Các dân tộc bị đế quốc đỏ thống trị, hãy đoàn kết lại !
Vượt qua Việt
TƯ LIỆU: Nhân viên của lực lượng Tuần duyên Philippines quan sát những tàu được cho là tàu dân quân của Trung Quốc ở Bãi cạn Sabina ở Biển Đông, ngày 27 tháng 4, 2021. |
Philippines phản đối “sự hiện diện bất hợp pháp và các hoạt động” liên tục của Trung Quốc gần một đảo ở Biển Đông do quốc gia Đông Nam Á này kiểm soát, bộ ngoại giao cho biết ngày thứ Bảy.
Manila đã đệ trình công hàm phản đối ngoại giao vào ngày thứ Sáu về “việc điều động không ngừng, sự hiện diện kéo dài, và các hoạt động bất hợp pháp của những tài sản hàng hải và tàu cá của Trung Quốc” gần đảo Thitu (tiếng Việt gọi là Thị Tứ).
Philippines yêu cầu nước láng giềng rút các tàu này lại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc.
Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã leo thang liên quan tới sự hiện diện từ mấy tháng qua của hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Philippines. Philippines nói họ tin rằng các tàu này do lực lượng dân quân điều khiển, trong khi Bắc Kinh nói đó là những tàu đánh cá trú ẩn vì thời tiết xấu.
“Quần đảo Pag-asa là một phần thiết yếu của Philippines mà nước này có chủ quyền và quyền tài phán,” bộ ngoại giao nói trong một phát biểu.
Đảo Thitu, được gọi là Pag-asa ở Philippines, cách đất liền 451 km và là đảo lớn rất trong số tám bãi đá, bãi cạn và đảo mà nước này chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã xây dựng một thành phố mini với các đường băng, nhà chứa máy bay và lắp đặt phi đạn đất đối không ở Đá Subi cách Thitu khoảng 25km.
Đây ít nhất là công hàm phản đối ngoại giao thứ 84 mà Philippines đệ trình với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016.
Một tòa án quốc tế năm đó đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi khoảng 3 ngàn tỉ đôla khối lượng thương mại đi qua hàng năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và địa hình khác nhau trong khu vực.
Ông Duterte đã gác qua một bên phán quyết có lợi cho Philippines và theo đuổi mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh để đổi lấy các cam kết cho vay, viện trợ và đầu tư hàng tỉ đôla, phần lớn vẫn đang chờ giải ngân.
Hạm trưởng tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) Robert Briggs cùng phó hạm trưởng Richard Slye quan sát tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 04/04/2021 trên biển Philippines. © US Navy - via Twitter @Chris Cavas |
Báo giới quan tâm đến châu Á trong những ngày qua đã bàn tán khá nhiều về một bức ảnh mà Hải Quân Mỹ chụp ngày 04/04/2021 tại biển Philippines, cho thấy hạm trưởng tàu khu trục Mỹ USS Mustin ngồi trên boong tàu, quan sát một chiếc tàu ngoài xa được ghi nhận là hàng không mẫu hạm Trung Quốc Liêu Ninh.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Biển Đông và biển gần Đài Loan, với sự hiện diện của cả chiến hạm Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, việc bức ảnh được tiết lộ đã đặt ra câu hỏi về dụng tâm của Mỹ.
Thoạt nhìn, bức ảnh rất bình thường. Người ta thấy hạm trưởng tàu khu trục Mustin (số hiệu DDG 89) Robert Briggs cùng sĩ quan điều hành tàu là Richard Slye ở trên boong, đang nhìn về phía biển xa, nơi người ta thấy một chiếc tàu sân bay - được ghi nhận là chiếc Liêu Ninh của Trung Quốc - đang di chuyển song song.
Tuy nhiên, giới phân tích đã ghi nhận một loạt những yếu tố khác thường, mà trước tiên hết là tính chất “hiếm hoi” của bức ảnh. Hải Quân Mỹ cho đến nay, đã công bố rất nhiều hình ảnh hay video về hoạt động của các chiến hạm Mỹ khi đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông hay vùng eo biển Đài Loan, nhưng hiếm khi thấy những tư liệu trong đó có tàu Trung Quốc.
