PNTĐ-“Đạo văn” nghiêm trọng mà vì sao vẫn được phong hàm Giáo sư, là vấn đề đang gây bức xúc ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong giới Ngôn ngữ học.
Người bị tố “đạo văn” là ông Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
“Đạo văn” có hệ thống
Ông Nguyễn Đức Tồn ngay từ khi còn là Phó Giáo sư (PGS), làm Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (thuộc Viện Ngôn ngữ), đã ngang nhiên "đạo văn" ngay các tác phẩm của tác giả in trên tạp chí Ngôn ngữ, ông Tồn "biến" thành của mình.
Cụ thể là: trong cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) tác giả Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn đã “bê” nguyên xi bài báo in trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001 “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà. PGS Tồn chỉ thay đổi tí chút ở đầu đề, rồi ngang nhiên chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”. Trong khi đó, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà đã được công bố trước khi cuốn sách của ông Tồn ra đời, lại không hề ghi tên ông này. Thời điểm đó, dư luận ở Viện Ngôn ngữ học và giới khoa học ngôn ngữ cũng đã "dậy sóng" bức xúc tố ông Nguyễn Đức Tồn rằng, ông là Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nơi đăng bài của Ths Hà nên có quyền lấy bài đưa vào sách của mình và biến tác giả của nó thành một “kẻ ăn theo” bằng dòng chữ “có sự cộng tác”!
Tiếp theo truyền thống "đạo văn" này, năm 2002 ông Tồn lại xuất bản tiếp cuốn sách: “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), thì ngay lập tức ông Tồn bị tố đã "đạo" hoàn toàn 2 luận án của 2 người khác để "hô biến" thành quyển sách của ông. Luận án thứ nhất bị ông Tồn “đạo” là luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn của tác giả Nguyễn Thúy Khanh, đề tài: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học (ông Nguyễn Đức Tồn là người hướng dẫn).
Các chuyên gia của ngành Ngôn ngữ đã so sánh là ngoài phần mở đầu và tài liệu tham khảo, luận án PTS của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang chính, thì có tới 82 trang trùng với sách của ông Tồn, và phần lớn số trang trùng nhau đều chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Vì luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được công bố 6 năm trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn xuất bản, hơn nữa khi làm luận án khoa học người thực hiện phải cam kết “đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không có sự trùng lặp, sao chép từ bất kỳ một đề tài luận án hay công trình nghiên cứu khoa học nào của các tác giả khác”, cho nên có thể khẳng định: ông Nguyễn Đức Tồn đã “đạo” của nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh! Luận văn thứ 2 bị ông Tồn "đạo" là luận văn tốt nghiệp đại học:
“Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 36 (1991-1995), do GS.TS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn. Ngoài phần mở đầu và mục tài liệu tham khảo, luận văn của tác giả Cao Thị Thu có 3 chương (74 trang) thì chương thứ hai (từ trang 20 đến trang 49) bao gồm kết quả nghiên cứu như: tư liệu, bảng biểu thống kê, ý tưởng khoa học và nhiều trang nhiều đoạn, được in nguyên xi trong sách của ông Tồn. Riêng chương ba của Luận văn (từ trang 50 đến trang 75) thì xuất hiện gần như nguyên bản vào chương thứ 8 trong sách của ông Tồn. Chỉ rõ việc “đạo văn” của ông Tồn, GS Lê Huy Bắc đã đưa lên fb của mình chi tiết đến kinh ngạc.
Cần tước danh hiệu giáo sư do “đạo văn” mà có
Đem những bức xúc của dư luận về việc ông Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học thuộc Học viện KHXH, trong công trình nghiên cứu khoa học (sách) của mình đã sao chép hàng trăm trang luận văn, luận án của người khác mà vẫn được phong GS, chúng tôi phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Lợi (nguyên Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) có biết thông tin này không và ý kiến của GS về thông tin này?
GS.TS Nguyễn Văn Lợi cho biết: "Đúng là tôi đã tham gia với tư cách Thư kí HĐ Chức danh GS ngành Ngôn ngữ học nhiệm kì 2000-2007. HĐ gồm: GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng (Chủ tịch), GS.TS Đinh Văn Đức (Phó Chủ tịch), GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Thư kí), GS.TS Lê Quang Thiêm (Ủy viên), GS.TS Nguyễn Thiện Giáp (Ủy viên), GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Ủy Viên), GS.TSKH Lý Toàn Thắng (Ủy viên), GS.TS Bùi Minh Toán (Ủy viên), PGS.TS Đinh Lê Thư (Ủy viên). Đối với tôi cũng như các GS đã tham gia HĐ này, không bất ngờ trước thông tin trong công trình khoa học của ông Nguyễn Đức Tồn đã sao chép gần như nguyên xi mấy chục trang luận án PTS của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh và mấy chục trang luận văn tốt nghiệp đại học của SV Cao Thị Thu (là cháu vợ của ông Tồn).
Thời kỳ đó tôi là Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - một cơ sở đào tạo PTS Ngôn ngữ học; ông Tồn tham gia giảng dạy và hướng dẫn NCS (trong số NCS có chị Nguyễn Thúy Khanh). Sau đó năm 2002, ông Tồn đã nộp hồ sơ xin phong chức danh Giáo sư. Theo tiêu chuẩn xét phong chức danh GS lúc đó, ngoài các tiêu chuẩn về giờ dạy, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng viên phải có kết quả đào tạo Phó Tiến sĩ, có sách chuyên khảo (như minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học).
Trong hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, thành tích đào tạo PTS là trường hợp NCS Nguyễn Thúy Khanh; sách chuyên khảo - minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học là cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)”. Xem xét hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, HĐ chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã phát hiện ra những điều không minh bạch, khuất tất. Theo quy định sách chuyên khảo phải được xuất bản (nộp lưu chiểu ở Cục Xuất bản) trước khi đưa vào hồ sơ. Nhưng ông Tồn nộp hồ sơ cho HĐ có cuốn sách đó với tư cách minh chứng cho thành tích nghiên cứu khoa học, khi thực tế cuốn sách đó chưa được xuất bản (Kết luận của HĐ căn cứ vào công văn trả lời của Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa).
Nghiêm trọng hơn, HĐ đã phát hiện ra trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” - với tư cách là minh chứng quan trọng cho thành tích nghiên cứu khoa học để ông Tồn được phong học hàm Giáo sư, chép nguyên xi mấy chục trang từ luận án Phó Tiến sĩ của NCS Nguyễn Thúy Khanh (đã bảo vệ thành công từ năm 1996), người hướng dẫn khoa học là PTS Nguyễn Đức Tồn: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (Trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)”.
Ngoài ra, HĐ cũng phát hiện thấy, trong công trình khoa học của ông Tồn có nhiều trang chép từ luận văn tốt nghiệp đại học của SV Cao Thị Thu. HĐ chuyên ngành đã họp nhiều lần (có lần có sự tham dự của ông Tổng thư kí và Thanh tra của HĐ chức danh Giáo sư Nhà nước) xem xét hồ sơ và cả các đơn khiếu nại của ứng viên Nguyễn Đức Tồn; đa số các thành viên HĐ nhận thấy những điều gian dối trong hồ sơ của ứng viên này là rõ ràng và bỏ phiếu không tán thành việc phong học hàm Giáo sư cho ứng viên Nguyễn Đức Tồn.
