Vượt qua Việt
🌐    A  A  A  A 
Lãnh đạo
Kiêu binh thời đại:
«Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc»

Chuyện cung đình (5)

Đọc báo mạng

⬅️  📂  🏠

17/05/2021 - Trân Văn - voatiengviet

Dễ dãi với đồng đảng, nghiệt ngã với đồng bào!

Hình minh họa.

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa quyết định chỉ… cảnh cáo Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, Cục phó Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc của Bộ Công an Việt Nam.

Tướng Đa bị… cảnh cáo vì hàng loạt sai phạm hồi còn là Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng: Vi phạm các quy định của đảng, nhà nước và ngành công an trong quản lý, sử dụng tài chính và công tác cán bộ của đơn vị.

Cụ thể là trong năm năm, từ 2011 đến 2016, tướng Đa dính líu đến vụ sử dụng sai trái Quỹ Sản xuất của Công an tỉnh Sóc Trăng. Quỹ này có 38 tỉ nhưng chi đến 46 tỉ. Riêng các khoản chi cho tiếp khách, tặng quà đã xấp xỉ 40 tỉ. Chi cho chi tiêu khi đi công tác, hội nghị đến 3,4 tỉ… Tuy Quỹ Sản xuất đã sạch bách song khoản chi lố khoảng 5,4 tỉ vẫn là khoản nợ không có nguồn nào để bù đắp! Trong khoảng thời gian vừa kể, tướng Đa còn liên quan đến hàng loạt vụ điều động và bổ nhiệm nhân sự sai quy định!

Sau khi Quỹ Sản xuất của Công an tỉnh Sóc Trăng hết tiền và nội bộ nát bét vì điều động, bổ nhiệm tùy tiện, tướng Đa được thuyên chuyển từ Sóc Trăng ra Hà Nội làm Cục phó Cục… Cục Xây dựng phong trào an ninh trật tự của Bộ Công an Việt Nam.

Khi chuyện vỡ lở, Bộ Công an đã tổ chức thanh tra, đã xác định tướng Đa phải chịu trách nhiệm về những vấn đề vừa đề cập. Tướng Đa đã tự khắc phục số tiền chi không đúng quy chế quản lý tài chính.

Đáng lưu ý là trong vụ này, Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đề nghị… cảnh cáo tướng Đa và ở kỳ họp vừa qua (từ 11/5/2021 đến 14/5/2021), UBKT của BCH TƯ đảng CSVN… nhất trí với đề nghị ấy (1)!

Chẳng lẽ vẫn phải tin qui hoạch – bổ nhiệm nhân sự luôn luôn… khách quan, chặt chẽ khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng… nhất trí… luân chuyển ông Đa, bốc ông đem về đặt trong Bộ Công an, đến năm 2017 còn phong… tướng?

Chẳng lẽ vẫn phải tin chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ khi từ Bộ Công an đến UBKT BCH TƯ đảng CSVN… nhất trí chỉ… cảnh cáo tướng Đa, không truy cứu trách nhiệm hình sự về bất kỳ tội nào trong nhóm tội về chức vụ?

Nếu chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tại sao không điều tra xem 40 tỉ trong Quỹ Sản xuất của Công an Sóc Trăng đã được dùng đãi những ai, tặng quà cho những tập thể, cá nhân nào để xử lý cả những tập thể và cá nhân ấy? Nếu chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tại sao không điều tra xem những bữa tiệc, những món quà, những khoản chi cho công tác, hội nghị hết vài chục tỉ đó có liên quan đến qui hoạch – bổ nhiệm - phong tướng và nhất trí chỉ… cảnh cáo hay không?

***

Đề nghị xử lý tướng Đa của Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và quyết định… cảnh cáo tướng Đa của UBKT BCH TƯ đảng CSVN cho thấy, tổ chức đảng từ trên xuống dưới luôn dành sự trân trọng đặc biệt cho phần lớn đồng đảng. Những quyết định được xem là nghiêm khắc đối với thiểu số… đồng chí trong đảng chủ yếu chỉ nhằm chứng minh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng… tự chỉnh đốn nên đến giờ, truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn rất… hãn hữu.