Bức ảnh hàm chứa thông điệp cảnh báo Trung Quốc
Tư thế ngồi của hạm trưởng chiếc USS Mustin cũng đáng chú ý: Ông ngồi trên một chiếc ghế bành, gác chân lên lan can một cách thoải mái, mà theo giới phân tích dường như tỏ vẻ thờ ơ, không quan tâm mấy đến “mối đe doạ” từ tàu Liêu Ninh di chuyển gần đó.
Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 11/04 đã nhận xét như sau: “Tư thế ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành bọc da màu nâu, hai chân duỗi dài gác lên lan can tàu của viên hạm trưởng Mỹ có thể khiến ta nghĩ đến một chuyến du ngoạn vui vẻ. Thế nhưng không phải vậy: cùng với người phó của mình, chỉ huy chiếc DDG-89 - một trong 71 chiếc khu trục hạm của Hải Quân Hoa Kỳ - đang quan sát chiếc đầu tiên trong số hai tàu sân bay Trung Quốc mà họ đang theo dõi”.
Đối với một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 11/04 trích dẫn thì Hải Quân Mỹ đã cố tình tung ra bức ảnh này với mục tiêu tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý, gởi đi một thông điệp cảnh báo nhắm vào Trung Quốc.
Theo ông Lã Lễ Thi (Lu Li-shih), cựu giảng viên Học Viện Hải Quân Đài Loan tại Cao Hùng, bức ảnh là “một dạng chiến tranh nhận thức, nhằm chứng tỏ rằng Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời”. Đối với chuyên gia này, dáng vẻ rất thoải mái của hai viên chỉ huy cao nhất trên khu trục hạm Mỹ khi chiếc Liêu Ninh chỉ cách đó vài nghìn mét cho thấy là phía Mỹ “xem thường Hải Quân Trung Quốc”.
Còn tổng biên tập tạp chí quốc phòng Hán Hòa (Kanwa Defense Review) xuất bản tai Canada Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang) cho rằng bức ảnh là “lời cảnh báo nhắm vào Quân Đội Trung Quốc”, cho thấy rõ là Mỹ nắm rất rõ các động thái của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.
Không còn thấy trên web thông tin của Bộ Quốc Phòng Mỹ?
Một chi tiết khác thường khác đã được nhà báo Mỹ chuyên về hải quân Chris Cavas ghi nhận là sau khi được công bố trên trang web thông tin DVIDS của bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 11/04, bức ảnh sau đó đã được rút xuống.
Chris Cavas là một trong những người đầu tiên đã phát hiện việc Hải Quân Mỹ công bố bức ảnh. Trong tin nhắn Twitter kèm theo hai bức ảnh, một của hai chỉ huy khu trục hạm USS Mustin, và một của tàu sân bay Liêu Ninh nhìn từ phía tàu Mỹ, nhà báo Mỹ đã nêu bật:
“Ảnh rất hiếm chụp sĩ quan chỉ huy và sĩ quan điều hành của chiến hạm USS Mustin DDG89 khi họ bám theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh 16 trên Biển Philippines vào ngày 4 tháng 4. Hải Quân Mỹ hiếm khi thừa nhận các hoạt động theo dõi tàu Trung Quốc và việc tàu Mỹ bị Trung Quốc bám đuôi”.
Dẫu sao thì theo nhật báo Pháp Le Figaro, bức ảnh chụp từ tàu khu trục USS Mustin cho thấy là căng thẳng ở khu vực gần Đài Loan tiếp tục ở mức cao.
Trong khu vực này, Bắc Kinh không chỉ tăng cường sức ép đối với Đài Loan, một hòn đảo độc lập trên thực tế nhưng vẫn bị Trung Quốc xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình, mà còn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà họ đang quân sự hóa ráo riết trong mười năm qua, bằng cách bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Theo Le Figaro, về phía Mỹ, trong khi tăng cường các chuyến hải hành qua lại vùng Biển Đông trong các chiến dịch bảo đảm nguyên tắc “tự do hàng hải”, Hải Quân Hoa Kỳ cũng lo ngại trước đà phát triển quá nhanh của Hải Quân Trung Quốc, một đà vươn lên đang đe dọa vị thế hàng đầu mà Mỹ có được từ năm 1945 và thậm chí kể từ năm 1991.