Năm 2007, do Viện Ngôn ngữ tách ra gồm 1/2 số cán bộ để xây dựng Viện Từ điển học và Bách khoa thư, ông Nguyễn Đức Tồn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học của Học viện KHXHVN. Sau khi HĐ chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học mới được thành lập (lúc đó tôi và một số GS trong HĐ đã nghỉ, không tham gia HĐ nữa), năm 2008 ông Nguyễn Đức Tồn được phong Giáo sư.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải làm trong sạch, lành mạnh môi trường nghiên cứu, đào tạo, phong chức danh Giáo sư ở nước ta. Việc Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào cuộc xử lí các trường hợp không minh bạch, khuất tất trong đợt phong chức danh Giáo sư năm 2017 được dư luận xã hội hoan nghênh. Trường hợp đạo văn của Nguyễn Đức Tồn cũng phải được xử lí. Đó là trách nhiệm của HĐ chức danh Giáo sư các cấp, của Viện Hàn lâm KHXHVN, Học Viện KHXH, và Viện Ngôn ngữ học" - GS.TS Nguyễn Văn Lợi khẳng định.
PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cũng khẳng định: "Không thể tưởng tượng được hiện tượng đạo văn này lại xảy ra với một người nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, từng giữ những cương vị lãnh đạo chuyên môn Ngôn ngữ học như GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Có mấy vấn đề mà theo tôi là nghiêm trọng: 1. sao chép của nhiều người; 2. sao chép quá nhiều, quá liều lĩnh (gần như không sửa chữa, thêm bớt) và 3. không hề dẫn nguồn, ghi xuất xứ ở bất cứ chỗ nào trong văn bản. Thực ra, chuyện này đã được nhiều người trong giới Ngôn ngữ học (và cả báo chí) lên tiếng từ lâu. Rất tiếc không hiểu sao mọi việc lại rơi vào im lặng và “chìm xuồng”. Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm cho rõ và xử lí nghiêm khắc".
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục) tỏ ra "ngạc nhiên": "Nếu đúng là ông Nguyễn Đức Tồn "đạo văn" rõ thế này thì tôi không hiểu vì sao mà vẫn được phong Giáo sư? Dư luận bức xúc nêu lên như vậy thì sao không xem xét và tiến hành tước bỏ danh hiệu ấy cho hàng ngũ có học vị, học hàm trong sáng hơn, để được xã hội nể trọng hơn? Hiện nay rất nhiều ông quan chức cho dù về hưu rồi vẫn đã, đang và sẽ bị lôi ra ánh sáng, chịu án trừng phạt của pháp luật. Thế thì tại sao những GS bị phát hiện đạo văn như thế này vẫn ngang nhiên ngồi nhấm nháp danh vị lẽ ra không thuộc về mình?".
Điều đáng nói là, ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn một cách có hệ thống từ năm 2002, với công trình đạo văn này, ông Nguyễn Đức Tồn được phong Giáo sư, được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ. "Hồ sơ đạo văn" của ông Tồn (bao gồm sách xuất bản mang tên ông Tồn và các luận văn của 2 tác giả mà ông Tồn "đạo") đã từng được niêm yết công khai ở Viện Ngôn ngữ học, thế mà ông Tồn vẫn được phong Giáo sư, rồi được ngồi các Hội đồng chấm luận văn, luận án, thậm chí còn tham gia Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học để bỏ phiếu bầu hay không bầu cho các ứng viên chức danh GS/PGS, thì sao dư luận không bức xúc? Mong rằng Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sớm xem xét, xử lý, tước hàm Giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn!
Nguyễn Minh Anh
15/05/2018 21:30 GMT+7 - vietnamnet
- GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học khẳng định, việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật. Việc đạo văn đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha.
100 trang giống nhau
Phóng viên: Thưa ông, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, quan điểm của ông như thế nào về việc ông Nguyễn Đức Tồn bị tố cáo đạo văn của học trò?
GS Trần Ngọc Thêm: Việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn từng được báo chí nêu nhiều năm trước, với những minh chứng đối chiếu theo cách sao chụp rất rõ ràng. Nội dung cuốn sách của ông Tồn đúng từng câu từng chữ, trong suốt hơn một trăm trang với nội dung các luận văn, luận án, bài viết của học trò đã bảo vệ, công bố trước đó. Việc kết luận ông Tồn đạo văn sẽ là hiển nhiên và tất yếu.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm : "Ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha". |
Vì vậy, cũng hiển nhiên và tất yếu khi việc đặt ra những câu hỏi rất nhức nhối như: Vì sao đạo văn ở mức nghiêm trọng như vậy mà vẫn được phong giáo sư, hay đặc biệt hơn ông Tồn còn ngồi trong Hội đồng giáo sư để phán xét những người khác?
Vậy quá trình công nhận chức danh giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn như thế nào, thưa ông?
- Tôi được biết vào năm 2002, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học và hình như do chuyện đạo văn này mà đã không được thông qua. Năm 2006, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Hội đồng trương này cũng có thảo luận chuyện đạo văn này nhưng hồ sơ của ông Tồn đã đạt đủ số phiếu để thông qua.
Khi hồ sơ đưa lên Hội đồng chức danh giáo sư ngành, Hội đồng họp trong 2 ngày 8 và 9 tháng 9/2006 đã giao cho tôi (khi đó với tư cách là ủy viên Hội đồng, chứ không phải là Chủ tịch như ông Tồn viện dẫn) làm trưởng nhóm (cùng với GS Nguyễn Đức Chính và GS Bùi Minh Toán) thẩm định hai đơn thư nặc danh tố cáo ông Tồn đạo văn trong 2 cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt" (sao chép luận án PTS. của Nguyễn Thuý Khanh) và cuốn "Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường" (sao chép bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà).
Do thời gian làm việc chỉ có một đêm nên lúc đó chúng tôi quyết định tạm thời chỉ thẩm định cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc...". Do ông Tồn là người hướng dẫn khoa học cho bà Thuý Khanh cho nên tôi đã yêu cầu ông Tồn cung cấp bản luận án tiếng Nga của mình cùng những tài liệu liên quan.
Chúng tôi đã nhận được: (a) Bản thảo viết tay một phần luận án của ông Tồn bằng tiếng Nga dài 124 trang; (b) Bản luận án chính thức của ông Tồn bằng tiếng Nga dài 159 trang; (c) Một bản đề cương chi tiết luận án của bà Thuý Khanh viết tay bằng tiếng Việt dài 9 trang; (d) Một bản giải trình của ông Tồn gửi Đảng uỷ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Khi đối chiếu các văn bản, chúng tôi nhận thấy nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thuý Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong luận án của ông Tồn (mặc dù 2 thứ tiếng khác nhau). Thư mục tài liệu tham khảo trong luận án của NCS Thuý Khanh với 90 tài liệu tiếng Nga, tiếng Ukraina, tiếng Ba-lan... chính là bản rút gọn thư mục tài liệu tham khảo trong luận án của ông Tồn. Còn bản đề cương chi tiết luận án của NCS thì mặc dù ghi tên "Nguyễn Thuý Khanh" nhưng nét chữ là của ông Tồn.
Sách của ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn luận án của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn. |
Trước những bằng chứng đó, ông Tồn thừa nhận rằng chính ông đã dịch luận án của mình sang tiếng Việt đưa cho nghiên cứu sinh của mình. Trong Bản giải trình gửi Đảng uỷ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ông Tồn cũng xác nhận: "chính tôi đã khởi thảo đề cương chi tiết..."; "tôi phải thân chinh chữa từng từ, từng câu, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, từng lời diễn đạt cho cả 4 bài viết cho Nguyễn Thuý Khanh và sau này chữa cho cả luận án nữa. Vì vậy, văn phong trong các bài viết và luận án của Nguyễn Thuý Khanh chính là văn phong của tôi..."; "Tôi đã cho phép Nguyễn Thuý Khanh sử dụng [luận án của tôi] trong luận án phó tiến sĩ của mình". Nghĩa là, trong phần đã được đối chiếu giữa luận án của ông Tồn với luận án của NCS Thuý Khanh, ông Tồn không đạo văn của NCS, nhưng đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc hướng dẫn luận án cho NCS là đã "giúp đỡ NCS quá mức cần thiết.