Nếu đem tiến trình xem xét, xử lý tướng Đa (người dễ dàng vung tay chi hơn 43 tỉ cho tiệc tùng, quà cáp, công tác, hội nghị nhưng chỉ bị đảng cảnh cáo) đặt bên cạnh các qui định – phương thức quản trị - hiệu quả sử dụng của Gói Tín dụng ưu đãi giúp doanh nghiệp trả lương cho những người phải ngưng làm việc vì tác động của dịch COVID-19, ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ dễ dãi, trân trọng đồng đảng nhưng hết sức khắc nghiệt, khinh đồng bào.

Gói tín dụng vừa kể trị giá 16.000 tỉ nhưng sau một năm chỉ giải ngân gần 43 tỉ, tương đương… 0,27% giá trị (2), không phải vì doanh nghiệp hay những người phải nghỉ làm việc vì COVID-19 không cần trợ giúp mà vì quá nhiều đòi hỏi khắt khe. Hồi trung tuần tháng 3, tại cuộc Đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19, VCCI (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam) loan báo, doanh giới cho biết, cho vay không tính lãi để trả lương là chính sách khó tiếp cận nhất (3).

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/canh-cao-thieu-tuong-cong-an-dang-hoang-da-vu-chi-tien-ty-tiep-khach-20210514201412846.htm

(2) https://tuoitre.vn/chi-giai-ngan-duoc-gan-43-ti-trong-goi-tin-dung-uu-dai-16-000-ti-20210509160158913.htm

(3) https://dangcongsan.vn/kinh-te/giam-thu-tuc-de-doanh-nghiep-de-tiep-can-chinh-sach-ho-tro-576695.html

🔝

08/04/2021 - baotiengdan

Thật tréo ngoe

Lưu Trọng Văn
8-4-2021

Bộ Công thương là một trong những bộ có vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước. Công nghiệp và thương mại luôn là hai trụ cột của kinh tế Quốc gia.

Bộ trưởng của bộ này phải là nhà quản trị, tổ chức chuyên sâu, từng trải lão luyện trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Thật bất ngờ khi ông Nguyễn Hồng Diên được thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Quốc hội để Quốc hội bầu ông Diên vào ghế cực nóng, cực quan trọng là bộ trưởng bộ Công thương.

Đa số Dân chỉ biết ông Diên qua hai sự kiện đình đám.

1. Từ tiệc rượu chia tay ông rời Thái Bình về Trung ương làm phó ban Tuyên giáo Trung ương chiều tối 8-5-2020, trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều say rượu lái xe hơi gây tai nạn giao thông làm chết 1 người, làm 2 người bị thương nặng.

Vì cuộc rượu liên hoan ở nhà ông Diên này mà ông Điều bị khởi tố.

2. Phát biểu ra mắt trên cương vị Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Hồng Diên nói lời rất có cánh sau:

“…trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hạnh phúc của Đảng và dân tộc Việt Nam.”

Còn tiểu sử của ông Diên như sau:

“Sự nghiệp chính trị của ông khởi đầu với vai trò cán bộ Đoàn Thanh niên, lên dần đến chức vụ Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình rồi Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình.

12/2000 – 03/2003: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Thái Bình.

03/2003 – 02/2007: Bí thư Huyện ủy.

02/2007 – 10/2010: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình.

Sau đó ông là chủ tịch rồi bí thư Thái Bình.

Nên nhớ Thái Bình là tỉnh gần 90% dân sống ở nông thôn và làm nông.

Việc một người hoạt động lâu năm trong công tác đoàn, tuyên giáo, công tác đảng được điều về Trung ương làm phó ban Tuyên giáo TW là hợp lý.

Nhưng…

Giời ạ, Quốc hội bỏ phiếu có ai thấy chuyện tréo ngoe này không?

Dân bàn là vậy đó, các quan ngài nói sẽ tôn trọng nghe dân bàn, vậy các quan ngài giải thích giùm đi, vì sao các quan ngài làm chuyện tréo ngoe này?

🔝

14/04/2021 - baotiengdan

Chủ nghĩa tư bản thân hữu Việt Nam bước sang trang mới qua trường hợp Nguyễn Hồng Diên

Jackhammer Nguyễn
14-4-2021

Chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) ở Việt Nam đã được nói đến từ lâu, ngay từ khi Việt Nam bắt đầu cho phép kinh tế thị trường hoạt động, khi có những người trong lĩnh vực tư nhân giàu lên. Có tiền sẽ có thêm quyền hành và quyền hành sẽ giúp tạo thêm sự giàu có.

