Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Chuyện cung đình (3)

Về Tướng Võ Nguyên Giáp

Bài mới hơn  Bài cũ hơn  Mục lục  Trang chính

29/03/2021 - voatiengviet

Con tướng Võ Nguyên Giáp bị tố xấu chơi về quyền đồng tác giả của ông Hữu Mai

Các cuốn sách về đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.

Gia đình cố đại tướng Võ Nguyên Giáp không công nhận cố nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả bộ hồi ký của đại tướng, một đại diện gia đình ông Hữu Mai cho biết, theo tường thuật trong những ngày gần đây của Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Nông Nghiệp Việt Nam và một số báo khác.

Theo tìm hiểu của VOA, trước khi lên tiếng với báo chí, ông Trần Hữu Bình, con trai cả của cố nhà văn Hữu Mai, đã giãi bày về vấn để kể trên thông qua trang Facebook cá nhân hôm 10/3.

Ông Trần Hữu Bình, cũng là một nhà văn với bút danh Bình Ca, cho hay người cha là nhà văn Hữu Mai đã dành 30 năm để viết bộ hồi ký cho đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Trong ‘Tổng tập hồi ký Võ Nguyên Giáp’ dày 1.358 trang thì phần cha tôi viết là 1.136 trang”, nhà văn Bình Ca thuật lại trên Facebook.

Thời gian gần đây, bộ sách hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện “không thể phát hành” vì “lý do khá đáng buồn”, vẫn theo lời kể của ông Bình Ca trên mạng xã hội.

Từ khi ông Hữu Mai qua đời hồi năm 2007, đại diện gia đình đại tướng là người con trai có tên Võ Điện Biên “đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả”, ông Bình Ca cho biết.

“Những năm cha tôi còn sống, nhuận bút vẫn được chia giữa ông và đại tướng theo tỷ lệ 50/50”, theo lời con trai của cố nhà văn Hữu Mai. Ông Bình Ca viện dẫn Luật Sở hữu Trí tuệ để nói rằng người cha của mình và đại tướng Giáp là đồng tác giả các cuốn hồi ký.

Tuy nhiên, về sau, ông Võ Điện Biên “không đồng ý ký vào hợp đồng xuất bản nếu trong đó có đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai. Vì vậy các nhà xuất bản không thể in sách khi thiếu chữ ký cho phép của một trong hai đồng tác giả theo luật định”, ông Bình Ca chia sẻ thêm thông tin.

Đến tháng 6/2020, gia đình cố nhà văn Hữu Mai “vô tình được biết Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông đã in hai cuốn sách trong bộ hồi ký là ‘Đường tới Điện Biên Phủ’ và ‘Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử’, nhưng không xin phép gia đình nhà văn”, vẫn theo bài viết trên trang Facebook của ông Bình Ca .

Về sự việc này, phía nhà xuất bản giải thích với gia đình ông Bình Ca rằng họ đã xin ý kiến gia đình cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, và được ông Võ Điện Biên cho biết “không cần phải lấy ý kiến gia đình nhà văn Hữu Mai”.

“Điều đó khiến họ hiểu nhầm là gia đình Đại tướng đã được gia đình nhà văn ủy quyền thay mặt hai bên ký hợp đồng”, ông Bình Ca thuật lại.

Một triển lãm ảnh về đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội hôm 24/8/2011

Ông Bình Ca không đi vào chi tiết về những trao đổi giữa gia đình ông và nhà xuất bản, nhưng ông cho biết rằng sau khi nhà xuất bản nắm rõ bản chất sự việc và với thực tế là họ rất hiểu luật về quyền tác giả, “họ đã làm công văn xin lỗi gia đình chúng tôi, đồng thời gửi công văn tới gia đình Đại tướng đề nghị hủy hợp đồng 5 năm do việc ký kết giữa hai bên không theo đúng các quy định pháp luật. Nhà xuất bản cũng xin được khép lại câu chuyện và chúng tôi chấp thuận”.

Báo Tuổi Trẻ hôm 29/3 dẫn lời tiến sĩ Lưu Trần Luân, nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, người từng được tiếp xúc khá nhiều với đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như tiếp tục có mối quan hệ với các con của Đại tướng, khẳng định tác giả của hồi ký là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy công nhận rằng nhà văn Hữu Mai có công trong bộ hồi ký và có quyền liên quan, một quyền có tính vĩnh viễn, hoặc là quyền tác giả "thứ cấp", nhưng tiến sĩ Luân có quan điểm rằng đại tướng Võ Nguyên Giáp mới giữ quyền tác giả chính.