Được công nhận giáo sư vì lý do nhân đạo, khoan dung, tha thứ
Vậy năm đó Hội đồng CDGS Ngành Ngôn ngữ học có thông qua hồ sơ của ông Tồn hay không?
- Năm 2006, hồ sơ của ông Tồn đã không được Hội đồng chức danh giáo sư Ngành thông qua. Đến năm 2009, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Trường ĐH KHXH NV Hà Nội lại thông qua hồ sơ của ông Tồn một lần nữa.
Hội đồng Chức danh giáo sư Ngành năm 2009 (có 10 thành viên) họp trong 2 ngày 15-16 tháng 10/2009. Tại kỳ họp ngày 15/10, Hội đồng đã cử một tổ công tác thẩm định 2 đơn thư nặc danh khiếu nại ứng viên Nguyễn Đức Tồn. Tại kỳ họp ngày hôm sau (ngày 16/10), sau khi nghe đọc các đơn thư khiếu nại, bản tường trình của ứng viên, báo cáo kết quả thẩm định của tổ công tác, các thành viên Hội đồng đã phát biểu ý kiến thảo luận một cách nghiêm túc và khách quan.
Các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn đã có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời.
Mặt khác, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn đã vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này. Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên Hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.
Đến năm 2011, GS Nguyễn Đức Tồn với tư cách là Viện trưởng, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ (cùng hai vị nữa) được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội đồng CDGS Ngành ngôn ngữ học.
Ông nghĩ sao khi trên BBC, ông Tồn khẳng định "Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã khẳng định, đã xem xét các bằng chứng, vật chứng, cho nên tôi mới được Giáo sư chứ"?
- Thứ nhất, việc ông Tồn khẳng định như đinh đóng cột trong bài trả lời phỏng vấn của BBC về việc do tôi "đã xem xét các bằng chứng, vật chứng", "đã khẳng định rằng ông ấy không đạo văn", cho nên ông ấy "mới được Giáo sư chứ" là quá chủ quan. Vì ông Tồn khi đó là ứng viên, không có mặt trong cuộc họp của hội đồng thì làm sao mà biết được do đâu mà ông ấy "được giáo sư"?
Thứ hai, tôi không nói rằng Hội đồng đã kết luận là ông Tồn không đạo văn. Không có kết luận tập thể chính thức nào như vậy. Nhưng trong phát biểu của các thành viên của Hội đồng đã toát lên tinh thần này.
Tôi nói là "tinh thần", bởi vì ngồi xem lại biên bản, có thể thấy rất rõ tinh thần chủ đạo là khoan dung, tha thứ, là cái chất "trọng tình" đậm nét của văn hóa truyền thống Việt Nam, nó căn cứ trên một sự cảm nhận và nhận định tổng thể, bằng chứng chủ yếu chỉ là kết luận của các tổ công tác. Mà các tổ công tác được lập ra để xem xét một vụ việc thì thường chỉ có đúng 1 đêm để làm việc (vì mỗi kỳ họp của Hội đồng chức danh giáo sư thường chỉ kéo dài trong 2 ngày). Cho nên phải thẳng thắn mà nhận rằng, trong 1 đêm ngắn ngủi ấy, dù có cố gắng đến đâu thì tổ công tác cũng không thể nào làm sáng tỏ hết mọi việc một cách đầy đủ và chính xác được.
Thầy đạo văn của trò không hiếm gặp?
Ông có thể cho biết những "bằng chứng, vật chứng" mà ông đã xem xét có đủ cơ sở để kết luận như ông Tồn nói trên BBC rằng "học sinh lấy của thầy, chứ không phải là thầy lấy của trò" và "Học trò tôi làm sao có đủ trình độ để cho thầy chép?" Và chi tiết mà ông Tồn nêu ra rằng "khi tôi sử dụng, tôi đều chú ở trong sách là hai phần này là tư liệu của học trò" cụ thể như thế nào?
- Những người làm khoa học thực sự đều biết rằng giá trị khoa học có nhiều mức, có khi là giá trị nằm ở tư liệu, có khi là giá trị nằm ở lập luận. Cho nên không nhất thiết là cứ phải có trình độ cao hơn thì mới có đóng góp. Trên thế giới, việc thầy "đạo văn" của trò đây đó thỉnh thoảng vẫn có thể gặp.
Ai cũng biết là theo luật bản quyền, khi sử dụng đóng góp của người khác thì phải chú nguồn. Việc ông Tồn vừa khẳng định ông không "lấy của trò" rồi ngay sau đó lại thừa nhận rằng ông có "chú ở trong sách là hai phần này là tư liệu của học trò" cho thấy rõ ràng là ông đã tự mâu thuẫn với chính mình.
Đọc kỹ lại bản Báo cáo thẩm định năm 2006, có thể thấy trong đó tôi đã lưu ý phân biệt hai trường hợp:
Ở chương 1 sách năm 2002 của ông Tồn, các trang 62-66 và 72-87 hoàn toàn trùng với các trang 20-34 trong chương 1 luận án của NCS. Thuý Khanh, nhưng trong sách của ông Tồn hoàn toàn không có chú thích nào. Sở dĩ như vậy có lẽ là vì đây là phần lý thuyết, phần này ông Tồn đã dịch từ tiếng Nga đưa cho NCS của mình chép lại. Còn ở đầu chương 3 và chương 7 thì ông Tồn đều có chú thích rằng "Chương này được hoàn thành dựa trên dữ liệu luận án [30]" (tức là luận án PTS của Nguyễn Thuý Khanh nhan đề "Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)"). Còn ở đầu chương 4 và chương 8 thì ông Tồn có chú thích rằng "Chương này được hoàn thành dựa trên cơ sở dữ liệu luận văn [47]" (tức là luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu nhan đề "Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt").
So sánh giữa sách của ông Nguyễn Đức Tồn và nghiên cứu của nghiên cứu sinh |
Như vậy là trong cùng một cuốn sách này, chương 1 là phần lý luận thì ông Tồn đã dịch ra đưa cho học trò chép; còn các chương 3, 7 và 4, 8 là phần mang tính tư liệu thì ông chép (có dẫn nguồn) từ luận án của NCS do ông hướng dẫn và luận văn của một sinh viên là cháu của ông do GS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn.
Sự đóng góp của NCS Nguyễn Thuý Khanh và sinh viên Cao Thị Thu cho cuốn sách của ông Tồn là rất lớn và không thể phủ nhận được. Cái cách mà ông chú nguồn trong sách đã nói lên điều đó. Vì chương 1 đúng là của ông (như tôi đã đối chiếu với những "bằng chứng, vật chứng" mà ông mang ở Liên Xô về) thì trong sách, ông đã không thèm chú nguồn, mặc dù luận án của Thúy Khanh viết giống hệt như thế và đã bảo vệ trước đó 6 năm.
Theo lô-gic này, nếu 4 chương sau cũng là của ông viết rồi đưa cho học trò và cháu đứng tên để bảo vệ lấy bằng thì chắc chắn rằng ông cũng sẽ không thèm chú nguồn. Việc ông chú nguồn cho thấy những học trò này đã bỏ ra tất cả công sức và trí tuệ để hoàn thành luận án (luận văn) của mình.