Nói một cách cụ thể là, các quan chức, từ thấp đến cao móc nối với các nhà tư bản ở Việt Nam, được gọi là “đại gia”. Các “đại gia” bỏ tiền ra cho quan chức, quan chức bảo kê cho “đại gia”. Và cuối cùng là, “đại gia” đảm nhiệm luôn các chức vụ, làm quan.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam có lẽ đã bước sang giai đoạn cuối cùng đó. Điều này có thể thấy rõ nhất qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Diên, con rể của một “đại gia” ở tỉnh Thái Bình, làm Bộ trưởng Bộ Công thương, một bộ mà mới nghe cái tên người ta cũng hình dung ra bao nhiêu là tiền.

Theo tác giả Phạm Vũ Hiệp, trong bài viết “Chuyện tân bộ trưởng Bộ Công thương và ông chủ hãng bia Đại Việt” đăng trên Tiếng Dân ngày 12/4/2021, ông Diên là con rể ông Trần Văn Sen, chủ nhân tập đoàn Hương Sen.

Các nguồn tin của Phạm Vũ Hiệp cho biết, ông Sen có quan hệ thân thiết với các viên chức thuần đảng cao cấp như Trần Quốc Vượng (nhân vật thân tín mà ông Nguyễn Phú Trọng định đưa lên thay mình để làm tổng bí thư nhưng thất bại, dẫn đến những thay đổi ngoạn mục trong việc chia chác quyền lực vừa qua), Trần Cẩm Tú…

Như vậy, Nguyễn Hồng Diên không thuộc nhóm thái tử đảng như các ông Trần Tuấn Anh (cựu Bộ trưởng Công thương, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương), hay Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Xây dựng, con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)…

Ông Diên tham gia đoàn thanh niên rồi vào các cơ quan thuần đảng để leo lên, với sự giúp sức của bố vợ là “đại gia” Trần Văn Sen. Ông Diên được bổ sung vào Ban Tuyên giáo Trung ương hồi năm 2020, như là một bệ phóng, cùng phe thuần đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, tranh đoạt quyền lực trong kỳ đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam.

Vừa được vào Ban Tuyên giáo hồi tháng 5/2020, ông Diên đã đăng đàn ca ngợi chuyện ông Trọng dù cao tuổi vẫn ở lại cầm quyền, mà thực chất là chuẩn bị dư luận để vài tháng sau ông Trọng xé bỏ điều lệ đảng của chính ông đưa ra, để trở thành một trường hợp siêu đặc biệt, ở lại cầm quyền thêm một lần nữa.

Câu chuyện “nâng bi” này được giới blogger “lề trái” chỉ trích thậm tệ, cũng như những đồn đoán về sự liên quan giữa Nguyễn Hồng Diên với băng nhóm xã hội đen Đường Nhuệ.

Hai việc này làm cho “lề trái” quên đi thân phận “đại gia” của ông Nguyễn Hồng Diên, một chi tiết quan trọng trong sự thay đổi cấu trúc quyền lực của xã hội Việt Nam hiện nay.

Sau khi mở cửa làm ăn kiểu tư bản, người ta hay nói về những doanh nghiệp sân sau, trong đó các “đại gia” với sự đỡ đầu của một quan chức cao cấp nào đó, như trường hợp Nguyễn Phương Bình, giám đốc ngân hàng Đông Á, được cho là sân sau của một số quan chức cao cấp gốc miền Trung cùng quê với ông Bình.

Trương Mỹ Lan, nữ “đại gia” địa ốc người Việt gốc Hoa, được cho là đứng sau lưng các quan chức chính trị thành Hồ.

Nổi bật hơn hết là “đại gia” Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đô la của Việt Nam, được cho là rất khôn khéo, đứng đằng sau nhiều phe nhóm khác nhau trong chính trường Việt Nam.

Nhưng các trường hợp Nguyễn Phương Bình, Phạm Nhật Vượng, Trương Mỹ Lan, người ta không thấy họ trực tiếp tham gia chính trường Việt Nam. Nguyễn Hồng Diên là nhân vật không phải thái tử đảng, lại là “đại gia”, trực tiếp tham gia chính trường.