Vẫn ông Luân nói trong bài báo của Tuổi Trẻ rằng hai gia đình nên thể hiện trách nhiệm với nhau trong việc xuất bản bộ hồi ký và nhuận bút nên chia với tỉ lệ được thỏa thuận giữa hai nhà, không nhất thiết là 50/50 như trước đây.

Trong khi đó, về phía gia đình cố nhà văn Hữu Mai, con trai cả của ông là Bình Ca bày tỏ trên Facebook rằng “dù rất thiện chí và mong muốn bộ hồi ký của Đại tướng được tiếp tục in, nhưng gia đình chúng tôi cho rằng nó phải được phát hành theo đúng quy định của pháp luật, và tôn trọng quyền tác giả của nhà văn”.

Người con của cố nhà văn tiếp đến “đề nghị các nhà xuất bản có ý định xuất bản bộ hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp do cha tôi thể hiện tôn trọng quyền chính đáng và theo luật định này”.

Khi được VOA hỏi ông có suy nghĩ gì về sự việc gây tranh cãi nêu trên và về lời gợi ý của tiến sĩ Lưu Trần Luân về phương hướng giải quyết, ông Bình Ca nói:

“Những gì cần nói, gia đình chúng tôi đã nói cả rồi. Chúng tôi không muốn làm phức tạp thêm nữa vì mỗi người hiểu một kiểu. Tôi không muốn tranh luận nữa. Tôi chỉ nói những điều chúng tôi suy nghĩ và đã nói hết cả rồi. Gia đình bên kia chưa nói, hãy chờ lắng nghe họ nói thì tốt hơn”.

VOA cố gắng liên lạc với ông Võ Điện Biên, trưởng nam của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng không nhận được hồi đáp. Báo Tuổi Trẻ đưa tin hôm 29/3 rằng họ liên hệ với ông Biên ngày hôm trước nhưng ông Biên chỉ trả lời ngắn gọn là "việc này gia đình chưa có ý kiến".

Đầu trang

09/10/2013 - voatiengviet

Tranh cãi về di sản của Tướng Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia ở Hà Nội (hình chụp ngày 16/3/2004)

Sau cái chết của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều nhà bình luận nhắc tới ông như là vị tướng đã đánh bại lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, một quan điểm phổ biến nhưng sai lầm, ít nhất khi hiểu theo khía cạnh quân sự. Đó là nhận xét của một Giáo sư Mỹ có tiếng, nguyên là đại úy bộ binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam.

Trong bài bình luận đăng trên The Washington Times mới đây, Giáo sư Robert Turner thuộc Đại học Virginia viết rằng Tướng Giáp đánh bại quân đội Pháp năm 1954 và có công trong chiến thắng năm 1975, nhưng xuyên suốt cuộc chiến, lực lượng của Tướng Giáp chưa từng thắng một trận đánh lớn nào trước quân đội Hoa Kỳ.

Giáo sư Turner nói Mỹ bị thất bại không phải trước lực lượng cộng sản Bắc Việt của Tướng Giáp mà trước Quốc hội Hoa Kỳ thời bấy giờ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lạc.

Theo Giáo sư Turner, công bằng mà nói, Tướng Giáp đáng được ghi công trong cuộc chiến chính trị đã dẫn tới phong trào phản chiến rầm rộ tại Mỹ thời bấy giờ, khiến Quốc hội Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho các hoạt động tác chiến của lực lượng Mỹ tại Việt Nam.

Ông cũng nhắc lại các tổn thất nặng nề của lực lượng Bắc Việt trong trận đánh Tết Mậu Thân, với hàng loạt các cuộc tấn công vào hơn 100 tỉnh-thành khắp miền Nam vào cuối tháng giêng năm 1968.

Ông Turner nói sau trận đánh, tổn thất của quân đội cộng sản so với quân đội miền Nam Việt Nam và lực lượng Mỹ đồng minh cao hơn gấp chục lần.

Giáo sư Turner nói khi chúng ta hồi tưởng nhân sự ra đi của Tướng Giáp, chúng ta cũng nên nhớ lại các hậu quả từ quyết định của Quốc hội Mỹ lúc đó, bỏ lại sau lưng các cam kết lịch sử và bật đèn xanh cho phe cộng sản lấn chiếm sang miền Nam Việt Nam, Lào, và Campuchia. Trong số các hậu quả này, vẫn theo Giáo sư Turner, phải kể đến số người thiệt mạng ở khu vực Đông Dương trong 3 năm ‘giải phóng’ cao hơn số người chết trong 14 năm chiến tranh trước đó.