Lấy luận văn của học trò đưa vào sách của mình, việc ông Tồn có chú thích trong sách của mình như vậy đã tuân theo đúng luật bản quyền hay chưa?
- Trong bản Báo cáo thẩm định năm 2006, tôi đã viết rõ: "Việc cả một chương sách từ 15-20 trang gần như trùng hoàn toàn về nội dung với những trang sách trong luận án, dù là đã nói rõ nguồn và dù là của NCS do mình hướng dẫn, không thể coi là dẫn lời (vì không có mở và đóng ngoặc kép), cũng không thể coi là dẫn ý (vì không thể có ý nào dài 15-20 trang)".
Với số trang trùng cao như thế (4 chương, tổng cộng hơn 100 trang), thì NCS Nguyễn Thuý Khanh (và sinh viên Cao Thị Thu) phải được ghi tên là những đồng tác giả. Chép lại hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, mà không được ghi tên ở trang đầu là những đồng tác giả hoặc thậm chí là những cộng tác viên thì thực chất cũng là một dạng "đạo văn". Như vậy ông Tồn rõ ràng là đã vi phạm luật bản quyền một cách nghiêm trọng.
Theo ông, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cần phải làm gì về việc của ông Tồn?
- Theo tôi, để cho công bằng, việc này trước hết là cần phải làm sáng tỏ mọi điều để ông Tồn tâm phục, khẩu phục và không thể kêu là bị người khác vu cáo. Bởi vì, như tôi đã nói ở trên, việc xem xét khiếu nại trong các đợt xét trước đây thường bị giới hạn rất gắt gao của thời gian họp Hội đồng nên khó có thể xem xét được một cách đầy đủ và kỹ càng.
Theo kinh nghiệm đợt rà soát phong GS/PGS vừa qua, Chủ tịch Hội đồng CDGS Nhà nước kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên giao cho Văn phòng Hội đồng CDGS Nhà nước phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục cử một tổ công tác xem xét đối chiếu lại tất cả mọi thứ có liên quan đến nghi án đạo văn của ông Tồn một cách khách quan và công bằng. Trong thời gian xem xét, thiết nghĩ cần phải tạm thời đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng CDGS Ngành của ông Tồn.
Sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu chứng minh được là ông Tồn bị vu cáo thì sẽ khôi phục tư cách thành viên Hội đồng CDGS Ngành của ông và xử lý những người vu cáo. Còn nếu quả là ông Tồn đạo văn, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm Luật giáo dục, vi phạm Quy chế đào tạo tiến sĩ, không đáp ứng các tiêu chuẩn của chức danh giáo sư và phó giáo sư thì tôi nghĩ các bộ phận hữu trách của Bộ Giáo dục, Hội đồng CDGS Nhà nước và Viện HLKHXH Việt Nam sẽ biết rõ cần phải làm gì.
Trân trọng cảm ơn giáo sư đã trao đổi!
Lê Huyền (thực hiện)
Hoàng Tuấn Công
26-5-2021
– GS. TS. Nguyễn Đức Tồn là người đạo văn xuyên thế kỷ.
Khi bạn đọc nhập mấy từ khoá “Nguyễn Đức Tồn đạo văn”, Google sẽ cho chừng 11,300,000 kết quả, với sự xuất hiện của hàng trăm bài báo trên hầu như tất cả các tờ báo lớn ở Việt Nam. Sau đây là một ví dụ: Vì sao “đạo văn” mà vẫn được phong Giáo sư?
PGS. TS. Hoàng Dũng – Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học-ĐH SPTPHCM (Dũng Hoàng) từng công bố một thống kê cho thấy GS. Tồn đạo văn tới… 33 lần!
– Chuyện giấy trắng mực đen, nên không khó chứng minh ai đạo văn của ai. Ấy vậy mà vụ đạo văn của ông Tồn kéo dài từ cuối thế kỷ 20 cho đến gần nửa đầu thế kỷ 21, với sự vào cuộc rầm rộ của hàng chục cơ quan báo chí và sự phẫn nộ của công luận, ông Tồn vẫn là GS. TS. Nguyễn Đức Tồn!
Xin lấy vài ví dụ nhỏ:
– Những người có trách nhiệm xử lý đã biến vụ đạo văn có một không hai trong lịch sử này thành một vụ tranh chấp bản quyền.
Nhưng khổ nỗi, thầy Tồn toàn đạo văn của học trò rồi bị người ta phát hiện, chứ trò có lên tiếng tranh chấp gì với thầy đâu?
– Bị truy dữ quá, thầy Tồn đã hợp lý hoá việc đạo văn bằng cách đi xin giấy xác nhận của trò với nội dung đồng ý cho thầy toàn quyền sử dụng bài viết của trò (ví như các trò Huỳnh Thanh Trà, trò Nguyễn Thị Thanh Hà; Xem ảnh 2 và 3). Nếu trích dẫn rõ ràng thì đâu cần phải xin giấy xác nhận?
– Riêng trường hợp trò Nguyễn Thị Thuý Khanh, thì bà không viết giấy xác nhận. Bởi một mặt thầy Tồn đã sao chép tới 82 trang (chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy), trong tổng số 96 trang luận án của trò (được công bố 6 năm trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn xuất bản), mặt khác thầy Tồn lại tuyên bố chỉ có trò chép của thầy, chứ thầy không bao giờ chép của trò!
– Trò Nguyễn Thị Thuý Khanh không viết giấy xác nhận, nhưng cũng không khởi kiện thầy Tồn. Mà không khởi kiện, thì Cục bản quyền không có lý do gì để đứng ra phân xử cái gọi là “tranh chấp bản quyền” như ông Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc bấy giờ là GS. TS. Phùng Xuân Nhạ kết luận.
Liệu quyết tâm và trăn trở của tân Thủ tướng cũng như tân Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về chuyện “Học thật, thi thật, nhân tài thật” có thành hiện thực, khi kẻ “học giả, thi giả, nhân tài giả” vẫn được phong giáo sư và thoát tội đạo văn một cách ngoạn mục như vậy? Hy vọng, vụ đạo văn xuyên thế kỷ này sẽ được ngài tân Bộ trưởng lật lại và xử lý thoả đáng, thể hiện sự quyết tâm “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
P/S: Ảnh 1: Bài viết đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ với tên tác giả duy nhất là Nguyễn Thị Thanh Hà, nhưng sau đó bị ông Tồn vừa ăn cướp vừa ăn cắp, đem vào in trong sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001), đẩy tên cô học trò xuống thành người “cộng tác”.
Ảnh 2: Khi bị lộ, thầy Tồn xin trò Nguyễn Thị Thanh Hà viết cho cái giấy “xác nhận” thầy là “đồng tác giả với tôi”, để thầy thoát tội đạo văn, và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó đã gọi vụ đạo văn này là “tranh chấp bản quyền”! |
Ảnh 3: Xác nhận của trò Huỳnh Thanh Trà, để hợp lý hoá một vụ thầy Tồn đạo văn của trò, tương tự như với Nguyễn Thị Thanh Hà. |
Ảnh trên mạng |
Sau khi chính thức rời Viện Ngôn ngữ, ông Tồn tập hợp lực lượng và bắt đầu phản công dữ dội và doạ khởi kiện những người (trong đó có PGS. TS. Hoàng Dũng) từng dám “vu khống” cho ông tội “đạo văn”. Ông Tồn tác chiến trên không giang mạng dưới cái tên Hang Minh, và được sự trợ thủ đắc lực của một TS. Ngôn ngữ học giả danh có tên Lê Hoàng Giang.
Chu Mộng Long
26-5-2021
Chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn được Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước.