Sự thăng tiến của Nguyễn Hồng Diên có thể báo hiệu một thời kỳ mới của chủ nghĩa tư bản thân hữu Việt Nam, tương tự như Trung Quốc, nơi có sự tham gia chính trường của các “đại gia”, theo thuyết ba đại diện của cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang Trạch Dân. Theo thuyết này ĐCS Trung Quốc đưa vào đội hình các “đại gia” của mình, như bài phân tích đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế của ông Lê Hồng Hiệp, từ Singapore.

Sau sự kiện ông Nguyễn Hồng Diên được bổ nhiệm Bộ trưởng Công thương, chỉ vài tháng sau khi vào Ban Tuyên giáo Trung ương, tạp chí này có bài phân tích, nhấn mạnh khía cạnh được cho là hợp lý của việc bổ nhiệm ông Diên. Sự “hợp lý” này dựa trên tiền đề, rằng phe “thuần đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng, với đàn em Nguyễn Hồng Diên sẽ kiểm soát các hoạt động kinh tế (mà Bộ Công thương là đầu mối) chặt chẽ hơn, sẽ chống tham nhũng tốt hơn.

Tạp chí này “quên” (hay là không biết?) lý lịch “đại gia” của Nguyễn Hồng Diên mà tác giả Phạm Vũ Hiệp nêu ra?

Thật ra, việc một thành viên gia đình của quan chức cao cấp là “đại gia”, không phải lần đầu xuất hiện trên chính trường Việt Nam, như trường hợp người trong gia đình bà cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có một doanh nghiệp kinh doanh thuốc nhập cảng, nhưng đây là trật tự chính trị trước, “đại gia” theo sau. Ngược lại, trường hợp Nguyễn Hồng Diên là “đại gia” trước, chính trị theo sau.

Một số người có thể lập luận rằng, Nguyễn Hồng Diên đã bắt đầu con đường hoạn lộ từ địa phương, leo lên đến trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh. Nhưng trong biết bao nhiêu viên chức cấp trung làng nhàng như vậy, mà chỉ chưa đầy một năm sau, ông Diên nhảy vọt lên, ngồi vào ghế Bộ trưởng, qua bước đệm Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trường hợp ông Diên cũng khác hai chị em “đại gia” Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm. Hai người này chỉ mon men đến Quốc hội trang trí, họ phải đành lòng làm… sân sau cho ai đó mà thôi. Ông Tâm trong cương vị đứng đầu tập đoàn Tân Tạo, một thời là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến từng là đại biểu Quốc hội, bị truất phế vì không khai mình có quốc tịch Mỹ.

Đã có những thái tử, công chúa đảng, rời môi trường chính trị của gia đình mình để làm “đại gia”, như ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẫn, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nay Nguyễn Hồng Diên, xuất thân từ gia đình “đại gia”, bước vào nội các chính phủ.

Quyền lực và tiền bạc là hai thứ rất gắn bó với nhau, từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Tuy nhiên, ở phương Tây, người dân có nhiều quyền hành, thông qua lá phiếu của mình.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng đã tấn công dữ dội các định chế dân chủ, như trường hợp bốn năm vừa qua tại Mỹ, khi “doanh nhân địa ốc” Donald Trump bổ nhiệm “doanh nhân địa ốc con rể” Jared Kushner làm cố vấn cao cấp. Ông Kushner thậm chí có lúc được xem như tổng thống thật sự (de facto president) khi ông ở đằng sau điều hành chính phủ. Nhưng lá phiếu của người dân Mỹ đã làm tan tành giấc mộng chính trường của hai “đại gia – chính trị gia Mỹ”, con rể – bố vợ này.

Người Việt Nam không có quyền quyết định ai làm lãnh đạo của mình thông qua lá phiếu. Họ sẽ cũng giống như người Trung Quốc, chờ đợi thuyết ba đại diện, phiên bản Việt Nam, mà Nguyễn Hồng Diên có thể là kẻ bắt đầu.