Giáo sư Luật Robert F. Turner có hai bằng Tiến sĩ từ Đại học Luật Virginia, giảng dạy về Chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả nhiều quyển sách về chiến tranh Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản, trong đó có cuốn sử quan trọng đầu tiên bằng Anh ngữ viết về “Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam”.

Nguồn: Robert F. Turner, The Washington Times

Hình ảnh về Tướng Giáp






(15/17) Nữ phóng viên ảnh người Mỹ Catherine Karnow và Tướng Giáp.

(16/17) Hai ông Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh (ảnh chụp năm 1950).

(17/17) Hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về tư gia của Tướng Giáp ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để vĩnh biệt ông.

Đầu trang

11/10/2013 - voatiengviet

‘Mâu thuẫn’ trong cách đối xử của Hà Nội với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ năm 1984.

Một vị tướng lão thành của Việt Nam cho rằng chính quyền Hà Nội đã cho thấy sự mâu thuẫn khi tổ chức tang lễ rất trang trọng cho Tướng Giáp nhưng không lắng nghe ý kiến của ông khi chiến lược gia quân sự tự học này còn sống.

Thiếu tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, người từng nhiều lần có cơ hội trò chuyện với Tướng Giáp, cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều đề nghị của Tướng Giáp đối với nhà nước đã không được hồi đáp.

Ông Vĩnh nói: “Bây giờ thì người ta tổ chức tang lễ của Đại tướng rất là long trọng nhưng mà khi Đại tướng còn đang sống và tỉnh táo, Đại tướng đề nghị không phá Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại tướng đề nghị không khai thác bauxite Tây Nguyên, và không sáp nhập cả tỉnh Hà Đông nông nghiệp vào thủ đô Hà Nội hiện đại nhưng mà đều không được chấp nhận và không được phản hồi. Tôi thấy đấy là những mâu thuẫn với nhau”.

Truyền thông nhà nước Việt Nam đã loan tải rất nhiều bài viết ca ngợi công lao của Tướng Giáp, nhưng người ta không thấy họ đề cập gì tới những trăn trở lúc cuối đời của vị danh tướng này như ông Vĩnh đề cập.

Bây giờ thì người ta tổ chức tang lễ của Đại tướng rất là long trọng nhưng mà khi Đại tướng còn đang sống và tỉnh táo, Đại tướng đề nghị không phá Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại tướng đề nghị không khai thác bauxite Tây Nguyên, và không sáp nhập cả tỉnh Hà Đông nông nghiệp vào thủ đô Hà Nội hiện đại nhưng mà đều không được chấp nhận và không được phản hồi. Tôi thấy đấy là những mâu thuẫn với nhau.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh nói.

Hồi năm 2009, ông Giáp đã nhiều lần gửi thư lên các cấp cao nhất của Việt Nam, kêu gọi ‘dừng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên’ vì đó là ‘vấn đề hết sức hệ trọng có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng và đến vấn đề phát triển ổn định, bền vững của đất nước’. Tuy nhiên, sau đó dự án vẫn được tiến hành.

Tin tức cho hay, hàng nghìn người vẫn xếp hàng để được vào viếng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia của ông ở Hà Nội.

Thân nhân của Tướng Giáp mới cho biết trên trang Facebook chính thức rằng gia đình rất ‘cảm động trước tấm lòng của người dân’ ở mọi nơi.

Ông Vĩnh, người từng giữ chức đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hồi đầu thập niên 80, cho rằng sự thương tiếc của nhiều người dân ‘chứng tỏ rằng nhân dân người ta kính trọng và hâm mộ Tướng Giáp hơn tất cả mọi người, trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh’.

Ông nói: “Đại tướng để lại tinh thần độc lập, tự do, tinh thần bất khuất và đồng thời là tinh thần yêu nước cực độ. Điều đó phù hợp với nguyện vọng của toàn dân Việt Nam cho nên nhân dân Việt Nam người ta ngưỡng mộ, người ta khâm phục và kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trong lúc người dân tỏ lòng tôn kính Tướng Giáp, ông Vĩnh cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay lại ‘không học hỏi tinh thần của Tướng Giáp’.