Báo nhắc vai trò công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng do ông Sơn đứng đầu và nhấn mạnh: “Hội đồng Giáo sư nhà nước cũng xét hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư với người bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn”.
Báo chí xỏ lá. Bởi điều quy định này có từ khi có Hội đồng giáo sư nhà nước chứ không phải do Tân Bộ trưởng đưa ra. Cũng như thế, khi trao quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho các Hội đồng khoa học và đào tạo ở cấp trường, viện và học viện, Thủ tướng cũng trao luôn cả quyền miễn nhiệm khi phát hiện không đủ tiêu chuẩn hoặc sai phạm.
Nhưng sự thật là đã có ai dám tước học hàm hoặc miễn nhiệm các giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận hay bổ nhiệm xong? Khi các vụ đạo văn bị báo chí và công luận phơi trần ra đến mức thừa bằng chứng – không công trình nào không đạo văn – các hội đồng ấy đã làm gì? Giáo sư thì vẫn là giáo sư muôn đời, ngang hàng thánh hiền mà nhân loại tôn thờ, đố ai dám động tới?
Vào Tam quốc hỏi Tào Tháo: “Dân phạm luật thì xử thế nào?” Tháo nói: “Nặng thì chặt đầu, nhẹ thì đánh một trăm trượng. Tội chết có thể miễn nhưng tội sống thì không thể tha!” Hỏi tiếp: “Vậy nếu giáo sư, phó giáo sư đạo văn thì xử tội gì?” Tào Tháo nói: “Đạo văn là ăn cắp trí tuệ, tức lấy não người khác thay não của mình. Nhục quốc thể. Chém!” Hỏi tiếp: “Nếu Thừa tướng cũng mắc hành vi ăn cắp đó thì xử ra sao?” Tháo cười lớn: “Ha ha… Nếu ta phạm tội đó thì… cắt tóc thay đầu vậy!”
Vừa rồi hỏi dân Bắc Hà, rằng trường hợp mấy ngài giáo sư đạo văn có bị gì không? Dân Bắc Hà đáp ngay: “Râu tóc mấy ngài đó vẫn còn nguyên! Các ngài đó còn thách: đứa nào đủ tư cách tước giáo sư, phó giáo sư của chúng tao? Kết quả là một sợi tóc hay sợi lông của các ngài vẫn thiêng liêng bất khả xâm phạm!”
Mà thiêng liêng thật. Vì xét đến cùng, đạo văn ở xứ sở này là một tôn giáo được nâng cấp từ đạo mẫu! Mà đạo mẫu thì đã được truyền bá cho các cháu từ thánh đường mầm non đến tiểu học để khi lớn lên các bé thành giáo sư làm giáo chủ cho hoạt động đạo văn như một niềm tự hào chính đáng…
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam để bệnh nhân tổ chức buôn bán và chơi ma túy ngay trong bệnh viện, song ông giám đốc bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 lại trơ trẻn đổ tội cho thuôc cấp, tự đề nghị mức kỷ luật “Khiển trách” cho mình.
Mức kỷ luật trên được ông Vương Văn Tịnh, giám đốc bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1, đề nghị tại cuộc họp “Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1” hôm 16 Tháng Tư.
Ông Vương Văn Tịnh, giám đốc bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1, từ chối trả lời báo chí sau cuộc họp với Bộ Y Tế hôm 1 Tháng Tư. (Hình: Tiền Phong) |
Theo báo VNExpress, 15 ngày trước ông Tịnh bị Bộ Y Tế đình chỉ công tác để “xem xét trách nhiệm vụ bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi, ở huyện Thanh Trì), lập phòng chơi ma túy và buôn bán ma túy ngay trong bệnh viện.
Thế nhưng ông Tịnh đổ tội cho rằng “trách nhiệm trong sự việc này là ở lãnh đạo Khoa Phục Hồi Chức Năng và Y Học Cổ Truyền, vì lãnh đạo bệnh viện đã phân cấp quản lý cho khoa.”
Sau cuộc họp chiều 16 Tháng Tư, Bộ Y Tế đã yêu cầu tiếp tục có thêm một quyết định tạm đình chỉ công tác ông Vương Văn Tịnh thêm 15 ngày nữa (là 30 ngày) để “làm sáng tỏ vụ việc.”
Cùng bị đình chỉ công tác với ông Tịnh từ ngày 1 Tháng Tư, còn có Bác Sĩ Đỗ Thị Lưu, trưởng Khoa Phục Hồi Chức Năng và Y Học Cổ Truyền; và bà Tạ Thị Thêm, điều dưỡng Trưởng Khoa Phục Hồi Chức Năng thuộc bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1.
Tuần sau, Hội Đồng Kỷ Luật của Bộ Y Tế sẽ họp và ra quyết định hình thức “xử lý kỷ luật” chính thức những cán bộ trên.
Trước đó nói với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp Chế Bộ Y Tế, cho rằng sự việc bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần cầm đầu đường dây ma túy ngay trong bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Ông Quang nhấn mạnh “những vấn đề này cho thấy bản chất sự việc vô cùng nghiêm trọng, manh động và bất chấp pháp luật.” Quan điểm của Bộ Y Tế là “xử lý nghiêm, không bao che và không có vùng cấm.” Bộ Y Tế đã đề nghị bệnh viện “phải hợp tác cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra.”
Tối 1 Tháng Tư, Đại Tá Trương Thọ Toàn, trưởng Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Ma Túy Công An Hà Nội, cho biết đã khởi tố các bị can Nguyễn Xuân Quý, Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, trú quận Đống Đa), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, trú huyện Thường Tin), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, trú huyện Thanh Trì) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi, ở quận Ba Đình) về tội “Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.”
Bị can Nguyễn Xuân Quý làm phòng cách âm, lắp dàn loa công suất lớn ngay trong bệnh viện để tổ chức sử dụng ma túy. (Hình: VTC News) |
“Riêng Nguyễn Anh Vũ, cán bộ bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1, bị khởi tố về tội ‘Không tố giác tội phạm’,” Đại Tá Toàn nói với báo Zing.
Sự việc được phát giác hôm 20 Tháng Ba, khi công an bất ngờ đột kích vào “phòng VIP” trong bệnh viện, bắt giữ ông Quý và năm đồng bọn. Qua khám xét, công an thu giữ 6.1 kg ma túy các loại.
Theo ông Toàn, đây là đường dây mua bán ma túy hoạt động “dạng băng ổ nhóm, kẻ cầm đầu có nhiều đàn em giúp sức và được nhân viên bệnh viện tiếp tay” nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. (Tr.N)
Video trên mạng cho thấy một nhân viên dân phòng đánh đập 2 thiếu niên ở một trường học tại Tp.HCM đêm 31/3/2021. |
Dư luận Việt Nam hôm 2/4 bày tỏ sự phẫn nộ cao độ trên mạng xã hội về vụ một nhân viên dân phòng hành hung man rợ 2 thiếu niên tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cách đây một ngày, vào sáng 1/4, một đoạn video lan truyền và làm dậy sóng trên mạng, cho thấy một người đàn ông mang trang phục của lực lượng dân phòng đấm, đá, lên gối, thúc cùi chỏ rất mạnh vào 2 thiếu niên trong một căn phòng có nhiều người lớn khác hiện diện.
Tối cùng ngày, ông Nguyễn Vy Tường Thuỵ, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, phường 14, quận 10, TP.HCM, xác nhận rằng đoạn video ghi lại vụ việc xảy ra trong phòng giám thị của trường, theo tin của Dân Việt, báo Giao Thông, VNExpress và Zing News.