Pháp cũng có mặt nhưng khiêm tốn hơn
Ngoài sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, báo Le Figaro cũng không quên nhắc lại rằng dù với một quy mô khiêm tốn hơn, Hải Quân Pháp cũng có mặt tại khu vực tranh chấp này.
Hiện đang dừng chân tại Sabang của Indonesia, tại lối vào eo biển Malacca, tàu trực thăng đổ bộ Tonnerre và hộ tống hạm Surcouf của Pháp sẽ đi qua Biển Đông trong những ngày tới trong khuôn khổ chiến dịch huấn luyện “Jeanne d’Arc 2021” của các học viên sĩ quan của Hải Quân Pháp. Sau chặng dừng chân ở Việt Nam, chiến hạm Pháp sẽ đến Nhật Bản và cũng đi qua hoặc ít ra là đến gần eo biển Đài Loan.
Hôm 07/04, tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude của Pháp đã quay trở về cảng Toulon, sau bảy tháng hoạt động ở cùng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương này. Tàu ngầm Pháp cũng đã tuần tra Biển Đông, lần đầu tiên - ít nhất là trên mặt chính thức.
Một sự kiện hiếm hoi: Sự kiện tàu ngầm Emeraude trở về sau chuyến công tác lần này đã được quảng bá trên truyền thông, và đô đốc Pierre Vandier, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp đã ca ngợi một "sứ mệnh có tầm vóc chiến lược".
Đối với Le Figaro, giống như vụ bức ảnh của hạm trưởng Mỹ trên chiếc USS Mustin, sự cạnh tranh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là một vấn đề thông tin tuyên truyền.
Bản đề minh họa yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. RFI |
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm nay 20/05/2021 kêu gọi thúc đẩy thương mại, duy trì hòa bình tại Biển Đông và đặc biệt là sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó ông cũng cổ vũ các nước “gác lại một bên những bất đồng” để chống đại dịch Covid.
Theo báo Nikkei, trong Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức trực tuyến, ông Phạm Minh Chính, vừa nhậm chức thủ tướng Việt Nam vào tháng Tư, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn căng thẳng trong vấn đề chủ quyền.
Ông Phạm Minh Chính tuyên bố "cần phải giải quyết các khác biệt bằng các giải pháp hòa bình", tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhắc đến các cơ chế hợp tác đa phương, ông đề nghị "có sự phối hợp chặt chẽ để sớm ký kết được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)". Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định cần bảo vệ "quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông".
Báo Nhật Nikkei nhấn mạnh là "các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã bế tắc từ nhiều năm qua", trong khi Trung Quốc tiếp tục các hành động bành trướng, quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa, tiến hành nhiều cuộc tập trận, đe dọa láng giềng trên vùng biển chiến lược này.
Song song đó, ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng sự phục hồi của châu Á sau đại dịch Covid tùy thuộc phần lớn vào khả năng duy trì đầu tư thương mại trong và ngoài khu vực. Theo ông, các hiệp định thương mại quốc tế như CPATPP, RCEP sẽ giúp đẩy nhanh hồi phục kinh tế và tiến trình phát triển của khu vực.
Việt Nam đã đối phó hiệu quả trước đại dịch, giúp tăng trưởng tiếp tục 2,9% trong năm 2020, nhưng chính quyền đang lo ngại trước các ca nhiễm biến chủng mới gia tăng. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo nguồn cung vac-xin.
Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á là diễn đàn chính sách thường niên được Nhật Bản tổ chức. Hội nghị năm nay, có sự tham dự của lãnh đạo các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Cam Bốt.
Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Từ cả tháng nay, và đặc biệt là trong tuần qua, báo chí truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin về một liên minh mới được hình thành giữa các nước Tây phương và Ấn Độ nhắm chống lại sức bành trướng lãnh thổ không ngừng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trụ sở hành chính mà Trung Quốc đặt tên là “thành phố Tam Sa” ở quần đảo Hoàng Sa. (Hình: STR/AFP via Getty Images) |
Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là liệu liên minh quốc tế đó có làm được việc gì để chận đứng quyết tâm bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên hải lộ huyết mạch này đi từ Tây Thái Bình Dương sang Đông Ấn Độ Dương hay là cuối cùng chẳng ai làm được cái gì cả vì tình trạng “cha chung không ai khóc” trên vùng biển nói trên.