Ông nói: “Theo tôi thì các vị [lãnh đạo] hiện nay không học hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi vì Trung Quốc liên tục xâm chiếm biển Đông và đòi gần hết biển Đông là của họ một cách vô lý mà nhà nước chúng tôi vẫn cứ nói rằng là [quan hệ] hữu nghị, tôn trọng 16 chữ vàng với 4 tốt”.

Theo tôi thì các vị [lãnh đạo] hiện nay không học hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi vì Trung Quốc liên tục xâm chiếm biển Đông và đòi gần hết biển Đông là của họ một cách vô lý mà nhà nước chúng tôi vẫn cứ nói rằng là [quan hệ] hữu nghị, tôn trọng 16 chữ vàng với 4 tốt.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh nói.

Về vấn đề liên quan tới nơi an nghỉ cuối cùng của Tướng Giáp, ông Vĩnh cho biết gia đình bày tỏ ý nguyện, chứ không phải nhà nước chọn nơi mai táng cho Tướng Giáp.

Gần đây một số ý kiến cho rằng nên thay tượng Lê Nin trên một con phố ở Hà Nội bằng tượng Tướng Giáp. Ông Vĩnh cho rằng ‘không cần thiết phải làm việc đó’.

Ông nói: “Tôi cho rằng là cái việc đó là việc lịch sử. Lenin không có tội, không có tội gì đối với nhân dân Việt Nam cả. Tôi đồng ý việc phải xây tượng đài cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng mà ở một vườn hoa khác”.

Tang lễ cấp nhà nước sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/10, và một ngày sau đó linh cữu của Tướng Giáp sẽ được đưa bằng máy bay về chôn cất tại quê hương ông.

Con gái của Tướng Giáp, bà Võ Hạnh Phúc, được báo chí trong nước trích lời nói rằng việc tìm nơi chôn cất cha bà đã được tiến hành từ cuối thập niên 90, và cuối cùng gia đình đã chọn Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc Huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Đầu trang

03/11/2016 - voatiengviet

Bắc Kinh đã ngăn cản Võ Nguyên Giáp trở thành Tổng Bí thư như thế nào?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau Hội nghị Trung ương 4 khoá XII diễn ra từ ngày 9 đến 14/10 và chuyến thăm Trung Quốc của Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN diễn ra từ ngày 19 đến 21/10 vừa qua, dư luận đang dấy lên đồn đoán là ông Đinh Thế Huynh đã được chọn làm người kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chưa biết tin đồn này có trở thành hiện thực hay không, nhưng dường như một lần nữa Trung Quốc lại nổi lên như một nhân tố quyết định ngôi vị lãnh đạo tối cao ở Việt Nam.

Không ít người cho rằng đây là một “thông lệ” bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, hội nghị mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng cảnh báo là sẽ đưa Việt Nam bước vào “một thời kỳ bắc thuộc mới rất nguy hiểm”. Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh đã thò “bàn tay lông lá” của mình vào chính trường Việt Nam từ trước đó rất lâu.

Ngược dòng thời gian, sau thảm hoạ diệt chủng mang tên “Cải cách ruộng đất” do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, Trưởng ban Cải cách Ruộng đất Trung ương Trường Chinh bị biến thành con dê tế thần và mất chức Tổng Bí thư vào tháng 10/1956. Lúc bấy giờ, trong số những trợ thủ thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi lên như là ứng cử viên số một để tiếp quản chiếc ghế mà ông Trường Chinh để lại. Vậy nhưng, sau một thời gian ông Hồ Chí Minh (Chủ tịch Đảng) kiêm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, tại Đại hội lần thứ III Đảng CSVN năm 1960, nhân vật được bầu vào vị trí Bí thư Thứ nhất lại là ông Lê Duẩn, một người mới từ Miền Nam ra Hà Nội cuối năm 1957, chứ không phải là ông Võ Nguyên Giáp, người từng sát cánh với ông Hồ Chí Minh suốt mười mấy năm.

Một số người, trong đó có Đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân, cho rằng việc ông Võ Nguyên Giáp bị loại và ông Lê Duẩn được chọn xuất phát từ ý muốn của ông Hồ Chí Minh. Theo họ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một tên tuổi nổi bật trên thế giới. Uy tín của ông Võ Nguyên Giáp trong nhân dân lớn tới mức, sau thất bại thảm hại của cuộc Cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã phải cử ông thay mặt họ nhận tội và xin lỗi nhân dân tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 29/10/1956. Ông Hồ Chí Minh lo sợ trước viễn cảnh một vị Tổng Bí thư với vầng hào quang chói lọi sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ khiến hình ảnh của mình bị lu mờ.

Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi với Đại tá Đoàn Sự, một sự thật hoàn toàn khác lại hé lộ. Đại tá Đoàn Sự là em ruột của Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo (nay là Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng), trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bị bắt trong vụ án “xét lại chống đảng” tháng 2/1968. Đại tá Đoàn Sự là người phiên dịch tiếng Trung tại đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và có thời gian làm thư ký cho ông. Từ năm 1955-1959, ông là phó tuỳ viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc. Ông cũng từng mấy lần tháp tùng và phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc.

Với vị thế đó, Đại tá Đoàn Sự là một nhân chứng lịch sử, một trong số ít người nắm được những bí mật thuộc hàng “thâm cung bí sử” của chế độ. Ông cho biết, sau khi ông Trường Chinh bị mất chức, ông Hồ Chí Minh tạm quyền Tổng Bí thư và chủ trương đưa ông Võ Nguyên Giáp lên ngồi vào chiếc ghế đó. Vì thế, ông đã bí mật cử ông Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để “tham vấn” ý kiến của Bắc Kinh. Ông Hồ nói với ông Võ Nguyên Giáp: “Thôi bây giờ chú trút bỏ quân phục đi. Chú phải làm nhiệm vụ này. Nhưng trước hết là ta phải sang trao đổi với Trung Quốc, trên đường chú đi Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.”

Sau khi trở thành đại tướng, tổng tư lệnh quân đội, ông Võ Nguyên Giáp luôn mặc quân phục mỗi khi tham gia các sự kiện hay các cuộc gặp gỡ, giao đãi. Thói quen này vẫn được ông duy trì cho đến những năm tháng cuối đời. Chuyến sang Tiệp Khắc lần đó là một dịp hiếm hoi ông mặc quần áo dân sự, mà mục đích là để tạo hình ảnh của một Tổng Bí thư tương lai.

Đoàn Việt Nam sang Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lần thứ 11 năm 1958 gồm có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Tố Hữu và một vài người khác. Cả đi lẫn về đoàn đều dừng chân ở Bắc Kinh. Mặc dù đoàn gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông sau khi từ Tiệp Khắc trở lại Bắc Kinh, nhưng thực ra đó mới là mục đích chính của đoàn.

Đại tá Đoàn Sự đã gặp Mao Trạch Đông từ trước. Theo ông, đó là một con người cao to, hách dịch và ăn nói thì rất khó nghe. Tham dự cuộc gặp bên phía Trung Quốc còn có Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm. Phía Việt Nam còn có ông Nguyễn Khang, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Đại tá Đoàn Sự làm phiên dịch cho đoàn Việt Nam. Trong cuộc gặp, Mao Trạch Đông hết lời khen ngợi ông Võ Nguyên Giáp, nào là “Võ Tổng tài ba lắm”, “Võ Tổng giỏi giang lắm”, v.v. Tuy nhiên, cuối cùng ông ta lại chốt một câu: “Nhưng tôi thấy hình như Võ Tổng chưa làm công tác lãnh đạo địa phương bao giờ cả thì phải? Chưa làm qua tỉnh uỷ… gì gì cả. Võ Tổng toàn là thân chinh bách chiến, toàn là đánh nhau cả. Cho nên tôi cũng e ngại là Võ Tổng có ít kinh nghiệm về chuyện này [làm Tổng Bí thư]. Tôi đã trao đổi với mấy người. Chúng tôi không dám có ý kiến gì về chuyện đồng ý hay không đồng ý. Nhưng chúng tôi thấy là ở Việt Nam còn nhiều đồng chí giỏi lắm mà, như đồng chí Lê Duẩn này, đồng chí Lê Đức Thọ này, v.v. Các đồng chí cũng nên cân nhắc xem thế nào.”

Đây là một cuộc gặp bí mật. Hai bên không ghi chép gì. Bên Việt Nam chỉ đến trao đổi rồi lẳng lặng ra về. Sau cuộc gặp, ông Võ Nguyên Giáp nói với ông Đoàn Sự: “Thôi thế là trật rồi. Mình giờ lại khoác quân phục rồi.” Và trước khi mặc lại quân phục, ông đã chụp ảnh kỷ niệm với người cộng sự thân tín một thời, ghi lại hình ảnh hiếm hoi của mình trong bộ quần áo dân sự.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đoàn Sự sau cuộc gặp với Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1958. Ảnh do Đại tá Đoàn Sự cung cấp.

Thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và ông Võ Nguyên Giáp thì bà vợ hai của ông Lê Duẩn là Nguyễn Thụy Nga cũng mới sinh người con trai út Lê Kiên Trung ở Bắc Kinh. Theo thông tin mà người ta rỉ tai nhau vào lúc đó thì ông Lê Duẩn phải đưa vợ bé sang Trung Quốc và tá túc trong Đại sứ quán Việt Nam vì bị bà vợ cả đánh ghen. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra cùng tiết lộ của Đại tá Đoàn Sự thì rất có thể đây là chiêu mà ông Lê Duẩn nghĩ ra để lấy được lòng tin của Bắc Kinh.

Ông Lê Duẩn đem vợ con sang Bắc Kinh như một thứ “con tin” để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh cho ngôi vị Tổng Bí thư. Vậy ông Đinh Thế Huynh lấy gì để “thế chấp” cho các ông chủ Trung Nam Hải?

Hội nghị Trung ương 4 khoá XII kết thúc, người ta nhận thấy Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, một người Hán trá hình, “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh cùng hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác ở Việt Nam và là người bị tố cáo những tội ác khủng khiếp suốt hơn 8 năm nay nhưng vẫn không được giải quyết đúng pháp luật, lại xuất hiện nổi bật trên truyền thông sau một thời gian khá trầm lắng: phát biểu trong chương trình thời sự VTV 19h về tái cấu trúc nền kinh tế, chỉ đạo công an Hà Nội xử lý vụ nhân viên Vietnam Airlines bị hành hung… (Theo một nguồn tin của chúng tôi, ông Hoàng Trung Hải vẫn thường lui tới nhà ông Đinh Thế Huynh từ hồi ông ta còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).

Tối 28/10 vừa qua, buổi lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Câu lạc bộ bóng đá No-U FC, nơi tập hợp những tiếng nói đấu tranh ôn hoà chống bá quyền Trung Quốc, dù đã phải diễn ra trong khuôn viên Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà để đảm bảo an toàn nhưng vẫn bị chính quyền Hà Nội huy động một lực lượng an ninh hùng hậu đến bao vây và tiến hành cắt điện, ngắt Internet, phá sóng điện thoại di động. Một số nhà hoạt động thậm chí còn bị công an ngăn cản tại nhà, không cho đến địa điểm tổ chức.

Phải chăng cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng sắp sửa nhường sân chơi cho cặp bài trùng cũng đặc biệt nguy hiểm cho tương lai đất nước là Hoàng Trung Hải - Đinh Thế Huynh? Và “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải lại tiếp tục kiểm soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam hòng tiếp tục gieo rắc tai ương cho dải đất hình chữ S này?

* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đầu trang

29/09/2017 - voatiengviet

Tướng Giáp, tài năng và số phận

Tướng Giáp trong một lần tiếp cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara.

VOA – Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.

***

Bùi Tín Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.

Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của CHXHCN Việt Nam không hề cải chính.

Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cái cơ chế chính trị Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo theo chế độ toàn trị ?

Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài «Sông Đa-núyp xanh» - Le Danube bleu.

Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung quốc, Ba lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu: Fidel Castro của Cuba, đại tướng Hoffman của CHDC Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.

Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh Gia Yếu lược, Vạn Kiếp Tông bí. Ông say sưa nói về «ngụ binh ư nông,» dân binh, dân quân, về chủ trương «đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung» thời đầu đến Đại Đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý «đánh chắc thắng,» về yếu tố nghi binh, bất ngờ - Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.

Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.

Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh - lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Cộng có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là «Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi» và «Nền dân chủ mới» đều là bản dịch 2 cuốn «Trì cửu chiến» và «Tân dân chủ chủ nghĩa» của ông Mao.

Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến «tốc chiến - tốc quyết» - đánh nhanh - giải quyết nhanh.

Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành «đánh chắc, tiến chắc», rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.

Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra «vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài», vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, đại tá Đỗ Đức Kiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức TƯ đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính Trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng «đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác.»

Sau chiến thắng Điện biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.

Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ - vin cớ rằng Bác cao tuổi, bát đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi, hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.

Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.

Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đòan, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan «sinh Bắc tử Nam», phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.

Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.

Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Cộng, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.

Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng về «Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2,» về «Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên,» nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là Vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Cộng.

Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.

Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.

Đầu trang