Hiệu trưởng Thụy được báo chí dẫn lời nói rằng gần đây trường của ông hay bị mất trộm vặt nên đã tăng cường người rình bắt. Vào đêm 31/3, một số giáo viên và bảo vệ nhà trường bắt được 2 thiếu niên. Một nhân viên dân phòng tại địa phương đã đánh 2 thiếu niên đó. Tiếp đến, 2 thiếu niên bị đưa tới công an phường.
Trên mạng xã hội, các Facebooker có ảnh hưởng rộng rãi như Nguyễn Đình Bổn, Nguyễn Tiến Tường, Ngô Nguyệt Hữu, Hà Phan, Lê Công Định và nhiều người khác lên án hành vi côn đồ của nhân viên dân phòng.
Có người thậm chí nhận xét rằng nhân viên đó dường như tung ra các cú đánh để lấy mạng của 2 đứa trẻ con. Những lời bình luận khác bao gồm các từ ngữ như “tra tấn trẻ em”, “đánh ác quá”, “đánh đập dã man”, “quá bạo lực”, “quá vô pháp”, “chỉ có thể là thú dữ”.
Những tiếng nói trên mạng xã hội nhấn mạnh rằng hành động côn đồ của nhân viên dân phòng là không thể chấp nhận được. Dư luận đòi hỏi phải nhanh chóng đưa nhân viên này ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Họ lập luận rằng cho dù 2 thiếu niên là nghi phạm trộm cắp, việc xử lý hai em phải theo pháp luật, không thể chấp nhận việc nhân viên dân phòng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với 2 em theo cảm tính cá nhân.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một người hùng về chống tiêu cực trong ngành giáo dục, có chung suy nghĩ. Ông nói với VOA:
“Nếu các cháu có trộm cắp đi chăng nữa cũng phải đưa ra pháp luật chứ không phải là dân phòng hay nhà trường xử thay pháp luật, đánh các cháu, gây thương tích cho các cháu như vậy được. Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý dân phòng, xử lý nhà trường”.
Thầy Khoa nói thêm rằng “việc cán bộ nhà trường có mặt nhưng không ngăn cản vụ đánh người, như thế cũng là sai”.
Theo tường thuật của các báo Việt Nam, đoạn video cho thấy có một số giáo viên, nhân viên nhà trường hiện diện khi vụ đánh đập xảy ra nhưng không can ngăn. Điều này dẫn đến những lời lên án trong dư luận.
Những người sử dụng mạng xã hội gọi các giáo viên đó là vô cảm, không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục. Ở mức độ nhẹ hơn, một số người gọi vụ việc xảy ra trong một môi trường giáo dục là rất đang buồn.
Không ít người buông lời cảm thán rằng các nhân viên ngành giáo dục dung túng cho bạo lực như vậy, chẳng trách bạo lực học đường nói riêng và bạo lực ngoài xã hội xảy ra liên tiếp.
Bình luận về vụ việc mới nhất gắn trong bối cảnh mấy năm gần đây các vụ bạo lực đã gia tăng, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nói với VOA:
“Câu chuyện này phản ánh tình trạng người ta sẵn sàng không kiểm soát hành vi nữa, khi lên cơn tức giận người ta sẵn sàng có hành vi bạo lực dù đó là ở đâu. Điều ấy phản ánh thêm một chuyện nữa là người ta coi chuyện dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, xung đột là điều quá bình thường”.
Tình trạng kể trên có nguyên nhân ở pháp luật và đạo đức xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói. Bà phân tích:
“Pháp luật không được thực hiện một cách nghiêm minh. Các hành vi sai trái không bị trừng trị một cách thỏa đáng, nên những người khác sẵn sàng sử dụng hành vi bạo lực. Những đạo đức xã hội, sự lên án về mặt xã hội, việc dư luận lên tiếng mạnh mẽ và hành động để trấn áp những hành vi như vậy thì tôi nghĩ bây giờ cũng yếu đi rồi. Có cảm giác là mọi người bất lực trước tình trạng như vậy”.
VOA nhận thấy hiện đang có nhiều người bày tỏ rằng việc lên án vụ dân phòng đánh đập 2 thiếu niên và lan tỏa những lời chỉ trích là điều cần thiết để ngăn chặn những hành vi, vụ việc có tính chất tương tự, vì nếu im lặng trước cái ác xảy ra với người khác, sẽ có lúc nó xảy ra với bản thân.
Một bản tin của Zing News vào sáng 2/4 dẫn lời ông Vũ Anh Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 10, TP.HCM, nói rằng: “Hành động của bảo vệ khu phố đánh 2 thiếu niên là không thể chấp nhận được. Tôi đã yêu cầu đình chỉ công tác đối với người này để chờ xử lý”.
Vẫn tin của Zing News cho biết thêm công an quận 10 hiện phối hợp cùng các lực lượng chức năng địa phương đang làm rõ việc một nhân viên dân phòng đánh 2 thiếu niên tại trường Nguyễn Văn Tố.
Nhìn về dài hạn, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định với VOA rằng để sửa chữa tình trạng bạo lực lan tràn ở Việt Nam hiện nay, một loạt điều phải được thực hiện, gồm pháp luật rất nghiêm minh, công tâm; giáo dục tốt hơn về lối sống, kỹ năng để mọi người tự kiểm soát hành vi; kết hợp với áp lực và sự lên tiếng của xã hội trước các điều xấu.
Ngay cả khi có thể thực hiện được tất cả những điều nêu trên, sự thay đổi sẽ mất nhiều thời gian vì đây là công việc khó khăn, đòi hỏi nghị lực phi thường của từng cá nhân và toàn xã hội, bà Hồng nói.
Một cảnh lũ lụt ở Hà Tĩnh. Hình minh họa. |
Ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vừa phân trần về chuyện Huyện ủy Hương Sơn xin một… tỉ đồng để cải tạo nhà vệ sinh.
Hôm 29 tháng 3, Tờ trình mà Huyện ủy Hương Sơn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị chi 3,2 tỉ để nâng cấp, sửa chữa: Phòng khách. Hàng rào Nhà để xe và Nhà vệ sinh của cơ quan này - đã tạo ra một trận bão về dư luận trên mạng xã hội Việt ngữ.
Theo Tờ trình, Huyện ủy Hương Sơn cần: 400 triệu để nâng cấp phòng khách, 500 triệu để tu sửa hàng rào. 1,3 tỉ để nâng cấp và tu sửa nhà để hai loại xe (công vụ và cá nhân). 1 tỉ để nâng cấp nhà vệ sinh.
Do rất nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ chỉ trích kịch liệt đề nghi chi tới một tỉ để nâng cấp nhà vệ sinh của Huyện ủy Hương Sơn nên ngay hôm sau (30 tháng 3), ông Sâm đăng đàn, giải độc dư luận – đại ý: Tất cả các hạng mục mà Huyện ủy Hương Sơn đề nghị chi tiền đều cần được nâng cấp, sửa chữa. Sở dĩ cần tới một tỉ để nâng cấp nhà vệ sinh vì đó là công trình dành riêng cho hội trường của huyện ủy, có lúc tập trung tới 300 hay 400 người… Ngoài ra, Hương Sơn đang phấn đấu trở thành huyện đạt… “chuẩn nông thôn mới” mà một trong các tiêu chí của “chuẩn” này là trung tâm huyện phải bảo đảm “chuẩn đô thị văn minh” nên tất cả công sở phải đạt… “chuẩn công sở văn hóa” (1).
