gia từ đầu những năm 1980 và cũng được ghi trong Hiến Pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền đó của mọi công dân. Đáng tiếc nhằm để hợp pháp hoá những sự vi phạm như vậy bộ Luật Hình sự đã đưa vào những quy định mơ hồ như tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999; và tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam " quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
"Theo tôi, xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả (vì nó gồm lãnh thổ, dân cư, bộ máy nhà nước và các dự án nhà nước); nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền (tức là những người con người cụ thể làm các chức năng cụ thể trong các bộ máy nhà nước) khi chính quyền ấy làm bậy (chính ông Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân đuổi chính phủ nếu chính phủ làm không tốt việc phục vụ dân). Đáng tiếc ĐCSVN đánh đồng chính quyền với nhà nước và tạo ra các điều luật hay các tội danh mù mờ để họ có thể diễn giải việc bắt bất cứ ai làm những điều hợp hiến, hợp luật quốc tế như Phạm Đoan Trang đã làm và bắt bớ, bỏ tù những người người như vậy. Phải đấu tranh để đòi ĐCSVN thực hiện đúng luật quốc tế, đúng Hiến pháp mà chính nó tạo ra."
Ấn phẩm của NXB Tự Do chủ yếu về chính trị, xã hội và luật pháp. Nguồn hình ảnh, NXB TỰ DO |
Cũng từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an Việt Nam, bình luận:
"Tôi thấy đây tiếp tục là một diễn biến đáng lo ngại cho không khí tự do dân chủ ở Việt Nam, trong lúc một số nhà báo tự do, blogger đã nối tiếp nhau vị bắt từ cuối năm ngoái tới giờ, vụ Đồng Tâm vừa mới xử sơ thẩm. Đặc biệt lại đang diễn ra Hội nghị trung ương, và cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ."
Từ Paris, nhà báo tự do Tường An, nhà hoạt động xã hội dân sự và vận động cho công đoàn độc lập, nói:
"Tôi thấy cả bất ngờ lẫn không bất ngờ trước sự kiện này, bất ngờ là vì báo chí của nhà nước Việt Nam hôm 07/10 cho biết cơ quan an ninh điều tra và tổ công tác Hà Nội đã hợp tác với tổ công tác thuộc Bộ công an tại TP Hồ Chí Minh để bắt nhà báo Phạm Đoan Trang vào đêm 6/10.
"Nhưng cũng trong ngày hôm đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc đối thoại Nhân quyền lần thứ 24. Họ như thế đã bắt một người đấu tranh cho Nhân quyền ngay trong ngày đối thoại về Nhân quyền.
"Còn điều mà tôi không bất ngờ là tại Việt Nam, mỗi người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và lao động tại Việt Nam lúc nào cũng là một tù nhân dự khuyết.
"Nhất là nhà báo Đoan Trang lại là một người hoạt động rất tích cực và hiệu quả, từ lâu cô đã là cái gai trong mắt của nhà cầm quyền. Chính cô cũng đã từng nói rằng cô có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Đây là điều mà nhiều người đoán trước sẽ xảy ra, chỉ không biết là lúc nào thôi."
Bình luận thêm về bối cảnh của vụ bắt giữ, và điều gì có thể là mục tiêu hay mong muốn của chính quyền qua vụ bắt nhà hoạt động, các nhà quan sát từ hải ngoại và Việt Nam nói:
"Chúng ta rất khó biết là chính quyền muốn điều gì, hiện nay về bối cảnh, Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 sắp tới trong chỉ còn vài tháng nữa thôi, Hội nghị 13 Ban chấp hành TƯ đảng CSVN đang diễn ra, và ở quốc tế thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng sắp diễn ra đầu tháng tới, bối cảnh theo tôi là rất phức tạp với quá nhiều yếu tố đang xảy ra," ông Trịnh Hữu Long bình luận.
"Tôi nghĩ rằng việc bắt giữ Phạm Đoan Trang nằm đâu đó trong một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bô đảng cầm quyền và có đó trong nội bộ đảng này đang cần lập một chiến công lớn để được ghi nhận, để được đề bạt vào những chức vụ cao hơn trong ban lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản trong thời gian tới.
"Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động dân chủ thuộc hàng nổi tiếng nhất, hiệu quả nhất ở Việt Nam, và việc bắt giữ Phạm Đoan Trang, theo tôi phải đến từ các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng và chính quyền, chứ không thể nào chỉ đến từ cấp lãnh đạo chỉ như Ủy viên Trung ương đảng hay cấp Thứ trưởng được."
"Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp khiên Đoan Trang bị bắt"
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
"Tôi thấy rằng ngoài những hoạt động của bà Đoan Trang trong nhiều năm nay làm chính quyền khó chịu, thì tài liệu Báo cáo Đồng Tâm mới đây có lẽ làm họ khó chịu hơn nữa, dẫn tới quyết định bắt giữ.
"Tuy nhiên, việc bắt giữ bà Đoan Trang ngay sau khi bà gặp đại diện Tòa Lãnh sự Mỹ và đúng lúc cuộc Đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ đang diễn ra là một hiện tượng quá lạ. Về ngoại giao, nó như một kiểu "vỗ mặt" với phía Mỹ, trong lúc quan hệ hai nước đang tốt đẹp chưa từng thấy và rất cần nhau quanh việc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Không lẽ lại có chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hay thậm chí là những khúc mắc nội bộ khó thấy hết bên trong?
"Vì vậy, thật khó đoán mục đích khác thường của việc bắt giữ, ngoài chuyện bình thường là trấn áp các hoạt động liên quan quyền tự do dân chủ của người dân, cùng với mục tiêu phục vụ phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, nếu như sẽ diễn ra trước Đại hội 13."
Ông Nguyễn Quang A bình luận:
"Đơn giản, tôi thấy rằng sắp diễn ra đại hội của ĐCSVN và trước đại hội họ muốn bóp nghẹt tiếng nói khác họ. Nguyên nhân họ vin vào các điều luật vi hiến, trái với luật quốc tế như nêu ở trên thì bất kể ai có tiếng nói khác với ĐCSVN đều có thể là các ứng viên tù nhân nếu họ không im miệng và ngoan ngoãn nghe theo ĐCSVN. Chính quyền vi phạm Hiến pháp bằng việc bắt bớ hẳn là muốn bịt miệng Đoan Trang và đe doạ những người khác."
Còn từ Paris, bà Tường An nói:
"Như tôi đã bày tỏ rằng khá bất ngờ khi nhà cầm quyền CSVN bắt nhà báo Phạm Đoan Trang vào lúc mà giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa có cuộc đối thoại về Nhân quyền. Với lực lượng công an hùng hậu, nếu muốn, họ có thể bắt cô ấy bất cứ lúc nào.
"Nhưng có một số câu hỏi mà tôi thấy được đặt ra qua đây rằng tại sao họ lại chọn thời điểm này? Hay có lẽ hồ sơ Đồng Tâm mà cô Phạm Đoan Trang vừa hoàn thành cùng với Will Nguyen là giọt nước làm tràn ly? Và họ sợ rằng ngoài 64 dân biểu Âu châu gửi kiến nghị vừa qua sẽ có thêm những dân biểu khác ở Âu châu và trên thế giới lên tiếng nữa chăng? Và sau khi đã đạt được các hiệp định Hiệp thương CPTPP, EVFTA, họ muốn cho thế giới tự do biết rằng họ bất chấp áp lực từ hai hiệp thương này?
Về hệ quả, hệ lụy thậm chí là hậu quả nếu có của vụ bắt giữ, truy tố nhà hoạt động, các ý kiến nhân dịp này bày tỏ quan điểm với BBC.
"Tôi thấy vẫn tương tự như các vụ bắt giữ, xét xử những nhân vật tiếng tăm trong giới tranh đấu cho dân chủ, vụ việc này sẽ khuấy động đáng kể dư luận trong nước và quốc tế, vì bà Phạm Đoan Trang là nhân vật nổi tiếng từ lâu, một người đã dấn thân, hy sinh tuyệt đối cho lý tưởng của mình," ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận.