Tiến trình bồi đắp, cải tạo các đảo và bãi đá tại Trường Sa của Trung Quốc
Phải biết rằng hình dạng hiện thời của vùng biển đảo do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông chính là kết quả cụ thể của gần nửa thế kỷ xâm chiếm, bồi đắp và cải tạo những hòn đảo và bãi đá hoang của Bắc Kinh sau khi Hải Quân của họ đánh chiếm được quần đảo Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974, khi đất nước này đang phải vất vả đối phó với nguy cơ bị Cộng Sản Quốc Tế thôn tính.
Tốc độ và quy mô của hoạt động bồi đắp và cải tạo các hòn đảo và bãi đá trên Biển Đông của Trung Quốc đã làm cho quốc tế phải giật mình. Theo tờ The New York Times, hồi Tháng Sáu, 2015, Bắc Kinh công bố rằng tiến trỉnh hút bùn và trầm tích từ đáy biển lên để bồi đắp cho các bãi đá nửa nổi nửa chìm đã được ráo riết xúc tiến và sắp sửa hoàn tất.
Kể từ dạo ấy, Trung Quốc đã xây dựng các cảng biển, doanh trại quân sự và các phi đạo dành cho chiến đấu cơ trên những vùng đảo và bãi đá đó. Các tiện nghi này rõ ràng là đã gia tăng sức bám trụ vững chắc của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (Spratley Islands) nơi các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, và cả Đài Loan nữa đều tuyên bố họ có chủ quyền.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc quyết chí độc chiếm Biển Đông vì, ngoài lý do bành trướng lãnh thổ và gia tăng sức mạnh quân sự ra, còn có cả lý do phát triển kinh tế để thống trị thế giới, bởi vì ngoài nguồn lợi về hải sản và dầu khí ra, tận cùng dưới đáy Biển Đông còn chất chứa nhiều khoáng sản vô giá chưa ai biết được, bao gồm luôn cả loại đất hiếm (rare earth) vốn chứa những hóa chất cực kỳ quý giá như lanthanide, scandium, indium, và yttrium để dùng trong các kỹ nghệ điện, điện tử, âm thanh, điện toán, lọc dầu…
Liên minh quốc tế có thể làm được gì để ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông?
Trong cuộc tranh chấp biển đảo hiện nay giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là các quốc gia Đông Nam Á cùng Đài Loan cộng với liên minh các quốc gia gồm Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Canada, và Đức, có thể nói rằng liên minh quốc tế sẽ không làm gì được nhiều để ngăn chặn sức bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Có nghĩa là, cuối cùng, Bắc Kinh sẽ chiếm đoạt hết vùng Biển Đông để làm thành cái ao nhà của họ – y như Địa Trung Hải từng là cái ao nhà của hai Đế Quốc Anh và Pháp trong hai thế kỷ 19 và 20 vậy – đáp ứng đúng tham vọng của họ và ngược lại với ý muốn của cộng đồng thế giới.
Các lý do sau đây chứng minh rằng nhận định tuy có vẻ bi quan nhưng rất khách quan nói trên là có giá trị và sẽ xác định kết quả sau cùng của một trong những cuộc tranh chấp quốc tế về lãnh thổ phức tạp nhất của thế kỷ 21:
Thứ nhất, trừ khi được xác nhận trên giấy tờ, như Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Liên Minh Warsaw (Warsaw Pact) trong thời Chiến Tranh Lạnh hay như các hiệp ước phòng thủ song phương Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn và Mỹ-Philippinees, các liên minh mới được thành lập dựa trên lời hứa của các nhà lãnh đạo các quốc gia tự do, dân chủ liên hệ (như Bộ Tứ gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ và sau này có thể còn bao gồm thêm Anh, Pháp, Canada, và Đức nữa) nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc muốn chiếm đoạt hết quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratley Islands) trên Biển Đông sẽ không được nước thành viên nào tích cực thi hành vì các lý do địa chính trị và kinh tế hiện nay.
Ngược lại, một mình Trung Quốc, với đảng Cộng Sản độc quyền cai trị chặt chẽ tại Hoa Lục từ năm 1949 đến nay – hoặc nói cho cụ thể là từ thời Đặng Tiểu Bình trong thế kỷ trước tới thời Tập Cận Bình ngày nay – sẽ một mực thi hành đường lối cương quyết chiếm đoạt cho bằng được các vùng biển đảo mà họ nhắm tới chứ không hề lui bước.