Có một điểm tuy công chúng nêu ra nhưng ông Sâm không đề cập và một số cơ quan truyền thông chính thức có tường thuật song lại không cật vấn ông Sâm là tại sao cách nay chưa đầy bốn năm (2018), Huyện ủy Hương Sơn mới dùng hết ba tỉ để cải tạo toàn diện trụ sở mà giờ, hai nhà để xe, hàng rào, phòng khách, nhà vệ sinh của hội trường huyện ủy đã hư hỏng tới mức nhất thiết phải nâng cấp, sửa chữa? Tại sao cả UBND huyện lẫn Huyện ủy đều cần phải có hội trường riêng để công quỹ phải chi hết tỉ này đến tỉ khác cho xây dựng và nâng cấp? Tại sao những thứ… “chuẩn” như… “nông thôn mới”, “đô thị văn minh”, “công sở văn hóa” chỉ toàn nhắm vào phần cứng như… nhà vệ sinh qui mô lớn, không tính đến phần mềm như… lương tâm viên chức?
***
Thật ra việc Huyện ủy Hương Sơn muốn chi một tỉ để đập bỏ - xây dựng mới nhà vệ sinh quy mô lớn cho hội trường huyện ủy không phải là cá biệt. Cứ nhìn các công thự từ địa phương tới trung ương ắt sẽ thấy, bất kỳ thứ gì liên quan đến… công bộc đều phải… to, đẹp và sang trọng. Đội ngũ trước nay vẫn tự nguyện lãnh nhận vai trò… “nêu gương” nhằm dẫn dắt quốc gia, dân tộc đến… hiện đại luôn đặt ra đủ loại… “chuẩn” để có lý do khai thác tận tình các nguồn lực nhằm hưởng dụng tối đa trong ăn, ở, đi lại, làm việc, bảo vệ - chăm sóc sức khỏe. Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vận hành theo kiểu như thế, chuyện đòi 3,2 tỉ để nâng cấp, sửa chữa phòng khách, hàng rào, nhà để xe, nhà vệ sinh là… tất nhiên!
Bởi chẳng có nguồn lực nào là vô hạn nên điều tất nhiên vừa kể, tất nhiên sẽ dẫn đến những điều có tính… tất nhiên khác. Ví dụ hệ thống nhà vệ sinh của các trường học…
Năm 2019, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) công bố một thống kê, theo đó, tại Việt Nam có 1.723 cơ sở giáo dục phổ thông phải dùng nhờ, phải mượn hay phải thuê… nhà vệ sinh cho học sinh, thậm chí phải nhờ, phải mượn, phải thuê nhà vệ sinh cho giáo viên (2).
Cần nói thêm rằng thống kê vừa kể là… thành tựu của một năm… nỗ lực chấn chỉnh, sau khi nhà vệ sinh của hệ thống trường học trở thành vấn đề… cử tri cả nước quan tâm, nhiều giới xem là vấn nạn và Quốc hội phải… luận bàn hồi 2018.
Mất thêm một năm… chấn chỉnh nữa, cách nay chừng nửa năm, Bộ GDĐT thú nhận, vẫn còn hơn 30% nhà vệ sinh của các trường chưa đạt “chuẩn” (có đủ… nước). Số nhà vệ sinh của hệ thống trường học được “kiên cố hóa” (xây bằng gạch, mái tôn chứ không phải là lợp bằng tranh, quây bằng tre, nứa, lá) chỉ đạt 77,2%. Khi thảo luận tiếp về vấn nạn này ở hội nghị thường niên về GDĐT tầm vóc quốc gia (tháng 10 năm 2020), một Thứ trưởng GDĐT đã gợi ý, lãnh đạo Sở GDĐT các địa phương nên vận động để đưa “nhà vệ sinh trường học” vào… Nghị quyết HĐND! Ông ta hy vọng nhờ đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các địa phương sẽ quan tâm và dành tiền đầu tư cho… “nhà vệ sinh trường học” (3).
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/giao-duc/hon-1700-nha-ve-sinh-cho-hoc-sinh-la-di-nho-muon-thue-1111494.html
Thanh Hằng
18-3-2021
Nhân kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra, chúng tôi – những nạn nhân mua nhà chung cư báo CAND – xin được gửi thư đến các vị ĐBQH, để mong được quan tâm, từ đó thúc đẩy các ngành liên quan quan tâm đến số phận của gần 200 gia đình đã bị lừa dối hơn 10 năm qua.
Như các vị đã biết chúng tôi mua nhà của Báo CAND sang năm thứ 12 nhưng đến nay, Báo CAND vẫn không có câu trả lời đến khi nào thì trả nhà dù đã thu đủ tiền của chúng tôi. (Ngoài nộp đủ số tiền ban đầu mà Báo CAND đã bán, chúng tôi còn phải nộp thêm số tiền gần 60% nữa do Báo CAND tự tăng giá, tức là gần 160% so với ban đầu.) Hiện, Báo CAND đã thu của chúng tôi hơn 200 tỷ tiền nhà.
Sau nhiều năm Báo CAND thu tiền mà vẫn không xây, năm 2019, cán bộ, phóng viên của Báo mới đấu tranh đòi nhà. Khi đó, toà chung cư mới được khởi động lại, tuy có chắp vá. Ông Phạm Văn Miên – khi đó là Tổng Biên tập Báo CAND có cam kết với người mua nhà là sẽ giao nhà tháng 12/2019 rồi lại trước 10/2/2020, nhưng thực tế vẫn chỉ là lừa dối, dù văn bản có chữ ký và đóng dấu đỏ hẳn hoi.
Trước sự quan tâm của báo chí trong các cuộc họp báo Chính phủ, việc thanh tra chung cư Báo CAND cũng được Bộ Công an tiến hành và tháng 8/2020, mới có kết luận thanh tra. Theo kết luận này thì ông Nguyễn Hữu Ước và ông Phạm Văn Miên – 2 đời Tổng Biên tập xây dựng chung cư này – cùng một số thành viên Ban Biên tập – đều vi phạm rất nhiều Luật. Nhưng cho đến nay, việc xây dựng toà chung cư vẫn không được khắc phục, mà kết luận thanh tra cũng không chuyển sang cơ quan điều tra.
Đặc biệt, năm 2015 Ban đại diện Báo CAND đã thuê kiểm toán và khi đó, đã phát hiện hơn 60 tỷ không biết đi đâu, mà cả Báo CAND lẫn Công ty 36 – nhà thầu thi công – không giải trình được. Chúng tôi nghe tin kết quả kiểm toán mới đây cũng phát hiện trên 40 tỷ không giải trình được (nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không công bố cho người mua nhà biết kết quả kiểm toán, khi điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của chúng tôi) và Báo cho tìm hồ sơ để giải trình 2 tháng qua vẫn chưa thấy. Việc “tìm hồ sơ” này rất có thể kéo dài 5-10 năm nữa, thậm chí, không biết đến bao giờ nếu Báo CAND không ra thời hạn cho những người liên quan, vì thực tế từ lần kiểm toán đầu tiên đến nay cách đây 6 năm đến nay đã không tìm nổi (vì chắc gì có mà tìm?)
Thiết nghĩ, làm lãnh đạo mà một vụ thế này mà không xử lý dứt điểm được thì việc lớn hơn sẽ bó tay à?
Chúng tôi hy vọng, với sự quan tâm của các ĐBQH, vụ việc Báo CAND lừa dối hàng trăm người mua nhà sẽ được đưa ra nghị trường, để xử lý những người vi phạm, giúp chúng tôi đòi lại công bằng, tránh dư luận cho rằng có sự bao che, dung túng cho vi phạm.