🔝

16/04/2021 - voatiengviet

Pháp quyền, ‘logo xe vua’, Quách Duy, và Lê Chí Thành

Ông Quách Duy tại phiên tòa ngày 15/4/2021. Photo Thanh Nien.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam vừa tạt nước vào mặt những người còn tin rằng chống tham nhũng ở Việt Nam không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam thì sau 18 tháng điều tra lại vụ án “đưa hối lộ, môi giới hối lộ” (thường được gọi là vụ án “logo xe vua”) theo yêu cầu của Tòa án Cấp cao tại TP.HCM, họ thấy rằng… không đủ căn cứ để xử lý 78/80 cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông về tội nhận hối lộ” (1).

Xe vua” là lối ví von những chiếc xe vận tải hạng nặng tuy chở quá khổ (mức độ cồng kềnh vượt khuôn khổ quy định), quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu,… vừa hủy hoại hệ thống giao thông (cầu, đường), vừa xâm hại trật tự, an toàn giao thông, gây ra vô số tai nạn nghiêm trọng nhưng không bao giờ bị phạt.

Vấn nạn “xe vua” xuất hiện từ thập niên 1990 và kéo dài khoảng 20 năm. Cả công chúng lẫn báo giới đã từng nói rất nhiều lần, thậm chí công bố rất nhiều bằng chứng, chứng minh chủ một số doanh nghiệp vận tải và cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) tạo ra “xe vua”. Sau khi nhận tiền từ chủ một số doanh nghiệp vận tải, hệ thống CSGT, TTGT cả tỉnh, thậm chỉ một số tỉnh cùng làm ngơ cho “xe vua” tung hoành. Để tránh… phạt lầm, hai bên đặt ra những dấu hiệu nhận dạng (logo). CSGT, TTGT chỉ phạt, thậm chí phạt rất nặng những xe không có logo hợp… cách. Nhằm giảm bớt oán than cả của công chúng lẫn các doanh nghiệp vận tải (nhiều doanh nghiệp phá sản vì không thể cạnh tranh về cước vận tải với doanh nghiệp có… “xe vua”), năm 2015, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Bộ Công an khởi tố hai nhóm chuyên cung cấp logo cho một số doanh nghiệp vận tải bởi có hàng ngàn xe mang các loại logo này đang làm… vua trên các tuyến đường ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Ba năm sau (2018), vụ án vừa kể được đưa ra xét xử. 10/11 bị cáo là thường dân bị kết án vì “đưa hối lộ” khoản tiền lên tới 30 tỉ. Chỉ có một CSGT bị kết án vì “môi giới hối lộ”!.. Năm sau (2019), Tòa án Cấp cao tại TP.HCM phúc thẩm vụ án. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát Tối cao – nơi thực thi quyền công tố, Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên bố hủy bản án sơ thẩm giao cho Bộ Công an điều tra lại vìcó dấu hiệu bỏ sót tội phạm”: Hồ sơ vụ án cho thấy có tới 80 CSGT và TTGT dính líu đến vụ án và theo hồ sơ, việc “nhận hối lộ” không chỉ có số tiền mà còn có cả địa điểm... Thêm 18 tháng điều tra lại, Bộ Công an dõng dạc trả lời, không đủ căn cứ để xử lý 78 CSGT, TTGT (chỉ còn 78 vì một đã chết, một đang lẩn trốn bởi còn phạm tội khác). Hệ thống tòa án được khuyên nên xử lý 11 bị cáo theo hướng mà tòa án cấp sơ thẩm từng xử và từng bị tòa án cấp trên hủy bản án. Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có những vụ án “đưa hối lộ, môi giới hối lộ”, xác định rạch ròi đưa bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu, ở đâu nhưng không có ai… “nhận hối lộ”!

***

Ngoài việc giới thiệu thông báo của Bộ Công an Việt Nam về kết quả điều tra lại vụ án “logo xe vua”, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam còn loan báo hai sự kiện khác cùng liên quan đến việc xử lý hình sự của hệ thống tư pháp: Một, ông Quách Duy, cựu Chuyên viên của Văn phòng UBND TP.HCM vừa bị phạt bốn năm sáu tháng tù do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (2). Hai, ông Lê Chí Thành, cựu đại úy công an, năm ngoái bị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, vừa bị bắt do “chống người thi hành công vụ” (3). Nếu thử đặt cả hai vụ án bên cạnh thông báo của Bộ Công an về kết quả điều tra lại vụ án “logo xe vua”, ắt sẽ thấy nhiều điểm hết sức thú vị về đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN trong xử lý hình sự đối với những cá nhân mà đảng từng tin cậy, lựa chọn…