Lịch sử cho thấy Âu Châu đã phải cần tới tất cả năm liên minh trong khoảng thời gian một thập niên, từ 1805 đến 1815, chinh chiến máu đổ, thịt rơi mới đánh bại được Hoàng Đế Napoleon Bonaparte của Pháp cách nay hai thế kỷ. Đó là các liên minh khá chặt chẽ chứ không phải còn sơ khai và lỏng lẻo như các liên minh chống Bắc Kinh bây giờ, mà rồi không chừng sẽ chợt đến, chợt đi khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân chủ có ý định thành lập liên minh chống Trung Hoa không giữ vững được ngôi vị của mình sau các cuộc bầu cử định kỳ.
Thứ nhì, đứng trước tình hình cụ thể của cuộc tranh chấp biển đảo hết sức phức tạp như hiện nay giữa một bên là Cộng Sản Trung Quốc thuộc hạng siêu cường hùng mạnh so với đối thủ của họ, kẻ thì yếu ớt, kẻ thì kết hợp lỏng lẻo, các quan sát viên quốc tế cho rằng chỉ có một cuộc chiến tranh thật sự xảy ra giữa các bên liên hệ mới có thể giải quyết được cuộc tranh chấp tại Biển Đông ngày nay.
Nhưng Bắc Kinh luôn vững tin rằng cuộc chiến tranh đó sẽ không thể nào xảy ra vì siêu cường Mỹ hùng mạnh nhất thế giới không bao giờ đủ to gan để đánh nhau với Trung Quốc chỉ vì những hòn đảo và bãi đá nhỏ bé chưa hề được quốc tế nhìn nhận là thuộc lãnh thổ của bất cứ nước nào trong cuộc.
Hơn nữa, với tiến trình toàn cầu hóa đang được xúc tiến mạnh mẽ khắp nơi ngày nay và không thể nào đảo ngược được nữa, quyền lợi kinh tế chằng chịt giữa các cường quốc thế giới chính là chiếc “vòng kim cô” bền vững giữ cho các bên liên hệ, đặc biệt là những quốc gia nhỏ yếu trong vùng, không dám dùng tới vũ lực để đánh lại Trung Quốc một khi chính các cường quốc ủng hộ họ bất quá cũng chỉ hứa suông mà thôi.
Chiến hạm Hải Quân Trung Quốc diệu võ dương oai trên Biển Đông. (Hình: news.usni.org) |
Mà cho dù có hứa thật đi nữa, như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa và Afghanistan bây giờ, thì thực tế cho thấy cũng không ai buồn giữ lời hứa để giúp ai đâu: quân tử nhất ngôn là quân tử dại!
Tiềm ẩn bên dưới thái độ rụt rè, không dám dấn thân này của các nước đang đối đầu với Trung Hoa tại Biển Đông chính là tình trạng “cha chung không ai khóc” của vùng này. Bởi vì thật ra, trừ khi có một phán quyết quốc tế minh bạch và thực thi được cho biết ai thật sự có chủ quyền trên hòn đảo và bãi đá nào tại Biển Đông, vùng này cũng chẳng phải là của riêng ai hết mà chỉ là một nơi mạnh ai nấy tranh giành cho thỏa lòng tham của mà thôi.
Cho đến nay, mới chỉ có một phán quyết duy nhất của Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) tại The Hague hồi Tháng Bảy, 2016, truyền rằng Trung Quốc không có chủ quyền nào hết trên các đảo và bãi đá hoang tại Biển Đông cả. Nhưng cường quốc này vẫn khăng khăng bác bỏ phán quyết đó chỉ vì, cho tới nay, quốc tế chẳng hề có cơ quan thực thi pháp luật nào đủ quyền lực để bắt họ phải tuân thủ lệnh tòa.