_____
Mời xem lại “clip Công an xuống đường biểu tình đòi nhà từ báo Công an Nhân dân” gần hai năm trước, ngày 21/5/2019:
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 19 Tháng Ba, bà Thanh Hằng, phóng viên tờ Công An Nhân Dân, đăng một bức thư ngỏ trên trang cá nhân, đề gửi các “đại biểu Quốc Hội” liên quan việc nhân viên báo này đã trả tiền mua căn chung cư được 12 năm nhưng không được giao nhà.
Chung cư này do báo Công An Nhân Dân xây và bán cho phóng viên, nhân viên của báo với giá nội bộ. Đây là tờ báo chính thức của lực lượng công an CSVN.
Hiện trạng của chung cư báo Công An Nhân Dân sau 12 năm. (Hình: Facebook Thanh Hằng) |
Trong văn bản, bà Hằng mong được các “đại biểu Quốc Hội” “quan tâm, từ đó thúc đẩy các ngành liên quan quan tâm đến số phận của gần 200 gia đình đã bị lừa dối hơn 10 năm qua.”
Theo nữ phóng viên, đến nay tất cả các người mua đã nộp đủ số tiền mua nhà ban đầu và nộp thêm gần 60% tiền trượt giá sau vài năm, tức là gần 160% so với ban đầu. Tổng số tiền đã nộp để mua căn chung cư này được ghi nhận là hơn 200 tỷ đồng ($8.6 triệu).
Bà Hằng cho biết thêm: “Việc thanh tra chung cư báo Công An Nhân Dân được Bộ Công An tiến hành và Tháng Tám, 2020, mới có kết luận thanh tra. Theo kết luận này thì ông Nguyễn Hữu Ước và ông Phạm Văn Miên – hai đời tổng biên tập xây dựng chung cư này, cùng một số thành viên ban biên tập, đều vi phạm rất nhiều luật. Nhưng cho đến nay, việc xây dựng tòa chung cư vẫn không được khắc phục, mà kết luận thanh tra cũng không chuyển sang cơ quan điều tra.”
Cuối thư ngỏ, bà Hằng bày tỏ hy vọng vụ việc báo Công An Nhân Dân “lừa dối hàng trăm người mua nhà” sẽ được đưa ra nghị trường, “để xử lý những người vi phạm, giúp chúng tôi đòi lại công bằng, tránh dư luận cho rằng có sự bao che, dung túng cho vi phạm.”
Điều oái oăm là lâu nay, báo Công An Nhân Dân thường xuyên đăng bài lên án dân oan biểu tình với cáo buộc “gây rối trật tự nơi công cộng,” nhưng chính các phóng viên báo này lại tổ chức các cuộc xuống đường, giăng biểu ngữ rầm rộ để đòi nhà.
Phóng viên, nhân viên báo Công An Nhân Dân giăng biểu ngữ đòi nhà trước đêm nhạc của ông Hữu Ước, cựu tổng biên tập, hồi Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Facebook Hoang Linh) |
Đỉnh điểm là hồi Tháng Mười Một, 2019, ông Hữu Ước, cựu tổng biên tập báo này, tổ chức đêm thơ, nhạc do ông sáng tác ca ngợi đảng thì bị hàng chục phóng viên, nhân viên giăng biểu ngữ trước nhà hát, đòi ông này “ngừng đêm nhạc để khẩn trương bàn giao chung cư.”
Trong lúc cuộc đấu tranh đòi nhà đến nay vẫn chưa ngã ngũ, một số phóng viên kỳ cựu của tờ Công An Nhân Dân như bà Đinh Hiền thường xuyên lên mạng xã hội rao bán thực phẩm, quần áo, giày dép… và kêu gọi cộng đồng mạng mua hàng ủng hộ họ “mưu sinh để đòi nhà.” (N.H.K) [qd]
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Giao Thông hôm 5 Tháng Ba đăng một bài dài ca ngợi tài chữa bệnh của ông Dương Tự Trọng, 59 tuổi, cựu cục phó Cục Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Về Trật Tự Xã Hội thuộc Bộ Công An CSVN, cựu phó giám đốc Công An thành phố Hải Phòng, vừa được ra tù trước thời hạn tám năm.
Trong phiên tòa diễn ra hồi Tháng Năm, 2014, ông Trọng bị tuyên phạt 16 năm tù trong vụ án giúp anh trai, ông Dương Chí Dũng, cựu cục trưởng Hàng Hải Việt Nam thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), tẩu thoát đi nước ngoài khi biết tin bị khởi tố.
Ông Dương Tự Trọng (trái) được báo đảng mô tả “chữa bệnh bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng lên những phần cơ thể người bệnh mà ông gọi là đẩy rác ra khỏi cơ thể.” (Hình: Việt Hòa/Giao Thông) |
Tính từ thời điểm bị bắt hồi Tháng Hai, 2013, ông Trọng mới thụ án được tám năm, tức một nửa bản án.
Báo Giao Thông xác nhận ông này ra tù hôm 4 Tháng Hai, với lý do “cải tạo tốt.”
Theo tờ báo, từ ngày được trả tự do, vị cựu giới chức công an “liên tục di chuyển qua nhiều địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… để chữa bệnh cho nhiều người nên gần như chẳng có thời gian gặp bạn bè, người quen.”
Thậm chí, ông Trọng còn được ghi nhận “đã chữa cho hàng trăm cán bộ quản giáo và rất nhiều phạm nhân khác khỏi các căn bệnh từ thông thường đến phức tạp.”
Điều ly kỳ là ông Trọng nhận chữa bệnh nhờ “học được nghề y cứu người” trong nhà tù và “những tập giải phẫu y khoa xếp kín một góc phòng giam.”
“Tới khi vào trại giam, đối diện với bốn bức tường, tôi tự nhủ mình không được gục ngã. Khi đó, tôi có nhiều bệnh nên nghĩ mình phải học cách tự chữa bệnh cho mình rồi nhờ người quen mua sách, tìm hiểu thêm. Suốt tám năm đó, tôi nghiên cứu về y học, trò chuyện, tranh luận với một số bác sĩ cũng vướng vòng lao lý như cựu bác sĩ vụ Cát Tường nên đã vỡ vạc, hiểu sâu về y học,” ông Trọng được báo Giao Thông dẫn lời.
Ông Dương Tự Trọng trổ tài ca hát trong một video clip trên YouTube. (Hình: Giao Thông) |
Báo này dẫn trường hợp ông Trọng chữa cho một bệnh nhân “ung thư phổi, di căn lên não, bệnh viện trả về” nay “đã ngồi dậy được, ngày ăn được mấy bữa cháo.”
“Cách chữa bệnh của Dương Tự Trọng cũng rất đặc biệt là xoa bóp nhẹ nhàng lên những phần cơ thể người bệnh mà ông gọi là ‘đẩy rác ra khỏi cơ thể.’ Chỉ với cách chữa bệnh tưởng như đơn giản không cần thuốc đó nhưng theo các bệnh nhân của ông thì hiệu quả thật không ngờ,” theo báo Giao Thông.
Hồi năm 2014, khi phiên tòa xử ông Trọng diễn ra, báo Đời Sống Pháp Luật điểm lại “thành tựu” của ông Trọng trước khi vướng vòng lao lý vì giúp anh trai tẩu thoát. Theo báo này, ông Trọng “được nhiều người biết đến vì là một cán bộ cảnh sát hình sự giỏi nghề, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn và tóm gọn nhiều đối tượng giết người đặc biệt nguy hiểm.”
Ngoài ra, trong vụ nhà chức trách Hải Phòng tiến hành cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn diễn ra hôm 5 Tháng Giêng, 2012, báo nhà nước mô tả hình ảnh ông Trọng cầm loa kêu gọi ông Vươn đầu hàng “là trận đánh đẹp.” (N.H.K) [qd]