Ông Duy không phải nhân vật xa lạ với công chúng Việt Nam. Vì là một trong những người nhiệt thành ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, ông Duy từng phân tích trên facebook về trách nhiệm của ba Ủy viên Bộ Chính trị và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của đảng, nhà nước trong phòng - chống tham nhũng xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với các anh Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và xử lý nghiêm minh theo quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước…

Tháng 7 năm 2019, tại hội nghị giữa Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng với Báo cáo viên của các Thành ủy, Tỉnh ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương, ông Võ Văn Thưởng dẫn trường hợp ông Duy … chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng Ban Tuyên giáo BCH TƯ đảng CSVN nhưng nhiều tháng không xử lý được… như một ví dụ về tình trạng mà ông Thưởng xác định là… không thể chấp nhận được (4).

Có thể là để được ông Thưởng… chấp nhận, tháng sau (tháng 8 năm 2019), Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM. quyết định khai trừ ông Duy ra khỏi đảng (5). Ông Duy không nao núng mà tuyên bố sẽ vừa khiếu nại, vừa… tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của đảng, nhà nước theo nguyên tắc mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai (6).

Cuối cùng, đảng cũng đã kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên chưa có ai và không nơi nào xem xét, xác định trách nhiệm của ông Thưởng tới đâu… khi còn là Phó Bí thư Thành ủy, ông Thưởng từng chỉ đạo giao “khu đất vàng” tại 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 cho Vũ “Nhôm” dù ông Duy tố giác, chỉ đạo ấy được ghi nhận trên “giấy trắng mực đen” (Kết luận số 318-KL/TU ngày 14 tháng 7 năm 2015 về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác “khu đất vàng”) (7).

Có hai câu cần hỏi: Bản án mà Tòa án quận Tân Phú, TP.HCM vừa tuyên đối với ông Duy liệu đã khiến ông Thưởng – giờ là Thường trực Ban Bí thư – hài lòng, cảm thấy trừng trị như thế là có thể… chấp nhận? Sau khi nhận bốn năm, sáu tháng tù vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ông Duy còn tin vào sự… sáng suốt của đảng, tin công cuộc chống tham nhũng là Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”?

Giống như ông Quách Duy, ông Lê Chí Thành là một trong những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn và tất nhiên là tin đảng, chọn theo đảng. Hưởng ứng các tuyên bố, cam kết liên quan đến chống tham nhũng, ông Thành gửi đơn cho Bộ Công an, tố cáo lãnh đạo Trại giam Thủ Đức (thường được gọi là Trại Z30D, tọa lạc tại Bình Thuận) gian lận, bớt xén lương, thưởng của các giám thị, nhân viên, cho vay nặng lãi... Ông Thành không dè những tố cáo ấy trở thành nguyên nhân khiến ông bị lãnh đạo Trại Z30D đày đọa, trả thù. Để bảo vệ mình, ông bạch hóa nội dung tố cáo trên mạng xã hội và thay vì điều tra – xử lý lãnh đạo Trại giam Z30D, Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, loại Đại úy Thành ra khỏi hàng ngũ công an. Tới lúc này, ông Thành bắt đầu đồng cảm với dân oan, ông thường xuyên bình luận về oan án trên mạng xã hội và bám sát CSGT để “giám sát” hoạt động của lực lượng mà ông tin rằng đã cũng như đang làm hoen ố uy tín của công an Việt Nam (8), cho đến khi bị bắt vì… “chống người thi hành công vụ”.

***

Tại sao 80 CSGT, TTGT mà cả Viện Kiểm sát Tối cao lẫn Tòa án Cấp cao tại TP.HCM cùng tin rằng có dính líu đến vụ án “logo xe vua” cho nên cùng yêu cầu Bộ Công an phải điều tra lại… tiếp tục thoát nạn? Tại sao những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn, dẫu bầm dập vẫn đinh ninh đảng… sáng suốt, vẫn muốn góp sức chống tiêu cực, tham nhũng như ông Duy, ông Thành không hề nhận được chút đồng cảm nào từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống tư pháp như 80 CSGT, TTGT kia?

Phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt lạ thường này nằm ở chỗ… biết điều chứ không phải là biết phân biệt đúng – sai, phải – trái? Không… biết điều là chết chắc!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-mua-ban-logo-xe-vua-chua-du-can-cu-xu-ly-78-csgt-ttgt-nhan-hoi-lo-1368297.html

(2) https://vnexpress.net/quach-duy-bi-phat-4-nam-6-thang-tu-4263147.html

(3) https://plo.vn/thoi-su/bat-tam-giam-ong-le-chi-thanh-978826.html

(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-internet-la-xa-lo-cho-may-lan-xe-chay-la-quyen-chung-ta-1100278.html

(5) https://tuoitre.vn/chuyen-vien-ubnd-tp-hcm-quach-duy-bi-khai-tru-dang-20190802162137182.htm

(6) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/379695496080762

(7) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/314226792627633

(8) https://danviet.vn/cuu-dai-uy-cong-an-le-chi-thanh-bi-tuoc-quan-tich-khi-nao-20210414172427014.htm

🔝

31/03/2021 - baotiengdan

Chủ nghĩa thái tử muôn năm

Định Nam
29-3-2021

Bà là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam. Bà từng qua Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Bí thư Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Trong cộng đồng người Thái tại Việt Nam thì bà là trường hợp đạt đến “đỉnh” quyền lực và là niềm tự hào chính đáng của bà con.

Không biết tài năng của bà thế nào nhưng tài uống rượu của bà là nhất. Bà uống rượu bằng bát, ai đã từng lên công tác Sơn La được bà mời rượu thì biết. Hai Đại tá bảo vệ bà cũng tài uống rượu như bà. Bà từng tâm sự: “Hai đồng chí Đại tá của tôi từng chung thuỷ gắn bó 15, 16 năm nay. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng rất gian khổ. Riêng khoản uống rượu cũng đủ chết”- Báo điện tử Dân Trí ngày 15-8-2016.

Quả là khoe khéo, bà tài uống rượu, bảo vệ bà tác nghiệp uống rượu cũng siêu, bằng cớ là họ đến nay không chết mà cũng béo tốt như bà.

Bà biết tài của bà nên khi bà Kim Ngân được vào tứ trụ, làm Chủ tịch Quốc hội, bà từng tâm sự với một nữ cán bộ cấp rất cao là bà bị “lãng quên” nên không được vào tứ trụ. Dường như thấu hiểu “tâm tư” của bà, tổ chức đưa bà làm Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chỉ kém bà Kim Ngân tí chút.

Tại Đại hội 13, bà phải nghỉ chứ không là trường hợp đặc biệt, dù bà rất khỏe, sung sức và đang ở đỉnh cao trí tuệ. Tuy nhiên bà nghỉ nhưng bà đã kịp để lại hai tài năng lãnh đạo Quốc hội.

Đó là quí tử Lò Việt Phương (chồng bà là Lò Văn Long mất năm 2011, tang lễ to nhất Sơn La), năm 21 tuổi đã là viên chức Nhà nước, thăng tiến như tên lửa, dăm tháng, vài năm đã lên một cấp, đang là Vụ trưởng Vụ Dân nguyện, đã được chọn vào danh sách bầu cử ĐBQH khoá 15 để có thể dự kiến làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.

Ái nữ của bà Lò Thị Việt Hà cũng thăng tiến tên lửa như anh, đã là Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Phó Chủ tịch Công đoàn Văn phòng QH (lãnh đạo cấp phòng) cũng vào danh sách ứng cử ĐBQH khoá 15 để lên chức cao hơn. Nghe tin như vậy là mừng nếu tin này là đúng là sự thật.

Bà tài, hai con bà càng tài. Nhưng nếu không là con bà thì chắc hai cô cậu này đang làm nương phát rừng như các bạn cùng trang lứa; hoặc chưa thi được vào công chức.

Bà còn làm rạng danh phụ nữ VN trước thế giới là phụ nữ VN không hề nhỏ bé nhẹ cân. Ngưỡng mộ bà Tòng Thị Phóng. Thảo nào bà Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc noi gương bà. Phong trào “học tập và làm theo” lo ghế cho con cháu rầm rộ từ Trung ương xuống địa phương.

Chủ nghĩa thái tử muôn năm! (Hô ba lần: Muôn năm).

Nguồn: Ngô Đức Hành

🔝