Thứ ba, thời gian luôn đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp phức tạp hiện nay tại Biển Đông. Từ năm 1974, là lúc Trung Quốc khởi sự kế hoạch độc chiếm Biển Đông qua trận hải chiến Hoàng Sa với Việt Nam Cộng Hòa, Bắc Kinh chỉ có tiến chứ không hề lui. Số lượng các đảo và bãi đá bị họ dần dà thâu tóm trên Biển Đông, từ nhóm đảo Gạc Ma của Việt Nam cho tới Bãi Cạn Scarborough và hiện nay là đá Ba Đầu của Philippines, ngày càng gia tăng chứ không hề giảm sút.
Đó là chưa kể các công trính gia cố, bồi đắp và quân sự hóa các nhóm đảo và bãi đá đó ngày càng được xúc tiến mạnh mẽ hơn, để các thực thể đó dần dà trở thành một vành đai thép có chiều dài từ Hải Nam xuống tới Malaysia, Indonesia và Brunei và chiều ngang từ Việt Nam qua tới Philippines.
Việc các quốc gia Tây phương thỉnh thoảng tổ chức tập trận Hải Quân quy mô hoặc đưa các hải đội hoặc hạm đội đồ sộ chạy ngang qua Biển Đông cũng không làm sờn lòng Bắc Kinh, bởi vì họ đã khôn khéo tránh né những hành động khiêu khích quá lố lúc những con tàu dữ dằn đó tiến tới, và lúc sóng êm, biển lặng thì mọi sự đâu cũng lại vào đấy sau khi các tàu chiến đó đã bỏ đi rồi.
Công trình gia cố và quân sự hóa các đảo và bãi đá mới chiếm được từ tay các nước nhỏ yếu hơn tại Đông Nam Á của Bắc Kinh lại vẫn tiếp tục như trước đó để chờ cái ngày vẫn thường được đảng Cộng Sản Trung Quốc ngợi ca: “Đông phương hồng, nước Trung Hoa có ông Mao Trạch Đông.”
Lợi thế về thời gian của Bắc Kinh nằm trong sách lược “mưa dầm thấm lâu” hoặc “tằm ăn dâu” hoặc “tích thiểu thành đa” mà người Đại Hán đang áp dụng khi lần lượt thâu tóm các nhóm đảo kém phòng thủ từ tay các nước nhỏ bé hơn họ quanh vùng Biển Đông.
Thứ tư, cũng giống y như lúc chủ nghĩa Cộng Sản bành trướng tại Trung Hoa và Việt Nam xưa kia, người Cộng Sản luôn dùng sách lược khủng bố và đe dọa con người để đạt được mục tiêu của họ.
Nhiều người dân tại Việt Nam ngày nay vẫn còn tưởng ngành tuyên truyền, tức chiến tranh tâm lý, của Cộng Sản là hay lắm nên mới có nhiều người theo, trong khi thật ra đa số những người theo Cộng Sản là do sợ mình bị trả thù và hãm hại chứ không phải vì các cán bộ tuyên vận của Cộng Sản có tài ăn nói.
Trung Quốc đang khai thác triệt để sách lược khủng bố này để ngư dân Việt Nam và Philippines không dám đánh cá gần khu vực có lực lượng hải giám hoặc dân quân biển của họ hoạt động, đặc biệt mới đây nhất là lệnh của Bắc Kinh cho phép các tàu tuần của họ bắn vào tàu thuyền của các ngư dân Việt Nam, Philippines, Malyasia, và Indonesia nếu những tàu thuyền này dám bén mảng tới gần vùng biển do các lực lượng Trung Quốc kiểm soát, dù là để đánh cá hay để thăm dò dầu khí, như trường hợp của Việt Nam từ bấy lâu nay.
Liên minh quốc tế có lần nào phản đối hoặc can thiệp vào cái lệnh cực kỳ vô lý và ngang ngược này trên vùng biển quốc tế của Bắc Kinh chưa? Câu trả lời là không, không hề, chỉ vì tàu chiến của các cường quốc đó lâu lâu mới chạy qua để diệu võ dương oai chơi mà thôi chứ đâu có ở lại lâu mà biết.
Sợ riết rồi trở thành thói quen, từ rày về sau ai cũng tìm cách tránh xa vùng biển đảo có quân Trung Quốc trấn giữ cho yên thân, và thế là Đường Chín Đoạn (tức Đường Lưỡi Bò) do Bắc Kinh vẽ ra đã trở thành hiện thực, “bất chiến tự nhiên thành.” (Vann Phan) [qd]