Ông Trịnh Hữu Long nói: "Áp lực quốc tế đối với vụ bắt giữ, truy tố và có thể gọi luôn là vụ án này, chúng ta có thể kỳ vọng là sẽ rất lớn, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức chính phủ nước ngoài, Liên Hợp quốc v.v… sẽ có thể lên án rất kịch liệt."
"Bởi vì như đã nói, Đoan Trang không phải là một nhà hoạt động thông thường, cô là một nhà hoạt động rất nổi bật và được cộng đồng quốc tế biết đến rất nhiều. Vì thế, áp lực quốc tế theo tôi chắc chắn sẽ lớn.
"Tuy nhiên nó sẽ lớn giống như là vụ Lê Công Định hay là vụ Cù Huy Hà Vũ, chứ nó cũng khó mà lớn hơn và khó làm xoay chuyển được tình thế. Hậu quả về mặt quốc tế đối với chính phủ Việt Nam hiện nay ít, vì họ không còn hay không có trong tay một vụ đàm phán Hiệp định Thương mại nào với các chính phủ nước ngoài nữa.
"Cho nên thiệt hại kinh tế cho chính phủ Việt Nam tôi chưa thấy gì, song thiệt hại lớn mà họ có thể gánh chịu mà tôi thấy là việc bắt một Đoan Trang sẽ sinh ra rất nhiều Đoan Trang khác, vì việc bắt giữ cô chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của nhiều người đã theo dõi và ủng hộ Đoan Trang từ xưa đến nay và chắc chắn cũng sẽ giúp cho nhiều người mới biết đến cô và nguồn cảm ứng từ cô hơn."
Ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm:
"Chắc chắn vụ bắt giữ Đoan Trang sẽ tạo ra những hệ quả nghiêm trọng vì nó bót nghẹt các tiếng nói khác biệt tức là nó cản trở sự phát triển của đất nước; nó cũng có thể gây ra nhiều sự phản kháng từ các tổ chức quốc tế; nó gây ra sự phẫn uất trong dư luận trong nước; nó cho thấy chỉ những kẻ yếu mới viện đến những biện pháp đàn áp thô bạo như thế với công dân của mình; chính quyền tưởng bắt Phạm Đoan Trang sẽ làm nhụt chí những người khác, họ lầm to vì tôi cũng thấy những sự đàn áp như vậy chỉ khiến nhiều người quyết tâm hơn hay nhiều người nhìn thấy sự vô pháp của chính quyền và như thế thực sự hại cho chính quyền."
Bà Tường An nói:
"Phạm Đoan Trang là một người hoạt động nổi tiếng, tên tuổi cô được các tổ chức Nhân quyền và các chính trị gia trên thế giới biết đến. Cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Tôi tin chắc rằng, ngoài những người Việt đấu tranh ở trong cũng như ngoài Việt Nam, chắc chắc các tổ chức nhân quyền và các cơ quan quốc tế, các dân biểu, nghị sĩ sẽ lên tiếng, và lên tiếng mạnh mẽ.
"Tôi rất hy vọng sự việc này sẽ thêm một bằng chứng nữa để thế giới thấy rằng: nhà nước CSVN luôn luôn hứa hẹn những điều tốt đẹp, nhưng khi đã đạt được mục tiêu thì họ có thể phủ nhận hết tất cả những gì họ đã hứa hẹn. Việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang cũng như những tù nhân lương tâm khác cho thấy điều mà EU tin rằng : "Phê chuẩn EVFTA là để thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam " chỉ là một ảo tưởng.
Hôm 07/10 nhiều báo chính thống từ Việt Nam đưa tin vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, trong đó trang mạng hay Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an Việt Nam cho hay nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
"Ngày 07/10/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã chủ trì phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang tại địa chỉ phòng 6 - lầu 1 - 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Bộ Công an Việt Nam cho biết.
"Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Thị Đoan Trang (sinh ngày 27/5/1978; hộ khẩu thường trú: phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; hiện ở: phòng 6 - lầu 1 - 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
"Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra theo đúng quy định của pháp luật," vẫn theo Bộ Công an Việt Nam.